Hiển thị các bài đăng có nhãn Ninh Kiều. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Ninh Kiều. Hiển thị tất cả bài đăng

26/11/08

Ninh Kiều : Cái tát

Cái tát


Cái tát


Ninh Kiều


Anh thấy Chị sáng nay cứ lúi húi đi tìm cái gì đó trên kệ sách mới hỏi “Em kiếm gì vậy” thì nghe trả lời “Cuốn từ điển”, bèn mau mắn “Kiếm chữ gì ?” và vì không nghe vợ trả lời mà thấy vợ đang đưa mắt tìm kiếm trên bàn làm việc của mình nên nằn nì “Chữ gì ? Anh nói cho nghe, khỏi tìm kiếm mất công…” và xì cười nói tiếp “có từ điển sống một bên mà không biết tận dụng”. Tiếng xì cười vừa chìm lỉm để nhường chỗ cho im lặng hơi nặng nề thì nghe tiếng Chị “Nó đây rồi” và thấy Chị thò tay định rút cuốn từ điển nằm dưới chồng giấy má khiến Anh kêu lên “Đừng đụng, mất dấu của anh” và bực mình “muốn tra chữ gì thì nói”. Song không nghe Chị trả lời mà chỉ thấy Chị lặng lẽ bỏ đi ra khiến Anh ném cuốn sách đang cầm trên tay lên bàn làm việc nhưng không làm nghiêng đổ gì cả vì nó nằm chàng hảng trên hai chồng hồ sơ cao nghệu. Buông người ngồi phịch xuống mền gối nhàu nát trên chiếc giường một người, Anh thở ra “Hết hiểu nổi”.

Rồi Chị cũng tra được cái chữ muốn tìm trong từ điển, «cái tát». Có ba danh từ tiếng Pháp mà trong đó chỉ có một danh từ phù hợp với Chị, «la gifle» : « đánh vào gò má bằng bàn tay mở. Nghĩa bóng là sự sỉ nhục ». Chị cũng khám phá ra là có nhiều loại tát, như tát vào phía sau vành tai gọi là tát tai hay tát một gò má bằng lòng bàn tay rồi tiện thể tát gò má kia bằng mu bàn tay. Không ngờ từ ngữ dồi dào đến như vậy, lỡ gặp bàn tay mang nhẫn cộm…, Chị lắc lắc đầu như thể xua đi những ý nghĩ u ám.

«La gifle» phù hợp với Chị hơn cả «cái tát» vì nó có thêm nghĩa bóng trong khi từ điển Việt-Việt chỉ giải nghĩa «tát» là đánh vào gò má bằng bàn tay mở.

Với chữ nầy, cuốn từ điển sống của Chị mà mở ra thì chắc khỏi đóng lại luôn.

Ba cái tát liên tiếp, cái thứ nhất chưa kịp đau, cái thứ nhì thấy rát mặt và đến cái thứ ba thì ù tai. Bàn tay trông thon thả, mảnh dẻ vậy mà tát cái nào cái nấy ra hồn.

Không hề có tiếng động nào sau ba cái tát ngoài những bước chân nhón cho đỡ nặng của ai về phòng nấy vì có con cháu bên Californie ghé Paris chơi đang ngủ trên lầu.

Đợi cho đưa tiễn cháu ra sân bay Roissy, hôn hít từ giã xong xuôi, đến mấy tuần sau Chị mới tra từ điển vì thấy vấn vương trong lòng.

Đây không phải là lần đầu tiên Chị bị tát. Thật vậy, sau khi đẻ đứa đầu, Chị bị mấy cái toé nước mắt nước mũi vì đã trả lời “bộ Anh không đi về trễ sao ?”, rồi sau đó Chị thấy mình ngồi chồm hổm trước siêu thị gần nhà đã đóng cửa, đến khuya, trong bóng tối, xong đứng lên quay về nhà vì ngày mai còn phải đưa con đi nhà trẻ…

Toé nước mắt nước mũi mà mùi soa giấy lại để hết trong áo khoác máng sau cánh cửa ra vào, mà chân còn mang dép, nên bao nhiêu nước trong người hội tụ đủ điều kiện để tuôn ra lỗ mắt, lỗ mũi, thấm ướt hai ống tay áo len rồi luôn hai đầu gối ống quần.

