Merle L. Pribbenow II – Tướng Võ Nguyên Giáp và tiến trình bí ẩn của kế hoạch tấn công Tết Mậu Thân (1968): phần 1
28/04/2010 | 1:00 sáng | 2 phản hồi
Chuyên mục: Lịch sử, Nhìn lại cuộc chiến 1954-1975
Nguyễn Việt dịch
Cuộc tấn công Tết Mậu Thân, mà người Việt Nam gọi là “Tổng Công Kích-Tổng Khởi Nghĩa” có lẽ là sự kiện có sức nảy nở lớn trong lịch sử cuộc chiến tranh dài dặc của Mỹ tại Việt Nam. Như người Việt Nam vẫn thích tuyên bố, cuộc tấn công Tết “đã làm biến đổi cục diện”, thay đổi toàn bộ tính chất của cuộc chiến, và phần lớn sách vở lịch sử về chiến tranh có thể chia một cách rõ ràng thành hai giai đoạn “trước Tết” và “sau Tết”.
Câu chuyện Tết Mậu Thân của phía Mỹ được kể lại vô cùng tỉ mỉ, từ cấp độ chiến lược tới cấp độ chiến thuật, nhưng thật đáng kinh ngạc vì người ta biết được rất ít về nguồn gốc kế hoạch cuộc tấn công Tết bên phía Việt Nam. Các sử gia từng bàn nhiều về việc thành viên hay các thành viên nào của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã có ý tưởng về cuộc tấn công Tết, những ai ủng hộ ý tưởng này và những ai phản đối, nhưng các bàn luận thường chỉ dựa trên rất ít bằng cứ. Một số xác định đạo diễn của cuộc tấn công Tết Mậu Thân là tướng Võ Nguyên Giáp, tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, người từng được cả thế giới vinh danh ở tư cách một chiến lược gia quân sự hơn một thập niên trước đó với chiến thắng trước người Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954. Những người khác lại cho rằng ý tưởng về cuộc tấn công Tết bắt nguồn từ vị tướng đã quá cố Nguyễn Chí Thanh, người cho tới khi chết vào tháng Bảy năm 1967 vẫn lãnh đạo nỗ lực của cộng sản chống lại các lực lượng Mỹ tại Việt Nam Cộng hòa. Một vài người khẳng định cuộc tấn công là một nỗ lực tuyệt vọng của những người cộng sản nhằm lật ngược một tình thế khi họ đang phải đối mặt với thất bại không thể tránh khỏi, còn những người khác tuyên bố cuộc tấn công là kết quả của một nhận định quá mức lạc quan của giới lãnh đạo cộng sản về tình hình Việt Nam Cộng hòa. Một số học giả đã kết nối quyết định tung ra cuộc tấn công Tết với cuộc đấu tranh chia rẽ bên trong khối chóp bu chính trị về các khác biệt ý hệ liên quan đến sự đối đầu của phe cộng sản giữa Trung Quốc và Liên Xô (vào quãng thời gian ấy Liên Xô đang ép Việt Nam điều đình một thỏa thuận với Mỹ trong khi Trung Quốc bắt Việt Nam phải tiếp tục chiến đấu và từ chối đối thoại với Mỹ)[1].
Chỉ tới khi, hoặc trừ phi, người Việt Nam công khai hóa các hồ sơ nội bộ của Bộ Chính trị và Bộ Tư lệnh tại Hà Nội, bằng không sẽ không thể có lời đáp cuối cùng, tối hậu cho những câu hỏi trên. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đã có một số sách vở, tài liệu của người Việt Nam, chiếu một ánh sáng mới vào sự bí ẩn và cho phép chúng ta có được nhiều kết luận đầy đủ thông tin hơn. Thông tin mới cho thấy tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Nguyễn Chí Thanh đều không phải là người nghĩ ra ý tưởng về cuộc tấn công Tết; bản thân Hồ Chí Minh cũng phản đối cuộc tấn công; cái kế hoạch sau này được thực hiện như đã xảy ra là kết quả của một thỏa thuận ngầm giữa tướng Văn Tiến Dũng, thuộc cấp ở cấp cao nhất của tướng Võ Nguyên Giáp, và tổng bí thư đảng cộng sản Lê Duẩn, đối thủ của tướng Võ Nguyên Giáp trong một quãng thời gian rất dài; Võ Nguyên Giáp phản đối cuộc tấn công Tết mạnh mẽ đến mức sau đó ông bị mất quyền, không chỉ không được tham dự vào tiến trình lập kế hoạch mà còn phải rời Việt Nam sang Đông Âu và không trở về cho tới khi cuộc tấn công Tết đã thực sự mở màn. Mặc dù vẫn còn lại vấn đề về tầm quan trọng của vai trò của những khác biệt về ý hệ trong cuộc đấu đá chia rẽ nội bộ nổ ra bên trong Bộ Chính trị Việt Nam ở quá trình ra quyết định, có vẻ như là các khác biệt ý thức hệ, được tưởng tượng ra hoặc có thật, thực tế đã được phe chiến thắng sử dụng nhằm gia cố và bảo vệ vị thế của mình.
