Hiển thị các bài đăng có nhãn lơi chia tay thi sĩ Thanh Tâm Tuyền. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn lơi chia tay thi sĩ Thanh Tâm Tuyền. Hiển thị tất cả bài đăng

30/6/07

“Xin trao thi sĩ vòng hoa tặng” - viết về Thanh Tâm Tuyền

24.4.2006
Bùi Ngọc Tuấn
“Xin trao thi sĩ vòng hoa tặng”
Người thi sĩ ấy đã ra đi!
Thanh Tâm Tuyền đã từ giã chúng ta!

Cuộc chia tay giản dị, nghiêm trang và rất riêng tư. Đúng như đời sống giản dị, nghiêm trang và riêng tư của người thi sĩ lẫy lừng đó. Sáng thứ Bảy 25 tháng Ba năm 2006, trời cuối mùa đông ở Minnesota nhiệt độ lên gần 40 độ F, vàng nắng ấm. Áo quan của ông được những người bạn thân thiết suốt cả cuộc đời khiêng đến nơi an nghỉ cuối cùng: Tô Thùy Yên, Cung Tiến, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Cao Đàm, Vũ Xuân Châu, Nguyễn Ngọc Diễm.

Người thi sĩ ấy đã bỏ chúng ta ra đi cũng bằng cái phong cách ông bước vào nền văn học Việt Nam, bước vào tâm hồn chúng ta, cái phong cách của một kẻ sĩ: Những bước đi nghiêm trang, lặng lẽ, tự tin, riêng tư nhưng lại gây nên những chấn động rung trời, những ngọn lửa nổ bùng, những cơn hồng thủy chất ngất tràn ngập, cuốn trôi những chân trời văn học. Xô đẩy tâm hồn chúng ta về những cõi tuyệt vời của ý và lời của thứ ngôn ngữ kỳ ảo đã mở lớn đôi mắt chúng ta trực diện với chính mình.

Có ai từng đọc thơ Thanh Tâm Tuyền mà không từng có những đêm một mình ngồi lặng trong bóng tối, ngồi lặng với tâm hồn lắng đọng mà không nghe thấy cuồn cuộn trong trí tưởng cơn cuồng phong của ngôn ngữ sắc nhọn rú gọi mình, ta soi bóng hồn mình trong những lời thơ kỳ tuyệt ấy.

Trước Thanh Tâm Tuyền, thơ là những lời mơ mộng, sầu muộn, với Thanh Tâm Tuyền thơ rực lên với giông bão, lửa cháy, cuồng nộ, với nỗi khắc khoải thao thức khôn nguôi… Thơ Thanh Tâm Tuyền không chỉ ca ngợi cuộc đời, thơ Thanh Tâm Tuyền tra vấn cuộc đời và đòi người ta tự tra vấn.

Đọc thơ Thanh Tâm Tuyền xong ắt hẳn không ai không thể cất bước lên đường đào bới qua những tầng hầm sâu thẳm của tâm tư bằng lưỡi dao bén ngọt của trí tuệ tự vấn, vì đã bị những dòng thơ ấy đẩy mình vào chỗ trực diện.

Thơ Thanh Tâm Tuyền không phải là lời ca ngợi tình yêu ngọt ngào, không phải là lời tôn vinh người yêu ngà ngọc. Thơ tình của Thanh Tâm Tuyền không phải là thứ thơ để một người yêu đọc cho một người yêu nghe. Không phải là thơ để làm cho ta nhìn thấy rõ hơn người ta yêu.

Thơ Thanh Tâm Tuyền là lời gióng gọi tâm hồn ta nhìn thẳng vào bản thể tuyệt đối của tình yêu. Vĩnh cửu cũng chính là khoảnh khắc. Ở bên cạnh mà đã cách vời, trong nồng nàn đã hòa tan cay đắng. Thơ Thanh Tâm Tuyền làm cho ta thấy rõ sự bất lực của con người trong tình yêu. Không phải là bất lực vì không giữ được người yêu hay không giữ được tình yêu mà là sự bất lực không hiểu được, không sống được, không hòa nhập toàn vẹn vào tình yêu.

Thanh Tâm Tuyền đưa chúng ta về nơi có những ngàn câu hỏi khó khăn, nhưng ông không trả lời hay ít nhất là ông không trả lời thẳng. Qua những lời thơ của mình ông dắt ta đến những ngã ba đường hiểm hóc rồi bảo ta: Anh đi đi, tự mình tìm mà đi, tôi chỉ cho anh biết rằng mặt đất nơi anh đứng đang sụp lở, cõi trước mặt thì mịt mù sương khói, anh một mình anh, trợn trừng mắt nhìn vào lòng mình, mà đi.

