Con đường sáng tạo
(Tư tưởng và quan niệm về sáng tác của Nietzsche, Rimbaud, Henry Miller, Schopenhauer, William Faulkner, André Gide, Georges Simenon, Rainer Maria Rilke, Emerson, Thomas Wolfe)
Nguyễn Hữu Hiệu dịch và giới thiệu
Georges Simenon
“Kỹ thuật” sáng tác
Giới thiệu
André Gide trong một bài nghiên cứu về tiểu thuyết Simenon, viết rằng Simenon “có lẽ là tiểu thuyết gia vĩ đại nhất và chân chính nhất của văn chương Pháp hiện đại”.
Georges Simenon sinh 13 – 2- 1903 tại Liège, Bỉ. Năm 16 tuổi ông làm phóng viên cho tờ la Gazette de Liège. Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông, Au Pont des Arches, ra đời năm ông 17 tuổi, được viết trong 10 ngày mở đầu cho lối viết chớp nhoáng của ông. Dùng ít nhất mười sáu bút hiệu, xếp theo thứ tự từ Christian Brulls tới Gom Gutt, ông bắt đầu viết loại tiểu thuyết thương mại, có cuốn viết trong hai mươi lăm giờ - với ý định luyện tập cho những tác phẩm đứng đắn hơn. Ông thu ngắn giai đoạn tập luyện khi viết loại tiểu thuyết chuyển tiếp về thám tử Maigret. Từ bộ Maigret mà ông đã viết trên 75 cuốn, ông chuyển ngay sang tiểu thuyết tâm lý căng thẳng. Để duy trì nhịp điệu căng thẳng ấy, ông viết mỗi cuốn trong vòng 11 ngày khép kín. Mỗi ngày ông viết một chương, nếu bị đau phải nghỉ viết 48 đồng hồ, ông sẽ liệng tất cả những chương viết trước và “không bao giờ trở lại cuốn tiểu thuyết đó nữa.”
Ngày nay, trừ thỉnh thoảng viết một cuốn Maigret, ông chỉ viết loại tiểu thuyết đứng đắn mà ông gọi là “phi thương mại”. Ngoài 350 cuốn được viết dưới nhiều bút hiệu khác nhau, Georges Simenon đã cho ra đời hơn 150 cuốn tiểu thuyết trong đó có Le Coup de lunne (1933), Le Bourgmestre de Fures (1939). L’ainé des Ferchaux (1945), Lettre à mon juge (1947), Le neige était sale (1948), Les Volets verts (1950), l’Horloger d’ Everton (1954), En cas de malheur (1956). L’ours en peluche (1960), Le Train (1961) và Les Anneuaux de Bicêtre (1963).
Được nổi tiếng rất sớm nhưng phải chờ đợi rất lâu Simenon mới được công nhận là một tác giả lớn, một phần nhờ những lời khen ngợi nồng nhiệt của Gide, Mac Orlan, Edmond Jaloux, Keyserling. Bây giờ người ta mới bắt đầu nói về “tư tưởng” Simenon. Tư tưởng đó có lần ông đã trình bầy rõ trong “cuốn tiểu thuyết của con người”: ông muốn dựng lên hình ảnh con người chân thực, không mang ảo tưởng về mình và đồng loại, không mặt nạ, không giáo điều. Để thực hiện mục đích đó, Simenon xô đẩy nhân vật của ông tới tận cùng giới hạn của nó. Cuối cùng sau những đổ vỡ tan hoang của ngoại cảnh, con người đi tới giáp mặt định mệnh mình, thân thể trơ trụi, tâm hồn trần truồng mở phơi. Tất cả những nhân vật của ông đều bị ray rứt trong một cơn khủng hoảng thường liên kết với một sự thực ghê gớm có tác dụng biến đổi dòng đời tẻ nhạt hàng ngày thành một định mệnh khốc liệt. Trong tiểu thuyết Simenon người ta lặp lại bầu không khí bi kịch xưa, và đó là lý do tại sao ông tuyên bố: “tiểu thuyết là bi kịch của thời đại chúng ta”.
Simenon khước từ những giải thích tâm lý cổ điển, những tiêu chuẩn luân lý truyền thống. Ông biện hộ cho những nạn nhân, những kẻ tội lỗi, những kẻ bị chà đạp và sỉ nhục, những kẻ bị giam hãm trong cuộc đời, những kẻ đau khổ và chết trong bóng tối, vì lẽ đó ông được gọi là “trạng sư biện hộ cho con người” [1] , - danh từ của Queniin Rutzen - hay một “kẻ chắp vá những định mệnh” như ông tự gọi mìh. Tác phẩm của Simenon đụng chạm mãnh liệt tới tâm hồn con người hiện đại, qua đó, người ta thấy rõ hình ảnh phóng lớn của mình.
Dưới đây là cuộc phỏng vấn Simenon do Carvel Collins thực hiện tại nhà riêng của Simenon ở Lakeville, Connecticut.
*
Simenon: Có một lời khuyên tổng quát của một nhà văn vô cùng hữu ích đối với tôi. Đó là lời khuyên của Colette. Hồi đó tôi đang viết truyện ngắn cho tờ Le Matin và Colette là giám đốc văn học. Tôi còn nhớ tôi đưa cho bà hai truyện ngắn , bà trả lại và tôi cố viết lại, viết lại nữa. Cuối cùng bà nói: “Này, truyện văn chương quá, luôn luôn văn chương quá.” Thế rồi tôi theo lời khuyên của bà. Đó là điều tôi viết, công việc chính khi tôi viết lại.
Người phỏng vấn: Ông muốn nói gì khi dùng chữ “văn chương quá”. Ông cắt bỏ gì, những loại chữ nào?
Simenon: Những tĩnh từ, trạng từ và bất cứ chữ được viết ra đó để tạo hiệu năng. Bất cứ câu nào được viết ra đó chỉ để cho có câu. Như thế nghĩa là nếu bạn có một câu văn vẻ đẹp đẽ - hãy cắt bỏ nó đi. Mỗi lần tôi thấy một câu như vậy trong những cuốn tiểu thuyết của tôi là lập tức câu đó bị cắt đi.
