Hiển thị các bài đăng có nhãn Có không kẻ sĩ Trịnh Công Sơn?. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Có không kẻ sĩ Trịnh Công Sơn?. Hiển thị tất cả bài đăng

22/4/09

Có không kẻ sĩ Trịnh Công Sơn?

Có không kẻ sĩ Trịnh Công Sơn?

14/04/2009 | 6:58 sáng |

Tác giả: Trương Thái Du


Theo Khâm định Việt sử, tháng Tám, mùa thu, năm Nhâm Tuất 1202 vua Lý Cao Tông “Sai nhạc công đặt ra nhạc khúc gọi là “Chiêm Thành âm”. Nhạc khúc này giọng sầu oán não nùng, ai nghe cũng rỏ nước mắt. Nhà sư Nguyễn Thường nói rằng: “Tôi nghe nói: thanh âm của nước loạn thì ai oán giận hờn. Nay chúa thượng rong chơi vô độ, kỷ cương triều đình rối ren, lòng dân ngày một ly tán. Tiếng nhạc ai oán làm não lòng người! Đó là triệu chứng bại vong”. Chỉ hơn hai mươi năm sau, nhà Trần đoạt ngôi của họ Lý.

Ở phiên bản talawas cũ, tác giả Nguyễn Hữu Liêm có bài viết “Cái âm điệu tủi thân bi đát“. Ông dẫn: “Cách đây khoảng hai ngàn năm trăm năm, hai nhà hiền triết Ðông Tây, Khổng Tử và Socrates, đã đồng lúc khuyến cáo đến cái tầm quan trọng của âm nhạc. Âm nhạc là sinh khí của tinh thần. Hễ nhạc xuống là nước nhà xuống; hễ nhạc uỷ mị là con người tha hóa. Cái thối nát của con người khởi đi từ sự thối nát của âm nhạc”. Và “Nietzsche trong cuốn The Will to Power có nói tới cái tâm thức amor fati - cái bệnh tủi thân, cái lòng yêu số phận bi đát của mình. Cái bệnh amor fati của dân Việt khởi đi từ Truyện Kiều và kéo dài cho đến ngày nay. Từ Kiều qua nhạc Chàm, qua nhạc Huế, qua vọng cổ, qua nhạc bolero đã làm cho miến Nam ngồi xuống vỉa hè, che mặt và lau nuớc mắt. Cái quần chúng lau nước mắt này bị lưu đày qua đất mới và tiếp tục uống nước dừa tang thương bằng âm nhạc”.

Gần đây, khởi đi từ một bài viết của Trịnh Cung về Trịnh Công Sơn, dư luận xã hội Việt Nam bỗng xôn xao khác thường. Nó có phần lấn át, dù chỉ là tức thời, sự chú ý của mọi người về vận nước trong các vấn đề Biên giới - Biển - Đảo và khai thác quặng nhôm ở Tây Nguyên.

Trong đám đông dư luận “phù Trịnh”, có ai đó đã nói tham vọng chính trị của họ Trịnh chính là phản chiến, là hòa bình. Hãy lắng nghe ý kiến của một người dân thường cùng thời với Trịnh Công Sơn: “Hồi đang học những năm đầu của bậc trung học, khoảng những năm 65, 66… tôi bắt đầu nghe nói về một thứ nhạc của ai đó, khi nghe có cảm giác rã rời như hút ma túy, lính chiến nghe nó không còn muốn chiến đấu nữa. Một hôm đứng trong một hiệu sách, tôi nghe tiếng hát lê thê như lời cầu kinh vọng ra từ máy thu băng. Người bán sách nói với mấy người đang trả tiền đó là nhạc của Trịnh Công Sơn. Nhạc phản chiến đấy”[1].

Không phải ai cũng xem Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tài ba, vĩ đại. Ông không sáng tác nhạc. Ông chỉ hát thơ như Văn Cao nhận xét: “Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim…”[2]. Số đông ít khi nghi ngờ họ Trịnh là nhạc sĩ, là cây cao bóng cả trong nền âm nhạc Việt Nam hôm qua, hôm nay và mãi mãi về sau. Bởi lịch sử ngắn ngủi của tân nhạc Việt Nam gần như không có chuẩn nhạc sĩ rõ ràng, và lại càng không có “nhạc sĩ vĩ đại” để mà so sánh sự nghiệp cũng như thành tựu nhạc thức.

