Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Đắc Xuân :Thư gởi họa sĩ Trịnh Cung .... Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Đắc Xuân :Thư gởi họa sĩ Trịnh Cung .... Hiển thị tất cả bài đăng

17/4/09

Nguyễn Đắc Xuân :Thư gởi họa sĩ Trịnh Cung ...

Thư gởi họa sĩ Trịnh Cung về chuyện lừa người nổi tiếng vào chuyện tuyên truyền chính trị rẻ tiền
Nguyễn Đắc Xuân 17.04.2009



Trích Quan Điểm của tạp chí Da Màu (thay Lời Tòa Soạn):

Khi đăng tải “Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị” của họa sĩ Trịnh Cung, BBT Da màu đã hy vọng là bài viết sẽ "tạo cơ hội làm sáng tỏ những ngóc ngách trong đời sống của một nghệ sĩ tài hoa nay đã thành người thiên cổ." Trong những “ngóc ngách” này tất nhiên NÊN có cả tư thế chính trị của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, không nhất thiết vì ông có hay không có tham vọng ở lãnh vực này mà chính vì cung cách hành xử, những tao ngộ, và đặc biệt âm nhạc của ông trong và sau cuộc chiến tương tàn đã khiến tên tuổi/thân thế ông gắn liền với một giai đoạn vô cùng bi thảm của lịch sử nước nhà. Nói cách khác, ông là một nhân vật lịch sử, một đặc quyền ông không thể từ chối và kẻ khác không thể tước đoạt. Và như là một nhân vật lịch sử, mọi khía cạnh đời sống của ông đều có thể được quan sát và đánh giá từ nhiều góc nhìn khác nhau. Bài viết của tác giả Trịnh Cung, bất kể một số khiếm khuyết có thể làm giảm đi tính thuyết phục, chủ ý đưa ra một số nghi vấn về tư thế chính trị của người nhạc sĩ tăm tiếng này. Bất kể đồng ý với ông hay không, người đọc cần thiết phải vượt lên trên những phản ứng đầy cảm tính để tiếp cận bài viết của họa sĩ Trịnh Cung ở góc nhìn công chính của mình.

Rất tiếc, điều này đã không hề xảy ra. Trái lại, chúng ta chứng kiến một cuộc “Tổng Công Kích” ở mức độ chưa hề nhìn thấy kể từ … Tết Mậu Thân! Tác giả bài viết “Trịnh Công Sơn & Tham Vọng Chính Trị,” đúng hơn là nhân cách của ông, một sớm một chiều trở thành mục tiêu bắn phá đồng bộ bởi hầu hết các cơ quan truyền thông trong nước. Và điều này đang tiếp tục, mãnh liệt hơn. Trong nhận định của chúng tôi, bài viết “Thư gởi họa sĩ Trịnh Cung về chuyện lừa người nổi tiếng vào chuyện tuyên truyền chính trị rẻ tiền” của nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Xuân trên chính tạp chí này, với chủ ý "đạp gai lấy gai mà lễ," đã thể hiện tính gay gắt cao độ trong tranh luận. Tất nhiên, một cung cách tranh luận như thế e rằng sẽ không giúp cho bạn đọc và người trong cuộc đến gần hơn với sự thật, vốn luôn là ước muốn của tạp chí Da Màu…

đọc tiếp»





Huế, một ngày chớm hè 2009

Anh Trịnh Cung,

Những tuần cuối tháng 3-2009 vừa rồi, tôi không được khỏe, nhưng vẫn phải vào TP HCM để tiếp báo chí, các Đài Truyền hình nói rõ chuyện tôi tìm được Trường ca Tiếng hát dã tràng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (NS TCS) như thế nào để giúp ca sĩ Ánh Tuyết ATB nhân ngày giỗ lần thứ tám của nhạc sĩ dàn dựng trường ca nầy vào tối ngày 1-4-2009 tại Nhà hát Hòa Bình vừa qua. Không ngờ trong thời gian đó thì anh - họa sĩ Trịnh Cung - người mệnh danh là bạn thân thiết với Trịnh Công Sơn lại bừng bừng khí thế chuẩn bị món quà cúng giỗ lần thứ tám cho bạn mình bằng bài viêt “Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị”. Món quà cúng giỗ của anh dành cho NS TCS làm cho người gần kẻ xa phải trào nước mắt. Họ khóc vì tức giận anh, khóc vì thương NS TCS không may có một người bạn như anh và đồng thời cũng có người khóc vì cám ơn sự dũng cảm của anh đã “hạ” được thần tượng Trịnh Công Sơn trong lòng họ. Báo Thanh Niên (ngày 4 và 5-4-09), hàng chục trang Web trong và ngoài nước nóng lên với hàng mấy trăm ý kiến phản biện món quà ngày giỗ NS TCS của anh. Thiển nghĩ như thế đã đủ và chỉ còn chờ sự tiếp thu của anh nữa mà thôi. Nhưng không ngờ nhiều độc giả trong và ngoài nước, trong đó có cả các con của tôi mà anh đã gặp, gởi e-mail, gọi điện thoại, gặp trực tiếp, đại ý bảo tôi: NĐX là bạn của NS TCS, bạn của họa sĩ Trịnh Cung, bạn của hầu hết những tên tuổi được nêu trong bài viết của Trịnh Cung, những quan hệ, những hoạt động của họ ít nhiều có liên quan đến NĐX, nếu NĐX không lên tiếng có nghĩa NĐX đồng lõa, hoặc có nghĩa những gì Trịnh Cung viết đều đúng cả.

Anh Trịnh Cung,

Ta quen nhau đến nay vừa tròn nửa thế kỷ (1959-2009). Lúc ấy anh mới ở làng Chụt, P. Vĩnh Nguyên, Nha Trang ra học Mỹ Thuật, còn mang tên Nguyễn Văn Liễu, làm thơ với bút danh Thương Nguyệt. Trong anh em có Cao Hoàng Nhân, Chiêm Đàm, Thanh Nhung, Ái Phượng Liên… Cuộc sống rất nghèo, nhưng lúc đó chúng ta rất quý nhau. Về sau, tôi vào Đại học Sư phạm, anh ra trường Mỹ Thuật và rời Huế nên thỉnh thoảng mới gặp nhau. Trong các bài viết của tôi về thơ Huế, tôi luôn nhắc đến giai đoạn chúng ta làm thơ cùng Cao Hoàng Nhân. Sau 1975, thỉnh thoảng tôi gặp lại anh, có lúc ở Ngã tư Phú Nhuận, có lúc ở tòa soạn báo Lao Động, cũng có lúc giải khát với Trịnh Công Sơn ở Hội Văn nghệ TP HCM. Tôi mừng anh là một sĩ quan chiến tranh chính trị của quân đội VNCH cũ mà hội nhập được một cách dễ dàng với cuộc sống của Sài Gòn đổi thành TP HCM. Anh có cuộc sống mới khá sung túc, làm việc có hiệu quả, nổi danh họa, cũng nổi danh viết, lại có bà vợ trẻ hơn 40 tuổi, có thêm con trai. Sau ngày bà Điềm Phùng Thị về Huế và sau mấy cái tang Trịnh Công Sơn, Bửu Chỉ, chúng ta gặp nhau luôn. Ta chơi với nhau vì tình bạn, và cùng vì chung sự quý mến những tài năng văn nghệ của các nhân tài quê vợ (đã quá cố) của anh. Anh mời tôi cộng tác với anh làm cuốn sách Trịnh Công Sơn (1939-2001), cuộc đời, âm nhạc, thơ, hội họa và suy tưởng (Nxb Văn Nghệ TP HCM, 2002). Thế rồi, qua William Joiner Center, chúng ta có những ngày tháng 4 và 5 -2007 ngao du trên đất Mỹ. Giữa hai người, một kháng chiến chống Mỹ cũ và một cựu sĩ quan tâm lý chiến VNCH làm việc cho Mỹ, tuy quan điểm văn học nghệ thuật có khác nhau nhưng trong đời thường không có gì xung đột với nhau cả. Tôi rất quý NS TCS nên rất quý những bạn bè của Sơn như anh. Thế rồi không hiểu sao…anh đi dựng lên món quà “lịch sử” cúng giỗ lần thứ tám hương hồn NS TCS - người bạn quý của chúng ta làm cho tôi vô cùng sửng sốt.

*

Anh Trịnh Cung,

Với bài “Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị” đăng trên trang Web: http://damau.org/archives/5055 ngày 1-4-2009), anh cho biết “…bài viết này tôi muốn bổ sung thêm những điều mà trong các cuộc nói chuyện về TCS ở Mỹ tôi đã không thể nói hết được. Một nửa sự thật cũng chưa phải là sự thật. Tôi tin vào điều tốt đẹp của sự thật.” với mục đích “cung cấp thêm tư liệu để làm rõ các mối quan hệ có tính dính líu vào hoạt động chính trị phản chiến thân Cộng của TCS”. Anh đánh giá cao những gì anh nung nấu 30 năm qua và anh sẵn sàng chấp nhận phải trả giá cho sự công bố ấy. Anh tự bạch: “Sự thật bao giờ cũng gây mất lòng, tôi đã tự hỏi mình nhiều lần trong nhiều năm qua: có nên viết nó ra, giải thoát cho nó khỏi ngục tù trong tôi suốt hơn 30 năm qua? Sự quằn quại của nó trong cái nhà tù ký ức cũng làm tôi đau buồn đến không chịu nổi. Giải phóng cho nó là giải phóng cho chính tôi, dù có phải bị trả giá”.

Nhưng dù sao, sau khi công bố những gì anh nung nấu 30 năm qua, anh cũng nhũn nhặn lịch sự kêu gọi: “Tôi xin cám ơn những ai sẽ đóng góp thêm những gì giúp cho bài viết này được hoàn hảo hơn, kể cả những phản biện”.

Vì anh yêu cầu, vì lời kêu gọi của bạn, tôi phải bỏ rất nhiều công sức để viết lá thư nầy.

Trước tiên tôi xin anh, xin độc giả gần xa, bạn bè thân quen cũ mới cho phép tôi góp ý, phản biện bài viết của anh Trịnh Cung với các lưu ý sau:

Một, một người cầm bút chân chính không được dẫn chuyện riêng, đời tư của người khác, đặc biệt là chuyện của bạn bè trong đời thường vào chuyện chính trị, chuyện công. Nhưng vì anh Trịnh Cung không thực hiện điều nên tránh đó, nên khi góp ý, phản biện những gì anh đã viết trong bài Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị, buộc lòng tôi “đạp gai phải lấy gai mà lể”, tôi có sử dụng nhiều hồi ức, nhièu kỷ niệm giữa những người bạn Trịnh Cung mà cũng là bạn của NS TCS và bạn tôi được anh nêu tên trong bài của anh;

Hai, ngoài bài Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị, tôi sử dụng thêm nhiều bài khác mà anh Trịnh Cung đã viết, đã nói, đã trả lời báo chí trước đó;

Ba, để “đóng góp thêm những gì giúp cho bài viết” của anh “được hoàn hảo hơn” [1], tôi phải sử dụng phương pháp bình luận sử học, bình luận từng phần một bài viết của họa sĩ Trịnh Cung. Vì thế cái thư nầy khá dài, mong Trịnh Cung và bạn đọc kiên nhẫn.

*

1. Trịnh Cung viết:

“Vào năm 1971, tôi có mời Ngô Kha tới dự bữa cơm đầy năm Vương Hương, con đầu lòng của tôi tại nhà ở Phú Nhuận. Sau tàn tiệc, tôi đưa Ngô Kha ra về. Chúng tôi đi bộ từ ngã tư Phú Nhuận về hướng cầu Kiệu, khi gần đến chân cầu, Ngô Kha nói với tôi: “Cậu vào chiến khu với mình đi, có người dẫn đường đang chờ”. Tôi không ngờ lại bị Ngô Kha đưa vào thế kẹt. Lúc này, tôi đang là Trung Úy biệt phái dạy tại Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế, vừa bị Nha Mỹ Thuật Học Vụ trả về lại Bộ Quốc Phòng vì được Mỹ cấp học bổng tu nghiệp mỹ thuật tại Trung Tâm Đông và Tây, Hawaii, Hoa Kỳ” [2]

“Để thối thác lời đề nghị ghê gớm này của Ngô Kha, tôi dừng lại trong bóng đêm bên này cầu Kiệu và nói với anh:”Ông thấy con mình vừa đầy năm, bà xã còn quá trẻ và yếu đuối, làm sao mình bỏ nhà đi vào căn cứ với bạn được. Hơn nữa mình không đồng ý cách giết người của họ ở Huế hôm Tết Mậu Thân… thôi chúc bạn lên đường may mắn!”. Thế nhưng, sự việc sau đó lại đưa Ngô Kha đến một hoàn cảnh khác. Anh không đi vào rừng mà về Huế rồi bị bắt và chịu một cái chết bi thảm”.

“Ngô Kha đang là em rể của Trịnh Công Sơn”.

NĐX bình luận: Như trên đã dẫn, mục đích bài viết của anh là để “cung cấp thêm tư liệu để làm rõ các mối quan hệ có tính dính líu vào hoạt động chính trị phản chiến thân Cộng của TCS”. Mối quan hệ đầu tiên anh nhấn mạnh đến là NS TCS có người em rể Ngô Kha là cơ sở của Việt Cộng ở Huế, Sài Gòn. Chính Ngô Kha, sau buổi tiệc đầy năm con của anh, rủ anh vào chiến khu với Ngô Kha. Chuyện quan trọng ấy chỉ có hai người biết. Nay Ngô Kha đã bị thủ tiêu, không thể gọi hồn dậy được đẻ hỏi, vì thế phải tin lời của Trịnh Cung. Với tư cách một người bạn của Ngô Kha, một người đã có nhiều năm hoạt động ở đô thị, tôi thấy thông tin nầy của anh gợi lên nhièu điều khó hiểu.

