Đỗ Kh. – Trận 58 bóng đá ở dưới chân tháp Khalifa
12/07/2010
Tác giả: Đỗ Kh.
Tôi giật mình bừng một con mắt luống cuống, gật gà suýt ngã khỏi cái ghế bàn ăn khi S. kịp thời nắm vai tôi lại. Đó là một cái ghế loại để ngoài vườn, tuy có hai tay tựa nhưng bằng gỗ trơn tuột, lót một cái đệm bọc vải cũng trơn không kém. Chẳng phải là tôi say xỉn, vào lúc hai tiếng đồng hồ hơn sau bữa tối tại nhà hàng The Noodle Factory này. Cả ngày hôm nay tôi không có một giọt rượu trong người. Chẳng qua là tôi mệt, và giờ là gì đó đã quá nửa đêm một ngày thứ Sáu cuối tuần.
Ở đây, cuối tuần là ngày thứ Sáu, không phải là ngày Chủ nhật và thế giới lại đang bóng đá tứ kết.
Giờ Dubai cách giờ Nam Phi hai tiếng. Khi 6 giờ chiều điểm, cha con tôi xuống quán rượu của khách sạn thì anh quản lý ra xin lỗi không cho hai thằng bé vào. Lúc thường thì không sao, tụi nó vẫn có thể uống bia ném phi tiêu nhưng bóng đá là chương trình đặc biệt có quảng cáo trước, công an bia rượu đến xét thì phiền, giá chót là khách nào cũng phải trên 21 tuổi, xin quý vị thông cảm. Tôi hiểu chứ, như vậy đã là rộng rãi quá rồi, Saudi phía bên kia biên giới còn cấm tiệt chất cồn, hay Iran phía bên kia Vịnh thì cũng thế, các nơi này mà ngửi thấy mùi men là ở tù cộng với mấy chục hèo chứ chẳng chơi. Trong môi trường địa lý này, United Arab Emirates như vậy là thiên đàng túy lúy rồi, nhưng bóng đá ở đây phát theo kiểu trả tiền từng trận, TV trên phòng riêng không bắt được, mà công cộng trong khách sạn thì chỉ có ở bar. Cha con tôi nhìn nhau, trận Brazil-Hà Lan đã bắt đầu.
Thương xá gần nhất đây là Al Difaya, nhưng tại đó khách phần lớn là người Philippines, Pakistan hay là Ấn, ba quốc gia không mặn mà gì lắm với túc cầu, chẳng hiểu có phát màn hình lớn hay không ở bên trong. Mall of the Emirates xa hơn nhưng phải có, R chợt nhớ ra chắc chắn, tại sân trượt băng Ice Rink của Dubai Mall có phát World Cup trên màn hình vĩ đại do Hyundai (“Hiện Đại”), Samsung (“Tam Tinh”) tài trợ, cha con tôi ra ngoài ới một cuốc xe vội. Thì thứ Sáu, tứ kết chứ chẳng chơi, Ice Rink ở Dubai Mall không chỗ ngồi, ba tầng hành lang mua sắm ở chung quanh nghẹt cả chỗ đứng, các hàng quán vây quanh không cho khách vào nữa. Tầng một MB Co, Café Costa, tầng hai nhìn xuống là Le Dôme (giả hiệu, đây là Le Dôme Australia, không phải là Le Dôme Paris, Montparnasse). Assia Wok, Au bon pain ở tầng ba cũng thế, lên tầng bốn thì tầm nhìn vướng các phướn quảng cáo, lúc chúng tôi đến nơi và cầu thang cuốn đi lên đi xuống thì Brazil đang dẫn Hà Lan 1-0.
