Hiển thị các bài đăng có nhãn Phút Nói Thật Với Nhà Thơ Du Tử Lê. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phút Nói Thật Với Nhà Thơ Du Tử Lê. Hiển thị tất cả bài đăng

11/1/10

Phút Nói Thật Với Nhà Thơ Du Tử Lê

Phút Nói Thật Với Nhà Thơ Du Tử Lê

PHAN TẤN HẢI Thứ Bảy, Ngày 17 tháng 1-2009

Lời dẫn: Nền văn học hải ngoại đang chứng kiến một nhà thơ Du Tử Lê: "khác hẳn. Trái ngược hẳn..." như lời ông tự nhận và qua những gì ông nói, viết cảm nhận và xử thế. Nhân dịp Hội Ung Thư Việt Mỹ ở miền nam California, thực hiện chương trình "Kỷ niệm 50 năm thơ Du Tử Lê," vào lúc 4 giờ chiều ngày Chủ Nhật 23 tháng 12 -2007, tại hí viện La Mirada;chúng tôi có một cuộc nói chuyện thân mật, cởi mở với nhà thơ Du Tử Lê; nhằm gửi tới bạn đọc những điều ông chưa nói, hoặc từng nói mà không hết; như một ghi dấu đậm nét, vào thời điểm đáng kể này.

Trước khi kính mời bạn đọc bước vào cuộc phỏng vấn, chúng tôi xin ghi rất sơ lược vài nét tác giả:

Nhà thơ Du Tử Lê sinh năm 1942, tại Hà Nam; nguyên sĩ quan QL/VNCH. Ông đã xuất bản 47 tác phẩm; một nửa là thơ. Ông có thơ được một số đại học tại Hoa Kỳ và Âu Châu chọn để giảng dậy. Người ta cũng thấy thơ của ông được in trong một số sách, báo xuất bản tại Mỹ và Pháp. Tác giả hiện cư ngụ tại miền nam California.

Trân trọng.


Phan Tấn Hải (PTH): Ðể mở đầu cuộc nói chuyện của chúng ta, tôi đề nghị ta nên bắt đầu bằng sự kiện trước mắt. Ðó là chương trình "Kỷ niệm 50 năm thơ Du Tử Lê," chủ nhật tuần này, tại rạp La Mirada. Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi là, xin ông cho biết qua nội dung của chương trình. Và, có đặc điểm nào khác hơn những chương trình ca nhạc khác?

Du Tử Lê (DTL): Thưa ông, trước nhất, như tôi biết thì, Hội Ung Thư Việt Mỹ (Hội UTVM) đã mời một số nghệ sĩ như Trần Thu Hà, Ngọc Hạ, Bích Vân, Như An, Vương Lan, Bích Liên, Tuấn Ngọc, Anh Dũng, Lê Hồng Quang, Phạm Hà, Vĩnh Lạc, Thomas Ngô, ban hợp ca Ngàn Khơi... tham dự chương trình. Kế đến, tôi cũng được biết, chương trình có hai phần. Phần một, là phần các ca nhạc sĩ trình diễn một số ca khúc quen thuộc, phổ từ thơ của tôi. Phần hai, gồm một số ca khúc ngoại quốc cũng quen thuộc, rất trong sáng, đầy hy vọng nhân mùa lễ Giáng Sinh.

Ở phần một, ngoài diễn giả duy nhất, là kỹ sư Nguyễn Ngọc Bảo, người mới được thính giả và độc giả đài Little Saigon Radio & tuần báo Việt Tide, bầu chọn để trao giải "Sóng Vàng / 2007" ở Houston, Texas, nói về tác giả và tác phẩm; thì một video clip ngắn, chỉ khoảng 13 tới 14 phút thôi, nhưng ghi lại được hình ảnh cũng như tiếng nói của khá nhiều văn nghệ sĩ, phát biểu về tôi - - Như cố nhà văn Mai Thảo, tài tử Kiều Chinh, nhà thơ Tô Thùy Yên, Ðỗ Quý Toàn, nhà báo Trọng Kim, nhạc sĩ Từ Công Phụng, Ðăng Khánh... Theo tôi, đây là một công trình, một tư liệu đáng kể.


