Hiển thị các bài đăng có nhãn Pháp thoại- Cây ngô đồng chùa Vân Cư. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Pháp thoại- Cây ngô đồng chùa Vân Cư. Hiển thị tất cả bài đăng

25/1/10

Pháp thoại- Cây ngô đồng chùa Vân Cư

Pháp thoại đêm giao thừa Ngày 19 tháng 1 năm 2007

Cây ngô đồng chùa Vân Cư

TS THÍCH NHẤT HẠNH



Dưới đây là một bài thơ Đường nói về cây ngô đồng ở chùa Vân Cư. Tác giả là Bạch Cư Dị. Tới chùa Vân Cư ta thấy có một cây ngô đồng rất già, rất vững, đứng thẳng và đọt lấp trong mây xanh. Như vậy mà cây còn muốn mọc cao hơn nữa. Trong chùa có một vị hòa thượng 90 tuổi, rất quắc thước, mạnh như cây ngô đồng. Hỏi ngài thì ngài nói chính ngài ngày xưa đã gieo cái hạt cây ngô đồng ấy. Ngài nói hạt cây ngô đồng đó ngày xưa nhỏ xíu và xanh lè mà bây giờ trở thành một cây ngô đồng lớn vững như vậy. Đây là nguyên văn chữ Hán:


Nhất châu thanh ngọc lập
Thiên diệp lục vân ủy
Cao ý do vị dĩ.
Sơn tăng niên cửu thập
Thanh tịnh lão bất tử
Tự vân thủ chủng thì
Nhất khỏa thanh đồng tử.
Trực tùng manh nhe bạt,
Cao tự hào mạt thỉ
Tứ diên vô phụ chi
tâm hữu thông lý.
Ký ngôn lập thân giả
Công trực đường như thử.


Và dưới đây là bản dịch của cụ Trần Trọng Kim:


Cứng cỏi một cây đứng

Mây xanh nghìn lá nở

Ngất nghểu năm trượng thừa

Ý còn muốn cao nữa

Sơn tăng chín mươi tuổi

Thanh tịnh già không chết

Nói rằng thuở tay gieo

Một hạt đồng xanh lét

Thẳng ở trong mầm nhú

Cao từ lúc nhỏ bé

Bốn mặt không cần nương

Giữa ruột có thông lý

Nhắn gửi người lập thân

Cô trực phải như thế.

