Hiển thị các bài đăng có nhãn Xấu xa hơn cả bọn ăn thịt người. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Xấu xa hơn cả bọn ăn thịt người. Hiển thị tất cả bài đăng

29/7/10

Daniel Ellsberg- Xấu xa hơn cả bọn ăn thịt người

Xấu xa hơn cả bọn ăn thịt người
Harry Kreisler phỏng vấn Daniel Ellsberg



Nguyên tác:
Worse than Cannibals
Guernica, tháng 1-2010



Lời giới thiệu của người dịch: Trong một phần tư thế kỉ Mĩ can thiệp ở Việt Nam (1950-1975), nhất là trong những năm quân đội Hoa Kỳ trực tiếp tham gia chiến trận (1965-1973) với hơn 3 triệu binh lính, hàng triệu người Mĩ đã lên tiếng chống lại chính sách chiến tranh, bằng những hình thức và mức độ khác nhau. Họ là những trí thức, sinh viên, thanh niên, mục sư, linh mục, nghệ sĩ… Họ là những người có tên tuổi do sự nghiệp, chức vị, như Martin Luther King, Noam Chomsky, Benjamin Spock, Jane Fonda… hoặc là những người mà dư luận chỉ biết tên qua hành động chống chiến tranh dũng cảm như Angela Davis, hai linh mục anh em Daniel và Philip Berrigan (vào tù vì chống chiến tranh), Norman Morrison (tín đồ Quaker, tự thiêu trước Lầu năm góc)… Đằng sau họ, chung quanh họ là hàng triệu người “vô danh” đã “biểu tình ngồi”, “biểu tình đứng”, “biểu tình đi vòng quanh”, đốt thẻ quân dịch, chấp nhận án tù hay lưu đầy để không tham gia cuộc chiến tranh phi nghĩa.
Trong những con người ấy, Daniell Ellsberg giữ một vị trí đặc biệt. Anh thuộc thế hệ và loại người mà nhà báo Mĩ David Halberstam gọi là “ The Best and the Brightest ” (những con người ưu tú và xuất sắc nhất), những cá nhân giỏi giang được tuyển mộ vào chính quyền Mĩ, trở thành những cộng sự viên đắc lực nhất của tổng thống Hoa Kì. Sinh năm 1931, Daniel Ellsberg là một điển hình của mẫu người “văn võ toàn tài” kiểu Mĩ: tiến sĩ kinh tế học (Trường đại học Harvard, 1962), tốt nghiệp thủ khoa khoá đào tạo 1100 thiếu uý Thuỷ quân lục chiến (Marine Corps Basic School, Quantico, Virginia). Sau hai năm phục vụ trong quân chủng “sừng sỏ” này, Ellsberg vào làm “phân tích viên” của tập đoàn RAND. Từ đó cho đến mùa hè năm 1969, với tư cách là nhân viên của “think tank” này, hay với tư cách là viên chức của chính quyền, ở Lầu năm góc, Việt Nam hay Nhà Trắng, Ellsberg đã làm việc với những cánh tay mặt của các tổng thống (Kennedy, Johnson, Nixon) như Robert McNamara (bộ trưởng quốc phòng của Kennedy và Johnson), Edward Lansdale (CIA, cha đỡ đầu của chế độ Việt Nam cộng hoà), Henry Kissinger (cố vấn an ninh của Nixon).

Là một trong vài ba người đã được đọc toàn bộ 7000 trang tài liệu “mật” mang tên “Hồ sơ Lầu năm góc” (Pentagon Papers) và đã chứng kiến từ bên trong chính sách “nói một đàng làm một nẻo” ở Việt Nam của “5 đời tổng thống” (từ Harry Truman đến Richard Nixon), Ellsberg bắt đầu tham gia những cuộc biểu tình chống chiến tranh, gặp những người sẵn sàng vào tù để lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa và vô vọng. Cuối cùng là quyết định công bố Pentagon Papers, như ông kể lại trong cuộc phỏng vấn này.

Điều mà bài phỏng vấn không đề cập là những gì diễn ra trước và sau khi công bố. Xin nhắc lại vài mốc chính:

* trong suốt năm 1970, D. Ellsberg tìm cách thuyết phục những thượng nghị sĩ phản đối chiến tranh – như J. William Fulbright, chủ tịch Uỷ ban đối ngoại Thượng viện, George McGovern, người sẽ ra tranh cử với Nixon năm 1972 – hãy công bố Hồ sơ Lầu năm góc ngay tại hội trường Thượng viện, nhưng không người nào dám làm việc này.

* D. Ellsberg đành cung cấp bộ tài liệu mật cho kí giả Neil Sheehan: ngày chủ nhật 13.6.1971, báo The New York Times công bố phần đầu trong 9 phần trích đoạn 7000 trang hồ sơ. Toà án, theo yêu cầu của chính quyền Nixon, ra lệnh cho New York Times phải ngừng công bố. Ellsberg trao hồ sơ cho The Washington Post và 17 nhật báo khác trước khi “rút vào vòng bí mật” vì, tuy The New York Times không tiết lộ danh tính, ông tin rằng chính quyền sẽ biết chính ông là nguồn gốc của sự “rò rỉ” này.

* Ngày 29.6.1971, thượng nghị sĩ Mike Gravel (bang Alaska) cho đăng 4 100 trang Hồ sơ Lầu năm góc vào ấn bản của một tiểu ban Thượng viện. Tài liệu này sau đó được nhà xuất vản Beacon Press phát hành dưới tên gọi “ấn bản Gravel”. (trước đó một ngày, Ellsberg ra trình diện trước công lý, đến tháng 1.1973 mới bị xử -- xem dưới).

* Cuối cùng, Toà án Tối cao xử The New York Times thắng kiện chính quyền liên bang. Nhà Trắng trả thù bằng cách bôi nhọ Ellsberg. John Erlichman, trợ lý nội vụ của tổng thống Nixon, thành lập nhóm “Thợ hàn của Nhà Trắng” (White House Plumbers, hàm ý nhiệm vụ của nhóm này là “bịt kín” những “rò rỉ” hồ sơ mật). Nhóm này đột nhập phòng khám bệnh của Lewis Fielding, bác sĩ tâm thần học của Ellsberg, nhưng không tìm thấy “hồ sơ bệnh lí” của Ellsberg. Từ đó, nhóm “Thợ hàn” tiếp tục được Nhà Trắng sử dụng để bới móc đời tư của các chính khách đối lập như Thượng nghị sĩ Edward Kennedy, và cuối cùng bị bắt quả tang đột nhập trụ sở Uỷ ban tranh cử của Đảng dân chủ tại toà nhà Watergate. Vụ “ bê bối Watergate ” đã dẫn tới việc Nixon phải từ chức năm 1974 để tránh bị truy tố và cách chức.

