Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Kỷ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Kỷ. Hiển thị tất cả bài đăng

27/11/08

Bùi Kỷ : Ngôn ngữ và văn chương Việt Nam

Bùi Kỷ
Ngôn ngữ và văn chương Việt Nam
(Kỉ niệm 120 năm sinh Bùi Kỷ 05.01.1888 - 05.01.2008)

Lời người sưu tầm

Vào dịp kỷ niệm 120 năm sinh Bùi Kỷ (1888-2008), định tìm một văn bản nào đó để hậu thế được dịp nghe lại lời văn một nhà nghiên cứu tiên khu về ngữ văn Việt Nam, nhưng trong sưu tập Thơ văn Bùi Kỷ do nhà nghiên cứu quá cố Nguyễn Văn Huyền thực hiện (Hà Nội, 1994: Nxb. KHXH) lại chỉ có một số thơ văn chứ hầu như không có bài nghiên cứu nào của cụ Ưu Thiên. Đang toan rút lấy một vài chương đoạn trong sách Quốc văn cụ thể của cụ thì chợt nhớ trên Phụ trương văn chương của nhật báo Trung lập ở Sài Gòn hồi 1931 có đăng nhiều kỳ một bài của Phó bảng Bùi Kỷ. Tôi trở lại tìm và lấy được bài đó, xin trân trọng dùng làm của tin của người xưa gửi lại cho người nay.

Xin nhắc lại rằng cụ Bùi Kỷ (1888-1960, tự Ưu Thiên, hiệu Tử Chương) xuất thân trong một gia đình Hán học, nhà ở Châu Cầu, Phủ Lý; cha là Tiến sĩ Bùi Thức (1859-1915); ông nội là Phó bảng Bùi Văn Quế (1837-1913); bản thân Bùi Kỷ đỗ Cử nhân 1909, đỗ Phó bảng 1910, khi mới 24 tuổi, được bổ làm Huấn đạo nhưng từ chối, lấy cớ ở nhà phụng dưỡng cha già, và tự tìm đọc “tân thư”, học chữ Quốc ngữ và Pháp văn. Năm 1912 Bùi Kỷ được nhà nước Bảo hộ đưa sang học trường thuộc địa ở Paris, ở đấy từng xúc tiếp với Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc; hai năm sau về nước không chịu ra làm quan, chỉ chuyên dạy học, viết sách. Cụ là một trong những người cộng tác tích cực với Trần Trọng Kim và một số học giả khác như Trần Văn Giáp, Phạm Duy Khiêm, Nguyễn Quang Oánh, v.v… trong việc soạn thảo các cuốn sách giáo khoa về tiếng Việt và văn chương Việt Nam dùng trong hệ thống nhà trường Pháp - Việt đương thời. Cụ là soạn giả đóng vai trò chủ yếu trong việc soạn thảo Việt Nam tự điển của hội Khai trí Tiến đức. Cụ là giảng viên người Việt đầu tiên về các môn Hán văn và Việt văn ở trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương mà học trò khoá đầu là những Dương Quảng Hàm, Đặng Thai Mai, v.v…; cụ cũng là đồng nghiệp hồi những năm 1930 của các nhà giáo ở trường tư thục Thăng Long (Hà Nội) như Võ Nguyên Giáp, Phan Thanh, Hoàng Minh Giám, v.v…

Trong hồi ức của nhiều học trò và đồng nghiệp, Bùi Kỷ thường được nhắc nhở như một nhà khoa bảng đỗ đạt cao nhưng khinh thường hoạn lộ, và khi nghiên cứu thường khảo thẳng vào để gắng đọc ra những đặc tính cần biết của đối tượng. Những nét của phương pháp Âu Tây đã hiện diện trong tư duy của nhà nghiên cứu trong khi cảm thức Á Đông vẫn hầu như còn nguyên trong tâm cảm nhà nho người Việt này. Đó có lẽ là những nét nên nhớ về một con người, một trí thức, đối với các thế hệ hậu thế, hơn là lặp lại những lời ca ngợi tuy to tát nhưng sáo rỗng.

Xin giới thiệu bài nghiên cứu này với bạn đọc.

Lại Nguyên Ân


*


… Mỗi một quốc âm là hồn của một dân tộc, từ tính tình, tư cách, tập tục, cho đến trình độ tiến hoá của một dân tộc, đều có thể xét ở quốc âm mà biết được. Cứ như ý riêng tôi nghĩ thì phàm thứ tiếng nào đã hay mà làm được văn chương, thì tiếng ấy không phải là tiếng tầm thường, phàm nước nào đã có tiếng làm được văn chương hay, thì nước ấy không phải là nước tầm thường (cái ý kiến này đã nói ở trong bài bia kỷ niệm cụ Tiên Điền).

