Hiển thị các bài đăng có nhãn Thơ cần thiết cho ai (1). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Thơ cần thiết cho ai (1). Hiển thị tất cả bài đăng

11/5/09

Thơ cần thiết cho ai (1)

Thơ cần thiết cho ai (1)

10/05/2009

Tác giả: Nguyễn Đức Tùng

Chuyên mục: Sáng tác, Văn học - Nghệ thuật
Thẻ: William Stafford
Bài 1 - William Stafford: Đi qua bóng tối

Nhiều năm trước đây, trong một bệnh viện ở Mỹ, tôi ngạc nhiên thấy trên tường của khu chấn thương, khắc nhiều câu thơ của một tác giả xa lạ. Các tuyển tập văn chương mà tôi được đọc trước đó cũng hoàn toàn không đề cập đến ông. Chỉ sau này tôi mới biết rằng đó là một nhà thơ được nhiều người yêu mến. Ngày nay nếu cần chọn một bài thơ tiêu biểu cho nền thơ Mỹ trong vòng mấy chục năm qua, một trong vài bài tôi chọn có lẽ là bài “Đi qua bóng tối” (Traveling through the dark) của William Stafford, trong tập thơ cùng tên xuất bản năm 1962.

William Stafford thuộc thế hệ của John Berryman và Robert Lowell, sinh năm 1914, mất năm 1993, lớn lên ở tiểu bang Kansas, học Đại học Kansas. Tại đây, anh bắt đầu chọn con đường viết văn, tham gia vào cuộc vận động của sinh viên chống phân biệt chủng tộc. Trong thời gian thế chiến thứ II, anh bị tập trung vào trại lao động vì phản đối chiến tranh, thời đó gọi là các conscientious objectors (người phản đối chiến tranh vì lương tâm). Anh lập gia đình trong thời gian này, được trả tự do vào năm 1946, và hoàn tất chương trình tiến sĩ năm 1954. Stafford làm nhiều công việc khác nhau, từ lao động trên các cánh đồng củ cải đường, nhà máy lọc dầu, công việc xây dựng, ngành rừng và cuối cùng là giáo sư Anh văn tại Portland, Oregon. Ngoài các tập thơ, ông còn viết nhiều truyện ngắn, tiểu luận.

Có vẻ như Stafford không có một cố gắng nào để đưa ra các đề tài lớn lao về xã hội; và hình như ông chỉ làm thơ để tự vui thú chính mình, mặc dù thế, người đọc bao giờ cũng bắt gặp trong những bài thơ của ông một cuộc chiến đấu gian nan nhưng đẹp đẽ của một lương tâm bền bỉ.

Đi qua bóng tối

Lái xe trong đêm, tôi nhìn thấy một con hươu

Chết nằm bên vệ đường

Tốt nhất là lăn nó xuống mương

Đường hẹp, xe tránh nhau nguy hiểm chết người.

Theo ánh sáng đuôi xe, tôi đi vòng lại.

Đứng bên cái chết còn mới nguyên

Mình con hươu cứng lại, gần lạnh giá.

Tôi kéo ra, bụng nó phồng lên.

Khi chạm tay vào một bên tôi chợt hiểu

Da bụng ấm, bào thai còn sống

Đang đợi chờ, nhưng chẳng được ra đời.

Tôi đứng bên đường suy nghĩ bồi hồi.

Ngọn đèn sáng chiếu thấp dần phía trước;

Tiếng máy nổ rì rì bên dưới mui xe.

Tôi đứng trong vùng hộp máy hồng đỏ rực;

Quanh lũ chúng tôi lắng nghe thiên nhiên lắng nghe.

Tôi suy nghĩ rất lung cho tất cả chúng ta

Rồi đẩy nó qua bờ lăn xuống bến sông xa.



Traveling through the dark

Traveling through the dark I found a deer

dead on the edge of the Wilson River road.

It is usually best to roll them into the canyon:

that road is narrow; to swerve might make more dead.

By glow of the tail-light I stumbled black of the car

and stood by the heap, a doe, a recent killing;

she had stiffened already, almost cold.

I dragged her off; she was large in the belly.

My fingers touching her side brought me the reason -

her side was warm; her fawn lay there waiting,

alive, still, never to be born.

Beside that mountain road I hesitated.

The care aimed ahead its lowered parking lights;

under the hood purred the steady engine.