Các tiền đề của kế hoạch
Nguồn gốc ý tưởng cuộc “Tổng Công Kích-Tổng Khởi Nghĩa” Tết có thể được tìm thấy ngay từ đầu những năm 1960. Tháng Mười hai năm 1963, chỉ một tháng sau khi tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã họp tại Hà Nội để bàn luận và thông qua Nghị quyết hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành. Nghị quyết này nhận định rằng “tổng công kích, tổng khởi nghĩa sẽ là hướng phát triển tất yếu của cách mạng miền Nam để đạt tới toàn thắng”[2]. Trung ương Đảng dự tính khả năng chiến thắng cuộc chiến một cách nhanh chóng, trước khi Mỹ quyết định có nên điều các đội quân Mỹ tới cứu chế độ Việt Nam Cộng hòa hay không. Vẫn duy trì đường hướng chung về việc tiến hành một cuộc “chiến đấu lâu dài” ở miền Nam, Nghị quyết 9 kêu gọi một nỗ lực đến mức tối đa nhằm “tranh thủ thời cơ thuận lợi, tập trung lực lượng, quyết tâm giành cho được những thắng lợi có tính chất quyết định trong mấy năm tới[3]”. Tuy nhiên, theo nghị quyết, “tổng công kích, tổng khởi nghĩa”, cái có thể rốt cuộc sẽ lật đổ chế độ miền Nam chỉ có thể được tung ra sau khi quân đội Việt Nam Cộng hòa đã bị “tiêu hao” và trở nên kiệt quệ tới mức không còn đủ sức đàn áp những cuộc nổi dậy của quần chúng nằm ở trung tâm cuộc nổi dậy chung thuộc kế hoạch lớn về tổng tiến công và nổi dậy nữa. Nghị quyết nhận định nhiệm vụ chiến lược của các lực lượng vũ trang cộng sản tại miền Nam sẽ là “làm tan rã quân đội tay sai, công cụ chủ yếu của chế độ địch, tạo điều kiện để thực hiện tổng công kích và tổng khởi nghĩa, lật đổ chính quyền phản động ở miền Nam[4]”.
Tháng Chín năm 1964, Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản họp tại Hà Nội để đánh giá tình hình và xem xét quá trình thực hiện Nghị quyết hội nghị chín của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Bộ Chính trị quyết định tiến hành một đòn mạnh mẽ nhằm nhanh chóng tiêu diệt quân đội Việt Nam Cộng hòa để “giành thắng lợi quyết định”. Ngoài việc điều các đơn vị chính quy lớn đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam (cấp trung đoàn) vào miền Nam để chiến đấu và ra lệnh mở một loạt chiến dịch cấp trung đoàn và sư đoàn với mục đích đè bẹp Quân lực Việt Nam Cộng hòa[5], Bộ Chính trị và Trung ương Cục miền Nam cũng chỉ thị phải chuẩn bị tung ra cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa. Chiến dịch sẽ được bắt đầu sau khi quân đội Việt Nam Cộng hòa đã bị nghiền nát, và sẽ hướng thẳng vào thành phố thủ phủ miền Nam, Sài Gòn.
