Cập nhật: 14:01 GMT - thứ
tư, 17 tháng 4, 2013
Đền Hùng thờ Quốc Tổ, nơi linh thiêng bậc nhất
của người dân Việt Nam, từng bị người phương Bắc đặt một ‘đạo bùa
yểm’ chôn dưới nền đất, một quan chức coi giữ khu đền này khẳng định
với báo chí trong nước.
Thông tin này chỉ được tiết lộ sau khi có áp lực từ dư luận đòi
giải thích về một phiến đá bí ẩn đặt một cách có chủ đích ngay
tại điện thờ của đền Thượng, đền chính trong quần thể Đền Hùng tại
huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.Ông Nguyễn Tiến Khôi, người trước đây là quản lý cao nhất ở đền Hùng và là người nắm rõ nhất về phiến đá bí ẩn này, giải thích rằng đó thật ra là một đạo bùa để trấn lại bùa yểm của người phương Bắc.
Bị yểm 600 năm
Phương Bắc tìm cách yểm bùa nước Nam?
Giáo sư sử học Lê Văn Lan giải thích có hay không
việc người phương Bắc yểm bùa trên nước Việt.
Bạn cần mở JavaScript lên và cài phần mềm Flash
Player mới nhất để nghe/xem.
Nói trên trang mạng của tờ Tiền Phong và báo mạng Đất Việt, ông Khôi cho biết trong đợt tu sửa đền hồi năm 2009, các công nhân đã phát hiện ‘một viên gạch lạ có in chữ Hán’ lúc tháo dỡ toàn bộ bệ thờ trên đền Thượng.
Viên gạch lạ này đã được ông Khôi gửi sang cho ông Nguyễn Minh Thông, vốn là đại tá quân đội và hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng phương Đông, để nhờ nghiên cứu.
Trong báo cáo giải trình của ông Thông cho lãnh đạo tỉnh Phú Thọ được báo Tiền Phong dẫn lại thì trung tâm của ông ‘đã hội thảo nhiều lần’ với ‘một số nhà khoa học, chuyên gia ngoại cảm’ và đi đến kết luận rằng viên gạch là ‘do đạo sỹ của quân Nguyên Mông đem đến đặt từ cuối thời Trần’, tức là tính cho đến nay là hơn 600 năm.
"Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật, Nhà nước và nhân dân. Việc này (đặt đá trấn yểm) đã được các lãnh đạo trung ương, tỉnh đều chứng kiến và biết."
Nguyễn Tiến Khôi, cựu giám đốc Ban quản lý đền
Hùng
Trên viên gạch có ghi dòng chữ Hán ‘Đánh đổ đức sáng Vua Hùng’ và hiện tại vẫn còn được lưu giữ tại Bảo tàng đền Hùng, Đất Việt dẫn lời ông Khôi cho biết.
Do đó, để hóa giải, ông Thông đã đề xuất lên Ủy ban tỉnh Phú Thọ và Bộ Văn hóa tìm một đạo bùa khác để trấn yểm. Đề xuất này, theo ông Khôi, đã được những vị có chức trách đồng ý và ông Thông đã lên kế hoạch thực hiện.
Đạo bùa trấn yểm đó chính là phiến đá đặt trên bệ bát quái trong đền Thượng vốn đã gây xôn xao dư luận trong nhiều ngày qua. Công chúng không hề biết nguyên do cũng như ý nghĩa của phiến đá này nên dẫn đến tâm lý e ngại.
Ý nghĩa gì?
Phiến đá được chọn là do giám đốc một công ty đá quý ở Hà Nội có tên là Nguyễn Đình Khảm cung tiến. Đây là viên đá xanh ‘có nhiều năng lượng tốt lành, có khả năng hóa giải hung khí và tiếp nhận năng lượng của tinh tú trời đất’.
Mặt trước vẽ trận đồ bát quái của danh tướng Trần Hưng Đạo dựa trên tác phẩm ‘Binh thư yếu lược’của ông và chòm sao Bắc Đẩu. Trên mặt trận đồ là câu thần chú Phật giáo Mật tông.
Mặt sau của đạo bùa này là ấn vuông của Vua Hùng đóng ở trên và lá bùa giải bách họa vẽ ở phía dưới.
Ông Thông giải thích rằng linh khí của Đức Phật kết hợp với linh khí của Đức Thánh Trần sẽ ‘hóa giải được’ đạo bùa yểm của người phương Bắc và sẽ giúp cho vận nước được hưng thịnh.
Ông Nguyễn Tiến Khôi được Đất Việt dẫn lời nói ông cam đoan ‘viên đá đang rất linh ứng và hiệu nghiệm’.
“Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật, Nhà nước và nhân dân,” ông nói và cho biết việc này đã được ‘các lãnh đạo trung ương, tỉnh đều chứng kiến và biết’.
Ký ức dân gian
"Đã có nhiều dấn ấn trong tâm lý dân gian qua các đời rằng người Tàu hay sang đây làm các thứ tệ hại như yểm bùa, triệt long mạch và đập phá những thứ có giá trị tâm linh của người Việt."
Nhà sử học Lê Văn Lan
Chính sử không hề đề cập đến việc này nhưng trong ngoại sử và sách địa lý thì có chép, ông Lan nói.
“Đã có nhiều dấn ấn trong tâm lý dân gian qua các đời rằng người Tàu hay sang đây làm các thứ tệ hại như yểm bùa, triệt long mạch và đập phá những thứ có giá trị tâm linh của người Việt,” ông giải thích.
“Tôi đã đi điền dã và sưu tầm nhặt nhạnh được nhiều lời kể dân gian không chỉ tập trung vào Cao Biền (quan đô hộ đời Đường) mà còn cả các đời khác rằng các thầy địa lý người Tàu đi vào đây (nước Nam) bán thuốc đeo quang gánh, đội nón lá rộng vành,” ông nói.
“Họ đi đến đâu thường hay xem đất, tìm đất... sau đó chôn bùa hoặc đào đất để phá long mạch.”
Cho nên ông Lan cho rằng phiến đá trấn yểm đặt trong đền Thượng ‘nên được di dời ra khỏi đền’ vì ‘đấy là thứ mới tạo chứ không phải có từ trước’.
Tiến sỹ Ngô Đức Thịnh, ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, cũng có cùng ý kiến với ông Lan về cách xử lý đối với phiến đá.
“Đó là một hiện vật không nguyên gốc,” ông nói với BBC, “Cầu may thì cũng được thôi nhưng không thể đưa vào một cách tùy tiện.”
“Quan điểm của tôi là nếu như chưa biết rõ hòn đá này là gì và không gắn với đền thờ Vua Hùng thì tốt nhất là nên đưa ra ngoài,” ông nói.
Hiện Ban quản lý đền Hùng đang tính đến sau ngày Quốc giỗ mùng 10/3 Âm lịch sẽ tổ chức hội thảo khoa học để các chuyên gia và các nhà khoa học bàn luận rõ ràng về vấn đề này.
Tuy nhiên, TS Thịnh cho rằng ‘lĩnh vực tâm linh rất mơ hồ khó mà đem ra một hội thảo khoa học’.
Source : BBC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét