Hiển thị các bài đăng có nhãn Juan Eduardo Tính biểu tượng của màu sắc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Juan Eduardo Tính biểu tượng của màu sắc. Hiển thị tất cả bài đăng

20/11/11

Cirlot, Juan Eduardo Tính biểu tượng của màu sắc

Cirlot, Juan Eduardo Tính biểu tượng của màu sắc


Đoàn Khương Duy dịch từ bản tiếng Anh.
Nguyễn Tiến Văn hiệu đính.




JUAN EDUARDO CIRLOT

(1916-1973)



Juan Eduardo Cirlot, người Tây-ban-nha, là một thi sĩ, nhà phê bình mỹ thuật, nhà thần thoại học, nhạc sĩ, và dịch giả. Đầu những năm 1940, cùng với Alfonso Buñuel, ông đã dịch thơ của Paul Éluard, André Breton, và Antonin Artaud. Ông bắt đầu viết phê bình mỹ thuật từ năm 1943; in tập thơ đầu tay từ năm 1946; ra mắt tác phẩm âm nhạc đầu tay từ năm 1948; xuất bản cuốn Igor Stravinsky (về âm nhạc của Stravinsky) và cuốn Diccionario de los ismos [“Từ điển về các chủ nghĩa”] năm 1949. Sau đó, ông bước vào lĩnh vực nghiên cứu biểu tượng học và mỹ thuật thời Gothic, xuất bản cuốn El Ojo en la Mitología: su simbolismo [“Con mắt trong thần thoại học: Tính biểu tượng của nó”] năm 1954.

Cirlot mất năm 1973 vì bệnh ung thư tụy tạng. Những tác phẩm của ông đã xuất bản gồm có 10 tập thơ và 13 cuốn sách nghiên cứu, trong đó cuốn Diccionario de símbolos tradicionales (“Từ điển về những biểu tượng truyền thống”, 1958) [bản Anh ngữ, A Dictionary of Symbols (1962)] là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.

Dưới đây, chúng tôi hân hạnh giới thiệu đến độc giả Tiền Vệ một bài viết thú vị của Juan Eduardo Cirlot do Đoàn Khương Duy trích dịch từ cuốn A Dictionary of Symbols.

Tiền Vệ


___________



TÍNH BIỂU TƯỢNG CỦA MÀU SẮC



Biểu tượng về màu sắc là một trong những loại biểu tượng mang tính phổ quát nhất, và được dùng một cách ý thức trong những nghi thức tế lễ, trong các huy hiệu, luyện đan, nghệ thuật và văn chương. Có nhiều sự suy xét liên hệ đến mặt ý nghĩa của màu sắc mà ta có thể nói qua một chút. Có sự phân chia một cách chung chung về măt quang học và về tâm lí học thực nghiệm. Nhóm đầu tiên gồm những màu “tăng tiến” (advancing) và có tính ấm, tương ứng với những cách thức đồng hóa, tính hoạt động và cường độ của màu sắc (gồm các màu đỏ, cam vàng và rộng hơn nữa là màu trắng), và nhóm thứ hai mang tính lạnh, là những màu “lùi” (retreating), tương ứng với những quá trình tách biệt, tính thụ động và quá trình làm suy yếu (gồm các màu xanh dương, chàm, tím và rộng hơn nữa là màu đen), màu xanh lá cây là màu trung gian, chuyển tiếp và trải đều cho cả hai nhóm. Màu sắc có cách dùng phụ khác trong việc đưa vào những mẫu hình vẽ trên huy hiệu. Thứ tự từng dãy của khoảng phạm vi màu sắc chính là điều cơ bản, được tạo thành khi dãy màu sắc (mặc dù trong một cái nghĩa có phần trừu tượng) làm thành một loại tập hợp hữu hạn của các màu sắc hoàn chỉnh, khác biệt nhau và có trật tự. Mối quan hệ dạng thức giữa, một mặt là, một chuỗi sáu hay bảy sắc thái của màu sắc — vì thỉnh thoảng cũng khó mà phân biệt màu xanh với màu chàm, hoặc màu xanh da trời với màu xanh biển — và, ở mặt khác, một chuỗi nguyên âm — có bảy nguyên âm trong tiếng Hi-lạp — cũng như các nốt nhạc trong khung nhạc, mối quan hệ này chỉ ra một sự giống nhau cơ bản giữa ba dãy này với nhau và cũng là giữa chúng với sự phân chia của tầng trời, theo tư tưởng sinh vật học thiên văn cổ đại, thành bảy phần (mặc dù thực tế thỉnh thoảng người ta chia thành chín phần).

