PHAN MỘNG HOÀN
NGHỀ GIỮ TRẺ
Ðang còn váng vất giữa cơn thức ngủ bất thường vì vừa trở về từ Việt Nam, tôi đã nhận job mới: giữ trẻ.
Vượt Tuyến, con trai lớn của vợ chồng tôi, hôm còn ở Huế chịu tang ông ngoại nó, Bu gọi về nói, me nhớ thu xếp giờ khi về lại nhà coi em bé cho tụi con. Thế là, hôm nay tôi gật gà gật gù ôm cháu nội là cu Reo ngủ suốt ngày.
Lần đầu tiên tôi thực sự giữ trẻ. Trước đây mấy năm, tôi chỉ giữ tạm thời. Khi con gái lớn từ Oakland thỉnh thoảng về San Jose nhận việc chụp hình vùng này, đem Zoe giao cho bà ngoại coi em bé cho nó. Tôi chỉ việc chơi với con nhỏ như chơi búp bê. Nu tên do tôi đặt là Ngân Hà, nay Nu chọn cho con gái tên Sông An. May ra cuộc đời không sóng gió chìm nổi như thời của ba me hậu-75.
Vợ chồng tôi có sáu đứa con, ba trai ba gái, tên gọi chơi của tụi nhóc là Bu, Nu, Na, Bơ, Bom, Nhon. Năm đứa lớn đẻ trước 75, nuôi dễ dàng dù tôi vẫn ngày hai buổi đi dạy học, đệ nhị cấp đàng hoàng. Thời đó có người giúp việc, thay mình lo nấu cơm, làm việc nhà và coi trẻ. Nên tôi tha hồ sản xuất hai năm một mà không ngán chút nào hết. Minhon ra đời sau ‘Giải phóng’, nhưng nhờ ở xúm xít với đại gia đình khi cả nhà di cư xuống Miền Tây mưu ‘tìm đường cứu nước’, các dì, em gái tôi thay nhau chơi với út Nhon nên tôi vẫn thong thả.
Rồi thời gian qua, bằn bặt trôi, cha con Vượt Tuyến vượt biên thoát qua Mỹ trước, sáu me con tôi ‘trần ai khoai củ’ rớt lại. Gia đình nhỏ của chúng tôi đoàn tụ sau 11 năm chia cách. Thời kỳ khốn khổ lúc một mình làm mẹ Mốc bầm dập, nuôi bầy con nheo nhóc ở quê hương, được đền bù. Các con học hành thành đạt, lần lượt nên vai nên vóc và có đôi có cặp. Vợ chồng tôi trở thành ông bà ngoại với hai cháu, bé Zoe của MiNu và cu Michelangelo của MiNa. Bây giờ chúng tôi thực sự làm ông bà nội khi cu Reo chào đời.
Nhà Vượt Tuyến ở miệt Camden, mỗi sáng vào lúc 8 giờ ngày thứ ba, tư, và năm vợ chồng Bu thay nhau lái xe xuống đón tôi lên nhà giữ bé. Vì còn mê muội ngủ ngày thức đêm nên tôi không dám tự lái xe, sợ tông vào lề bất tử nguy hiểm.
Cô dâu dạy cho mẹ chồng cách hâm bình sữa dưới vòi nước nóng, sao cho sữa vừa độ ấm. Xong đổ sữa vào chiếc túi ni lông nhỏ nhét sâu vào lòng cái biberon xinh xinh có cái cổ cong cong, có nắp núm vú đậy ở trên, và thêm một cái nắp mở được phiá dưới đáy. Tôi chăm chú nhìn tay cô dâu thoăn thoắt những động tác đổ sữa, gắn chặt nắp, cho sữa nằm êm trong bình... Cô ấy dặn tôi phải lo canh đồng hồ, nếu thằng cu khóc và cứ cách 2 giờ trở lên là có thể cho cháu ăn. Một lũ chai lọ đầy ‘sữa mẹ’ đã sắp sẵn, xếp ngay hàng thẳng lối trong tủ lạnh. Hay ghê, lúc này các bà mẹ rất chịu khó nuôi con bằng sữa mình. Ðể cho em bé vẫn có sữa ăn ở nhà khi mẹ đi làm vắng, họ thường ‘vắt’ sữa để dành bằng máy hút sữa, rồi sớt ra cho vào các hũ nhỏ, đặt trong tủ lạnh, như thế sữa vẫn tươi ngon. Nuôi con bằng sữa mẹ có nhiều lợi ích. Như bà mẹ tránh được nguy cơ bị cancer vú, em bé bú bình vẫn là bú sữa mẹ, các người giữ trẻ như bà nội bà ngoại chỉ việc chờ đến giờ hâm nóng cho bé ăn, khỏi pha chế lôi thôi.Thú thật, bà nội này hơi quýnh quáng trước sự trình bày nhanh gọn của mẹ thằng cu. Mai Liên gốc Việt, ra đời rồi trưởng thành ở Mỹ. Vợ Bu chỉ nghe được tiếng Việt Nam, mà phát âm thì ngọng nghịu. Mỗi lần hai me con đối thoại, cô dâu trưởng của tôi sử dụng cả ba ngôn ngữ, Việt-Tây-Mẽo. Còn tôi chủ trương chỉ dùng tiếng Việt Nam mỗi khi nói chuyện với con cái cháu chắt trong nhà. Ðó là vì tôi muốn duy trì tinh thần ‘không được quên tiếng mẹ đẻ’ đối với mọi thành viên lớn bé trong gia đình.
