Thi ảnh và ngôn ngữ của Tô Thùy Yên trong "Trường Sa hành"
Toàn bộ thi phẩm của Tô Thùy Yên trải dài trên dưới ba mươi lăm năm, ít nhất từ 1956 đến nay, dù chưa được thu góp để xuất bản như một chỉnh thể hữu cơ, gắn bó, giúp cho người đọc có được một cái nhìn nhất quán về thế giới của nhà thơ, cũng đã để toát ra từ đó, từ những bài thơ rời cấu thành linh hồn nó, cái không khí chung đã bao trùm lấy tâm hồn thi sĩ. Chúng ta đã có cơ hội nói về cái không khí, cái khí hậu vây bủa thi ca của Tô Thùy Yên trong những phần phân tích ở trên.
"Trường Sa hành" là một dấu mốc đặc biệt, khắc họa nhân dáng Tô Thùy Yên trong tư tưởng, ngôn ngữ đặc thù của riêng ông, đồng thời, cho thấy được cái nhìn vào nhân giới và nhiên giới của nhà thơ và những khắc khoải siêu hình của ông. Cùng với chùm thơ "Quỷ xướng thi", gồm ba bài thơ bảy chữ nhiều đoạn, "Trường Sa hành" đã làm cho Tô Thùy Yên trở nên lớn lao trong thi ca. Bài thơ như một dấu ấn đóng xuống đời thơ của một thi sĩ, đã giữ mãi tên tuổi cũng như nhân dáng của Tô Thùy Yên trong lòng người đọc. Cái thế giới mà ông đã tạo nên qua bài thơ này cứ như một vệt lân tinh sáng mãi trong bóng đêm của trí nhớ chúng ta. Có thể ta không có ý thức về nó trong cuộc đời thường, nhưng cái vệt lân tinh lung linh và lóng lánh ánh bạc kia cứ mãi còn theo đuổi ta trong những đêm tối của trần gian. Khi ta sụp cửa lòng mình xuống để ngăn che đi những huyên náo bên ngoài, cái thế giới khốc liệt, rưng rưng biển và xanh lơ mộng kia lại bật sáng long lanh trong lòng trí ta quạnh quẽ.
"Trường Sa hành" gồm có mười sáu đoạn. Mỗi đoạn bốn câu, mỗi câu bảy chữ.
Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi
Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han hề Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ
Đảo hoang vắng cả hồn ma quỷ
Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên
Bài thơ mở ra với một hình ảnh chuếnh choáng. Người chuếnh choáng khi vừa qua một cuộc hải hành, bị vất lên đảo, thấy đất chòng chành, không vững chân. Hay người chuếnh choáng vì cái sầu vây trắng bốn bề đang thăm thẳm vây phủ chung quanh? Hay chuếnh choáng bắt nguồn từ cả hai cái yếu tố vật lý và tâm lý kia? Hai mũi tên, từ hai cửa ngõ tạo nên cái hiện hữu của con người, cùng bay đến và cắm phập vào hồng tâm. Chuếnh choáng, như một dội đập êm ái, cuốn hút, dịu dàng. Vừa chìm lẩn vào, vừa lan toả ra. Ba âm trắc tận cùng của một câu thơ dẫn đầu bằng bốn âm ngang, bằng phẳng đã làm cho tác dụng chuếnh choáng nổi bật lên. Trong ba âm trắc đó, hai âm cuối chói lên cùng với liên âm uênh oang, gần như trong những từ chuệch choạc, loạng choạng càng làm sắc lên cái cảm giác mà nhà thơ cảm thấy. Nhà thơ nói đảo chuếnh choáng, nhưng thật ra đảo, tự thân nó, như một hữu thể vô tri giác, không hề chuếnh choáng. Nó tạo ra cái tác dụng chuếnh choáng trên não thùy con người với sự hiện hữu bàng hoàng của nó. Chỉ chính sự hiện hữu ấy không thôi cũng đã tạo nên một tấm lưới sầu, thăm thẳm, dày đặc, kín khít, bao phủ và giữ ghịt lấy con người. Cái cảm giác chuếnh choáng, chòng chành kia đã khiến cho những ngưoi lính thú, trong đó có nhà thơ, đêm nằm còn tưởng hòn đảo bập bềnh trôi đi. Hòn đảo, như một con tàu ma, trôi đi, trôi mãi, bập bềnh, bập bềnh vào vô cùng đêm thủy tận.
Gió thổi. Gió miên man thổi. Lòng thi sĩ như những tàu lá chuối tưa rách, líu ríu, quờ quạng trong biển gió. Phóng tầm mắt vào không gian, chỉ thấy có hiu quạnh chực chờ. Một Hiu Quạnh Lớn. Hiu Quạnh này từ chối con người.
Đảo hoang đến nỗi hồn ma bóng quỷ cũng vắng. Rêu rong thảo mộc còn giữ hình dáng ngày sáng thế. Mịt thẳm thời gian. Cái màu xanh hoang dã và rờn lạnh kia như đắp mãi lên con người bây giờ, chết sững, những tấm khăn liệm kỳ bí, lạ lùng.
Bốn trăm hải lý nhớ không tới
Ta khóc cười như tự bạo hành
Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục
Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh
Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời
Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt
Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi
Đám cây bật gốc chờ tan xác
Có hối ra đời chẳng chọn nơi?
