Hiển thị các bài đăng có nhãn Con đường sáng tạo (5). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Con đường sáng tạo (5). Hiển thị tất cả bài đăng

14/7/10

Con đường sáng tạo (5)

Con đường sáng tạo
(Tư tưởng và quan niệm về sáng tác của Nietzsche, Rimbaud, Henry Miller, Schopenhauer, William Faulkner, André Gide, Georges Simenon, Rainer Maria Rilke, Emerson, Thomas Wolfe)
Nguyễn Hữu Hiệu dịch và giới thiệu


Arthur Schopenhauer

Nói về bút pháp

Giới thiệu - Arthur Schopenhauer chào đời tại Danzig ngày 22 tháng hai năm 1887. Cha ông là một thương gia theo tư tưởng cấp tiến. Mẹ ông, Johanna, là một người thông minh và là một tiểu thuyết gia thành công thời bấy giờ.

Từ thuở nhỏ, Schopenhauer đã tỏ ra thông minh khác thường. Ông theo cha trong những cuộc buôn bán ở ngoại quốc và tòng học tại những nước đó. Ông bước vào thương trường tại Hamburg. Sau khi cha ông từ trần, có lẽ tự tử, vào năm 1805, Schopenhauer lại tiếp tục đi học lại. Ông khinh bỉ triết học của Fichte đang được giảng dậy tại đại học Berlin. Ông quyết định lập một triết thuyết riêng.

Luận án tiến sĩ của ông, Về bốn cội nguồn của nguyên tắc túc lý, được in năm 1813. Ông trở về sống với mẹ tại Weimar, nơi ông được nhiều triết gia, trong số đó có Goethe, khuyến khích.

Sau khi bất hòa với mẹ, Schopenhauer, tới Dresden, chính tại đó, ông viết tác phẩm lớn nhất của ông Thế giới như ý chí và ý tượng. Ông chủ trương rằng ý chí là nền tảng của vũ trụ và ý chí tội lỗi tự căn bản. Bởi thế, cứu cánh của đời người là tiêu diệt ý chí ấy. Tư tưởng Schopenhauer nhuốm mầu sắc Phật giáo và Vedanta. Ông hy vọng tác phẩm của ông được chấp nhận ngay như một tác phẩm triết học quan trọng, cách mạng. Trái với lòng mong mỏi ấy, Thế giới như ý chí và ý tượng, bị người ta bỏ quên.

Schopenhauer bắt đầu diễn giảng tại đại học Berlin từ 1820, nhưng ông cũng lại bị thất lạc trước triết học duy lý của Hegel đang làm mưa làm gió tại đại học Berlin lúc đó. Từ năm 1822 tới năm 1831 Schopenhauer du lịch qua Ý, Thụy Sĩ. Lúc nào cũng chỉ có một mình. Cuối cùng, năm 1831, ông hẳn tại Frankfurt – am – Main, nơi ông sống hoàn toàn trong cô liêu. Ông mất tại Frankfurt ngảy 21 tháng chín năm 1860.

Có một khía cạnh trong cá tính và tư tưởng Schopenhauer thường được liên tưởng tới mỗi khi tên ông được nhắc đến: bi quan. Tuy nhiên, không có dụng ngữ nào khó dùng như chữ “bi quan”. Đôi khi, bi quan triệt để lại chính là nguồn gốc của nỗi hân hoan cùng cực như Nietzsche, môn đệ của Schopenhauer, đã chứng minh. Người ta ghê sợ, xa lánh, không muốn nói tới ông không phải vì tính chất bi quan phi lý của ông nhiều cho bằng vì sự tàn bạo của ông. Quả thực, ông là một người vô cùng tàn bạo. Không một người nào, ngay cả Beethoven, lại có thể duy trì được cơn thịnh nộ hung bạo lâu đến như ông. Khi Nietzsche tìm cách “Làm thế nào triết lý với một cây búa”, chúng ta phải hiểu rằng, chính Schopenhauer đã cho Nietzsche mượn cái cán búa ấy.

Có một điểm mà tất cả những người đọc Schopenhauer phải công nhận, dù họ thích triết lý của ông hay không, đó là sự kiện Schopenhauer là một nhà văn tài ba. Sau Platon, trước Nietzsche và Bergson, Schopenhauer là một triết gia có một bút pháp vô cùng quyến rũ, đến nỗi chính Nietzsche, trong cuốn khảo luận Schopenhauer, nhà giáo dục (Schopenhauer als Erzicher) trong bộ Những suy tưởng phi thời (Unzeil – gemmaisse Betrachtungen) cũng phải nhìn nhận rằng: “Bút pháp của Schopenhauer đôi khi khiến tôi nhớ đến bút pháp của Goethe, nhưng không nghĩ tới một mẫu mực nào khác ở Đức. Vì ông biết nói một cách đơn giản những điều thật sâu xa, khiến người ta cảm động mà không cần tu từ pháp, và diễn tả những chân lý hoàn toàn có tính cách khoa học mà không thông thái rởm…”. Chỉ có bút pháp của Lessing và Montaigne họa may mới có thể sánh được với ông.

Schopenhauer lên án những lối viết khoa trương rỗng tuếch. Ông chỉ trích nặng nề những kẻ chuyên dùng đao to búa lớn; những tên tiên tri thấu thị giả mạo, chuyên nói chuyện trên trời dưới bể, viết như có thể hô phong hoán vũ, khạc ra lửa, mửa ra mật đen mật vàng ở trang trước để rồi, ngay ở trang sau thôi, quỵ và lụy xuống những tình cảm yếu đuối, con người (Schopenhauer’s Ausdruck erinnert mich hier und da ein wenig an Goethe, sonst aber überhaupt nicht an deutsche Muster. Denn er versteht es, das Tiefsinnige einfach, das Ergreifende ohne Rhetorik, das streng Wissenschaftliche ohne Pedanterie zu sagen…), quá con người, kể lể dài dòng, mơn trớn rối rít đến thảm bại, ca và ngợi mãi được lòng thương xót mà trong lòng chúng không có đến một giọt. Ông lột mặt nạ một cách tàn nhẫn những kẻ bịp bợm chuyên dùng khiếm khí giả, viết những câu, những chữ trừu tượng, khó hiểu để, thay vì diễn tả điều mình muốn nói, lại che dấu đi, bởi trong thâm tâm, chúng biết rằng những điều ấy quá tầm thường không hấp dẫn nổi ai: chúng sợ bị hiểu. Ông cũng không tha thứ những tên ma giáo chỉ có ngoại kích mà thiếu nội công, chuyên dùng loạn đao, chửi bới lung tung đập phá lung tung hay ca tụng lung tung, tâng bốc lung tung thì cũng vậy, như một cách duy nhất để tiến thân.