Người phỏng vấn: Phải chăng đó là đặc tính của phần lớn việc đọc lại của ông?
Simenon: Hầu như đó là tất cả công việc đọc lại.
Người phỏng vấn: Chứ không phải là việc kiểm soát lại tình tiết truyện sao?
Simenon: Ồ, tôi không bao giờ đụng tới loại công việc đó đâu. Đôi khi tôi thay đổi tên khi viết: một thiếu phụ có thể là Helen trong chương một và Charlotte trong chương hai, ông thấy không; bởi thế khi tôi đọc lại, tôi sửa cho thống nhất, có thế thôi. Và rồi cắt, cắt, cắt.
Người phỏng vấn: Ông còn có thể nói với những người viết mới điều gì khác không?
Simenon: Viết được coi như một nghề nghiệp và tôi không hề nghĩ rằng đó là một nghề nghiệp. Tôi nghĩ rằng bất cứ người nào không cần trở thành một nhà văn, người nào nghĩ hắn có thể làm một việc gì khác, nên làm một việc gì khác. Viết lách không phải là một nghề nghiệp mà là một khuynh hướng về bất hạnh.
Người phỏng vấn: Tại sao vậy?
Simenon: Bởi vì, trước hết, tôi nghĩ rằng nếu một người có nhu cầu thúc bách phải trở thành một nghệ sĩ chính bởi vì hắn cần tìm kiếm mình. Bất cứ nhà văn nào cũng cố gắng tìm kiếm mình qua những nhân vật của hắn, qua tất cả tác phẩm của hắn.
Người phỏng vấn: Hắn viết cho chính hắn?
Simenon: Vâng. Đúng vậy.
Người phỏng vấn: Ông có ý thức được rằng sẽ có độc giả đọc tiểu thuyết mình?
Simenon: Tôi biết rằng có nhiều người không nhiều thì ít cũng có những vấn đề như tôi với ít nhiều mãnh liệt hơn và sẽ vui vẻ hơn đọc sách để tìm giải đáp – nếu lời giải đáp có thể tìm thấy được.
Người phỏng vấn: Thế còn ngay cả khi là tác giả không thể tìm ra được lời giải đáp độc giả cũng được lợi lộc bởi tác giả đang chuyên chú tìm kiếm à?
Simenon: Chính thế. Thực vậy. Tôi không nhớ là tôi đã từng nói với ông về cái cảm thức mà tôi có cách đây vài năm bao giờ chưa. Vì xã hội ngày nay không có một tôn giáo mạnh, không có một hệ thống giai cấp xã hội vững vàng, và người ta kinh sợ cái tổ chức vĩ đại mà trong đó người ta chỉ là một thành phần nhỏ bé, đối với họ, đọc một vài cuốn tiểu thuyết nào đó từa tựa như việc nhòm qua một lỗ khóa để xem người hàng xóm của mình đang làm gì, nghĩ gì – hắn có cùng mặc cảm tự ti, cùng những tật xấu, cùng những cám dỗ với mình chăng. Đó chính là những gì họ tìm kiếm trong tác phẩm nghệ thuật. Tôi nghĩ rằng ngày nay có nhiều người đang bất an hơn và đang lên đường tìm kiếm chính mình.
Bây giờ rất ít tác phẩm nghệ thuật loại Anatole France viết, chẳng hạn, nghĩa là rất trầm lặng, trang nhã và đầy tin tưởng. Ngược lại điều con người muốn hôm nay muốn là tác phẩm phức tạp nhất, cố gắng xâm nhập vào tận cùng những xó xỉnh của bản chất con người. Ông hiểu tôi muốn nói gì chứ?
Người phỏng vấn: Ông muốn nói không phải vì hôm nay chúng ta cho rằng chúng ta hiểu biết nhiều hơn về tâm lý mà chính bởi vì nhiều độc giả hơn đang cần loại tiểu thuyết đó chứ gì?
Simenon: Vâng. Một người bình thường năm mươi năm về trước – có nhiều vấn đề hôm nay hắn chưa hề biết tới. Năm mươi năm trước, hắn có giải đáp. Ngày nay hắn không còn có giải đáp nữa.
Người phỏng vấn: Một năm trước đây hay vào khoảng đó, ông và tôi có nghe thấy một nhà phê bình đòi hỏi rằng tiểu thuyết phải trở về loại tiểu thuyết được viết ở thế kỷ thứ mười chín.
Simenon: Không thể được, tôi cho rằng hoàn toàn không thể được. (Ngừng). Bởi vì chúng ta đang sống trong một thời đại mà nhà văn không luôn luôn gặp khó những trở ngại xung quanh, họ có thể cố gắng trình bầy nhân vật bằng cách diễn tả toàn diện nhất, đầy đủ nhất. Bạn có thể mô tả tình yêu trong một câu chuyện vô cùng đẹp đẽ, mười tháng đầu tiên của hai kẻ yêu nhau như trong văn chương thưở xa xưa. Kế đó bạn có loại truyện thứ hai: họ bắt đầu chán chường; đó là văn chương cuối thế kỷ qua. Và rồi, nếu bạn có thể đi xa hơn, người đàn ông vừa năm mươi tuổi và cố gắng có một đời sống khác, người đàn bà nổi ghen, và bạn có con cái xen lẫn vào đó, đó là loại truyện thứ ba. Chúng ta không đang ở truyện thứ ba. Chúng ta không ngừng lại khi họ lấy nhau, chúng ta không ngừng lại khi họ bắt đầu chán chường, chúng ta đi đến cùng.
Người phỏng vấn: Trong tương quan ấy, tôi thường nghe người ta hỏi về sự tàn bạo của tiểu thuyết hiện đại. Tôi hoàn toàn tán đồng điều đó, nhưng tôi vẫn muốn hỏi tại sao ông viết về điều đó.
Simenon: Chúng ta quen nhìn người bị xô đẩy đến tận cùng giới hạn họ.
Người phỏng vấn: Và sự tàn bạo liên kết với điều đó?
