Chỗ đứng của Việt Nam trong
thế giới đa cực
Nguyễn Trung
Hà Nội, Việt Nam
Năm 2006 là năm kết tinh của 30 năm phấn đấu đầu tiên của quốc gia độc lập thống nhất: Với biết bao nhiêu nỗ lực gian khổ để trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đã được đề cử là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khoá năm 2008, Việt Nam hội nhập bình đẳng và toàn diện vào đời sống kinh tế, chính trị quốc tế.
Sau 30 năm xây dựng, trong đó có 20 năm đổi mới, nền kinh tế đất nước nói riêng và tầm vóc quốc gia nói chung đòi hỏi phải chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Đòi hỏi sống còn này của đất nước diễn ra vào lúc trên thế giới thời cơ và hiểm hoạ ken xít nhau. Sống trong một thế giới như thế, nước ta không thể tuỳ ý muốn gì làm nấy, mà nhất thiết phải biết người và nhìn rõ chính mình, để lựa chọn, để quyết định, để chỉ thành công chứ không được phép lạc lõng trên chặng đường trường chinh tới cái đích tiếp theo là một nước phát triển, tiến cùng được với sự vận động của xu thế thế giới.
I. Thế giới hôm nay
Có thể khái quát như sau:
Thế giới của thế kỷ 21 năng động hơn, chứa đựng nhiều điều bất an hơn, nhiều điều khó tiên liệu hơn so với mọi dự báo khi thế kỷ trước kết thúc. Song cơ hội cũng đang mở ra nhiều hơn cho những nơi nào có khả năng hấp thụ những nguồn lực to lớn của kinh tế thế giới đang cần thị trường. Hai nét đặc trưng này của thế giới hôm nay tất yếu sẽ chi phối mọi quyết sách mà nước ta sẽ lựa chọn. Chính vì lẽ này phải quan sát kỹ lưỡng tất cả.
Bức tranh sáng tối đan xen nhau của thế giới như thế nào đi nữa, ở góc trời phía ta màu sáng vẫn là chủ đạo, vì hoà bình, ổn định và sự phát triển năng động ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn đang là cỗ máy mang lại cho kinh tế thế giới sức đảy lớn nhất. Tuy nhiên, ngay cả ở khu vực này, tăng trưởng mạnh luôn luôn gắn với nguy cơ “vỡ bong bóng” dưới một dạng nào đó ̶ thường là từ thị trường tài chính tiền tệ, giả thiết lần này là từ đồng Nhân dân tệ ̶ thì tình hình sẽ ra sao?
Một hiện tượng mang tính thời sự: Trong những năm gần đây việc Trung Quốc xuất hiện với tính cách là “công xưởng của thế giới” đang đẩy nhanh hơn nữa quá trình lỗi thời của lợi thế so sánh dựa trên khai thác điều kiện tự nhiên và sức lao động giá rẻ tại hầu hết các nước đang phát triển; đồng thời hàng rẻ của Trung Quốc đang tác động vào cơ cấu kinh tế hiện thời của tất cả nước phát triển. Đổi mới lợi thế so sánh, đổi mới cơ cấu kinh tế trở đang thành đòi hỏi rất thời sự đặt ra cho hầu kết mọi quốc gia![1] Hiện tượng mới này hiện còn đang ở giai đoạn khởi đầu, song đã đặt ra nhiều vấn đề mới - bao gồm cả thách thức và thuận lợi - nhất là cho các nước đang phát triển trên con đường công nghiệp hoá, trong đó có nước ta.
Một hiện tượng khác cần chú ý là đang xuất hiện những dấu hiệu về một cuộc chạy đua vũ trang mới, nổi lên là Mỹ tiếp tục đi sâu vào chủ nghĩa đơn phương; Trung Quốc từ hơn một thập kỷ nay ngân sách quốc phòng tăng 2 con số (khoảng từ 14 – 17% /năm) năm 2006 vượt 30 tỷ USD (song phương Tây đánh giá con số thực có thể là gấp đôi) đồng thời đẩy mạnh chính sách quyền lực mềm. Nguy cơ phổ biến vũ khí nguyên tử có thể lan ra một số quốc gia Trung Đông và Nam Á theo kiểu phản ứng dây chuyền. Gần đây do việc Mỹ đưa lực lượng tên lửa NATO vào Cộng Hoà Séc khiến Nga (4-2007) lên tiếng muốn rút khỏi Hiệp ước về Lực lượng vũ trang thông thường châu Âu CFE ký giữa NATO và khối Varsovie năm 1990…
Tình hình nêu trên cho thấy: (a) Mỹ không muốn tuột mất lợi thế siêu cường và lợi thế đi trước đang có trong tay, và (b) trong tranh giành quyền lực và ảnh hưởng quốc tế không có khái niệm “win-win”. Rõ ràng tăng cường thực lực quốc gia trước sau vẫn là vấn đề sống còn trong thế giới toàn cầu hoá. Trong tình hình như vậy, một dích dắc nhỏ trong sự vận động của thế giới tuy không ảnh hưởng đến xu thế chung toàn cầu, nhưng lại có thể là một bước ngoặt lớn đầy tai ương (hay cơ hội?) đối với nước nghèo yếu ̶ nước ta đừng bao giờ mất cảnh giác trước sự thật này.[2]
II. Những đối tác chính của nước ta
Trong lịch sử của mình, chí ít là từ hai thế kỷ nay, Việt Nam hiện nay lần đầu tiên không có nước kẻ thù. Tuy lúc này lúc khác vẫn có thể xảy ra những tranh chấp cụ thể - ví dụ như trên Biển Đông, trong thương mại, trong một số vấn đề chính trị khác… Cần khẳng định dứt khoát nước ta đang có trong tay vị thế của một nước không có quốc gia kẻ thù, để chủ động gìn giữ vị thế này, khai thác tối đa có lợi cho mình và cho cộng đồng quốc tế.
Dưới đây xin tập trung bàn về những đối tác chính.
II.1. Mỹ
Với việc thông qua PNTR (Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn) ngày 21-12-2006, rào cản cuối cùng cho việc bình thường hoá quan hệ Mỹ - Việt được gỡ bỏ. Trong toàn bộ quá trình bình thường hoá quan hệ Việt - Mỹ, chất xúc tác ban đầu là vấn đề MIA (vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh), đặc biệt là những bước đi kể từ 1995 đến nay, có thể nói hai quốc gia thù địch với nhau sâu sắc này đều có những nỗ lực to lớn về phía mình để thiết lập được quan hệ bình thường với nhau như hôm nay.
Tại sao Mỹ lại xúc tiến quá trình bình thường hoá quan hệ với Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam vào lúc phe xã hội chủ nghĩa tan rã và Mỹ đang đi tới đỉnh cao của thế siêu cường trong thời kỳ hậu chiến tranh lạnh? Một nước Mỹ như thế phải chăng đang “tốt” lên? Hay là Mỹ đang ngày càng đến gần ý thức hệ của Việt Nam hơn? Hay là đang xuất hiện một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa có ý thức hệ ngày càng giống Mỹ? ...
Đây là những câu hỏi phi lý.
Hay là Mỹ “đuổi chẳng được, tha làm phúc?”
Câu hỏi này cũng phi lý không kém, bởi vì hai bên đã xúc tiến đàm phán bình thường hoá quan hệ với nhau từ khi Việt Nam giải quyết xong vấn đề Campuchia năm 1989, mặc dù đây là một quá trình chật vật. Trong khi đó năm 1991 Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh vùng Vịnh và giành thắng lợi áp đảo. Lực lượng quân sự của Mỹ trong cuộc chiến tranh này hiện đại hơn rất nhiều so với chiến tranh Việt Nam. Nếu lấy cường độ công phá, và tính năng kỹ thuật hiện đại làm thước đo, thì vũ khí Mỹ trong chiến tranh vùng Vịnh hiện đại khoảng 3 - 4 thế hệ vũ khí so với chiến tranh Việt Nam. Cùng với sự sụp đổ của các nước Liên Xô - Đông Âu cũ, sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh 1991 đế chế Mỹ có một sức mạnh mới và vị thế mới chưa từng có trước đó.
Có thể nói, sau thảm bại trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ không yếu đi, mà còn bước vào thời kỳ hoàng kim của siêu cường Mỹ trong thời hậu chiến tranh lạnh.
…Hay là Việt Nam có ô dù Trung Quốc, nên Mỹ sợ không dám đụng tới?
Chắc chắn không phải thế. Chỉ xin nhắc lại, khi còn vấn đề Campuchia thì Trung Quốc và Mỹ là hai nước lớn cùng một bên chống ta quyết liệt nhất, cho đến tận năm 1989 – khi Việt Nam rút hết quân khỏi Campuchia.
Với việc hai nước lập đại sứ quán năm 1995 và ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA) năm 2001, quan hệ Việt - Mỹ mở ra nhiều lĩnh vực khác và bước vào thời kỳ phát triển ngày càng toàn diện hơn. Thương mại hai chiều từ đó bình quân tăng 30%/năm, năm 2006 vượt 12 tỷ USD. Mỹ hiện nay là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta về khối lượng kim ngạch (lớn hơn xuất đi Trung Quốc), chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm và cơ cấu hàng xuất khẩu có lợi cho ta – vì chủ yếu là hàng chế biến, gia công, mấy năm gần đây ta xuất siêu khoảng 3 – 4 tỷ USD/năm. Đầu tư của Mỹ vào VN bắt đầu tăng nhanh, điển hình là dự án sản phẩm thuộc công nghệ tin học của Intel có tổng FDI lên tới 1 tỷ USD; hiện nay 18 tập đoàn công ty xuyên quốc gia (Transnational Corporations ̶ TNCs) lớn của Mỹ đang thăm dò mở rộng thị trường đầu tư ở VN… Qua gần bốn nhiệm kỳ nối tiếp nhau của tổng thống Clinton và tổng thống Bush, những cố gắng về phía Mỹ trong việc bình thường hoá quan hệ với Việt Nam là liên tục; những lời nói tốt đẹp về quan hệ hai nước của tổng thống Clinton và tổng thống Bush trong những chuyến thăm Việt Nam chính thức không thể coi là những cử chỉ xã giao đơn thuần. Có thể nói triển vọng quan hệ kinh tế Việt - Mỹ là hứa hẹn…Nên giải thích mối quan hệ này như thế nào nếu như chúng ta biết rằng năm 2006 ngoại thương Việt - Mỹ chỉ chiếm khoảng 1,5 phần nghìn tổng kim ngạch ngoại thương của Mỹ, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ chỉ bằng khoảng 2 phần nghìn tổng nhập khẩu của Mỹ?[3]
Hay là Mỹ đang dùng củ cà-rốt để tạo ra một Việt Nam đi với Mỹ chống Trung Quốc - với ý đồ biến Việt Nam thành rào cản con đường của Trung Quốc tiến xuống phía Nam, hoặc chí ít không để cho Việt Nam đi với Trung Quốc chống Mỹ?
Xin cứ tự do suy nghĩ cho rốt ráo.
Với đòi hỏi tồn tại của một siêu cường, điều chắc chắn mọi phương án đối với Việt Nam đều được Mỹ đặt lên bàn cân. Song nếu tách quan hệ Việt - Mỹ ra khỏi tổng thể mối quan hệ của Mỹ với toàn bộ thế giới bên ngoài thì không tìm ra câu trả lời tin cậy.
Đầu óc giầu trí tưởng nhất ở Mỹ chắc cũng loại trừ khả năng tạo ra một Việt Nam đi hẳn với Mỹ chống Trung Quốc trong tình hình hiện nay. Mỹ có thể muốn rất nhiều thứ, không phải chỉ một lá chắn Việt Nam, mà nếu được thì toàn bộ ASEAN là lá chắn chống Trung Quốc. Song hiển nhiên Mỹ cũng đủ tầm nhìn thực dụng để thấy mong muốn này là không tưởng. Trên thực tế những năm vừa qua không thấy những nỗ lực ngoại giao đáng chú ý nào của Mỹ đi theo hướng này.
Hơn nữa ngày nay không một nước ASEAN nào[4] - kể cả những nước có ký kết liên minh quân sự phòng thủ chung với Mỹ - lại lựa chọn phương thức đi với một bên chống một bên như thời chiến tranh lạnh. Mỹ và Trung Quốc đều biết rất rõ điều này.
Trong khi đó các mối quan hệ ASEAN - Trung Quốc hơn một thập niên qua ngày càng phát triển ̶ hoặc là trong khuôn khổ song phương (thành viên ASEAN + Trung Quốc), hoặc là trong khuôn khổ ASEAN + 1 (Trung Quốc), hoặc khuôn khổ ASEAN + 3 (Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc), thậm chí cả trong khuôn khổ APEC. Tình hình này đang diễn ra như một xu thế khách quan ̶ trước hết là do các nước ASEAN ngày nay ở trong tư thế mới của bối cảnh quốc tế mới. Ngoài ra còn có Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF - ASEAN Regional Forum) chuyên về an ninh khu vực (gồm các ngoại trưởng các nước ASEAN, Ô-xtrây-li-a, Canada, Trung Quốc, Nhật, New Zealand, Papua New Guinea, Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Chủ tịch EU). Có thể nói trong khu vực Đông Nam Á đã và đang tồn tại các thể chế kinh tế và chính trị duy trì thế cân bằng trong vùng này.
Ngoại trừ tình hình hoặc Mỹ hoặc Trung Quốc cố tình đơn phương đảo ngược trật tự hiện thời ở khu vực Đông Nam Á, có thể nói tất cả các nước hữu quan đều muốn duy trì sự cân bằng như hiện có, đang có những nỗ lực chung củng cố sự cân bằng này bằng mọi hình thức hợp tác có thể được. Hiện nay cả Mỹ và Trung Quốc vừa chưa muốn, mà nếu có muốn thì cũng chưa có điều kiện thực hiện một hành động đơn phương xáo trộn trật tự khu vực Đông Nam Á, mặc dù ảnh hưởng của Trung Quốc đang tiếp tục tăng lên trong khu vực này.
Vấn đề song phương nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ - Trung là vấn đề Đài Loan, liên quan mật thiết đến chính sách toàn cầu của Mỹ và vấn đề thống nhất Trung Quốc. Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung xoay quanh vấn đề Mỹ nhập siêu tuy hiện nay gay gắt, nhưng chỉ là thứ yếu. Cho đến nay các nước ASEAN luôn luôn đặt vấn đề Đài Loan trong khung khổ trật tự khu vực và tôn trọng tình hình thực tế của Trung Quốc.
Vậy Mỹ muốn gì đối với Việt Nam?
Mỹ quá hiểu sự gần nhau về chế độ chính trị giữa Việt Nam và Trung Quốc, biết rất rõ những vấn đề tồn tại giữa hai nước này. Mỹ cũng hiểu sâu sắc cả hai bên Việt Nam và Mỹ đều còn những khoảng cách do quá khứ để lại, phải tiếp tục vượt qua trong quá trình phát triển quan hệ Mỹ - Việt. Song Mỹ cũng biết tinh thần độc lập tự chủ của Việt Nam và tránh không làm việc gì dồn Việt Nam đi hẳn với Trung Quốc trong khi Mỹ rất muốn tăng cường ảnh hưởng và quan hệ của mình với Việt Nam. Mỹ có lợi ích trong việc không để xảy ra một nước Việt Nam èo uột và phải dựa vào Trung Quốc. Mỹ muốn có một ASEAN đủ mạnh tiếp tục duy trì thế cân bằng hiện nay trong khu vực và coi đấy là phương thức tốt nhất hạn chế Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng xuống phía Nam. Trong mong muốn có một ASEAN mạnh, Mỹ coi trọng vai trò của Việt Nam. Tất cả nhằm cho phép Mỹ tập trung nỗ lực của mình vào những vấn đề toàn cầu khác Mỹ cần ưu tiên hơn.
Hiển nhiên ở Mỹ chỗ này chỗ khác vẫn còn những xu hướng chống Việt Nam. Một bộ phận nhất định (thiểu số) người Việt sống ở Mỹ sau 1975 vẫn gắn với quá khứ và có tác dụng nhất định góp vào những việc làm và tiếng nói chống Việt Nam trong từng vụ việc cụ thể. Song tất cả những hiện tượng này không phải là xu thế chủ đạo trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam.