* Vụ ăn trộm văn phòng của bác sĩ Fielding, mãi đến ngày 3.1.1973 mới được công bố trong phiên toà xử Daniel Ellsberg vì vi phạm “Luật gián điệp 1917”, tại Los Angeles. Cùng với việc này, nhiều hành động phạm pháp khác của Nhà Trắng (nghe trộm các cuộc điện đàm, mua chuộc quan toà…) đã được đưa ra ánh sáng, nêu rõ trách nhiệm của những người thân cận tổng thống (Haldeman, tổng thư kí Nhà Trắng, Mitchell, bộ trưởng bộ tư pháp..) và của chính tổng thống Nixon. Cuối cùng, ngày 11.5.1973, toà án Los Angeles đã bác bỏ tất cả các tội trạng của Daniel Ellsberg và bạn ông là Anthony Russo. Một năm sau, Richard M. Nixon phải từ chức.

Nguyễn Ngọc Giao






Giới thiệu của Tạp chí Guernica: “Phần tử quấy rối” trứ danh nhất của nước Mĩ kể lại chuyện ông chuẩn bị vào tù, chuyện tổng thống dối trá tràn lan, và tại sao chiến tranh kéo dài.

Sang năm 2011 sẽ là 40 năm kể từ ngày Daniel Ellsberg tiết lộ Hồ sơ Lầu năm góc cho nhật báo New York Times. Sự kiện này đã vạch trần sự dối trá của chính quyền trong việc thông tin về chiến tranh Việt Nam và góp phần thúc đẩy việc tổng thống Nixon từ chức. Năm mới cũng có thể chứng kiến việc cuốn phim tài liệu The Most Dangerous Man in America: Daniel Ellsberg and the Pentagon Papers (Người đàn ông nguy hiểm nhất của nước Mĩ: Daniel Ellsberg và Hồ sơ Lầu năm góc) được vào chung kết giải Oscar (nó đã được vào vòng đầu hồi tháng 11.2009). Cuốn phim nói về “ phần tử quấy rối ” có lẽ nổi tiếng nhất nước Mĩ, đồng thời cũng là biểu tượng cho lòng dũng cảm và tinh thần trách nhiệm của phong trào phản chiến ngày nay. Ở thời điểm mà đất nước của ông đang dính líu vào hai cuộc chiến tranh gây ra tranh cãi, lời nói của Daniel Ellsberg, năm xưa và bây giờ, vẫn gây tiếng vang lớn.

Tháng giêng năm nay, Hoa Kì bắt đầu triển khai thêm gần ba chục ngàn binh sĩ trong cuộc chiến ở Afghanistan, thì khi Daniel Ellsberg nói về quá trình quyết định của tổng thống, về cách thức mà chính quyền trình bày các quyết định ấy với công chúng, nhất là trong tình huống các cuộc chiến tranh trở thành thứ tâm bệnh di truyền thừa hưởng từ quá khứ, sự mô tả của ông âm hao như một lời tiên tri. Trong cuộc phỏng vấn công bố dưới đây, ông nói: “ Điều mà tôi rút ra từ năm 1969 và từ Hồ sơ Lầu năm góc, là Nixon, người thứ năm trong chuỗi những tổng thống Mĩ (dính líu vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam), đã quyết định kéo dài cuộc chiến tranh vì ông ta hi vọng hão huyền rằng mình có thể đạt được một kết cuộc tốt đẹp hơn là nếu ông ta chấp nhận thương lượng cách nào rút ra êm thấm, và cơ bản có nghĩa là chấp nhận thất bại. Ông ta hy vọng đạt kết quả tốt hơn thế nhiều ” (bài phỏng vấn sẽ được công bố trong cuốn Political Awakening: Conversations with History, nhà xuất bản New Press sẽ ấn hành vào tháng 3.2010).

Cuộc đời của Daniel Ellsberg (năm nay 78 tuổi) là cả một hành trình khác thường. Sinh trưởng ở thành phố Detroit, ông đỗ tiến sĩ kinh tế học ở Harvard trước khi đầu quân vào Thuỷ quân lục chiến. Sau đó vào làm việc cho Rand Corporation. Với cương vị chuyên gia về Việt Nam của công ti này, Ellsberg được Bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara yêu cầu tham gia vào một nhóm tuyệt mật có nhiệm vụ nghiên cứu các tài liệu mật về quá trình tiến hành chiến tranh Việt Nam, sau này sẽ được gọi chung là Hồ sơ Lầu năm góc. Hiếm ai có trải nghiệm (và dũng cảm) để có thể khẳng định một cách có thẩm quyền về những tổng thống Mĩ như Ellsberg trong cuộc phỏng vấn dưới đây khi ông nói: “Thật sự là họ chẳng mấy khi ngại nói dối về các vấn đề đó. Trình bày sự việc cho công chúng theo một đường hướng không tương ứng gì với thực tại, đối với họ là “thuận tiện” và có lợi về chính trị”.

Cho nên khi tổng thống Obama nói với sinh quân Học viện West Point (và qua đó, với thế giới) rằng quyết định của ông là do ông “tin tưởng rằng nền an ninh của chúng ta được định đoạt ở Afghanistan và Pakistan”, Ellsberg nhảy chồm lên thì cũng không có gì lạ. Những lí do được nêu ra để giải thích rằng an ninh của Hoa Kì bị đe doạ ở Afghanistan – một chính phủ thối nát, phi nghĩa đối với nhân dân Afghanistan, bầu cử thì gian lận, dân chúng ủng hộ các lực lượng chống đối không phải vì ưa thích đám này, mà vì họ muốn người ngoại quốc (nhất là lính Mĩ) cuốn gói đi – “nghe hệt như chuyện Việt Nam trước đây”, Ellsberg nói.


Daniel Ellsberg

Harry Kreisler phỏng vấn Daniel Ellsberg (năm 1998):

Harry Kreisler: Lần đầu tiên ông dính líu tới Việt Nam là năm nào?

