Hiển thị các bài đăng có nhãn Henry Miller - Thời của những kẻ giết người (2). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Henry Miller - Thời của những kẻ giết người (2). Hiển thị tất cả bài đăng

19/7/10

Henry Miller - Thời của những kẻ giết người (2)

Henry Miller
Thời của những kẻ giết người - Nghiên cứu về Rimbaud
Nguyễn Hữu Hiệu dịch


Khi chàng viết cuốn sách mọi đen của chàng (Une Saison en Enfer) người ta nói rằng Rimbaud đã tuyên bố: ”Số phận tôi tuỳ thuộc cuốn sách này!”. Đúng một cách sâu xa làm sao phán quyết đó mà chính Rimbaud cũng không hiểu. Vừa khi chúng ta bắt đầu ý thức được định mệnh bi thảm của chúng ta, chúng ta bắt đầu nhận thấy ý chàng muốn nói gì. Chàng đã đồng hoá định mệnh chàng với định mệnh của thời đại chủ yếu nhất mà con người biết. Giống như chàng, hoặc chúng ta sắp khước từ tất cả những gì nền văn minh cuả chúng ta bênh vực từ đó đến nay và toan tính tái thiết, hoặc chúng ta sắp phá huỷ nó bằng chính tay chúng ta. Khi thi sĩ đứng ở Thiên để điểm, thế giới quả thực phải lộn nhào. Nếu thi sĩ không còn có thể nói cho xã hội được nữa, nhưng chỉ nói cho mình nghe, lúc đó chúng ta đang ở bước đường cùng. Trên thi thể thi ca của Rimbaud, chúng ta đã bắt đầu dựng lên một ngọn tháp Babel. Điều đó không có nghĩa rằng chúng ta hãy còn là thi sĩ, hoặc một vài thi sĩ hãy còn có thể hiểu được, hãy còn có thể cảm thông với quần chúng. Đâu là khuynh hướng của thi ca và đâu là sợi dây nối kết giữa thi sĩ và khán giả? Đâu là bức thông điệp? Trước hết chúng ta hãy nêu lên câu hỏi đó. Tiếng nói nào là tiếng nói ngày nay tự khiến mình được người ta lắng nghe, tiếng nói của thi sĩ hay của khoa học gia? Chúng ta đang nghĩ tới cái Đẹp, dù cay đắng, hay là chúng ta đang nghĩ đến nguyên tử năng? Và mối xúc động chính mà những phát minh vĩ đại của chúng ta gợi ra là gì? Kinh hoàng! Chúng ta có tri thức không minh triết, tiện nghi không an ninh, lòng tin tưởng không đức tin. Thi ca của đời sống chỉ được diễn tả trong thuật ngữ của toán học, vật lý, hoá học. Thi sĩ là một kẻ cùng đinh mạt hạng, một quái vật dị thường. Hắn đang trên đường tuyệt diệt. Ngày nay ai quan tâm tới sự kiện hắn tự khiến mình trở nên dị thường đến mức nào? Con quái vật đang được dạo chơi khắp thế giới. Nó đã chốn thoát khỏi phòng thí nghiệm, nó đang phục vụ cho bất cứ kẻ nào có can đảm sử dụng nó. Thế giới quả thực đã trở thành con số. Sự lưỡng phân tinh thần, như tất cả mọi sự lưỡng phân khác, đã sụp đổ. Đó là thời kì của hưng phế và tình cờ; cuộc chuyển động vĩ đại đã bắt đầu.

Và những kẻ điên rồ đang nói đến những sự tu bổ, thẩm vấn, trừng phạt, về hàng lối và liên hiệp, về tự do thương mại, ổn định và phục hồi kinh tế. Trong thâm tâm, không một người nào tin rằng cục diện thế giới có thể sửa chữa được. Tất cả mọi người đang chờ đợi cái biến cố trọng đại, biến cố duy nhất làm chúng ta bận tâm ngày đêm: cuộc chiến tranh sắp tới. Chúng ta đã xáo trộn tất cả mọi sự. Không ai biết đạt tới sự kiểm soát bằng cách nào và ở đâu. Cặp thắng hãy còn đây, nhưng liệu chúng có làm việc không? Chúng ta biết rằng chúng sẽ không làm việc. Không, quỷ mị đã đào thoát. Thời đại của điện khí đã lùi sau chúng ta xa như thời thạch khí. Đây là thời của sức mạnh, sức mạnh đơn thuần. Bây giờ nó không phải là thiên đàng hay hoả ngục, cũng không có thể ở giữa được nữa. Và bằng mọi dấu hiệu, chúng ta sẽ chọn địa ngục. Khi thi sĩ sống trong địa ngục của hắn thì con người bình thường không còn có thể trốn tránh được nó nữa. Tôi đã gọi Rimbaud là một kẻ đào ngũ? Tất cả chúng ta đều là những kẻ bội giáo đào ngũ. Chúng ta đã phản bội từ thuở ban đầu. Định mệnh cuối cùng bắt kịp chúng ta. Chúng ta sắp có Mùa địa ngục của chúng ta, tất cả mọi người, từ đàn ông cho tới đàn bà, trẻ con, đã đồng hoá với nền văn minh này. Đó chính là điều chúng ta đã từng cầu xin, và bây giờ nó đây. Aden đã dường như một nơi thú vị. Trong thời đại Rimbauud, hãy còn có thể dời Aden để đến Harar, nhưng năm mươi năm sau kể từ bây giờ, chính trái đất sẽ là một miệng núi lửa bao la. Thây kệ những sự khước từ của những khoa học gia, sức mạnh mà ngày nay chúng ta có trong tay đang có tính cách phóng xạ, phá hoại thường trực. Chưa bao giờ chúng ta nghĩ tới sức mạnh trong lãnh vực thiện mà chỉ trong lãnh vực ác. Không có gì bí ẩn xung quanh những nguyên tử năng, sự bí ẩn ở trong lòng người. Sự khám phá ra nguyên tử năng đồng thời với sự khám phá ra rằng không bao giờ chúng ta có thể tin người khác được nữa. Ở đó có định mệnh – nằm trong sự sợ hãi chín đầu không bom đạn nào có thể phá huỷ. Kẻ đào ngũ đích thực là người đã mất niềm tin vào đồng loại mình. Ngày nay sự mất niềm tin có tính cách phổ quát. Ở đây chính Thượng đế cũng bất lực. Chúng ta đã đặt đức tin vào bom đạn, và chính bom đạn sẽ đáp ứng những lời cầu nguyện của chúng ta.

Chấn động biết bao đối với một thi sĩ khi khám phá ra rằng Rimbaud khước từ lời kêu gọi của mình! Chẳng khác nào nói rằng chàng đã khước từ tình yêu. Dù bất cứ nguyên do nào, chắc chắn sự xô đẩy tối thượng đưa tới sự mất đức tin. Sự khiếp đảm của thi sĩ, cảm thức bội phản và lường gạt, được đối chiếu với phản ứng của nhà khoa học khi ông khám phá thấy công dụng mà những sự phát minh của ông đặt vào. Người ta bị cám dỗ so sánh hành động khước từ của Rimbaud với sự thả bom nguyên tử. Những sự dội lại, dù rộng rãi hơn trong trường hợp sau, không sâu xa bằng. Con tim ghi nhận một sự chấn động trước phần còn lại của thân thể. Sự suy đồi cần có một thời gian để lan rộng qua khắp toàn thi thể của nền văn minh. Nhưng khi Rimbaud đi ra ngoài cửa hậu, sự suy đồi tự nó đã gióng lên.

Tôi có lý biết bao khi lảng tránh sự khám phá đích thực về Rimbaud! Nếu tôi rút những kết luận hoàn toàn sai biệt từ những thi sĩ khác về sự xuất hiện và biểu lộ của chàng trên trần gian, việc đó giống hệt tinh thần mà những vị thánh rút tỉa những kết luận lạ thường về sự Giáng sinh của đấng Cứu thế. Hoặc giả những điều như thế này là những biến cố quan trọng trong lịch sử con người hoặc nghệ thuật diễn giải là một nghệ thuật giả đò. Một ngày kia chúng ta sẽ sống như đấng Christ là điều tôi không mảy may nghi ngờ. Chúng ta sẽ khước từ cá tính trước hết là điều tôi cũng không chút hồ nghi. Chúng ta đã đi tới tận điểm của lòng vị kỉ, trạng thái nguyên tử của hữu thể. Ở đấy chúng ta bị tan hoang. Bây giờ chúng ta đang sửa soạn khai tử cho cái tiểu ngã nhỏ bé để cái ngã chân thực trồi lên. Một cách vô tâm và vô thức chúng ta đã khiến thế giới thành một, nhưng một trong vô năng tính. Chúng ta phải trải qua một cái chết tập thể để trồi lên những cá nhân xác thực. Nếu quả thật, như Lautréamont nói, rằng “thi ca phải được làm nên bởi tất cả”, thì chúng ta phải tìm một ngôn ngữ mới trong đó một tâm hồn sẽ nói với một tâm hồn khác không qua trung gian. Sự kêu gọi nhau phải trực tiếp và chớp nhoáng như giữa Chúa Con với Chúa Cha. Thi sĩ ngày nay bị bắt buộc phải huỷ bỏ chức phận của mình vì hắn đã biểu lộ sự thất vọng của hắn, vì hắn đã nhìn nhận sự bất lực của mình trong việc truyền cảm. Là một thi sĩ, ngày xưa là một chức phận cao cả nhất; ngày nay, là một cái gì tào lao nhất. Thực trạng như vậy không phải vì thế giới kháng lại lời biện hộ của thi sĩ mà vì chính thi sĩ không còn tin tưởng vào sứ mệnh thiêng liêng của mình nữa. Bây giờ hắn đang ca hát lạc điệu trong một thế kỉ hay hơn nữa; cuối cùng chúng ta không còn thể điều hoà nổi. Tiếng gầm rít của bom đạn hãy còn có ý nghĩa với chúng ta, nhưng những tiếng rời rạc của thi sĩ dường như ngập ngọng nếu trong hai tỷ người trên thế giới hiện nay, chỉ có dăm ba ngàn người làm bộ hiểu người thi sĩ cô đơn nói gì. Sự tôn sùng nghệ thuật đi đến tận điểm của nó chỉ hiện hữu cho một dúm người đàn ông đàn bà quý báu. Rồi nó không còn là nghệ thuật mà là mật ngữ của một xã hội bí mật để truyền bá cá tính vô nghĩa. Nghệ thuật là một cái gì khuấy động đam mê, ban bố viễn tượng, sự sáng suốt, can đảm và niềm tin. Có nghệ sĩ nào trên thế giới trong những năm gần đây khua động được thế giới như Hitler đã làm? Có bài thơ nào gần đây khiến cả thế giới xúc động như bom nguyên tử? Từ khi Chúa ra đời đến nay, chưa bao giờ chúng ta được thấy những viễn cảnh như vậy bật ra, gia tăng mỗi ngày. Thi sĩ có những khí giới nào để so sánh với những thứ đó? Hay những giấc mộng nào? Óc tưởng tượng khoa trương của hắn bây giờ ở đâu? Thực tại ở ngay trước mắt chúng ta, trần như nhộng, nhưng đâu là bài ca báo hiệu nó? Có chăng một thi sĩ của trường độ thứ năm? Tôi không thấy một người nào. Tôi không gọi là thi sĩ những người làm thơ, có vần điệu hay không có vần điệu. Tôi gọi là thi sĩ những người có thể thay đổi thế giới một cách sâu xa. Nếu có một thi sĩ như vậy sống giữa chúng ta, hãy để chàng tự tuyên xưng. Hãy để chàng cất tiếng! Nhưng nó sẽ phải là tiếng có thể làm tắt ngấm tiếng gầm thét của bom đạn. Chàng sẽ phải dùng một ngôn ngữ làm xúc động tâm hồn con người, khiến máu sôi lên sùng sục…

