Hiển thị các bài đăng có nhãn PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1931. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1931. Hiển thị tất cả bài đăng

27/11/08

PHAN KHÔI : Về vấn đề quốc hiệu nước ta

PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1931



Nên xưng Việt Nam là phải



Về vấn đề quốc hiệu nước ta



Gần nay trên báo Trung lập có đem cái vấn đề quốc hiệu nước ta ra nói mấy lần.(*) Ông giáo Nguyễn Ngọc Thọ bảo nên kêu là Việt Nam. Ông giáo Linh Chiểu bảo chớ nên tự xưng là An Nam. Hai ông nói đều phải cả, thế nhưng nhập luôn hai bài của hai ông lại cũng còn chưa ráo lý, còn có chỗ nên nói thêm.

Đến như ông Bùi Thế Mỹ chủ trương cái nghĩa “lành áo hơn tốt danh”, bảo kêu gì cũng được, kêu “an” mà miễn là không an thì thôi, không hại gì, cái thuyết của Bùi quân đó có riêng một ý nghĩa, nhưng về sự giải quyết vấn đề thì nói như vậy chưa phải là giải quyết.

Rốt lại họ Bùi cũng phải phàn nàn về một nước bằng bụm tay mà nhiều tên quá, muốn mau mau xúm nhau lại lựa một cái tên. Vậy cho biết sự xưng nước mình lấy một tên mà đừng xưng lộn xộn, là sự cần lắm, chính cái người không quý danh mà quý thiệt kia cũng đương cầu giải quyết.

Vậy ta hãy giải quyết đi.

Để riêng cái sự thiệt tiễn như Bùi quân đã nói ra, dầu sự ấy là cần lắm, nhưng là vấn đề khác. Đây đương nói vì danh thì hẵng cứ nhè danh mà nói.

Theo ý tôi thì cũng như hai ông giáo trên kia, người nước mình không nên tự xưng nước mình là An Nam mà phải xưng là Việt Nam.

Nói như vậy, cần phải nói đến cái sở dĩ. Vậy tôi xin nói cái sở dĩ.

Ta không nên xưng nước ta là An Nam, là vì cái tên ấy không do ta đặt cho ta, mà do người ngoài đặt cho ta, lại có ý chinh phục ta nữa. Nếu mình dùng hai chữ An Nam mà tự xưng nước mình, ấy là mình cam tâm ở cái địa vị bị chinh phục. Bị chinh phục, là sự cực chẳng đã ; chớ còn an tâm ở cái địa vị bị chinh phục, thế là tự mình làm mất cái bổn tánh tự do độc lập của Trời phú cho đi, không còn xứng đáng là loài người.

Theo lịch sử, hồi nước ta thuộc về nhà Đường bên Tàu, họ đặt một quan nha cai trị xứ ta, kêu bằng “An Nam đô hộ”, quan nha ấy cũng như Đông Pháp toàn quyền phủ bây giờ. Chữ “An Nam” đó nghĩa là làm cho phương Nam an đi. “An Nam đô hộ” nghĩa là: Cái chức quan Đô hộ ấy có cái trách nhiệm phải làm cho phương Nam an đi. Xét sử Tàu hồi bấy giờ, không những đặt An Nam đô hộ mà thôi. Họ đánh yên mấy nước nhỏ ở Tây Vực (gần đỗi Tiểu Á tế á) đặt ra An Tây đô hộ; đánh yên nước Bách Tế và Triều Tiên, đặt ra An Đông đô hộ nữa, cùng đều có ý như “An Nam” vậy.

Mãn thời kỳ đô hộ, nghĩa là đến lúc người mình lấy nước lại mà độc lập rồi, tuy mình xưng tên nước mình là gì trối kệ, nhưng vì mình còn thần phục và triều cống họ, cho nên họ có quyền đặt tên cho nước mình. Bấy giờ dầu bãi đô hộ rồi mà cái tên An Nam họ vẫn giữ, họ lấy mà đặt tên nước mình là An Nam quốc, và phong cho vua mình là An Nam quốc vương. Nước ta mà có cái tên An Nam là từ đó. Và từ đó người Tàu quen kêu người mình là người An Nam.

Người phương Tây giao thông với các nước Á Đông là bắt đầu giao thông với nước Tàu trước. Vì vậy nên người Tây bắt chước người Tàu kêu nước mình là An Nam, mà không kêu theo tên nước mình như chính người mình đã đặt, hoặc Đại Việt, hoặc Đại Nam, hoặc Việt Nam.

Nói riêng về người Pháp thì từ lúc đầu họ kêu cả nước mình là nước An Nam; đến khi chinh phục được, họ chia nước mình ra làm ba, lấy chữ “An Nam” kêu khúc giữa, có ý nói rằng cái nước An Nam thuộc về nhà vua là chỉ còn chút đó.

Tự người Pháp muốn trời muốn đất gì lại không được, song người mình kêu theo như thế là vô lý.

Bởi vậy từ nay ta nên bỏ tiệt hai chữ An Nam đi, đừng dùng mà xưng tên nước ta nữa. Cái khúc giữa của nước ta, ta cũng kêu bằng “Trung kỳ”, dầu trong khi viết bằng Pháp văn cũng cứ xưng như thế.

Còn tại sao mà bảo kêu bằng “Việt Nam”?

Cái tên Việt Nam do vua Gia Long đặt ra sau khi ngài đã nhứt thống toàn quốc từ Nam chí Bắc. Theo sử nói thì ban đầu ngài đặt là "Nam Việt" song vua Tàu sửa lại là "Việt Nam". Từ đấy về sau thì vua Tàu, khi ban chiếu sắc, không kêu nước ta bằng An Nam nữa mà kêu Việt Nam; song dân Tàu nói thường thì vẫn kêu ta là An Nam cho đến bây giờ.

Sau cái tên Việt Nam còn có cái tên Đại Nam, ấy là từ đời vua Minh Mạng. Vua Minh Mạng, sau khi bảo hộ Cao Man rồi, ngài thấy nước ta bản đồ càng rộng ra, ngài bèn đặt là Đại Nam để đối địch với Tàu là Đại Thanh cho oai chơi. Nhưng cái tên Đại Nam đó chỉ xài trong nước mình chớ còn khi dâng biểu qua Tàu thì lại vẫn xưng là Việt Nam quốc như trước.

Hiện ngày nay đây, giấy mực việc quan ở Trung kỳ vẫn xưng là Đại Nam. Vua Bảo Đại đối với nước Pháp vẫn tự xưng là Đại Nam hoàng đế. Vậy thì, theo nhà vua, cái tên Việt Nam hình như đã mất rồi, vì ngày nay không còn triều cống bên Tàu, không có dịp đem ra mà dùng nữa.

Dân ta, người nước ta, cũng nên theo như nhà vua mà kêu là Đại Nam chăng ? Kêu cũng được, nhưng nghe nó ngượng miệng một chút, và cũng hổ ngươi nữa. Không ai nói như vầy mà xuôi tai được : Chúng tôi là dân nước Đại Nam, bị nước Pháp bảo hộ!

Vậy thì ta nên kêu nước ta là Việt Nam, là phải hơn hết.

Tại sao mà phải?

Những cái tên "Nam Việt" hay "Đại Cồ Việt" ngày xưa chưa hề gồm có phía nam Trung kỳ và Nam kỳ, không đại biểu cho toàn quốc ngày nay được. Duy có cái tên "Việt Nam" do vua Gia Long đặt ra, cái tên ấy mới có bao gồm phía nam Trung kỳ và cả Nam kỳ vào, cho nên dùng nó mà chỉ cả nước ta như bản đồ chữ S ngày nay là hiệp lắm.

Tôi lặp lại lần nữa :

Từ rày về sau, chúng ta không nên kêu nước mình bằng An Nam.

Từ rày về sau, chúng ta nên kêu nước mình bằng Việt Nam.



PHAN KHÔI

Trung lập, Sài Gòn, s.6367 (7.2.1931)







(*) Về đề tài này trên Trung lập có ý kiến của Linh Chiểu (TL, 26.1.1931); Bùi Thế Mỹ (TL, 29.1.1931) ; Nguyễn Ngọc Thọ (TL, 6.2.1931)

PHAN KHÔI: Nhân vấn đề quốc học kéo qua vấn đề khác

PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1931

Nhân vấn đề quốc học
kéo qua vấn đề khác



I. SỰ NGAY THẬT CỦA HỌC GIẢ TRONG KHI BIỆN LUẬN

Đáp lại bài Bàn về quốc học của tôi, trong Đông tây từ số 106 đến 108, ông Lê Dư có bài Nước ta có quốc học.

Tôi nói không có quốc học, ông Lê nói có quốc học, ấy là sự tương phản đến cực đoan. “Ông Lê nói có, thì phải đem chứng cớ ra”. Ấy là điều thiết yếu hơn hết mà trong bài trước của tôi, tôi đã nói. Nhưng đọc suốt bài “thanh minh” ông Lê đăng luôn ba số báo, chưa được thấy cái gì là cái chứng cớ đích xác của ông. Vẫn biết những chứng cớ ấy không có thể tỏ ra bằng những bài trên báo, thế nào cũng phải chờ đợi để thấy nó trong Việt Nam văn học sử cùng những Chu An hay là Nguyễn Bỉnh Khiêm, sách của ông sắp xuất bản. Nhưng nếu có thì tóm tắt nó lại trong năm ba hàng, là những chỗ cốt yếu, để chúng tôi thấy sớm một chút cho khoái thì cũng có thể được chứ. Tiếc ông Lê không chịu làm!

Thế thì về vấn đề quốc học có hay không, là sự biện luận giữa chúng tôi, hiện nay chưa giải quyết được. Mà phải đợi đến ngày những sách của ông Lê xuất bản rồi mới giải quyết.

Lại mới rồi, trong Nam phong số 163, ông Phạm Quỳnh cũng có một bài về vấn đề này. Giá như mượn bài ông Phạm làm viện binh cho tôi thì tốt lắm; nhưng tôi không dám! Vì hôm trước, ông Lê đã cho tôi, trong khi dẫn lời ông Phạm Quỳnh và ông Trịnh Đình Rư, là đem cái đảng “nói không” của mình ra để chống cự ông. Nhưng, đừng ỷ đông với ông, ông không sợ đâu! Phải! Tôi dẫn lời hai ông ấy là cốt để tỏ ra cái dư luận phân vân, chứ không có ý viện đảng. Tôi biết, ở trong trường chánh trị thấp thỏi mới trọng ý kiến phần đông; chứ trong học giới, trọng lẽ thật, không trọng phần đông, vì lẽ thật lắm khi không ở bên phần đông vậy. Cũng bởi không muốn mắc cái hiềm nghi viện đảng, rày về sau tôi có đi, tôi đi độc một mình.

Tôi có động lòng là vì trong bài ông Phạm dầu cho cuộc biện luận này là có lý thú, nhưng lại nói: quốc học có hay không, là sự rành rành ra đó, chi đến nỗi người nói có, kẻ nói không? Theo lời ông Phạm, cuộc biện luận giữa hai chúng tôi lý thú đâu không thấy, chứ ý chừng là dư sự!

Bởi vậy mà tôi toan dẹp vấn đề này lại, một có ý chờ xem chứng cớ ông Lê sẽ đem ra sau đây. Nhân đó, tôi kéo qua vấn đề khác, lại tưởng là hữu ích.

Việc mới rồi là một cuộc biện luận. Tôi xin nói về sự ngay thật trong khi biện luận. Tôi muốn độc giả đừng coi bài này và những bài tôi sẽ viết theo đây là phản bác lại ông Lê, nhưng chỉ coi là một vài cái ý kiến tôi đem cống hiến cho độc giả.

Phàm biện luận, theo phép, khi nhắc lại những lời của người mà mình biện luận với, thì phải nhắc cho thật đúng, đừng làm sai lạc cái nguyên ý của họ đi. Ấy là sự ngay thật mà người biện luận buộc mình phải giữ. Người biện luận nếu là đám học giả với nhau, thì lại càng nên giữ gắt hơn nữa. Bởi vì, sự biện luận giữa bọn chánh khách hoặc ký giả nhà báo, có nhiều khi vì lợi mà vất sự ngay thật đi; đến như bọn học giả, chỉ vì lẽ thật mà biện luận, nếu không giữ cho ngay thật thì ra tuồng như mình vì lợi.

Tôi có khi nào lại ngờ cho ông Lê vì lợi trong cuộc biện luận này. Mà trong này có lợi gì đâu! Thế nhưng rủi cho ông Lê vô ý mà làm mất sự ngay thật của học giả đi. Ấy là ông đã nhắc lại những lời của tôi mà phần nhiều sai lạc, làm cho mất cái ý của tôi muốn nói.