I stood in the glare of the warm exhausted turning red;

around our group I could hear the wilderness listen.

I thought hard for us all - my only swerving -,

then pushed her over the edge into the river.

William Stafford

(Nguồn: David Lehman, The Oxford Book of American Poetry, NXB Oxford, 2006)

Giọng thơ giản dị, có tính chất mô tả, ít ngôn ngữ mơ hồ như thường gặp trong một số bài khác của ông, mời người đọc đi vào cuộc đối thoại trực tiếp giữa họ và ông, giữa con người và thiên nhiên. Một người bạn của tôi, người Nhật, nói với tôi rằng bài thơ này rất khó dịch qua tiếng Nhật mặc dù ngôn ngữ bề ngoài trông dễ hiểu. Tôi thử dịch ra tiếng Việt và cũng thấy đúng như thế.

Ngôn ngữ của William Stafford hàm súc và mặc dù ông ít dùng các biểu tượng, thơ ông chất chứa sự đa nghĩa, không phải là sự đa tuyến của lối thơ hậu hiện đại, mà là sự đa nghĩa xuất phát trực tiếp từ một triết lý thâm trầm nằm dưới những hiện thực được ghi nhận bằng cặp mắt trong suốt.

Đây là một bài thơ tự sự tiêu biểu: một câu chuyện kể có đầu có đuôi. Ngoài đời, việc dừng lại bên một con hươu bị chết, có lẽ do bị xe cán, và lăn nó xuống hố không phải là một hành động ngoại lệ hiếm hoi. Nhiều người sẽ bỏ qua trường hợp này. Nhưng tác giả đã ngồi xuống, đặt tay lên bụng con hươu, và vì vậy ông nhận ra hơi ấm, nhận ra sự sống. Bắt đầu từ đây có một mối xung đột khởi đi. Anh có muốn cứu con hươu con trong bụng mẹ không?

Chúng ta phải làm gì trong trường hợp này?

Ai là người đưa ra quyết định cuối cùng? Càng suy nghĩ ta càng thấy rằng người tạo ra quyết định không phải chỉ là nhà thơ/nhân vật mà là “our group” (nhóm chúng tôi, lũ chúng tôi). Lũ chúng tôi tức là ai? Tại sao tác giả lại dùng đến nhiều câu như thế để miêu tả chiếc xe hơi đang rì rì nổ máy, như thể đó là một vật biết suy nghĩ và đang suy nghĩ? Nhóm của chúng tôi gồm có: người lái xe, con hươu mẹ đã chết, con hươu con hãy còn nằm trong bụng mẹ chờ sinh ra, chiếc xe hơi và cảnh vật xung quanh.

Tóm lại, một thế giới.

Bài thơ nói với chúng ta về sự phân vân của một người đi giữa cuộc đời, đang ở vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nghĩ đến bài thơ, tôi yêu mến hơn phẩm chất cao đẹp của người trí thức: sự hoài nghi trước những quyết định cá nhân và lịch sử. Những người không có đức tính hoài nghi, tuyệt đối tin tưởng vào một thứ sự thật, thật là những kẻ đáng nghi ngờ. Hơn thế nữa, đôi khi đó là những kẻ đáng sợ. William Stafford thường mở ra những cuộc đối thoại nhân sinh gay cấn như thế trong những bài thơ mang vẻ ngoài giản dị (deceptively simple), với giọng điệu từ tốn, dịu dàng của mình.

Mỗi khi chán nản, không có cảm hứng, ta nên nghĩ đến William Stafford: tương truyền rằng mỗi ngày ông đều dậy sớm, viết một bài thơ trước lúc rạng đông, kể từ lúc thanh niên cho đến cuối đời, đều đặn như thế. Mỗi ngày, mỗi sớm tinh sương. Thật là một tấm gương cần mẫn. Có nhà báo thắc mắc hỏi ông làm cách nào mà ông làm được thơ mỗi ngày, và nếu gặp những ngày không có cảm hứng, chỉ làm ra toàn những bài thơ dở thì sao? Stafford trả lời: “lúc đó tôi liền hạ tiêu chuẩn của tôi xuống”.

Tôi hình dung khi nói thế, ông đang tủm tỉm cười. Nhưng thật ra những tiêu chuẩn đã hạ xuống ấy vẫn còn quá cao so với nhiều người khác.

© 2009 Nguyễn Đức Tùng

© 2009 talawas blog