Hiển thị các bài đăng có nhãn Đỗ Long Vân - Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương (3). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đỗ Long Vân - Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương (3). Hiển thị tất cả bài đăng

14/7/10

Đỗ Long Vân - Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương (3)

Đỗ Long Vân
Nguồn nước ẩn của Hồ Xuân Hương

7.

Thế giới tuy nhiên vẫn cám dỗ. Cảnh trông như vẫn ưa người. Nhưng giờ tiếng gọi của cảnh chỉ làm cho Hồ Xuân Hương ngạc nhiên và nghi ngại:

Xanh om cổ thụ tròn xoe tán
Trắng xoa tràng giang phẳng lặng tờ.

Sự sặc sỡ ấy có thể mua được lòng người khác. Nhưng trong thơ nàng thì sặc sỡ cũng có nghĩa là điêu. Và nhất là những mầu xanh và trắng ấy thì ai cũng biết rằng, trong những câu:

Có phải duyên nhau thì thắm lại
Đừng xanh như lá, bạc như vôi

nàng đã mượn chúng để tả sự thờ ơ. Ở đây chúng không có nghĩa gì khác. Và cái hình tròn xoe tán ấy cũng thế. Như mặt nước phẳng lặng tờ, nó là một trừu tượng kỷ hà và vừa tô điểm cho cảnh nó vừa làm chứng rằng cảnh đã chết. Ấy là một cảnh sơn và vẽ như của sân khấu. Người ta đã kẻ, đã gọt, đã tô mầu cảnh theo thước thợ. Sự vui mắt của nó là của những sảo, thể. Cho nên cảnh vui mắt ấy cũng là một cảnh tiêu sơ. Như trong sự sặc sỡ của nó, Hồ Xuân Hương thấy một cái nghèo căn bản. Thì làm sao nàng có thể để nó cám dỗ?

Ô hay! Cảnh cũng ưa người nhỉ?
Thấy cảnh ai mà chẳng ngẩn ngơ.

Cảnh ưa người. Sự mới lạ sao! Tất cả kinh nghiệm của nàng cho Hồ Xuân Hương biết rằng ấy là một sự không thể có thực. Nàng ngạc nhiên. Vừa tỏ tý ngạc nhiên tán thán tự của nàng vừa sốt ruột xua đuổi một mối tình lường đảo. Và thế là đoạn tuyệt giữa cảnh và người. Lẽ dĩ nhiên ngườI ta không thể không thấy mất, thấy tiếc, thấy ngẩn ngơ. Ngẩn ngơ là cái sầu của một người ngay trong sự ưa người của cảnh đã cảm là có thiếu một cái gì. Nhưng ngay cái sầu ấy người ta biết rằng Hồ Xuân Hương cũng từ chối là điêu trác. Kiêu ngạo cuối cùng của con người ấy là không có ngay đến sự an ủi của một lời than thở nhịp nhàng! Nàng đã thật hết chỗ tựa. Nhưng tình cảnh ấy nàng nhận. Nàng nhận tuyệt vọng. Thì tiếng cười nhạo báng nàng cũng không cần đến nữa. Còn gì để nhạo nữa đâu! Lần đầu tiên trong Hồ Xuân Hương cảnh hết sai lệch để có cái tĩnh của kỷ hà [1] . Ấy là sự bắt đầu của thản nhiên. Hy vọng đã hết và tất cả những ảo tưởng đã bị tố giác. Trơ ra là một mặt đất cằn.