Ngày đầu tiên nhận job giữ trẻ, tôi không khỏi lúng túng.
Trước khi kể cho bạn nghe cái nghề ấy, tôi xin phép mở ngoặc nhắc sơ một chút về ‘lý lịch’ của mình ở giai đoạn này. Kể từ hồi rời bỏ tổ quốc yêu dấu vào cuối tháng 11 năm 1990, để sang đoàn tụ với cha con Vượt Tuyến ở Bắc Cali. Trời bắt tôi quay đủ một vòng 180 độ đến chóng mặt. Phải làm lại cuộc đời bắt đầu từ con số Zéro tròn trĩnh. Thoạt tiên là làm quen với mọi tiện nghi của đời sống Mỹ. Xứ sở giàu có, văn minh tột bực này so với quê hương tôi vừa đành đoạn bỏ lại bên kia nửa vòng điạ cầu, đúng là hai thái cực. Cho nên ngay tuần lễ thứ nhất ở đất nước Cờ Hoa, tôi luôn ngơ ngác nhiều lúc hoảng sợ đến buồn cười. Sau này ngồi nghĩ lại tôi thường bật cười một mình như kẻ tâm thần.
Ngày ấy, cách nay hơn 13 năm. Cái chi trong nhà ông xã tôi cũng khiến mình ngỡ ngàng. Tôi nhớ hôm đó, chỉ một mình tôi ở nhà. Mọi người, kẻ đến sở làm, người đi học hoặc đến chơi nhà bạn. Ðang là mùa đông giá rét, ngoài kia cây cối trụi lá, đường sá buồn hiu. Tôi bỗng nghe ầm ầm phiá sau, chỗ đặt máy giặt máy sấy. Tôi mở cửa hông thò đầu vô dòm. Cha mẹ ơi! tôi thấy cái máy giặt đang vùng vằng, nhảy nhấp nhô. Tôi hoảng quá, chạy ra phòng khách, rồi mở cửa lớn vọt ra ngoài đường cho chắc ăn. Tim đập thình thịch liên hồi kỳ trận. Ðứng mãi một mình cho tới lúc cả người tái tê mới dám trở vào nhà!
Qua năm thứ hai ở Mỹ, tôi thực sự đi học, vào trường West Valley College nằm tít trên Saratoga. Nhà tôi từng theo học ở đây khi mới đến Hoa Kỳ. Sau này bạn bè, học trò cũ của chúng tôi đều ‘bị’ anh ấy nhiệt tình giới thiệu và hướng dẫn họ nên ‘làm lại cuộc đời’ bắt đầu nơi đây. Trở lại đời sinh viên, tôi chọn ngành Art. Sở dĩ thế là vì, mớ chữ nghĩa tiếng mẹ đẻ của tôi mang theo đâu có ăn thua chi khi nhập vào xã hội mới mẻ này. Còn tôi, may sao trong dòng máu mình luân lưu gene hội họa. Ông ngoại tôi là Nguyễn Khắc Nhân vốn là họa sĩ hoàng gia triều vua Thành Thái. Thế hệ kế tiếp là một dãy các ông cậu đều là họa sĩ nổi tiếng, Phi Hổ, Phi Long, Phi Hùng và Phi Phụng tức nữ họa sĩ Maria Mộng Hoa, là mẹ tôi. Thế hệ thứ ba là lứa chúng tôi. Các cậu tôi đều có con nối dõi di truyền của cha ông. Riêng nhà chúng tôi có chính thức hai họa sĩ, chị Mộng Hòa tôi và đứa em trai thứ mười là Phan Xuân Hạ. Cho nên tôi nghĩ rằng mình thế nào cũng xơ múi chút đỉnh gene Mỹ thuật. Tôi đã học hoài học hủy ở đây mà không thèm chán. Tôi nhởn nhơ vui sống kiếp học trò ngành Art. Tôi còn hăng hái xúm vô làm báo cho sinh viên Việt Nam. Tôi quán xuyến hầu hết tiết mục dùm cho các bạn trẻ, bởi bọn họ đang chúi mũi chúi lái ra vì vừa học fulltime, vừa ‘cày’ tối đa. Cuối cùng thì tôi cũng phải ra trường với mảnh bằng đại học AA bé nhất xứ sở phồn vinh này.
