Hiển thị các bài đăng có nhãn Bồ tát. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bồ tát. Hiển thị tất cả bài đăng

14/5/10

Bồ tát

Bồ tát

Như chúng ta đã biết, Bồ tát là người khát khao và nỗ lực đạt đến giác ngộ để làm lợi lạc cho tất cả chúng sinh. Bồ đề tâm (Bồ đề: giác ngộ. Bồ đề tâm: tâm hướng đến giác ngộ), tâm của người Bồ tát cũng có ý nghĩa như vậy. Trên con đường đạt đến giác ngộ viên mãn, người Bồ tát vừa tự lợi, nghĩa là tích tập phước đức và trí tuệ cho mình, vừa lợi tha, nghĩa là giúp đỡ người khác giải thoát khỏi khổ đau và đạt đến giác ngộ như mình.

Ở đây chúng ta sẽ nói một số điều về tinh thần Bồ tát mà chúng ta dễ dàng tìm thấy trong đời sống hàng ngày. Để dễ hiểu và khỏi lầm lẫn, chúng ta quy ước rằng chữ người Bồ tát sử dụng trong bài này là để chỉ người có phát Bồ đề tâm, hoặc có thọ giới Bồ tát, hoặc đang đi theo con đường Bồ tát (Bồ tát hạnh)… còn chữ Bồ tát là để chỉ vị đã bước vào Thập địa của Bồ tát, còn những vị đã hoàn tất con đường ấy như Quán Thế Âm, Địa Tạng thì đúng ra gọi là Đại Bồ tát, nhưng chúng ta vẫn dùng chữ Bồ tát như vẫn thường nói, cho gọn.
Sự khám phá lòng Bi
Dù sự thực hành Phật pháp có thể do những nguyên do nào (muốn tìm chân lý cuộc đời, một thất bại, một khổ đau, vì lòng vị tha…) thì con đường Phật giáo cũng thực sự bắt đầu và cuối cùng chấm dứt bằng trí tuệ. Con đường trí tuệ (trí tuệ soi thấy tánh Không) là cái chung cho cả ba thừa, mà theo Đức Đạt Lai Lạt Ma là Tiểu thừa, Đại thừa và Kim Cương thừa (xem The world of Tibetan Buddhism). Chúng ta có thể nói thêm, Kim Cương thừa là Đại thừa, nhưng nhấn mạnh hơn đến Phương tiện thiện xảo, những phương pháp và những ứng dụng các định luật của thế giới vật lý và tâm lý để đưa đến giải thoát cho chính mình và để giúp đỡ những người khác. Cả ba thừa trên đều nhắm đến tánh Không, như kinh Đại Bát Nha nói trong phẩm Khuyến học.
Đối với người thực hành Bồ tát đạo (Đại thừa), ngoài trí tuệ thấy biết tánh Không (cái này sẽ đưa đến giải thoát cho cá nhân mình), người ấy còn phải nuôi dưỡng lòng bi mỗi ngày một lớn, để cuối cùng trí tuệ toàn giác và đại bi hợp nhất trọn vẹn ở cấp bậc Phật. Sự hợp nhất trọn vẹn này được các vị thầy ngày xưa so sánh với mặt trời (trí tuệ) và sức tỏa chiếu của nó (đại bi): không thể có mặt trời mà không có sức tỏa chiếu của nó và cũng không thể có sự tỏa chiếu mạnh mẽ nhất ngoài mặt trời.
Ở đây chúng ta nhấn mạnh đến lòng bi, tính cách đặc trưng làm nên tinh thần Bồ tát, khiến người Bồ tát phát Bồ đề tâm, làm động lực cho người Bồ tát đi trên con đường Bồ tát (Bồ tát hạnh). Lòng bi ấy không phải chấm dứt bằng sự giải thoát cá nhân của chúng ta, bằng kiếp sống cuối cùng của chúng ta, “Đây là kiếp cuối cùng, sinh đã tận, phạm hạnh đã thành…”, mà lòng bi ấy vượt qua khỏi sự giải thoát cá nhân, vượt qua khỏi kiếp sống cuối cùng trong luân hồi sinh tử. Như trong bài nguyện cuối cùng của kinh Hoa Nghiêm, Bồ tát Phổ Hiền nói:
Cho đến hư không, thế giới tận
Chúng sinh, nghiệp và phiền não tận
Dù bốn pháp ấy rộng vô biên
Nguyện này mãi mãi hằng vô tận.
(Phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện)
Vậy thì lòng bi thật sự là gì? Có phải nó là một cảm xúc thường tình khi nhìn thấy cảnh khổ đau của những người khác? Cảm xúc ấy dù thực, nhưng chưa đủ để trụ lại thành một thực thể ngày càng tăng trưởng làm động lực cho người đi trên con đường Bồ tát. Lòng bi thật sự là khi người Bồ tát nhìn thấy ra chân lý về Khổ (Khổ đế, chân lý thứ nhất trong bốn chân lý). Chân lý ấy không chỉ áp dụng cho riêng mình mà cho tất cả mọi người, mọi loài.
