Phan Bội Châu
Võ Văn Sạch dịch
Tân Việt Nam – Mười điều sung sướng lớn (1)
Việc giáo dục là một cái lò đúc nên người để trị nước. Quan lại, binh lính cũng đều từ đó mà ra. Cho nên giáo dục là cái gốc trong di sản của chính trị. Thuế má, hình pháp cũng đều từ giáo dục định ra. Nền giáo dục của nước ta sở dĩ hủ bại, cũ nát là bởi vì trước đó chưa duy tân đó thôi, chẳng nên nói làm gì. Như cánh tay chín lần gãy mới biết thuốc tốt, cho đến bây giờ chỉ có nền giáo dục mới làm tan biến đi mọi sự ngu dốt được. Trong thời đại duy tân nền giáo dục sẽ mãi mãi hoàn thiện, điều đó không nói cũng biết, nhưng người nước ta còn có người chưa rõ. Vì thế xin nói ra để người trong nước rõ thêm.
Khi đã duy tân rồi thì triều đình sẽ dốc hết lòng, tận tụy trông nom nền giáo dục. Tinh thần toàn xã hội dồn hết cho giáo dục. Đức dục, trí dục, thể dục… tất cả đều được đề cao mà không bỏ điều gì. Phải học Trung Quốc, học Nhật Bản, học nước ngoài tất nhiều người sẽ hái lượm được đầy đủ kiến thức. Các vườn cho trẻ chơi, trường tiểu học, trung học, cao đẳng, đại học từ kinh đô đến thôn quê nơi nào cũng có. Khi mới duy tân thì các giáo sư ở các học đường tất phải mời người Nhật Bản, người Châu Âu, người Mỹ dạy: trong thời duy tân thì người nước ta cùng với một số người nước ngoài tham gia giảng dạy, khi duy tân sắp xong rồi thì nhân tài nước ta trình độ sẽ hơn hẳn họ, nên không cần phải mời người nước ngoài dạy nữa. Tên gọi các trường học, tư cách của học sinh, đặt ra các môn học, sự nghiệp học hành đạt kết quả cao, cơ bản đều phải thu lượm theo cái hay, cái tốt của nước Nhật và Châu Âu, đồng thời phải tìm cách để tự hoàn thiện nữa. Trong các trường học, các môn như triết học, chính trị học, kinh tế, quân sự, hình pháp, ngoại giao, công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp, nữ công, y học, lâm nghiệp, phàm tất cả những gì liên quan tới cuộc sống con người cần phải học tập và phải mời thày giáo dạy tại học đường đầy đủ. Người nước ta được vào học không kể sang hèn, giàu nghèo, nam hay nữ, cứ từ 5 tuổi trở lên thì vào học ở vườn trẻ chịu sự giáo dục của bậc trẻ em, từ 8 tuổi trở lên vào học bậc tiểu học chịu sự giáo dục của bậc tiểu học, từ 14 tuổi trở lên vào học ở trường trung học chịu sự giáo dục của bậc trung học; cho đến khi 18 tuổi tài chất đã khá rồi thì được nhận vào học ở các trường bậc cao học theo sự giáo dục của các ngành chuyên môn bậc đại học. Tất cả những phí tổn về việc giáo dục, do triều đình, xã hội đảm nhiệm. Nếu người dân nào nghèo túng quá không thể đủ tiền đóng học phí thì triều đình và xã hội phải giúp đỡ, chu cấp thêm khiến cho con em trong cả nước đều được học qua ở các trường tiểu học bậc cao. Trước khi vào học ở các trường tiều học, đều phải đặt các trường dạy quốc ngữ, quốc văn, khiến cho nhi đồng và phụ nữ đều có thể đọc được báo chí, để nghe biết được những tin tức mới, bàn luận về thời sự để mở mang dân trí. Trong các trường học, hết thảy phải dùng chữ Quốc ngữ khiến cho mọi người ai ai cũng đọc được, khi đọc được ai ai cũng hiểu biết được để đến khi vào học ở các trường tiểu học ai nấy đều có điều kiện và hết lòng lĩnh hội kiến thức, mới có thể có đủ tư cách trở thành một người dân tốt hơn được. Hơn nữa, các sách giáo khoa ở các trường tiểu học, trung học, đại học phải được Bộ Văn [i] kiểm định, nhưng có sự châm chước, xét duyệt, bàn bạc chung trong nghị viện. Nội dung cơ bản của sách vở đều là cội nguồn để mở mang lòng yêu nước, khai thông tình ruột thịt đồng bào, phát huy dân trí giúp dân quyền khiến cho mọi người ai ai cũng tiến bộ ngày hàng ngàn dặm.