Nói dông dài chi thì cũng phải thú nhận mình là thứ làm ăn tài tử, thuần túy tự do-Tôi ưa chi làm nấy. Ðủ các món ăn chơi và thực tế thanh nhàn. Ðàn địch, viết lách, làm báo, vẽ vời, nặn tượng, giặt giũ, nấu nướng hoặc làm vườn. Khi rảnh và chán mọi thứ thì xem phim bộ. Phim xã hội, phim chưởng, phim Ðài Loan, Hồng Kông, chắc chắn không ‘chơi’ phim Trung Quốc, vì dở chịu không thấu. Gần đây chịu ảnh hưởng cô dâu thứ hai, vợ Hồng Lĩnh, mới cưới từ quê hương sang ba năm nay. Thụy An mê phim Hàn quốc, nên tôi có dịp say sưa theo dõi những mối tình lâm ly tay ba, tay tư của các tài tử đẹp gái xứ Cao ly ngày trước. Nhưng nay thì bye bye tất cả, tôi chăm chú vào nghề baby sitter cho trọn đạo làm bà với người ta.
Cháu nội đích tôn họ Hồ nhà tôi tên Việt Nam như bố già nó, nhưng bỏ ‘middle name’ chữ Vượt, chỉ giữ lại Sĩ, tức Hồ Sĩ Tuyến. Còn Vượt Tuyến là tên con trai tôi, được ba me đặt ra để kỷ niệm ông nội cu Reo, năm 1958 theo đường Lào vượt rừng núi Trường Sơn để trốn chạy chế độ bất nhân từng truy quét thành tích địa chủ của nhạc gia tôi. Cụ cố nội cháu tôi đã gục ngã tại chỗ vào năm cải cách ruộng đất 1953.
Tên Mỹ của thằng cu là Jared. Tuy nhiên bà nội chướng kỳ này thích gọi là Reo. Bởi vì cháu tôi mỗi khi khoái chí, nó thích reo lên lãnh lót như chim khướu thiệt vui tai. Qua ngày thứ ba hành nghề giữ trẻ, bà cháu chúng tôi đã thành một đôi tri kỷ. Thằng bé sắp tròn 5 tháng tuổi mà khôn lanh đáo để. Vừa ‘chộ mệ’ bà nội là hai mắt sáng trưng như đèn pha, cái miệng toe toét cười với bà, ngó thương quá.
Tôi vội vàng đưa tay ẵm nó cho Mai Liên sửa soạn đi làm. Hôm nay Bu đã gắn cho me bộ chữ Việt vào máy vi tính. Tôi đặt cu Reo vào chiếc ghế nhỏ nửa nằm nửa ngồi của trẻ con gần dưới chân mình, sao cho vừa với tầm mắt có thể quan sát nó. Tôi phải nhớ để ý đến cháu, nói chuyện với nó, chỉ là ‘gù gù’ thôi, như thế thằng bé sẽ không bực mình la lối om sòm vì... cô đơn! Nhưng không lâu, chừng mươi phút ngồi im, nó bắt đầu hục hặc, chân đạp tay quơ, nhặng xị cả lên. Tôi thì đang mê gõ máy. Dòng tư tưởng tuôn trào, quên nhìn thằng bé. Thế là nó hét lên điếc tai. Bà nội liền cụt hứng. Rời máy, tôi cúi xuống tháo cũi sổ lồng cho thằng nhóc. Cu Reo im ngay, tròn mắt đen láy nhìn bà thân thiện. Tôi bế cháu vào lòng, cho nó ngồi ngay ngắn trên đùi mình. Khi tôi dò mở máy tìm xem loạt ảnh vừa thu được khi về thăm ba tôi. Tay khẽ đụng ‘con chuột’ thế nào không hiểu, trước mắt chợt hiện ra trên khung hình, cảnh hai bà cháu cu Reo đang ngon giấc trưa. Tôi thì nhắm tít mắt ngủ, miệng trề ra kỳ cục, trên ngực mình là thằng cháu nội năm tháng tuổi nằm bẹp dí cũng say sưa khò. Cái đầu bé tí tròn hoay âu yếm sát bên cổ bà. Thì ra Bu buổi trưa tạt về thăm, sở làm cu cậu cách nhà có dăm phút. Hắn ta sốt ruột vì lần đầu tiên bà già trầu lãnh nhiệm vụ gay go. Nhờ thế Vượt Tuyến đã săn được tấm hình ngộ nghĩnh này. Hôm ấy, cho cháu bú xong sạch bách chai sữa mẹ, tôi trở cơn buồn ngủ quá chừng. Tôi đặt cu Reo vào giường nó, khe khẽ hát mấy câu ca dao, mắt tôi díu lại nặng như đeo chì. Thằng cu mở mắt thao láo nhìn tôi, rồi cựa quậy không yên và bắt đầu khóc. Thế là bà nội phải bế nó lên, ôm nó đi lui đi tới, hát lè nhè bao nhiêu bài thơ ngày xưa quen gõ đầu trẻ. Thơ Kiều, rồi Chinh phụ ngâm, đến Ca dao. Ru nhẹ rồi hát