Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Cầm: 'Trời bắt tội tôi yêu sớm'. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoàng Cầm: 'Trời bắt tội tôi yêu sớm'. Hiển thị tất cả bài đăng

6/5/10

Hoàng Cầm: 'Trời bắt tội tôi yêu sớm'

Hoàng Cầm: 'Trời bắt tội tôi yêu sớm'

Cậu bé ngày nào mải miết đi tìm lá diêu bông vì trót thương thầm nhớ trộm người chị xứ Kinh Bắc, giờ đã thành ông lão tuổi 84. Dấu ấn thời gian đổ cả vào mái tóc bạc trắng của ông để giữ lại vẹn nguyên đôi mắt tinh anh và một tâm hồn thi nhân rộng mở. Thi sĩ Hoàng Cầm trò chuyện với VnExpress.

- Thưa ông, chàng trai trẻ Hoàng Cầm đã đến với những vần thơ tình như thế nào?

Nhà thơ : Tôi sớm viết thơ tình vì trời "bắt tội" tôi yêu sớm. 8 tuổi đã biết say mê. Nàng thơ đầu tiên của tôi hơn tôi 8 tuổi. Ngày ấy, mẹ tôi bán hàng xén. Một lần từ tỉnh lỵ trọ học về thăm nhà, tôi nhìn thấy chị mua hàng ở chiếc quầy nhỏ. Trong ánh nắng chiều, chị hiện ra trước mắt tôi, đẹp rực rỡ như một thiên thần.

Từ đó trái tim tôi lao đao, choáng ngợp vì chị. Tôi hiểu đó là thứ tình cảm gái trai thật sự chứ không phải là tình chị em con trẻ. Trước, mỗi thứ bảy tôi mới về thăm nhà một lần thì từ khi biết chị, cứ đều đặn đến thứ tư và thứ bảy là tôi mua vé tàu về quê. Rồi tôi lẽo đẽo đi theo chị, chỉ để ngắm thôi. Hai chị em cứ quyến luyến nhau như thế cho đến ngày chị đi lấy chồng. Chị tên là Vinh, là người con gái đã gợi hứng cho bài thơ Lá Diêu Bông của tôi.

- Cuộc đời ông có khá nhiều "lá diêu bông" bay qua. Tại sao không có chuyện tình nào kéo dài?

- Khi yêu nhau, ai chẳng muốn có một tình yêu bền vững. Tôi cũng muốn tình yêu của mình được lâu dài chứ, nhưng hoàn cảnh và số phận vốn mang nhiều điều éo le, bất trắc. Khi một mối tình đi qua, cũng có nhớ, có tiếc thương, khổ đau... đủ cả. Nhưng số tôi vốn đào hoa, luôn luôn được sống trong trạng thái yêu và say mê. Thời gian dành để bâng khuâng và buồn đau quá ít. Bóng hồng này đi qua chưa lâu lại đã có bóng hồng khác tới.

- Ngày xưa, ông thường tỏ tình như thế nào?

- Ngày còn là cậu bé, say mê chị Vinh, tôi viết những vần thơ tình đầu tiên để mỗi dịp về quê lại dúi ngay vào tay chị. Những lần như thế, chị lại thận trọng đút vào túi áo. Tôi biết là chị Vinh hiểu rõ tình cảm của tôi.

Còn những mối tình về sau là do các bà ngỏ lời trước. Cũng có những lúc vì nguyên nhân này nọ tôi phải từ chối nhưng thường thì họ cứ tỏ tình là tôi đồng ý luôn.

- Trong cuộc đời mình, mối tình nào khiến ông phải hối tiếc, ân hận?

- Đấy là chuyện tình với cô Ninh. Mối tình này ập đến khi tôi đã có vợ con đề huề. Nhưng cuộc hôn nhân đầu tiên không xuất phát từ tình yêu mà do mẹ thày sắp đặt và ấn định ngày cưới từ khi 17 tuổi.

