Phụ nữ Việt Nam
– Với câu đối trong đời…
Lê Xuân Quang
Xuân về, Tết đến, người Việt đón xuân bằng những phong tục truyền thống: Cúng tổ tiên, ăn uống và ngâm vịnh câu đối. Các cụ ta đã tổng kết bằng một câu ca dao:
Thịt mỡ – Dưa hành – Câu đối đỏ
Cây Nêu – tràng Pháo – Bánh chưng xanh
Tết không thể thiếu câu đối! Thông thường, câu đối là cách chơi chữ của giới mày râu, của tao nhân mặc khách hoặc quan lại, sĩ tử, văn nho. Khi tết đến xuân về, lúc trà dư, tửu hậu, thi hứng - đối hứng rạt rào, những nghệ sĩ xuất thần và khi đó câu đối ra đời.
Trong lịch sử văn chương nước nhà không thiếu những nam nhân ra đề, đối lại, tạo ra biết bao nhiêu câu đối, thơ đối – lừng danh, được dân gian thuộc lòng truyền tụng rồi ghi vào sử sách.
Thế nhưng giới “hồng quần” tham gia trò chơi chữ này lại quá ít. Nếu lục lại trong thư cảo của giai đoạn trung cận đại, chúng ta chỉ tìm được 2 nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và Hồ Xuân Hương, có những câu đối, thơ đối khiến đấng mày râu đương thời và hậu thế - hôm nay phải khâm phục.
Trước tiên hãy kể về Đoàn Thị Điểm.
Theo từ điển Wikipedia: Bà Đoàn có biệt hiệu Hồng Hà Nữ Sĩ, người xã Giai Phạm, huyện Văn giang, tỉnh Bắc Ninh. Sinh dưới triều Lê (1705) cùng thời với cống Quỳnh và Đặng Trần Côn.
Đoàn Thị Điểm – tư chất thông minh, học một biết mười, nổi tiếng văn chương ngay từ khi còn nhỏ. Mới lên sáu, đã học sách Hán cao tổ. Anh ruột là Đoàn Doãn Luân ra một câu đối để thử sức học của em:
Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiếm nhi trảm chi.
Rắn trắng chặn đường, ông Quý (tên tục vua Hán cao tổ) tuốt gươm mà chém nó. (1)
Cô em đối ngay:
Hoàng long phụ chu, Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết
Rồng vàng đội thuyền, vua Vũ trông trời mà than rằng...
Năm 15 tuổi, một buổi tối, ông Luân xuống ao rửa chân, thấy em đương soi gương bên cửa sổ, tức cảnh ông đọc vế ra:
Đối kính hoạ my, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm.
Soi gương kẻ lông mày, một chấm (điểm) hóa ra hai chấm.
Điểm là chấm, là nét vẽ, lại là tên em gái, câu nói của ông anh, có nghĩa: Soi gương vẽ mi - một nàng Điểm thành hai nàng Điểm.
Bà ứng khẩu đối ngay:
Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân
Tới ao ngắm trăng, một vầng trăng hóa hai vầng trăng.
Luân là ví mặt trăng tròn vành vạnh, lại là tên anh trai. Trăng sáng in hình xuống ao. Anh trai (Đoàn Luân) dưới ánh sáng của trăng, in xuống nước cũng thành hai ông Luân – (một trên bờ, một dưới nước).
Bấy giờ ở kinh đô có bốn danh sĩ thường được tôn là Tràng an tứ Hổ:
– Nguyễn Duy Kỳ, người Thuỷ nguyên, Kiến an;
– Trần Danh Tân, người Cổ am, huyện Vĩnh bảo, Hải dương;
– Nguyễn Bá Lân, người Cổ đô
– Vũ Toại, người Thiên lộc
Nghe danh nữ sĩ, bốn người rủ nhau tới nhà bà để so tài. Biết đây là những người háo danh, bà suy nghỉ chín chắn rồi ra một câu đối để thử tài “bốn… Hổ”:
Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang
Trước sân, thiếu nữ mời ăn trầu.
Tân lang là biểu tượng trầu cau, cùng âm với tân lang là chàng rể mới.
