Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Thiện Đạo - Một vì sao rụng. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Thiện Đạo - Một vì sao rụng. Hiển thị tất cả bài đăng

23/5/10

Trần Thiện Đạo - Một vì sao rụng

TRẦN THIỆN ĐẠO
Một vì sao rụng

ALEXANDRE SOLJENITSYNE (1918-2008)

UY VŨ BẤT NĂNG KHUẤT

Sanh ngày 18/12/1918 ở miền núi Cápca ranh giới châu Âu châu Á, Alexandre ( Issaïevitch) Soljenitsyne lớn lên ở thành phố Rostov bên bờ sông Đông. Học văn, sử, triết và toán. Tòng quân khi Thế chiền thứ Hai bùng nổ. Năm 1945, bị bắt nhốt trại lao cải suốt tám năm ròng vì đã lớn tiếng chỉ tríchvà chế nhạo Thống chế Xtalin (1879-1953) cho tới khi nhà độc tài này qua đời mới được thả. Năm 1962, cuốn truyện Một ngày trong cuộc đời của Ivan Denissovitch tự sự hư cấu thời gian lao cải được xuất bản. Rồi tác giả bị gác bút - khiến chúng ta không khỏi nghĩ tới trường hợp các nhà văn nhà thơ họa sĩ trong nhóm Nhân văn Giai phẩm và những Bùi Ngọc Tấn, Dương Thu Hương sau đó ở bên ta. Dầu vậy, nhờ được xuất bản ở ngoại quốc, tác phẩm của ông liên hồi gây tiếng vang rộng lớn trên toàn thế giới. Giải Nobel văn chương 1970, nhưng chỉ nhận được năm 1974, khi bị chánh quyền Liên xô tước quốc tịch và trục xuất. Tạm cư ở Thụy sĩ, rồi định cư ở Hoa kì cho đền năm 1994 mới hồi hương. Từ trần trong đêm 3-4/12/2008, hưởng thọ 89 tuổi rưỡi.

Vai trò lịch sử

Phải nói ngay rằng ít có nhà văn nào trên thế giới đóng một vai trò lịch sử lớn lao ngần ấy, một vai trò tương xứng với tầm cỡ Alexandre Soljenitsyne. Trong những điều kiện cực cùng khó khăn (kiểm duyệt, tù tội, gác bút, trục xuất, văn nô hùa nhau phỉ báng), ông đã, bằng tác phẩm văn chương và văn học, vạch ra ánh sáng cho toàn thể thế giới nhìn thấy cái vũ trụ vô nhơn đạo trong các trại lao cải ở Liên xô. Mà chính mình đã trải qua tám năm ròng và căn cứ trên chứng từ của 227 zeks (lao động khổ sai), 227 con người nối khố, đồng cam cộng khổ với mình. Vũ trụ các trại mà ông gọi là Quần đảo Ngục tù – nhân đó tác phẩm trực tiếp tố cáo hệ thống tập trung tù nhơn chánh trị và thường phạm ở Liên xô và các nước vệ tinh. (1)

Tập biên khảo dày cộm này, ngót 1.000 trang in khổ lớn, được tác giả soạn thảo từ năm 1956 tới năm 1967 (ông ra tù năm 1953) trên nhũng trang giấy nhỏ. Để tránh kiểm duyệt và khỏi mang thêm hiểm họa, ông chôn giấu ngoài vườn của bạn bè, một bản thứ hai gởi ra ngoại quốc. Đầu năm 1974, khi một cô bạn của ông treo cổ tự tử, vì đã tiết lộ cho sở tình báo KGB biết các chỗ chôn giấu bản thảo, ông mới quyết định cho xuất bản ở Paris vừa bản tiếng Nga vừa bản tiếng Pháp, và, liền ngay sau đó, các bản tiếng ngoại quốc khác, Anh, Mĩ, Ý, Đức, Nhựt, Bồ… Cuốn Quần đảo Ngục tù, tất nhiên, gây sóng gió không những ở ngoại quốc mà cả ở trong nước. Thế là ông bị tước quốc tịch và trục xuất như một kẻ nhập cư trái phép. Và thừa dịp lãnh giải Nobel trao tặng bốn năm trước.

Hệt như truyện Một ngày trong cuộc đời của Ivan Denissovitch đăng trên tạp chí văn học Novy Mir (Thế giới Mới) 12 năm trước. Một tự sự hư cấu rất ngắn, 67 trang, dựa trên trải nghiệm của tác giả trong trại lao cải trước đó. Nó được đăng công khai trên một tạp chí chánh thức là bởi bi thư đảng Cộng sản Liên xô bấy giờ là ông Nikita Khrouchtchev (1894-1971), người đã đọc báo cáo nẩy lửa về những cái gọi là sai lầm của Xtalin. Có thể bảo văn tài của Alexandre Soljenitsyne được tóm gọn trong tác phẩm đọng đặc này. Ivan Denissovitch Choukhov là nhơn vật tiêu biểu. Hắn tin rằng tháng nào Thượng đế cũng bẻ nhỏ mặt trăng thành nhiều mảnh để thay các vì sao đã mỏi mòn, kiệt sức. Bị bọn Đức bắt làm tù binh, trốn thoát. Nhưng mới vừa về nước, hắn bị cơ quan tình báo tóm cổ ngay liền vỉ tội làm gián điệp cho địch. Tuyện tường thuật một trong ba ngàn sáu trăm năm mươi ba ngày lai cải, ‘’ một ngày kể như sung sưóng ra phết’’. Một tác phẩm vừa ảo vừa thực, nhưng thực hơn là ảo, tác giả và nhơn vật khi thì là hai khi thì là là một – kì ảo như Chùa Đàn (1946) của Nguyễn Tuân (1910-1987), kì thực như Chuyện kể năm 2000 (2000), hay Mộng du, của Bùi Ngọc Tấn. (2)

Trong văn nghiệp đồ sộ của ông, dài có (đa số, rất dài), ngắn có, ngoài hai tác phẩm kể trên, cũng cần nhắc thêm mấy tập sách khác liên quan tới chế độ xô viết. Như các cuốn Khu ung thư, Tầng đầu địa ngục, Bánh xe màu hồng… đều là những tác phẩm dày cộm không những về mặt trang sách mà về cả tư duy.