Vấn đề dân chủ, nhân quyền và tôn giáo tuỳ yêu cầu chính sách đối ngoại của Mỹ và tuỳ những sự việc cụ thể lúc này lúc khác nổi cộm lên trong quan hệ hai nước. Trong vấn đề này có hai vế: (a) liên quan đến những giá trị mà Mỹ và phương Tây theo đuổi - mặt nào đó cũng là những giá trị chung của nhân loại tiến bộ; (b) là một trong những phương tiện trong chính sách đối ngoại của Mỹ ứng xử với Việt Nam.
Khách quan mà xét, vấn đề đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền cũng là một đòi hỏi, một xu thế đang lên trong trào lưu tiến bộ trên thế giới ngày nay - nhất là tại các nước phát triển và trong những lực lượng cánh tả ở nhiều nước đang phát triển. Đã là một xu thế tiến bộ của thế giới thì không một quốc gia nào có thể xem thường, cũng không quốc gia nào dại dột buông ngọn cờ dân chủ nhân quyền cho bên ngoài giành lấy. Vì lẽ này việc Mỹ giương cao ngọn cờ dân chủ và nhân quyền vừa là để tập hợp lực lượng, vừa là tạo cho Mỹ thêm một công cụ thực hiện chính sách đối ngoại của mình.
Trong những tranh tụng về thương mại cũng như về mọi vấn đề khác cũng cần tách bạch khía cạnh nào là thuộc về pháp lý quốc tế, khía cạnh nào là quan hệ chính trị chi phối.
Vậy sự phát triển quan hệ Mỹ - Việt hiện nay và trong một tương lai có thể nhìn trước được là do những nhân tố sau đây chi phối:
*
Mỹ và Việt Nam hiện nay không có những xung đột lợi ích mang tính chiến lược.
*
Mỗi nước có lợi ích riêng của mình, nhưng gặp nhau ở một điểm là có yêu cầu hợp tác với những mẫu số chung nhất định. Mẫu số chung lớn nhất là: Một nước Việt Nam độc lập tự chủ, phồn thịnh, có vai trò tích cực đối với hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực. (Nên suy ngẫm kỹ điều quan trọng này).
*
Mỹ có yêu cầu duy trì ảnh hưởng kinh tế, văn hoá, chính trị ở Đông Nam Á để bảo vệ vị thế của mình và tranh giành ảnh hưởng với Trung Quốc, trong đó coi Việt Nam là một đối tác quan trọng ở khu vực.
Để hiểu chính sách đối ngoại hiện nay của Mỹ, nên nhìn lùi lại quá khứ.
Trong thời kỳ chiến tranh lạnh Mỹ giữ quyền lãnh đạo tuyệt đối trong “phe” của mình và có tầm ảnh hưởng lớn. Khi các nước Liên Xô Đông Âu cũ sụp đổ, Mỹ nổi lên là siêu cường duy nhất trên bàn cờ quốc tế, song địa vị lãnh đạo tuyệt đối không còn nguyên vẹn như trước – vì các đồng minh của Mỹ không còn nguy cơ đối kháng từ các nước khối Varsovie,[5] ý nghĩa cái ô bảo hộ của Mỹ giảm dần, quá trình hình thành Liên minh châu Âu (EU) ngày càng tiến triển nhanh và độc lập hơn với Mỹ, các “nước sân sau” của Mỹ ở Mỹ Latinh cũng ngày càng có nhiều vấn đề với Mỹ (hiện tượng tập hợp chung quanh Savez ở Venezuela). Trên thực tế Mỹ ngày càng khó “nắm” các đồng minh xa, gần của mình hơn trước. Mỹ vẫn giữ vai trò chi phối các thể chế quốc tế (UN, IMF, WB, GATT – sau này là WTO, NATO…), song những thể chế này đang ngày càng nhiều vấn đề bất cập, ảnh hưởng của Mỹ ở trong những thể chế này tiếp tục suy yếu – nguyên nhân chính là (a)có nhiều vần đề bất cập mới; (b)quyền lực được phân bổ không tương xứng với sức mạnh kinh tế và những mối tương quan mới với nhau giữa các thành viên trong các thể chế này.
Kết cục: Mỹ lần đầu tiên đứng trước tình hình có vị thế siêu cường duy nhất, nhưng ảnh hưởng nhiều mặt lại có chiều hướng suy giảm.
Khi còn chiến tranh lạnh, kinh tế Mỹ chiếm khoảng trên 1/3 GDP danh nghĩa thế giới (tính theo USD), nay chỉ còn 27%, hoặc chỉ còn khoảng 1/5 GDP thế giới tính theo PPP (purchaging power parity - bản vị sức mua). Thời chiến tranh lạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ Mỹ đi trước nhiều nước phát triển 30 – 40 năm; ngày nay với địa vị siêu cường duy nhất trên thế giới khoảng cách này chỉ còn 20 năm, thậm chí có thể ngắn hơn (ví dụ những tiến bộ mới của Trung Quốc trong công nghệ vũ trụ, v.v.). Nhiều cường quốc mới như Trung Quốc, Ấn Độ đang nổi lên; nước Nga đang trên đà khôi phục lại vị trí cường quốc của mình... Bất luận những thắng lợi áp đảo của Mỹ trong chiến tranh vùng Vịnh (1991) và chiến tranh Kosovo (1999-2000) – có sự tham gia của các nước thành viên NATO, không khí chống Mỹ tiếp tục tăng lên ở nhiều nơi - nhất là trong thế giới hồi giáo. Xu thế các quốc gia muốn đứng ra ngoài cái bóng che chở của Mỹ cũng gia tăng.
Sự kiện 11 tháng 9-2001 là một thách thức lớn, nhưng cũng là một cơ hội lớn đối với Mỹ: tập hợp thế giới dưới ngọn cờ Mỹ chống khủng bố. Cơ hội thì không thể bỏ qua để vượt lên thách thức, chủ nghĩa đơn phương càng trở nên cám dỗ. Đấy là động cơ (motive) quan trọng chi phối các bước đi của Mỹ thời kỳ này, khởi đầu là tháng 10-2001 tiến hành cuộc chiến tranh Afghanistan chống Osma bin Laden và tổ chức Al Qaeda. Cho đến nay cuộc chiến tranh này vẫn chưa giành được mục tiêu cuối cùng, mặc dù Mỹ huy động được các đồng minh của mình cùng tham gia. Ngay tại Mỹ đã xuất hiện không ít sách vở cảnh báo sự cáo chung của đế chế Mỹ. Yêu cầu củng cố vị trí siêu cường trên tất cả các phương diện kinh tế, chính trị, quân sự, khoa học công nghệ, văn hoá… trở thành đòi hỏi bức bách nhất và cũng là ưu tiên số một của Mỹ.
Có thể nói: Với vị thế siêu cường duy nhất trong tình hình ảnh hưởng tiếp tục bị sa sút, thời gian Mỹ không có địch thủ ngang hàng thách thức đang ngày càng rút ngắn. Sự nổi lên của những cường quốc mới - nhất là Trung Quốc – làm cho khoảng cách phát triển Mỹ còn giữ được cũng đang hẹp dần. Đấy là những lý do trực tiếp nhất khiến Bush đi sâu hơn nữa vào chủ nghĩa đơn phương đã được triển khai mạnh mẽ từ thời Clinton. Điểm nổi bật của chính sách này trong thời Bush là Mỹ rút khỏi hiệp ước chống tên lửa vượt lục địa ABM (ký giữa Mỹ và Nga năm 1972), không phê chuẩn Nghị định thư Kyoto về giảm khí thải CO2, vi phạm những nguyên tắc của Hiệp ước Không phổ biến vũ khí nguyên tử (NPT - Non Proliferation Treaty), không tham gia hiệp ước về Toà án hình sự quốc tế, để Mỹ rảnh tay trong xử lý những hệ quả do những quyết định can thiệp của mình…Sau sự kiện 11 tháng 9 Mỹ chia các quốc gia trên thế giới thành hai nhóm, hoặc là đi với Mỹ hoặc là đi với khủng bố (Bush 20-09-2001), đưa Iraq, Iran và Bắc Triều Tiên vào danh sách các nước “trục ma quỷ”.
Đỉnh cao của chủ nghĩa đơn phương thời Bush là tiến hành chiến tranh Iraq (1-5-2003) - được xem như một bước đi quyết định gần như tới mức được ăn cả ngã về không, bất chấp sự không tán thành của Liên hiệp quốc, vũ khí huỷ diệt của Sadam Hussein chỉ là cái cớ không có thật. Mỹ đã tính toán phần thắng chắc chắn nắm trong tay và không chịu một Việt Nam thứ hai.
Tình trạng chiến tranh Iraq đang bế tắc nói lên thất bại không tránh khỏi của Mỹ trên 2 phương diện: (a)không thành công trong thực hiện ý đồ nắm toàn bộ khu vực Trung Đông qua đó cho phép tạo ra thế siêu cường áp đảo với tất cả các cường quốc khác và đồng thời kiểm soát thế giới đạo Hồi; (b)không áp đặt được giá trị dân chủ của Mỹ vào nước Iraq của đạo Hồi và mâu thuẫn sắc tộc, hy vọng để từ đó cho phép Mỹ giương cao ngọn cờ dân chủ tác động vào các quốc gia khác trở thành thảm bại. Hệ quả chung là tham vọng về thế kỷ Mỹ (thế kỷ 21) bị một đòn nặng.
Ngoài việc cho thấy giới hạn quyền lực của siêu cường Mỹ đang co lại, chiến tranh Iraq đang đặt thế giới vào một nghịch lý nhiều chiều: Không ai muốn Mỹ thắng để ngồi lên đầu mọi người – và trên thực tế Mỹ đã và đang không thể thắng; song cũng không ai muốn có một Iraq đổ vỡ để trở thành cái nôi của những hỗn loạn mới bất tận ở tầm cỡ toàn cầu; mặt khác Mỹ cũng không thể cam chịu thất bại hoàn toàn,[6] nhiều quốc gia khác ̶ kể cả tất cả các cường quốc – cũng không muốn để Mỹ chịu thất bại hoàn toàn. Nói một cách khác: Thế giới chưa sẵn sàng cho một trật tự mới không có siêu cường Mỹ! Hội nghị các ngoại trưởng họp đầu tháng 5-2007 tại Sharm el-Sheikh (Ai Cập) là một biểu hiện cho trạng thái nghịch lý này. Mục đích chính của hội nghị là hỗ trợ Iraq, song thực chất là thăm dò và tạo ra khả năng các nước láng giềng - trước hết là Iran và Syria - sẽ cùng phối hợp với các nước Ả-rập và Mỹ giải quyết vấn đề Iraq, có sự tham gia của những nước hữu quan khác. Nghĩa là trên thực tế tìm cách tránh cho Mỹ một thất bại tuyệt đối.
Chiến tranh Iraq thất bại và đang tìm cách kết thúc, những thành tựu kinh tế thời Clinton hầu như đã sài hết, tăng trưởng kinh tế của Mỹ hiện nay chỉ còn 2 – 2,5% năm, nợ nần tăng lên, địch thủ Trung Quốc trỗi dậy ngày càng mạnh, các nước “sân sau” ở Mỹ La-tinh tiếp tục xu thế xa Mỹ, nguy cơ khủng bố không giảm bớt… đấy là những vấn để Mỹ đang quan tâm hàng đầu.
Tình hình trên giải thích nhiều vấn đề trong chính sách của Mỹ liên quan đến Việt Nam, cho thấy trong những năm tới quan hệ Mỹ - Việt có nhiều thuận lợi hơn trước, do tình hình và những yêu cầu của bản thân Mỹ và do bối cảnh quốc tế đem lại.
Cần lưu ý, tình hình quan hệ Việt - Mỹ trong bối cảnh nói trên và những thành tựu của nước ta trong thời kỳ đổi mới đang khuyến khích cộng đồng người Việt ở Mỹ hướng về quê hương, ngày càng đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước. Thực tế này đang làm cho nhóm những người Việt ở nước ngoài chống đối lại hoà giải dân tộc ngày càng thiểu số, mặt khác tạo thêm một thuận lợi quan trọng cho phát triển quan hệ song phương Việt - Mỹ.
Trong quan hệ với Mỹ, một trong hai đối tác quan trọng nhất của ta trong thế giới hiện tại, ngoài một số vấn đề thường nhật về tranh chấp thương mại, chỉ còn mỗi vấn đề nhân quyền là lúc này lúc khác có thể trở nên nhạy cảm - một vấn đề hoàn toàn không đáng là vấn đề,[7] không một đầu óc tỉnh táo nào lại muốn để cho nó trở thành vấn đề.
Thử nhìn xem có quốc gia nào trên thế giới hôm qua còn đứng bên kia chiến tuyến của Mỹ, hôm nay có ít vấn đề như vậy với Mỹ? Thậm chí cả hai nước đang trên đường trở thành đối tác lâu dài của nhau. Sự phát triển tự thân của hai quốc gia trong thế giới hiện tại dẫn tới thực tế này. Nói riêng về phía ta: Sự phát triển này cần được ý thức đầy đủ và chủ động phát huy.
II. 2. Trung Quốc
Có thể nêu ra một nhận xét chung nhất: Trung Quốc có bao nhiêu vấn đề với tất cả các nước láng giềng khác của mình, thì cũng có ngần ấy vấn đề với Việt Nam, nghĩa là không có ngoại lệ - trong đó thậm chí có lúc có những vấn đề nóng bỏng hơn. Cũng có thể nêu lên một nhận xét nữa: Tuy còn nhiều tồn tại, song Trung Quốc cũng đã giải quyết được nhiều vấn đề quan trọng trong quá trình bình thường hoá quan hệ với tất cả các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.
Vì mỗi nước, mỗi vấn đề đều có đặc thù riêng, nên không thể so sánh nước nào với nước nào; song có thể nói trong quan hệ của Việt Nam với các nước lớn thì quan hệ Việt – Trung là khó nhất đối với Việt Nam - bởi lẽ đơn giản: nội hàm mối quan hệ song phương này chứa đựng nhiều mối quan hệ, nhiều vấn đề đa dạng và phức tạp hơn không có trong các mối quan hệ song phương khác của nước ta. Cần nhìn nhận khách quan và thẳng thắn như vậy để có cách tiếp cận đúng đắn với ý chí vượt qua mọi khó khăn, nhằm vào cái đích xây dựng mối quan hệ bền vững “núi liền núi, sông liền sông” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu lên từ rất sớm.
Xin hãy điểm lại một số mốc trong lịch sử quan hệ hai nước.
Thời kỳ hoàng kim quan hệ hai nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa - Cộng Hòa Nhân dân Trung Quốc kéo dài cho đến khi Việt Nam hoàn thành giải phóng miền Bắc 1954.
Từ khi đàm phán về Hiệp nghị Geneva 1954 về Đông Dương cho đến nay là thời kỳ quan hệ hai nước vừa phát triển tiếp tục, vừa bắt đầu phát sinh ngày càng nhiều vấn đề, thậm chí có những giai đoạn nghiêm trọng. Nguyên nhân chủ yếu là hai quốc gia này ngày càng có những yêu cầu riêng và những ưu tiên riêng khác nhau, dẫn tới những khác biệt họăc thậm chí những xung đột trong chính sách đối ngoại. Thêm vào đó là phương thức xử sự chủ quan của các chính khách mỗi bên qua những giai đoạn và những diễn biến khác nhau của thời cuộc.
Trước khi điểm lại những khúc quanh co đau lòng trong lịch sử quan hệ hai nước, cần ghi nhận Trung Quốc đã từng là hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Pháp và một thời là hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Mỹ của chúng ta. Nhắc lại như vậy để ghi ơn những điều nước ta đã chịu ơn, và đặc biệt quan trọng là để nhìn lại vì sao từ mối quan hệ hậu phương lớn, đi tới những bất đồng, thậm chí có lúc đi tới những đổ vỡ, xung đột, chiến tranh đẫm máu 2-1979.