Thì nước có thể chảy. Ấy chỉ là một dòng tăn teo như sắp cạn. Mà nó cũng không nói gì cho Hồ Xuân Hương nữa. Nó đã hết nhiệm mầu. Cho nên giếng tuy đầy mà cỏ vẫn đìu hiu. Như nước không còn là nước sống. Có nước thì có nhưng cảnh vẫn hắt heo. Một con đường thiên thẹo, một nhịp cầu tre khẳng, một quán tranh xơ xác và thế giới chẳng khác gì một cỗ xương khô. Ấy là thế giới của một người đã từ chối tất cả những cám dỗ ngoài mặt của thế giới để, không chờ gì ở thế giới nữa, nhận sống đến cùng cái nghèo căn bản của thế giới. Và thế giới để người ta đứng tréo như sắp đổ giữa một con đường cằn và sai lệch, cheo leo trên một cái vực tuyệt vời. Không còn gì cho người ta nữa! Không còn gì ngoài cái vực ấy, không còn gì ngoài một miếng đất trơ xương và, ở giữa, ba ngạc thế cây hình uốn éo, như một lời mai mỉa cuối cùng. Như một dòng nước hoá đá. Tất cả đều nhắc người ta rằng, người ta đang ở trong xứ của cái chết và tất cả trên thế giới vô phúc này, đều dẫn đến chân không. Nhưng khi đã thắng những thương tiếc hão, người ta nhận cái chân không của tất cả, thì ngần ấy lý do để người ta tuyệt vọng cũng là ngần ấy cớ để người ta vui. Và người ta có thể thành thực ca rằng thú vui quên cả niềm lo cũ… Quên thì quên! Quên sao được sự quên ấy. Và nếu cái vui của Hồ Xuân Hương giờ không còn là cái vui giả tạo của nhạo báng thì nó cũng không là cái vui của con người tự nhiên. Ấy là cái vui cằn của tuyệt vong. Một cái vui cướp lại trên nghìn nỗi lo xưa. Như của những người khổ tu thuở trước chọn sa mạc để sống, lấy sọ người làm bát ăn và, đập xương khô gõ nhịp, mặc cái điều ai nó lộn lèo. Khác là họ đã ngoảnh mặt đi trước những cái thú của đời, mà họ cho là ảo tưởng, để chuộc lấy một thiên đường sau cái chết… Và hy vọng ấy làm sa mạc của họ lên hoa. Nhưng Hồ Xuân Hương không tin là có một đời sau. Nàng chỉ có cái đời này và, trong đời này, nàng chỉ thấy sa mạc, thì cái vui của nàng, dựng trên tuyệt vọng và sa mạc của đời, cũng đắng mùi vô đạo. Nó giống sự thản nhiên, ngoài cửa Lục của núi Thầy Tiêu:

Đồn rằng núi Lục có Thầy Tiêu
Ngồi nhịn đêm thanh lắng muỗi kêu
Cửa trống phó cho thằng nhện đóng
Đèn tàn để mặc cái dơi kêu.

Ấy là cảnh của một người hoá đá. Như cứ nhìn mãi một mặt đá vô tình, người ta cũng thấy mình thong thả trở thành đá theo. Và còn lại trên núi Thầy Tiêu một cảnh đá không có người. Có ai để nhìn nó nữa đâu? Người ta đồn rằng nó có như nó thuộc một thế giới nào khác. Như những người ở một thế giới khác, một ngày nào, sẽ đồn rằng có một thế giới xưa của người. Con người chỉ là một sự thoáng qua. Mà nước mà non thì không có tuổi. Núi Thầy Tiêu, trong cảnh hoang của nó, là một tiền ảnh của thế giới, khi ngọn đèn cuối cùng chợt tắt, thế giới lại được trả cho đêm của thời gian và tiếng bể hát muôn đời. Ai khi ấy còn nhớ là con người đã có?