Trí thức dấn thân

Với bổn tánh không nhân nhượng, lại có năng khiếu nhìn xa thấy rộng và cốt cách khí khái chẳng thua gì tiền bối của mình là Fiodor Mikhaïlovitch Dostoïevski (1821-1881) hay, gần chúng ta hơn, Phan Khôi (1887-1959) chẳng hạn, và với bộ râu rậm vòng quanh khuôn mặt, Alexandre Soljenitsyne là hình ảnh các nhà trí thức cương trực thế kỉ XIX tái hiện.Và trên thực tế, là một nhà trí thức dấn thân, ít ai bì kịp, biểu tượng cho tinh thần phản kháng chế độ độc tôn nghiệt ngã ngự trị một thời gian dài ở nước ông.

Ông nghiễm nhiên trở thành đối tượng cho một bọn văn nô, do chánh quyền giựt dây, chĩa hằng bao mũi dùi nhọn hoắc, thẳng thừng đạp ông xuống bùn.(3) Không ngừng nghỉ, từ khi ông còn ở trong nước cho đến thời ông lưu vong ở Hoa kì ; và một cách hổ lốn xà ngầu, chẳng ngại bịa đặt những chuyện trái ngược hẳn nhau. Không chừa một loại cáo buộc nặng nhẹ nào : chống cộng, bảo hoàng, cực tả, cực hữu, thủ cựu, quá khích, phản động, kì thị, ghét do thái, đồng lõa với mật thám Đức, với tình báo Mĩ CIA, với mật vụ Pháp, cả với Hội Tam điểm… Một tên zek, nguyên lao động khổ sai, tố cáo ông làm chỉ điểm cho nhà chức trách đương nhiệm trong một tờ khai xảo trá. Cơ quan tình báo và mật vụ KGB thì đặt hàng, mua chuộc hậu hĩnh vài ba thân hữu và cả người vợ cũ của ông, bày họ viết sách phỉ báng và vu khống. Trước những cáo buộc đó, Alexandre Soljenitsyne giữ kẽ, lặng thinh.

Cho đến khi Liên bang xô viết sụp đổ vào cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 thế kỉ trước, kéo theo các vệ tinh của mình ở Đông Âu, ông được hoàn lại quốc tịch. Rồi trở về nước năm 1994. Bấy giờ, trong tập tự thuật Hột gạo rớt khỏi cối xay xuất bản năm 1998 và gần đây trong bài Bọn vẽ viết tầm phào đâu cốt đi tìm ánh sáng đăng trên tờ Literatournaïa Gazeta (Văn nghệ báo), ông mới lên tiếng mỉa mai, ngay cả trên nhan đề tập sách và bài báo, đáp trả các lời cáo buộc vô căn cứ nói trên của bọn văn nô. Bằng cách sắp xếp lại, đặt chúng kề sát bên nhau để chúng tự mình phản biện lẫn nhau, khỏi cần chêm thêm bình luận. Một thủ thuật hiệu nghiệm.

Nói nào ngay, thì tư tưởng chánh trị và xã hội của ông chẳng phải thảy đều thuộc loại dễ chấp nhận. Vì nó không đơn giản chút nào và hết sức phức tạp để có thể gói gọn trong từ ngữ bao giờ cũng thẳng tuột, đóng khung. Vì nó được đúc kết ngày lại ngày suốt trọn một cuộc đời đầy đặc thử thách (tù đày, bạn bè phản bội, tác phẩm cấm phát hành), nung nấu trong một số phận lao đao, gót rỗ ki khu (4) (tước quốc tịch, trục xuất, lưu vong). Ông đã lần lượt sống trong một chế độ thiếu tự do, rồi trong một chánh thể quá ư lãng phí không chỉ về mặt vật chất mà cả về mặt tinh thần. Khiến cho ông ngộ rằng người ta không thể bỗng chốc nhảy phốc từ một thể chế độc tài qua thể chế dân chủ mà thành công ngay liền. Phần khác, ông lại quan niệm rằng một nền dân chủ thật thụ chỉ có thể dấy lên từ dưới lên trên, nghĩa là từ tâm ý của đại chúng, chớ không thể do chánh quyền trung ương đặt định. Một ý tưởng xem chừng trái khoáy, dầu gì cũng của một nhà trí thức trung thực, cần được tôn trọng.

Thế kỉ Soljenitsyne

Năm ngoái, trong diễn văn nhận Giải Quốc gia từ tay Tổng thống Nga Vladimir Poutine đọc ngày 17 tháng 06/2007, Alexandre Soljenitsyne tin tưởng như sau : « Vào cuối đời mình, tôi có hi vọng rằng (…) vật liệu lịch sử tôi đã thâu thập sẽ khắc sâu trong lương tâm và trong trí nhớ đồng bào của mình.» Quả không sai. Qua hai tác phẩm để đời Một ngày trong cuộc đời của Ivan Denissovitch và Quần đảo Ngục tù, với phong cách sử thi, với chứng từ đậm nét, với cảm xúc tràn đầy và nhứt là với ngọn lửa rọi sáng hệ thống vô nhơn đạo của thể chế chánh trị nọ, nhà văn Alexandre Soljenitsyne đã để lại không chỉ cho đồng bào của ông mà cho hậu thế trên thế giới nói chung một dấu ấn khôn phai.

Cho nên chúng tôi muốn gọi thế kỉ XX vừa qua là thế kỉ Soljenitsyne ; hệt như thế kỉ XVIII, thế kỉ Voltaire (1694-1778) và thế kỉ XIX, thế kỉ Victor Hugo (1802-1885). (5)

-----------------------------

(1)Nguyên tác : Goulag, rút ngắn tên gọi tiếng Nga Glavnoïe Oupravlenie Laguereï, Tổng cục lao cải. Loại gọi là trại (học tập) cải tạo thiết lập ở bên ta sau tháng 04/1975. Lao cải, cải tạo là anh em sanh đôi và đều là trại tù khổ sai như nhau, đói khát, bịnh tật, chết chóc.

(2)Trong cuốn ‘’ tiểu thuyết’’ Mộng du, hay Chuyện kể năm 2000, Bùi Ngọc Tấn dùng rất nhiều tiếng lóng, hệt như Alexandre Soljenitsyne trong cuốn ‘’ truyện ‘’ Một ngày trong cuộc đời của Ivan Denossovitch.

(3)Tương tợ mấy văn nô nổi tiếng thời Nhân văn Giai phẩm ở bên ta, từ những Hoài Thanh (1909-1982), Xuân Diệu (1916-1985)... tới những Nguyễn Công Hoan (1903-1977), Nguyễn Đình Thi (1924-2003)... - có cần nhắc tên ông Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Tố Hữu (1920-2002) ở đây hay không ?