Tựu trung việc đào tạo nhân cách con người là trên hết, nhưng đối với binh lính và phụ nữ thì việc giáo dục đó lại càng cần thiết hơn. Vì người lính có trách nhiệm bảo vệ người làm ruộng và người đi buôn bán; có nhiệm vụ đi mở đất, dời dân và tăng thêm thế mạnh, uy nghi của một nước. Nếu ngay từ ban đầu, giáo dục không chu đáo, sâu sắc thì người lính làm sao mà dám xả thân vì nước, làm sao mà có lòng yêu thương đồng bào và làm sao mà gây dựng cho nước nhà ngày một cường thịnh được? Sau khi duy tân rồi thì người lính ở nhà được giáo dục tại nhà, ở doanh trại thì được giáo dục tại doanh trại. Là pháo binh, kị binh, công binh thì được giáo dục về công việc của pháo binh, kị binh, công binh. Là lục quân, hải quân, sĩ quan thì được giáo dục theo cách thức của lục quân, hải quân, sĩ quan. Không chỗ nào, không lúc nào là không giáo dục người lính để làm cho người lính sẵn sàng chết, làm tướng thì có khả năng cầm quân, làm cho nước nhà trở thành cường quốc trong năm châu. Đó cũng là mục đích trên hết để giáo dục người lính vậy.
Phụ nữ là người có trách nhiệm làm một người mẹ hiền, một người vợ đảm, có trách nhiệm trong việc buôn bán, làm đồ công nghệ, có trách nhiệm dạy dỗ con em, giúp đỡ việc quân. Có người mẹ anh hùng thì mới có thể giúp cho người chồng thành người anh hùng được. Vả lại, trên các mặt nghệ thuật, kinh tế người phụ nữ thực sự sẽ nắm được những quyền lợi vô cùng. Chỉ có giáo dục người phụ nữ một cách sâu sắc thì mới tạo ra cho họ lòng yêu nước sâu sắc, bỏ được riêng tư mà theo công lợi, dám hi sinh vì việc nghĩa để làm nên một quốc gia cường thịnh được. Cho nên trong một nước mà không có người phụ nữ yêu nước thì cuối cùng nước ấy sẽ phải làm đầy tớ cho nước khác mà thôi. Sau khi duy tân rồi, tất phải chú ý đặc biệt tới sự giáo dục cho phụ nữ. Sách giáo khoa dạy cho chị em phụ nữ phải chọn những sách có nội dung thật tốt; trường học để dạy chị em phụ nữ phải khuyến khích, lựa chọn những giáo viên thật giỏi. Những trường công nghệ, bệnh viện, thương điếm, ngân hàng, bưu điện, xe hơi, tàu thủy… cùng tất cả những ngành gì có liên quan đến tài chính nên tuyển dụng phụ nữ có trình độ học vấn cao, khiến cho họ phát huy hết tài năng để giúp cho việc quân, việc nước và có nghĩa vụ bình đẳng với nam giới. Tất cả những gì mà quốc gia khen thưởng, những vấn đề thuộc về xã hội thì người phụ nữ cũng có giá trị bình đẳng với nam giới. Điều đó, khiến cho phụ nữ trong cả nước không ai là không mong muốn làm một người mẹ anh hùng, làm một người vợ anh hùng, làm một người phụ nữ giàu lòng yêu nước. Bia đá tượng đồng tạc phường khăn yếm, việc sử dụng súng ống, lưu danh tên tuổi, việc hội ước, xông pha nơi chiến trường thì người phụ nữ so với kẻ mày râu đều cùng giá trị. Do đó, việc giáo dục người phụ nữ là mục đích trên hết vậy.
Còn như trong khuôn khổ của một nền chính trị thì lấy việc học về công đức, học về lòng bác ái là một việc tối quan trọng. Nói người trong nước, đó là tiếng gọi chung người trong một nhà.
Nước ta phía Nam đến tận Hà Tiên, phía Bắc đến tận Lạng Sơn. Một dải núi sông, thực như nhà chung của mọi người. Cùng được sinh ra và lớn lên như trong một nhà, cùng sống và đoàn tụ như trong một nhà, cùng được trời che đất chở, thì sẽ là anh em đồng bào ruột thịt với nhau. Khi sống chơi với nhau một chốn, khi chết cùng chôn với nhau một gò. Huyết mạch từ nghìn năm, giống nòi ai để lại? Tên họ sau muôn thuở, người nào đến viếng thăm? Há đâu cứ nhìn vào các nước Hồ, Hán, Tần, Việt mà nói rằng người nước ta chẳng phải một nhà?