Vậy nay ta thử xét kỹ xem, tiếng ta nên để vào hạng nào, có phải là hạng tầm thường không?

Tiếng ta thuộc về một loài tiếng đan âm. Chữ cổ thế nào, nay chưa xét ra hoặc không có, hoặc có mà chưa thành lập, rồi mất đi, đến nay không có bằng chứng rõ ràng để tra khảo, cho nên vẫn còn là một vấn đề khuyết nghi. Song cứ lấy ngay tiếng mà xét, thì thấy cái cách kết cấu và dung hợp thật là thần diệu và tinh vi. Tiếng có tiếng bằng tiếng trắc, bằng chia làm hai thanh, trắc chia làm bốn thanh. Trừ những tiếng nguyên là tiếng trắc thì chỉ có hai thanh, còn hết thảy tiếng bằng đều có đủ cả sáu thanh. Ví như “Việt Nam”, Việt nguyên là tiếng trắc, thì chỉ có hai thanh “viết” và “việt”; Nam là tiếng bằng thì có đủ cả sáu thanh: “nam”, “nàm”, “nám”, “nảm”, “nãm”, “nạm”. Vì tiếng có nhiều thanh thì mỗi một thanh có thể thành một nghĩa, thì gọi là tiếng đơn; khi nào phải dùng đến hai thanh mới thành một nghĩa, thì gọi là tiếng đôi và tiếng ghép.

Nay tôi xin kể qua mấy thứ tiếng làm thí dụ:

1. Hoán-âm là tiếng thuộc về tiếng đơn, vốn cùng gốc bởi một nghĩa, mà đọc làm thanh khác để đặt thêm một nghĩa, hoặc hơi khác nhau, hoặc khác nhau hẳn, như tiếng miệng với miếng, lững với lưng, ủng với ung, ứ với ừ.

2. Điệp-âm là thứ tiếng thuộc về tiếng đôi, một tiếng đọc lắp lại hai lần, làm cho kém nghĩa đi, như con con, to to, xanh xanh, vàng vàng… Trừ khi nào hai thanh trắc đi luôn với nhau, thì thanh đầu đọc làm bằng cho dễ đọc như đo đỏ, lơn lớn.

3. Hình-dung-âm là thứ tiếng thuộc về tiếng đôi; ta không có chữ, cho nên không có chữ tượng hình, hài thanh, hội ý như chữ Tàu, song nhờ có tiếng hình dung, dẫu cái gì khó mô tả đến đâu, cũng mô tả ra được, như đủng đỉnh, lững thững, thánh thót, lác đác, long đong, bông lông, nếu chia đôi hai thanh mà tìm nghĩa, thì chẳng có nghĩa gì, song hợp hai thanh lại mà đọc lên, tự khắc tưởng tượng ra hình như mắt đã trông thấy cái thái trạng gì, tai đã nghe thấy cái xoang điệu gì, hay trong ý đã hiểu thấu cái cảnh huống gì.

4. Chính-phụ-âm là thứ tiếng thuộc về tiếng đôi, tiếng trên có nghĩa gọi là chính, tiếng dưới không có nghĩa gọi là phụ, song tiếng chính nào có riêng tiếng phụ ấy, khi tiếng phụ đi với tiếng chính, lại làm cho rõ thêm nghĩa tiếng chính ra, như tiếng lẽo đi với lạnh, tiếng tênh đi với buồn, tiếng xoá đi với trắng, tiếng xì đi với đen.

5. Thấu-hợp-âm là thứ tiếng thuộc về tiếng ghép, nguyên hai tiếng vốn có nghĩa riêng, khi ghép vào làm một, lại thành ra một nghĩa khác, như bản lề, cửa võng, v.v…

6. Phân-loại-âm là thứ tiếng thuộc về tiếng đơn, nguyên là tiếng danh hô, rồi dùng làm tiếng phân loại. Tiếng ta không có chia giống đực giống cái, song nhờ có tiếng phân loại, dùng để đề chỉ cái gì cũng rõ. Tiếng con tiếng cái là tiếng phân loại chung, còn khi nào tiếng con tiếng cái không dùng được, thì hết thảy những tiếng danh hô đều dùng làm tiếng phân loại, ví như cuộc vui, đám hội, tiếng cuộc tiếng đám là tiếng phân loại, dùng theo nghĩa chính; quả núi, cây bông, cánh tay, tiếng quả, cây, cánh là tiếng phân loại, dùng theo nghĩa rộng hay nghĩa mượn. Còn như tiếng nào không thể phân loại được hay không cần phải phân loại như trời, đất, nước, lửa, bố, mẹ, anh, chị, không dùng đến tiếng phân loại bao giờ. Xem thế thì thấy cách dùng tuy giản dị song thật là tinh vi và hợp lý.