Với tất cả những kẻ ấy, Schopenhauer cảnh báo rằng:

Chỉ là mảnh vải thô chướng thôi, man trá đem lau chùi hay bôi xóa những hoành phi câu đối vàng son mà hy vọng trở thành hoa gấm ư? Hư vọng lắm thay! Mi sẽ rớt xuống như một tấm rẻ rách bẩn thỉu!

Hãy là mình, thẳng thắn nhìn nhận con người mình, dù yếu đuối hay bất tài.

Hãy viết thành thực và một cách bình dị, tất cả những điều mình thấy, biết, cảm nghiệm, dù xấu xa hay tầm thường.

Vì thành thực là bí quyết của một bút pháp hay và đơn giản chính là yếu tính của thiên tài.


*


Bút pháp là diện mạo của tâm hồn và là dấu chỉ tính tình bảo đảm hơn nét mặt. Bắt chước bút pháp của người khác chẳng khác nào đeo mặt nạ, chẳng những không bao giờ đẹp đẽ hơn mà lại còn lập tức tạo ra sự kinh tởm và gớm ghiếc, bởi vì nó vô sinh; đến nỗi ngay cả khuôn mặt xấu xí nhất cũng vẫn còn hơn. Từ đó những kẻ nào viết bằng tiếng La Tanh và mô phỏng cách viết của những tác giả cổ điển có thể bị coi như nói qua một cái mặt nạ; độc giả, thực tế, nghe thấy họ nói gì nhưng không thể quan sát diện mạo họ; không thể thấy bút pháp họ. Với những tác phẩm La Tanh của những tác giả suy nghĩ cho mình, trường hợp lại khác hẳn, và bút pháp của họ biểu lộ; nhà văn, tôi muốn nói tới những người không chịu hạ mình chấp nhận bất cứ một hình thức bắt chước nào, như Scotus Erigena, Petrarch, Bacon, Descartes, Spinoza, và nhiều người khác nữa. Sự làm bộ trong bút pháp giống như sự nhăn mặt. Hơn nữa, ngôn ngữ trong đó nhà văn sử dụng còn là diện mạo của quốc gia ông ta; và từ đây có nhiều sự sai biệt rõ rệt và dễ thấy ngay, bắt đầu từ ngôn ngữ của người Hy Lạp tới ngôn ngữ của thổ dân đảo Caribbean.

Hình thành một sự thẩm định hẹp hòi về giá trị của sáng tác phẩm của một nhà văn, không trực thiết bằng hiểu biết về đề tài mà nhà văn đó suy tưởng, hay điều ông ta nói: việc đó bao hàm việc đọc toàn bộ tác phẩm của ông ta. Đại để, hiểu ông ta suy tưởng cách nào là đủ rồi. Điều này, nghĩa là tính tình chủ yếu hay tính chất đại cương của tâm trí ông ta, có thể xác định rõ rệt bởi bút pháp của ông ta. Bút pháp một người cho ta thấy đặc tính hình thái của toàn thể tư tưởng hắn – đặc tính tình thái không bao giờ thay đổi, dù đề tài hay đặc chất của tư tưởng hắn có thể thế nào đi chăng nữa. Nó như thể bột nhồi làm bánh mà mọi nội dung của tâm hồn hắn được nặn thành. Khi được hỏi đi sang làng bên cạnh mất bao lâu, Eulenspiegel trả lời có vẻ phi lý: Đi. Ông ta muốn tìm ra khoảng cách con người có thể đi trong một thời gian chỉ định bằng cách đi của người ta. Tương tự như vậy, khi tôi đọc vài trang của một tác giả, tôi biết rất rõ hắn có thể mang tôi đi xa đến đâu.

Tất cả mọi nhà văn tầm thường đều cố gắng che đậy bút pháp tự nhiên của chính mình, bởi vì trong thâm tâm, họ biết sự thật của điều mà tôi đang nói đây. Thoạt tiên, họ bị bắt buộc phải chấm dứt bất cứ toan tính muốn được thẳng thắn hay chân thật nào – một đặc ân chỉ dành cho những tâm hồn siêu đẳng, ý thức về giá trị của chính mình và do đó tự tin nơi mình. Điều tôi muốn nói là những nhà văn tầm thường tuyệt đối không thể quả quyết viết như họ nghĩ, bởi vì họ cảm tưởng rằng, nếu họ làm vậy, tác phẩm của họ có thể sẽ rất trẻ con và ngây ngô. Dầu sao, nó không phải là không có đôi chút giá trị. Nếu họ bắt tay vào việc một cách lương thiện, và nói, một cách đơn giản những điều họ suy nghĩ thực sự, và đúng y như họ nghĩ về chúng, những nhà văn này có thể đọc được và trong phạm vi riêng của họ, còn có tác dụng giáo huấn nữa.

Nhưng thay vì thế, họ cố gắng làm cho độc giả tin rằng tư tưởng của họ còn đi xa hơn thế rất nhiều và sâu xa hơn thực tế. Họ nói điều phải nói bằng những câu dài quanh co ngoắt ngéo , câu thúc và thiếu tự nhiên; họ đặt ra những chữ mới và viết những câu văn rườm rà đi vòng quanh, vòng quanh ý tưởng và bao bọc nó trong một hình thức trá hình giả dối. Họ giao động giữa hai mục đích khác hẳn nhau: thông tri điều họ muốn nói và che đậy nó. Mục tiêu của họ là trang điểm nó để nó có vẻ trí thức hoặc sâu sắc, hầu cho độc giả có cảm tưởng rằng trong đó nó chứa đựng nhiều hơn lúc mắt mới nhìn qua rất nhiều. Hoặc họ ghi chép ý tưởng họ từng mảnh vụn một, tóm lại, những câu mơ hồ và mâu thuẫn, bề ngoài có vẻ hàm ngụ nhiều ý nghĩa hơn họ nói – về lối viết này, những bài luận thuyết về triết học tự nhiên của Schelling là một thí dụ điển hình; hoặc họ diễn thuyết tràng giang đại hải và dài dòng không chịu nổi như thể sự lê thê không dứt cần để độc giả hiểu ý nghĩa thâm trầm của câu văn họ, trong khi nó có vẻ hơi ngây ngô nếu thực không phải là ý tưởng tầm thường được lặp đi lặp lại, thí dụ về lối viết này có thể tìm thấy vô số trong những tác phẩm phổ thông của Fichte, và trong những cuốn chuyên thư triết học của hàng trăm tên khờ khạo đáng thương khác không đáng kể ra ở đây; hoặc, họ còn cố gắng viết bằng một vài bút pháp đặc biệt mà họ say mê sử dụng và nghĩ rằng đó một bút pháp cao siêu sâu sắc và khoa học tuyệt với, mà độc giả có thể bị giầy vò tới chết đi được bởi hiệu quả ru ngủ của những câu cú dài lê thê không chứa đựng một mảy may ý tưởng nào trong đó cả - như được cung cấp trong một phạm vi đặc biệt bởi những con người trơ trẽn nhất trên đời, những môn đồ của Hegel; hoặc có thể đó là một bút pháp trí thức mà họ cố gắng đạt tới, bút pháp trong đó hình như đối tượng hoàn toàn phát điên; v.v… trong nhiều trường hợp khác. Tất cả mọi bút pháp này cố gắng dời lại việc nascetur ridiculus mus (cố gắng Thái Sơn đẻ ra con chuột nhắt) – tránh trình bầy cái sinh vật tí hon sinh ra từ những nỗi thống khổ lớn lao này – thường làm cho người ta khó hiểu thực sự chúng muốn nói gì. Và rồi, họ viết lia lịa có khi cả chục câu trọn vẹn, mà không gắn bó một chút ý nghĩa nào vào đó cả, nhưng lại hy vọng rằng một số người nào đó sẽ mọi móc từ đó ra được đôi chút ý nghĩa.