Sầu đã vây kín. Đảo cứ trôi đi, trôi mãi vào vô cùng thủy tận. Những người lính thú như bị tung lưới chụp bắt, có cố vùng vẫy cũng chỉ như một thứ tự bạo hành. Đành nhẫn nhục, cố đi tiếp con đường nhân thế của mình.
Trong cảnh ấy, nhà thơ cố gắng tách thoát ra khỏi cái hữu hạn của con người. Ông đứng nhìn trời đất. Chỉ thấy sóng. Và biển. Sóng cứ thế, tiếng khóc đập đầu vào ghềnh đá của nó đã cất lên tự lúc nào, thời nào. Mang mang thiên cổ sầu. Biển thì mãi chít trên đầu một vành tang trắng. Hay lễ phục của nó mỗi ngày trước thánh lễ của trời đất, của vũ trụ bao la, là một bộ quần áo sô gai? Sóng thiên cổ khóc/ biển tang chế. Trong ngữ cảnh của một kiến trúc song song, kết hợp để nhấn mạnh, ở đây, phải hiểu tang chế là một động từ, vì khóc là một động từ. Sóng và biển là hai chủ từ. Khóc và tang chế là hai động từ, dùng song song và có tính kết hợp để nhấn mạnh ý. Thiên cổ là tính từ, bổ nghĩa cho sóng. Căn bản là một danh từ, tang chế, ở đây, biến thành động từ, để mang một nét sống động đau đớn. Không phải là cái đau buồn riêng mà là một cái đau buồn cất lên tiếng khóc. Đất đai bên lở bên bồi. Và gió. Gió tiếp tục gào thét những tiếng gào khốc liệt. Trùng dương thì như một hồ nước mắt khổng lồ, rân rấn, mênh mang, tuyệt mệnh.
Nguồn: Trích từ: Bùi Vĩnh Phúc, Lý luận và phê bình - Hai mươi năm văn học Việt ngoài nước 1975-1995, NXB Văn Nghệ, California, 1996
________________________________________
Thảo luận thêm: Trường Sa hành
Thi ảnh và ngôn ngữ của Tô Thùy Yên trong "Trường Sa hành" (tt)
Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng
Những cụm rong óng ả bập bềnh
Như những tầng buồn lay động mãi
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh
Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
Vầng khói chim đen thảng thốt quần
Kinh động đất trời như cháy đảo...
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân
Ta ngồi bên đống lửa man rợ
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi
Chú em hãy hát, hát thật lớn
Những điệu vui, bất kể điệu nào
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu
Trong cảnh tang chế khốc liệt kia, ta phải cố gắng sống. Phải tìm cách để tồn sinh. Hãy tìm một chút đẹp đẽ còn sót lại để nuôi lấy mộng. Nhà thơ nhìn vào làn nước vịnh xanh lơ và thấy còn sót lại chút mộng nhỏ, mềm. Xanh lơ mộng là một cụm từ, một ngữ đoạn, một ngữ tuyến (phrase), làm rõ nghĩa cho làn nước vịnh. Vì là sự kết hợp của cả một cụm từ, những ý xanh lơ và mộng sóng sánh bập bềnh ôm ấp lấy nhau, chứ không tĩnh tại như xanh lơ hoặc mộng đứng tách riêng. Bổ ngữ xanh lơ mộng, nhờ sự kết hợp, diễn tả được sự sóng sánh của làn nước. Xanh lơ thuộc phạm trù và nhận thức của giác quan: thị giác. Mộng thuộc phạm vi nhận thức của lý trí hay tình cảm. Xanh lơ mộng là sự chen kẽ của thực tại và ảo giác trong cái tâm thế chuếnh choáng của nhà thơ giữa một khung cảnh tang chế và khốc liệt của ngoại giới. Nhìn vào làn nước vịnh thấy gì? Thấy xanh lơ mộng. Thấy gì nữa? Những cụm rong óng ả bập bềnh. Nhưng những cụm rong này lại gợi cho nhà thơ nhớ về những tầng buồn mãi còn lay động trong hồn ông. Hồn ta, như một hải quốc xa xôi, hoang lạnh, long lanh, tịch mịch, chẳng có một chút thân ái cận kề.
Chiều rơi. Rã. Rụng. Mặt trời bị cắt cổ. Le soleil cou coupé. Appolinaire. Mặt trời chiều rã rưng rưng biển. Có thể hiểu rã là động từ của mặt trời chiều. Rưng rưng là tính từ bổ nghĩa cho biển. Một mặt trời đang tan ra thành máu. Và biển rưng rưng nước mắt nhìn cảnh hấp hối kia. Hay rưng rưng chính là tâm cảm của tác giả, trước cái chết của mặt nhật, đang quán chiếu lấy lòng mình. Rưng rưng là tính từ, đứng trước, làm rõ nghĩa cho biển. Ngữ pháp rất mới. Cũng thế, trong vầng khói chim đen thảng thốt quần, thảng thốt là trạng từ chỉ thể cách, đứng trước động từ quần, cũng là một ngữ pháp rất Tây phương. Đặt vào câu thơ, nó làm bật ra cái mới của sự bất ngờ. Hình ảnh cả một vầng nhật tan, toé ra thành máu lênh láng mặt biển, khiến bầy chim đen lúc thì tan tác thất thần, lúc thì bay vòng vô định hướng, làm nên một quầng đen xao xác, kinh động cả trời đất. Nhà thơ, trong cảnh kinh hoàng và vỡ nát ấy của thiên nhiên, thấy như cả hòn đảo bốc cháy. Và những tia lửa, đỏ, nóng, lỏng và sôi, bắn tung toé vào mình.