Chỉ cần nhìn cuộc sống chung quanh. Có biết bao người có khi để cả cuộc đời mình tìm kiếm những giá trị tạm thời của đời sống thế gian mà còn không thể được, nói gì đến những giá trị vĩnh cửu của đời sống siêu vượt thế gian. Có rất nhiều người đầu tắt mặt tối, suốt ngày lo cho cuộc mưu sinh đến độ chẳng hề suy nghĩ lại thân phận của chính mình, phản tư trên tình trạng bấp bênh của cuộc đời mình, thời gian thì cứ trôi qua không cưỡng lại được, có nghĩa là mỗi phút giây mình đang tiến gần đến cái chết. Có rất nhiều người không hề biết đến tình trạng khốn khổ của mình (như trong nhà lửa) và không biết có con đường đưa ta thoát khỏi tình trạng đó (Phật đạo). Rồi dù có biết, có lo, nhưng không có thì giờ rỗi rảnh để thực sự lo cho chính mình, nghĩa là thực hành Phật pháp. Chưa kể là có những người vì lo cho miếng ăn, nhà ở mà vì không biết nên tạo ra việc xấu (nghiệp xấu) cho mình, nói gì đến chuyện tiến bộ (thay vì sa đọa) trên con đường tiến hóa. Chỉ nói riêng loài người chứ chưa nói đến các loài khác, và chỉ nhắc đến hai điều: 1/ Biết được Phật pháp và 2/ Có một cuộc đời có thì giờ rảnh rỗi (đây là hai điều trong 18 điều được gọi là “tự do và thuận lợi”, nghĩa là những phước đức của cuộc sống làm người, theo kinh điển Phật giáo), chúng ta cũng thấy là nhiều người khổ biết bao nhiêu, khổ hơn nữa là khổ mà chẳng tiến hóa gì cả, chẳng ích lợi gì cả, chẳng có được kết quả tinh thần nào cả.
Khi nhìn thấy mọi người, dù nam hay nữ, da trắng hay da đen, da vàng hay da đỏ, giàu hay nghèo, làm một nghề nghiệp trong sáng hay làm một nghề nghiệp xã hội coi khinh, dù đang sống trong quyền lực hay tiền bạc hay danh vọng lớn lao… tất cả đều đang đi tìm, đang níu giữ, đang khuyếch trương cho sự vô thường, khổ, không, vô ngã của họ, lúc đó lòng bi phát khởi. Sở dĩ nói “vô thường, không” vì chúng ta đang không nắm được cái gì, vì nếu thật sự nắm được cái gì, chúng ta đã không đi tìm kiếm tiếp tục. Có ai ra khỏi đời này mà không “với hai bàn tay trắng”.
Người Bồ tát quan sát kỹ càng thì nhìn thấy tất cả chúng sanh, không trừ một ai, một loại chúng sinh nào, từ những cõi thấp cho đến cõi người và những cõi cao hơn là những cõi trời, tất cả chúng sinh trong ba cõi (dục giới, sắc giới và vô sắc giới) đều chịu ít nhất là một trong ba loại khổ:
- Khổ cụ thể, tác động lên thân tâm (khổ khổ): đau đớn nơi thân thể, đau buồn nơi tâm thức.
- Khổ do biến dịch (hoại khổ) mọi sự vật và mọi trạng thái tâm lý đều biến đổi, vô thường, đưa đến hoại diệt.
- Cái khổ của năm uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) nhiễm ô và sinh diệt trong từng khoảnh khắc (hành khổ). Năm uẩn này tạo thành thân tâm bất cứ loài nào. Ba cõi sở dĩ có là do năm uẩn tạo thành, nên cái khổ này có mặt ở khắp vũ trụ. Năm uẩn bị nhiễm ô là khổ, vì chúng sinh diệt trong từng khoảnh khắc, nghĩa là chúng không thể trụ lại cho chúng sinh nắm bắt, giữ gìn. Như thế chúng gây ra sự mất mát thường trực và vĩnh viễn cho tất cả mọi thời gian, mọi không gian, mọi thân tâm, dù ở tình trạng vi tế như ở các cõi trời. Những cõi trời tương ứng với những cấp bậc định cao nhất trong Tứ thiền Bát định vẫn nằm trong cái khổ nhiễm ô và sinh diệt này. Thế nên, kinh thường nói: “Ba cõi chẳng yên. Giống như nhà lửa”.
Soi chiếu kỹ càng, người Bồ tát thấy tất cả chúng sinh đều đang ở trong biển lửa của ba loại khổ này, đang bị ba loại khổ này thiêu đốt. Đáng thương hơn, vì vô minh (không biết) tất cả chúng sinh vẫn đang nỗ lực tạo thêm sự nhiễm ô cho năm uẩn, nghĩa là đang tưới thêm nhiên liệu cho biển lửa để thiêu đốt cả mình và người. Lòng bi từ đó nảy sinh, không phải cho riêng một loài nào, mà cho tất cả mọi loài.