Và đâu là nền tảng của tất cả những thứ đó? Không gì khác hơn là một cố gắng bán chữ cho tư tưởng không biết mệt, một lối buôn bán luôn luôn cố gắng khai trương lại cho chính mình và những thành ngữ kỳ cục, đảo câu và kết hợp đủ mọi kiểu, hoặc mới hoặc cũ trong một ý nghĩa mới, để tạo ra một vẻ trí thức hầu thay thế cho cái cảm thức khiếm khuyết đớn đau.

Thú vị biết bao khi thấy những nhà văn nhằm đối tượng này thử hết kiểu thức cầu kỳ này đến kiểu thức cầu kỳ khác như thể họ đang đeo mặt nạ trí thức! Chiếc mặt nạ này có thể đánh lừa được kẻ thiếu kinh nghiệm trong chốc lát, cho đến khi người thấy rõ nó là một vật chết, không có chút sự sống nào trong đó cả; rồi nó bị chế giễu và được thay bằng cái khác. Một tác giả thuộc loại này có lúc viết một cách sôi nổi như thể hắn đang say sưa, nhưng có lúc, ngay trang sau thôi, hắn sẽ phách lối, nghiêm khắc, uyên bác và luộm thuộm, ấp úng trong một cách nói luống cuống ngập ngừng nhất và chẻ sợi tóc ra làm tư; giống như nhà văn quá cố Christian Wolf; chỉ trong bộ cánh tân thời hơn thôi. Sống dai dẳng nhất là cái mặt nạ của sự khó hiểu; nhưng cái mặt nạ này chỉ có Đức, nơi nó được du nhập vào bởi Fichte, được làm cho hoàn hảo thêm bởi Schelling và được đưa lên tới chóp đỉnh trong tác phẩm của Hegel – luôn luôn nó gặt hái được kết quả tốt đẹp nhất.

Tuy nhiên, không có gì dễ hơn là viết khiến cho không ai hiểu gì cả, ngược lại, không có gì khó hơn là diễn tả những điều sâu xa bằng một cách mà tất cả mọi người, từ ngu phu ngu phụ, đều nhất thiết phải hiểu được. Tất cả mọi nghệ thuật và mánh lới tôi vừa kể trên trở thành vô dụng nếu tác giả quả thật có chút đầu óc; vì điều đó cho phép hắn trình bầy con người thực của hắn, và chứng thực cho mọi thời đại câu châm ngôn của Horace nói rằng không ngoan là suối nguồn và khởi nguyên của bút pháp:

Scribendi recte sapere est el principium et fons.
(Minh triết là khởi nguyên và nguồn gốc của văn hay)

Nhưng những tác giả tôi đã kể tên giống như một số công nhân kim loại, thí nghiệm hàng trăm hợp kim để thay thế vàng – một kim loại duy nhất không bao giờ thay thế được. Tệ hơn thế nữa, không gì khiến nhà văn sơ hở hơn là cố gắng lộ liễu trưng bầy trí thức của mình hơn thực sự có; bởi vì điều đó khiến độc giả nghi ngờ rằng hắn hiểu biết rất ít; vì bao giờ cũng vậy, nếu một người làm bộ có bất cứ điều gì, thì y như rằng hắn khiếm khuyết điều đó.

Đó là lý do tại sao chúng ta ca ngợi một nhà văn khi nói rằng ông ta ngây thơ: điều đó có nghĩa rằng ông ta không cần trốn tránh việc tự biểu lộ con người chân thật của ông ta. Nói chung, ngây thơ đồng nghĩa với việc quyến rũ, trong khi thiếu tự nhiên nơi nào cũng bị cự tuyệt. Thực thế, chúng ta thấy rằng bất cứ một nhà văn vĩ đại thực sự nào cũng cố gắng trình bầy tư tưởng ông ta càng thuần khiết, minh bạch, xác đáng và gọn gàng bao nhiêu càng hay bấy nhiêu. Sự đơn giản bao giờ cũng được coi như một dấu hiệu của sự thật, nó còn là một dấu hiệu của thiên tài. Bút pháp nhận được vẻ đẹp từ câu văn nó diễn tả; nhưng với những triết gia giả mạo, người tưởng rằng tư tưởng sở dĩ đẹp là nhờ bút pháp. Bút pháp không là gì hết ngoài cái bóng của tư tưởng, và một bút pháp tối tăm hay tồi tệ có nghĩa là một đầu óc trì độn hay rối loạn.

Vậy thì, qui luật thứ nhất cho một bút pháp hay, là tác giả có điều gì để nói; hơn nữa; điều này, trong tự thể, hầu như là tất cả những gì cần thiết. A, nó bao hàm biết bao ý nghĩa! Sự lơ là với qui luật này là một nét căn bản của lối văn triết luận; và quả thực, của toàn thể mọi thứ văn chương trầm tư mặc tưởng, của đất nước tôi, đặc biệt bắt đầu từ Fichte. Tất cả những nhà văn này đều cho thấy họ muốn tỏ ra như thể họ có điều gì để nói; trong khi họ chẳng có gì để nói cả. Lối viết lách kiểu này được mang vào bởi những ngụy triết gia ở các Đại học đường và bây giờ nó thông dụng khắp nơi, ngay cả trong đám danh sĩ số một của thời đại. Nó đẻ ra thứ văn chải chuốt và mơ hồ, có vẻ hai nghĩa hay nhiều hơn nữa trong cùng một câu; nó còn đẻ ra lối diễn tả lê thê và bừa bãi, gọi là style empesé; chưa hết nó còn đẻ ra lối văn phí phạm vô ích tuôn chữ nghĩa ra như một trận lụt lội; cuối cùng, nó đẻ ra một sự dối trá che đậy sự nghèo nàn ý tưởng đáng ghê tởm nhất dưới hình thức một cuộc nói bá láp lộn xộn không bao giờ dứt, lè nhè như chè thiu và hoàn toàn mê muội – chuyện cũ rích mà người ta có thể đọc hàng giờ liền mà không thâu lượm được một mảy may ý tưởng diễn tả minh bạch và xác định nào. Tuy nhiên, người ta thường dễ tính, và họ có thói quen đọc hết trang này đến trang khác của mọi loại nhảm nhí dài dòng này mà không có bất cứ một ý niệm đặc biệt nào về điều tác giả thực sự muốn nói. Họ say mê nói đúng như số phận nó, và không khám phá ra rằng tác giả đó viết chỉ để mà viết.

