Nặng kiếp nhân sinh
10/04/2009
Tác giả: Trần Vũ
Gửi Trịnh Y Thư, một người bạn ở xa
Bàn về dịch thuật, các thế hệ dịch giả Việt Nam trong thế kỷ 19, thế hệ của Pétrus Ký, Paulus Của, Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, đã dịch hai từ République và Communisme thật xuất sắc.
Chữ République mà người xưa dịch thành Cộng hòa là một cách dịch uyên bác, vừa sát nghĩa, vừa giữ được nội dung chính: Sự bình đẳng tuyệt đối trong quyền công dân và quyền tư lợi quốc gia. Cộng lại và san sẻ, chia đồng đều cho công chúng. Không còn phân biệt, tất cả hòa đồng vào vị trí công dân. Nếu publique là công cộng, Ré vô cùng khó dịch, người xưa phải hiểu được tinh thần của nền Cộng hòa mới có thể dịch Ré thành Hòa. Khởi đi từ gốc Res publica, nhưng Res publica không rõ nghĩa, chỉ bắt đầu sáng sủa khi publica tương đồng Civitas/Civitatis/Dân sự. Một xã hội dân sự được chính quyền điều phối và chính quyền đó phải do tập thể số đông công dân bầu ra cho mục đích san hòa các giá trị, chính là tinh thần Cộng hòa.
Chữ Communisme được dịch thành Cộng sản càng cho thấy sự khác biệt với Cộng hòa. Chung từ Cộng, nhưng một bên Hòa/đồng đều, không đặt dấu nhấn lên vật chất vì muốn sự hòa đồng quyền lợi phải trải rộng trên cả những phạm vi trừu tượng như tôn giáo, bác ái/y tế, quyền làm người… còn một bên đặt dấu nhấn lên Của cải/Sản, khiến từ Cộng sản mang âm hưởng trưng thâu, tịch thâu, xung công nhiều hơn là chia đều. Và thực tế đã chứng minh như vậy.
Sẽ có người tin thế hệ Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của đã vay mượn cách dịch của Trung Hoa khi dịch từ Pháp văn. Có thể không sai, và càng khiến chúng ta thêm tiếc nuối sự cắt đứt với Hán học đã khiến lớp dịch giả ngày nay giảm nguồn tra cứu. Không ngẫu nhiên mà nền dịch thuật xưa đã vun bồi chữ Quốc ngữ, vì thế hệ xưa am tường Hán-Việt và giỏi chữ Nôm, rồi đến thế hệ 54-75 trong miền Nam hãy còn biết Pháp văn, cộng thêm Anh văn, đã kế thừa. Trước 1975 trong Nam, người ta không dịch L’Etranger thành Người dưng mà là Kẻ xa lạ đúng với từ Étranger. Nếu là những dịch giả bây giờ, có thể Communisme đã được địch thành Chủ nghĩa Công xã, hoặc trừu tượng hơn nữa: Chủ nghĩa Tập thể, vì mang dáng dấp của những từ Commun/Chung, Commune/Làng, Communauté/Cộng đồng xuất phát từ gốc La tinh Communis.
Hôm qua dịch Chuông gọi hồn ai. Hôm nay nay dịch: Chuông nguyện hồn ai. Người nay sai. Vì Pour qui sonne le glas là tiếng chuông báo tử. Trong tiếng Pháp: Sonner le glas ám chỉ kết liễu/mất mạng/mệnh chung/qua đời/tiêu vong, kẻ nghe tiếng chuông biết thần chết đã đến sát bên giường. Tiếng chuông này không cầu nguyện cho linh hồn kẻ sắp mạng vong, mà điểm giờ chết, do vậy không thể dịch nguyện. Dịch Gọi mới thỏa ý Pour qui mà ở đây Pour quan trọng vô cùng. Sonne trong Pour qui sonne le glas còn là một động từ âm vang, ngân vang, vì là tiếng chuông gióng đổ. Trong lúc nguyện là tiếng rì rầm. Dịch Chuông nguyện hồn ai, không nghe được âm thanh của quả chuông như trong nguyên tác For whom tolls the bell. Trước 1975, Huỳnh Phan Anh tài hoa khi đảo ngược mệnh đề For whom ra đằng sau.