Coi vậy mà Chị cũng dễ quên, nếu không thì làm sao tiếp tục đẻ thêm một đứa nữa. Nhưng cũng phải công nhận là có những tình cảm được khơi dậy trong lòng một cách tự nhiên mà không có lý trí nào can thiệp vào được như thân thể tự nhiên lâu ấm dưới bàn tay vuốt ve, bắp thịt gò má tự nhiên hơi gồng lên như chống đỡ trong khi lẽ ra nó phải mềm mại dưới những cái hôn nồng nàn…

Rồi năm tháng trôi qua, mấy nhỏ càng lớn Chị càng ít nhớ mấy cái tát mà lại hay nhớ truyện Anh kể cho Chị ngay những ngày đầu mới lấy nhau, một truyện đời xưa của Nga “Vợ chồng nọ lấy nhau, một hôm có con chó chạy ngang qua, chồng bảo vợ đó là con chó, vợ bảo không phải, là con mèo. Chồng giận đem vợ trấn nước, rồi kéo đầu lên hỏi con chó hay con mèo, vợ bảo con mèo, chồng nhận đầu vợ xuống nước rồi kéo đầu lên hỏi con chó hay con mèo, vợ trả lời con mèo, chồng nhận đầu vợ xuống nước…”. Lúc ấy Chị còn quá trẻ để chỉ biết đồng tình với Anh là trên đời nầy có những bà vợ rất “cứng đầu”, con chó mà cứ bảo là con mèo, chi cho đến nổi bị trấn nước tới chết…

Mặc dù ít lâu sau không nghe Anh kể nữa song không hiểu sao Chị lại hay nhớ đến câu chuyện nầy, càng ngày càng nhớ đến nó thường hơn, nhớ nó đến trăn trở : con chó hay con mèo ? Và sự cứng đầu của người đàn bà nầy trở thành một ám ảnh.

Diễn biến trong tâm tư Chị tiến hành từng bước một, lúc đầu thì còn rụt rè bằng tự hỏi “Biết đâu con chó có dáng giống con mèo ?” nhưng dần dần Chị đi đến đặt lại vấn đề mang tính chất triết học về con chó và con mèo, có lúc đứng ra bênh vực hẳn hòi bà vợ “cứng đầu” trong truyện, rồi cuối cùng có khi nhập vai bà ấy, cứ uống nước no nê rồi ngóc đầu lên trả lời “con mèo”. Đó là nói xa nói xôi để đi đến giải thích vì sao Chị bị ba cái tát tối hôm ấy, làm mấy sợi tóc, sợi đen sợi bạc rơi phủ trán, án con mắt, phải vén lên. Qua sáng hôm sau, tai đã bớt kêu u u nhưng cứ thấy vướng cái gì trước con mắt, dường như chặp chờn bóng mấy sợi tóc, hiện hình rất rõ khi nhìn chỗ sáng như nhìn bức tường trắng chẳng hạn. Chị hốt hoảng đến độ chạy đến gặp ngay bác sĩ khoa mắt, con trai chị bạn thân, khẩn khoản hỏi “có trường hợp nào bị… là vì bị… bị tát không cháu” khiến cái thằng bảnh trai mà chưa vợ nầy phải phì cười “sao tata* hỏi vậy, mắt người già thường bị đục tinh thể, thấy ruồi, không dính gì đến cái tát… ”.

Anh lo lắng chở Chị đi khám mắt, song đúng là người Việt mình ít khi dùng chữ xin lỗi với người trong nhà, kể cả người Việt xa xứ đã sống lâu ở các nước có nền văn hoá xin lỗi bằng lời. Có nước gần đây đã thu hết can đảm quỳ xuống xin lỗi dùm cho quá khứ kia mà, ấy vậy mà mình thì có người không tài nào rặn ra được “Anh rất tiếc”.

Trong khoảng cách rất dài giữa hai lần bị tát, cũng có đôi lần Chị có dịp mặt đối mặt với chủ đề nầy.