Thương xá Dubai rất lớn, nghe đâu là một trong những thương xá lớn nhất thế giới, “Vô thượng Mall” kiểu Thanh Hải Bồ tát, hay là tranh giành quán quân với SM Mall of Asia ở Pasay City (Philippines) kẻ phô tám lạng người lòe nửa cân chưa rõ kết quả. Nhộn nhịp bóng đá cũng chỉ trong một góc nhỏ này, còn chung quanh vẫn là lượt là kẻ mua người sắm vô tư. Kể cả bốn tầng chen lấn theo dõi trận tứ kết đầu tiên của World Cup 2010, tôi ước là ngàn người hay ngàn rưỡi, đa số tất nhiên là (nhiều) mày (lắm) râu trong khi phụ nữ (rặm lông nhưng cạo nhẵn) đang còn tất tưởi các cửa hàng từ Zara, H&M đến Chanel, Versace. Dubai Mall mới khai trương hơn một năm nay trở lại nên còn tương đối vắng, nhiều cửa hàng chưa khánh thành tuy về mặt thành tích thì đã lâm bệnh nan y, đến Hoa Đà hay Việt Nam cũng phải lắc đầu bó tay. Nào là bể cá nhân tạo lớn nhất, cửa kính lớn nhất, vòi nước phun cao nhất những gì gì đó, và được toàn cầu biết đến là nhờ ở dưới chân của Burj (tháp) Khalifa là toà nhà cao, thì nhất thế giới, chứ sao.
Chúng tôi đổi chỗ đứng năm ba bận mới được một góc nhìn tàm tạm, cạnh một bà Ấn Độ trung niên cổ động của đội Brazil tuy bà không mang áo cộc (nịt ngực) màu vàng ở bên dưới sari. Thỉnh thoảng bà lại chồm người tại chỗ, lúc lắc mạng mỡ, nhưng tại đây chung quanh cũng có khán giả trầm trồ đội Hà Lan. Hà Lan thắng hay Brazil thua thì cũng chẳng chết thằng Ả-rập nào hết, tuy tại chỗ này, cũng như tại Dubai hay tại UAE, người địa phương là thiểu số, chỉ chiếm 20% áo thobe trắng hay là abbaya đen lướt thướt, phần dân số còn lại là tứ xứ đến đây lao động, trắng vàng đen đủ cả, từ Âu từ Á hay là từ Phi Châu. Khán giả trước màn hình này, cũng như chúng tôi, chẳng qua là dạng lỡ đò, dứng đây xem bằng một góc mắt. Có người không về nhà kịp, có người đợi vợ đang shopping, một số là nhân viên vào lúc nghỉ ăn tối, mang đồng phục của cơ quan hay nhà hàng (“Fauchon, Paris”) ở trên người. Hai đứa con tôi biến mất một khắc, và trở về bảo, phía khu vực của thương xá gọi là The Grove, có hai nhà hàng bật TV bên trong, loại bình thường 50 phân Anh, nhưng chỗ ngồi cũng đã chật hết. 10 giờ 30 đêm là trận Ghana-Uruguay, tôi nghĩ nếu lát nữa đến nhà hàng ăn tối chừng một tiếng trước để giữ chỗ thì an toàn xa lộ, khỏi phải kiễng chân mà ngóng cổ cao.
Dubai Mall bằng một nửa Hà Nội, tức là chỉ có đâu 18 phố phường. Phố hàng vàng (Boucheron, Cartier), phố hàng mã (Ralph Lauren, Armani), phố hàng quà… và The Grove nằm ở vòng ngoài của thương xá, hàng hiên mở ra một con đường như phố cổ châu Âu hay là Cấm Chỉ. Đây chỉ mới có vài ba cửa hàng mới mở, và con ngõ này dạng nửa kín nửa hở ngoài trời, không có điều hòa tập thể của bên trong thương xá mà cứ vài mươi thước lại có một dàn máy phun hơi mát gồm chục cái quạt, mới nhìn thì tưởng nhầm là một dàn loa phát thanh. Chuyện nói đùa của những ngày đầu “giải phóng” (xin lỗi, những ngày đầu “mất nước”) trở thành hiện thực.
Bộ đội vào Sài Gòn lần đầu thấy “máy làm mùa đông” ở trong nhà mát rượi. Được hỏi thế ngoài Bắc có không, bèn trả lời, ôi dào, thứ máy này công viên nào mà chả có ở Hà Nội! Máy làm mùa đông đặt ngoài đường thì tôi chỉ mới thấy lần đầu ở đây (tuy ở Pháp chẳng hạn, ôi dào, công viên nào mà chả có, kể cả vườn Lục Xâm Bảo). Phải nói, mùa hè vùng Vịnh nhiệt độ trên 40 C, đêm xuống vẫn còn trên 30, khiến đây cũng là nơi đầu tiên tôi biết, bến đợi xe buýt đóng kín cửa kính và bên trong chạy máy lạnh mát chẳng kém gì nhà riêng của (thí dụ) bạn Cường Đô la.
