Khai thác bauxite là 'không hợp pháp'
Việc khai thác bauxite nhôm ở Tây Nguyên vừa "không hợp pháp", vừa gây nhiều tác hại khôn lường về nhiều mặt - theo nhà văn Nguyên Ngọc, một trong các chuyên gia về Tây Nguyên, sau khi tham dự hội thảo về bauxite hôm 9/4.
Nói chuyện với đài BBC, nhà văn Nguyên Ngọc nhận định Việt Nam nên thay đổi chiến lược phát triển lâu dài, thay vì lối tư duy "đào tài nguyên lên bán mà ăn" như hiện nay.
Phản bác lại kết luận của phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - vốn lặp lại lời của cấp trên Nguyễn Tấn Dũng khi trước - rằng khai thác bauxite nhôm ở Tây Nguyên là chủ trương "đúng đắn", nhà văn Nguyên Ngọc nói:
Nhà văn Nguyên Ngọc: Theo tôi, cân nhắc tất cả các mặt của chương trình này, thì tôi có nói trong hội thảo là tôi đồng ý với ý kiến của đại tướng Võ Nguyên Giáp, là không nên khai thác, không nên làm cái đó. Nó là về nhiều mặt.
Về chiến lược phát triển lâu dài, thì có lẽ Việt Nam cũng đã đến lúc không nên đi theo cái lối khai thác tài nguyên, cứ đào tài nguyên lên bán mà ăn nữa. Cái giai đoạn đó có thể là một thời gian đầu nào đó, nhưng mà bây giờ đã đến lúc mình phải nghĩ đến phát triển kiểu khác, chứ không phải cứ đào tài nguyên lên bán mà ăn.
Cái thứ hai là tính toán về hiệu quả kinh tế, thì như trong hội thảo nhiều chuyên gia đã nói, và tôi theo dõi chương trình này tôi cũng biết, tức là hiệu quả kinh tế của nó là rất tiêu cực, thậm chí là lỗ.
Thứ ba nữa là về vấn đề môi trường, công nghệ là không đảm bảo được; nhất là về môi trường: những cái ô nhiễm, đối với rừng, với đất đai - đặc biệt đối với nước ở Tây Nguyên rất là khó khăn, rất là thiếu. Thì giải đáp của các chủ đầu tư về những vấn đề đó hiện nay là không thuyết phục.
Về mặt xã hội thì cũng không ổn, tại vì nó sẽ làm xáo trộn và phức tạp thêm cái xã hội Tây Nguyên, nhất là đối với các dân tộc bản địa ở đấy.
Về an ninh quốc phòng thì đấy là cái vùng như người xưa đã từng nói: ai làm chủ được Tây Nguyên thì sẽ làm chủ được Nam Đông Dương. Về mặt địa lý thì nó là nóc nhà của Đông Dương.
Thế cho nên theo tôi, triển khai chương trình bauxite trên Tây Nguyên xét về tất cả các mặt đều không có lợi, thậm chí là có hại. Nói rằng triển khai chương trình bauxite là đúng đắn thì đối với tôi, tôi không đồng ý.
BBC:Tiếng nói phản bác của ông cũng như của những người khác đã được nêu lên trong thời gian vừa qua, nhưng nhìn lại thì ông thấy hội thảo bauxite này thực ra có tác động gì tới chính phủ hay không, hay chỉ mang tính hình thức mà thôi?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Tôi nghĩ có lẽ cái mặt tích cực của hội thảo là ở chỗ này: đây là lần đầu tiên một số nhà khoa học độc lập, một số nhà hoạt động xã hội độc lập - chúng tôi chả có tổ chức gì cả, chúng tôi vì trách nhiệm xã hội chung - thì chúng tôi lên tiếng thôi, và như vậy buộc chính phủ phải giải trình trước dư luận.
Ngay cả ông Hoàng Trung Hải (phó Thủ tướng) hôm qua cũng tuyên bố là nhiều cái mặt cần cân nhắc trở lại, và bây giờ người ta bảo sẽ làm theo hình thức tức là thí điểm hai cái. Bây giờ triển khai thí điểm một cái, chỗ Tân Rai ở Lâm Đồng thì tôi biết là họ đã triển khai rồi. Thì có thể lấy cái đó làm thí điểm. Còn cái chỗ thứ hai ở Đắc Nông thì còn phải tiếp tục kiểm tra, đánh giá môi trường chiến lược, thì mới được khởi công.
Như vậy tức là họ cũng có cân nhắc trở lại đấy. Theo tôi, tiếng nói phản biện của xã hội, của các nhà khoa học và của dư luận nói chung đã có tác động, mặc dù chưa buộc người ta phải dừng hẳn lại, nhưng mà như thế đã là tác động.