Từ sự thực hành pháp để vượt qua đau khổ của mình, người Bồ tát nhận ra sự đau khổ của người khác. Lòng bi thật sự phát khởi khi trí tuệ bắt đầu hoạt động. Chúng ta sẽ thương xót cho tất cả mọi loài, dù cao hay thấp, nếu không biết, họ vẫn đang đuổi theo để nắm bắt sự vô thường, có nghĩa là đi tìm và xây dựng cho cái chết của “chính họ và những gì của họ”. Nói theo phạm trù kinh điển, chúng ta thương xót khi tất cả mọi người đều mê lầm, khổ vui và chết vì mê lầm đó: vô thường mà cho là thường, khổ mà cho là vui, vô ngã mà cho là có ngã, bất tịnh mà cho là thanh tịnh. Có nhiều lời dạy từ kinh điển: như con nai khát nước chạy theo những dợn sóng nắng trên sa mạc mà tưởng là dòng sông, như những đứa trẻ ham những đồ chơi nên ở mãi trong căn nhà lửa cháy mà không chịu ra, như những hoa đốm giữa hư không mà cứ suốt đời nhọc công nắm bắt, như ngồi chờ hoa đốm giữa hư không có ngày hết thành quả… Nếu nhờ thực hành trí tuệ mà chúng ta thấy rõ, thấy cụ thể những thí dụ trên, chúng ta sẽ cảm thấy chẳng khôi hài chút nào, mà từ trong lòng dâng lên một niềm thương xót, một lòng bi. Từ lòng bi đích thực, người Bồ tát phát Bồ đề tâm: “Bồ tát ấy thấy các chúng sinh không có chủ, không có người thân, không ai cứu giúp, không ai độ được cho họ đến bờ bên kia (giải thoát). Bồ tát liền vì các chúng sinh ấy mà sinh lòng từ bi, bèn nói rằng: Tôi sẽ làm người cứu giúp cho các chúng sinh bơ vơ trong sinh tử này. Vì nguyên nhân ấy mà Bồ tát phát tâm Vô thượng bồ đề (Bồ đề tâm)”.
Kinh Đại Bửu Tích, Pháp Hội Đại thừa Phật pháp thứ 9.
Trên con đường thực hành, con đường tự tịnh hóa chính mình, mỗi chúng ta đều thấy sự yếu đuối, trì trệ của thân tâm mình. Con đường thì có rất nhiều gian khổ, khó khăn, thách thức, bế tắc, thụt lùi, nghĩa là mặc dù đích đến thì vinh quang vô lượng, nhưng khó khăn trắc trở cũng vô vàn. Trông mình lại nghĩ đến người (cũng là một yếu tố trong tinh thần Bồ tát). Ta có nhiều thuận lợi hơn họ, thậm chí nhiều khả năng hơn họ, nhiều ước nguyện hơn họ, nhiều phương tiện hơn họ mà ta còn đi khó khăn đến thế này, còn họ thì sao? Nếu ta không đi trước, làm trước, không khai phá con đường trước cho họ thì làm sao họ có thể thực hiện nổi chuyện này? “Nếu ta không làm việc ấy thì có ai khác” “Vì tất cả chúng sinh lang thang trong vòng sinh tử, tôi sẽ là thượng thủ… nhẫn đến là người y chỉ của Nhất Thiết chủng trí”. Nay tôi vì chúng sinh mà tu hành. Đơn độc phát tâm chẳng cầu bè bạn. Tôi phải làm cho… Tôi phải làm cho…” phẩm Thập Địa. Con đường Bồ tát là con đường hành động. Hành động cho chính mình đồng thời hành động vì người khác. Điều này đem lại an vui. Do đó đây là con đường của an vui.
Khi thấy nếu ta không băng qua biển lớn sinh tử này thì làm sao có thể giúp đỡ họ, khi rất nhiều người, nhiều loài yếu hơn ta? Ở đây lòng bi tạo nên hạnh bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ, sáu Ba la mật của Bồ tát.
Lòng bi có giúp đỡ gì cho trí tuệ? Lòng bi có thể thực hành chung với trí tuệ không? Trước sự thấy rõ khổ đau của những người khác; quả khổ đau lúc này vì nhân trước đã chín, và khổ đau mai sau vì do không biết nên hiện giờ đang gieo nhân xấu, một lòng bi không thể chịu đựng nổi (cho chính mình) khởi lên. Chính lòng bi không thể chịu đựng nổi đối với cái tôi nhỏ hẹp chỉ biết lo cho chính mình đã làm rạn nứt cái tôi ấy, khiến chúng ta không còn có thể trụ lại trong một cái tôi nữa. Chính lòng bi bao la này mở cửa cho một cái tôi đóng kín trong một ngục tù nhỏ hẹp để bước ra, đến với thế giới bên ngoài gồm vô số cái tôi khác đang khổ đau. Lòng bi đưa đến vô ngã, nghĩa là đưa đến trí tuệ (thấy vô ngã, thấy tánh Không).
Với một người thực hành hay hành giả, người ta có thể thực tập pháp Tong Len vốn xuất phát từ Ấn Độ và hiện giờ thịnh hành trong Phật giáo Tây Tạng. Tong Len là trao cho và nhận lại, hay chuyển đổi mình với người. Trao cho người khác lòng từ bi và nhận lại những khổ đau của họ. Hành động trao cho này giống như “hồi hướng”, chẳng hạn hồi hướng công đức. Trao cho người khác những cái tốt đẹp cao cả trong tâm và nhận lại những phiền não, khổ đau của họ. Chúng ta có thể xem chi tiết trong nhiều sách Phật giáo Tây Tạng hiện giờ, chẳng hạn A flash of Lightning in the dark of night, Bồ tát hạnh của Shantideva do Dalai Lama giảng giải; Essence of the Heart Sutra, Dalai Lama, phần Phát Bồ đề tâm; The words of my Perfect Teacher, phần II chương 2. Tong Len dựa trên hai cột trụ của Đại thừa: để có thể nhận lấy, phải thấy năm uẩn là vô tự tánh, là tánh Không (Trí tuệ) và để có thể cho đi, phải có lòng bi (Đại bi).