Quả là, 9 giờ 30 tối, The Noddle Factory lỏng chỏng chỉ có mấy bàn thực khách, dạng lăm le giữ chỗ trước cho trận Ghana-Uruguay. Khách thưa thớt, thứ nhất là trận này đấu trễ, và thứ nhì tôi nghĩ là không được theo dõi tận tình như các đội Brazil-Hà Lan. Tôi có quan tâm, cũng chẳng phải vì tôi mê bóng đá mà vì đây là đội châu Phi duy nhất còn lại, đại diện cho lục địa và mang niềm tự hào cho cả châu.
Bàn bên cạnh chúng tôi ở trong quán, là một gia đình Emirates, các cô con gái dáng chà là thướt tha và trùm abbaya ngồi quay lưng lại màn hình với bà mẹ, kiểu chịu đựng thú xem bóng đá của thằng em và của bố trong khi lơ đãng ngậm ống hút mocktail (tức là cocktail pha nhưng không có chất cồn của rượu). Cũng may, và cũng lạ, là nhà hàng này ăn ngon, từ mì Nhật đến mì Thái hay là mì Indonesia, ngay cả ở thức ăn Đông Á ở đây giờ cũng là world class. Nên khi trận đấu bắt đầu sau bữa dùng cơm là tôi đã căng bụng gật gà.
Không khí ở đây lại rất tĩnh, chỉ có bằng nấy người xem, thỉnh thoảng một ông bảo vệ Pakistan rảo qua liếc màn hình bằng góc mắt, hay nhân viên nhà bếp Malaysia mở cửa sau ra và nấn ná nửa phút đứng chống nạnh. Màn hình lại câm, không phát tiếng, hẳn để khỏi làm hỏng cái không khí thơ mộng đèn cầy lung linh. The Grove là chỗ kín để các tình nhân cầm tay nhau ngồi nhìn vào mắt tuy hôn nhau, thơm nhau hay mi nhau, nút lưỡi chùn chụt thì tôi không biết có được phép ở chốn công cộng này. Mới đây ở Saudi láng giềng, có anh đi tù về tội danh phạm thuần phong mỹ tục này và bị cấm không được dạo thương xá trong vòng hai năm. UAE cũng nhánh Sunni, trường Hanbali và phái Wahabite như là Saudi vậy nhưng không có gì gay gắt cả. Bằng chứng là ai áo trùm thì trùm, ai quần cộc Abecrombie & Ficht thì cứ việc, có cô voan che mặt cẩn thận nhưng mà áo đen chỉ khoác hờ ở vai kiểu hiệp sĩ, quần bò Lucky Seven lòi cả rốn dưới áo thun cũn cỡn. Bằng chứng là trăm cửa hàng áo quần phụ nữ thì chỉ có một hai cửa hàng áo dài truyền thống, nếu mà ai cũng mặc abbaya hết thì Tây chỉ có mở được ở đây cửa hàng đồ lót Victoria’s Secret hay là Etam Lingerie (đó là nếu dưới abbaya, phụ nữ Ả-rập truyền thống có mặc nội y, tôi không biết). Thương xá ở khu vực này, theo tôi nghĩ, đối với giới trẻ nam nữ giống như là lớp học thêm Anh ngữ tại Việt Nam (“Thưa bố, con đi học Anh văn lớp tối”). Đây là nơi hẹn hò gặp gỡ, làm quen kín đáo bằng Bluetooth di động, cho nhau địa chỉ Skype để mà tìm hiểu qua màn hình vi tính hay là Smart phone cao tốc 3G+. Trước khi có những phương tiện chuyển hình này, có chuyện một anh ở Kuwait bị bắt trong khi đang ở trên một nóc nhà chụp ảnh bằng đầu kính viễn vọng. Cuộc điều tra sau cho biết, không phải là anh chụp lén thiếu nữ nào hàng xóm đang gỡ khăn che mặt mà là chính bạn gái của anh nhắn trước bằng điện thoại (vào thuở đó còn cố định) “6 giờ chiều, em mở cửa sổ và kéo màn che ra múa rốn, anh mang máy đến, nhớ đúng hẹn”. Giờ thì có địa chỉ điện tử, cô chỉ cần bật webcam hidef lên và tự tốc váy ở bên trong phòng ngủ. Nhà nhiếp ảnh không may của thời “bao cấp” vùng Vịnh ấy, lúc đó lãnh 6 tháng tù! Giờ thì những chuyện như vậy may thay không còn nữa, chí ít là ở tại UAE, Qatar, Kuweit, Bahrain hay Oman, nhờ kinh tế thị trường dưới định hướng của Hồi giáo Wahabi. Kinh tế thị trường và tiêu thụ chủ nghĩa thì bất khả xâm phạm, không thày chùa nào cấm được việc đi thương xá mua sắm, cho nên ở đây tuy đền Hồi có lớn nhưng cũng không thể lớn bằng các thương xá.
