Phụ lục
ĐÔI LỜI CÙNG PHAN KHÔI TIÊN SANH
Về sự phê bình Phật học tổng yếu
Tôi định rồi cuộc lạc thành(*) Phật học viện thì đi ở một chỗ u tịch để tìm cái nguyên nhân thất bại và cách hành động sau nầy. Không dè tiên sanh quá yêu, phê bình sách Phật học tổng yếu, buộc tôi phải ở lại mấy ngày. Cách hai kỳ báo, không thấy tiên sanh chỉ giáo điều chi, tưởng thế là xong việc. – Không dè, cách hai tuần lễ, cái chỗ rừng sâu hang thẳm mà thoạt có tiếng “Chuông Mai” ngân đến, khiến cho tôi đương tĩnh tọa dưới gốc bồ đề phải mở mắt ra xem, thì được cái hân hạnh lại thấy tiên sanh gọi đến tên tôi nữa !
Tiên sanh đã sẵn lòng huệ cố, tuy biết rằng bài hồi đáp nầy thiệt là trễ nải nguội lạnh lắm, không còn thú vị gì ; song, miễn là được tỏ rằng tôi trước sau không bao giờ dám phụ cái hảo ý của tiên sanh là đủ vậy.
*
Thọc ngón tay xuống biển, ai dám bảo rằng không xao động cả Thái bình dương ? Cho nên tuy có một chữ “được” mà cũng phải tranh biện, là vì có lây đến giáo lý. “Con không chịu thế được, cha cũng không chịu thế được”, tiên sanh cho chữ “được” là dư, sợ sai ý kinh ; còn tôi thì lại cho nếu không có chữ “được” thì hại mất lý. Tuy tiên sanh với tôi chỗ thấy có khác nhau, nhưng ai cũng vì lý cả.
Lời nói sở dĩ để diễn lý, kinh nào cũng vậy, sách nào cũng vậy, chẳng luận Phật, Khổng, Gia, Hồi, cả các tôn giáo, các học phái trên thế giới muốn nói điều gì thì điều ấy phải cho đúng “lý” mới được. Nếu không đúng lý, thì chẳng luận lời của ông giáo chủ nào, nhà học giả nào, nguyên bổn hay dịch bổn cũng là một món “vô giá trị”, ta không phải cứ cắm đầu mà tin theo.
Chữ là xác mà lý là hồn, dịch âm sai một chữ mà tiên sanh còn không nghe, huống chi là lý ? Đã vì văn học, thì chẳng phải cứ lo trau dồi cái xác mà bỏ mất cái hồn đi. Tiên sanh vì “lý” mà biểu bỏ chữ “được” tôi cũng vì “lý” mà thêm một chữ “được” ; tiên sanh nói không chữ “được” là phải, tôi nói có chữ “được” mới phải. Nếu cứ theo cái thiên kiến của mình ai cũng giành phần phải hết, cứ chèo kéo với nhau mãi, thì biết bao giờ mới giải quyết được ? Tôi cùng tiên sanh cãi nhau chẳng qua là vì lý, vậy thì phải lấy “lý” để phân giải giùm cho chúng ta. Vậy muốn biết không chữ “được” là có lý, hay có chữ “được” là có lý thì phải tìm cho biết coi chủ ý bài ấy nói cái gì.
“Phụ tác bất thiện, tử bất đại thọ, tử tác bất thiện, phụ bất đại thọ. Thiện tự hoạch phước, ác tự thọ ương”.
Thưa tiên sanh : Chủ ý bài ấy có phải giảng minh luật “nhân quả” không ? Tiên sanh cũng đã công nhận rằng bài ấy cốt chỉ giảng minh luật nhân quả. Thế nào gọi là nhân quả ? – Bởi có nguyên nhân nên mới có kết quả. Kẻ tạo nhân lành thì hưởng được quả vui, người tạo nhân dữ thì phải chịu quả khổ, không khác như trồng hột xoài được quả xoài, trồng hột mít thì được quả mít, nhân nào quả nấy, một mảy không sai vậy. Mà lại nghiệp ai nấy chịu, dầu tình chí thân như cha con cũng không chịu thế cho nhau được. Cho nên cha học, con không biết chữ được; con gầy, cha không sớt thịt cho mập được.