PTH: Liệu có một vài tương quan nào giữa Hội UTVM và, 50 năm thơ Du Tử Lê chăng?

DTL: Theo tôi thì có, thưa ông. Thứ nhất, tương quan tập thể. Tương quan huyết thống giữa chúng ta, những người Việt tỵ nạn. Thứ nhì, tôi cũng là một bệnh nhân ung thư. Tôi bị ung thư ruột già, cách đây gần 2 năm.


PTH: Thưa ông, không kể phần chữa trị, thì những bệnh nhân ung thư như ông, cần điều gì nhất?

DTL: Sự nâng đỡ tinh thần từ người thân, bằng hữu, những người cùng cảnh ngộ và luôn cả những người may mắn, không bị ung thư.


PTH: Sau khi thoát hiểm, ông có những cảm nghĩ gì về đời sống, văn chương, cụ thể là thi ca?

DTL: Tôi thấy hạnh phúc thay, sung sướng thay, những người khỏe mạnh. Chưa bao giờ tôi cảm nhận một cách rõ ràng, mạnh mẽ về giá trị của sức khỏe. Nó ở trên hết tất cả mọi thứ, như sự nghiệp, tiền tài, danh vọng...


PTH: Phải ông muốn nói, ông không còn làm thơ hay quan tâm tới thơ nữa?

DTL: Thưa không hẳn là vậy. Tuy nhiên, thơ của tôi đã khác trước. Tôi vẫn còn làm thơ, vẫn suy nghĩ về thơ, nhưng ít thôi.


PTH: Xin ông nói rõ hơn sự "khác trước" trong thơ của ông hôm nay?

DTL: Hẳn ông còn nhớ, qua những cuốn sách tôi gửi tặng ông thì, những năm gần đây, tôi có nhiều tập thơ mang tính thiền mà, tôi gọi là "thơ thiền tính."

Khi một tác giả làm những bài thơ mang tính thiền, thì, cách gì ông ta cũng vẫn còn bị chi phối, ám ảnh bởi những suy nghĩ về thiền. Nhưng khi ông ta đã chạm mặt, đã được thần chết ôm gọn trong tay, lúc thoát được, thì ông ta không còn suy nghĩ về thiền và không thiền nữa. Mà đó là lúc ông ta chỉ còn thấy duy nhất một điều, sự kỳ diệu của mỗi phút được sống. Ðược thở. Ðược thấy bình minh và hoàng hôn. Ðược thấy bóng tối và ánh sáng. Ðược thấy hạt mưa và hạt nắng. Thấy người thân. Thấy bằng hữu... Thậm chí ông ta cũng cảm nhận được niềm an lành, thanh thản khi chợt nhớ tới những người thù, ghét mình. Thậm chí, cả những kẻ từng nguyền rủa, lăng mạ, chụp mũ mình...

Nói gọn một câu là ông ta... Sống, (chữ sống viết hoa) chứ không còn nghĩ về sự sống.


PTH: Tôi hiểu ông muốn nói gì, nhưng tôi vẫn xin ông nói thêm về sự đổi khác trong thơ của ông hiện tại.

DTL: Thưa ông, hầu như tất cả những bài thơ tôi viết trong, cũng như sau thời gian nằm bệnh viện, thì thiên nhiên đã chiếm giữ phần quan trọng. Sự chết, hay thần chết cũng xuất hiện trong thơ tôi, một cách thân ái, "bằng hữu" hơn. Ông ta (thần chết,) không còn là kẻ thù, không mang khuôn mặt rùng rợn, ghê tởm, gớm ghiếc nữa. Tôi nghĩ là tôi đã có thể nói chuyện với "ổng" một cách ung dung, tự tại hơn.