Lời bình bóng đá tôi nghe ồm ồm là từ bên trong thương xá, phiá Ice Rink vọng lại qua các kính chắn, nhưng giờ không còn thấy âm thanh háo hức của quần chúng tại chỗ theo dõi trận tứ kết trước. Batman không bằng Combat, Ghana sao bằng Brazil, Uruguay sao bằng đội Hà Lan, đẹp từng centimét như người mẫu Tăng Thanh Hà. Không khí này hơi chán, các con tôi lại bỏ đi một vòng trinh sát, mãi mới thấy về báo cáo là giờ thì Ice Rink bớt đông hẳn, đã có chỗ đứng tuy là vẫn chưa có chỗ ngồi.
Tôi duỗi chân uể oải mà không buồn nhấc đít, Ghana dẫn 1-0 trên màn hình đặt ở lề một con ngõ vắng lặng, một con ngõ giả cổ châu Âu kiểu Las Vegas hay là Disneyland hóa, có máy làm mùa đông đặt dưới bên ngoài dưới trời sa mạc lung linh những ánh điện.
Hay ho gì mà kể, coi bóng đá qua truyền hình, lại không phải ở tại Nam Phi. Nhưng đúng ra thì bóng đá 2010, cha con tôi phải xem tại chỗ, nếu không lâm vào hoàn cảnh lỡ tàu.
Mười ngày trước, tôi hì hục tìm ra trên mạng ba cái vé cho hai trận, trận 56 (ngày 29.6, sau này rõ ra là Tây Ban Nha-Bồ Đào Nha) và trận 59 (ngày 3.7, sau này rõ ra là Argentina-Đức quốc) tại sân vận động Green Point ở Cape Town. Các vé hạng 3A này còn nhiều và chỉ đắt hơn giá chính thức FIFA có chút xíu. Kỳ World Cup này, vé xem không phải là vấn đề, ai theo dõi cũng thấy các trận đều thừa chỗ. Vấn đề là Nam Phi xa vời, đường đi không tới. Dự tính của tôi, nói đơn giản, muốn đến tận nơi từ Los Angeles, phải chia làm ba chặng.
Cali-Âu châu là chặng đầu, cho được chọn giữa London, Paris, Amsterdam, Frankfurt am Main. Đây đều có chuyến bay Nam Phi đi một lèo mươi tiếng, tuy một lèo này là Johannesburg chứ Cape Town thì giá nào cũng phải đổi tàu. Một khả năng khác, là vé South African Airways hay Cathay đi thẳng từ Hong Kong, cũng chỉ mười tiếng đâu đó. Nơi tôi đang ở, đi hướng Đông (Âu châu) hay đi hướng Tây (Á châu) thì cũng thế. Nhưng từ Los Angeles đi Hong Kong dưới dạng lục lọi và cần kiệm thì làm gì có vé bay thẳng, phải qua Đài Bắc hay Đông Kinh khúc mắc, thành thử ra tiện lợi vẫn là giải pháp châu Âu.