Đau khổ xót thương cũng đều có quan hệ xương thịt với nhau, ấp ủ, giúp đỡ nhau chẳng khác nào như thích mùa xuân vậy.
Nước ta đương buổi duy tân, tất phải khiến cho dân trong nước không có người nào là không có chỗ ở. Lại đặt viện từ thiện cảm hóa để giáo dục cho những người tàn tật đáng thương. Lập nhà nuôi trẻ mồ côi, nhà nuôi dưỡng người già yếu, nhà hộ sinh cho phụ nữ. Tất cả những trường học đó đều nhằm giáo dục những người nghèo khó, cô đơn. Phàm tất cả những trường phải chọn học sinh nam nữ là những người tốt có đạo đức và những thày giáo giàu lòng bác ái để dạy bảo, chăm sóc, trông nom, khiến cho họ cùng với quốc dân, cùng hưởng thái bình, tự do và hạnh phúc. Đến khi ấy, nền giáo dục thật hoàn thiện, không có thiếu sót gì, cũng như trời mưa to vạn vật đều tươi tốt, biển lặng sóng yên cá tôm cùng nhảy múa. Chúng ta được thấm ơn như thế, sướng biết chừng nào!
Đất đai nước ta, phía Tây sát nước Tiêm La, phía Bắc thông đến xứ Việt – Điền [ii], phía Đông liền biển lớn, phía Nam tiếp đến Côn Lôn, ở giữa là tỉnh Nghệ An có 4 trấn [iii], xứ Bắc Kỳ có 10 châu, Quảng Trị có 2 xứ Cam [iv], Nam Kỳ có hai Xá [v], đất đai đều có thể cày cấy được, rừng có thể chăn nuôi được, núi có thể khai khẩn được. Riêng những điều đó thôi thì nước ta đã không thể đứng dưới một nước trung đẳng được. Huống hồ nước ta lại có cả đồng bằng rộng lớn, có nhiều hồ lớn và vùng đất tốt đã được cày cấy từ lâu. Nhưng vì sao cũng vẫn còn có nơi nửa văn minh, nửa dã man? Là bởi vì dân trí chưa được mở mang, nhân tài chưa nhiều, chỉ mới dùng sức chân tay mà làm chứ chưa biết dùng máy móc. Lại còn mùa màng hạn hán, thiên tai hoành hành, mất hàng nửa công sức để khai khẩn ruộng đất, bỏ hoang, đến một đấu thóc, nửa thăng thóc mà dân cũng không có mà tích trữ. Mà đất đai thì có đến hàng ngàn, vạn mẫu bỏ hoang. Triều đình có thế lực mà không biết mở mang ra, xã hội có công cụ làm ăn mà không biết vun trồng lại, đất nước ngày càng nghèo, dân càng ngày càng khổ. Thật đáng thương thay!
Khi đã duy tân rồi thì việc nghiên cứu về nông nghiệp phát triển mạnh, nghề nông ngày một tiến tới. Sức người không đủ sẽ có máy móc bổ sung hỗ trợ cho. Thiên tai bất lợi sẽ có trí tuệ con người chinh phục. Một người khai khẩn chưa xong thì xã hội giúp tiền để cùng làm cho thành. Dưới dân mà làm không xong thì triều đình sẽ đốc thúc quan lại giúp đỡ thêm. Quan đại thần trông coi việc nông phải là bậc học sĩ cao cấp. Người nghiên cứu về nông nghiệp phải sử dụng những người sành sỏi, tài giỏi về nghề nông. Rồi thì khắp mặt đất mới chứa đầy mầm châu báu, trời rộng kia mới chở hết sự mạnh giàu. Trên rừng núi không bỏ sót nguồn lợi nào, ở làng xóm tài sản không bao giờ cạn. Lúc bấy giờ, đất đai ngày một mở rộng, thế nước mạnh như nuốt các nước láng giềng. Của cải, sản vật tràn trề khắp nơi, danh giá nước ta trên thế giới ngày càng được trọng vọng. Chúng ta sung túc, giàu có đến thế, sướng biết chừng nào!