Chưa tròn hai mươi tuổi, người thanh niên ấy đã đứng trong đám đông mà vẫn lặng lẽ như đứng một mình, thản nhiên tung ra tập thơ Tôi không còn cô độc để tạo nên những tiếng vọng lở đất long trời. Cơn chấn động ấy rung chuyển văn học Việt Nam không dứt.

Vừa ngoài bẩy mươi tuổi, người thi sĩ ấy đã nghiêm trang rời bỏ cõi thế. Nhưng cuộc ra đi lặng lẽ, riêng tư này sẽ lại đưa đến những cơn chấn động liên hồi mà văn học Việt Nam lại rung chuyển dữ dội thêm lần nữa.

Khi vào đời Thanh Tâm Tuyền đã khai mở ra một con đường văn học mới. Nếu nói rằng phong trào Thơ Mới với Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Xuân Diệu, Bích Khê, Lưu Trọng Lư, Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương… là tiếng hát hân hoan của tuổi hồng khi chớm thanh niên, thì phải nói rằng với Thanh Tâm Tuyền và những khai mở của Thơ Tự Do, chẳng những về ngôn ngữ mà nhạc điệu, hình ảnh, ý và tình của thơ Việt Nam đã là những lời sâu sắc của tuổi trưởng thành nhiều kinh nghiệm ngọt ngào, cay đắng, nồng nàn, thê thiết… của đời sống. Thơ và văn Thanh Tâm Tuyền ảnh hưởng mạnh đến thơ văn, âm nhạc, hội họa…, đến rất nhiều người, nhiều thế hệ. Có những người thấm đậm ảnh hưởng Thanh Tâm Tuyền mà không hề nhận biết. Bóng dáng Thanh Tâm Tuyền sẽ còn ngự trị văn học Việt Nam mãi mãi lâu dài.

Hãy đọc lại thơ Thanh Tâm Tuyền một mình. Chẳng phải là thơ không có vần đâu. Anh sẽ nghe thấy cái nhạc điệu tuyệt vời của ngôn từ đó, sẽ nhìn thấy cái hình ảnh chất ngất, chói rực đó, sẽ cảm nhận cái ý tưởng sắc nhọn đó. Rồi sau đó anh sẽ không còn ngưng nghỉ đối mặt với chính anh với tình yêu và đời sống của anh được nữa.

Thơ Thanh Tâm Tuyền vẫn được những người yêu thơ ở Việt Nam chép tay, chuyền nhau đọc. Người ta vẫn đọc, vẫn yêu thơ Thanh Tâm Tuyền, trong riêng tư. Cuộc từ giã của Thanh Tâm Tuyền dù không được báo chí ở Việt Nam nhắc đến, nhưng người yêu thơ, yêu văn học Việt Nam vẫn biết và chính sự ra đi của Thanh Tâm Tuyền rồi sẽ tạo nên những cơn sóng đòi hỏi người ta phải khôi phục lại giá trị đích thực của sự ngiệp văn học của ông. Sự đòi hỏi khôi phục lại giá trị thơ Thanh Tâm Tuyền sẽ đưa đến sự đòi hỏi khôi phục lại giá trị văn học nghệ thuật miền Nam Việt Nam của giai đoạn 1954-1975, và cũng sẽ đưa đến sự xác nhận giá trị của những tác phẩm văn học nghệ thuật của người Việt Nam lưu vong ở khắp nơi, kể cả những người đang lưu vong trên chính quê hương mình.

Như thế, khi vào đời Thanh Tâm Tuyền đã khai mở ra một nền văn học mới, nhiều giá trị ở miền Nam Việt Nam, và khi mất đi ông lại khai mở ra một cuộc tìm kiếm và tôn vinh giá trị sâu sắc của nền văn học ấy.

Kẻ sĩ vốn hiểu rõ chữ “thời”. Thanh Tâm Tuyền đã chọn đúng thời để khai mở ra dòng văn học mới ở miền Nam Việt Nam và nay ông cũng chọn đúng thời để ra đi, để khai mở lại cuộc khôi phục nền văn học ấy.

Trong đám tang Thanh Tâm Tuyền ở Roseville, Minnesota, trưa ngày 25 tháng Ba năm 2006, cho một lời chia tay, thay mặt các bằng hữu của thi sĩ, ông Nguyễn Trọng Cảnh đã đọc lại hai câu thơ trong bài “Gửi Quách Thoại” mà Thanh Tâm Tuyền viết năm 1956 để tặng bạn khi người thi sĩ ấy từ trần:

Xin trao thi sĩ vòng hoa tặng
Chúng ta đã thắng giữa cuộc đời

Chắc hẳn Thanh Tâm Tuyền đã mỉm cười.

Minnesota, 25.3.2006