Hiển thị các bài đăng có nhãn Hai Trầu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hai Trầu. Hiển thị tất cả bài đăng

12/7/11

Phỏng vấn Nhà thơ Nguyễn Hàn Chung và “Nghịch Lưu Của Tuổi”

Phỏng vấn Nhà thơ Nguyễn Hàn Chung và “Nghịch Lưu Của Tuổi” (phần 1/2)

Hai Trầu
12.07.2011 .




Hai Trầu (HT):

Mến chào nhà thơ Nguyễn Hàn Chung,
Như bìa sau thi phẩm Nghịch Lưu Của Tuổi (NLCT), anh có ghi:

Nguyễn Hàn Chung
Sinh quán Điện Bàn (Quảng Nam)
Tác phẩm đã xuất bản:
Tìm tôi trong bóng (thơ) 1999
Nói hộ phù du (thơ) 2002
Nghịch lưu của tuổi (thơ) 2011

Anh bắt đầu mê thơ từ lúc nào và anh có thể kể cho nghe về hai thi phẩm "Tìm Tôi Trong Bóng" (1999) và "Nói Hộ Phù Du" (2002), nội dung cùng sự ra đời của nó, thưa anh?


Nguyễn Hàn Chung (NHC):

Rất cám ơn sự quan hoài của anh Hai Trầu khi đọc NLCT. Nguyễn Hàn Chung đến với cõi thơ từ khoảng đệ thất, đệ lục (khoảng đầu thập niên sáu mươi) lúc bắt đầu trổ mòi ”Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư” .Bắt chước các bậc đàn anh xứ Quảng như Hoàng Thị Bích Ni, Đynh Trầm Ca, Nguyễn Nho Sa Mạc, Nguyễn Nho Nhượn, NHC cũng vần vè đôi bài cỡ như "Thuở nhỏ ôm một cây hùng khí-Bây giờ nghĩ lại thấy ương ương-Đời loạn mà không mần tráng sĩ- Cũng chả xài đến gã văn chương -Thì thôi vỗ bung mà ca hát …Say khước nằm lăn…” Thế thôi, ca vung hào sảng cho vui có nghĩ cái nghiệp thơ nó ám miết âm hồn bất tán vào mình cả đời đâu. Thôi kệ rứa mà vui mà có bạn bầu tứ xứ.


Tập thơ đầu tay “Tìm tôi trong bóng” (1999) tập hợp những bài thơ viết sau 1975 chất chứa nhiều trăn trở tìm sâu bản lai chân diện mục của mình với những nghịch âm,nghịch cảm trong cuộc Đánh cờ một mình. Tập thơ thứ hai ‘’Nói hộ phù du’’ (2002) lại mở ra một hướng khác: Nói hộ cho những nỗi đời bà mẹ núi, ông lão bị lũ con cướp đất, người phu xe thổ mộ ngơ ngác giữa phố,anh kép diễn hài trong lúc cha đang hấp hối …. Nói chung nói về thơ mình thì hơi khó.


HT:

Anh Nguyễn Hàn Chung,

Theo giới thiệu của anh về bài viết "Nói hộ phù du – Cảm thức tro bụi và ý thức bền bỉ về tính hữu hạn tồn sinh" của Liêu Thái, tôi thấy tác giả lưu ý đến khía cạnh cách tân trong thơ anh, nguyên văn: “Dường như đến đây, ý thức cách tân về hình thức lẫn nội dung trong thơ Nguyễn Hàn Chung đã bắt đầu hé lộ – một sự hé lộ hàm ẩn nhiều hệ lụy cho kẻ trót đa man với con chữ, dự báo một nỗi cô đơn rình rập…" Và tác giả kết:"Anh đã để lại cho bạn đọc quê nhà một hình ảnh đẹp về người nghệ sĩ – nhà giáo tóc muối tiêu có đôi mắt sâu thẳm, ánh nhìn tinh nghịch và nhân hậu luôn quắt quay thoát khỏi những ràng buộc của sáo mòn để tìm đến không gian mới của sáng tạo.”

Điều đó có thật vậy không? Và nếu có, anh có thể chia sẻ một chút về việc "cách tân" trong thơ anh?