Simenon: Nhiều hay ít. (Ngừng). Chúng ta không còn suy tưởng về một theo quan điểm của một số triết gia nữa; trong một thời gian rất lâu con người được nhận xét từ quan điểm có Thượng Đế và con người là chủ vạn vật. Chúng ta không còn nghĩ rằng con người là chủ vạn vật nữa. Chúng ta nhìn hầu như giáp mặt con người. Một số độc giả vẫn còn muốn đọc những cuốn tiểu thuyết lạc quan, những cuốn tiểu thuyết cho họ một quan điểm thoải mái về nhân loại. Không thể được.
Người phỏng vấn: Vậy thì nếu độc giả thích thú ông, ấy là vì họ muốn một cuốn tiểu thuyết thăm dò những nỗi băn khoăn phiền muộn của họ? Vai trò của ông là nhìn vào mình và….
Simenon: Chính thế. Nhưng không phải vấn đề duy nhất của nghệ sĩ là nhìn vào bản thân mình mà còn phải nhìn vào người khác với kinh nghiệm hắn có về mình. Hắn viết với lòng thiện cảm bởi vì hắn cảm thấy rằng người khác cũng giống mình.
Người phỏng vấn: Nếu không còn độc giả liệu ông còn viết nữa không?
Simenon: Chắc chắn là có. Khi tôi bắt đầu viết, tôi không hề nghĩ rằng tác phẩm của tôi sẽ được đem ra bán. Đúng hơn nữa, khi tôi bắt đầu viết những đoản văn – truyện ngắn cho tạp chí và những thứ đại loại như vậy – để kiếm sống, nhưng không gọi cái đó là sáng tác. Nhưng riêng cho tôi, đêm đêm, tôi viết lách chút ít mà không hề có ý nghĩ rằng có thể một ngày nào đó sẽ được ấn hành.
Người phỏng vấn: Có lẽ ông có kinh nghiệm nhiều như bất cứ ai trên đời trong cái việc làm mà ông vừa gọi là sáng tác thương mại đó. Sự khác biệt giữa nó và tác phẩm phi thương mại ra sao?
Simenon: Tôi gọi là “thương mại” bất cứ tác phẩm nào, không phải chỉ trong lãnh vực văn chương mà trong cả âm nhạc hội họa và điêu khắc – bất cứ bộ môn nghệ thuật nào – được thực hiện cho một thành phần quần chúng nào đó hay cho một loại ấn phẩm nào đó hoặc cho một giai phẩm đặc biệt. Dĩ nhiên, trong tác phẩm thương mại cũng có nhiều cấp bậc khác nhau. Người ta có thể có thứ rẻ tiền và cũng có thể có vài loại thật hay, chẳng hạn những sách hàng tháng là những tác phẩm thương mại, nhưng một vài cuốn gần như được viết một cách hoàn hảo, gần như những tác phẩm nghệ thuật. Không hoàn toàn nhưng gần như thế. Những đoản văn ở một số tạp chí cũng vậy; một vài bài tuyệt vời. Nhưng rất hiếm khi chúng là những tác phẩm nghệ thuật, bởi vì một tác phẩm nghệ thuật không thể thực hiện với mục đích mua vui cho một số độc giả nào đó.
Người phỏng vấn: Điều ấy khiến tác phẩm thế nào? Là tác giả, ông biết rõ ông có xếp đặt một cuốn tiểu thuyết cho việc thương mại hay không, nhưng, nếu chỉ nhìn tác phẩm của ông từ bên ngoài, liệu độc giả có nhìn thấy chỗ khác biệt không?
Simenon: Sự khác biệt lớn lao sẽ nằm trong những sự nhượng bộ. Trong sáng tác cho bất cứ một mục đích thương mại nào luôn luôn ta phải nhượng bộ.
Người phỏng vấn: Chẳng hạn nhượng bộ cho ý tưởng rằng cuộc đời trật tự và êm đẹp?
Simenon: Và cho quan điểm luân lý. Có lẽ đó là điều quan trọng nhất. Bạn không thể viết bất cứ tác phẩm thương mại nào mà lại không phải chấp nhận một số luật lệ. Bao giờ cũng là một luật lệ - như luật lệ của Hollywood và của vô tuyến truyền hình truyền thanh. Chẳng hạn bây giờ chúng ta có một chương trình truyền hình thật hay; có thể là chương trình hay nhất để diễn. Hai hồi đầu luôn luôn không chê vào đâu được. Ta có cảm tưởng có một điều gì mới mẻ và mãnh liệt, thế rồi cuối cùng sự nhượng bộ tới. Không phải luôn luôn là một happy end (kết cục có hậu), nhưng có một cái gì đến để dàn xếp mọi sự theo quan điểm luân lý hay triết lý – ông thấy chưa. Tất cả mọi nhân vật, được thực hiện một cách tuyệt mỹ, đùng một cái thay đổi hoàn toàn vào mười phút chót.
Người phỏng vấn: Trong những cuốn tiểu thuyết phi thương mại của ông, ông cảm thấy không cần nhượng bộ bất cứ cách nào?
Simenon: Tôi không bao giờ làm thế, không bao giờ, không bao giờ. Nếu không tôi đã chẳng viết. Thật là đau đớn phải nhượng bộ nếu sự nhượng bộ đó không đi đến chỗ chấm dứt.
Người phỏng vấn: Ông đã cho tôi coi những tấm phong bì mầu vàng óng dùng để phác họa những cuốn tiểu thuyết. Trước khi thực sự bắt tay vào viết, ông phải nghiền ngẫm một cách ý thức về lược đồ của cuốn tiểu thuyết đặc biệt trong bao lâu?
Simenon: Như ông đã gợi ý, chúng ta phải phân biệt ở đây sự khác nhau giữa ý thức và vô thức.