(4)Chữ của Ôn như Nguyễn Gia Thiều (1741-1798), Cung oán ngâm khúc, câu 70. (5) Những nhận định kể trên đều căn cứ trên các bản Pháp dịch.

Paris văn học

ANNA GAVALDA

HIỆN TƯỢNG VĂN CHƯƠNG KHÔNG TRỐNG KHÔNG KÈN

Nếu như vài ba năm trước đã xảy ra trên văn đàn Pháp một hiện tượng văn chương nổi bọt (nổi bọt, chớ chưa phải nổi bật) nhờ ở loại chiến dịch tiếp thị và quảng cáo ồn ào (1), thì trong thời gian đó có hai hiện tượng khác không trống không kèn mà hiệu quả vẫn cứ dai dẳng. Tiêu biểu cho hiện tượng ấy là hai nhà văn nữ :

* Muriel Barbery, tác giả một thứ hài kịch nhan đề L’Elégance du hérisson (Con nhím lịch lãm – Nxb Gallimard, 08/2006) mà chúng tôi đã có dịp thưa cùng bạn đọc độ nào (2). Cuốn truyện không ngừng được xếp vào hàng top ten (10 đầu sách bán chạy nhứt) liên tục suốt 80 tuần ròng, từ bấy đến nay đà bán hết 1.000.000 ấn bản và vẫn còn bán chạy.

* Anna Gavalda, tác giả cuốn truyện La Consolante (Khuây khỏa nỗi lòng – Nxb Le Dilettante) mới vừa phát hành giữa tháng 03/2008 này. Đây là quyển tiểu thuyết thứ ba của bà mà mọi người nôn nao ngóng đợi : Nxb không ngại ấn hành ngay lần đầu những 300.000 cuốn và chắc nay mai sẽ in thêm nối bản. Qua mầy dòng dưới đây, chúng tôi xin giải trình hiện tượng đặc biệt này.

Tác phầm đầu tay

Cuối tháng 08/1999, Nxb Le Dilettante cho phát hành tập truyện ngắn Je voudrais que quelqu‘un m’attende quelque part (Tôi mong được ai đó đợi mình) của một nhà giáo trẻ dạy văn ở vùng phụ cận Paris. Đây quả là một thao tác có chút gì phiêu lưu trong ngành in ấn: một là vì truyện ngắn thuộc loại hình ít được độc giả Pháp ưa chuộng, hai là vì Anna Gavalda là tác giả (bấy giờ) chưa mấy ai biết tiếng, ba là vì tập truyện là tác phẩm đầu tay. Vậy mà, chỉ trong vòng hai tháng, 20 ngàn ấn bản đầu tiên đà bán sạch trơn. Ông Dominique Gauthier, giám đốc Nxb, nhớ lại : « Quả thật là bất ngờ. Cảm thấy có cái gì rục rịch khởi động, nên ngay đầu tháng 11, chúng tôi liền cho in thêm 20 ngàn nối bản. Thế rồi vào Hội chợ sách tháng 03 năm sau, tập truyện trúng giải RTL-Lire (giải đài RTL/tạp chí Văn) (3), thế là lại in thêm 100 ngàn nối bản nữa, và độc giả khôn thôi tìm đọc. (…) Không dè truớc được. Giá hồi ấy có ai tiên đoán là truyện ngắn có thể bán được nhiều như vậy, tới những 250 ngàn cuốn, chắc gì chúng tôi dám tin ngay. »

Le Dilettante vốn là một Nxb nhỏ không đủ phương tiện tiếp thị và quảng cáo để ‘’đánh trống rao hàng’’ như các Nxb đầu ngành, theo kiểu, nói thí dụ, Nxb Fayard đã gióng tiếng cho cuốn La Possibilité d’une île (Với tới hòn đảo) của Michel Houellebecq. (1) Vậy thì thành tựu nói trên do đâu mà ra ? Cũng hệt như tác phẩm Con nhím lịch lãm của Muriel Barbery (2), tập truyện đầu tay của Anna Gavalda được độc giả tranh nhau mua là nhờ ở chất lượng tự tại của nó : hữu xạ tự nhiên hương. Độc giả lấy làm thích thú nên cứ tự dưng truyền tay nhau đọc hoặc kháo nhau mua, các tiệm sách thì nhiệt tình trưng bày tập truyện như một tác phẩm nên đọc và cần đọc, rồi giới phê bình lần lượt viết bài bàn luận một cách thân tình. Một qui trình trái ngược thông lệ : hễ có chất lượng thì tác phẩm tất được biết đến không cần phải phô trương.

Chẳng những vậy, mà nó còn là cơ hội vực dậy một nhà xuất bản nhỏ chưa đủ vây cánh để chen lấn, cạnh tranh với đồng nghiệp đã có bề dầy thương mãi, thúc đẩy nó vững bước trên con đường sự nghiệp của mình. Ông Dominique Gauthier thừa nhận : « Anna Gavalda là nhà văn mang đến cho chúng tôi thành quả đầu tiên qua một tác phẩm đầu tay. Hồi đó chúng tôi nhận được nhiểu cú điện thoại của các chủ tiệm sách, đại khái bảo rằng họ hết sức lấy làm mừng thấy tập truyện do chúng tôi ấn hành bán chạy như tôm tươi, thật hiếm. Bởi chúng tôi vốn là một Nxb nhỏ, không có phương tiện tiếp thị. Chúng tôi nghe trong lời nói của họ biết bao cảm tình, khuyến khích. Từ đó đến nay, vì là Nxb duy nhứt chịu in truyện ngắn của Anna Gavalda cho nên chúng tôi vẫn tiếp tục ấn hành tác phẩm của bà. » (4)

Hiện tượng Anna Gavalda khởi sự từ đây.

Độc giả đa dạng

Giới phê bình bấy giờ mới chợt nhận thấy Anna Gavalđa có một năng khiếu đậm đặc : gần gũi với độc giả. Không cao siêu, không làm dáng. Biết quan sát, biết thuật chuyện thường nhựt. Kết quả nhiều ngày tháng thám sát điều tra, thâu thập tư liệu, cho phép tác giả tạo nên những nhơn vật thật tình số động, gấn gũi, không thuộc loại bịa đặt, nhạt phèo. Nhơn vật truyện của bà là cuộc sống vây quanh. Cho nên độc giả đương nhiên rất ư đa dạng. Và họ thảy đều ca ngợi tánh chất đó.