Thi thoảng từng có không ít công dân trung niên của nước Nhật bẽ bàng, nước Nhật thua trận, nước Nhật nhục nhã sau thế chiến thứ hai, đồng cảm một cách lạ lùng với “nhạc” Trịnh. Đồng khí tương cầu chăng? Ca khúc “Diễm xưa” của họ Trịnh được đại học Kansai Gakuin đưa vào giảng dạy trong bộ môn văn hóa Việt Nam, hình như dưới chiêu PR của công ty kinh doanh âm nhạc Myrica. Sau đợt Khánh Ly đem chuông Trịnh đến “đánh” ở Osaka năm 1970, ca sĩ dòng nhạc “sến” enka Yoshimi Tendo cũng từng nhiều lần hát nhạc Trịnh[3].

Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều văn nghệ sĩ xuất thân từ phong trào sinh viên tranh đấu của mặt trận giải phóng đã rỉ tai nhau câu vè “Sơn vàng, ôm guitar đỏ hát nhạc màu da cam”. Nếu ca khúc “Cát bụi” rất hợp với vỉa hè bolero của Sài Gòn, chính thức đóng dấu xác nhận tác phẩm của Trịnh Công Sơn trước 1975 có một phần quan trọng là nhạc vàng ru ngủ, bạc nhược và ủy mị; thì dòng nhạc “Da cam” của ông bên cây “guitar đỏ” không thể không nhắc tới những “Em ở nông trường em ra biên giới”, “Huyền thoại mẹ”… sống sượng, yếm thế và a dua dựa dẫm.

Người ta sẽ còn ca ngợi và nói nhiều về Trịnh Công Sơn, trong đó chắc chắn có tiếng góp đầy trọng lượng của những ai vẫn hưởng lợi trên di sản của ông. Kể ra, phải nói Trịnh Công Sơn thật may mắn. Chẳng bì với Dương Hùng thời Tây Hán, làm sách Thôi Huyền, Pháp Ngôn nhưng bị đời khinh bỉ quên lãng vì thất thân với Vương Mãng. Chẳng hổ như Thái Mão đời Đông Hán soạn hết cả Cửu Kinh, làm văn bia ở trước nhà Thái Học nhưng trót lụy Đổng Trác nên danh nhơ tiết nhục, chẳng ai thèm đọc sách[4].

Mai này, ở tương lai nào đó, may phúc dân tộc Việt Nam không còn “lòng yêu số phận bi đát của mình”, không còn mặc cảm nhược tiểu và yếm thế thì cái hồn của ca từ Trịnh Công Sơn sẽ mai một. Người ta sẽ ném những mớ nốt nhạc dễ dãi tuyền giọng mi thứ nhàm chán của ông vào sọt rác ký ức. Lúc ấy, nếu tình cờ con cháu chúng ta tiếp xúc với “nhạc” Trịnh, có lẽ chúng sẽ lấy làm ngạc nhiên mà ướm hỏi: “Trình độ âm nhạc của tổ tiên mình tệ đến thế ư?”. Đừng mơ chúng sẽ nghi hoặc: “Có không kẻ sĩ Trịnh Công Sơn?”.

Thảo Điền tháng 4.2009

© 2009 Trương Thái Du

© 2009 talawas blog

[1] http://www.x-cafevn.org/forum/showthread.php?t=24602&page=2

[2] Trịnh Công Sơn - Tuyển tập những bài ca không năm tháng, NXB âm nhạc 1997, trang 278.

[3] Tham khảo Nguyễn Đình Đăng, tienve.org

[4] Theo thơ văn Phan Bội Châu, thời kỳ ở Huế. NXB Thuận Hóa 1987, trang 315.
Create PDF

Phản hồi

12 phản hồi (bài “Có không kẻ sĩ Trịnh Công Sơn?”)