Tôi kể qua mấy thứ tiếng như trên này, không phải là định cắt nghĩa về mẹo luật tiếng ta, cốt là để bày tỏ cái hay của tiếng ta, tiếng chưa có chữ mà hay, thì cái hay cũng lạ lùng thật.

Tiếng ta nguyên có cái tư cách đủ thành lập làm một thứ tiếng của một nước, cho nên tuy không có chữ viết, tiếng ta vẫn thông dụng trong nước, không những thế, dẫu có cái thế lực của văn tự nước ngoài đưa đến, tiếng ta cũng không hề suy giảm đi chút nào.

Nước ta từ thời kỳ nội thuộc, chữ Tàu đã tràn sang ta, đến thời kỳ độc lập, trong nước dùng toàn chữ Tàu, thứ nhất tự nhà Trần trở về sau, Hán học cực thịnh, tiếng ta không những không thấy suy kém đi, mà lại càng giàu thêm mãi lên, - lấy bề ngoài mà xét thì cái thế lực chữ Tàu muốn thần phục cả tiếng ta, như tự Bắc Trung Hoa nuốt cả Nam Trung Hoa, song lấy bề trong mà xét thì chính là cái thế lực của tiếng ta đủ đối địch lại nổi chữ Tàu, lại thâu thái được hết thảy cái hay của Tàu làm cái hay của tiếng ta, cho nên chữ Tàu thịnh hành bao nhiêu thì cái kho tiếng ta sung túc bấy nhiêu.

Một thứ tiếng bỏ vơ bỏ vất trong hơn hai ngàn năm, học hiệu không giảng đến, khoa cử không dùng đến, vua quan ít khi công nhận đến, sĩ phu ít khi luyện tập đến, nằm ở dưới cái áp lực thật mạnh mẽ thật nặng nề của chữ Hán, là một thứ chữ cực tinh vi tường bị ở Á Đông, mà vẫn sinh tồn phồn tư được mãi mãi, lại càng ngày càng nở ra như hoa, thêu ra như gấm, thì thật quả không phải là một thứ tiếng tầm thường, mà cái hay cũng không phải là cái hay tầm thường.

Tiếng đã hay như thế cho nên không những chỉ dùng làm tiếng nói thông thường, mà khi dùng để tả cảnh vật hay cảm hoài hay thế thái nhân tình vẫn dồi dào mà không thiếu.

Xem ngay những ca dao ngạn ngữ từ xưa lưu truyền đến nay như những câu:

1. Ai làm lở biển rung ngàn
Cho ổ cá vỡ cho đàn chim bay?


2. Con sông nước chảy đôi dòng
Đèn khêu đôi ngọn em trông ngọn nào?


3. Ta về ta tắm ao ta
Dầu trong dầu đục vẫn là ao quen


4. Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.


Những câu này tuy ngắn ngủi mộc mạc mà thật là uyển chuyển du dương, đủ làm chứng rằng: tiếng ta tuy không có chữ viết, song đã đủ gây nên một áng văn chương ở cõi Giao Chỉ cửu quận rồi.


*

Ai cũng biết rằng nước ta tự xưa vẫn dùng chữ Hán làm thứ chữ công ở trong nước, song vì ở bên cạnh thứ văn viết bằng chữ Hán vẫn có một thứ văn, ngâm nga phúng vịnh bởi cái thiên lai tự nhiên lưu lộ ra bằng tiếng ta, tả rõ được cái thiên chân cực lan man, cái tư tưởng cực thuần phác, cái chí thú cực hoà nhã và thanh tao, thứ văn ấy là cái hồn thiêng liêng của cõi Cổ Việt, không tài nào tiêu ma mai một đi được, cho nên bên cạnh chữ Hán mới đặt ra chữ Nôm để biên chép những thứ văn viết bằng tiếng ta.