Chẳng hạn như cô Émilie A, 22 tuổi : « Sách của Anna Gavalda ai cũng đọc được, cũng hiểu, rất gần với đời sống. Nhơn vật trong truyện hết sức hấp dẫn, độc giả như bị thôi miên, không ngớt hòa lẫn cảm xúc với họ. » Hay ông Maurice G., 31 tuổi : « Anna Gavalda viết văn như thể viết giùm tôi vậy. Có dịp trò chuyện với bà, tôi thấy bà cũng hết sức gần gũi với độc giả giống hệt các nhơn vật trong truyện. » Còn bà Michèle P., 44 tuổi : « Sách nào của Anna Gavalda cũng dễ đọc và lôi cuốn. Tác giả luôn dùng loại từ ngữ giản dị kể những điều sâu lắng trong đời sống thường ngày. Má tôi nay đà 75, vậy mà vẫn thích và đòi đọc Anna Gavalda. » và bà Virginie T., 56 tuổi : « Hiếm có nhà văn nào thân mật với độc giả bằng Anna Gavalda. Bản thân bà giống hệt nhơn vật của mình. Truyện của bà bao giờ cũng lạc quan, đem lại cho người đọc một luồng gió trong lành giữa bầu khí ô trọc và ngột ngạt hiện thời. »

Ông giám đốc Nxb Le Dilettante phụ họa : « Phải nhìn nhận rằng độc giả của Anna Gavalda thuộc đủ mọi thành phần, phụ nữ có, đàn ông có, trẻ có, già có - ở bất luận từng lớp nào, độ tuổi nào. Vượt qua giới tánh và tuổi tác, không thôi thì làm sao sách của bà bán tới được ngần ấy.» Những con số vượt bực. Năm 2004, chỉ với cái tên tác giả không thôi mà cuốn tiểu thuyết thứ hai Ensemble, c’est tout (Chung sống với nhau) của Anna Gavalda đã nghiễm nhiên chiếm hàng đầu loạt sách bán chạy nhứt. Câu chuyện kể hết sức kì lạ mà cũng hết sức hiện thực, xoay quanh ba nhơn vật chung sống với nhau dẫu họ từng lớp xã hội khác nhau : một công nhơn quét dọn đầu tắt mặt tối, một anh chàng quí phái ngờ nghệch, một chú đầu bếp du côn nhưng có trái tim yếu đuối nhạy cảm… Một triệu ấn bản và nối bản hết trọn ngay liền. Rồi một triệu ấn bản khác trong loại bỏ túi tiếp theo cũng sạch trơn - thống kê hãng Nghiên cứu thị trường Edistat-Titelive cho thấy có lúc bán tới những 2.500 cuốn mỗi ngày. Rồi truyện được dựng thành phim nhựa, cũng rất ư ăn khách chẳng thua gì tập sách.

Anna Gavalda thật sự nổi tiếng từ đây.

Ngôi sao trong hội chợ

Sau bốn năm trời vắng bóng trên văn đàn, cuốn truyện thứ ba La Consolante của bà chẳng nói chẳng rằng cứ vọt lên đứng đầu loại sách bán chạy trong Hội chợ sách ở Paris tổ chức vào trung tuần tháng Ba này. Còn độc giả thì nối đuôi nhau xếp hàng để trò chuyện vài giây, nhận vài dòng đề tặng và đọc lướt câu chuyện gia đình khởi đầu vào mùa đông ở phi trường : « Mặt trời màu sữa, mùi xăng đậm đặc, thân xác mệt nhoài. »

Anna Gavalda mặc nhiên trở thành ngôi sao sáng chói trong Hội chợ. Và ngoài Hội chợ.

------------------------------

(1)Xem : Hiện tượng Michel Houellebecq – Văn chương hay ‘’ đánh trống rao hàng’’ ? và Đầu voi đuôi chuột (Hợp lưu, số 86, tháng 12-2005 & 01-2006).

(2)Xem : Một hiện tượng của văn học Pháp 2007 – Con nhím lịch lãm (Hợp lưu, số 99, tháng 3 và 4 năm 2008).

(3)Xem : Giải thưởng văn học ở Pháp (Văn nghệ, số 6, ngày 12/2/2005) và Giải thưởng văn chương ở Pháp (Hợp Lưu, số 98, tháng 1&2/2008).

(4)Xem Hợp lưu số này, lời dẫn nhập của André Spire chủ trì buổi tọa đàm La nouvelle d’aujourd’hui (Truyện ngắn ngày nay) tổ chức ở Paris ngày 16 tháng 03/2001 do chúng tôi ghi chép ngay hôm đó : « Các Nxb thường chỉ nhận in truyện ngắn của tác giả nào đã có tiểu thuyết bán chạy. Họ làm việc này như một đặc ân (…) ‘’ Tôi ban ơn cho ngài đó. (…) Vin theo số tiểu thuyết hay mà ngài đã cho xuất bản, tôi mới dám nhận in truyện ngắn của ngài.’’»



VÀI HỘT SẠN LƯỢM TRONG TẬP

L`HEXAGONE DE SÔNG HỒNG

Tập thơ tiếng Pháp L`hexagone de Sông Hồng, chuyển ngữ từ tập Lục giác sông Hồng, qui tụ sáu nhà thơ đương đại Việt nam: Dạ Thảo Phương, Dương Tường, Hoàng Hưng, Ngô Tự Lập, Phan Huyền Thư và Vi Thùy Linh. Sáu nhà thơ nổi tiếng này, tuy mỗi nhà một thi cách riêng và thuộc nhiều thế hệ kế tiếp từ thập niên 30 tới 80 thế kỉ trước, đều cùng một tâm huyết chung là cách tân, đổi mới hình thức lẫn thi hứng trong tác phẩm của mình. Hai bản tiếng Pháp và tiếng Việt in chung thành một quyển duy nhứt, nhưng tách biệt, đầu sách tập này là cuối sách tập kia - do "Ngô Tự Lập (…) trực tiếp thực hiện" (sđd, tr. 4) và Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành "với sự giúp đỡ của Trung tâm Văn hóa và Hợp tác Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam" (tr. 2).

Dưới đây, chúng tôi xin mạn phép khoanh vùng, không bàn tới phẩm chất thi ca của nguyên tác và bản dịch. Mà chỉ trình bày một số sơ hở, đơn thuần về mặt ngữ pháp, ngôn từ và phong cách diễn đạt, nhận thấy trong bản tiếng Pháp - loại sai sót có thể khiến cho bản dịch mất đi phần lớn chất lượng của nó.