Biểu tượng học về màu sắc thường xuất phát từ một trong các nguồn sau: (1) đặc tính vốn có của từng màu sắc, được nhận biết theo trực giác như là một thực tế khách quan; (2) mối liên hệ giữa màu sắc và biểu tượng hành tinh được kết nối với màu sắc theo cách truyền thống; hoặc (3) mối liên hệ mà luận lí học cơ bản, sơ khai nhận biết được. Tâm lí học và phân tâm học hiện đại dường như đặt nặng vấn đề thứ ba trong số những cách thức này hơn cả vấn đề đầu tiên (cách thức thứ nhì hoạt động với vai trò cây cầu bắt ngang giữa hai vấn đề còn lại). Do vậy, Jolan de Jacobi, trong quá trình nghiên cứu của bà ta về tâm lí học Jung, đã phát biểu chính xác từng chữ thế này: ‘Sự tương ứng của các màu sắc đối với các chức năng theo thứ tự thì biến đổi theo những nền văn hoá và những nhóm người khác nhau và thậm chí trong số những cá nhân; như là một quy tắc chung, tuy nhiên,...màu xanh, màu của bầu không khí loãng, của bầu trời trong vắt, thì đại diện cho quá trình suy tư; màu vàng, màu của mặt trời nhìn từ đằng xa, xuất hiện mang ánh sáng ra khỏi vùng bóng đêm bí hiểm, chỉ biến mất trở lại vào bóng đêm, màu vàng này là trực giác, cái chức năng có thể nắm được trong một khoảnh khắc loé sáng cho sự thông hiểu nguồn gốc và các xu hướng của những sự kiện bất thường; màu đỏ, màu của mạch máu di chuyển và của ngọn lửa, là cho những cảm xúc dâng trào và dữ dội; trong khi đó màu xanh lá cây, màu của những vật sinh trưởng trên trái đất, hữu hình và cảm quan được tức thì, đại diện cho chức năng của cảm giác’.[1]

