Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Trọng Liễu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Trọng Liễu. Hiển thị tất cả bài đăng

11/2/09

Lộn chiều - Bùi Trọng Liễu

Ba chẳng, bốn vì. Đọc được không cấm, và cấm không được đọc.


Lộn chiều


Bùi Trọng Liễu

Nguyên giáo sư đại học (Paris, Pháp)


Thỉnh thoảng đọc tin ở châu Âu, thấy có người lái xe chạy lộn chiều xa lộ. Xét ra, thủ phạm hoặc là người già lẩm cẩm, hoặc là người trẻ say rượu hay say ma túy. Xe chạy lộn chiều gặp xe chạy xuôi chiều thì chắc chắn là « đón đầu » tai họa. Chuyện lộn chiều khác chuyện « đổi chiều »; đổi chiều hợp lý thì không cứ phải là chuyện xấu.

Như ai ai cũng biết, ta học mượn viết nhờ chữ Hán trong nhiều thế kỉ – thực ra chữ Nho đọc lên thì người Tàu chẳng hiểu, mà người dân ta bình thường cũng chẳng hiểu – rồi rốt cục cũng lòi ra được thứ chữ Nôm bất nhất và rất khó học, mà cũng không dùng làm chữ viết chính thức của nước mình (1); đến đầu thế kỉ 20 dần dần chuyến sang chữ Quốc ngữ; và đến khi thành lập Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tháng 9/1945, thì chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức (2).

Chữ Hán chữ Nôm viết (theo cột) từ phải sang trái, chữ Quốc ngữ viết từ trái sang phải. Chữ Quốc ngữ rất thuận lợi cho người Việt Nam, ai ai cũng thấy. Thay đổi cách viết, đó là « đổi chiều », không phải là « lộn chiều ».

Để minh họa cho cái ý « lộn chiều », tôi xin dùng câu chuyện tiếu lâm sau đây – có lẽ được chế biến đầu thế kỉ 20 vào lúc giao thời đổi mới : Có thày đồ nho ở quê, mới học được chữ Quốc ngữ, tự hãnh diện là mình tư duy đổi mới. Thày ra tỉnh có việc. Gặp lúc thày mót tiểu tiện, loay hoay không biết làm sao. Tình cờ thấy có bức tường bao quanh một công sở quét vôi sạch sẽ, trên đề bốn chữ Quốc ngữ. Thày mừng quá, vạch quần ra đái ngay dưới chân tường. Có người cảnh binh đến bắt phạt. Thày bảo : « Sao lại phạt ? Tôi đọc rõ ràng bốn chữ « đái được không cấm ». Người cảnh binh trả lời: « Ông nhầm rồi. Chữ quốc ngữ đọc từ trái sang phải. Không phải là chữ Nho, mà đọc từ phải sang trái. Bốn chữ này là “cấm không được đái” đấy!».

“Lộn chiều” là như vậy. Đặc biệt là tôi muốn nói đến Giáo dục đại học ở nước ta. Các nước tiên tiến trên thế giới, có cả hàng thế kỉ để rút kinh nghiệm cho giáo dục đại học của họ, với những thành quả có kiểm nghiệm. Nếu thực hiểu cách làm của họ thì rút ngắn được con đường mình đi. Còn nếu đi lộn chiều, thì chỉ hỏng việc. Tôi không nói lê thê, chỉ xin nêu vài thí dụ:

Nước người ta, lo đào tạo nhân sự trước, có đủ giảng viên rồi thì mới tính chuyện mở đại học, xây giảng đường, phòng thí nghiệm, thư viện, trang bị và tuyển sinh. Không ai làm ngược lại, trừ ta làm theo kiểu cho mở vung vãi trường đại học, tuyển sinh, xây phòng ốc, rồi mới lo kiếm giảng viên.

Nước người ta, phải học hành và được đào tạo có thành quả, rồi mới được bổ nhiệm vào chức vụ; không có chuyện bổ nhiệm vào chức vụ rồi mới cho học bổ túc – nếu học thật thì vấn đề đã không trầm trọng – để có bằng cấp hoành tráng để thăng quan tiến chức.

Nước người ta, có thành quả rồi mới đánh giá xếp hạng cao thấp, không có việc họp cả mấy chục buổi bàn đi bàn lại, để rồi khẳng định rằng đến năm này năm nọ thì có bao nhiêu đại học lọt bảng top gì gì đó. Nước người ta phát triển mạnh giáo dục, khoa học, kỹ thuật, công nghệ, do đó đến lúc nào đó họ có được giải Nobel khoa học, chứ không phải là cứ ngồi trong văn phòng, dựa trên những thành tích chưa có, để phán ra rằng tới năm này năm nọ là sẽ có được giải Nobel khoa học.

Trong trường hợp một nước có chính quyền tập trung, như nước Pháp, (nói thật tóm tắt) cho tới nay, người ta bổ nhiệm giáo sư đại học theo trình tự: hội đồng toàn quốc xét duyệt các hồ sơ khoa học để quyết đinh trước ai có thể là ứng viên giáo sư đại học (để giữ được giá trị tối thiểu cho cả nước), rồi sau đó, các hội đồng khoa học từng trường mới xét hồ sơ ứng viên để tuyển chọn. Không có chuyện cơ sở đề nghị rồi hội đồng toàn quốc « phong chức danh » giáo sư, phong rồi mới đi tìm trường để cài chỗ (3).