Tương tự, Đỉnh gió hú của Emily Bronte đã được văn hào Nhất Linh dịch thuật. Vì sao cần dịch lại? Mà dịch thành Đồi gió hú? Đồi không chắc đã cao, trong lúc tựa tiểu thuyết Les Hauts de hurlevents/Wuthering Heights của Emily Bronte mang nghĩa Những điểm cao gió gào. Khi dịch Đỉnh gió hú, Nhất Linh đã chứng minh ông còn là một nhà văn, biết đem vào tựa sách không chỉ ý nghĩa của tựa gốc mà còn cả một không khí tối ám, rờn rợn, sắc buốt.
Trước 75, tiểu thuyết Chiến hữu của Erich Maria Remarque chinh phục độc giả miền Nam. Sinh viên, học sinh say mê mệnh đề: Tình bạn vượt qua giới hạn, sẽ thành tình yêu, và tình yêu thăng hoa đến mức cao nhất sẽ hóa thành tình bạn. Tài hoa của Remarque là đã không viết ra thành công thức mà bàng bạc khắp tác phẩm, người đọc cảm trên từng trang giấy, tình bạn và tình yêu hòa quyện này. Không phải Camus, không phải Sartre, không phải Saint Exupéry, càng không phải Alphonse Daudet, André Maurois, hay Somerset Maugham, mà chính Remarque, tiểu thuyết gia được ưa chuộng suốt thời kỳ này.
tv24Thập niên 90, Chiến hữu của Erich Maria Remarque được dịch lại thành Ba người bạn. Dịch giả về sau dường như đã lúng túng với tựa gốc Die Kameraden, vì không muốn dịch thành Đồng chí mang âm hưởng quá Cộng sản. Năm 1972, Vũ Kim Thư dịch Chiến hữu đã hiểu ra tầm quan trọng của chữ Camarades trong tác phẩm Remarque. Không chỉ thuần là những người bạn mà Gottfried Lenz, Robert Lohkamp (Robby), Otto Koster còn là những đồng đội đã sống chết trong chiến hào. Koster từng là đại đội trưởng của Lenz và Lohkamp. Đồng đội là cách dịch sát nhất của Camarades, vì họ tiếp tục sống chết với nhau ở hậu phương sau chiến tranh, trong cuộc tranh sống giữa một nước Đức đang tan vỡ. Nhưng Đồng đội mang âm hưởng quân đội, đội hình, nhiệm vụ trong lúc Otto, Gottfried, Robert, Alphonse, Ferdinand đã ra khỏi quân ngũ, đã trở về với đời sống dân sự, và nhóm đã thêm Jupp chưa bao giờ đi lính, thêm Patricia Hollmann người yêu của Lohkamp, và thêm cả Karl, chiếc xe đua thần tốc cũng được xem là một chiến hữu. Vũ Kim Thư chọn dịch Chiến hữu, mà không dịch Đồng chí vì hiểu rõ các nhân vật của Remarque không còn lý tưởng, không còn chí hướng, không còn tin vào tương lai, xa lánh những chủ thuyết, đảng phái chính trị. Giống như Lohkamp đã tự hỏi: ”Qui donc compte avec l’avenir?” (Còn ai nữa tin vào tương lai?). Chiến hữu trong tiếng Việt còn gộp chứa được số nhiều, không duy nhất ba người bạn mà nguyên cả một nhóm khá đông, những cựu binh thân thiết, đã từng sát cánh ngoài mặt trận. Dịch Chiến hữu, Vũ Kim Thư giữ được nội dung chủ yếu: Chiến tranh và tình bằng hữu. Vì tất cả đã bắt nguồn từ chiến tranh, từ thế chiến thảm khốc tiêu hủy các giá trị truyền thống của nước Đức đang dần bị Phát-xít hóa. Chỉ còn lại tình bạn tồn tại, một tình bạn vượt trên tình yêu khi Otto và Gottfried đã nhường Pat cho Robby. Rồi Pat cũng được xem là một chiến hữu, khi tất cả cố gắng giúp Pat kéo dài sự sống, kéo dài hạnh phúc với Robby. Dịch Ba người bạn, từ tựa Three Comrades, theo cách dịch của Hoa Kỳ, không hết ý và chưa hết vai trò quan trọng của Pat, của Karl, cũng quan trọng ngang với Koster và Lenz.