Một lần trong buổi tiệc nhà bạn, nghe một giọng phụ nữ lớn tiếng và đầy tự tin “Chỉ cần một lần thôi, là chấm dứt” lại còn thêm “chỉ đưa bàn tay lên trước mặt tôi thôi, là đủ rồi”. Cử toạ im lặng vài giây, tuy ngắn ngủi mà đầy ý nghĩa với một người đã nhạy cảm với vấn đề như Chị. Sau khoảnh khắc chưng hửng thì cánh các ông tụ ở một phía bình tĩnh ngay trở lại để tiếp tục sôi nổi chuyện thời sự, quan trọng hơn nhiều, trong khi cánh các bà sẵn trớn bàng quan kể chuyện bất hạnh của… phụ nữ trên thế giới : đốt, bắn, đâm, bầm, chặt, luộc, chọi đá, tạt axit… Tất cả vũ khí dùng cho chiến tranh đều được dùng cho phụ nữ với một ưu thế tầm cỡ, tiến sát được gần địch, thường rất hớ hênh như nằm lăn ra ngủ sau một ngày mệt nhọc kiếm ăn, lo con chẳng hạn. Chiến thắng là cái chắc : axit vô mặt thì trúng ngay hai đôi mắt, tẩm xăng đốt thì cháy từ đầu xuống chân và từ ngoài vô trong, đâm thì trúng các bộ phận quan trọng… Và cũng như chiến tranh, bao giờ cũng có lý do chính đáng đi trước… hầu như vậy. Nhưng trong các vũ khí hay trong các phương cách trừng phạt, không thấy ai nhắc đến cái tát.

Một lần khác thì một bà bạn cuối mặt tâm sự hồi lâu bỗng ngẩng lên hỏi “…bị chưa ? ”, thì Chị lắc đầu, một cái lắc phản xạ như chạm phải lửa và kịp thấy mặt bạn mình buồn thiu, cái buồn thiu của một nạn nhân cô độc.

Rồi gần đây thì có cô bạn cũng trút bầu tâm sự nhưng cô nầy không bị rớt mấy sợi tóc còn rất đen án mắt vì mới bị một cái là cô xô chồng ngồi xuống ghế và nhìn thẳng vào mặt “Bình tĩnh lại đi”, bởi cô đã nhiều lần rút kinh nghiệm. Những lần trước thì cũng gọi điện thoại khắp nơi khóc ào ào, hăm doạ sẽ thực hiện những cái không thực tế và thiếu động cơ mạnh : bàn giao bầy con, bỏ đi biệt tích… với hai bàn tay trắng, vân vân và vân vân. Bởi khi phản ứng nóng thì chỉ nhớ có cái tát để tưởng chừng như có thể vứt bỏ được tất cả song giây qua giây, phút qua phút, ngày qua ngày, tát-vuốt, khổ-sướng, thù-tha, âm-dương, trái-phải, trồi lên, cộng trừ nhân chia, ít thì vài ngày, lâu thì vài tuần, để vô hiệu hoá dần dần mọi động cơ mang tính cách chia rẽ. Rồi có khi cái tát ra đi không bao giờ quay trở lại nữa để chỉ để lại trong lòng người đàn bà một kỷ niệm hễ nhớ tới là buồn. Cũng có khi thỉnh thoảng nó trở lại hoặc thường xuyên trở lại để tăng số lượng cùng chất lượng trong vài trường hợp đặc biệt. Có vậy nhân loại mới càng ngày càng đông chớ !

Và cũng như lần trước, Chị lắc đầu phản xạ “…không bị” đành đoạn để cho cô bạn trẻ hơn mình cả chục tuổi làm nạn nhân cô độc.

Song vì đôi bạn đã qua tuổi sôi nổi nên cũng chịu khó ngồi phân tích cái sự việc mà kẻ bị tát lúc nào cũng khẳng định là “tát vô cớ” để cùng nhận thấy không phải hoàn toàn là như vậy, một cách khách quan. Sự thể từa tựa chiến tranh, kẻ đánh trước không hẳn là kẻ gây chiến. Ngòi chiến tranh thường đã âm ỉ từ lâu, chỉ chờ dịp. Rồi khi chiến tranh bùng nổ thì cứ tưởng vì một cái cớ không đâu. Trong trường hợp cụ thể của cô bạn còn trẻ nầy, chính cô ấy đã dũng cảm đi tìm nguồn gốc chiến tranh để tránh cho những lần tới. Mà càng bới tìm thì càng thấy vô số duyên cớ để chiến tranh bùng bổ, nhiều đến phát sợ, nhiều đến độ cô bạn phải thốt lên “Cúi đầu, câm miệng là xong”. Khổ nổi im lặng cũng là nói, đôi khi còn hùng hồn hơn lời, ngang hàng với khinh bỉ. Song cuối cùng cô bạn cũng tìm ra được cái cớ, đó là “Anh ấy không được khoẻ trong người”, thế là đôi bạn thở phào nhẹ nhõm và bèn múc chè ra ăn.