Như thế có phải là tiếng chót của kinh nghiệm Hồ Xuân Hương? Ngoảnh lại con đường đã qua thì theo nàng người ta đã từ một nguyện vọng đã cực lạc đến sự chấp thuận của cuộc sống trụi và nghèo, từ những vật ở trong sung mãn đến những cảnh gầy trơ xương, từ cái vui của một hy vọng giầu đến cái vui cằn của tuyệt vọng. Thơ nàng bắt đầu trong trực giác rằng lòng thế giới giữ một nguồn nước ẩn. Và nàng gọi người ta giải phóng cái nguồn ấy để sống có thể là sống thực trong chan hoà. Nhưng bạo động đổi sự giải phóng ấy ra một cuộc chinh phục. Và đáng lẽ chan hoà nó lại càng tăng ly gián. Nó ép lòng thế giới xuất hiện. Nhưng xuất hiện trong ly gián là để người ta sờ, người ta mó, người ta nhòm. Thì sự xuất hiện ấy chỉ là một sa đoạ. Và cái nhòm soi móc, cưỡng bách, xâm đoạt của người ta, đáng lẽ cho người ta lòng thế giới, lại làm thế giới trở lên sặc sỡ, nham nhở và khôi hài. Như người ta muốn cướp lòng thế giới thì thế giới nhăn mặt lại và tự bôi hề để nhạo lại người ta. Hẳn lỗi không ở thế giới. Mà cũng không phải thế giới muốn cho người ta một bài học lễ độ. Nhưng lòng thế giới đã hoá ra ngoại thể. Và cái gì còn lại của thế giới là những cảnh đá tạc. Ấy là những cảnh đã chết cứng của một thế giới đã hết nguồn. Nhưng sự cứng lại của cảnh còn là của một tình trạng nữa. Là sự đối nghịch nhau giữa cảnh và người mà, trong bạo động, người ta đã tự cấu tạo. Hay nói một cách khác thì chọn bạo động để mở lòng của cảnh người ta cũng đã chọn làm cho cảnh mất lòng. Vừa làm cho lòng của cảnh sa đoạ, bạo động vừa làm cho cảnh hoá đá! Và tất cả xảy ra như thất bại của Hồ Xuân Hương đã nằm sẵn trong cơ cấu của bạo động. Như vừa tấn công thế giới vừa làm thế giới cứng lại bạo động chỉ là thể gay nhất của một mâu thuẫn sẵn có trong nguyện vọng cực lạc của nàng. Là nàng muốn giữ nguyên sự kín đáo ngay trong cảnh chan hoà. Cho đến nỗi vừa muốn chan hoà vừa muốn giữ nguyên sự kín đáo. Hồ Xuân Hương, đã vào tới mênh mông lại còn e mình thất lạc, như nàng quên rằng để biết cái mênh mông của lòng thế giới người ta phải biết quên mình, ở giữa lòng thế giới, lại thấy mình ở ngoài thế giới, giữa đêm và những mặt đá sỗ sàng. Nhưng sự sỗ sàng ấy người ta biết cũng của một tâm hồn e lệ. Con người đa tình ấy coi rẻ những thổ lộ của lòng. Lời than thở của nàng là một lời riễu cợt. Và ái ân là một cách để nàng thực hiện tự do. Như cái bánh trôi bẩy nổi ba chìm với nước non mà tấm lòng son vẫn giữ. Hạnh phúc của nó là thực hiện được cùng một lúc, một cặp yêu sách ngược lại nhau, trong sự giải quyết của cái mâu thuẫn giữa chúng. Một mâu thuẫn người ta thấy, trái lại, ngưng đọng suốt kinh nghiệm Hồ Xuân Hương. Khi thế giới đầy thì lòng nó kín, khi lòng nó xuất hiện thì nó nghèo đi và nham nhở, khi nó gọi người ta dùng dằng, khi người ta xông đến thì nó hoá đá và người ta hiểu tại sao trước sự mở lòng của đá Hồ Xuân Hương chỉ thấy một sự hớ hênh. Sự hớ hênh ấy cũng như những vật úp mở, những đồ lai căng, những cử chỉ nửa chừng, những chữ nửa thanh nửa tục và rêu và liễu và cỏ và sự đối nhau giữa thông và liễu nữa là ngần ấy thể của cái mâu thuẫn căn bản trong thế giới Hồ Xuân Hương giữa một giấc mộng nước và sức kết tinh mà sự hoá đá chỉ là một nghịch hoạ [2] . Cũng như của mâu thuẫn ấy, sự xung đột trong bạo động, giữa Hồ Xuân Hương và thế giới, là giai đoạn gay nhất.

Những sự xung đột ấy lẽ dĩ nhiên cũng không thể đi tới cùng. Chẳng hạn tới chỗ xung đột có thể làm nổ tung lên tất cả. Nổ làm sao được? Khi vừa phá cảnh bạo động vừa làm cảnh cứng lại. Mà cảnh đã cứng thì cái khuôn nghiêm khắc của Đường luật lại làm cảnh cứng hơn nữa. Hoá ra phá cảnh Hồ Xuân Hương phá cảnh trong luật. Luật bị xô lệch. Nhưng sự phá cảnh theo luật ấy, người ta biết, cũng không phá gì hơn một nghịch hoạ. Nó chỉ làm chứng cho cái tài của Hồ Xuân Hương. Ấy là cái tài làm méo những bề mặt. Và người ta vẫn không thoát khỏi cái mặt ngoài của thế giới. Thì lòng thế giới có cũng như không. Hay nói đúng hơn thì người ta có thể nhắc lại rằng không thể để lòng thế giới ẩn mà cũng không thể làm nó xuất hiện mà không làm nó sa đoạ. Hồ Xuân Hương chỉ còn một cách là làm như nó không của nàng đổi ra một tài nhạo báng, nàng có thể nhạo, rằng thế giới không có lòng. Như thế thì tất cả những trật tự của thế giới đều không có căn bản như nhau. Thì phá những trật tự làm gì? Những con người của trật tự quý cái tài nhạo báng của Hồ Xuân Hương cũng phải. Cái tài ấy là một thể của thất bại. Nó từ chối và lên án tất cả những tác động của người ta để làm một thế giới thực hơn. Và qua cái tài ấy thì cuộc xung đột giữa Hồ Xuân Hương và thế giới, chưa bắt đầu, người ta đã biết là một cuộc xung đột vờ. Một đằng thì nó làm thế giới cứng lại để chỉ cho người ta chân không của những thể và một đằng thì tất cả những thể của thế giới người ta đều làm sái để nhạo rằng thế giới chỉ có những thể là chân không. Ấy là những thể của một cuộc xung đột trong ấy những địch thủ xô xát nhau thì không những tìm hết cách để ghẹo nhau. Và tất cả thơ Hồ Xuân Hương chạy trong một tiếng cười. Nàng cười tất cả là chân không. Nhưng cười như thế có khác gì những người trí thức không đủ sức sống đến cùng tư tưởng của mình, nửa đường lại tháo lui, trở mặt cười tất cả những tư tưởng là hão? Và như thế thì tiếng cười của Hồ Xuân Hương một đằng có thể gọi là sáng suốt thì một đằng khác cũng gọi là một tiếng cười nguỵ tín. Nhưng còn cười, còn nhạo, còn riễu thì vẫn còn tha thiết những gì mình riễu, mình nhạo, mình cười. Xung đột còn tiếp tục.