Ngược lại, một nhà văn có tài, ý tưởng phong phú, chẳng bao lâu sẽ khiến độc giả của mình tin tưởng rằng, khi ông ta viết, thì thực sự và đúng là ông ta có điều gì muốn nói; và điều đó khiến cho độc giả thông minh đủ kiên nhẫn chăm chú theo dõi ông ta. Một tác giả như vậy, chỉ bởi vì quả thực ông ta có điều gì để nói, không bao giờ thất bại trong việc diễn tả mình bằng một cách đơn giản nhất và thẳng thắn nhất, bởi vì mục đích của ông không ta ngoài việc đánh thức chính cái ý tưởng tương tự trong độc giả mà ông mang trong mình. Bởi thế ông ta có thể khẳng định cùng với Boileau rằng tư tưởng ông ta ở khắp nơi mở phơi ra ánh sáng thanh thiên bạch nhật, và thi ca ông ta luôn luôn nói lên một điều gì; mặc dầu nó nói hay dở:

Ma pensée au grand jour partout s’offre et s’expose.
Et mon vers, bien ou mal, dit toujours quelque chose.

Trong khi về những nhà văn đã nói trên, ta có thể quả quyết vẫn bằng ngôn ngữ của nhà thơ đó, rằng họ nói nhiều mà kỳ thực chẳng bao giờ nói điều gì cả - qui parlant beaucoup ne disent jamais rien.

Một đặc tính khác của những nhà văn này là họ luôn luôn tránh phán quyết xác định bất cứ nơi nào họ có thể làm, hầu chừa sẵn một lối thoát trong trường hợp, cần thiết. Vì thế họ chẳng bao giờ sao nhãng việc chọn lựa lối diễn tả trừu tượng hơn; trong khi đó người thông minh sử dụng lối cụ thể hơn, bởi vì cách sau mang sự việc vào sâu hơn trong lãnh vực biểu thị thực tại, suối nguồn của tất cả mọi minh nhiên.

Có nhiều thí dụ chứng tỏ sự yêu chuộng cách diễn tả trừu tượng này; và ta có một thí dụ đặc biệt lố bịch là việc dùng động tự tạo điều kiện trong ý nghĩa gây ra hay tạo ra mang lại. Người ta tạo điều kiện cho việc gì thay vì gây ra nó, bởi vì khi trừu tượng và bất định nó nói ít; nó khẳng định rằng A không thể xẩy ra nếu không có B, thay vì A được tạo ra bởi B. Một cái cửa hậu bao giờ cũng mở ngỏ; và cái cửa đó thích hợp với những người mà sự ngầm biết về sự bất tài của mình khiến họ thường trực kinh sợ mọi phán quyết xác định; trong khi với người khác nó chỉ là hiệu quả của khuynh hướng, theo đó, mọi cái ngu ngốc trong văn chương hay tồi tệ trong cuộc đời được mô phỏng ngay tức khắc – một sự kiện chứng minh trong trường hợp này hay trường hợp khác, bằng cách trong đó nó có trải ra nhanh chóng. Người Anh dùng phán đoán của chính mình trong bất cứ điều gì hắn viết cũng như trong bất cứ việc gì hắn làm; nhưng không có nước nào mà tán từ học lại kém thành thực như của nước Đức. Hậu quả là chữ nguyên nhân ngày xưa hầu như biến mất trong ngôn ngữ văn chương, và người ta chỉ nói tới điều kiện. Sự kiện này đáng được nêu ra bởi vì nó đặc biệt lố bịch.

Chính sự kiện những nhà văn tầm thường này không bao giờ có quá bán ý thức khi họ viết đủ giải thích sự trầm trệ của tâm trí và những cái tẻ ngắt họ tạo ra. Tôi nói họ chỉ có bán phần ý thức, bởi lẽ chính họ không thực sự hiểu ý nghĩa những chữ họ sử dụng: họ cóp nhặt những chữ làm sẵn và ghi sâu vào trí nhớ. Từ đó khi họ viết, những chữ họ kết hợp lại với nhau không nhiều bằng những câu nguyên – phrases banales. Điều đó giải thích cho sự khiếm khuyết tư tưởng diễn tả minh bạch sờ sờ kia trong điều họ nói. Sự thực là họ không có con mộc để đóng cái dấu triện đó lên điều họ viết: tư tưởng minh bạch riêng tư chính là cái họ không có. Và chúng ta tìm thấy gì trong chỗ đáng lẽ là của ý tưởng ấy? – một sự trộn lẫn chữ nghĩa mơ hồ, bí hiểm, những câu thông dụng, những từ ngữ lặp lại, những thành ngữ hợp thời trang. Kết quả là cái chất liệu tối mù họ viết giống như một trang sách in bằng những rất cũ.

Ngược lại, một tác giả thông minh thực sự nói với chúng ta khi họ viết, và đó là lý do tại sao họ có thể khiến chúng ta thích thú và đàm đạo với chúng ta. Đây chỉ tác giả thông minh mới có thể kết hợp những chữ đơn lại với nhau với một ý thức trọn vẹn về ý nghĩa của chúng, và lựa chọn chúng với một sự chủ định chín chắn. Do đó, luận văn của ông ta đứng vào chỗ nhà văn đã tả trên, giống như một bức tranh được vẽ thực sự, nhiều hơn là bức hình được tạo ra bởi miếng kim loại đục lỗ theo hình họ muốn in ra. Trong trường hợp này, mỗi chữ, mỗi nét cọ, đều có một mục đích đặc biệt; trong trường hợp kia, tất cả đều được làm một cách máy móc. Cùng một sự phân biệt tương tự có thể thấy trong âm nhạc. Cũng như Lichtenberg nói rằng tâm hồn Garrick hình như ở trong thân thể ông ta, cũng vậy vô sở bất tại tính của tinh thần luôn luôn và ở khắp nơi biểu thị chân tướng tác phẩm của thiên tài.