Riêng về Chị, tới giờ phút nầy vẫn tiếp tục lắc đầu trong thâm tâm để nguyện vẹn làm nạn nhân cô độc song đồng thời cảm nhận là đã quá muộn để thay đổi tư duy về cách gìn giữ hoà bình do ông bà ta để lại, bởi Chị vẫn muôn thuở trăn trở chuyện con chó hay con mèo.

Theo Chị, cái tát lẽ ra phải được liệt kê vào danh sách các tội ác chống nhân loại mới phải vì dường như nó là điểm xuất phát và khởi động của những tội ác có thể xảy ra. Đâu có ông chồng nào đùng một cái mua axit, mua xăng về tạt liền, đốt liền. Cũng phải qua một quá trình lâu dài mà chắc là phải bắt đầu bằng «cái tát». Cũng như trong chiến tranh, ta đánh lúc đầu nhè nhẹ, nhưng địch càng ngoan cố thì ta càng leo thang, cho đến khi ta trải thảm bom napan để mặt đất giống y như gương mặt mù loà của người phụ nữ được đưa lên Télé làm dẫn dụ hôm nọ. Cũng may là người phụ nữ nầy ở một xứ có tục lệ che mặt. Tát cũng giống như đánh chác sơ sơ, nhiều vô kể, giấy mực đâu cho phỉ, ai hơi đâu để ý. Tuy nhiên cũng có vài trường hợp ngoại lệ như anh ca sĩ nọ, tát người mình thương đến hôn mê không tỉnh dậy được để phải tạm ngưng hát vài ba năm và sau đó tiếp tục lại khi mãn hạn tù. Và cũng nhờ vậy mà đã được phương tiện thông tin đại chúng đưa lên hàng đầu như một trận đánh rất khốc liệt mà với vũ khí thô sơ. Chẳng bù với một phụ nữ Ấn Độ, mang tội đốt chồng, mãn tù không chịu ra.

Chuyện nhỏ.

Biết vậy mà Chị vẫn tra từ điển và đóng cửa phòng gọi điện thoại “Papa có bao giờ tát Maman không ?” để nghe im lặng khá lâu phía bên kia đầu dây.

Dĩ nhiên là để đi đến câu hỏi nầy, Chị đã dành thời giờ thăm hỏi người mẹ 88 tuổi nầy, Maman của một cô bạn học người Pháp hồi Chị mới qua Paris mà Chị cũng gọi là Maman để phân biệt với mẹ ruột của Chị.

Maman của Chị lo lắng :

- Có chuyện gì vậy ?

- Con đã bị một, la gifle-cái tát, cả đến nhiều cái !

Chị nghe Bà bực mình :

- Vào tuổi của con ? Nó điên rồi !

- Còn Maman ? Con mạn phép hỏi thật.

Im lặng phía bên kia đầu dây nói rồi giọng Maman của Chị tiu nghỉu :

- Ừ, cũng bị một.

- Lâu chưa ?

- Lâu lắm rồi, hồi hai mươi tuổi.

- …..

- Để Maman kể cho con nghe, một buổi sáng, Papa cạo râu, khăn lau mặt ẩm vì nhà ẩm thế là quay qua tát… Có phải lỗi Maman đâu, nhà ẩm mà, Maman không đáng cái tát ấy.

- Chuyện đã xảy ra lâu lắm rồi, hơn nửa thế kỷ, sao Maman nhớ kỹ vậy ?

- Làm sao mà không nhớ ? Maman không đáng cái tát ấy, khăn ẩm vì nhà ẩm, có phải lỗi Maman đâu !

- Một lần đó thôi hay có lần nào khác ?

Lại im lặng phía bên kia đầu dây nói.

- Có vài lần sau đó nhưng Maman đánh trả…

Rồi Chị nghe Maman của Chị cười trong điện thoại…

- Để Maman kể cho nghe, Papa bảo không ngờ Maman nhỏ người mà mạnh quá.