Cho đến khi, người ta không tha thiết gì nữa, sự xung đột chỉ còn là một sự thờ ơ, cho đến khi sự tương nghịch nó gây nên trong những thể chỉ còn là sự nhỡ nhàng của một thế giới rỗng, cho đến khi tuyệt vọng ở thế giới, người ta nhận sống rỗng và ly gián, không chờ cũng không nhạo gì nữa, để trong sự thản nhiên của người ta trước tất cả, người ta trả lại tất cả sự thản nhiên của nó cho thế giới. Thì:

Bên trời phấp phới sương gieo lá
Sườn bể quanh co sóng vỗ đều

Tất cả những ngọn đền đã tắt. Và bắt đầu cái đêm thứ nhất của thế giới Hồ Xuân Hương. Không phải cái đêm tối om om trong lòng đá, không phải cái đêm trắng mắt, nghe tiếng gào eo óc, oán hận trông ra khắp mọi chòm, nhưng cái đêm lành của thế giới lần đầu tiên không có người. Thế giới hết méo mó. Sự thản nhiên của nó giờ giống một sự dịu dàng. Tất cả lại trở nên thuần và dễ dãi. Và sườn núi quanh co ấy cũng nhịp nhàng như tiếng sóng vỗ. Như trên cảnh chợ Trời ngày và đêm vẫn chuyển đều:

Buổi sớm gió đưa, trưa nắng đứng…
Ban chiều mây họp, tối trăng chơi.

Sự tương hoà lại có mặt trên thế giới. Hơn thế nữa, bầy hàng hoa quả tứ mùa sẵn, thế giới lại rồi rào. Như khi người ta không chờ gì ở thế giới nữa thì lòng thế giới lại mở. Người ta làm như người người ta không có mặt nữa trên đời. Thì sự vắng mặt ấy lại là nơi thế giới tụ hội, thế giới lại đầy và tất cả những gì xảy ra, xưa như ghẹo người ta, lại xảy ra nhịp nhàng. Hoá ra khi người ta từ bỏ cuộc đời thì cuộc đời lại đến. Như chọn sự thản nhiên của đá người ta cũng biến đá của thế giới ra cho người ta và thế giới thuận nhau. Mà thật thế. Thản nhiên là để mặt cho thế giới lôi đi. Lôi đi vào đêm, lôi đi vào cái chết, lôi đi vào đâu thì Hồ Xuân Hương cũng thuận. Nàng có thể thuận tất cả tại, không chờ gì ở thế giới nữa, nàng như một kẻ đã chết rồi. Sự tuyệt vọng ấy, nói cho cùng, có khác gì tình yêu? Qua nó thế giới có nghèo đến mấy cũng là một thế giới thuần nhất, đại lượng, rồi rào. Và ái ân giữa thế giới và người ta lại bắt đầu. Hoá ra cái tình của thế giới, người ta không đoạt nổi, lại đến cho sự vô tình của người ta. Như có để thế giới giữ tấm lòng son của nó thì lòng thế giới mới rào rạt. Hay nói đúng hơn thì lòng thế giới có thực không người ta cũng không biết. Người ta đã trả cho thế giới sự kín đáo của nó và nhận sống ở ngoài, thì tất cả xảy ra như ở ngoài thế giới người ta ở giữa lòng thế giới; người ta vẫn là người ta; thế giới vẫn là thế giới; nhưng người ta không có, thì êm ái, lâng lâng theo một nhịp tang thương, sự kín đáo tuyệt đối ấy cũng là sự tuyệt đối chan hoà và, như thi sĩ nói:

Nào nào cực lạc là đâu tá,
Cực lạc là đây chín rõ mười.


9.

