Nguyễn Tường Tâm
Cao Xuân Hạo và ngữ pháp tiếng Việt
Tôi chưa đọc ông Cao Xuân Hạo bao giờ. Lý do là tôi trưởng thành và làm việc trong môi trường hoàn toàn khác với ông. Mặc dù vậy tôi thấy tên ông quen thuộc lắm. Tôi cứ nghĩ đó là một cán bộ văn hoá có quyền thế chăm lo kiểm soát các sách báo văn hoá phẩm. Xin lỗi ông, tôi dửng dưng với tin ông mất như dửng dưng với tin một cán bộ Đảng hay nhà nước qua đời. Nhưng tin ông mất gây âm vang trong giới truyền thông trong nước khiến tôi đọc những bài viết về ông vì tò mò. Và rồi bài của ông Hà Văn Thùy khiến tôi giật mình ngạc nhiên, giúp tôi trút bỏ nỗi bực bội lâu nay về môn ngữ pháp tiếng Việt bởi vì theo Hà Văn Thùy, ông Cao Xuân Hạo là người đầu tiên và duy nhất “dũng cảm khẳng định nhiều giáo trình ngữ pháp đã giảng sai tiếng Việt.” [1]
Năm 1985, sau gần 10 năm xa nhà trở về, bốn đứa con tôi đã lớn, ba đứa đã học cấp 2. Ðứa nào cũng được bảng học sinh tiên tiến nhưng sao tôi thấy nản quá. Chúng không ở trình độ thông thường như tôi nghĩ. Ðặc biệt là sao chúng dốt môn ngữ pháp thế, đồng thời tôi tự hỏi tại sao cấp II (tức trung học đệ nhất cấp ngày trước ở trong Nam) học sinh lại còn phải học cái môn trước kia chỉ dành cho trẻ con là ngữ pháp? Tò mò tôi mở vở ngữ pháp (văn phạm) của chúng ra xem. Tôi chẳng hiểu họ dạy gì. Cái môn văn phạm (ngữ pháp) tiếng Việt trước năm 1954 và sau này ở miền Nam chỉ được dạy ở bậc tiểu học. Lên lớp 6 (đệ thất) là thuộc trung học đệ nhất cấp, học sinh không còn phải học văn phạm tiếng Việt nữa. Tới lớp 9 ở miền Nam, học sinh đã học bình thơ Trần Tế Xương, Nguyễn Công Trứ, Truyện Kiều, học các tư tưởng xuất thế của Lão Trang, nhập thế của Khổng Tử qua văn chương. Làm gì còn cái trò học ngữ pháp ở lớp 9 để thi tốt nghiệp cấp 2 như bây giờ. Cuối cùng tôi phải nhờ thầy dạy văn của các cháu kèm thêm. Thú thực với ông thầy là tôi không hiểu sách ngữ pháp của trường nên xin được ngồi coi ông thầy giảng môn văn và ngữ pháp lớp 9 cho con mình. Nhìn vào tập vở của cháu, tôi thấy ông thầy gạch dưới và kẻ những mũi tên vào các phần của một câu để phân tích câu văn cho cháu. Ông thầy càng phân tích, tôi thấy cháu càng đăm chiêu. Rõ ràng cháu không hiểu. Cháu đang căng thẳng. Tôi cũng không hiểu luôn. Nhìn mặt ông thầy lúc đó, tôi không biết chính ông ấy có hiểu những điều ông ấy đang giảng hay không. Tôi tự hỏi, “Người ta đã giảng dạy loại ‘ngữ pháp quái đản’ này (chữ của Hà Văn Thùy) bao lâu rồi? Từ đâu người ta nghĩ ra loại ‘ngữ pháp quái đản’ này mà ở trong Nam trước 1975 không có? Tại sao cả nước chẳng có ai lên tiếng về loại ngữ pháp này? Chẳng lẽ cả nước có thể hiểu loại ngữ pháp này mà bản thân tôi, một người cũng đã tốt nghiệp đại học trong Nam từ cái thời mỗi năm một phân khoa đại học nhiều lắm chỉ cho ra trường chưa tới 100 cử nhân lại không thể hiểu hay sao?”
Khi dạy toán cho các cháu, tôi lại khám phá thêm một điều lạ lùng nữa là sách giáo khoa toán được viết bởi một thứ ngôn ngữ có những kết cấu “ngữ pháp quái đản” tới độ học trò không thể nào hiểu được. Tôi nghĩ lý do các sách toán, sách khoa học đều trở nên khó hiểu là vì các tác giả của chúng thời còn là học trò đều bị nhồi nhét thứ “ngữ pháp quái đản” đó, đến khi trở lại làm thầy thì làm sao họ viết câu thành cú được chứ đừng nói là viết một bài văn rõ ràng, mạch lạc. Tôi phải bỏ cuốn sách toán của trường, chỉ dựa vào chương trình để tự soạn bài giảng theo trí nhớ về những gì tôi học gần 30 năm trước đó (thập niên 1960) ở trường trung học trong Nam. Ðiều buồn cười là đối với các bài toán các cháu không làm được, tôi không cần giảng toán mà chỉ cần viết lại câu văn (rewording) là các cháu hiểu ngay và giải được liền. Cháu không dốt toán. Cháu chỉ không hiểu câu văn.