- Ngô Kha là một thầy giáo, đỗ Cử nhân Luật, hoạt động chống chính quyền Sài Gòn lâu năm (ít nhất là từ 1966 đến 1971), sao lại thơ ngây đến mức rủ một sĩ quan chiến tranh chính trị của VNCH chưa từng có biểu hiện gì là có cảm tình với MTGP cả vào chiến khu? Nếu thơ ngây như thế thì có lẽ Ngô Kha đã mời nhiều người đã từng tham gia tranh đấu từ 1963 đến 1971 có biểu hiện “thân cộng” hơn là Trịnh Cung. Nhưng tôi chưa nghe Ngô Kha rủ ai cả. Và, hoạt động “nằm vùng” mà thơ ngây đến như thế thì có lẽ Ngô Kha đã bị bắt từ lâu rồi chứ không đợi chi đến năm 1971 vẫn còn được tự do đi ăn đầy năm con gái Trịnh Cung;

- Vì sao sau khi gặp Trịnh Cung, Ngô Kha - như Trịnh Cung viết: “Anh không đi vào rừng mà về Huế rồi bị bắt và chịu một cái chết bi thảm”. Lý do? Phải chăng vì đã lỡ rủ Trịnh Cung và bị Trinh Cung từ chối nên sợ lộ nên phải bỏ chuyện lên chiến khu từ Sài Gòn?

- Sau khi biết chắc Ngô Kha có quan hệ với MTGP, Trịnh Cung có đi báo với những người thân quen của Trịnh Cung đang làm mật thám cho chính phủ Thiệu Kỳ không ?

- Phải chăng sau đó Ngô Kha bị Liên Thành bắt và thủ tiêu từ nguồn tin đáng tin cậy của họa sĩ Trinh Cung?

Sự thật như thế nào chỉ có Trịnh Cung biết. Nhưng với kinh nghiệm tranh đấu ở đô thị đọc bài của Trịnh Cung trong đầu tôi không thể không đặt ra những thắc mắc ấy.

Giả dụ như Ngô Kha thực sự là cơ sở nội thành của MTGP, nhưng nếu không có tài liệu không ai dám qui kết Thúy - vợ Ngô Kha, cũng là cơ sở của MTGP hoặc có quan hệ với MTGP. Huống chi NS TCS là anh của Thúy, anh vợ của Ngô Kha thì có liên quan gì đến chuyện Ngô Kha hoạt động cho MTGP? Ở miền Nam, thiếu gì những gia đình anh là sĩ quan VNCH, em là Việt Cộng nằm vùng. (Ví dụ như gia đình tôi). Những người ấy đường ai nấy đi, có liên quan gì với nhau đâu. Huống chi Ngô Kha chỉ là em rể của NS TCS. Trịnh Cung dẫn chuyện Ngô Kha để ép NS TCS có liên quan đến MTGP gượng gạo quá. Ai mà tin được cái lý lẽ trẻ con, dễ dãi đến thế của anh.

Hơn nữa, nếu dùng phương pháp đặt vào miệng những người đã chết những thông tin bịa đặt theo ý mình như cách làm của Trịnh Cung, thì tôi có thể cung cấp cho giới viết tiểu sử, viết chân dung họa sĩ Trịnh Cung những chuyện sau:

“Năm 1982, tôi được Thành ủy Huế cử vào TP HCM trưng bày giới thiệu văn hóa Huế ở Hội chợ tổ chức tại Vườn Tao Đàn cũ. (chắc bác sĩ Trương Thìn còn nhớ). Họa sĩ Tôn Thất Văn đến giúp tôi trang trí cho gian hàng Huế. Trong khi làm việc tôi hỏi: “Lúc nầy Trịnh Cung làm ăn ra sao. Tôi muốn gặp để thăm ông bạn làm thơ của tôi năm xưa?” Tôn Thất Văn bảo tôi “Anh ta đi học tập cải tạo mới về được mấy năm. Hiện nay đang loay hoay kiếm sống. Nhưng mà ông không nên chơi với cái anh chàng lừa thầy phản bạn ấy làm gì. Chinh Trịnh Cung là người đã từng tìm cách lật đổ thầy Tôn Thất Đào ở trường Mỹ thuật Huế, người đã thừa lệnh Hoàng Đức Nhã vô ra Huế phá anh em Phong trào đúc tượng Phan Bội Châu, và nghe nói cũng chính Trịnh Cung vào Trại Cải tạo đã tố cáo anh em họa sĩ là sĩ quan biệt phái ở Huế mà “trốn cải tạo”.v.v.”

Chuyện tôi kể thật giả như thế nào chỉ có Trịnh Cung biết. Nhưng tôi không thể viết những chuyện ấy ra vì Tôn Thất Văn đã không còn ở trên cõi đời nầy để xác nhận cho tôi và tôi cũng không có băng ghi âm để làm bằng chứng. Nhưng nếu Trịnh Cung dựng chuyện cho Ngô Kha như trên được thì tôi cũng có thể công bố những gì Tôn Thất Văn đã nói với tôi năm 1982 như trên được. Trịnh Cung nghĩ sao?

2. Trịnh Cung viết: “Với bao nhiêu sự việc gắn kết với nhau, hoà quyện, ăn khớp, như thế mà chúng ta vẫn còn hoài nghi, vẫn biện bạch đây chỉ là một thứ tình cảm hồn nhiên hay hoa mỹ hơn, đấy là ý thức về thân phận dân tộc, tiếng nói đòi hoà bình đậm tính nhân bản cho quê hương của một người nghệ sĩ tài hoa như TCS, thì chi tiết sau đây đã được Nguyễn Đắc Xuân tiết lộ và đã xác nhận lại với tác giả bài viết này như sau: “Vào đêm ngày 29-5-1966, trên đường Trần Bình Trọng-Đà Lạt, Trần Trọng Thức (nhà báo), Nguyễn Ngọc Lan (linh mục, đã chết), Nguyễn Đắc Xuân và Trịnh Công Sơn đã cùng nhau bàn về một giải pháp chính trị cho trí thức yêu nước và người đưa ra sự chọn lựa rất quyết đoán và hợp ý với 3 bạn đồng hành với mình: “Không có con đường nào khác cho anh em mình ngoài Mặt trận Giải Phóng Miền Nam!”.

Vậy là đã quá rõ về khuynh hướng chính trị của Trịnh Công Sơn!”

NĐX bình luận: Thực chất sự kiện Trịnh Cung nêu trên như thế nào tôi đã viết trong bài Vô tình Trịnh Công Sơn có mặt trong những bước ngoặt đời tôi, (Trịnh Công Sơn có một thời như thế, Nxb Văn Học & TTNCQH, 2002, tr. 127-128). Tôi xin dẫn lại như sau:

“Sắp lại cuộc cờ: Cuối tháng 4-1966, phong trào đấu tranh ở Huế cử tôi và Trần Duy Thọ (đã mất) lên Cao nguyên bàn biện pháp phối hợp với Phong trào ở Đà Lạt (do anh Hồ Hữu Nhật cầm đầu). Làm việc xong, vào đêm 30 tháng 4, mấy người bạn Huế đang có mặt ở Đà Lạt rủ nhau đi dạo phố đêm. Xuất phát từ một biệt thự của chi Sâm trên đường Trần Bình Trọng, vòng qua đồi Nhà thương để hướng lên phía phố. Ánh điện nhập nhòe trong sương mù mát dịu làm cho chúng tôi tách mình ra khỏi cái nóng bỏng của cuộc tranh đấu đang diễn ra suốt hai tháng qua ở miền Trung. Những người bạn Huế đêm ấy có Nguyễn Ngọc Lan, Trần Trọng Thức, Trịnh Công Sơn, chị Sâm (chủ biệt thự) và một ca sĩ mà sau này tôi được biết là Khánh Ly. Lúc ấy bài Tuổi đá buồn của Trịnh Công Sơn đang được ưa thích. Vừa đi Sơn vừa hát khe khẻ và bọn tôi hát theo. Cái hồn của bài nhạc gợi cho chúng tôi phải đề cập đến sự tàn bạo của cuộc chiến tranh của Mỹ đang diễn ra ở Việt Nam. Nhạc của Sơn nhưng vấn đề của bài nhạc là của cả thế hệ sống ở đô thị chúng tôi (theo cách nghĩ của tôi lúc ấy). Từ mùa hè 1965 chúng tôi đã theo khẩu hiệu trước Morin Huế “To be or not to be” (Sống hay là chết), “Không thể lấy tuổi trẻ Việt Nam làm củi đốt cho lò lửa chiến tranh”. Càng tranh đấu ở đô thị thì cuộc chiến càng diễn ra ác liệt ở nông thôn và rừng núi. Nói đến chuyện chiến tranh là nói đến sự bất lực của mình. Trịnh Công Sơn vừa đi vừa bảo chúng tôi:

-“Không ai hiểu được sự bất lực của chúng ta bằng chính chúng ta”.

L.m. Nguyễn Ngọc Lan tiếp lời:

-“Bây giờ không còn con đường nào khác là con đường của Mặt trận Giải phóng”.

Trịnh Công Sơn:

-“Có lẽ!”.

Cho đến lúc đó tôi vẫn còn “thuần túy” là một sinh viên Phật tử, chưa hề có một tiếp xúc nào với cơ sở của Mặt trận Giải phóng. Nhưng không hiểu sao tôi cứ bị báo chí Sài Gòn và nhiều bạn bè nghi tôi là người của Mặt trận. Do đó mỗi khi nghe ai đề cập đến Mặt trận Giải phóng là tôi liền nghĩ họ nói để thăm dò tôi và tôi phản ứng lại bằng cách tảng lờ. Tuy nhiên, đêm hôm đó tôi không thể tảng lờ được trước nhận định của L.m. Nguyễn Ngọc Lan và Trịnh Công Sơn. Tôi không biểu đồng tình với hai người ấy nhưng hai chữ Mặt trận Giải phóng qua miệng hai người ấy đã ẩn sâu vào tâm trí tôi. Một ánh lửa lóe lên ở cuối đường hầm của cuộc đấu tranh đô thị”.

Câu chuyện chỉ có thế. Chuyện tôi kể và in thành sách lúc Nguyễn Ngọc Lan còn tại thế. Ngày nay, Trân Trọng Thức còn đó, ca sĩ Khánh Ly còn bên kia. Mà có gì quan trọng đâu? Một ý kiến tản mạn dọc đường, làm gì có chuyện như anh đã tô màu phóng to lên trong bài viết thành chuyện chúng tôi “đã cùng nhau bàn về một giải pháp chính trị cho trí thức yêu nước”. Cuộc tranh đấu năm 1966 bị dìm trong biển máu, “con đường của lực lượng thứ ba” đã tắt, tất cả những người tham gian tranh đấu không chịu đầu hàng quân đội Thiệu Kỳ đều có ý nghĩ như L.m. Nguyễn Ngọc Lan: -“Bây giờ không còn con đường nào khác là con đường của Mặt trận Giải phóng”. Trịnh Cung vin vào ý kiến “Có lẽ!” của NS TCS mà khẳng định rằng Trịnh Công Sơn là hoạt động cho MTGP là chụp mũ một cách dễ dãi quá! Mà cần gì phải bịa đặt, lượm lặt những thông tin rời rạc rồi kết lại thành chuỗi chứng minh “TCS thiên Cộng”, “Trịnh Công Sơn hoạt động cho MTGP”. Chỉ cần nghe lại các Ca Khúc Da Vàng, Kinh Việt Nam (1968), Ta Phải Thấy Mặt Trời (1969), Phụ Khúc Da Vàng (1972), trong những tập này nhiều bài mang tính, và dùng cả từ “cách mạng” cũng có thể thấy rõ khuynh hướng nghiêng về phía MTGP của Trịnh Công Sơn rồi. Cũng giống như Jean Paul Sartre chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Có ai bảo J.P.Sartre là cơ sở của MTGP đâu? Thầy Nhất Hạnh với Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện [3], Phạm Duy với Kỷ vật cho em cũng “ thiên Cộng” sao ? Và bản thân tôi như anh đã biết với Để lại cho em (lời Tâm ca số 5), Nhân danh, Chuyện hai người lính (thơ NĐX, được Phạm Duy phổ nhạc), nhiều người nghĩ tôi hoạt động cho MTGP nhưng lúc làm các bài thơ đó nào tôi có biết gì về MTGP đâu!

- Vừa rồi có người ngồi bên quán cà-phê bên đầu cầu Trường Tiền đọc bài viết của anh, họ đặt câu hỏi: “So với nhiều họa sĩ trong Hội họa sĩ Trẻ Sài Gòn lúc đó, Trịnh Cung không có gì nổi trội lắm, vì lý do gì mà anh ấy lại được:“Mỹ cấp học bổng tu nghiệp mỹ thuật tại Trung Tâm Đông và Tây, Hawaii, Hoa Kỳ” ? Chắc họa sĩ trẻ Trịnh Cung có công gì đó với chính quyền thân Mỹ anh mới được ưu ái đến thế chứ?” Tôi phản ảnh lại để anh rõ. Nếu có dịp anh nên giải đáp thắc mắc ấy.

Anh Trịnh Cung,

Như anh đã biết, hoạt động cho MTGP vô cùng nguy hiểm đến sự nghiệp, đến tánh mạng, không lương tiền, đói, khát, bệnh tật, nhiều khi còn bị chính người của MTGP nghi ngờ nữa, thế mà sao giới trí thức có tư duy dân tộc lúc ấy lại hướng về MTGP đông đến thế? Trong bài viết của anh, phần lớn những người tai mắt đương thời đều hoạt động cho MTGP cả! Vì lý do gì ? Có phải vì khát vọng hòa bình, chấm dứt chiển tranh, thống nhất đất nước, thống nhất dân tộc không? Có phải vì tiếng nói của lương tri không? Bất cứ ai quen biết anh lúc ấy đều có thể trả lời câu hỏi đó một cách dễ dàng. Nhưng anh thì sao?

Câu chuyện “con đường của MTGP” giữa chúng tôi nêu trên anh mới nghe lõm bõm gần đây thôi. Anh cũng mới hỏi tôi hồi cuối tháng 3-2009 vừa rồi. Thông tin “thân cộng” nầy của NS TCS chắc không nằm trong những gì anh đã nung nấu 30 năm qua phải không ?