Ở mức độ thật sự trực tiếp thấy tánh Không, Bồ tát nhờ trí tuệ thấy tất cả “như hoa đốm giữa hư không”, “như mộng huyễn”, “như bóng trong gương, như điện chớp” mà vẫn không từ bỏ đại bi cứu giúp chúng sinh. Do đó như kinh Kim Cương nói: “Người phát tâm Bồ đề nên sanh tâm như vầy: Ta phải cứu độ tất cả chúng sinh, mà dù có cứu độ tất của chúng sinh rồi, cũng không có thật một chúng sinh nào được cứu độ”.
Rốt ráo, trí tuệ và đại bi là một, không thể tách lìa, như bài kệ Bồ tát Đại Huệ tán thán Phật mở đầu kinh Lăng Già:
Thế gian lìa sinh diệt
Giống như hoa trong không
Trí chẳng đắc có, không
Mà hưng tâm đại bi.
Tất cả pháp như huyễn
Xa lìa khỏi tâm thức
Trí chẳng đắc có, không
Mà hưng tâm đại bi.
Xa lìa thấy đoạn, thường
Thế gian hằng như mộng
Trí chẳng đắc có, không
Mà hưng tâm đại bi.
Biết nhân pháp vô ngã
Không phiền não, sở tri
Thường thanh tịnh vô tướng
Mà hưng tâm đại bi.
Tất cả không Niết bàn
Không Niết bàn của Phật
Không có Phật Niết bàn
Xa lìa giác, sở giác
Hoặc có hoặc không có
Là tất cả đều lìa.
Quán Mâu Ni tịch tĩnh
Đó là xa lìa sanh
Cũng là không nắm giữ
Đời này đời sau tịnh.
Lòng bi hành động, đảm đương
Những người mẫn cảm như những nhà nghệ thuật, những nhà cách mạng… họ dễ dàng thấy khổ đau của người khác và họ cũng dễ dàng chuyển từ lòng thương xót qua hành động. Nhưng lòng thương xót đó chưa đủ sâu nặng và chưa đủ trí tuệ để gọi là đại bi. Sự khổ đau của người khác, của chúng sinh với họ chưa đủ sức thấu cảm nên họ vẫn thấy là cái gì ở bên ngoài mình.
Ở đây chúng ta trích một câu rất đẹp của Holoderlin (1770-1843), thi sĩ lớn của Đức, cũng là một nhà tư tưởng lớn của Tây phương. Mặc dù theo thiển ý câu nói này chưa đủ hành động, chưa đủ trực tiếp, dấn thân và trách nhiệm bằng tư tưởng Đông phương: "Một cách công nhiên, tôi hiến tim mình cho mặt đất trầm trọng và đau thương, và thường thường trong đêm thiêng liêng tôi hứa sẽ trung thành yêu dấu đất cho đến chết, yêu không sợ hãi, cùng với khối định mệnh nặng nề của đất, và như thế tôi đã kết hợp mình với đất, trong một liên lạc phù du” (Bùi Giáng dịch).
Với lòng bi nồng nhiệt và sâu thẳm, người Bồ tát thấy khổ đau của người khác ở bên trong ho, là của chính họ. Ngoài và trong là một: khổ đau của tôi và khổ đau của người khác là một. Năm uẩn của tôi là môi trường cho khổ đau, và mọi người đều là năm uẩn, mọi người đều là môi trường cho khổ đau. Vì tất cả chúng ta đều là năm uẩn, nên chúng ta đồng nhất trong khổ đau. Khổ đau thể hiện nơi anh cũng ít nhất là đã thể hiện nơi tôi, và cũng có thể sẽ thể hiện nơi tôi. Vì khổ đau là đồng nhất nơi tất cả chúng ta, nên chúng ta có thể tiến đến cái gọi là đồng thể đại bi.
Người Bồ tát không phải thấy nhân quả nghiệp báo của người khác ở ngoài mình, mình chỉ là kẻ đứng ngoài chứng kiến, có trách nhiệm thì cũng là một trách nhiệm của kẻ ở ngoài. Người Bồ tát không nói, nhân quả nghiệp báo là của các anh, mà nói, nhân quả nghiệp báo ấy là của tôi. Chính sự đảm đương này mà có "sự chịu khổ thay cho chúng sinh”, như nhiều kinh Đại thừa đã nói (chẳng hạn phẩm Thập Địa).
Khi thấy mọi chúng sinh đã, đang và sẽ khổ đau, mà hơn nữa khổ đau ấy lại do vì họ không biết, không thấy được sự thật là gì nên khổ đau ấy là do họ tự tạo ra và sẽ còn tiếp tục tạo. Thấy được sự khổ đau (Khổ đế), những nguyên nhân gây ra khổ đau (Tập đế), biết được trạng thái khi khổ đau đã diệt như thế nào, trạng thái lành bệnh là như thế nào (Diệt đế) và cách thức, phương pháp tận diệt những nguyên nhân của khổ đau (Đạo đế), thấy được Bốn chân lý ấy không phải cho riêng mình mà cho mọi người khác. Chính cái hiểu biết này khiến lòng bi chân thật phát sinh.