Một cách vô thức, có lẽ tôi luôn luôn có trong óc hay hay ba đề tài, chứ không phải là tiểu thuyết hay ý tưởng về tiểu thuyết. Tôi cũng chẳng hề nghĩ rằng những chủ đề ấy có thể dùng cho một cuốn tiểu thuyết bao giờ; đúng hơn đó là những điều làm tôi lo âu. Hai ngày trước khi bắt đầu viết một cuốn tiểu thuyết, tôi lấy một trong những ý tưởng đó một cách ý thức, trước hết tôi tìm một không khí nào đó. Hôm nay trời ở đây hoe nắng. Tôi có thể nhớ một mùa xuân tương tự, có thể ở một tỉnh lỵ nào đó ở Ý, hay một vài nơi nào đó trong những tỉnh nhỏ bên Pháp hay ở Arizona, tôi không biết, và thế rồi dần dần, một thế giới nhỏ bé sẽ hiện ra trong tâm trí với một ít nhân vật. Những nhân vật này sẽ được lấy một phần từ những người tôi quen biết và một phần từ tưởng tượng hoàn toàn - bạn biết đó, là sự trộn lẫn của cả hai. Và rồi ý tưởng tôi đã có trước sẽ đến và lởn vởn quanh những nhân vật. Họ sẽ có cùng vấn đề tôi có trong tâm trí tôi. Và vấn đề - với những nhân vật – đó sẽ cho tôi cuốn tiểu thuyết.
Người phỏng vấn: Việc này xẩy ra một ngày trước đó?
Simenon: Vâng, một đôi ngày. Bởi vì ngay khi tôi có khởi điểm tôi không thể cưu mang nó quá lâu được; bởi thế nên ngày hôm sau tôi lấy phong bì, lấy cuốn sổ điện thoại để lấy tên, và lấy bản đồ của riêng tôi – ông biết không để xem sự việc xảy ra đích xác ở đâu. Và hai ngày sau tôi bắt đầu viết. Và khởi điểm bao giờ cũng tương tự như nhau, nó gần như một vấn đề hình học: Tôi có một người đàn ông đó, một người đàn bà đó trong những không gian đó. Điều gì có thể xẩy ra để buộc họ phải đi đến cùng giới hạn họ? Đó là vấn đề. Đôi khi chỉ là một biến cố rất đơn giản, bất cứ điều gì có thể thay đổi cuộc đời họ, Đoạn tôi viết hết chương này đến chương khác cuốn tiểu thuyết của tôi.
Người phỏng vấn: Cái gì diễn tiến trên tấm phong bì phác họa? Không phải là lược đồ của hành động sao?
Simenon: Không, Không, Tôi không biết chút gì về những biến cố khi tôi bắt đầu cuốn tiểu thuyết cả. Trên tấm phong bì tôi chỉ ghi tên các nhân vật, tuổi tác, gia đình họ. Tôi không biết bất cứ điều gì về những biến cố sẽ xẩy ra sau này. Nếu không thì nó sẽ chẳng còn hứng thú gì cho tôi nữa.
Người phỏng vấn: Khi nào những biến cố bắt đầu hình thành?
Simenon: Vào đêm trước ngày đầu tiên tôi hiểu chuyện gì sẽ xẩy ra ở chương thứ nhất. Thế rồi, ngày qua ngày, chương này kế tiếp chương khác, tôi tìm thấy chuyện gì xảy ra sau này. Sau khi tôi khởi sự viết một cuốn tiểu thuyết, mỗi ngày tôi viết một chương, không bao giờ bỏ một ngày. Bởi vì đó là một nhịp điệu căng thẳng, tôi phải theo bén gót cuốn tiểu thuyết. Nếu, giả dụ tôi bị đau bốn mươi tám tiếng đồng hồ, tôi sẽ phải liệng đi những chương trước. Và không bao giờ tôi trở lại cuốn tiểu thuyết đó nữa.
Người phỏng vấn: Khi ông viết truyện thương mại, ông cũng dùng phương pháp tương tự như thế chứ?
Simenon: Không, không bao giờ. Khi tôi viết một cuốn tiểu thuyết thương mại, không bao giờ tôi nghĩ tới cuốn tiểu thuyết đó trừ trong những giờ phút viết nó. Nhưng khi tôi đang viết một cuốn tiểu thuyết, tôi không gặp bất cứ người nào, tôi không nói với bất cứ ai, tôi không gọi điện thoại – tôi sống như một tu sĩ vậy. Suốt ngày tôi là một trong những nhân vật của tôi. Tôi cảm thấy những gì hắn cảm thấy.
Người phỏng vấn: Ông luôn luôn là nhân vật đó trong suốt cuốn tiểu thuyết?
Simenon: Luôn luôn, bởi phần lớn tiểu thuyết của tôi trình bày những gì xảy ra xung quanh một nhân vật. Những nhân vật khác đều được nhìn qua hắn. Bởi thế tôi phải sống trong da thịt nhân vật đó. Và điều đó hầu như không thể chịu đựng nổi sau năm hay sáu ngày. Đấy là một trong những lý do tại sao tiểu thuyết của tôi thường quá ngắn; sau mười một ngày tôi không kham nổi – không thể chịu nổi nữa. Tôi phải nghỉ. – Đó là vấn đề thể chất. Tôi quá mệt mỏi.
Người phỏng vấn: Tôi phải hiểu vậy chứ. Nhất là nếu ông lại đẩy nhân vật chính tới cùng cực giới hạn của hắn.
Simenon: Vâng, vâng.
Người phỏng vấn: Và ông đang thủ vai trò đó với hắn, ông –
Simenon: Vâng thật ghê gớm. Bởi thế tại sao, trước khi tôi khởi viết một cuốn tiểu thuyết - kể điều đó ra đây hơi có vẻ kỳ cục, nhưng đó là sự thực - thường thường một vài ngày trước khi khởi đầu một cuốn tiểu thuyết, tôi sắp đặt để không có bất cứ một cuộc hẹn hò nào trong vòng mười một ngày. Kế đó tôi mời bác sĩ tới. Ông ta đo áp lực mạch, ông kiểm sát lại mọi bộ phận. Và ông ta nói “Okay”.
Người phỏng vấn: Sửa soạn sẵn sàng để hành động?
Simenon: Đúng vậy. Bởi vì tôi cần phải biết chắc rằng tôi còn đầy đủ sức khoẻ trong vòng mười một ngày.
Người phỏng vấn: Sau mười một ngày ông ta trở lại không?
Simenon: Ông ta thường trở lại.