Nếu sứ mệnh của thi ca là thức tỉnh, chúng ta đã phải thức tỉnh lâu rồi. Một vài kẻ thức tỉnh, điều đó không chối cãi được. Nhưng bây giờ tất cả đều phải được thức tỉnh - và ngay lập tức - hoặc chúng ta diệt vong. Nhưng con người sẽ không bao giờ diệt vong, tuỳ thuộc điều đó. Mà chính là một nền văn hoá, một nền văn minh, một lối sống sẽ diệt vong. Khi những kẻ đã chết này đã thức tỉnh, thi ca sẽ là yếu chất của cuộc đời. Chúng ta có thể sẽ mất thi sĩ lắm nếu chúng ta bảo tồn chính thi ca. Không cần giấy mực để sáng tạo hay truyền bá nó. Dân man rợ nói chung đều là thi sĩ của hành động, thi sĩ của cuộc đời. Họ hãy còn làm thơ dầu nó không làm xúc động chúng ta. Chúng ta chú ý đến cái thơ mộng, chúng ta không được tránh lề lối sống của họ: chúng ta phải thể nhập thi ca của họ vào thi ca của chúng ta, chúng ta phải pha trộn cuộc đời chúng ta với vẻ đẹp thấm nhiễm cuộc đời họ. Thi ca của người văn minh bao giờ cũng chấp nhất, ”bí truyền”. Nó đã đem lại cái chết của chính nó.

“Chúng ta phải tuyệt đối tân kì”, Rimbaud nói, ý nói những ảo tưởng đã lỗi thời cũng vậy, những điều mê tín và những ngẫu tượng, tín điều giáo điều và tất cả những chuyện tầm phào và rỗng tuếch yêu mến mà nền văn minh huênh hoang của chúng ta được tạo thành. Chúng ta phải đem lại ánh sáng, chứ không phải thần cảm giả tạo ”tiền bạc làm giảm giá trị khắp nơi”, chàng viết trong một trong những lá thư của chàng. Đó là vào thời 1880 xa xưa. Ngày nay ở Âu châu thực ra không còn bất cứ một giá trị nào. Điều người ta thiếu là nơi ẩn trú, quần áo, thức ăn – những cái căn bản – không phải tiền. Toà lâu đài tàn tạ đã lở ra từng mảng trước mắt chúng ta, nhưng chúng ta lưỡng lự chưa tin vào mắt chúng ta. Chúng ta hãy còn hy vọng có thể làm việc như thường lệ. Chúng ta chưa ý thức được sự tai hại đã xảy ra cũng chưa ý thức được những khả thể của sự tái sinh. Chúng ta đang dùng ngôn ngữ của thời Cựu thạch khí. Nếu người ta chưa thâu tóm nổi sự vĩ đại của hiện tại, làm sao họ có thể cảm nghĩ trong khuôn khổ tương lai? Chúng ta đã cảm nghĩ trong khuôn khổ quá khứ trong vài ngàn năm rồi. Bây giờ, trong chốc lát, toàn thể quá khứ bị chùi sạch đi. Chỉ còn lại tương lai đang nhìn thẳng vào mặt chúng ta. Nó hé mở như một vực thẳm. Nó thật đáng sợ, tất cả mọi người đều công nhận, mặc dầu chỉ nghĩ tới điều mà trong tương lai tích trữ để dành cho chúng ta. Trong quá khứ quái vật mang tầm vóc con người; người ta có thể đương đầu với chúng, nếu người ta đủ dũng cảm. Bây giờ quái vật vô hình; có hàng tỉ con trong một hạt bụi. Các bạn thấy tôi vẫn dùng ngôn ngữ trong thời Cựu thạch khí. Tôi nói như thể chính nguyên tử là quái vật, như thể nó tác động chứ không phải chúng ta. Đó là một hình thức lường gạt chúng ta thực hành trên chúng ta từ lúc con người suy tưởng. Và điều này nữa, cũng là một sự lừa dối – giả định rằng ở một điểm xa xôi nào trong quá khứ, con người bắt đầu suy tưởng. Con người chưa bắt đầu suy tưởng nữa. Về phương diện tâm linh, nó hãy còn đi bốn chân. Nó sờ soạng trong sương mù, mắt nó nhắm, tim nó đập thình thịch vì sợ hãi. Và điều nó sợ nhất – Xin Thượng Đế thương xót hắn – là chính hình ảnh hắn.

Nếu một đơn tử còn chứa đựng nhiều năng lực đến thế, thì chính con người, kẻ mang trong mình cả một vũ trụ nguyên tử sẽ thế nào? Nếu có thờ phụng năng lực, tại sao nó không nhìn vào chính nó? Nếu nó có thể chứng minh theo ý muốn, năng lực vô biên tù hãm trong một nguyên tử cực tiểu, thì lúc đó những ngọn thác Niagara đó trong nó ra sao? Và năng lực của trái đất là gì, chỉ nói riêng về sự kết tụ vật chất cực tiểu khác? Nếu chúng ta mong cùm xích quỷ dữ đến nỗi tư tưởng tê liệt. Hoặc – nó phấn khích đến nỗi con người phải chạy hụt hơi từ nhà này sang nhà khác để reo rắc mê sảng và hỗn loạn. Có lẽ chỉ bây giờ người ta mới có thể thẩm định được sự nhiệt liệt – đặc tính của Satan, khi tháo xiềng xích cho những sức mạnh của sự ác. Con người lịch sử không biết gì về cái quỉ mị đích thực. Nó cư trú trong một thế giới u hiển đầy những phản chiếu mờ nhạt mà thôi. Con người giữa thiện và ác đã được phân định từ lâu. Tội lỗi thuộc về thế giới ma quỷ, thế giới của giả bộ. Những ảo mộng hãy chết đi! Ấy, nhưng chúng đã bị ám sát từ lâu rồi. Con người được cung cấp một nhãn lực thứ hai khiến nó có thể nhìn qua và bên trên thế giới của ảo tưởng yêu ma. Nỗ lực duy nhất đòi hỏi con người là nó hãy mở cặp mắt của linh hồn, hãy nhìn vào lòng thực tại và đừng chới với trong lãnh vực của ảo ảnh và ảo giác.

Có một thay đổi tế vi tôi cảm thấy phải thực hiện, trong tương quan với sự diễn giải cuộc đời Rimbaud, và điều đó liên hệ với yếu tố định mệnh. Số phận của chàng là trở thành thi sĩ khích động của thời đại chúng ta biểu tượng của những sức mạnh phân ly mà ngày nay tự chúng hiển lộ. Tôi thường nghĩ là chính định mệnh chàng là bị vướng mắc vào cuộc đời hành động, trong đó chàng sẽ tàn tạ một cách hèn mọn. Khi chàng nói số phận chàng phụ thuộc vào cuốn ”Saison”, chàng muốn nói, tôi phỏng đoán rằng nó sẽ quyết định đường hướng của những hành động tương lai của chàng, và, như ngày nay dường như trở nên minh bạch, nó hầu như chắc chắn đã làm vậy. Nếu chúng ta muốn, chúng ta có thể cho rằng trong khi viết tác phẩm đó chàng chủ trì phát lộ cho chính mình rằng chàng không cần diễn tả trên bình diện nghệ thuật nữa. Là thi sĩ, chàng đã nói tất cả những gì chàng có thể nói. Chúng ta tưởng tượng rằng chàng đã ý thức về điều đó và do đó quay lưng lại với nghệ thuật một cách cố ý. Một vài người đã so đọ nửa phần đời sau của chàng như một thứ giấc ngủ của Rip Van Winkle; đây không phải là lần thứ nhất một nghệ sĩ ngủ trên thế giới. Thì đây ta có ngay Paul Valéry, người đã làm một việc tương tự khi ông đào thoát lãnh vực thi ca đi vào lãnh vực toán học trong một giai đoạn hai mươi năm hay vào khoảng đó. Thường thường có một cuộc trở về, hay một sự thức tỉnh. Trong trường hợp Rimbaud sự thức tỉnh nằm trong cái chết. Ngọn lửa leo lét chập chờn cùng với cái chết của chàng càng ngày càng thêm mãnh liệt vì sự kiện cái chết của chàng càng ngày càng được nhiều người biết đến. Kể từ ngày từ giã trần gian này, chàng càng sống phi thường và linh động hơn khi sống ở đời hơn bao giờ. Người ta tự hỏi nếu chàng trở về cuộc sống này, chàng sẽ viết lối thi ca nào, thông điệp của chàng sẽ là gì. Như thể bị cắt đứt trong lúc đương độ thanh niên trai tráng, chàng đã bị khuôn thiên lừa lọc mất giai đoạn cuối cùng của sự phát triển cho phép một người hoà điệu với những tự ngã nghịch thù của hắn di động dưới một lời nguyền phần lớn cuộc đời, tranh đấu với tất cả mọi năng lực để tìm cho mình một lối đi vào những không gian quang đãng, mênh mang của hiện thể, chàng đã bị dập vùi xuống đất cho mãi đến giây phút cuối cùng khi người ta cảm thấy mây mù đang được vén lên. Sự bồn chồn nóng nảy của hành động chàng biểu thị ý thức về một cuộc sống non yểu, như trong trường hợp D. H. Lawrence và nhiều người khác. Nếu người ta thắc mắc không hiểu những người này có tự thể hiện được viên mãn mình không, người ta có khuynh hướng phúc đáp khẳng định. Tuy họ không được phép đi tròn đầy chu kì, cái tương lai không được sống qua đó cần phải được đoái tưởng tới, nếu chúng ta muốn công bình với họ. tôi đã nói về Lawrence, và tôi nói về Rimbaud, rằng nếu họ được ban thêm ba mươi năm sống nữa, chắc chắn họ sẽ ca hát một điệu hoàn toàn khác hẳn. Họ sẽ luôn hợp nhất với định mệnh họ, chính số phận họ phản bội họ và chính nó đánh lừa được chúng ta trong khi khảo sát sự nghiệp và động lực thúc đẩy của họ.