to, cu Reo vẫn trơ mắt ếch ra ngắm bà. Phần tôi mỗi lúc mắt một trĩu nặng, hai tay ôm cháu mỏi nhừ và chân bước loạng quạng, chỉ muốn lăn đùng ra thôi. Cuối cùng đành ngồi xuống cái ghế đu đưa, tiếp tục ngân nga nhạc Trịnh Công Sơn, chuyển sang hát Ngậm ngùi, thơ lục bát của Huy Cận do Phạm Duy phổ nhạc. Tôi lắng nghe tự thấy sao mà du dương, rền rĩ, và bát nháo thế. Nhưng tạ ơn Trời Phật, chàng tí hon của tôi bấy giờ mới bằng lòng nhắm nghiền mắt ngủ êm. Tôi khe khẽ bế nó lên, đặt nó vào giường, nhưng êm là thế, thằng bé ré lên khóc ngon lành. Tôi đã loay hoay vừa ôm hờ hai tay mình vào cháu bé vừa trổ giọng ca ngâm đủ mùi. Lần này hắn cứ nhất định lì ra khóc vang. Vậy là bà nội phải đầu hàng nó. Tôi lại ẵm nó ra khỏi giường, lại dặt dìu bước ngắn bước dài. Rồi cứ thế ôm cu Reo dạo mãi ra phòng khách, vào phòng ngủ, quanh quanh khắp nhà. Vừa hò Huế buồn như chấu cắn, thổn thức mấy câu Nam Ai Nam Bình sầu não nuột. Tôi còn bắt qua Vọng Cổ kiểu Út Trà Ôn mùi mẫn. Trong ký ức có bao nhiêu loại ca nhạc, cổ điển rồi hiện đại tôi đem ra thực hành, coi thử có trị nổi thằng cháu nội khó tính này không. Sau cùng cháu tôi mệt quá (có lẽ vì nghe bà hát mãi?) nó quay ra ngáy. Lần này tôi khôn hồn ôm cháu sẽ sàng leo lên giường ba me nó, nhẹ nhàng lăn mình xuống rồi sau đó chìm vào giấc mộng từ lúc nào! Ðó là nguồn gốc của tấm hình bà ru cháu.
Cu Reo thích đứng chơi trên hai đầu gối bà, nó quay mặt vào tôi nhìn chăm chú một lúc rồi nhoẻn miệng cười. Lòng tôi chan hoà niềm vui. Nắng ngoài kia sân lấp lánh mời gọi, tôi bế cháu mở cửa ra vườn, lững thững dạo chơi. Muà xuân đã về, gió nhẹ man mác, cỏ xanh tươi. Trong chậu sành nơi góc vườn, đám hoa tím bé tí rưng rưng khoe cánh mỏng.
Màu tím đậm của sắc Forget-me-not khiến tôi chợt nhớ tới Zoe. Con bé con này rất mê màu tím. Khi nó bập bẹ tập nói, tiếng đầu tiên là tím. Cái miệng xinh xinh chúm lại rồi phát ra thanh âm sắc ngọt. Bà ngoại này hạnh phúc quá chừng. Thế là suốt buổi trưa muà hè năm Sông An vừa tròn một tuổi, tôi hí hửng bồng Zoe thăm thú khắp mọi xó xỉnh của vườn nhà ngoại. Tôi dừng ngang khóm hoa Brigitte màu hồng phấn vừa he hé chớm nụ, thoáng ửng chút sắc tím nhạt. Zoe reo lên: tím. Tôi vội vàng ôm cháu vào khoe ầm với cả nhà đang tụ tập dưới bóng cây sồi.
Me nó thích thú khám phá con bé con sớm yêu màu sắc lãng mạn. Nu dành lấy Zoe trong tay me và làm một vòng quanh vườn để trắc nghiệm. Khi dạo qua bụi hoa leo đang nở những chùm trắng như tuyết đọng, Nu dè chừng, theo dõi con bé. Zoe sà xuống, bật reo lên: tím!
Từ đó về sau, áo quần, giày vớ rồi đồ chơi hay bất cứ thứ gì dính vào Zoe, luôn luôn là màu tím! Còn cu Reo, nó sẽ thích loại màu nào đây?
Cuối tuần của nghề giữ trẻ là chiều thứ năm. Hai bà cháu chia tay hẹn sẽ sớm gặp lại nhau ngày thứ ba sắp tới. Nhưng chưa chi qua hôm sau tôi đã thấy nhớ cháu. Những tưởng được rảnh rang ở nhà tha hồ vui vì sẽ làm đủ việc theo dự tính trong đầu. Sáng thứ sáu tôi thẫn thờ vô ra trong căn nhà quạnh hiu vì thiếu tiếng khóc tiếng reo cười của đứa cháu nội. Hèn chi sách vở không ngừng nhắc gợi về ba thứ âm thanh tạo nên hạnh phúc cho tổ ấm một mái nhà: tiếng hời hỡi của bà ru cháu, tiếng ê a học bài của lũ trẻ thơ và tiếng dệt cửi của người vợ đảm đang nội trợ. Tôi chợt bâng khuâng nhớ lại tuổi thanh xuân.