Khi nước ta tiến hành kháng chiến chống Pháp, mâu thuẫn Xô – Trung đã manh nha, có nhiều nguyên nhân, nhưng một trong những nguyên nhân liên quan đến nước ta là sự tranh giành ngọn cờ lãnh đạo “phe” xã hội chủ nghĩa giữa Liên Xô và Trung Quốc hồi đó. Chính ý thức độc lập tự chủ của nước ta được Chủ tịch Hồ Chí Minh nuôi dưỡng đã giúp nước ta gìn giữ được quan hệ tốt và tranh thủ được sự ủng hộ tối đa của cả hai nước lớn này, thực hiện được cuộc kháng chiến theo đường lối của nước ta, đưa cuộc kháng chiến chống Pháp của chúng ta đến thắng lợi.
Khi nước ta phải tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ, mâu thuẫn Xô – Trung ngày càng trở nên gay gắt – bao gồm cả xung đột vũ trang năm 1969 tại đảo Damanski (tiếng Nga) hay là Chân Bảo (tiếng Trung Quốc) tại sông Ussuri. Việt Nam ở thế vô cùng khó xử, vì cả Liên Xô và Trung Quốc đều là hậu thuẫn chiến lược đối cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tình hình càng trở nên trớ trêu phức tạp hơn cho nước ta khi hình thành các mối quan hệ mới và những mâu thuẫn mới theo từng cặp Xô - Mỹ, Mỹ – Trung, Trung - Xô. Mỗi nước lớn này và mỗi cặp nước lớn này có những yêu cầu toàn cầu riêng, những yêu cầu chiến lược riêng không thể dung hoà, và nhìn chung là không thuận chiều với cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Vấn đề Việt Nam chỉ là vấn đề thứ yếu trong chiến lược của 3 nước lớn này cũng như trong các mối quan hệ giữa họ với nhau.
Trong bối cảnh trên, nói riêng về Trung Quốc: Vì nhiều lý do đối nội và đối ngoại của mình, Trung Quốc có yêu cầu “nhất biên đảo”, tách khỏi phe xã hội chủ nghĩa, thực hiện hoà hoãn với Mỹ (khởi đầu là cuộc đàm phán cấp cao Trung - Mỹ ở Thượng Hải năm 1972). Đương nhiên Trung Quốc không thể vì vấn đề Việt Nam hy sinh lợi ích quốc gia của mình. Không một nước nào làm như vậy, nước lớn lại càng không làm như vậy. Quan điểm của Trung Quốc về vấn đề Việt Nam tất yếu thay đổi. Tình hình dẫn tới càng về cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ của Việt Nam, quan hệ Trung - Việt ngày càng xấu đi, lợi ích hai nước ngược chiều nhau; trong khi đó quan hệ Việt – Xô (với tính cách là quan hệ giữa Việt Nam và địch thủ của Trung Quốc và cũng là với địch thủ của cả Mỹ) ngày càng phát triển.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ làm cho ảnh hưởng của Việt Nam đối với Lào và Campuchia nói riêng và đối với khu vực Đông Nam Á tăng lên, mà Việt Nam lúc này càng gắn với Liên Xô cả về thực tiễn và về ý thức hệ. Thực tế này tất yếu khiến cả Mỹ và Trung Quốc không thể khoanh tay ngồi nhìn. Trung Quốc không muốn có một Việt Nam gắn bó với Liên Xô để hình thành một thế trận bao vây Trung Quốc; Mỹ không muốn một Việt Nam có Liên Xô đứng sau để trở thành tiền đồn uy hiếp ảnh hưởng của Mỹ ở Đông Nam Á. Không thể dùng lăng kính ý thức hệ hay đạo đức trừu tượng, mà cần phải nhận thấy lợi ích an ninh chiến lược Trung Quốc và của Mỹ không thể chấp nhận một thực tế như vậy ở Đông Nam Á, để từ đó thấy rõ bản chất của vấn đề. Cũng không nên quên chuyện cũ: Việt Nam đã nhiều lần tự coi mình là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á, là tiền đồn chống chủ nghĩa đế quốc ở khu vực này!..
Trong bối cảnh như trên lại xuất hiện thêm vấn đề Campuchia ngay sau 1975 như nó tất yếu phải diễn ra.
Rồi đây sẽ thời gian sẽ cho phép mổ xẻ tận gốc cái tất yếu của vấn đề Campuchia, trong khuôn khổ bài viết này xin tạm đặt vấn đề Campuchia sang một bên.
Xin đi thẳng vào một trong những hệ quả của vấn đề Campuchia là Trung Quốc có lý do hay tạo ra được lý do phát động cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc tháng 2-1979, Mỹ được thông báo trước. Ý đồ cuộc chiến tranh được nêu ra công khai ngay sau khi phát động: Chiến tranh có giới hạn, mục đích dạy cho Việt Nam bài học. Quan hệ Việt - Trung sụp đổ hoàn toàn vào thời điểm này. Tình hình đã dẫn tới Việt Nam ghi vấn đề chống chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Quốc vào Hiến pháp của mình. Mãi cho đến khi giải quyết được vấn đề Campuchia năm 1989, quá trình khôi phục và bình thường hoá quan hệ Việt – Trung mới bắt đầu.
Xin lưu ý vào thời điểm này các nước Liên Xô Đông Âu ngày càng đi gần đến quá trình tan rã, trong khi đó nước ta lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhận xét đúng: 10 năm đầu sau khi thống nhất, nước ta đã phạm phải nhiều sai lầm nghiêm trọng.
Ngày nay quan hệ hai nước đã được bình thường hoá, có nhiều ký kết quan trọng và có những bước phát triển mới. Tuy nhiên, việc thực hiện 16 chữ mà cả hai nước đều mong muốn hoàn toàn không dễ.[8]Phía Trung Quốc đã khẳng định rõ ràng quan hệ hai nước là đồng chí không phải đồng minh, hợp tác cùng có lợi. Chúng ta sẽ chờ xem phía Trung Quốc đánh giá thực chất quan hệ hai nước hiện nay ra sao.
Về phần mình, chúng ta thẳng thắn đánh giá quan hệ hai nước ngày nay đã đạt được những tiến bộ quan trọng, sự tin cạy lẫn nhau đã được cải thiện nhiều, song vẫn còn nhiều vấn đề do quá khứ để lại, ở cả hai phía còn tồn tại những vấn đề nan giải, lúc này lúc khác vẫn còn những xô xát - có khi đổ máu như vụ các ngư dân bị giết (1-2005).
Trong tâm lý không ít người Trung Quốc vẫn cho là Việt Nam vô ơn, hay ăn mảnh.., một thời còn cho là Việt Nam có đầu óc tiểu bá. Trong tâm lý không ít người Việt Nam cho rằng người Trung Quốc vốn đẻ ra cùng chữ bá, Trung Quốc “nói dạy mà không phải dạy”, thù dai... Trong những vấn đề tồn tại trong quan hệ hai nước có nhiều vấn đề nhạy cảm – ví dụ liên quan đến lãnh thổ, lãnh hải, hải đảo, thượng nguồn các con sông[9]… Phải nhìn thẳng vào sự thật như vậy để hiểu rõ những khó khăn phải vượt qua, quyết tâm xây dựng mới mối quan hệ núi liền núi, sông liền sông.
Quan hệ kinh tế hai nước đang phát triển tốt, thương mại 2 chiều đạt 7,2 tỷ USD năm 2005 và có triển vọng đạt 10 tỷ USD năm 2007 (ta nhập siêu) và 15 tỷ USD vào năm 2010. Tuy nhiên quan hệ hợp tác kinh tế hai nước hoàn toàn chưa tương xứng với khả năng cho phép. Ta đang ra sức khắc phục tình trạng đã từng xảy ra trước đây theo kiểu nhập về nhà máy xi-măng lò đứng, nhà máy mía đường, hàng tiêu dùng rẻ tiền và chất lượng thấp, xuất đi tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu… Gần đây lãnh đạo hai nước nêu ra kế sách phát triển “một vành đai và hai hành lang kinh tế” để mở rộng quan hệ kinh tế giữa hai nước. Phía ta đang đầu tư công sức nghiên cứu và thực hiện như thế nào bảo đảm được nguyên tắc cùng có lợi.
Cần thừa nhận quá khứ trong quan hệ hai nước có nhiều vết thương trầm trọng, không thể làm lành theo cách “xí xoá”, tâng bốc lẫn nhau hay đốt cháy giai đoạn. Cũng không thể hàn gắn bằng cách gửi gắm, trông chờ vào lòng tốt và sự thiện chí đơn thuần, dù ở phía nào; quan hệ quốc gia - quốc gia không có chỗ đứng cho những phạm trù này. Cũng không thể nương nhờ vào sự tương đồng về ý thức hệ nếu có.
Quan hệ hai nước chỉ có thể thông qua kiên trì, gian khổ từng bước xây dựng sự tin cạy lẫn nhau và hợp tác thực sự để tìm cách gìn giữ, phát triển. Phía ta cần chủ động lấy việc phát huy những điểm thuận chiều mở rộng thường xuyên quan hệ hợp tác hai nước trên cơ sở cùng có lợi mà tìm cách giải quyết mọi vấn đề tồn tại. Chỉ có thể thông qua hợp tác một cách có bản lĩnh để khôi phục và tiếp tục nuôi dưỡng sự tin cạy lẫn nhau. Khôi phục hữu nghị và phát triển hợp tác lâu bền giữa hai nước phải trên cơ sở chữ tín. Hai nước vĩnh viễn là láng giềng của nhau, vì thế phải vĩnh viễn lấy hợp tác xây dựng và gìn giữ bằng được mối quan hệ núi liền núi, sông liền sông.
Một trong những vấn đề nan giải nhất hiện nay còn tồn tại trong quan hệ Việt – Trung là tranh chấp 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngoại trừ các bên hữu quan thoả thụân được với nhau, trên thế giới chưa có một phương thức nào hoà bình giải quyết được loại tranh chấp này, kể cả Luật biển hiện hành (Công ước Liên hiệp Quốc về Luật biển 10-12-1982 - UNCLOS) - bởi 2 lý do: (a) các nước cho rằng chủ quyền quốc gia về lãnh thổ và lãnh hải là bất khả xâm phạm; (b) các quốc gia đặt quyền tài phán quốc gia là cao nhất (hàm ý phủ định quyền tài phán của Luật quốc tế). Cách giải quyết còn để ngỏ là các biện pháp quân sự - hoặc là không giải quyết!
Là một nước nhỏ sát nách nước láng giềng lớn đang trỗi dậy, Việt Nam chỉ có một sự lựa chọn là phương án hữu nghị, hợp tác. Song hợp tác với nước láng giềng lớn sao cho bảo toàn được lợi ích quốc gia của nước ta thật không dễ, nhất là nước láng giềng lớn này đang có yêu cầu mở rộng ảnh hưởng xuống phía Nam? Có thẳng thắn đối mặt với thực tế này để rút ra những kết luận cần thiết, nước ta mới có thể tìm ra được quyết sách đúng đắn. Trên thế giới đã xuất hiện những mô hình nước nhỏ tồn tại và phát triển thành công sát nách những nước lớn rất đáng để nước ta tham khảo – ví dụ sự tồn tại của Thụy Sỹ, Monaco, Luxemburg ở châu Âu từ bao đời nay bên cạnh những sư tử, những sói, những hùm… đã từng hùng bá một thời, tuy rằng cuộc sống chẳng bao giờ cho phép sao chép điều gì. Lịch sử hơn 2000 năm nước ta tồn tại bên cạnh Trung Quốc cũng chỉ bảo chúng ta nhiều điều cần thiết.
Với cách nhìn như vậy, nên nghiên cứu một biện pháp giải quyết tranh chấp trên quần đảo Trường Sa để làm mẫu mực cho việc giải quyết những tranh chấp và tồn tại khác.
Chủ quyền quốc gia là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Đây là điều bất di bất dịch đối với mọi quốc gia. Các nước trong vùng có liên quan đến Trường Sa đều khẳng định nó thuộc về chủ quyền của mình, như vậy là loại trừ ngay từ đầu mọi khả năng giải quyết tranh chấp này bằng pháp lý.
Chỉ còn lại 3 khả năng:
(1) Giữ nguyên trạng và không giải quyết gì cả: Khả năng này không thực tế, nên không khả thi.
(2) Dùng vũ lực lấy lại các đảo đang tranh chấp: Trung Quốc có thể, ta thì không thể.
(3) Thương lượng để thoả hiệp về một sự hợp tác nào đó: Khả năng này là có thể, nếu…
Với thế mạnh của mình, Trung Quốc đưa ra quan điểm “chủ quyền là của Trung Quốc, gác tranh chấp, cùng khai thác”. Các nước ASEAN không tán thành. Hơn nữa, ai nói trước được Trung Quốc sẽ giữ quan điểm này trong bao lâu? Đấy là chuyện đã diễn ra.
Sau quá trình đàm phán rất chật vật, tháng 11- 2002 các nước ASEAN và Trung Quốc ký được Tuyên bố về cách ứng xử đối với Biển Đông (Declaration of Conduct – DOC), nội dung cơ bản là các bên hữu quan cam kết không làm bất cứ việc gì thay đổi nguyên trạng trong khu vực này. Tuy vậy đụng độ quân sự và những hình thức tranh chấp khác vẫn thường xuyên xẩy ra giữa Trung Quốc và từng nước ASEAN hữu quan.
Sau khi Phi-líp-pin thất bại trong việc dùng các biện pháp quân sự đối phó lại những hoạt động quân sự của Trung Quốc trên biển chung quanh đảo Vành Khăn, ngày 1-09-2004 Phi-líp-pin chấp thuận ký kết cùng hợp tác với Trung Quốc tiến hành thăm dò tại đây trên một diện tích 140.000 km2. Sau đó cả Trung Quốc và Phi-líp-pin đều tuyên bố: Hợp tác như vậy là phù hợp với UNCLOS và DOC. Sự việc này có nghĩa là UNCLOS được giải thích theo ngôn ngữ của hai nước Trung Quốc – Phi-líp-pin. Như thế DOC không còn giữ được nguyên hiệu lực của nó, UNCLOS đứng ngoài. Trước tình hình đó Việt Nam đã lên tiếng phản đối, nhưng cuối cùng Việt Nam cũng phải đi đến thoả thuận hợp tác tay ba Trung Quốc – Phi-líp-pin - Việt Nam, được ký kết ngày 4-07-2005.
Phải chăng thực tế nói trên gợi ý cần tiếp tục tìm những giải pháp theo mô hình hợp tác tay ba Trung Quốc – Phi-líp-pin - Việt Nam ở khu vực Vành Khăn? Còn giải pháp nào tốt hơn nữa không? Nhất thiết phải vắt óc suy nghĩ. Điều tối ưu là tạo ra hợp tác để giữ nguyên trạng, sâu xa hơn nữa là để duy trì ổn định lâu dài.
Vì lẽ chủ quyền quốc gia là bất khả xâm phạm, chắc chắn mô hình hợp tác như vậy sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nếu chứng minh được giải pháp này là tối ưu, là cần thiết, thì phải công khai vận động sự đồng tình và hậu thuẫn của nhân dân trong nước, phải tranh thủ sự hưởng ứng của dư luận thế giới và sự bảo lãnh của các thể chế quốc tế - trong suốt mọi khâu - kể từ khi đề ra ý tưởng, đàm phán, ký kết, đến khâu thực hiện, bảo đảm gìn giữ kết quả đàm phán…
Trong thời bình, là nước có lẽ phải, cần tạo mọi điều kiện tranh thủ thực hiện ngoại giao công khai với mọi quốc gia. Mục tiêu hàng đầu của ngoại giao công khai là thực hiện sự hậu thuẫn của nhân dân trong nước, tranh thủ sự hưởng ứng của quốc tế và tập hợp lực lượng cho những vấn đề nan giải. Trong nhiều trường hợp ngoại giao công khai là phương thức thích hợp nhất để nước nhỏ thương lượng với nước lớn, nước yếu thương lượng với nước mạnh, mà đỡ thiệt thòi. Trong tương quan lực lượng không đều, ngoại giao đi đêm cho những vấn đề quốc gia nhạy cảm thì phần thua thiệt luôn luôn thuộc về nước yếu hơn - quy luật của quan hệ quốc tế xưa nay là như vậy.
Để xây dựng được quan hệ tốt với Trung Quốc, cần phải hiểu rõ Trung Quốc ngày nay.