3. Trịnh Cung viết:“Những ngày trước 30-4-75, Sài Gòn rơi vào tình trạng hỗn loạn. Người thân cộng thì hí hửng, người quốc gia thì lo âu và tìm đường bỏ nước. Mọi thứ sinh hoạt đều tê liệt, tôi nằm trong số người chịu trận, bế tắc, no way out. Trong thời điểm tinh thần sa sút này, tôi thường ghé qua nhà TCS để tìm một thông tin tốt lành vì anh có nhiều mối quan hệ, nhưng cũng không được gì vì TCS từ chối ra đi và cho biết sắp nhận chức Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hoá trong chính phủ Dương Văn Minh lên thay Thiệu-Kỳ, em trai TCS là đại uý Trịnh Quang Hà sẽ được giao làm Cảnh sát Trưởng quận 2 (nay là quận 1). Thế là xong, TCS sẽ tham gia chính quyền được chuyển từ tay Nguyễn Văn Thiệu để thương lượng hoà bình với quân GP đang bao vây Sài Gòn và doạ sẽ tắm máu Sài Gòn nếu VNCH không buông súng.”

NĐX bình luận: Anh đã qui kết cho NS TCS là hoạt động MTGP vì có em rể Ngô Kha hoạt động cho MTGP đã bị thủ tiêu, “đã cùng nhau (Nguyễn Ngọc Lan, Trần Trọng Thức, Nguyễn Đắc Xuân…) bàn về một giải pháp chính trị cho trí thức yêu nước”.v.v thế vì sao đến lúc MTGP sắp thắng lợi anh không đến nhờ NS TCS -người của MTGP, giúp đỡ che chở cho anh với chính quyền mới mà lại đến để “tìm một thông tin tốt” để tìm đường bỏ nước “ra đi” và anh đã hết sức thất vọng vì “TCS từ chối ra đi”. Từ ý thức chính trị như thế đến hành động như thế anh có thơ ngây, mâu thuẫn không ? Như trên đã bình luận, năm 1971, Ngô Kha hoạt động cho MTGP mời một anh sĩ quan VNCH vào chiến khu. Trước 30-4-1975, họa sĩ Trịnh Cung- một anh sĩ quan VNCH chạy tới nhà một người hoạt động cho MTGP để tìm đường bỏ nước ra đi. Không thể nói là thơ ngây mà phải nói là ấu trĩ, khôi hài.

Anh hạ uy tín của NS TCS bằng cách giải thích việc NS TCS từ chối ra đi vì “tham vọng chính trị” vì “sắp nhận chức Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hoá trong chính phủ Dương Văn Minh”. Anh cho biết chuyện nầy do kiến trúc sư Nguyễn Hữu Đống đạo diễn. Đối với tôi, KTS Đống không phải là người xa lạ, ngay bây giờ tôi có thể gặp anh ấy dễ dàng, tôi có thể “sếc” lại chuyện đó thực hư như thế nào, nhưng tôi không quan tâm nên không cần “sếc”. Bởi vì tôi biết rất rõ vì sao NS TCS không bỏ nước ra đi ngay trước 30-4-1975, sau đó và mãi mãi cũng không ra đi, không ra đi dù tất cả người thân trong gia đình (trừ bác Thanh - thân mẫu của nhạc sĩ) đã lần lược ra đi. Vì một lý do rất đơn giản: Từ sau năm 1972, Mỹ đã bắt tay Trung Quốc, họ không cần dùng Miền Nam Việt Nam làm “tiền đồn chống Cộng nữa, ở lại Việt Nam thiệt hại về người và của quá, lại bị dân Mỹ phản đối kịch liệt nên họ buộc lòng phải ký Hiệp định Paris 1973, rút quân, giao cuộc chiến tranh chống Cộng lại cho VNCH. Để tránh cuộc chiến người trong một nước giết nhau, NS TCS hoan nghinh chủ trương hòa hợp, hòa giải dân tộc của MTGP, anh đã sáng tác các bài Huế Sàigòn Hà Nội, Nối vòng tay lớn để hô hào, cổ vũ cho tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc. Các bài nhạc được quần chúng hết sức hoan nghênh. Tôi chưa hề được biết có dư luận nào phản đối các bài nhạc đó. Ngày 30-4-1975, chiến tranh chấm dứt tại Sài Gòn mà không đổ máu, ước mơ trong các bài hát của NS TCS đã trở thành hiện thực. Có hạnh phúc nào bằng? Rồi ngay trong cái giờ phút lịch sử kết thúc 30 năm chiến tranh Việt Nam vô cùng thiêng liêng đó, NS TCS có mặt ở Đài Phát thanh Sài Gòn hát Nối vòng tay lớn cho toàn dân nghe, cho thế giới biết, tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc của Việt Nam. Vinh dự biết bao! Thế hệ chúng tôi tự hào có NS TCS phát lên tiếng gọi hòa hợp hòa giải dân tộc đầu tiên ngay sau khi chấm dứt chiến tranh. Làm một người nghệ sĩ, NS TCS chỉ cần sự kiện sáng tác Nối vòng tay lớn, hát Nối vòng tay lớn như thế là đã có tên trong bảng đồng bia đá rồi. Trịnh Cung - mang tâm cảnh của một người lính thất trận làm sao hiểu được hạnh phúc của NS TCS trong giờ phút vinh quang ấy nên mới đến nhà Trịnh Công Sơn tìm đường chạy ra nước ngoài. Xin hỏi Trịnh Cung, giả dụ như lúc đó NS TCS chạy ra nước ngoài với anh thì Sơn sẽ đạt được điều gì? Nếu ra nước ngoài mà vinh quang hơn tại sao sau nầy anh có nhiều chuyến đi Mỹ anh không xin tỵ nạn bên đó mà lại cứ về Việt Nam? Tư tưởng nhân bản nhất của NS TCS là tinh thần hòa hợp, hòa giải dân tộc. Yêu quý NS TCS là không ngừng hoạt động cổ vũ tinh thần hòa hợp hòa giải dân tộc của nhạc sĩ. Bao giờ anh Trịnh Cung chưa cởi bỏ được tâm trạng hối tiếc mất chế độ cũ thì anh không thể nào hiểu được Trịnh Công Sơn - người anh khâm phục, mến mộ và là bạn thân nhất của anh. Anh đừng nên lấy những chức nầy, cấp nọ tầm thường của cuộc đời nhiễu nhương vừa qua để hạ thấp vai trò lịch sử của NS TCS.

Để anh hiểu rõ hơn lý do vì sao NS TCS không ra nước ngoài, tôi xin trích một đoạn trong bài phỏng vấn Với Trịnh Công Sơn một buổi đầu xuân (Mậu Dần, 1998). Toàn bài phỏng vấn đã được Trịnh Công Sơn đọc lại trước khi đăng báo Lao Động ngày 14-2-1998, và đã đăng lại trong cuốn Trịnh Công Sơn có một thời như thế (Văn Hoc 2002, tr.13-16) của tôi.

[...]

NĐX: [...] Anh có cảm tưởng gì trong những ngày ở Singapore cũng như những nước đã sống qua?

TCS: Theo mình, Singapore cũng như những nước phát triển khác, rất văn minh, rất hiện đại, hoàn chỉnh đến mức không gây cho mình một cảm xúc nào nữa. Do đó nó xa lạ với mình. Mới qua Singapore hai ngày mình đã muốn về VN ngay, nhưng cận Tết không đổi vé được. Nằm một tuần ở Singapore mình nhớ nhà quá sức! Nhớ dáng dấp VN, da thịt VN, giọng nói VN…

NĐX: Đó cũng là tâm trạng của nhiều người VN ở nước ngoài lâu nay. Do thiếu quê hương nên nhiều nghệ sĩ rất giỏi vẫn không có nhiều sáng tác hay. Anh nghĩ gì về quê hương trong những ngày này?

TCS: Mình vừa vượt qua được cơn bạo bệnh, mừng được thấy đất nước đổi mới từng ngày. Có sống qua những ngày gian khổ khó khăn giờ đây mới thấy được ý nghĩa của những gì có được. Một thế hệ mới đang được đào tạo cho thế kỷ XXI. Mình mong được làm người nghệ sĩ nối hai thế kỷ.

NĐX: Anh có nhớ cái thuở bọn mình lớn lên trong chiến tranh?

TCS: Nếu được đào tạo như bây giờ thì chắc chắn bọn mình không phải như bây giờ. Chính trong hoàn cảnh khó khăn của đất nước, mỗi con người trong chúng ta phải tự đi tìm cho mình một cách thế riêng, tự khẳng định mình.”

NS TCS có nói thêm với tôi một câu nữa mà lúc đó tôi không tiện viết ra: “Thú thật, mình xa cái đất nước nầy mình chịu không nổi và cũng không sáng tác được ông à ! Bọn mình mà sống sướng chưa chắc đã làm được như đã làm ! Mình sáng tác trong hoàn cảnh khó khăn, trong lúc vui buồn với đất nước. Sống sướng về vật chất chưa chắc đã sáng tác được. Sống mà không sáng tác được làm sao sống ông ? Các em mình chúng đi hết rồi. Nếu mình bị bắt ra nước ngoài chắc mình phải vượt biên ngược về thôi !”.

Suốt mấy chục năm chơi với NS TCS có bao giờ Trịnh Cung được nghe một lời tâm sự như thế không ? Tôi đoan chắc chưa bao giờ.

4. Trịnh Cung viết: “Từ sự kiện tại Đà Lạt mà Nguyễn Đắc Xuân đã nhắc đến ở trên cho đến ngày 30-4-75 không có một chỉ dấu nào cho thấy có mối liên lạc về mặt tổ chức giữa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Trịnh Công Sơn. Thậm chí khi anh được kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái đưa đến Đài Phát Thanh Sài Gòn để hát bài Nối Vòng Tay Lớn mừng chiến thắng lịch sử 30-4-75, TCS, tác giả của ca khúc có tính dự báo cho ngày huy hoàng này của quân Giải phóng và bi thảm cho phía VNCH, cũng bị Tôn Thất Lập, một nhạc sĩ chủ chốt trong phong trào Hát Cho Đồng Bào đã thoát ly đi theo MTGPMN, đuổi ra khỏi phòng thu: ”Mày có tư cách gì mà hát ở đây!”…

NĐX bình luận: Với ba sự kiện nêu trên, anh cố chứng minh NS TCS là người của MTGP hoặc có nhiều sáng tác nghiêng về MTGP. Đên đây anh lại viết “Từ sự kiện tại Đà Lạt (4-1966) mà Nguyễn Đắc Xuân đã nhắc đến ở trên cho đến ngày 30-4-75 không có một chỉ dấu nào cho thấy có mối liên lạc về mặt tổ chức giữa Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và Trịnh Công Sơn” Như vậy anh đã mâu thuẫn với anh, trái với mục đích anh muốn đạt đến là “làm rõ các mối quan hệ có tính dính líu vào hoạt động chính trị phản chiến thân Cộng của TCS”. Hay anh phải bất chấp sự mâu thuẫn ấy để có đủ lý lẽ giải thích sự việc NS TCS vào Đài Phát thanh Sài Gòn hát Nối vòng tay lớn trưa hôm 30-4-1975 để “bị Tôn Thất Lập, một nhạc sĩ chủ chốt trong phong trào Hát Cho Đồng Bào đã thoát ly đi theo MTGPMN, đuổi ra khỏi phòng thu: “Mày có tư cách gì mà hát ở đây!”? Không rõ ai đã cung cấp thông tin nầy cho Trịnh Cung, theo tôi hồi cuối năm 1974, Tôn Thất Lập, Nguyễn Xuân Lập và một số thanh niên sinh viên Sài Gòn Huế gặp nhau ở Hà Nội. Cuối tháng 3-1975 Tôn Thất Lập và Võ Như Lanh có mặt ở Paris. Ngày Giải phóng miền Nam 30-4-1975, Tôn Thất Lập đang ở Pháp. Và cũng được biết đến tháng 8-1975 Tôn Thất Lập mới về nước. Nên không thể có chuyện Tôn Thất Lập tàng hình về Sài Gòn đuổi Trịnh Công Sơn như anh viết. Ngày 7-4-2009, trả lời Đài BBC, anh khẳng định những gì anh viết trong bài Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị là đúng sự thực và anh chịu trách nhiệm. Anh chịu trách nhiệm về sự bịa đặt nhạc sĩ Tôn Thất Lập “đuổi Trịnh Công Sơn ra khỏi phòng thu” trưa ngày 30-4-1975 như thế nào? Anh xuyên tạc hạ nhục NS TCS vào đúng cái giờ phút vinh dự nhất, hạnh phúc nhất của cuộc đời Trịnh Công Sơn. Đồng thời anh cũng gây một sự mất mác giữa hai nhạc sĩ cùng quê, cùng thời, cùng là bạn đồng hành trên con đường giải phóng dân tộc. Đến bao giờ anh mới có lời xin lỗi công khai về sự bịa đặt khốn khổ nầy ? Nếu anh không có lời xin lỗi thích đáng tôi tin những bạn bè, những người yêu Việt Nam từ suối nguồn âm nhạc Trịnh Công Sơn sẽ đưa anh ra tòa.

5. Trịnh Cung viết: “Trở lại sống trong căn hộ cũ 11 Nguyễn Trường Tộ - Huế, TCS quây quần với bạn bè cũ và mới không được bao lâu thì cả thành phố Huế lên cơn sốt đả đảo TCS và Phạm Duy. Các biểu ngữ được giăng ở các trường đại học và TCS phải lên Đài truyền hình Huế đọc bài tự kiểm điểm. Sự cố lần này cũng lại do một nhạc sĩ tổ chức, nhạc sĩ Trần Hoàn, Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Trị Thiên. Thế là TCS đã tránh được vỏ dưa SG nay lại găp vỏ dừa Huế! Sự bé cái lầm lần này, có lẽ do TCS đã kỳ vọng ở bạn mình quá nhiều nhưng thực tế vai trò trong lực lượng tiếp quản Huế của Hoàng Phủ Ngọc Tường và Nguyễn Đắc Xuân rất khiêm tốn, chính họ cũng đang phải cố gắng phấn đấu để được kết nạp vào đảng thì làm sao bao che cho tác giả của 2 ca khúc từng bị người CSVN kết án (Ca khúc “Gia Tài Của Mẹ” với câu: “Hai mươi năm nội chiến từng ngày” đã xúc phạm đến đại cuộc chống Mỹ cứu nước của người CSVN và ca khúc “Cho Một Người Nằm Xuống” để thương tiếc Lưu Kim Cương - đại tá không lực VNCH chết bởi đạn của quân GPMN - người bạn một thời đã từng dùng máy bay không quân đưa TCS lên Đà Lạt thăm Khánh Ly hoặc ngược lại, đón Khánh Ly về hát với TCS) tại Sài Gòn?” “Lần này ở Huế, tính tẩy chay TCS nghiêm trọng và công khai hơn hẳn vụ ở Đài Phát Thanh SG vừa qua. Tình bạn cũ trong trái tim TCS sụp đổ đã đành mà giấc mơ “Khi đất nước tôi thanh bình/Tôi sẽ đi thăm…” tưởng dễ thực hiện của anh cũng bị dập tắt. Những tháng ngày tiếp theo ở Huế, TCS sống như một con tin trong Hội Văn Nghệ Bình Trị Thiên, thường xuyên được tổ chức bố trí đi lao động thực tế trên những cánh đồng vào mùa khô cũng như mùa lụt, không hơn gì một người phải chịu cải tạo”.