Lẽ dĩ nhiên rất có thể tôi lầm. Về Hồ Xuân Hương người ta có biết gì đâu mà có thể kết luận một cách chắc chắn. Những yếu tố càng ít thì vị trí và nghĩa của mỗi yếu tố càng khó định và sự tổ hợp của chúng càng có thể có nhiều kiểu khác nhau. Cho nên những trang này không có giá trị gì hơn là một giả thuyết. Coi chúng là một bài phê bình thì quá. Phê bình thực là giảng văn. Nhưng trước khi giảng, trước khi tìm những lý do của tác phẩm trong tiểu sử của tác giả và, qua tiểu sử ấy, trong những hoàn cảnh cụ thể (sinh lý, văn học, chính trị, xã hội, kinh tế) tác giả đã sống để, trong tác phẩm, trả lời, giải quyết, vượt qua, thì người ta phải biết cái tác phẩm người ta định giảng nó thế nào, nghĩa là, theo một giả thuyết mới của phê bình, trước hết “phải trả cho tác phẩm sự mạch lạc của nó”. Lẽ dĩ nhiên sự mạch lạc ấy không của một hệ thống tư tưởng như cái danh từ sai lạc là “phê bình triết lý” làm nhiều người tưởng lầm, nhưng của một thế giới riêng với những chất, những thể, những đồ đạc, những vật, những nhân vật đặc biệt của nó mà – mà qua tác phẩm, tác giả đã dàn cảnh cho mình theo những nguyên liệu của đời cho và dự ý của mình. Cho nên công việc không phải là tóm tắt tác phẩm trong một số ý niệm sẵn có như lãng mạn, khắc kỷ, duy vật, hưởng lạc v.v… nhưng là định những tương quan đặc biệt giữa những nguyên liệu cụ thể tác giả đã lấy để dàn cảnh cái thế giới của mình, nghĩa là đổi sự tương cận giữa những yếu tố cấu tạo thế giới ấy ra một sự tương kết. Tìm lối tương kết nhau của những yếu tố ấy – và tư tưởng của tác giả, nếu có, cũng chỉ là một trong những yếu tố khác – là việc của người muốn đọc đến cùng. Và về Hồ Xuân Hương tôi cũng không có tham vọng gì hơn là đề nghị một cách đọc. Hay để dùng một danh từ khó nghe, người ta có thể gọi thế là giải văn. Giải là mở, là gỡ, là tháo. Người ta mở tác phẩm ra để định xem những yếu tố nào đã cấu tạo nó. Những yếu tố được dùng nhiều nhất là những yếu tố chính. Ấy là những thường tố của tác phẩm. Và công việc là lấy những thường tố ấy, tìm chỗ ăn khớp với nhau giữa chúng và xếp chúng lại. Xếp chúng lại rồi, nghĩa là sau khi đã duy nhất chúng, người ta có cái người ta gọi là cơ cấu của tác phẩm.

Sự định cơ cấu ấy, như trên đã nói, chỉ là một giai đoạn của phê bình. Nó ở giữa việc định bản (établissement des textes) và giảng văn. Cái hay của nó là bắt người ta trở lại tác phẩm, tra vấn tác phẩm đến cùng, tìm nghĩa của tác phẩm ngay trong chính tác phẩm. Ở đây không phải chỗ để trình bầy tại sao, sau những thất bại, những giả thuyết, những khám phá nào, sự định cơ cấu đã trở nên cái phần cám dỗ nhất của phê bình. Quan trọng là người ta đừng quên rằng định xong cơ cấu của một tác phẩm, người ta vẫn chưa giảng được gì. Tác phẩm chỉ là một phần của cái đời người đã sản xuất nó. Và cái nghĩa sống, cái nghĩa thực, cái nghĩa cuối cùng của nó, người ta chỉ có thể biết khi đã đặt nó trong thống bộ của đời người ấy nghĩa là khi người ta đã biết nó trả lời, giải quyết, vượt qua những hoàn cảnh cụ thể nào. Cho nên cái nghĩa của tác phẩm người ta đọc qua cơ cấu của nó như mối duy nhất cơ cấu ấy chỉ là cái nghĩa thứ nhất của tác phẩm. Tỷ dụ tôi đã xếp cơ cấu thơ Hồ Xuân Hương quanh trực giác của một nguồn nước ẩn. Và trong trực giác ấy tôi lại thấy một mâu thuẫn, nguyên uỷ giữa một dự ước chan hoà và một dự ước khác nữa là giữ nguyên sự kín đáo. Ấy là hai mặt của một dự ước cực lạc. Và thực hiện cảnh cực lạc ấy là dự ước nguyên uỷ của nàng. Nhưng sao nàng lại quan niệm cực lạc như thế là một chuyện khác. Xưa người ta lấy cái người gọi là cá tính của tác giả để giải thích tác phẩm. Giờ thì người ta bảo rằng tác giả có một dự ước nguyên uỷ. Nhưng thế chẳng giải thích gì hơn và người ta quên rằng dự ước nguyên uỷ, những mâu thuẫn cũng như những biến thể của nó chỉ có thể hiểu qua cái thực tại đã cho phép nó có và vừa diễn tả nó vừa vượt qua. Tác phẩm không tự nhiên thành trong đầu tác giả. Nó thực hiện một kinh nghiệm sống. Và như tất cả những kinh nghiệm, cơ cấu của nó là nơi của một cuộc tương biến giữa ngoại lực và tự do. Cho nên giảng một tác phẩm không phải là quy nó ra một phản ảnh của cái thực tại trong ấy nó ra đời mà cũng không phải là để kết luận rằng nó thế nào là tại tác giả nhất nhất muốn nó thế. Khoa học chỉ bắt đầu khi trong những thành công cũng như những thất bại của một kinh nghiệm sáng tác người ta biết đâu là phần của người và đâu là phần của ngoại lực. Và như thế thì định cơ cấu một tác phẩm, theo một danh từ mới, mới là một “tiền phê bình” [3] .