Người phỏng vấn: Đó là ý kiến của ông ta hay ý kiến của ông?
Simenon: Của ông ta.
Người phỏng vấn: Ông ta thấy gì?
Simenon: Áp huyết thường xuống thấp.
Người phỏng vấn: Ông ta nghĩ sao? Không sao cả gì chứ?
Simenon: Ông ta nghĩ không sao cả nhưng làm vậy luôn thì có hại cho sức khoẻ lắm.
Người phỏng vấn: Ông ta có hạn chế ông không?
Simenon: Đôi khi ông ta nói: “Này, thôi sau truyện này thì phải đi nghỉ đi nhé.” Chẳng hạn, hôm qua ông ta nói: “Okay, nhưng ông định viết bao nhiêu cuốn nữa trước khi định đi nghỉ hè đây?” Tôi đáp: “Hai.” “Okay.” ông ta bảo.
Người phỏng vấn: Hay lắm. Tôi muốn hỏi ông xem ông có thấy kiểu mẫu nào trong sự triển khai những quan điểm của ông trong khi chúng được khai thác trong những cuốn tiểu thuyết của ông không.
Simenon: Tôi không phải là người khám phá ra điều đó, như một số nhà phê bình ở Pháp đã tìm thấy. Suốt đời tôi, suốt cuộc đời văn nghệ của tôi, nếu tôi được phép nói như thế, tôi đã dùng một số vấn đề cho tiểu thuyết của tôi, và vào khoảng mười năm một lần tôi lại đề cập tới cùng những vấn đề ấy theo một quan điểm khác. Tôi có cảm tưởng rằng có lẽ không bao giờ tôi tìm được câu giải đáp. Tôi được biết một số vấn đề tôi đã bàn tới hơn năm lần.
Người phỏng vấn: Và ông biết rằng ông sẽ còn đề cập tới những vấn đề đó nữa?
Simenon: Vâng. Và rồi có một vài vấn đề - nếu tôi có thể gọi là vấn đề - tôi biết rằng tôi sẽ không bao giờ để cập tới nữa, bởi vì tôi có cảm tưởng rằng tôi đã đào xới đến tận cùng những vấn đề ấy rồi. Tôi không còn tha thiết tới chúng nữa.
Người phỏng vấn: Xin ông cho biết một vài vấn đề ông thường đề cập tới và có thể sẽ còn đề cập tới trong tương lai là những vấn đề nào?
Simenon: Chẳng hạn một vấn đề có lẽ ám ảnh tôi nhiều hơn bất cứ một vấn đề nào khác là vấn đề thông cảm. Tôi muốn nói sự thông cảm giữa hai người. Sự thực chúng ta có bao nhiêu triệu người tôi không được rõ, tuy nhiên sự thông cảm, sự thông cảm hoàn toàn thì lại hoàn toàn không thể có được giữa hai người trong muôn triệu người đó, đó là một trong những đề tài bi thảm lớn lao nhất đối với tôi. Khi tôi còn thơ dại, tôi sợ hãi điều đó. Tôi hầu như la thét lên được vì điều đó. Nó mang lại cho tôi một cảm giác cô đơn, lẻ loi hiu quạnh. Đó là một đề tài tôi đã dùng không biết bao nhiêu lần. Nhưng tôi biết nó sẽ còn trở lại. Chắc chắn nó sẽ còn trở lại nữa.
Người phỏng vấn: Còn đề tài khác?
Simenon: Đề tài khác dường như là sự đào thoát. Trong hai ngày cô đơn ta thay đổi hoàn toàn: không thèm đếm xỉa gì tới điều gì đã xẩy ra trước đó, chỉ biết ra đi. Ông hiểu cho tôi muốn nói gì chứ?
Người phỏng vấn: Bắt đầu lại?
Simenon: Không những bắt đầu lại. Nhắm mắt ra đi về hướng vô định.
Người phỏng vấn: Tôi hiểu. Ông có tin rằng mỗi một đề tài này chẳng bao lâu sẽ trở thành một chủ đề không? Hỏi như thế có sao không ạ?
Simenon: Có lẽ một đề tài sẽ chẳng còn xa xôi lắm đâu. Đó là một đề tài liên quan tới tình cha con, hai thế hệ, người đang đến, kẻ sắp đi. Không hoàn toàn đúng như vậy, nhưng tôi chưa nhìn thấy đủ rõ để có thể bàn tới.
Người phỏng vấn: Đề tài này có thể liên kết với đề tài thiếu cảm thông?
Simenon: Chính thế; nó là một phần của cùng một vấn đề.
Người phỏng vấn: Những đề tài nào ông biết khá chắc chắn là ông sẽ không đề cập tới nữa?
Simenon: Hình như một, về sự phân hóa của một đơn vị, và đơn vị đây thường là một gia đình.
Người phỏng vấn: Ông có thường đề cập tới đề tài đó không?
Simenon: Hai ba lần, có thể hơn nữa.
Người phỏng vấn: Trong cuốn “Thế Hệ”?
Simenon: Vâng, trong cuốn Thế Hệ ta có đề tài ấy. Nếu tôi phải chọn một trong những cuốn sách của tôi để sống, tôi sẽ không bao giờ chọn cuốn Thế Hệ.
Người phỏng vấn: Ông có thể chọn cuốn nào?
Simenon: Cuốn kế tiếp.
Người phỏng vấn: Và cuốn kế cuốn đó?
Simenon: Chính thế. Luôn luôn là cuốn kế tiếp. Ông thấy đó, ngay cả về phương diện kỹ thuật bây giờ tôi cũng có cảm thức rằng tôi đi xa mục tiêu quá.
Người phỏng vấn: Ngoài những cuốn kế tiếp, ông có sẵn sàng chọn một cuốn tiểu thuyết đã xuất bản nào để tồn tại không?
Simenon: Không có cuốn nào cả. Bởi vì khi một cuốn tiểu thuyết kết thúc, bao giờ tôi cũng có cảm tưởng rằng tôi không thành công. Tôi không ngã lòng, nhưng thấy rõ – tôi muốn thử thách lại lần nữa.