Câu Mặt trời chiều rã rưng rưng biển cũng có thể được ngắt thành:
Mặt trời chiều/ rã rưng rưng/ biển
Mặt trời chiều và biển là hai cực trên dưới của một không gian đáng lẽ là phân cực, yên ắng, và có thứ tự. Nhưng khi ta đọc câu thơ này với nhịp 3/3/1 như thế, bây giờ ta cảm thấy là cái mặt trời ấy đang biến chất và biến thể một cách rất rõ ràng. Rõ hơn là cách ngắt nhịp 4/3 nhiều. Mặt trời - cái khối tinh vân chứa đầy những nguyên tử hydrogen sôi sục trong tâm của nó kia, những nguyên tử hydrogen này có thể kết hợp với nhau để cho ra những nguyên tử helium trong một phản ứng đặc biệt làm chuyển hoá một trọng khối nhỏ bé thành một nguồn năng lực vĩ đại qua một tiến trình kết hợp nhiệt nhân (thermonuclear fusion) - trước mắt nhà thơ, bây giờ, đang là một sự hủy thể. Nó rã ra, loang ra và tràn lan lênh láng. Nó đang trải qua một sự chết rưng rưng. Để cuối cùng trở thành biển. Một biển sầu lênh láng máu. Rã rưng rưng. Ba âm rung sát nhau tạo nên những tác dụng xót xa đau đớn, vừa trên mặt vật lý vừa trên mặt tâm lý. Vừa ngoài vừa trong. Tất cả đều đang rã ra, đang run rẩy, đang rạn nứt. Làm sao mà nhà thơ lại không khỏi không cảm thấy những tia lửa đang bắn ra làm phỏng khắp thân thể mình.
Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê
Ta nói với từng tinh tú một
Hằng đêm tất cả chuyện trong lòng
Bãi lân tinh thức âm u sáng
Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng
Đất liền, ta gọi, nghe ta không?
Đập hoảng vô biên, tín hiệu trùng
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc
Con chim động giấc gào cô đơn
Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu giòn như tiếng nứt hoa niên
Con tàu ma, là hòn đảo chuếnh choáng và khốc liệt kia, vẫn tiếp tục trôi đi, trôi vào thủy tận. Nhà thơ biết mình đã bị đẩy vào một cuộc lữ oan nghiệt, cuộc lữ của một người lính thú bị vất lên đảo hoang để chuẩn bị nhìn thấy định mệnh của mình, của anh em bè bạn. Tiếng hét của kẻ bị bức tử không bung thoát được ra ngoài để tan mất vào không gian rộng lớn ngoài kia, mà nó cứ dội vang oan khuất trong lòng kẻ bị hành hình. Không lối thoát, tiếng hét cào xé và bứt rách đi từng mảng đời người. Nó xé toạc đời sống, và gửi tâm hồn con người về nỗi chết trên cao. Mây. Đỏ thảm thê. Thảm thê cùng với tiếng hét từng chập bị giam hãm trong lòng.
Nhưng, những khi đêm xuống, thu góp lại những mảnh hồn rách nát của mình, nhà thơ ngồi nói chuyện với những vì sao cô độc trên cao. Cuộc tâm sự kéo dài bất tận. Ông ngồi nói chuyện với từng tinh tú một. Hình ảnh bãi lân tinh thức, trên cao, sáng âm u, kỳ diệu, từ mái đầu của nhà thơ, lung linh lấp lánh bao ý nghĩ vượt lên trên trời cao, là một thi ảnh rất lạ. Cái đầu như loé lân tinh. Hay như một điểm kết tập và phản chiếu ánh sáng u ảo của vũ trụ. Nó là một điểm phản ánh những hồi quang và những kỳ bí thẳm sâu của vũ trụ mênh mông xa tít. Cái đầu, bây giờ, là nơi trời đất, vũ trụ, thời gian, không gian và những mối cảm xúc, u hoài, sầu nhớ, chứng tỏ sự có mặt của chúng. Cái đầu, địa bàn hoạt động với diện tích thu nhỏ lại của tất cả những sức mạnh bên trong và bên ngoài con người. Và bãi lân tinh vẫn tiếp tục thức, âm u sáng, để đối thoại với điểm sáng nhỏ nhoi ở dưới kia, thi sĩ. Trong sự sáng vẫn còn cái âm u mang mang rợn ngợp của những sức mạnh siêu hình.
Đoạn thơ Đất liền, ta gọi, nghe ta không? là đoạn thơ duy nhất trong bài thơ mười sáu đoạn này được gieo vần bằng. Tất cả những đoạn khác được hạ vần trắc, tạo tác dụng khốc liệt, kinh hoàng, u uất cho toàn bài. Nhưng đoạn thơ bốn câu vần bằng này lại có một nhịp gãy, gấp khúc, gấp gáp, tạo cảm giác hoảng loạn rõ nét. Hãy đọc lại nó đúng như nhịp điệu mà nó đã được viết ra:
Đất liền / ta gọi / nghe ta không?