Bồ tát có thể vẫn còn một ít bệnh (bệnh khổ đau, năm uẩn nhiễm ô) hoặc đã hoàn toàn hết bệnh, nhưng chắc hẳn phải từng bị bệnh, nên có thể chia sẻ kinh nghiệm khổ đau với những người khác. Bồ tát hẳn phải thấy rất rõ mọi người đang bệnh. Và Bồ tát không thể chịu đựng được sự việc này, không thể chịu đựng được khi thấy tất cả chúng sinh đang bị bệnh khổ hành hạ, từ trong phần tâm thức sâu xa nhất ra đến bên ngoài. Ở trong lòng bi sâu xa rộng lớn, người Bồ tát nói như Bồ tát Duy Ma Cật: "Vì chúng sinh bệnh nên tôi bệnh”.
Căn bệnh của chúng sinh, cũng như căn bệnh của người Bồ tát đang bớt dần hoặc hết khổ - đều do không thấy biết đúng nên sống trong năm uẩn bị nhiễm ô và nếu tiếp tục thấy biết sai thì vẫn làm chúng nhiễm ô thêm trong từng giây phút một. Căn bệnh của sinh tử chính là năm uẩn nhiễm ô. Căn bệnh chính là năm uẩn, người Bồ tát thấy rõ như vậy. Nhưng để có thể trực tiếp giúp chúng sinh chữa bệnh, người Bồ tát phải trực tiếp có mặt với chúng sinh, nghĩa là phải chấp nhận hiện hữu trong năm uẩn, hiện hữu trong căn bệnh - dù có bị nhiễm ô ít hay hoàn toàn không nhiễm ô. Chịu nhận lấy năm uẩn, nguồn gốc của mọi thứ bệnh khổ đau, đó là “cái bệnh” của người Bồ tát. “Vì chúng sinh bệnh”, căn bệnh này là năm uẩn, và vì người Bồ tát chịu chấp nhận năm uẩn, chịu nhận lấy bệnh năm uẩn, để có mặt ở đời mà chữa trị cho chúng sinh, cho nên “tôi bệnh”.
Đây là một sự kham nhẫn, một nhẫn nhục rốt ráo (nhẫn nhục Ba la mật, một trong sáu sự hoàn thiện của Bồ tát). Cái năm uẩn này thì mong manh, phản trắc, dụ dỗ, nguy hiểm, có thể gây ra bệnh bất cứ lúc nào, nên cuộc đời người Bồ tát như đi trên lưỡi dao cạo, nghĩa là đi giữa Sắc thân năm uẩn là môi trường của nhiễm ô và Pháp thân hằng giải thoát.
Kham nhẫn hay nhẫn nhục không chỉ là con đường đi mà còn là đích đến của người Bồ tát. Đó là một sự nhẫn nhục rốt ráo, tối hậu, vô sanh pháp nhẫn, cái nhẫn thấy tất cả đều không sanh, do đó mà có thể vừa giải thoát vừa có thể ở lại trong cõi Ta bà này (Ta bà có nghĩa là kham nhẫn).
Chúng sinh có thể bỏ Bồ tát, nhưng Bồ tát không thể bỏ chúng sinh. Chúng sinh có thể khinh thường, thậm chí phỉ báng Bồ tát, nhưng Bồ tát không thể coi thường và trách móc chúng sinh. Đây là nhẫn nhục Ba la mật. Lòng bi nhẫn nhục vì tất cả chúng sinh đều có Phật tánh. Trước những người chọc ghẹo, đánh đập, chưởi mắng mình, Bồ tát Thường Bất Khinh trong kinh Pháp Hoa vẫn nói “Tôi không dám khinh thường các người, bởi vì các người sẽ thành Phật”.
Lòng bi không phải bàng quan, đứng ngoài, mà lòng bi là dấn thân, nhập cuộc, thật sự chia sẻ, đó là lòng bi hành động và đảm đương. Đảm đương thế gian sinh tử, tức là đảm đương căn bệnh của thế gian. Chính từ một trí tuệ và lòng bi “năng động, trách nhiệm và dấn thân” như vậy mà ngài A Nan phát ra lời nguyện chúng ta vẫn tụng mỗi sáng:
Nguyện nay đắc quả thành Bảo Vương
Về độ như thế hằng sa chúng
(Nguyện đem tất cả thâm tâm này
Phụng sự cõi nước nhiều như bụi
Thế mới gọi là báo Phật ân
Cúi xin Thế Tôn chứng minh cho
Đời ác năm trược thề vào trước
Còn một chúng sinh chưa thành Phật
Rốt chẳng nơi kia nhận Niết bàn…)
ới lòng bi đích thực của Phật giáo - nghĩa là lòng bi của Bồ tát đã vào địa - thì lòng bi ấy phối hợp nhuần nhuyễn với trí tuệ mà thành vô ngã (chứ không phải là “đại bi ái kiến”, như được nói trong kinh Duy Ma Cật), vô ngại (như Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni) và vô biên… Chính vì những tính chất vô ngã, vô ngại, vô biên… mà lòng bi mặc dù đảm đương thế gian sinh tử mà vẫn không ô nhiễm bởi thế gian sinh tử.