Tôi đã ám chỉ tính chất tẻ ngắt đánh dấu tác phẩm của những nhà văn này, và trong mối liên quan đó, chúng ta nhận thấy đại để, sự tẻ ngắt gồm có hai loại: khách quan và chủ quan. Một tác phẩm tẻ ngắt một cách khách quan khi nó chứa đựng sự khiếm khuyết trong vấn đề; nghĩa là, khi tác giả của nó không có ý tưởng minh bạch toàn bích hay hiểu biết để truyền đạt. Vì nếu một người có bất cứ ý tưởng minh bạch hay hiểu biết nào, mục tiêu của hắn sẽ là truyền đạt nó và hắn sẽ điều khiển những năng lực của hắn tới mục đích ấy; đến nỗi những ý tưởng mà hắn đem lại đều được diễn tả một cách sáng sủa ở mọi chỗ. Kết quả là hắn không rườm rà, không vô nghĩa cũng chẳng lộn xộn, và do đó, không tẻ nhạt. Trong trường hợp này, ngay cả dầu cho tác giả sai lầm tại căn đề, sự sai lầm ấy, dầu sao cũng được thi hành minh bạch và suy nghĩ thấu đáo, đến nỗi ít ra nó cũng đúng về phương diện hình thức; và vì thế tác phẩm cũng bao hàm đôi chú giá trị. Nhưng cũng chính vì lý do đó, một tác phẩm tẻ ngắt về phương diện khách quan, không có bất cứ một chút giá trị nào cả.

Thứ tẻ ngắt kia chỉ có tính cách tương đối: một độc giả có thể thấy một tác phẩm buồn tẻ hơn bởi vì hắn không thấy thích thú vấn đề được đề cập tới trong đó, và điều ấy có nghĩa là tri thức của hắn bị giới hạn. Do đó, một kiệt tác có thể tẻ ngắt một cách chủ quan, tẻ ngắt, tôi muốn nói cho một cá nhân này hay một cá nhân kia; cũng như thế, ngược lại, một tác phẩm tệ nhất cũng có thể lôi cuốn một chủ quan một cá nhân này hay một cá nhân khác, thích thú với vấn đề được đề cập tới trong đó, hay với tác giả cuốn sách.

Đại để nó có thể giúp nhà văn một cách đắc lực nếu họ có thể thấy rằng, trong khi một người, nếu có thể, suy nghĩ như một thiên tài lớn, hắn lại nói phải cùng một ngôn ngữ như bất cứ một người nào khác. Tác giả phải dùng những tiếng thông thường để nói về những điều khác thường. Nhưng họ lại làm ngược lại. Chúng ta thấy họ cố gắng bao bọc những ý tưởng tầm thường bằng những danh từ đao to búa lớn, và che đậy những tư tưởng vô cùng bình thường bằng những câu phi thường nhất, bằng những cách diễn tả xa lạ nhất, thiếu tự nhiên nhất và lạ thường. Câu văn của họ vĩnh viễn kênh kiệu như đi trên cà kheo. Họ vô cùng mê luyến sự khoa trương và viết bằng một bút pháp dài lê thê, rỗng tuếch, cầu kỳ chải chuốt, thùng rỗng kêu to và leo dây múa rồi đến độ kiểu mẫu đầu tiên của họ phải là Ancient Pistol; người có lần đã bị bạn là Falstaff gắt lên bảo hắn hãy nói điều hắn phải nói như tất cả mọi người trên thế gian [1] này.

Không có một từ ngữ nào trong bất cứ một ngôn ngữ nào có thể tương ứng với từ ngữ style empesé của Pháp; nhưng thực tại đó tự nó hiện hữu khắp nơi. Khi vướng vào sự kiểu cách cầu kỳ, thì trong văn chương nẩy sinh ra cái mà sự kẻ cả và lên mặt nghiêm trang đứng đắn trong xã hội và đều không thể tha thứ được như nhau. Sự tẻ ngắt của trí óc thích mặc bộ cánh này giống như trong đời sống bình thường chính bọn ngốc là bọn thích đoan trang và kiểu cách.

Một tác giả viết bằng bút pháp nghiêm nghị giống như người ăn mặc đồ lớn để tránh khỏi bị đặt lên cùng bình diện với đám đông – một việc mà không bao giờ một nhà quí phái làm, dù trong bộ quần áo tồi tệ nhất của ý. Kẻ hạ lưu có thể bị người ta nhận ra bởi quần áo phô trương lòe loẹt và bởi ước mong muốn có tất cả một sự ngăn nắp và sạch như li như lau; tương tự cách đó, người tầm thường bị tố giác bởi bút pháp của hắn.

Tuy nhiên, một tác giả đuổi theo một mục đích sai lầm khi cố gắng viết đúng hết như hắn nói. Không có bút pháp viết lách nhưng phải có dấu vết nào đó của liên hệ thân tộc với kiểu kiến trúc bia mộ, quả thực là tổ tiên của mọi bút pháp. Vì một tác giả viết như hắn nói cũng đáng trách bị hệt như mắc phải lỗi lầm ngược lại, là nói như hắn viết, vì điều đó mang lại cho điều hắn nói một tác dụng mô phạm, và đồng thời khiến hắn trở nên khó hiểu.

Một cách diễn tả tối tăm và mơ hồ luôn luôn và ở khắp mọi nơi là một dấu hiệu vô cùng xấu. Trong chín mươi chín phần trăm trường hợp nó bắt nguồn tự sự mơ hồ của tư tưởng; và lại một lần nữa điều đó hầu như bao giờ cũng có nghĩa rằng có một cái gì triệt để sai lầm và bất ổn về chính tư tưởng – tắt một lời, tư tưởng sai lầm. Khi một ý tưởng đúng đắn khởi lên tâm trí, nó gắng sức đạt tới cách diễn tả và nó không mất nhiều thì giờ đạt tới điều đó, vì ý tưởng minh bạch dễ dàng tìm thấy chữ thích hợp với nó. Nếu một người có thể suy nghĩ về bất cứ điều gì, thì bao giờ hắn cũng có thể diễn tả nó bằng những từ ngữ trong sáng, dễ hiểu và khúc chiết . Những nhà văn nào tạo ra những câu văn khó hiểu, tối tăm, rắc rối và mơ hồ đa số chắc chắn không hiểu đúng điều họ muốn nói là điều gì: họ chỉ một ý thức mờ tối về điều đó, điều đang còn ở trong giai đoạn tranh đấu để định hình là tư tưởng. Quả thực, họ thường có ước muốn giấu chính họ và những người khác rằng, thực tình, họ chẳng có gì để nói cả. Họ muốn tỏ ra hiểu biết điều họ không biết, suy nghĩ điều họ không nghĩ. Nếu một người có điều cần phải truyền đạt thực sự, hắn chọn cách diễn tả nào – một cách diễn tả mập mờ hay một cách minh bạch? Ngay cả Quintilian cũng phải nhận thấy rằng những điều người học thức cao nói ra thường dễ hiểu và sáng sủa; và một người học thức càng thấp kém bao nhiêu, viết lách càng tăm tối bấy nhiêu – plerumque accidit ut faciliora sint ad intelligendum et lucdiora multo quae a doctissimo quoque dicuntur … Erit ergo etiam obscurior quo quisque deterior.