Thuở ấy, hai vợ chồng đều trẻ măng. Tốt nghiệp đại học, hai đứa cùng chọn ngành giáo dục. Ðời sống còn hàn vi nên mỗi thứ tiêu pha phải chi ly tính toán. Khi có mang Vượt Tuyến, tôi lo may hàng tá tã lót (hồi đó làm chi có sẵn tã lót tiện dụng như bây giờ -loại tã này, đặt em bé ở đâu, hay ai có vui tay đòi bế cũng không hề sợ dây bẩn vì bé tiêu tiểu bất ngờ). Tôi tỉ mỉ thêu ren từng chiếc áo xinh xinh, đan vớ, móc crocher mũ nón. Tôi tự tay làm lấy tất cả đồ dùng cho đứa con sắp chào đời. Tôi vui thú áp dụng bài học nữ công khi còn đi học. Rồi khi con trai chào đời, mẹ tôi mỗi cuối tuần từ Huế theo xe đò tất tả vượt đèo Hải Vân vào Ðà Nẵng thăm cháu và nuôi con gái ở cữ. Má săn sóc tôi theo lối xưa, hơ háp xông phây con gái cẩn thận. Má nói, như thế sữa mẹ mới ấm áp, an toàn cho em bé bú mà không đau bụng, phần con sau này khi lớn tuổi vẫn ‘săn dòn’ như là ‘con gái’ v.v... Vì Bu là đứa cháu ngoại đầu tiên của ba má tôi, nên nó là trân châu bảo ngọc của đại gia đình.
Tôi nhớ lại tháng thứ nhất của mình khi ‘nằm nơi’ cu Tuyến, tôi vẫn chưa quen xưng me với em bé, mồm miệng sao mà ngượng nghịu thế. Tôi kêu nó là... em và xưng... chị! Riêng thằng bé lạ chưa, mấy hôm có bà ngoại ở chơi, nó ngoan lắm, tối ngủ yên, cách ba giờ ngoại nó lay tôi dậy cho bé bú. Thằng con không đòi bế hay khóc nhè. Nhưng mẹ tôi vừa ra Huế là hắn liền trở quẻ. Ðêm tôi ngủ chập chờn vì nó cứ đòi rúc vú mẹ mới chịu im, còn không thì khóc váng lên, dỗ sao cũng không bằng lòng. Cứ thế, tôi nhợt nhạt người ra vì thiếu ngủ. Em bé chướng kỳ ghê, ban ngày ngủ khì, triền miên hằng mấy tiếng đồng hồ. Me thì cương sữa người như sốt lên, thằng cu vẫn không thèm dậy bú. Rồi khi đêm về, chứng nào tật nấy. Thằng chó con tỉnh như sáo, mở mắt đen láy ra chơi, còn mình thì buồn ngủ quá chừng. Nó còn đòi bế lên, nếu không thì phải bú chằm chặp, không một lúc rời vú mẹ. Nhiều lúc nhà tôi sốt ruột vì nghe con khóc, ghé vào giúp một tay cho me nó ngủ. Anh ấy bồng em bé lên à ơi ru, chịu khó đi lui đi tới ngân nga mãi những điệu trầm điệu bổng, tôi nghe lơ mơ in như gần hết pho Kim Vân Kiều. Anh chàng cu lắng tai nghe rất thích chí, nằm êm thắm trong lòng bố thưởng thức. Nhưng rồi, khi bố sẻ sàng đặt xuống giường, tức thì cu cậu ré lên vang làng chuyển xóm. Trong tháng tuổi thứ nhất ấy của cu Tuyến, vợ chồng trẻ chúng tôi thực sự vất vả.
Dạo đó, vào niên khoá 64-65, dù chưa lấy xong mảnh bằng Cử Nhân, nhưng khi nộp đơn xin được bổ đi dạy giờ, tôi đã được cho về Quốc Học Huế. Tôi đã từ chối, không dám nhận cái sứ vụ lệnh ngon lành này. Lý do, chúng tôi vừa đám cưới xong. Nếu nhận, vợ chồng son phải sống xa cách người một nơi. Nhất là nếu có em bé làm sao tôi xoay sở nổi đây. Tôi vừa tròn 23, trẻ quá một khi vào làm cô giáo ở ngôi trường nam sinh đệ nhị cấp lớn nhất miền trung này. Do thế, lúc sinh Vượt Tuyến tôi rảnh rang ở nhà nuôi con. Còn nhà tôi thì đang đeo nặng một tuần mấy chục giờ vừa trường công và tư thục ở Ðà Nẵng. Cho nên vì đêm nào cũng phải thức giúp vợ ru con, sáng lại anh ấy phờ phạc hệt anh chàng thua bạc lúc đến trường. Rồi cuối tuần bà ngoại cu Tuyến lại xuất hiện, thằng chó con lại ngoan, ăn rồi là quay ra ngủ. Tôi theo dõi thấy má chỉ ầu ơ với cháu, bế lên tí xíu, xoa lưng nó, vỗ tay nhè nhẹ, âu yếm hôn vào đôi chân bé xíu của cháu. Chỉ có thế mà sao nó hiền lành dễ bảo ngay. Và tôi, tôi lăn ra ngủ cho bù một tuần lễ dài trắng mắt vì thức đêm với em bé.