Sai sót tiêu biểu

Từ số thẻ đã ghi làm tư liệu riêng, chúng tôi trích dẫn, lần lượt theo thứ tự in trong sách, vài ba thí dụ điển hình cho loại bất cập nói trên.

Nhan đề Nguyên tác Nhan đề Bản dịch

(1) Kinh cầu Ước – Một ngày thức dậy… Prière Puissais-je – Un jour en me réveillant…

Tiếng Pháp không có động từ puisser để chuyển thành Puissais(-je) theo thì imparfait (thì quá khứ). Đọc chữ đầu tiên này của bài thơ đầu tiên in trong bản dịch (tr. 10), chúng tôi lấy làm ngỡ ngàng, không hiểu. Do lỗi in chăng? Nhưng không, cụm từ Puissais-je được lặp đi lặp lại sáu lần liên tiếp. Vậy phải tìm hiểu qua nguyên tác. Thì ra đó là Ước, có nghĩa là nguyện cầu, và trong ngữ cảnh, nó được dịch bằng động từ pouvoir để chuyển thành Puisse-je theo thì présent du subjonctif (thì hiện tại diễn đạt ước vọng). Có điều là, trong những trường hợp tương tự, đọc lên nguyên văn như vậy nghe thấy nó líu lưỡi ngọng nghịu thế nào, nên người Pháp đương nhiên chèn vô một suffixe (hậu tố) cho được thuận lưỡi thuận tai. Chỉ chêm thêm mỗi một dấu sắc, biến lời thỉnh cầu Puisse-je thành Puissé-je, dễ nói dễ nghe hơn.

(2) Đại lộ … được đổi bằng nhiều mạng Grand chemin … acquises au prix de nombreuses morts

Trong mạch văn, chữ mạng hàm nghĩa hết sức cụ thể là xác chết, là tử thi - … đá quý đổi bằng nhiều mạng (tr. 15) đúng theo nguyên tác, đối lập với Cái Chết trừu tượng giãi bày cách đó năm dòng. Danh từ số nhiều morts (tr. 15) trên đây vì vậy thuộc loại nom masculin (giống đực), nên tính từ kèm theo phải là nombreux, đối lập với danh từ la Mort thuộc loại nom féminin (giống cái). Không thôi thì mọi sự hóa ra vô nghĩa bởi vừa thiếu mạch lạc vừa thiếu chuẩn xác.

(3) Quả táo Thành đạt – Yếm thế La pomme Accomplis ou Cyniques

Tiếng Pháp cyniques (tr. 18) có nghĩa là trâng tráo, trơ trẽn, chống đối mọi tiêu chuẩn đạo đức, mọi ý nghĩ thường tình. Không hàm đúng nghĩa Yếm thế = có tư tưởng chán đời (theo Từ điển tiếng Việt, Hoàng Phê chủ biên) của nguyên tác. Chúng tôi cố công tìm hiểu xem có lí do đặc biệt chánh đáng nào khiến cho dịch giả chuyển ngữ một cách sai lệch như vậy, nhưng vô hiệu – xin được chỉ giáo.

(4) như trên (Lũ trẻ…) Khiêng nàng đi tìm một chỗ vấp như trên (Des enfants…) La portent et s`en vont en quête d`un endroit où ils pourraient trébucher

Nguyên tác chỉ gồm có bảy chữ, bản dịch gấp đôi (tr. 19). Đây không phải là chuyện dài ngắn. Mà là ở chỗ trong khi nguyên tác rất ư kiệm lời thì bản dịch lại lòng thòng, kèm theo mấy cụm từ et s`en vont và ils pourraient vừa suy diễn vừa giải thích một cách quả tình vô tích sự. Bản dịch có thể tóm gọn hệt như nguyên tác: … La portent en quête d`un lieu où trébucher chẳng hạn.

(5) Sen muộn Trút bỏ xiêm y – Trút bỏ thịt da Tardive fleur de lotus Elle se dévêtit et se débarrasse enfin de sa peau

Động từ se dévêtir chia vào ngôi thứ ba trong thì présent de l`indicatif (thì đương kim hiện tại) là se dévêt, đồng thì với động từ se débarrasser là se débarrasse. Chớ không phải là se dévêtit (tr. 26) thuộc thì passé simple (thì quá khứ đơn), khiến cho câu Pháp dịch trệch nghĩa với nguyên tác. Chúng tôi không rõ vì sao dịch giả chia động từ nhầm lẫn như vậy.

(6) Hãy phủ thơ khắp thế giới của em Je couvre de poésie ce monde qui est mienne

Câu dịch thượng dẫn (tr.102), năm trang sau, hóa thành Je couvre de poésie ce monde qui est mien (tr. 107). Ngoài chỗ chữa sửa, hay thay chữ, khí lạ lẫm (mienne, mien) này và chủ thể Je (Tôi) không có trong nguyên tác (Hãy phủ…), cả hai câu dịch đều hiện dưới mắt người đọc và chui vào tai người nghe một cách nặng trịch (ce monde qui est mienne, …qui est mien) và cầu kì (Je couvre de poésie) - để khỏi bảo là ngô nghê thế nào. Bởi, trong ngữ cảnh, một người Pháp ít nhiều có học chắc sẽ diễn đạt một cách suôn sẻ và giản dị hơn nhiều. Chẳng hạn như: Que mon univers à moi soit inondé de poésie (ghi chú: mon univers à moi: sự trùng lặp ở đây nhấn mạnh ý của em trong nguyên tác), hoặc Que le monde entier soit parsemé de mes vers và nhiều cách diễn đạt khác nữa.

(7) Nơi ánh sáng Thành phố lên đèn… Le code secret de la lumière La ville allume la lumière

(8) như trên Hoảng hốt lên đèn như trên Effrayée elle allume la lumière

Trong lời nói cũng như trong câu chữ, người Pháp tối kị sự trùng lặp, thứ lỗi mà họ gọi là pléonasme, không thể tha thứ trong một bài văn. Hai lần trùng lặp allume la lumière liên tiếp (tr. 110), trong khi nguyên tác chỉ lên đèn một cách nhè nhẹ gọn gàng, không nhấn mạnh ý tưởng phát biểu (xem ghi chú trong thí dụ 6 trên đây – một ngoại lệ xác minh qui tắc đặt định).