Đấy là vài ví dụ đúng/lộn chiều.

Là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tôi cũng biết rằng có sự tế nhị khi phải phát biểu về việc làm của trong nước (dù cho có lời khẳng định chính thức rằng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc).

Hơn thế nữa, tôi cũng biết là có người cho rằng hiện nay những ai ngoài hệ thống quản lý giáo dục thì không nên phát biểu, vì lẽ rằng những người trách nhiệm đang trong trạng thái « ba chẳng »: « có ai nói cũng chẳng nghe; có nghe cũng chẳng hiểu ; có hiểu cũng chẳng theo ».

Tôi nghĩ khác, do « bốn vì ». Thứ nhất là vì tôi không vơ đũa cả nắm. Thứ nhì là vì nhân sự không vĩnh viễn. Thứ ba là vì đất nước không là của riêng ai, còn có công luận. Thứ tư là vì lời phát biểu còn có dấu vết, hậu thế sẽ phán xử.

Tất thế nào cũng có người phản biện, bảo là tôi không nói đến những thành tựu, chỉ đem chuyện ngụ ngôn để ví von, nêu bức xúc, mà không đề nghị giải pháp cụ thể. Thưa rằng về những thành tựu vẻ vang thì Bộ Giáo dục Đào tạo đã luôn luôn có văn bản rồi (cũng như những kết quả đạt được về kinh tế thì mấy quan chức đã có nhiều dịp để trưng), tôi có phụ họa cũng là thừa ; còn về những bất cập thì tôi có đề nghị giải pháp mãi rồi đó, từ 1975 đến nay. Không những tôi đề nghị về mặt cá nhân, mà tôi còn tham gia góp phần kiến nghị tập thể nữa. Ai không tin, xin mời kiểm chứng trong trang mạng của tôi http://www.buitronglieu.net, trong đó tôi có chép lại 4 cuốn sách của tôi đã xuất bản trong nước, có giấy phép hẳn hoi, có gửi biếu cả quan chức to nhỏ, và chép lại 34 bài báo của tôi gần đây, hầu hết là đăng trên báo trong nước. Nghĩa là những tài liệu « đọc được không cấm », chứ không phải là loại tài liệu « cấm không được đọc ».

Những kiến nghị cá nhân tôi nêu từ nhiều năm nay gồm nhiều điểm, như : sự cần làm an tâm nhà giáo, không nên đi ngược lộ trình mà nhiều nước tiên tiến đã đi và có trải nghiệm để nước ta có thể tiến nhanh mà không mắc sai lầm, chớ nên để số lượng đè chất lượng, khiêm tốn thì dễ thành công, vấn đề giảng dạy bằng tiếng nước ngoài lợi hại như thế nào, …, và đặc biệt cho giáo dục đại học là đề nghị giải pháp đại học hoa tiêu – (đề nghị công trình cỡ nhỏ mà cả chục năm chưa thực hiện nổi, sao lại đòi thực hiện công trình khổng lồ, trừ khi muốn tung hỏa mù!).

Tôi viết bài này vào thời điểm đã chuyển từ năm Chuột sang năm Trâu. Chuột là con vật đẻ nhiều, lại gặm nhấm cũng dữ, gây nhiều tai họa. Liên tưởng tới năm Chuột, là nghĩ tới chuyện đã đẻ ra bao nhiêu đề án, mở vung vãi bao nhiêu trường đại học và cao đẳng, ngốn hàng bao nhiêu tỉ, mà không thấy kết quả, không thấy lối ra. Con Trâu là con vật cần cù, nó cặm cụi kéo cầy nuôi sống bao nhiều thế hệ người Việt Nam, nó là con vật có hiệu quả khi chưa có những phương tiện tối tân để thay thế nó. Tất nhiên nó không được dùng để phô trương hào nháng như con Rồng, con Hổ. Nghĩ tới tình trạng một nước chỉ mới ước mơ phát triển nhảy vọt, chỉ mới nhắm hình thức bên ngoài mà chưa có đề án khả thi và phương tiện thực sự để thực hiện, liên tưởng tới con Trâu cũng là nghĩ đến sự trở lại với thực tế, cần cù làm ăn xây dựng, có cơ sở thực sự để tiến lên một cách vững chắc. Đó cũng là lời mong mỏi cho năm Trâu này.