Chỗ mở vào bài, ông Lê dẫn lại mấy câu như vầy mà nói của tôi:

“Nước ta từ xưa đến nay không có cái gì đáng gọi là cái học nữa: cái học của ta chỉ ở trong phạm vi cái học của Tàu, thiếu vẻ đặc biệt, không đủ kêu là quốc học; chúng ta phải hô lên cho người ta biết rằng: nước ta không có quốc học”.

Tôi phải lấy làm lạ hết sức! Trong bài Luận về quốc học của tôi không có đoạn văn nào y hệt như đoạn ông dẫn đó!

Theo phép viết, dẫn lời người khác vào bài mình có hai cách. Một là dẫn y: lời họ thế nào, mình lắp lại như thế, đến một cái chấm, cái phết cũng không bỏ; khi như vậy thì có dùng dấu ngoặc “…..”, tỏ ra rằng bao nhiêu lời trong dấu ngoặc ấy là lời của người mình dẫn. Hai là dẫn lược: mình tóm đại ý của người mình muốn dẫn mà đặt thành câu của mình; như vậy thì không dùng dấu ngoặc, vì lời của họ không ở trong đó. Lại cũng theo phép viết nữa, khi dẫn lời ai mà mình lược bớt đi thì phải dùng dấu chấm giây (…) để thay vào chỗ lược bớt ấy.

Trái với phép viết trên đây, ông Lê có dùng dấu ngoặc mà lại không dẫn y lời, lược bớt lời của tôi mà lại không dùng dấu chấm giây.

Độc giả có kẻ phì! Không phì thì xuỵt! … Chi thứ cái đó, có quan hệ với đại thể của vấn đề này đâu mà nói cho thêm rộn? Thế kêu bằng “khắc” vặt!

Ấy không quan hệ lắm chứ! Dẫn mà như ông Lê thì làm cho ý của tôi ra thế khác, cái thế khác ấy ông Lê có thể bẻ bác được. Nếu lời của tôi thật như ông dẫn đó thì ông Lê bẻ bác chẳng là phải đi còn chi!

Nguyên văn của tôi như vầy: “Đừng nói cái học của ta chỉ ở trong phạm vi cái học của Tàu, thiếu vẻ đặc biệt, không đủ gọi là quốc học. Cho đến chịu giống với Tàu đi, là ở nước ta cũng không có một cái học phái nào thành lập hẳn: vậy thì chữ “học” đã chẳng có, chữ “quốc” còn nương dựa vào đâu?”

Trong đoạn đó, tôi trọng tại chữ “đừng nói” và chữ “chịu giống”. Lập ra hai ý, tôi đã bỏ hẳn ý trên mà lấy ý dưới. Vậy mà ông Lê sửa nguyên văn của tôi đi, rồi nhận cho tôi nói như vầy: “Cái học của ta chỉ ở trong phạm vi cái học của Tàu, thiếu vẻ đặc biệt, không đủ kêu là quốc học”. Như vậy té ra cái ý mà tôi đã bỏ, ông trở lấy và cho là của tôi. Như vậy té ra cái mà tôi phủ định, ông lại nhè cho là tôi khẳng định. Thật của tôi trắng mà ông làm ra đen, của tôi cái mà ông làm ra đực!

Ông đã xoay cái ý của tôi ra thế khác rồi lập lên làm luận điểm thì tài chi ông chẳng biện bác được nhiều? Nhiều mà vô vị! Những câu đâm lại tôi: “Phục chế của ta chỉ ở trong phạm vi phục chế của Tàu, thiếu vẻ đặc biệt, không đủ gọi là quốc phục” thật là đâm trật đi đâu hết! Bởi vì cái đó tôi đã bảo rằng “đừng nói” rồi, tôi đã bỏ rồi, tôi đã phủ nhận rồi, như tôi đã lánh đi không ở chỗ đó rồi mà ông còn nhè đó mà bắn, thì có phải là phí đạn không?

Lại một đoạn ông Lê nói: “Ông Phan Khôi nói cái học của ta chỉ ở trong phạm vi cái học của Tàu, thiếu vẻ đặc biệt, không đáng gọi là quốc học, theo như ý ông thì ông phải làm người Tàu, người Hy Lạp, người La Mã, ông mới dám tự nhận là có quốc học”. Một đoạn đó, ông Lê võ đoán đến cái ý của tôi mà không trúng chút nào hết, là bởi cái câu của tôi mà ông đem lập làm luận điểm trên đó đã sai rồi. Lỗi là tại ông đã đào sâu chôn chặt những chữ “đừng nói, chịu giống” của tôi đi mà không dẫn tới!

Tôi soát lại cả bài của ông Lê, những chỗ dẫn lời tôi đều không y nguyên văn mà lại đều dùng dấu ngoặc. Sự ông làm đó trái với phép viết, cũng trái với phép biện luận nữa. Duy những chỗ khác dầu không y mà chẳng đến nỗi làm ra khác ý như chỗ tôi chỉ trích ra trên đây. Chỗ chỉ trích trên đây theo phép biện luận, quả là sự không ngay thật, sự mà nhà học giả coi là điều cấm kỵ.

Ai không ngay thật trong khi biện luận, dẫn lời bên đối phương mà làm sai ý đi, là chỉ để cho mình có chỗ chặn mà nói cho thẳng. Nhưng, về ông Lê, tôi không khi nào ngờ ông có ý ấy. Tôi tin ông vì cực chẳng đã, muốn tỏ sáng lẽ thật, mới viết mà biện luận cùng tôi, chứ ông há lại tranh thắng phụ với tôi làm chi? Ấy là điều, tôi tưởng vì ông vô ý.

Nhưng, ở đây chúng tôi đương bàn về sự học. Vậy thì gặp việc gì có quan hệ với sự học nhiều ít, ta nên bắt lấy mà nói kẻo bỏ uổng. Vì nghĩ vậy, tôi còn nhân đó mà kéo luôn qua mấy vấn đề khác nữa.

PHAN KHÔI

Đông tây, Hà Nội, s.117 (24.10.1931)

II. HAI VĂN HÓA NHẬT VỚI TA

Ông Lê cho rằng hễ đã có nước thì phải có quốc học. Nước lớn thì có hầm khoán (?) quốc học lớn, nước nhỏ thì có hầm khoán quốc học nhỏ. Nước ta, đem diện tích và lịch sử tỉ với Nhật Bản thì không kém họ, cho nên về quốc học cũng không kém.

Tóm lại, trong ý ông Lê cho rằng văn hóa nước ta từ xưa vẫn đối địch ngang với Nhật Bản, chứ mình không thua kém gì họ.

Cái ý ấy, ông Lê nói ra toàn bằng một cách trừu tượng (abstrait) cả; chưa hề thấy một chỗ nào đúng cách cụ thể (concret) mà giãi bày rõ ràng ở trong bài của ông. Thật vậy, ông cứ nói mình bằng họ mình không kém họ, cái chỗ không kém ở đâu, thì khó mà làm cho tôi tin được vậy.

Cái cách khoa trương cho nước mình mà thất thực đi như vậy, tôi tưởng là không ích gì cả mà luống có hại đó thôi. Cũng như trước kia, có một lần ông Lê nói rằng: “Văn học nước ta không kém gì các nước” mà chưa thấy ông dựa vào đâu để lập lời phán đoán ấy cho vững chãi. Thật tôi nghe qua mà lấy làm lo sợ quá!

Lo sợ vì những lời của ông đó nếu không có căn cứ vững vàng mà đụng đâu khoa trương đó, thật cũng đủ bồng cái lòng kiêu phù hư ngụy của quốc dân lên. Cái gì chứ sự kiêu phù hư ngụy ở nước ta không phải là không có đâu, mà ngày nay, ta còn hòng đem hột giống ấy vãi vào cõi tư tưởng nữa.

Trong đám thanh niên, tôi thấy có người đem ông Nguyễn Du nhà ta mà sánh với ông Victor Hugo nước Pháp. Thật họ cả gan quá, và cũng bởi điếc không sợ súng mà ra! Phải chi họ thấy rõ cái học nghiệp ông Nguyễn Du ra sao, họ đã đem ra so sánh từng bài thơ một, từng cuốn sách một, thì họ đâu có nói bướng đến như thế?

Cái thói kiêu phù hư ngụy ấy, tôi muốn rày về sau, chớ để nó còn dính bợn trong óc chúng ta. Toan lấy sự ngay thật làm nền cho cái thực học sau này, nên từ đây, trong sự học, chúng ta phải biết người biết mình cho lắm; mà hễ đã biết thế nào phải nói ra như thế.

Về văn hóa của nước ta với của nước Nhật Bản, bỏ cái khoảng cận đại đây mà chuyên nói về đời cổ, theo tôi xét, là ta cũng chưa chắc bằng họ đâu. Trong bài này tôi muốn lấy ra một đôi điều chứng cớ rất quan hệ trong sử sách mà chỉ vạch chỗ đó cho người ta biết.

Nước nào có cổ văn hóa thì sự tiến hóa của nước ấy vì có gốc mà chóng phát đạt hơn, cũng như nhà nào có di sản của ông bà để lại thì sự làm ăn có phần dễ hơn. Nước ta, nếu cái cổ văn hóa ấy không bằng Nhật Bản thì lại cũng như một nhà thanh bần từ trước, con cháu nhà ấy nên lo làm gấp sức hơn nhà khác cho được bằng người, chứ cái đó chẳng phải là sỉ nhục gì mà giấu giếm.

Đại phàm một dân tộc nào có văn hóa đứng đắn, hồi mới phát tích ra, cũng đều có những thần thoại (mythe) và truyền thuyết (leênde). Những thần thoại truyền thuyết ấy hay kể lể chuyện phát tích của dân tộc ấy và sự sinh hoạt của đám sơ dân họ ra sao. Nền văn học hay là cả đến nền văn hóa của dân tộc ấy về sau toàn là do những thần thoại và truyền thuyết ấy mà vẽ vời ra cả. Ấy là cái công lệ của lịch sử. Bất kỳ nhà làm sử nào muốn chép văn hóa sử của một nước nào, cũng phải truy nguyên đến thần thoại và truyền thuyết của nước ấy.

Đem Nhật Bản đối với nước ta mà giáp với cái công lệ lịch sử ấy thì thấy ta không sánh kịp Nhật Bản rồi.

Nhật Bản có sách Cổ sự ký, biên tập vào độ năm 712 sau Kỷ nguyên, toàn chép những thần thoại về sự lập quốc của họ và những truyền thuyết về lịch đại. Trong đó bao hàm những sự chiến tranh, luyến ái, anh hùng cùng cao dao của thời cổ nữa. Hiện nay các nhà sử học về lịch sử Nhật Bản đều phải coi bộ sách ấy là một cái tài liệu quý vô giá vậy.

Nước ta có cái gì đủ sánh lại với bộ sách ấy không? Quả là không!

Những thần thoại và truyền thuyết của xứ ta, há phải là không có? Như những chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh, chuyện Chử Đồng Tử, chuyện Kim Quy sứ giả… kể cũng cho là đáng chú ý lắm chứ. Nhưng vì nó lẹt đẹt, không có tính cách vĩ đại như của người ta; lại nó rời rạc không có thống hệ, cũng không có được nhiều nữa. Bởi vậy những thần thoại truyền thuyết của ta, bây giờ nếu có ai ra công mà nhóm góp lại hết, cũng không đủ đem so với Nhật Bản được. Huống chi trong thế giới lại còn có những thần thoại rất phong phú như của Hy Lạp, La Mã!

Nhân tôi có đọc nhiều sách triết học sử, tôi thấy ra phàm một dân tộc vĩ đại, dầu buổi mới phát tích, đám sơ dân còn mông muội, cũng có cái vũ trụ quan của họ truyền lại về sau. Bọn sơ dân ấy vì cớ tọc mạch muốn biết, nên hay theo chỗ biết của mình mà giải thích sự bí mật của vũ trụ trời đất. Không kể trúng hay trật, chỉ một chút đó đủ thấy cái tri thức của bọn sơ dân ấy vậy.

Người Việt Nam đến này nay cũng chưa có cái vũ trụ quan của mình thay, huống chi là ngàn năm về trước. Song người Nhật thì đã có.

Nhật Bản lại có sách Nhật Bản ký nữa, làm vào khoảng năm 720 sau kỷ nguyên và cũng sau sách Cổ sự ký của họ 8 năm. Trong sách ấy, thấy ra cái vũ trụ quan của người Nhật đời bấy giờ.