Daniel Ellsberg: Tôi chưa bao giờ nói công khai chuyện này, nhưng sự thật là tôi đã sang Việt Nam năm 1961 với một nhóm đặc nhiệm, tổ nghiên cứu của Bộ quốc phòng thời Kennedy, về nghiên cứu & phát triển chiến tranh hạn chế. Lúc đó tôi đã có một cái nhìn chung về tình hình Việt Nam và tôi đã quyết định là nếu có thể, trên con đường quan lộ, tôi sẽ lánh xa vấn đề này. Trở về Mĩ, tôi tham gia việc soạn thảo bản báo cáo cho RAND. Bản báo cáo chứa đựng những gì tôi biết được trong nhóm nghiên cứu, với khuyến nghị cơ bản là: chớ tìm kiếm tài trợ để nghiên cứu vấn đề Việt Nam, đừng dính liu vào đó, hãy tránh xa ra, sa vào đó nhất định thất bại. Bởi vì ngay từ năm 1961, hay trước đó nữa, rõ ràng là không thể hi vọng rằng phương Tây có thể làm gì được để khuất phục một phong trào đấu tranh cho độc lập quốc gia và chủ quyền dân tộc ở Việt Nam, do Cộng sản lãnh đạo, đã đánh bại người Pháp được người Mĩ ủng hộ mạnh mẽ về tài chính, vật tư và các thứ. Trước mặt chúng ta, cơ bản vẫn là đối phương đó, và khả năng chúng ta làm tốt hơn người Pháp là rất thấp.

Thế là trong nhiệm kì Kennedy làm tổng thống (năm 1961, rồi 1962, 1963), tôi đã tránh xa những cuộc thảo luận về Việt Nam, tôi không muốn sa vào đó. Tôi cho là dính dấp vào đó cũng tương tợ như dính líu vào vụ Vịnh Con Heo, cuộc đổ bộ thảm bại ở Cuba đã làm cho hầu như tất cả những người dính dáng vào đó đã bị thân bại danh liệt.

Harry Kreisler: Nhưng rồi ít năm sau ông vẫn trở lại Việt Nam?

Daniel Ellsberg: Không, tôi bị gửi sang… Có thể nói là tôi miễn cưỡng, bị người ta gửi trở lại Việt Nam. Phần tôi cũng muốn quan sát quá trình hoạch định chính sách của chính phủ từ bên trong, sau mấy năm tìm hiểu quá trình ấy với tư cách một nhà nghiên cứu và tư vấn. Ngày đầu tiên tôi dính líu vào vụ này, là tôi ngồi đọc các “bức điện”, hay như họ thường nói, là “tắm mình” trong dòng chảy của những điện tín gửi từ một vùng đất nhất định. Hầu như tất cả những bức điện đầu tiên tôi đọc hôm ấy đều liên quan tới một vụ có vẻ như là tấn công vào khu trục hạm của ta ở Vịnh Bắc Bộ. Đó là ngày mồng 4 tháng 8 năm 1964. Và tôi ngồi đó, đọc một loạt điện “thượng khẩn”, báo cáo các khu trục hạm của chúng ta lại bị tấn công, dồn dập tới vào khuya hôm đó. Tất cả các điều họ biết chỉ đều là qua radar và sonar.

Nhảy cóc mấy năm sau nhé: mấy năm sau, rõ ràng là không có tấn công gì ráo. Họ đánh nhau với những hình bóng trên màn ảnh radar và sonar dưới nước. Họ bắn loạn xạ vào những bóng ma đó chứ thật ra không hề có ngư lôi nào của đối phương bắn ra cả.

Nhưng trở lại thời điểm đó, họ được báo cáo tường tận là chiến hạm của ta bị tấn công. Rồi, cũng trong ngày đầu tiên ấy, tôi đọc một bức điện nói “Tạm ngưng mọi chuyện”. Viên chỉ huy hai chiến hạm thỉnh cầu chưa hành động phản ứng gì vội, đợi ban ngày họ có cơ hội quan sát mặt biển xung quanh xem có xác tàu đắm, vết dầu loang, người sống sót nào không. Bởi vì họ nghĩ đã đánh đắm tàu địch, tất sẽ phải tìm thấy vài dấu hiệu. Lúc đó có nghi vấn lớn về quy mô cuộc tấn công, và nghi vấn là thật sự có tấn công hay không. Thực khó mà xác nhận điều này. Tuy nhiên, trước lúc nhận được bức điện ấy, thì tổng thống đã quyết định bắt đầu những phi vụ chống Bắc Việt.

Thế là chúng ta đã tung ra 64 phi vụ đánh Bắc Việt. Suốt đêm hôm đó, tôi ở liền trong Lầu năm góc để theo dõi các phi vụ và hậu quả, những sự việc diễn ra ở phía bên kia trái đất, cách 12 thoi giờ, nghĩa là bên ấy là ngày, bên này là đêm.

Rồi trong vài ngày tiếp theo, tổng thống đã được Quốc hội hầu như nhất trí ủng hộ một điều coi như là tương đương với quyết định tuyên chiến: nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, mà tổng thống cho rằng như vậy là Quốc hội ủng hộ chiến tranh, trong khi Quốc hội lại được giải thích để hiểu là không phải như vậy. Và thế là chúng ta đã bước sang giai đoạn Hoa Kì tham gia mạnh mẽ vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Harry Kreisler: Căn cứ vào những gì chính ông thấy tận mắt, lúc đó ông có hoài nghi gì không về những điều mà tổng thống yêu cầu nơi Quốc hội?Công chúng thì ngày ngày bị tổng thống, người phát ngôn của tổng thống và các quan chức lừa dối.

Daniel Ellsberg: Hoàn toàn không thể nghi ngờ. Tổng thống nói với Quốc hội và công chúng rằng chiến hạm nước ta bị tấn công, bằng chứng về điều này hết sức rõ ràng. Nói thế là nói dối. Và tôi, lúc đó tôi biết là nói dối. Trước khi cuộc tấn công bắt đầu, đã có rất nhiều nghi vấn đã được nêu lên, và rõ ràng là tình hình rất mập mờ, không có gì rõ ràng cả. Tôi nghĩ lúc đó tôi chỉ có thể nói, và nhiều người khác nữa cũng chỉ có thể nói thế này thôi: “Có thể đã xảy ra một cuộc tấn công”. Nhưng tổng thống đâu có nói thế với công chúng. Ông đã nói dối với công chúng.

Thứ nữa, giả định là cuộc tấn công có thực, tổng thống còn nói rằng: đó rõ ràng là một cuộc tấn công ở ngoài khơi, vô cớ đánh vào khu trục hạm của chúng ta. Đây cũng là một lời nói dối, theo nghĩa này: trước đó hai ngày, đúng là đã có một cuộc tấn công tiến hành sau khi Mĩ tung ra những cuộc đánh phá Bắc Việt vào đêm hôm trước – những hành động này được tiến hành một cách bí mật, nguỵ trang và nhất mực bị phủ nhận. Tóm lại, có bằng chứng là vụ này do chính chúng ta gây hấn. Thế mà tất cả, McNamara, Rusk, Vance đều giấu nhẹm, không cho Quốc hội biết về các cuộc đánh phá mà Hoa Kì đã tiến hành.

