Hiển thị các bài đăng có nhãn ĐOÀN MINH CHÂU. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn ĐOÀN MINH CHÂU. Hiển thị tất cả bài đăng

24/7/10

Trăng Cho Du Tử Màu Thi Sỹ

Trăng Cho Du Tử Màu Thi Sỹ

ĐOÀN MINH CHÂU

Viết về Phạm Phú Hải, tôi mang cảm giác mình đang ngồi đếm sao. Đối diện với cái mênh mông của tâm hồn như vũ trụ kia, tôi thong thả đếm từng ánh sao trời mà mơ hồ tưởng tượng rồi lại cảm thấy bất lực vì không đủ sức đếm hết tất cả sao trên trời gom hết ánh sáng vào tay mình. Nhưng may cho tôi, tôi tâm đắc triết lý quen thuộc của một triết gia Hy Lạp: "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông". Đọc thơ cũng vậy. Mỗi lần đọc lại một bài thơ, hay thậm chí một câu thơ của ông, tôi nảy sinh những ý niệm khác. Khác với những người khác, chắc vậy, khác với cả chính tôi trước đó. Nghĩa là sẽ chẳng bao giờ có ai, kể cả tôi, đếm hết sao trên trời, cũng như gom được hết những ý niệm nảy sinh từng giờ từng phút. Đó là công việc không cần thiết và vô nghĩa. Nhưng điều đó đã giúp tôi có thể ung dung đặt bút lạm bàn về thơ ông, như một nén nhang tưởng niệm anh linh thi sỹ quá cố.


***

Nếu đặt toàn bộ tác phẩm của Phạm Phú Hải vào dòng chảy lịch sử văn học, hầu mong tìm một ý nghĩa đóng góp vào tiến trình phát triển của ngôn ngữ và nghệ thuật thơ ca, có thể là một công việc không mang lại kết quả. Thơ Phạm Phú Hải hầu như nằm ngoài cái dòng chảy đó.

Có thể xem đó là một khía cạnh thất bại của thơ ông. Bởi vì thơ được cấu thành từ nội dung và hình thức, nếu chỉ quan tâm đến nội dung không thôi, chưa đủ, thơ còn là nghệ thuật của ngôn ngữ. Các thủ pháp nghệ thuật như âm, vần, nhịp, đối, hoán dụ, ẩn dụ, điệp từ điệp ngữ, ngắt câu xuống dòng … được sử dụng một cách nhuần nhuyễn trong các thể loại thơ lục bát, thất ngôn, ngũ ngôn, thất ngôn bát cú Đường luật đã quá quen thuộc từ rất nhiều bài thơ của Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Hồ Xuân Hương, Huyện Thanh Quan, Nguyễn Du cho đến Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Bùi Giáng…nghĩa là các thủ pháp nghệ thuật trong thơ Phạm Phú Hải không còn khả năng làm lạ hóa cảm xúc của người đọc về ngôn ngữ.

Nhưng thành công của thơ ông ở mặt khác. Ông là thầy phù thủy trong việc sử dụng ngôn từ để kiến tạo một cõi thơ riêng mà những hình ảnh những ý những lời có tác động mạnh mẽ đến tận cõi sâu thẳm của lòng người. Ông không cố công tìm tòi hay khai phá những thử nghiệm mới mẻ. Thơ ông như những gì đã sẵn có. Và bởi vì cái tính không mục đích, nên Phạm Phú Hải mới là Phạm Phú Hải, thơ ông mang nét đặc sắc riêng không trộn lẫn bất kì ai. Như các nhà phân tâm học đã chứng minh, hiếm có hành động nào của con người hoàn toàn là kết quả của ý thức. Đặc biệt, trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, phần vô thức và tiềm thức chiếm một vai trò rất lớn. Thơ Phạm Phú Hải lấp lánh trong cái cõi vô thức và tiềm thức chiếm ngự.

Và đó chính là cái hay của thơ ông: hôm nay, hay trăm năm sau, đoan chắc rằng những câu thơ tài hoa còn sống hoài sống mãi, "thác là thể phách, còn là tinh anh", cái tinh anh kết tụ là cái còn.