NHC:

Có thật không hả anh Hai? Thì nó cũng hàm hỗn như thơ vậy, thật mà hư, hư mà thật,cũng chả có cách tân cách cổ gì ghê gớm đâu chỉ là đổi mới tư thế làm…thơ cho nó sướng lên thôi chứ cứ bưởi bòng rạ rơm vần vần vè vè đàng điệu nó có vẻ giả giả thế nào ấy . Chính bản thân người viết đã chán ngấy thơ mình huống hồ …Cũng phải nói thêm điều này một chút. Cách đây chừng hơn hai mươi năm lúc NHC còn chưa bỏ xứ viết cái gì cũng sợ bị quy chụp như cái đận bài thơ Đánh cờ một mình bị truy tung đến điêu đứng nên sau này phải ẩn điều muốn hiển lộ dười tầng tầng bóng chữ kiểu ai hiểu chết liền nếu có kêu lên gọi xuống hạch hỏi còn có cái để đốp chát: Bây giờ các cây bút hậu hiện đại cách tân đên mút chỉ làm NHC cảm thấy thơ mình còn quê một cục chẳng qua Liêu Thái dùng lối nói khoa trương cho NHC uống đường ăn mật đó thôi.…

HT:

Anh Nguyễn Hàn Chung,

Không có lửa làm sao có khói, phải không anh? Và có "cách tân" hay không ở thơ anh như Liêu Thái nhận định chắc người đọc cũng đã thấy rồi, nhưng có điều này, anh còn nhớ những bài thơ cũ một thời của anh không? Hy vọng anh cho bạn đọc nghe lại chút hương xưa một thời qua những vần thơ cũ ấy, anh Nguyễn Hàn Chung?

NHC:

Kính anh Hai Trầu!

Vâng,thưa anh. Có bạn văn khi đọc NLCT có comment với tác giả là trong tập thơ hầu như không có thơ tình. Quả vậy NHC cũng không biết tại làm sao mình không thể .…Thôi thì nhân anh nhắc, NHC chép lại một vài đoạn thơ tình tang tình gửi tặng anh cùng bạn đọc gọi là bổ sung vào phần khiếm khuyết:

Nhà vắng lục tìm sách cũ
Lạc vào một cõi em xưa
Những lá thư vàng ố chữ
Lời yêu khi tỏ khi mờ …

Cổng trường Văn khoa quá chật
Anh đi kiếm lá mỏi mòn
Mối tình đầu như đốm lửa
Mỗi khi lòng không củi nhen…

Và nhớ những ngày mưa Huế
Thu lu quán xếp bên trường
Sóng sóng trăm tà áo trắng
Anh vẫn nhìn ra mắt em.…

Tiếng vợ nựng con bên cửa
Anh biết giấu em vào đâu
Nào bướm nào hoa nào tóc
Anh còn nâng níu trên tay…
(“Ký ức đầu”)

Nửa đi là mất nữa rồi
Nửa vể, câm, một nửa vùi trong đau
Nửa trời cho dễ nữa đâu
Nửa rưng rức sóng chân cầu nửa em

Nửa chiều nửa sáng nửa đêm
Nửa xanh biếc rụng nửa mềm môi khô
Anh còn có nửa chi mô
Nửa em giàn giụa tan bờ nửa anh
(“Nửa”)

Biết rồi sẽ chuốc đa đoan
Mà không ngăn nổi quáng quàng đường say
Lâu rồi cứ tưởng,ô hay
Trái tim ta cũng bàn tay ai cầm
Mây bời bời cỏ rối câm
Thời gian vò sợi tóc xanh trắng mù
Hôn liều lên chúm chím thu
Bờ môi như sóng nhiễm từ xa xăm

Giá trời bỏ quách tháng năm
Tôi hao khuyết hết trăng rằm cho em
(“Tuổi tình”)

Những đoạn trích trên từ hai tập thơ ”Tìm tôi trong bóng” và ”Nói hộ phù du." Anh thấy có ”mềm ”hơn thơ trong NLCT không anh?

HT:

Anh Nguyễn Hàn Chung,

Giờ xin bắt đầu với "Nghịch Lưu Của Tuổi" của anh. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, quyển 1, trang 172: "Mùa đông, tháng 11, Lý Nguyên Gia thấy trước cửa thành có nước chảy ngược, sợ trong châu nhiều người sinh lòng làm phản, vì thế dời đóng ở thành ngày nay (Bấy giờ Nguyên Gia dời phủ trị đến sông Tô Lịch, mới đấp thành nhỏ thôi, có người thầy xem đất bảo rằng: Sức ông không đắp nổi thành lớn, độ năm mươi năm nữa về sau tất có người họ Cao đến đây đóng đô dựng phủ …"(*) Như vậy "nước chảy ngược", theo anh có phải là "nghịch lưu" không? Và sao anh lại chọn bốn chữ "Nghịch Lưu Của Tuổi" làm cái tựa cho thi phẩm lần này, thưa anh?