Một cuốn sách của cộng sản thời kỳ hậu chiến tranh miêu tả kế hoạch mang bí số “Kế hoạch X” như sau:
“Trong mùa thu năm 1964… Trung ương Cục miền Nam lập một kế hoạch nhằm chuẩn bị nắm thời cơ tiến hành một cuộc tổng công kích và khởi nghĩa với mục tiêu nhắm đến một thắng lợi quyết định. Kế hoạch được đặt bí số “Kế hoạch X”… Khu vực trung tâm mà Kế hoạch X hướng tới là Sài Gòn-Gia Định… Trong quý ba năm 1964, một cơ quan đặc chủng, được tạo nên từ các thành viên của Quân ủy Trung ương thuộc Trung ương Cục miền Nam và các chỉ huy quân sự của Vùng Quân sự Sài Gòn-Gia Định được tạo nên để thực thi kế hoạch… Theo Kế hoạch X, Vùng Quân sự Sài Gòn-Gia định phải nhanh chóng lập ra các đơn vị đặc công thành đủ sức mạnh để tiến công và chiếm lấy những mục tiêu quan trọng trong thành phố, đồng thời lập ra các đơn vị chiến đấu có vũ trang và các đơn vị tự vệ cho mỗi nhánh nhằm cung cấp xương sống cho phong trào nổi dậy chung. Vùng Quân sự cũng sẽ lập ra năm tiểu đoàn mũi nhọn có thể được sử dụng tại năm khu vực bao quanh vùng ngoại ô của thành phố, đủ sức tiến sâu vào thành phố từ năm hướng. Những tiểu đoàn này có thể nhanh chóng hỗ trợ các đơn vị đặc công thành để giúp họ nắm giữ những mục tiêu riêng lẻ trong khi chờ quân chủ lực của chúng ta và hỗ trợ từ phong trào nổi dậy chung của người dân.”[6]
Ý tưởng chia thành phố thành năm khu vực và ý tưởng điều các tiểu đoàn mũi nhọn vào mỗi khu vực nhằm hỗ trợ các nhóm đặc công và “nổi dậy chung” trong khi chờ các đơn vị lớn hơn từ bên ngoài tới nơi sau này sẽ được sử dụng trong kế hoạch về các cuộc tấn công Tết Mậu Thân vào Sài Gòn.
Trong một lá thư đề tháng Hai năm 1965, tổng bí thư Lê Duẩn, một người trung thành với các ý tưởng “tổng khởi nghĩa” và “chiến đấu trong thành phố” và có vẻ như là người ủng hộ Kế hoạch X mạnh mẽ nhất, giải thích kế hoạch cho tư lệnh cộng sản ở miền Nam Việt Nam, tướng Nguyễn Chí Thanh, như sau: “Vấn đề hiện nay của chúng ta là tiếp tục mở rộng sự kiểm soát tại vùng nông thôn và chuẩn bị thực hiện một cuộc tổng khởi nghĩa. Các đô thị sẽ trở thành điểm trọng tâm cho cuộc tổng khởi nghĩa sắp tới[7].”
Lê Duẩn nói điều kiện tiên quyết là các lực lượng cộng sản phải chuẩn bị cho tình hình “bằng cách tiến công và tiêu diệt ba hoặc bốn sư đoàn chính quy ngụy trên chiến trường trong các đợt sóng liên tiếp những cuộc tiến công của lực lượng chúng ta.” Khi điều này đã được hoàn thành, Lê Duẩn nói với tướng Nguyễn Chí Thanh, “Chúng ta sẽ tiến hành một cuộc tổng khởi nghĩa phối hợp với một cuộc tiến công quân sự chung hướng thẳng vào trái tim quân địch để nắm kiểm soát chính quyền. Điều này sẽ hạ gục tinh thần quân đội ngụy. Chiếm ưu thế từ cơ hội ấy, chúng ta sẽ tiến hành những cuộc tiến công quân sự mạnh mẽ đi đôi với những tấn công lớn về chính trị và quân đội của nhân dân, gây tiêu hao cho quân địch và bằng cách đó tạo ra khả năng làm sụp đổ những đơn vị còn lại của quân đội ngụy[8].”