Chữ cơ cấu thường có một nghĩa tĩnh. Nó cho người ta cảm tưởng rằng tác phẩm chỉ là sự thực hiện trong thời gian của một dự ước lúc nào cũng là một. Hắn cũng có những tác phẩm như thế và những tác giả mà sự nghiệp không ngừng đào sâu, mở rộng, làm giầu thêm một thế giới mà cơ cấu như đã định sẵn ngay từ đầu. Nhưng thường thì người ta đổi cũng như tất cả đều đổi quanh người ta. Và những sự chuyển hướng ấy, nếu người ta chỉ có thể hiểu chúng từ cái dự ước nguyên uỷ mà chúng là những biến thể, thì chúng cũng đổi cái thế giới của tác giả và đôi khi đảo lộn nó trong căn bản. Nghĩa là cơ cấu của thế giới ấy là một cơ cấu động, và xếp lại một tác phẩm không chỉ là xếp trên một mặt phẳng mà còn là xếp theo một trục thời gian nữa.

Ấy là điều tôi đã làm với Hồ Xuân Hương. Nhưng niên lịch của tác phẩm nàng ai biết? Người ta có thể xếp lại cái thứ tự tôi đề nghị. Nhưng ngay cái trật tự ấy, người ta cũng không thể hiểu nó một cách chặt chẽ như tôi đã trình bầy. Ai cũng biết rằng trong thực tế, từ giai đoạn này đến giai đoạn khác của một kinh nghiệm, không bao giờ có những giới hạn rõ rệt. Ở giai đoạn sau có thể còn sót lại những đề tài của giai đoạn trước. Và ở giai đoạn trước có thể đã bắt đầu những kinh nghiệm sửa soạn những giai đoạn sau. Cũng như có khi những gì, để tiện việc trình bầy, người ta xếp như là nối tiếp theo nhau, lại xảy ra cùng một lúc. Nhưng dù sao thì cách xếp giai đoạn của tôi, như đã nói, không là cách độc nhất có thể có. Chẳng hạn có thể coi cảnh cực lạc trong Hồ Xuân Hương như một đặc ân của tuổi trẻ và, sau đó, thơ nàng chuyển theo trục của một sự cạn dần. Hay bắt đầu trong một thế giới cạn, Hồ Xuân Hương đã cá ước ở một nguồn nước ẩn để, trong bạo động, giải phóng cái nguồn ấy và trả lại sung mãn cho cuộc đời. Thế nghe cũng xuôi tai. Nhưng để chứng minh được thì có lẽ khó. Ai tuy nhiên dám nói trước là không thể chứng mình? Và có lẽ giả thuyết ấy cho Hồ Xuân Hương một bộ mặt cám dỗ và giống thời đại này, thời đại, như một thi sĩ nói, của:

Người nữ sinh viên già
Ôm ngư lôi và phóng pháo

hơn là một sự thản nhiên thực ra chỉ là một sự phục tòng. Thì dù phục tòng ấy là của một người đã đổi mình và cái chết làm một người cũng không thể chối rằng chết như thế dễ hơn là sống. Nhưng tôi đọc Hồ Xuân Hương đâu có để tô điểm hay xử án nàng? Xếp lại thơ nàng tôi chỉ xếp theo cái kiểu tôi cho là dễ và dễ hiểu nhất. Nhưng tìm hiểu một người làm thơ cũng là tìm những lý do của một tình yêu. Mà có lẽ người ta chỉ có cái tình yêu người ta có. Cho nên tuy có tất cả những lý do để chọn giữa nhiều giả thuyết cái giả thuyết tôi đã chọn, tôi cũng không có ảo tưởng rằng tất cả những gì tôi viết về Hồ Xuân Hương là đúng. Thừa can đảm thì có lẽ tôi đã viết lại. Nhưng lễ độ của người viết là không bao giờ muốn có lý đến cùng. Muốn có lý thì người ta dùng súng! Mà viết có nghĩa gì đâu? Là mượn một lời nói khó nghe để người ta giận mà đi tìm cái biết thực. Nếu cái biết thực lẽ dĩ nhiên còn có nghĩa gì trong một thế giới của bạo động, của oán thù, của đói và rét và có nghìn đao phủ thủ sẵn sàng biết trước hộ người ta.