1.
Nguyễn Khánh Hưng nói:
16/04/2009 lúc 2:16 sáng

Tôi hoàn toàn không thể đồng ý với đoạn kết bài của anh Trương Thái Du.

Thứ nhất, vì cái đẹp trong nghệ thuật tự nó có một sự độc lập tương đối, không phụ thuộc vào ngoại cảnh. Chẳng thể vì anh hay vì tôi thay đổi mà cái hồn trong ca từ của Trịnh Công Sơn bị mai một. Cái bị mai một, hay kẻ bị mai một, chỉ có thể là tâm hồn của anh hay của tôi.

Thứ nhì, tôi tin rằng các tác phẩm của Trịnh Công Sơn thuộc số những tác phẩm âm nhạc [được viết trong thế kỷ 20 bởi người Việt Nam] bị vứt vào sọt rác cuối cùng, nếu một ngày nào đó việc này xảy ra. [Những thứ bị vứt đầu tiên có lẽ sẽ là những tác phẩm giao hưởng thính phòng mà các nhạc sĩ Việt Nam gồng mình lên viết trong mấy chục năm qua.] Nhưng phải nói thật, tôi cảm thấy tuyệt vọng nếu con cháu chúng ta vứt những tác phẩm của Trịnh Công Sơn vào sọt rác, bởi vì điều đó chỉ ra chúng là những kẻ đần độn [về âm nhạc].
2.
democracy nói:
15/04/2009 lúc 10:34 chiều

Gởi Thiên Sầu,

Thiên Sầu là người cổ súy cho dân chủ nhưng sao không có tinh thần dân chủ gì hết vậy?! Tranh luận mà chỉ “phán” một cách vô lý, chẳng có lý luận lý lẽ gì hết cả!
3.
Cyclo nói:
15/04/2009 lúc 3:05 chiều

“Mai này, ở tương lai nào đó, may phúc dân tộc Việt Nam không còn “lòng yêu số phận bi đát của mình”, không còn mặc cảm nhược tiểu và yếm thế thì cái hồn của ca từ Trịnh Công Sơn sẽ mai một. Người ta sẽ ném những mớ nốt nhạc dễ dãi tuyền giọng mi thứ nhàm chán của ông vào sọt rác ký ức. Lúc ấy, nếu tình cờ con cháu chúng ta tiếp xúc với “nhạc” Trịnh, có lẽ chúng sẽ lấy làm ngạc nhiên mà ướm hỏi: “Trình độ âm nhạc của tổ tiên mình tệ đến thế ư?”. Đừng mơ chúng sẽ nghi hoặc: “Có không kẻ sĩ Trịnh Công Sơn?”.”

Tác giả bài viết này quá chủ quan và ngạo mạn. Nhưng lại quá dại dột với cái kết luận như ở trên. Ông Trương, ông không đủ trình độ!
4.
Ha Anh nói:
15/04/2009 lúc 4:15 sáng

Trương Thái Du nêu lên 1 giả thuyết quan trọng: dân tộc nào có mặc cảm nhược tiểu và yếm thế thì thích nhạc ủy mị.

Tác giả có biết nghiên cứu xã hội học nào kiểm chứng giả thuyết này? Không thể coi nhận định của Socrates hay Khổng Tử là một bằng chứng khoa học, chẳng qua cũng chỉ là giả thuyết.

Một giả thuyết liên quan theo logic trên cũng cần được kiểm chứng khoa học: cá nhân nào tự ti và yếm thế thì thích nhạc Trịnh Công Sơn.

Tôi cho rằng các phương pháp nghiên cứu định lượng hiện hành của ngành xã hội học và tâm lý học có thể giúp kiểm định các giả thuyết trên.
5.
NguyenAustin nói:
15/04/2009 lúc 1:10 sáng