Harry Kreisler: Trong bối cảnh làm việc như vậy của ông ở Lầu năm góc, các tuyên bố công cộng không ăn khớp gì với những điều mà ông và những người khác ở trong hành lang của quyền lực biết được, các ông xử lí ra sao trước sự bất nhất này?

Daniel Ellsberg: Tính từ năm 1959 đến thời điểm đó, tôi đã làm tư vấn cho chính phủ được khoảng 6 năm, từ Eisenhower, qua Kennedy rồi bấy giờ là Johnson. Tính tới lúc đó, tôi đã được đọc hàng vạn trang tài liệu mật, do đó có thể so sánh những gì tôi biết với những gì công chúng được nghe giải thích. Công chúng đã bị tổng thống, các người phát ngôn của ông ta cũng như các viên chức nói dối, nói dối ngày này qua ngày kia. Nếu anh không chế ngự được ý tưởng rằng, vì đủ mọi thứ lí do, tổng thống đã dối trá đối với công chúng, thì anh không thể nào ở yên trong vị trí đó trong chính quyền, là nơi anh buộc phải biết, tuần nào cũng thế, tất cả những điều đó.

Tôi nói điều này vì đôi khi có người suy luận, cho rằng tôi đã trao Hồ sơ Lầu năm góc cho New York Times là để bị bỏ tù. Như Harrison Salisbury của báo New York Times đã nói, “Anh ấy đã không chịu được sự dối trá”. Tuyệt nhiên không phải vậy đâu. Tôi không đâm đầu vào tù chỉ để công bố hồ sơ. Nếu anh không thể chung sống với ý tưởng là tổng thống nói dối, thì anh không thể làm việc với các tổng thống được. Sự thật là hiếm khi nào các tổng thống nói toàn bộ sự thật. Họ không bao giờ nói thật và nói hết là họ toan tính, chờ đợi gì, là họ đang làm gì, họ tin tưởng ở những điều gì và tại sao họ lại đang làm những việc họ làm. Và sự thực là ít khi họ ngần ngại nói dối về những điều này. Nói với công chúng, trình bày sự việc theo một cung cách không đúng với sự thật, đối với họ, rất là tiện lợi, và về mặt chính trị, rất hữu hiệu.

Harry Kreisler: Và cứ như thế, ông ngày càng dấn thân vào cuộc chiến tranh. Sau thời gian này, ông đã sang Việt Nam và làm việc ở đó.

Daniel Ellsberg: Vâng, vào mùa hè 1965, tổng thống đã quyết định leo thang chiến tranh không kì hạn. Từ tháng hai 1965, chúng ta đã ném bom (miền Bắc Việt Nam) và tham chiến mạnh mẽ; lúc đó, chúng ta đã có hơn 100 000 binh sĩ ở Việt Nam. Chúng ta đã “làm chiến tranh”. Và tôi, vốn là một thuỷ quân lục chiến trong thời bình (1954-1957) – tiểu đội trưởng, rồi chỉ huy đại đội – tôi không muốn ngồi yên ở Washington mà theo dõi chiến cuộc. Nên tôi đã tình nguyện sang Việt Nam, làm công tác liên lạc giữa đại sứ quán và phía Việt Nam. Tôi cảm thấy đây là cơ hội để hiểu được cuộc chiến tranh và có thể tránh được những thể loại kết cục xấu nhất.

Phần lớn thời gian tham gia ở Việt Nam, tôi thấy rõ là chúng ta không có triển vọng nào khác là ẩn ức, bế tắc, giết hại và chết chóc. Chẳng có mấy hi vọng đi tới một kết cục thuận lợi hay ít nhất một kết cục tạm gọi là chấp nhận được. Giỏi lắm là khả năng hoặc trì hoãn sự thất bại, hoặc phải thay đổi chính sách.

Tôi là người nghiên cứu duy nhất, ở trong cũng như ở ngoài chính quyền, được phép tham khảo toàn bộ 47 tập khảo sát để thực hiện cuộc nghiên cứu. Tổng cộng là bảy nghìn trang tài liệu, tối mật.

Sau này, khi nghiên cứu trở lại toàn bộ hồ sơ, tôi mới phát hiện ra một điều là: thực ra, các tổng thống chưa bao giờ nhận được những khuyến nghị mang lại hi vọng dứt khoát là sẽ kết cục thành công ở Việt Nam. Mặt khác, họ chỉ thấy nêu ra khả năng trì hoãn được thất bại, hay trì hoãn được tình thế gay go sẽ xảy ra nếu Mĩ rút khỏi Việt Nam, để người Việt Nam quyết định lấy cuộc sống chính trị của họ -- điều ấy có nghĩa, hầu như chắc chắn, là sự bá quyền của cộng sản. Để tránh viễn ảnh ấy, họ chỉ còn một chọn lựa là cái giá phải trả đối với người Mĩ và người Việt ngày mỗi tăng, về sinh mạng, tiền của cũng như sự dính líu. Rốt cuộc là tổng thống nào cũng chọn cách ấy. Kennedy đã chọn như thế, Johnson đã chọn như thế, và đó cũng là chọn lựa của Nixon cho đến ngày ông ra phải từ chức.

Harry Kreisler: Về lại Washington với công việc ở RAND, ông được phép tham khảo những hồ sơ sau này sẽ được họi là “Hồ sơ Lầu năm góc”. Ông hãy cho biết đó là những tài liệu gì.

Daniel Ellsberg: Tôi ở Việt Nam hai năm, từ 1965 đến 1967. Phần lớn thời gian đó tôi có nhiệm vụ đánh giá công cuộc bình định, nên tôi đã đi hầu hết các tỉnh (Nam) Việt Nam. Chính xác là tôi đã đi 38 tỉnh trên tổng số 43. Tuy là dân sự, tôi đã sử dụng sự huấn luyện trong thuỷ quân lục chiến để làm việc với quân đội trong một thời gian, và có lúc tôi đã trải nghiệm chiến đấu thực sự. Do đó, tôi đã thấy “cận cảnh” cuộc chiến tranh, cụ thể là ở cấp độ đại đội bộ binh. Tôi đã bị viêm gan, có lẽ đã nhiễm bệnh trong một cuộc hành quân dã ngoại, trở về Mĩ, ra khỏi cơ quan chính quyền và trở lại hàng ngũ Tập đoàn RAND. Ngay lập tức, tôi được cử tham gia dự án lịch sử mà McNamara đã tiến hành tổ chức ở Lầu năm góc, dưới tên gọi chính thức là “Quá trình lấy quyết định của Hoa Kì ở Việt Nam, 1945-1968”.