Tương tự, Bản du ca cuối cùng của loài người không còn đất sống của Vũ Kim Thư dịch từ bản Pháp văn Les Exilés (Những kẻ lưu vong) của Remarque, được dịch lại thành Bản du ca cuối cùng. Một lặp lại ”thoáng gọn” nói theo cách của Hoàng Ngọc Hiến, nhưng không đủ nghĩa, bản du ca gì? của ai? vì sao du ca? Tựa Loài người không còn đất sống của Vũ Kim Thư trả lời những câu hỏi này. Chính là bản trầm ca, của những con người bị tước quyền công dân, bị đẩy bật ra khỏi tổ quốc mà không một quốc gia nào dung chứa, phải di chuyển từ biên giới Áo, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hung Gia Lợi, đến Thụy Sĩ, đến Pháp rồi bị trả về, rồi lại bị trục xuất, rồi lại bị trao trả, lẩn quẩn giữa mùa đông đến độ phải chọn nhà tù nào có hệ thống sưỡi tốt nhất để nộp mình, hy vọng chút hơi ấm qua đêm… Bi thảm vì không đất sống.
tv31Không phải tất cả dịch giả thời nay đều bất cẩn. Vẫn còn những dịch giả cẩn trọng. Bản dịch Người tình của Phạm Việt Cường giữ được giọng trầm độc thoại gợi cảm của Marguerite Duras. Bản dịch Nhẹ kiếp nhân sinh của Trịnh Y Thư là một thao tác kỹ lưỡng. Tuy tựa thứ nhì Đời nhẹ khôn kham của cùng dịch giả này có thể gây tranh luận. Từ tựa tiếng Anh The Unbearable Lightness of Being, Trịnh Y Thư đã đặt trọng tâm vào hai chữ Lightness/nhẹ và Being/hiện hữu. Do Being còn mang thêm khái niệm triết học về sự tồn tại của con người, dịch kiếp nhân sinh là thỏa ý. Nhưng thiếu Unbearable. Mà trong câu văn chính sự không chịu đựng nổi/Unbearable mới đặt vấn đề. Vì nhìn thấy khiếm khuyết này, nên khi in thành sách, Trịnh Y Thư đã thay tựa Đời nhẹ khôn kham.
Đến đây nghi vấn có thể bắt đầu.
Nhìn qua bản dịch Pháp văn, L’insoutenable légèreté de l’être dường như mang thêm nghĩa khác: Insoutenable/không chịu nổi/không thể chống đỡ/không thể biện hộ/không bênh được/không cãi được. Légèreté: Sự nhẹ nhàng/lẳng lơ/tục tĩu/hở hang/khinh bạc/dễ dãi chăn gối… Nhìn lại tĩnh từ Unbearable cũng còn có nghĩa không thể dung thứ. Và Lightness còn tương đồng với Lightsomeness/tính nhẹ dạ/lông bông… Rồi đọc lại tiểu thuyết của Milan Kundera, xem lại phim của Philip Kaufman, dường như nội dung của tác phẩm và ý nghĩa của tựa sách không hàm ý Không chịu đựng nổi mà ngược lại, không thể dung thứ. Và cũng không hẳn là sự nhẹ hẫng đến không kham được mà chính là sự buông thả dục tình khó biện hộ trong kiếp người. Văn nghiệp của Kundera nổi bật lên hai chủ đề chính: tính đạo đức cứng nhắc đến giả tạo của chủ nghĩa thanh giáo Sô Viết, và dục tính quá trớn ở phương Tây. Một bên nặng nề chì chiết và một bên dâm ô đến khó biện bạch tà dâm là một chân lý sống. Vế đầu Kundera trình bày trong La Pesanteur, vế sau xuất hiện trong L’insoutenable légèreté de l’être. Như vậy, nếu hiểu như dân Pháp, trên đất Pháp, quê hương thứ hai của Kundera, nơi xuất hiện bản dịch sớm nhất của Nesnesitelná lehkost bytí (mà do không hiểu tiếng Tiệp Khắc nên chúng ta không đoán được nghĩa), tựa Đời nhẹ khôn kham chưa thật sát nội dung.