PTH: Những đổi thay cội rễ này, có dẫn tới những đổi thay lớn lao về chủ trương cách tân và, quan niệm niệm thẩm mỹ của ông về thi ca không, thưa ông?

DTL: Trong câu hỏi của ông, có hai phần. Phần cách tân và, phần thẩm mỹ quan. Ðây là một câu hỏi khá khó khăn cho tôi. Thứ nhất, cả hai lãnh vực đều cực kỳ phức tạp và, bao la. Nó liên hệ đến nhiều khía cạnh, khách quan cũng như chủ quan. Dù cho ông đã đã thu hẹp vấn đề vào phạm trù thi ca.

Về lãnh vực cách tân, tôi vẫn còn thao thức, băn khoăn, tìm kiếm. Nhưng không nhiều như trước đây. Tôi muốn nói tới thời gian tôi đã đưa ra một loạt thử nghiệm... Từ chủ tâm ngắt lại nhịp đi của thể thơ lục bát, tới những chủ tâm hình thành một thứ văn phạm mới qua cách sử dụng tối đa tất cả mọi dấu phết, dấu chấm, dùng một lần nhiều loại dấu khác nhau... Tôi cũng dùng dấu slash (/) có từ máy điện toán, để báo thị cho người đọc biết, họ có thể hoán chuyển một chữ hay một cụm từ trong hai dấu slash tới một vị trí nào khác, trong câu thơ hoặc câu văn... tôi cũng cố tình dùng những danh từ cụ thể đi với những bổ túc từ trừu tượng hoặc ngược lại để đem lại cho câu thơ hoặc văn của tôi, một dung mạo, một sắc mầu khác...

Tuy tự nhận là kẻ lót đường, nhưng, thú thực với ông, đôi lúc tôi cũng cảm thấy nản chí, khi nhận được những khích bác một cách kém văn hóa của đôi ba người. Ông có biết rằng cách đây trên dưới mười năm, tôi từng bị một người, dường như cũng có viết văn làm thơ ở Louisiana, gửi thư cho một tờ báo ở đây, bảo tôi là một kẻ vô học, hay học chưa hết bậc tiểu học vì không biết sử dụng dấu... phết! Ông ta dẫn chứng một nhan đề tùy bút có 7 chữ mà, tôi đã dùng tới hai dấu phết, in ngay nơi bìa sách...


PTH: Lại xin ngắt lời ông, sau đó, ông có lên tiếng giải thích?

DTL: Thưa ông không. Mặc dù, tờ báo đó, đã rất lịch sự, rất chuyên nghiệp, khi cho người thông báo với tôi về sự kiện họ nhận được lá thư với nội dung như thế.


PTH: Xin cho biết phản ứng hay cảm tưởng của ông khi nhận được thông báo đó?

DTL: Tôi có nói với người của tờ báo đó rằng, cho tôi được gửi lời cảm ơn. Xin cứ đăng tải nguyên văn, và phần tôi, tôi sẽ không lên tiếng, dù tờ báo sẵn sàng dành cơ hội cho tôi.


PTH: Ðâu là nguyên nhân sâu xa về chọn lựa thái độ im lặng của ông

DTL: Tôi im lặng vì tôi tự biết tại sao, nhằm mục đích gì tôi làm như vậy. Tôi im lặng còn vì biết chắc số người hiểu tại sao tôi làm như vậy, khá nhiều. Dù cho họ có hưởng ứng hay không thử nghiệm của tôi.


PTH: Xin ông trở lại phần còn lại của câu hỏi lúc nãy?

DTL: Vâng. Một cách tổng quát, tôi muốn so sánh cho dễ hiểu (dù so sánh có phần khập khiễng rằng,) thẩm-mỹ-quan văn chương cũng giống như thời trang. Nó thay đổi, nó biến thiên theo thời gian và, cả không gian nữa. Nhưng dù thời đại nào, giai đoạn nào, một quan niệm mới về thẩm mỹ văn chương (cũng như thời trang,) vẫn có một mẫu số chung, đó là sự chấp nhận của đa số hay của đám đông.