Cái quan trọng nhất của các biểu tượng xuất phát từ những quy luật đi trước là những điều này: màu đỏ liên hệ với máu, các vết thương, sự giãy chết, và sự thăng hoa; màu cam liên hệ với ánh lửa và ngọn lửa; màu vàng là với ánh sáng mặt trời, là của sự soi sáng, của phổ biến tri thức và của sự tổng quát hoá toàn diện; màu xanh lá cây là với cây cỏ, nhưng cũng có thể được liên hệ với cái chết và sự giận dữ tột cùng (do vậy màu xanh là đường liên kết giữa màu đen — của khoáng vật — và đỏ — của máu và động vật — cũng như giữa đời sống động vật với sự tan rã và cái chết); màu xanh nhạt liên hệ với bầu trời vào buổi ban ngày, và cũng liên hệ với mặt biển hiền hoà; màu xanh đen liên hệ với bầu trời buổi đêm, với mặt biển bão tố; màu nâu và màu hoàng thổ liên hệ với đất; và màu đen thì liên hệ với vùng đất được gieo hạt. Vàng tương ứng với khía cạnh huyền bí của mặt trời; bạc là với mặt trăng. Những kết luận khác nhau được rút ra từ những nhà tâm lí học và từ những nhà tư tưởng truyền thống, bí truyền, mấy kết luận này đã rõ ràng trong những phần tóm gọn ở trên có thể được giải thích bằng một thực tế rằng trong quan điểm của các nhà tâm lí học, những cảm giác biểu tượng được hình thành trong tâm trí có thể chỉ là tình cờ, còn theo như lí thuyết bí truyền, ba cái chuỗi (của sắc thái màu sắc, của các nguyên tố thành phần và vẻ ngoài tự nhiên, và của cảm giác hoặc phản ứng) là kết quả của một nguyên do đơn lẻ và đồng thời, hoạt động ở những tầng lớp sâu thẳm nhất của thực tại. Vì lí do này mà Ély Star và những người khác khẳng định rằng bảy màu sắc có mối tương tự nhau một cách biệt lập với bảy trạng thái tâm hồn, với bảy đức tính (từ quan điểm tích cực), với bảy thói xấu (từ quan điểm tiêu cực), với những dạng hình học, những ngày trong tuần và bảy hành tinh.[2] Thật sự điều này là một khái niệm có liên hệ với ‘lí thuyết tương ứng” hơn là với biểu tượng học của màu sắc phù hợp. Nhiều người nguyên thuỷ theo trực giác đã cảm nhận được các liên kết gần gũi tồn tại giữa toàn bộ các khía cạnh khác nhau của thế giới thực: ví dụ như người da đỏ Zuni ở miền Tây Hoa-kì cống nạp hàng năm cho các thầy tư tế của họ bằng “bắp bảy màu”, mỗi màu ứng với một vị thần hành tinh. Mặc dù vậy, thật đáng để ghi nhớ trong tâm trí những cái thiết yếu nhất của những sự tương ứng này. Ví dụ: lửa được tượng trưng bởi màu đỏ và cam; không khí bởi màu vàng; cả hai màu xanh lá cây và tím đều tượng trưng cho nước; và màu đen hay màu hoàng thổ tượng trưng cho đất. Thời gian thường được biểu tượng bằng sự óng ánh của tơ lụa. Về những sắc thái khác nhau của màu xanh, trải dài từ màu gần đen cho đến màu thanh ngọc sáng trong, thì có nhiều sự phỏng đoán. Những nhận xét hợp lí nhất theo ý kiến chúng tôi là những nhận xét sau: ‘Màu xanh, biểu tượng cho đường thẳng dọc’ — và về trạng thái không gian hoặc tính biểu tượng học của các tầng lớp — ‘mang ý nghĩa về độ cao và độ sâu (trời xanh bên trên, biển xanh phía dưới)’.[3] ‘Màu sắc mang biểu tượng về một thế lực có xu hướng bứt lên trên ở trong cái khuôn mẫu của bóng tối (hoặc là của u ám và cái ác) và của ánh sáng (hoặc của sự soi sáng, vinh quang và cái thiện). Do vậy, màu xanh đen được xếp chung nhóm với màu đen, và màu xanh da trời, giống như màu vàng trong trẻo, được xếp cặp cùng với màu trắng’.[4] ‘Màu xanh là bóng tối được làm cho hữu hình ra.’ Màu xanh, giữa trắng và đen (là ngày và đêm) chỉ ra tình trạng cân bằng ‘biến đổi theo sắc thái’.[5]

Có niềm tin rằng những màu sắc có thể được phân thành nhóm theo những vấn đề thiết yếu cơ bản của chúng, và trong nội tại của xu hướng toàn cục để đặt những hiện tượng vào những nhóm đối nghịch nhau, tuỳ theo màu sắc đó mang giá trị dương (liên hệ với ánh sáng) hoặc âm (liên hệ với bóng tối), niềm tin đó được lặp đi lặp lại thậm chí trong lĩnh vực mĩ học ngày nay, với việc hệ thống màu sắc không chỉ được dựa trên ba màu chính là đỏ, vàng, xanh dương mà còn dựa trên sự đối nghịch hàm ý của màu vàng (hoặc trắng) hay xanh dương (hoặc đen), lấy màu đỏ như là màu chuyển giao gián tiếp giữa hai màu này (các giai đoạn là: vàng, cam, đỏ, tím, xanh dương) và màu xanh lá cây là màu chuyển giao trực tiếp (hay là màu tổng kết lại), điều này là quan điểm của Kandinsky và Herbin.