Tác giả phải tránh những câu bí hiểm; hắn phải biết rằng hoặc hắn muốn nói một điều gì hoặc hắn không muốn nói điều đó. Chính sự do dự này khiến bút pháp của biết bao nhà văn trở nên lạt lẽo vô vị. Trường hợp duy nhất cung hiến một luật trừ cho luật lệ này phát khởi khi cần phải nêu ra một ghi nhận, mà một cách nào đó, không phải thích đáng.

Vì sự phóng đại thường tạo ra một hiệu quả trái ngược với hiệu quả người ta nhắm đến, nên lời, thực tế , dùng để làm cho ý hẳn trở nên dễ hiểu – nhưng chỉ đến một mức độ nào đó thôi. Nếu lời chồng chất lên nó, ý trở lại thành càng ngày càng tối tăm thêm. Tìm kiếm xem mức độ nằm ở đâu là vấn đề của khả năng phê bình; vì một chữ thừa luôn luôn làm hỏng mục tiêu. Đó chính là điều Voltaire muốn nói khi ông phát biểu rằng tĩnh từ là kẻ thù của danh từ. Nhưng, như chúng ta đã thấy, đa số cố gắng che đậy sự nghèo nàn của ý tưởng mình dưới câu văn dài giòng tràng giang đại hải.

Chiếu theo đó chúng ta, hãy tránh mọi sự rườm rà, đồng thời hãy luôn luôn ghi nhớ nhận xét: điều đó vô nghĩa không đáng đọc. Một nhà văn phải tiết kiệm thì giờ, lòng kiên nhẫn, sự chú ý của độc giả hầu như độc giả tới ngay chỗ tin tưởng rằng tác giả của mình viết cái đáng nghiên cứu cẩn thận và thời gian dùng vào việc đó sẽ được đền bù. Lược bỏ một vài điểm hay ho nào đó bao giờ cũng tốt hơn thêm thắt điều không đáng nói chút nào. Đó là chúng ta áp dụng đúng phương châm của Hesiod: pleon hemisy pan tos [2] – một nửa tốt hơn toàn thể. Le secret pour être ennuyeux, c’est de tout dire (Bí quyết để trở nên tẻ ngắt là nói tất cả). Do đó, nếu có thể, chỉ nói cái cốt yếu thôi! Chỉ có tư tưởng dẫn dạo thôi! Không nên nói điều gì độc giả có thể tự suy nghĩ được.

Dùng nhiều lời để truyền đạt ít ý là dấu hiệu không thể lầm lẫn được của tầm thường ở khắp nơi. Thâu tóm nhiều ý trong ít lời đánh dấu thiên tài.

Chân lý đẹp nhất khi trần truồng và ấn tượng nó tạo ra càng sâu sắc nêu sự diễn tả của nó càng đơn giản. Được vậy một phần bởi nó thu nhiếp trọn vẹn tâm hồn người nghe không trắc trở, và không để cho hắn những tư tưởng phụ làm hắn đãng trí, một phần, cũng bởi tại hắn cảm thấy ở đây hắn không bị sa đọa hay lường gạt bởi tu từ pháp, nhưng mọi hiệu quả của những gì được nói đến phát khởi từ chính sự việc. Chẳng hạn, có lời phát biểu nào về tính cách phù hoa của kiếp nhân sinh khéo nói hơn những lời của Job? “Con người sinh ra từ một người nữ, chỉ có một thời gian ngắn để cuộc sống đầy cơ cực. Nó vươn lên rồi bị hạ xuống, như một bông hoa; nó vụt lao nhanh như bóng tối, và chẳng bao giờ ở lâu tại một chỗ.”

Cũng chính vì lý do đó, thi ca hồn nhiên của Goethe vĩ đại vô song so với tu từ thi pháp của Schiller. Và cũng lại chính lý do đó khiến nhiều bài dân ca vô cùng cảm động Cũng như trong ngành kiến trúc, cách mạng trí thái quá cần phải tránh, cũng vậy trong nghệ thuật văn chương một nhà văn phải phòng ngừa mọi tinh luyện tu từ học, mọi phóng đại vô ích, mọi tính cách thừa thãi của cách diễn tả nói chung, tắt một lời, hắn phải gắng sức đạt tới sự bình dị của bút pháp. Tất cả mọi chữ có thể bớt đi đều gây tổn hại đến nó, được giữ lại. Luật đơn giản và hồn nhiên vẫn còn hiệu lực trong mọi bộ môn kỹ thuật, bởi vì rất có thể đơn giản đồng thời phi phàm.

Tính chất vắn tắt đích thực của cách diễn tả ở khắp nơi hệ tại việc chỉ nói cái gì đáng nói và tránh những chi tiết tẻ nhạt mà bất cứ người nào cũng có thể tự cung cấp lấy cho mình. Điều đó liên can tới sự biện biệt đúng đắn giữa cái cần thiết và cái thừa thãi vô ích. Một nhà văn không bao giờ được vắn tắt mà thiếu sáng sủa, không được nói điều gì ngoài điều hợp văn phạm. Nó cho thấy khuyết điểm phán đoán đáng tiếc làm muội lược cách diễn tả của một tư tưởng hay làm còi cọc ý nghĩa của một nguyên câu, để phục vụ cho việc dùng ít chứ hơn mức cần thiết. Nhưng đó chính là cố gắng của sự vắn tắt giả tạo rất thịnh hành ngày nay, diễn tiến bằng cách gạt bỏ những chữ ích dụng và ngay cả bằng cách hy sinh văn phạm và luân lý. Không những những nhà văn đó tiết kiệm một chữ bằng cách biến một động từ hay một tĩnh từ đơn giữ chức vụ của một số nguyên câu khác nhau, đến nỗi có thể nói độc giả, phải sờ soạn lần mò tìm đường qua chúng trong bóng tối; họ còn thực hành, trong nhiều phương diện khác, một số sự tiết kiệm ngôn từ không thích đáng trong nỗ lực thực hiện cái mà một cách điên cuồng họ cho là sự diễn tả vắn tắt và bút pháp gọn ghẽ minh bạch. Trong khi gạt bỏ cái đáng lẽ mang lại ánh sáng trên toàn thể câu văn, họ chuyển nó thành một câu đố hắc búa mà độc giả phải ráng giải đáp bằng cách đọc đi đọc lại mãi.