Ý nói những người nào muốn thành tựu sự nghiệp thì cũng phải một mình, cũng phải đứng thẳng, phải vươn lên cao, phải cắm rễ, phải mỗi ngày lớn lên như vậy. Xin vị tri chung thỉnh vài tiếng chuông để đại chúng ngồi cho yên. Xin đại chúng ngồi cho thoải mái, lưng cho thẳng. Con đang ngồi cho mẹ, con biết là mẹ đang có mặt trong con và con biết rằng nếu con ngồi yên thì mẹ cũng được ngồi yên. Có thể là mẹ chưa từng bao giờ được ngồi yên, tại vì mẹ đã sống một cuộc đời quá bận rộn, vừa lo cho cha vừa lo cho các con. Và vì vậy cho nên có thể mẹ chưa bao giờ có cơ hội để ngồi yên. Vậy thì hôm nay con ngồi yên cho mẹ. Con ngồi yên thì con có sự buông thư, con có sự tươi mát. Và nếu con có sự buông thư và sự tươi mát thì mẹ cũng được ngồi yên. Con hiến dâng cho mẹ sự tươi mát của con, con hiến dâng sự yên vui của con cho mẹ. Con ngồi cho ba, con biết là cuộc đời của ba rất là bận rộn. Và có thể ba chưa bao giờ có cơ hội được ngồi một lần cho yên. Ở trên Xóm Thượng có một cái thất gọi là thất Ngồi Yên. Và ngồi yên đem lại sự thoải mái, sự nghỉ ngơi, sự tươi mát, sự vững chãi. Và con đang ngồi cho ba, con đang ngồi để con có sự vững chãi. Con dừng lại được. Và khi con dừng lại được thì ba trong con cũng dừng lại được. Khi con dừng lại được thì con có thể thấy được trời xanh mây trắng, ánh sáng đang nhảy múa trên cành tre. Và khi con thấy được trời xanh mây trắng và ánh sáng đang nhảy nhót trên những đọt tre thì ba cũng thấy được trời xanh mây trắng và ánh sáng đang nhảy nhót trên những chiếc lá tre. Con đang ngồi cho thầy, có thể thầy trong những năm vừa qua đã bận rộn lo việc chùa, lo việc giáo hội, thầy cũng không có thì giờ để ngồi như thầy mong muốn. Và con có cơ hội được ngồi mỗi ngày nhiều lần. Nếu thầy ít có cơ hội để ngồi thì con sẽ ngồi cho thầy. Nếu Sư bà bận rộn lo việc Phật sự quá nhiều, lo công việc từ thiện, lo công việc của tăng thân quá nhiều mà không có cơ hội ngồi thì con ngồi cho Sư bà. Tại vì Sư bà là thầy của con. Con ngồi cho Sư ông, có thể là Sư ông bị công việc của giáo hội kéo đi, trăm chuyện, ngàn chuyện và Sư ông không có cơ hội để ngồi yên, tội nghiệp cho Sư ông. Vậy thì con ngồi cho Sư ông. Tại vì con muốn làm một đứa con có hiếu. Cái mà chúng ta có thể hiến tặng cho nhau là sự tươi mát, sự vững chãi, nụ cười, tình thương. Và khi chúng ta thương yêu thì chúng ta muốn hiến tặng cho người thương cái gì đẹp và quý nhất. Con thương bố, thương mẹ vì vậy con muốn tặng cho bố, cho mẹ sự tươi mát và thảnh thơi của con. Con thương thầy cho nên con muốn tặng cho thầy sự tươi mát và sự vững chãi của con. Con thương Sư bà, vì vậy cho nên con hiến tặng sự vững chãi, thảnh thơi và tươi mát của con cho Sư bà. Và con biết rằng bên này cũng như bên kia, chúng ta có quá nhiều công việc. Xã hội này là một xã hội bận rộn và rất ít người có được cơ hội ngồi yên để trở thành tươi mát và vững chãi.
Xã hội chúng ta là một xã hội bận rộn, tất cả mọi người đều bận rộn: các nhà chính trị bận rộn, các nhà thương gia bận rộn, các nhà giáo bận rộn, những người cha bận rộn, những người mẹ bận rộn và những người con cũng bận rộn. Chúng ta không có thì giờ để thở, không có thì giờ để ngồi yên, chúng ta không có thì giờ để nhìn mặt nhau, để nhận diện sự có mặt của người thương.

Trong giờ cuối năm, chúng ta hãy ngồi cho yên, chúng ta hãy cảm thấy sự có mặt của người thương của chúng ta. Đây là sư anh của mình, đây là sư chị của mình, đây là sư em của mình, đây là thầy của mình, đây là đệ tử của mình. Đối phó lại với cuộc sống bận rộn, chúng ta phải có khả năng đối kháng. Nếu chúng ta không kháng cự lại thì chúng ta sẽ bị cuốn theo cái đà bận rộn của tất cả xã hội. Mà bận rộn như vậy thì chúng ta tự đánh mất mình, chúng ta không còn gì quý báu để hiến tặng cho những người thương, không có thì giờ, không có sự thảnh thơi, không có sự tươi mát. Và vì vậy cho nên chúng ta phải kháng cự lại cái khuynh hướng bận rộn và đánh mất mình. Đây là một thái độ, không phải là một thái độ chính trị mà là một thái độ văn minh, thái độ văn hóa. Chúng ta phải mở ra cho các thế hệ tương lai một nền văn hóa mới, trong đó con người không quá bận rộn. Chúng ta muốn thành đạt, chúng ta muốn thành công, chúng ta muốn xây dựng một sự nghiệp và chúng ta nao nức để thực hiện những điều đó. Nhưng chúng ta cũng biết rằng khi nào chúng ta đã thành đạt một cái gì thì chúng ta chưa vừa lòng, chúng ta lập tức mở ra một chương trình mới, một dự án mới. Và như vậy chúng ta theo đuổi từ dự án này tới dự án khác cho đến trọn đời. Và không bao giờ chúng ta có được một cuộc picnic, trừ khi chúng ta nằm xuống lần cuối cùng, đi tới chỗ an nghỉ cuối cùng ở nghĩa trang. Vì vậy cuối năm, chúng ta ngồi lại với nhau, chúng ta phải buông bỏ hết. Chúng ta hãy nhìn vào mặt nhau để thấy rằng đây là thầy của mình, đây là sư đệ của mình, đây là sư huynh của mình, đây là sư tỷ của mình. Chúng ta là con một nhà và sự thực tập của chúng ta là chống lại cái khuynh hướng bận rộn, đánh mất chính mình. Điều này rất quan trọng, đây là một chủ đề rất căn bản cho nền văn hóa hiện tại. Có thể chúng ta có khả năng tiêu thụ nhiều nhưng chúng ta không có hạnh phúc. Chúng ta không có khả năng thương yêu và không có cơ hội để tiếp nhận sự thương yêu. Người kia quá bận rộn, làm gì họ có thời giờ để thương yêu. Thương yêu tức là nhìn nhận sự có mặt của người mình thương yêu; người đó quá bận rộn, họ không có cơ hội để nhận diện sự có mặt, trân quý sự có mặt của người mình thương. Không nhận diện được chồng mình, không nhận diện được vợ mình, không nhận diện được con mình, không nhận diện được thầy mình, không nhận diện được cha mình, mẹ mình. Và như vậy không phải là một nền văn minh. Trong một thiền viện, trong một trung tâm thực tập như Làng Mai, chúng ta bắt buộc phải đi từng bước thảnh thơi. Chúng ta bị bắt buộc đối kháng với khuynh hướng chạy, khuynh hướng bận rộn. Chúng tôi rất may mắn được làm như vậy, chúng tôi tự nguyện làm như vậy. Nhờ có uy nghi, có giới luật và pháp môn chung, nên mọi người trong mỗi bước chân có thể dừng lại, có thể buông thư, có thể thảnh thơi. Ở một trung tâm thực tập, mọi người có cơ hội để ngồi nhiều lần trong ngày. Và trong những lần ngồi như vậy thì chúng ta có cơ hội chấm dứt được sự bận rộn. Ngồi, trước hết là để chấm dứt sự bận rộn; thở và mỉm cười đưa lại sự lắng dịu của thân tâm. Vì vậy trong thiền viện, chúng ta có rất nhiều cơ hội và có nhiều khí giới để đối kháng với khuynh hướng tự đánh mất mình trong sự bận rộn. Và chúng ta phải làm, phải tìm cách để chia sẻ những phương pháp trong thiền viện để giúp cho người đời cũng có thể làm được một phần nào những cái mà chúng ta có thể làm được ở trung tâm thực tập.