Các tiên nho truyền lại, cho chữ Nôm có từ đời Trần, cách đặt chữ theo y như phép lục thư của Tàu: tượng hình, hội ý, hài thanh, chỉ sự, chuyển chú, giả tá. Nay xét trong chữ Nôm có thể tìm ra được mấy phép như sau này:

1. Chữ phút (chữ Nôm): tượng hình

2. Chữ trời (chữ Nôm): hội ý

3. Chữ đất (chữ Nôm): giả tá

4. Chữ xanh (chữ Nôm), chữ đỏ (chữ Nôm): một nửa là hội ý, một nửa là hài thanh

5. Còn những chữ nào thêm dấu “nhấp nháy” ở bên cạnh là chuyển chú.

Xem thế thì so với phép lục thư của Tàu, chữ Nôm thiếu một phép chỉ sự. Cách đặt thật là cẩu giản, chưa lấy gì làm tường bị, song xem như quyển Kiều, ngoại ba ngàn câu dùng đến ngoại hai vạn tiếng, chữ Nôm cũng đủ để chép, trong ngần ấy tiếng, trừ những tiếng viết hẳn bằng chữ Hán, hay những chữ trùng nhau, còn đến mấy ngàn tiếng viết bằng chữ Nôm, thì chữ Nôm đặt cũng gần đủ rồi. Giá phỏng từ trước, ta công nhận ngay chữ Nôm làm thứ chữ công, nhân cái phương pháp sẵn mà chỉnh đốn tu bổ lại, thì chữ Nôm thật là một thứ chữ tiện lợi và thích hợp với tiếng ta, vì tiếng ta quá nửa gốc ở chữ Tàu, mà chữ Nôm lại là một thứ chữ mượn ở chữ Tàu, thì trong khi ta đọc, càng nhận được cái nguyên hình của nó, mà ta học cũng dễ.

Song tiếc thay! Tiếng ta, ta đã không nhìn nhận đến, chữ đặt ra, ta cũng không đoái hoài đến, như có nhà không giữ, phải đi ở nhờ, có ruộng không cày, phải đi làm mướn, để đến nỗi thứ chữ có thể dùng mà không thành lập được, thì ta còn đổ lỗi cho ai!

Nay nhờ có chữ Quốc ngữ dùng hai mươi ba chữ cái, đặt tiếng nguyên âm, tiếng phát âm, lại có năm dấu để đánh vần ra các tiếng, rất là giản dị và dễ học, ta có thể dùng làm một thứ chữ viết để thay vào chữ Nôm, song hiềm vì còn có vài điều hơi bất tiện cho ta:

1. Chữ Quốc ngữ chỉ nhờ ở phù hiệu để đánh vần chứ kỳ thật thì không có hình chữ, ta thử nói ngay tính danh của chúng ta như Trần-Chung, Nguyễn-Chính, Lê-Bảo, Phạm-Trân, mà một bên viết bằng chữ Quốc ngữ một bên viết bằng chữ ta, thì bên nào trông có ý nghĩa hơn?


2. Quốc ngữ chưa phân biệt được tiếng đồng âm, như năm là năm tháng, năm là năm sáu, minh là sáng, minh là tối, minh là thề, minh là kêu, minh là khắc, không tài nào viết cho khác nhau.


3. Chữ đánh dấu cả ở dưới ở trên, viết hay nhầm mà coi không đẹp. Theo thiển kiến của tôi thì chữ Quốc ngữ còn có mấy cái khuyết điểm như đã kể ở trên này, song ta cũng không lấy làm phàn nàn, vì không có cái gì mới sáng tạo ra mà đã mỹ mãn ngay, nếu ta lưu tâm dụng công mà tìm được những cách ổn thiện để sửa đổi lại, lo gì sau này chữ Quốc ngữ không phải là một thứ chữ cực hoàn toàn của nước ta.



*

Tiếng và chữ của ta tôi nói đại khái như thế tưởng cũng đủ rồi, nay tôi xin nói qua về các lối văn. Văn ta có hai nguồn gốc: một là bởi cái âm hưởng tự nhiên của chúng ta mà thành ra những thể tài riêng, gọi là Việt-Hán văn; hai là bắt chước lối văn của Tàu mà đặt bằng tiếng ta gọi là Việt văn. Vì có hai nguồn gốc ấy cho nên sinh ra nhiều lối văn, song tóm cả lại, có thể chia làm bốn lối:

1. Có vần mà không đối nhau, như lục bát (Việt văn), thơ cổ phong, từ khúc (Hán-Việt văn)


2. Có vần mà đối nhau, như song thất (Việt văn), thơ luật, phú (Hán-Việt văn)


3. Đối nhau mà không có vần, như tứ lục: hịch, trướng, chiếu, biểu cận thể (Hán-Việt văn)


Tôi xin bày tỏ mấy lẽ để xét thử hai cái nguồn gốc văn chương ấy thành ra bao nhiêu chi phái và cách liên lạc với nhau là thế nào.