Tôi là nhà nghiên cứu duy nhất, ở trong cũng như ở ngoài chính quyền, được tiếp cận toàn bộ 47 tập khảo sát để thực hiện công cuộc nghiên cứu. Tổng cộng là bảy ngàn trang tài liệu “tối mật”. Trong phòng làm việc tôi có hẳn một cái tủ “tuyệt mật” để cất giữ tài liệu, tiến hành công trình nghiên cứu mang tên “Những bài học từ Việt Nam”.

Điều khá lạ lùng: tôi là người duy nhất ăn lương do hợp đồng với chính phủ Hoa Kì để rút ra những bài học về Việt Nam. Có một lúc, cả nước Mĩ chỉ có ba người thực sự đã đọc toàn bộ nghiên cứu, do đó có khả năng rút ra những bài học của thời kì 23 năm, từ 1945 đến 1968.

Harry Kreisler: Những gì đã làm ở Việt Nam thường không có gì là thuận lí, mà chỉ phản ánh một động lực chịu ảnh hưởng nặng nề của chính trị. Thế mà trong nhiều năm, ông đã sống với nó.

Daniel Ellsberg: Cũng phải nói là, đứng ở quan điểm tổng thống, đó là tinh tuý của sự thuận lí: thắng cử và giữ được quyền lực. Ông có thể hợp lí hoá điều đó bằng cách nói rằng điều quan trọng là đảng tôi và bản thân tôi khôn ngoan hơn mấy người khác, quyết định sẽ sáng suốt hơn. Thí dụ: nhất thiết không thể để cho Goldwater thắng cử. Thà rằng phải làm thế này thế nọ, chứ không nên để cho Goldwater thắng. Và tất nhiên, cũng như trong vụ Watergate, người của tổng thống phân bua: “Chúng tôi làm như thế chỉ là để ngăn chặn không cho McGovern trở thành tổng thống; McGovern mà làm tổng thống thì tai hoạ lắm”. Lí lẽ của họ là như vậy. Nếu anh bảo họ “nói thế không hợp lí” thì tôi xin trả lời: đó là lôgic của quyền lực nội trị, lôgic của việc giữ chặt quyền lực, của sự tự trọng, của uy tín tổng thống, những thứ mà các tổng thống và giới thân cận rất dễ đồng hoá với quyền lợi của quốc gia. Họ rất khó phân biệt hai thứ ấy.

Harry Kreisler: Trong nhiều năm, ông ở trong chính quyền, nằm trong một tổ nghiên cứu, sống với những nhân tố của quá trình lấy quyết định. Sau những thất vọng, ẩn ức về tình hình Việt Nam, sau khi đọc các Hồ sơ Lầu năm góc, ông đã thay đổi quan niệm về ranh giới giữa những điều chấp nhận được và những điều không thể chấp nhận, giữa những điều phù hợp với đạo lý và những điều đi ngược đạo lý. Ông hãy giải thích sự thay đổi đó trong suy nghĩ của ông.

Daniel Ellsberg: Ở Việt Nam thực ra tôi cũng không rút ra điều gì thực sự mới về việc không có triển vọng thành công. Song có một điều tôi đã học được: đó là nét mặt của người Việt Nam. Tôi đã biết quan tâm tới số phận của người Việt Nam, điều mà các đồng nghiệp của tôi ở Washington có lẽ không biết. Người Việt Nam, đối với tôi, đã trở thành một hiện thực. Họ không chỉ còn là những con số, những mã số trừu tượng như trong đầu óc của những đồng sự khác.

Điều đặc biệt nhất mà tôi học được, vào năm 1969, và từ Hồ sơ Lầu năm góc, là Nixon, người thứ năm trong chuỗi dài các tổng thống (dính dấp tới Việt Nam) đã chọn lựa quyết định kéo dài cuộc chiến tranh, với hi vọng hão huyền là ông ta có thể đạt tới một kết cuộc tốt đẹp hơn là kết cuộc sẽ có nếu ông ta chịu thương lượng cuộc rút quân, và về thực chất, là chấp nhận thất bại. Ông ta tưởng có thể làm tốt hơn thế nhiều. Ông ta tưởng có thể kiểm soát mãi được Sài Gòn và các vùng đông dân, rằng các vùng này sẽ phục tùng ý chí của chúng ta, chính sách của chúng ta, chứ không do cộng sản cai trị. Và ông ta có thể làm được điều ấy, như Johnson trước đó đã hi vọng, bằng cách đe doạ leo thang chiến tranh. Nixon đã lớn tiếng đe doạ và sẵn sàng thực hiện lời đe doạ của mình.

Tôi không tin rằng những lời đe doạ ấy sẽ mang lại kết quả. Tôi đoán trước là chiến tranh sẽ mở rộng. Mà lúc ấy, công chúng đã không còn chấp nhận tiếp tục chiến tranh nữa, huống chi tới mở rộng chiến tranh. Nhưng Nixon đã thành công trong việc đánh lừa công chúng, bởi vì công chúng không muốn tin rằng tổng thống lại điên rồ và thiển cận (đứng về quyền lợi cá nhân mà nói) đến mức sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân mà còn muốn kéo dài chiến tranh. Thế là một lần nữa, tôi chứng kiến cảnh một tổng thống bí mật đe doạ đối phương, gần như chắc chắn sẽ thực hiện lời đe doạ ấy, đồng thời lại lừa dối công chúng về hành động của mình.

Đọc Hồ sơ Lầu năm góc (mùa thu năm 1969 thì tôi đọc xong), tôi đã có được cái nhìn bao quát về lịch sử đi tới một kết luận mà chắc tôi không thể đạt được nếu không được đọc. Đó là: có rất ít hi vọng làm thay đổi não trạng (của tổng thống) từ bên trong ngành hành pháp – thí dụ như đưa ra cho tổng thống những khuyến nghị đúng đắn, hay cung cấp cho ông những đánh giá hiện thực về tình hình Việt Nam. Bởi vì đọc trong Hồ sơ Lầu năm góc, tôi đã thấy là từ những ngày đầu – thời Truman – tổng thống nào cũng đã nhận được những khuyến nghị như vậy rồi. Và bây giờ, sự thực là Nixon đã lao mình vào một cuộc đua mới, thì so với những tổng thống tiền nhiệm, lại càng ít có khả năng chịu nghe những lời khuyên can.