Được mấy bữa, trong khi tôi chần chừ, nào có phải muốn đi là đi được, trong khi đó thì các vé bay thẳng châu Âu-Nam Phi đều hết tiệt. Từ có hai chặng trở thành ba.
Nói ba chặng là thế này, Miền Tây Hoa Kỳ-Âu châu là chặng 1, Âu châu-vùng Vịnh (được chọn giữa Dubai-Abu Dhabi-Doha) là chặng 2. Chặng cuối là vùng Vịnh-Nam Phi. Nếu đây chỉ có việc đổi tàu, tất cả bằng ấy đoạn đường cũng chỉ chừng 30-35 tiếng, một sáng tinh sương 4:55 sáng bạn đạt Johannesburg, đến 9 giờ đạt Cape Town về khách sạn duỗi người, tối có mặt phất cờ (Việt Nam) tại sân vận động.
Những dịp thế này, tiện lợi nhất là mua tour bóng đá qua một công ty du lịch, có sẵn vé tàu lẫn cả vé xem, xe buýt đưa rước từ khách sạn đến sân rồi đưa về. Nhưng thế thì phải có thì giờ, và phải dự định sắp xếp trước, không phải là một tuần hay mươi ngày trước sự việc mới nổi hứng thân cư lang thang mà hấp tấp lên đường.
Nhưng như trong câu mở đầu của Anna Karenina, mỗi gia đình lại một hoàn cảnh. Gia đình tôi không tính trước được. Các con tôi và tôi có đi cùng một nơi cũng khó đến cùng ngày và về cùng một chốn. Sau Nam Phi các con tôi phải về Mỹ, tôi lại phải về Pháp, đi thì đại khái đi chung nhưng về lại về riêng, chưa nói đến mỗi người một tạng vé khác nhau, vé chùa, vé điểm miễn phí của các hãng hàng không, dùng được ở chặng này nhưng không dùng được ở chặng kia. Đó là chưa nói đến vé khứ hồi còn lại của tháng rồi, vé sắp phải mua cho tháng tới, tính lại thêm bằng ấy những rối trí. S. mới về đến Cali đây thôi, trên tay còn cầm vé chưa dùng đến Los Angeles-London để tháng 9 này vào học. Tháng 9 này, R. lại vào học ở Beirut, thằng thì bố đi theo, đứa lại phải mẹ kèm, nếu đáp số hàng không này giải toán được thì vào đúng lúc này tôi đang ngủ gật ở Cape Town chứ không phải trước màn hình của một nhà hàng Dubai.
Sao lại Cape Town cho thêm xa vời mà không là Johannesburg? Johannesburg, khi tôi tìm khách sạn, thì chỉ còn lại có Formula Inn, Formula 1, ở phía Nam thành phố mà những khách sạn này, khi đêm xuống chỉ có nước khóa cửa phòng lại mà ăn mì gói vì không có nhà hàng ở bên trong. Ra ngoài thì phiền toái, kẻ níu kéo xin tiền, người chặn lối xin tí huyết, đi 100 mét nếu không nộp tiền mãi lộ vỉa hè thì cũng phải nộp tiền hộ tống, bảo vệ. Nam Phi, World Cup hay không World Cup, tội ác vẫn hàng cao nhất thế giới, chỉ số án mạng chết người chỉ có đứng sau Colombia. Thống kê nào thì vào chi tiết cũng có thể cân nhắc, nhưng tội ác và an ninh cá nhân tại Nam Phi thì không cần cân nhắc. Từ phi trường Johannesburg về nhà là có thể bị đi theo để trấn lột hành lý, không tin tôi thì hỏi đại sứ Nam Phi tại Liên Hiệp Quốc về thăm nhà, ông Dumisali Kumalo.
Vì lý do giờ giấc đường bay, tuyến nọ và tuyến này, tôi không muốn hẹn hai con tôi tại một khu vực phiá Nam thành phố, tụi bay ra khỏi trường bay 12 giờ đêm, lấy xe về Formula Inn, sáng mai 6 giờ thì tao đến. Mà tôi đến thì cũng vậy, tội ác tại khu này không phải vì thế mà sẽ thuyên giảm. Đi đâu mà phải cảnh giác thì mất vui hẳn. An ninh và an tâm hơn chút xíu, thì là Cape Town, các khách sạn trong khu phố tốt vẫn còn chỗ.