Rimbaud như tôi thấy, là một mẫu nổi loạn par excellence. Cuộc nổi loạn kéo dài qua phần đầu của cuộc đời chàng không kinh dị bằng cuộc nổi loạn ở phần thứ hai. Có lẽ, chính chúng ta, là người không ý thức được giai đoạn vinh quang chàng sửa soạn bước vào. Chàng chìm xuống dưới chân trời của chúng ta vào chiều hôm trước của cuộc đổi thay vĩ đại, vào lúc khởi đầu của một thời kì xung mãn khi thi sĩ và con người hành động sắp liên hợp. Chúng ta thấy chàng tắt nghỉ như một kẻ chiến bại, chúng ta không thấy được những phần thưởng mà những năm kinh nghiệm trần gian đã tích luỹ cho chàng. Chúng ta thấy hai mẫu người đối nghịch kết hợp trong một con người, chúng ta thấy sự tranh chấp mà không thấy sự hoà điệu hay dung giải tiềm ẩn. Chỉ có những người quan tâm tới ý nghĩa của đời chàng mới cho phép mình bỏ thì giờ giỡn chơi với những suy tưởng đó. Tuy nhiên mục đích duy nhất trong việc đi vào cuộc đời một cá tính ngất trời, nghiên cứu cuộc đời trong quan hệ với tác phẩm, là khám phá ra cái ẩn toàn thâm u, cái bất toàn như thị. Nói về một Lawrence chưa biết tới (vô danh), một Rimbaud chưa biết tới, không còn phải bàn cãi gì nữa về những vóc dáng mà họ có thể tự phát lộ một cách hoàn toàn này. Điều lạ lùng đáng ghi nhận trong mối quan hệ đó là chính những người đề cập đến sự phát lộ - sự tự phát lộ - về người có niềm bí ẩn lớn lao nhất. Những cá nhân này dường như được sinh ra trong thế giới nhiễu nhương để biểu lộ điều bí ẩn nhất trong bản chất họ. Có một niềm bí ẩn gặm nhấm họ là một điều không còn nghi ngờ gì nữa. Người ta không cần phải “huyền bí” để có ý thức về sự khác biệt giữa những vấn đề của họ với những vấn đề của những người siêu đẳng cũng như sự tự đi tới những vấn đề đó của họ. Những người này liên kết một cách sâu xa với tinh thần thời đại, với những vấn đề nền tảng vây phủ thời đại và cho nó đặc tính và âm điệu riêng của nó. Bề ngoài họ có vẻ lưỡng tính, và có lý do chính đáng, vì họ thể nhập cố cựu tân kì với nhau chính vì lí do này mà cần phải có nhiều thời gian để thẩm định và đánh giá họ hơn những người đồng thời dù thời danh hơn họ. Những người này có cội nguồn trong tương lai sáo trộn chúng ta một cách vô cùng sâu xa. Họ có hai âm điệu, hai khuôn mặt, hai lối diễn tả. Họ được phối hợp để dời chuyển, thăng trầm. Khôn ngoan bằng một cách mới lạ, ngôn ngữ của họ đối với chúng ta dường như bí hiểm, nếu không điên cuồng hoặc tương phản.

Trong một bài thơ Rimbaud nêu ra sự bí mật gặm nhấm mà tôi đã nêu ra.

“Hydre intime, sans gueules,
Qui mine et désole”.

Chính sự sầu muộn đã đầu độc chàng ở cả thiên đỉnh lẫn thiên để - điểm của hiện thể chàng. Trong chàng mặt trời và mặt trăng đều mãnh liệt và bị che lấp. (Toute lune est atroce et tout soleil amer). Trung tâm điểm của con người chàng bị ăn rỗng; nó lan rộng như bệnh ung thư gặm nhấm đầu gối chàng. Cuộc sống như một thi sĩ của chàng, nguyệt kì của cuộc cách mạng của chàng cho thấy cùng tính chất lu mờ như phần đời sau của cuộc sống giang hồ và con người hành động của chàng, tức giai đoạn nhật kì. Tạm thoát khỏi sự điên cuồng trong tuổi trẻ, chàng trốn thoát nó lần nữa vào lúc từ trần. Giải pháp duy nhất của chàng, nếu chàng không bị bắt lìa bởi cái chết, là cuộc sống trầm tư, con đường huyền bí. Tôi tin tưởng rằng ba mươi bảy năm của chàng sửa soạn cho lối sống này.

Tại sao tôi tự cho phép mình nói về phần đời dang dở của chàng với xác tín nhường ấy? Bởi vì lại một lần nữa tôi lại nhìn thấy những sự đồng thanh đồng khí với cuộc sống của chính tôi, với sự phát triển của chính tôi. Nếu tôi chết vào tuổi Rimbaud chết, người đời sẽ biết gì về mục đích của tôi, những nỗ lực của tôi? Không gì hết. Tôi sẽ bị coi như một sự thất bại toàn triệt. Tôi phải đợi tới năm bốn mươi ba tuổi mới được nhìn thấy tác phẩm đầu tiên của mình được ấn hành. Đó là một biến cố định mệnh cho tôi, có thể so sánh về mọi phương diện với sự ấn hành cuốn “Saison”. Với sự xuất hiện của nó một chu kỳ phá hoại và thất bại dài đằng đẵng đi đến chỗ kết thúc. Với tôi nó có thể gọi tên là “cuốn sách mọi đen” của tôi. Nó là lời nói cuối cùng trong tuyệt vọng, phản kháng và nguyền rủa. Nó còn có cách tiên tri và chữa trị, không phải chỉ đối với độc giả của tôi mà đối với tôi nữa. Nó có tính chất cứu chuộc của nghệ thuật luôn luôn phân biệt những cuốn sách đoạn tuyệt với quá khứ này. Nó cho phép tôi đóng lại cánh cửa của quá khứ và tái nhập bằng cửa hậu. Niềm bí ẩn nhức nhối vẫn tiếp tục ăn mòn tôi, nhưng bây giờ nó lả “niềm bí ẩn mở phơi” và tôi có thể đương đầu với nó.

Và đâu là bản chất của niềm bí ẩn đó? Tôi chỉ có thể nói rằng nó không liên hệ với những bà mẹ. Tôi cảm thấy tương tự với Lawrence và Rimbaud. Tất cả sự nổi loạn mà tôi chia sẻ với họ phát khởi từ vấn đề này, như tôi cố gắng diễn tả, có nghĩa là sự tìm kiếm mối ràng buộc đích thực của người ta với nhân loại. Người ta không thể tìm thấy nó trong đời sống cá nhân cũng như trong đời sống tập thể, nếu người ta thuộc mẫu người này. Người ta bất khả thích nghi với độ điên cuồng. Người ta khao khát kiếm kẻ đồng đẳng nhưng chỉ thấy vây quanh bởi những khoảng trống vắng mênh mông. Người ta cần một bậc thầy, nhưng người ta thiếu khiêm cung, nhu thuận, kiên trì cần thiết. Người ta không tự nhiên thoải mái với kẻ cao viễn trong tinh thần, ngay cả kẻ cao viễn ngất trời cũng khiếm khuyết hay khả nghi. Tuy nhiên ngưới ta chỉ tương ứng với những người cao viễn ngất trời này. Đó là một tình trạng lưỡng nan của sự trọng đại đầu tiên, một tình trạng lưỡng nan đầy ý nghĩa cao vời nhất. người ta phải thiết lập sự sai biệt tối hậu của con người dị thường của riêng mình và làm vậy để khám phá liên hệ quyến thuộc với toàn thể nhân loại, ngay cả lớp mạt hạng. Chấp nhận chính là khai ngữ. Nhưng chấp nhận chính là đoạn đường gập ghềnh dễ sa chân sẩy bước nhất. Nó phải là sự chấp nhận hoàn toàn chứ không phải là thủ cựu.

