Hiển thị các bài đăng có nhãn Lý Đợi và Lữ Phương. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lý Đợi và Lữ Phương. Hiển thị tất cả bài đăng

15/4/09

Hai ông họ Trịnh, Lý Đợi và Lữ Phương

Hai ông họ Trịnh, Lý Đợi và Lữ Phương

15/04/2009 | 3:22 chiều |

Tác giả: Nguyễn Huy Vũ

Chuyên mục: Văn học - Nghệ thuật
Thẻ: Tranh luận về Trịnh Công Sơn

“Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm

Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”

(Nguyễn Đình Chiểu)

Binh sĩ đánh nhau bằng gươm súng, trí thức đánh nhau bằng bút. Ngòi bút có sức mạnh. Bút bén không chỉ nhờ phong cách hành văn, mà còn ở kiến thức, tính hợp lý và trên hết là có tình.

Bút chiến gần đây nhất của trí thức Việt Nam tạo ra nhiều quan tâm có lẽ là vụ Trịnh Cung viết một bài về Trịnh Công Sơn. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu Trịnh Công Sơn không phải là người nổi tiếng (nhiều khi bị thần tượng hóa); và cũng chẳng có gì phải cãi nhau nếu Trịnh Cung viết một bài chỉ toàn khen Trịnh Công Sơn như vô số bài trước đây của nhiều tác giả (mà như Lý Đợi cho rằng có đến 90% các bài viết về Trịnh Công Sơn) hoặc Trịnh Cung chỉ là một tay lơ tơ mơ nào đó trong xã hội và chẳng có một mối quan hệ gần gũi với Trịnh Công Sơn. Đằng này sự việc nằm ở một thái cực khác.

Vậy Trịnh Cung viết gì? Trong bài “Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị” đăng trên Da Màu, Trịnh Cung cho rằng Trịnh Công Sơn có lúc từng có ý muốn tham gia vào hoạt động chính trị cả trước và sau năm 1975 và “sa lầy vào rượu, thuốc và phụ nữ” khi cảm thấy chán nản trong cuộc sống sau chiến tranh.

Nhiều bài viết đã đăng, nằm ở cả hai phía. Một bên thì ủng hộ Trịnh Công Sơn phản bác lại Trịnh Cung với nhiều luận điệu. Một bên thì khuyến khích những bài viết kiểu của Trịnh Cung cho rằng nó cung cấp thêm thông tin đa chiều giúp người đọc biết thêm thông tin về người nghệ sĩ này.

Nổi bật lên trong số đó có lẽ là hai bài viết của Lý Đợi và Lữ Phương. Trịnh Cung, Trịnh Công Sơn, Lý Đợi và Lữ Phương đại diện cho bốn khuynh hướng khác nhau. Trịnh Cung từng tham gia quân đội Việt Nam Cộng hòa, Trịnh Công Sơn tiêu biểu cho một thế hệ trí thức phản chiến ở miền Nam, ngược lại Lữ Phương từng hoạt động trong chế độ cộng sản, còn Lý Đợi sinh sau năm 75 và chẳng có một ký ức gì về chiến tranh.

Lý Đợi thì cho rằng dạng bài loại này chỉ chiếm một tỉ lệ khoảng 5% và nên được viết ra để độc giả thế hệ sau có thêm một cái nhìn về Trịnh Công Sơn. Lữ Phương thì đặt câu hỏi là Trịnh Cung có nên viết một bài “kiểu giật gân” (sic) như thế không, khi Trịnh Cung từng là bạn thân của Trịnh Công Sơn; và khi mà Trịnh Công Sơn đã trở thành một “huyền thoại” như thế thì bài viết là một sự đố kỵ hay là một bài viết tưởng nhớ “Tháng Tư Đen” và chế độ Việt Nam Cộng hòa của các cựu viên chức? Một bài viết khác thể hiện một cái nhìn xuề xòa của giới trí thức Sài Gòn đó là bài của Đào Hiếu khi cho rằng cái mà Trịnh Công Sơn để lại cho đời là những tác phẩm âm nhạc, còn chuyện ông có “mê gái” hay mê rượu một chút cũng chẳng có gì là ầm ĩ.

Người ta biết về nhạc Trịnh nhiều hơn là tiểu sử cuộc đời Trịnh Công Sơn. Nếu làm một cuộc khảo sát những người từng nghe nhạc Trịnh, dễ lắm cũng có thể đến 90% người nghe không biết nhiều về tiểu sử Trịnh Công Sơn, ngoại trừ những thông tin đại loại như ông là nhạc sĩ phản chiến trước chiến tranh, sau chiến tranh ở lại, có lúc bị đưa đi cải tạo sau rồi được “đặc cách” trở lại Sài Gòn sống và sáng tác cho đến cuối đời, uống nhiều rượu và hút nhiều thuốc lá…

Như đã nói ở trên, sẽ không có gì là ầm ĩ nếu Trịnh Công Sơn không được “huyền thoại hóa”. Ở cái xứ An Nam này quả thật là lạ, những nhân vật “bị” biến thành huyền thoại phải là một nhân vật không có gia đình, không có (hoặc hiếm khi) yêu phụ nữ, và đặc biệt là “phải” không có con và suốt đời “hi sinh” vì sự nghiệp. Những hạnh phúc và nhu cầu cơ bản của đàn ông dường như bị “tước đoạt” và “xóa tiệt”. Những nhân vật “huyền thoại” trở thành một “ông thánh”, khác biệt với người thường. Ông không có nhu cầu của một người bình thường.