Họ cho rằng đời xưa trời đất chẳng chia, hai cái nguyên tố “đực” và “cái” chưa có, hỗn độn như một cái trứng gà. Trong đó tuy không có cái giới hạn rạch rõi mà có cái mầm mộng đã ngậm sẵn. Sau rồi cái phần khô ráo sạch sẽ bay lên làm trời, cái phần nặng nề dơ đục xuống mà làm đất. Mà bởi vì phần sạch sẽ thì dễ dung hòa, còn phần dơ đục thì khó ngưng kết cho nên mới có trời trước mà có đất sau. Từ đó nẩy sinh ra muôn vật.

Ấy là một phần vũ trụ quan của sơ dân Nhật Bản đó. Thấy trong sách đã có hơn một ngàn rưởi năm nay thì không phải là chuyện đặt điều. Chúng ta thử tìm trong sách nào của Việt Nam cho thấy một cái lý thuyết như thế?

Nếu đem cho hết chứng cớ ra để tỏ rằng văn hóa cổ xứ ta là kém Nhật, thì còn biết bao nhiêu. Song một bài báo này không có thể làm vậy được, chỉ nói mấy điều đại khái đó là điều căn bản của văn hóa mà ta không có.

Ông Lê nói những sách vở của ta bị người Minh lấy đi, bị những cuộc biến loạn tan nát hết, hoặc bị một đôi nghề sinh hoạt của mình làm tiêu diệt đi (như nghề làm giấy làm quạt ở làng Bưởi, làng Phú Đôn), cho nên khó mà tìm ra những tang chứng về quốc học. Những cái cớ ấy vẫn có. Song nếu nền quốc học ta xưa quả được rực rỡ như người, thì dầu có bị những cớ ấy đi nữa cũng không đến mất cả đi mà không có dấu vết?

Còn như cái cớ vì nghề sinh hoạt làm hại đến sách vở, thì trong cái cớ ấy lại đủ tỏ ra dân mình là dân kém về văn hóa. Dân nước văn minh bao giờ cũng coi sách vở là quý trọng. Người mình vì nghề bồi liễn bồi quạt mà phá sách đi không tiếc, càng chứng tỏ là dân không biết học vậy.

Tóm lại, văn hóa – hay là nói quốc học – của nước ta từ xưa, so với Nhật Bản cũng còn thua. Ta phải biết vậy mà cố gắng lên cho bằng họ, chớ không nên coi điều đó là sỉ nhục.

PHAN KHÔI

Đông tây, Hà Nội, s.119 (31.10.1931)

III. LẠI THẤY LUẬN LÝ HỌC LÀ CẦN CÓ

Vì thấy trong nhiều cuộc biện luận của người mình không theo phép tắc nào hết, nên mấy năm nay, tôi hay đem luận lý học ra để nhắc nhỏm người ta. Có kẻ lấy việc đó mà chế nhạo tôi, thậm chí họ vu cho tôi tự xưng là “luận lý học giả” (logicien), rồi kiếm lời mà trêu ghẹo; những người như vậy chẳng qua là người “phá đám”.

Tôi không khi nào tự phụ là đã tinh thông cái học ấy; duy tôi thấy nó là có ích cho học giới ta, là phương thuốc hay, có thể trị được bệnh người mình, tôi đem mà mách miệng cho ai nấy đó thôi.

Có nhiều kẻ lại phản đối bằng cách khác. Như ông Vũ Xuân Lâm, ông Chu Quế Long cùng ông gì đó mà giấu tên đi trong báo Tiếng dân. Trong đám phản đối đó phải kể ông Trần Trọng Kim, trong cuộc luận chiến về Nho giáo, ông cho luận lý học là hẹp hòi, không đủ tìm thấy chân lý.

Như vậy thì té ra các ông không nhìn rõ cái công dụng của luận lý học. Luận lý học chẳng phải là cái học cho ta dựa theo nó để tìm chân lý. Cái công dụng của nó đã chẳng ở đó mà các ông lại nhè lấy chỗ đó trách nó là oan.

Ông Mill (1806-1873), người Anh, là nhà luận lý học có tiếng khắp thế giới, đã luận về cái công dụng của luận lý học rõ ràng lắm. Theo như ông thì luận lý học tuy thuộc về cái phạm vi triết học, nhưng nó khác với chính mình triết học. Cái việc của triết học làm, không phải là việc của luận lý học làm. Triết học ví cũng như kẻ có ra tay làm công nọ việc kia, còn luận lý học chỉ là kẻ ngồi mà xử đoán. Thử nói rõ ra một việc như: nhà triết học phải tìm tòi chứng cớ để án nghiệm cho cái thuyết của mình, thì nhà luận lý học không phải làm như vậy, mà chỉ soát lại xem cái chứng cớ ấy là phải hay quấy mà thôi.

Bởi vậy, sự tìm thấy chân lý là việc của triết học làm, chứ không phải việc của luận lý học làm. Những vấn đề tụ tụng xưa nay, như tâm và vật, hữu và vô, là vấn đề của triết học chứ không phải vấn đề luận lý học. Duy có những cái chứng cớ để án nghiệm cho tâm và vật, hữu và vô ấy, thì thế nào cũng phải trải qua sự xử đoán của luận lý học, rồi mới thành lập được. Chính cái công dụng của nó là ở sự xử đoán ấy(1).

Vậy thì luận lý học chỉ bày bảo sự đắc thất cho ta trong vòng “lập ngôn” mà thôi, chứ chưa nói đến sự “minh lý”. Sự minh lý phải để phần cho triết học.

Tuy vậy, lập ngôn mà không theo phép tắc thì nó cũng đủ làm trở ngại cho sự minh lý. Bởi vậy xưa nay học giới nước nào cũng phải cần tới luận lý học.

Trong cuộc luận biện về quốc học vừa rồi, nếu ông Lê Dư cũng giữ trong phạm vi luận lý học mà biện luận, thì ông đã không có những cái luận chứng (argument) quá ly kỳ như tôi cho là không bao giờ thành lập được.

Một đoạn ông đem sự “nước ta không có quốc phục” mà vặn lại tôi, tôi đã gạt đi trong bài trước. Nhưng sau đó, ông kết luận rằng: “phục chế của ta ngày nay chính là quốc phục, mà đã công nhận phục chế của ta là quốc phục được, thì quốc học của ta từ xưa đến nay cũng nhận là quốc học được, vì cái học của ta từ xưa đến nay cũng có một cái vẻ đặc biệt, nhiều chỗ không giống nước nào cả”.

Như vậy có phải ông cho: hễ nhận có quốc phục được tức là nhận có quốc học được không? Có lý sự đâu mà ly kỳ như thế?

Khi đem so sánh với quốc văn, quốc sử, đạo nghĩa mà ông nói là ba khoa quốc học của Nhật Bản, ông chỉ đem ra có một khoa quốc văn của ta là chữ Nôm. Chỗ này thấy rõ ông túng quá! Phải như thứ chữ Nôm ấy mà thành lập được là một thứ văn tự, thì thôi, bây giờ chúng ta có bỏ đi mà dùng chữ Quốc ngữ La tinh làm gì? “Nôm na cha mánh khoé”, chỉ dùng tạm trong một thời rồi chung quy phải bị đào thải, thế mà ông cũng đem ra làm luận chứng! Luận lý học không cho ai dựng lên những cái luận chứng mong manh như vậy.

Lại tóm tắt ý trong bài của ông, thấy ra ông kết luận rằng hễ có nước thì có quốc học; Nhật Bản cũng là một nước như ta, có lịch sử và diện tích bằng ta, cho nên hễ Nhật Bản có quốc học thì ta cũng có quốc học. Cái luận điệu này cũng một thứ với đoạn nói về quốc phục mà tôi đã chỉ ra trên kia. Vả nhận có quốc phục mà không nhận có quốc học, lại chẳng được hay sao? Cũng như Nhật Bản là một nước, nhưng họ có quốc học, còn ta cũng là một nước, nhưng ta không có quốc học, lại chẳng được hay sao?

Cái không đủ đem làm luận chứng mà sao lại đem làm luận chứng? Nếu đem nhiều điều luật của luận lý học mà ghép vào những đoạn văn này, thật nó sai bét đi hết.

Đến như trong bài Luận về quốc học của tôi, chỗ lược phân giới hạn văn học và quốc học, tôi có dùng những chữ hồ nghi, không dám quả quyết, mà bị ông bác đi, nói rằng:

“Ông (Phan Khôi) thanh minh lên rằng ông lược phân cái giới hạn văn học và quốc học mà ông phân biệt một cách mập mờ. Đáng phân biệt thế nào thì nói ngay, hà tất phải dùng những chữ “như”, “chăng”, “không chắc cho lắm”, “nhưng hình như”, thật là một giọng nói hồ đồ, ai nghe còn dám chắc thế nào được!

Ông đã từng tự phụ là một tay sở trường luận lý học thì nghị luận câu nào phải chắc chắc nấy, phải nói một cách quả quyết… cho người ta tin… có đâu mập mờ như vậy?”

Tôi không tự phụ sở trường về luận lý học, nhưng tôi rất trọng thị luận lý học, bất kỳ trong khi tôi nghị luận điều gì, tôi cũng phải đoán lại đến nó hết. Chỗ tôi lược phân giới hạn văn học và quốc học trên đây mà tôi nói một cách hồ nghi, không dám quả quyết, chính là theo luận lý học đó.

Trong luận lý học, có phép phân loại (classification) là thật khó. Khó còn hơn sự lập giới thuyết (defi nition) nữa. Khi phân loại về sự vật gì, dầu tay tinh tế cho mấy cũng phải sợ sai lầm. Việc tôi làm đó là gồm cả phân loại và lập giới thuyết, cho nên tôi thận trọng là phải. Cho đến tôi không dám dùng một chữ “phân” hẳn, mà phải để chữ “lược” lên trên, tỏ ra cái ý chỉ phân sơ sơ mà thôi.

Thế mà ông Lê lại trách tôi! Trong bài của ông, tôi nhìn có đoạn này là chỗ ông đã thất ngôn lắm đó; mà cái cớ là bởi ông không thèm ngó đến luận lý học vậy.

Nhân đây, tôi thấy luận lý học là cần có cho kẻ học nước ta ngày nay, cũng như trước kia, tôi đã thấy rồi. Mà những người như ông Lê đương khảo cứu quốc học, tưởng lại còn cần nó lắm.

PHAN KHÔI

Đông tây, Hà Nội, s.121 (7.11.1931)

IV. CHÚNG TA PHẢI CÓ ÍT NHIỀU SỬ HỌC KIM THỜI

Nước ta xưa nay chỉ có sử gia mà không có sử học. Tôi nói vậy, xin chớ ai vội trách. Bởi vì sự nghiên cứu lịch sử không thành ra một cái học ở nước ta, và nhất ban nhân chúng cũng không hề có cái quan niệm về lịch sử. Nhưng sử gia thì vẫn có, là như các ông Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Ngô Thời Sĩ… đó.

Không có sử học thì sao lại làm sử được mà có sử gia? Đặt câu hỏi ấy ra cho hết lẽ, chứ trả lời cũng không khó. Bởi vì sự làm sử với sử học khác nhau. Có sử học mà làm sử, càng hay; còn như không sử học mà làm sử, cũng được.

Nói vậy, không phải bảo sử gia của ta ngày xưa là không có sử học, nhưng để thêm rõ nước ta là không có sử học. Dầu cho các ông làm sử đó có sử học đi nữa, mà cái học ấy không thành ra một khoa, không có ảnh hưởng đến nhân chúng, thì có bảo rằng nước ta có sử học được đâu?

Bởi nước ta không có sử học cho nên sự tri thức ấy ở nước ta rất lù mù; lù mù cho đến người có học. Hiện thời đây, cõi học trên thế giới lại có thứ sử học đối với ta là mới nữa, nó khác nhau với sử học cũ, nếu mình không nhận rõ, sẽ lầm lẫn cái nọ với cái kia. Mà theo như hiện trạng học giới các nước, thì thứ sử học cũ đã bị đào thải; cho nên tôi nói: chúng ta phải có ít nhiều sử học kim thời, ấy là chỉ vào sử học mới vậy.

Trong bài Luận về quốc học, tôi có một đoạn nói rằng:

“Đại để, phàm làm sách, thuật ra một cái hiện trạng gì từ xưa đến nay hoặc về một thời kỳ nào, mà có nói rõ cái hiện trạng ấy thay đổi ra sao, cho đến cái nhân và cái quả của nó ra sao, thì mới gọi là sử được”.

Tiếp đó, giải nghĩa chữ văn học sử, tôi nói:

“Văn học sử của một nước nào, tức là những sự sáng tạo, biến thiên, ảnh hưởng, tóm lại là sự quan hệ về nhân quả của văn học nước ấy. Bởi vậy, một cuốn văn học sử, đầu đuôi phải tiếp tục nhau mà không được rời rạc ra từng bài; vả lại, văn học sử nước nào thì phải suy tìm đến cái ảnh hưởng về sự sinh hoạt của xã hội nước ấy, hoặc nhiều hoặc ít, chứ không thể bỏ qua”.