NĐX bình luận: Đọc đoạn trích nầy, tôi không ngạc nhiên, vì cơ bản nội dung của đoạn trích anh đã nói trong buổi sinh hoạt tưởng niệm Trịnh Công Sơn tổ chức vào ngày 4-4-2001 tại phòng sinh hoạt báo Người Việt, Little Sàigòn, nam California và được tạp chí Văn số 53&54 (tháng 5&6 -2001, đặc biệt về Trịnh Công Sơn), in lại từ tr. 77 đến tr. 83. Có lẽ anh quên anh đã nói vung mạng hôm đó như thế nào nên tôi cũng chép lại đây để anh có dịp so sánh cái “một nửa sự thật” nói hồi thang 4 - 2001 và “toàn bộ sự thật” anh vừa công bố hồi đàu tháng 4-2009 nầy như thế nào.

“Sau đó Sơn phải về Huế để tìm một nơi nương tựa bởi vì ở đó Sơn có nhiều anh em. Anh hy vọng là họ sẽ giúp đỡ nình, , nhưng, tránh võ (sic) dưa gặp võ (sic) dừa, ở đây Sơn còn bị nặng hơn nữa là bị tố cáo tại các trường học, các biểu ngữ giăng lên. Sơn phải lên đài truyền hình Huế nhận lỗi của mình - mà người ta gọi là bài thu hoạch. Sơn rất khéo léo trong bài nhận lỗi đó. Chính Sơn kể cho tôi nghe - Hoàng Phủ Ngọc Tường không đồng ý bài đó, nói phải viết lại vì chưa thành thật. Bạn thấy chưa ?

Người ta quyết liệt ghê gớm lắm trong sư kiểm soát. [...] Sau đó, Sơn phải đi thực tế, tức là đi để biết người nông dân cày bừa cực khổ như thế nào. Sơn đi trên những cánh đồng còn rải rác những chông mìn. Sơn đã thoát chết trong một lần; một con trâu đã cưứ Sơn khi nó đạp quả mìn mà đáng lẽ Sơn đã đạp”. (TC Văn đã dẫn tr.80-81).

NĐX bình luận tiếp: Những gì anh nói, anh viết trong hai lần trích trên anh cho là “sự thực” cả. Chuyện anh kể (nếu có) xảy ra trong thời gian anh đang bóc lịch trong Trại Cải tạo. Ai đã kể lại cho anh nghe như thế? Anh đã “sếc” lại chưa? Hay anh lại đáp “Chính Trịnh Công Sơn đã kể với anh? Anh không trưng dẫn được người kể, cũng chưa “sếc” lại, thì có thể xem là sự thực được không? Trong hai lần nói và viết cách nhau 8 năm ấy, lần nào là “thật” hơn lần nào? Hay một ai đó mang tâm cảnh chống chính thể mới đã nghe lóm ở đâu đó rồi kể lại với anh một cách ác ý, bịa đặt, xuyên tạc. Anh cũng mang tâm địa đồng điệu với người kể nên vớ ngay và bóp méo công bố vung vít ở những nơi anh nghĩ là không có người tranh cãi với anh. Sự thực đầu đuôi câu chuyện nầy như thế nào tôi cũng đã viết trong bài Tâm tình một người nghiên cứu Huế với thiên tài âm nhạc Trịnh Công Sơn đăng trong sách Trịnh Công Sơn có một thời như thế (Nxb Văn Học và TTNCQH, 2002, tr. 95-119). Có lẽ anh chưa đọc, tôi trích lại tặng anh sau đây để anh có dịp suy ngẫm:

[...]

“Công” nhiều hơn “tội” (nếu có).

Trước ngày thống nhất đất nước nhiều sinh viên Huế bị đánh bật khỏi Huế, hoặc bị địch bắt đưa vào giam ở các tỉnh phía Nam hoặc bị đưa ra đảo cầm tù. Sau ngày giải phóng, những người có trách nhiệm với Phong trào sinh viên học sinh Huế đánh điện mời anh em về Huế. Hai người về trước là hoa sĩ Bửu Chỉ và sinh viên Luật Nguyễn Duy Hiền. Có lẽ do tác động của anh Nguyễn Khoa Điềm (Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Huế) và Hoàng Phủ Ngọc Tường (Trưởng ty Thông tin Văn hoá Quảng Trị vừa về công tác ở Huế) nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng được mời về Huế để lập Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế. Như thế Trịnh Công Sơn thoát được cái “không khí nghi kỵ” ở Sài Gòn thời gian sau tháng 5-1975.

Rồi một hôm…đi ngang qua trường Đại học Sư phạm, tôi thấy mặt trước trường treo một tấm banderole to tướng mang dòng chữ xanh rờn: “Hạ bệ Phạm Duy-Hoàng Thi Thơ và Trịnh Công Sơn”. Tôi hơi bất ngờ nhưng rồi tôi cũng hiểu được. Tôi nghĩ ngay đến mối quan hệ giữa một số anh em Phong trào ở Đại học Sư phạm với những người mà sau nầy gọi là “các ông Ba mươi” ở Sài Gòn. Tôi hiểu được chuyện quá khích đó một phần nhờ vào những hiểu biết Phong trào Vệ binh đỏ của Trung Quốc mà tôi đã thu thập được trong thời gian nằm chữa bệnh ở Quế Lâm. Khẩu hiệu tranh đấu treo lên thì rất dễ nhưng lấy xuống thì cả một vấn đề. Tôi cũng như nhiều người bạn yêu quý Trịnh Công Sơn thấy việc sinh viên Đại học Sư phạm Huế đặt thái độ chính trị của Trịnh Công Sơn ngang với Phạm Duy và Hoàng Thi Thơ là không đúng với thực tế nhưng không ai dám lên tiếng bảo vệ. Bản thân tôi tuy là Đảng viên nhưng lý lịch quan hệ lung tung, nếu phát biểu “ngoài luồng” là bị qui là “xét lại” ngay. Vì thế có nhiều người đến Hội Văn nghệ than phiền với tôi về tấm banderole nêu trên, tôi vẫn ngậm câm. Trịnh Công Sơn rất buồn, không ngờ anh về quê hương lại bị giội một gáo nước lạnh như thế.

Một buổi tối, tôi được mời toạ đàm tại Hội Văn Nghệ để trả lời câu hỏi “Trịnh Công Sơn có công hay có tội?” Cuộc toạ đàm hôm ấy tôi còn nhớ rõ có Lê Khắc Cầm (đại diện cho cơ sở trí thức ở Huế), Trần Viết Ngạc (Phụ trách giáo dục) Trần Hoàn (Trưởng ty TTVH), Thanh Hải, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân (các cây bút chủ chốt của Hội Văn Nghệ vừa ở chiến khu về), và một vài người nữa tôi không còn nhớ tên…Tôi không nhớ những ai đã phát biểu lên án và những ai đã bảo vệ cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tôi chỉ nhớ anh em đề cập đến “tội” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn là anh đã làm nhạc phản chiến một cách chung chung, không phân biệt được chiến tranh xâm lược và chiến tranh giải phóng dân tộc (bài “Gia Tài Của Mẹ” với câu Hai mươi năm nội chiến từng ngày), thậm chí anh còn làm nhạc ca ngợi địch (bài “Cho Một Người Nằm Xuống thương tiếc Đại tá không quân Sài Gòn Lưu Kim Cương tử trận)…Nhiều người phát biểu biện hộ cho Trịnh Công Sơn:“Đúng là Trịnh Công Sơn đã làm nhiều bản nhạc phản chiến, anh được mệnh danh là người làm nhạc phản chiến số 1 thời ấy giống như Bob Dylan, Joan Baez ở bên Mỹ. Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tự do, anh theo đuổi chủ nghĩa nhân bản chung chung khác chúng ta. Nhưng anh làm nhạc trong vùng tạm chiếm, người nghe nhạc phản chiến của anh là lính Cộng hoà. Rất nhiều lính của Thiệu đã bỏ ngũ vì nghe bản nhạc Người con gái da vàng của anh. Chẳng có người lính cách mạng nào bỏ ngũ vì nghe nhạc của Trịnh Công Sơn cả. Cũng như ngày xưa bên Trung Quốc, Trương Lương thổi sáo đâu phải để cho quân mình buông kiếm ! Đâu phải tự dưng chính quyền Thiệu ra lịnh tịch thu những bài hát của Sơn”. Để minh hoạ cho ý tưởng đó, một anh nào đó (hình như anh Trần Viết Ngạc hay anh Lê Khắc Cầm gì đó tôi không nhớ) lấy trong cặp ra một xấp báo Sài Gòn xuất bản trước tháng 5.1975 có đăng lịnh của Thiệu cấm phổ biến nhạc Trịnh Công Sơn, lịnh cấm mang số 33 ngày 8.2.1969. Xấp tư liệu có sức thuyết phục lớn đối với những người tham dự toạ đàm. Trong không khí dễ cảm thông đó, hình như anh Hoàng Phủi Ngọc Tường đã kể: “Hồi ở trên rừng khi nghe Trịnh Công Sơn sáng tác bài Cho một người nằm xuống thương tiếc Đại tá không quân Sài Gòn Lưu Kim Cương tôi rất tiếc cho Sơn. Sau nầy được biết, trong những năm tháng Sơn trốn lính căng thẳng, Lưu Kim Cương đã tận tình che chở cho Sơn, chính vì cái ơn ấy mà Sơn đã viết bài ấy. Ta nên thông cảm cho hoàn cảnh đặc biệt của một người nghệ sĩ”. Kể “tội” xong, anh em nói đến “công” của Sơn. Trịnh Công Sơn đã cùng với Ngô Kha làm báo Tự Quyết, Mặt Trận Văn Hoá Dân Tộc Miền Trung – do cơ sở của Thành úy Huế tổ chức. Sơn sáng tác nhiều bài nhạc kêu gọi hoà bình hoà hợp dân tộc thống nhất đất nước theo chủ trương của Mặt trận Giải phóng như các bài Hà Nội-Huế-SàiGòn, Nối Vòng Tay Lớn, Ngọn Lửa Thích Chơn Thể… Những bài nhạc nầy có ảnh hưởng tốt đối với các phong trào đấu tranh yêu nước ở các đô thị miền Nam trước ngày đất nước thống nhất.

Kết luận của cuộc toạ đàm là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc chưa có hoàn cảnh quan hệ với Cách mạng thì có một quan điểm yêu nước chung chung, Sau khi quan hệ với cơ sở cách mạng (trong đó có Ngô Kha), quan điểm lập trường của Trịnh Công Sơn trong giai đoạn cuối của cuộc đấu tranh yêu nước đứng hẵn về phía Cách mạng. Như thế “công” của Trịnh Công Sơn lớn hơn ‘tội” của anh (nếu có).

Sau cuộc toạ đàm tổ chức giao cho anh Hoàng Phủ Ngọc Tường- bạn thân của Trịnh Công Sơn, trao đổi với Trịnh Công Sơn viết tự nhận xét mình. Đây là một hình thức kiểm điểm cán bộ - một sinh hoạt thường xuyên của tổ chức cách mạng. Cho đến lúc ấy tôi và anh Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tự kiểm điểm không biết bao nhiều lần. Những bản kiểm điểm nói không đúng vấn đề thường bị viết lại. Chính vì thế mà có người muốn được thông qua đã viết quá về những khuyết nhược điểm của mình để cho xong việc. Với kinh nghiệm ấy anh Tường đã khuyên Trịnh Công Sơn nên làm lẹ đi. Trịnh Công Sơn chưa quen lối sinh hoạt nầy cho nên có ý trách anh Tường “đã ép Trịnh Công Sơn”. Về sau có người khai thác chuyện nầy gây cho quần chúng yêu mến Trịnh Công Sơn ở trong nước và ngoài nước suốt một thời gian dài hiểu lầm anh Tường đến nỗi những người hiểu anh Tường phải đứng ra “làm chứng” cho anh Tường mới dập tắt được sự hiểu lầm ấy.

Tôi không nhớ tấm banderole treo trước Đại học Sư phạm được lấy xuống trước hay sau khi có cuộc toạ đàm “Trịnh Công Sơn có công hay có tội”. Nhưng dù sao hai sự kiện ấy cũng có quan hệ với nhau. Nhờ sự đánh giá của cuộc tọa đàm, dư luận trong các cơ quan tư tưởng chính trị (văn hoá văn nghệ) yên tâm về người nhạc sĩ đã có ảnh hưởng lớn trong quần chúng trước tháng 5.1975 ở miền Nam.

Đi cải tạo hay đi sản xuất tự túc ?

Tôi không rõ căn cứ vào tài liệu nào mà có người (kể cả một người thân nào đó của Trịnh Công Sơn nói trên đài VOA) [4] bảo rằng sau tháng 5-1975, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã bị đi cải tạo ở Thừa Thiên Huế. Nhiều bạn bè của tôi rất có uy tín, rất được tín nhiệm ngày nay hồi ấy cũng đã từng bị đi cải tạo một thời gian. Không riêng gì những người có dính một chút với “ngụy quân ngụy quyền” phải đi cải tạo, hồi còn chiến tranh, nhiều cán bộ đảng viên cách mạng hẵn hoi chỉ vì một câu nói bị hiểu lầm cũng đã phải mang ba-lô vào trại sản xuất kia mà. Cho nên hối ấy, nếu không được Thành ủy Huế và các anh chị em trong Phong trào hiểu Trịnh Công Sơn, Trịnh Công Sơn (với những cái “tội” nêu trên) có bị đi cải tạo ít tuần cũng là chuyện bình thường. May mắn là chuyện ấy không hề xảy ra đối với anh. Các hoạ sĩ Đinh Cường (hiện ở Virginia, Mỹ), hoạ sĩ Tôn Thất Văn (hiện ở Thành phố HCM), nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nhà dịch thuật Bửu Ý, hoạ sĩ Bửu Chỉ (đang sống ở Huế) rất thân thiết với Trịnh Công Sơn đều khẳng định không có chuyện ấy. Thế mà có người viết:

“Vùng kinh tế mới – nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bị đày dưới hình thức lao động cải tạo nằm ngay biên giới của tỉnh Quảng Trị. Những ngày lụt nước ngập ngang ngực, ngày nào cũng có người bị chết hoặc bị thương do mìn nổ. Ở đó, một gia đình nông dân có con gái ái mộ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cho ông mượn trâu để cày bừa…” (Hoàng Dược Thảo, Những sự thật nên viết ra về một thiên tài âm nhạc vừa năm xuống, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn… tài liệu lấy trên Internet, tr.2/7).