Nhưng khó mà dịch hết ngần ấy ngữ nghĩa trong một tựa sách. Vừa nghĩa đen, vừa nghĩa bóng. Vậy, kết luận ra sao? Trước nhất, Trịnh Y Thư không sai, cũng không bất cẩn, vì đã cố gắng tối đa tái tạo ngữ cảnh trong một tựa tiểu thuyết vắn tắt. Duy tựa Anh ngữ không rõ ý bằng tựa Pháp ngữ. Đọc tựa Pháp, có thể hồ nghi tác giả đang phê phán cứu cánh sinh lý (Insoutenable légèreté = Mœurs injustifiables), trong lúc Unbearable Lightness không dễ suy ra chuyện tình dục. Sau hết, giữa hai tựa Việt ngữ của Trịnh Y Thư, dường như những ai yêu thích tính cách tiểu thuyết, văn chương, đã chọn Nhẹ kiếp nhân sinh vì khả năng khái quát trừu tượng, cho phép hàm chứa một nội dung rộng lớn. Còn ”sự buông thả dục tình khó biện hộ trong kiếp người”? Chỉ có thể trả lời là Kundera đã thành công mỹ mãn chức năng nhập trùng ngôn ngữ của nhà văn.
Ra khỏi thế giới tiểu thuyết, ảnh hưởng của dịch thuật còn bàng bạc khắp cuộc sống. Người Việt xa xứ khi trở về quê nhà, trông thấy tấm bảng ghi ”Ga đi quốc tế Tân Sơn Nhất”, thường tự hỏi: Vì sao không viết ”Phi cảng Khởi hành Quốc tế Tân Sơn Nhất”? Vì ước muốn thuần Việt, từ bỏ Hán-Việt để làm trong sáng tiếng Việt? Nhưng trong ”Ga đi quốc tế Tân Sơn Nhất” chỉ có một chữ ”Đi” là thuần Việt, ”Ga” đã là Tây lai, còn lại là Hán-Việt.
Dân Việt không chế tạo máy bay, do vậy tất cả những từ liên quan đến không gian, phi hành, phi đạo, trạm, cảng, đều thông qua dịch thuật trước khi nhập vào kho tàng ngôn ngữ dân tộc. Ở đây giới hữu trách không nên viết ”Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất”, cũng không nên viết ”Phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất”, vì như vậy là tự giới hạn tầm vóc của phi cảng này. Thời Pháp, ban đầu quân đội Pháp dùng chữ Piste d’envol mà dân Việt dịch là Sân bay. Về sau Tân Sơn Nhất mở rộng, quân đội Pháp dùng chữ Aérodrome, dân Việt dịch Phi trường. Cả hai đều ổn thỏa. Sau 1954, trong Nam viết Phi cảng Tân Sơn Nhất, vì sân bay này đã được quân đội Hoa Kỳ tân trang, tái kiến tạo và nâng cấp có thể xem là một Aéroport/Airport. Đột nhiên sau 1975, từ Sân bay tái xuất hiện, và rồi bây giờ là Cụm cảng Hàng không. Nếu đã là Cụm cảng thì vì sao không viết Phi cảng Khởi hành Quốc Tế Tân Sơn Nhất ở cổng vào đường bay quốc ngoại? Khi quyết định gắn bảng Ga đi quốc tế Tân Sơn Nhất, có lẽ giới chức thẩm quyền đã nghĩ đến chữ Aérogare trong tiếng Pháp, vẫn còn dùng cho đến ngày nay ở các phi trường Tây. Nhưng từ Aérogare dịch là Ga không chuẩn. Ga là ga xe lửa và dịch như vậy làm thô thiển tiếng Việt. Ở đây Aérogare phải dịch là Phi trạm, vì mỗi Phi cảng/Aéroport có nhiều Phi trạm/Aérogare, mà mỗi Phi trạm mang một chức năng khác nhau: quốc ngoại, quốc nội, khởi hành, khứ hồi, v.v…