Hãy thử hình dung một người nghệ sĩ bình thường, nổi tiếng, vây quanh bởi nhiều phụ nữ đẹp mà không có một cảm giác nào thì quả thật là lạ. Lạ hơn là việc đi hát với một cô ca sĩ năm này qua tháng khác mà không có một tình cảm nào giữa hai người. Có gì là sai trái nếu một người đàn ông không /chưa có gia đình yêu phụ nữ? Hãy để ông trở thành một người bình thường: một nhạc sĩ có tài, và cũng có những tật như nhiều người đàn ông bình thường khác.

Nếu người ta điều tra và viết về các mối quan hệ của một vị tổng thống Mỹ với các cô gái khác sau khi ông mất thì cũng chẳng có gì là nghiêm trọng, những mảng khác trong cuộc đời của những nhân vật nổi tiếng nên được đưa ra cho thế hệ sau biết.

Hãy khoan bàn đến những thông tin cung cấp bởi Trịnh Cung có đúng hay không, điều đó cần phải kiểm chứng. Điều mà chúng ta cần là một cái nhìn đa chiều, để biết và hiểu thêm về một vấn đề, ở đây là Trịnh Công Sơn. Người ta yêu Trịnh Công Sơn vì yêu nhạc của ông chứ không ai yêu ông vì lối sống. Nhưng lẽ dĩ nhiên, những thông tin bên lề về cuộc sống của ông sẽ là một đề tài nhiều thú vị để thế hệ sau biết thêm, nhiều khi chỉ để tán gẫu ở quán cà phê.

Cái tiêu đề “Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị” có lẽ hơi nặng, chuyển thành “Trịnh Công Sơn và chính trị” nó sẽ hay hơn chăng? Một nghệ sĩ nổi tiếng trong giai đoạn cuối của chiến tranh đôi khi bị lợi dụng và những thông tin phao đồn nhiều khi không tránh khỏi. Sẽ có tranh cãi nếu đặt câu hỏi rằng Trịnh Công Sơn có “tham vọng chính trị” hay không, nhưng nhiều người sẽ đồng ý rằng Trịnh Công Sơn không có khả năng làm chính trị, ông chỉ có thể là một nhạc sĩ, thế thôi.

Một ý khác của Lữ Phương cho rằng bài viết của Trịnh Cung như là một gợi nhớ về cái thời huy hoàng của chế độ Việt Nam Cộng hòa, một điều lạc lõng trong thái độ kêu gọi hòa giải hiện nay. Nếu Lữ Phương hiểu được tâm lý của kẻ bại trận chắc ông sẽ có một cái nhìn khác. Nó giống như bố mẹ đánh oan một đứa con mà không cho nó có một cơ hội nào để tự bào chữa cho hành động của nó, đứa bé khóc nhưng trong lòng cứ rấm rứt, còn bố mẹ cứ bảo thôi lỡ rồi con, quên đi. Nhưng làm sao quên được khi mà trong lòng cứ rấm rứt. Hãy để những kí ức được viết ra, viết để rồi quen, để giải tỏa, và khi người đọc thấy đó là những điều rất bình thường, đã thuộc về lịch sử thì lịch sử đã được đóng lại, và một giai đoạn mới được mở ra.

Điều cuối cùng là có nên đem chuyện của bạn mình ra kể cho thiên hạ bàn tán? Điều đó tùy thuộc vào hoàn cảnh và những chi tiết đem kể, tùy thuộc vào người kể và kể như thế nào, để rồi cuối cùng quyền phán xét thuộc về người đọc.

Cần lắm một cái nhìn đa chiều về bất cứ một vấn đề, và thảo luận trong tinh thần tương kính, điều mà trí thức Việt Nam cần cải thiện nhiều.

Stockholm 14.04.2009

Tham khảo:

“Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị”. Nguồn: http://damau.org/archives/5055

hoặc: http://www.viet-studies.info/TrinhCung_TrinhCongSon.pdf.

Lý Đợi “Thử bàn về 3 cách viết về Trịnh Công Sơn”. Nguồn: http://damau.org/archives/5141 hoặc: http://www.viet-studies.info/LyDoi_TrinhCongSon.pdf.

Lữ Phương “Trong hai ông họ Trịnh này ai mới là người có tham vọng chính trị”. Nguồn:

http://www.viet-studies.info/LuPhuong/LuPhuong_HaiOngHoTrinh.htm.

Đào Hiếu “Trịnh Công Sơn, anh đã đến trần gian để làm gì?” Nguồn: http://www.talawas.org/?p=2319

© 2009 Nguyễn Huy Vũ

© 2009 talawas blog