Văn nước nào cũng phát nguyên trước tiên bằng văn vần. Văn ta phát nguyên lối lục bát, văn Tàu phát nguyên bằng lối thơ, hai lối đều là lối văn vần song đặt lục bát vần ở chữ thứ sáu và thứ tám; trong câu bát có hai vần: chữ thứ sáu dùng để nối vần với chữ thứ sáu câu trên, còn chữ thứ tám để khởi vần cho câu lục nối theo câu ấy, vì ở trong một câu bát, chữ thứ sáu và chữ thứ tám dùng để gieo hai vần bằng, cho nên hai chữ không được đi cùng một thanh, nghĩa là một tiếng đoản bình thanh (tiếng không có dấu huyền) đi với tiếng trung bình thanh (tiếng có dấu huyền). Còn lối thơ cổ thì gieo cả vần bằng và vần trắc mà vần ở cuối cùng câu. Nay thử lấy bốn câu lục bát:

Núi chìm hang nổi lần lần,
Trơ trơ trong cõi hồng trần một ta.
Năm năm xuân trẻ thu già,
Cây xanh mây trắng xa xa lại gần.

so với bốn câu thơ cổ phong:

Gió chiều lá lác đác,
Chim hôm bay xào xạc.
Gánh củi lững thững về,
Đường quen không sợ lạc.

thì thấy trong bốn câu lục bát: hai câu trên có hai vần, câu thứ hai, thứ ba, thứ tư ba vần; còn bài thơ thì bốn vần ở cuối cùng câu. Xem thế thì lối lục bát chỉ gieo được đến ba câu là cùng, còn lối thơ muốn gieo bao nhiêu vần cũng được.

Song thất khác với lục bát là gieo cả vần trắc: câu thất trên vần ở cuối cùng, câu thất dưới vần ở chữ thứ năm và thứ bảy, nếu câu thất trên, chữ cuối cùng là tiếng trắc thì câu thất dưới chữ thứ năm nối vần với tiếng trắc, mà chữ thứ bảy nhất định phải là tiếng bằng; nếu câu thất trên chữ cuối cùng là tiếng bằng thì câu thất dưới chữ thứ năm nối với vần bằng, mà chữ thứ bảy nhất định là tiếng trắc. Lối song thất lại còn một điều khác với lối lục bát, là hai câu có khi đặt đối nhau. Thí dụ mấy câu như sau này:

Lò dung chú không than vẫn cháy,
Khoá tuần hoàn chẳng máy mà xoay.
Dại làm sao dại ngáp mắc may,
Khôn như thế khôn hay gặp rủi

Xem như trong bốn câu thơ này thì thấy hai câu trên và hai câu dưới đối nhau, còn cách gieo vần thì cứ chữ thứ năm câu thất dưới nối với chữ cuối cùng câu trên, câu thứ nhất, thứ nhì có hai vần trắc; câu thứ nhì, thứ ba, thứ tư có ba vần bằng, gieo vần cũng chỉ được đến ba vần là cùng, như lối lục bát vậy. Song lối đối nhau và lối gieo vần ở chữ thứ năm, không phải là một luật bó buộc, xem như mấy câu này:

Mắt danh lợi thế thôi là thế,
Mặt trần ai ai đã biết ai

Gieo vần khác nhau. Lục bát chỉ dùng vần bằng. Câu lục vần ở cuối cùng. Câu:

Tội chi kệ nệ cái hình hài,
Đeo thêm nặng chữ tài cho mệt

Xét trong bốn câu này: hai câu trên đối nhau mà không có vần, hai câu dưới không đối nhau mà có vần, thì biết rằng lối đối nhau và lối gieo vần ở chữ thứ năm, không phải là một lệ nhất định.

Nói tóm lại, Việt văn chỉ có hai lối là lục bát và song thất rồi thành ra các biến thể, như hát xẩm là biến thể của lục bát, hát nói (ả đào) là biến thể của song thất; khi nào dung hợp cả hai lối như Tần cung oán, Chinh phụ ngâm thì gọi là song thất lục bát.

Còn lối văn Tàu thì phát nguyên từ cổ thi, rồi thêm lối Đường luật; phàm bao nhiêu từ khúc ca hành đều là biến thể của cổ thi cả; phú cũng là biến thể của thơ, phú lại biến ra tứ lục (biền ngẫu) cho đến kinh nghĩa, văn sách, đều gốc ở lối phú cả.