Nhiều người sẽ trách lạm dụng Hán-Việt sẽ bị Hán hóa. Câu trả lời là Không. Hán-Việt với yếu tố Việt đã không còn là phương ngữ Trung Hoa. Một sinh ngữ khác với một tử ngữ ở khả năng dung nạp các từ mới và khả năng kiến tạo nhiều từ đồng nghĩa. Sự trù phú của một ngôn ngữ còn là sự sống chưa mai một của nhiều danh từ. Chính Hán-Việt đem đến khả năng giàu có này cho Việt ngữ, ngay cả khi phải thông qua gốc Hán. Hãy nhìn người Pháp bây giờ viết Pipole/People, Cédérom/CD Rom, hay Nous voulons que vous delètiez ceci afin de canceler cela (Chúng tôi muốn các anh hủy thứ này hầu bỏ thứ kia… delètiez/To Delete chia ở dạng subjontif và canceler/To Cancel chia ở thể infinitif. Một cách ký âm tội nghiệp. So với delètiez và canceliez, Hán-Việt cho phép dân Việt không duy nhất ký âm mà còn ký nghĩa, và đứng về ngữ âm, đem đến thêm thẩm mỹ. Dân chúng chỉ có thể tiếc nuối các cơ quan truyền thông đã không tiếp tục viết Liêu Đông, Lữ Thuận khẩu, Vọng Các, Nam Vang, Vạn Tượng, Nhã Điển, Mạc Tư Khoa, Ba Lê, Bá Linh, Luân Đôn, Gia Nã Đại, Nam Dương, Tân Gia Ba, Bảo Gia Lợi, Mễ Tây Cơ, Chí Lợi, Á Căn Đình, A Phú Hãn, v.v… theo cách phiên âm của thế hệ Đào Duy Anh, hay trước nữa. Mà vì sao không viết Cựu Kim Sơn? Vì sao đổi Hòa Lan thành Hà Lan? Hòa Lan mới đúng với âm Hollande. Phiên âm Hà Lan, đến một ngày nào đó sẽ thành “Hà Nan”. Điều chắc chắn, Phi Luật Tân nghe hay hơn Phi líp pin, Á Căn Đình thẩm mỹ hơn Ác hen ti na, Nữu Ước thanh lịch hơn Niu Óc, và Hương Cảng đem đến làn hương huyền diệu của một giấc mơ viễn du.
Trở lại truyện xưa, người xưa dịch nhuyễn vô cùng. Điển hình The Godfather, bản dịch Bố già của Ngọc Thứ Lang, càng đọc càng mê, rồi đọc lại bản dịch Pháp văn Le Parrain của Jean Perrier mới thấy Ngọc Thứ Lang tài tình. Y chang giọng mafia đểu cáng, nửa khinh mạn, vừa tay anh chị, đầy cao bồi mà cũng thật văn hóa Mỹ, pha mì ống Italô dữ dằn. Dù không phải sách văn học, chỉ thuần giải trí, nhưng là sách giải trí được phiên dịch kỳ tài. Đọc lại đoạn Michael Corleone thanh toán thằng đường Thổ Sollozzo rồi quất sụm luôn viên đại úy cảnh sát Mac Closkey ngay giữa nhà hàng Ý, ở trang 171, Jean Perrin dịch:
A cet instant, le serveur vint prendre commande du deuxième plat. Sollozzo tourna la tête pour lui parler. Michael repoussa la table de la main gauche et, de la droite, pressa le revolver presque contre la tête de Sollozzo. D’instinct, le Turc eut un mouvement de recul dès le premier mouvement de Michael. Mais Michael, plus jeune, avait des réflexes plus rapides: Il appuya juste à temps sur la détente. La balle pénétra entre l’œil et l’oreille de Sollozzo. Sa sortie, de l’autre côté, fit jaillir un énorme jet de sang et des morceaux d’os qui éclaboussèrent la veste du serveur pétrifié. (…) Très froidement, très délibérément, Michael tira une seconde balle, cette fois à la verticale sur le sommet du crâne couvert de cheveux blancs.
Trong bản tiếng Việt, ở trang 161, Ngọc Thứ Lang dịch:
tv4”Đúng lúc đó gã bồi bước tới, đứng bên chờ và Sollozzo quay mặt ra kêu thức ăn. Michael lập tức đứng lên tay trái hất bàn, tay mặt đưa khẩu súng kê sát đầu thằng đường Thổ. Phản ứng của nó đã lẹ, Michael vùng đứng lên thì nó đã né. Không kịp. Làm sao chơi lại tuổi trẻ? Michael nhấn cò. Viên đạn đi ngay màng tang và lúc chui ra phía bên kia đã phá một lỗ toang hoác. Máu, óc, xương sọ nó văng tùm lum đầy áo gã bồi. (…) Rất tỉnh táo, Michael thản nhiên đẩy tới phát nữa, nhằm giữa cái đỉnh đầu có mớ tóc bạc phất phơ.”