1. Câu thơ nhỏ đỏ con tim

Thơ Phạm Phú Hải là thơ của một con người sống trọn vẹn với thơ. Là con mắt, hơi thở, là thức ăn, nước uống, là tâm hồn của một thi sỹ chân chính nhất, hồn nhiên và trăn trở nhất. Thơ ông trọn vẹn là ông, không hơn không kém, hay nói cách khác, ông chính là thơ, ông với thơ là một. Ông sống với thơ và sống bằng thơ, chịu nhận đọa đày, chịu nhận trầm luân trong cuộc chơi kiếm tìm Chân Thiện Mỹ

Hôn em bằng môi má này

May em mới hiểu đọa đày là thơ

Thái độ của ông dành cho thơ nguyên thủy là một tình yêu chân thật và trân trọng. Không phải ai cũng mang thái độ đó. Thơ hầu hết được sử dụng như một phương tiện, để bày tỏ cảm xúc, bày tỏ tình yêu:

Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc

Áo nàng xanh anh hái lá sân trường

(Nguyên Sa)

hay để mang một sứ mệnh nào đó có tính chất lịch sử hay xã hội, như Chế Lan Viên đã từng khắc khoải:

Ở đất nước ba tuổi đã rời nôi lên ngựa sắt

Tuổi trẻ chơi lau đã chơi trò đánh giặc

(…)

Thơ chỉ sống một phần cho mình còn ba phần cho nhiệm vụ

Nghĩ mà thương

(Sử)

Với Phạm Phú Hải, ông trân trọng thơ như trân trọng một tri âm, ông đã cùng thơ dắt tay đi vào một thế giới riêng để mà vui buồn cười khóc. Cái thế giới ấy chính là cõi lòng hoang lạnh, bát ngát, với không gian của "con đàng máu tươi", "bầy sương dại", "sương phủ vầng trăng lạnh" , không gian đầy "xác bướm khô", đầy "trăng đêm không trắng" , "bầy chim đom đóm/nhả ánh sáng sao băng", của "đêm đẫm máu ngà ngà", "những con sông máu sệt", "nắng tươm ra một khối vàng mù"… với thời gian mang "mùi tử biệt", thời gian "sột soạt", thời gian không phân biệt quá khứ hay hiện tại " nắng năm nay là nắng của năm nào, nắng năm nào năm nào nhớ quá", "trưa đứng bóng đặc dày âm khí"..….

Càng bát ngát càng trống trải và lạnh lẽo, nên những thanh âm cũng buốt giá khi rơi tõm vào đó: "tiếng hú" chất chứa cả tinh lực của một tâm hồn quá đỗi cô độc

Con ngồi hú khắp mười phương

Hú bà trăng đỏ hú hương khói mờ

Hú hoàng hôn hú tinh mơ

Mòn hơi con ngất giữa bờ tử sinh

(Vuốt mắt)

Ngày xưa người xưa cũng từng cất lên thanh âm rợn ngợp như thế

Hữu thì trực thượng cô phong đỉnh

Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư

(Ngôn Hoài - Không Lộ thiền sư)

Một tiếng kêu dài lạnh nhân gian và lạnh cả mai hậu.

Nhưng tiếng thét của Thiền sư nhà Lý cách đây cả nghìn năm là tiếng thét reo vui giải thoát khỏi xác thân bé nhỏ mà thể nhập với vũ trụ bao la vô cùng. Tiếng thét trong "Ngôn Hoài" bật lên từ khổ đau của cả một dân tộc ngậm đắng nuốt cay đã vùng mình trỗi dậy giành quyền độc lập tự chủ dưới ách đô hộ của phong kiến phương Bắc. Tiếng thét ấy đầy đủ tự do và kiêu hùng.

Ngày nay có chàng thi sỹ họ Phạm cũng đã khiến hư không phải lạnh vô cùng bằng tiếng hú gọi cuống cuồng giữa cuộc chơi sinh tử

Có phải ta đang tìm giữa khuya chút máu trưa?