Những lời trên đó, về sử hoặc về văn học sử, tôi cũng đều cứ theo cái quan niệm của sử học mới mà nói. Cái quan niệm ấy là trọng về nhân quả.

Còn sử học cũ, tôi nói đó, là tôi muốn chỉ về sử học của người Tàu ngày xưa. Cái sử học này vẫn có nhiều thể thức rộn ràng, nhưng có điều sở đoản, là cái quan niệm về lịch sử không được chân xác, lại cái phạm vi của sử cũng hẹp hòi lắm nữa.

Ngày nay mà nói văn học sử, thì phàm ai có tri thức về sử học kim thời đứng đắn, cũng phải hiểu nó như nghĩa tôi đã giải trên kia. Nói văn học sử cũng như nói triết học sử, kinh tế sử, hay là cách mệnh sử; trong mỗi một thứ sử đó phải theo cái tên nó mà giải rõ sự nhân quả. Cái lối sử này, sử học cũ chưa có và cũng chưa đặt ra thể thức gì về nó, thì có lẽ nào nay ta lại lấy thể thức cũ mà ghép vào cho nó được ư?

Cuốn Nữ lưu văn học sử của ông Lê Dư đã đặt tên là văn học sử mà làm không theo khuôn phép tôi nói trên đây, nhân tiện tôi chỉ trích tới nó. Ông Lê lại cãi rằng sử có hai thể, kỷ truyện và biên niên, cái khuôn phép tôi nói về văn học sử đó là theo thể biên niên, còn cuốn Nữ lưu văn học sử của ông là về thể kỷ truyện, cho nên làm như ông là phải, còn tôi chỉ trích là sai.

Như thế là ông đem thể thức của sử học cũ gắn vào sử học mới, thật chẳng ăn thua gì hết.

Quả có hai thể sử kỷ truyện và biên niên thật, song những thể thức đó không thể đem mà nói vào lối sử ngày nay. Bởi vì cái thể thức ấy cũ quá, không hợp với sử học đời này, trong sử học giới hiện thời không còn dùng đến nó nữa.

Hai cái thể ông nói đó chỉ riêng về cách chép sử của người Tàu mà có từ hơn hai ngàn năm trước. Như sách Xuân thu của Khổng Tử, mỗi năm có xảy ra việc gì thì biên, ấy là biên niên. Còn như sách Sử ký của Tư Mã Thiên, riêng từng việc từng người mà lập ra một kỷ hoặc một truyện, ấy là kỷ truyện. Theo các nhà sử học Trung Hoa công nhận thì thể biên niên, vì theo từng năm mà việc không xâu suốt được, vì nhiều khi chỉ có một việc mà phải rời rạc thấy ra trong nhiều năm, thật là xa với cái nguyên tắc cầu nhân quả; nhưng thể kỷ truyện, thu mỗi việc lại trong một kỷ một truyện riêng, thì gần với cái nguyên tắc ấy hơn. Vậy mà ông Lê lại cho cái kiểu văn học sử như tôi nói đó là “vào cái phạm vi thể sử biên niên”, thật là sai đến ngàn dặm!

Kỳ thực thì kiểu văn học sử tôi nói đó không theo thể biên niên và cũng không theo thể kỷ truyện. Mà không những văn học sử mới như thế, dầu đến sử gì, hai thể ấy cũng không còn dùng được trong ngày nay. Sử ngày nay, bất kỳ là sử gì, đại khái đều dùng thể “chia thời đại”. Bởi vì chia ra từng thời đại thì tiện cho sự cầu nhân quả.

Còn về cuốn Nữ lưu văn học sử của ông, ông cho là thuộc về thể sử kỷ truyện; ông lại nói theo tiếng ta mà kêu là “sử văn học của bọn nữ lưu”. Nói như ông, ngang quá! Lấy lẽ gì mà cấm người ta kêu nó là “sử văn học của bọn nữ lưu” và bắt kêu là “sử nữ lưu văn hóa”?

Không, hễ là “văn học sử” thì phải kể nó là một danh từ. Bất luận ở trên nó có để những chữ gì, nó phải liền một ý nghĩa. Nữ lưu văn học sử, phải cắt nghĩa là “sử văn học của bọn nữ lưu”, cũng như Pháp quốc văn học sử là “sử văn học nước Pháp”.

Chữ sử 史 của Tàu có nghĩa là truyện 傳, là cố sự 故事?, cũng như chữ “Histoire” của Pháp vẫn có nghĩa ấy. Cuốn Nhật Bản duy tân khẳng khái sử là lấy nghĩa chữ sử này. Nữ lưu văn học sử của ông, ông muốn viện theo nghĩa ấy, nhưng không được, là bởi ông có ba chữ “văn học sử” là một danh từ, theo sử học đời nay, nó phải có thể thức của nó, nó không cho ông làm như truyện hay là cố sự đâu.

Ông Lê lại nói phàm làm một cuốn sách mà chia ra từng thời kỳ kể rõ nhân và quả thì phải dùng thể biên niên. Mấy lời đó tôi rất lấy làm quái lạ? Bất kỳ thứ sử gì, đời nay họ cũng làm như lời ông nói đó hết, mà có hề dùng thể biên niên bao giờ? Thật thế, đời nay không hề có ai dùng thể biên niên mà chép sử nữa, không còn có thứ sử nào như sách Xuân thu nữa, vì nó, theo con mắt nhà sử học ngày nay, chỉ là thể nhật ký, chứ không phải sử.

Vì vấn đề quốc học mà tôi viết bốn bài này, không cốt để cãi cho hơn ông Lê, song để giãi bày một vài điều cho độc giả Đông tây, là những điều mà tôi tưởng cho ông Lê đã có thể làm lầm độc giả.

PHAN KHÔI

Đông tây, Hà Nội, s.123 (14.11.1931)










(1) Đoạn trên này tôi lấy đại ý ở sách System of Logic của Mill mà là bản dịch chữ nho của Nghiêm Phục (nguyên chú của PK).

PHAN KHÔI: ĐÔI ĐIỀU NÊN BIẾT VỀ NHO GIÁO

PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1931



ĐÔI ĐIỀU NÊN BIẾT VỀ NHO GIÁO







I. CÁI THÂM Ý TÔI ĐỊNH ĐEM NHỮNG ĐIỀU ẤY
CỐNG HIẾN CHO HỌC GIỚI NƯỚC TA

Bắt đầu đã mười năm nay, tôi có ý viết ra một cuốn sách kêu là Nho giáo nguyên lưu, để dâng cho người nước ta, cả cựu học lẫn tân học, cái tri thức của tôi về Nho giáo. Trong cuốn sách ấy, tôi định kể rõ cái lịch sử của Nho giáo từ Khổng Tử đến các nho nhà Thanh: ban đầu sự sáng lập thế nào; kế đó, biến thiên thế nào; sau hết là đến ngày nay đây, cái địa vị của nó ra sao; tôi chỉ theo chứng cứ, dùng khách quan mà diễn thuật ra, chớ không làm như những người hiến mình ra mà phù trì thánh đạo, viết sách để bênh vực cho Nho giáo. Tôi muốn như vậy mà dần dà cho đến ngày nay vẫn chưa làm được.

Sở dĩ tôi chưa làm được là vì có nhiều cớ. Mà nhất là vì trong đó có nhiều chỗ tôi đương còn hồ nghi, phải nán đợi đến ngày nào đã giày công nghiên cứu, có thể giải quyết được những chỗ đó, tôi mới dám làm.

Trong khi chờ đợi, tôi muốn trước đem những điều tôi đã biết chắc rồi mà viết ra trên báo để chất chánh cùng bậc thức giả trong học giới, tức như năm 1929, tôi có viết trên báo Thần chung nhiều bài nói về cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta, đó là một thiên, định để cho vào cuối cùng cuốn sách Nho giáo nguyên lưu của tôi sau này.

Về Nho giáo, trong đó còn có nhiều điều nên biết mà tự hồ như ở ta đây số người biết hãy còn ít lắm. Bởi vậy, về vấn đề này, tôi định viết nhiều bài, mà lấy chung một cái đầu bài là Đôi điều nên biết về Nho giáo. Và, hôm nay bài thứ nhất, tôi xin phô bày cái thâm ý, sở dĩ tôi định đem những điều ấy cống hiến cho học giới ta là thế nào.

*

Nhiều người thấy hiện giờ trong nước ta, chữ Hán bị bỏ, Kinh Truyện không đem dạy trong các nhà trường, thì sợ cho Nho giáo sẽ tiêu diệt có ngày. Nhưng, tôi thì không khi nào sợ như vậy. Trái lại, tôi chắc rằng Nho giáo từ rày về sau, ở trong nước Việt Nam này, trở lại thịnh hơn ngày trước.

Sự đó chẳng những là tự tôi ước ao, mà là tự tôi cầm chắc. Nhưng cái lý do tại làm sao, thì không có thể nói một vài lời ra đây mà hết, và cái ý ấy vào đây cũng không quan trọng lắm, nên cũng không cần giải thích làm chi.

Tôi chỉ nói gọn lại rằng: Một dân tộc sống trên thế gian, không phải chuyện cậy ở cơm hay bánh mà cũng cậy ở học thuật nữa. Nước ta hơn ngàn năm nay, nhờ Nho giáo mà sống cũng như nhờ cơm, thì rày về sau lại há có thể bỏ nó đi được hay sao? Cho nên tôi quyết rằng, mặc dầu có ai dứt Nho giáo ném khỏi dân tộc Việt Nam, là nó cũng vẫn tìm nhau mà trở lại, chỉ duy cái Nho giáo ngày nay với cái Nho giáo ngày xưa phải có thay hình đổi dạng đi mà thôi.

Tại sao mà phải thay hình đổi dạng? Ấy là vì sự cần. Nếu chúng ta còn cứ sùng tín Nho giáo mà là cái Nho giáo ở nước ta hơn ngàn năm nay thì quyết chúng ta phải chịu phần liệt bại trong cái thế giới cạnh tồn nay, chớ không chạy chối đi đâu được hết. Chúng ta phải biến hóa mới được.

Cái Nho giáo ở nước ta từ đời Lê đến nay, xét cho kỹ ra, là cái Nho giáo của Tống nho, chớ không phải của Khổng Mạnh. Đó là còn chưa kể tới cái hại của tục học, tức là cái học khoa cử. Cái Nho giáo của Tống nho ấy bất lợi cho ta nhiều lắm, vậy mà lâu nay ta chưa hề phân biệt ra và cũng không nhìn đến cái hại của nó thế nào.

Đối với Nho giáo ngày nay, ta phải có cái quan niệm dứt khoát và cũng phải có cái cánh tay dứt khoát. Ta phải lựa ra từng cái, cái gì của Tống nho mà trái với Khổng-Mạnh, có hại cho ta, thì ta bỏ phăng đi. Đó là một việc: xô Tống nho ra hai bên để có đường tìm tới Khổng-Mạnh.

Khi ta lựa ra những cái gì là của Khổng-Mạnh được rồi, nhưng cái nào, thấy nó không hiệp với học thuật tư tưởng của thế giới ngày nay, có hại cho ta, thì ta cũng bỏ phăng đi nữa. Đó là một việc: làm mặt lạ với Khổng-Mạnh để nhìn quen với tư triều thế giới.

Như vậy rồi những cái gì là tinh túy của Khổng-Mạnh, có bổ ích cho sự sống của chúng ta, nó sẽ được vững chắc và chói sáng trong học giới nước nhà, dân tộc ta sẽ nhờ nó mà sống, và sống một cách có giá trị hơn trước. Trên kia tôi nói Nho giáo ở nước ta về sau trở lại thịnh hơn ngày trước, là nghĩa như vậy.

Mỗi khi luận về văn hóa, người ta hay khai ra cái đơn thuốc điều hòa. Tôi rất không biểu đồng tình với cái đơn thuốc ấy. Tôi cho cái gì đồng chất thì mới điều hòa được, như nước lã với rượu, còn văn hóa Đông với Tây, tôi thấy nó khác chất, như nước lã với dầu, thì điều hòa làm sao? Mặc dầu ai trộn lẫn của Đông với của Tây, mất công và mất thời giờ đến đâu đi nữa, rồi cũng không khỏi dầu đi đằng dầu, nước đi đằng nước. Bởi vậy, nếu ai cho phép tôi cũng được lạm bàn về vấn đề văn hóa thì tôi không chủ trương điều hòa mà chủ trương cải tạo.