Như vậy, muốn cho ông ta thay đổi quyết định – và chính vì tôi quan tâm tới Việt Nam và nước ta, tôi lại càng bức xúc mong muốn Hoa Kì phải chấm dứt oanh tạc và chém giết người Việt Nam – thì phải có sức ép từ bên ngoài tác động vào hành pháp. Điều này đòi hỏi là ở bên ngoài cơ quan hành pháp, cụ thể là Quốc hội và công chúng, phải được thông tin tốt hơn về quá khứ cũng như về hiện tại. Nếu tôi có trong tay những tư liệu về các kế hoạch của Nixon thì tôi đã tung ra cho Quốc hội để các nghị sĩ biết việc gì sắp xảy ra. Như thế, tôi chẳng còn phải bận tâm với hàng nghìn trang lịch sử liên quan tới các tổng thống tiền nhiệm; chỉ cần vạch rõ những gì Nixon đang tiến hành. Những tài liệu ấy, tôi không có. Mà ở thời ấy, rất khó làm cho công chúng hiểu ra rằng tổng thống đang đánh lừa họ, để công chúng có hành động thích ứng. Điều này không có trong ý thức của người dân Mĩ. Nội cái việc đưa ra ý kiến đó cũng sẽ được rất ít người đồng ý.

Thành ra, lần đầu tiên, tôi tự hỏi: nếu tôi sẵn sàng vào tù thì tôi có thể làm gì để chấm dứt chiến tranh?

Có lần ra toà để bênh vực những người bị truy tố về tội chống quân dịch, tôi đã tuyên bố tổng thống nói dối. Đó là hồi đầu năm 1971, trước khi Hồ sơ Lầu năm góc được công bố. Ngay lập tức, quan toà ra lệnh ngừng ghi biên bản, gọi luật sư lại gần. “Nếu ông còn đưa ra những nhân chứng như vậy”, quan toà cảnh cáo trạng sư bên bị, “thì sẽ coi là ông lăng nhục, xúc phạm. Tại phòng xử án này, tôi sẽ không bao giờ cho phép ai tuyên bố là tổng thống nói dối”. Đó là phiên toà xét xử những người chống chiến tranh một cách bất bạo động. Và họ không được phép mời những chứng nhân dám nói rằng tổng thống dối trá. Hồ sơ Lầu năm góc đã làm thay đổi hẳn tình trạng này. Bảy nghìn trang tư liệu về sự dối trá của Nhà trắng đã vĩnh viễn vạch rõ – và hai ba năm sau, vụ Watergate đã xác nhận lần nữa – rằng tổng thống nào cũng dối trá.

Harry Kreisler: Những người biểu tình và lập trường đạo lí của họ có tác động tới quyết định đó của ông không?

Daniel Ellsberg: Phải nói thực là tác động của những người biểu tình đối với tôi không lớn bằng tác động của những người mà tôi đã được gặp, là những người đã phải trả cái giá cao hơn nhiều trong cuộc sống của họ để gửi đi một thông điệp mạnh mẽ. Họ sẵn sàng vào tù hơn là đi quân dịch hay sang Việt Nam, hay chạy sang Canada, hay là chọn quy chế “từ chối quân dịch vì lương tâm”, hay là vào đội Vệ quốc. Họ có thể chọn nhiều cách để tránh đi đánh nhau ở Việt Nam, trong đó có cách là chọn quy chế “từ chối quân dịch vì lương tâm” (conscientious objector). Nhưng họ đã chọn cách khẳng định mạnh mẽ nhất thông điệp này: cuộc chiến tranh này là sai trái, phải chấm dứt nó, họ từ chối mọi hình thức hợp tác với chính sách chiến tranh, kể cả việc chấp nhận quy chế “không đi quân dịch vì lương tâm”. Và họ chấp nhận đi tù.

Trong số những người tôi đã gặp như thế, có một người tên là Randall Keeler, mà tôi gặp hồi cuối tháng tám năm 1969. Đến lúc tôi bàng hoàng hiểu ra rằng anh ra sắp sửa phải ra toà vì tội chống quân dịch và chuẩn bị vào tù – và đúng thế, anh ấy đã ở tù hai năm – thì tôi mới ngỡ ngàng, ngộ ra là chúng ta đang ở trong tình thế mà những con người trí tuệ và tận tâm như Randy Keeler phải cảm thấy rằng điều tốt đẹp nhất anh ta có thể làm là chấp nhận đi tù, để đồng bào của mình có thể hiểu rằng đây là vấn đề đạo lý. Keeler đã làm điều phải làm, và hành động của anh cho thấy rõ bản chất tình thế nước Mĩ lúc đó là gì. Thật là kinh khủng! Tôi cảm thấy chúng ta đang ăn thịt thanh niên của chúng ta. Xấu xa hơn cả những kẻ ăn thịt người: chúng ta ăn thịt ngay cả con em mình. Chúng ta dùng con em để trả giá cho việc tìm ra một lối thoát cho cuộc chiến tranh, bằng cách hi sinh tuổi trẻ như là thịt nhồi đại bác trong cuộc chiến tranh. Những con người như Keeler phải được ủng hộ. Mỗi người phải làm bất cứ việc gì có thể, bất bạo động và thành khẩn. Họ đúng là những môn đệ của Gandhi. Trước đó, tôi đã được đọc Gandhi và Martin Luther King. Và bây giờ, tôi được gặp những người đang thật sự sống cuộc sống mà tôi đã đọc trong sách vở. Dưới tiêu chí thành khẩn và bất bạo động, tôi nhận thức rằng, noi gương họ, tôi sẵn sàng làm tất cả những gì có thể, nghĩa là tôi sẵn sàng từ bỏ sự nghiệp, sẵn sàng đi tù.

Cho nên, lần đầu tiên tôi tự hỏi: nếu tôi sẵn sàng ở tù, thì tôi có thể làm gì để góp phần chấm dứt chiến tranh? Tôi tìm cách thu xếp ra điều trần ở Quốc hội. Tôi tìm cách thúc đẩy việc mở ra các cuộc điều trần. Cũng với một số người, tôi viết thư gửi từ RAND. Và tôi cũng sao chụp Hồ sơ Lầu năm góc với hi vọng mang thêm sức mạnh cho các việc làm khác, thí dụ như điều trần ở Quốc hội. Thực ra tôi không tin là việc này có nhiều khả năng làm thay đổi tình thế, nhưng cũng có khả năng nào đó. Tôi đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì có thể, và đó là một điều tôi có thể làm.