Cape Town, kể cả ngay tại khu vực nhiều du khách và nhà hàng, khách sạn, như khu vực Victoria & Alfred, thì như thế này. Ban ngày thì còn dạo bờ biển được, rất là đẹp. Nhưng ngay sau khi đêm xuống thì khó lòng, mà đêm vào mùa đông ở đây (tức là những tháng hiện nay) đến rất sớm. Vẫn phải ru rú tử thủ ăn ngủ ở một chỗ chứ còn đi xa, tức là đi ra ngoài cỡ chừng 300 mét thôi khi trời đã tối thì là mạo hiểm. Phi châu mà, mạo hiểm Phi châu.
Bạn thò đầu ra khỏi khách sạn. Nhìn về hướng muốn đi vài mươi mét, xem có khách sạn nào khác hay cửa hàng, quán ăn nào khác có bảo vệ đứng trước thì đi nhanh đến và ngừng lại ở chặng này. Có chuyện gì thì vào bên trong nhà hàng hay khách sạn này còn xin tị nạn tạm được. Sau đó thập thò và quan sát tiếp, đi nhanh đến cổng môt nhà hàng hay khách sạn thứ nhì, chỗ có đèn còn bật đấy và vài ba bảo vệ uy nghi. Cứ thế mà lò cò đi tiếp, như là chạy pháo hay chạy đạn, cảnh giác cao thì về hay đến tận nơi an toàn!
Trong lúc di chuyển đừng có đeo máy hình, đừng đeo túi du lịch vướng vít, đừng có đeo phôn, đừng sử dụng di động mà cái gì cũng cất trong túi áo, túi quần. Một tay thì thọc túi nắm lấy một cái bóp cũ sắp sẵn không có giấy tờ tùy thân hay thẻ tín dụng, những thứ này phải cất riêng lận kín ở đâu đó. Nếu bị chặn lại thì rút cái bóp ngụy trang này ra ném ngay xuống đất và di tản chiến thuật, tốt hơn nữa là thủ hẳn một nắm tiền (không cần phải tiền Rand mà giấy 5000 VNĐ lại càng tốt, kẻ cướp ít người biết hối đoái chính xác) vung ra mở đường máu. Vung ra ở đây là ném vãi, chứ đừng cầm mà trao cho đối tác trấn lột vì ta đưa đến tận tay họ thì họ tiện tay đưa lại ta nhát dao, phát súng. Còn nếu ném xuống đất thì các bạn này sẽ phải bỏ dao bỏ súng mà thi nhau cúi xuống nhặt, tiện đường cho ta cấp kỳ triệt thoái. ơnh
Nhưng nghĩ đến chiến thuật này đã thấy chán, đi xem bóng đá việc gì mà lại phải khổ thế, nhìn trước nhìn sau với lại hai thằng bé, mày cất iPhone vào còn thằng kia gỡ kính mát Oakley ra.
Nữ hoàng Thái, có một bận than thở (mấy mươi năm về trước) với triệu phú Forbes và diễn viên Liz Taylor là bà cả đời chiến đấu chống cộng sản nhưng không chiến đấu nổi chống tắt kinh! Tôi nghĩ là ông Nelson Mandela cũng vậy, cả đời chiến đấu chống apartheid ở Nam Phi nhưng không chiến đấu nổi chống tội ác. Giải quyết thế nào thì tôi không biết, nhưng chẳng phải Phi châu ở đâu cũng thế. Nếu đêm xuống ở Asmara (Eritrea) mà bạn đi trên phố, đâm đầu phải mấy anh da đen lững thững thì không phải là cướp đường mà có thể là trong số có chủ tịch Isaias Afwerki từ bàn giấy ra khoan thai đi bộ một mình về nhà riêng của ông tại một chung cư bình dân.