Đọc xong bài viết :”Có không kẻ sĩ Trịnh Công Sơn” của tác giả Trương Thái Du (TTD) tôi có một vài suy nghĩ sau:
- Về khả năng cảm thụ âm nhạc .Thật vậy, trong đoạn thứ tư của bài viết TTD cho biết rằng ông cũng là một trong số những người không công nhận TCS là nhạc sĩ : Ông (tức TCS) không sáng tác nhạc. Và rồi trích dẫn lời của Văn Cao về nhạc TCS: Ông chỉ hát thơ như Văn Cao nhận xét: “Với những lời, ý đẹp và độc đáo đến bất ngờ hôn phối cùng một kết cấu đặc biệt như một hình thức của dân ca hầu như không thay đổi, Trịnh Công Sơn đã chinh phục hàng triệu con tim…”. Tôi tự hỏi rằng nhạc sĩ là gì nếu không phải là người viết phần nhạc (hoặc luôn phần lời ) cho một tác phẩm. Đại đa số tác phẩm của TCS đều do chính ông viết phần nhạc và lời. Riêng về phần lời ,ai cũng công nhận rằng TCS là phù thủy về ca từ. TTD chắc không biết điều đó và cũng không hiểu Văn Cao dùng hai chữ “hôn phối” để ám chỉ sự kết hợp giữa lời và nhạc TCS trong lời ca ngợi này .
TTD cũng làm tôi ngạc nhiên khi quan niệm về một thứ nhạc “sến” trong âm nhạc. Theo cách hiểu của ông, “sến” là những gì có tính cách cầu kỳ, hoa mỹ để làm dáng cho những gì mình muốn nói, muốn chứng tỏ mà nội dung thì rỗng tuếch (?) như những loại nhạc Boléro ở vỉa hè Sàigòn mà ông đã đồng hóa với nhạc phẩm “Cát bụi” của TCS. Cảm thụ nghệ thuật có tính cá nhân. Khinh thường những cảm thụ nghệ thuật khác với mình là một sự kiêu kỳ, ngạo mạn. Tôi không biết TTD có phải là người sống ở miền nam trước 75 hay không (?) .Trong cái trí nhớ khiêm tốn của tôi, vào thời đó “Cát bụi” có vị trí riêng trong lòng người thưởng ngoạn, không thể nào được xem là loại nhạc Boléro vỉa hè như TTD trích dẫn.
- Kẻ sĩ là gì? thế nào là một kẻ sĩ? Trong một xã hội văn minh mà con người có quyền suy nghĩ và bày tỏ suy nghĩ bằng cách thức riêng của mình thì khái niệm “ kẻ sĩ” có cần thiết hay không? Tôi thật thất vọng khi chỉ thấy TTD chỉ cho thấy khái niệm kẻ sĩ “bàng bạc” qua bài viết này. Nếu không lầm, kẻ sĩ của TTD ( hay của những aì không “phù trịnh”) là những người “ăn cây nào ,rào cây ấy”, thờ một chúa, không đâm sau lưng chiến sĩ,…Kẻ sĩ phải chăng là những người không được quyền nói khác , sống khác trong một hoàn cảnh nào đó của lịch sử ? Kẻ sĩ không thể nào là một người “phản chiến” trước một cuộc chiến không có gì chính nghĩa (theo quan niệm cá nhân)? Và một khi thời thế đã ngã ngũ kẻ sĩ phải là người không được phép ca ngợi những nét đẹp khác của tình người, tình tự dân tộc trong một khung cảnh mới?….Dù thế nào đi nữa vấn đề đặt ra là tại sao TTD ( cũng như nhiều người khác ) cứ phải bắt TCS phải là một “kẻ sĩ” nếu chính TCS không bao giờ tuyên bố (hoặc ít ra là qua những tác phẩm của ông) mình là một kẻ sĩ trong cuộc chiến đầy oan ức và tức tưởi vừa qua của cả hai miền?
Tôi không phải là người “phù Trịnh” hay nói đúng hơn tôi là người “phù “cả Phạm với Phạm Duy, Phạm Đình Chương, phù luôn Từ Công Phụng,Ngô Thụy Miên ….của miền nam nhưng tôi cũng phù luôn cả Văn Cao, Nguyễn Văn Tý với “ tấm áo ấy con qúi hơn tất cả,…” ,…của miền bắc.
Điều cuối cùng thưa ông TTD, gỉa như bây giờ chúng ta được nghe lại “Chiêm Thành Âm” đành rằng chúng ta không thấy hay và nhận ra rằng đây không phải là loại nhạc của thế kỷ 20-21 . Đó chỉ vì chúng ta không phải là người sống trong giai đoạn ấy hay chúng ta không phải là những nhà nghiên cứu âm nhạc chứ không phải là nó đáng ném vào sọt rác. Chỉ có những ai muốn ném qúa khứ đầy đau thương của một dân tộc vào sọt rác mới là kẻ đáng khinh! Và biết đâu trong cái qúa khứ đó có cả những mớ nốt nhạc dễ dãi tuyền giọng mi thứ của TCS.