Năm nay, tiết Tiểu hàn bắt đầu từ ngày 06 tháng giêng năm 2007. Tiểu hàn tức là cái lạnh nhỏ và tiết Đại hàn bắt đầu từ ngày 20 tháng giêng 2007. Tiết Lập xuân bắt đầu ngày 04 tháng hai 2007 và chúng ta đang ở vào tiết Lập xuân. Ngày Lập xuân là ngày 17 tháng chạp (ngày 04 tháng hai dương lịch) mà hôm nay chúng ta đã là ngày 30 tháng chạp. Lập xuân có nghĩa là sự bắt đầu của mùa xuân. Mùa đông còn đó nhưng đang bắt đầu rút lui, mùa xuân chưa tới, chưa biểu hiện một cách rõ ràng, nhưng mùa xuân đã bắt đầu. Vì vậy khi chúng ta đọc bài Lệnh của Xuân Diệu trong tác phẩm Xuân Diệu Trường Ca, thì lệnh này được ban bố vào tiết Lập xuân. Ban đầu có chúa xuân ra lệnh để cho mùa đông từ từ rút lui và để cho mùa xuân bắt đầu lớn dậy. Trong Xuân Diệu Trường Ca có một bài thơ bằng văn xuôi tên là Lệnh. Và lệnh truyền cho ai? Lệnh truyền cho tứ đại là đất, nước, lửa và gió, để bốn vị tướng tài đó bắt đầu hoạt động để đem mùa xuân trở về. Xuân Diệu Trường Ca được sáng tác năm Xuân Diệu 28 tuổi. Chúng ta đang đón xuân, vì vậy chúng ta đọc bài Lệnh của Xuân Diệu. Nhưng trước khi các thầy, các sư cô đọc bài thơ văn xuôi Lệnh của Xuân Diệu, tôi muốn nói tới một bài kệ của vua Trần Thái Tông. Vua Trần Thái Tông có sáng tác 43 công án Thiền và đã viết niêm và tụng cho những công án đó. Công án tức là những đề tài thiền tập. Trần Thái Tông đã thừa hưởng được đạo Bụt của tông phái Lâm tế. Người đã đem giáo lý phái Lâm Tế cho vua là quốc sư Đại Đăng. Trần Thái Tông đã biết tu học từ năm 20 tuổi, đã sáng tác những tác phẩm Phật học nổi tiếng trong đó có sách Khóa Hư. Trong sách Khóa Hư, chúng ta thấy 43 công án mà Trần Thái Tông đã sáng tác và đã sử dụng như là những đề tài thiền quán.