Bùi Trọng Liễu
Chú thích:

(1) Tôi không hề có ý mỉa mai các chuyên gia Hán Nôm mà tôi trân trọng: tôi rất hiểu vai trò quan trọng của việc sưu tầm các văn bản bằng chữ Nôm đã có, vì đó là một phần tài sản văn hóa viết của nước nhà. Bản thân tôi cũng thỉnh thoảng viết chữ Nôm giải trí lúc thư nhàn. Ở đây tôi chỉ phát biểu về sự hình thành của chữ Nôm và cách sử dụng nó của người xưa. Nhắc lại nhận xét của ông Dương Bá Trạc (1884-1944), « trong Tiếng gọi đàn » (Nghiêm Hàm ấn quán, Hà Nội 1925) ông viết :

[…]. Vả mô-phỏng của người mà lại cần phải có tự ý mình suy nghĩ ra: như người Pháp học văn-chương La-mã mà lập ra được hẳn một nền văn-học riêng; người Nhật học chữ Hán mà chế ra được thứ chữ bình-giả, phiến-giả, làm một lối chữ hòa-văn riêng của mình [...]. [Người mình] Bắt chước người Tàu học chữ Hán mà trong khoảng mấy ngàn năm chỉ học nhờ viết mướn, không hề nghĩ ra được một thứ chữ quốc-văn nào, trừ ra có một thứ chữ nôm cũng viết bằng chữ Hán mà ai muốn viết thế nào thì viết, chưa thành lối chữ nhất định [...]

(2) Tôi không biết vì lẽ gì mà chữ Hán ngày nay chuyển cách viết theo kiểu từ trái sang phải, chắc vì một lý do thuận lợi nào đó. Chỉ biết rằng 1955, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa mới quyết định viết từ trái sang phải. Năm 2004, Đài Loan mới theo quy định này. Còn tiếng Nhật thay đổi cách viết từ trái sang phải sau thế chiến thứ hai, 1946. Lại được biết là các manga (mạn hoạ) của Nhật, có từ thế kỉ 18, vẫn giữ kiểu viết cũ ; ngay cả bản dịch ở Pháp cũng có bản dịch in đọc từ phải sang trái. (Cám ơn anh HVT đã chỉ cho tôi tài liệu dẫn mấy chi tiết này). Xem ra về cách viết này, Việt Nam ta lại có vẻ « đi trước», ngay từ thời còn bị Pháp bảo hộ. Giấy khai sinh của tôi (1934) và của các anh chị tôi, nhất là chị cả tôi trước đó (1917) và có thể trước đó nữa – dùng song song hai loại chữ viết : Quốc ngữ và Nôm – chữ Nôm đã viết từ trái sang phải (xem hình kèm đây).

Đây là ở Bắc kỳ – (các tên gọi Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ chỉ được chế biến thời chính phủ Trần Trọng Kim, sau cuộc Nhật đảo chính Pháp, trao lại « độc lập » cho triều đình Huế ngày11/3/1945) – còn ở Nam kỳ, thuộc địa của Pháp, thì tôi không biết. Tuy nhiên, qui định còn bất nhất. Năm 1945, tôi còn thấy các bức hoành phi viết chữ nho từ phải sang trái. Thời chính phủ Trần Trọng Kim, tuy dùng chữ Quốc ngữ, nhưng ngôn ngữ còn mang nặng kiểu chữ Nho, thí dụ như tiêu đề của công văn ở Bắc bộ còn viết (bằng chữ Quốc ngữ) : « Việt Nam Đế quốc, Bắc bộ Khâm sai phủ ». Hoặc như trường Trung học bảo hộ (trường Bưởi) được đổi gọi là « Quốc lập trung học hiệu Chu Văn An », vv. Chỉ sau Cách mạng Tháng tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới hoàn toàn dùng chữ Quốc ngữ, nhưng tên nước thì … cũng vẫn chưa gọi « xuôi » là « Cộng hòa Dân chủ Việt Nam » !

Có một thời, để giễu mấy ông « nghị gật », người ta bảo là khi họp phải biểu quyết, mấy ông ấy đang « đọc văn bản bằng chữ Nho » : đọc theo cột, từ trên xuống dưới ; nhưng không nói là gật từ phải sang trái hay ngược lại.

(3) Tôi có viết bài chi tiết về vấn đề này : đó là bài « Trình tự đảo lộn », đăng trên tạp chí Tia Sáng số tháng 7/2002 trong đó tôi có nói đến quá trình bàu và bổ nhiệm giáo sư đại học tại Pháp (trước đó, trong nhiều năm, tôi đã kiến nghị trực tiếp bằng thư). Tôi không chép lại nội dung đây, vì có trong trang mạng của tôi.