Quay ngược hồn sông về bến cũ

Máu trưa cát bụi lỡ lầm

Ta vô vọng cuống cuồng hú gọi

(Hú gọi cát bụi)


Tôi vọng tiếng tôi về núi đá

Núi đá ngàn năm vẫn lặng im

Mấy ai hiểu được hồn u uất

Của kẻ qua sông tự thả chìm

(Máu chợt buồn)

Tiếng hú lạnh lẽo kia, thoát ra từ trái tim, từ máu lệ, là thanh âm phá vỡ cái cô liêu nghiệt ngã, nhưng chính nó càng làm tăng thêm cái lạnh của hư không. Tiếng hú đau đáu một nỗi đời mà người đã tâm cảm bằng bao lần sống trong đó:

Cười rũ môi cho đời đau tiếng nói

Chiều lang thang phố đọ mắt cùng người

Những bàn chân ngược hai chiều di động

Quay cho đều rồi sấp ngửa cũng lăn xuôi

(Trong những song sắt người)

Và đó cũng là tiếng hú cầu đáp lại, tiếng hú gọi tri âm. Nhưng mà, "hiểu nhau đời có bao tri kỉ?"

Ẩn sau những tiếng hú cười

Cơn đau rừng rú không nguôi vết bầm

(Rừng rú mùa mùa)

Thanh âm chất ngất tự phát từ một "tâm u tối hồn không buồn bã động" là thanh âm chủ đạo trên nền bản hợp xướng trầm buồn đầy "thanh âm phủ mê mê", "tiếng chuông khuya rời rã", là tiếng gà, tiếng vượn, tiếng "lũ lâu la hát", tiếng những "thanh âm bị thương, lê vào thân tôi trú ẩn", tiếng "những hồn oan hú gọi nhau"…

Một điểm đáng lưu ý và dễ nhận thấy, là trong bản hợp xướng kia, tần số "tiếng gà" xuất hiện rất nhiều, "tiếng gà lạnh ngang lưng", " tiếng gà thơm xương trắng", "tiếng gà lạc thanh", "tiếng gà đầu đêm", "tiếng gà cô quạnh", "tiếng gà khuya tàn tạ"…

Kể từ giũ áo phôi pha

Bụi bay bốn phía tiếng gà mãi ôm

(Hạt cát điếc)

Gà gáy 2 lần, vào giữa khuya và lúc tờ mờ sáng. Tiếng gà là thanh âm của đêm tối, và tiếng gà kết thúc đêm tối để bình minh ló dạng. Trong khoảnh khắc đêm chưa qua ngày chưa tới, tiếng gà là thanh âm duy nhất báo hiệu sự tàn lụi của bóng tối và tà ma quỷ quái, khí âm của đất trời sắp sửa bị xua tan, bóng tối lui vào nhường chỗ cho ánh sáng, và dương khí sắp tràn về phủ lên cây cỏ. Cái thời khắc tờ mờ sáng chuyển giao âm dương, thời khắc hồn ma vật vờ tìm nơi trú ẩn hay thời khắc của cỏ cây thức giấc, đất trời bừng tỉnh.

Sống với cái thời khắc đó là sống với địa ngục mộ bia khắc khoải trường kì

Dưới bia mộ u sầu

Cỏ cùng cây ngơ ngác

Cho nên có thể nói, trong rất nhiều giai đoạn cái tâm thế của nhà thơ là tâm thế đã chấp nhận cái chết. "Nhắm mắt thử tưởng ngày nhắm mắt/ Tay xuôi rồi là vĩnh viễn ra khơi". Chấp nhận như một điều mặc nhiên. Cái tâm thế ấy bàng bạc trong hầu hết tác phẩm của ông. Có lẽ chính vì vậy mà khi tôi bắt đầu tiếp xúc với lớp áo thơ ông, và tôi cũng đoan chắc là bất kì độc giả nào khác, cũng cảm thấy rợn người. Tôi chưa chuẩn bị cho cái chết, hầu như tất cả mọi người đều hãi sợ cái chết, và tránh nói đến nó. Có thể xem cái chết là yếu tố cao nhất thử thách lòng can đảm của con người. Những từ "máu", "xương trắng", "hồn", "hồn ma", "địa ngục", "mộ địa", "bia mộ", "nấm mộ", " bóng tối", "nghĩa địa", "âm u", "lạnh", "tử địa"…lặp đi lặp lại cho thấy mọi tâm tư của thi sỹ đã xoay quanh cái chết, nên câu thơ cũng đượm mùi tử khí.