Harry Kreisler: Ngoài ra còn có những nhân tố nào khác, giúp chúng tôi hiểu thêm cái động lực nội tâm đã thúc đẩy ông làm điều đó? Đối với bất cứ người nào, đây không phải là một sự chọn lựa dễ dàng.

Daniel Ellsberg: Đọc Hồ sơ Lầu năm góc đã làm tan biến trong tôi cái ý muốn làm việc cho tổng thống. Qua đó, tôi đã thấy liên tiếp năm vị tổng thống lầm lỗi đi theo con đường ngoan cố, vị kỷ, điên rồ, tổng cộng tới lúc đó là hai mươi bốn năm trời.

Từ thuở bé, tôi đã nuôi dưỡng cái ý định, và nhiều người Mĩ cũng như tôi, nuôi dưỡng ý tưởng là có cơ hội phục vụ tổng thống (Chúng ta hay nói tới giấc mơ lớn lên làm tổng thống, Clinton là một ví dụ khá hiếm, nhưng mấy ai như Clinton, từ nhỏ đã thực sự nuôi dưỡng ý tưởng trở thành tổng thống). Tôi thì khi tôi là trung uý thuỷ quân lục chiến, tôi đã nghĩ tới làm việc dưới quyền tổng thống. Theo tôi nghĩ, thuỷ quân lục chiến, hơn các binh chủng khác, tự coi mình là lực lượng phản ứng nhanh mà tổng thống có trong tay, họ tự coi là một thứ quân cận vệ tổng thống, họ có tâm lý tự đề cao mình, xuất phát từ chỗ họ tự đồng nhất với tổng thống. Trong ngành hành pháp, mọi người đều quen miệng nói “Chúng tôi làm thế này, chúng tôi làm thế kia”, điều này cũng biểu lộ sự đồng nhất hoá cao độ của những người, nam cũng như nữ, làm việc dưới trướng tổng thống.

Như thế là năm 1969, tôi là nghiên cứu viên duy nhất của RAND mà lại làm việc trực tiếp cho trợ lí an ninh quốc gia của tổng thống. Tôi làm công tác tham mưu về Việt Nam cho Kissinger ngày từ buổi đầu của chính quyền mới. Đó là một công việc hết sức danh giá và hứng khởi. Bên trong cũng như bên ngoài ngành hành pháp, rất nhiều người cho rằng được làm việc cho cơ quan hành pháp là vinh hạnh lớn nhất mà một người Mĩ có thể kì vọng. Các thứ công việc khác, viết báo, viết sách, cộng tác với một nghị sĩ, trở thành đại biểu quốc hội, chẳng có việc nào sánh bằng công việc cung cấp thông tin cho tổng thống và có ảnh hưởng với tổng thống. Điều này đúng với mọi người làm việc cho Nhà trắng, bất luận đã bỏ phiếu hay không bỏ phiếu ủng hộ tổng thống, đã làm việc nay không làm việc cho đảng của tổng thống. Mỗi thời chỉ có một tổng thống, bất luận ông ấy thuộc đảng nào, có cơ hội tác động tới tổng thống bằng cách báo cáo tin tức hay tham gia hoạch định chính sách là điều quan trọng nhất mà anh có khả năng thực hiện.

Đọc Hồ sơ Lầu năm góc và suy ngẫm về vấn đề Việt Nam làm cho tôi đốn ngộ là dù có được tham vấn đúng đắn tới đâu chăng nữa, các tổng thống đều có thể mắc sai lầm nghiêm trọng. Cho nên, cách tốt nhất để phục vụ đất nước không nhất thiết là giúp tổng thống làm những điều ông ta muốn làm, bởi vì cách tốt nhất có khi lại là ngăn cản không để cho ông ta làm điều ông ta muốn. Muốn làm như vậy thì phải đứng ở bên ngoài giới hành pháp, phải thông qua Quốc hội, qua toà án, qua cử tri, qua công chúng. Đúng thế, ở ngoài ngành hành pháp, anh có thể làm tốt hơn nhiều để giúp nước.

Thứ nữa, cái hào quang bao quanh tổng thống, cái ý tưởng tự đồng nhất với tổng thống, phục vụ tổng thống, trở thành người của tổng thống, một kiểu quan hệ phong kiến, hiệp sĩ, bỗng nhiên mất hết hào quang lấp lánh. Tôi hết muốn là “người của tổng thống”. Sống ở ngoài vòng hành pháp, cái ý này, đối với tôi, trở thành tốt như, tốt hơn là làm việc cho tổng thống. Theo tôi, chưa có đồng nghiệp nào đã đạt tới điểm đó trong đời họ. Họ không thể nào tưởng tượng ra một cuộc sống tốt đẹp hơn ở ngoài vòng hành pháp. Khi đảng của họ rời chính quyền, hay là họ bị sa thải, hoặc là họ từ chức để kiếm được nhiều tiền hơn hoặc vì lí do nào khác, họ vẫn sống trong tâm trạng chờ đợi một cú điện thoại, gọi họ trở lại hoặc hỏi ý kiến họ. Dù cho sự đoạn tuyệt với tổng thống tiền nhiệm còn để lại nỗi đau, họ vẫn sẵn sàng trở lại. Đối với họ, đó là sự nghiệp cao quý nhất. Tự hào, danh giá, hưng phấn, trọng vọng, lại thêm cảm thấy mình đang phục vụ đất nước. Tất cả những thứ đó đã cháy rụi trong tôi sau khi đọc xong bảy nghìn trang tài liệu. Nhờ đó mà tôi có thể hình dung ra một hành động khả dĩ chặn đường tôi từ nay về sau có thể quay lại phục vụ cho bất cứ tổng thống nào. Làm được việc đó rồi, không một quan chức hành pháp nào còn có thể thuê tôi làm việc trở lại nữa. Phần lớn các đồng nghiệp của tôi không thể nào quan niệm một hành động nào khiến cho các tổng thống sau này không còn tin cậy họ, gọi họ ra làm việc trở lại. Mấu chốt vấn đề là ở đó.

Cuối cùng dẫn tới kết cục là tôi làm được một việc mà tôi tin chắc sẽ đưa tôi vào tù. Làm sao được như vậy?