Cũng thế, bây giờ làm bà nội cu Reo. Ngó Bu cứng rắn cho thằng con vào nôi, mặc cho thằng bé khóc đỏ mặt tía tai, con trai tôi tỉnh bơ quay ra phòng làm việc tiếp. Tôi ngạc nhiên hỏi vì sao lại có biện pháp mạnh như thế. Vượt Tuyến trả lời, mình kỷ luật và me coi, lát nữa hắn ngủ ngon lành! Nhưng tôi làm sao đành nhìn cháu bé khổ sở như thế. Tôi ẵm nó ra, bế lên tay, ru khe khẽ mấy câu ca dao và ít phút sau, cháu tôi êm ái chìm vào giấc điệp.
Tuần lễ thứ hai khi lên giữ cháu, Mai Liên khoe với tôi chiếc xe tập đi vừa sắm cho con. Tôi ngẩng ra nhìn. Bao nhiêu là đồ chơi đẹp và hấp dẫn treo quanh khung xe. Chiếc hộp hình cầu trong veo, mình khẽ vuốt lên, chợt réo rắc và xoay tít. Con tôm hùm dơ hai cái càng đỏ chói, ấn nhẹ tay thôi đã ầm ĩ tiếng reo thanh thoát. Con cua vàng hai mắt lồi tinh quái. Chú mực ma mặc áo đỏ tươi, ngó nhí nhảnh. Rồi con cá vàng bạn nàng Mermaid. Chú hải cẩu thập thò, ông sao nhấp nháy biết hát và cầu vồng đủ màu kêu rì rào. Tôi vui, như thế là thằng bé chơi thoả thích nhé và tha hồ cho bà nội làm việc. Me thằng cu thả nó vào xe nơi chiếc túi vải may theo dạng quần tắm. Nó cười hí hửng, hai chân dậm thiệt khỏe trên tấm sàn, nó xoay người gần nửa vòng, hai tay quơ ra đập lên mấy cái đồ chơi vừa tầm tay làm phát ra một loạt âm thanh rộn ràng nghe vui tai. Tôi mải miết làm việc. Không quên lâu lâu đùa nhẹ lên mớ đồ chơi cho chúng khua rộn rã. Nhưng mươi phút sau thôi, cu Reo đã reo ầm ĩ đòi bà nội phải lưu ý.
Tôi ngẫm nghĩ nhớ lại. Ngày xưa, con vịt cao su bóp nhẹ tay vào là nó kêu chút chít, đó là món quà đầu tiên của bà ngoại cho Vượt Tuyến. Con vịt xinh xinh màu lục tươi rói ấy đã làm bạn với con trai đầu lòng của vợ chồng tôi suốt thời nó nằm nôi. Về sau, chú vịt dễ thương này còn tiếp tục sống thân tình với Nu, Na nữa. Con vịt đơn giản, đồ chơi hiền lành của em bé thời chúng tôi mới lập gia đình, mãi in đậm vào ký ức khó phai nhòa trong tôi.
Nay, làm sao đếm cho xuể hàng chục hằng trăm món đồ chơi của trẻ thơ. Như bé Zoe, có riêng cả một căn phòng đặt đồ chơi cho nó. Bố Zoe tự tay đóng cho con gái một căn gác nhỏ, có thang leo lên lầu. Trên ấy, me nó trang trí giường nệm lòa xoà, thêu ren hoa cùng lụa là cho Zoe, không khác chi giường ngủ của nàng công chúa tí hon. Dưới gác là phòng khách, vừa là phòng ăn. Zoe tiếp đãi ông bà ngoại thật chu đáo. Ba người chúng tôi chui vào ngồi lom khom trong khoang nhỏ ấy. Zoe loay hoay nấu nướng. Nó tíu tít pha trà, dọn bánh cake vừa nướng trong lò ra mời ông bà ‘thời’. Nó sung sướng nhìn chúng tôi xuýt xoa nhắm trà với bánh nóng hôi hổi. Ông ngoại còn bày đặt order thêm cà phê. Zoe ba tuổi, nhanh nhẹn pha chế, rành rẽ không thua chi bố nó khi chiêu đãi ông nhạc. Tất nhiên mọi thứ đều là đồ chơi, làm bằng nhựa, bằng nhôm sáng loáng xinh xẻo, là tài sản của bé Sông An, cháu ngoại yêu qúy của chúng tôi.