-Ai đó?- Về đi! – lay hoài chi cửa mộ

-Về đi! – Chờ chi – đã quyết rồi, khó mở

Về đi về đi thôi

Ừ! Người ơi, có ngày tương ngộ

(Về đi)

Ai lay hồn thi sỹ đã tự vùi chôn trong mộ? Người hẹn ngày tương ngộ, cũng chính người tự xưng "ta ngàn năm tịch tịch u u" đấy thôi! Người luôn bấp bênh giữa hai bờ sinh tử "nhìn sương khói mà tưởng mình sương khói", nghiêng bên nào cũng "bồng bềnh giữa trường giang mộ địa".


2. Hiểu nhau đời có bao tri kỷ?

Ta gánh thời gian lên đỉnh núi

Gởi về cho một cõi người xa

Hiểu nhau đời có bao tri kỷ

Mà mỗi khuya khuya nguyệt rụng tà

(Ta ở Phương Đông buồn mặt trời)

Hiểu nhau đời có bao tri kỷ? Hiếm hoi lắm mới có một tình tri âm Bá Nha – Chung tử, tri kỷ như Nguyễn Khuyến – Dương Khuê. Chấp nhận nỗi cô độc vốn như một định mệnh của thi nhân. Thi sỹ - con người đặc biệt có khả năng cảm thức sâu xa được nỗi khổ khôn cùng của cuộc tồn sinh, đó là loại người lãnh chịu một khoảng không rợn ngợp vây quanh giữa bao âm thanh và cuồng nộ của cuộc đời

Có ai mà hiểu được

Những bàn chân trong đầu

Góc chân là lưỡi rắn

Nọc mọc lên từ lâu

(Ôm phố)

Đó là cái khổ của thi sỹ, nhưng chính điều đó mới làm nên một thi sỹ. Như một định mệnh đã an bài, từ ngàn xưa một Trần Tử Ngang nhỏ lệ trước câu hỏi không lời giải đáp " Tiền bất kiến cổ nhân/ Hậu bất chi lai dã/ Niệm thiên địa chi du du/ Độc thương nhiên nhi lệ hạ" cho đến một Hy Mã Lạp Sơn của thơ Mới "không có ai bầu bạn nổi cùng ta". Bủa vây cái Riêng, cái Một, cái Duy nhất đó chỉ có hư vô lạnh lẽo có sức mạnh quật ngã bất kì ai đã dầy năm dầy tháng đối diện. Và, lãnh nhận lấy thử thách đó, cái kiến tạo nên sự sâu thẳm của tâm hồn, cũng là lãnh nhận cái bi ai nhất của kiếp người.

Dẫu rằng, rất nhiều lúc

Ta cũng có những chiều té úp

Hồn gượng đau đứng suốt đêm dài

Mỏi mòn quỵ giữa sao mai

Nghe đau tinh đẩu thác thai tựu hồi

(Rừng rú mùa mùa)

Nhưng lòng yêu và khắc khoải yêu vẫn luôn thôi thúc người dồn toàn bộ tâm trí cảm xúc cho cuộc đời:

Tôi yêu những nóc nhà

Những nóc hồn thơ ấu

Ngày xưa chim về đậu

Bờ xưa chim thiên di

(…)

Tôi yêu hoa hoàng lan

Nở giữa ngày cẩm thạch

Hương đầu mùa vân bạch

Tinh khiết mấy lụa là

(Trăng băng)

Tôi yêu đời tôi yêu người

Tôi yêu tiếng sóng trùng khơi đêm dài

Tôi yêu cả con đường dài

Tôi yêu cả những ngày mai sau đồi


Vũ trụ thơ của Phạm Phú Hải đầy ắp những cảm xúc mãnh liệt, yêu tha thiết mà buồn là buồn đến tê dại. Ông yêu đời một cách tinh khôi, ông cô quạnh nỗi "mười năm không cầu câu thơ hội ngộ, mười năm nắng đổ một nhúm trên chân", bao lần "sầu như mộ địa", hay"có những lúc ta thấy buồn đắng ruột, mộng huyên thuyên nói chuyện với hai tai". Cũng vì cảm xúc quá mãnh liệt, nên thành ra những câu thơ cũng tràn sức lực như khối thuốc nổ sẵn sàng bùng lên bất cứ lúc nào. Và cũng bởi vì một lẽ nữa: những câu thơ ấy là của một người đã hiểu rõ cái nghiệp của kẻ đốt đuốc soi đường kiếm tìm Chân Thiện Mỹ