Việc cải tạo này cũng như làm cái nhà cũ ra nhà mới. Cái nhà cũ theo lối An Nam; tôi vẫn để ý, cả cái “dáng trò” của nó tôi không phá bỏ, song cây gỗ nào bị mối mọt thì tôi nhất định đem chụm đi không tiếc, thay gỗ mới vào; và, lối nhà ấy có cái thông bịnh, là tối và chật, thì tôi mở thêm cửa sổ và bớt cột đi. Ý kiến tôi về vấn đề văn hóa hay học thuật, đại để như vậy.

Do cái ý kiến đó, trong những bài tôi hầu viết đây, là cốt muốn chỉ ra những chỗ chật và tối cùng cây gỗ nào mối mọt trong cái nhà Nho giáo cho bà con coi. Trước hết phải coi kỹ thấy những chỗ đó rồi sau mới đặt tay vào mà cải tạo được.

Tôi phải khai thực ra rằng cái quan niệm chung về Nho giáo của người nước mình nó chẳng ra làm sao! Ai có đời, nhiều cái đã thành ra vấn đề lớn trong Nho giáo, hoặc đã giải quyết rồi, hoặc còn lòng thòng chưa giải quyết, mà ta đây chẳng hề biết đến trơn! Lại có cái, ở bên Tàu người ta đã xóa bỏ rồi mà mình ở đây còn tín phụng! Học mà như vậy thì còn mong được chút thức dụng gì ư? Tôi viết những bài này, cốt ý phô những chỗ đó ra cho ai nấy cùng xem, nhưng lấy những điều tôi biết làm hạn.



II. CÁI THUYẾT ĐẠO THỐNG ĐÃ BỊ ĐÁNH ĐỔ



Chúng ta hồi còn học chữ Hán mà cho đến bây giờ, những người nào có ít nhiều tri thức về Nho giáo, cũng thảy đều tin cái thuyết “đạo thống” của Tống nho: tin rằng cái đạo lý giữa vũ trụ xưa nay riêng về một số người cầm giữ lấy, những người ấy tức là những thánh, hiền bên Tàu từ Phục Hy, Thần Nông, Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang, Văn, Vũ, Chu Công, Khổng Mạnh rồi đến Chu, Trình, Trương, Chu là các Tống nho vậy.

Cái thuyết ấy đời xưa chửa có, mới bắt đầu có từ Tống nho. Họ kêu “đạo thống”, nghĩa là cái mối đạo. Họ coi đạo lý giữa vũ trụ xưa nay như là cái mối giây, các thánh, hiền trong Nho giáo nối nhau cầm giữ lấy cái đạo ấy cũng như mối giây nối nhau, cho nên gọi là “đạo thống”.

Lúc Trình Hạo chết, Trình Hy là em ruột, làm bài hạnh trạng cho anh mình, xưng “Trình Hạo là một người nối sau Mạnh Kha”, cái thuyết đạo thống gây ra từ đó; rồi đến Chu Hy, cái thuyết ấy mới thành lập một cách chánh thức vậy.

Chu Hy làm bài ký Tam Tiên sinh từ, có nói rằng:

“Từ Mạnh Tử mất mà cái đạo của thánh nhân không truyền nữa… Liêm Khê tiên sinh (Chu Đôn Hy) dấy lên ở dưới trăm đời, bắt đầu tìm được chỗ bí ảo của thánh hiền… Rồi đến hai anh em Trình tiên sinh (Hạo và Hy) nối lấy…”

Lại trong bài tựa sách Trung dung tập giải cũng nói:

“Sách Trung dung… sau Mạnh Tử mất thì không có người để truyền cho… Đến bổn triều (Tống), Liêm Khê tiên sinh mới tìm được cái yếu lãnh của nó mà viết ra sách. Rồi hai anh em Trình phu tử lại phát huy thêm ra và cái học ấy được bủa ra trong thiên hạ…”.

Lại bài tựa Đại học chương cú cũng nói như vậy:

“Mạnh Tử mất rồi cũng thất truyền đi… Hai anh em Trình phu tử ra đời bèn tiếp được cái truyền của họ Mạnh…”

Lại bài tựa Trung dung chương cú cũng nói:

“Đến Mạnh Tử mất mà rồi thất truyền đi… May nhờ còn có cuốn sách này cho nên hai anh em họ Trình ra đời mới có chỗ tìm xét để nối lấy cái mối đã mất đi đến một ngàn năm chẳng truyền cho ai…”

Cứ như cái thuyết của Chu tử đó, thấy ra có hai điều vũ đoán. Một là: theo lời nhà Nho, đạo là cái đường mà thiên hạ chung noi (đạo giả thiên hạ cộng do chi lộ dã). Đã là cái đường chung, thì trong các tôn giáo triết học khác, há lại không có thánh, hiền của họ có thể cầm giữ đạo lý được, sao lại chỉ riêng cho các thánh, hiền bên Nho được cầm giữ? Hai là: Từ Mạnh Tử đến Tống nho, cách một ngàn năm, trong ngàn năm ấy há lại không có một vị nho giả nào có thể cầm giữ được mối đạo, mà lại phải đợi đến Tống nho?

Chu tử nói như vậy, chẳng qua là do tư ý. Đã có tư ý giành độc quyền cho Nho giáo, lại có tư ý giành độc quyền cho Tống nho là đảng phái của mình. Theo lẽ công bằng trong học giới ngày nay, nhất là theo cái khuynh hướng “chư thánh bình đẳng” của tôi, thì sự vũ đoán ấy, sự chiếm độc quyền ấy, không còn có thể dung được nữa, nghĩa là phải đánh đổ cái thuyết đạo thống đi mới được.

Cái đạo lý giữa vũ trụ hãy còn[*] ở trong màn bí mật, các thánh hiền xưa nay mỗi người tìm mỗi cách để mà dỡ cái màn ấy, nhưng đã có ai dỡ[**] được đâu? Vậy, kẻ học, như bọn ta, nên coi đạo nào cũng như đạo nào, phải có lòng chí công ấy thì họa may có ngày mới nhờ đó mà thấy được chân lý. Chớ còn giữ cái thói “vào thày ra tớ”[1], ưa Nho thì nói Nho là chánh thống, ưa Phật thì nói Phật là chánh tôn, đó là cái thái độ hẹp hòi của nhà tôn giáo, mà kẻ học như chúng ta không nên có vậy.

Trước đây hơn 20 năm, tôi thấy có Tây Hồ tiên sanh cũng không chịu cái thuyết đạo thống là phải. Tiên sanh thường nói với chúng tôi rằng: “Bọn ta ngày nay làm học, phải tháo cái “giây chuyền đạo thống” ra, bỏ cả khúc trên khúc dưới mà lấy nội khúc giữa”. Nói thế, nghĩa là tiên sanh muốn dẹp đổ Nghiêu, Thuấn đừng nói tới, cũng bỏ Tống nho ra, mà chỉ tới thẳng với Khổng Mạnh thôi.

Nhưng xét theo lịch sử học thuật bên Tàu thì thấy cái thuyết đạo thống đã bị đánh đổ hơn hai trăm năm nay rồi, mà ở ta đây chưa biết! Các nho giả nhà Thanh như Nhan Nguyên, Lý Cung, Đối Chấn, Hồ Vị, không kể hết được, đều là người phản đối Tống nho rất kịch liệt. Thanh nho làm ra không biết bao nhiêu là sách, công kích Tống nho để hồi phục lại cái chân tướng của Khổng, Mạnh, mà những sách ấy viết ra một cách rất đúng với phương pháp khoa học, cho nên rất hiệp với tỳ vị học giả Trung Quốc đời bây giờ. Nhờ đó, cái thuyết đạo thống đã tuyên cáo là bị đả đảo rồi.

Trong việc đánh đổ thuyết đạo thống, có hai cha con Phí Kinh Ngu (1599-1671) và Phí Mật (1625-1701) là thống khoái trực triệt hơn hết. Trong sách Hoằng đạo của ông Phí con, có nói rằng:

“Cái thuyết đạo thống, Khổng Tử chưa hề nói. Chẳng những Khổng Tử chưa hề nói mà bảy chục đệ tử của ngài cũng chưa hề nói, cho đến học trò họ cũng chưa hề nói nữa; và sau đó một trăm năm, Mạnh Tử, Tuân Tử cũng chưa hề nói bao giờ… Lưu truyền đến đời Nam Tống, các ông bèn lập riêng ra đạo thống. Từ cái thuyết ấy xướng ra, rồi cái đạo của Phục Hy, Thần Nông, Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thang… ngày xưa dùng mà tài thành trời đất, vỗ an nhân vật, thình lình không thuộc về vua quan nữa mà thuộc về bọn nho sanh, khiến cho kẻ luận đạo đời sau, chốn thảo dã trở lại trọng hơn chốn triều đình, lời nói suông trở lại trọng hơn sự thực!…”

Lại rằng:

“Cầu lấy một trong trăm phần đạo đức của thánh hiền để mà tự sửa lấy mình, như thế thì được. Chứ còn đem những lời kinh truyện ra mà điên đảo đi, xuyên tạc đi, nói bướng là thánh nhân đã nói như mình vậy đó, mình học cùng thánh nhân mà sở đắc vậy đó; rồi cho xưa nay đều không có ai biết gì ráo, chỉ có một bọn đôi ba người họ ngồi lặng yên (tĩnh tọa, là một cách học của Tống nho) mà biết được đạo thôi: sự ấy thật đức Khổng chưa hề làm, cho đến Mạnh Kha, Tuấn Khanh cũng không dám nhận; vậy mà người đời sau (Tống nho) lại dám quách đi, có phải là cả gan không? Có phải là dối mình và dối đến tiên thánh không?”

Cái án của cha con họ Phí đã kết cho Tống nho đó có ảnh hưởng trong học giới Trung Hoa rất lớn. Trong quãng hai trăm năm gần đây, người Tàu theo Tống nho là vì kiêng thế lực của triều đình Mãn, nhưng ở đâu cũng có học phái nghịch với Tống nho, không tin thuyết đạo thống, mà chỉ truy tôn một mình Khổng, Mạnh.

Cho đến ngày nay, bọn Trần Trọng Viễn, chủ trưởng Khổng giáo hội cũng đã đẩy Tống nho ra ngoài cửa Khổng rồi. Tôi nhìn cho sự ấy là một điều lợi cho học thuật, nên tôi cũng rao ra cho người Việt Nam ta biết: cái thuyết đạo thống đã bị đánh đổ!



III. CÁI LÝ HỌC CỦA TỐNG NHO ĐÃ BỊ TRỌNG THƯƠNG



Trong Nho giáo, từ trước kia, Khổng Mạnh cho đến chư tử khác, nói nhân, nói nghĩa, nói lễ, nói trung thứ, nói lương tri lương năng, nói gì thì nói, chớ chưa hề nói “lý” bao giờ. Đến các ông Tống nho dấy lên, vẫn dựa theo Nho giáo mà lại mở ra một lối triết học mới, lấy lý làm trụ cột, kêu bằng “Lý học”.

Trong các Tống nho, ông Chu Hy xuất sắc hơn hết, người ta cho ông là tập đại thành của chư nho, nền Lý học cũng đến ông mới thành lập hoàn toàn. Nay xin cứ theo lời ông mà giải thích chữ “lý” ấy.

Nguyên ông Trình Hạo có nói rằng: “Cái học của tôi tuy có chỗ truyền thụ, nhưng hai chữ “thiên lý” thì tự chính mình tôi thể nhận ra”[2]. Chúng ta coi một câu đó đủ thấy cái Lý học của Tống nho thật không phải uyên nguyên từ Khổng Mạnh vậy. Đến ông Chu Hy, ông mới phát huy thêm cái nghĩa của Trình tử. Ông nói rằng:

“Lý ở lòng người, ấy gọi là tính. Lòng, là cái chỗ thần minh hội hiệp, làm chủ tể cả một thân người ta. Tính, tức là bao nhiêu đạo lý ta nhận được ở trời mà đủ ở trong lòng”[3].

Câu của Chu tử đó tức là chú thích hai chữ “thiên lý” của Trình tử. Đại ý cũng giống với cái thuyết “tính thiện” của Mạnh Tử, chỉ khác nhau là bên Tống nho có thêm ra một từng “lý” nữa. Mạnh Tử nói tính là tính, mà Tống nho nói lý là tính.

Tống nho đã lấy thiên lý làm cái quan niệm căn bản của cái học mình, cho nên đồng thời cũng phản đối “nhân dục” nữa. Nhân dục tức là cái cũng phát sinh từ trong lòng người ta, mà trái nhau với thiên lý là thiện mà nhân dục là ác.

Vậy thì học là gì? Theo Tống nho thì người ta học là cốt để trừ khử cái nhân dục ấy đi mà mọi việc đều làm theo thiên lý để trở nên thiện nhân, quân tử, vào cõi thánh hiền.