Ninh là một người xinh đẹp, sắc sảo, con gái của một gia đình địa chủ giàu có, chúng tôi đã quen biết nhau từ trước. Nhưng đến năm 1942, trong những ngày về Tiên Du (Bắc Ninh) với ý định nhờ Ninh đóng vai Kiều Loan, tôi mới thực sự mê cô ấy. Sau 3-4 chuyến đi đi về về giữa Hà Nội và Bắc Ninh, tôi đã chinh phục được cô Ninh. Ngày đó Ninh đẹp, thông minh, có nhiều gia đình thanh thế giàu có dạm hỏi. Nhưng mà Ninh từ chối hết để nhận lời tôi. Bởi vì tôi ngâm thơ rất hay, nhất là những đoạn trong kịch thơ Kiều Loan. Tôi còn đẹp trai nữa, nhất là khi diện complet, đi giày tây vào thì trông oách lắm. Từ đó, thỉnh thoảng tôi lại lặn lội từ Hà Nội về Bắc Ninh thăm Ninh. Ban ngày chúng tôi xuống làng chơi, còn ban đêm, nhất là những đêm trăng sáng thì đi dạo với nhau, lãng mạn vô cùng.

Nhưng con gái có thì, cũng đến lúc Ninh phải lấy chồng, mà không thể lấy một người đàn ông đã có vợ con như tôi. Năm 1944, cô ấy rủ tôi bỏ trốn vào Sài Gòn nếu còn muốn duy trì mối tình oái oăm này. Đó là những tháng ngày tôi phải đấu tranh với bản thân rất quyết liệt. Bỏ đi là hành động đúng theo tiếng gọi của trái tim nhưng con người ta đâu chỉ có một tình yêu, mà còn biết bao mối quan hệ ràng buộc. Tôi còn bố mẹ già, vợ và con thơ. Đó là chưa kể, cuối năm đó hàng triệu người Việt Nam đang lâm vào cảnh chết đói. Trong lúc cả đất nước đang phải chống chọi với cái chết, tôi đâu đành bỏ tất cả vì hạnh phúc riêng tư. Chúng tôi chia tay nhau. Về sau cô ấy lấy chồng ở Hà Nội. Ông Trời cũng éo le. Trong những ngày tháng ăn ở với tôi, cô ấy không có mang. Nhưng khi lấy chồng, cô ấy đẻ một mạch 7-8 đứa con. Đến lần sinh nở cuối cùng thì cô ấy bị băng huyết và chết khi mới gần 40 tuổi. Đó là một cuộc tình vừa gây thương tiếc, vừa ân hận dẫu rằng nếu có quay ngược thời gian, tôi cũng không thể làm cách nào khác được. Cuộc chia tay ấy là tất yếu, như định mệnh vậy.

- Những mối tình thực trong cuộc đời ảnh hưởng thế nào đến thơ ca của ông?

- Thơ tôi thường nảy sinh từ những mối tình có thật trong đời. Tôi liên miên sống trong tình yêu, có những mối tình trở nên ám ảnh, khiến cho những bài thơ của tôi bật ra một cách tự nhiên và kỳ lạ như từ trong vô thức. Cũng có những bài thơ tôi làm có ý thức hẳn hoi nhưng cũng bắt nguồn từ những tiếc nhớ, yêu thương rất đỗi thật lòng dành cho một người phụ nữ nào đó.

- "Nhớ mưa Thuận Thành/Long lanh mắt ướt/Là mưa ái phi/Tơ tằm óng chuốt/Ngón tay trắng nuột/Nâng bồng Thiên Thai..." (Mưa Thuận Thành). Đấy là những câu thơ rất giàu nhạc điệu, nghe như chính tiếng mưa rơi. Vậy theo ông, nhạc điệu có vai trò như thế nào trong thơ?