Chính sự phong phú và sức nặng của tư tưởng chứ không phải điều gì khác mang lại sự vắn tắt cho bút pháp, và khiến nó gẫy gọn nhiều ý nghĩa. Nếu ý tưởng của nhà văn quan trọng, sáng sủa, và thường thường đáng truyền đạt, những ý tưởng ấy cần được cung cấp đầy đủ vật liệu để tạo thành những nguyên nhân dồi dào cho ý tưởng biểu lộ và khiến tất cả những câu này trong mọi phần vừa hợp văn phạm và đầy đủ về phương diện từ ngữ; và đây là phần lớn những trường hợp mà người ta không bao giờ thấy chúng giả dối trống rỗng hay yếu đuối. Cách chọn lời chỗ nào cũng sẽ vắn tắt và hàm xúc, và cho phép ý tưởng tìm được lối diễn tả sáng sủa dễ dàng, lại còn phơi bầy và chuyển vận duyên dáng uyển chuyển.

Do đó thay vì thâu ngắn từ ngữ và những hình thức ngôn từ, hãy để nhà văn trải rộng ý tưởng của hắn.

Nếu một người gầy mòn vì bệnh tật và thấy quần áo mình quá rộng, thì không phải hắn phải làm cho chúng vừa vặn như trước bằng cách cắt bớt đi, nhưng bằng cách phục hồi lại tính trạng thân thể bình thường.

Ở đây tôi xin nêu ra sự sai lầm của bút pháp, rất thịnh hành ngày nay, và, trong tình trạng sa đọa của văn chương và xao lãng cổ ngữ, luôn luôn càng ngày càng gia tăng; tôi muốn nói tính cách chủ quan. Một nhà văn phạm phải lỗi lầm này khi hắn nghĩ rằng chính mình hắn biết hắn nói gì và điều hắn muốn nói là đủ và không thèm đếm xỉa gì đến độc giả, muốn dẫn dắt độc giả đi đến đâu cũng được. Như thế chẳng khác nào như thể tác giả đang độc thoại, trong khi đáng lẽ phải là một cuộc đối thoại; và dù là một cuộc đối thoại đi chăng nữa, hẵn cũng phải diễn tả mình hết sức minh bạch như thế hắn không thể nghe những câu hỏi của người đối thoại.

Chính vì lý do đó, bút pháp không được chủ quan mà phải khách quan, và bút pháp sẽ không khách quan trừ phi chữ được xếp đặt cách nào để chúng trực tiếp cưỡng bách độc giả phải suy nghĩ cùng một điều đúng như tác giả nghĩ khi hắn viết chúng. Kết quả này cũng chẳng thể đạt tới trừ phi tác giả luôn luôn thận trọng nhớ rằng tư tưởng tuân theo luật trọng lực nhiều đến nỗi nó đi từ đầu óc xuống giấy dễ dàng hơn từ giấy lên tới đầu óc rất nhiều; bởi thế hắn phải trợ lực cho cuộc hành trình sau bằng mọi phương tiện trong khả năng của hắn. Nếu hắn làm như vậy, chữ viết của một nhà văn sẽ có một hiệu lực thuần túy khách quan, như hiệu lực của một bức tranh sơn dầu hoàn mỹ; trong khi bút pháp chủ quan không chắc chắn có tác dụng được như những chấm đen trên tường, chỉ trông giống những bức hình bởi kẻ nào mà ngẫu nhiên chúng khêu gợi lên được một ảo tưởng, những người khác không thấy gì ngoài những chấm đen lem luốc. Sự khác biệt trên áp dụng cho toàn thể phương pháp văn chương; nhưng nó cũng thường được thiết định bởi những trường hợp đặc thù. Chẳng hạn trong tác phẩm mới ấn hành gần đây tôi tìm thấy câu sau: “Tôi không viết để gia tăng con số những cuốn sách hiện đang có”. Điều này có nghĩa khác hẳn điều nhà văn muốn nói và đồng thời vô nghĩa.

Kẻ nào viết một cách cẩu thả, kể đó thú nhận ngay từ đầu rằng hắn chẳng chú trọng bao nhiêu tới chính tư tưởng hắn. Bởi vì chỉ nơi nào một người tin chắc vào chân lý và tầm quan trọng của những ý tưởng mình hắn mới cảm nhận thấy sự say sưa thiết yếu cho nỗ lực siêng năng và không biết mệt để tìm cách sáng sủa nhất, tao nhã nhất và mãnh liệt nhất, như phải tìm ra rương bạc hay vàng để cất những thánh tính hoặc những tác phẩm nghệ thuật vô giá. Chính cảm thức này đã đưa những tác giả thượng cổ, nhưng người mà tư tưởng, được diễn tả trong chính chữ của họ, đã trường cửu muôn ngàn năm, dầu phải mang nhãn hiệu cổ điển, tới chỗ viết một cách thận trọng. Quả thực Platon, như người ta nói, đã viết phần giới thiệu cuốn Cộng Hòa của ông hơn bẩy lần bằng nhiều lối khác nhau.

Cũng như sự ăn mặc cẩu thả tố cáo sự khiếm nhã đối với người bạn ta gặp, cũng vậy một bút pháp khinh suất, vô ý, tồi tệ cho thấy một thái độ thiếu tôn kính đối với độc giả, người này trừng phạt tức thì bằng cách từ chối không đọc cuốn sách. Thật tức cười khi thấy những ký giả tạp chí chỉ trích tác phẩm của người khác bằng bút pháp cẩu thả nhất của họ - bút pháp của một kẻ viết mướn. Như thể một ông quan tòa ra trước pháp đình trong tấm áo choàng và dép đi trong nhà! Nếu thoạt tiên tôi cảm thấy đôi chút do dự không muốn nói chuyện với một người khi thấy hắn ăn mặc bê bối và dơ dáy, thì khi cầm một cuốn sách mà tôi nhận thấy ngay bút pháp cẩu thả, tôi sẽ gạt nó đi.

Văn hay phải tuân theo qui luật sau đây là trong một lúc, một người chỉ có thể suy nghĩ sáng suốt về một điều mà thôi, và do đó, người ta không nên mong đợi hắn suy nghĩ về hai điều hoặc có khi nhiều điều hơn nữa trong cùng và đồng thời một lúc. Nhưng điều này chính là điều xẩy ra khi một nhà văn phá vỡ câu chính thành những phần nhỏ với mục đích lấp đầy những khoảng trống như thế tạo ra hai hay ba ý tưởng bằng cách dùng những ngoặc đơn, do đó, làm rối đầu óc người đọc một cách không cần thiết và vô cớ. Và chính lỗi này đồng bào của tôi mắc phải nhiều nhất. Đức ngữ thích hợp với lối viết này nhưng không thể biện minh cho nó. Không có thể văn xuôi nào dễ đọc hơn hoặc thú vị hơn Pháp văn, vì như một quy luật, Pháp văn thoát khỏi lỗi lầm trên. Người Pháp hết sức bó kết ý tưởng của họ lại với nhau, theo một trật tự hợp luân lý và tự nhiên nhất và bởi thế lần lượt đặt chúng trước độc giả thuận tiện cho sự xét đoán, khiến cho mỗi một ý tưởng có thể nhận được sự chú ý không phân hóa. Người Đức, ngược lại, đan bện chúng lại với nhau trong câu văn mà hắn vặn vẹo và bắt chéo , bắt chéo và vặn vẹo nữa; bởi hắn muốn nói mươi mười ý tưởng thay vì tuần tự ý tưởng nọ kế tiếp ý tưởng kia. Mục đích của hắn phải là thu hút và nắm giữ sự chú ý của độc giả; nhưng lơ là với mục đích này, hắn yêu cầu người đọc cho hắn thách thức qui luật kể trên và suy nghĩ ba bốn ý tưởng khác nhau cùng một lúc; mà, vì điều đó không thể được, mà mỗi một ý tưởng của hắn sẽ thành công nhanh chóng như sự rung động của giây đàn. Bằng cách này một tác giả đặt nền móng cho style empesé của hắn, bút pháp được đem tới chỗ thành công bởi việc sử dụng những cách diễn tả rườm rà, hào nhoáng để truyền đạt những điều đơn giản nhất, và những xảo thuật tương tự.