Bốn “hổ” không đối được đành lẳng lặng “chuồn”!
Theo truyền thuyết: Trạng Quỳnh cùng thời với Đoàn Thị Điểm cũng lừng danh về trí thông minh, tài đối đáp “lỡm” thiên hạ từ bé. Khi cha dẫn đến nhà thầy xin cho vào học – thầy đồ chính là cha Đoàn Thị Điểm. Thầy gọi, Quỳnh vào, xưng tên và nói mình là nho sinh muốn theo học nhưng thiếu người tiến dẫn nên không dám đường đột. Thầy đồ bảo : Anh nhận là nho sinh có lòng hiếu học, nếu quyết muốn học thì ta ra câu đối này, đối được ta sẽ cho nhập môn. Quỳnh xin vâng. Ông đồ đọc :
Thằng quỷ ôm cái đấu đứng cửa khôi nguyên.
Trong tiếng Hán, chữ Quỷ ghép với chữ Đấu, thành chữ Khôi – là khôi nguyên – (trạng nguyên). Quỳnh suy nghĩ rất nhanh rồi đáp liền :
Con mộc tựa cây bàng dòm nhà bảng nhãn.
Tiếng Hán chữ Mộc chắp với chữ Bàng thành chữ Bảng – là bảng nhãn (sau trạng nguyên). Thầy đồ khen ngợi Quỳnh nhận vào học.
Thầy có cô con gái đẹp người, đẹp nết khiến Quỳnh mê tít, chỉ tìm cách xán lại. Cô Điểm đoan trang luôn ngăn cản “ý xấu” của Quỳnh nên thường ngăn chặn Quỳnh bằng những cuộc so tài : Đối đáp. Rất nhiều cuộc thi tài bằng câu đối, Quỳnh thường bị thua. Một ngày từ phòng học Quỳnh nhìn qua cửa sổ sang phòng cô Điểm, thấy nàng vén rèm cửa sổ ngồi trước bàn. Hai cửa sổ trông thẳng sang nhau. Quỳnh mở lời tán xin qua bên ấy chơi. Điểm bảo: Nếu đối được vế này sẽ mở cửa mời qua, Quỳnh nhận lời. Điểm đọc :
Hai người ngồi hai bên cửa sổ song song
Chữ song tiếng Hán là hai, đồng âm với chữ song nghĩa là chấn song cửa sổ. Song song tiếng Hán có nghĩa là 2 cửa sổ lại đồng âm với "song song" là sóng đôi nhau. Quỳnh lại “tịt”.
Nhân một lần Quỳnh ra phố Mía trở về, khoe gặp cô gái tên Mật, ra vẻ ngầm nói: Ta đây không ”thiếu” gái theo... Nàng Điểm hiểu thâm ý của anh chàng, ”nổi tam bành”, đọc ngay vế ra :
Lên phố Mía, gặp cô hàng Mật, cầm tay Kéo lại hỏi thăm Đường..
Kéo lại là hành động khi hỏi ai đó mà họ đang bận không có thời gian tiếp, trả lời. Nhưng kéo cũng có nghĩa là đường của Mía làm thành một loại dân gian gọi là Kẹo kéo (2). Vế ra rất ”ác” , khó cả về từ ngữ và ý nghĩa, bởi vì tất cả những từ liên quan đến Mía đã được người ra vế xử dụng hết: Mía - Mật - Kéo (kẹo) - Đường. Quỳnh nghe xong vã mồ hôi mà vẫn bí… tắc - đành lẳng lặng chuồn ngay.
Một lần khác, thấy Điểm vào buồng tắm, Quỳnh lại chứng nào tật ấy, si tình đến táo tợn: Đòi vào tắm cùng. Nàng Điểm lại cho một bài học khác bằng câu vế thách đối:
Da trắng vỗ bì bạch. (câu này được diễn giải ở nhiều tài liệu, nhiều lần)
Quỳnh lại phải chào thua và…“chạy”!
Một lần giáp Tết, Quỳnh đi tới nhà thầy gặp trời mưa ướt lướt thướt. Điểm đang ngồi gói nem, lấy một đĩa mời Quỳnh ăn. Quỳnh đáp : Chả thích nem, chỉ thích giò thôi !