Từ khi xác định dứt khoát con đường riêng của nước mình trong thế giới hiện tại, mở đầu là bước đi nhất biên đảo năm 1972, tự tách mình ra khỏi hệ thống thế giới xã hội chủ nghĩa lúc bầy giờ, bước hẳn vào con đường cải cách từ 1976, Trung Quốc dần dần ngày càng thừa nhận toàn cầu hoá là quá trình phát triển tất yếu của thế giới.
Khi chiến tranh lạnh kết thúc, Trung Quốc chủ trương đi mạnh trên con đường hội nhập, Đại hội 13 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (1997) đề ra tư tưởng “giương cao ngọn cờ hoà bình và phát triển” nhưng “giấu mình chờ thời, quyết không đi đầu” (Đặng Tiểu Bình). Xuyên xuốt quá trình tiến hành cải cách, trên phương diện đối nội, Trung Quốc cũng nhấn mạnh con đường “chủ nghĩa xã hội sắc thái Trung Quốc” - với mục đích tự giải phóng khỏi mọi ràng buộc giáo lý mà vẫn giương cao được ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc trong quốc gia mình. Trong quá trình chuẩn bị Đại hội 16 (2003) Trung Quốc nhận định bối cảnh quốc tế hiện nay là thời cơ ngàn năm có một cho phục hưng Trung Hoa, lấy lại 5 thế kỷ bị đánh mất. Tại Đại hội 16 Trung Quốc đề ra tư tưởng tiến cùng thời đại, trỗi dây hoà bình.
Kết quả hướng đi này thể hiện như sau: Năm 1976 Trung Quốc bắt đầu tiến hành cải cách, vào thời điểm này kinh tế Trung Quốc chiếm 3% GDP PPP thế giới; cuối thập kỷ 1990 chỉ số này là 5,8%, năm 2005 là 14% và tới năm 2006[10] Trung Quốc chiếm 15,1% GDP PPP thế giới trở thành nền kinh tế thứ hai trên thế giới sau Mỹ (19,7% GDP PPP thế giới).
Nếu tính theo GDP danh nghĩa (USD), kinh tế Trung Quốc năm 2006 bẳng 5,4% GDP thế giới, đứng thứ tư thế giới sau Mỹ (27% GDP thế giới), Nhật (9,4%), Đức (6%) – (nguồn: World Economy Outlook, IMF 4-2007).
Cuối thập kỷ 1970 xuất khẩu của Trung Quốc mới chiếm 1,2% xuất khẩu của thế giới, cuối thập kỷ 1980 chỉ số này là 2%. Mười lăm năm sau, năm 2006, Trung Quốc chiếm 7,2% của xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ thế giới, đứng sau EU là 29%, đứng sau Mỹ là 9,8% và đứng trước Nhật là 5%. Nhờ xuất khẩu thường xuyên tăng 2 con số trong gần hai thập kỷ vừa qua, Trung Quốc hiện nay có khoảng 3000 tỷ USD dự trữ ngoại tệ,[11] (Trung Quốc tự đánh giá khối lượng dự trữ này là trên 1000 tỷ USD[12]). Dựa vào thế mạnh này, Trung Quốc kiên quyết giữ nguyên tỷ giá đồng Nhân dân tệ, gần đây mới điều chỉnh nhỏ giọt, bất chấp mọi sức ép của Mỹ và phương Tây. Làm như vậy Trung Quốc vừa giữ được thế mạnh để tăng sức ép ngược lại với phương Tây (vấn đề Trung Quốc xuất siêu), vừa được các nước ASEAN và nhiều nước đang phát triển khác chịu ơn vì tránh được rối loạn trên thị trường tiền tệ.
Ngày nay Trung Quốc đạt mục tiêu trở thành “công xưởng của thế giới”, trở thành hiện tượng thế giới, đặt ra nhiều vấn đề mới cho nhiều nước đang phát triển và cho hầu hết các nước phát triển trên các phương diện: thị trường, nguồn nguyên nhiên liệu,[13] cơ cấu kinh tế, ô nhiễm môi trường tự nhiên.
Trong khi Mỹ tiếp tục sa lầy ở Iraq, Trung Quốc chủ trương vẫn kiên trì mục tiêu chiến lược của mình, song đồng thời tiếp tục có những bước đi quyết liệt trong từng lúc và từng vấn đề riêng biệt – ví dụ mua tập đoàn dầu lửa Mỹ UNOCAL (tuy không thành), ráo riết tìm kiếm thị trường mới về năng lượng và nguyên liệu ở cả 4 châu lục, tiếp tục đảy mạnh xuất khẩu, cùng với Nga tiến hành cuộc tập trận “Sứ mệnh hòa bình 2005” (tháng 8-2005) gần các căn cứ quân sự của Mỹ - Nhật, trước đó Trung Quốc đã tiến hành tập trận chung với Pakistan và Ấn Độ (2003 – 2004), từ nhiều năm nay đưa ngân sách quốc phòng hàng năm tăng 30%; ngân sách quốc phòng chính thức 2005 đã được thông qua là 35 tỷ USD, song phương Tây (trước hết là tập đoàn nghiên cứu chiến lược RAND của Mỹ) ước lượng con số thực là 70 – 80 tỷ USD. Bên cạnh những bước tiến mới về công nghệ vũ trụ, hiện đại hoá không quân và các binh chủng trên đất, Trung Quốc đang hiện đại hoá và phát triển lực lượng hải quân “nước xanh” (hải quân tầm đại dương) nhằm với xa hơn nữa trên Thái Bình Dương và bảo vệ đường cung cấp dầu cho Trung Quốc (tham khảo Newsweek số 28-03-2007).
Trung Quốc đã dùng các khoản xuất siêu lớn mua lại nhiều TNCs, từng phần hoặc toàn bộ, đầu tư hàng chục tỷ US$ vào sân sau của Mỹ là châu Mỹ Latinh, tiến sâu vào thị trường nguyên liệu ở Ô-xtrây-li-a và Canada, trở thành người nhập khẩu dầu lửa lớn nhất của Iran, chủ động đảy nhanh hơn nữa hình thành các thị trường mậu dịch tự do khu vực hoặc song phương, xây dựng mối quan hệ đặc biệt với Venezuela, Brazil, Burma, Ma-lai-xi-a, Iran, Sudan, Zimbawe.. là những quốc gia ít nhiều đang có vấn đề với Mỹ, (riêng Sudan là nước đang có vấn đề chiến tranh sắc tộc ở vùng Dafur, Liên Hiệp quốc phải can thiệp và nhiều nước lên án). Trung Quốc có nhiều bước đi kinh tế, chính trị khác tiếp tục triển khai mạnh quyền lực mềm ở phạm vi toàn cầu – hướng vào các nước đang phát triển tại châu Á, châu Phi[14] và Mỹ Latinh, tuỳ lúc giương cao ngọn cờ chống chủ nghĩa đơn phương Mỹ để tập hợp lực lượng...
Với đường lối đối ngoại khôn khéo, quyền lực và ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc trên trường quốc tế ngày càng lớn: quan hệ trực tiếp với G8, G20; giữ vai trò thúc đẩy trong trục “trục Á – Âu”; hình thành và thúc đẩy hợp tác tay 3 Trung – Nga ̶ Ấn; hợp tác tay 3 Trung – Nhật – Hàn (Tuyên ngôn 3 bên tháng 10-2003) và khối kinh tế Đông Á; khu mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN; hợp tác trong khung khổ BRICS bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấnđộ, Brazil, Nam Phi; giữ vai trò quan trọng trong tổ chức các diễn đàn Trung Quốc – châu Phi, diễn đàn Trung Quốc - Ảrập, diễn đàn kinh tế Trung Quốc - Ấn độ - Bangladesh – Mi-an-ma; thúc đẩy hợp tác trong SCO (Nhóm “Thượng Hải” – lấy tên địa điểm họp, thành lập 2001, gồm các nước Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, sau này thêm Uzbekistan); hợp tác 10 + 3 với ASEAN; có vai trò đáng kể trong APEC... Tại Liên Hiệp Quốc, đặc biệt tại Hội Đồng Bảo An, vai trò của Trung Quốc ngày càng tăng rõ rệt, nhất là từ khi xảy ra chiến tranh Iraq.
Tóm lại, chiếm thị trường bằng hàng hoá rẻ, duy trì và khai thác trật tự thế giới hiện tại, quyết không đi đầu, tranh thủ thời gian phát triển thế và lực, đó là nội dung cơ bản của chính sách quyền lực mềm. Thực hiện chính sách này, Trung Quốc đã có nhiều bước đi quyết liệt, kinh tế ngày càng mạnh, ảnh hưởng chính trị tăng lên rõ rệt.
Trên thực tế Trung Quốc đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng, thực sự trở thành một trong những nhân vật chính của bàn cờ lớn. Trong nhiều vấn đề lớn của Trung Quốc giữ vai trò chủ động và thách thức Mỹ (phản đối chủ nghĩa đơn phương của Mỹ, vấn đề năng lượng A của Bắc Triều Tiên, vấn đề tỷ giá đồng Nhân dân tệ...). Không phải ngẫu nhiên sau khi nhậm chức Thủ tướng Nhật, ông Abe đã vượt qua tiền lệ, chọn Trung Quốc là nước đi thăm đầu tiên và có nhiều cố gắng thúc đẩy quan hệ Nhật - Trung. Tuy nhiên trong nhiều vấn đề quan trọng khác Trung Quốc chủ trương không làm gì vướng Mỹ (bỏ phiếu trắng ở LHQ trong vấn đề chiến tranh Afghanistan, chiến tranh Iraq…).
Tất cả cho thấy:
Trung Quốc không còn là một cường quốc khu vực thụ động như trước sự kiện 11 tháng 9, mà đang trở thành một cường quốc quốc tế rất chủ động. Với chính sách quyền lực mềm có thực lực hỗ trợ, Trung Quốc ngày một vươn xa hơn khắp thế giới, đang trở thành hiện tượng của thế kỷ. Riêng tại khu vực Đông Á và Đông Nam Á ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng. Tại khu vực Đông Nam Á có người trong giới nghiên cứu đã nói tới thế lưỡng cực Mỹ - Trung. Tuy nhiên về đại cục, Trung Quốc vẫn xử thế theo cách thừa nhận vai trò số một của siêu cường Mỹ, cho rằng duy trì trật tự thế giới hiện thời là có lợi nhất cho Trung Quốc.
Ngày nay Trung Quốc không giấu mình nữa, nhưng vẫn tiếp tục chủ trương không đi đầu để tranh thủ thời gian phát triển thế và lực. Tình hình này sẽ kéo dài bao nhiêu lâu? Các mốc dự báo của giới nghiên cứu phương Tây 2025, 2050 có ý nghĩa gì không? Nhỡ ngắn hơn thì sao? Sau 2025, 2050 sẽ là cái gì?.. Mỹ đang tự hỏi mình như thế. Các cường quốc khác đang đặt ra những câu hỏi như thế? Chắc chắn còn nhiều nước khác hỏi những câu hỏi này.
Giới nghiên cứu phương Tây từ hàng chục năm nay có nhiều dự báo về nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng của Trung Quốc trong những lĩnh vực tài chính tiền tệ, ngân hàng, vấn đề lớn tam nông đang trở thành tứ nông – nông dân, nông nghiệp, nông thôn; bây giờ thêm vấn đề mới là di chuyển lao động nông thôn vào thành thị với nhiều hệ quả,[15] môi trường, kinh tế quá “nóng”, nhiều vấn đề đối nội khác, vân vân... Thế nhưng Trung Quốc vẫn liên tục trỗi dậy với tốc độ tăng trưởng đứng đầu thế giới.
Các nguy cơ được nêu lên trong nội tình phát triển của Trung Quốc là có thật, song khủng hoảng chưa xảy ra. Nguyên nhân chính là kinh tế Trung Quốc vẫn trên đà phát triển, lãnh đạo Trung Quốc luôn nỗ lực vượt qua mọi giáo lý, kiên định bắm chắc thực tiễn và mục tiêu của sự nghiệp phục hưng Trung Quốc để xây dựng tầm nhìn, khai thác được trí tuệ của đất nước và của nhân loại, luôn luôn đủ bản lĩnh kiểm soát tình hình. Trung Quốc còn vươn xa nữa. Bản thân Trung Quốc là một thế giới nên khả năng xoay trở rất lớn, khi cần thiết Trung Quốc sẵn sàng biện pháp quyết liệt ứng phó, xử lý.
Nói thêm về quan hệ Trung Quốc – ASEAN:
Có 10 nước ASEAN thì Trung Quốc cũng có 10 chính sách khác nhau cho từng thành viên ASEAN:
- Trung Quốc đã ký Hiệp định Thương mại tự do với Thái Lan, thương mại năm 2006 đạt 8tỷ USD; Thái Lan là nước đứng thứ 18 đầu tư vào Trung Quốc.
- Tháng 4-2005 Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đi thăm Phi-líp-pin, ký văn bản Hợp tác Trung Quốc – Phi-líp-pin thế kỷ 21, ký kết các công trình đầu tư khai thác nickel và dầu khí (Vạn An Bắc) với tổng FDI là 1,7 tỷ USD, dự kiến thương mại 2 nước năm 2010 đạt 30 tỷ USD.
- 25 tháng 4-2005 Chủ tịch Hồ Cẩm Đào ký tuyên bố chung với tổng thống In-đô-nê-xi-a Susilo công nhận nhau là đối tác chiến lược, đưa buôn bán 2 chiều lên 20 tỷ USD trong vòng 3 năm (2008). Ngày 29-07-2005 Susilo đi thăm Trung Quốc, hai bên thoả thuận mở rộng sang hợp tác quân sự (viện trợ kỹ thuật tên lửa có tầm bắn 150 km, mua vũ khí Trung Quốc...).
- vân… vân…
Việt Nam là nước đông dân thứ hai trong ASEAN, nhưng do nội dung những vấn đề vốn dĩ tồn tại trong quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, nên trong quan hệ song phương thuộc khung khổ ASEAN thì Việt Nam cũng là nước ASEAN có nhiều vấn đề với Trung Quốc hơn các nước ASEAN khác.
Tuy nhiên, chính sách ASEAN quan trọng nhất của Trung Quốc là phát huy ASEAN + 1.
II. 3. Các đối tác lớn khác của Việt Nam
Từ nhiều thập kỷ nay Việt Nam có quan hệ tốt với Nhật, EU, Nga, Ấn Độ. Sau Hội nghị cấp cao APEC 14 (Hà Nội) và sau khi Việt Nam gia nhập WTO quan hệ của nước ta với những đối tác này ngày càng được tăng cường.
Đặc biệt là chuyến đi thăm Nhật của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (19-10-2006) ngay sau khi nhậm chức đã đi tới kết quả nâng quan hệ hai nước lên thành đối tác chiến lược, với nhiều dự án hợp tác kinh tế mang tầm vóc quốc gia đối với Việt Nam. Kết quả này cho thấy nhiều khả năng còn bỏ phí.
Có thể nêu lên một số nhận xét chính như sau:
1. Những đối tác lớn này có tiềm năng lớn về nhiều mặt, không có những vướng mắc chính trị gì đáng kể đối với nước ta, có yêu cầu mở rộng hợp tác về mọi mặt với nước ta vì (a)cần mở rộng thị trường và đa dạng hoá thị trường để san bớt rủi ro; (b) tăng cường sự có mặt của họ tại khu vực này.
2. Nước ta coi trọng và rất nỗ lực phát triển quan hệ với những đối tác này. Hầu hết các đối tác này là thị trường xuất khẩu quan trọng của nước ta.
3. Kết quả hợp tác đạt được còn dưới tiềm năng cho phép và dưới sự mong đợi của các bên.
Chỗ yếu cơ bản về phía ta không phải là lực bất tòng tâm – vì đây là chuyện muôn thuở và nước nghèo nào mà không như vậy? Vì vậy, chỗ yếu thực sự là ta chưa có một chiến lược khả thi và các chính sách đi kèm thu hút được các nguồn lực to lớn - kể cả FDI và công nghệ - từ những đối tác này. Yếu kém này nằm ngay trong chiến lược phát triển của ta:
1. tiến trình công nghiệp hoá - hiện đại hoá không đi theo trình tự phát triển kết cấu hạ tầng vật chất kỹ thuật phải đi trước một bước;
2. một thời gian dài có xu hướng phát huy nội lực với nghĩa hẹp và có lúc biến tướng thành tự cung tự cấp; song có lúc lại nặng về tranh thủ được gì thì hợp tác nấy;
3. thiếu hẳn những quyết sách cụ thể phát huy thế mạnh của từng đối tác, nói nhiều về thực hiện đa phương đa dạng hoá các mối quan hệ nhưng chưa làm được bao nhiêu;
4. kết cấu hạ tầng xã hội và thể chế pháp lý không phát triển kịp với phát triển kinh tế và cũng vì thế không đáp ứng được những đòi hỏi cho việc mở rộng hợp tác;
5. trên hết cả là chữ tín trong hợp tác chưa được như mong muốn.