- Nhạc điệu có vai trò rất quan trọng trong thơ tôi. Tôi học được điều này từ Verlaine (nhà thơ Pháp). Khi bàn về thơ, ông cho rằng: "Nhạc điệu trước hết". Tôi luôn chăm chút đến nhạc điệu trong những vần thơ của mình. Và trong thơ tôi, nhạc điệu cũng vang lên một cách rất tự nhiên chứ không phải gượng ép, chắp nối. Nó như là thứ đã hình thành sẵn trong lòng mình.

- Trong số các tập thơ của mình, ông thích nhất tập nào?

- Về Kinh Bắc. Tôi từng nói với các nhà phê bình là muốn nghiên cứu về thơ Hoàng Cầm, chỉ cần mỗi tập thơ đấy thôi cũng đủ. Còn những thứ khác, có cũng tốt còn không thì cũng không sao. Tất cả đặc điểm, tính chất và linh hồn thơ Hoàng Cầm nằm cả trong Về Kinh Bắc.

- Ông nghĩ thế nào về thơ trẻ ngày nay?

- Thú thật là bây giờ tôi ít đọc hơn. Phần vì ốm đau, phải nằm một chỗ nên ít có cơ hội tiếp xúc thường xuyên với báo chí; phần vì tôi cũng tránh đọc. Bởi tôi không đọc thơ một cách dửng dưng mà phải suy nghĩ nhiều nên rất mệt.

Khi làm thơ về tình yêu, tôi không ngại bất cứ điều gì cả, kể cả việc đề cập đến tính dục. Còn hiện tượng nhà thơ, nhà văn trẻ viết về sex dung tục như hiện nay thì đó là những người không mang tâm hồn thi sĩ thực sự, có thể chỉ vì họ muốn nổi tiếng bằng cách tạo nên một điều gì khác lạ. Nhiều khi gặp những câu thơ hay những câu văn "gợn", tôi thường bỏ đi mà không đọc tiếp nữa.

- Ông có ấn tượng như thế nào với những nhà thơ cùng thời như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Văn Cao...?

- Thực ra, khi tôi mới vào nghề văn, những người như Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư... đã rất nổi tiếng. Tôi cũng thích làm bạn với họ lắm nhưng không dám vì thấy mình còn quá non nớt. Nói chung đối với những tác giả này, lúc bấy giờ tôi rất phục nhưng chỉ dám "kính nhi viễn chi".

Văn Cao là bạn thân của tôi, nhưng thơ tôi và thơ ông khác nhau nhiều lắm. Tôi chú trọng đến nhạc điệu, trong khi Văn Cao không cần đến âm điệu, không cần đến vần. Thơ ông giàu ý tưởng, tư tưởng. Văn Cao là người thâm trầm, ít nói nhưng có rất nhiều tâm nguyện sâu xa.

Một bài thơ mới của Hoàng Cầm

Xanh xanh lại mùa ảo vọng
Óng thơm dài mái tóc em
Lênh đênh lại dềnh biển sóng
Bốn phương mây trắng nỗi niềm

Hễ nói đến quên lại nhớ
Nhớ nhiều sao chỉ về đêm
Giấc ngủ còn gì để thức
Toàn thân bụi đỏ thoa mềm

Ai vừa cười nụ bên thềm
Vườn cũ bông hồng rạng sáng
Vội vàng chi sập bóng đêm
Mắt cô láng giềng lai láng

Vâng thì em lại lấy chồng
Thế cũng vui đời đôi chút
Dẫu đến nơi nào heo hút
Mai đừng trở lại phòng không

Ta biết mai này mây trắng
Thường bâng khuâng cõi chiều hoang
Ni cô bỏ chùa Long Khám
Về xin đi lại đoạn đường

Vậy thì đi hết đoạn trường
Mới hiểu đâu là hạnh phúc
Thế gian những gì không thực
Thường vây hãm nẻo tâm linh

Tôi biết em đi hy vọng
Giữa rừng tìm một lá xanh.

(Mồng 2 Tết)

Hà Linh thực hiện