Ở trên nói sự đảm đương của Bồ tát về mặt lòng bi. Ở đây chúng ta sẽ nói sự đảm đương về mặt trí tuệ: Như trên đã nói, người Bồ tát nguyện đảm đương chúng sinh trong sinh tử. Nhưng lấy cái gì để đảm đương chúng sinh trong sinh tử? Tuy đã phát nguyện Bồ đề tâm, nhưng nguyện ấy được phát trên một thân tâm năm uẩn tương đối, nên Bồ đề tâm ấy vẫn là Bồ đề tâm tương đối. Người Bồ tát phải đạt đến cái gọi là Bồ đề tâm tuyệt đối, tức là Pháp thân, tánh Không, Phật tánh, Như Lai Tạng… Nhờ đạt đến Pháp thân không sinh không diệt, không dơ không sạch, không tăng không giảm này mà có thể dùng cái ấy để đảm đương cho thân tâm tương đối và hữu hạn của chính mình (Sắc thân hay Hóa thân) và thân tâm tương đối và hữu hạn của những chúng sinh khác trong sinh tử. Do đạt được từng phần Pháp thân mà có mười địa và sự đạt được từng địa này Thiên Thai tông gọi là Tùy phần chứng (chứng từng phần Pháp thân) so với chứng toàn bộ Pháp thân của Phật gọi là Cứu cánh chứng. Nếu không đạt đến Pháp thân, dù chỉ từng phần, thì không có cơ sở nào để đảm đương sinh tử. Chỉ có Pháp thân xa lìa hẳn sinh tử mới có thể đảm đương sinh tử, chỉ có tánh Không tuyệt đối và vô hạn mới có thể đảm đương năm uẩn tương đối và hữu hạn. Cũng nhờ Pháp thân, hay tánh Không, hay Như Lai Tạng này mà tuy ở trong sinh tử nhưng không bị sinh tử làm ô nhiễm. Pháp thân hay tánh Không thì không ô nhiễm, như hư không dù có mây hay mưa, sấm hay gió tạm thời đều không làm hư không biến chất, thôi là hư không. Cũng nhờ đạt được từng phần Pháp thân tánh Không này mà tuy đảm đương chúng sinh sinh tử luân hồi nhưng biết “các pháp như huyễn, như mộng, như bóng, như vang, như biến hóa, như trăng trong nước, như bóng trong gương…” (phẩm Thập Địa). Do đó đảm đương mà chẳng đảm đương gì cả và bởi vì chẳng đảm đương gì cả cho nên có thể đảm đương tới vô tận, tới lúc sinh tử luân hồi của tất cả chúng sinh chấm dứt.
Ở thế gian, ở đời mà vẫn giải thoát, dấn thân hành động mà không nhiễm ô, đây là tính chất Đại thừa của Phật giáo Việt Nam:
Ở đời làm thân người
Tâm là Như Lai Tạng
Sáng chiếu khắp mười phương
Tìm nó lại không bóng.
Thiền sư Thường Chiếu (?-1203)
Hoặc như Thiền sư Ngộ Ấn (1019-1088):
Diệu tánh hư không chẳng thể cầm
Hư không tâm ngộ, khó gì đâu
Ngọc trên núi cháy màu thường thắm
Sen nở trong lò mãi vẫn tươi.
Chính sự phối hợp của hai cột trụ của con đường Bồ tát, trí tuệ (cha) và đại bi (mẹ) mà sinh ra Phương tiện thiện xảo, là cái để ứng dụng vào việc đời, vào thế gian sinh tử để ở trong thế gian mà làm lợi lạc cho chúng sinh.
Học không bất chứng
Như lời nguyện của ngài A Nan ở trên, Bồ tát nếu “Còn một chúng sinh chưa thành Phật. Rốt chẳng nơi kia nhận Niết bàn”. Việc không sớm và thậm chí có thể nói vĩnh viễn không nhập Niết bàn là một đặc tính tinh thần vĩ đại của Bồ tát.
Theo những kinh điển Đại thừa, như kinh Hoa Nghiêm và Đại Bát Nhã, Bồ tát đến địa thứ bảy và thứ tám, tương đương với một vị A la hán, có thể “nhập diệt định bất cứ lúc nào”. Về mặt giải thoát, Bồ tát địa thứ tám tương đương với một A la hán, nghĩa là có khả năng dứt bỏ hẳn sinh tử luân hồi để vào Niết bàn an vui vắng lặng. Nhưng vì lời nguyện độ sinh phát xuất từ đại bi, với Bồ tát, Niết bàn là một triển hạn, thậm chí là một triển hạn vĩnh viễn. Bồ tát sẽ không chịu dừng lại và ra đi ở địa thứ tám mà còn tiến lên nữa, còn độ sinh rộng lớn và sâu sắc hơn nữa, thành Đại Bồ tát (địa chín, địa mười), thành Phật. Thực hành vẫn là thực hành Không, Vô tướng, Vô tác (hay Vô nguyện), là những tính chất của Niết bàn vô sinh, nhưng vẫn “tránh né”, không thực sự buông bỏ đại nguyện để chứng nhập Niết bàn. Điều này được kinh Đại Bát Nhã gọi là Học Không Bất Chứng. Học không bất chứng là đầu đề của một chương (phẩm thứ 60) của kinh Đại Bát Nhã.
"Này Tu Bồ Đề! Cũng vậy Đại Bồ tát ở trong tất cả chúng sinh với tâm từ bi hỷ xả tràn đầy cùng khắp, khi ấy đại Bồ tát an trụ trong bốn tâm vô lượng, đầy đủ sáu Ba la mật, chẳng chứng lấy quả Vô lậu (Niết bàn), học Nhất thiết chủng trí, nhập ba môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô tác. Bấy giờ Bồ tát chẳng theo tất cả tướng cũng chẳng chứng vô tướng tam muội (đại định vô tướng). Vì chẳng chứng tam muội vô tướng nên chẳng sa vào các bậc Thanh văn và Bích Chi Phật.