Nhân đây, xin kể lại một sự việc : vào dịp Pháp kỷ niệm 50 năm Đồng minh chiến thắng Đức quốc xã (tháng 5/1995), một phái đoàn Việt Nam do ông Chủ tịch nước Lê Đức Anh dẫn đầu sang dự lễ. Vào dịp ấy, tôi gặp ông Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo thời đó cũng là thành viên của đoàn. Tôi hỏi ông tại sao, nói mãi rồi, mà trong nước cứ tiếp tục « phong hàm » giáo sư, mà không cho « bàu và bổ nhiệm chức vụ giáo sư » (ở trường đại học) như ở các nước tiên tiến. Ông trả lời tôi ngắn ngọn : ở nước khác, người ta làm thế, nhưng ở ta thì không làm như vậy được ! Tôi chả hiểu ông hàm ý nói gì, nhưng có người xấu miệng lại diễn giải rằng tại nếu làm như nước khác, thì mấy ông quản lý ở Bộ không được danh giáo sư. Từ 2002 đến nay, đổi gọi « phong hàm » thành « công nhận chức danh », trên thực tế cũng chỉ là thay đổi từ ngữ, nhưng vẫn đồng nghĩa : nghĩa là « mèo vẫn hoàn mèo ». – (Phòng xa trường hợp có bạn đọc trẻ không biết xuất xứ của cụm từ này, tôi xin nhắc. Theo « Truyện cổ nước Nam », có một ông có con mèo quí, muốn tôn xưng nó, (như thấy tôn xưng vĩ nhân ta của thế kỉ 21 ngày nay) nên ông ta gọi nó con « Trời » ; có người bảo là « Mây » che được « Trời » ; ông ta bèn chữa gọi nó con « Mây » ; lại bảo « Gió » thổi được « Mây » ; ông ta đổi gọi nó con « Gió » ; lại bảo «Vách » (có bản viết « Thành ») chặn được « Gió » ; ông ta đổi gọi nó là con «Vách » (« Thành ») ; lại bảo « Chuột » đục được «Vách »(« Thành »); ông ta đổi gọi nó là con «Chuột » ; lại bảo « Mèo » bắt được « Chuột » ; ông ta đành lại gọi nó là con « Mèo » vậy).

24/11/08

Những Pygmalion Việt Nam thuở nào - Bùi Trọng Liễu

Những Pygmalion Việt Nam thuở nào

Bùi Trọng Liễu



Trước hết, xin nhắc lại Pygmalion là ai trong thần thoại Hy-lạp. Theo một truyền thuyết, Pygmalion là vua xứ Chypre, đồng thời là một nhà điêu khắc tài ba. (Ở đây, tôi không nói tới Pygmalion, vua xứ Tyr, liên quan đến câu chuyện nữ hoàng Didon và Carthage) (1). Pygmalion này là người “ghét phụ nữ” – tiếng Pháp là misogyne, hình như tiếng Anh là misogynist hay là woman-hater – cho nên chàng ở vậy, không lấy vợ. Có nguồn cho rằng không phải bẩm tính trời sinh chàng ta như vậy, mà là vì phụ nữ xứ này không đoan trang nên chàng ghét. Chàng ta chỉ chăm chú tạc tượng, và pho tượng mà chàng ta say sưa tạc là một tượng phụ nữ bằng ngà, mà chàng ta đặt tên là Galatée. Tượng đẹp vô cùng, làm cho Aphrodite, nữ thần Ái tình, bực mình, chơi khăm, phù phép làm cho chàng ta đâm ra mê pho tượng, đến mức ngẩn ngơ mê ngày mê đêm. Chàng ta van xin cầu khẩn, nên nữ thần Aphrodite siêu lòng, phù phép cho pho tượng trở thành người. Và chính nữ thần làm chủ hôn đám cưới cặp này. Tôi không kể nối chuyện họ sinh con đẻ cái, vì không phải là cốt lõi câu chuyện mà tôi muốn nói.

Chuyện Pygmalion gợi hứng cho nhiều tác gia như Rameau, nhà soạn nhạc Pháp, viết vở kịch múa ballet Pigmalion (Rameau viết với chữ “i” thay vì chữ “y”) năm 1748, được coi như là vở nhạc kịch nổi tiếng nhất của Rameau. Nhưng tác gia gây chú ý ở thế kỉ 20, có lẽ là nhà văn Ái-nhĩ-lan George Bernard Shaw, với vở kịch Pygmalion, diễn lần đầu tiên năm 1914, và sau đó được chiếu thành phim lần đầu vào năm 1938. Sau đó là cuốn phim (Mỹ) My Fair Lady (1964) của George Cukor, rất ăn khách với hai diễn viên Rex Harrison và Audrey Hepburn, chuyển từ vở musical theatre (2) của Alan Jay Lerner et Frederick Loewe. Tất nhiên, không phải là chuyện Pygmalion trong thần thoại, mà là chuyện Pygmalion được “phù hợp hóa” trong xã hội Anh cuối thể kỉ 19 đầu thế kỉ 20.

Chuyện đại khái tóm gọn như sau:

Một nhà ngôn ngữ học trung niên, Henry Higgins, đánh cuộc với với một người quen, rằng có thể “biến cải ” một nàng bán hoa nghèo Eliza Doolittle ăn nói quê mùa thô lỗ, thành một thiếu nữ có giọng nói và ngôn ngữ của người quí phái. Và muốn đạt được kết quả, chàng chỉ cần dạy nàng học nói một số giờ. Kết quả vượt sự dự đoán, Eliza nhanh chóng học nói được trôi chảy, và do một sự dàn dựng đùa vui, bà mẹ Henry hóa trang và dẫn Eliza tới dự buổi dạ hội khiêu vũ của giới quyền quí, ai ai cũng lầm tưởng nàng là một thiếu nữ giòng quí phái. Một chàng trai trẻ quí phái Freddy Eynsford-Hill mê nàng và muốn cưới nàng làm vợ. Eliza do dự, nhưng trước thái độ “có vẻ” lãnh đạm của Henry, mặc dù nàng đã cố thử làm lung lay sự thản nhiên của nhà ngôn ngữ học này, nàng giận. Câu hỏi: là Henry -“Pygmalion” yêu thầm Eliza-“Galatée” mà không tỏ tình? Eliza-“Galatée”, do dự vì thực sự không yêu Henry-“Pygmalion” mà chỉ biết ơn chàng đã “tạo” nên mình?