Nếu vậy thì cái Lý học của Tống nho chỉ mong cho người ta làm thánh hiền, có việc gì mà bị người sau công kích? Nhưng xét ra cho kỹ thì do cái quan niệm căn bản ấy Tống nho phải chủ trương nhiều điều quá võ đoán, không hiệp với lẽ thường trong sự sinh hoạt của người ta cho nên đến Thanh nho họ mới rủ nhau công kích, mà rồi Lý học như đã bị trọng thương.

Trong bài ngắn ngắn này, tôi không có thể đem cái lý của Tống nho mà so sánh với cái tính của Mạnh Tử để cho thấy chỗ trái nhau, hay là bàn rộng ra đến chỗ Tống nho đã nói về lý một cách hàm hỗn[4]. Trong bài này, tôi chỉ có ý báo cáo cái tin Lý học bị thương đã xảy ra vài trăm năm nay ở bên Tàu mà ta đây chưa biết, nên tôi chỉ nói sơ qua về một chỗ đó mà thôi.

Các nho nhà Thanh nhiều người phản đối Lý học, nhưng kịch liệt nhất là ông Nhan Nguyên (1653-1704) và học trò ông là Lý Cung (1659-1733). Nhan Nguyên chủ trương cái học thực dụng; đối với cái học Tống nho, chỉ dạy người sáng lý mà không dạy người tập việc, ông rất không vừa lòng. Đến Lý Cung tổ thuật theo lời thầy mình, lập ngôn lại càng rõ rệt lắm. Ông nói: “Đạo chỉ là thông hành, lý chỉ là điều lý. Cái mà thông hành ở trời ở người, kêu bằng đạo; chớ còn lý, thì thánh kinh ít nói đến. Trung dung nói văn lý, Mạnh tử nói điều lý, đều tỏ ra cái gì có thứ tự, có đường đất rõ ràng thế thôi. Cho đến kinh Dịch nói cùng lý tận tính, chữ lý ấy cũng chỉ là điều lý mà thôi vậy.

Những lời ấy để tỏ ra cái lý là không phải cái mà Khổng Mạnh đã chú trọng, duy đến Tống nho mới lập nó lên, tức như Trình tử nói chính mình đã thể nhận ra vậy. Còn như chỉ ngay cái lý của Tống nho là có hại thì có những lời này.

Sau họ Nhan họ Lý, có ông Đối Chấn, cũng kêu là Đối Đông Nguyên (1724-1777), ông này chẳng những chăm phá hoại cái học của Tống nho, mà có ý lập ra một nền triết học mới cho Trung Quốc. Đối với Lý học, ông từng lên một cái án như vầy:

“Trong Lục kinh cùng những lời của Khổng Mạnh ít thấy có nói đến lý. Hiện nay, dầu đến người chí ngu, trong khi xử đoán việc gì, cật trách người nào, hay xách “lý” ra mà nói, ấy là cái thói quen từ nhà Tống đến nay; họ vốn cho lý là cái nhận ở trời và đủ trong lòng mọi người, nhân đó họ lấy cái ý kiến riêng của mình rồi kêu phứt là lý đi. Đó rồi hễ ai có thế lực, có miệng lưỡi thì lý thẳng, còn ai yếu đuối, mở mồm không ra thì lý cong!… Ôi! đã cho lý là vật nhận được ở trời mà đủ trong lòng thì tự nhiên phải lấy ý kiến của mình mà cho là lý vậy!”

Lại rằng:

“Cái đạo của thánh nhân cốt làm thế nào cho trong thiên hạ chẳng cái tình nào chẳng thông, chẳng cái dục nào chẳng toại mà thiên hạ trị. Vả, cái tình mà đến chỗ không mảy mún nào khuyết hám, ấy là lý đó. Tống nho chẳng biết lẽ ấy, lại bày ra một cái lý bất cận với cái tình, chẳng khác nào thứ hà pháp của bọn khốc lại. Khốc lại lấy phép giết người, còn Tống nho lấy lý giết người; giết người không bằng phép mà bằng lý, người phải chết, không thể cứu được!… Chết bởi phép còn có kẻ thương; chết bởi lý, còn ai thương cho!…”[5]

Chu tử cho "nhân dục là cái trái với thiên lý"[6] cho nên muốn "tồn thiên lý" thì phải "khử nhân nhục". Đối Chấn phản đối riết chỗ đó, nói rằng "Lý ấy là cái tình mà không sai sẩy" và rằng "Tình mà đến chỗ mảy mún không khuyết hám ấy là lý". Rồi kết luận rằng: Cái nhân dục không cần phải khử, chỉ quý cho có tiết độ và được quân bình. Như vậy thật chẳng khác gì với cái chủ trương của Mạnh Tử trong khi đáp các câu hỏi "hiếu sắc hiếu hóa" của Tề Tuyên Vương vậy.

Cái lý học bị trọng thương chính vì mũi giáo của họ Đối đó. Từ đó đến nay bên Tàu vẫn có kẻ nổi lên phản đối họ Đối mà binh vực cho Tống nho, nhưng chẳng có hiệu quả gì; đến ngày nay cái "lý" ấy càng có nhiều người không công nhận lắm.

Tôi tiếc rằng trong một bài ngắn này nói không được đủ hơn. Nhưng cốt ý chỉ báo một cái tin thì như vậy cũng gọi là dài rồi vậy.



IV. GỠ CÁI LẦM CHO HAI ÔNG LÊ DƯ VÀ TRẦN TRỌNG KIM



Đây cũng lại là một cái tin quan hệ nữa mà tôi đem báo cho anh em trong học giới hay, dầu muộn còn hơn nín bặt.

Trước đây trong bài Câu chuyện đọc thơ ông Trạng của ông Sở Cuồng đăng ở Đông tây số 89, ông nhận cho những lời sấm của ông Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là có ích về thực tế, tôi thấy nói mà rụng rời, chẳng biết ông hiểu nghĩa hai chữ “thực tế” ra sao mà ông nói thế!

Vả cái việc suy biết sự tương lai, ở nhà tôn giáo thì cho nó là một sự bởi thánh linh mặc khải (inspiration), không phải do học mà biết, cố nhiên. Còn nó ở ngoài tôn giáo thì lại là một thuật số, chớ không phải là một cái học. Nó sắm ra như tuồng để mà chơi, cũng như các thứ chơi giải trí khác, lấy gì mà cho nó là có ích về thực tế?

Phàm cái gì mà nói rằng ích cho thực tế, chẳng khác nào nói rằng có ích cho sự sanh hoạt của loài người. Vậy thì, nếu quả có thiên số, nếu quả có thiên số nhất định rằng đất Cao Bằng đãi[***] họ Mạc được vài đời, rằng Đèo Ngang dung nhà Nguyễn đến vạn đại, mà ông Bỉnh Khiêm biết trước được, và lời tiên tri ông ứng nghiệm nữa, thì lại có tương quan gì với cuộc sinh hoạt của dân tộc Việt Nam từ bấy đến giờ đâu? Thậm chí, chính họ Mạc và nhà Nguyễn đã ứng lời sấm ấy thì cũng chỉ biết trước được sự tiền định đó thôi, nào có bổ cứu gì đến cuộc hưng vong mà cho là có ích về thực tế?

Trong sự tán dương quá đáng đó, tôi thấy ông Lê Dư có chỗ lầm rồi. Nhưng truy nguyên cái lầm ấy từ đâu, thì tôi biết rằng bởi cái học Tống nho đã hoán[****] trong tư tưởng của ông nên ông mới có cái lầm ấy. Hiện nay những nhà Hán học trong nước ta, còn sót lại hoặc mới dấy lên, tôi thấy ra cũng đều chịu ảnh hưởng của Tống nho hết, vậy thì đem cái tin này mà báo cho họ biết, giờ này cũng chưa phải muộn đâu.

Ông Lê nhận lời sấm của ông Bỉnh Khiêm là có ích về thực tế, bởi trước hết ông đã nhận cho cái thuật số của ông Bỉnh Khiêm là cái học. Ấy chính cái lầm ở đó. Mà gốc nó là ở Tống Nho mà ra.

Tống nho như ông Chu Liêm Khê, Thiệu Khang Tiết[*****], đều có tiếng là tinh kinh Dịch. Tự các ông cho là mình đã được cái mối xưa nay chưa truyền cho ai ở trong kinh tàn sách sót (đắc bất truyền chi tự ư di kinh), nhưng kỳ thực các ông đã đem của đâu đâu vào mà trộn bậy với của các thánh đời xưa.

Ông Thiệu Ung[******] lấy những Hà đồ, Lạc thư cùng Tượng số chi chi mà giải kinh Dịch. Rồi những cái cốt yếu của cái học Tống nho như là tâm, tính, lý, mạng cũng do đó mà ra nữa. Ông Thiệu thậm chí lấy những nguyên, hội, vận, khí, suy tính sự tuần hoàn của vũ trụ, cho là chỗ bí ảo của kinh Dịch đó, mà thực ra thì những điều ấy chưa hề có trong sách của các thánh đời xưa vậy.

Ông Nguyễn Bỉnh Khiêm nước ta, theo lời sử chép, thì nhân ông nghiên cứu Thái ất thần kinh mà mới có được cái tài biết việc tương lai. Thái ất thần kinh tôi không biết cho rõ lắm, nói nó tức là Thái ất số của Tàu thì cũng là một nguồn với cái Dịch học của Tống nho vậy.

Hễ Tống nho cho đồ, thư, tượng, số là Dịch học của tiền thánh được, là cái mà tiền thánh đã dùng để khai vật, thành vụ, lợi dụng hậu sinh được, thì ông Lê Dư cho Thái ất thần kinh là Dịch học, và lời sấm của Trạng Trình là có ích về thực tế, há chẳng được hay sao? Cái lầm từ bên Tàu lầm qua, từ bảy tám trăm năm trước tới bây giờ.

Vả lại, nếu trong não ông Lê đã tôn sùng Tống nho, đã cho Dịch học của họ cũng như Dịch học của Văn Vương, Khổng Tử thì cái sự ông tán dương ông Nguyễn Bỉnh Khiêm như thế, cũng là sự thường.

Bởi vậy, hôm nay tôi lần lượt báo đến cái tin này, cho ông Lê cùng những ông nào tin như ông Lê biết rằng cái sự tiên tri của Trạng Trình đó chỉ là một cái thuật số mà thôi, và nói ngay ra, đừng để mất lòng chi hết, bảo nó là đồ vô dụng!

Cái Dịch học của Tống nho, đến nhà Thanh, cũng đã bị đánh đổ rồi nữa. Nó đã bị đả đảo hai trăm năm nay rồi, vậy mà ở xứ ta, trước đây mới 30 năm, vẫn còn đeo theo mà nghiền ngẫm, bởi đó cái lầm mới cứ mải miệt đến ngày nay!

Ông Cố Viêm Vũ (1613-1682) là tay tiên phong đánh phá cái thành lũy Dịch học của Tống nho, ông nói rằng:

“Thánh nhân sở dĩ học Dịch, chẳng qua ở chỗ lời nói thường, việc làm thường, chứ không ở nói đồ, thư, tượng, số vậy. Ngày nay những kẻ xuyên tạc theo đồ tượng mà cho mình là tài giỏi, ấy là trái với thánh nhân!”

Lại rằng:

“Những đồ của Hy Di (Trần Đoàn), những thư của Khương Tiết (Thiệu Ung), ấy là kinh Dịch của nhà Đạo (một phái của Lão học). Từ cái học của hai người đó dấy lên mà rồi những kẻ dốt nát, những người quái lạ, đều ẩn bóng trong đó để vẽ vời kinh Dịch ra một đường, khi ấy nó trở thành ra thứ sách phương thuật, chứ không còn là cái học phản thân quả quá của Thánh nhân nữa!”

Sau họ Cố, còn nhiều người phản đối Dịch học của Tống nho. Đến ông Hồ Vị[*******] làm ra sách Dịch đồ minh biện. Thôi thì cái đại đồn Dịch học của ông Chu ông Thiệu như bị một trái phá thả vào, tan hoang chẳng còn gì hết. Học giới bên Tàu gần hai trăm năm nay đều công nhận như thế.

Dịch đồ minh biện, sách ấy, đại ý liệu rằng những Hà đồ Lạc thư truyền từ nhà Tống đến nay đó là của ông Thiệu Ung đem ra. Mà ông Thiệu chịu truyền bởi ông Lý Chi Tài, Lý Chi Tài chịu truyền bởi đạo sĩ Trần Đoàn. Những đồ thư đó không phải là của Hy, Văn, Chu, Khổng, và nó chẳng quan hệ gì với Dịch lý chút nào hết.