Cách đây 30 năm, tôi đã có cơ hội phiên dịch 43 công án này từ chữ Hán ra tiếng Việt, nhưng chưa giờ có dịp đem in. Có thể mai mốt, mình sẽ đưa lên trang nhà của Làng Mai. Và đây là công án thứ mười sáu có liên hệ tới Lệnh của mùa xuân. Tổ sư Lâm Tế của chúng ta có một phương pháp gọi là hét. Mỗi khi thấy một vị du tăng lấp ló ngoài cửa muốn xin vào thì chuyện đầu tiên ngài làm là hét. Và tiếng hét của thiền sư Lâm Tế giống như là tiếng gầm của sư tử lớn, giúp cho vị thiền giả kia chấm dứt được những suy tư của người đó. Người kia có một cơ hội mở ra một mùa xuân của trí tuệ và giác ngộ. Người đó đang sống trong một mùa đông lạnh giá kéo dài của u mê, của cố chấp, hận thù, thành kiến và của tập khí. Người đó nghĩ rằng họ có đường hướng, có phương pháp; người đó nghĩ rằng mình đang đi trên con đường chánh đạo. Nhưng tiếng hét của thiền sư Lâm Tế có nghĩa rằng anh đang đi trong một mùa đông giá lạnh kéo dài, anh phải để cho mùa đông đó chấm dứt để cho mùa xuân đạo lý, mùa xuân của giác ngộ, của chuyển hóa đi tới. Và vì vậy tiếng hét đó là lệnh đưa ra cho mùa đông rút lui và ra lệnh cho mùa xuân bắt đầu. Vua Trần Thái Tông đã bày cái tiếng hét của thiền sư Lâm Tế là tiếng lệnh. Tiếng lệnh ra hiệu cho mùa đông phải chấm dứt từ từ và mùa xuân phải bắt đầu chớm dậy. Đây là nguyên văn của bài kệ:


Nhập môn tiện hát dục hà hành?

Dẫn đắc nhi tôn túy lý tinh

Bất thị xuân lôi thanh nhất chấn

Tranh giao hàm giáp tận khai manh.


Vua Thái Tông viết: “Thiền sư Lâm Tế khi bắt đầu ra giảng dạy đã sử dụng cây gậy và tiếng hét. Hễ khi có một vị tăng đi vào cửa thì lập tức hét lớn”.


Vừa tới cửa ngoài nghe tiếng hét

Tỉnh giấc hôn trầm lũ cháu con

Một tiếng sấm xuân vừa chấn động

Khắp nơi cây cối nẩy mầm non.

Đó là cách vua Trần Thái Tông diển tả tiếng hét của thiền sư Lâm Tế. Đó là tiếng sấm xuân, ra lệnh cho tất cả cây cối phải bắt đầu chuẩn bị đâm chồi nẩy lộc. Ta đọc bài Lệnh ở trong Trường Ca Xuân Diệu để thấy lệnh đó được ban ra như thế nào và ban ra cho ai. Bây giờ mời sư cô Khiết Nghiêm, thầy Pháp Độ và sư chú Pháp Cầu đọc bài thơ này. Xin mời quý vị nghe Xuân Diệu Trường Ca, bài thơ Lệnh viết bằng văn xuôi của Xuân Diệu sáng tác năm thi sĩ mới 28 tuổi.

Lệnh Truyền

Lệnh đã truyền ra,

đất vâng trước đất.

Suốt một đêm trường

đất không sao ngủ được.

Cả mình sấm chuyển

cái ngực của đất phồng lên không muốn ngủ.

Mà ngủ làm chi

Đất cựa mình vì xốn xang trong da thịt


Lệnh đã truyền

ngày mai đây

tháng sau đây

biết có xong công trình hay chăng?