Đập hoảng vô biên / tín hiệu trùng
Mở / mở giùm ta khoảng cách đặc
Con chim động giấc / gào cô đơn
Như kẻ tử tội bị che mất lối về dương thế, nhà thơ cất tiếng gọi đất liền hốt hoảng, trong khi con tàu ma, là cái đảo chuếnh choáng, khốc liệt kia, vẫn tiếp tục cái hành trình của nó vào vô cùng thủy tận. Đập thẳng tay vào vô biên, chỉ thấy một tín hiệu u u. Trùng và lạc. Tín hiệu đứt hơi, hấp hối, và đang chết. Sự kinh hoàng càng tăng lên. Con người đưa tay đập liên hồi vào cánh cửa của sự chết. Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc. Tại sao lại khoảng cách đặc? Có phải để làm bật rõ tâm trạng của con người với cảm giác đang bị giam vào một con tàu bùng, cứng, đầy, và tối, đang trôi vào hư vô, đang chìm vào tận tuyệt. Con chim động giấc gào cô đơn. Con chim nào đây? Hay là một biểu tượng cho những giấc mơ bé nhỏ bị giam hãm của con người!
Tất cả các động tác trong đoạn thơ này đều có tính cách hoảng loạn: đập, hoảng, mở, mở, động giấc, gào. Khoảng cách đặc được dùng như một thứ oxymoron, một từ nghịch lý ngay trong chính bản thân của nó, để làm bật lên sự phi lý của hoàn cảnh, sự mỉa mai của số phận. Vô biên, tín hiệu trùng, cô đơn là những sợi tơ mỏng mảnh gắn vào cõi siêu hình. Cả đoạn thơ là một tiếng kêu cứu vô vọng của con người bị vất hẫng vào cõi lãng quên.
Ngày rồi đêm. Đêm rồi ngày. Đời sống (hay nỗi chết) cứ thế trôi qua. Ngày, trắng ngất, chói chang, như một thanh kim loại, được một bàn tay vô hình nào đó giũa mãi trên kia. Ánh sáng nhảy múa hỗn loạn và điên dại trong một điệu nhạc chói, gắt, hoảng loạn. Và vô thanh. Mái tóc sầu đau của kẻ tử tội, bây giờ, nhìn từng sợi, thấy như bị nung đỏ lên trong một nhiệt độ khủng khiếp. Ánh sáng vẫn vang lừng mãi một điệu múa điên cuồng, man dại. Từng sợi tóc bị nung đỏ, nứt rạn thành tiếng kêu vỡ của tuổi trẻ. Chính là cái hữu hạn, soi chiếu qua mái tóc bị nung đỏ trong nắng chói của kẻ bị hành hình, đang nứt rạn ra. Tuổi trẻ rạn nứt, vỡ tan, như ước mộng hoa niên của một lớp người.
Ôi! Lũ cây gầy ven bãi sụp
Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh
Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
Hay đến ngày bờ tái tạo xanh
San hô mọc tủa thêm cành nhánh
Những nỗi niềm kia cũng mãn khai
Thời gian kết đá mốc u tịch
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người
Đây là đoạn kết của "Trường Sa hành". Nhìn vào thiên nhiên hoang lở, rách nát, nhưng vẫn cố gắng sống xứng đáng, trong danh dự, cái cuộc tồn sinh của mình cho đến ngày thật sự gục ngã, hay cho đến ngày được sống lại với cái ý nghĩa như thực của cuộc sống, nhà thơ nhìn ra cái ý sống của mình. Của Con Người, nói chung.
Hòn đảo, nhìn ở một kích thước lớn rộng hơn, chính là cái cuộc đời chuếnh choáng bít bùng này. Đời sống sẽ còn trổ ra muôn ngàn nhánh khổ. Con người sẽ còn tiếp tục bị vất vào những nỗi đau đớn, xót xa. Trong vinh dự lầm than của kiếp người, những nỗi đau của nó sẽ mãn khai, đầy cành sống. Nhưng có phải chính sự đau khổ, chua xót và lầm than kia lại là những dấu chỉ vào cái danh dự của kiếp người? Thời gian rồi cũng sẽ như đá hóa thạch. Trên tảng đá u tịch, sắc cứng và mốc meo dựng sững vào Đời Đời ấy, nhà thơ trân trọng khắc nét hai chữ: Con Người.
Toàn bài "Trường Sa hành" được bao phủ bởi một bầu khí quyển hoang lạnh, âm u và khốc liệt, đầy tính siêu hình. Bài thơ, cùng với cái bầu khí quyển bao quanh nó, trôi vừa khốc liệt với cái độ cuồng nộ băng băng của nó, vừa dật dờ với cái bối cảnh âm u, vào tâm thức ta. Nó cứ còn trôi đi mãi, trong cái hải quốc sâu thẳm của lòng ta, rách tưa tiếng gió và âm u tiếng những con sóng thiên cổ ầm ỳ. Con tàu chuếnh choáng vẫn tiếp tục trôi đi, trôi vào thiên cổ.
Và con người, kẻ cô đơn, lầm than và bị lưu đày kia, nó phải tìm ra được vinh dự và nghĩa sống của nó giữa chốn lưu đày.