Chú thích: chữ in nghiêng là của TTD
6.
THIENSAU nói:
14/04/2009 lúc 6:36 chiều

Sáo rỗng.
7.
Nguyễn Đình Đăng nói:
14/04/2009 lúc 5:12 chiều

Trong bài viết đang gây chú ý, Trịnh Cung không phủ nhận tài năng âm nhạc của Trịnh Công Sơn (TCS). Ông chỉ muốn nói về con người thực của TCS theo cách nhìn của ông. Những bài viết như vậy theo tôi là cần thiết. Những chi tiết ông đưa ra sai đúng tới đâu thì chỉ có một số người trong cuộc, hiện vẫn còn sống, mà bài viết đụng đến, mới có thế minh định được.

Đã là con người thì không thể tránh khỏi những sai lầm, có những thói hư, tật xấu, âu cũng là lẽ tự nhiên. Đến các đại danh hoạ như Michelangelo, Rembrandt, Picasso, Dalí, Gauguin, Van Gogh v.v., thiên tài âm nhạc như Mozart, Beethoven, Chopin v.v., các nhà vật lý đại tài từ Newton, Einstein, tới Landau, Marie Curie v.v. cũng mắc không ít lỗi lầm, thói hư tật xấu. Michelangelo nổi tiếng vì nhỏ nhen, ghen tài với Leonardo. Rembrandt khi vẽ bức “Đi tuần đêm” bị phê phán là chỉ vẽ rõ chân dung những người trả nhiều tiền, còn ai trả ít tiền thì ông vẽ qua quýt, mờ nhạt trong bức tranh. Pablo Picasso từng là đảng viên cộng sản Pháp, từng có nhiều “bồ bịch”, từng bị coi là hèn nhát ngồi nhìn các bạn mình hy sinh trong thế chiến I, II, và nội chiến tại Tây Ban Nha. Salvador Dalí lại bị nhiều người đương thời ghét cay ghét đắng vì tính khoa trương, hám tiền, và “nâng bi” độc tài phát-xit Franco (Dalí từng vẽ chân dung con gái Franco để tặng Franco). Chopin bắt bồ với George Sand và từng bị coi là nguyên nhân khiến George Sand từ bỏ chính con gái bà, v.v. (Tôi sẽ vượt quá 1500 chữ nếu liệt kê tiếp).

Bài của Trương Thái Du (và một số người khác) lại phê phán “mớ nốt nhạc dễ dãi tuyền giọng mi thứ nhàm chán” (từ của TTD) của TCS. Đành rằng thời gian sẽ là câu trả lời chính xác cho những chân giá trị. Nhưng đến khi đó chắc gì chúng ta còn sống. Con cháu chúng ta đánh giá thế nào hoàn toàn là quyền, thẩm mĩ, và tự do của chúng. Hành xử thế nào để khỏi hổ thẹn với chính lương tâm của mình, theo tôi, là điều cần thiết hơn nhiều. Hiện thời, không thể phủ nhận một sự thật là có một “đám đông dư luận ‘phù’ Trịnh” (từ của TTD), nhưng cũng có những người không thích các bài hát của TCS. Điều đó có lẽ cũng tương tự như có người thích nhạc cổ điển, có người thích nhạc pop, nhạc rock, nhạc rap v.v. Không thể vì tôi thích nhạc cố điển, cho rằng đó là loại nhạc sang, để rồi tôi lên giọng chê bai những nhạc enka là sến rẻ tiền, nhạc pop là loại cho quần chúng ít học v.v. Nói như thế thì cũng tựa như tôi chỉ cho rượu vang, pho-mát, prosciutto là ngon, là cao cấp, rồi đi chê bai mắm tôm với bún ốc. Vả chăng, tôi vẫn cho rằng cố sáng tạo ra cái gì đó của mình vẫn hơn là phung phí cuộc đời ngắn ngủi vào việc chê bai người khác.