Trong những câu dài lê thê đầy rẫy ngoặc đơn ngoặc kép đó, tựa một cái hộp có nhiều hộp con, cái nọ lồng trong cái kia và được nhồi nhét như một con ngỗng nhồi đầy táo, chính trí nhớ phải làm việc cực nhọc nhất; trong khi trí thông minh và óc phán đoán thay vì cần phải được vận dụng, lại vì lẽ đó mà bị ngăn trở và làm muội lược đi. Loại câu này chỉ cung cấp cho độc giả những bán câu, đòi hỏi độc giả thu nhận cẩn thận và tàng trữ trong ký ức, như thể chúng ta là những mảnh vụn của một lá thư rách nát sau đó phải được bổ túc và làm cho lọn nghĩa bởi những bán câu khác mà chúng hỗ tương phụ thuộc. Người ta yêu cầu hắn tiếp tục đọc thêm chút nữa mà không vận dụng bất cứ tư tưởng nào, mà chỉ vận dụng có trí nhớ của hắn, với hy vọng rằng, khi hắn đọc đến hết câu, hắn có thể thấy ý nghĩa của nó và do đó nó nhận được điều gì để suy tưởng; và vì thế hắn được trao cho rất nhiều điều để học thuộc lòng trước khi thâu lượm được dăm ba điều để lãnh hội. Điều đó sai lầm rõ rệt và là một sự lạm dụng tính kiên nhẫn của độc giả.

Chắc chắn nhà văn tầm thường ưa chuộng bút pháp này bởi vì nó khiến độc giả mất thì giờ và bối rối trong việc lãnh hội điều lẽ ra hắn hiểu trong giây lát không cần suy nghĩ; và nó khiến cho tác giả dường như có vẻ sâu sắc và thông minh hơn độc giả nhiều. Quả thực đó là một trong những xảo thuật đã nói trên; xảo thuật theo đó những tác giả tồi cố gắng che đậy vẻ nghèo nàn ý tưởng của họ và cho thấy một bề ngoài ngược lại một cách vô thức và dường như bởi bản năng. Sự ngây thơ ở đây thật đáng ngạc nhiên.

Hiển nhiên ngược lại với mọi lương tri khi đặt một ý tưởng tà vạy lên trên một ý tưởng khác, như thể cả hai ý tưởng cùng họp thành một cây thập tự gỗ. Nhưng điều này được thể hiện nơi nào một nhà văn ngắt điều hắn đã bắt đầu nói với mục đích xen vào một vài yếu tố không quan hệ, do đó đặt độc giả trước một bán câu vô nghĩa và buộc độc giả giữ nó cho đến khi nào phần bổ túc đến. Nó cũng như thể một người trao những thực khách của mình một cái đĩa không với hy vọng có một cái gì sẽ hiện ra trong đó. Và những dấu phết được dùng cho một mục đích tương tự thuộc về cùng một gia đình như những ghi chú ở cuối trang và những dấu ngoặc ở giữa bản văn, đúng hơn, cả ba chỉ khác nhau về mực độ? Nếu thảng hoặc Demosthenes và Cicero có thêm chữ vào bằng cách dùng những dấu ngoặc, có lẽ tốt hơn họ nên nhắc lại.

Nhưng bút pháp của lối văn này trở nên phi lý cùng độ khi những dấu ngoặckhông những lồng vào khuôn khổ câu văn mà còn chêm vào để phá tan nó ra từng mảnh nữa. Nếu ngắt lời người khác là một điều hỗn xược thì ngắt lời mình cũng là một điều hỗn xược và không thích đáng không kém. Nhưng tất cả những nhà văn tồi, cẩu thả và hấp tấp, bôi bác nguệch ngoạc với hình ảnh cơm áo trước mắt, dùng sáu bẩy lần bút pháp của lối văn này trong một trang mà còn thích thú vì điều đó. Nó hệ tại việc – nên nêu ra nguyên tắc và thí dụ kèm theo bất cứ nơi nào có thể phá vỡ cơ cấu một câu văn để dính vào câu khác. Không những chỉ vì lười biếng họ viết như thế. Họ còn làm vậy vì ngu ngốc; họ tưởng điều đó một vẻ légèreté quyến rũ” [3] ; họ tưởng rằng nó đem lại sự linh động cho điều họ nói. Chắc chắn có rất ít trường hợp mà lối văn này có thể miễn thứ được.

Ít người viết theo lối một kiến trúc sư xây nhà cửa, người này trước khi bắt tay vào việc, phác họa đồ hình và nghĩ tới nghĩ lui tới những chi tiết nhỏ nhặt nhất. Còn đa số chỉ viết như để họ chơi domino và, cũng như trong trò chơi này, quân được xếp đặt một nửa bởi sự trù tính, một nửa bởi tình cờ; sự phối hợp và nối kết câu cú của họ cũng vậy. Họ chỉ có một ý niệm về hình thức tổng quát các tác phẩm họ sau này, và về mục đích mà họ đặt ra trước mình. Nhiều người còn không biết tới cả điều đó, và viết như những con sâu san hô chồng chất; nguyên câu tiếp nối nguyên câu và chỉ có trời mới biết tác giả muốn gì.

Ngày nay cuộc sống lao nhanh; và sự kiện đó tác động trên văn chương bằng cách khiến nó trở nên cực kỳ hời hợt và luộm thuộm.


[1]King Henry IV, Phần II, hồi V, màn 3 – N.H.H
[2]Trong cuốn Công việc và ngày tháng.
[3]Pháp văn trong nguyên tác: nhẹ nhàng, khinh khoái – N.H.H
Nguồn: Quế Sơn Võ Tánh ấn hành lần thứ nhất 1971, Hồng Hà ấn hành lần thứ hai 1973 tại Sài Gòn.