10.

Mà về Hồ Xuân Hương có thể có cái biết thực nàng không? Những tác phẩm gán cho nàng người ta không chắc là của nàng. Và có người còn ngỡ là nàng không có thực. Nhưng Hồ Xuân Hương không có thì cũng có một truyền thuyết Hồ Xuân Hương…

Chẳng hạn người ta bảo Hồ Xuân Hương lãng mạn. Thì cũng không hẳn là sai. Sai là khi người ta tưởng lãng mạn là làm thơ tự tình, có một ngôn ngữ và một quan niệm sống phóng túng. Không. Xu hướng lãng mạn của Hồ Xuân Hương bắt đầu trong ý thức rằng có một sự sai lệch giữa cái biết thường của người ta và thực tính của mọi vật. Nhưng thực tính ấy thế nào thì nàng cũng không biết. Sao người ta có thể bảo là nàng tả chân? Nàng đâu có tả. Mà có tả thì cũng để người ta thấy trong cái người ta gọi là “chân” cái chân không và sự sai lệch của nó. Ngôn ngữ nàng là một ngôn ngữ phản tả chân, nghệ thuật chủ ngoại của nàng là một nghệ thuật tố ngoại, và thơ nàng thường là những nghịch hoạ để nhạo đời. Nàng nhạo vua, nhạo chúa, nhạo ông quan võ, nhạo người quân tử và gì nữa? Tôn giáo, lễ nghi và cả đến cái chết nàng cũng không chừa. Tất cả những gì xã hội cho là thiêng và trọng nàng đều lấy ra để cười. Và có người đã vội kêu rằng nàng làm thơ cách mạng. Nếu thế thì thượng lưu trí thức ở xứ này toàn là những người siêu cách mạng cả sao! Nhưng chữ cách mạng, như tất cả những chữ điêu khắc của thời đại như: biện chứng, mặc cảm, tự do v.v… là một chữ đã mắc bệnh nghĩa là ai cũng lấy dùng nhưng chỉ để dùng sái nghĩa. Hình như người ta quên rằng làm cách mạng là lấy trật tự xã hội thay trật tự xã hội khác. Mà cảnh cực lạc của Hồ Xuân Hương Không có tính cách xã hội. Nó là một giải thoát cá nhân. Và nó đòi một sự chan hoà không để một trật tự nào sống sót thì tính cách phản cách mạng của nó đã rõ. Hơn nữa để nói đến cùng thì còn gì phản cách mạng hơn là một yêu sách tự do nhục tình? Sự thật đáng buồn là tất cả cũng cuộc cách mạng, đến buổi thoái trào nghĩa là khi những nguyện vọng thuở đầu đã vỡ, đều lên án tự do nhất là tự do nhục tình và mượn đạo đức để minh oan cho những yêu sách của nó càng ngày càng xa những có thể của thực tại và không thuận lòng người. Nhưng đạo đức thì Hồ Xuân Hương không thể nào hiểu nổi. Và người ta lại càng lầm khi người ta tưởng tiếng cười nhạo báng của nàng là của một tâm hồn đẹp, trước đạo đức suy vong của thời đại mình đã trở nên chán đời. Không. Hồ Xuân Hương không là một tâm hồn đẹp, như đời vẫn có thừa, có chán thì cũng chỉ biết chán người ta chứ chẳng bao giờ biết chán mình! Nàng thì trái lại, nàng là người đầu tiên nàng chán, và sự yếm thế của nàng, xây từ kinh nghiệm rằng cuộc sống thực không thể có thực trên thế giới, chỉ là mặt trái của một tình tha thiết yêu đời. Ai đã nói rằng con người ấy yêu đời đến nỗi gặp cái gì cũng thấy vui mắt, cũng sướng, cũng cười, cũng múa, cũng nhẩy? Nhưng yêu đời Hồ Xuân Hương đòi ở đời nhiều hơn những cái thú ấy của cảm giác, và ngôn ngữ quá đáng của nàng vừa như cố làm sống những cảm giác ấy, vừa cho người ta thấy rằng không thể đổi cảm giác ra một nguồn sống thực. Và người ta hiểu trong thơ nàng cái nghĩa nặng nhục tình. Của cái phần người ta gọi là tục. Vừa là một cách vặn méo mọi vật nghĩa là một khí giới để phá cái oai ngoài mặt của thế giới cái tục ấy vừa cụ thể hoá một tương quan đặc biệt nàng muốn thiết lập giữa thế giới và nàng. Nàng không làm thơ tục để giải toả trên ngôn ngữ, như người ta tưởng, một tính đa dâm không được thoả mãn. Mà cũng không để, nhân một lời nói được đôi, khoe tài chơi chữ. A! Cái tài của Hồ Xuân Hương ai mà không ca ngợi! Như nó có thể chuộc lại được cái tục của nàng. Hay nói đúng hơn là người ta đã tha thứ cái tục ấy như một phần của cái tài làm thơ. Làm thơ tục như thế chỉ là một tiểu xảo kỹ thuật và tất cả những người lương thiện để có thể vỗ tay vào. Nhưng họ càng vỗ tay thì cái tục ấy lại càng mất nghĩa. Cho nên người ta càng thán phục tài Hồ Xuân Hương thì tôi lại càng nghi ngờ. Hơn nữa sự thán phục ấy, dựng trên một quan niệm kế toán về nghệ thuật, nó định giá trị của một tác phẩm theo tổng số những cái khó người làm thơ phải giải quyết, là một sự hiểu lầm. Hiểu lầm nghệ thuật và cả Hồ Xuân Hương nữa. Cái đẹp của nghệ thuật có đếm được đâu! Mà nếu thơ Hồ Xuân Hương chỉ có cái phần đếm được ấy thì nó cũng chẳng quý gì hơn một đồ chơi đắt tiền. Cái phần đếm được ấy là cái người ta thường lấy để khen nàng là tài. Và cái tài ấy có lẽ là cái phần đáng bỏ đi nhất trong thơ nàng, nếu nàng không là người đầu tiên riễu nó và nếu người ta không biết rằng nó là tất cả những gì còn lại cho nàng để tố giác một thế giới đã hết ân tình. Cho đến khi ân tình ấy, không cần nữa, nàng cũng quên đi, và quên cả tố giác, nàng cũng quên cả cái tài của mình để, trong một cái nhìn lơ đãng, làm thế giới và, qua thế giới, ngôn ngữ lại trở nên thái bình. Thành ra người ta có thể nói rằng, tài thì tài, Hồ Xuân Hương vẫn đáng yêu. Mà còn gì đáng yêu hơn khi trong một người thục nữ, người ta gặp một thân thể tự do, một tâm hồn mênh mông như không có và sự vô tình ấy để cho nụ cười ưng thuận cái gì cũng giống như sự dịu dàng của mỉa mai. Ưng thuận? Tiếc sao! Tiếc sao! Hạnh phúc ấy không có trong cuộc đời nô lệ.