Điều gì khiến cho mẫu người này khó chấp nhận trần gian? Sự kiện, như tôi thấy bây giờ, là trong buổi ban đầu của cuộc đời toàn thể khía cạnh đen tối của cuộc sống, và của chính con người ta, dĩ nhiên, bị đàn áp, bị ngăn trở hoàn toàn đến độ dường như không còn nhìn nhận ra được. Không bị bác bỏ khía cạnh đen tối này của con người có nghĩa là một sự mất cá tính, mất cả tự do nữa, người ta lý luận với mình như vậy. Tự do bị ràng buộc bởi sự biện biệt. Cứu chuộc ở đây nghĩa là bảo tồn đồng nhất tính đồng nhất của con người trong một thế giới có khuynh hướng biến tất cả mọi người và mọi sự tương tự như nhau. Đó là căn nguyên của nỗi sợ hãi. Rimbaud nhấn mạnh sự kiện chàng muốn tự do trong cứu chuộc. Nhưng người ta chỉ được cứu chuộc bằng cách khắc phục tự do ảo tưởng này. Sự tự do hắn đòi hỏi là giải thoát tự ngã để tự xác nhận mình không bị hạn chế. Đó không phải là tự do. Dưới ảo tưởng này người ta chỉ có thể đóng đến cùng mọi khía cạnh chi ly nhỏ nhặt của con người mình và còn tìm thấy lý do để than vãn, đất để nổi loạn nếu người ta sống đủ lâu. Đó là một tự do cho người ta quyền phản đối, tách ra nếu cần. Nó không đếm xỉa gì đến những sự khác biệt của người khác, mà chỉ chú ý đến sự khác biệt riêng tư. Nó không bao giờ giúp người ta tìm thấy sự ràng buộc của người ta, sự liên lạc của người ta, với toàn thể nhân loại. Người ta mãi mãi chia ly, mãi mãi đơn độc.

Tất cả điều đó chỉ có một ý nghĩa duy nhất đối với tôi – đó là người ta vẫn trói buộc với mẹ. Mọi sự nổi loạn của người ta chỉ là bụi trong mắt, toan tính che dấu sự trói buộc này một cách điên cuồng. Người mang dấu tích này luôn luôn chống lại mảnh đất quê hương họ - không có cách nào làm khác được. Sự nô lệ là vấn đề phải lo lắng nhất, dù nô lệ tổ quốc, giáo hội hay xã hội. Cuộc đời họ dùng để phá huỷ xiềng xích, nhưng niềm bí ẩn ăn mòn những bộ phận sinh hoạt của họ và không cho họ được ngơi nghỉ. Họ phải hoà giải với mẹ trước khi họ có thể rứt bỏ ám ảnh xiềng xích. “Đứng ngoài lề! Luôn luôn đứng ngoài lề! Ngồi trên ngưỡng của lòng mẹ”. Tôi tin rằng đó chính là những lời nói của tôi trong Blackspring, một thời vàng son khi tôi gần như nắm được sự bí mật. Không có gì đáng ngạc nhiên khi người ta bị tách biệt khỏi mẹ. Người ta không quan tâm tới bà, trừ như một trở ngại. Người ta muốn tiện nghi và an ủi của lòng mẹ, cái bóng tối và sự yên ả đó, đối với kẻ chưa sinh ra đời tương đương với giác ngộ và chấp nhận, đối với kẻ đã thực sự chào đời. Xã hội được tạo thành bởi những khuôn cửa đóng, cấm kỵ, luật lệ, ức chế và cấm đoán. Người ta không có cách nào để thoát khỏi những nanh vuốt của những yếu tố xây dựng nên xã hội này và qua đó người ta phải làm việc nếu người ta bao giờ cũng muốn thiết lập một xã hội đích thực. Đó là một cuộc nhảy múa liên tục bên miệng núi lửa. Người ta có thể được tuyên dương như một kẻ nổi loạn vĩ đại nhưng người ta sẽ chẳng bao giờ được yêu. Và hơn ai hết kẻ nổi loạn cần phải biết tình yêu, cho nhiều hơn nhận được, và là tình yêu cho cả hơn tình yêu nữa.

Có lần tôi đã viết một bài thảo luận nhan đề ”Cửa lòng rộng mở”. Trong thiên thảo luận này, tôi quan niệm thế giới như một cửa lòng, như nơi sáng tạo. đó là một nỗ lực dũng cảm và hữu hiệu đi tới chấp nhận. Đó là điềm báo trước một sự chấp nhận hoàn toàn hơn, vắn tắt để theo, một sự chấp nhận mà tôi thực hiện với toàn thể con người tôi. Nhưng thái độ coi thế giới như một cửa lòng và sáng tạo này không phải là một thái độ dễ chịu đối với những kẻ nổi loạn khác. Nó chỉ khiến tôi bị xa lánh ghét bỏ thêm mà thôi. Khi kẻ nổi loạn bất hoà với kẻ nổi loạn, như hắn thường làm, nó giống như mặt đất tan vỡ dưới chân hắn. Rimbaud trải qua cảm giác chìm đắm đó qua kinh nghiệm công xã. Kẻ nổi loạn chuyên nghiệp thấy khó tiêu một thái độ như vậy. Chàng dùng một danh từ xấu xa để chỉ nó: tạo phản. Nhưng chính tính chất tạo phản đó trong kẻ nổi loạn tách rời chàng với quần chúng. Chàng luôn luôn tạo phản và xúc phạm thần thánh, nếu không trong chữ nghĩa thì trong tinh thần. Trong thâm tâm chàng là một kẻ phản bội bởi chàng sợ nhân tính trong chàng sẽ kết hợp chàng với đồng loại của chàng; chàng là một kẻ phá huỷ thánh tượng bởi vì tôn kính hình tượng quá cao, chàng đi đến chỗ sợ hãi nó. Điều chàng muốn trên tất cả là nhân tính thông thường của chàng, những sức mạnh sùng bái và tôn kính của chàng. Chàng sầu não vì đứng một mình; chàng mãi mãi không muốn là một con cá sống ngoài nước. Chàng không thể sống với những lý tưỡng của chàng trừ khi những lý tưởng này được chia sẻ, nhưng làm sao chàng có thể thông đạt những ý tưởng và những lý tưởng của chàng nếu chàng không nói cùng ngôn ngữ với đồng loại chàng? Làm sao chàng chinh phục được họ nếu chàng không biết tình yêu? Làm sao chàng có thể thuyết phục họ xây dựng nếu cả đời chàng chỉ dùng để phá huỷ?

Sự âu lo được xây dựng trên nền tảng nào? Cái “hydre intime” ăn rỗng cho đến khi ngay cả tâm điểm của con người trở thành mạt cưa và toàn thể, thân thể riêng tư và thân thể thế giới tựa như một toà phá miếu. “Rien de rien ne me m’illusionne!” Rimbaud kêu lên. Tuy nhiên cả đời chàng không là gì khác hơn là một ảo tưởng vĩ đại. Thực tại đích thực của con người chàng không bao giờ chàng khám phá ra được, không bao giờ đi tới chỗ cầm nắm được. Thực tại là cái mặt nạ mà chàng tranh đấu với móng vuốt sắc để bứt xé đi. Trong chàng là một sự khao khát không thể dập tắt đi.

“légendes ni figures
Ne me désaltèrent”.

Không, không gì có thể làm dịu cơn khát của chàng. Cơn sốt ở trong những bộ phận sinh hoạt của chàng nơi niềm bí ẩn day dứt. Tinh thần chàng tự phát hiện từ những đáy sâu thai bào, nơi, tựa một con tàu say, chàng bập bềnh điên đảo trên biển thi ca chàng. Bất cứ nơi nào ánh sáng soi vào nó đều gây thương tích hết. Mỗi thông điệp từ thế giới sáng của tinh thần đều tạo ra một kẽ nứt trên vách mộ. Chàng sống trong một nơi ẩn náu của tổ tiên vỡ vụn khi phơi ra ánh sáng ban ngày. Với tất cả ngững gì là nguyên tố, chàng đều quen thuộc thoải mái, trái lại chàng là một sự thoái bộ, một khuôn mặt cổ điển, một người Pháp hơn bất cứ một người pháp nào, tuy nhiên là một kẻ xa lạ giữa bọn họ.

Tất cả mọi sự được xây dựng trong ánh sáng của nỗ lực thông thường chàng đều từ khước. kí ức chàng, cái kí ức ôm ấp thời đại của Đại giáo đường, thời đại của những cuộc viễn chinh của Thập tự quân, là một kí ức nòi giống. Hầu như sự sinh ra đời thất bại không thể cá thể hoá chàng. Chàng vào đời trang bị như một tên Saracen. [1] Chàng có luật lệ khác, nguyên tắc hành động khác, thế giới quan khác. Chàng là một người nguyên thuỷ được phú bẩm tất cả mọi vẻ quý phái của nòi giống. Chàng siêu đẳng về bất cứ phương diện nào. Chàng là kẻ đặc biệt đó, kẻ phi thường sinh ra từ máu mủ xác thịt nhân loại như được chó sói bú mớm. Không một ẩn ngữ có tính cách phân giải nào sẽ có thể giải thích được con quái vật. Chúng ta biết điều chàng thất bại không làm nổi, nhưng điều chàng phải làm để trung thực với con người chàng, ai có thể nói được? Chúng ta phải hiệu chính những qui luật của sự hiểu biết ngõ hầu bám sát một điều bí ẩn như vậy.

Con người bây giờ đang bị xô liệng, ai sẽ cưỡng bách chúng ta thay đổi những phương pháp nhận thức của chúng ta. Nơi trú náu xưa, nơi Rimbaud sống với niềm bí ẩn của chàng chẳng bao lâu sụp đổ. Bất cứ nhân vật lạc điệu nào chẳng bao lâu sẽ bị đẩy ra ngoài chỗ công khai; không còn nơi khuất nẻo nào còn lại. Trong hoàn cảnh công cộng, nhân vật kì lạ với chứng bệnh bí hiểm của hắn sẽ bị lôi ra khỏi chiến hào duy nhất của hắn. Toàn thể thế giới của đàn ông và đàn bà đang bị tập trung lại, mang ra trước vành móng ngựa của công lý. Có đáng kể gì nếu vài tâm hồn hiếm bứt rứt khó chịu, bị xử bất công, rút hương thơm ra từ những nỗi đau khổ của họ? Bây giờ toàn thể chủng loại đang sửa soạn chuẩn bị một cuộc thử thách lớn lao, với biến cố vĩ đại hầu như trên chúng ta, việc đọc những bí ngữ càng ngày càng trở nên quan trọng hơn, kích thích hơn bao giờ. Chẳng bao lâu, và một cách vô cùng đột ngột, tất cả chúng ta sẽ bị dìm ngập sát cánh nhau, kẻ tiên tri thấu thị cũng như con người phàm phu tục tử. Một thế giới hoàn toàn mới mẻ, một thế giới cấm và kinh hoàng, sẽ gần kề chúng ta. Một ngày kia chúng ta sẽ thức dậy để nhìn ra một cảnh tượng bên ngoài mọi hiểu biết. Những thi nhân và những nhà tiên tri thấu thị đã báo hiệu thế giới mới đó hàng nhiều thế hệ, nhưng chúng ta không chịu tin họ. Chúng ta ở những định tính, chúng ta từ khước thông điệp của những hành tinh vô định trong bầu trời. Chúng ta coi chúng như những hành tinh chết, như những con ma ẩn hiện, như những kẻ sống xót của những tai hoạ đã bị bỏ quên từ lâu.