Ngoài ra còn một số yếu kém trong cách xử sự của ta đối với những vấn đề thuộc về quá khứ. Cuộc sống cho thấy phải vượt qua những vấn đề cảm tính thuộc ý thức hệ và cảm tính lịch sử để gìn giữ và phát triển mối quan hệ quốc gia lâu dài của ta với mọi đối tác trên thế giới, nhất là những đối tác lớn.
Nếu nước ta muốn phát triển những mối quan hệ tốt với Mỹ và Trung Quốc, càng phải chăm lo phát triển quan hệ với những đối tác lớn này.
II. 4. Việt Nam, ASEAN và các đối tác khác trong khu vực
Lợi ích chiến lược của Việt Nam đòi hỏi phải thường xuyên tăng cường quan hệ với mọi đối tác khác trong khu vực. Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự hợp tác này. Song với vị trí địa lý kinh tế và vai trò chính trị của mình trong khu vực, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để có thể trở thành một thành viên hợp tác năng động và có năng lực.
Riêng trong ASEAN, Việt Nam phải cố gắng phấn đấu thoát khỏi nhóm nước ASEAN nghèo (ASEAN 4) để tham gia bình đẳng với các nước ASEAN 6, và qua đó góp phần tạo ra một ASEAN vững mạnh, có khả năng đóng góp tích cực vào hoà bình, ổn định và hợp tác của khu vực, được tất cả các bên hữu quan tôn trọng. Một ASEAN như thế phù hợp với lợi ích của Việt Nam.
Kết luận cần rút ra
Nhìn bao quát tình hình thế giới hiện nay như đã trình bày bên trên, có thể nói Việt Nam đang ở vào thời kỳ có điều kiện mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt với tất cả những cường quốc, những nền kinh tế lớn và với hầu hết mọi quốc gia khác trên thế giới; tất cả những đối tác này cũng có yêu cầu và muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam; cả phía ta và phía các đối tác đều có nhiều khả năng hiện thực thực hiện sự hợp tác đáng mong muốn ấy.
Một nước Việt Nam phát triển sẽ là sự đóng góp tích cực vào hoà bình ổn định ở khu vực, cũng có nghĩa là góp phần mở rộng thị trường trong khu vực - cái mà những nguồn lực về vốn và công nghệ rất phong phú trên thế giới đang cần để có không gian hoạt động ngày càng rộng lớn. Mặt khác sự phát triển mạnh của thị trường khu vực cũng sẽ giúp nước ta mở rộng thị trường của chính mình. Phát triển theo xu thế luôn luôn tạo ra cho mình khả năng mới mở rộng thị trường là xu thế phát triển bền vững mà quốc gia thông minh nào cũng phải lựa chọn.
Có thể nói, chưa bao giờ tình hình thế giới và khu vực lại hội tụ những yếu tố thuận lợi to lớn như thế cho việc phát triển mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và thế giới bên ngoài, để mở ra một giai đoạn phát triển mới của Việt Nam.
Đồng thời cũng có thể nói, từ ngày lập quốc chưa bao giờ Việt Nam đứng trước một cơ hội lớn như vậy: Không có quốc gia kẻ thù, xu thế chủ đạo trong chính sách đối với Việt Nam của các đối tác liên quan đến nước ta - nhất là các đối tác lớn – trong thời gian trước mắt xu thế chính vẫn là hợp tác.
Thời cơ như thế không phải là vĩnh cửu. Có thể dự báo chừng nào các đối tác lớn của nước ta - trước hết là Mỹ và Trung Quốc còn duy trì các chính sách và những mối quan hệ giữa họ với nhau ở trạng thái cân bằng tại khu vực này như hiện nay, những điều kiện để nước ta có thể phát triển được sự hợp tác như vậy còn kéo dài. Có thể 10 năm, 15 năm, hoặc 20 năm? Đương nhiên triển vọng sau đó như thế nào còn tuỳ thuộc một phần vào bản lĩnh ứng xử của nước ta. Chắc chắn mỗi một ngày bây giờ đối với nước ta còn quý hơn vàng, không gì mua được! Xa hơn nữa rất khó dự báo.[16] Làm sao lường hết được những tsunami kinh tế, chính trị và tự nhiên!
Câu hỏi quan trọng hơn và quyết định là: Nước ta lựa chọn gì cho mình trong thời gian vàng có giới hạn này?
Kinh tế dạy chúng ta phải làm ra sản phẩm thị trường cần, chứ không phải là làm ra sản phẩm chúng ta muốn.
Vậy nên chăng từ những thành tựu đất nước đã giành được, từ những kinh nghiệm thất bại và thành công trên chặng đường đã đi 30 năm qua, từ vị thế hôm nay của đất nước, từ tình hình thế giới hiện nay cần rút ra kết luận: Chiến lược phát triển quốc gia của chúng ta trong thời gian vàng này là xây dựng một nước Việt Nam mà tất cả các đối tác của nước ta đều cần, đều mong muốn.
Đấy là một Việt Nam có thực lực đứng trên đôi chân của mình, không lệ thuộc vào ai để nảy sinh ra một lợi thế thiên lệch nào đó mà không một ai trong đối tác của chúng ta mong muốn, một Việt Nam có khả năng tích cực đóng góp vào hoà bình, ổn định và hợp tác trong khu vực và trên thế giới, một Việt Nam là đối tác có ích và cần thiết, là cầu nối liên hệ giữa mọi đối tác khác trên thế giới, một Việt Nam cổ vũ sự phát triển và hợp tác của các nước đang phát triển.
Nhìn vào tầm vóc đất nước, con người và vị trí địa lý của Việt Nam, nhìn vào vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực, còn phải nhấn mạnh: Sự lựa chọn nói trên là nguyện vọng sâu xa của dân tộc ta và cũng là mong muốn của nhiều nước khác - trước hết là các nước trong khu vực Đông Nam Á – vì lợi ích của chính họ. Sự lựa chọn này là trách nhiệm với chính mình và với thế giới mà Việt Nam phải nhận lấy - muốn chấm dứt mãi mãi kiếp lệ thuộc thì phải nhận lấy, phải thoát khỏi tự ti dân tộc mà nhận lấy.
Chúng ta phải lựa chọn con đường phát triển đất nước theo hướng để Việt Nam là tên một quốc gia, song đồng thời một ngày nào đó Việt Nam sẽ là biểu tượng của hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Dân tộc ta cũng phải tự trau giồi cho mình phẩm chất, trí tuệ, nghị lực và bản lĩnh như thế nào để lựa chọn được, nghĩa là thực hiện được con đường phát triển này.
Phấn đấu để cho Việt Nam đến một ngày nào đó trở thành biểu tượng của hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển chính là phấn đấu đi với cả thế giới, là vươn lên đi với xu thế tiến bộ của cả thế giới. Một Việt Nam như thế người Việt Nam nào không mong muốn? Một Việt Nam như thế dễ gì ai uy hiếp được? Đặt mục tiêu như thế, sẽ rõ con đường phải đi, những việc phải làm - từ đời sống mọi mặt trong lòng nội bộ đất nước đến toàn bộ mối quan hệ với cả thế giới bên ngoài.
Nói khái quát: Lựa chọn chỗ đứng của Việt Nam với tính cách là một trong những chủ nhân của thế giới ngày nay, để phát triển một Việt Nam phồn thịnh và có ích cho thế giới. Đó chính là chỗ đứng Việt Nam phải giành lấy trong thế giới đang chuyển hoá sang trật tự đa cực. Ngay trước mắt, đó là sự lựa chọn con đường chấm dứt tụt hậu.
Có dám như vậy hay không?
Là chủ nhân như thế không thể ngửa tay đi xin, không thể dựa dẫm trông mong vào cái ngày mai ăn cơm không phải trả tiền trong một thế giới không hề có chuyện ăn cơm không phải trả tiền. Là chủ nhân như thế phải có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng.
Lựa chọn như thế, là sự lựa chọn gian khó nhất của dân tộc ta kể từ ngày dựng nước. Bởi lẽ hầu hết những sự lựa chọn từ trước cho đến nay là sự lựa chọn chiến thắng hay chịu đầu hàng kẻ xâm lược. Bây giờ là lự lựa chọn: Chiến thắng hay chịu đầu hàng những yếu kém của chính mình trước cả thế giới toàn cầu hoá ngày nay.
Có dám không?
Còn phải nói thêm: Đem mọi thử thách từ Cách mạng Tháng Tám cho đến cuộc kháng chiến chống Mỹ vừa qua ra so với những gì dân tộc ta có trong tay, dân tộc ta đã chấp nhận những thách thức này không một chút tự ti và đã thắng. Ngày nay, đem mọi thử thách phía trước ra so với thời cơ và những gì đất nước hôm nay có trong tay, phải chăng chúng ta đang tự ti rất nặng? Nhức buốt đến mấy, chúng ta quyết không lảng tránh câu hỏi này.
Còn phải nói thêm, lựa chọn như vậy, nước ta sẽ đứng trước một sự lựa chọn lớn hơn, khó hơn: Làm gì, làm như thế nào để xây dựng một Việt Nam như thế?
Sự lựa chọn này ngay tức khắc đặt ra cho dân tộc ta, cho mỗi thành viên trong cộng đồng dân tộc ta yêu cầu: Từ những truyền thống lịch sử, văn hoá đáng tự hào của mình, cần xây dựng và rèn luyện nhân sinh quan mới, phẩm chất mới phù hợp với một quốc gia làm người chủ trong thế giới hôm nay, phấn đấu từ những bước đi nhỏ nhất để sớm trở thành một thành viên trong cộng đồng thế giới làm ăn đứng đắn, không phải nhận lương của ai, không ăn theo ăn bám ai, sớm thôi nhận ODA, không lệ thuộc vào ai, sớm có ích cho cộng đồng các quốc gia trên thế giới. Nhân sinh quan và phẩm chất mới này vô cùng cần thiết, giống như đầu tiên con người phải có không khí để thở và có cái chí hướng đúng để sống.
Thiết nghĩ tầng lớp tinh hoa và lãnh đạo của đất nước cần ý thức sâu sắc sự lựa chọn này mà thời thế hôm nay đang đặt ra cho đất nước, thôi thúc ý chí vì sự lựa chọn này trong lòng dân tộc – như một thời ý chí Không gì quý hơn độc lập tự do!
III. Nước ta đang ở đâu?
Thật không đơn giản nếu muốn tìm một câu trả lời nghiêm túc.
Mấy năm gần đây, nhất là từ năm 2006 đến nay, không hiếm lời ca tụng, lời tâng bốc từ bên ngoài, từ người nước ngoài về một con rồng, con hổ Việt Nam đang thức dậy, về Việt Nam sẽ sớm qua mặt Thái Lan, vân… vân… Có lời khen còn ấn định thời gian diễn ra sự thần kỳ này một hai thập kỷ tới…
Lời tâng bốc để ngoài tai. Còn sự thán phục thì nên nghe với thái độ thực sự cầu thị, để tỉnh táo, để tự tin cho nhiệm vụ phía trước. Sự thật là thành tựu của 20 năm đổi mới mang ý nghĩa chiến lược: Tạo ra mọi tiền đề vừa cho phép, vừa đòi hỏi Việt Nam phải chuyển đổi nhanh để sớm trở thành một nước phát triển.
Một sự thật khác nữa: xuất phát điểm của nước ta còn rất thấp, khoảng cách phát triển nước ta phải vượt qua là rất lớn.
III. 1. Tiếng nói của các con số và sự kiện
Sau 20 năm đổi mới GDP danh nghĩa tính theo đầu người năm 2006 tăng gấp 4 lần năm 1986. Số liệu này khẳng định tất cả những gì đã làm được.
Tuy nhiên, cũng theo số liệu thống kê của IMF năm 2006, GDP danh nghĩa toàn thế giới tính theo đầu người năm 2005 là 7263 USD, của Việt Nam là 650 USD,[17] nghĩa là gần bằng 9% mức của thế giới – nghĩa là khoảng cách của nước ta so với thế giới bên ngoài là rất lớn.
So sánh với các nước láng giềng chung quanh, cùng nguồn thống kê nêu trên cho thấy: Mặc dù gần một thập kỷ liên tiếp Việt Nam có tốc độ tăng trưởng đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc, nhưng GDP danh nghĩa tính theo đầu người của Việt Nam năm 2005 bằng 33% của Trung Quốc (1940 USD); 2,1% Singapore (29765 USD), 3,6% Hàn Quốc (17865 USD); 4,2% Đài Loan (15387 USD); 12% Ma-lai-xi-a (5376 USD); 21% Thái Lan (2993 USD); 43% In-đô-nê-xi-a (1500 USD); và 50% Phi-líp-pin (1278 USD).[18]
Với tốc độ phát triển như 20 năm đổi mới vừa qua, để Việt Nam có được độ dài đường bộ cao tốc, đường sắt tính theo đầu người và lượng điện tính theo đầu người như Thái Lan và Trung Quốc hiện nay, nước ta ước chừng cần 20 năm.
Còn nhiều chỉ số khác để so sánh: kim ngạch xuất khẩu, dự trữ ngoại tệ, thu hút FDI.., nhìn vào chỉ số nào cũng thấy khoảng cách rất lớn.
Một hiện tượng nữa: Từ năm 2005, 2006 tốc độ tăng trưởng GDP của Campuchia đạt khoảng 10% năm, nghĩa là đẩy Việt Nam xuống hàng thứ 3 về tăng trưởng nhanh (các năm trước nữa Campuchia chưa có số liệu thống kê đầy đủ, song ước tính đạt 9%/năm trong gần một thập kỷ nay).
Nền kinh tế nước ta ngày nay tạo ra được nhiều sản phẩm mới trước đây chưa có, chủng loại sản phẩm tham gia xuất khẩu lên tới hàng trăm, nhiều sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường thế giới, một số sản phẩm đã tiếp cận được với công nghệ hiện đại… Nhờ vậy, ngày nay cứ 10 đồng của cải mới làm ra thì có tới 6 đồng dành cho xuất khẩu!
Tuy nhiên thành tựu nói trên không được phép che khuất thực tế tỷ trọng sản phẩm công nghiệp trong cơ cấu toàn bộ nền kinh tế còn thấp, hàm lượng công nghệ và chất xám cũng như tỷ lệ lãi trong mỗi sản phẩm còn thua kém nhiều nước có trình độ phát triển kinh tế tương tự như nước ta, đi như 20 năm qua vẫn là “chậm”, xin ghi nhớ điều này để không tự mãn.[19] Nếu tính theo chỉ số ICOR liên tiếp những năm gần đây là 5 hoặc >5 thì tốc độ tăng trưởng GDP đạt được hiện nay là thấp; tăng trưởng mới chủ yếu dựa vào đầu tư mới, chứ không phải công nghệ mới. Tiếp tục duy trì cơ cấu kinh tế như hiện nay, vào khoảng năm 2020 nước ta có nguy cơ trở thành một “bãi rác công nghiệp”.
Nghị quyết Đại hội X ghi: Phải sớm đưa nước ta ra khỏi hàng ngũ các nước nghèo và chậm phát triển vào năm 2010 - giả thử với cái đích GDP theo đầu người tối thiểu phải đạt 1500 - 2000 USD, và phải trở thành nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại vào năm 2020 - giả thử với tiêu chí tối thiểu là tỷ lệ lao động trong nông nghiệp chỉ còn vào khoảng 30-40% lao động cả nước… Thử tính xem có đủ thời gian để thực hiện không? Ví bằng thực hiện được, nước ta lúc đó vẫn chưa bằng Thái Lan hôm nay.