- Nhưng tại sao đánh nhau ?

- Ôi, chuyện vợ chồng trẻ mà. Để Maman kể cho nghe, sau đó Maman đi mét với Mẹ đỡ đầu của Maman, Bà ấy gọi Papa lại bảo “Mầy mà đụng tới nó thì mầy sẽ nghe tiếng tau”. Và từ đó Papa không dám đụng tới Maman nữa.

Chị bỗng nghe như có tiếng mẹ ruột của Chị nói bên tai “Nó nói con chó thì là con chó, con lại nói con mèo, cãi nó chi cho sinh chuyện…”.

Maman của Chị bên kia dầu dây tiếp tục :

- Con biết không sau nầy có lúc Papa giận đưa nắm tay lên trước mặt Maman rồi đấm vào trong cửa kính, chảy máu tay đầm đìa…

Phút chốc Chị thấy hiện lên trong đầu hình ảnh một ông cụ hiền lành ngồi lọt thủm trong chiếc ghế bành, ăn ĩa tại chỗ trong gần mười năm trước khi mất mà sau mỗi bữa ăn trưa hay cằn nhằn một cách dễ thương “Madeleine, cà phê đâu ?” để được Madeleine âu yếm rầy rà “Đợi một chút có được không ?”.

Vậy mà hình ảnh êm đềm nầy vẫn không làm Chị giảm bớt thắc mắc :

- Maman vừa mới nói đó là những sự việc nhỏ xảy ra khó tránh khỏi trong đời vợ chồng, vậy tại sao khi con hỏi Maman có bị tát không, Maman im lặng rất lâu trước khi trả lời. Tại sao ?

Maman của Chị ngập ngừng :

- Vì… vì rằng đó là một vết thương… rất khó thú nhận.

Chị đeo đuổi :

- Một vết thương ? Đồng ý, nhưng là một vết thương không đáng kể, chẳng là gì so với…

- Có chứ, có chứ. Sao chẳng là gì ! Chính là một sự sỉ nhục. Không thể chấp nhận được. Không thể cho phép, tuyệt đối không. Khăn ẩm vì nhà ẩm. Không thể bỏ qua… không, không và không.

Nếu có ai nghe thì khó có thể tưởng tượng đây là giọng nói của một cụ bà 88 tuổi đã gần như mù loà, đang đề cập đến một sự cố đã xảy ra cách nay 68 năm, một sự cố còn tươi roi rói như thách thức với thời gian và vẫn còn thời sự.

Sau khi tạm biệt Maman của Chị, Chị ngồi im trong phòng một lúc lâu để cảm thấy người càng ngày càng nhẹ như sụt cân và nghĩ đến vẻ mặt của bạn mình không biết sẽ thế nào sau cái gật đầu của Chị. Rồi Chị xoay qua nghĩ đến cái nhìn, chắc là sửng sốt “Ba tát Má thật à, tại sao ?” của con gái mình và rất có thể sau đó sẽ nghe nó phá lên cười “Má đã nói với Ba, theo ý tôi thì là con mèo. Má đã nói tôi, theo ý tôi, thật sao ? Tuyệt vời. Hoan hô Má”. Rồi Chị miên man nhiều chuyện trong đầu đến không nghe cái gì reo ngoài tiếng reo vui nho nhỏ nhưng đủ nghe trong lòng mình để không thấy Anh bước vào phòng quên gõ cửa :

- Điện thoại reo sao em không lấy, thằng nhỏ muốn nói chuyện với em nè.

Chị không nhận cái điện thoại Anh đưa mà lại bấm nút cái đang cầm trong tay :

- Allo, Má đây. Khoan, nghe Má nói đã, nghe cho kỹ. Má dặn trước nghen, mầy mà tát vợ thì mầy sẽ nghe tiếng tau…

Tội nghiệp thằng nhỏ, chẳng hiểu ất giáp gì, chưng hửng trong khi Anh rón rén đi ra, đóng cửa lại sau lưng mình như thể coi trọng chuyện riêng tư của người khác.

Paris ngày 11 tháng 11 năm 2008
NINH KIỀU



* Tata : (ngôn ngữ nhi đồng) cô, dì, thím, mợ, bác gái
Copyright © 2006 by Dien Dan Forum, BP 50, 92340 Bourg-La-Reine, France
diendan@diendan.org