Này Tu Bồ Đề! Ví như chim có đủ cánh bay lượn trong hư không chẳng bị rơi rớt, dù chim ở trong hư không mà cũng chẳng an trụ hư không”.
Hai cánh chim đó, một cánh là Trí tuệ, một cánh là Đại bi. Chúng ta có thể thấy rằng từ địa thứ nhất vào dòng Thánh, Hoan Hỷ địa, tương đương với vị Thánh Nhập Lưu (Tu đà hoàn), Bồ tát không chỉ thực hành Không, Vô tướng, Vô tác, mà còn phát khởi tâm đại bi rộng lớn, đại nguyện rộng lớn (mà kinh Hoa Nghiêm gọi là biển đại nguyện), còn thực hành những pháp môn phương tiện rộng lớn. Như lời nguyện chúng ta thường tụng: Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ. Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Chính vì rất nhiều những thực hành “Pháp môn vô lượng” này mà đến địa thứ năm Nan Thắng địa (địa khó chinh phục: the Stage Difficult to Conquer - Thomas Cleary dịch), Bồ tát có thể bắt đầu hòa nhập Niết bàn với sinh tử, tánh Không với sắc thọ tưởng hành thức của cuộc sống thế gian. Đây là sự bắt đầu hòa nhập giữa chân lý tuyệt đối (Tánh Không, Niết bàn) với chân lý quy ước hay tương đối (năm uẩn, sinh tử). Như Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Sắc (vật chất) chẳng khác Không, Không chẳng khác sắc. Sắc tức là Không, Không tức là sắc. Thọ tưởng hành thức lại cũng như vậy”.
Đến địa thứ tám, tuy đã đạt đến tánh Không rốt ráo (tức là Niết bàn) nhưng Bồ tát do đã sửa soạn chuẩn bị từ đầu con đường, có thể “từ chối” Niết bàn tánh Không, để tiếp tục con đường độ sinh và thành Phật. Chính từ đây mà ý nghĩa không bỏ sinh tử, không bỏ chúng sinh đã được thực hiện trọn vẹn: vấn đề có một hay nhiều Hóa thân (Sắc thân) ở trong thế gian, vấn đề tái sinh vì thệ nguyện thanh tịnh tiếp tục độ chúng sinh không là khó hiểu, nan giải hay bất khả.
Học không bất chứng là Bồ tát ở địa thứ tám đã đạt đến sự / tánh bất động trọn vẹn (nên còn gọi là Bất Động địa), nhưng không tự giải tan mình vào cái Niết bàn bất động ấy, mà vẫn hoạt động trong sắc, thọ, tưởng, hành, thức, dù thâm tâm bên trong thì vẫn bất động. Do đó, đối với Đại thừa, đây là Niết bàn vô trụ xứ của hàng Bồ tát và Phật.
Con đường Đại thừa không phải là từ bỏ, hủy diệt và thoát khỏi, mà là thấy được thực tánh của sinh tử đáng sợ (như thấy lầm sợi dây ra con rắn) chính là Niết bàn (thực ra là sợi dây). Đó là con đường của sự chuyển hóa, của sự tịnh hóa, của sự chuyển thức thành trí. Thay vì từ bỏ, hủy diệt và thoát khỏi năm uẩn, thì Đại thừa thấy bản tánh của năm uẩn là tánh Không, tức là Niết bàn, tức là Như Lai Tạng. Kinh Lăng Nghiêm nói là chuyển toàn bộ vũ trụ (năm uẩn, sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới, bảy đại) về Như Lai Tạng. Nói theo Kim Cương thừa hay Mật thừa, Bồ tát chuyển hóa hay tịnh hóa sắc thành bản tánh của nó tức là Phật Vairochana (Tỳ Lô Giá Na), thọ thành bản tánh của nó là Phật Ratnasambhava (Bảo Sanh), tưởng thành Phật Amitabha (A Di Đà), hành thành Phật Amoghasiddhi (Bất Không Thành Tựu) và thức thành Phật Akshobya (A Súc). Cũng nói theo Kim Cương thừa hay Mật thừa, đối với bốn đại, địa đại được đưa về bản tánh của nó là Phật Ratnasambhava, thủy đại trở về Phật Akshobya, hỏa đại trở về Amitabha, phong đại trở về bản tánh của nó là Phật Amoghasiddhi.
Như thế Bồ tát thành tựu được điều mà kinh điển Đại thừa thường nói: Sinh tử tức Niết bàn. Và Niết bàn này là vô trụ xứ Niết bàn, tức là Pháp giới của chư Bồ tát và chư Phật.