Các yếu tố khác của kế hoạch được Lê Duẩn trình bày trong lá thư, bao gồm việc tạo ra một tổ chức chính trị “mặt trận thứ hai” kiên quyết mang tính trung lập nhằm lập một chính phủ mới và điều đình việc rút quân của Mỹ, sau này sẽ được lặp lại trong kế hoạch cuộc tấn công Tết Mậu Thân[9]. Cuối cùng, cũng như thái độ ông sẽ có trong khi lên kế hoạch cho cuộc tấn công Tết Mậu Thân, Lê Duẩn kiên quyết phủ nhận lập luận cho rằng cuộc tổng nổi dậy của các thành phố chỉ được tiến hành khi nào chiến thắng là chắc chắn, cho rằng nếu những cuộc tấn công tại các thành phố thất bại, các lực lượng cộng sản có thể sẽ chỉ đơn giản là rút lui, tập hợp lại, rồi sau đó sẽ thử lại lần nữa. Lê Duẩn viết:
“Tuy nhiên, nếu vì lý do nào đó mà những cuộc nổi dậy tại các đô thị gặp khó khăn và chúng ta buộc phải rút lui lực lượng, thì cũng không vấn đề gì. Đó sẽ chỉ là một dịp cho chúng ta diễn tập và rút ra các bài học kinh nghiệm nhằm chuẩn bị cho sau này. Lực lượng của đồng chí Fidel Castro đã tấn công các đô thị ba lần mới thành công. Nếu chúng ta tiến vào được các đô thị nhưng sau đó phải rút lui, thì vẫn không phải lo lắng gì, bởi toàn bộ vùng nông thôn và rừng núi đều thuộc về chúng ta – vị thế và lực lượng của chúng ta đều rất mạnh tại các vùng đó.”[10]
Trong một bức thư khác gửi Nguyễn Chí Thanh vào tháng Năm 1965, sau khi rất nhiều đội quân chiến đấu lớn của Mỹ đã bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam Cộng hòa và viễn cảnh tung ra một cuộc tổng khởi nghĩa tại các thành phố rõ ràng là đã bị thổi bay, Lê Duẩn vẫn tiếp tục bảo vệ ý tưởng của mình. Ông nói với tướng Nguyễn Chí Thanh, “Khi nào có cơ hội, ngay cả khi các yếu tố chỉ cho phép chúng ta 70 hay 80 phần trăm cơ may chiến thắng, thì chúng ta cũng phải nắm lấy cơ hội và tiến hành các cuộc khởi nghĩa thay vì cứ bướng bỉnh đòi hỏi sự hoàn hảo và đợi cho tới khi cơ hội đạt tới 100 phần trăm[11].”
Rốt cuộc, sự triển khai rộng lớn của các lực lượng quân sự Mỹ tại Việt Nam Cộng hòa bắt đầu vào mùa hè 1965 đã ngăn chặn mọi khả năng về tung ra cuộc tổng tiến công và nổi dậy, nhưng Lê Duẩn không bao giờ thực sự rời bỏ ước mơ của mình.
Vai trò của tướng Võ Nguyên Giáp trong cuộc chiến tranh chống Mỹ
Khoảng giữa những năm 1960, vị trí của tướng Võ Nguyên Giáp trong hệ thống thứ bậc chính trị và quân sự của cộng sản đã có thay đổi lớn, và vai trò của ông trong việc chỉ huy cuộc chiến tranh nói chung đã bị suy yếu. Mặc dù vẫn giữ các trọng trách như Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Việt Nam, bộ trưởng quốc phòng, và bí thư Quân ủy Trung ương, các quyết định chiến lược về cuộc chiến tranh ở miền Nam đã không còn chỉ duy nhất nằm trong tay của vị tướng nữa. Thay vào đó, những quyết định ấy được thực hiện bởi một tiểu ban đặc biệt gồm năm người của Bộ Chính trị, trong đó Võ Nguyên Giáp chỉ là một thành viên[12]. Một sĩ quan cao cấp của quân đội Việt Nam, từng nhiều năm phục vụ trong Bộ Tổng Tham mưu của Quân đội Nhân dân Việt Nam và là tác giả một cuốn sách xuất bản gần đây về vị tướng với tư cách tư lệnh quân sự viết như sau về thẩm quyền ra quyết định của ông trong “cuộc chiến tranh chống Mỹ”: “Ngoài việc tham gia các thảo luận và quyết định của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, và Quân ủy Trung ương ở các bước riêng biệt ở cấp chiến lược chung, sự dẫn dắt và chỉ huy đối với các tư lệnh ngoài chiến trường ở tướng Võ Nguyên Giáp không ở mức độ trực tiếp như đã từng như vậy trong cuộc kháng chiến chín năm [chiến tranh chống Pháp][13].”