(Thi sỹ) có bàn chân dài hơn con đường

Nên chân trời là những đốt xương

Của ai bỏ lại ngàn năm trước

Sửng sốt kêu lên tiếng dị thường

(Thi sỹ)

Con đường là phương tiện, phép tắc do con người kiến tạo. Con đường mở tới chân trời, vượt qua những giới hạn nhưng đồng thời chính nó là giới hạn. Con đường đưa con người vượt qua giới hạn và cùng lúc bước vào một giới hạn khác: giới hạn con đường. Sự mâu thuẫn không phải ở con đường, mà ở chính con người đã tạo ra những con đường đó. Dường như đã thành quy luật. Ý muốn thì vô hạn, mà khả năng thì hữu hạn, và thậm chí tạo ra những rào cản và lối mòn để khuôn mình vào đó.

Thi sỹ phải là kẻ vượt qua rào cản và lối mòn đó.

Thi sỹ phải là kẻ "có bàn chân dài hơn con đường"

Ngày kia du tử mỏi chân

Bằng lấy Thần ra

Hai cánh tay thành vạn cánh

Thong thả lột hết những con đàng có trên mặt đất có trong không trung có trong chỗ có

Đàng dài đàng ngắn

Đàng nhỏ đàng to

Đàng rộng đàng hẹp đàng chính đàng hẻm

Đàng bằng phẳng đàng thẳng đàng cong đàng lồi lõm đàng quanh

Đàng thông đàng cụt

Phủi giũ sạch sẽ kỹ càng…

(Du tử)

Và chỉ với cái hành động vượt thoát khỏi những con đàng, khỏi những quy phạm nguyên tắc, những giới hạn vô lý đó, thi sỹ nhận ra mình từ trong hình ảnh của ngày trước, của ngàn năm trước

Của ai bỏ lại ngàn năm trước…


3. Từ độ ta yêu em rực rỡ, môi cười vội nứt cánh chia ly

Ngay cả trong tình yêu của thi sĩ, tình yêu cũng vắng bặt một đối tượng tri âm. Mối tình không đền đáp, không cộng hưởng.

Ai là ai giữa lòng ta

Tóc bay nhớ những chiều xa những chiều

Thắp ngày lên đỉnh cô liêu

Nắng đau thắp nhọn đìu hiu cuối trời

Đến với tình yêu là cái cách cuối cùng để tìm được một tâm hồn đồng điệu xẻ chia mà vẫn bơ vơ với một "đỉnh cô liêu" ngất trời, vậy tình yêu vẫn chưa phải là cứu cánh của thi nhân. Dù là tình cảm đơn phương không được/không muốn đền đáp, nhưng đó là một mối tình đẹp. Yêu bóng dáng mái tóc đã khắc ghi tâm khảm, cái mường tượng của trí óc, thành ra, cái thứ tình thánh thiện thuần tuý về mặt cảm xúc không một mảy may ham muốn dục vọng nên câu nên chữ cũng trong trẻo hết mực:

Nhìn là sóng mắt xôn xao

Thấy là máu dội ba đào lên tim

Vui là hát lộng rừng sim

Nghêu ngao là bước đi tìm bao la

Những định nghĩa của ông về cảm xúc trong tình yêu là định nghĩa của một người hiểu rõ về tình yêu. Hiểu về tình yêu và là người biết yêu. Thế gian nhiều người yêu mà chẳng biết yêu, lại nữa, cũng không ít người lắm gian nan trong tình yêu mà rốt cuộc chẳng hiểu gì về cái thứ tình cảm lạ lùng này. Hãy nhẩn nha từng câu từng chữ để xem chàng thi sỹ họ Phạm định nghĩa ra sao