Tôi mơ màng nhớ lại, món đồ chơi của út Hoài em gái tôi, cái lung tung. Ba má tôi sinh đến mười hai đứa con, gồm sáu trai sáu gái, không kể một em bé má tôi bị hư thai. Thằng em trai thứ 11, cả nhà gọi là Út Hậu. Nhưng về sau trong nhà lại lòi thêm bé gái nữa, chúng tôi đề nghị kêu nó là Hoài. Lần này chương trình bà Âu Cơ của ba má Hoa Hường thiệt sự chấm dứt. Tôi hơn đứa em gái út ít này đến 15 tuổi. Dạo đó tôi đang học thi Ðíp Lôm. Má bận vẽ vời và trông coi tiệm ảnh, nên tôi phải giữ em. Tôi cho nó nằm trên tấm vải nilông và đặt trên sàn nhà lát gỗ. Hồi đó tã lót em bé đâu có an toàn như bây giờ, nếu cho nó ngự trên nệm giường ‘tiểu thư’ của mình thì đến mang họa vì sẽ khai mùi nước tiểu ‘cả đời’! Tôi vừa giữ em vừa làm toán, học bài như điên. Em bé ngoan ngoãn nằm chơi một mình. Tôi nhớ mình đã chịu khó xuống chợ Ðông Ba, tìm mua cho em một con thỏ bằng nhựa kêu chút chít, mua thêm một cái lung tung nữa. Nhưng con thỏ hồng dễ thương ấy không làm nó thích bằng món kia.
Lung tung là loại đồ chơi thông dụng của trẻ con. Có hình dáng giống như một cái kẹo que khổng lồ. Cái que tre nhỏ dài cỡ hơn gang tay, đường kính 5 ly, được chuốt trơn láng. Ðầu que mang 1 cái nan tre rộng cỡ bề ngang một lóng tay và được uốn cong thành hình tròn, đường kính khoảng 6, 7 cm. Người ta bịt kín 2 mặt mỗi bên bằng lớp giấy căng thẳng. Hai bên hông dính hai sợi chỉ dài đeo tòn teng mỗi đầu 1 hột gạo. Mình chỉ việc lâu lâu dùng mấy ngón tay lăn lên đuôi que cho nó quay vòng vòng, hai hột gạo sẽ chạm lên mặt trống bằng giấy, phát ra âm thanh rộn ràng. Út Hoài của tôi chăm chú theo dõi vui thú. Ðồ chơi đơn sơ là thế mà em gái Út tôi tỏ ra ham thích không chán. Nó thiệt ngoan, nằm chơi một mình, để yên cho bà chị nhỏ này ‘dùi mài kinh sử’.
Tôi miên man hồi tưởng, thời thơ ấu sống với ba má. Gia đình cả chục anh chị em. Thế mà lần lửa, cả bầy chúng tôi đều được nuôi dưỡng chu đáo, được cho ăn học đến nơi đến chốn, rồi trưởng thành vào đời có nghề nghiệp hẳn hoi với xã hội. Ðến thế hệ mình, con cái nửa tá, chúng tôi cũng lo cho các con đầy đủ.
Trước 75, ngoài việc học chữ ở trường, dù còn bé tí, cả bầy còn theo lớp đặc biệt về Pháp Văn. Nguyên chúng là học sinh trường Nguyễn Hiền-xuất phát từ Blaise Pascalvốn thuần túy chương trình Pháp. Tuần hai buổi, tôi mời thêm cô giáo piano đến nhà. Mộc Lan tốt nghiệp thủ khoa trường Quốc Gia Âm Nhạc Huế. Cô ấy dạy dương cầm cho Bu Nu Na với phương pháp và thủ thuật mới mẻ, khác hẳn khi mình học đàn với các soeur ở Jeanne d’Arc, cho nên lũ trẻ tiến bộ trông thấy. Me chỉ việc dò bài cho chúng và kèm cu Bơ làm quen những phím đàn, nhận diện ‘tính tình tang’ từng nốt đen nốt trắng. Nhưng Hồng Lĩnh, vừa lên ba coi bộ cũng muốn tham gia với các anh chị. Nó nói, con muốn học với Mộc Lan kìa! Bởi vì thằng bé đã thấy mommy cũng thụ giáo với nữ nghệ sĩ tài hoa và xinh đẹp này kia mà. Dạo ấy, tụi nhóc còn được cái may mắn có bà ngoại là họa sĩ, nên tha hồ cho chúng tập tành vẽ vời, pha màu thích chí mỗi ngày ở họa thất của ngoại, sát nách Trung Tâm Văn hóa Pháp, là nơi chúng phải có mặt thường xuyên mỗi chiều sau lúc tan học lớp ngày ở Nguyễn Hiền.