————–

(*) Toàn Thư theo An Nam kỷ yếu. Lý Nguyên Gia sở dĩ xin dời phủ thành là vì thấy ở phía trước cửa thành có nước chảy ngược – tức là nước sông Tô Lịch, bấy giờ còn là phân lưu của sông Hồng, nên nước chảy từ sông Hồng ngược lên.

NHC:

Lương tiên sinh quả thật là đại hành gia trong lĩnh vực truy nguyên nhưng NHC không thể trả lời câu hỏi nầy của anh Hai được đâu.Trúng thì không sao chứ sai thì chết bỏ xừ.Có điều khi chọn bốn chữ Nghịch lưu của tuổi làm tiêu đề cho tập thơ NHC cũng có chút hàm ý. Thông thường theo hành trạng xuất xử của người xưa ”Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi-Hương âm vô cải mấn mao tồi -Tạm dịch: Lúc trẻ bỏ xứ ra đi lúc già mới trở về -Tóc râu đều bac cả mà giọng quê không đổi (Hạ Tri Chương). NHC đi ngược với cái trình tự kinh điển ấy. Gần sáu mươi năm quẩn quanh đi học rồi làm nghề gõ đầu trẻ ở một xó xỉnh quê nhà Quảng Nam -Đà Nẵng bây giờ già khèn trí cùn lực đoản ”bách niên đa bệnh độc đăng đài” còn bán mạng ly gia hành cu li đất khách phải quên cái hương âm uốn môi, uốn lợi học tiếng nước người nên liều mạng đặt tên tập thơ để đánh dấu một chặng cuối đường lưu lạc. Thế thôi chẳng có ý tứ mới lạ gì đâu anh ạ!

HT:

Anh Nguyền Hàn Chung,

Cảm ơn anh. Vừa rồi anh có nhắc "hành cu li,” tôi tò mò tìm trong tập bản thảo bài "hành cu li ca” nơi trang 10, làm tại Louisiana với tứ thơ mang nhiều chua xót, đắng cay; mỗi chặng dừng chân của Nguyễn Hàn Chung là mỗi vết cắt dù qua lâu rồi nhưng vẫn còn ê ẩm, khó lành. Nhưng câu cuối "Mây nước trùng trùng thề không trắng tay…," lại là dấu hiệu của một quyết chí. Có phải Louisiana lại là một bến bờ nào nữa mà anh đã dừng lại trên dòng đời lưu lạc này? Và nay, anh có thêm được gì trong tay sau bao năm mải miết trong dòng đời này hay chỉ mới là "Nghịch Lưu Của Tuổi" không thôi, thưa anh?

NHC:

Anh Hai ơi!

Phải nói Ông Hai Trầu và gã ‘’trai già Quảng Nam’’nầy có mối ‘’đồng thị thiên nhai‘’ sao đó nên trong cả tập hơn bảy chục bài mà anh lại tò mò đọc hơi bị kỹ bài “hành cu li ca” lại đặc biệt chú ý tới câu cuối cùng “Mây nước trùng trùng thề không trắng tay’’ tiếp theo là địa danh Louisiana không ngày tháng. Con mắt ‘’thấu thị xuyên tầng’’ của anh Hai chiếu như muốn thấu tâm can tỳ phế tác giả.Thật ra không có thề thốt gì lắm đâu anh . Anh biết bài hành cu li ca NHC sáng tác trong hoàn cảnh nào không?Trên chiếc tàu casino ở Louisiana đó. Nướng hết chút tiền còm dành dụm trong trò đen đỏ rồi ra đứng trước boong tàu nhìn mây trắng sóng xanh đất khách tự thề với mình hành cu li kiếm sống để viết cái gì đó cho mai hậu chứ không phải để lao vào cái trò bác thằng bần như bao bậc tiền nhân tán gia bại sản trên đất Mỹ nầy.Thế thôi anh ạ!


Còn anh hỏi ngoài NLCT, NHC còn có những gì sau bao năm mải miết không? Còn chứ anh, NHC còn viết một tập cảm, bình từ những ngày còn ở trong nước khoảng 40 bài thơ theo chủ quan tác giả là sướng ,là tới bởi có cái để mà ngẫm ngợi .Các tác giả bị NHC chọn là bất kỳ không nhất thiết phải là nhà thơ có tên tuổi.Chỉ khoái là chọn là bình thôi.Hy vọng trong năm 2012 NHC sẽ trình làng tập bình có cái tiêu đề ‘’Thầm thức cùng thơ ‘’ sau khi khoái thêm vài mươi bài nửa.