Có điều – tôi coi những cuốn tiểu thuyết của tôi trên cùng một bình diện như nhau, tuy nhiên có sự chênh lệch. Sau một bộ năm sáu cuốn tôi thực hiện được một thứ - tôi không thích danh từ “tiến bộ” – nhưng dường như có sự tiến bộ. Có một bước nhẩy vọt về phương diện phẩm chất, có lẽ vậy. Vì thế cứ năm hay sáu cuốn lại có một cuốn tôi thích hơn những cuốn khác.
Người phỏng vấn: Trong số những cuốn hiện có, ông có thể cho biết cuốn nào là một trong những cuốn ông thích đó?
Simenon: Cuốn Anh em Rico. Cốt truyện có lẽ tương tự nếu, thay vì bọn gangster, chúng ta có một thâu ngân viên trong một ngân hàng hay một ông giáo quen thuộc.
Người phỏng vấn: Địa vị một người bị đe dọa, vì thế hắn sẽ làm tất cả để giữ nó?
Simenon: Chính thế. Một người luôn luôn muốn đứng đầu trong cái đoàn thể nhỏ bé mà hắn đang sống. Và hắn sẽ hy vọng tất cả để ở lại địa vị đó. Hắn có thể là một người lương thiện, nhưng hắn cố gắng để chiếm được vị trí hiện tại đến nỗi không bao giờ hắn chấp nhận được việc thoái vị.
Người phỏng vấn: Tôi thích lối viết đơn giản của cuốn tiểu thuyết đó vô cùng.
Simenon: Tôi cố gắng viết thật đơn giản, thật đơn giản. Và không hề có một câu “văn chương” nào trong đó cả, ông thấy không? Như thể nó được viết bởi một đứa trẻ vậy đó.
Người phỏng vấn: Hồi nãy ông nói rằng thoạt tiên khi nghĩ tới một cuốn tiểu thuyết, ông nghĩ tới bầu không khí trước.
Simenon: Cái tôi muốn ám chỉ là bầu không khí có thể diễn dịch bằng “vần thơ”. Ông hiểu tôi muốn nói cái gì chứ?
Người phỏng vấn: “Trạng thái” tạm sát chưa?
Simenon: Vâng. Và cùng với trạng thái là mùa, là chi tiết - thoạt đầu nó gần như một chủ đề nhạc.
Người phỏng vấn: Và chẳng hề định địa danh gì cả?
Simenon: Không. Đó là bầu không khí đối với tôi, bởi vì tôi cố gắng – và tôi không nghĩ rằng tôi đã làm việc đó, nếu không các nhà phê bình đã khám phá ra – tôi cố gắng thực hiện với tản văn, với tiểu thuyết điều thường được thể hiện với thi ca. Tôi muốn nói tôi cố gắng vượt lên trên những ý tưởng chân thực và có thể giải thích được và thám hiểm con người – không làm việc đó bằng âm thanh của những chữ như những cuốn tiểu thuyết đầy chất thơ hồi đầu thế kỷ đã cố gắng làm. Tôi không thể giải thích về phương diện kỹ thuật nhưng – tôi cố gắng đem vào tiểu thuyết của tôi một vài điều không thể giải thích được, mang lại một vài thông điệp không hiện hữu một cách đích thực. Ông hiểu điều tôi muốn nói chứ? Mấy hôm trước đây tôi đọc thấy T.S.Eliot, người tôi vô cùng thán phục, viết rằng thi ca cần thiết trong những vở kịch có một loại truyện khác nhau, điều đó tùy thuộc đề tài người ta đề cập tới. Tôi không nghĩ vậy. Tôi cho rằng chúng ta có thể có cùng bức mật điệp để chuyển giao với bất cứ đề tài nào. Nếu viễn tượng của bạn và thế giới thuộc một loại đặc biệt nào đó, bạn có thể đặt thi ca vào tất cả, một cách thiết yếu.
Nhưng có lẽ tôi là người duy nhất cho rằng trong sách của tôi có đôi nét thuộc loại đó.
Người phỏng vấn: Có lần ông nói rằng ông muốn viết tiểu thuyết “thuần túy”. Có phải cắt bỏ những từ ngữ và những câu “văn chương”– hay nó cũng bao gồm cả thi ca ông vừa nói đó?
Simenon: Tiểu thuyết “thuần túy” sẽ chỉ làm điều mà tiểu thuyết có thể làm. Tôi muốn nói rằng nó không cần phải giáo huấn hay làm bất cứ công việc gì của báo chí. Trong một cuốn tiểu thuyết thuần túy người ta sẽ không dùng sáu mươi trang để mô tả miền Nam hay Artzona hoặc một vài xứ sở nào đó ở Âu châu. Hoàn toàn là thảm kịch với điều gì tuyệt đối liên quan tới thảm kịch đó mà thôi. Tôi cho rằng tiểu thuyết hôm nay gần như là một sự chuyển dịch những quy luật của bi kịch vào tiểu thuyết. Tôi cho rằng tiểu thuyết là bi kịch của thời đại chúng ta.
Người phỏng vấn: Sự dài ngắn có quan trọng không? Nó có thuộc về định nghĩa của ông về tiểu thuyết thuần túy không?
Simenon: Có. Câu hỏi đó nghe có vẻ như một câu hỏi thực tiễn; nhưng tôi nghĩ câu hỏi đó quan trọng, bởi cùng lý do bạn không thể coi một bi kịch trong hơn một buổi xem. Tôi cho rằng tiểu thuyết thuần túy quá căng thẳng cho độc giả để ngừng lại giữa chừng và đọc tiếp vào ngày hôm sau.
Người phỏng vấn: Bởi vì vô tuyến truyền hình, chiếu bóng và tạp chí đều phải tuân theo những qui luật mà ông đã nói, tôi chắc rằng ông cảm thấy nhà văn của tiểu thuyết thuần túy gần như bắt buộc phải viết một cách tự do.