Điều cần chú ý là phương hướng phát triển kinh tế theo chiều rộng, chủ yếu dựa lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên, huy động nhiều đầu tư mới như hiện nay đã đi tới giới hạn không thể vượt qua trên nhiều phương diện:
1. Khả năng cạnh tranh của lao động giá rẻ (cơ bắp, ít hàm lượng kỹ năng hoặc chất xám) ngày càng thấp, ngày càng ít khả năng hấp thụ đầu tư mới có hàm lượng công nghệ cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế càng khó khăn. Trong khi thiếu việc làm gay gắt, ta lại rất thiếu lực lượng lao động có nghề, có kỹ năng cao.
2. Kết cấu hạ tầng vật chất kỹ thuật ngày càng không theo kịp yêu cầu phát triển; đường xá, những công trình tiện ích khác… ngày càng thiếu; đất đai, điện nước và nhiều nguyên liệu khác ngày càng khan hiếm nhưng đang lãng phí và thất thoát trầm trọng; môi trường tự nhiên xuống cấp tệ hại so với thành tựu kinh tế đạt được.
3. Thể chế pháp lý và hệ thống quản lý nhà nước, quản lý xã hội ngày càng không theo kịp yêu cầu phát triển của đất nước; cải cách hành chính hầu như giẫm chân tại chỗ trong suốt 20 năm đổi mới, khả năng thực thi luật pháp và các chính sách quốc kế dân sinh rất thấp, khả năng thực hiện những cam kết trong kinh tế đối ngoại cũng rất thấp, năng lực nghề nghiệp đội ngũ cán bộ nhà nước dưới tầm đòi hỏi phát triển của đất nước – thua kém năng lực đội ngũ cán bộ các nước Trung Quốc, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a, Phi-líp-pin..; tệ nạn quan liêu tham nhũng trầm trọng.
4. Phát triển nguồn nhân lực, phát triển xã hội không đáp ứng đòi hỏi phát triển của đất nước. Bây giờ mới dám thừa nhận sự đổ vỡ của nền giáo dục nước nhà; ngành y tế có nhiều bất cập lớn; trong khi đó chi tiêu cho y tế và giáo dục ở nước ta tính theo tỷ lệ thu nhập của người dân cao hơn rất nhiều so với các nước ASEAN.
5. Đạo đức và nhiều giá trị xã hội quan trọng xuống cấp tới mức độ nguy hiểm. Quan liêu cùng với nhiều thói hư tật xấu và tệ nạn xã hội đang kìm hãm ý chí vươn lên của người dân - nhất là của thanh niên; mặt khác đang làm thui chột nhiều chủ trương chính sách đúng đắn. Khẩu hiệu “sống và làm việc theo pháp luật” vẫn còn là một mơ ước nhiều hơn là một thực tế. Cả nước đang trả giá cho bệnh đạo đức giả, bệnh thành tích, bệnh nói dối kéo dài lâu nay.
Trên hết cả, yếu kém lớn nhất và cũng là điều lo lắng sâu xa nhất là: Nhìn chung trình độ dân trí còn thấp so với đòi hỏi của phát triển; trình độ và chất lượng vận hành của nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự - nói cụ thể hơn nữa là trình độ quản lý nhà nước, xã hội còn rất lạc hậu so với tiềm năng và đòi hỏi của phát triển. Thực tế cuộc sống đang có nhiều biểu hiện của những yếu kém này trở thành những “nếp sống” không thể dung hoà với sự lựa chọn mà đất nước phải lựa chọn.
Không triệt để đổi mới chính mình, tiếp tục nỗ lực phát triển đất nước trong tình trạng còn nhiều yếu kém như vậy, tương lai khả quan nhất là Việt Nam có thể trở thành một Phi-líp-pin thứ hai trong ASEAN. Song vì nhiều lẽ chắc ai cũng biết, khác chăng là một Việt Nam Phi-líp-pin như vậy chắc sẽ khó lòng được yên thân như Phi-líp-pin.
Về đối ngoại, đáng lưu ý một thực tế là nước ta có vị thế quốc tế và thời cơ thuận lợi như đã trình bày trong phần II, nhưng thực lực yếu, thêm vào đó là có không ít những yếu kém trong đối ngoại, nên Việt Nam giữ vị trí tương đối thấp trong chính sách đối ngoại của hầu hết các đối tác quan trọng của nước ta, kể cả Trung Quốc và các nước ASEAN. Thực tế này cho thấy chính sách đối ngoại tốt không thôi chưa đủ, nếu thiếu khả năng và bản lĩnh thực thi. Việt Nam là nước có sức hấp dẫn cao đối với FDI vì nhiều lý do đã trình bày trong phần II, song cũng vì năng lực yếu kém nên FDI thu hút được thường ít hàm lượng công nghệ cao, tỷ lệ vốn thực hiện so với vốn cam kết thấp. Hội nghị cấp cao APEC 14 (Hà Nội) nói lên rất rõ vị thế quốc tế thuận lợi của Việt Nam. Song hiển nhiên còn cả một chặng đường dài phấn đấu gian khổ để Việt Nam từ một nước chủ nhà tốt trở thành một nước chủ trì tốt, trở thành một đối tác kinh tế có sức nặng cân xứng với tầm vóc, vị thế của đất nước.
Vị trí thấp của ta trong chính sách đối ngoại của các đối tác đặt ra cho nước ta không ít thách thức tiềm tàng, kể cả về mặt an ninh với nghĩa cần có nhiều đồng minh và đồng minh tin cậy. Ví dù có đem toàn bộ của cải của đất nước ra chỉ để xây dựng thực lực quốc phòng và thực hiện thiết quân luật 24 giờ trên 24 giờ cũng không thể nào thay thế được yếu tố an ninh này. Không thể trách cứ bất kỳ nước nào về vị trí thấp của nước ta trong chính sách đối ngoại của họ, kể cả những nước là bạn thân nhất. Lẽ đơn giản là vị trí của nước ta trong chính sách đối ngoại của họ do chính thực lực của ta và vị thế đối ngoại của ta quyết định, không lòng tốt hay truyền thống hữu nghị lịch sử nào thay thế được điều này.
Đấy là chưa nói đến còn biết bao nhiêu vấn đề quốc tế và khu vực liên quan thiết thân đến đời sống toàn cầu, đến bàn cờ thế giới, vai trò và ảnh hưởng của nước ta quá khiêm tốn. Đi vào đại dương của hội nhập toàn cầu, lợi ích của nước ta cũng như trách nhiệm là nước thành viên phải mang vác, không thể giữ mãi vai trò và ảnh hưởng như thế.
Bàn về phép trị nước ông cha ta đã tổng kết: Phải thực hiện trong ấm ngoài êm.[20] Như vậy là thêm một lý do đối ngoại nữa rất bức xúc, khiến nước ta phải sớm tìm ra con đường phát triển nhanh và bền vững cho đất nước, càng thôi thúc chúng ta phải sớm đưa đất nước vươn lên một giai đoạn phát triển mới.
IV. Suy nghĩ thực hiện sự lựa chọn
IV. 1. Vốn liếng trong tay không ít
Qua rồi cái thời tay không bắt giặc, đất nước ta đang tiến vào cái thời ngày càng khắc nghiệt: Tay không sẽ chẳng bắt được gì, trừ phi muốn nhận sự bố thí, thậm chí có thực lực non yếu cũng chỉ nhận được thứ tầm tầm “second hand”.
Cũng qua rồi cái thời ta chỉ có tay không. Sức mua, thị trường lớn, đất đai và tài nguyên, tầm vóc và vị thế quốc gia, sức phát triển năng động, các nguồn lực đã tích luỹ được, đất nước hoà bình ổn định… Đấy là những vốn liếng nước ta có trong tay, không thể nói là ít, nhiều nước đang phát triển khác đang ao ước.
Vốn quý nhất của đất nước không thể nói là nhỏ: Dân tộc ta là một dân tộc trẻ, khao khát phấn đấu cho cuộc sống giàu có và hạnh phúc, 52% dân số trong tuổi lao động, trên 45% dân số tuổi dưới 40, trình độ học vấn không thấp so với nhiều nước đang phát triển giàu có hơn mình, có nhiều khả năng tiếp thu kỹ năng và công nghệ. Một dân tộc như thế mà nghèo yếu mới là câu hỏi phải đặt ra!
Nước ta còn có nhiều nguồn vốn quý khác chưa được đánh giá đúng mức:
- Chỉ riêng việc giảm bớt tư tưởng thành tích, giảm bớt sự trùng lặp và tư tưởng cát cứ, địa phương chủ nghĩa - cả nước là 64 nền kinh tế tỉnh thành và gần 30 nền kinh tế Bộ, ngành, tổng cục..; chỉ cần giảm bớt những đầu tư chạy theo thành tích và tăng trưởng GDP cho địa phương mình, ngành mình – vô luận nền kinh tế thiếu hay thừa.., cả nước sẽ dôi dư ra những nguồn lực rất to lớn.
- Nhìn nhận lại các bước đi, nhìn nhận lại quy hoạch phát triển, nhìn nhận lại những dự án đầu tư cực kỳ lãng phí và gây thêm ách tắc mới.., nếu thay đổi sự phân bổ nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, thay đổi cách thu hút và phân bổ nguồn lực đầu tư của xã hội, của FDI qua những thiết chế, luật pháp, những khuyến khích, cởi mở.., rất có thể hình dung vốn liếng trong tay ta không ít.
- Chưa nói đến việc chống tham nhũng, chỉ cần giảm thiểu một phần ba, hoặc phân nửa, tốn kém về thời gian – cũng có nghĩa là sự mất mát về cơ hội – cho các doanh nghiệp, giảm bớt những chi phí trung gian, loại bớt những giấy tờ mẹ, con… các doanh nghiệp đã được nhờ lắm rồi, sẽ dôi dư ra bao nhiêu tâm sức, thời gian và của cải cho những hoạt động kinh doanh hữu ích khác.
- vân vân…
Còn một lãng phí ghê gớm nhất thiết phải nêu lên, đó là lãng phí người tài, lãng phí sự sáng tạo, sử dụng người không đúng chỗ, không đúng năng lực, phát sinh ra một lớp người quan liêu ăn bám mới cản trở bao người khác và kìm hãm đất nước. Tại sao không tính đến đảo ngược sự lãng phí này thành vốn liếng trong tay?
Ngày nay hàng năm khu vực kinh tế tư nhân làm ra trên 50% GDP cả nước, cung cấp 80% việc làm mới cho xã hội và trên 80% kim ngạch xuất khầu (trừ dầu khí và khoáng sản). Nguồn ngoại tệ lớn nhất tích lũy được cũng đến từ khu vực kinh tế tư nhân, riêng kiều hối hàng năm đã 4 – 5 tỷ USD. Khu vực kinh tế quốc doanh tuy chiếm tới 70% vốn liếng toàn xã hội, với nhiều tài nguyên đất đai và đặc quyền khác song cũng chỉ làm ra dưới 50% của cải toàn xã hội; tuy nhiên phải thừa nhận ngày nay khu vực kinh tế quốc doanh hoạt động hiệu quả hơn thời bao cấp - nhờ phải bơi trải trong cơ chế thị trường. Nếu toàn bộ nguồn của cải này của đất nước được phát huy hết mức?
Nhìn lại bài học của đổi mới: Không nhìn thẳng vào sự thật, không phát huy tự do dân chủ, làm sao có sáng tạo để đạt được những thành tựu của 20 năm qua? Chính ý chí này, chính tư duy này là vốn đẻ ra vốn mà nước ta đang cần phải có bản lĩnh phát huy hết mức.
Điểm lại lực lượng trước khi bước vào cuộc trường trinh mới, cần khẳng định dứt khoát vốn trong tay của nước ta rõ ràng không ít: Con gười Việt Nam, nguồn tài nguyên đất đai và vị thế quốc gia, ý chí nhìn thẳng vào sự thật và khao khát phấn đấu cho tự do phát huy nghị lực sáng tạo của mình.
Vấn đề lớn nhất, thách thức lớn nhất đặt ra cho lãnh đạo nước ta là làm sao nuôi dưỡng, phát huy được nguồn vốn đất nước có trong tay cực kỳ to lớn này, làm sao nghiêm cấm mọi hành vi xâm hại nó.
Vấn đề lớn nhất và thách thức lớn nhất đối với nhân dân ta là ý thức sâu sắc được nguồn vốn trong tay này, quyết tâm bảo vệ, phát huy; quyết không để cho yếu kém của bản thân mình cũng như sự tha hoá của bộ máy quản lý nhà nước làm mai một, lãng phí.
Cả nước phát huy được nguồn vốn trong tay như vậy còn là điều kiện tiên quyết thu hút có hiệu quả mọi nguồn lực có chất lượng cao từ bên ngoài cho sự nghiệp phát triển đất nước, mở mang cho đất nước thị trường mới để vươn xa ra thế giới bên ngoài - đòi hỏi không thể thiếu để con người Việt Nam có điều kiện vùng vẫy, phát huy hết mức bản thân mình cho sự nghiệp dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh.
Thiết nghĩ, điểm lại vốn liếng có trong tay như thế, tự việc này cũng đã hé mở những giải pháp, những bước đi phải thực hiện cho sự lựa chọn của nước ta.
IV. 2. Làm gì? Trả lời: - Đổi mới lợi thế so sánh
Tất cả những điều trình bầy trong các phần trên cho thấy nước ta không thể tiếp tục chạy theo lợi thế so sánh lao động rẻ, khai thác tài nguyên và bán môi trường, không thể đi tiếp theo con đường bóc ngắn cắn dài, không thể kéo dài mãi tình trạng hệ thống chính trị không theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Năm 1986 khi Việt Nam tiến hành đổi mới, khoảng cách GDP tính theo đầu người giữa Việt Nam và Trung Quốc là 200 USD, năm 2005 khoảng cách này là 1290 USD nghiêng về phía Trung Quốc. Cũng so sánh như vậy với Thái Lan khoảng cách này năm 1986 là 1296 USD, năm 2005 là 2343 USD… Có rất nhiều số liệu thống kê chứng minh càng chạy đua như vừa qua, chắc chắn càng tụt hậu.
Bây giờ suy nghĩ và trí tuệ cần tập trung vào việc nghiên cứu, mở ra cho đất nước chiến lược tạo lợi thế so sánh mới: Sự phát triển dựa trên phát huy nguồn lực con người và khai thác hội nhập, với cái đích gần là phải sớm trở thành một nước công nghiệp hoá như đã ghi trong nhiều nghị quyết của Đảng Cộng Sản Việt Nam (đúng ra là nước mới công nghiệp hoá – NIC), cái đích xa hơn là phải phấn đấu để trở thành một nước phát triển.
Cái đích dân giầu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh ngàn đời vẫn đúng, xuốt thế kỷ này hoặc xa hơn nữa vẫn có thể đặt nó làm mục tiêu để phấn đấu. Mục tiêu dài như thế có thể duy trì như một lý tưởng, song cần được cụ thể hoá thành những giai đoạn thực hiện từng bước, đại thể như sau:
● Giai đoạn trở thành nước mới công nghiệp hoá (NIC)
Theo quan điểm của các tổ chức Liên hiệp quốc, NIC là nước có những tiêu chí sau đây:
- Quyền tự do dân chủ trong xã hội và các quyền công dân khác ngày càng mở rộng.
- Chuyển hẳn từ nền kinh tế nông nghiệp sang nền kinh tế công nghiệp, đặc biệt là phát triển mạnh khu vực chế tạo, lao động nông nghiệp chỉ còn dưới 20% lao động cả nước.
- Nền kinh tế thị trường ngày càng mở và hoàn thiện, cho phép thương mại tự do với các nước trên thế giới.
- Hình thành được các công ty xuyên quốc gia (TNCs).
- Thu hút được khối lượng lớn FDI, nhất là từ các TNCs.
- Có sự lãnh đạo chính trị đối với khu vực ảnh hưởng trong khuôn khổ nhà nước pháp quyền ngày càng phát triển.