Trong thời kỳ ta học Hán tự, dùng hết thảy lối Hán văn, để dạy và thi học trò, lâu ngày thông dụng cả nước, các nhà văn sĩ bắt chước lối văn ấy, viết bằng tiếng ta mà thứ nhất là thơ, phú, tứ lục, thành hẳn như là lối văn của ta vậy. Nay xem như tập thơ Bạch Vân am, bài phú Tây hồ, bài văn Tế trận vong tướng sĩ, bài hịch dụ Bắc thành trung nghĩa của ông Lê Huy Đao, lối văn mượn của Tàu, văn viết bằng tiếng ta, mà đặc sắc, cái tuyệt diệu có thể bá trọng với văn Tàu, thật đủ làm vẻ vang cho cái giá trị của tiếng ta vậy.

Nay ta xét xem hai cái nguồn gốc văn chương tại làm sao mà có thể hoà hợp với nhau được.

1. Tiếng ta cùng tiếng Tàu đều thuộc về loài đơn âm, cho nên ta có thể thâu thái chữ Tàu làm văn liệu của ta.


2. Lối lục bát giống cổ thi của Tàu. Thí dụ:


Khối tình lăn lóc cổ câm
Cõi trần được một tri âm cũng nhiều
Vườn đào gió sớm mưa chiều
Lấy ai mà giải mọi điều não can?

Bốn câu này là bốn câu lục bát, song giá phỏng lấy nguyên câu thứ nhì, thứ ba, và câu thứ tư bỏ đi hai chữ cuối cùng, thì thấy có ba câu cổ thi hay là ba câu ca hành ở trong.

Cõi trần được một tri âm cũng nhiều
Vườn đào gió sớm mưa chiều
Lấy ai mà giải mọi điều

Lối song thất giống lối tứ lục. Thí dụ:

Bụi vơ vẩn, bóng câu vì vụt
Mây tần ngần trận nhạn loi thoi
Năm tháng ngày dừng lại mũi thoi
Sống lâu mãi mà coi cho thích

Bốn câu này tức là bốn câu song quan của lối tứ lục, chỉ khác nhau một chút, là lối song thất đặt nối vần.

Vì lối văn ta và văn Tàu có cái liên lạc với nhau như thế, tự nhiên có thể hoà hợp với nhau, mà không bao giờ mâu thuẫn, cho nên không những ta đã dùng được những chính thể ở trong lối văn Tàu, mà ta lại đặt ra được nhiều lối tạp thể, dùng lẫn cả lối văn Tàu ta vào trong một bài văn, như hát tỳ bà là bài thơ đi với một khúc song thất lục bát, hát thiên thai là bài thơ đi với bốn câu lục bát mà thứ nhất là lối hát chèo tuồng, là lối hợp dụng cả bốn lối văn như vừa kể trên kia.

Chèo tuồng là những lối văn có thể cảm động được nhân tâm, bổ ích cho phong hoá, chính là một vấn đề mà ngày nay ta cần phải kê cứu đến, tiếc thay tôi không phải là một nhà chuyên môn, chỉ biết được ngạnh khái mà thôi.

Bộ Vũ trung tuỳ bút chép rằng: đời Lý có bọn đạo sĩ nhà Tống sang ta, dạy lối phấn hý, tức là lối hát chèo; bộ Kiến văn tiểu lục lại chép rằng: đởi Trần lúc đánh Toa-Đô, bắt được bọn ưu nhân là Lý Nguyên Cát, đặt ra những lối truyện ký, như Tây vương mẫu hiến đào, v.v… tức là lối hát tuồng.

Lối chèo câu hát đặt như câu nói chuyện, thỉnh thoảng đặt chêm lẫn lối thơ, lối biền ngẫu (câu song quan), giọng hát có ví, than, ngâm, giọng phổ thông nhất là giọng đường trường, sa lệch, mà cái đặc sắc của chèo là những câu khôi hài. Lối tuồng câu hát đặt phần nhiều theo lối song thất hay biền ngẫu, thỉnh thoảng chêm lẫn lối lục bát, giọng hát có giáo đầu, xướng, vãn, loạn nam bắc, tẩu mã, v.v… Lối hát tự Trần về trước thất lạc không lưu truyền lại; đến đời Lê Hồng Đức, vua Thánh Tông sai các văn thần là Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh định lại các lối hát, chia làm hai bộ: Đồng văn và Nhã nhạc. Bộ Đồng văn chuyên về âm luật, bộ Nhã nhạc chuyên về bài hát, giọng hát, có đặt ra làm tám lối hát: hoang chung, cung nam, cung bắc cung, đại thực, dương kiều, âm kiều, hà nam, hà bắc, gọi là “bát đoan cẩm”. Hai bộ ấy dùng làm bộ hát của triều đình, còn ở dân gian thì đặt ra giáo phường để trông coi các lối hát cho có thể thống.