Nhưng vì sao lại có dư luận ấy? Theo tôi, trừ những người cố tình xuyên tạc sự thực để bôi nhọ Việt Nam sau tháng 5-1975, có lẽ người ta đã hiểu nhầm việc đi lao động sản xuất tự túc là đi cải tạo chăng? Nếu quan niệm đi tham gia lao động sản xuất tự túc là đi cải tạo thì cả Đảng bộ và chính quyền Thừa Thiên Huế lúc ấy đều bị đi cải tạo cả. Thời ấy có ông bà thủ trưởng xuống tận người gác cửa cơ quan nào không đi lao động sản xuất sắn khoai để tự túc một phần lương thực đâu ? Đầu năm 1977, tôi vừa có con đầu lòng, phải đi Bình Điền sản xuất tự túc, chiều về ngồi trong trại nhớ con không cầm được nước mắt. Nhưng nào tôi có xin miễn được đâu ! Đi sản xuất rất vất vả, nhiều nữ giáo viên không biết đi xe đạp, phải nhờ chống “thồ đi thồ về”. Nếu chồng không ‘thồ” được thì phải đi bộ từ bốn năm giờ sáng. Chiều về phải tám chín giờ tối mới lết được đến nhà. Chuyện bắt cả bộ máy nhà nước, sinh viên học sinh, giáo viên…bỏ việc chuyên môn, bỏ việc dạy và học đi phá rừng cuốc rẫy, đào lề đường để trồng khoai sắn sản xuất tự túc là một chủ trương sai lầm [5]. Bây giờ nhớ lại chuyện ấy không ai không chê trách. Nhưng nói chuyện đi sản xuất tự túc là đi lao động cải tạo là hoàn toàn xuyên tạc. Đối với anh em văn nghệ sĩ lúc ấy đi sản xuất tự túc như một cuộc đi chơi. Sắn khoai thu hoạch được không đủ bù vào tiền mua gạo, thức ăn mang theo và tiền mua xăng ô-tô đi sản xuất. Đó là chưa nói đến việc các văn nghệ sĩ không biết làm nông, mùa nắng gây cháy rừng, mùa mưa gây xói mòn sạt lỡ đất đai rất tai hại. Chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cùng với các nhà văn nhà thơ Hội Văn nghệ Thừa Thiên Huế (sau năm 1977 là Bình Trị Thiên) đã gây ra vụ cháy rừng thông trong khu vực lăng Minh Mạng. Nếu không nhờ dân và cán bộ đến dập tắt đám cháy kịp thời thì có thể tiêu luôn khu lăng Minh Mạng. May lúc đó xã hội chưa xem trọng di tích văn hoá nên báo chí cho là chuyện bình thường, không một tiếng phê bình. Do đó anh em văn nghệ xem chuyện cháy ấy như một kỷ niệm hồn nhiên của mình. Sau nhiều lần đi sản xuất tự túc, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã khoe với Mai (tức ca sĩ Khánh Ly) trong một lá thư gởi sang Mỹ rằng: “Anh kể cho Mai nghe, bây giờ anh giỏi hơn Mai nhiều. Anh biết trồng khoai, trồng sắn và cấy lúa”. Có điều Trịnh Công Sơn không kể với Khánh Ly là lần đầu đi trồng sắn anh đã gặm cái đầu hom sắn xuống đất nên những cái hom ấy chết khô chứ không mọc được. Ôi còn biết bao chuyện buồn cười trong cái buổi đầu “xây dựng xã hội chủ nghĩa” ở cái đất Cố đô Huế ấy.

Mà lạ thật, cuộc sống thiếu thốn mọi bề, nhưng tôi thấy Trịnh Công Sơn rất vui. Vì ai cũng thiếu thốn cả chứ có như “kẻ ăn không hết người lần không ra” như bây giờ đâu ! Tôi còn giữ được mấy tấm ảnh Trịnh Công Sơn chụp hồi đầu năm 1976, trông anh khoẻ và đẹp lắm. Anh sống một mình ở gian nhà cũ 11/3 Nguyễn Trường Tộ, nhưng ít có hôm anh phải ngủ một mình. Không có Ngụy Ngữ thì có Trần Phá Nhạc, không có Tôn Thất Văn thì có Đinh Cường, không có Bửu Ý thì có Định Giang, không có Đặng Ngọc Vịnh thì có Lữ Quỳnh hay một anh chàng Hà Nội nào đó mến mộ Trịnh Công Sơn đi qua Huế ghé thăm anh chơi…Một số bạn mới ái mộ anh cũng thường đến ở với anh như Mạnh Đạt (nhạc sĩ), Vinh Nguyễn (nhà thơ)… Những người mới có gia đình như Hoàng Phủ Ngọc Tường, như tôi (NĐX) thì ít khi đến ngủ với anh, thay vào đó là chúng tôi hay mời anh về nhà ăn cơm. Đi ăn cơm khách nhưng Trịnh Công Sơn không thích ăn mà chỉ thích có một xị “quốc lũi” hay xị rượu trắng Phủ Cam cay cay là thích nhất. Những lúc anh em đi Hà Nội kiếm mua được một chai Vốt-ca của Liên-xô thì quý hoá vô cùng.

Quê hương chỉ là “Một cõi đi về”

Có thể nói trước ngày đất nước thống nhất hàng chục năm Trịnh Công Sơn đã là một nhạc sĩ rất nổi tiếng. Dù anh phải đi trốn lính, đi tham gia Phong trào tranh đấu hay núp dưới bóng mẹ ở nhà, bao giờ anh cũng được bạn bè và gia đình chăm sóc miếng cơm manh áo hết sức chu đáo. Sau tháng 5-1975, anh được mời về Huế tham gia công tác ở Hội Văn Nghệ, mừng gặp lại bạn bè cũ, mừng đất nước hoà bình thống nhất, vui thì có vui nhưng thật sự đó là một giai đoạn thử thách ghê gớm đối với đời sống của anh. Với lương tháng 64 đồng là cao so với cán bộ [6], nhưng đối với Trịnh Công Sơn, số tiền ấy không đủ để mua thuốc hút và mua rượu cho ba mươi ngày. Bởi thế mỗi tháng thân mẫu anh phải gởi thêm cho anh một chỉ vàng và một vài ký-lô thịt bò thưng [7] hay thịt chà-bông. Sau mỗi lần nhận quà của mẹ, nhà Trịnh Công Sơn liên tiếp có những “tiệc” rượu nhỏ. Tiệc cho đến hôm tiệt hết quà của mẹ gởi mới thôi. Người anh càng ngày càng gầy rộc đi. Bởi thế mỗi năm có đến mấy bận Trịnh Công Sơn phải xin phép vào Thành phố Hồ Chí Minh thăm mẹ. Nói đúng hơn là thăm mẹ để được mẹ bồi dưỡng lấy lại sức khoẻ. Nhiều lần Trịnh Công Sơn vào ở nín trong Thành phố hàng mấy chục ngày, nhân đó anh tiếp xúc với bạn bè, văn nghệ sĩ của Thành phố. Anh gặp lại Phạm Trọng Cầu, Trần Long Ẩn, và quen thêm Hoàng Hiệp, Nguyễn Quang Sáng .v.v. Qua bạn bè, anh biết lãnh đạo của Thành phố cũng có người mến mộ anh. Biết hoàn cảnh của Trịnh Công Sơn ở Huế có nhiều “bất tiện”, vào ra xe cộ khó khăn, anh em gợi ý Trịnh Công Sơn nên xin chuyển công tác vào Thành phố Hồ Chí Minh, anh em sẽ giúp xin lãnh đạo Thành phố chấp nhận anh. Ý kiến đó phù hợp với sự mong muốn của gia đình Trịnh Công Sơn và có lẽ cũng “phù hợp” với ý muốn trả Trịnh Công Sơn lại cho miền Nam của một số người ở Bình Trị Thiên. Vào giữa năm 1978, tôi không nhớ vào tháng nào, Trịnh Công Sơn về Huế làm hồ sơ chuyển công tác. Nghe tin đó chúng tôi hết sức tiếc, nhưng cũng nhận thấy như thế là hợp lý, Trịnh Công Sơn không thể kéo dài cuộc sống bấp bênh “ăn ít uống nhiều” ở gian nhà nhiều kỷ niệm trước nhà thờ Phủ Cam lâu hơn nữa. Và, thân mẫu của anh cũng không thể rút ruột kéo dài tình trạng phải gởi cho con trai làm công tác cách mạng ở Huế mỗi tháng một chỉ vàng mãi được. Lúc bấy giờ khan hiếm gạo nên quán hàng bán rượu cất từ sắn tươi. Nhiều khi người ta còn bỏ cả thuốc rầy vào rượu để tăng nồng độ của rượu. Tôi đã chứng kiến một vài lần Trịnh Công Sơn uống rượu sắn với Dương Toàn Thắng (em ruột của nhạc sĩ Mạnh Đạt) và ói mửa ra mật xanh mật vàng ngay tại chỗ. Không rõ có phải vì uống rượu độc hại mà sau đó không lâu Dương Toàn Thắng chết vì xơ gan cổ trướng không!

Trịnh Công Sơn vào Nam, giao gian nhà kỷ niệm ở đường Nguyễn Trường Tộ Huế lại cho vợ chồng anh chị Hoàng Phủ Ngọc Tường-Lâm Thị Mỹ Dạ. Không ngờ sau đó một năm (1979), anh chị Tường Dạ lại giao gian nhà đó lại cho vợ chồng tôi (theo đề nghị của nhà văn Thanh Tịnh) để chị Dạ đi Hà Nội học ở trường viết văn Nguyễn Du, anh Tường bồng bế các con vào tá túc trên mảnh đất của gia đình ở Cầu Sơn quận Bình Thạnh Thành phố Hồ Chí Minh [8]. Anh Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trí thức cách mạng tiêu biểu, có quá trình tham gia kháng chiến của tỉnh Bình Trị Thiên mà cũng ra đi. Điều đó chứng tỏ lúc ấy có một cái dịch “chất xám của Bình Trị Thiên” chảy vào miền Nam. Trước và sau thời điểm Trịnh Công Sơn chuyển công tác (1978), nhóm thanh niên Quảng Nam công tác ở Thành đoàn Huế trước và sau ngày Giải phóng chuyển vào Đà Nẵng (Lê Công Cơ, Nguyễn Thanh Minh, Huỳnh Phước….), một số hoạ sĩ bỏ nhiệm sở vào Nam hành nghề tự do như Đinh Cường, Hồ Hoàng Đài, Tôn Thất Văn…một số cây bút năng động của Huế như Trần Phá Nhạc, Lữ Quỳnh, Tần Hoài Dạ Vũ (Nguyễn Văn Bổn)…cũng không ở được phải vào Nam. Vào đó thất nghiệp có người phải ra nằm ngoài bến xe Miền Đông để bán sách dạo, có người đạp xích-lô nuôi vợ con. Một số bác sĩ làm việc ở Bệnh viện Huế quen biết chúng tôi vào Biên Hoà tỉnh Đồng Nai. Một số cán bộ từ Hà Nội, Quảng Bình ở không nổi cũng xin đi (Trần Công Tấn, Lê Bá Sinh…). Nhiều người thấy bạn bè của tôi “nam tiến” cả, họ ngạc nhiên hỏi tôi: “Ủa, ông chưa đi à ?” Sự thật ở Huế tôi cũng xất bất xang bang chứ có được gì đâu, nhưng ngặt vì tôi là người nghiên cứu Huế bỏ Huế mà đi thì lấy gì mà nghiên cứu nên phải ở lại cho đến ngày nay. Nhắc lại vài dòng như thế để thấy việc nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trở lại miền Nam năm 1978 là một tất yếu. Không có cách nào khác hơn.”

Tôi trích dẫn hơi dài làm cho người đọc mất thì giờ, nhưng đây là vấn đề lịch sử nên dù vất vả tôi cũng phải cố gắng trình bày cặn kẽ (dù sức khỏe tôi rất kém), một là để Trịnh Cung có tài liệu soi lại những gì anh cho là sự thật, hai là để thỏa mãn bạn đọc gần xa muốn biết sự thật mà chỉ có những người bạn của Trịnh Công Sơn như chúng tôi mới biết được. Như vậy, tôi là người trong cuộc, hoạt động văn học nghệ thuật với NS TCS từ sau 30-4-1975 ở Huế, đã viết như thế, đã được Trung tâm Nghiên cứu Quốc học và Nxb văn Học xuất bản 7 năm rồi, sách ra đời, ngoài hàng ngàn độc giả đã đọc, sách đã gởi tặng gia đình các em NS TCS, tặng tất cả bạn bè NS TCS ở trong nước và ngoài nước, cho đến giờ nầy chưa hề nhận được lời phê nào bảo rằng tôi viết sai. Nếu thấy tôi viết không sai sự thật thì những gì Trịnh Cung viết ngược với tôi là sự thật hay sự giả tôi dành câu trả lời cho độc giả.

5. Trịnh Cung viết: “Qua những “sự cố” như thế, có thể thấy TCS đã mắc những sai lầm với người CS như sau:

- Thiếu minh bạch trong suy nghĩ về chiến tranh VN và tính hai mặt trong quan hệ xã hội.
- Không ở trong một đường dây của tổ chức và chịu sự lãnh đạo của tổ chức đó.
- Không dám thoát ly đi theo MTGPMN.
Và những sai lầm của TCS với phía VNCH:
- Kêu gọi phản chiến nhưng chỉ nhằm vào phía VNCH.
- Thiên về phía người CSVN ngay cả sau khi bị họ giết hụt trong vụ Tết Mậu Thân ở Huế”.