Tháng 8.1992
Tháng 7.1995
Nguồn: Trích từ: Bùi Vĩnh Phúc, Lý luận và phê bình - Hai mươi năm văn học Việt ngoài nước 1975-1995, NXB Văn Nghệ, California, 1996
______________________________
Toàn bộ thi phẩm của Tô Thùy Yên trải dài trên dưới ba mươi lăm năm, ít nhất từ 1956 đến nay, dù chưa được thu góp để xuất bản như một chỉnh thể hữu cơ, gắn bó, giúp cho người đọc có được một cái nhìn nhất quán về thế giới của nhà thơ, cũng đã để toát ra từ đó, từ những bài thơ rời cấu thành linh hồn nó, cái không khí chung đã bao trùm lấy tâm hồn thi sĩ. Chúng ta đã có cơ hội nói về cái không khí, cái khí hậu vây bủa thi ca của Tô Thùy Yên trong những phần phân tích ở trên.
"Trường Sa hành" là một dấu mốc đặc biệt, khắc họa nhân dáng Tô Thùy Yên trong tư tưởng, ngôn ngữ đặc thù của riêng ông, đồng thời, cho thấy được cái nhìn vào nhân giới và nhiên giới của nhà thơ và những khắc khoải siêu hình của ông. Cùng với chùm thơ "Quỷ xướng thi", gồm ba bài thơ bảy chữ nhiều đoạn, "Trường Sa hành" đã làm cho Tô Thùy Yên trở nên lớn lao trong thi ca. Bài thơ như một dấu ấn đóng xuống đời thơ của một thi sĩ, đã giữ mãi tên tuổi cũng như nhân dáng của Tô Thùy Yên trong lòng người đọc. Cái thế giới mà ông đã tạo nên qua bài thơ này cứ như một vệt lân tinh sáng mãi trong bóng đêm của trí nhớ chúng ta. Có thể ta không có ý thức về nó trong cuộc đời thường, nhưng cái vệt lân tinh lung linh và lóng lánh ánh bạc kia cứ mãi còn theo đuổi ta trong những đêm tối của trần gian. Khi ta sụp cửa lòng mình xuống để ngăn che đi những huyên náo bên ngoài, cái thế giới khốc liệt, rưng rưng biển và xanh lơ mộng kia lại bật sáng long lanh trong lòng trí ta quạnh quẽ.
"Trường Sa hành" gồm có mười sáu đoạn. Mỗi đoạn bốn câu, mỗi câu bảy chữ.
Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi
Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han hề Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ
Đảo hoang vắng cả hồn ma quỷ
Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên
Bài thơ mở ra với một hình ảnh chuếnh choáng. Người chuếnh choáng khi vừa qua một cuộc hải hành, bị vất lên đảo, thấy đất chòng chành, không vững chân. Hay người chuếnh choáng vì cái sầu vây trắng bốn bề đang thăm thẳm vây phủ chung quanh? Hay chuếnh choáng bắt nguồn từ cả hai cái yếu tố vật lý và tâm lý kia? Hai mũi tên, từ hai cửa ngõ tạo nên cái hiện hữu của con người, cùng bay đến và cắm phập vào hồng tâm. Chuếnh choáng, như một dội đập êm ái, cuốn hút, dịu dàng. Vừa chìm lẩn vào, vừa lan toả ra. Ba âm trắc tận cùng của một câu thơ dẫn đầu bằng bốn âm ngang, bằng phẳng đã làm cho tác dụng chuếnh choáng nổi bật lên. Trong ba âm trắc đó, hai âm cuối chói lên cùng với liên âm uênh oang, gần như trong những từ chuệch choạc, loạng choạng càng làm sắc lên cái cảm giác mà nhà thơ cảm thấy. Nhà thơ nói đảo chuếnh choáng, nhưng thật ra đảo, tự thân nó, như một hữu thể vô tri giác, không hề chuếnh choáng. Nó tạo ra cái tác dụng chuếnh choáng trên não thùy con người với sự hiện hữu bàng hoàng của nó. Chỉ chính sự hiện hữu ấy không thôi cũng đã tạo nên một tấm lưới sầu, thăm thẳm, dày đặc, kín khít, bao phủ và giữ ghịt lấy con người. Cái cảm giác chuếnh choáng, chòng chành kia đã khiến cho những ngưoi lính thú, trong đó có nhà thơ, đêm nằm còn tưởng hòn đảo bập bềnh trôi đi. Hòn đảo, như một con tàu ma, trôi đi, trôi mãi, bập bềnh, bập bềnh vào vô cùng đêm thủy tận.
Gió thổi. Gió miên man thổi. Lòng thi sĩ như những tàu lá chuối tưa rách, líu ríu, quờ quạng trong biển gió. Phóng tầm mắt vào không gian, chỉ thấy có hiu quạnh chực chờ. Một Hiu Quạnh Lớn. Hiu Quạnh này từ chối con người.
Đảo hoang đến nỗi hồn ma bóng quỷ cũng vắng. Rêu rong thảo mộc còn giữ hình dáng ngày sáng thế. Mịt thẳm thời gian. Cái màu xanh hoang dã và rờn lạnh kia như đắp mãi lên con người bây giờ, chết sững, những tấm khăn liệm kỳ bí, lạ lùng.
Bốn trăm hải lý nhớ không tới
Ta khóc cười như tự bạo hành
Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục
Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh
Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời
Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt
Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi
Đám cây bật gốc chờ tan xác
Có hối ra đời chẳng chọn nơi?