Simenon: Vâng. Và còn lý do thứ hai tại sao hắn phải như vậy. Tôi nghĩ rằng hiện nay, vì những lý do có lẽ là lý do chính trị, những cán bộ tuyên truyền đang cố gắng tạo ra một mẫu người. Tôi nghĩ tiểu thuyết gia có bổn phận phải trình bầy con người đích thực chứ không phải con người của tuyên truyền. Và tôi không muốn ám chỉ nguyên ngành tuyên truyền chính trị mà thôi, tôi muốn ám chỉ con người họ dậy trong học trường cấp ba, một con người không liên hệ gì với con người đích thực cả.
Người phỏng vấn: Xin ông cho biết ông có kinh nghiệm nào về việc cải biến tác phẩm của ông sang điện ảnh và vô tuyến truyền thanh?
Simenon: Những thứ này rất quan trọng cho nhà văn ngày nay. Bởi có lẽ chúng là cách nhà văn còn có thể duy trì được độc lập. Trước đây ông hỏi tôi có thay đổi điều gì trong tiểu thuyết thương mại của tôi không. Tôi đáp: “Không”. Nhưng tôi phải làm việc đó không vô tuyến truyền thanh, truyền hình và chiếu bóng.
Người phỏng vấn: Có lần ông bảo tôi Gide đã đưa ra một lời khuyến dụ ích lợi về một cuốn tiểu thuyết của ông. Ông ta có ảnh hưởng tới tác phẩm của ông một cách nào tổng quát hơn thế nữa không?
Simenon: Tôi không tin vậy. Nhưng với Gide đó là chuyện khôi hài. Năm 1936 ông giám đốc nhà xuất bản của tôi nói ông ta muốn tổ chức một cocktail party để chúng ta có cơ hội gặp nhau vì Gide nói rằng ông ta đã đọc tiểu thuyết của tôi và rất muốn gặp tôi. Bởi thế tôi tới, và Gide hỏi tôi trong hơn hai tiếng đồng hồ. Sau đó tôi gặp nhiều ông lần, và gần như tháng nào ông ấy cũng viết cho tôi, đôi khi thường hơn nữa cho đến khi ông mất – luôn luôn đặt câu hỏi. Khi tôi tới thăm ông. Tôi luôn luôn thấy tác phẩm của tôi với nhiều ghi chú chi chít ngoài lề đến nỗi chúng hầu như của Gide nhiều hơn là của Simenon. Tôi không bao giờ hỏi ông về những ghi chú ấy; tôi rất mắc cỡ về điều đó. Bởi thế ngày nay tôi sẽ không bao giờ biết được.
Người phỏng vấn: Ông ta có hỏi ông loại câu hỏi nào đặc biệt không?
Simenon: Đủ thứ, nhưng đặc biệt về kỹ thuật của – tôi có được phép dùng chữ ấy không? nghe có vẻ tự phụ quá - của sự sáng tạo của tôi. Và tôi nghĩ tôi biết tại sao ông quan tâm tới điều đó. Tôi nghĩ Gide suốt đời ông mơ ước trở thành một kẻ sáng tạo thay vì nhà luân lý hay triết gia. Tôi hoàn toàn trái ngược với ông và tôi nghĩ rằng đó là lý do khiến ông ấy quan tâm.
Năm năm trước tôi cũng có kinh nghiệm tương tự với Bá Tước Keyserling. Ông viết cho tôi hệt như cách Gide viết. Ông yêu cầu tôi tới thăm ông ở Darmstadt. Tôi tới đó và ông chất vấn tôi ba ngày đêm. Ông ta tới thăm tôi ở Paris và hỏi nhiều câu hỏi nữa để giảng giải về từng tác phẩm một của tôi. Cũng vì lý do tương tự.
Keyserling gọi tôi là một “imbécile de génie”.
Người phỏng vấn: Tôi còn nhớ có lần ông nói với tôi rằng trong những cuốn tiểu thuyết thương mại của ông, thỉnh thoảng ông lại đem vào một đoạn hay một chương không có tính cách thương mại.
Simenon: Vâng, để tự rèn luyện.
Người phỏng vấn: Phần đó khác phần còn lại của cuốn truyện thế nào?
Simenon: Thay vì chỉ kể chuyện , trong chương này tôi cố gắng tạo ra một chiều thứ ba, không cần thiết cho cả chương, có thể cho một căn phòng, một cái ghế, một vài đồ vật nào đó. Giải thích bằng danh từ hội họa có lẽ dễ hiểu hơn.
Người phỏng vấn: Như thế nào?
Simenon: Để tạo ra một sức nặng. Một thợ vẽ thương mại vẽ phẳng lì; ta có thể xuyên ngón tay qua. Nhưng một họa sĩ – chẳng hạn, một trái táo do Cézanne vẽ có sức nặng. Và nó có nước, tất cả chỉ với ba nét thôi. Tôi cố gắng cho chữ của tôi chính cái sức nặng mà một nét phác họa của Cézanne đem lại cho một trái táo đó. Đó là lý do tại sao bao giờ tôi cũng dùng danh từ cụ thể. Tôi cố gắng tránh những danh từ trừu tượng hay danh từ đầy thi tính, ông thấy không như “hoàng hôn” chẳng hạn. Nghe thơ mộng lắm, nhưng nó chẳng đem lại ý nghĩa gì cả. Ông hiểu chứ? Tránh tất cả mọi tiếng không đem lại điều gì cho chiều thứ ba đó cả.
Về điểm này, tôi nghĩ rằng cái mà những nhà phê bình gọi là “bầu không khí”, của tôi chẳng là gì khác hơn chủ trương ấn tượng của nhà họa sĩ thích dụng vào văn chương. Tôi sống thời thơ ấu của tôi vào thời của những nhà họa sĩ ấn tượng và tôi luôn luôn có mặt trong bảo tàng viện và những cuộc triển lãm. Điều đó cho một thứ cảm thức về ấn tượng. Nó ám ảnh tôi.
Người phỏng vấn: Có bao giờ ông đọc cho chép tiểu thuyết của ông, thương mại hoặc bất cứ loại nào khác?