Người nước ta có sự suy nghĩ khôn ngoan, có tai mắt thông minh, so với người Châu Âu chỉ có hơn chứ không thua kém. Thế mà bao nhiêu thứ hàng hóa, vật dụng đều phải mua của nước ngoài, bao nhiêu lợi quyền đều chịu để nước ngoài nắm giữ. Các thứ dùng để ăn uống, từ thuốc cho đến trà, rượu, các đồ mặc như gấm, nhung cho đến vải lụa, nếu chẳng phải là do người nước ngoài làm ra thì cũng do người Hoa đem đến, nếu chẳng phải từ bên Tây chở sang thì cũng từ nước Thanh mang lại. Vì vụng về ngu muội nên tiền của tiêu hao, sản vật của trời đất sinh ra để cho người nước ngoài ra sức mà ăn nuốt hết. Hôm nay mặc hàng Tây, ngày mai mua đồ Hoa, ví như người này mặc hàng Hoa, người kia mặc hàng Tây. Người nước ta há lẽ nào không biết suy nghĩ, không có tai mắt mà nhìn mà nghe hay sao? Đất nước ta lẽ nào lại không có khoáng sản, không có công trường hay sao? Mà sao lại ngu dại để cho máu mỡ của mình dần dần mất hết, sớm tối tay chân nhọc nhằn vất vả đến thế? Đó là bởi triều đình không có phương pháp khuyến thợ khen nghề, xã hội không biết đấu tranh cho lợi quyền đó thôi. Người Pháp lấy cái lợi của ta bởi rằng ta ngu, thường ngày lo tìm cách ngăn lấp tri thông minh của ta, khiến cho ta quên hết mọi điều cổ hủ vậy. Đó là trước kia.
Khi đã duy tân rồi thì tai mắt người nước ta được rộng hiểu. Tâm tư trí tuệ người nước ta tất phát triển phi thường. Trường học bách công mọc đầy khắp trong nước. Thợ tìm mỏ, thợ nấu vàng, thợ điện khí, thợ cơ khí, thợ chế tạo vật phẩm buôn bán, thợ chế tạo dụng cụ dùng cho nhà nông, thợ hội họa, mĩ thuật, thợ may, cho đến hàng trăm các phẩm vật khác phục vụ cho đời sống con người đều có thợ cả. Tất cả các trường dạy thợ, đều lấy những kiến thức tối ưu nhất của Châu Âu, của Nhật Bản để giảng dạy. Ngành học về khai mỏ ngày càng tiến bộ, nguồn lợi khai mỏ ngày càng nhiều, của cải dưới lòng đất khai thác ngày càng tăng, những công nhân giỏi ngày một đông đảo. Miền núi sẽ đẹp như gấm vóc, thôn quê cũng hóa đô thành. Đến lúc ấy người nước ta đầu óc thông minh, tay chân khôn khéo rong ruổi khắp non sông đất nước, vật phẩm tuyệt đẹp đến nỗi Châu Âu, Châu Mỹ cũng phải chịu thua giá trị. Chúng ta bay nhảy đến thế, sướng biết chừng nào!
Việc đi buôn mạnh như cọp, như cá kình thì trong thế giới nước nào mà không nuốt nổi. Đi buôn bán nhà mà có gươm súng thì trong thế giới dân nào chẳng bắt được. Thật đáng thương cho nền thương mại yếu kém của ta! Thật đau xót cho giới kinh doanh thương mại của ta bị đình đốn! Hàng hóa sản vật của cải có xuất mà không có nhập, như máu mỡ chỉ có mất mà không hề tăng lên. Nhà nghèo có điều kiện bôn tẩu đó đây, nhưng mà lại không đủ sức, nhà giàu có của thừa thãi mà lại chẳng có lòng làm. Không tâm không lực thì không thể mà sinh tồn nổi trong thời đại cạnh tranh buôn bán này được. Dò xét nguyên nhân mới hay rằng: một là người nước mình không có tinh thần tin yêu nhau, hai là người nước mình không có cái chí tiến thủ mạo hiểm. Không cò lòng tin yêu nhau thì người nghèo có trí mà không cùng bàn bạc với người giàu, người giàu có của mà không chịu giúp người nghèo. Như thế xã hội đến tan nát, của cải tiêu mòn. Không biết cách làm, không biết hợp của cải lại thì buôn bán làm sao được. Không có chí tiến thủ mạo hiểm thì một đồng tiền cũng chẳng dám rời tay, huống hồ đem của cải nhiều đến hàng vạn quan tiền! Một bước cũng không dám rời cửa, huống hồ phải vượt biển rộng đến ngàn trùng! Cầm túi giữ chặt, chôn của chờ tiêu, không dám đi buôn bán xa, không dám xông pha đây đó thì làm sao mà có thể đi buôn bán được?