Sầu đã vây kín. Đảo cứ trôi đi, trôi mãi vào vô cùng thủy tận. Những người lính thú như bị tung lưới chụp bắt, có cố vùng vẫy cũng chỉ như một thứ tự bạo hành. Đành nhẫn nhục, cố đi tiếp con đường nhân thế của mình.
Trong cảnh ấy, nhà thơ cố gắng tách thoát ra khỏi cái hữu hạn của con người. Ông đứng nhìn trời đất. Chỉ thấy sóng. Và biển. Sóng cứ thế, tiếng khóc đập đầu vào ghềnh đá của nó đã cất lên tự lúc nào, thời nào. Mang mang thiên cổ sầu. Biển thì mãi chít trên đầu một vành tang trắng. Hay lễ phục của nó mỗi ngày trước thánh lễ của trời đất, của vũ trụ bao la, là một bộ quần áo sô gai? Sóng thiên cổ khóc/ biển tang chế. Trong ngữ cảnh của một kiến trúc song song, kết hợp để nhấn mạnh, ở đây, phải hiểu tang chế là một động từ, vì khóc là một động từ. Sóng và biển là hai chủ từ. Khóc và tang chế là hai động từ, dùng song song và có tính kết hợp để nhấn mạnh ý. Thiên cổ là tính từ, bổ nghĩa cho sóng. Căn bản là một danh từ, tang chế, ở đây, biến thành động từ, để mang một nét sống động đau đớn. Không phải là cái đau buồn riêng mà là một cái đau buồn cất lên tiếng khóc. Đất đai bên lở bên bồi. Và gió. Gió tiếp tục gào thét những tiếng gào khốc liệt. Trùng dương thì như một hồ nước mắt khổng lồ, rân rấn, mênh mang, tuyệt mệnh.
Nguồn: Trích từ: Bùi Vĩnh Phúc, Lý luận và phê bình - Hai mươi năm văn học Việt ngoài nước 1975-1995, NXB Văn Nghệ, California, 1996
________________________________________
Thảo luận thêm: Trường Sa hành
Thi ảnh và ngôn ngữ của Tô Thùy Yên trong "Trường Sa hành" (tt)
Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng
Những cụm rong óng ả bập bềnh
Như những tầng buồn lay động mãi
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh
Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
Vầng khói chim đen thảng thốt quần
Kinh động đất trời như cháy đảo...
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân
Ta ngồi bên đống lửa man rợ
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi
Chú em hãy hát, hát thật lớn
Những điệu vui, bất kể điệu nào
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu
Trong cảnh tang chế khốc liệt kia, ta phải cố gắng sống. Phải tìm cách để tồn sinh. Hãy tìm một chút đẹp đẽ còn sót lại để nuôi lấy mộng. Nhà thơ nhìn vào làn nước vịnh xanh lơ và thấy còn sót lại chút mộng nhỏ, mềm. Xanh lơ mộng là một cụm từ, một ngữ đoạn, một ngữ tuyến (phrase), làm rõ nghĩa cho làn nước vịnh. Vì là sự kết hợp của cả một cụm từ, những ý xanh lơ và mộng sóng sánh bập bềnh ôm ấp lấy nhau, chứ không tĩnh tại như xanh lơ hoặc mộng đứng tách riêng. Bổ ngữ xanh lơ mộng, nhờ sự kết hợp, diễn tả được sự sóng sánh của làn nước. Xanh lơ thuộc phạm trù và nhận thức của giác quan: thị giác. Mộng thuộc phạm vi nhận thức của lý trí hay tình cảm. Xanh lơ mộng là sự chen kẽ của thực tại và ảo giác trong cái tâm thế chuếnh choáng của nhà thơ giữa một khung cảnh tang chế và khốc liệt của ngoại giới. Nhìn vào làn nước vịnh thấy gì? Thấy xanh lơ mộng. Thấy gì nữa? Những cụm rong óng ả bập bềnh. Nhưng những cụm rong này lại gợi cho nhà thơ nhớ về những tầng buồn mãi còn lay động trong hồn ông. Hồn ta, như một hải quốc xa xôi, hoang lạnh, long lanh, tịch mịch, chẳng có một chút thân ái cận kề.
Chiều rơi. Rã. Rụng. Mặt trời bị cắt cổ. Le soleil cou coupé. Appolinaire. Mặt trời chiều rã rưng rưng biển. Có thể hiểu rã là động từ của mặt trời chiều. Rưng rưng là tính từ bổ nghĩa cho biển. Một mặt trời đang tan ra thành máu. Và biển rưng rưng nước mắt nhìn cảnh hấp hối kia. Hay rưng rưng chính là tâm cảm của tác giả, trước cái chết của mặt nhật, đang quán chiếu lấy lòng mình. Rưng rưng là tính từ, đứng trước, làm rõ nghĩa cho biển. Ngữ pháp rất mới. Cũng thế, trong vầng khói chim đen thảng thốt quần, thảng thốt là trạng từ chỉ thể cách, đứng trước động từ quần, cũng là một ngữ pháp rất Tây phương. Đặt vào câu thơ, nó làm bật ra cái mới của sự bất ngờ. Hình ảnh cả một vầng nhật tan, toé ra thành máu lênh láng mặt biển, khiến bầy chim đen lúc thì tan tác thất thần, lúc thì bay vòng vô định hướng, làm nên một quầng đen xao xác, kinh động cả trời đất. Nhà thơ, trong cảnh kinh hoàng và vỡ nát ấy của thiên nhiên, thấy như cả hòn đảo bốc cháy. Và những tia lửa, đỏ, nóng, lỏng và sôi, bắn tung toé vào mình.