HT:

Thưa anh Nguyễn Hàn Chung,

Bài thơ “Bí ẩn tháng Giêng”(*) mở đầu thi tập NLCT với đoạn thứ nhì:


Tháng Giêng tàng trữ mầm xanh lao lực trong
bụi bặm
ẩn nhẫn chờ đợi một ngày ấm áp
giống như chu kỳ của người đàn bà hoài thai
cánh đồng
tháng giêng tạm trú vào đàn bướm tơ sắp đến
kỳ sinh nở
mặc những cơn gió ganh tị chỉ chực len vào cội hoa ức hiếp …
(NLCT, trang 5 và 6)

Trong một bài viết của nhà thơ Quỳnh Thi về tập thơ này với tựa đề: “Một số suy nghĩ về thi tập Nghịch Lưu Của Tuổi” đăng trên báo mạng Đàn Chim Việt, ngày 11 tháng 10 năm 2010, tác giả viết:

“Bài “Bí mật tháng Giêng” có những câu “Bí ẩn của tháng Giêng cũng là bí ẩn của những điều không thể nói ra,” “Mặc những cơn gió ganh tỵ chỉ chực len vào cội hoa ức hiếp.” Trong câu thơ trên, chúng ta thấy Nguyễn Hàn Chung dùng nhóm chữ “Những cơn gió ganh tỵ” một cách tài tình. Chẳng rõ “cơn gió ganh tỵ” là cơn gió gì; liệu đó có phải là một ám chỉ cho “Bí mật tháng Giêng” không? (*) Rồi còn “Con bướm khấp khởi đôi cánh mỏng – nương nhờ chiếc lá khô chờ hơi xuân hé”. Chiếc lá khô là của mùa Đông. Con bướm nương nhờ mùa Đông lúc còn nằm trong cái kén! Thật thâm thúy. Đó cũng là phong cách dùng chữ để diễn tả ý tưởng riêng biệt của thơ Nguyễn Hàn Chung vậy.”

Là tác giả làm ra những câu thơ “bí ẩn” này, anh nghĩ sao về nhận định của tác giả Quỳnh Thi?

(*) Bài thơ này trong bài viết của nhà thơ Quỳnh Thi ghi tựa là “Bí mật tháng Giêng.”

NHC:

Thưa anh Hai!
Kim Thánh Thán trong lời đề tựa Tây sương ký của Vương Thực Phủ đời Nguyên có viết "Chỗ mà lòng tới rồi bút bất tất phải nói nữa." Anh Quỳnh Thi có những cảm nhận của riêng anh ấy về bài thơ “Bí ẩn tháng Giêng,” NHC không thể chuyển sự phản ánh cảm tính của mình thành khái quát của tư duy được. Hơn nữa dù NHC là tác giả chăng nữa cũng chỉ là người đứng sau cánh gà sân khấu hình tượng.Và thưa anh, NHC nghĩ rằng hình tượng ngôn từ thường tạo ra ảo giác cho nên bất khả tạo ra độ sáng rõ,độ phân giải như ở các loại hình nghệ thuật khác. Chính vì muốn phá vỡ những hình thức khô cứng đã quen được thừa nhận về mùa xuân và muốn đi sâu vào những vận động bí ẩn của tâm hồn mà NHC viết Bí ẩn tháng Giêng.

HT:

Anh Nguyễn Hàn Chung,

Trong trả lời cho câu trước, anh có nói: “Còn chứ anh, NHC còn viết một tập cảm, bình từ những ngày còn ở trong nước khoảng 40 bài thơ theo chủ quan tác giả là sướng ,là tới bởi có cái để mà ngẫm ngợi .Các tác giả bị NHC chọn là bất kỳ không nhất thiết phải là nhà thơ có tên tuổi. Chỉ khoái là chọn là bình thôi.Hy vọng trong năm 2012 NHC sẽ trình làng tập bình có cái tiêu đề ‘’Thầm thức cùng thơ‘’ sau khi khoái thêm vài mươi bài nữa.”

