Good Morning, Việt Nam *
Ba mươi ba năm sau khi Sài Gòn sụp đổ, đã có nhiều thay đổi – song không đủ
Bài của Duncan Currie
Ngày 15-5-2008
Ngày 30 tháng Tư đánh dấu kỷ niệm lần thứ 33 sự sụp đổ của Sài Gòn trước những người Cộng sản Bắc Việt Nam. Thủ đô cũ của Nam Việt Nam giờ được gọi là Thành phố Hồ Chí Minh, một cái tên phản ánh tốt cho cái quá khứ của Việt Nam hơn là hiện tại và tương lai của nó. Giống như John O’Sullivan đã quan sát, “Một Người Sao Hỏa đậu xuống Sài Gòn hay Hà Nội hôm nay chẳng biết gì về lịch sử từ năm 1970 sẽ cho rằng chắc chắn là miền Nam đã thắng trong cuộc chiến. Những thành phố này có tất cả những nhãn hiệu quần áo và nhà thiết kế của London hoặc Venice – và còn nhiều hơn cả hai thứ đó là cái sức sống nhạy bén kiểu cây nhà lá vườn.”
Mặc dù nó nhỏ hơn nhiều so với đất nước Trung Hoa, và theo đó cũng nhận được ít sự chú ý trên toàn cầu hơn, nhưng Việt Nam đã trở thành một trong những câu chuyện thành công lớn về kinh tế trong thế giới đang phát triển. Qua hai thập kỷ, nó đã tự chuyển đổi từ một con bệnh què cụt cùng kiệt thành một con hổ Á châu tráng kiện.
Chỉ quan sát những con số. Nền kinh tế của Việt Nam đã tăng trưởng với hơn 8% trong suốt ba năm. Kể từ khi chính phủ phát động cuộc cải cách kinh tế có tên là đổi mới vào năm 1986, hàng chục triệu người Việt Nam đã thoát khỏi nghèo nàn khốn khổ. Vào cuối năm 2007, trong những báo cáo của World Bank, tổng giá trị cổ phần hóa của Việt Nam đã “đạt 43% GDO”,” so với chỉ “1,5% hai năm trước.” Trong khi đó, “những cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài gần như tăng gấp đôi” trong năm 2007, “mức xuất khẩu chưa kể dầu lửa đã tăng 27%,” và “dự trữ ngoại tệ tăng lên 10 tỉ đô la đạt 21,6 tỉ đô la, tương đương 30,2% GDP hay trị giá 3,3 tháng nhập khẩu.”
Các nhà lãnh đạo của đất nước tỏ ra háo hức muốn mở rộng giao thương với nước ngoài (Việt Nam đã chính thức gia nhập Tổ chức Thương Mại Thế giới vào năm ngoái), tăng các cơ hội đầu tư, và khuyến khích doanh nghiệp tư nhân.
“Việt Nam đang chạy đua cho một tương lai gần hơn với Hoa Kỳ ngày nay,” đó là nhận xét của Daniel Griswold, một nhà phân tích chính sách thương mại của Cato Institute. Trong những năm gần đây, khu vực công nghệ thông tin đang tăng trưởng nhanh của nó đã đóng một vai trò quan trọng trong thu hút vốn tư bản nước ngoài và thúc đẩy thêm cho mở rộng tự do. Trương Gia Bình, CEO của tập đoàn phần mềm Việt Nam FPT, có thể đúng là người giàu nhất nước này. “Sự mở cửa ra với bên ngoài của Việt Nam do công nghệ là đáng chú ý,” theo như nhận xét của Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam thuộc trường Đại học New South Wales và Viện hàn lâm Quốc phòng Úc (Australian Defense Force Academy). Phân tích thêm điều này, Thayer đã phán đoán rằng “Việt Nam sẽ tiếp tục mở cửa và mở cửa và mở cửa.”