Tôi suy lý như vậy, nên tôi dịch rằng : “Cha làm điều chẳng phải, con không chịu thế được; con làm điều chẳng phải cha cũng không chịu thế được. Ai lành nấy được phước, ai ác nấy bị hại”.
Tiên sanh nói : Có chữ “được” sợ sai ý kinh. Thưa tiên sanh tôi không hiểu chữ “được” trong bài dịch ấy nó sai ý kinh ở chỗ nào ? Có phải có chữ “được”, ý nghĩa mới quán xuyến trước sau không ? Bài ấy chẳng qua luận lý nhân quả, còn ở trong vòng văn tự, chớ phải thoát ly văn tự mới hiểu được như câu “Rồng gầm trong cây khô” và “Trong con mắt trong sọ người chết” đâu mà tiên sanh phải nhọc lòng sợ sai ý kinh ? !
Còn tiên sanh sửa lại rằng : “Cha làm điều chẳng lành, con chẳng chịu thế ; con làm điều chẳng lành, cha chẳng chịu thế...”
Thưa tiên sanh “Cha chẳng chịu thế, con chẳng chịu thế” có phải là nó có cái ý nghĩa “Cha chẳng chịu thế cho con, con chẳng chịu thế cho cha” không ? Tôi dám chắc rằng tiên sanh không bao giờ viện được lẽ gì mà nói rằng không phải được.
Có cha con, sao không ai chịu thế cho ai ? Đã không chịu thế cho nhau, tôi không hiểu Phật nói có hai chữ “cha con” trong bài ấy để làm gì ? Nếu hai chữ “cha con” trong bài ấy không ý nghĩa gì thì thôi, nên bỏ phứt bốn câu trước đi, để hai câu sau “Ai lành nấy được phước, ai ác nấy bị hại” há chẳng rõ được lý nhân quả sao ? Cần gì phải nói : “Cha làm chẳng lành, con chẳng chịu thế ; con làm chẳng lành, cha chẳng chịu thế” ? Nghe lã chã như đờn Nam mà hát Khách vậy ? Hay là tiên sanh cứ cố chấp rằng trong bài ấy muốn có chữ “được” thì nguyên văn phải có chữ “năng” mới được, vì văn tự của Tàu, chữ “năng” vốn đã có trước khi Phật truyền sang ; vậy sao tiên sanh lại không làm ơn nói giùm luôn câu “Chẳng nên câu nệ văn một chữ mà hại mất lời trong câu ; chẳng nên câu nệ lời một câu mà hại mất ý chí của tác giả” (“Bất dĩ văn hại từ, bất dĩ từ hại chí” – Mạnh Tử) đã có trước khi tôi cùng tiên sanh tranh luận về chữ “được” cùng không “được” đây ?
Ở đời không ai khỏi lỗi lầm, có lỗi mà dám thừa nhận, ấy mới gọi là “dõng”(*). Tiên sanh là một viên lão tướng, từng kinh nghiệm trong trận bút trường văn, lại không ưa cái chủ nghĩa đế quốc, nên tôi rất tin rằng tiên sanh, – sau khi đọc hết bài nầy – có đủ can đảm dẹp chỗ thiên kiến và thủ tiêu khoản bất bình nầy.
THIỆN CHIẾU
Thần chung, Sài Gòn, s.307 (6.2.1930)
(*) lạc thành : xây dựng xong (theo Đào duy Anh : sđd.)
(*) dõng (ghi theo giọng đọc Nam Kỳ) = dũng.
© Copyright Lại Nguyên Ân 2006