● Giai đoạn trở thành nước phát triển (developed country)
Còn được gọi là nước công nghiệp, cũng theo các tổ chức LHQ, có những tiêu chí:
- Kinh tế thị trường phát triển cao với đặc điểm có khu vực dịch vụ và khu vực công nghệ thông tin chiếm 70% GDP trở lên (Mỹ là 78%),
- Có thu nhập tính theo đầu người cao (từ 24 nghìn đến 80 nghìn USD, trên thế giới có 37 quốc gia và nền kinh tế được xếp vào loại này).
- Chỉ số phát triển con người cao,
- và trên hết cả là có nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự ở trình độ phát triển cao.
Về nguyên lý, để kinh tế phát triển, bao giờ cũng đòi hỏi phải có 3 điều kiện tất yếu: thị trường tự do, các quyền tự do dân chủ của con người được bảo đảm, không có tham nhũng (hiểu theo nghĩa tương đối). Những kinh nghiệm 20 năm đổi mới ở nước ta cũng thừa nhận như vậy.
Các NICs và các nước phát triển giống nhau ở chỗ phải tạo ra những yếu tố cơ bản:
(a) kinh tế phát triển,
(b) thị trường tự do,
(c) nhà nước pháp quyền,
(d) xã hội dân sự.[21]
Điểm khác nhau giữa NICs và nước phát triển trước hết là ở chỗ cả bốn yếu tố vừa kể trên của nước phát triển ở trình độ cao hơn hẳn.
Nhận xét trên gợi ý: Để mở ra hướng chiến lược phát triển đất nước dựa trên phát huy nguồn lực con người và khai thác hội nhập, ngay từ bây giờ cần quan tâm xây dựng đồng bộ cả 4 yếu tố vừa trình bày trên. Thậm chí có thể nói xây dựng đồng thời và đồng bộ cả 4 yếu tố ấy là bí quyết của thành công, bởi lẽ những yếu tố này vừa là tiền đề vừa là cứu cánh của nhau, cả 4 yếu tố này tổng hợp lại thành điều kiện tiên quyết để thực hiện chiến lược phát triển dựa trên phát huy nguồn lực con người và khai thác hội nhập.
Nhìn lại đoạn trường bốn, năm thập kỷ vừa qua của nhiều nước đang phát triển – trong đó rõ nét nhất là Thái Lan và Philippin, chúng ta thấy: Sau khi gặt hái được những thành tựu khả quan ban đầu, họ không chuyển mạnh được sang thay đổi lợi thế so sánh, không đi tiếp được trong việc đồng bộ xây dựng cả bốn yếu tố nói trên, nên dần dần đi vào ngõ cụt, đến hôm nay vẫn giẫm chân tại chỗ là các nước đang phát triển, riêng Thái Lan từ sau chiến tranh thế giới II thì hầu như cứ 3 năm có một cuộc đảo chính. Có lẽ đây là bài học rất quan trọng, rất thời sự đối với nước ta.
Xem như vậy: Tìm đường tạo ra lợi thế so sánh mới dựa trên phát huy nguồn lực con người và khai thác hội nhập, xây dựng bằng được nhà nước pháp quyền, kiên trì phát triển xã hội công dân, đó chính là nội dung chủ yếu của chiến lược phát triển đất nước ta cho những thập kỷ tới. Đó cũng là con đường lựa chọn cho nước ta chỗ đứng được chấp nhận trong thế giới đa cực.
IV. 3. Làm như thế nào?
● Dồn mọi nỗ lực cao nhất cho mục đích trung tâm là chuyển đổi lợi thế so sánh.
Dưới đây xin nêu lên một số gợi ý.
Trong trạng thái một nền kinh tế đông dân, còn nghèo và lạc hậu như ở nước ta, bàn tay và khả năng nhà nước hỗ trợ những đổ vỡ trong quá trình chuyển đổi rất hạn chế. Vì lẽ này khi chuyển đổi lợi thế so sánh vẫn phải duy trì tính liên tục trong phát triển kinh tế - xã hội, tuy nhiên với ý thức rút dần ra khỏi đường mòn đang đi, cố sao tránh những xáo động quá lớn mà khả năng đất nước không thể chịu đựng được. Suy nghĩ như vậy không có nghĩa tránh né những thay đổi quyết liệt buộc phải chấp nhận, nhất là chấm dứt hẳn mọi bao cấp - kể cả bao cấp đặc quyền; chấm dứt hẳn những “nền kinh tế” tỉnh và ngành, loại bỏ bệnh “thành tích”, đoạn tuyệt với tư tưởng “nhiệm kỳ” – vì đất nước không có nhiệm kỳ.
Trước khi bàn sâu thêm việc chuyển đổi sang lợi thế so sánh mới, có thể nhận định: Tình hình bên trong và bên ngoài của nước ta hiện nay cho phép vừa duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, vừa nâng cao chất lượng và hiệu quả nền kinh tế; cần chủ động thông qua nâng cao chất lượng và hiệu quả nền kinh tế để làm bật ra những khả năng, những điều kiện cho phép chuyển đổi nhanh sang lợi thế so sánh mới.
Để tạo ra lợi thế so sánh mới, nhà nước cần đặc biệt tập trung nỗ lực xác lập những ưu tiên mới mang tính định hướng trong mọi chính sách, thay đổi quy hoạch phát triển để phục vụ những uu tiên cho tạo ra lợi thế so sánh mới.
Thật ra từ hàng chục năm nay đã nhấn mạnh đến yêu cầu đổi mới cơ cấu kinh tế, song vì không định hướng được là nhằm vào đổi mới lợi thế so sánh, trong mọi chính sách được ban hành cũng không có những ưu tiên mang tính định hướng khuyến khích sự ra đời lợi thế so sánh mới, lại thiếu hẳn một quy hoạch phát triển để thực hiện những ưu tiên có định hướng, do đó việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế diễn ra rất chậm, thậm chí nhiều khi tự phát. Hiện nay còn nổi lên hiện tượng tranh thủ được đầu tư hay đối tác bên ngoài nào thì làm nấy, thiếu hẳn sự chọn lọc cần thiết cho đất nước chuyển sang xu thế phát triển theo chiều hướng đổi mới lợi thế so sánh. Toàn bộ thực trạng này cần được khắc phục.
Thiết nghĩ tạo ra lợi thế so sánh mới trước hết là công việc của giới kinh doanh, của doanh nghiệp, của các chủ thể tham gia nền kinh tế - bao gồm toàn bộ nguồn lực con người, vì họ là người quyết định chọn sản phẩm gì, cách đi như thế nào để tạo ra lợi thế so sánh mới trên cơ sở của thị trường - với mục tiêu cuối cùng là làm ra sản phẩm có sức cạnh tranh chủ yếu dựa trên công nghệ, chất xám.
Đặt vấn đề như thế, chỗ đứng hay là vai trò của nhà nước sẽ là trên cơ sở chiến lược và quy hoạch mới:
1.
Ban hành những chính sách khuyến khích cho các chủ thể của nền kinh tế có những thuận lợi trong việc tạo điều kiện, lựa chọn và làm ra sản phẩm mới theo hướng phát huy lợi thế so sánh mới;
2.
Điều động và phân bổ những nguồn lực từ ngân sách nhà nước hướng vào những ưu tiên của quốc gia trong việc phục vụ mục tiêu tạo ra lợi thế so sánh mới;
3.
Có quy hoạch phát triển theo hướng khuyến khích các sản phẩm mới đi theo hướng lợi thế so sánh mới – đặc biệt là những dự án phát triển kết cấu hạ tầng;
4.
Hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp trong toàn bộ quá trình hội nhập kinh tế thế giới;
5.
Làm tốt việc huy động và phân bổ các nguồn lực trong nền kinh tế, trong nước và nước ngoài cho việc nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ, vận dụng và phổ cập kỹ thuật và công nghệ;
6.
Khuyến khích phát triển hệ thống bảo hiểm và an sinh hỗ trợ những rủi ro trong quá trình đổi mới lợi thế so sánh;
7.
Đổi mới, cải tiến, hoàn thiện hệ thống quản lý nhà nước theo hướng khuyến khích sự phát triển lợi thế so sánh mới, chống quan liêu tham nhũng;
8.
Hỗ trợ xử lý những vấn đề mà doanh nhân, doanh nghiệp và thị trường không xử lý được hoặc xử lý kém hiệu quả;
9.
Xử lý tình hình khẩn cấp khi xảy ra;
10.
Bảo vệ môi trường;
11.
Làm tốt nhiệm vụ thông tin, dự báo, tăng khả năng tiên liệu được (predictability) đối với tình hình và biến chuyển của nền kinh tế;
12.
V.v.
Nói gọn lại, nhà nước cần và chỉ nên thực hiện vai trò là:
*
làm quy hoạch và tạo sân chơi, không ngừng nâng cấp cuộc chơi với tầm nhìn toàn cầu;
*
người cung cấp các dịch vụ và gìn giữ luật chơi;
*
người làm “giùm” những việc doanh nhân, doanh nghiệp và thị trường làm không tốt bằng, đặc biệt là trong phát triển kết cấu hạ tầng tạo ra những chuyển dịch lớn trong kinh tế;
*
nhà nước thôi không làm kế hoạch sản xuất các sản phẩm;
*
nhà nước thôi không làm kinh tế, ngoại trừ một số vấn đề liên quan đến quốc phòng và vệ sinh dịch tễ.
Đương nhiên những nước đang phát triển khác sẽ không ngồi yên đẻ cho riêng mình nước ta chạy. Vì vậy điều quyết định đối với nước ta là nắm bắt cơ hội bứt lên đi trước. Đi lên phải có lãnh đạo, chính là vì lẽ này. Yếu tố thời gian trong cạnh tranh ngày càng trở nên quyết định, chậm một ngày là lỡ một bước chân, là trâu chậm uống nước đục – ít nhất là theo nghĩa chỉ có khả năng lặp lại các sản phẩm những nước đi trước đã thải ra. Tình hình đặt ra cho nước ta chẳng những phải cố vươn lên đi trước, đồng thời ngay từ bây giờ đã phải hướng mạnh vào kinh tế tri thức.
Phát triển con người, phát triển thể chế tạo thuận lợi lớn nhất cho con người phát huy sáng tạo – đòi hỏi này cho thấy dân chủ là chìa khoá vạn năng cho mọi tình thế phát triển của kinh tế thế giới mà nền kinh tế nước ta ngày càng hội nhập mạnh mẽ. Vì vậy ngay từ bây giờ cần huy động trí tuệ cả nước xây dựng quốc sách lâu dài phát huy lợi thế so sánh về nguồn lực con người và nguồn tài nguyên đất đai Việt Nam với tầm nhìn mới như vậy.
Một vấn đề thời sự cực kỳ quan trọng khác: Cả thế giới lo tìm cách thích nghi với nền kinh tế Trung Quốc khổng lồ đang phát triển quá nóng và trỗi dậy mạnh mẽ với tính cách là công xưởng của cả thế giới. Trong trường hợp ở Trung Quốc xảy ra hiện tượng “vỡ bong bóng” dưới một dạng nào đó thì sao? Chưa quốc gia nào – các nước đang phát triển cũng như các nước phát triển – đã tìm ra đối sách thoả đáng. Những vấn đề phải tìm lời giải vẫn còn đang trên bàn nghị sự. Việt Nam là nước sát nách nền kinh tế này, câu hỏi đặt ra làm sao có thể tránh được tình trạng gần lửa rát mặt?
● Chỉ có thể thông qua xây dựng thực lực cho chính mình và hợp tác để tồn tại. – khó mà có câu trả lời nào khác
Nhưng hợp tác như thế nào nếu Việt Nam không tìm ra được lợi thế so sánh riêng của mình? Chắc chắn câu trả lời sẽ tốn rất nhiều trí tuệ và công sức, đó là: Tìm cách làm giàu bằng trí tuệ và kỹ năng của con người bên trên mảnh đất mình đang sinh sống, nhờ đó có khả năng hợp tác với cả thiên hạ. Mọi việc bắt đầu từ học.
IV. 4. Đổi mới hệ thống chính trị
Xây dựng và phát huy lợi thế so sánh mới dựa trên phát huy sự sáng tạo của con người như vậy đòi hỏi nhất thiết phải đẩy mạnh xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự (xã hội công dân).
Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam và vai trò quản lý của nhà nước phải đảm đương một chức năng cực kỳ khó khăn là phát huy dân chủ để huy động sự tham gia của toàn thể cộng đồng dân tộc vào nhiệm vụ xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội dân sự.
Ở Việt Nam, Đảng Cộng Sản Việt Nam là lực lượng chính trị có ảnh hưởng quyết định, Đảng giác ngộ về vấn đề dân tự xây đến đâu và như thế nào thì nên như thế. Nghĩa là phải bắt đầu từ sự tự giác của Đảng, giống như thời đánh giặc: Đảng phải tự giác nhận thức đánh giặc là sự nghiệp của toàn dân. Đảng đã phải làm mọi việc để đánh giặc trở thành sự nghiệp của toàn dân, vì Đảng không thể một mình đánh giặc, cũng không thể thay dân đánh giặc, nhờ thế ở chỗ nào, ở phương diện nào cũng đánh được giặc và đánh thắng. Kinh nghiệm này là vốn quý của Đảng.
Tôn trọng quyền của dân, giúp dân thực hiện được quyền của mình, thực hiện công khai minh bạch, luật không được trái với Hiến pháp, quyền lực tối cao cả nước ai ai cũng phải phục tùng là Hiến pháp… Làm được như thế, sẽ tìm ra phương thức thực hiện dân tự xây. Đòi hỏi về xây dựng nhà nước pháp quyền bàn theo góc độ tìm kiếm và phát huy lợi thế so sánh mới của đất nước cần xuất phát từ những thành tựu đã có trong tay để đi tiếp.
Có thể nhận định thế này: Dù còn rất nhiều yếu kém, những gì có trong tay thuộc về nhà nước pháp quyền trong thời gian qua đã góp phần quan trọng làm nên những thành tựu của đổi mới và hội nhập, những thành tựu mang lại lợi ích to lớn cho nhân dân và được dư luận thế giới đánh giá cao. Không có lý do gì để để không từ cơ sở vốn liếng đã gây dừng được này mà đi tiếp, với tinh thần để cho dân tự xây.
Chắc chắn sẽ có những ý kiến phản bác, sẽ có những kiến nghị khác, xin cứ để ngỏ cho tranh luận.
Có thể nói nhà nước pháp quyền của các quốc gia có thể chế dân chủ trên thế giới ngày nay hầu như không nước nào giống nước nào, ngoại trừ một số nét đặc trưng chung cơ bản mang tính nguyên lý như: (a) bảo đảm quyền công dân, (b) mối quan hệ công dân – xã hội - nhà nước, (c) sự phân công, phân bổ rạch ròi quyền lực và sự kiểm soát, kiềm chế lẫn nhau giữa các hệ trong hệ thống nhà nước, (d) vai trò tối thượng của Hiến pháp, (e) vai trò của toà án Hiến pháp… Sở dĩ có tình hình này là do mỗi quốc gia có hoàn cảnh lịch sử, văn hoá và trình độ phát triển khác nhau, con đường đi tới nhà nước pháp quyền của mỗi quốc gia này cũng rất khác nhau. Tìm kiếm khắp cả thế giới cũng không thể thấy được 2 quốc gia giống nhau.
Hơn nữa nhà nước pháp quyền không phải là một mô thức cứng nhắc, cố định, mà thường xuyên và liên tục phát triển theo sự tiến triển của kinh tế, văn hoá, xã hội, tiến bộ hoa học kỹ thuật và những điều kiện chính trị quốc gia và quốc tế khác trong quá trình toàn cầu hoá ngày nay, tiến triển theo những bước đi của văn minh nhân loại nói chung. Cũng vì những lý do như vậy, nội dung và vai trò xã hội công dân ở mỗi quốc gia mỗi khác, trong đó vai trò các đảng phái và các hiệp hội, các tổ chức xã hội, các tổ chức quần chúng… cũng mỗi nơi đều khác về hình thức và mức độ phát triển.
Tất cả cho thấy trong xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội công dân mỗi nước phải tìm con đường đi riêng của mình, xuất phát từ hoàn cảnh cụ thể của mình, không thể nước nào sao chép mô hình của nước nào, nhưng cái đích thì phải bám chắc.