Con đường Bồ tát hạnh là con đường vinh quang nhất nhưng cũng vô cùng khó khăn nhất. Chỉ một hạnh hy sinh do lòng bi là đã thấy vĩ đại. “Phật đích thân công nhận rằng nó là một công trình tối đại gian nan, một công trình tuyệt đối phi phàm. Kinh Bát Nhã Bát Thiên tụng nói: "Bấy giờ Phật nói với Tu Bồ Đề: Đúng thế, đúng thế! Đấy thực là khó khăn; đấy thực là vô cùng khó khăn. Đại Bồ tát tu tập tánh Không, trụ trong tánh Không, đạt không tam muội nhưng không thủ chứng Thật Tế (tánh Không, Niết bàn). Tại sao? Bởi vì Bồ tát phát đại nguyện tối thắng không rời bỏ chúng sinh; nguyện dẫn chúng sinh đến cứu cánh. Sau khi phát những đại nguyện đó, Bồ tát bước vào các Tam muội giải thoát môn, là Không, Vô tướng và Vô nguyện. Nhưng bấy giờ Bồ tát không lấy đó mà thủ chứng Thật Tế, vì Bồ tát được trang bị đầy đủ bằng Phương tiện xảo. Được hộ trì bởi Phương tiện thiện xảo, Bồ tát biết rõ lúc nào nên thủ chứng Thật Tế, trước khi đầy đủ hết thảy Phật pháp. Bồ tát quyết tâm không thọ hưởng kết quả thực hành tánh Không của mình cho đến khi hết thảy chúng sinh thoát khỏi ràng buộc và thống khổ”. (Thiền Luận, Triết học và tôn giáo trong Bát Nhã, DT Suzuki, Tuệ Sĩ dịch).
Chúng ta thường thấy trong sách và luận của Nam tông câu nói nổi tiếng: “Có khổ đau nhưng không có người khổ đau” (Thanh Tịnh Đạo Luận của Buddhaghosa, Đức Phật và Phật pháp của Narada…). Người Bồ tát cũng thực hành như vậy, nghĩa là để thoát khỏi mọi khổ đau của mình phải thực hành vô ngã, tánh Không nhưng đến một lúc nào trên con đường Bồ tát, trong mười địa, khi đã gần như không còn khổ đau, khi đã thanh toán được gốc rễ của khổ đau, khi sự giải thoát của chính mình căn bản đã đạt được, Bồ tát lại vì lòng bi mà nhìn trở lại những chúng sinh. Sự nhìn lại do lòng bi khiến Bồ tát nghĩ rằng: “Tôi không khổ nữa, nhưng tôi không chịu nổi khi người khác đang khổ; tôi không còn vết thương nữa, nhưng tôi không thể cho những người khác vẫn mang vết thương”. Nói theo cách của Bồ tát Duy Ma Cật ở trên: “Tôi không có khổ đau nhưng có người khác khổ đau. Tôi không bệnh nhưng có người khác bệnh”.
Thế nên, khi đã thực hiện được “Có khổ đau nhưng không có người khổ đau”, Bồ tát lại tiến thêm nữa, “Không có khổ đau nhưng có người khổ đau”. Vì tất cả là vô ngã và vô sanh, nên trong thực tế, không có khổ đau ở đâu cả (chân lý tuyệt đối, tối hậu: tánh Không). Bồ tát chấp nhận chân lý tuyệt đối ấy cho chính mình, nhưng không chấp nhận chân lý ấy cho tất cả những người khác, yếu đuối hơn, mê mờ hơn. Bồ tát thấy rằng trong chân lý tuyệt đối không hề có sự khổ đau ở đâu cả, khi vui khổ được mất tất cả đều vô sanh, nhưng khi nhìn chúng sinh Bồ tát thấy rằng chúng sinh vẫn ở trong chân lý tương đối và trong chân lý tương đối ấy vẫn có sự khổ đau nơi mỗi con người. Và Bồ tát không từ bỏ chân lý tương đối ấy, nghĩa là không từ bỏ chúng sinh và sinh tử.
Cho nên, ở cấp độ cao, Bồ tát thấy rằng “Không có sự khổ đau (chỉ có Niết bàn), nhưng có người khổ đau (vẫn có sinh tử cho chúng sinh)”. Do đó chúng ta thấy với trí tuệ chúng ta có chân lý tuyệt đối và tối hậu là tánh Không, và đại bi lại hoạt động trong chân lý tương đối và quy ước là sinh tử.
Tạm kết
Ở trên chúng ta đã nói qua về chỉ ba điều trong ý nguyện và đường hướng của Bồ tát (Bồ đề tâm nguyện). Còn công việc của Bồ tát (Bồ đề tâm hạnh) thì chưa được nói đến. Nhưng qua đó chúng ta có thể thấy rằng sức mạnh và sự trụ thế lâu dài của Phật giáo nhờ rất nhiều vào con đường Bồ tát (Bồ tát đạo). Sức mạnh và sự tự do của Bồ tát nhờ có đủ cả hai cánh trí tuệ và đại bi như đã nói ở trên.
Con đường Bồ tát là con đường vĩnh cửu, với những ý nghĩa vĩnh cửu, những phẩm tính vĩnh cửu, những công việc vĩnh cửu và những an vui vĩnh cửu. Đó là con đường Phật giáo Việt Nam đã từng khởi đầu cách đây gần 2.000 năm và đã không ít lần đưa đất nước đến những đỉnh cao. Chẳng hạn, những vị vua đầu đời Trần, Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông đều là những người sống bằng tinh thần Bồ tát, nghĩa là cuộc đời họ là Bồ tát hạnh. Bước vào thiên niên kỷ thứ ba, có lẽ con đường ấy vẫn đang khởi đầu cho một thời đại mới, thời đại Đông phương và Tây phương hoàn toàn tiếp xúc và trao đổi với nhau, thời đại toàn cầu hóa.
Và như vậy con đường Bồ tát lại có một khởi đầu mới.
Mãi mãi khởi đầu.

Nguyễn Thế Đăng


Source : Báo Giác Ngộ