Thi nhân giống như những hành tinh vô định của bầu trời xiết bao! Tựa như những hành tinh, họ chẳng dường như giao thiệp với những thế giới khác sao? Họ chẳng nói với chúng ta về những việc sắp xảy ra cũng như về những việc quá khứ xa xưa, chôn vùi trong trí nhớ nòi giống của con người sao? Còn ý nghĩa nào hay hơn chúng ta có thể gán cho sự lưu lại thoáng qua bên trái đất hơn mật sứ của thế giới khác? Chúng ta sống giữa những sự kiện chết trong khi họ sống trong dấu hiệu và biểu tượng. Khát vọng của họ chỉ trùng hợp với khát vọng của chúng ta khi chúng ta lại gần cận nhật điểm. Họ cố gắng lôi kéo chúng ta ra khỏi chỗ neo tầu; họ hối thúc chúng ta cùng bay với họ trên đôi cánh tinh thần. Họ luôn luôn thông báo sự xuất hiện của những điều sắp xảy ra và chúng ta đóng đinh họ vì chúng ta sống trong sự sợ hãi cái bất khả tri. Trong thi nhân, lò xo hành động được che dấu kín. Một mẫu tiến hoá cao hơn hết tất cả mọi chủng loại khác – và ở đây, khi dùng tiếng “thi nhân” tôi muốn chỉ tất cả những kẻ cư trú trong tinh thần và óc tưởng tượng – chàng chỉ được phép có thời kì thai nghén giống như những người khác. Chàng phải tiếp tục thai nghén sau khi ra đời. Thế giới mà chàng sẽ cư ngụ không giống như thế giới của chúng ta; nó chỉ giống thế giới của chúng ta theo mức độ mà thế giới của chúng ta được kể như giống thế giới của người Cro-Magnon. Sự thấu hiểu sự vật của chàng tương tự với sự thấu hiểu của một người ở thế giới không gian chiều thứ tư sống trong một thế giới ba chiều. Chàng ở trong thế giới của chúng ta nhưng không thuộc về nó; chàng không trung thành với bất cứ nơi nào. Sứ mệnh của chàng là xúi giục chúng ta, khiến thế giới giới hạn vây quanh chúng ta trở nên không thể tha thứ được. Nhưng chỉ có những kẻ nào có thể theo lời kêu gọi sống qua thế giới không gian ba chiều, mới có thể sống hết khả năng của nó.

Dấu hiệu và biểu tượng mà thi nhân dùng là những bằng chứng chắc chắn nhất chứng tỏ rằng ngôn ngữ là một phương tiện đề cập tới cái bất khả thuyết và bất khả tư nghị. Ngay khi những biểu tượng trở nên có thể thống trị được trên mọi bình diện, lập tức chúng mất hết năng lực và hiệu quả. Đòi hỏi thi sĩ nói ngôn ngữ của những người ngoài phố chẳng khác nào mong nhà tiên tri khiến những lời dự đoán của ngài trở nên minh bạch. Điều gì nói với chúng ta từ trên những lãnh vực cao xa đều đến vây bọc trong màn bí mật và huyền nhiệm. điều gì thường xuyên trải ra và tôi luyện qua giải thích – tóm lại, thế giới khái niệm – thì đồng thời bị đè ép súc tích, siết chặt lại qua việc sử dụng nghệ thuật tốc kí nắn nót của biểu tượng. Chúng ta không thể giảng nghĩa nổi trừ trong ngôn ngữ của những câu đố mới. Điều gì thuộc về lãnh vực tinh thần, hay vĩnh cửu, thoát khỏi mọi định nghĩa. Ngôn ngữ của thi sĩ có tính cách tiệm cận; nó đi song song với tiếng nói bên trong khi tiếng sau này kề cận cõi vô biên của tinh thần. Chính qua âm vực nội tại này mà người không ngôn ngữ, tạm nói như vậy, thông cảm với thi sĩ. Không có vấn đề giáo dục ngôn ngữ can dự vào nhưng là một vấn đề phát triển tinh thần. Sự tinh khiết của Rimbaud không nơi nào biểu lộ nhiều hơn trong cao độ bất thoả hiệp này mà chàng duy trì trong suốt tác phẩm chàng chàng được nhiều mẫu người khác nhau hiểu cũng như bị nhiều mẫu người khác nhau ngộ nhận. Những kẻ bắt chước chàng có thể bị khám phá ra ngay lập tức. Chàng không có điểm nào chung với trường tượng trưng cũng như chẳng có điểm nào chung với phái siêu thực, như tôi được biết. Chàng là cha đẻ của nhiều trường phái và không là bà con của một trường phái nào. Chính sự sử dụng biểu tượng độc nhất của chàng là sự đảm bảo cho thiên tài chàng. Nghệ thuật biểu tượng này được trau dồi trong gian lao và thống khổ. Đồng thời nó là một sự phản kháng và mưu thuật của sự truyền bá kiến thức buồn nản đe doạ bóp nghẹt nguồn suối tinh thần. Nó cũng còn là một cánh cửa sổ mở vào một thế giới của những tương quan phức tạp bao la mà ngôn ngữ bộ điệu cổ điển không còn dùng được nữa. Ở đây chàng gần nhà toán học và khoa học gia hơn gần thi sĩ của thời đại chúng ta. Khác với những thi sĩ gần đây của chúng ta, chàng không dùng những biểu tượng mà những nhà toán học và khoa học gia dùng. Ngôn ngữ của chàng là ngôn ngữ của tinh thần, không phải của trọng lượng, đo lường và những tương quan trừu tượng. Chỉ riêng trong lãnh vực này chàng phát hiện cho thấy chàng “tân kì” tuyệt đối như thế nào.

Ở đây tôi muốn khai triển một điểm mà trước đây tôi đã đề cập đến, đó là vấn đề giao cảm giữa thi sĩ và thính giả. Trong khi tán thưởng việc sử dụng biểu tượng của Rimbaud tôi muốn nhấn mạnh rằng chiều hướng đích thực của thi sĩ nằm trong nẻo này. Có một sự sai biệt lớn lao, trong tâm trí tôi, giữa sự sử dụng một nguyên bản biểu tượng rộng rãi và sự sử dựng một lối tiếng lóng vô cùng riêng tư mà tôi coi như ”khó hiểu”. Thi sĩ hiện đại dường như quay lưng lại với thính giả của mình, như thể hắn coi thường thính giả. Trong ý muốn tự vệ, đôi khi hắn thích tự đồng hoá mình với nhà toán học hay vật lý gia là những người ngày nay đang đi đến chỗ dùng một ngôn ngữ bộ điệu hoàn toàn ở bên trên mức lãnh hội của đa số người học thức, một ngôn ngữ xa lạ chỉ những hội viên tôn sùng hắn mới có thể hiểu nổi. Hắn dường như quên rằng hắn có một chức vụ hoàn toàn khác hẳn những người liên lạc với thế giới vật lý hay trừu tượng này. Phương tiện sự trung gian của hắn là tinh thần và sự liên lạc của hắn với thế giới của con người là một sự liên lạc thiết yếu. Ngôn ngữ của hắn không phải để cho phòng thí nghiệm mà là những thời kì nghỉ ngơi của tâm hồn. Nếu hắn từ chối khả năng làm xúc động chúng ta, phương tiện sự trung gian, của hắn sẽ trở thành vô giá trị. Nơi đổi mới là tâm hồn, và chính nơi đây thi sĩ phải cắm neo. Khoa học gia, ngược lại, hoàn toàn liên lạc với thế giới ảo tưởng, thế giới vật lý trong đó sự vật được tạo ra để xảy ra. Hắn hoàn toàn là một nạn nhân của những năng lực xưa kia hắn hy vọng khai thác. Thời kì vàng son của hắn đang đi đến chỗ bế mạc. Thi sĩ sẽ không bao giờ được thấy mình trong tư thế này. Trước hết hắn đã chẳng là thi sĩ nếu bản năng sống của hắn là bản năng bảo tồn như bản năng của khoa học gia. Nhưng sự nguy hiểm đe doạ hắn là sự huỷ bỏ những năng lực; bằng cách phản bội niềm tin của hắn, hắn nhường quyền kiểm soát số phận của vô lượng con người cho những cá nhân phàm tục mà mục đích duy nhất là thổi phồng chính con người họ. Sự thoái vị của Rimbaud thuộc tính chất tự thanh toán khác của thi sĩ hiện đại. Rimbaud từ chối trở thành bất cứ cái gì khác chàng, trong chức vụ chàng như một thi sĩ, để tồn tại. Những thi sĩ của chúng ta ganh ghét tên tuổi nhưng không có một sự sắp xếp nào để chấp nhận trách nhiệm của chức vụ họ. Họ không tự chứng tỏ mình là thi sĩ; họ bằng lòng tự gọi nhau như vậy một cách đơn thuần. Họ không viết cho thế giới đang chăm chú chờ mỗi lời họ thốt ra mà chỉ viết cho nhau. Họ chứng tỏ sự bất lực của họ bằng cách tự biến mình thành khó hiểu một cách cố ý. Họ khép mình trong tự ngã nhỏ bé được tô chuốt tán dương của họ; họ đặt mình lên trên thế giới vì sợ tan tành tả tơi khi mới tiếp xúc lần thứ nhất. Họ không có ngay cả cá tính nữa. Khi người ta có quyền đó, vì nếu họ có cá tính thì chúng ta đã có thể hiểu nỗi giày vò và hôn mê của họ, như tự thể của chúng, họ đã biến họ thành trừu tượng như những vấn đề của nhà vật lý học. Những vấn đề của họ là một mong ước sâu kín về một thế giới của thi ca thuần tuý trong đó cố gắng giao cảm bị giản lược đến số không. [2]

Khi tôi nghĩ tới những tinh thần vĩ đại đồng thời với Rimbaud – những người như Nietzsche, Strinberg, Dostoievsky – khi tôi nghĩ tới nỗi thống khổ họ chịu đựng, một sự thử thách trên tất cả mọi thứ mà những thiên tài của chúng ta phải trải qua, tôi bắt đầu nghĩ rằng hậu bán thế kỉ Mười chín là một trong những giai đoạn bị nguyền rủa nhất trong lịch sử. Từ hàng ngũ của những kẻ tuẫn giáo, tất cả đều đầy những dự cảm về tương lai, người mà tấn thảm kịch gần gũi Rimbaud nhất là Van Gogh. Chào đời một năm trước Rimbaud, chàng chết bởi chính tay chàng gần như cùng một tuổi. Giống như Rimbaud, chàng cũng có một ý chí kim cương, bất hoại một lòng can đảm gần như siêu nhân, một năng lực và lòng nhẫn nại phi thường, tất cả những đức tính đó cho phép chàng chiến đấu chống lại những sức mạnh đông đảo không thể chiến thắng. Nhưng cũng như Rimbaud, cuộc chiến đấu khiến chàng kiệt quệ trong lúc đời đương xanh; chàng quỵ ngã trên chóp đỉnh của những năng lực chàng.