NĐX bình luận: Suốt bài viết Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị của họa sĩ Trịnh Cung, tôi thấy mấy dòng trích nầy có phần nào đó đúng với thực chất hoàn cảnh của Trịnh Công Sơn trước tháng 4-1975. Nhưng tôi khác với Trịnh Cung ở chỗ đứng để nhìn vào cuộc đời của NS TCS. Trịnh Cung đứng ở chỗ người của chế độ cũ, còn tôi đứng ở cái thế người cầm bút nghiên cứu tiểu sử NS TCS. NS TCS đã sống, đã sáng tác, đã viết, đã suy nghĩ như thế nào cố gắng phục hồi lại như thế chứ không kéo TCS qua phía nầy hay đẩy anh qua bên kia.

NS TCS “Thiếu minh bạch trong suy nghĩ về chiến tranh VN và tính hai mặt trong quan hệ xã hội.” NS TCS là một Phật tử, trong máu huyết của anh thấm nhuần giới “cấm sát sanh”. Anh chống chiến tranh, chống chuyện giết người, đau đớn trước mọi cái chết từ cả hai phía. Vì thế quan điểm phản chiến của anh bị cả hai phía lên án. Mà không những Trịnh Công Sơn, Phong trào Phật giáo miền Nam vận động cho hòa bình dân tộc từ năm 1964 đến 1975 cũng thế, và chính tôi, lúc chưa đi kháng chiến cũng thế. Và, nếu suy nghĩ cho kỹ, tất cả những ai yêu nước chống Mỹ mà không là cơ sở hoạt động cho MTGP đều như thế cả. Từ cái tư tưởng và quan hệ xã hội hai mặt đó mà về sau NS TCS vận động, cổ vũ cho tinh thần hoà hợp, hòa giải dân tộc như đã trình bày trên.

NS TCS “Không ở trong một đường dây của tổ chức và chịu sự lãnh đạo của tổ chức đó”.

NĐX bình luận: Đúng như thế. Thông tin nầy bác bỏ cái ý tưởng NS TCS có “tham vọng chính trị”, và “mối quan hệ có tính dính líu vào hoạt động chính trị phản chiến thân Cộng của TCS” mà Trịnh Cung muốn gán cho Trịnh Công Sơn như đã trình bày trên. Và, nó cũng mâu thuẫn với thông tin Trịnh Cung dẫn chuyện Lê Khắc Cầm xác nhận Thư gởi Ngô Kha dẫn trên. Trịnh Cung ưng phán gì cứ phán, tiền hậu bất nhất, bất chấp sự thật, bất chấp trúng sai, bất chấp có mâu thuẫn với mình hay không. Một người suy nghĩ, nói năng, viết lách bá trúng bá phát như thế ai mà dám tin sự thật, sự giả của anh!

NS TCS “Không dám thoát ly đi theo MTGPMN”.

NĐX bình luận: Viết câu nầy chứng tỏ Trịnh Cung không hiểu gì về hoạt động của MTGP ở đô thị cả. Muôn thoát ly phải có tổ chức, có đường dây.Trịnh Cung vừa viết Trịnh Công Sơn “Không ở trong một đường dây của tổ chức và chịu sự lãnh đạo của tổ chức đó” thì ai mời Trịnh Công Sơn thoát ly mà Trịnh Công Sơn không dám? Ai dẫn Trịnh Công Sơn ra chiến khu? Ai đã cho anh nguồn tin đó? Hay anh trưng dẫn chuyện nầy để chê Trịnh Công Sơn hèn, không dám thoát ly chịu ác liệt gian khổ như bạn bè của Trịnh Công Sơn? Xin Trịnh Cung cho biết nguồn tin chính xác. Nếu không anh mắc tội nói xấu người khuất mặt mà anh từng dựa dẫm.

NS TCS “Kêu gọi phản chiến nhưng chỉ nhằm vào phía VNCH”

NĐX: Chưa hẵn như thế. Nếu đúng như thế thì tại sao MTGP không trao Huân chưong binh vận cho NS TCS mà ngược lại chinh quyền hiên nay vẫn chưa cho hát nhạc phản chiến cúa Trịnh Công Sơn? Gia tài của mẹ nhắm vào ai? Có phải là nhắm vào cuộc chiến không?

NS TCS “Thiên về phía người CSVN ngay cả sau khi bị họ giết hụt trong vụ Tết Mậu Thân ở Huế”.

NĐX bình luận: Chuyện NS TCS “Thiên về phía người CSVN” thì quá rõ ràng. Thiên (procommunisme) CSVN, chứ Trịnh Công Sơn không phải theo CSVN. Chuyện đó quá rõ ràng. Nhưng chuyện NS TCS “bị họ (MTGP) giết hụt trong vụ Tết Mậu Thân ở Huế” thì lần đàu tiên tôi nghe thông tin nầy. Ai cung cấp thông tin đó cho anh? Mấy chục năm qua người ta vu khống cho lực lượng giải phóng Huế biết bao chuyện xấu trong Tết Mậu thân 1968. Bây giờ anh có vu không thêm năm ba chuyện nữa chắc cũng không có ai quan tâm. Nhưng đối vởi nhân thân của NS TCS - một nhạc sĩ lớn của dân tộc thì không thể xem thường. Nếu anh có nguồn tin đáng tin cậy thì tôi sẽ đi điều tra xác minh, để ghi vào tiểu sử cúa NS TCS rằng ông “từng bị MTGP giết hụt hồi Tết Mậu thân 1968”. Nếu anh không trưng dẫn được nguồn tin chính xác thì anh sẽ phạm vào tội vu cáo trước pháp luật.

Anh có suy nghĩ gì về hiện tượng NS TCS vẫn “Thiên về phía người CSVN ngay cả sau khi bị họ giết hụt”? CSVN có gì hấp dẫn đến nỗi dù bị người của MTGP Huế giết hụt mà Trịnh Công Sơn vẫn cứ thiên về? Vẫn không chịu chống, không chịu quay lui? Hay NS TCS đã ý thức được, phân biệt được có ai đó đứng trong hàng ngũ MTGP Huế có chủ trương giết anh là việc nhỏ, còn lý tưởng đấu tranh đánh đuổi ngoại bang, giải phóng đất nước của CSVN là chuyện lớn không thể thay đổi được nên trong bất cứ hoàn cảnh nào TCS vẫn phải thiên về? Một người cạn nghĩ như anh, anh viết, anh nói bừa đến mức anh không hiểu ngay cả điều anh viêt, anh nói. Và, dĩ nhiên anh không thể nào tưởng tượng được những tác hại do anh gây ra cho người khác, cho chính bản thân, cho gia đình anh.

6. Trịnh Cung viết: “Bước Ngoặt “Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui”. Sa Lầy vào Rượu và Xu Nịnh. “Cuối tháng 5-1978, tôi ra khỏi trại cải tạo, gặp lại TCS. Lần nào đến nhà anh ở 47c Phạm Ngọc Thạch-Sài Gòn, sáng hay chiều, cũng thấy TCS ngồi nhậu rượu Ararat, một loại cô-nhắc Nga (sau “đổi mới” chuyển qua rượu chát đỏ của Pháp, và sau cùng là Whisky Chivas) với Nguyễn Quang Sáng và một số bạn “mới”. Tôi cảm thấy có một điều gì đó không ổn, hình như tôi, một thằng sĩ quan Nguỵ đi tù về, không còn được TCS và gia đình coi là người thân như ngày xưa. Thái độ khó chịu của tôi mỗi lần ngồi trước mặt những người bạn “mới” này của Sơn đã khiến tôi bị TCS và gia đình tẩy chay ngầm

Thực ra, tôi đã bị TCS và nhóm bạn Huế cũ loại ra từ những năm tháng tôi đi lính VNCH mà tôi không hề biết. Sau này, hoạ sĩ Tôn Thất Văn (đã chết) đã kể lại cho tôi rằng có những cuộc họp ở Huế vào những năm 60-70, TCS và những người mà tôi đã coi là bạn thân tình đã đem tôi ra để phê phán, tẩy chay vì tôi đã không trốn lính và đứng về phía Quốc Gia”.

NĐX bình luận: Đây là đoạn tự sự có giá trị nhất, thực nhất mà tôi tìm thấy trong bài viết Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị của họa sĩ Trịnh Cung. Lâu nay nghe Trịnh Cung nói và viết tôi cứ tưởng Trịnh Công Sơn và gia đình yêu về nết trọng về tài Trịnh Cung, té ra Trịnh Công Sơn và gia đình đã cạch anh không những từ sau ngày anh đi học tập về (khoảng 1978) mà cạch từ “những năm 60-70”. Nếu Trịnh Cung không thổ lộ, nếu Trịnh Cung không can đảm viết ra giữa ngày giỗ thứ 8 của NS TCS thì ông trời cũng bị lừa.

Trong bài viết Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị Trịnh Cung cho biết “…bài viết này tôi muốn bổ sung thêm những điều mà trong các cuộc nói chuyện về TCS ở Mỹ tôi đã không thể nói hết được” (tức buổi sinh hoạt tưởng niệm Trịnh Công Sơn tổ chức vào ngày 4-4-2001 tại phòng sinh hoạt Người Việt, Little Saigon, nam California). Cái mà bây giờ anh nói hết chính là đoạn tự sự nầy đây. Qua đoạn tự sự nầy ta thấy:

- NS TCS và gia đình anh bộc lộ tính cách Huế rất rõ nét: Cạch Trịnh Cung, nhưng cả nể không nói và cũng không có hành động gì làm phật lòng Trịnh Cung; không đóng cửa đối với Trịnh Cung;

- NS TCS nổi tiếng dễ dãi, xuề xòa, không ngờ anh rất cảnh giác Trịnh Cung;

- Trịnh Cung tự tố cáo tất cả những bài nói, bài viết của Trịnh Cung về tình bạn thân thiết của NS TCS dành cho Trịnh Cung đều do Trịnh Cung bày đặt, tưởng tượng hoặc hiểu nhầm để đánh bóng mình; Trịnh Cung là người khách không mời mà tới của gia đình Trịnh Công Sơn;

- Biết mình bị tẩy chay mà Trịnh Cung vẫn lê la đến nhà Trịnh Công Sơn, ngồi chầu rìa. Cứ xem lại tấm ảnh lịch sử Trịnh Công Sơn - họa sĩ Đinh Cường tiếp nhạc sĩ Văn Cao sẽ thấy rõ cái sự chầu rìa của Trịnh Cung như thế nào;

clip_image001

Trịnh Cung chầu rìa cuộc vui của Trịnh Công Sơn, Đinh Cường và Văn Cao

- Phải chăng nỗi hận bị Trịnh Công Sơn, gia đình và bạn bè của Trịnh Công Sơn tẩy chay, Trịnh Cung đã phải giữ chặt dưới đáy lòng hòng duy trì cái tên Trịnh Cung bên cái giá tên NS TCS, để được nổi tiếng hơn, nay thấy mình đã “quá nổi tiếng rồi”, lấy “sự cao đạo làm tôn giáo” (như Trịnh Cung đã tuyên bố với báo chí), không cần cái giá đỡ của tên tuổi Trịnh Công Sơn nữa nên đạp cái giá đỡ để mình sừng sững nổi lên. Đồng thời trả thù gia đình NS TCS về cái tội đã ngầm tẩy chay Trịnh Cung suốt mấy chục năm qua. Động cơ viết bài Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị của Trịnh Cung chỉ vì chuyện nầy thôi. Các tác giả có chút phân tâm học phân tich tâm lý Trịnh Cung trong đoạn tự sự nầy chắc còn phát hiện thêm nhiều điều thú vị nữa.

7. Trịnh Cung viết: “Sau ngày 30-4-75, với cấp bậc Trung uý ngành Công binh VNCH, Đinh Cường trở lại Trường Mỹ Thuật Huế và được miễn đi học tập cải tạo nhờ vào việc đã tham gia các hoạt động đấu tranh chống VNCH của nhóm Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Kha, Nguyễn Đắc Xuân, TCS,.., nhiều năm trước.

Có một kỷ niệm đặc biệt với Đinh Cường mà tôi cũng muốn nói ra luôn sau bao nhiêu năm cố giữ chặt trong lòng, để lòng mình thôi nặng trĩu và cũng minh chứng cho một tình bạn không hề có thật mà anh ấy đã dành cho tôi, mà tôi đã hằng chục năm cố nghĩ khác đi, cố không tin. Sự việc xảy ra như thế này: Ngày 1-5-75, 8g sáng tôi đến nhà Đinh Cường ở đường Nguyễn Đình Chiểu cũ, gần chợ Tân Định để xem tình hình như thế nào. Như thường lệ tôi vẫn đến đây dễ dàng như người trong nhà nên rất tự nhiên bước lên cầu thang dẫn lên căn gác của bạn mình. Thế nhưng chị TN, vợ Đinh Cường đã chặn tôi lại ở giữa cầu thang và nói Đinh Cường đi khỏi rồi. Tôi không tin và nói lớn là có hẹn trước, lúc đó Đinh Cường mới nói vọng xuống để tôi lên. Khi lên tới nơi thì đã có mặt của Bác sĩ Trương Thìn, Nhạc sĩ Miên Đức Thắng cùng ngồi đó. Tôi gượng gạo ngồi xuống và Đinh Cường nói với 2 vị khách kia như hỏi ý: “Mình cấp cho TC cái giấy chứng nhận thuộc Thành Phần Thứ 3 nhé!” Lập tức tôi đứng lên và từ chối: “Không, hãy để tôi chịu trách nhiệm với họ, và Thành Phần Thứ 3, Thứ 4 gì họ cũng dẹp sạch thôi!”…