Đúng vậy, nó còn là một nước đang phát triển với những vùng quê nghèo khổ. Tuy nhiên, sự phát triển dài lâu của Việt Nam thì thật đặc biệt. “Mới cách đây không lâu vào năm 1993, 58% dân số sống ở mức nghèo khổ, so với 37% năm 1998 và 29% năm 2002,” World Bank đã ghi nhận. “Những số liệu này giảm một nửa lượng dân chúng sống ở mức nghèo trong chưa đầy một thập kỷ. Hoặc, nói cách khác, là gần một phần ba dân số đã được đưa ra khỏi diện nghèo đói trong chưa đầy mười năm.” Quả thực, vào năm 2002, tỉ lệ nghèo đói của nó về căn bản thấp hơn những nước khác trong cùng mức độ phát triển. Vì vậy, ‘tốc độ’ mà tình trạng nghèo đói được thuyên giảm tại Việt Nam là nhanh hơn nhiều so với tốc độ trung bình ở khắp các nước đang phát triển.”
Điều thần kỳ Việt Nam phác họa căn nguyên của nó bằng ngược thời gian về những năm giữa thập kỷ 1980, khi mà đất nước bị tê liệt bởi những cơn khủng hoảng kinh tế. “Về căn bản nó là một tình huống khẩn cấp,” theo như đánh giá của Edmund Malesky, một chuyên gia về Việt Nam của trường California University, San Diago. Năm 1986, đảng Cộng sản quyết định dấn mình vào con đường táo bạo bằng cải cách theo định hướng thị trường. Hà Nội chuyển dịch dần việc xoá bỏ tập thể hóa nông nghiệp, nới lỏng những hạn chế đối với tự do kinh doanh, khuyếch trương khu vực tư nhân, mở rộng tự do hóa giá cả, và đẩy mạnh thương mại và đầu tư nước ngoài.
“Nó thực sự có tác dụng trợ giúp bởi vì bạn có thể thấy được hệ thống khác đã bị thất bại một cách khốn khổ,” đó là nhận xét của Malcolm Gillis, chủ tịch hội đồng quản trị Quỹ Giáo dục Việt Nam. Những cải cách ở Việt Nam hậu 1986 là tương tự với những gì mà Trung Quốc đã đi theo sau năm 1978. Như Malesky chỉ rõ, Việt Nam đã có một khu vực ngoài quốc doanh đáng kể từ trước 1986. Qua nhiều năm, những doanh nghiệp tư nhân đã bị kẹp chặt trong khe hẹp của một thể chế kế hoạch hóa tập trung. Nước này cũng đã cho phép thử nghiệm trên thị trường nội địa được trao đổi mua bán nông sản.
Ngày nay, Việt Nam lấy làm kiêu hãnh có một nền kinh tế ở thị thành gây ấn tượng mạnh. “Những tầng lớp trung lưu của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã phản ứng khá tốt với chủ nghĩa tư bản,” theo báo cáo của REUTERS tháng 11-2006. “Hoặc những gia đình có những bữa ăn nhà hàng quá hoang toàng, những thương nhân tậu những chiếc xe hơi sa xỉ, hoặc những người dân mua sắm những món hàng vô nghĩa, phong cách tiêu dùng phô trương đã trở nên phổ biến, đặc biệt ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.”
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam tăng mạnh vào đầu những năm 1990, rồi suy sụp trong và sau cuộc khủng hoảng tài chính Á châu 1997-1998, và bùng nổ một cách dễ dàng trong mấy năm qua. Nó đã đạt một mức kỷ lục năm 2007. Trong Chỉ số Tin cậy FDI mới nhất của nó, hãng tư vấn A.T. Kearney đã xếp Việt Nam đứng thứ 12 trong đích đến hấp dẫn nhất của thế giới, là “mức xếp hạng cao nhất chưa từng thấy” của Việt Nam trong bảng chỉ số.