Bản kịch của George Bernard Shaw kết thúc bằng màn kịch : Eliza nhận lấy Freddy, và mọi người dắt nhau đi dự đám cưới, chỉ còn trơ một mình Henry “cười gằn”.

Cuốn phim My Fair Lady “có hậu” hơn, tuy lấp lửng : Eliza không lấy Freddy, mà quay trở lại tìm Henry.
Tất nhiên, bản kịch của George Bernard Shaw chỉ giữ 2 điểm của tích Pygmalion thần thoại Hy-lạp: chàng trai tuổi sồn sồn “ghét phụ nữ” trở thành mê say đắm nhân vật của mình tạo nên.

Người ta đã “phù hợp hóa” được tích Pygmalion nguyên thủy, vậy thì tôi cũng chẳng ngại mà dám “phù hợp hóa” tích này để diễn tả vài ý tưởng của tôi:

Sau nhiều năm loạn li, xã hội Việt Nam thế kỉ 19 bước vào giai đoạn suy đồi, nhà cầm quyền ngu dốt, để đến nỗi mất nước. Nửa đầu thế kỉ 20, và nhất là vào Cách mạng mùa Thu 1945, biết bao nhiêu người Việt Nam, già trẻ trai gái – những Pygmalion không phân biệt tuổi tác, không phân biệt giới tính – ước mơ góp phần mình để xây dựng nên một nước Việt Nam mới, độc lập, với một xã hội dân chủ, công bằng, phồn vinh với những người công dân được tự do, bình quyền, có học vấn, có lòng yêu thương nhau, vv. - một thứ “Galatée lý tưởng”. Nhiều thế hệ Pygmalion Việt Nam đó đam mê, nên đã từ bỏ cả giàu sang, hạnh phúc riêng tư, để góp phần tạc “Galatée lý tưởng” ấy và đã vĩnh viễn nằm xuống, mà chưa kịp thấy được hình dáng cái mình ước mơ kia ra sao. Nhưng vì những lý do bên ngoài và bên trong, “Galatée lý tưởng” kia đã trở nên nham nhở, phần thì thành công đẹp đẽ, phần thì xấu xa vô cùng, phần trí tuệ thì hiển nhiên có vấn đề. Lại chẳng có một nữ thần Aphrodite phù phép trợ giúp. Những Pygmalion Việt Nam ngày nay còn đang đam mê, liệu rốt cục sẽ “cười gằn”, hay là còn đang trong tình trạng của một cái hậu “lấp lửng” ?

Chú thích :

(1) Một số chi tiết đã được trình bày trong mấy cuốn sách của tôi đã xuất bản trong nước hay còn bỏ ngỏ thường xuyên cập nhật, xin mời bạn đọc mở xem trong trang mạng : http://www.buitronglieu.net

(2) Tiếng Pháp là comédie musicale. Comédie thật ra nguyên thuỷ không có nghĩa hài hước như có người lầm tưởng, mà chỉ có nghĩa là một vở kịch nhằm mô tả ( thường là để chỉ trích một nét xấu nào đó) xã hội đương thời hay cận đại. Tôi không thấy tiếng Việt trong từ điển, và thấy rất khó dịch vì người Việt Nam ta phần đông không quen với loại này. Comédie musicale là một vở kịch có nhạc, ca, múa , phần nào nó là kế thừa của những ballet, opéra, opéra-bouffe, opérette… Hình thức comédie musicale này một thời rất thịnh hành ở Mỹ, đặc biệt là ở những rạp hát ở Broadway (New York). Cám ơn các anh chị Đ.T.K., H.D.T , H.VT., … đã có lời giải thích và gợi ý là nên dịch là « ca nhạc kịch » hay gọn hơn, là « nhạc kịch ». Tôi băn khoăn, không dám lựa chọn, xin để lửng lơ, và tạm dùng tiếng nước ngoài.

Sphinx và văn hóa Việt Nam thời toàn cầu hóa

Lời mào đầu : Về truyện chàng Œdipe, con Sphinx, phức cảm « hài tử đối dị tính phụ mẫu nhất phương đính luyến tình kết », và cái chân thứ bốn trong thần thoại Việt Nam.


Sphinx và văn hóa Việt Nam thời toàn cầu hóa

Bùi Trọng Liễu


Trước hết, tôi xin nhắc lại Sphinx là cái quái gì : Sphinx, một thú thần thoại, mình sư tử đầu người trong thần thoại Ai-cập – tượng trưng cho thần mặt trời Hamarkhis được « thể hiện » qua tượng đá khổng lồ gần Kim tự tháp của vua Ai-cập (pharaon) Khephren ; có thuyết cho rằng mặt của tượng Sphinx của mặt của chính vua Khephren. (Trong thần thoại Ai-cập còn nhiều loại sphinx khác, thí dụ như ở các đền Karnak, Louqsor, có những sphinx mình sư tử đầu cừu đực sừng cong, vv.). Tôi dùng từ sư tử theo nghĩa tiếng Việt ngày nay, nghĩa là con thú bốn chân (lion), chứ không theo nghĩa thời Lý, có lẽ chỉ con cá sấu (theo bác Hoàng Xuân Hãn trong cuốn « Lý Thường Kiệt »). Tôi không muốn dài dòng thêm.