(9) Đồng tử Vì mặt trời thiêu đốt – Tất cả loài chim… Prunelle Abattus par la chaleur – Tout oiseau

Động từ abattre chia dưới dạng participe passé (phân từ quá khứ) là abattu. Thêm ở đằng sau, chữ e trong trường hợp chủ thể thuộc giống cái: abattue; chữ s nếu là số nhiều: abattus; vừa giống cái vừa số nhiều, thì là abattues. Chủ thể của bản dịch là Tout oiseau (tr. 115) thuộc giống đực và số ít, phân từ quá khứ phải là abattu. Chúng tôi không rõ dịch giả viết phân từ abattus với chữ s vì nguyên do nào: vì số nhiều tiềm ẩn nguyên tác tất cả (tr. 106) chăng? vì tin rằng phân từ thông dụng là abattus chăng?

(10) Yêu cùng George Sand … bí mật bay giữa lồng sáng nhiệm mầu Aimer à l`instar de George Sand … s`envoler discrètement au milieu des millions de nimbes miraculeuses

Danh từ nimbe(s) thuộc giống đực, tính từ kèm theo phải là miraculeux. Dịch giả lầm tưởng nó thuộc giống cái chăng, nên mới biến tính từ giống đực thành giống cái miraculeuses (tr. 116)? Một lỗi văn phạm, hay nhầm lẫn, khó hiểu. Chúng tôi không rõ là do bất cẩn, hay do thiếu hiểu biết, mà dịch giả lẫn người hiệu đính mắc phải thứ lỗi văn phạm hay ngữ pháp sơ đẳng khó bề chấp nhận này.

(…)

Và hiệu đính

Mấy sơ hở trình bày trên đây đều trích ra từ các bài dịch đã được hiệu đính, hay để dùng chữ của nguyên tác tiếng Pháp in trong sách là traductions revisées par… (tr. 3 – ghi chú: từ ngữ chỉ định công trình chuyển dịch loại này thường là adaptation(s) hoặc translation(s), chuẩn xác hơn) cho phép chúng tôi đặt nhiều câu hỏi – không xét tới trình độ và khả năng Pháp văn của các dịch giả, mà chỉ bàn về tác phong của người hiệu đính:

* khái quát, như: Có thể hiệu đính thơ dịch không, nhứt là trong trường hợp người hiệu đính không phải là nhà thơ? Hiệu đính thơ dịch trên căn bản nào, theo tiêu chuẩn nào, đơn thuần về mặt ngữ pháp và ngôn từ hay cả về mặt thi ca? Dịch thơ và dịch văn xuôi khác nhau và/hay giống nhau ở chỗ nào? Khó hơn hay dễ hơn ở chỗ nào?...

* cụ thể, như: Các nhà hiệu đính tập L`hexagone de Sông Hồng có (tài) làm thơ - trong số người nước ngoài này, chúng tôi chỉ biết có một nhà thơ là Stéphane Wattier - không? Họ có thông thạo tiếng Việt, và cả tiếng Pháp (đâu phải hễ là người Pháp là đương nhiên sành sõi tiếng… Pháp), tới mức đủ khả năng hiệu đính không?...

Một điều nữa cũng đáng được chú ý, là có những bản dịch được tới hai nhà hiệu đính, đồng lượt hay thay phiên nhau, cáng đáng (trang 110-113 và tr. 114-115). Thiếu tự tin? Quá thận trọng?

Trước khi dừng bút…

… xin được phép thưa rõ. Chúng tôi nghe thấy từ đây - nhưng trên thực tế, đã nghe thấy rồi trong nhiều dịp khác - các lời trách móc kiểu bới lông tìm vết, bới bèo ra bọ và không ưa thì dưa có dòi… Đặc biệt qua hai loại phản ứng, hay đúng hơn, qua hai loại phản xạ có điều kiện hoặc không điều kiện. Loại thứ nhứt: sao ông dám đụng tới Mỗ? Loại thứ nhì: ông định hạ bệ Mỗ để chiếm chỗ trên văn đàn ư? Mỗ là (những) dịch giả có tiếng thành thạo ngoại ngữ và (những) cây đa cây đề trong ngành dịch thuật.

Chúng tôi cho đó là loại phản ứng cạn suy, bốc đồng. Chẳng dính líu gì tới sự việc trình bày. Bởi trách nhiệm của chúng tôi, trách nhiệm mà chúng tôi tự mình nhận lãnh trong công việc này (Anh không làm thì ai làm?) là phải lên tiếng cảnh giới bạn đọc trước những bất cập nhận thấy trong các bản dịch Việt/Pháp và Pháp/Việt thiếu chuẩn xác về mặt ngữ pháp, ngôn từ và phong cách diễn đạt - mặc cả tiếng tăm của các đương sự - mặc cả các phản xạ bè phái.

Như đã thực thi hơn bốn mươi năm trước - ở một nơi khác và trong một hoàn cảnh khác.

----------------------------------

(1) Dạ Thảo Phương, Prière. Traduit par Dương Tường – Revisé par Muriel Gilardone.

(2) Dạ Thảo Phương, Grand chemin. Traduit par Dương Tường – Revisé par Muriel Gilardone.

(3) (4) Dạ Thảo Phương, La pomme. Traduit par Dương Tường – Revisé par Muriel Gilardone.

(5) Dạ Thảo Phương, Tardive fleur de lotus. Traduit par Dương Tường – Revisé par Muriel Gilardone.

(6) Vi Thùy Linh, Je couvre de poésie ce monde qui est mien(ne). Traduit par Châu Diên – Revisé par Muriel Gilardone.

(7) (8) Vi Thùy Linh, Le code secret de la lumière. Traduit par Cao Việt Dũng – Revisé par Lương Nguyễn Liêm Bình et Muriel Gilardone.

(9) Vi Thùy Linh, Prunelle. Traduit par Cao Việt Dũng – Revisé par Lương Nguyễn Liêm Bình et Muriel Gilardone.

(10) Vi Thùy Linh, Aimer à l`instar de George Sand. Traduit par Dương Tường – Revisé par Muriel Gilardone.