“Tôi thật sự nhận ra cái xứ sở sinh động,” Gillis nói. “Sinh động với sự đổi mới.” Tầm quan trọng của nhân khẩu học là không thể bỏ qua. Ước đoán có hơn 2 phần 3 trong số 85 triệu người Việt Nam hiện dưới 35 tuổi. Chất trẻ trung đó “làm nên một đất nước rất năng động,” theo Raymond Burghardt, từng làm việc tại Tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam từ 2001 đến 2004.
Nhân tố trẻ trung cũng giúp giải thích vì sao Việt Nam trở nên hâm mộ người Mỹ đến thế. Hầu hết người Việt không có ý niệm thực sự về chiến tranh. Song họ nhận biết được đầu tư của Hoa Kỳ giúp cho đất nước họ ra sao, và, như Malesky nêu ra, “bản chất luôn khát vọng” của họ khuyến khích một cái nhìn tích cực đối với ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Giới trẻ Việt Nam cũng tỏ ta mê văn hóa đại chúng của Mỹ.
“Sự khâm phục đối với Hoa Kỳ thuộc về khía cạnh của thứ quyền lực mềm,” Thayer nhận xét. “Mỹ có một sức hấp dẫn to lớn.” Khi nhà sáng lập Microsoft Bill Gates viếng thăm đất nước này vào tháng Tư năm 2006, ông đã nhận được một sự nghênh đón như một người anh hùng. Trong một hiệu sách nào đó của Hà Nội, Burghardt nói, “đều có cả một chuyên mục nhiệt thành với Bill Gates.” Burghardt phán đoán rằng Việt Nam giờ đây nằm trong số những quốc gia hâm mộ người Mỹ nhất ở Đông Nam Á. “Có nhiều người dân cay nghiệt với chúng tôi,” ông thú nhận, “song đó là một ngoại lệ chiếm tỉ lệ nho nhỏ.”
Sau khi Liên Xô sụp đổ, Hà Nội đã đưa ra quyết định thực dụng tăng cường các liên hệ ngoại giao của mình ở Đông Nam Á và bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký kết một thỏa thuận thương mại song phương vào năm 2000, và thương mại hai chiều kể từ đó đã tăng lên. Ở đó cũng có sự tiến bộ quan trọng trong hợp tác an ninh đôi bên. Người Việt Nam lo ngại về ảnh hưởng khu vực đang gia tăng của Trung Quốc, theo nhận xét của Burghardt. Cùng lúc, họ lại không muốn bị nhìn nhận như là đang tham gia vào một liên minh “chống Trung Quốc.”
“Giờ đây họ đang phân chia thành thế tam giác rõ rệt,” Malesky nói, trong niềm hy vọng giữ những mối liên kết gần gũi với cả Washington và Bắc Kinh. Vấn đề người Việt Nam bị thương tật bởi Chất độc Da cam làm rụng lá cây trong chiến tranh (thứ được Burghardt gọi là “bóng ma cuối cùng còn lại của cuộc chiến”) vẫn còn là một nỗi đau đối với Hà Nội. Tuy nhiên, theo Burghardt về căn bản ông “lạc quan” rằng quan hệ Hoa Kỳ-Việt Nam “sẽ tiếp tục được cả thiện.”
Đương nhiên, chừng nào mà chính phủ Việt Nam vẫn còn là một chế độ độc tài chuyên chế độc đảng ngược đãi những người bênh vực cho dân chủ, các nhà báo độc lập, những người có đức tin tôn giáo, và các dân tộc thiểu số, thì tiến trình nâng cấp quan hệ song phương sẽ bị cản trở. Hà Nội thừa nhận điều này, và trong những năm gần đây nó đã thực hiện những bước đi làm dịu những mối quan ngại của Hoa Kỳ. Vào tháng 11-2006, Bộ Ngoại giao đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách những nước có đối xử tồi tệ nhất với tự do tôn giáo. Song nhiều nhà hoạt động có cảm giác rằng đó là một sai lầm. Vào đầu tháng này, Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế ở Hoa Kỳ đã đưa ra một báo cáo với lý lẽ thuyết phục rằng, trong khi Việt Nam thực hiện được “những tiến bộ đáng chú ý,” chính quyền Bush đã hành động hấp tấp trong việc thay đổi mức độ đánh giá về nước này.