Tóm lại, những sự diễn giải như thế về biểu tượng học của màu sắc, cái mà trong quan điểm chúng tôi là điều tối quan trọng, là như sau: màu xanh dương (đại diện cho đặc tính của Jupiter và Juno với vai trò là nam thần và nữ thần của thiên đàng)[6] biểu tượng cho niềm tin tôn giáo, sự cống hiến và sự trong sạch;[7] màu xanh lá cây (màu có liên hệ với Venus và Tự nhiên) là kí hiệu cho sự phồn thực của đất đai,[6][7] cho sự thông cảm và khả năng thích nghi với hoàn cảnh;[7] màu tím tượng trưng cho sự hoài cổ và các kí ức, vì nó được tạo thành từ màu xanh dương (chỉ sự cống hiến) và màu đỏ (sự cảm thụ); [7] màu vàng (đặc tính của Apollo, vị thần mặt trời) chỉ tính khoan dung, trực giác và trí tuệ;[6][7] màu cam, là cho sự kiêu hãnh và tham vọng;[6][7] màu đỏ (đặc tính của Mars, vị thần chiến tranh), tượng trưng cho cảm xúc mạnh mẽ, tình cảm và nguyên lí truyền sức sống;[6][7] màu xám là tượng trưng cho sự trung hoà, tính vị kỉ, sự trầm cảm, sức ì và sự thờ ơ — những ý nghĩa này bắt nguồn từ màu sắc của những đám tro tàn;[6][7] màu tía (màu áo choàng của các hoàng đế La-mã, hoặc của giáo chủ hồng y) cho một sự kết hợp có tính tương đồng, mặc dù thế nó là hoàn toàn đối nghịch, với màu tím, và tượng trưng cho quyền lực, cho tính duy linh và cho sự thăng hoa;[6][7] màu hồng (màu thịt) là cho thú nhục dục và các cảm xúc.[6][7]

Người ta có thể tiếp tục với những diễn giải thế này cho đến vô hạn, đưa ra thêm ngày càng nhiều ý nghĩa chính xác hơn cho ngày càng nhiều sắc thái màu sắc chuẩn xác hơn, nhưng làm thế thì sẽ rơi vào cái bẫy của biểu tượng học, đó là, sự cám dỗ để phát triển thêm nữa một hệ thống cứng nhắc của các trùng ngôn. Dù sao, điều quan trọng là nhớ đến sự tương tự giữa sắc thái màu sắc (đó là, cường độ màu sắc, hoặc mức sáng — vị trí của nó trên cái khung ở giữa hai cực đối nhau của đen và trắng) và tính biểu tượng học theo tầng lớp tương ứng của sắc thái đó. Nó cũng phải được nhớ rằng tính thuần khiết của màu sắc sẽ luôn luôn có điểm đối ứng với tính thuần khiết của ý nghĩa biểu tượng. Tương tự vậy, các màu chính sẽ tương ứng với những cảm xúc chính, trong khi những màu ở hàng thứ hai hay thứ ba sẽ thể hiện biểu tượng của một khối phức tạp y như vậy. Trẻ con theo bản năng sẽ gạt bỏ toàn bộ những màu sắc được trộn lẫn vào nhau hoặc không thuần khiết, bởi vì các màu đó chẳng mang ý nghĩa gì với chúng. Ngược lại, nghệ thuật của các nền văn hoá phát triển và tinh tế luôn rực rỡ nhờ vào những sắc thái màu kết hợp với nhau một cách khéo léo, với màu tía nhạt pha vàng, màu hồng gần như thành tím, màu hoàng thổ có chút xanh lá, v.v.. Để ta xem xét một số ứng dụng thực tế của biểu tượng học màu sắc, bằng cách làm rõ cái ở trên. Theo Beaumont, màu sắc có sự tạo nghĩa đặc biệt trong biểu tượng học của Trung-hoa, vì nó tượng trưng cho cấp bậc hoặc quyền uy; ví dụ như màu vàng, vì nó liên hệ với mặt trời, nên màu vàng được xem như là đặc quyền linh thiêng của hoàng gia.[8] Đối với người Ai-cập, màu xanh dương được dùng để tượng trưng cho chân lí.[9] Màu xanh lá cây có vai trò vượt trội trong nghệ thuật Thiên Chúa giáo bởi vì giá trị của nó được xem như là cầu nối giữa hai nhóm màu sắc.[10] Vị thánh mẫu của Ấn-độ được tượng trưng bởi sắc đỏ (ngược lại với tính biểu tượng thông thường của màu trắng vốn là màu của tính nữ), bởi vì bà ta được liên kết với nguyên lí của sự sáng tạo và màu đỏ bản thân nó là màu sắc của tính hoạt động.[11] Màu đỏ cũng là màu của máu, và vì lí do này mà người tiền sử sẽ nhuộm đỏ cho bất kì vật gì mà người đó muốn mang lại sự sống; và người Trung-hoa dùng cờ hiệu màu đỏ để làm bùa may mắn.[12] Cũng vì lí do là màu của máu, nên khi vị tướng La-mã được đón chào trong niềm vui chiến thắng thì ông ta được chở trên cỗ xe ngựa được kéo bởi bốn con ngựa trắng được mang giáp mạ vàng (đóng vai trò là biểu tượng của mặt trời), và trên mặt vị tướng được sơn màu đỏ. Schneider sau khi xem xét phương diện thiết yếu của sắc đỏ dựa trên các quá trình luyện đan thì đã kết luận rằng màu đỏ phải có liên hệ với lửa và sự tinh chế.[13]