Nhớ là quên đi cuộc đời

Quên là nhớ mãi một người chưa quen

Người đã gọi đúng cái tên cần gọi. Nhớ - là tất cả những gì còn lại sau đi đã quên đi mọi thanh âm của cõi nhân gian, cả những niềm vui nỗi buồn, cả đắng cay hạnh phúc. Quên quên và quên – để rồi đọng lại những gì ? là Nhớ đấy thôi, chính xác tất cả những gì còn lại trong tâm khảm trong trí óc là bóng dáng của "một người chưa quen". Cái "người chưa quen" ấy, cái người choáng đầy một "mộng bên đèn", để cho chàng thi sỹ ngẩn ngơ ngơ ngẩn, khuya thì "vẽ mộng", ngày thì "bóng buồn chen bóng buồn". Bóng và người hòa quyện, mộng và thực đan cài. Mà xem ra, chàng thuộc nòi đa tình nên cứ yêu cứ si một "người chưa quen", hay chưa dám quen. Nếu có gặp, có giáp mặt "người chưa quen" ấy, tôi đồ rằng thế nào chàng cũng thẹn thùng, bẽn lẽn, hoặc là vờ vĩnh hiên ngang "lòng trong rất mực xôn xao, mặt ngoài rất mực ừ ào như không", hoặc thậm chí có khi…trốn biệt.

Yêu là chẳng dám nói năng

Thương là giụi mắt ngỡ rằng chiêm bao

Lòng trong rất mực xôn xao

Mặt ngoài rất mực ừ ào như không

Diễn dịch xuôi ra thì có thể hiểu là, trước người yêu, chàng chẳng dám nói năng chi. Thế thì chàng…nhát quá. Mà cũng có thể hiểu, trước tình yêu, mọi lời nói đều thành vô nghĩa. Phạm Công Thiện đã nói "trên tất cả đỉnh cao là lặng im", cái lặng im của trí huệ khi đã vượt qua tri thức, hay cái lặng im của tình yêu nguyên sơ khi đã vượt qua tình cảm giản đơn và mang tính sở hữu. "Yêu là chẳng dám nói năng". Trước đỉnh cao, ngôn từ phải chịu bất lực.

Tâm hồn chân thật đáng yêu, nên tình yêu cũng tinh khôi trong trẻo. Mà thật ra chỉ cần như vậy là đủ, chỉ cần lòng ta yêu, người đáp lại hay không, tùy người. Đòi hỏi một sự đáp lại thành khiên cưỡng. Tình yêu nguyên sơ không mang tính sở hữu, nó đẩy mọi cảm xúc lên đến đỉnh điểm, và có lẽ đó là thứ tình cảm lạ nhất trên đời. Vui tột cùng hay buồn thê thảm, cũng từ đó mà ra

Em gặp ta trăng mọc hổ ngươi

Gió không dám lướt hoa không cười

Một làn trăng mỏng như hơi thở

Ta yên mà thiên nhiên cũng vui

(Bài trăng cuồng đãng)

Một cặp câu thơ hết mực tài hoa của thi sỹ họ Phạm khiến tôi vô cùng tâm đắc:

Áo bay nghiêng một bầu trời,

Tiếng cười nghiêng một chút thời gian xanh.

Tấm áo bay làm không gian phải lung lay và tiếng cười của người thương khiến thời gian phải chệch khỏi quỹ đạo của nó. Đặt hai hình ảnh và âm thanh hữu hạn bên cạnh không gian và thời gian dường như vô hạn

áo / bầu trời

Tiếng cười/ thời gian

Thế mà hai hình ảnh và âm thanh bé nhỏ ấy không hề bị chìm lấp trong mênh mông bầu trời và dòng chảy triền miên của thời gian, ngược lại, chính hai hình ảnh và âm thanh ấy đã khuyếch đảo cả không gian thời gian. Rõ ràng ở đây có một sự chênh lệch, sự chênh lệch không nghiêng về phía cái rộng cái dài miên viễn mà lại nghiêng về cái nhỏ bé khoảnh khắc, cán cân lệch một cách tài tình và tài hoa.

Một thoáng chao nghiêng mà làm điên đảo đất trời, thì tà áo tiếng cười ấy chỉ có thể là của người thương mà thôi!


4. Du tử cuối đời về góc núi

Trên bước đường miên viễn trôi xuôi, thi sỹ đã quyết tâm thực hiện một cuộc chơi bằng cả đời mình, một cuộc chơi hết sức quyết liệt và đau đớn.