Trong sự khảo sát mới nhất của mình về tự do trên toàn thế giới, tổ chức Freedom House ** đã đưa ra mức xếp hạng thấp nhất cho Việt Nam (7 điểm trên 7) cho “quyền lợi chính trị” và mức xếp hạng thấp thứ ba (5 điểm trên 7) cho “các quyền tự do dân sự.” Điểm số xếp hạng gần đây đưa Việt Nam lên trước Trung Quốc nhưng lại đứng sau Malaysia, Singapore, và Thái Lan. Xét chung thì Freedom House phân loại Việt Nam thuộc diện “không có tự do.”
“Đây vẫn còn là một hệ thống chính trị theo chủ nghĩa Lê nin,” Burghardt nhận xét. Mặc dù các hoạt động bất đồng chính kiến ở nước này tỏ ra can đảm, nhưng quy mô của nó vẫn nhỏ bé. Việt Nam không làm gì để tiếp cận với “tâm trạng không ổn định của giới trí thức” trong khi Trung Quốc đã có từ cuối những năm 1980 (trước cuộc đàn áp ở Quảng trường Thiên An Môn). “Dân chúng thì đúng là tự hào về những gì đất nước đã làm được,” Burghardt giải thích, và họ trao sự tin cậy của mình cho đảng cầm quyền để khôi phục nền kinh tế và nâng cao mức sống.
Thật thú vị, Malesky nhận xét rằng Việt Nam đã có nhiều tham vọng hơn Trung Quốc trong cuộc thử nghiệm “dân chủ bên trong nội bộ đảng.” Ông cũng nói rằng so với Trung Quốc, bộ máy hành chính quan liêu của chính phủ Việt Nam độc lập hơn đối với đảng Cộng sản. Tuy nhiên, Trung Quốc đã làm được nhiều hơn trong việc đẩy mạnh cải cách luật pháp.
“Đó là một nhóm đáng kể tại Việt Nam vẫn còn lo sợ hòa bình phát triển,” Thayer nói. “Ở đó vẫn còn một thứ tàn dư hệ tư tưởng chưa rũ bỏ đi được.” Ông nhấn mạnh rằng “đảng Cộng sản không thống nhất,” với một số thành viên tán thành mở rộng tự do hơn những người khác. Trong khi nền kinh tế đã thay đổi, ngày càng nhiều hơn những người Việt Nam sẽ bước vào giới trung lưu và vị trí của các công ty tư nhân sẽ tiếp tục được nâng lên. “Những người này sẽ đòi hỏi một tiếng nói trong việc ra các quyết định chính trị,” Thayer biện luận. “Hệ thống nhà nước không thể khước từ tiếng nói của họ.”
Có thể – song bao lâu thì điều đó xảy ra? Trong một bài báo mới đây về Việt Nam, thông tín viên của tờ Economist Peter Collins đã viết rằng “ngay cả khi chính phủ chịu chấp nhận một phạm vi rộng lớn những ảnh hưởng từ bên ngoài, nó vẫn cố gắng giữ quyền kiểm soát trên tất cả những gì thuộc về chính trị và văn hóa.” Trong khi Burghardt nhận xét giọng buồn rầu, “cải cách chính trị thực sự sẽ rất chậm chạp ở Việt Nam.”
Duncan Currie là chủ nhiệm của tờ The America.
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2008
* Good Morning, Vietnam: tên bài cũng là tên một cuốn phim truyện nổi tiếng về chiến tranh Việt Nam trình chiếu năm 1987, có nam tài tử tài danh Robin Williams thủ vai chính, giành các giải ASCAP, American Comedy Award, Golden Globe,… và được đề cử giải OSCAR