Đến cuối Lê, bộ Đồng văn và Nhã nhạc chẳng qua chỉ là chiếu lệ, kỳ thực nhạc chế và ca bản đã sai ngoa gần hết, còn chủ giáo phường chỉ trông coi về đào kép mà thôi; những lối bát đoan cẩm nào còn lại, lẫn vào với lối hát cửa đình, hát ả đào, song hoàng cung gọi sai làm cung huỳnh, đại thực làm đại thạch, dương kiều làm kiều dương, hà nam làm sà nam, ngay tên khúc hát đã nói sai, thì khúc bản chắc cũng mất mát gần hết. Ấy là lối hát chèo hát bội của ta đã suy ngay từ cuối đời Lê rồi.

Song xét trong những bản nảo [1] cũ, có nhiều câu đọc lên khoái trí lắm, thành ra một lối văn riêng, nay xin trích mấy câu:

1. Chèo Trương Viên (hề hát):

Phú tê tê, ông sao Hôm, phú lý chừng hồ mọc, ông sao Mai. Phú lý chừng hồ lặn, hỡi cô nhiễu chúa múa kia, đứng dậy mà về, kẻo sương pha lác đác, lác đác lạnh lùng.

2. Chèo Lưu Bình (hề nói):

Dạ lạy bác bác gọi tôi là thằng sơ,
Dạ lạy bác, sơ còn có tích,
Con nhớ ngày xưa con đi học, sách “Tam tự kinh”có câu “nhân chi sơ”
Đến sau con nên chín nên mười,
Làm thơ như đổ son vào,
Cũng có ông sơ ông phúc.
Trong Chu lễ cũng có sơ xuân, sơ hạ, sơ thu, sơ đông.
Bốn mùa ấy cũng phải lấy sơ làm thủ.
Vậy có thơ rằng:
Thiên thượng cửu trùng ban hạ chính
Nhân gian vạn lý phó xuân sơ.

3. Tuồng Sơn hậu (hồi bà Nguyệt Tam cung chị Tạ Thiên Lăng đi tu):

Một cây sinh năm bảy cành hoa,
Hưởng phú quý cũng là hậu quả.
Xin tuyệt nẻo sinh sinh hoá hoá,
Được khỏi vòng khứ khứ lai lai.

4. Tuồng Ngũ hổ quá quan (hồi Địch mẫu than con):

Gánh hào kiệt để trong vũ trụ,
Nợ anh hùng phụ với giang san,
Sinh con ra khám nám hơn vàng
(Ai ngờ con) làm cho mẹ luống bơ vơ đầu bạc.

5. Tuồng Tam nữ (hồi Phương Cơ qua sông):

Quân nói:
Bóng câu bay bổng qua sông
Hỏi thăm em đã có chồng hay chưa?
Có chồng năm ngoái năm xưa,
Năm nay chồng để như chưa có chồng

Phương Cơ nói:
Khen ai miệng mặt khéo chìu,
Cắt lìa trung nghĩa như mài lưỡi gươm.
Thương ai công nghiệp nửa chừng,
Cây rung khi gió lửa bừng khi mưa.
Thương ai ai đã bõ chưa?
Trăm năm đái lệ, một giờ tang thương.


Những câu này, tuy chỉ là một cánh ở trong cây bông hoa, một sợi ở trong cả tấm, song đọc lên hay nghe thấy, ta không nên vội chê cười bọn mặt mày lấc xấc như thù nho, áo mũ lăng nhăng như ưu mãnh mà bảo rằng không có cái đặc sắc văn chương.

Lối chèo tuồng cũ không phải là dở cả, song sở dĩ càng ngày càng suy đồi đi, là vì các văn gia không mấy khi lưu tâm đến, bản mới hiếm có bản hay, bản cũ ít có người sưu tập; hãy nói ngay như tấn tuồng “Bách bảo” là tấn tuồng rất có giá trị, mượn các vị thuốc để ví một cái cảnh triều đình, mới có năm sáu năm mươi nay mà đã tam sao thất bản, khó lòng tìm được cả nguyên văn, đủ biết ta tự xưa đối với nghề chèo tuồng vẫn hay giữ một cái thái độ lãnh đạm, mà lại có khi khinh rẻ, cho là những nghề hèn thấp, không thèm ngó nhìn đến.