Tôi đã ở trong thuỷ quân lục chiến, đã sang Việt Nam, đã tham gia chiến trận. Ba triệu binh sĩ sang Việt Nam là dấn thân vào tình thế có thể cụt hai chân, mất xác, mất mạng vì mìn nổ, bị bắn tỉa, hay ăn đạn moọc-chê. Họ không được coi là anh hùng hay bị coi là điên rồ chỉ vì họ chấp nhận vai trò ấy. Chẳng ai chẩn đoán bệnh lí tâm thần cho họ, như người ta đã làm cho tôi. Chẳng ai tra hỏi họ xem tại sao họ làm như thế. Họ làm thế vì tổng thống, vì đất nước. Song, tổng thống lại lầm to khi ông quyết định điều gì là ích lợi cho đất nước. Nhưng anh vẫn làm theo lời tổng thống, anh vẫn làm những gì tổng thống muốn anh làm. Làm những chuyện nhạy cảm dù anh có thể chết, dù anh có phải giết người, rốt cuộc là làm những việc phi nghĩa. Phi nghĩa nếu xét theo mọi tiêu chuẩn nào khác hơn là nó do tổng thống chủ trương. Sự thật đó là điều phi nghĩa.

Thành ra rốt cuộc mất mạng và giết người trong một công cuộc phi nghĩa lại được coi là hết sức bình thường. Và tôi cứ thế mà làm. Tôi đã sang bên ấy. Mặc dù tôi tôi không còn tin vào công cuộc mà tôi phục vụ vì tổng thống nữa. Cho đến lúc hành động của Randy Keeler làm cho tôi giác ngộ ra rằng muốn làm theo lương tâm, có những phương cách khác hơn là phục vụ tổng thống. Có những cách dũng cảm khác. Rồi tôi tự hỏi, mình đã như bạn bè, sẵn sàng bỏ mình hay bị bắt làm tù binh ở Việt Nam vì mình ủng hộ hay cam chịu công cuộc chiến tranh, thì nay tại sao không sẵn sàng vào tù, không sẵn sàng hy sinh tự do của mình? Một khi phải đối diện với câu hỏi ấy, thì câu trả lời đến cũng nhanh.

Anh hỏi tôi làm sao tôi có thể đảm đương được cái đó, (xin trả lời) tôi thuộc lớp người đã tự nguyện sang Việt Nam. Tôi không phải là người duy nhất đã làm như vậy. Không phải bất cứ ai, nhưng nhiều người cũng đã làm như vậy. Chỉ có điều là không mấy ai có cơ hội, sau khi tích cực phục vụ tổng thống, lại tích cực dấn thân chống lại ý chí, chống lại đường lối của tổng thống, chống lại việc ông ta muốn làm, chống lại cuộc chiến tranh mà ông ta ra lệnh tiến hành. Lại đặt mình vào vị trí một người phản kháng, hay là vị trí một đại biểu Quốc hội chống lại cuộc chiến tranh.

Có thể nói, từ ngành hành pháp mà chuyển sang giúp việc cho Quốc hội và lộ diện trước công chúng, là cả một cuộc thay đổi. Một sự thay đổi lớn về “căn cước” rất khó làm, cực kỳ khó đối với một viên chức hành pháp. Một thay đổi nữa, tất nhiên, là dọn mình để sẵn sàng vào tù vì những việc mình làm. Mà đó là vì tôi liên hệ với việc bản thân tôi đã làm ở Việt Nam hay trong hàng ngũ thuỷ quân lục chiến. Nhưng sở dĩ tôi làm được cũng là nhờ tấm gương của hàng nghìn người Mĩ. Tháng trước, tạp chí Esquire có gọi tôi. Họ chuẩn bị một số đặc biệt về anh hùng và hỏi tôi có người anh hùng nào mà tôi muốn nêu tên. Tôi đã nêu tên Randy Keeler là người đã làm gương cho tôi, đã thay đổi đời tôi.

Harry Kreisler: Nói vắn tắt, thì trong một chế độ dân chủ, trách nhiệm của một cá nhân trong những vấn đề chiến tranh và hòa bình mà ta đã bàn là như thế nào?



Daniel Ellsberg: Tôi có thể vắn tắt vài câu về quyết định của riêng tôi như tôi vừa kể. Tôi cho rằng bài học mà tôi rút ra về việc phải làm gì có thể áp dụng không những cho thời trước mà cho người ta trong tương lai. Trước hết, chúng ta có cái may là trong Hiến pháp, chịu trách nhiệm về chuyện chiến tranh và hòa bình không chỉ có hành pháp (như hành pháp vẫn tưởng), mà còn có cả Quốc hội: Hiến pháp nước ta quy định rằng Quốc hội có trách nhiệm tuyên chiến, tài trợ, kiểm soát ngân sách, và có rất nhiều phương cách để thực sự kháng cự lại đường lối của hành pháp trong lãnh vực chiến tranh và hòa bình. Và trong nội bộ ngành hành pháp, lại có những quan chức có thể nghĩ tới việc thông báo cho Quốc hội, với sự đồng ý hay không đồng ý của tổng thống. Có nhiều cách làm tránh được trách nhiệm pháp lý. Ngược lại, thường ra họ chỉ cần nói thật chứ không phạm pháp vì khai man như họ thường làm. Nói khác đi, họ chỉ cần tuân thủ pháp luật thay vì vi phạm pháp luật, họ chỉ cần làm theo Hiến pháp. Tóm lại, hợp tác với Quốc hội để thay đổi tình hình. Nhưng điều đó, ít khi nào họ dám nghĩ tới bởi như thế là chéo cẳng ngỗng đối với người đã bổ nhiệm họ. Song, như tôi vẫn thường nói, ra khỏi hàng rào hành pháp, người ta vẫn có thể sống như thường.



Thứ hai, những thanh niên đi quân dịch hay những người tự nguyện nhập ngũ mà họ đưa ra trận mạc, phải chịu những rủi ro như thế nào, thì họ cũng phải hiểu rằng chính họ cũng có bị rủi ro như thế ấy trên con đường hoạn lộ của họ. Nói cách khác, họ có thể suy nghĩ, chấp nhận phải trả giá trong cuộc đời của mình bằng việc nói thực, bằng việc cung cấp thông tin cho công chúng, bằng hành động theo lương tâm, một cách trung thực, ra ngoài ngành hành pháp để nói sự thật, để thông tin cho công chúng. Nghĩa là phải trả một cái giá đắt về sự nghiệp tương lai, nhưng là cái giá mà họ phải sẵn sàng trả. Tóm lại, họ phải thấy rằng nếu họ chịu trả cái giá trong cuộc đời, thì có được một thứ quyền lực lớn hơn mà họ tưởng nhiều lắm.



Bản dịch của Nguyễn Ngọc Giao

Source : Thời Đại Mới
23-3-2010