Mà có thể có không khi bạo động và sự từ chối đối thoại càng ngày càng gây thêm thảm khổ và khơi to cái hố của oán thù?

- Hết -


[1]Những thế kỷ hà ấy cũng như những mầu sặc sỡ của chúng thực ra cũng có thể hiểu như sự bắt đầu của một đạo lý nhân bản trong ấy con người có toàn quyền bắt thiên nhiên vào trong những thể của mình sáng tác. Nhưng tất cả thơ Hồ Xuân Hương từ chối các giải thích ấy. Và nếu có thì cái cám dỗ không có ngày mai. Nàng không ca ngợi sức sáng tác của con người mà tố giác sảo tính của những cảnh người ta tưởng là của thiên nhiên. Thiên nhiên không có. Chỉ có nghệ thuật nghĩa là những thể không có thực. Và theo nghĩa ấy thì con “Tạo khéo trêu ngươi” của nàng không thể hiểu như một Thượng đế có quyền cho thực thể mà chỉ là một nghệ sĩ nghĩa là một nhân vật tác quái giống như cái mà Thiên Chúa giáo gọi là “le Malin”.
[2]Vẫn những sự kiện ấy. Nhưng ở mỗi tầng của sự tìm hiểu chúng có một nghĩa khác.
[3]Ấy là một danh từ của Roland Barthes cũng như một số ý tưởng trong này.
Nguồn: Nxb Trình Bầy. Ban chủ trương: Diễm Châu, Trịnh Viết Đức, Lê Văn Hảo, Nguyễn Ngọc Lan, Nguyễn Khắc Ngữ, Thế Nguyên, Trần Tuấn Nhậm, Nguyễn Văn Trung, Thảo Trường, Đỗ Long Vân. Thư từ và tác phẩm xin gửi cho: Ô. Thế Nguyên, 80/80 Trần Quang Diệu, Sài Gòn. Phát hành tại: Quán sách số 34 (Trước cửa Pharmacie Diệu Tâm), 117, Lê Lợi, Sài Gòn. In xong ngày 15-12-1966 tại nhà in riêng của Nxb Trình Bầy. Giấy phép xuất bản số: 3839/BTTCH/BC3/XB ngày 7-12-1966. Copyright by Đỗ Long Vân, 1966.