Thật tấm lòng của đất dạt dào

tính toán ngay từ phút đông vừa bớt lạnh

Đất mẹ đã nghe muôn con đòi nở

muốn vượt chồi lên trên đất, thở ánh sáng trời

Hàng triệu mầm hé ra khép vào

đầu hướng lên chân mạch căng thẳng

ngửa cả mình đất

Vi trùng sáng tạo lên men dưới da

từ đáy sâu đưa lên bao sức lực để đỡ nâng

Đất mẹ sung sướng

đất mẹ lo âu

đất mẹ nằm sinh và làm việc

mẹ bao la chạy chia nghìn ngả

này núi này rừng này đồng này ruộng

lại còn linh tinh muôn vạn núi đồi nữa

làm sao đủ sữa căng lên


Lệnh đã truyền

đất lãnh lấy công đầu

đất ngàn năm đất triệu năm

đậm đà chắc chắn

càng già càng dai

Máu cũ biến mới

sục sục quang tuyến

mạch chạy đầm đìa

máu đen kế máu đỏ

nhựa nâu đến ngã ba cùng với nhựa xanh.

Những con đường xéo lẫn nhau

chở chất chua chất ngọt chất mát chất nồng

theo rễ muôn cây lên cho mặt trời hòa hợp

Trên mặt đất vẫn chưa lộ gì cả

nhưng dưới nhà hầm biết bao là vội vàng

Thì giờ trễ rồi

thời gian tính từng phút một

ngón tay nghiêm nghị không bao giờ đếm nhầm

cho nên đất mẹ làm việc không nghỉ

không lẽ năm nay lại trễ hơn mọi năm?

Ánh sáng vâng lệnh thứ hai

có cô em sức nóng đi kèm

nàng tiên quyền cao phép cả chẳng ai dám đương

khi hứng thú nồng nàn ánh sáng lấn áp cả không gian

ôm chầm vũ trụ, đè bẹp bóng tối dưới triệu móng chân

mi của ánh sáng thật dài, tia của ánh sáng thật đượm

ánh sáng bắn tin truyền hình đưa lệnh khắp hang cùng núi hẻm
bảo rằng sắp sửa tin vui.

Ánh sáng nhún nhảy tươi cười không chút lo lắng

tài lực của nàng nhiệm mầu nhanh chóng

nàng có thể giấu mình suốt tháng vờ như không hay gì cả
nhưng mánh khóe tinh anh sao

nàng làm việc ngấm ngầm

chỉ một ngày một sáng mai nàng đến

là cả bầu không đã treo ngọc giăng tơ

cả mặt đất đã trãi vóc gấm thêu thùa trong gió lăng líu qua cây.


Ánh sáng đứng một chỗ

mà ở khắp nơi con mắt điện quang thấu suốt muôn trùng
trông nom từng nụ mầm non từng vọt sâu bọ

nàng ôm những thân cây giá lạnh

sưởi những luống đất ẩm hiu

Nàng lách vào những kẽ lá

cho màu xanh non biến thành màu lục đậm

cho nên những cội tùng già yếu

nàng cũng gõ mãi ngoài vỏ

đến nỗi một ngày kia bật ra mầm xanh

và ánh sáng ngồi kéo muôn triệu chỉ vàng

tiếp theo muôn triệu chỉ vàng cuộn tròn vào bánh xe hay mắc ngang khung cửi

dấu giếm khắp nơi để đến lúc cần dùng sợi ngày vàng sẽ lộ ra chi chít.


Nước nhận lấy phần

nước đi theo ánh sáng

làm thành cặp uyên ương kỳ dị

rẽ nhau một lần là đồng khô cỏ cháy

Nước mát êm cho nắng tựa vào

nước cũng chảy chia nghìn ngã

chạy vào làm máu cho đất

chạy ra làm lời cho suối

độn thổ đằng vân.

Ánh sáng loảng xoảng trong mình

âm điệu róc rách giữa lòng

nước lấy ôn nhu vỗ về loảng xoảng trong mình

âm điệu róc rách giữa lòng

nước lấy ôn nhu vỗ về nuôi nấng cho muôn vật phát sinh
mà cái liếc mắt đưa dài nghìn lý

Nàng chen vào búp hoa này lẫn vào nhánh cây kia

trái uống nàng vào bụng

mây giữ nàng trong mình

nụ hút nàng vào tim

cây kiếm nàng làm nhựa

ôi nước ngọt ngào mát mẻ thảnh thơi.

Không ai tranh

nên về phần gió

phải xem dáng điệu nàng thu gọn

mới biết nàng khéo dấu sức phá hoại của mình

chỉ còn là một làn phớt qua

áo nàng tha thiết phiêu phiêu

hồn nàng phất trần

Nàng lên tinh tú gió bay gió lượn

gió phất phơ như hơi thở ân tình

gió đưa duyên bướm

gió làm mối lái cho hoa

gió múa điệu lẳng lơ

nói lời cợt ghẹo

vạn vật nghe gió mà rợn tình.