Tôi “ngộ” ra được điều đơn giản, “Hàng ngày nói, viết tiếng mẹ đẻ tự nhiên như hít thở, ít ai để ý tới tầm quan trọng của ngôn ngữ trong việc phát triển khoa học kỹ thuật”. Người ta, nhất là ở những nước chậm phát triển như Việt Nam, thường có thói quen đánh giá cao khoa học kỹ thuật. Học trò ban văn chương dễ bị coi thường. Thời đi học tôi cũng từng có ý nghĩ như vậy. Nhưng lúc đó (1985), lần đầu tiên trong đời tôi mới thấy tầm quan trọng của môn văn và nghiệm ra rằng khi ngôn ngữ của một dân tộc bị làm hỏng, có nghĩa là văn chẳng ra văn, câu chẳng ra câu, thì giao tiếp bị gián đoạn: người nhận thông tin không hiểu ý người truyền đạt thông tin, trò không hiểu thầy, độc giả không hiểu sách, báo, thính giả không hiểu diễn giả v.v. Và như thế sẽ cản trở luôn sự phát triển ở tất cả các bộ môn khác.
Tình trạng viết câu không thành cú đã hiện diện trong nhiều bài nhật tụng về chính trị Mác-Lênin một thời suốt cả ngày toàn dân ai cũng phải học (mà không hiểu!) đã được nhà văn Thế Uyên trích dẫn trong một tác phẩm của ông viết về văn hoá xã hội chủ nghĩa [2] . Trước một thực tế như thế, ở vào trường hợp tôi ai mà chẳng bực mình. Tôi ước mong tìm được một cuốn ngữ pháp của Viện Ngôn ngữ để xem họ viết về vấn đề này ra sao. Thời buổi đó thật khó tìm sách, ngoại trừ các bộ toàn tập của các lãnh tụ. Tôi lại ở một thị trấn nhỏ xa xôi, ra khỏi tỉnh là phải xin phép, phương tiện đi lại cũng thật khó khăn. Ðặc biệt cả hai vợ chồng tôi đều thuộc diện những người quen làm cán bộ nhà nước, ngay cả các thầy cô giáo, cũng không được tiếp xúc. (Ðã có một người bạn lâu năm làm hiệu trưởng trường trung học cấp hai trong cùng phường bị kiểm điểm vì ghé thăm gia đình tôi.) Thế là tôi ôm nỗi bực mình đó trong cô đơn. Một hôm tình cờ thấy trong góc một kệ sách đóng bụi ở một cửa hàng sách quốc doanh nhỏ trước cửa chợ Ðông Hà (Quảng Trị) một cuốn không dày viết về ngữ pháp của Viện Ngôn ngữ Hà Nội (tên chính xác thì tôi quên rồi). Nôn nóng mua về, thế nhưng, đọc cuốn sách tôi lại cảm thấy ngỡ ngàng hơn. Xin lỗi những ai đã viết ra hay đã đóng góp vào việc hình thành cuốn ngữ pháp đó, tôi cố gắng đọc mà chẳng hiểu các tác giả muốn nói gì. Tôi lật đi lật lại bìa sách, Viện Ngôn ngữ đàng hoàng (chi tiết về danh xưng có thể không chính xác). Những người làm việc trong cái viện này chắc chắn phải được đào tạo chuyên môn cao; chắc chắn phải có học vị ít ra là cử nhân, nếu không là tiến sĩ ngôn ngữ. Họ phải xứng đáng với danh hiệu học giả chứ! Họ viết ra, sáng chế ra ngữ pháp để cả nước phải theo khi nói, khi viết tiếng Việt cơ mà! Nhưng càng đọc tôi càng thấy rối mù. Chịu! Không thể nào hiểu được các “học giả” trong cái viện đó muốn nói gì. Tôi không hiểu vì sao ngữ pháp tiếng Việt, một bộ môn đang từ hết sức dễ dàng và chỉ được dạy tới lớp nhất (lớp 5) bậc tiểu học trước kia (không gì dễ bằng học ngữ pháp - thời của tôi - trước 1975 tại miền Nam Việt Nam) lại trở nên quá phức tạp như vậy. Ðọc cuốn sách, cho tới giờ này tôi chỉ nhớ (với một sự kinh hoàng) vài chữ hay nhóm chữ được lặp đi lặp lại như: “người bản ngữ”, và những quỉ quái gì nữa! Trời đất ơi, kinh hoàng thế này ư? Tôi gào thét trong tâm mà không biết chia sẻ cùng ai. Các con tôi, cũng như các bạn học trò khác của các cháu, dĩ nhiên cũng không hiểu, nhưng hàng ngày vẫn phải cố nuốt những thứ kinh hoàng đó. Chúng vật lộn với ngữ pháp. Chúng tưởng chúng dốt. Nhưng thực ra chúng (học trò) không ngờ rằng chúng không dốt, mà chính các ông thầy, các ông “đại sư phụ” từ cái Viện ở Trung ương đó dốt. Những từ, nhóm từ (pharses), những câu, và thậm chí toàn bộ những đoạn văn trong cuốn ngữ pháp đó khó hiểu như những câu thần chú bí hiểm.