Những cuộc lang thang, những sự thiên di, những bước thăng trầm, những sự thất bại và nhục nhã, đám mây mù của xa lạ bao phủ họ, tất cả những yếu tố chung của hai cuộc đời này, khiến họ đứng ngoài lề như hai kẻ song sinh xấu số. Cuộc đời họ nằm trong những cuộc đời buồn thảm nhất chúng ta ghi nhận được trong thời hiện đại. Không người nào đọc thư Van Gogh mà không xúc động nhỏ lệ nhiều phen. Tuy nhiên, điều khác biệt lớn lao nằm trong sự kiện cuộc đời Van Gogh hứng khởi. Chẳng bao lâu sau khi Van Gogh chết, bác sĩ Gachet, người thấu hiểu con bệnh của mình sâu xa, viết cho Théo, em của Vincent: “Danh từ yêu nghệ thuật không đúng, người ta phải gọi nó là đức tin, một đức tin mà Vincent cảm thấy mình là môt kẻ tuẫn đạo!”. Đó là một yếu tố dường như hoàn toàn khiếm khuyết nơi Rimbaud – đức tin, bất cứ tin Thượng Đế, con người hay nghệ thuật. Chính sự thiếu vắng của điều này khiến cuộc đời chàng ảm đạm và đôi khi hoàn toàn đen tối. Song le những sự tương đồng về tính khí giữa hai người nhiều và phi thường hơn cả. Mối quan hệ lớn lao nhất giữa họ và sự trinh tuyền của (trong?) nghệ thuật (của?) họ. Mức độ của sự trinh tuyền này được phát biểu bằng đau khổ. Với vòng xoay của thế kỉ, loại thống khổ này dường như không thể có được nữa. Chúng ta đi vào một phong thổ trong đó nghệ sĩ trở nên cứng cỏi hơn, vô tình hơn. Bất kì người nào bây giờ còn cảm nghiệm bất cứ điều gì tương tự loại khổ não đó, và ghi nhận nó, đều bị mang dấu “lãng mạn vô phương cứu chữa”. Người ta không mong đợi cảm thức kiểu đó nữa.

Vào tháng Bẩy 1880, Van Gogh viết cho em chàng một trong những lá thư đi vào tận lòng sự vật, một lá thư làm giỏ máu. Trong khi đọc lá thư đó, người ta nhớ tới Rimbaud. Luôn luôn trong thư họ, có một sự diễn tả giống nhau một cách lạ thường. Không bao giờ họ đoàn kết với nhau hơn khi họ tự vệ chống lại những lời buộc tội bất công. Trong lá thư đặc biệt này Van Gogh chống lại lời phỉ báng sự nhàn cư. Chàng mô tả tỉ mỉ hai loại nhàn cư, một loại xấu xa và một loại hữu ích. Đó là bài thuyết giáo đích thực về đề tài đó và đáng trở đi trở lại mãi. Trong một đoạn của lá thư này, chúng ta nghe thấy âm hưởng của mỗi chữ của Rimbaud… ”Bởi thế em không được nghĩ rằng anh từ chối không nhận sự vật”, chàng viết, ”Anh khá tin tưởng trong sự bất tín của anh, và dù thay đổi, anh vẫn vậy, và mối lo âu duy nhất của anh là: làm cách nào anh ích dụng cho đời, chẳng lẽ anh không thể phục vụ cho một vài mục đích nào đó và hoàn toàn vô tích sự, làm cách nào anh học hỏi nhiều hơn và nghiên cứu sâu xa một vài môn? Em thấy đó là điều khiến anh thường xuyên lo lắng và rồi anh cảm thấy anh bị tù túng trong cảnh nghèo nàn, bị loại ra không được tham dự một vài công tác và một số điều cần thiết ở ngoài tầm với của người anh. Đấy là một lý do khiến người ta không thể không buồn, và người ta cảm thấy một nỗi trống trơn nơi đáng lẽ có thể là tình bằng hữu và những nỗi yêu thương mãnh liệt và đứng đắn và người ta cảm thấy một nỗi chán chường khủng khiếp gặm nhấm nghị lực tinh thần mình, và định mệnh dường như dựng lên một hàng rào cho những bản năng thương mến, và một cơn chán nản ngập lụt dâng lên làm người ta ngột ngạt. Và người ta la lên: “Sao lâu quá, trời ơi!”

Rồi chàng tiếp tục tiễn biệt giữa con người ăn không ngồi rồi vì làm biếng, vì thiếu tư cách, vì bản chất hèn hạ, và loại người ăn không ngồi rồi khác phải làm biếng một cách miễn cưỡng, trong cùng đáy tâm hồn bị thiêu đốt bởi nỗi khát khao làm việc đến cùng cực, không làm gì cả bởi vì hắn không thể làm bất cứ việc gì v.v. Chàng vẽ một bức tranh một con chim bị nhốt trong cái lồng sơn son thiếp vàng. Rồi chàng thêm – bằng những chữ bi thương đứt ruột, thảm khốc - : ”Và người ta thường bị hoàn cảnh ngăn trở không cho hành động, một tù nhân trong một cái lồng anh không biết rõ khủng khiếp, khủng khiếp là nhường nào, cái lồng khủng khiếp nhất. Anh biết còn có sự giải thoát, sự giải thoát muộn màng. Một tăm tiếng suy sụp một cách hợp lý hay bất công, sự nghèo khó, những cảnh ngộ tang thương, tai biến, là cái khép kín chúng ta, cầm tù chúng ta: dường như vùi lấp chúng ta, nhưng, tuy nhiên người ta cảm thấy những chấn song nào đó, những cánh cổng nào đó, những bức tường nào đó. Phải chăng tất cả những cái đó là tưởng tượng, ảo tưởng? Anh không nghĩ vậy. Và rồi người ta thêm: ”Chúa ôi! Tình trạng này kéo dài hay sao, mãi mãi hay sao, vĩnh viễn hay sao đây?” Em có biết điều gì giải thoát người ta khỏi cảnh tù đày này không? Đó là bất cứ niềm yêu thương sâu thẳm, đứng đắn nào. Là bằng hữu, là anh em, tình yêu, là điều mở tung cánh cửa ngục tù bằng năng lực siêu phàm, bằng sức mạnh thần bí. Nhưng nếu không có điều đó, người ta mãi mãi ở trong tù. Nơi nào thiện cảm hồi phục, đời sống phục sinh”

Song trùng xiết bao giữa cuộc sống đày ải của Rimbaud giữa đám dân bản xứ Abyssnie với cuộc lưu đày tự ý của Van Gogh giữa đám người bị nhốt trong một dưỡng trí viện! Tuy nhiên chính trong những nơi chốn kì lạ này mà cả hai người tìm thấy một chút an bình thoả nguyện tương đối. Trong tám năm, Enid Starkie viết “người bạn và người an ủi duy nhất của Rimbaud dường như là Djami, cậu bé Harar mười bốn hay mười lăm tuổi gì đó, người hầu cận, người bạn đồng hành thường trực của ông… Djami là một trong ít người duy nhất trong đời ông mà ông nhớ và âu yếm nói tới, người bạn duy nhất ông nhắc nhở trên giường lâm chung, trong khi tư tưởng những người khác thường quay trở về những người họ biết khi còn trẻ. ”Về phần Van Gogh chính bác phu trạm Roulin là người đứng bên chàng trong những giờ phút đen tối nhất. Niềm khao khát mãnh liệt tìm kiếm một người nào đó chàng có thể sống và làm việc chẳng bao giờ thành tựu ở thế giới bên ngoài. Kinh nghiệm với Gauguin không những tai hại mà còn thảm khốc nữa. Khi cuối cùng chàng tìm thấy bác sĩ Gachet có dạ nhân từ ở Auvers thì đã muộn quá, những sợi dây tinh thần chàng đã rời rã kiệt quệ. “Đau khổ không than van là bài học duy nhất chúng ta phải học trong cuộc đời này!” Đó là kết luận Van Gogh đã rút ra từ kinh nghiệm đắng cay này. Chính trên ghi nhận cực kì nhẫn nhục này cuộc đời chàng kết liễu. Van Gogh từ trần tháng Bẩy 1890. Năm sau Rimbaud viết cho gia đình: “Adieumariage, alieu famille, adieu avenir! Ma vie est pasée. Je ne suis plus qu’ troncon immobile”. [3]

Không người nào khát khao tự do và độc lập cho bằng hai tâm hồn bị cầm tù này. Cả hai dường như lựa chọn có chủ định con đường trắc trở nhất cho mình. Với cả hai chén đắng được đổ đầy đến độ trào ra. Trong cả hai người có một vết thương sống mãi không bao giờ chữa lành được. Khoảng tám năm trước ngày nhắm mắt, van Gogh cho thấy trong một lá thư của chàng điều mà mối thất vọng lớn lao trong tình yêu lần thứ hai đã gây ra cho chàng thế nào. ”Chỉ một câu nói khiến tôi cảm thấy không có gì trong tôi thay đổi về điều đó hết, rằng nó còn đó và mãi mãi là một vết thương lòng, tôi mang theo với tôi, nhưng nó nằm sâu và sẽ chẳng bao giờ hàn gắn được, sẽ còn mãi năm này qua năm khác”. Một chuyện tương tự như vậy cũng đã xảy ra cho Rimbaud, dầu chúng ta gần như chẳng hiểu chút gì về câu chuyện bất hạnh này, thật khó mà tin rằng hậu quả cũng tác hại như vậy.