Sphinx nhập vào văn hóa Hy-lạp, được chế biến thành con quái thần thoại đầu phụ nữ mình thú, là một quái vật phá hoại mùa màng và thích ăn thịt người, ngồi trên tảng đá cao, chất vấn khách qua đường bằng câu đố :
Vật gì sáng bốn chân đi,
Trưa hai chân đứng, chiều thì lại ba.
Ai không trả lời được thì bị ăn thịt. Cho đến một ngày, chàng Œdipe đi qua, bị hỏi câu đó, chàng trả lời : « Đó là con người : lúc còn nhỏ, chỉ biết bò nên dùng bốn chân tay ; lúc nhớn lên, đi bằng hai chân ; lúc già yếu phải chống gậy nên có ba chân ». Con quái nữ Sphinx tức giận vì có người trả lời được câu đố của mình, mới nhảy từ trên cao xuống đất tự tử chết. [Nhưng có thuyết cho rằng Sphinx còn hỏi Œdipe thêm một câu nữa : « Có hai chị em, nối tiếp sinh ra nhau. Ai vậy ? ». Œdipe trả lời : « Ngày và đêm ». Lúc ấy con quái mới nổi giận, nhảy từ trên cao xuống tự tử chết].

Chuyện câu đố này tôi có học trong sách giáo khoa ta thuở nhỏ, hình như lớp « đồng ấu », vào khoảng năm 1942; cứ tưởng là chuyện Việt Nam, lúc ấy còn thuộc Pháp, chưa có chuyện toàn cầu hóa. Sau này mới biết là chuyện thần thoại Hy-lạp !

Nhân nói đến chàng Œdipe, cũng xin kể tiếp thêm một chút : Vua xứ Thèbes chậm có con nối, mới đi cầu xin lời sấm (oracle) của thánh thần nơi Delphes. Lời sấm phán rằng sẽ có con trai, nhưng nó sẽ giết cha và lấy mẹ. Khi đứa con trai đẻ ra, hoàng hậu Jocaste sợ lời sấm, nhưng không nỡ giết con, mới đem bỏ đứa bé vào trong núi. Mấy người chăn cừu nhặt được, cứu đứa bé và dâng cho vua xứ Corinthe. Vua này và hoàng hậu không có con, nuôi Œdipe như con đẻ của mình. Lớn lên, Œdipe mới biết có lời sấm đó, chàng sợ hãi và vẫn tưởng rằng vua và hoàng hậu Corinthe là cha mẹ đẻ của mình, vội vã bỏ đi. Dọc đường, tình cờ gặp vua Thèbes, nhưng không biết là bố đẻ của mình ; do có sự gây gổ lục đục, Œdipe giết ông này, rồi đi tiếp. Rồi gặp con quái nữ Sphinx, như đã kể trên, và diệt được nó. Dân xứ Thèbes cảm ơn chàng đã trừ được con quái, mới tôn chàng làm vua, và chàng lấy hoàng hậu Jocaste mà không biết là mẹ đẻ của mình, và đẻ ra mấy con. Vài năm sau, bệnh dịch phát ra, một lời sấm khác phán rằng phải đuổi kẻ giết vua trước đi ; một thày bói mới tiết lộ sự thật trước đây. Hoàng hậu Jocaste tự treo cổ chết, Œdipe tự đâm mù hai mắt, bỏ đi và chết nơi khác. Ngày nay, trong ngành phân tích tâm lý (psychanalyse), có cụm từ « complexe d’Œdipe » [« phức cảm » Œdipe, do Sigmund Freud tạo ra năm 1910 để chỉ một giai đoạn phát triển tâm lý của trẻ em : sự gắn bó tình cảm mật thiết của nó đối với người cha/mẹ khác giới (sexe opposé) của nó. Nhân dịp cũng xin cám ơn anh bác sỹ V.Q. mách cho biết là Trung quốc có người dịch là « hài tử đối dị tính phụ mẫu nhất phương đính luyến tình kết ». Hy vọng là tôi không chép nhầm].

Mới đây, có bài « Đáp lời Sphinx hay cội nguồn sáng tạo thơ Xuân Diệu » của nhà nghiên cứu văn học Đỗ Lai Thúy đăng trên báo mạng http://vietnamnet.vn/vanhoa/2007/10/747345/ , mục Văn hóa, tôi thấy trong phần mở đầu có dẫn câu đố của Sphinx như sau : « Con gì sáng bốn chân, trưa hai chân, tối bốn chân ? ». Sao tối lại lòi ra cái chân thứ « bốn » thế này ? Chân chứ không phải đuôi đâu nhé. Tôi không hiểu, hay chưa hiểu. Nhập vào thần thoại Việt Nam thời toàn cầu hóa, được cải tiến thêm một cái chân ; kỹ thuật tiên tiến nên chống hai nạng, chứ không phải chống gậy như thuở còn nghèo ? Hay là nhầm, in nhầm ? Tôi không biết nên đành đoán mò như vậy, vì vào thời hội nhập toàn cầu, thiếu gì thứ nhập. Nhầm một chút cũng chẳng sao, sai thì sửa. Thiếu gì thứ sai rồi sửa, càng sửa lại càng sai. Còn đây là chuyện vui văn hóa, có gì quan trọng lắm đâu.