Dòng tư tưởng về thời dĩ vãng của tôi chợt gián đoạn, có tiếng cu Reo đang lãnh lót cất lên ở phòng nó. Tôi chạy xuống, bế cháu đặt vào chiếc xe đẩy, nai nịt gọn gàng cho nó. Sáng nay hai bà cháu tôi sẽ ‘hành quân’, ‘thám hiểm’ quanh quanh các con đường nhỏ của xóm nhà hàng xóm. Nắng ấm, thoáng trời xanh trên kia bao la, gió nhè nhẹ hiền hòa, nên tôi mở trần xe mà không che kín. Thằng bé con mở mắt to nghiêng ngó ngắm cảnh vật. Trước nhà ai cỏ non cũng xanh mơn mởn, mấy khóm hoa ngũ sắc tươi cười chào đón chúng tôi. Hoa ngũ sắc gợi nhớ quê nhà. Nơi ấy, chúng thường mọc hoang ở các vùng núi non hoặc vùng quê. Những thân dừa ngất cao xa xa khiến tôi da diết nhớ hàng cau vườn quê nội.
Hôm tôi về, ghé thôn Nguyệt Biều thăm vườn trẻ. Nơi đây, các soeur Dòng Mến Thánh Giá nhận nuôi giữ miễn phí một số trẻ con nhà nghèo khổ, bị bại liệt. Bầy trẻ tật nguyền, đứa thì nghẹo đầu cố vươn hai tay ra níu áo tôi, cái cổ to bạnh ra vì suốt ngày cứ uốn éo cần cổ để điều khiển tay chân khi làm việc gì. Bé khác có cái đầu thiệt bự, hai mắt húng hiếng, thân mình vặn vẹo. Có trẻ hai chân gầy lép tong teo, đang cố lết đi. Một số lớn, chậm phát triển, bị câm điếc, gầy yếu, bụng ỏng, chân tay ngắn, và da xanh mét. Tất cả đều là những đứa trẻ, con nhà cùng túng vùng quê tôi. Cha mẹ chúng lao động cật lực vẫn kiếm không đủ ăn, gia đình nào cũng một bầy nheo nhóc. Họ đã đem đứa con dị tật bẩm sinh đến gửi miễn phí ở đây, các soeur tận tình trông nom, tập luyện cho con họ phần nào trở lại bình thường. Lớp trẻ em bại liệt này đã được cho ăn no buổi trưa, nhờ thế phụ huynh có thể yên tâm chạy lo kiếm gạo nuôi cả nhà. Tôi và một nhóm bạn thân người Huế, từ nhiều năm qua, đã rủ nhau gom góp chút tiền gửi về tiếp sức với các nữ tu thôn Nguyệt Biều lo buổi ăn trưa cho lũ trẻ khốn khổ ấy.
Tiếng một con chim lẻ bạn chiêm chiếp kêu lên đâu đây, đánh thức tôi quay trở về hiện tại. Cu Reo ngơ ngác nhìn bà. Tôi cúi xuống hôn cháu. Thằng bé hí hửng nhếch chiếc miệng xinh. Tôi đẩy xe dạo tiếp. Thằng chó con của tôi long lanh mắt ngắm những bông lá đuôi chồn mươn mướt màu nâu, chợt đỏ tươi dưới ánh nắng ban mai. Cây cỏ lá hoa rung rinh, lao xao theo cơn gió từ đâu đùa tới. Tôi để ý, thằng bé ngây ra nhìn không chớp mắt. Tôi nghĩ vu vơ, thiên nhiên xinh đẹp có lẽ còn hấp dẫn trẻ thơ hơn so với hàng loạt món đồ chơi tinh xảo do con người tạo ra!
Sáng nay cô dâu thưa với mẹ chồng, tuần này Mai Liên bận quá, grand ma giữ cu Reo thêm ngày thứ sáu cho Mai Liên. Tôi liền OK vui vẻ. Cháu nội tôi một tháng qua đã quen được bà ru ngủ bằng những dòng thơ dân gian. Cho nên tôi sẽ tiếp tục hát cho cháu tôi nghe những câu ca dao đơn sơ mà chan chứa tình tự dân tộc:
Con mèo con chó có lông
Cây tre có mắt nồi đồng có quai.
Hết gạo thì có Ðồng Nai
Hết củi đã có Tân Sài chở vô
Có vàng vàng nỏ hay phô
Có con con nói trầm trồ mẹ nghe...
Tôi mơ màng tưởng tượng ngày cu Reo chập chững tập đi những bước đầu tiên, ngày cháu bập bẹ học nói. Rồi nó sẽ dần khôn lớn, tôi sẽ giảng cho cháu nghe ý nghĩa những câu thơ bà thường ru nó ngủ thuở thơ ấu... Dòng suy tưởng lại bị cắt đứt, cu Reo đang thét to giận dỗi vì bà bỏ quên nó nãy giờ trong chiếc xe tập đi một mình...
San Jose, mùa Phục Sinh 2003
.
Source : Hoàng hôn thôn Vỹ
Phan Mộng Hoàn