Tôi thí dụ, ngày xưa, khi chưa có mốt phụ nữ mặc áo ngắn, để hở rốn ra... Nếu người nào ăn mặc như vậy, sẽ bị đám đông nhìn ngó một cách dị hợm và, dư luận có thể lên án, chỉ trích. Nhưng hôm nay, mốt này hiện rất thịnh hành, không chỉ ở tây phương mà ngay tại các nước nặng tinh thần thủ cựu như Nhật Bản, Trung Hoa, Việt Nam...

Về phương diện thẩm mỹ văn chương hiện tại, tôi xin đưa một thí dụ cụ thể:

Tôi có cảm tưởng một số người cầm bút đang "thi đua" viết chuyện, làm thơ mô tả sinh hoạt tình dục như một cái máy ảnh, có sao chụp lại nguyên con như vậy. Có những chữ trước đây, khi phải dùng, nhà văn thường viết tắt. Nay, họ thẳng ra, từ bộ phận sinh dục của người nữ tới người nam. Ngay cả sự giao hợp giữa nam, nữ, họ cũng viết huỵch toẹt, chứ không còn viết tắt hay bóng gió, xa xôi gì hết (...)

Trước sự kiện đó, tôi không lên án, cũng không cổ võ. Tuy nhiên, theo suy nghĩ đơn giản của tôi, thì, thẩm mỹ quan trong văn chương nói chung, thi ca nói riêng, dù nhân danh điều gì (thí dụ cách tân, làm mới, thẩm mỹ quan...) thì nó cũng sẽ chỉ có ý nghĩa nếu được đám đông chấp nhận. Ngược lại, nó sẽ qua đi. Như rất nhiều trào lưu văn học, với những thẩm mỹ quan mới, đã qua đi.

Cụ thể, như phòng trào tiểu-thuyết-mới, xuất hiện ở Pháp vào khoảng đầu thập niên 50 và nó đã tàn lụi ngay, chưa tới 2 thập niên sau. Vậy mà, tới giờ này, tôi thấy, vẫn còn một số nhà văn Việt Nam, nhắc tới, theo đuổi với tinh thần... hãnh tiến bất ngờ!

Lại nữa, tới hôm nay, vẫn còn có người lập lại những câu hỏi của nhà văn Jean Paul Sartre đặt ra cách nay đã trên nửa thế kỷ. Những câu hỏi như: Viết cái gì, viết thế nào, viết cho ai(?)như những tiêu chí văn học và thẩm mỹ! Trong khi ở ngay nơi chốn sản sinh ra cái trào lưu văn chương đó, thì đã chẳng còn một ai nhắc, nhớ nữa!

Tóm lại, thưa ông, theo tôi, không có một tiêu chí hay tiêu chuẩn rõ rệt, dứt khoát nào dành cho lãnh vực thẩm mỹ quan trong văn chương. Nó tùy thuộc quan niệm, trình độ, cảm quan, cũng như tài năng hoặc mục đích theo đuổi của mỗi người cầm bút.


PTH: Vậy, đâu là quan niệm thẩm mỹ của cá nhân ông trong lãnh vực thi ca?

DTL: Thưa ông, tôi quan niệm rất đơn giản, rằng, cái đẹp nằm ở nơi, bạn có thật sự rung động, có thật sự tin tưởng vào hình thức hay, nội dung mà bạn đã chọn lựa để chuyển tải những cảm nhận, những trăn trở nơi đáy tầng tâm, thức của bạn tới người đọc? Ngoài ra, theo tôi, tất cả chỉ là trá ngụy.