Một bằng chứng thú vị cho cái dấu hiệu điềm gở và bi kịch của màu cam — một màu mà theo quan điểm của Oswald Wirth thực ra là màu của ngọn lửa, sự dã man, sự tàn bạo và tính vị kỉ — được đưa ra sau đây trong một đoạn văn trich từ nhà đông phương học Heinrich Zimmer: ‘Sau khi Đức Phật Tương lai xuống tóc và đổi bộ đồ hoàng tộc của ông ta để lấy cái áo choàng màu vàng cam của một người khất sĩ khổ hạnh (những người đó không được xã hội loài người chấp nhận đã tự nguyện dùng những bộ đồ màu vàng cam vốn ban đầu là mảnh vải dùng để phủ lên những kẻ tử tội được đưa đến pháp trường xử tử)...’.[11] Để kết thúc những nhận xét dựa trên ý nghĩa huyền bí của màu sắc, chúng ta sẽ chỉ ra một số điểm tương ứng trong lĩnh vực luyện đan. Ba giai đoạn chính của “Tác phẩm Lớn” (the Great Work) (biểu tượng của sự tiến hoá tinh thần) là (1) vật chất sơ nguyên (prime matter) (tương ứng với màu đen), (2), thuỷ ngân (màu trắng) và (3) lưu huỳnh (màu đỏ), kết lại với thành phẩm là một “hòn đá” (kim loại vàng). Màu đen liên hệ với trạng thái lên men, phân huỷ, sự che khuất, sự sám hối; màu trắng liên hệ với sự soi sáng, sự vươn lên, thiên khải và sự tha thứ; màu đỏ liên hệ với nỗi đau khổ, sự thăng hoa và tình yêu. Và kim loại vàng là trạng thái của sự vinh quang. Như vậy chuỗi đen - trắng - đỏ - kim loại vàng ý chỉ con đường của sự vươn lên về mặt tinh thần. Cái ngược lại hay là chuỗi đi xuống có thể được thấy trong một khung màu bắt đầu từ màu vàng (đó là, kim loại vàng trong cái nghĩa phủ định của điểm khởi hành hoặc điểm khởi sinh thay vì là điểm đến), màu xanh dương (cõi trời), màu xanh lá cây (tự nhiên, hoặc là đời sống tự nhiên trước mắt), màu đen (là “sa đoạ” theo nghĩa của thuyết tân Plato).[14] Trong một số niềm tin truyền thống, màu xanh lá cây và màu đen được xem như là một dạng thể hiện tổng hợp của phân xanh. Ví lí do này, chuỗi tăng dần của xanh lá cây – trắng – đỏ tạo thành một biểu tượng ưa thích của người Ai-cập và của các tu sĩ Celtic cổ xưa. [2][15]