Trang thơ đỏ nhỏ con tim

Ta lê theo suốt cuộc tìm đớn đau

(Rừng ngón tay)

Cuộc chơi phải đánh đổi cả đời máu xương ấy chỉ có thể là hành trình tìm về bản lai chân diện mục, tìm về cội nguồn nguyên thuỷ của cái ngã. Và kết quả là gì:

Hư không lạnh vô chừng

Tiếng gà lạnh ngang lưng

Rốt cuộc, tìm về chính mình là tìm về với HƯ VÔ.

Giọt sương treo mái lưng đình

Nửa đêm thức giấc hỏi mình tan chưa

Có một sự thay đổi rõ rệt trong những bài thơ giai đoạn sau này của ông. Từ lúc "ôm phố đi giữa phố" mà "lắng nghe trên bàn tay những mạch đời vô nghĩa/ đi về theo vỡ nát âm u" cho đến lúc

Sáng mai thức dậy hỏi lòng

Bình minh tan giữa cánh đồng chiều nay

Hoàng hôn tan giữa nắng mai

Năm xưa tan giữa nắng dài là ta

Có một cách ngăn của ý thức nhận chân bản lai diện mục.

Và khi tiếng thơ thôi thổn thức, như đã khai minh một nẻo về, tôi cũng dừng ở đây mà tiễn ông đi. Ông đi về đâu, theo đóa sen hồng hay lui gót chân mây? Nhưng bước về chắc sẽ thanh thản, như năm xưa trong một câu thơ cũ:

Du tử cuối đời về góc núi

Bỏ lại trên sông một tiếng chèo

Du tử hay một Từ Thức rũ áo quay lưng với "đất trời vô loại", giã từ những "bình minh" bị "xô chết", bỏ "một tiếng chèo" trên sông, để vĩnh viễn lui về với chân mây góc núi, "về" với nơi chốn của chính mình.

Một chữ "về" nhẹ nhõm, lặng thinh.


Phạm Phú Hải đã sống trọn vẹn đời sống của một thi nhân ẩn sĩ. Thơ ông ngưng tụ đầy đủ những đau đớn, khổ ải, thương yêu, khoan dung, mãnh liệt, tàn phá, cô độc và trầm tư. Ông độc hành trong thế giới của riêng mình, một thế giới mà bất kì ai khi muốn bước vào, cũng sẽ bị choáng ngợp trước cái bao la trùng trùng, những phơi bày khác thường, để rồi những phút quay nhìn lại chính mình phải chợt rợn người vì những cái tủn mủn, ganh tị, kiêu ngạo, những tình cảm ích kỷ trá danh tình yêu trong chính con người mình dành đối xử với đời sống hằng ngày.

Cần lắm những giây phút nhẹ nhàng"gởi lại mây trắng một nụ cười, biết ơn và điềm nhiên nhắm mắt" để cõi lòng thanh thản trước cõi đời xô động này.

Mây ngày kia sẽ rơi mau

Rửa sạch những hận thù nhỏ bé

Dù mặt đất bấy giờ chỉ còn lại nấm hoang

Nụ cười sẽ khoan dung cho hoa nấm nở

(Bóng rừng)

***


Tôi đang làm cái công việc đếm sao trời. Tôi mê mải với những vì sao sáng nhất, gần nhất. Thú vị, nhưng rồi lẫn lộn hết thảy. Bầu trời mênh mông quá, những vì sao lúc mờ lúc tỏ. Trời mây mù giăng chỉ lấp ló đôi ba ngôi, trời quang tạnh ráo thì ngàn ánh sáng nhấp nháy. Tôi bị lạc giữa rừng sao. Tôi ngợp trong cõi thơ Phạm Phú Hải. Tôi yêu lắm ánh dịu dàng của sao trời, tôi yêu quá những câu thơ lấp lánh chắt chiu từ cuộc chơi sinh tử. Những câu thơ là tinh anh máu lệ sáng ngời…

Và có một điều "hiển nhiên" như thơ ông, cái tinh anh ấy sẽ mãi "trơ gan cùng tuế nguyệt".

Vì rằng:

Thác là thể phách, còn là tinh anh.

(Nguyễn Du)


Đoàn Minh Châu
(Ngày 17 tháng 7-2010)



Source :Hop Luu