Long mạch và văn hóa Việt Nam ở thời toàn cầu hóa Bùi Trọng Liễu

Long mạch và văn hóa Việt Nam
ở thời toàn cầu hóa


Bùi Trọng Liễu



Theo một cuốn từ điển,“long mạch” là “mảnh đất tốt, quyết định vận mệnh con người, theo thuyết phong thủy”. Tôi là kẻ không may, vì không có được lòng tin, cả đời đã cố tin mà không được, chẳng tin thần thánh thì làm sao mà tin được thuyết phong thủy. Tôi chỉ biết đơn giản tôn trọng nhân cách, dù không lý giải được tại sao tự mình lại “phải” buộc mình tôn trọng nhân cách. Cho nên sống đã khó, mà chết cũng sẽ khó. Vì thế mà tôi hoang mang, nên muốn luận bàn chút ít, may ra tìm được trả lời cho vài câu hỏi.

Nghe đâu như thưở xưa, người ta tìm nơi có long mạch để táng cha mẹ, hay chính mình, để mong con cháu được “phát”. Nếu tham vọng cao hơn, người ta cũng tìm long mạch để xây cất, mong nghiệp đế vương được lâu dài.

Nhưng trong lịch sử, thiếu gì chuyện sinh “con thánh” mà chẳng cần long mạch. Chuyện ta cũng có, chuyện nước ngoài cũng có. Này nhé:

- Tục truyền rằng Lý Công Uẩn (sau lên ngôi vua tức là vua Lý Thái tổ) không có cha, bà mẹ đi chơi chùa Tiêu Sơn, nằm mộng thấy mình ngủ với thần rồi về có thai, mà đẻ ra ông (theo Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim; còn Đại Việt sử ký thì không viết là “nằm mộng” mà chỉ viết là cùng với “người thần” giao cấu rồi có chửa; tôi không biết là nên nhấn mạnh đến chữ “thần” hay đến chữ “người”). Dù sao, vậy cũng là “không chồng mà chửa mới ngoan, có chồng mà chửa thế gian thường tình”, quả là con đẻ ra là chân mệnh đế vương. Chính vị Lý Thái tổ này chọn đất Thăng Long để đóng đô.

- Theo Hoàng Lê nhất thống chí, mẹ chúa Trịnh Khải là Ngọc Hoan, được tuyển vào làm cung nữ của chúa Trịnh Sâm (vì chị bà trước là cung nữ được yêu của chúa Trịnh Doanh, bố Trịnh Sâm). Nhưng được tuyển vào cung, mà không được chúa Trịnh Sâm ngó tới, nên ngày đêm nàng vẫn cô quạnh. Bỗng một đêm, nàng “mơ” thấy một vị thần đem cho tấm đoạn có vẽ đầu rồng. Nàng “không hiểu” đó là điềm gì, mới đem chuyện này hỏi viên hoạn quan Khê Trung hầu. Viên này biết là điềm sinh con “thánh”. Đêm sau, nhân dịp chúa sai gọi cung tần Ngọc Khoan vào “hầu”, Khê Trung hầu cố ý giả nghe lầm tên, đưa Ngọc Hoan vào. Chúa không thích, nhưng đã trót gọi đến, không nỡ đuổi ra. Nàng chỉ trải qua “một trận mưa móc”, liền có thai ngay. Sau đó, sinh ra Trịnh Khải. Chúa Trịnh Sâm nghĩ đầu rồng tuy có khí tượng làm vua, nhưng chỉ là rồng vẽ không phải rồng thật, mà lại chỉ có đầu không có đuôi, chưa hẳn đã là điềm tốt cả. Như vậy là cái ông thần trong mộng này cũng oái ăm: nhờ ông mà bà Ngọc Hoan, với sự đồng lõa của Khê Trung hầu, mới được hưởng “một trận mưa móc”, để sau đó lòi ra được cái ông chúa Đoan Nam vương Trịnh Khải; nhưng ông thần chỉ cho tấm đoạn có vẽ đầu rồng, có thể vì vậy mà làm cho chúa Trịnh Sâm không ưa con cả, mà yêu con thứ Trịnh Cán do bà chúa Chè Đặng Thị Huệ đẻ ra, để cho cơ nghiệp chúa Trịnh đến nỗi: “Chẳng đế chẳng bá, quyền nghiêng thiên hạ; truyền được tám đời, trong nhà dấy vạ”…