Trong một lần phỏng vấn tại Hà Nội, vẫn vị sĩ quan này công nhận rằng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, không giống như trong cuộc chiến tranh chống Pháp, đã xảy ra nhiều bất đồng bên trong Bộ Chính trị về chiến lược và chiến thuật. Vị sĩ quan nói rằng tướng Võ Nguyên Giáp đứng về bên thua cuộc trong rất nhiều cuộc tranh cãi ấy, nhưng “để giữ toàn cục” ông vẫn đi theo đa số sau khi không được ủng hộ[14].
Bản chất chính xác của những tranh cãi bên trong Bộ Chính trị – các thành viên Bộ Chính trị thuộc về phái nào, vân vân – từng là chủ đề tìm hiểu của vô số tác giả trong nhiều năm. Giờ đây một số sử gia xếp Lê Duẩn và các “quân nhân miền Nam” hay các “tư lệnh miền Nam” về một bên và nhân tố “lãnh đạo miền Bắc”, với Võ Nguyên Giáp là một trong các nhân tố chỉ huy, ở phe bên kia[15]. Tôi tin rằng đây là một sự đơn giản hóa quá mức bởi vì rất rõ rằng những bất đồng chỉ là về phương tiện chứ không phải về mục đích. Bất kỳ ai có liên quan cũng chia sẻ cùng một mục tiêu cuối cùng, đó là “giải phóng” miền Nam và thống nhất Bắc-Nam thành một quốc gia Việt Nam duy nhất nằm dưới sự cầm quyền của Đảng Cộng sản. Nhưng điều này không làm cho các bất đồng trở nên kém gay gắt hơn.
Nguồn gốc xung đột Lê Duẩn-Võ Nguyên Giáp rất mù mờ, nhưng có khả năng là đã bắt đầu ngay từ hồi cuối những năm 1950. Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Trường Chinh bị mất chức lãnh đạo đảng vào tháng Mười năm 1956 vì những “sai lầm” trong khi tiến hành chương trình cải cách ruộng đất thảm khốc, có vẻ như tướng Võ Nguyên Giáp là ứng cử viên một cách tự nhiên ở cương vị lãnh đạo đảng[16]. Tuy nhiên, mặc dù Võ Nguyên Giáp từng một thời là trợ lý thân cận của Hồ Chí Minh trong việc điều hành đảng, ông đã nhanh chóng đánh mất vai trò lãnh đạo của mình vào tay Lê Duẩn. Tháng Tư năm 1957, Lê Duẩn được gọi ra miền Bắc khi đang ở cương vị lãnh đạo của bộ máy cộng sản hoạt động ngầm ở Việt Nam Cộng hòa. Tháng Mười hai cùng năm, Lê Duẩn chính thức giữ chức lãnh đạo đảng khi được bầu vào Ban Bí thư tại Hội nghị lần thứ mười ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng[17].
Một phần nguyên nhân của sự gay gắt trong cuộc đối đầu trong hàng ngũ lãnh đạo giữa Lê Duẩn và Võ Nguyên Giáp có thể tìm thấy ở vai trò của Võ Nguyên Giáp trong việc lên dự thảo cho Nghị quyết hội nghị lần thứ mười lăm của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, tài liệu rốt cuộc cũng cho phép sử dụng “đấu tranh vũ trang” ở miền Nam và khiến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có trách nhiệm hỗ trợ nhằm “giải phóng” miền Nam. Đầu năm 1957, trước khi Lê Duẩn được gọi từ miền Nam ra, Hồ Chí Minh đã giao cho Võ Nguyên Giáp nhiệm vụ lên dự thảo nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương về chiến lược của đảng trong cuộc cách mạng ở miền Nam.