Trong sách Thanh đại học thuật khái luận của ông Lương Khải Siêu, có nói về cuốn sách này mà cho là một cuộc cách mạng lớn về tư tưởng lúc bấy giờ. Bởi vì cái học của Tống nho có một phần ở dịch lý của họ, nhân đó họ chiếm lãnh lấy cái đạo thống, làm như của riêng thuộc về mình. Nhờ có cuốn sách Hồ Vị ra, lấy kinh Dịch đem trả cho Phục Hy, Văn Vương, Chu Công, Khổng Tử, lấy những đồ thư tượng số đem trả cho Tống nho. Như thế, làm cho kẻ học biết rằng Tống nho tự Tống nho, mà Khổng Tử tự Khổng Tự, không cần gì nương theo Tống nho mới tìm tới Khổng Tử được. Sự cách mạng là ở đó vậy.

Tôi nhờ cuốn sách của ông Lương nói trên đó và cuốn Đối đông nguyên đích triết học của Hồ Thích và văn tập Cố Viêm Vũ mà biết được cái tin như tôi đã báo trên này. Biết được cái tin ấy tôi tưởng là có ích cho sự học của chúng ta lắm. Xưa nay bao nhiêu những cái thuyết âm dương ngũ hành dựa vào Dịch học mà làm mê hoặc lòng người, có thể nhờ nó mà đánh đổ cả đi. Lại, chẳng những ông Lê Dư, mà ông Trần Trọng Kim cũng có chỗ lầm như ông Lê, vì trong sách Nho giáo của ông, ông đã đem cái vô cực của Chu Liêm Khê mà gán vào cho Khổng Tử. Xem đó thì như cả hai ông cũng chưa nghe qua cái tin này chăng. Nếu thế, thì sự báo tin này dầu muộn mấy cũng phải có.

PHAN KHÔI

Đông tây, Hà Nội, s.100 (26.8.1931); s.102 (2.9.1931);
s.103 (5.9.1931); s.108 (23.9.1931)









[*] bản gốc là "hãi còn"; ở đây sửa lại.

[**] bản gốc là "giở"; ở đây sửa lại.

[1] Dịch nghĩa chữ "nhập giả chủ chi; xuất giả nô chi" của Hàn Dũ (nguyên chú của PK) (cũng xem chú thích này ở bài Lại nói về tam cung với ngũ luân//Phụ nữ tân văn, s.89; 2/7/1931).

[2] "Ngô, học tuy hữu sở truyền thụ, thiên lý nhị tự khước thị tự gia thể hội xuất lai" (nguyên chú chữ Hán; ở đây ghi phiên âm).

[3] "Lý tại nhân tâm, thị vị chi tính. Tâm thị thần minh chi xá, vi nhất thân chi chủ tỉa. Tính tiệm thị hứa đa đạo lý đắc ư thiên nhi cụ ư tâm" (nguyên chú chữ Hán; lưu ý: từ thứ 14, xá, có thể bản gốc xếp lầm; theo câu dịch trong bài thì chỗ này là chữ hội mới đúng?)

[4] Chỗ hàm hỗn tức như chỗ này: Chu tử đã nói: Lý tức là cái nhận được ở trời mà đủ trong lòng mọi người; lại còn nói: Mọi vật trong thiên hạ chẳng cái nào là không có lý (thiên hạ chi vật mạc bất hữu lý); lại còn nói: Bắt từng vật mà cũng xét cái lý của nó (tức vật nhi cùng kỳ lý); như vậy thì lý là cái chẳng những ở trong lòng người ta mà ở cùng khắp hết trong mọi vật. Nếu cái lý là vật minh mông như thế thì làm sao biết nó là chí thiện mà phải theo nó? (nguyên chú của PK).

[5] Đoạn này ám chỉ vào lời “chết đói là việc nhỏ, thất tiết là việc lớn” của Trình tử? (nguyên chú của PK).

[6] "nhân dục vân giả chính thiên lý chi phản nhĩ" (nguyên chú chữ Hán).

[***] Bản gốc là dài, có thể in sai, ở đây tạm sửa là "đãi" (NST).

[****] hoán: thay đổi (có thể hiểu ý là: cái học Tống nho đã làm thay đổi, hoán chuyển tư tưởng ông); nhưng cũng có một khả năng đây là từ choán bị in sai, thiếu chữ cái c; choán là chiếm, từ này PK thường dùng (ý sẽ được hiểu là: cái học Tống nho đã chiếm lĩnh, ngự trị trong tư tưởng ông ta) (NST).

[*****] Chu Liêm Khê: tức Chu Đôn Di (1017-73) nhà lý học hàng đầu thời Bắc Tống.

(******) Thiệu Ung (1011-77), nhà lý học lớn thời Bắc Tống; ông cùng Chu Đôn Di, Trình Hạo, Trình Di, Trương Tải được gọi chung là "Bắc Tống ngũ tử" (năm bậc thầy thời Bắc Tống).

[*******] Hồ Vị (1633-1714) nhà kinh học, địa lý học đầu đời Thanh, Trung Quốc.

PHAN KHÔI: LUẬN VỀ QUỐC HỌC

PHAN KHÔI: TÁC PHẨM ĐĂNG BÁO 1931



LUẬN VỀ QUỐC HỌC



Cái học của nước ta từ trước có thể gọi là quốc học
được không? – Văn học với quốc học. – Ông Lê Dư
định biên tập Việt Nam văn học sử hay là Quốc học sử?



I

Quốc học là một danh từ mà cũ và mới có nghĩa khác nhau. Hồi trước ta nói “ quốc học”, tức là cái trường học cho cả nước; như trường Quốc học ở Huế là lấy nghĩa ấy. Còn chữ “quốc học” ngày nay thường dùng, là chỉ về cái học riêng của một nước, có vẻ đặc biệt, có chỗ khác với nước ngoài. Vậy khi nói quốc học cũng gần giống như nói “quốc phục”, là đồ y phục riêng của một nước; nói “quốc kỳ”, là hiệu cờ riêng của một nước.

Chữ quốc học trong bài nầy chuyên nói về nghĩa mới, là nghĩa sau đó.

Người Việt Nam ta bắt đầu dùng chữ quốc học mới từ vài ba năm nay. Ta chớ nên chối rằng sự dùng ấy, ta đã bắt chước người Tàu. Mà người Tàu dùng chữ quốc học theo nghĩa mới nầy cũng chỉ từ vài mươi năm đây trở lại. Muốn nói cho chắc hơn nữa thì từ lúc có cuộc vận động về tân văn hóa, đâu vào năm Dân quốc thứ sáu, khi bấy giờ trong nước họ, một phái thì lo tuyên truyền các học thuyết mới của Âu Mỹ, một phái thì lo chỉnh lý các học thuyết của bách gia chư tử Trung Hoa đời xưa, và cái danh từ “quốc học” sản sanh ra do phái sau.

Học thuật nước Tàu, không luận hay dở ra sao, chớ nó vẫn có cái vẻ đặc biệt; đem mà so sánh với của các nước Âu Mỹ, nó không giống của nước nào hết. Từ Lão Tử, Khổng Tử, Mặc Tử, Tuân, Mạnh, Trang, Liệt, cho đến các đại nho đời Hán, đời Tống, đời Minh, đời Thanh, mỗi người đều lập thành cái thuyết một nhà.

Chẳng những ba phái lớn hồi cổ thời, là Lão, Khổng, Mặc, tư tưởng khác hẳn nhau; về sau các nho giả, chuyên tôn một họ Khổng mà cũng đều chia ra lưu phái, ai có nền nếp nấy, không ai giống ai cả. Do sự chia rẽ ấy mà trong cõi học nước Tàu mới trình bày ra cái vẻ sầm uất thạnh vượng, đủ mà đối lập với cõi học của các nước ngoài. Bởi vậy họ mới dùng hai chữ “quốc học” để chỉ về cái học thuật riêng của nước họ. Theo ý riêng tôi, sự dùng ấy thật là xứng đáng, vì cái học của nước họ đủ đại biểu cho cái tư tưởng của một dân tộc, không giống với ai, cũng như y phục và hiệu cờ của nước họ không giống với ai.

Tôi cắt nghĩa chữ “quốc học” như thế, xin độc giả nghĩ thử có phải không. Ta hẵng định trước cái nghĩa chữ “quốc học”, rồi ta muốn nói gì mới nói được.

Nói đến nước ta. Tôi muốn đặt ra một câu hỏi: Nước ta có quốc học không? Cái học của nước ta từ trước có thể gọi là quốc học được không?

Cho được trả lời câu hỏi ấy, ông Phạm Quỳnh nói không, ông Trịnh Đình Rư nói không, tôi nói không; ông Lê Dư nói có.

Ấy là nhơn tôi đọc bài Câu chuyện đọc thơ ông Trạng của ông Lê Dư đăng trong báo Đông tây ra ngày 18 Juillet vừa rồi mà thấy ra như vậy. Trong bài ấy, ông Lê trách ông Trịnh – cũng trách luôn chúng tôi nữa – sao có bội bạc tiền nhân, vụ nhục nền văn hóa nước nhà; bởi vì trong bài ông Trịnh phê bình Bạch Vân am thi tập của ông Lê biên tập, có một đoạn như vầy: “Nước ta từ xưa đến nay chưa từng thấy có cụ nào dựng ra được một học thuyết gì to tát riêng; xét đến lịch sử những nhà học giả Đông Tây mà nghĩ lại đến quốc học nhà, ta tưởng tự lấy làm thẹn”. Kế đó ông Lê lại dẫn một đoạn văn đã đăng trong báo Phụ nữ tân văn nầy, không kêu tên tác giả mà chỉ nói là lời của một nhà Tây học, như vầy: “Nói đến học thuật chơn chánh thì cổ lai nước ta đã có gì; không dám nói bạc tiền nhân, nhưng thật không có người nào vậy. Tương truyền lý học thâm thúy có cụ Chu An và cụ Trạng Trình, nhưng các cụ phát minh được những điều gì, trứ thuật được những sách gì có ích?…”

Đoạn ấy tôi nhớ chắc là lời của ông Phạm Quỳnh. Ý chừng ông Lê không muốn rắc rối với ông Phạm làm chi nên chỉ nói là của một nhà Tây học. Nhưng theo tôi tưởng, chúng ta bàn đây là bàn chuyện học, chớ có phải tranh danh đoạt lợi gì mà hòng sợ hiềm khích nhau đến nỗi không muốn kêu tên; bàn chuyện học thì ý kiến của ai, nên nói rõ là của người ấy, mới có đường mà biện luận được chớ; bởi vậy tôi xin nói sáng rằng đoạn văn ấy là của ông Phạm Quỳnh.

Còn tôi, ai khảo mà xưng? “Lạy ông tôi ở bụi nầy”, cái không những là dại mà là dởm. Nhưng vì nếu tôi có thú khai tôi ra đây thì cái ý nghĩa bài nầy mới càng đích xác hơn vậy.

Cái giọng phủ nhận như ông Trịnh Đình Rư và ông Phạm Quỳnh đó, thưa thiệt, tôi cũng có thốt ra nhiều lần rồi. Một lần sau mới đây, lời càng thống thiết hơn, là trong bài “Hán học ở bên Tây” đăng ở báo Đông tây cách vài tháng trước. Trong bài ấy đến nỗi tôi muốn nói rằng nước ta từ xưa đến nay không có cái gì đáng gọi là cái học nữa kia. Những cái luận điệu của tôi đó, tưởng ít nữa ông Lê Dư cũng có thấy qua, song ông chừa tôi ra, là vì ông cùng tôi có tình anh em riêng,[*] với tôi, ông càng không muốn rắc rối hơn với ông Phạm nữa.

Ông Lê có lòng tốt đối với tôi như vậy, tôi nỡ nào đi phụ cái lòng ấy của ông? Song tôi nghĩ, cái chơn lý giữa cõi học nó bắt phải để riêng cái tình anh em trong một nhà. Bởi vậy, trong việc nầy, tôi phải để mình về bên hai ông Phạm và Trịnh kia, viết bài nầy, cùng ông Lê thương xác lại vấn đề ấy.

*

Theo sở kiến hai ông Phạm và Trịnh thế nào thì không biết. Còn tôi, khi tôi dám hạ một câu kết luận rằng nước ta không có cái học đáng gọi là quốc học, là khi tôi đã do cái định nghĩa của chữ quốc học trên đó mà soát qua những nhà học vấn trong nước ta và sách vở của họ từ xưa đến nay rồi. Đừng nói cái học của ta chỉ ở trong phạm vi cái học của Tàu, thiếu vẻ đặc biệt, không đủ kêu là quốc học; cho đến chịu giống với Tàu đi, là ở nước ta cũng không có một cái học phái nào thành lập hẳn; vậy thì chữ “học” đã chẳng có, chữ “quốc” còn nương dựa vào đâu?