TRẦN THIỆN-ĐẠO

(Paris, 04/08/2008)

Một vì sao rụng

ALEXANDRE SOLJENITSYNE (1918-2008)

UY VŨ BẤT NĂNG KHUẤT

Sanh ngày 18/12/1918 ở miền núi Cápca ranh giới châu Âu châu Á, Alexandre ( Issaïevitch) Soljenitsyne lớn lên ở thành phố Rostov bên bờ sông Đông. Học văn, sử, triết và toán. Tòng quân khi Thế chiền thứ Hai bùng nổ. Năm 1945, bị bắt nhốt trại lao cải suốt tám năm ròng vì đã lớn tiếng chỉ tríchvà chế nhạo Thống chế Xtalin (1879-1953) cho tới khi nhà độc tài này qua đời mới được thả. Năm 1962, cuốn truyện Một ngày trong cuộc đời của Ivan Denissovitch tự sự hư cấu thời gian lao cải được xuất bản. Rồi tác giả bị gác bút - khiến chúng ta không khỏi nghĩ tới trường hợp các nhà văn nhà thơ họa sĩ trong nhóm Nhân văn Giai phẩm và những Bùi Ngọc Tấn, Dương Thu Hương sau đó ở bên ta. Dầu vậy, nhờ được xuất bản ở ngoại quốc, tác phẩm của ông liên hồi gây tiếng vang rộng lớn trên toàn thế giới. Giải Nobel văn chương 1970, nhưng chỉ nhận được năm 1974, khi bị chánh quyền Liên xô tước quốc tịch và trục xuất. Tạm cư ở Thụy sĩ, rồi định cư ở Hoa kì cho đền năm 1994 mới hồi hương. Từ trần trong đêm 3-4/12/2008, hưởng thọ 89 tuổi rưỡi.

Vai trò lịch sử

Phải nói ngay rằng ít có nhà văn nào trên thế giới đóng một vai trò lịch sử lớn lao ngần ấy, một vai trò tương xứng với tầm cỡ Alexandre Soljenitsyne. Trong những điều kiện cực cùng khó khăn (kiểm duyệt, tù tội, gác bút, trục xuất, văn nô hùa nhau phỉ báng), ông đã, bằng tác phẩm văn chương và văn học, vạch ra ánh sáng cho toàn thể thế giới nhìn thấy cái vũ trụ vô nhơn đạo trong các trại lao cải ở Liên xô. Mà chính mình đã trải qua tám năm ròng và căn cứ trên chứng từ của 227 zeks (lao động khổ sai), 227 con người nối khố, đồng cam cộng khổ với mình. Vũ trụ các trại mà ông gọi là Quần đảo Ngục tù – nhân đó tác phẩm trực tiếp tố cáo hệ thống tập trung tù nhơn chánh trị và thường phạm ở Liên xô và các nước vệ tinh. (1)

Tập biên khảo dày cộm này, ngót 1.000 trang in khổ lớn, được tác giả soạn thảo từ năm 1956 tới năm 1967 (ông ra tù năm 1953) trên nhũng trang giấy nhỏ. Để tránh kiểm duyệt và khỏi mang thêm hiểm họa, ông chôn giấu ngoài vườn của bạn bè, một bản thứ hai gởi ra ngoại quốc. Đầu năm 1974, khi một cô bạn của ông treo cổ tự tử, vì đã tiết lộ cho sở tình báo KGB biết các chỗ chôn giấu bản thảo, ông mới quyết định cho xuất bản ở Paris vừa bản tiếng Nga vừa bản tiếng Pháp, và, liền ngay sau đó, các bản tiếng ngoại quốc khác, Anh, Mĩ, Ý, Đức, Nhựt, Bồ… Cuốn Quần đảo Ngục tù, tất nhiên, gây sóng gió không những ở ngoại quốc mà cả ở trong nước. Thế là ông bị tước quốc tịch và trục xuất như một kẻ nhập cư trái phép. Và thừa dịp lãnh giải Nobel trao tặng bốn năm trước.

Hệt như truyện Một ngày trong cuộc đời của Ivan Denissovitch đăng trên tạp chí văn học Novy Mir (Thế giới Mới) 12 năm trước. Một tự sự hư cấu rất ngắn, 67 trang, dựa trên trải nghiệm của tác giả trong trại lao cải trước đó. Nó được đăng công khai trên một tạp chí chánh thức là bởi bi thư đảng Cộng sản Liên xô bấy giờ là ông Nikita Khrouchtchev (1894-1971), người đã đọc báo cáo nẩy lửa về những cái gọi là sai lầm của Xtalin. Có thể bảo văn tài của Alexandre Soljenitsyne được tóm gọn trong tác phẩm đọng đặc này. Ivan Denissovitch Choukhov là nhơn vật tiêu biểu. Hắn tin rằng tháng nào Thượng đế cũng bẻ nhỏ mặt trăng thành nhiều mảnh để thay các vì sao đã mỏi mòn, kiệt sức. Bị bọn Đức bắt làm tù binh, trốn thoát. Nhưng mới vừa về nước, hắn bị cơ quan tình báo tóm cổ ngay liền vỉ tội làm gián điệp cho địch. Tuyện tường thuật một trong ba ngàn sáu trăm năm mươi ba ngày lai cải, ‘’ một ngày kể như sung sưóng ra phết’’. Một tác phẩm vừa ảo vừa thực, nhưng thực hơn là ảo, tác giả và nhơn vật khi thì là hai khi thì là là một – kì ảo như Chùa Đàn (1946) của Nguyễn Tuân (1910-1987), kì thực như Chuyện kể năm 2000 (2000), hay Mộng du, của Bùi Ngọc Tấn. (2)

Trong văn nghiệp đồ sộ của ông, dài có (đa số, rất dài), ngắn có, ngoài hai tác phẩm kể trên, cũng cần nhắc thêm mấy tập sách khác liên quan tới chế độ xô viết. Như các cuốn Khu ung thư, Tầng đầu địa ngục, Bánh xe màu hồng… đều là những tác phẩm dày cộm không những về mặt trang sách mà về cả tư duy.

Trí thức dấn thân

Với bổn tánh không nhân nhượng, lại có năng khiếu nhìn xa thấy rộng và cốt cách khí khái chẳng thua gì tiền bối của mình là Fiodor Mikhaïlovitch Dostoïevski (1821-1881) hay, gần chúng ta hơn, Phan Khôi (1887-1959) chẳng hạn, và với bộ râu rậm vòng quanh khuôn mặt, Alexandre Soljenitsyne là hình ảnh các nhà trí thức cương trực thế kỉ XIX tái hiện.Và trên thực tế, là một nhà trí thức dấn thân, ít ai bì kịp, biểu tượng cho tinh thần phản kháng chế độ độc tôn nghiệt ngã ngự trị một thời gian dài ở nước ông.