Và chúng tôi nghĩ rằng cần phải tiếp tục tác động để đạt được kết quả tốt nhất là ngừng hẳn lại; còn nếu không thì thí điểm rất nhỏ, để xem toàn bộ cái hậu quả, hệ quả của nó như thế nào. Mà tôi tin rằng nếu làm thí điểm sẽ bộc lộ ra tất cả những cái không thể giải quyết được.
'KHÔNG HỢP PHÁP'
BBC:Thưa ông, một vấn đề lớn và gây tranh cãi như thế tại sao lại không được đưa ra trước Quốc hội? Ông có đồng ý rằng vai trò của Quốc hội là hết sức mờ nhạt trong chuyện này?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Hôm qua chính tôi có đặt cái câu hỏi đó. Tôi cho rằng một cái chương trình mà chính ông Thủ tướng đã tuyên bố rằng đây là chủ trương lớn của Đảng và của nhà nước, vậy thì vì sao mà không đưa ra trước Quốc hội? Phải trình Quốc hội chứ. Tôi có đặt vấn đề về cái tính hợp pháp của quyết định này. Tôi cho như thế là không hợp pháp.
Thế thì người ta cũng trả lời, và theo tôi câu trả lời là không thuyết phục. Người ta bảo đây là chuyện nói về từng cái nhà máy. Bây giờ cái nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắc Nông), thì từng cái nhà máy nó nhỏ, nó không đủ qui mô mà theo quy định, Quốc hội cần phải giám sát, phải có ý kiến. Thế nhưng mà thế này: cái đó phải đặt trong toàn bộ chương trình chung chứ. Thì người ta trả lời theo cái lối đối với tôi là không thuyết phục.
Thực ra hôm qua một cái hội thảo như thế thời gian nó cũng chỉ đến thế thôi mà, cho nên họ trả lời đến thế thôi. Chúng tôi sẽ tiếp tục có ý kiến.
BBC:Được biết các nhà thầu Trung Quốc cũng đến hội thảo để giải trình, ông đánh giá thế nào về các luận cứ người ta đưa ra?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Có nhà thầu Trung Quốc và một số chuyên gia của tập đoàn alumina lớn trên thế giới, như là Alcoa của Mỹ cũng có giải trình. Họ nói chủ yếu là về những công nghệ của họ, và đảm bảo có thể giải quyết những vấn đề về an toàn môi trường, về rừng, về hoạch thổ, về xử lý bùn đỏ..vv...
Cái này thì ai cũng biết thôi, tức là theo lý thuyết thì những vấn đề đó ai cũng có thể giải quyết được. Nhưng mà có hai cái điều mà hôm qua tôi có nêu câu hỏi mà họ không trả lời.
Một là giải quyết trong những điều kiện như thế nào. Ví dụ cái mỏ Bình Quả ở Trung Quốc là một cái loại alumina rất khác, một loại bauxite khác hẳn ở Việt Nam, khác hẳn ở Tây Nguyên. Cho nên cái kinh nghiệm của Bình Quả không thể nói được cho cái kinh nghiệm ở Tây Nguyên.
Cái thứ hai nữa, ví dụ họ làm ở Úc, thì Úc là cả một lục địa, dân số rất ít, lại làm giữa một hoang mạc, trong khi điều kiện của Tây Nguyên là ở trên đỉnh cao, cái nóc nhà, trong cái vùng dân cư đông đúc như thế. Thì tôi có hỏi câu hỏi như thế này: anh giải quyết tất cả những cái đó - mà họ trình bày với những công nghệ rất là hiện đại, bức tranh rất đẹp, rất là sạch sẽ - nhưng mà những cái đó thì nó sẽ chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng vốn đầu tư? Và như vậy nó sẽ nâng giá thành của sản phẩm lên như thế nào?
Với cái giá thành của sản phẩm mà như tập đoàn Than Khoáng sản - là nhà đầu tư VN tham gia vào đấy - tính là đã lỗ rồi, so với giá alumina trên thế giới hiện nay. Vậy nếu mà làm với cái công nghệ theo sách đẹp đẽ như thế, mà người ta cũng đã làm ở những nơi khác đẹp đẽ như thế, thì cái giá thành không biết sẽ tăng lên bao nhiêu lần nữa?
Và như vậy thì hiệu quả kinh tế là hoàn toàn không có. Hiệu quả rất âm.
Theo tôi thấy những cái trình bày đó nghe thì hay thôi, nhưng hoàn toàn không thuyết phục đối với cái điều kiện làm bauxite ở Tây Nguyên.
BBC:Cá nhân ông có nghĩ là Việt Nam sẽ phải trả giá cho dự án này?
Nhà văn Nguyên Ngọc: Tất nhiên. Tôi phản đối là vì tôi thấy sẽ phải trả giá rất nặng nề.