Câu nói ỡm ờ của tay trai lơ si tình ngầm ý: Tôi chả muốn ăn nem, chỉ muốn “ăn”… giò (đùi) – nghĩa là muốn chiếm lấy thân thể của cô gái! Đến câu này thì Điểm thực sự nổi giận, nàng suy nghĩ giây lát, bảo: Nếu đối được câu này thì muốn “ăn” gì cũng cho, đoạn đọc :
Trời mưa đất THỊT trơn như MỠ,
DÒ, MỌC, NINH, NEM, CHẢ muốn ăn !
"Dò" (đi lò dò) đồng âm với Giò Lụa, Giò Thủ và… "giò" (đùi).
"Chả" là chẳng, lại cũng có nghĩa là thức ăn từ thịt lợn (chả nem, chả quế). Vế đối có cả "Thịt, Mỡ, Giò, Nem, Ninh, Mọc, Chả", là những món ăn ngon, qúy của bữa tiệc của dân ta, nhất là bốn món: Giò - Nem - Ninh - Mọc đã được tổng kết được đưa vào món bắt buộc của bữa tiệc linh đình (Nem Công - Chả Phượng) của giới giầu sang thời xa xưa….
Còn ở câu vế ra của nữ sĩ, các từ đã bị dùng hết. Ông Trạng tương lai đành phải chào thua và “lủi” nhanh !
Sau nhiều lần thất bại, Quỳnh căm lắm tìm cách “chơi” lại đối thủ.
Nhưng vắt óc mà không ra kế. Tình cờ nhân một tối đi qua phòng “nàng”, thấy cửa không khóa, Quỳnh nghĩ ra một trò tinh quái… hi vọng sẽ làm Nàng xấu hổ – để trả thù…
Đoàn Thị Điểm đi đâu đó trở về, tắt đèn lên giường ngủ. Chợt sửng sốt suýt rú lên vì tay sờ thấy “một vật”… cương cứng, nóng hổi – nghĩ ngay ra đó là của… người và kẻ nằm trên giường kia là ai? Nàng trấn tĩnh lại, lên giọng: Ta biết ngươi. Ta sẽ ra một vế đối, nếu không đối được sẽ mách thầy, đối được thì tha cho.
Quỳnh nhỏm dậy run rẩy xin hứa. Nàng đọc:
Trướng nội vô phong phàm tự lập
Trong phòng không có gió mà cột buồm lại dựng lên!
Sợ hết hồn, cũng may trước “cửa tử”, Quỳnh đối được ngay:
Hưng trung bất vũ thủy trường lưu.
Trong bụng không có mưa mà nước cứ chảy dài.
Sau nhiều lần quan sát, tiếp xúc, nàng Điểm thất vọng về Quỳnh… Nhân một lần thầy sai Điểm mang lễ lên chùa, Quỳnh được thầy cho theo cùng. Khi đi trên đường cái quan, thấy rặng cây xương rồng được người mới trồng nhưng khô héo, rũ gục, Điểm chi đám cây, hướng vào Quỳnh, đọc:
Cây xương rồng, trồng đất rắn, long lại hoàn long
Rồng – chữ Hán là Long.
Long – chữ Nôm nghĩa là lỏng lẻo (hỏng).
Điểm có ý bảo Quỳnh: Tính cách ngươi như vậy thì dù có học hành, có được răn dậy, cuối cùng cũng sẽ không chuyển được, hỏng cứ hoàn hỏng thôi !
Ý nghĩa của vế ra rất xâu xa, Chữ dùng hầu như đã hết, khóa chặt ở hai đầu. Trước sự chê trách của người đẹp, Quỳnh đã xuất thần đọc được vế đối – vẻ cù nhầy:
Quả dưa chuột, tuột thẳng gang, thử chơi thì thử
Thử chữ Hán nghĩa là chuột,
Thử chữ Nôm là thử xem.
Cả 2 chữ : Chuột (Nôm) – Thử (Hán) cũng đã dùng rồi. Câu đối của Quỳnh mang ý nghĩa thách thức : Ừ đấy ! Ta cứ thế mà vẫn chẳng sao đâu. Không tin hãy (thử) chờ xem !