Có một đức tính mà họ cùng chia xẻ với nhau cũng đáng ghi nhận ở đây – sự đơn giản vô cùng của nhu cầu hàng ngày của họ. Họ khổ hạnh như những bậc thánh mới có thể khổ hạnh bằng. Có thể cho rằng Rimbaud sống một cách cơ cực bởi chàng nghèo thật. Nhưng khi chàng đã góp nhặt được một số tiền đáng kể chàng cho thấy chàng sẵn sàng ra đi với nó bất cứ lúc nào. Viết cho mẹ chàng từ Harar năm 1881, chàng nói: ”Si vous evez besoin, prenez de quoi est à moi: c’est à vous. Aapour moi je n’ai personne à qui songer, sauf ma propre personne, qui ne demande rien”, khi người ta nghĩ rằng những người này, những người mà tác phẩm đã là một suối nguồn bất tận cho những thế hệ nối tiếp, bị bắt buộc phải sống như nô lệ, rằng họ gặp khó khăn trong việc kiếm ăn, khó khăn hơn cả nhu yếu của một tên cu li, thì chúng ta nghĩ sao về xã hội từ đó nảy sinh? Chẳng phải rõ ràng rằng một xã hội như thế này đang sửa soạn cho sự sụp đổ nhanh chóng của chính nó sao? Trong một trong những lá thư viết từ Harar, Rimbaud so sánh những thổ dân ở Abyssinie với người văn minh da trắng: ”Les gens du Harar ne sont ni plus bêtes, ni plus canailles, que les règres blanes des pays civilisés; ce n’est pas du même ordre, voilà tout. Ils sont mêmes moins méchants et peuvent, dans certain cas, manifester de la reconnaissance et de la fidélité.” Giống như Van Gogh, chàng dễ chịu với những kẻ bị khinh bỉ và chà đạp hơn những người cùng giới chàng Rimbaud lấy một người đàn bà bản xứ để thoả mãn lòng yêu thương của chàng, trong khi Van Gogh cư xử như một người chồng (và như cha các con của nàng) với một thiếu phụ đáng thương thấp kém hơn chàng về đủ mọi phương diện, một người đàn bà khiến đời chàng trở thành địa ngục. Ngay cả về phương diện luyến ái xác thịt họ cũng bị khước từ những đặc ân của người đàn ông bình thường. Họ đòi hỏi ở cuộc đời ít bao nhiêu họ nhận được ít bấy nhiêu. Họ sống như những thằng bù nhìn, giữa những tài nguyên phong phú của thế giới văn hoá chúng ta. Tuy nhiên không có hai người nào của thế hệ họ có thể nói đã tinh luyện giác quan để hưởng trước bữa tiệc nhiều hơn họ. Trong khoảng thời gian vài năm họ không những đã nghiến ngấu mà còn ngốn tiệt di sản tích luỹ của vài ngàn năm. Họ đối diện với đói khát ngay giữa trung tâm bề ngoài có vẻ sung mãn. Đã đến lúc diệt vong. Châu Âu đã rất sẵn sàng phá huỷ cái khuôn mẫu đã trở nên chật hẹp như một cỗ áo quan. Năm tháng đã trôi qua kể từ ngày họ từ trần thuộc về khía cạnh đen tối đó của đời sống mà trong bóng tối của nó họ đã tranh đấu để thở. Tất cả những gì là man rợ, sai lầm, phá tán đang dềnh lên bề mặt với sức mạnh của một sự tuôn trào như núi lửa. Cuối cùng chúng ta đang bắt đầu nhận thức được lạc hậu biết bao nhiêu cái thời đại tự xưng là “tân tiến” này. Những tinh thần tân tiến đích thực chúng ta đã ra công tiêu diệt hết. Quả thực niềm khao khát của họ ngày nay có vẻ lãng mạn; họ nói ngôn ngữ của tâm hồn. Ngày nay chúng ta đang nói bằng ngôn ngữ chết, mỗi người một ngôn ngữ khác nhau. Sự cảm thông đã chấm dứt; chúng ta chỉ chuyển giao xác ngôn từ.

“Có thể tháng tới tôi sẽ tới Zanzibar”, Rimbaud viết trong một lá thư của chàng. Trong một lá thư khác chàng nghĩ tới việc tới Trung Hoa hay Ấn Độ. Luôn luôn chàng hỏi tin tức về kênh đào (Panama?). Chàng sẽ du lịch tới chân trời góc biển nếu ở đó có hy vọng bù đắp cho cuộc sống. Chẳng bao giờ chàng nghĩ tới chuyện trở về quê hương và làm lại cuộc đời. Luôn luôn tâm trí chàng nghĩ về những miền đất lạ.

Thật là hoà điệu thân mật sao! Biết bao lần trong lúc ban đầu tôi mơ tưởng tới chuyện đi tới Timbuctoo! Nếu không thể, thì tới Alaska hay tới những hải đảo Polynésie. Có lần trong viện bảo tàng Trocadero, tôi đứng lặng hồi lâu ngắm nhìn khuôn mặt những thổ dân quần đảo Caroline. Vì tôi ngắm nghía kỹ những nét đẹp của họ tôi nhớ lại rằng họ hàng xa xôi của tôi có thể tới đó, tôi nghĩ, cuối cùng chắc chắn tôi sẽ cảm thấy “thoải mái như ở nhà mình” cho mà xem. Còn về Đông phương, nó luôn nằm trong đáy tâm hồn tôi, một khát vọng sớm bắt đầu từ lúc tuổi còn xanh. Không những chỉ Trung Quốc và Ấn Độ mà thôi mà còn cả Java, Bali, Miến Điện, tiểu bang Nepal và cả Tây Tạng nữa. Chẳng bao giờ tôi nghĩ tôi sẽ gặp khó khăn tại những nơi xa xăm đó. Luôn luôn tôi có cảm tưởng tôi sẽ được đón tiếp bằng những vòng tay rộng mở. Trái lại, trở lại New York lại là một ý tưởng ghê sợ. Thành phố mà mỗi con đường tôi biết rõ như một cuốn sách, nơi tôi có biết bao nhiêu bạn bè, lại là nơi cuối cùng trên trái đất tôi sẽ quay về. Thà tôi chết còn hơn bị bắt buộc quay về sống những ngày cuối cùng của tôi tại nơi chôn nhau cắt rốn. Tôi chỉ có thể hình dung tôi khi trở về New York như một kẻ hoàn toàn xác xơ, như một kẻ què quặt, như một kẻ đã hoá ra ma.

Tôi tò mò đọc những lá thư đầu của Rimbaud xiết bao! Chàng vừa mới bắt đầu những cuộc phiêu đãng; chàng nói huyên thiên về những cảnh tượng chàng đã thấy, thiên nhiên của những vùng đất chàng đã qua, những chuyện tầm phào mà những kẻ ru rú ở nhà luôn luôn đọc một cách thích thú say mê. Chàng quả quyết rằng khi chàng đi tới nơi chàng muốn tới chàng sẽ kiếm được việc làm thích hợp. Chàng tin tưởng ở mình, tất cả mọi việc sẽ tốt đẹp. Chàng còn trẻ, tinh thần hăng hái, và có biết bao nhiêu điều để nhìn ngắm trong thế giới vĩ đại này. Chẳng bao lâu giọng điệu chàng thay đổi. Bởi tất cả nhiệt tình và sôi nổi chàng tỏ lộ, bởi tất cả sự hăng hái làm việc, bởi tất cà những cái chàng thủ đắc về phương diện tài năng, lòng ngây thơ, kiên gan, khả năng thích nghi, chàng đã khám phá ra từ rất lâu rằng quả thực không có chỗ nào cho một ngừơi như chàng, ở bất cứ nơi đâu. Thế giới không muốn cái độc đáo, nó muốn sự tương hợp thủ cựu, nô lệ, nhiều nô lệ hơn nữa. Nơi dành cho thiên tài là đầu đường xó chợ, cống rãnh, đường mương, hoặc trong các mỏ than hay hầm đá, nơi mà tài năng của hắn sẽ không được dùng đến. Một thiên tài đi kiếm chỗ làm là một trong những cảnh bi đát nhất trong cuộc đời. Hắn không thích hợp với bất cứ nơi nào, không ai cần hắn. Hắn bất khả thích nghi, xã hội nói vậy. Với nhận định đó, các cánh cửa đóng sầm một cách tàn nhẫn vào mặt hắn. Vậy thì chẳng có chỗ nào cho hắn hết cả sao? Ồ có chứ, bao giờ mà chẳng có chỗ nơi hang cùng? Không bao giờ bạn nhìn thấy hắn chất những bao cà phê hay hàng “nhu yếu” phẩm dọc theo bến tàu sao? Bạn không để ý thấy hắn rửa bát đĩa khéo thế nào trong nhà bếp một tiệm ăn bẩn thỉu sao? Bạn không nhìn thấy hắn vác hành lý, va li nhà ga sao?