Câu Mặt trời chiều rã rưng rưng biển cũng có thể được ngắt thành:
Mặt trời chiều/ rã rưng rưng/ biển
Mặt trời chiều và biển là hai cực trên dưới của một không gian đáng lẽ là phân cực, yên ắng, và có thứ tự. Nhưng khi ta đọc câu thơ này với nhịp 3/3/1 như thế, bây giờ ta cảm thấy là cái mặt trời ấy đang biến chất và biến thể một cách rất rõ ràng. Rõ hơn là cách ngắt nhịp 4/3 nhiều. Mặt trời - cái khối tinh vân chứa đầy những nguyên tử hydrogen sôi sục trong tâm của nó kia, những nguyên tử hydrogen này có thể kết hợp với nhau để cho ra những nguyên tử helium trong một phản ứng đặc biệt làm chuyển hoá một trọng khối nhỏ bé thành một nguồn năng lực vĩ đại qua một tiến trình kết hợp nhiệt nhân (thermonuclear fusion) - trước mắt nhà thơ, bây giờ, đang là một sự hủy thể. Nó rã ra, loang ra và tràn lan lênh láng. Nó đang trải qua một sự chết rưng rưng. Để cuối cùng trở thành biển. Một biển sầu lênh láng máu. Rã rưng rưng. Ba âm rung sát nhau tạo nên những tác dụng xót xa đau đớn, vừa trên mặt vật lý vừa trên mặt tâm lý. Vừa ngoài vừa trong. Tất cả đều đang rã ra, đang run rẩy, đang rạn nứt. Làm sao mà nhà thơ lại không khỏi không cảm thấy những tia lửa đang bắn ra làm phỏng khắp thân thể mình.
Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê
Ta nói với từng tinh tú một
Hằng đêm tất cả chuyện trong lòng
Bãi lân tinh thức âm u sáng
Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng
Đất liền, ta gọi, nghe ta không?
Đập hoảng vô biên, tín hiệu trùng
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc
Con chim động giấc gào cô đơn
Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu giòn như tiếng nứt hoa niên
Con tàu ma, là hòn đảo chuếnh choáng và khốc liệt kia, vẫn tiếp tục trôi đi, trôi vào thủy tận. Nhà thơ biết mình đã bị đẩy vào một cuộc lữ oan nghiệt, cuộc lữ của một người lính thú bị vất lên đảo hoang để chuẩn bị nhìn thấy định mệnh của mình, của anh em bè bạn. Tiếng hét của kẻ bị bức tử không bung thoát được ra ngoài để tan mất vào không gian rộng lớn ngoài kia, mà nó cứ dội vang oan khuất trong lòng kẻ bị hành hình. Không lối thoát, tiếng hét cào xé và bứt rách đi từng mảng đời người. Nó xé toạc đời sống, và gửi tâm hồn con người về nỗi chết trên cao. Mây. Đỏ thảm thê. Thảm thê cùng với tiếng hét từng chập bị giam hãm trong lòng.
Nhưng, những khi đêm xuống, thu góp lại những mảnh hồn rách nát của mình, nhà thơ ngồi nói chuyện với những vì sao cô độc trên cao. Cuộc tâm sự kéo dài bất tận. Ông ngồi nói chuyện với từng tinh tú một. Hình ảnh bãi lân tinh thức, trên cao, sáng âm u, kỳ diệu, từ mái đầu của nhà thơ, lung linh lấp lánh bao ý nghĩ vượt lên trên trời cao, là một thi ảnh rất lạ. Cái đầu như loé lân tinh. Hay như một điểm kết tập và phản chiếu ánh sáng u ảo của vũ trụ. Nó là một điểm phản ánh những hồi quang và những kỳ bí thẳm sâu của vũ trụ mênh mông xa tít. Cái đầu, bây giờ, là nơi trời đất, vũ trụ, thời gian, không gian và những mối cảm xúc, u hoài, sầu nhớ, chứng tỏ sự có mặt của chúng. Cái đầu, địa bàn hoạt động với diện tích thu nhỏ lại của tất cả những sức mạnh bên trong và bên ngoài con người. Và bãi lân tinh vẫn tiếp tục thức, âm u sáng, để đối thoại với điểm sáng nhỏ nhoi ở dưới kia, thi sĩ. Trong sự sáng vẫn còn cái âm u mang mang rợn ngợp của những sức mạnh siêu hình.
Đoạn thơ Đất liền, ta gọi, nghe ta không? là đoạn thơ duy nhất trong bài thơ mười sáu đoạn này được gieo vần bằng. Tất cả những đoạn khác được hạ vần trắc, tạo tác dụng khốc liệt, kinh hoàng, u uất cho toàn bài. Nhưng đoạn thơ bốn câu vần bằng này lại có một nhịp gãy, gấp khúc, gấp gáp, tạo cảm giác hoảng loạn rõ nét. Hãy đọc lại nó đúng như nhịp điệu mà nó đã được viết ra:
Đất liền / ta gọi / nghe ta không?