Không phải chuyển ngữ, Ngọc Thứ Lang không làm công việc chữ đối chữ, mà dịch-thuật. Và ở đây, những ai biết Pháp văn nhận ra tức khắc câu ”Không kịp. Làm sao chơi lại tuổi trẻ?” hay hơn hẳn ”Mais Michael, plus jeune, avait des réflexes plus rapides.” mà nếu dịch sát sẽ trở thành ”Nhưng Michael, trẻ hơn, nên có phản xạ nhanh hơn.” Đến câu ”Rất tỉnh táo, Michael thản nhiên đẩy tới phát nữa”, chữ ”đẩy” sao mà hay! Ngọc Thứ Lang thay động từ Tirer/bắn bằng một chữ đẩy khơi khơi mà đầy hình dung từ.
Gần đây, một học giả Việt ở Hoa Kỳ, trên trang web cá nhân, khi giới thiệu Linda Lê, đã tâm đắc nhắc lại một câu văn xưa: ”Les grands livres donnent l’impression d’avoir été écrits dans une langue étrangère.”, rồi sảng khoái khẳng quyết: ”Văn hay phải được viết bằng tiếng ngoại quốc.” Người Việt sinh sống ở Pháp cảm thấy kỳ quặc, câu văn trên, của Richard Millet nhắc lại ý của Marcel Proust. Không phải một mình Millet mà Lacan cũng từng nhắc lại. Mà Proust lặp lại tư tưởng của Aristote. Mà câu văn trên không thể dịch ”Những tác phẩm lớn gây ấn tượng được viết bằng ngoại ngữ.” Chữ étrangère ở đây phải dịch là Lạ lùng/stranger, thay vì foreigner. ”Những tác phẩm lớn gây ấn tượng được viết bằng một ngôn ngữ lạ.” mới chính là ý của Proust.
Nhưng có thật văn hay phải viết bằng tiếng nước ngoài? Điều này khá tương đối. Aristote định nghĩa văn hay vô cùng rõ rệt:
La qualité de l’expression, c’est d’être claire sans être plate: or la plus claire est celle qui se compose de noms courants, mais elle est plate: l’exemple en est la poésie de Cléophon ou celle de Sthénélos. L’expression noble qui échappe à la banalité, est celle qui a recours à des termes étranges. Par “terme étrange”, j’ entends un nom rare, une métaphore, un allongement et tout ce qui s’écarte de l’usage courant.
(Poétique, Aristote, Introduction, Traduction et Annotation de Michel Magnien, 1458a, XXII, page 142, Collection Livre de Poche).
Dịch sang tiếng Việt, định nghĩa văn hay của Aristote có thể được hiểu như sau:
Phẩm chất của văn, là phải sáng sủa mà không tầm thường: mà văn trong sáng nhất là văn phối kết với các từ thông dụng, mà như vậy lại tầm thường: ví dụ điển hình là thơ Cléophon hay thơ Sthénélos. Văn quý tộc thoát ra khỏi sự dung tục, là văn vận dụng các từ lạ. Qua chữ “từ lạ”, tôi muốn nói từ hiếm, phép ẩn dụ, sự mở rộng và tất cả những gì tách khỏi lối viết thông thường.
(Thi ca, Aristote, Dẫn nhập, Diễn Giảng và Ghi chú của Michel Magnien, 1458a, XXII, trang 142, tủ sách Livre de Poche).
Như vậy, cách suy diễn của vị học giả Việt Nam khi trích dẫn Lacan đã xa vạn dặm tư duy ban đầu.
Dịch phản, dịch chưa sát, không quá trầm trọng vì rồi bản gốc cũng sẽ được tìm đến. Điều quan trọng là dịch giả phải trút tất cả sự say mê, niềm hân hoan vào việc tái tạo một tác phẩm qua ngôn ngữ đang chảy trong huyết quản của mình, như McPherson, dịch giả của Dương Thu Hương đã từng sống thao tác này như sống một truyện tình:
”Dịch thuật là câu chuyện riêng tư đầy mê hoặc giữa một con người với một văn bản.”
(Nina McPherson)
Sức mạnh của ngôn ngữ nằm trong sức mê hoặc vượt lý trí. Sức mạnh của văn bản nằm trong khả năng quyến rũ đến tận cùng một con người.
Văn hay, phải là văn ám ảnh.
6 tháng 4-2009
© talawas 2009