- Hoặc như chuyện Tần Thủy hoàng bên Tàu. Cuối thời Chiến quốc (từ 479 trước Công nguyên đến 220 trước Công nguyên), Lã Bất Vi là nhà buôn lớn nước Triệu, lập kế đem vợ lẽ của mình là Triệu Cơ, đã có mang với mình nhưng giữ kín, dâng cho Tử Sở (con trai thái tử nước Tần) đang bị làm “con tin” ở nước Triệu. Đúng là “quí nhân” nên mười mấy tháng mới sinh ra, vì vậy Tử Sở không nghi ngờ, cứ tin là con mình, đặt tên là Chính; lúc sinh ra đã có răng(!), mắt có hai tròng. Rồi Lã Bất Vi bày mưu lập kế, đưa được Tử Sở về nước Tần. Khi vua Tần chết, thái tử lên làm vua, cũng vì Lã Bất Vi mà Tử Sở được làm thái tử rồi làm vua, tức là vua Trang Tương vương. Tương truyền, Trang Tương vương làm vua được ba năm, bị bệnh ; Lã Bất Vi dâng thuốc, vua chết. Thái tử Chính lên làm vua, tức Tần Thủy hoàng sau này. Những chuyện này có kể trong Sử ký của Tư Mã Thiên và sách Đông Chu Liệt Quốc. Ai muốn tin thì cứ tin.

- Xa hơn là chuyện nữ hoàng Hatchepsout, vua bà nổi tiếng nhất trong 5 vua bà của lịch sử Ai-cập, trị vì hơn 20 năm vào khoảng 1500 năm trước Công nguyên (triều đại thứ 18 thuộc Đế chế Tân đại). Huyền thoại về bà này cũng ly kỳ, được kể qua những di tích trong đền của vua Aménophis III ở Louqsor: Amon-Rê, thần chúa tể của các thần và là “thượng đế” của các vua Ai-cập, quyến rũ hoàng hậu Ahmès, vợ vua Thoutmosis I. Một đêm, thần biến dạng thành hình dáng vua, vào phòng hoàng hậu Ahmès và mê mẩn vì sắc đẹp của bà trong giấc ngủ, lách vào trong chăn của bà. Bà tỉnh giấc, được thần tiết lộ cho biết mình là ai. Trải qua một cuộc mây mưa, thần báo cho biết là bà sẽ đẻ ra con thánh, và đặt tên sẵn cho đứa bé gái tương lai là Hatchepsout, và cho bà biết sau này đứa con gái này sẽ làm vua Ai-cập. Khi vua Thoutmosis I chết, theo tập tục trong hoàng gia, Hatchepsout lấy anh trai cùng cha khác mẹ là Thoutmosis II, một vua kém, nên bà tự nắm quyền và lên ngôi vua (pharaon) ở Karnak (chính bà làm vua, cũng mang râu giả, ăn mặc quần áo như vua “đực”, chứ bà không đóng vai hoàng hậu chấp chính)… Người xưa tuyên truyền giỏi thật: rõ ràng là mẹ bà này chính chuyên ngủ với chồng là vua, mà lại đẻ ra được con thần!

Gần đây, tôi đọc báo trong nước, thấy kể có nhiều “đại gia” giàu có – không biết họ làm cách nào mà giàu chóng vậy ? – chọn đất tốt để xây mồ xây mả hoành tráng; chắc là muốn được “phát” để con cháu lâu dài kế tiếp trọng trách phục vụ nhân dân. Nhưng đấy là chuyện cá nhân.

Câu tôi muốn hỏi là câu chuyện lớn hơn : đó là việc di tích khu vực hoàng thành và xây nhà Quốc hội. Tôi đọc báo thấy bao nhiêu loại người phát biểu ý kiến, can việc xây nhà Quốc hội ở khu này. Nào là bảo vệ di tích lịch sử từ thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn chưa khai quật hết. Nào là bảo vệ những di tích gần đây hơn, nhà Quốc hội hiện tại, nơi đã có những quyết định lớn, tổng hành dinh của quân đội, trong suốt thời gian chống Mỹ, đưa đến ngày Toàn thắng mùa Xuân thống nhất đất nước, vv. Gần đây lại thấy mấy kiến trúc sư phát biểu ý kiến rằng nước Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập toàn cầu , cần có một khu vực trung tâm chính trị, hành chính bề thế tương xứng, mà khu hoàng thành này thì quá hẹp, nên xây nhà Quốc hội mới ở một khu khác rộng hơn, vv. Nhưng tất cả những lý do chính đáng đó đưa ra, cũng chẳng lay chuyển nổi quyết định của những nhà đại điện nhân dân. Chắc không phải lỗi tại mấy doanh nhân, họ là những người lo xây cất kiếm lời, làm giàu, họ đâu có ảnh hưởng được đến đại sự vì dân vì nước! Vì vậy nên tôi thủ thỉ hỏi thăm, thì có người mách rằng: chắc tại “long mạch”. Không lẽ vậy ? Đã là “long” mà lại là “mạch” thì đâu có bất di bất dịch. Ngay cả các lục địa cũng còn “trôi dạt” nữa cơ mà! Vả lại nếu tin có “Trời” thì triều Lê đóng đô nơi đó cũng đã bị suy. Long mạch chắc đã dời đi nơi khác.

Vả lại thịnh hay suy là ở sự được lòng dân hay không, không lẽ ở cái “long mạch”?

Bùi Trọng Liễu

23-10-07