Còn có giai thoại kể rằng khi sứ của phương bắc sang nước ta, Sau khi công việc đã xong họ đi dạo thăm thú kinh đô của nước “Man di”, nghe người dẫn đường nói : Có một tửu điếm rượu ngon, thức nhắm tốt, người chủ là một phụ nữ hay chữ. Sứ giả Bắc phương muốn đến thử tài. Bước vào quán thấy một phụ nữ xinh đẹp (thực ra bà Đoàn được “Cấp trên” bố trí sẵn trong vai chủ quán…). Sứ Tàu vào, bà tiếp khách ân cần niềm nở.
Vốn sẵn tính ngạo mạn, khinh thường dân “ngoại bang”, một “chú Sứ” – áng chừng đầu đàn về văn chương – buông câu miệt thị, thăm dò :
An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh
An Nam một tấc đất, không biết bao nhiêu người cày
Câu đối vế ra mang ý nghĩa tục tĩu, xấc ngạo và chọc ghẹo (3).
Biết đây là những kẻ hợm mình, lại quyết tâm giữ thể diện cho quốc gia như “nhiệm vụ” được giao, bằng tài năng trác tuyệt, Bà Đoàn đối ngay không cần kiêng dè, nể nang:
Bắc quốc chư đại phu, giai nho thử đồ xuất
Nước Bắc (Tàu) các vị đại phu, hết thảy đều do chỗ ấy mà chui ra cả.
Câu đối đáp còn tục hơn câu ra đề – như cái tát vào mặt kẻ phàm phu tục tử vô lễ. Các Đại phu bị nhục nhưng phải tấm tắc khen văn tài của nữ chủ quán.
Bà Đoàn đã dậy cho bọn ngoại bang láo xược bài học lễ độ, lịch sự khiến chúng bị đau đến độ mất mặt mà vẫn phải tâm phục, khẩu phục. Các đấng “Mày - Râu” ngoại bang tưởng rằng đàn bà nước Nam yếu đuối, sẽ xấu hổ khi họ nhắc đến điều mà nữ nhi thường tình chi dám đối đáp trong phòng the với người đàn ông của mình.
Ai ngờ !…
Có thể nói : Hai Người phụ nữ duy nhất trong văn học Việt Nam – giai đoạn Trung cận đại – có những câu đối, thơ đối hay, hàm súc đến tuyệt vời, là : Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm và Bà chúa thơ Nôm – Hồ Xuân Hương!
Phụ nữ trong giới quan trường giỏi như vậy đã đi một nhẽ. Nhưng phụ nữ Việt cổ trong dân gian cũng đâu có kém ai. Lấy một thí dụ được dân gian truyền tụng :
Một ngày, có hai thầy trò nhà sư – một sư Bác, một chú Tiểu – đi trên đường cái quan qua một làng thôn kia. Họ nhìn thấy một Nữ canh điền (Người thợ cầy) cùng một con trâu… cái – đang cặm cụi làm cái việc nặng nhọc (cầy ruộng) mà địa phương khác chỉ dành cho đàn ông (4). Vốn gốc là nho sinh, vẫn còn nặng lòng trần tục nên chỉ có ý khoe tài văn chương chứ không có ý miệt thị người phụ nữ nông dân, Sư Bác tức cảnh đọc:
Nhất ngưu, nhất thửa, nhất canh điền.
Chú tiểu cũng biết chữ, lại mới vừa vào chùa làm Tiểu tăng, vẫn còn đang vương vất mùi trần tục nên vui vẻ, hăng hái nối:
Nhất lôn hướng hậu, nhất lôn tiền.
Dịch nghĩa :
Một con trâu, một mảnh ruộng, một người thợ cầy
Một l… hướng về phía sau, một l… lại hướng về phía trước.
Chị Canh điền đang mồ hôi nhễ nhãi, mồm đang “Vắt” … “Đi” – dục trâu. Thấy hai vị “con Phật” có thái độ khoe khoang văn tài. Vốn là con gái một thầy đồ, cha chết, gia cảnh bần hàn nghe họ trêu trọc, chị vội “họ” trâu lại, ngẩng lên, lau mồ hôi trán, nhìn chăm chăm…
Sư Bác và chú Tiểu chột dạ sợ chị nông dân nổi sùng.