Khi không hiểu thì người ra diễn tả một cách khó khăn, biến những điều đơn giản trở nên khó hiểu. Khi loè bịp thiên hạ, người ta cũng viết khó hiểu như vậy. Tôi không biết các “nhà nghiên cứu” ở Viện Ngôn Ngữ thời đó thuộc diện nào (không biết thời này có khá hơn không?). Thật đau khổ khi biết là đất nước đang trải qua một nỗi kinh hoàng sẽ mang lại một hậu quả lâu dài trải qua hàng thế hệ, có khi cả trăm năm sau, nếu không được thay đổi, mà mình không làm gì được. Tôi nghĩ có cố gắng lắm viết được một bài báo cũng chẳng cảnh tỉnh được ai; cũng chưa chắc có ai biểu đồng tình. Mà có viết cũng chẳng ai đăng (Tất cả các báo đều là của nhà nước.) Nếu có được đăng thì cũng bị người ta cho là ngạo mạn, kiêu căng. Có lẽ Cao Xuân Hạo cũng bị ở trong tình huống đó nên mới bị cho là “chàng Don Quixote độc hành”. Sau khi gọi Cao Xuân Hạo là “chàng Don Quixote độc hành”, ông Hà Văn Thùy viết tiếp, “Dường như Cao Xuân Hạo không hoà hợp lắm với đồng nghiệp của mình. Người ta coi ông như kẻ hay kiếm chuyện không để cho ai yên”. Tôi ôm nỗi bực bội đó tới nay đã 22 năm (1985-2007). Thỉnh thoảng nghĩ tới tôi vẫn thấy chán nản, bi quan cho đất nước và ngạc nhiên sao cả nước không ai nhận ra vấn đề.
Nhưng rồi thật là bất ngờ. Sự ra đi của ông Cao Xuân Hạo đã tình cờ giúp tôi giải toả được phần nào niềm u uẩn. Nói cho rõ hơn, hai bài báo của hai đồng nghiệp và học trò của ông viết để ngợi ca người đã khuất đã cho thấy hóa ra bấy lâu, trong ngành văn chương và giáo dục cũng có ít ra ba người có thực tài có cùng sự bực bội như tôi. Cũng như tôi, họ không làm gì được, không lên tiếng được, hay lên tiếng cũng chẳng ai nghe. Ông Hà Văn Thùy đã thú nhận, chính ông trong nhiều năm đã có những “bức xúc không có đường ra...” và ông viết tiếp, “Ngữ pháp tiếng Việt không quái đản như những gì người ta viết trong sách giáo khoa”. Rồi lại thêm ông Trần Tiễn Cao Ðăng cũng xác nhận như ông Thùy rằng ông Cao Xuân Hạo đã dũng cảm khẳng định nhiều giáo trình ngữ pháp trong nhà trường nước ta đã giảng sai tiếng Việt. [3]
Những đồng cảm này không những giải toả bớt cho tôi niềm u uẩn, mà còn mang lại cho tôi niềm hy vọng rằng có lẽ cũng còn nhiều người trong nước (rất hi vọng là tất cả mọi người, trừ các ông “học giả” trong Viện Ngôn ngữ Hà Nội, cha đẻ của môn ngữ pháp tiếng Việt cách nay mấy chục năm) có cùng niềm u uẩn đó và mong có thay đổi. Ðây không là chính trị. Ðây là văn hoá. Ðây là tương lai của dân tộc. Một khi đại đa số học sinh, sinh viên, và phụ huynh cùng giáo chức và các nhà văn có cùng một ý nghĩ, một ước muốn như Hà Văn Thùy, như Trần Tiễn Cao Ðăng, như Cao Xuân Hạo, thì thực tế phải sớm có thay đổi, phải sớm có những học giả thứ thiệt ngồi vào các chức vụ đủ quyền uy trong ngành giáo dục để thay đổi nội dung môn ngữ pháp sao cho trở lại đơn giản như trước kia để học sinh chỉ còn phải học ngữ pháp tới hết lớp 5 bậc tiểu học là đủ rồi. Có như vậy “tiếng nước tôi” mới trở thành đòn bẩy làm phát triển tất cả mọi ngành khoa học kỹ thuật khác và đưa đất nước đi lên trong thời kỳ hội nhập toàn cầu.
[1]Hà Văn Thuỳ: "Cao Xuân Hạo - Chàng Don Quijote độc hành" talawas 19/10/07
[2]Thế Uyên, Con đường qua mùa đông, nhà xuất bản Xuân Thu, 1990 (trang 102: “Muốn xây dựng xã hội... biện chứng với nhau.”
[3]Trần Tiễn Cao Ðăng: "Cao Xuân Hạo, thầy của tôi", talawas 20/10/07