Tôi sinh trưởng ở New York, nơi có đủ mọi cơ hội để thành công như người ta tưởng tượng. Nhưng cũng chẳng khó khăn cho tôi bao nhiêu khi tưởng tượng chính tôi đứng nối đuôi tại những sở kiếm việc làm và văn phòng cứu tế xã hội. Công việc duy nhất mà dường như bao giờ tôi cũng có đủ khả năng làm tròn trong những ngày tháng này là việc rửa bát. Nhưng rồi tôi cũng luôn luôn đến quá trễ. Có hàng vạn người lúc nào cũng sẵn sàng và hăng hái làm công việc này. Thường tôi nhường chỗ của tôi cho một kẻ đáng thương dường như tả tơi hơn tôi cả trăm ngàn lần nữa. Đôi khi, ngược lại, tôi mượn tiền đi xe hay ăn một bữa ăn nơi một trong những người đứng xếp hàng xin việc làm và rồi quên tất cả việc kiếm việc. Nếu tôi thấy có cơ hội có người giúp đỡ cho một việc gì tốt hơn ở một tỉnh lân cận là tôi mò tới đó trước hết dầu có mất cả ngày trời để đến đó. Một đôi lần tôi đi cả ngàn cây số hay hơn nữa để kiếm một việc làm tưởng tượng, một việc làm như làm bồi chẳng hạn. Thường thường ý tưởng phiêu lưu kích thích tôi xa nhà lạc nẻo. Dọc đường tô có thể bắt chuyện với một người có thể thay đổi toàn thể dòng đời tôi. Tôi có thể “bán” tôi cho hắn chỉ vì tôi quá tuyệt vọng. Tôi tự biện luận như vậy. Đôi khi tôi được nhận công việc tôi đã đi kiếm, nhưng thầm hiểu rằng mình chẳng bao giờ cầm giữ được lâu dài, tôi bèn đổi ý kiến và lộn trở về nhà. Bao giờ cũng với một cái dạ dày lép kẹp. Đó là điều thứ nhì luôn luôn liên kết với thiên tài – sự thiếu ăn. Trước hết tại vì không ai cần hắn cả, thứ đến không có thực phẩm cho hắn, và sau cùng hắn không biết ngả đầu vào chỗ nào cả. Ngoài những cái phiền bực đó ra, hắn sống một cuộc sống, như ai đó đều biết, cuộc sống của tên đại lãn. Hắn lười biếng, vụng về, bất định, không ngay thật, một kẻ dối trá, trộm cắp, du đãng. Hắn tạo ra bất mãn bất cứ nơi nào hắn lang thang tới. Quả thực, một con người không thể chịu nổi. Ai có thể hoà thuận với hắn? Không một ai, ngay cả chính hắn.

Tại sao nói đi nói lại mãi về những điều xấu xí, trái điệu hoài vậy? Cuộc đời của một thiên tài không hoàn toàn là nhớp nhúa và đói khổ bần cùng. Người nào cũng có những nỗi khổ hệ luỵ riêng, Mặc dầu hắn là thiên tài hay không. Vâng, điều đó cũng là thực sự nữa. Và không một người nào biết rõ thực sự đó hơn thiên tài cả.Thỉnh thoảng bạn sẽ gặp thiên tài đi với một chương trình cứu vớt thế giới hay ít ra một phương pháp cải tạo. Những thứ đó tức cười như những giấc mộng điên, như thể hoàn toàn ảo tưởng. ”Giáng sinh trên trần gian!“ Chẳng hạn. Thật là một giấc mộng hão huyền! Trước hết hãy để hắn chứng tỏ rằng hắn có thể lèo lái được chính hắn đã nào, bạn nói. Làm sao hắn có thể cứu vớt được người khác nếu hắn không thể cứu vớt chính hắn được? Câu trả lời cổ điển. Không thể bác được. Nhưng thiên tài không học hỏi. Hắn sinh ra với một giấc mộng Thiên thai, và dù giấc mộng đó có vẻ điên rồ thế nào đi chăng nữa, hắn sẽ tranh đấu để biến nó thành khả thi không biết bao nhiêu lần. Hắn bất trị, một kẻ tái phạm trong tất cả mọi ý nghĩa của danh từ. Hắn thấu hiểu quá khứ, hắn ôm ghì tương lai – nhưng hiện tại vô nghĩa đối với hắn, hắn cự tuyệt một cách khinh bỉ mọi phần thưởng, mọi cơ hội. Hắn là một kẻ bất mãn. Dầu khi bạn chấp nhận tác phẩm hắn, hắn vẫn vô ích đối với bạn. Hắn đã lao đầu vào một tác phẩm khác; khuynh hướng của hắn đã đổi chiều, lòng say đắm của hắn đã ở nơi khác. Bạn có thể làm gì cho hắn? Bạn có thể an ủi hắn bằng cách nào? Bạn không thể làm gì được cả. Hắn ở ngoài tầm tay. Hắn theo cái bất khả.

Cái hình ảnh chẳng được đáng yêu này của thiên tài có lẽ là một hình ảnh khá chính xác. Dù rằng có đôi chút khác nhau, một cách thiết yếu, có thể nó mô tả tình trạng của con người bất bình thường ngay cả trong những xã hội sơ khai. Những dân tộc sơ khai cũng có những kẻ bất khả thích nghi, những kẻ loạn óc, loạn thần kinh của họ. Tuy nhiên chúng ta vẫn chủ trì tin tưởng rằng thân phận này không cần phải như thế, rằng sẽ tới một ngày kia khi mẫu cá thể này không những sẽ tìm được một chỗ đứng trên đời mà còn được tôn kính và ngưỡng vọng nữa. Có thể đó cũng là giấc mơ tinh luyện nữa. Có thể sự thích nghi, hoà điệu, thanh bình và cảm thông là những sai biệt của ảo ảnh muôn đời còn lừa phỉnh chúng ta. Tuy thế, sự kiện chúng ta đã tạo ra những khái niệm trên, chúng có một ý nghĩa sâu thẳm đối với chúng ta, có nghĩa rằng chúng ta có thể thể hiện được. Những khái niệm trên có thể được tạo ra vì nhu cầu, nhưng chúng có thể trở thành thực tại qua ước vọng. Thiên tài luôn luôn sống như thể những giấc mộng của họ có thể tựu thành. Hắn quá chất đầy khả năng của những giấc mộng để sống tận cùng chúng cho chính hắn; trong ý nghĩa này, hắn giống như những kẻ khước từ tối thượng, từ chối Niết bàn cho đến khi tất cả mọi chúng sinh đều có thể hiện Niết bàn cho chính họ.

“Những con chim vàng bay liệng qua bóng những bài thơ của chàng!”. Từ đâu bay lại những con chim vàng đó của Rimbaud? Và chúng bay về đâu? Chúng không phải là bồ câu cũng chẳng phải là diều hâu; chúng ở trong thinh không. Chúng là những đặc sứ ấp trứng trong bóng tối và thoát bay trong ánh sáng giác ngộ. Chúng không giống những sinh vật của không gian chúng cũng chẳng phải là thiên thần. Chúng là những con chim hiếm của tinh thần, những con chim đưa tin lướt bay từ thái dương này sang thái dương kia. Chúng không bị giam cầm trong những bài thơ, chúng được giải phóng ở đó. Chúng bay lên với những đôi cánh xuất thần và tan biến trong lửa đỏ.

Được điều kiện hoá để xuất thần, thi nhân tựa như con chim lạ rực rỡ sa lầy trong tro tàn của tư tưởng. Nếu hắn thành công trong việc giải thoát chính hắn thì chỉ để thực hiện một cuộc bay theo nghi thức về phía mặt trời. Những giấc mộng của hắn về một giới cải tạo chỉ là những tiếng vang dội lại của nhịp đập hối hả của mạch máu hắn. Hắn tưởng tượng thế giới sẽ theo hắn, nhưng trong trời xanh hắn thấy mình cô đơn. Cô đơn nhưng được bao bọc xung quanh bởi những sáng tạo của hắn; do đó, được nâng đỡ để gặp gỡ cuộc hy sinh tối thượng. Cái bất khả đã được hoàn thành. Và từ nay mãi mãi qua các thời đại bài hát lan rộng, sưởi ấm mọi lòng, thấu nhập mọi tâm thức. Tại ngoại biên thế giới đang lịm đi; tại trung tâm nó đỏ rực như than hồng. Trong lòng thái dương vĩ đại của vũ trụ những con chim vàng hợp bầy. Ở đó muôn đời là bình minh, muôn đời hoà bình hoà điệu và cảm thông. Con người không hướng vọng mặt trời một cách vô ích; hắn đòi hỏi ánh sáng và sự ấm áp không phải cho thi thể mà một ngày kia hắn sẽ loại bỏ không dùng tới nữa mà là do tâm thể hắn. Niềm ao ước lớn lao nhất của hắn là cháy với xuất thần, giao thoa ngọn lửa nhỏ của hắn với khối lửa trong lòng vũ trụ. Nếu hắn hoà hợp với những đôi cánh thiên thần để thiên thần có thể bay đến hắn với thông điệp hoà bình, hoà điệu và ánh sáng chói lọi từ những thế giới bên kia thì chỉ là để nuôi dưỡng chính những giấc mộng bay bổng tuyệt vời của hắn, nâng đỡ chính niềm tin của hắn rằng một ngày kia hắn sẽ vượt qua chính hắn và trên những đôi cánh bằng vàng.

Một sự sáng tạo cặp đôi với một sự sáng tạo khác; trong yếu tính chúng đều giống nhau. Tình huynh đệ giữa con người không hệ tại sự suy tưởng giống nhau, cũng không ở sự hành động giống nhau, nhưng ở trong khát vọng ngợi ca sáng tạo. Bài ca sáng tạo trỗi lên từ những tàn tích của nỗ lực trần gian. Con người ngoại tại chết đi để phát lộ cánh chim vàng đang tung cánh bay về thần tính.



--------------------------------------------------------------------------------
[1]Ghi chú (Tiếng Hy Lạp: Sarakènos): 1. nguyên thuỷ: một cá nhân thuộc bộ lạc Bắc Syrie. 2. Sau này: một người Ả rập, 3. Bất cứ một người Hồi giáo nào, nhất là người chống lại Thập tự quân – G. c. D
[2]Đọc bài khảo luận nhan đề “Thư ngỏ giữa những nghệ sĩ siêu thực ở khắp nơi” trong The cosmological Eye, New Directions, New York.
[3]Pháp văn trong nguyên bản: “vĩnh biệt hôn nhân, vĩnh biệt gia đình, vĩnh biệt tương lai! Đời tôi đã hết, tôi chỉ còn là một khúc bất động không hơn không kém” G. c .D.

Nguồn: Henry Miller, The Time of the Assassins - A Study of Rimbaud, New Directions 1955. Bản Việt ngữ của Nguyễn Hữu Hiệu: Thời của những kẻ giết người - Nghiên cứu về Rimbaud. Hồng Hà, 1970