NĐX bình luận: Đọc đoạn trích Trịnh Cung viết về họa sĩ Đinh Cường, tôi thật sự bị sốc nên phải tắt internet, và tắt máy điện toán, gục đầu trên bàn phím. Tôi không thể ngờ Trịnh Cung lại có thể hạ bút viết những điều bịa đặt vu khống trắng trợn dành cho người bạn học, bạn nghệ thuật thân thiết của Trịnh Cung đến như thế. Khi cơn sốc giảm nhiệt, tôi lại đâm ra buồn bã khó tả. Tôi có thể mail hỏi Đinh Cường thực hư như thế nào mà Trịnh Cung viết tệ hại đến như vậy, nhưng tôi sợ Đinh Cường cười trách tôi “Ông là một nhà nghiên cứu, là bạn tôi, biết rõ nhân thân của tôi, ông không thấy được chuyện sai trái Trịnh Cung viết về tôi sao lại còn hỏi tôi?” Và, tôi cũng không dám điện thoại hỏi hai ông ban Trương Thìn (bạn học cùng lớp với tôi từ năm 1960) và Miên Đức Thắng (bạn hát nhạc tranh đấu năm 1966), sợ họ cười tôi: “Trịnh Cung viết chuyện cách mạng như trò đùa vậy mà nhà nghiên cứu sử cũng quan tâm sao?” Tôi không dám hỏi ai cả. Vậy xin hỏi ai báo cho Trịnh Cung biết thông tin họa sĩ Đinh Cường “đã tham gia các hoạt động đấu tranh chống VNCH” cùng với NS TCS và chúng tôi ở Huế vậy? Chống lúc nào? Chống như thế nào? Hay họa sĩ Đinh Cường cũng chỉ là bạn văn nghệ bình thường với chúng tôi giống như tình bạn chúng tôi với anh vậy thôi? Sau 30-4-1975, có nhiều sĩ quan VNCH biệt phái dạy trường Mỹ thuật Huế không đi học tập chứ đâu có riêng chi trường hợp họa sĩ Trung úy công binh biệt phái Đinh Cường! Hồ Hoàng Đài (Đại úy), Đỗ Kỳ Hoàng (Trung úy) Nguyễn Đức (?) Nguyên (Trung úy)…không có ai tham gia tranh đấu với chúng tôi mà cũng có đi học tập đâu! Và ngược lại có biết bao người bạn tranh đấu của tôi tranh đấu chống VNCH thời Ngô Đình Diệm, thời Nguyễn Văn Thiệu Nguyễn Cao Kỳ như Ngô Trọng Anh (Bộ trưởng), Hoàng Văn Giàu (Asistant ĐH Huế), Bửu Tôn (Chủ tich HĐND Tranh thủ hòa bình), Hà Thúc Chữ (Đại úy tạo tác).v.v… mà cũng bị đi học tập chứ có được miễn đâu! Phải chăng Trịnh Cung bịa đặt chuyện “Đinh Cường không bị đi học tập vì Đinh Cường có thành tích hoạt động cho MTGP. Vì Đinh Cường hoạt động cho MTGP nên chơi không thật với Trịnh Cung - một sĩ quan VNCH tận tụy với chinh quyền Sài Gòn”? Bịa chuyện với mục đích giải thích tình bạn của Đinh Cường dành cho Trịnh Cung là “một tình bạn không hề có thật”, có nghĩa là Đinh Cường cũng đã cạch Trịnh Cung như Trịnh Công Sơn từ lâu rồi. Nếu Trịnh Cung nghĩ như vậy là anh đã phạm vào cái tội phản bạn một cách thô bỉ nhất. Tôi có nhiều thông tin về tình cảm tuyệt vời của họa sĩ Đinh Cường dành cho Trịnh Cung. Tôi kể một chuyện mà chính tôi là người nhận thông tin nầy trực tiếp từ Đinh Cường:

Cuối tháng 3- 2001, trong lúc Đinh Cường và tôi “meo qua”, “meo lại” lo lắng về bệnh tình của NS TCS thì được tin Trịnh Cung bị ung thư tuyến tụy ở Cali. Mà ung thư tuyến tụy thì không ai sống được quá một năm. Đến hôm nhận được tin NS TCS đã giả từ cõi tạm thì cũng được tin bệnh cúa Trịnh Cung không chữa được, “Trịnh Cung tha thiết được về chết ở Việt Nam”. Đinh Cường rất hoảng hốt. Ba người bạn thân thiết nhất, một người đã chết, một người sắp chết. Không thể cưỡng lại được sự hối thúc của tình cảm, Đinh Cường đã mua vé máy bay giá cao, ngồi suốt 6 tiếng đồng hồ bay từ miền Đông sang miền Tây nước Mỹ để tìm mọi cách giúp đỡ Trịnh Cung, thăm và tiễn Trịnh Cung về chết ở quê hương. Gặp được Trịnh Cung lần cuối ở Cali, Đinh Cường rất mãn nguyện. Trong thời gian ấy, Đinh Cường, Bửu Ý và tôi liên lạc qua “meo” hằng ngày. Những cái “meo”ấy tôi vẫn còn giữ làm kỷ niệm. Tôi chưa bao giờ thấy bạn bè trong giới văn nghệ có một người bạn tốt với bạn như Đinh Cường. Thế mà bây giờ Trịnh Cung lại thổ lộ giữa anh và Đinh Cường là “một tình bạn không hề có thật”. Thế Trịnh Cung đòi hỏi Đinh Cường phải sống với anh như thế nào nữa mới có thật? Và Trịnh Cung đã sống thật với Đinh Cường như thế nào. Anh ác quá Trịnh Cung ơi!

Trong đoạn trích anh viết về Đinh Cường có chi tiết 8g ngày 1-5-1975 anh đến nhà Đinh Cường để xem “tình hình như thế nào” thì bị “chị TN, vợ Đinh Cường đã chặn tôi lại ở giữa cầu thang và nói Đinh Cường đi khỏi rồi”. Chi tiết nầy làm cho tôi nhớ lại: Hôm tối thứ bảy, 5-5-2007, Trịnh Cung và Trần Tiến Dũng đi Virginia và Washington về lại Boston, trong bữa cơm tại nhà anh chị NBC, có cả Tô Nhuận Vỹ, anh kể chuyện ghé thăm Đinh Cường ở Virginia, nhưng TN vợ Đinh Cường không chào anh. Anh trách Đinh Cường không biết dạy vợ. Tôi nói với anh ngay: “Nếu thế thì anh nên coi lại tư cách của anh, chứ theo tôi biết bạn của Đinh Cường đến ở lại nhà, không những chị TN nấu cơm ngon đãi bạn mà còn nhắc “Có thay quần áo nhớp thì đưa cho chị bỏ vào máy giặt luôn” kia mà!” Anh không bằng lòng ý kiến của tôi nhưng anh không cãi tôi được. Tôi không ngờ 32 năm trước (1975-2007), chị TN đã từng không muốn chồng chị chơi với anh, không muốn để anh bước vào nhà chị. Phải chăng vì sự “uất hận” đó mà nay nhân chuyện trả thù Trịnh Công Sơn, anh “nói ra luôn sau bao nhiêu năm cố giữ chặt trong lòng” để hạ Đinh Cường luôn! Thế hết rồi. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, hai người bạn thân thiết nhất của đời anh mà vì “lý tưởng VNCH” và sự thiếu nhân cách của anh, anh đã hạ bệ họ đến thế thì thử hỏi trên cõi đời nầy, trong những năm tháng ngắn ngủi còn lại của anh còn có ai dám gần anh, ai dám làm bạn với anh nữa?

8. Trịnh Cung viết: “Với TCS, gia đình cùng các “đồng chí” rượu của anh, tôi lúc này là một kẻ xa lạ, một người lạc hướng, môt cái gai khó chịu, một con kỳ đà làm cho cuộc vui hoan lạc của họ không được hoàn hảo, tôi nên biến đi. Nhưng tôi lại là một gã ngoan cố, tự cho mình nhiệm vụ phải ngồi lại để làm Sơn tỉnh táo hơn, để những tiếng nói bớt đi những lời xu nịnh. Ý thức được rượu, phụ nữ và xu nịnh là một loại ma tuý tổng hợp đang nhấn chìm TCS được nguỵ danh dưới khẩu hiệu “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” nên tôi cố chiụ đựng sự khó chịu của họ và vẫn không tìm cách lấy lại chỗ đứng thân thiết vốn có với TCS thủa còn trai trẻ ở Huế bằng rượu chè, quà cáp đắt tiền và những tán tụng nuông chìu. Tôi vẫn đứng trên đôi chân liêm sỉ và theo đuổi một thứ nghệ thuật tri thức, đó là chỗ mà TCS, trong thâm sâu của tâm hồn anh, không thể loại bỏ tôi cho dù có khác nhau về quan điểm chính trị và cách sống. Đó cũng là điều mà TCS trong những lúc cô đơn nhất đã đến gõ cửa nhà tôi bất kể đêm khuya hay khi bình minh vừa ló dạng để hàn huyên hoặc khoe và hỏi ý kiến tôi về bức tranh mà anh vừa vẽ”.

NĐX bình luận: Những đoạn viết trước Trịnh Cung đứng trên lập trường của một sĩ quan chiến tranh chính trị cũ. Anh cho rằng vì cái lập trường ấy mà anh bị Trịnh Công Sơn và Đinh Cường xem thường anh và cạch anh. Đến đoạn viết nầy anh lại bất ngờ hiện hữu với Trịnh Công Sơn dưới cái lốt của một tín đồ đạo Khổng pha chế với Đạo Phật, “đứng trên đôi chân liêm sỉ và theo đuổi một thứ nghệ thuật tri thức” chống “rượu, phụ nữ và xu nịnh” đang làm hư hỏng Trịnh Công Sơn - “người bạn lớn” của anh (Báo Đẹp, 5-2001, tr.36). Anh bị Trịnh Công Sơn và gia đình cùng bạn bè của Trịnh Công Sơn xem là “một người lạc hướng, môt cái gai khó chịu”, nếu anh là một người có liêm sĩ thì không bao giờ anh còn lì lợm chường mặt tới nhà Trịnh Công Sơn nữa. Trịnh Công Sơn xem anh như “một người lạc hướng, môt cái gai khó chịu “thì làm sao anh có thể cảnh tỉnh Trịnh Công Sơn được? Anh không cảnh tỉnh được ai mà anh cứ “ngoan cố” xuất hiện thì chỉ còn một mục đich là đến để theo dõi Trịnh Công Sơn, đến để phá đám, xâm phạm đến đời tư, đến cuộc sống gia đình Trịnh Công Sơn mà thôi. May mắn là gia đình Trịnh Công Sơn chưa một lần đẩy anh ra khỏi cửa để bảo vệ không khí yên bình của gia đình họ.

Anh than phiền Trịnh Công Sơn về rượu. Anh có uống rượu không? Các bạn Bửu Ý, Đặng Tiến, Hoàng Đăng Nhuận, Bửu Chỉ… của anh có rượu không? Cuộc đời nầy người ta lên án những bợm nhậu gây tan nát gia đình, làm mất tư cách trong xã hội, chứ không ai trách Lý Bạch (701-762) uống rượu và làm thơ, không ai lên án Rimbaud (1854-1891) với Verlaine (1844-1896) “hai chàng thi sĩ choáng hơi men”. Đọc văn, đọc thơ của Đái Đức Tuân Tchya, Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng không ai chê các ông nầy là bạn của “nàng tiên nâu” cả. Tôi không uống rượu nhưng rất vui được mời rượu bạn bè, mời rượu Trịnh Công Sơn. Năm 1976, thiếu rượu, mà có rượu cũng không có tiền mua. Mẹ tôi lúc ấy đã 65 tuổi, biết tôi có bạn là Trịnh Công Sơn “có rượu say ngà ngà rồi mới làm được nhạc hay”, nên nhân về Huế thăm vợ chồng tôi mới cưới bà làm một hủ rượu dâu đem về Huế tặng Trịnh Công Sơn. Hôm mời Sơn đến nhà tôi tại 20 Lý Thường Kiệt (Huế) tặng hủ rượu, mẹ tôi nói:“Ngồi xe đò chật cứng, hai tay bưng hủ rượu, may mà đem về được để tặng anh đây. Anh đem về uống rồi làm nhạc cho hay để bác nghe với!” Trịnh Công Sơn rất cảm động nhận hủ rượu của mẹ tôi. Sau đó mỗi lần gặp tôi anh luôn hỏi thăm sức khỏe mẹ tôi ở Đà Lạt và không quên nhắc đến hủ rượu dâu Đà Lạt rất ngon của mẹ tôi. Lúc nhỏ ở với mẹ, mỗi lần mẹ thấy tôi bưng ly rượu, hay kẹp điếu thuốc là bà gọi về đánh què tay. Vì thế mà đời tôi thiếu mất cái sảng khoái của rượu, của thuốc lá. Mẹ tôi là một bà già nhà quê mà biết làm rượu cho Trịnh Công Sơn uống để làm nhạc, Trịnh Cung là một họa sĩ, một người bạn thân thiết với Trịnh Công Sơn, đã có biết bao lần nhậu tuy lúy với Sơn, thế mà giờ đây thay vì mua rượu đem về Nghĩa trang Quảng Bình uống rượu bên mộ bạn nhân ngày giỗ thứ 8 của bạn, anh lại đi viết bài lên giọng đạo đức lên án chuyện rượu của Trịnh Công Sơn! Cái tâm của người nghệ sĩ của anh để dưới gót chân sao anh tàn nhẫn đến thế, Trịnh Cung?

Anh chê chuyện “gái” của Trịnh Công Sơn. Tôi buồn cười quá. Anh có “gái” không? Tôi đã từng viết một bài cám ơn những giai nhân đã đi qua đời Trịnh Công Sơn để cuộc đời có thêm những bài nhạc hay. Tất cả những giai nhân đi qua đời Trịnh Công Sơn họ đều lấy đó làm một kỷ niệm, một đóa hoa bất diệt của đời họ. Có ai kiện, ai tố cáo Trịnh Công Sơn say rượu làm hại đời họ đâu? Có một ca sĩ có giọng hát rất hay, giàu có, danh vọng, hạnh phúc gia đình, thế mà cách đây mấy năm cô đã tâm sự với tôi: “Em hát nhạc Trịnh em yêu anh ấy mười, nhưng em biết rõ hoàn cảnh của anh ấy, biết rõ những “thiếu thốn” của anh ấy, em yêu Trịnh đến trăm lần. Nhiều lúc em muốn ôm chầm lấy anh ấy, hôn anh ấy mà nói em yêu anh, em yêu anh trọn đời. Nhưng em sợ người ta nói em thấy sang bắt quàng nên thôi… Bây giờ nghĩ lại tiếc quá và thương anh ấy quá!”. Tôi không viết tên ca sĩ ấy. Khi đọc được mấy dòng nầy chắc chắn ca sĩ ấy sẽ xác nhận với anh và bạn đọc :“Chính tôi đã tâm sự với ông Xuân như thế!”