Khi đã duy tân rồi, dân trí ngày càng phát đạt lớn, sự học tập về thương mại ngày càng phát triển nhanh. Người nước ta có tình cảm thương yêu nhau nhiều, hợp của cải muôn người làm của chung, hợp sức muôn người thành một sức chung thì việc buôn bán trong xã hội ngày một cố kết mà chẳng tách rời nhau. Người nước ta tất sẽ dũng cảm mà có chí tiến thủ mạnh. Nhà nào có thực nghiệp [vi] thì được triều đình đặc biệt chú trọng, ai có tài kinh doanh được xã hội tôn vinh thì việc buôn bán sẽ mạnh mẽ như ngọn thủy triều không sức nào ngăn cản nổi. Đến lúc đó, người nước ta đồng lòng hiệp sức, quyên góp tiền vốn lại cùng với nước ngoài đua tranh buôn bán. Thóc gạo ê chề, tơ, gỗ lạt cùng các vật phẩm xuất cảng, so với các nước khác, hàng hóa Việt Nam ta sẽ chiếm mức tối đa.
Tất cả các công ti buôn bán lớn ở các thành phố như Pa-ri nước Pháp, Bá Linh nước Đức, Luân Đôn nước Anh, Nữu Ước nước Mỹ cùng với các nước khác hết thảy đều thấy rằng nền thương mại Việt Nam là thịnh vượng nhất. Tàu buôn các nước ra vào buôn bán ở các cảng Việt Nam mỗi ngày không dưới vài ngàn chiếc. Hàng hóa tiền bạc của các nước nhập vào kho thương mại của Việt Nam mỗi ngày không dưới ức vạn đồng. Chúng ta sẽ lấy của cải mà đắp nên thành trì, trên thế giới không có loại pháo nào mà công phá nổi. Chúng ta sẽ kết tàu làm trận, thì Châu Mỹ, Châu Âu cũng dễ lướt qua như sóng vậy. Người nước ta đầy đủ và mạnh đến thế, sướng biết chừng nào.
Nếu biết lấy việc thu hoạch mùa màng là sự vui sướng thì việc dầm mưa dãi gió, vất vả sớm hôm cũng không quản ngại: biết tụ họp xóm làng ca hát là vui thì thì việc chuyển đá dời non, đắp đường mở lối cũng không thấy nhọc nhắn. Sướng thay nước Việt Nam mới! Sướng như thế đó! Người trong nước ta có ai mà không đẹp lòng? Có ai mà không nhón gót giương mày ngẩng cổ mà trông?
Tuy nhiên, chợt nghe thì mừng, quá mừng lại ngờ vì cách thức để gây dựng nước Việt Nam, tiền của để xây dựng nước Việt Nam mới nước ta còn có người hoang mang chưa rõ. Tôi tuy là người hèn kém bất tài nhưng cũng may mắn được là người con yêu mến của nước ta, xin kính cẩn bày tỏ một số hiểu biết kém cỏi của mình sau đây để tất cả các bậc cha anh, chú bác, anh em lựa chọn lấy.
Mong mọi người trong nước ai ai cũng có ý chí tiến thủ mạo hiểm.
Mong mọi người trong nước ai ai cũng có tinh thần thương mến, tin cậy lẫn nhau.
Mong mọi người trong nước ai ai cũng có tư tưởng tiến bước lên nền văn minh.
Mong mọi người trong nước ai ai cũng có sự nghiệp thực hành yêu nước.
Mong mọi người trong nước ai ai cũng có sự nghiệp thực hành công đức.
Mong mọi người trong nước ai ai cũng có hi vọng về danh dự và lợi ích.
Nguồn: Phan Bội Châu, Tân Việt Nam. Bản điện tử được thực hiện từ ấn bản của Cục Lưu trữ Nhà nước năm 1989, do Võ Văn Sạch dịch và chú thích, Đinh Xuân Lâm viết lời giới thiệu, tr. 19-28
[i] Tức Bộ Giáo dục
[ii] Tức hai tỉnh Quảng Đông và Vân Nam của Trung Quốc
[iii] Trấn Ninh, Trấn Định, Trấn Biên, Trấn Tĩnh
[iv] Cam Lộ, Cam Linh
[v] Thủy xá và Hỏa xá
[vi] Ở đây, ý chỉ một trong các ngành nghề như nghề nông, nghề công, nghề thương cùng tất cả các công việc làm cho mối lợi được phát triển mạnh.