Simenon: Không. Tôi là một người thợ thủ công; tôi cần phải làm việc chúng với hai bàn tay tôi. Tôi muốn khắc cuốn tiểu thuyết của tôi vào gỗ. Những nhân vật của tôi – tôi muốn tạo ra một con người cách nào để tất cả mọi người khi nhìn hắn, chắc chắn sẽ tìm thấy những vấn đề của mình trong con người đó. Đó là lý do tại sao tôi nói về thi ca, bởi mục đích này có vẻ giống mục đích của một thi sĩ hơn mục đích của một tiểu thuyết gia. Những nhân vật của tôi đều có nghề nghiệp, có cá tính; bạn có thể biết tuổi tác, gia cảnh họ và tất cả. Nhưng tôi cố gắng làm cho mỗi nhân vật này nặng như một pho tượng và gần gũi thân mật với tất cả mọi người trên đời. (Ngừng) và điều khiến tôi sung sướng là những lá thư tôi nhận được. Những lá thư này không bao giờ nói về bút pháp hoa mỹ của tôi; đó là những bức thư mà một người có thể gửi cho vị bác sĩ hay nhà phân tâm học của mình. Những lá thư đó viết: “Ông là người hiểu tôi. Biết bao lần tôi tìm thấy tôi trong những cuốn tiểu thuyết của ông”. Kế đó là những trang tâm sự của họ: và họ không phải là những người điên cuồng. Dĩ nhiên cũng có người điên cuồng; nhưng đa số ngược lại là những người – có cả những nhân vật quan trọng. Tôi ngạc nhiên.
Người phỏng vấn: Trong lúc nào còn trẻ, có tác phẩm hay tác giả riêng nào đặc biệt ảnh hưởng tới ông không?
Simenon: Có lẽ người ảnh hưởng tới tôi nhiều nhất là Gogol. Và chắc chắn Dostoievski, nhưng ít hơn Gogol.
Người phỏng vấn: Tại sao ông nghĩ rằng Gogol quan hệ với ông?
Simenon: Có lẽ bởi vì ông tạo ra những nhân vật giống hệt như những con người thật nhưng đồng thời còn có cái mấy phút trước đây tôi gọi là chiều thứ ba mà tôi tìm kiếm. Tất cả những nhân vật đó đều toát ra hào quang mơ mộng đó. Nhưng không phải loại Oscar Wilde - một thứ thi ca tự nhiên, có đó, loại Conrad có. Mỗi nhân vật có sức nặng của điêu khắc, rất dầy đặc.
Người phỏng vấn: Dostoiveski nói về mình và những nhà văn cùng xứ sở của ông rằng họ đều bắt nguồn từ tác phẩm “Tấm Áo Choàng’’ của Gogol, và bây giờ ông cũng cảm thấy như vậy.
Simenon: Vâng. Gogol. Và Dostoievski.
Người phỏng vấn: Khi tôi và ông bàn bạc về một vụ án đặc biệt trong khi tòa đang xử một hai năm trước đây, ông có nói ông thường theo dõi những bài tường thuật của báo chí một cách say mê. Có bao giờ trong khi theo dõi những bài tường thuật ấy ông thầm nhủ: “Đây là điều một ngày kia ta có thể đem vào tiểu thuyết không?”
Simenon: Có.
Người phỏng vấn: Ông có lưu giữ nó một cách ý thức không?
Simenon: Không. Tôi quên khuấy mất tôi đã nói nó có thể hữu ích một ngày kia, ba bốn hoặc mươi mười năm sau không chừng. Tôi không lưu giữ hồ sơ.
Người phỏng vấn: Nhân nói về những vụ án, đâu là sự khác biệt sâu xa nếu có, giữa tiểu thuyết trinh thám của ông – như loại Maigret mà ông vừa mới viết xong mấy hôm trước - với những cuốn tiểu thuyết đứng đắn hơn của ông?
Simenon: Giống hệt sự khác nhau giữa bức họa của một họa sĩ và bản phác họa mà hắn làm để chơi hoặc cho bạn bè hay để nghiên cứu cái gì đó.
Người phỏng vấn: Trong bộ Maigret ông chỉ nhìn nhân vật theo quan điểm của một nhà thám tử phải không?
Simenon: Vâng. Maigret không thể đi sâu vào nhân vật. Hắn có thể thấy giải thích và thấu hiểu; nhưng hắn không thể cho nhân vật sức nặng nhân vật phải có như trong những cuốn tiểu thuyết khác của tôi.
Người phỏng vấn: Bởi thế trong mười một ngày trong khi viết một cuốn Magret áp huyết của ông không thay đổi nhiều lắm phải không?
Simenon: Vâng. Rất ít.
Người phỏng vấn: Ông không xô đẩy nhà thám tử đến giới hạn cuối cùng của sức chịu đựng hắn.
Simenon: Đúng như thế. Bởi vậy tôi chỉ mệt mỏi một cách tự nhiên vì ngồi vào bàn đánh máy chữ quá lâu mà thôi. Nhưng ngược lại, không.
Người phỏng vấn: Nếu có thể, tôi xin phép được hỏi một câu hỏi nữa. Có bao giờ bài phê bình chung chung bất cứ cách nào đã khiến ông thay đổi lối viết một cách ý thức không? Theo những lời ông nói, tôi có thể nghĩ là không.
Simenon: Không bao giờ. (Ngừng lời và cúi xuống) tôi có một ý lực vô cùng, vô cùng mãnh liệt về sự sáng tác của tôi và tôi sẽ đi con đường của tôi. Chẳng hạn, trong hai mươi năm nay, tất cả những nhà phê bình đều nói cùng một điều giống nhau: “Đã đến lúc Simenon cho chúng ta một cuốn tiểu thuyết lớn, một cuốn tiểu thuyết với hai mươi hay ba mươi nhân vật.” Họ không hiểu. Tôi sẽ không bao giờ viết một cuốn tiểu thuyết lớn cả. Cuốn tiểu thuyết lớn của tôi là một bức khảm gồm tất cả những cuốn tiểu thuyết của tôi. (Ngẩng lên). Ông hiểu chứ?
Carvel Collins thực hiện
[1]Simenon, Avocat des hommes, Le livre contemporain
Nguồn: Quế Sơn Võ Tánh ấn hành lần thứ nhất 1971, Hồng Hà ấn hành lần thứ hai 1973 tại Sài Gòn.