Anh trách “chuyện gái” của Trịnh Công Sơn anh đã mâu thuẫn với chính anh, mâu thuẫn với những gì anh đã nói, anh đã viết. Trong bài “Trịnh Cung hồi sinh nhờ tình yêu”(Cập nhật: 25/09/2007 - 02:16 - Nguồn: vnExpress.net), có một phóng viên hỏi anh: “Ông bị ung thư tụy. Bác sĩ nói ông không còn sống được bao lâu nhưng đã 6 năm rồi, ông vẫn khoẻ. Điều gì đã hồi sinh nhà thơ, họa sĩ Trịnh Cung?”, anh đã đáp “ Với tôi, tình yêu là thứ siêu dược phẩm, siêu dược liệu. Nhạc sĩ có tình yêu càng nhiều thì sáng tác của họ càng thăng hoa, mà Trịnh Công Sơn, Phạm Duy là một ví dụ” [9]. Anh cũng khoe với báo chí anh đang “Tận hưởng hạnh phúc hết công suất!” với Phương Lan. Và, không cần phải trích dẫn chuyện cũ vài ba năm, ngay trong bài viết Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị nầy, anh cũng đã thấy sự thật: “Dần dà rồi TCS cũng tìm lại cho mình một phần phong độ sáng tác nhờ hấp thụ những ngọn lửa nhỏ từ những nhan sắc phụ nữ”.

Con người anh không có đạo đức mà anh giả đạo đức đi phê phán người khác nên gậy ông đã đập lưng ông. Điều anh phê phán Trịnh Công Sơn chính là điều người đời đang chê trách anh.

- Anh trách Trịnh Công Sơn thích “xu nịnh”. “Nịnh” là chất nhờn bôi trơn cuộc sống. Trong trường hợp của Trịnh Công Sơn, có lẽ nên dùng từ “khen” đúng hơn. Làm người ai không thích “nịnh”, ai không thích khen. (Anh có thích khen không? chứ tôi thì thích lắm). Nghe lời xu nịnh để làm bậy thì đáng trách, chứ thích nịnh, thích khen là bản tính của con người. Trịnh Công Sơn là người nên anh ấy thích nịnh, thích khen có gì phải quan tâm? Chỉ khác nhau ở chỗ người tự trọng thì biết tiếp nhận lời khen đúng và từ chối, thẹn với lời khen không đúng, kẻ bần tiện thì nghe ai khen là hỉnh mũi tự đắc bất chấp đúng hay lố bịch. Người có tư cách vui mừng được nghe một lời khen người hay, kẻ bần tiện chỉ thích mình được khen và ganh tị với người khác được khen. Không rõ Trịnh Cung thuộc loại người nào (?). Anh có ganh tị với Trịnh Công Sơn không? Câu trả lời đã có sẵn trong câu hỏi.

Anh Trịnh Cung,

Thất sự tôi còn có thể vạch thêm nhiều sự độc ác, sai trái, đạo đức giả gài trong bài viết Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị của anh nữa, nhưng thiết nghĩ với một lá thư viết cho bạn trên 25 trang A4 của một ông già 73 tuổi như thế nầy xưa nay cũng đã hiếm rồi. Trước khi dừng bút tôi có mấy điều tâm sự với anh sau đây:

1. Anh tuyên bố “…bài viết này tôi muốn bổ sung thêm những điều mà trong các cuộc nói chuyện về TCS ở Mỹ tôi đã không thể nói hết được. Một nửa sự thật cũng chưa phải là sự thật.” Qua bài viết anh đã nói rõ cái sự thật đó là đã từ mấy chục năm qua Trịnh Công Sơn và gia đình đã cạch anh, chứ không phải anh được thân thiết với Trịnh Công Sơn như anh đã nói, đã viết từ trước cho đến ngày giỗ thư 8 của NS TCS;

2. Anh không cung cấp được đièu gì mới “để làm rõ các mối quan hệ có tính dính líu vào hoạt động chính trị phản chiến thân Cộng của TCS” cho các lực lượng chống cộng ngoài những thông tin cóp nhặt quá bình thường;

3. Anh đã tháo được ra khỏi lòng mình mối hận đời đã xem thường anh, cái mối hận đã “quằn quại trong cái nhà tù ký ức làm” anh “đau buồn đến không chịu nỗi”; từ sau khi NS TCS mất. Tính đến nay anh đã ra tay hạ 3 người bạn mà anh đã bao lần cho là thân thiết nhất của anh;

4. Trước đây 8 năm anh đã thất bại khi hạ uy tín của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, nay anh lại thất bại trong viêc hạ bệ uy tín NS TCS và họa sĩ Đinh Cường; ngược lại qua hành động “hạ nhục bạn” đó anh đã bộc lộ nguyên hình một sĩ quan chiến tranh chính trị cũ lừa thầy phản bạn của anh;

5. Qua sự bộc lộ trong bài viết của anh trên Web damau.org nhiều người cám ơn anh, nếu chưa có bài viết đó họ còn nhầm anh dài dài nữa. Những người từng được anh mê như L.Th, Nh.H., họ mừng may mắn đã không phải lòng anh;

6. Với nhận thức chính trị lạc hậu, với cái ngã quá lớn, với âm mưu đạp người khác xuống đất để mình cao hơn, anh không lường được hậu quả vô cùng xấu đối với sư nghiệp nghệ thuật và người chung quanh anh.

Những người bạn Huế yêu quý Trịnh Công Sơn họ nhiễm tính của Trịnh Công Sơn “thôi kệ” anh và không bao giờ họ nhắc đến tên anh nữa. Dù “thôi kệ” anh, nhưng trong lòng họ không thể “thôi kệ” với một thực thể: “Thà có kẻ thù đầy mưu trí, ít nguy bằng bạn quí ngu si” (Rien n’est si dangereux qu’ un ignorant ami; Mieux vaudrait un sage ennemi.) (La Fontaine). Muốn khỏe cho tuổi già, tôi cũng có thể nhắm mắt “thôi kệ” anh. Nhưng dù sao, tôi không thể xóa hết những kỷ niệm quen nhau đúng nửa thế kỷ với anh, không thể xóa hết những hình ảnh mới rợi ở Hoa Kỳ hồi mùa hè năm 2007 với anh. Tôi không thể “một lần đạp c., một lần chặt chân”, tôi muốn được rữa chân. Nhưng nói chuyện phải trái với một người “lấy sự cao ngạo làm đạo đức” như anh đã nhiều lần vỗ ngực xưng tụng, thì quá khó! Năm mươi năm cầm bút, tôi đã bao lần bút chiến với ta, với địch, nhưng chưa bao giờ tôi thấy khó khăn như phải tranh luận với anh hôm nay. Khó không phải vì trí thức của anh, khó không phải vì sợ các thế lực nào đó đứng sau lưng anh mà khó vì anh đã từng là bạn tôi, khó vì phải vạch áo của bạn bè cho người xem lưng. Ôi!

“Hỡi Thượng-Đế! Hãy canh giữ giùm con những người bạn thân thiết, còn kẻ thù, con đảm đương được” (Mon Dieu! gardez-moi de mes amis! Quant à mes ennemis, je m’en charge!) (Voltaire).

Dù anh vẫn trung kiên với cái mác sĩ quan chiến tranh chính trị cũ của anh, dù anh vẫn xem ngày 30-4-1975 là “ngày mất nước” (t/c Văn đã dẫn, tr.82), dù anh viết bài gởi đăng trên các trang Web ngoại quốc ghi nơi viết là Sàigòn chứ không phải là TP HCM, nhưng vì tôi đã thấy Hộ chiếu vào ra nước Mỹ của anh do nước CHXHCNVN cấp, chứ không phải hộ chiếu thời Nguyễn Văn Thiệu, thấy hộ khẩu của anh ở TP HCM, vẫn nhớ ngày 4-1-2001, trong cuộc tưởng niệm NS TCS tại Cali, anh xin phát biểu trước cả nhạc sĩ Phạm Duy để về chết ở quê hương Việt Nam nên tôi vẫn không xem anh là địch. Tôi chỉ đau khổ như câu kết của Voltaire dẫn trên mà thôi. Tôi không xem anh là địch nên nhờ hinh thức viết thư để giữ liên lạc, nói chuyện phải trái với anh, còn nước còn tát, may sao…

Nếu anh vẫn theo cái đạo “cao ngạo”, vẫn mang tâm cảnh của một sĩ quan chiến tranh chính trị của chế độ cũ, vẫn nhắm mắt trước điều hay lẽ phải của những người chưa dứt tình trao đổi với anh, thì tôi e rằng không một người có liêm sĩ nào, một người hát nhạc Trịnh Công Sơn nào còn treo tranh của anh trong nhà nữa, không một người sưu tập sách, sưu tập báo chí nào còn tâm trí giữ những trang có tên, có hình ảnh, có bài viết của anh trước ngọn lửa đỏ. Và tôi, khi ấy buộc lòng cũng phải bye ! bye ! anh.

Trịnh Cung ơi! Chưa muộn đâu! Hãy nắm lấy cơ hội.

Nguyễn Đắc Xuân



Chú thich

[1]Tât cả nhừng câu, đoạn in nghiêng trong ngoặt kép đều trich từ bài viêt Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị của họa sĩ Trịnh Cung đăng trên trang Web damau.org ngày 1-4-2009.

[2] Trịnh Cung giải thích lý do vì sao anh không được đi Mỹ: “Sau 1975 tôi mới biết ông Nguyễn Văn Quyện, kiến trúc sư, Giám đốc Nha Mỹ Thuật Học Vụ, người ký quyết định không cho tôi đi Mỹ và trả tôi lại quân đội theo đề nghị của hoạ sĩ Vĩnh Phối - Hiệu trưởng Trường CĐMT Huế, cả 2 đều là Việt cộng nằm vùng)”,

[3] Giữa lúc chính quyền Sài Gòn đặt “cộng sản” ra ngoài vòng pháp luật, Thầy Nhất Hạnh viết : ” Kẻ thù ta đâu có phải là người, giết người đi thì ta ở với ai!”

[4] Có người đọc sách của tôi và cho tôi biêt người đó là họa sĩ Trịnh Cung

[5] Trong một cuộc họp tại Thành ủy Huế lúc ấy tôi đã phê phán chuyện nầy. Tôi cũng đã được một bài học: “Đảng viên phải nói theo Nghị quyết Nói không đúng với Nghi quyết sản xuất tự túc là khuyết điểm, phải kiểm điểm.” Tôi không kiểm điểm nhưng may mắn cũng không hề bị kỷ luật gì. Nhiều cán bộ công tác ở Văn phòng Thành ủy Huế lúc đó, ngày nay vẫn còn nhớ chuyện nầy.

[6] Lúc đó lương tháng của tôi chỉ có 58 Đồng

[7]Theo Vinh Nguyễn (người được TCS cho ở chung nhà ) cho biết thân mẫu của Trịnh Công Sơn có dặn rằng: “Mỗi lần ăn lấy ra hai cục bỏ trong chén và hấp khi cơm sôi. Khi ăn xé nhỏ và có muốn thêm gia vị thì tùy… ”

[8]Ở Cầu Sơn được một năm , anh Tường cảm thấy Cầu Sơn rớt xuống cơn sầu nên đến tháng 6 năm 1980, lại dọn ra Huế, gia đình tôi chuyển về 16 Lý Thường Kiệt, gian nhà nhiều kỷ niệm của Trịnh Công Sơn lại giao lại cho anh chị Tường Dạ.

[9] Trong buổi sinh hoạt tưởng niệm Trịnh Công Sơn tổ chức vào ngày 4-4-2001 tại phòng sinh hoạt báo Người Việt, (Little Sàigòn, nam California), những người tổ chức ưu tiên cho Trịnh Cung phát biểu trước tiên, vì Trịnh Cung bị ung thư tuyến tụy, không thể chữa được, sắp lên tàu bay về Việt Nam để chết. Thông tin đó đã làm cho bạn bè ở Hoa Kỳ và ở TP HCM hết sức xúc động, đưa đón Trịnh Cung về nước tràn ngập tình cảm. Nhưng về đến TP HCM rồi không thấy Trịnh Cung đau ốm gì cả mà chỉ thấy Trịnh Cung đi nói chuyện, trả lời phỏng vấn, viết hết bài nầy đến bài kia về mối quan hệ của Trịnh Cung với người bạn lớn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà thôi. Dư luận đã đặt ra ba vấn đề: 1. Phải chăng ngành y khoa của Mỹ quá kém nên chẩn bệnh nói Trịnh Cung bị ung thư tuyến sai? 2. Trịnh Cung được y khoa Mỹ chẩn bệnh đúng nhưng bó tay không chữa được nên trả Trịnh Cung về VN, về VN Trịnh Cung đã tìm được thuốc thần qua mặt y khoa Mỹ và lành bệnh. (Chỉ tiếc là Trịnh Cung không tiết lộ thứ thuốc thần ấy để giúp cứu sống những người xấu số mắc phải cái bệnh tai ác ung thư tuyến tụy?) Những thắc mắc đó chưa có dịp hỏi Trịnh Cung thì may sao, phóng viên vnExpress.net (Cập nhật: 25/09/2007), đặt vấn đề với Trịnh Cung và được anh giải đáp: “tình yêu là thứ siêu dược phẩm, siêu dược liệu” đã chữa được cái bệnh hiểm nghèo ung thư tuyến tụy của anh. Không hiểu sao cho đến nay giới y khoa, nhất là y khoa của Mỹ, chưa đến hỏi anh cái “thứ siêu dược phẩm, siêu dược liệu” tình yêu đó ra sao. Đến bao giờ Trịnh Cung mới phổ biến thứ “thần dược” ấy ? Hay đây cũng là một trò bịp nhân sự ra đi của NS TCS, Trịnh Cung đi nói chuyện quảng cáo cho cái thương hiệu Trịnh Cung?
bài đã đăng của Nguyễn Đắc Xuân

* Thư gởi họa sĩ Trịnh Cung về chuyện lừa người nổi tiếng vào chuyện tuyên truyền chính trị rẻ tiền - 17.04.2009

@ damau.org (tạp chí văn chương Da Màu) 2006 - 2009