Nhưng kể thế, lại có người trách là tôi tìm cách mà bênh khéo chủ nghĩa xã hội, tuy là CNXH Eritrea. Cũng không phải vậy, đây đang nói về an ninh và tội ác, và tại Dubai quân chủ độc đoán và tư bản tự do chủ nghĩa thì của rơi không ai nhặt cả, iPhone và kính mát Oakley các ngày qua con tôi có để quên mấy bận và mỗi lần đều có người ới theo, đuổi theo mà gọi trả, quán nước hay là xe taxi. Tại Dubai Mall nguy hiểm nhất cho bản thân là khi ra bãi đậu xe, nhìn trước nhìn sau chẳng khéo là Porsche Panamera hay Bentley bỏ mui đâm phải, các cô cậu này lái xe mà đầu lại còn đội khăn vướng vít, làm sao mà thấy được rõ bộ hành.
Chăn trẻ thì tôi chỉ muốn yên thân, việc gì mà đi rước lấy cái nhớn nhác để xem một trận bóng đá. Cho nên chặng 3 vào đất Thục gian nan này tôi quyết định bỏ. Tôi thông báo với bầy trẻ vào lúc chót là thôi không đi Nam Phi nữa, đằng nào thì đội Pháp của chúng mày cũng đã bị loại nhục nhã, và thay vào đó, thì mình xem truyền hình. Truyền hình thì ở đâu xem chẳng được, à, nhưng đây là xem ở ngay dưới chân của tháp cao nhất thế giới mới vừa được hoàn tất vì mình là người Việt rất thích những thứ gì Guiness, mà nhiều thứ này ở Dubai cũng có tạm, khỏi cần về thăm nhà. Tàu cao tốc này nhé, họ cũng có monorail (tuy là tượng trưng thôi, chừng vài kilomét chứ nào được dự án 1500 cây như của ta). Còn bánh chưng bánh dày với lại rượu giỗ vua Hùng lớn nhất thì đừng có đòi mà địch lại, phiên phiến thôi chứ, nước ngoài chứ bộ, sao mà hòng được.
Hơn ta thì thực ra họ chỉ hơn bóng đá, thế mới đau! Ở vòng tuyển châu Á, tại Mỹ Đình UAE hạ VN 1-0, tại sân nhà của họ ở Abu Dhabi là 5-0.
Sau hiệp đá thêm, Ghana-Uruguay vẫn đồng đều, giờ thì The Noodle Factory có thêm một gia đình Ấn Độ tay xách nách mang hàng mua sắm, dừng lại để gọi nước và xem các quả phạt đền. Nhân viên của nhà hàng đã đi về gần hết, hai nhân viên còn lại làm ra vẻ khoan thai theo dõi nhưng hẳn là sốt ruột và nhất là họ phải đứng chứ không ngồi ngủ gật được như tôi.
Một anh da đen tan việc từ đâu tới, mặc đồng phục vệ sinh của thương xá, tôi đoán là người Tanzania, đứng không yên và bồn chồn, hết thọc tay vào túi lại đưa lên bụm môi lầm bầm “Ghana, Ghana!” Thần chú này không hiệu quả, khi thủ môn Uruguay ngăn được trái thứ nhất, anh ôm đầu nói nhỏ “Thôi thế là xong!” Căng thẳng này làm tôi tỉnh đôi chút, các khán giả còn lại trong nhà hàng gay cấn thì gay cấn vẫn không tỏ ra theo phe nào hết, còn nhân viên của quán thì chỉ mong cho xong sớm để còn ra về. Niềm hy vọng cuối của châu Phi đến quả phạt đền thứ 8 thì chìm lỉm theo lục điạ huyền bí Atlantis. Đây (Atlantis) cũng là resort cũng mới vừa khai trương trên Palm Jumeirah, là hòn đảo hoàn toàn nhân tạo theo hình một cây dừa.
Và lớn nhất thế giới chứ sao nữa.
Chí ít là lớn nhất trong dịp giải bóng đá thứ 19. Giải lần sau, năm 2014 thì kinh tế đang thế này, không biết có kịp hoàn tất các đảo nhân tạo còn lớn gấp mấy là Palm Jebel Ali, The World, The Universe (khiếp thật) hay là Palm Deira.
Nhưng Brazil FIFA 20, không chắc là tôi sẽ có ý định tìm đến. Hay có tìm cũng lại lỡ đò dọc đường như ngày hôm nay.
© 2010 Đỗ Kh.