Nhưng không – nữ canh điền cất giọng từ tốn đọc vế đối của mình :
Nhất Sư, nhất Tiểu, nhất Chùa chiền
Rồi, ngừng lại giây lát…
Hai thầy trò nhà sư trố mắt nhìn, giỏng tai, chờ đợi - nghe…
Đột nhiên câu thứ hai của vế đối vút lên, vỡ oà ra ;
Lưỡng đầu chỉ Địa, lưỡng đầu Thiên !
Hai thầy trò tái mặt vội cúi gằm, bước nhanh như chạy, trong khi Nữ Canh Điền kia cười phá lên. Tiếng cười của chị mới sảng khoái làm sao !…
Berlin – 23 tháng chạp năm Mậu Tí,
Ngày tiễn ông Táo chầu trời.
LXQ
(1) – Theo sách Đông Chu Liệt Quốc : Hán Cao Tổ – Lưu Bang trước khi khởi binh đánh Tần Thủy Hoàng – làm chức Đình Trưởng. Một tối ông uống rượu với các bạn, nửa đêm vùng dậy đòi đi về nhà. Bạn bè khuyên không nên về vào giờ này vì phải qua con mà đường theo dư luận : Ở đấy thường có con rắn trắng thành tinh xuất hiện, gặp người là ăn thịt. Đang say rượu, Lưu Bang không nghe, cứ quyết đi. Đến giữa đường quả nhiên con rắn trắng nằm chắn lối, Lưu Bang vung gươm chém chết rắn trắng trở về nhà bình an trước sự thán phục của nhân dân trong vùng. Họ cho rằng đó là người của trời sai xuống trừ ác.
Khi Lưu Bang hiệu triệu đánh Tần Thủy Hoàng, dân chúng rủ nhau đi theo rất đông. Lưu Bang khởi nghiệp, tiêu diệt nhà Tần tiếp theo diệt “Đồng minh” Hạng Võ, lên ngôi Hán Cao Tổ… lập ra nhà Hán sau này.
(2) – Kẹo Kéo là thứ kẹo được làm từ mật mía. Kẹo nguyên dạng mầu trắng sữa, làm thành một cục rất dẻo, dai. Muốn lấy kẹo, người bán phải véo vào cục đường kéo dài ra rồi dùng kéo cắt. Tất cả trẻ em ở làng quê đều thích ăn kẹo kéo. Cứ nghe thấy người bán kẹo rao : Kẹo kéo vừa dẻo vừa dai… đây ! là bọn trẻ túa ra mua ăn…
(3) – Nhà thơ Xuân Sách đã vận dụng tích này viết về một tác gỉa – nhà Văn, trong thơ Chân dung nhà văn – của ông : Đất làng vừa một tấc/ Bao nhiêu người đến cầy/ Thóc giống còn mấy hạt/ Đợi mùa sau hẵng hay.
(4) – Tôi đã sống ở làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn nhiều năm và công nhận hiện tượng này là có thật. Phụ nữ Đình Bảng rất đảm đang. Công việc ruộng đồng, buôn bán, làm giầu – chủ yếu do họ đảm nhiệm. các “Đức ông… chồng” thường là ở trong nhà có khi “trông con, đuổi gà” cho… vợ. Tuy vậy phụ nữ Đình Bảng cũng vẫn bị các Huyện khác của Bắc Ninh liệt vào hàng 1 trong tứ Bất, được dân đất Kinh Bắc tổng kết thành câu ca :
Bất giao – Phù Lưu, hữu
Bất Phu – Đình Bảng, thê
Bất Ẫm – Đồng Kị, thủy
Bất Thực – Cẩm Giang, Kê.
(Phù Lưu, Đình Bảng, Đồng Ki, Cẩm Giang là 4 làng nằm xung quanh Đình Bảng - Từ Sơn. Tất nhiên đây là câu vè do các cụ đặt từ xa xưa…).