Hoàng Tùng, một lý thuyết gia và nhà tuyên truyền thuộc hàng lãnh đạo của đảng, một trong hai người được chỉ định giúp tướng Võ Nguyên Giáp lên dự thảo nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương, cho rằng vị tướng đã nhanh chóng nhất trí với ý tưởng về sử dụng “bạo lực cách mạng” nhằm “giải phóng” miền Nam. Tuy nhiên, Hoàng Tùng công nhận Võ Nguyên Giáp cũng là một người biện hộ nhiệt thành cho một giải pháp “hòa bình” đối với tình hình Việt Nam Cộng hòa. Theo Hoàng Tùng, bản dự thảo nghị quyết đã có rất nhiều sửa chữa và liên tục bị trì hoãn. Bản dự thảo cuối cùng của tướng Võ Nguyên Giáp chỉ được gửi cho Lê Duẩn khi nó đã được hoàn thành vào cuối năm 1958. Hoàng Tùng cho biết khi đó Lê Duẩn đã ngồi lại cùng hai người trợ tá viết bản nghị quyết (nhưng không phải là với tướng Võ Nguyên Giáp) nhằm thêm vào nhiều điểm và thực hiện nhiều thay đổi đối với bản dự thảo cuối cùng của vị tướng trước khi trình lên Trung ương Đảng để thông qua vào đầu năm 1959[18].
Những trì hoãn liên tiếp và sự coi thường mà dường như Võ Nguyên Giáp thể hiện đối với những lời kêu gọi của Lê Duẩn nhằm hành động ngay lập tức để hỗ trợ cách mạng miền Nam hẳn đã làm Lê Duẩn phật ý. Sự giận dữ của ông lại càng tăng thêm bởi việc ông bị buộc phải thân chinh trả lời các chất vấn lặp đi lặp lại về các vấn đề liên quan tới nghị quyết từ hai phái viên thuộc bộ phận đảng ở miền Nam. Các phái viên này được cử ra Hà Nội vào mùa hè năm 1957 với mục đích thúc giục Lê Duẩn và giới lãnh đạo đảng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong việc hỗ trợ và tham gia cuộc “cách mạng” tại miền Nam. Hai người đó, Phan Văn Đáng và Phạm Văn Xô, phải chờ đợi, bị giam lỏng trong một nhà thờ ở Hà Nội, trong suốt mười tám tháng trong khi Võ Nguyên Giáp và các trợ tá của ông bàn thảo về câu từ của bản dự thảo nghị quyết. Lê Duẩn gặp hai phái viên miền Nam mỗi tháng một lần, và lần nào ông cũng phải thông báo với họ rằng “bản dự thảo nghị quyết vẫn chưa xong[19].” Tình huống này chắc hẳn đã đóng một vai trò quan yếu trong việc làm cho mối quan hệ giữa tướng Võ Nguyên Giáp và Lê Duẩn xấu đi.
(còn tiếp)
Nguồn: Journal of Vietnamese Studies, Volume 3, Number 2, Summer 2008
Bản tiếng Việt © 2010 talawas
[1] Stanley Karnow, tướng Phillip Davidson, và một người viết tiểu sử Võ Nguyên Giáp cho rằng tướng Võ Nguyên Giáp là đạo diễn của cuộc Tấn công Tết. Xem Karnow, Vietnam: A History (New York: Penguin Books, 1987), 548-549; Davidson, Vietnam at War: The History 1946-1975 (New York: Oxford University Press, 1988), 441-446; và Peter Macdonald, Giap: The Victor in Vietnam (New York: W.W. Norton & Company, 1993), 262-263. Những người khác viết tiểu sử Võ Nguyên Giáp lại nhận định tướng Nguyễn Chí Thanh là người đầu tiên đưa ra kế hoạch Tấn công Tết, lúc đầu tướng Võ Nguyên Giáp phản đối ý tưởng này nhưng đã đồng ý khi Bộ Chính trị bỏ phiếu thông qua kế hoạch. Xem Cecil B. Currey, Victory at Any Cost: The Genius of Vietnam’s Gen. Vo Nguyen Giap (Virginia: Potomac Books, 2005), 261-265; và A. J. Langguth, Our Vietnam: The War 1954-1975 (New York: Simon & Schuster, 2000), 439-440. Lien Hang T. Nguyen viết về các tranh cãi về ý hệ trong “The War Politburo: North Vietnam’s Diplomatic and Political Road to the Tết Offensive,” Journal of Vietnamese Studies 1, số 1-2 (2006): 4-58. Sophie Quinn-Judge cũng có cùng chủ đề trong “The Ideological Debate in the DRV and the Significance of the Anti-Party Affair, 1967-1968,” Cold War History 5, số 4 (11/2006): 479-500. Tiến trình phát triển của kế hoạch Tấn công Tết Mậu Thân cũng tiếp tục là chủ đề trao đổi và tranh luận của các sử gia Việt Nam. Xem đại tá Hồ Kháng, “Mục tiêu chiến lược của đòn Tết Mậu Thân 1968,” Nhân Dân, 21/1/2008, www.nhandan.com.vn/tinbai/?top=37&sub=130&article=114233 (truy cập 21/1/2008); và đại tá Trần Trọng Trung, phần đầu của bài báo “Kế hoạch tổng tiến công chiến lược xuân 1968 ra đời như thế nào?”, Quân Đội Nhân Dân, 9/1/2008, www.qdnd.vn/qdnd/baongay.quocphongnghethuatquansu.27876.qdnd (truy cập 17/1/2008).