PTH: Với tất cả những gì vừa trình bày, từ thất bại, tới thành tựu, từ vinh quang tới cay đắng, ngộ nhận, chụp mũ... từ Việt Nam ra tới hải ngoại, chúng tôi muốn hỏi, ông có ý định viết xuống, như một thứ suy nghiệm, kinh nghiệm văn chương, hoặc một loại giống như hồi ký?

DTL: Thưa ông, cho tới giờ phút này thì không. Mặc dù, trong quá khứ cũng như hiện tại, khá nhiều người muốn tôi viết hồi ký. Có người còn đề nghị trả trước cho tôi một khoản thù lao, để tôi có thể an tâm ngồi viết...


PTH: Ông có thể cho biết lý do? Sức khỏe? Ðụng chạm? Tạo thêm thù oán?

DTL: Không phải lý do sức khỏe. Cũng không hẳn là tôi e ngại sẽ gây thêm thù oán đâu, thưa ông. Như tôi đã nói lúc nãy rằng, kể từ khi biết mình được sống lại, tôi nhìn mọi chuyện khác hẳn. Trái ngược hẳn. Trong tôi gần như không còn lằn ranh quyết liệt giữa thù và bạn nữa. Có dễ tôi thấy cũng cần phải thú nhận với ông rằng, bản chất tôi là người "nuôi thù!" Tôi tự cho tôi là kẻ thù dai không thua bất cứ một người có tính thù dai nào khác. Tôi cũng tự biết, có thể tôi là người không có tài, nhưng khả năng đánh nhau trong trường văn trận bút, tôi nghĩ, tôi không thuộc loại... dở lắm... Nhưng, từ khi được tái sinh, tôi chợt ngộ ra một điều là: Ðời sống dù kéo dài bao năm, cũng vẫn quá ngăn ngủi, và do đó, quá vô nghĩa. Cho nên, tôi đã nhủ tôi, hãy cố gắng sống tử tế, với tinh thần biết ơn mọi người - - Tôi đang tập cho tôi, không chỉ biết ơn những gì mình hài lòng, mà, còn cần biết ơn luôn cả những gì mang đau khổ lại cho mình nữa. Tôi nhấn mạnh, tôi đang cố gắng. Cố gắng nhắc nhở, nhắn nhủ mình... từng ngày, thưa ông.

Do đấy,nếu viết hồi ký, tôi không thể không ghi lại, không viết xuống những hậu quả tệ hại do nạn bè phái, tính cục bộ, địa phương hay tinh thần lý trưởng, xã ấp của một số nhà văn trong sinh hoạt 20 năm văn học miền nam... Những người may mắn có trong tay quyền chọn đăng hoặc loại bỏ sáng tác của những cây bút mới. Chính cái mặc cảm hay tinh thần địa phương, cục bộ kia, đã là nguyên nhân làm cho chúng ta mất rất nhiều tài năng văn chương. Tôi muốn nói tới những cây bút đã không có người đỡ đầu, lại không đủ kiên nhẫn, tự tin... nên đã bỏ cuộc nửa chừng! Nếu viết ra, tôi không thể không ghi lại những sự kiện ấy.

Nói tới đây, tôi chợt nhớ câu nói, đại ý: "Nửa chiếc bánh, vẫn là chiếc bánh. Nhưng nửa sự thật, không phải là sự thật!" Tôi không biết ai là người đầu tiên, nói câu này. Nhưng tôi rất thấm thía, mỗi khi nhớ tới. Tôi thấm thía vì tôi nghĩ, người Việt Nam vẫn chưa quen chấp nhận sự thật! Ngay cả khi những cá nhân nhà văn A hay B nào đó, mà tôi đề cập tới, dù họ đã từ trần, thì nhân nhân, vợ con của họ, cũng sẽ khó lòng kham nhẫn.


PTH: Cảm ơn ông đã cho chúng tôi những giây phút nói thật, tôi ít thấy trong những cuộc trả lời phỏng vấn trước đây của ông.


Phan Tấn Hải,

(20-12-07)


Copyright © 2008 www.hopluu.net. All Rights Reserved.