Phải nói thêm, ngay ở những nước có mô hình nhà nước pháp quyền và xã hội công dân ở mức độ phát triển cao, công dân cũng phải thường xuyên đấu tranh để giành lấy quyền tự do dân chủ của mình, bởi lẽ quyền lực của nhà nước hoặc của các tập hợp khác luôn luôn có xu hướng tự nhiên là thâu tóm hay hạn chế quyền của cá nhân công dân, của các cá thể thành viên trong cộng đồng quốc gia; mà công dân thì không thể thiếu cộng đồng, thiếu quốc gia. Trong khi đó, lợi ích cá nhân cũng luôn luôn có xu hướng tự nhiên là xâm phạm lợi ích cộng đồng. Khác chăng là trong nhà nước pháp quyền và xã hội công dân việc vi phạm luật pháp thường khó hơn; việc công dân tự bảo vệ quyền của mình thường thuận lợi hơn.
Trên thế giới không thiếu gì các quốc gia luôn luôn trong tình trạng mất ổn định và có nhiều cái lạc hậu trong điều kiện hệ thống nhà nước pháp quyền của họ có nhiều bước phát triển xa hơn nhà nước pháp quyền của chúng ta. Sở dĩ có hiện tượng này là vì bản chất của quyền lực là tha hoá, quyền lực không bao giờ tự nguyện phục thiện. Cho nên còn phải luôn luôn thực hiện bằng được một yêu cầu cốt lõi là xây dựng được những thiết chế thực thi tốt luật pháp, để kiểm soát sự tha hoá này và để tăng cường được thực quyền của công dân. Nhìn vào tình hình đất nước hiện nay, đấy là nội dung chủ yếu của xây dựng tiếp từ những gì có trong tay - để kiểm soát tốt hơn nữa quyền lực, hướng quyền lực phục vụ tốt nhất cho trật tự và phát triển.
Mong muốn xoá bỏ hệ thống hiện tại để thay thế bằng cái mới theo trí tưởng tượng, hay thay thế bằng mô hình sao chép nào đó mà không đồng thời xây dựng được thiết chế kiểm soát quyền lực thì có nghĩa là biến nước ta thành địa ngục, xin đừng mơ hồ điều này. Còn để cho tha hoá của quyền lực không thể kiểm soát được và bất khả kháng thì bản chất của sự vật sẽ trở thành mâu thuẫn đối kháng.
Cũng xin đừng quên: Thiết chế kiểm soát quyền lực không thể ra đời trong một đêm. Từ Cách mạng Tư sản Pháp năm 1789 cho đến nay, các cuộc cách mạng lớn trên thế giới đã chứng minh chỉ thành công trong xoá bỏ chế độ cũ, song thiết chế kiểm soát quyền lực chỉ có thể hình thành từng bước trong quá trình mở rộng dân chủ phát triển đất nước về mọi mặt. Không thực hiện được như vậy, sự nghiệp cách mạng tất yếu đổ vỡ như chúng ta đã chứng kiến ở cuối thế kỷ trước tại các nước Liên Xô Đông Âu cũ. Vì thế lựa chọn con đường đi tiếp là đúng, nhưng rất gian khổ, bởi vì: nó đòi hỏi ý chí cách mạng triệt để hơn - với ý nghĩa trước hết phải cách mạng sự tha hoá của chính bản thân, phải có ý chí kiên cường hơn là những xu hướng thiên tả, nóng vội.
Cho nên, nghĩ đi nghĩ lại, tối ưu cho đất nước vẫn là con đường từ vốn liếng có trong tay đi tiếp - với ý chí sắt đá và định hướng dứt khoát: Tất cả cho xây dựng và phát huy lợi thế so sánh mới của đất nước.
Đổi mới lợi thế so sánh phải dựa trên cơ sở phát huy sáng tạo của từng công dân, không thể nào khác được. Vì thế nhà nước pháp quyền thực sự, xã hội công dân thực sự là điều kiện tiên quyết.
Mục đích cuối cùng của xây dựng nhà nước pháp quyền là bảo đảm quyền tự do dân chủ và quyền sở hữu của công dân – đó là nguồn gốc và động lực của sáng tạo, là làm cho hiến pháp trở thành quyền tối thượng trong thiết chế bảo đảm quyền lợi và thành quả của công dân, của đất nước, tạo ra nền tảng và thể chế cố kết dân tộc để hội nhập thắng lợi vào quá trình toàn cầu hoá của nhân loại.
Mục đích cuối cùng của xây dựng xã hội công dân là tạo dựng môi trường cho công dân phát triển chính mình với ý thức tự quản, thông qua các hiệp hội, các tổ chức cộng đồng của mình nâng cao quyền năng của mình tham gia vào mọi công việc của đất nước, tham gia quản lý đất nước và phát huy vai trò tự quản trong xã hội, gìn giữ và phát huy những thành quả, những giá trị của cộng đồng, của đất nước, bảo vệ môi trường.[22] Thực hiện công khai minh bạch, làm cho dân trí ngày càng cao, chất lượng xã hội công dân sẽ càng có điều kiện để tự nâng cao, nhà nước pháp quyền ngày càng mạnh, sức mạnh của đất nước sẽ được phát huy.
V. Kết luận
Chiến lạnh kéo dài 45 năm, tiếp theo là thế siêu cường độc tôn của Mỹ, nhưng chưa đầy 15 năm mà thời cuộc đã bắt đầu chuyển nhanh sang thế giới đa cực - nổi bật là sự xuất hiện của Trung Quốc với vai trò mới. Trong một thế giới tư duy hầu như không bắt kịp sự chuyển động như vậy, không một quốc gia nào có thể bình chân như vại. Tình hình này diễn ra đúng vào lúc nước ta phải tìm đường chuyển lên một giai đoạn phát triển cao hơn.
Đổi mới lợi thế so sánh thực chất là đổi mới triệt để đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội của đất nước, để thực hiện dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh cho chính mình, để được thế giới thừa nhận Việt Nam đồng nghĩa với hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Đó cũng là con đường để Việt Nam phấn đấu trở thành một chủ nhân bình đẳng của thế giới và có ích đối với cả thế giới.
Phải có phẩm chất và năng lực gì để tạo ra cho mình một chỗ đứng như vậy trên thế giới? Đấy là câu hỏi đất nước hôm nay đặt ra cho mỗi người trong cộng đồng dân tộc Việt Nam ta - đặc biệt là cho Đảng lãnh đạo đất nước, cho giới trí thức và giới doanh nhân. Cả nước phải học tập và tự rèn luyện với tinh thần chân cứng đá mềm để tiếp tục thực hiện triệt để cuộc đổi mới đang tiến hành. Phát huy dân chủ nhận rõ chỗ mạnh, yếu của mình, tăng cường đoàn kết và hoà giải dân tộc, nhân dân ta hoàn toàn có thể tạo ra cho mình lợi thế so sánh mới, làm nên những thành tựu tạo ra cho quốc gia mình một vị thế được cả cộng đồng thế giới chấp nhận.
Nói thật ngắn gọn: Dân tộc và dân chủ sẽ làm nên tất cả.
Đấy là đòi hỏi tất yếu để nước ta có thể tồn tại và phát triển trong một thế giới năng động, đang chuyển hoá sang trật tự đa cực, đang cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Võng Thị, tháng 5 2007
Tài liệu tham khảo
1. Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ X Đảng Cộng Sản Việt Nam.
2. Năm mươi năm ngoại giao Việt Nam 1945 –1995, Lưu Văn Lợi, NXB Công An Nhân Dân, Hà Nội 1998.
3. Niên giám thống kê 2005, Tổng cục Thống kê, NXB Thống kê, Hà Nội, tháng 6- 2006.
4. World Economy Outlook, IMF 2006; 2007. World Bank annual Report 2007, WTO report 2007.
5. China and Economic Integration in East Asia – Implications for the United States, C. Fred Bergsten, Institute for International Economics, Washington, 2007.
6. China takes on the World, Michael Elliott, Times, Jan. 11th 2007.
7. Offshoring: The next Industrial Revolution?, Alan Blinder, Foreign Affairs, March & April 2006.
8. China, The United States, and Mainland Southeast Asia: Opportunism and the Limits of Power, Lawrence E. Grinter, ISEAS 03-2006.
9. Các bài báo khác có liên quan của các tạp chí: Foreign Affairs, Times, Foreign Policy, Asia Times, Financial Times, The Economist và các báo The Wall Street Journal, New York Times trong các tháng 1 đến 5-2007.
10.The End of the American Era, Charles A. Kupchan, New York 2002.
11.The new chinese Empire – and What it means for the United States, Ross Terrill, New York 2003
12.The Tragedy of Great Power Politics, John J. Mearsheimer, New York – London, 2003.
Chú thích
[1] Trước hết là hàng rẻ của Trung Quốc đang làm mất đi nhiều mặt hàng vốn xưa nay vẫn được sản xuất tại các nước phát triển, tác động đến việc làm ở những lĩnh vực kinh tế này và trở thành vấn đề xã hội. Hiếm khi cùng một lúc Mỹ, Nhật, EU đều tìm kiếm phương sách đổi mới cơ cấu kinh tế một cách cơ bản như hiện nay để tạo ra lợi thế so sánh mới. Đáng chú ý là những quốc gia này đều chú ý đi từ đổi mới giáo dục để sớm tạo ra cơ cấu lao động phù hợp với yêu cầu cạnh tranh mới, thích nghi với tình hình phải loại bỏ một số ngành nghề, sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu ngày càng gia tăng về “out-sourcing” (khai thác nguồn lực bên ngoài, di chuyển - chứ không phải chỉ có đầu tư - một số hoạt động kinh tế ra bên ngoài để tận dụng chi phí rẻ...). Một hiện tượng đáng chú ý là Airbus đưa hẳn một phần sản xuất của mình sang Trung Quốc.
[2]Kể từ khi tôi viết loạt bài Thời cơ vàng tháng 2-2006, cuộc sống cho thấy thời cơ và thách thức đối với nước ta đều lớn hơn rất nhiều, nhạy cảm hơn và diễn tiến nhanh rất nhiều so với nhận thức – và đây là thách thức lớn đối với những người nghiên cứu và những người làm chính sách.
[3]Theo số liệu thống kê của WTO 2007.
[4] Mianma có thể là trường hợp ngoại lệ duy nhất - trước hết vì những lý do đối nội của nước này.
[5] 14-05-1955, Hiệp ước Liên minh quân sự giữa các nước LXĐA.
[6] Ngày 2-5-2007 Bush đã phủ quyết quyết định của Hạ viện về ngân sách chiến tranh Iraq gắn với thời hạn rút quân. Tại hội nghị các ngoại trưởng 04-05-2007 ở Sharm el-Sheikh, ngoại trưởng Condoleezza Rice cũng tuyên bố Mỹ sẽ không rút quân khi tình hình chưa chín muồi.
[7] Vấn đề dioxin chỉ là vấn đề của quá khứ và đang được xử lý theo tinh thần khép lại quá khứ.
[8] “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Có chỗ lãnh đạo Trung Quốc còn nói thêm: “Thân nhưng không gần, sơ nhưng không xa, tranh nhưng không đấu.”
[9]Trung Quốc hiện đang phá đá ngầm nắn lại dòng chảy sông Mekong ở khu vực sông Lan Thương thượng, dự kiến xây 25 đập thuỷ điện ở thượng nguồn Mekong với tổng công suất là 28.254 triệu KW, chưa ai có thể đánh giá những tác động đối với các nước hạ nguồn.
[10] Sau 5 năm gia nhập WTO, Trung Quốc tăng GDP gần gấp đôi, xuất khẩu tăng gấp 3 (tham khảo Liêu Vọng 26-03-2007).
[11] Nguồn: Tham khảo World Economy Outlook 4-2007 của IMF trang 121… và trang 203…
[12] Trung Quốc tự đánh giá: đến cuối năm 2006, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã vượt quá 1.000 tỷ USD (không nói con số chính xác), chiếm hơn 1/5 dự trữ ngoại tệ toàn thế giới, lớn hơn tổng dự trữ ngoại tệ của 4 nước: Đức, Pháp, Italia và Canada. Với tổng lượng dự trữ này Trung Quốc có thể mua được toàn bộ nhà ở hiện có của thành phố Luân Đôn, mua được hai lần lượng vàng dự trữ của các ngân hàng trên toàn thế giới. Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ thì năm 2005, Trung Quốc đã mua tất cả 86,5 tỷ USD tài sản các loại của nước Mỹ. ( Nguồn: Tạp chí “Liêu Vọng” ngày 26 tháng 2 năm 2007).
[13] Số liệu thống kê 2003 TQ có GDP USD bằng 5% của thế giới, tiêu thụ 7,4% tổng lượng dầu mỏ thế giới, 31% than, 27%, thép, 25% ôxít nhôm, 40% ximăng cả thế giới. Hiện nay mức thải CO2 của Trung Quốc đã vượt Mỹ... Đại hội 16 Đảng Cộng Sản Trung Quốc đề ra kế hoạch GDP theo đầu người năm 2010 là 2000 US$, phải tìm lời giải cho nguyên nhiên liệu. Trung Quốc tự trả lời: Chỉ có một con đường xuống biển hướng ra bên ngoài! Các số liệu thống kê cũng cho thấy trên 70% các mặt hàng công nghiệp sản xuất ở Trung Quốc là cung vượt cầu (Tham khảo sách nghiên cứu “Trung Quốc Đại chiến lược”, xuất bản tại Bắc Kinh năm 2004, các tạp chí Times, The Economist trong các tháng 4 và 5 - 2007). Đi xa hơn nữa, tư duy “diều hâu” của Trung Quốc tuy còn lẻ loi nhưng đã lên tiếng tính toán cho mình thế giới một cực: “Chiến tranh là bà đỡ của thế kỷ Trung Quốc” (thế kỷ 21), phải giành lấy cả thế giới cho sinh tồn và hưng thịnh của Trung Quốc!” (Trì Hạo Điền, Chu Thành Hổ...)
[14] Trung Quốc đã xoá nợ cho các nước châu Phi 1,2 tỷ USD, buôn bán với châu Phi (chủ yếu là nhập nguyên liệu) đạt 7 tỷ USD, hiện nay có 351 công trình đầu tư ở châu Phi với tổng FDI là 14 tỷ USD, chủ yếu là khai thác nguyên nhiên liệu. Báo chí phương Tây bình luận: Trung Quốc đi vào châu Phi giống như phương Tây đi vào châu Phi cuối thế kỷ thứ 19, nhưng khôn ngoan và thành công ngoạn mục hơn nhiều.
[15] Mấy năm gần đây nổi lên hiện tượng số người tự tử ở Trung Quốc chiếm tỷ lệ rất cao so với những nước khác, nguyên do là áp lực của những biến chuyển trong cuộc sống - đặc biệt là ở nông thôn, phần lớn người tự tử là phụ nữ, lãnh đạo Trung Quốc đang phải tìm cách ngăn chặn hiện tượng này.
[16] Khó mà nói được tình trạng hiện thời của quan hệ Mỹ - Trung là bất biến. Hơn thế nữa nội trị Trung Quốc luôn luôn có nhiều vấn đề lớn liên quan đế ổn định và phát triển, giới nghiên cứu đã phát biểu: Trung Quốc có chuyện gì sẽ tác động không nhỏ ra chung quanh! Thời kỳ cách mạng văn hoá đã chứng minh nhận định này.
[17] Theo những thông báo của Tổng Cục thống kê và của Bộ kế hoạch & Đầu tư, GDP tính theo đầu người của ViệtNam năn 2006 là 750 USD.
[18] Theo thống kê của IMF 2006 GDP danh nghĩa tính theo đầu người của Việt Nam là 723 USD, của Trung Quốc là 2001 USD… Tuy nhiên các chỉ số về tỷ trọng GDP tính theo đầu người của ta so với các nước hầu như không thay đổi.
[19] Tham khảo thêm phát biểu của David Dapice với Tuổi trẻ ngày 17-06-2006.
[20] Tìm hiểu thêm “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi.
[21] Bao chùm và liên kết cả 4 yếu tố này là yếu tố văn hoá với tính chất là linh hồn và động lực của phát triển, xin được bàn riêng vào dịp khác.
[22] Bài viết đã quá dài, xây dựng nhà nước pháp quyền và xã hội công dân của Việt Nam nên như thế nào và bước đi – xin được bàn vào một dịp khác.
© Thời Đại Mới