[2] “Nghị quyết của hội nghị lần thứ chín, Ban Chấp hành Trung ương Đảng”, in trong Văn kiện đảng toàn tập, Tập 24, 1963, bs. Trần Tình (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 2003), 822. Cũng xem “The
Political Bureau’s Resolution on South Vietnam, November 1963,” bản dịch một tài liệu Việt Cộng do quân lực Mỹ thu được vào 29/4/1969, số hiệu 2320109002, bộ sưu tập Douglas Pike, Unit 6, Virtual Archive, The Vietnam Center and Archive, Texas Tech University, www.virtualarchive.vietnam.ttu.edu/
starweb/virtual/vva/servlet.starweb?path=virtual/vva/virtual.web. Rõ ràng nghị quyết Bộ Chính trị này là tiền thân của Nghị quyết 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
[3] Trần Tình, bs., Văn kiện đảng 1963, 839.
[4] Sđd., 840.
[5] Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Victory in Vietnam: The Official History of the People’s Army of Vietnam, 1954-1975 (Lawrence: University Press of Kansas, 2002), 137-138.
[6] Hồ Sơn Đài và Trần Phán Chấn, Lịch sử Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định kháng chiến (1945-1975) (TP. Hồ Chí Minh, 1994), 391, 393.
[7] Lê Duẩn, Thư vào Nam (Hà Nội: Sự Thật, 1986), 79.
[8] Sđd., 88.
[9] Sđd., 90-91.
[10] Sđd., 95.
[11] Sđd., 115.
[12] Cục Tác chiến thuộc Bộ Tổng Tham mưu, Lịch sử cục tác chiến 1945-2000 (Hà Nội: Quân Đội Nhân Dân, 2005), www.quansuvn.net/index.php?topic=82.105 (truy cập 20/12/2007). Theo phần 7 của cuốn sách này (www.quansuvn.net/index.php?topic=82.90), các thành viên của tiểu ban Bộ Chính trị trong khoảng giữa những năm 1960 là Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, và Phạm Hùng (tiếp theo sự bổ nhiệm tướng Nguyễn Chí Thanh vào tổng hành dinh Trung ương Cục miền Nam ở miền Nam).
[13] Đại tá Trần Trọng Trung, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 2006), 34 (tác giả nhấn mạnh).
[14] Đại tá Trần Trọng Trung, phỏng vấn với tác giả, 19/6/2007, Hà Nội.
[15] Để có một phân tích tuyệt vời về xung đột bên trong Bộ Chính trị, xem Nguyễn, “The War Politburo”.
[16] William J. Duiker, Ho Chi Minh: A Life (New York: Hyperion, 2000), 484-485.
[17] Sđd., 503.
[18] Hoàng Tùng, “Nghị quyết T.Ư. về giải phóng miền Nam ra đời thế nào?”, Tien Phong Online, 29/4/2007, www.tienphongonline.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=82719&ChannelID=2 (truy cập 4/5/2007).
[19] Trịnh Nhu, bs., Lịch sử biên niên xứ ủy Nam Bộ và Trung ương cục miền Nam (1954-1975) (Hà Nội: Chính Trị Quốc Gia, 2002), 140.
Hiển thị các bài đăng có nhãn Merle L. Pribbenow II – Tướng Võ Nguyên Giáp và tiến trình bí ẩn của kế hoạch tấn công Tết Mậu Thân (1968): phần 1. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Merle L. Pribbenow II – Tướng Võ Nguyên Giáp và tiến trình bí ẩn của kế hoạch tấn công Tết Mậu Thân (1968): phần 1. Hiển thị tất cả bài đăng
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)