Các bàn luận quanh bài viết của Trịnh Cung khiến tôi nhớ lại W. Somerset Maugham. Trong tiểu thuyết “Mặt trăng và đồng xu” (The moon and sixpence) (1919) (Xem free tại http://www.gutenberg.org/files/222/222-h/222-h.htm), W. Somerset Maugham viết: “Đối với tôi điều hấp dẫn nhất trong nghệ thuật là nhân cách của nghệ sĩ; và nếu nhân cách đó dị thường, tôi sẵn lòng tha thứ cả ngàn lỗi lầm.” (To my mind the most interesting thing in art is the personality of the artist; and if that is singular, I am willing to excuse a thousand faults.)
8.
vantruong nói:
14/04/2009 lúc 9:58 sáng

“Vi vu”
Thợ lắp
Chữ nổ
Toác hoác
Rỗng tuếch
“Vô riêng”
9.
Tôn Thất Tuệ nói:
14/04/2009 lúc 9:22 sáng

Ca Sĩ Anh Ngọc khoe với vợ chồng tôi ở tiệm thu băng Au Printemps Saigon ông có băng master Khánh Ly hát TCS tại phòng thông tin Mỹ để gởi qua Đông Âu cho sinh viên Bắc. Một bạn tù cải tạo nói với tôi thân nhân của anh ở Hanoi có cassette nhạc TCS con du học đem về. Nét ủy mỵ và mung lung cua TCS, cả hai bên đều khai thác.
Tình báo Saigon tin rằng các quán nhạc lọai tranh tre khởi đầu bởi Quán Gió, Võ Tánh, có bàn tay yểm trợ của cộng sản. Sony, Akai tràn ngập qua PX Mỹ. Các quán nhỏ hơn như quán Cô Hồng trước Viện Pasteur cũng TCS. Thật ra ủy mỵ và phản chiến không riêng TCS. Kỷ Vật Cho Em gồm chiến thắng Pleme mất hút trong bại tướng cụt chân, hòm gỗ đầy hoa, người yêu tật nguyền chai đá. Trả lại em yêu thì anh ra đi chẳng mong ngày về.
Mặc dù hát một hai ba ta đi lính cộng hòa, một hai ba ta đi lính cả nhà, Phạm Duy nói hơi quá: lính CS chết thấy bầu trời trăng sao, lính CH chết chỉ thấy cái tam giác của em gái Dạ Lan. Tôi không đồng ý về hình ảnh ấy, nhưng em gái Dạ Lan õng ẹo hơi nhiều.
Mấy năm cuối ít ai để ý đến sự ru ngủ kinh khủng trong giới công chức quân nhân là xoa mạc chược mà tin như tiểu thuyết mặt trận vẫn bình yên. Nghe nói đại tá Khoa còn kẹt trong canh xì khi địch vào Huế, ông phải lên núp mán xối.
Nhạc yếu làm con người yếu hèn. Nhưng nhạc mạnh không hồn, phi nhân, làm mình xung động như kiểu Pavlov, sẽ vỡ mộng mà chết.
10.
HaThuan nói:
14/04/2009 lúc 8:15 sáng

Tôi cùng bàn bè nhiều lần bàn luận về TCS. Riêng tôi luôn có cảm giác nhạc của ông là một thứ ma túy, tôi không bao giờ chủ động nghe, nhưng đã nghe là khó dứt. Sau đó là một cảm giác mệt mỏi, rã rời. Có người bạn hỏi tôi về bài hát tôi yêu thích nhất của TCS, tôi trả lời đó là bài “Tuổi đời mênh mông” (dành cho thiếu nhi). Cảm ơn Trương Thái Du rất nhiều về bài viết sắc sảo này.

© talawas 2009