Qua những điều anh vừa chia sẻ làm tôi tò mò tìm đọc trang nhà “Sông Thơ,” và đọc được bài bình thơ sau đây của anh :” “Bốn mươi năm mang mang hồi ức” với bài thơ “Xa Cách” của Châu Liêm mà anh dùng làm nền cho bài bình thơ này. Bài thơ theo anh ghi lại qua trí nhớ như dưới đây:

Xa cách
Hai dặm cát vàng duyên nối tiếp
Đôi bờ sông rộng mặc ai đưa
Tôi đâu dám bảo Trường giang hẹp
Chỉ hận nghìn năm với bến bờ
Đêm ấy người đi sương xuống lạnh
Trăng mùa tiễn biệt sáng mông lung
Tôi đâu dám hẹn ngày tương ngộ
Người khóc đêm nào người nhớ không?
Tuổi mới hai mươi đời xế nửa
Từ nay đâu dám hẹn tương phùng!
Ai tiễn ta qua vài bến nước
Với hai sào gió bốn sào trăng
Ai tiễn ta rơi vài giọt lệ
Lệ chảy đầy trong đôi mắt trong
Quấn bàn tay lạnh trong tà áo
Từ nay xa cách mấy con sông

-Châu Liêm

Sau khi giới thiệu tác giả Châu Liêm ngày xa xưa ấy chính là nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp hôm nay hiện đang ở gần đâu đây và anh có lời bình như sau:

“Tôi nghĩ không ra làm sao một cậu bé học lớp đệ nhị mới mười sáu tuổi ( *) lại có thể sử dụng từ ngữ điêu luyện dường ấy.Phải chăng đó là của trời cho và tác giả với tư cách là người sáng tạo vẫn nằm ngoài hệ thống với các mối liên hệ nghệ thuật : Người chủ xướng và người đọc cũng chỉ đóng vai trò tham dự mà thôi .

“Có những bài thơ tác giả là những nhà thơ lớn, ngôn ngữ thơ hàm súc đặc dị,chứng tỏ tác giả uyên bác và trí tuệ cao nhưng sao người đời lại không nhớ mà kỳ lạ bài thơ Xa cách của Châu Liêm tuy không có nhiều sáng tạo về mặt thi pháp nhưng chiều sâu của tiếp nhận thẩm mỹ được vượt qua được một độ lùi của thời gian chiếm lĩnh và tái tạo hình tượng ngôn từ trở thành hình tượng tâm tư trong lòng người đọc gây hiệu ứng tiếp nhận bền vững trong lòng tôi và bè bạn một thời, một đời…

Cái cực sướng nào rồi cũng nhanh chóng qua đi, tại sao cái cực sướng văn chương cứ đeo dai đeo dính chúng ta đến mãn đời là vậy.”

(Sông thơ, ngày 02 tháng 11 năm 2009)

Theo như anh vừa nhận định qua lời bình mà tôi vừa trích, vậy bài thơ “Xa Cách” này quả là một bài thơ hay hoặc rất hay, ít nữa đối với riêng anh, từ đó nên mới có “Bốn mươi năm mang mang hồi ức.” Do vậy, tôi mới nghĩ thơ cũ đâu phải bài nào cũng dở, phải không anh? Về phương diện thơ hay và thơ giá trị, là một người làm thơ rất lâu và với kinh nghiệm giảng dạy môn Việt văn hơn ba mươi lăm năm như anh cho biết cùng trong bài bình thơ này, xin anh chia sẻ thêm chi tiết nhỏ này mà tôi thắc mắc hoài nhưng không biết hỏi ai; đó là, theo anh thì khi nào bài thơ được gọi là hay và khi nào bài thơ được coi là có giá trị? Giữa bài thơ hay và bài thơ giá trị nó là một hay là hai bài thơ đó hoàn toàn khác nhau, thưa anh?

NHC:

Anh Hai Trầu quý mến!
Cái chi tiết nhỏ mà anh muốn được kiến giải không nhỏ một chút nào nếu không nói là vượt quá tầm suy nghĩ của những người cầm bút làng nhàng cỡ NHC. Nó đi vào định nghĩa cõi thơ của các bậc hàn lâm về mỹ học,thi pháp học ,về thời gian, không gian nghệ thuật, tính thời đại văn học, văn hóa một dân tộc các biện pháp nghệ thuật các trào lưu văn học,trường phái văn học khác nhau. Theo thiển ý của NHC thì thơ hay là thơ làm rung động lòng người bất kể nó được viết với phong cách nào. Có điều nó phụ thuộc vào từng thế hệ đối tượng với các khuynh hướng thưởng thức chứ không thể cào bằng mọi đối tượng tiếp nhận được.Vì thế mỗi trào lưu văn học đều có những đối tượng tiếp nhận thẩm mỹ khác nhau.




Source : DA MAU