Ít lâu nay, nhân có cái phong trào mới, cả nước cổ vũ về quốc văn, ta bắt đầu để ý đến nghề diễn hý. Lối chèo tuồng đã thấy sửa đổi ít nhiều, lại thêm một lối hát mới đặt bằng văn xuôi là kịch bản; xét chữ kịch không có nghĩa riêng, có thể dùng để gọi chung cả lối chèo lối tuồng, song công chúng đã công nhận cho chữ kịch có một nghĩa, khác với chèo tuồng, thì chữ kịch tự nhiên thành một nghĩa riêng, vậy lối kịch và lối chèo tuồng cộng cả lại, là trong hý viện của ta ngày nay có ba lối hát.

Theo về phương diện cải lương, thì lối kịch so với hai lối kia, có phần tiện lợi hơn: phần thì không phải hát hò hét, không có kèn trống om sòm, phần thì bày cảnh, chia tấn cũng dễ, làm cho công chúng hiểu ngay. Song theo về phương diện văn chương thì mỗi lối có một cái hay, có một cái khó, không nên thiên khinh thiên trọng lối nào.

Lối chèo thuộc về văn trào phúng, đặt câu cần phải thoát sáo mà có lý thú, hý hước mà không thô tục; lối tuồng thuộc về văn trang nhã, điển cố, chỗ nên tả ra cực hùng tráng, chỗ nên tả ra cực đường chánh, chỗ nên tả ra cực lâm ly, và lại đặt câu theo lối song thất hay lối tứ lục, thì cú pháp lại phải tề chỉnh lắm; lối kịch thuộc về văn trân tự cũng như đoản thiên tiểu thuyết cốt nhất ở cách phô diễn có từng thứ khúc triết lý và minh bạch, và mỗi một vai ra phải có một khẩu văn riêng, nghĩa là hạng người nào có giọng nói của hạng người ấy. Đại khái cái hay và cái khó của ba lối là thế.

Song lại còn một điều rất quan thiết mà các nhà làm văn cần phải cứu đến, là cách hoà hợp của âm và thanh. Âm là tiếng nói ở trong miệng ra, có thần âm, xỉ âm, thiệt âm, hầu âm, tỵ âm, ngạc thương âm; thanh là cùng một âm mà đọc ra giọng lên giọng xuống khác nhau. Tiếng ta trừ âm trắc chỉ có hai thanh, còn âm bằng thì có đủ sáu thanh như tôi đã nói ở trên. Song ta thường thấy có khi viết một câu văn mà đọc lên khó đọc, nghe ra khó nghe, là tại làm sao? Là có khi mấy âm đi với nhau không thuận, mấy thanh đi với nhau không kêu, thí dụ âm há to miệng đi luôn ngay với âm ngậm miệng như bá với bóp, chụp với cá; ba thanh trắc đồng thanh đi luôn với nhau, như cá-lá-sá, dục-lục-tục, thế là phạm vào luật khổ độc vậy.

Vậy cách hoà hợp của âm và thanh tuy thuộc về một phần hình chất, song có quan hệ đến xoang điệu tiết tấu ở trong bài văn, các văn gia không nên khinh thường mà không lý hội đến.

Mong rằng các nhà có nhiệt thành có hứng thú về quốc văn, nhân tiếng ta sẵn là một thứ tiếng hay, trước đã có cái nguồn gốc cũ là Hán văn, nay lại thêm cái nguồn gốc mới là Âu văn, mà kê cứu một ngày một thâm, luyện tập một ngày một tinh, để cho những cuốn kiệt tác thuộc về cả lối văn một ngày một phát hiện ra nhiều, thì vẻ vang cho tiếng ta biết là chừng nào, cho nước ta biết là chừng nào!


[1]nảo (hay não?) có nghĩa là bản nháp, bản thảo (viết tay). Từ này không thấy có trong các từ điển từ Việt cổ. Ở đây căn cứ vào một số bài trên báo Trung lập ở Sài Gòn, chẳng hạn Bùi Thế Mỹ ở Phụ trương văn chương số 23 (Trung lập, 3/10/1931) có bài nhan đề: “Làm văn có nảo không?”, trong đó tác giả nói rõ nghĩa của “nảo” là “bổn nháp, bổn thảo”… “theo tiếng Sài Gòn, tôi để nảo (brouillon)” (LNA)
Nguồn: Trung lập, Sài Gòn, số 6469 (Phụ trương văn chương số 8, thứ bảy 20 Juin 1931); số 6475 (PTVC số 9, thứ bảy 27 Juin 1931); số 6481 (PTVC số 10, thứ bảy 4 Juillet 1931); số 6487 (PTVC số 11, thứ bảy 11 Juillet 1931); số 6497 (PTVC số 13, thứ bảy 25 Juillet 1931)