Đập hoảng vô biên / tín hiệu trùng
Mở / mở giùm ta khoảng cách đặc
Con chim động giấc / gào cô đơn
Như kẻ tử tội bị che mất lối về dương thế, nhà thơ cất tiếng gọi đất liền hốt hoảng, trong khi con tàu ma, là cái đảo chuếnh choáng, khốc liệt kia, vẫn tiếp tục cái hành trình của nó vào vô cùng thủy tận. Đập thẳng tay vào vô biên, chỉ thấy một tín hiệu u u. Trùng và lạc. Tín hiệu đứt hơi, hấp hối, và đang chết. Sự kinh hoàng càng tăng lên. Con người đưa tay đập liên hồi vào cánh cửa của sự chết. Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc. Tại sao lại khoảng cách đặc? Có phải để làm bật rõ tâm trạng của con người với cảm giác đang bị giam vào một con tàu bùng, cứng, đầy, và tối, đang trôi vào hư vô, đang chìm vào tận tuyệt. Con chim động giấc gào cô đơn. Con chim nào đây? Hay là một biểu tượng cho những giấc mơ bé nhỏ bị giam hãm của con người!
Tất cả các động tác trong đoạn thơ này đều có tính cách hoảng loạn: đập, hoảng, mở, mở, động giấc, gào. Khoảng cách đặc được dùng như một thứ oxymoron, một từ nghịch lý ngay trong chính bản thân của nó, để làm bật lên sự phi lý của hoàn cảnh, sự mỉa mai của số phận. Vô biên, tín hiệu trùng, cô đơn là những sợi tơ mỏng mảnh gắn vào cõi siêu hình. Cả đoạn thơ là một tiếng kêu cứu vô vọng của con người bị vất hẫng vào cõi lãng quên.
Ngày rồi đêm. Đêm rồi ngày. Đời sống (hay nỗi chết) cứ thế trôi qua. Ngày, trắng ngất, chói chang, như một thanh kim loại, được một bàn tay vô hình nào đó giũa mãi trên kia. Ánh sáng nhảy múa hỗn loạn và điên dại trong một điệu nhạc chói, gắt, hoảng loạn. Và vô thanh. Mái tóc sầu đau của kẻ tử tội, bây giờ, nhìn từng sợi, thấy như bị nung đỏ lên trong một nhiệt độ khủng khiếp. Ánh sáng vẫn vang lừng mãi một điệu múa điên cuồng, man dại. Từng sợi tóc bị nung đỏ, nứt rạn thành tiếng kêu vỡ của tuổi trẻ. Chính là cái hữu hạn, soi chiếu qua mái tóc bị nung đỏ trong nắng chói của kẻ bị hành hình, đang nứt rạn ra. Tuổi trẻ rạn nứt, vỡ tan, như ước mộng hoa niên của một lớp người.
Ôi! Lũ cây gầy ven bãi sụp
Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh
Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
Hay đến ngày bờ tái tạo xanh
San hô mọc tủa thêm cành nhánh
Những nỗi niềm kia cũng mãn khai
Thời gian kết đá mốc u tịch
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người
Đây là đoạn kết của "Trường Sa hành". Nhìn vào thiên nhiên hoang lở, rách nát, nhưng vẫn cố gắng sống xứng đáng, trong danh dự, cái cuộc tồn sinh của mình cho đến ngày thật sự gục ngã, hay cho đến ngày được sống lại với cái ý nghĩa như thực của cuộc sống, nhà thơ nhìn ra cái ý sống của mình. Của Con Người, nói chung.
Hòn đảo, nhìn ở một kích thước lớn rộng hơn, chính là cái cuộc đời chuếnh choáng bít bùng này. Đời sống sẽ còn trổ ra muôn ngàn nhánh khổ. Con người sẽ còn tiếp tục bị vất vào những nỗi đau đớn, xót xa. Trong vinh dự lầm than của kiếp người, những nỗi đau của nó sẽ mãn khai, đầy cành sống. Nhưng có phải chính sự đau khổ, chua xót và lầm than kia lại là những dấu chỉ vào cái danh dự của kiếp người? Thời gian rồi cũng sẽ như đá hóa thạch. Trên tảng đá u tịch, sắc cứng và mốc meo dựng sững vào Đời Đời ấy, nhà thơ trân trọng khắc nét hai chữ: Con Người.
Toàn bài "Trường Sa hành" được bao phủ bởi một bầu khí quyển hoang lạnh, âm u và khốc liệt, đầy tính siêu hình. Bài thơ, cùng với cái bầu khí quyển bao quanh nó, trôi vừa khốc liệt với cái độ cuồng nộ băng băng của nó, vừa dật dờ với cái bối cảnh âm u, vào tâm thức ta. Nó cứ còn trôi đi mãi, trong cái hải quốc sâu thẳm của lòng ta, rách tưa tiếng gió và âm u tiếng những con sóng thiên cổ ầm ỳ. Con tàu chuếnh choáng vẫn tiếp tục trôi đi, trôi vào thiên cổ.
Và con người, kẻ cô đơn, lầm than và bị lưu đày kia, nó phải tìm ra được vinh dự và nghĩa sống của nó giữa chốn lưu đày.
Tháng 8.1992
Tháng 7.1995
Nguồn: Trích từ: Bùi Vĩnh Phúc, Lý luận và phê bình - Hai mươi năm văn học Việt ngoài nước 1975-1995, NXB Văn Nghệ, California, 1996
______________________________