René Guénon cũng chỉ ra một thực tế mang tính tạo nghĩa rằng Dante, người đặt ra hệ thống biểu tượng truyền thống của ông ta, đã cho Beatrice xuất hiện trong bộ đồ màu xanh lá cây, trắng và đỏ, biểu hiện của sự hi vọng, niềm tin và lòng bác ái và tương ứng với ba bình diện (của luyện đan) mà ta đã đề cập.[16] Tính biểu tượng phức hợp của các màu sắc trộn lẫn nhau bắt nguồn từ các màu nguyên thuỷ mà từ đó chúng được tạo thành. Do vậy mà, ví dụ, màu xám và màu hoàng thổ có liên hệ với đất đai và cây cối. Không thể biết được tất cả các khái niệm mà bắt nguồn từ cái ý nghĩa ban sơ. Do đó, nhóm Ngộ giáo (Gnostics) đã phát triển ý tưởng rằng, bởi vì màu hồng là màu trùng với màu thịt, nên nó cũng là màu của sự phục sinh. Quay trở lại màu cam, lời giải thích tuyệt vời từ các nhân vật trùng ngôn trong tác phẩm có tính luyện đan Abraham người Do-thái chứa đựng một hàm ý màu cam là “màu của tuyệt vọng”, và tiếp tục: ‘Một người đàn ông và một người đàn bà được sơn màu cam lên mình và đứng nổi trên khung cảnh một vùng đất mang màu xanh da trời, ý chỉ rằng họ không được đặt hi vọng của mình vào thế giới này, vì màu cam thể hiện cho sự tuyệt vọng và cái nền xanh da trời là dấu hiệu của hi vọng ở cõi trời.’ Và cuối cùng, quay trở lại màu xanh lá cây, đây là màu của những khuynh hướng đối nghịch: nó là màu của cây cỏ (hoặc, nói cách khác, là của cuộc sống) và là màu của tử thi (hay là của cái chết); vì lẽ đó, người Ai-cập đã sơn vị thần Osiris (vị thần của cây cỏ và của người chết) bằng màu xanh lá cây. Tương đồng vậy, màu xanh lá cây giữ một vị trí chính giữa trong thang màu sắc hàng ngày.



Dịch tại Sài-gòn,
20101118.


_________________________

Chú thích của tác giả:

[1]JACOBI, Jolan de. The Psychology of C. G. Jung. London, 1951.


[2]STAR, Ély. Les Mystère du verbe. Paris, 1908.


[3]JUNG, C. G. Psychology and Alchemy (Collected Works, 12). London, 1953.


[4]DAVY, M.-M. Essai sur la Symbolique Romane. Paris, 1955.


[5]BACHELARD, GASTON. La Psycanalyse du feu. Paris, 1938.


[6]TEILLARD, Ania. Il Simbolismo del Sogni. Milan, 1951.


[7]WIRTH, Oswald. Le Tarot des imagiers du Moyen Age. Paris, 1927.


[8]BEAUMONT, A. Symbolism in Decorative Chinese Art. New York, 1949.


[9]BAYLEY, HAROLD. The Lost Language of Symbolism. London, 1912 (repr. 1951).


[10]LÉVI, Éliphas. Les Mystère de la Kabbale. Paris, 1920.


[11]ZIMMER, Heinrich. Myths and Symbols in Indian Art and Civilization. New York, 1946.


[12]MARQUÈS RIVÈRE, J. Amulettes, talismans et pantacles. Paris, 1950.


[13]SENARD, M. Le Zodiaque. Lausanne, 1948.


[14]JUNG, C. G. ‘Pschology of the Transference’. In The Pratice of Psychotherapy (Collected Works, 16). London, 1954.


[15]FRAZER, Sir James G. The Golden Bough. London, 1911-15.


[16]GUÉNON, René. L’Esotérisme de Dante. Paris, 1949.






-----------
Nguồn: Cirlot, J. E. “Colour”, A Dictionary of Symbols, trans. Jack Sage; 2nd edition (London: Routledge, 1971).

Nhan đề tiếng Việt, “Tính biểu tượng của màu sắc”, do người dịch đặt.