Vài mươi năm nay, từ khi tôi biết cái học là gì rồi, tôi cố đi tìm cho được cái học của nước ta. Tìm trong ông Chu An, tôi chỉ thấy là một nhà nho khẳng khái; tìm trong ông Nguyễn Bỉnh Khiêm, tôi chỉ thấy là một nhà thuật số như mấy ông mấy bà tiên tri đời nay. Khi tôi xét đến ông Võ Trường Toản, thấy nói cái học của ông chủ ở “thành”[1]; khi tôi xét đến ông Chu Doãn Trí, thấy nói cái học của ông chủ ở "bất căng"[2]; nhưng ngoài mấy chữ “thành” và “bất căng” đó, tôi không kiếm ra được cái gì khác nữa, chỉ trơ trọi như vậy mà thôi, đâu đủ gọi là học được? Rồi tôi phải đi bòn như bòn vàng đến trong các văn tập, thì như trong tập Vỉ giả[**], thấy có vài bài ngắn ngắn, nói ra giọng lý học của Tống nho, tôi vẫn lấy làm mừng đó chút, song đã phải đâu là cái mục đích sự tìm kiếm của tôi?

Tìm mãi mà không ra, cho đến ngày nay, tôi mới trịnh trọng và quả quyết mà nói rằng không có. Nếu cái câu kết luận của tôi đó là sai, thì duy có một lẽ là tại chỗ sở kiến của tôi còn hẹp, không thấy cho khắp mà đã hạ lời quyết đoán, tôi phải đứng ra mà chịu tội giữa làng nho. Ông Lê Dư trách rằng: “Ôi! Sao các ông chưa xét cho kỹ mà dám to gan dạn miệng, bội bạc tiền nhân như vậy! Sao các ông vụ nhục nền văn hóa nước nhà như vậy!” Nếu sau nầy chứng quả ra lời chúng tôi là bậy, thì câu ông Lê trách đó cũng còn là nhẹ cho chúng tôi! Nhưng nếu chứng quả như lời chúng tôi, thì lời ấy chỉ là lời thật, chớ có gì đâu mà bội bạc, mà vụ nhục?

Ông Lê nói có, ông lại hứa rồi đây ông sẽ đem chứng cớ ra. Song, chuyện ấy để lát nữa sẽ nói; đây tôi xin tỏ ra cái cớ tại sao mà chúng tôi phải hô lên cho người ta biết rằng nước ta không có quốc học.

Sự học tức là sự tri thức, nó chuyên khuynh hướng về lý trí mà không nên xen vào một chút tình cảm. Đức Khổng cũng dạy rằng cái học của người đời xưa là vị kỷ, và bắt đầu từ thành ý, nghĩa là không dối mình[3]. Khi nói về cái học của một người đã vậy thì khi nói về cái học của một nước cũng vậy. Nếu nước ta quả không có quốc học thì dầu nó là một sự nhục cho mình đi nữa cũng phải chịu, không nên vì tình cảm mà nói có, cho thành ra dối mình. Dối mình là một cái hại lớn lắm, cho người cũng như cho nước. Bởi vì, nếu không mà nói có, ai nấy tin rằng có, sẽ sanh ra lòng tự phụ, mà tự phụ một cách hư ngụy, rồi không lo tu tấn nữa, nhơn đó cõi học trong nước lại càng tối tăm thêm.

Do lẽ ấy, trước khi muốn người nước mình bắt đầu từ ngày nay lập nên một nền học thuật, chúng tôi phải khai thiệt ra cho ai nấy biết cái tình hình trong cõi học nước ta từ trước ra thế nào; thấy không có thì chúng tôi phải nói không có, đó là chỗ trung hậu thành khẩn của chúng tôi, cũng như một nhà kia, ông cha nghèo thì phải khai thiệt là nghèo, không có một cục đất nào thì phải khai thiệt là không có một cục đất, hầu cho con cháu lo mà làm ăn vậy.

Đó, nếu ai đã tin bụng tôi – hoặc chúng tôi, – thì sẽ không trách sự phủ nhận ấy là bội bạc, là vụ nhục nữa; bây giờ đây, cái vấn đề chỉ còn có sự “có” với “không” mà thôi. Như ai nói “có” thì phải đem chứng cớ ra.

II

Ông Lê Dư nói có. Trong bài Câu chuyện đọc thơ ông Trạng của ông, ông nói để rồi ông tương ra đủ chứng cớ. Điều đó tôi lấy làm mừng lắm chớ! Tôi sẵn lòng chịu tiếng đã dốt lại ngu, còn bội bạc nữa, để được trông thấy nền quốc học của ta từ xưa! Nhưng tôi chỉ ngại một điều, là trong khi ông Lê dợm đem chứng cớ ra, hình như ông đã đánh xô bồ văn học với quốc học làm một!

Bởi cũng trong bài đó, sau khi ông Lê trách chúng tôi, ông có nói rằng: “… Chứ đến như của nhà ta thì các ông có biết những gì đâu… Tôi dám nói rằng văn học nước ta không kém gì các nước, đừng kể gì cho nhiều, chỉ lấy cụ Chu An và cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm ra mà nói, đã có sách vở, có học thuyết, có học phái, từ xưa đã có một cái ảnh hưởng to cho nền văn học nước nhà nhiều lắm, nào có kém Vương học với Thiền tông ở Nhựt Bổn đâu!” Đọc một đoạn ấy thấy ông Lê hình như còn có cái quan niệm về quốc học chưa được minh xác, hoặc giả do đó mà sự nhận biết của ông chưa đúng chăng.

Tôi xin lược phân cái giới hạn của quốc học và văn học thế nào. Theo chữ quốc học ngày nay người ta thường dùng thì cho là cái học thuật của một nước từ xưa đến nay mà có ảnh hưởng đến sự sanh hoạt của xã hội. Không chắc cho lắm, nhưng hình như nó bao hàm triết học và khoa học (nghĩa rộng) vào trong. Còn đối với văn học thì, theo nghĩa rộng của chữ quốc học, nó có thể bao cả văn học nữa, vì người ta nói được rằng văn học của một nước; nhưng, theo nghĩa hẹp thì nó lại đẩy văn học ra ngoài, vì nếu chuyên về mặt có ảnh hưởng đến xã hội mà nói, thì quốc học có ảnh hưởng trực tiếp, còn văn học có ảnh hưởng gián tiếp. Bởi vậy, như nước Tàu, bọn Châu, Trình, Lục, Vương, người ta đem cho vào Học thuật sử (tức là quốc học sử); còn Khuất Nguyên, Tống Ngọc, Lý Bạch, Đỗ Phủ, thì chỉ cho vào Văn học sử mà thôi.

Xem như trên đó đủ thấy quốc học với văn học là khác nhau. Trong khi thảo luận vấn đề quốc học không nên trộn vào vấn đề văn học.

Vậy chúng ta bàn đây, kẻ nói có, người nói không đây, là nói về quốc học, thì cớ sao ông Lê lại bắt quờ qua văn học làm chi? Ông nói rằng: “Văn học nước ta không kém gì các nước”, và rằng “có ảnh hưởng to cho nền văn học nước nhà”, những cái khái niệm của ông đó tỏ cho tôi thấy là không minh xác, sợ về sau nầy những chứng cớ của ông đem ra không được chắc chắn chăng.

Để chờ xem những học thuyết và học phái ông sẽ đem ra là thế nào rồi mới đoán định được cái giá trị chữ “có” của ông. Song ngay từ bây giờ, tôi phải nhắc chừng ông về sự phân biệt ấy.

Về văn học, tôi nhìn cho nước ta là có, song lại nhìn rằng nó chỉ bằng bao nhiêu phần trăm của văn học nước Tàu hoặc nước Pháp mà thôi, chớ không dám nói như ông rằng “văn học nước ta không kém gì các nước”. Nhưng, sự so sánh nầy để rồi tôi sẽ làm trong một bài khác; còn ở đây, tôi xin lặp lại rằng nước ta có ít nhiều văn học nhưng chưa có quốc học, nếu cượng chỉ cho văn học tức là quốc học đó, ấy cũng là mình tự dối lấy mình.

III

Cho được đem chứng cớ ra, ông Lê hứa rằng sẽ xuất bản quyển Việt Nam Văn học sử và quyển Chu An. Lời hứa ấy không làm cho tôi mười phần mừng hết cả mười.

Ông Chu An, ngoài bài sớ “thất trảm” và cái luận điệu công kích dị đoan ra, nếu còn có cái gì đáng kêu là học thuyết mà ông Lê biết hơn chúng tôi, thì hoạ may chúng tôi sẽ được thấy trong cuốn sách Chu An ông sẽ xuất bản. Chí như Việt Nam Văn học sử, nó đã là văn học, thì có thể nào nhìn nó là cái bằng chứng quốc học một cách trọn vẹn được ư? Tôi nói thế, nghĩa là tôi muốn ông Lê, nếu cho chúng tôi biết chứng cớ về quốc học thì ngoài cuốn Việt Nam Văn học sử còn phải có cuốn Việt Nam Quốc học sử – hay là Việt Nam học thuật sử kia. Mà thứ sách ấy, ông liệu có tài liệu mà biên tập được không?

Nay hẵng tạm gác sự ấy đi mà nói riêng về văn học sử là gì.

Đại để, phàm làm sách, thuật ra một cái hiện trạng gì từ xưa đến nay hoặc về một thời kỳ nào, mà có nói rõ cái hiện trạng ấy thay đổi ra sao, cho đến cái nhân và cái quả của nó ra sao, thì mới gọi là “sử” được. Văn học sử của một nước nào, tức là những sự sáng tạo, biến thiên, ảnh hưởng, tóm lại là sự quan hệ về nhân quả của văn học nước ấy. Bởi vậy, một quyển văn học sử, đầu đuôi phải tiếp tục nhau mà không được rời rạc ra từng bài; vả lại, văn học sử nước nào, thì phải suy tìm đến cái ảnh hưởng về sự sanh hoạt của xã hội nước ấy, hoặc nhiều hoặc ít, chớ không thể bỏ qua. Bằng chẳng vậy, gọi gì thì gọi, chớ không gọi là văn học sử được.

Sở dĩ tôi nói đến chỗ nầy là vì trước kia có thấy ông Lê đã xuất bản một cuốn sách kêu bằng Nữ lưu Văn học sử mà không đúng với khuôn phép văn học sử như đã nói trên nầy. Trong sách ấy, ông Lê chép sự tích của những người đàn bà có văn học ở nước ta hồi xưa, dưới mỗi cái sự tích, phụ theo ít nhiều bài trứ thuật của người ấy; cả cuốn sách, đầu đuôi không tiếp tục nhau, không cứ đó mà tìm ra nhân quả được, vậy mà ông gọi ngang là văn học sử được đi! Theo tôi, cuốn sách của ông đó, hết sức chỉ kêu được Việt Nam nữ văn học liệt truyện là cùng, thuê mấy tôi cũng không dám kêu bằng Nữ lưu Văn học sử! Vậy cho biết cái quan niệm “chánh danh” của người mình dầu đến tay bác học như ông Lê Dư mà cũng còn kém quá! Nếu cuốn Việt Nam Văn học sử ông sẽ đem ra làm chứng cớ đây mà cũng như cuốn Nữ lưu Văn học sử của ông hồi trước, thì trong sự thất vọng chúng tôi lại còn thêm thất vọng, mà nhứt là chính mình tôi!

Vậy tôi viết bài nầy như là nhắc chừng ông Lê trong khi biên tập hai cuốn sách ông đã hứa đó, và hết lòng mong đợi nó ra đời!

PHAN KHÔI

Phụ nữ tân văn, Sài Gòn, s.94 (6.8.1931)
Đông tây, Hà Nội, s.96 (12.8.1931); s.97 (19.8.1931)







(*) Chị ruột Phan Khôi là vợ Lê Dư.

[1] Thấy trong bài bia minh của ông Phan Thanh Giản làm để kỷ niệm ông Võ Trường Toản, phụ in trong Kỳ xuyên văn tập (nguyên chú của PK).

[2] Thấy trong bài hạnh trạng ông Chu Doãn Trí do ông Nguyễn Văn Siêu làm, in trong Phương Đình văn tập (nguyên chú của PK).

[**] Vỉ giả: có lẽ là Vi Dã hợp tập, bộ toàn tập thơ văn chữ Hán (12 quyển) của Tuy Lý Vương Nguyễn Miên Trinh (1820-97).

[3] Luận ngữ: "Tử viết: cổ chi học giả vị kỷ". Đại học: "Sở vị thành kỳ ý giả, mỗi tự khi dã" (nguyên chú chữ Hán; ở đây ghi phiên âm).