Ông nghiễm nhiên trở thành đối tượng cho một bọn văn nô, do chánh quyền giựt dây, chĩa hằng bao mũi dùi nhọn hoắc, thẳng thừng đạp ông xuống bùn.(3) Không ngừng nghỉ, từ khi ông còn ở trong nước cho đến thời ông lưu vong ở Hoa kì ; và một cách hổ lốn xà ngầu, chẳng ngại bịa đặt những chuyện trái ngược hẳn nhau. Không chừa một loại cáo buộc nặng nhẹ nào : chống cộng, bảo hoàng, cực tả, cực hữu, thủ cựu, quá khích, phản động, kì thị, ghét do thái, đồng lõa với mật thám Đức, với tình báo Mĩ CIA, với mật vụ Pháp, cả với Hội Tam điểm… Một tên zek, nguyên lao động khổ sai, tố cáo ông làm chỉ điểm cho nhà chức trách đương nhiệm trong một tờ khai xảo trá. Cơ quan tình báo và mật vụ KGB thì đặt hàng, mua chuộc hậu hĩnh vài ba thân hữu và cả người vợ cũ của ông, bày họ viết sách phỉ báng và vu khống. Trước những cáo buộc đó, Alexandre Soljenitsyne giữ kẽ, lặng thinh.

Cho đến khi Liên bang xô viết sụp đổ vào cuối thập niên 80 đầu thập niên 90 thế kỉ trước, kéo theo các vệ tinh của mình ở Đông Âu, ông được hoàn lại quốc tịch. Rồi trở về nước năm 1994. Bấy giờ, trong tập tự thuật Hột gạo rớt khỏi cối xay xuất bản năm 1998 và gần đây trong bài Bọn vẽ viết tầm phào đâu cốt đi tìm ánh sáng đăng trên tờ Literatournaïa Gazeta (Văn nghệ báo), ông mới lên tiếng mỉa mai, ngay cả trên nhan đề tập sách và bài báo, đáp trả các lời cáo buộc vô căn cứ nói trên của bọn văn nô. Bằng cách sắp xếp lại, đặt chúng kề sát bên nhau để chúng tự mình phản biện lẫn nhau, khỏi cần chêm thêm bình luận. Một thủ thuật hiệu nghiệm.

Nói nào ngay, thì tư tưởng chánh trị và xã hội của ông chẳng phải thảy đều thuộc loại dễ chấp nhận. Vì nó không đơn giản chút nào và hết sức phức tạp để có thể gói gọn trong từ ngữ bao giờ cũng thẳng tuột, đóng khung. Vì nó được đúc kết ngày lại ngày suốt trọn một cuộc đời đầy đặc thử thách (tù đày, bạn bè phản bội, tác phẩm cấm phát hành), nung nấu trong một số phận lao đao, gót rỗ ki khu (4) (tước quốc tịch, trục xuất, lưu vong). Ông đã lần lượt sống trong một chế độ thiếu tự do, rồi trong một chánh thể quá ư lãng phí không chỉ về mặt vật chất mà cả về mặt tinh thần. Khiến cho ông ngộ rằng người ta không thể bỗng chốc nhảy phốc từ một thể chế độc tài qua thể chế dân chủ mà thành công ngay liền. Phần khác, ông lại quan niệm rằng một nền dân chủ thật thụ chỉ có thể dấy lên từ dưới lên trên, nghĩa là từ tâm ý của đại chúng, chớ không thể do chánh quyền trung ương đặt định. Một ý tưởng xem chừng trái khoáy, dầu gì cũng của một nhà trí thức trung thực, cần được tôn trọng.

Thế kỉ Soljenitsyne

Năm ngoái, trong diễn văn nhận Giải Quốc gia từ tay Tổng thống Nga Vladimir Poutine đọc ngày 17 tháng 06/2007, Alexandre Soljenitsyne tin tưởng như sau : « Vào cuối đời mình, tôi có hi vọng rằng (…) vật liệu lịch sử tôi đã thâu thập sẽ khắc sâu trong lương tâm và trong trí nhớ đồng bào của mình.» Quả không sai. Qua hai tác phẩm để đời Một ngày trong cuộc đời của Ivan Denissovitch và Quần đảo Ngục tù, với phong cách sử thi, với chứng từ đậm nét, với cảm xúc tràn đầy và nhứt là với ngọn lửa rọi sáng hệ thống vô nhơn đạo của thể chế chánh trị nọ, nhà văn Alexandre Soljenitsyne đã để lại không chỉ cho đồng bào của ông mà cho hậu thế trên thế giới nói chung một dấu ấn khôn phai.

Cho nên chúng tôi muốn gọi thế kỉ XX vừa qua là thế kỉ Soljenitsyne ; hệt như thế kỉ XVIII, thế kỉ Voltaire (1694-1778) và thế kỉ XIX, thế kỉ Victor Hugo (1802-1885). (5)

TRẦN THIỆN-ĐẠO

(Paris, 04/08/2008)

-----------------------------

(1)Nguyên tác : Goulag, rút ngắn tên gọi tiếng Nga Glavnoïe Oupravlenie Laguereï, Tổng cục lao cải. Loại gọi là trại (học tập) cải tạo thiết lập ở bên ta sau tháng 04/1975. Lao cải, cải tạo là anh em sanh đôi và đều là trại tù khổ sai như nhau, đói khát, bịnh tật, chết chóc.

(2)Trong cuốn ‘’ tiểu thuyết’’ Mộng du, hay Chuyện kể năm 2000, Bùi Ngọc Tấn dùng rất nhiều tiếng lóng, hệt như Alexandre Soljenitsyne trong cuốn ‘’ truyện ‘’ Một ngày trong cuộc đời của Ivan Denossovitch.

(3)Tương tợ mấy văn nô nổi tiếng thời Nhân văn Giai phẩm ở bên ta, từ những Hoài Thanh (1909-1982), Xuân Diệu (1916-1985)... tới những Nguyễn Công Hoan (1903-1977), Nguyễn Đình Thi (1924-2003)... - có cần nhắc tên ông Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Tố Hữu (1920-2002) ở đây hay không ?

(4)Chữ của Ôn như Nguyễn Gia Thiều (1741-1798), Cung oán ngâm khúc, câu 70. (5) Những nhận định kể trên đều căn cứ trên các bản Pháp dịch.




Copyright © 2008 www.hopluu.net.