Gió phẩy móng tay búng muôn đầu lá

gió rào rào rúng động ngàn cây

âm nhạc theo nàng mà vào không gian

nàng là những sợi dây sắt cầm lượn bay

Không khí tự xoay vang tiếng tơ đồng

miền xa lại gần gió mới tỏ tình

hương đà theo hút

gió có cần vội vã đâu

chỉ thoáng lên xe đi thúc giục các chồi các nụ

đến hôm ấy gió chỉ việc dịu dàng bay chơi

là cuốn theo muôn lòng đắm say.


Lệnh được vâng

tất cả đều làm việc

tất cả giao hòa giúp sức lẫn nhau

tất cả cũng đều một niềm yêu thương quảng đại

tất cả cùng đồng một ý trau chuốt điểm trang.

Ngày ấy Lệnh đốt tiếng pháo đầu

muôn tiên đã núp sau màn

chim chóc cũng lên đầy cổ họng

mắt trời xé màn suơng mỏng

xé màn mơ mộng còn ủ ấp non sông

nhạc vang reo hương nồng tỏa.


Công chúa xuân nương hiện hình

sương đeo một triệu hoa tai cho nàng

nàng cười một nghìn điệu hoa

nàng mặc chín triệu lá non

má nàng điểm đôi chút sương hồng

tóc nàng gió xuân lỏa tỏa

muôn lời của vũ trụ

đồng tấm tắc khen nàng công chúa con chung.

Xuân nương xuân nương hội mừng nàng

hội của nàng sẽ lâu chín mươi ngày

góp thêm chín mươi đêm vui suốt sáng

Nàng ra đời nàng lại về

nàng không mỏi tái sinh

trời ơi Xuân nương cười

trông thấy công chúa phụ hoàng đôi mắt sáng ngời

đáp lại bằng nụ cười thái dương

âm nhạc khởi lên chín mươi ngày đêm

bắt đầu bằng một buổi sớm.
Xuân Diệu sinh năm 1917 và Xuân Diệu Trường Ca được xuất bản năm 1945, năm thi sĩ 28 tuổi. Vũ Hoàng Chương sinh trước Xuân Diệu một năm, vào năm 1916. Và 24 tuổi thì xuất bản Thơ Say, năm 38 tuổi làm Bài Ca Siêu Thoát. Và năm 1952, trước đó hai năm, thì làm được bài Thoát Hình mà chúng ta sẽ được nghe bình bây giờ. Sư cô Thuần Tiến sẽ ngâm tám câu đầu. Bài này cũng nói về mùa xuân, nhưng đi sâu hơn Xuân Diệu. Bài thơ này cho ta thấy được cái nghiệp sinh diệt và liên hệ giữa nhân và quả.

Rào rạt trong cây nhựa trắng ngần

Đã nghe dồn cả tới đài xuân

Đã nghe rào rạt từng cơn gió

Về mách tin hương với cõi trần

Vườn đây rừng đấy cùng xao xuyến

Này phút hồn hoa sắp hiện thân

Nụ đã trên cành đau đớn cựa

Giờ thiêng hấp hối đã nghe gần.


Trong bài Thoát Hình , Vũ Hoàng Chương nói tới sự xuất hiện của một bông hoa. Và sự biểu hiện của một bông hoa, giờ phút sinh ra của một bông hoa. Nhưng sự sinh nở của bông hoa đi kèm theo những khổ đau, những lo lắng, những cái chết, những gì đã đưa tới bông hoa ấy. Và trong những câu đầu mình cũng thấy lệnh đã đưa ra và nhựa trong cây bắt đầu dồn tới để đem lại mùa xuân, để làm cho đóa hoa xuân nở. Rào rạt trong cây nhựa trắng ngần: nhựa trong cây bắt đầu rào rạt vì lệnh đã ban truyền.


Rào rạt trong cây nhựa trắng ngần

Đã nghe dồn cả tới đài xuân


Mình có thì giờ, có lỗ tai, có chánh niệm thì có thể nghe được sức sống lưu chuyển trong vũ trụ, trong lòng đất, trong thân cây để đưa tới một mùa xuân, để đưa tới sự thoát hình của một bông hoa, sự có mặt của một bông hoa:


Đã nghe rào rạt từng cơn gió

Về mách tin hương với cõi trần.


Ở đây ta cũng thấy lại hình ảnh của tứ đại: đất, nước, gió và lửa. “Đã nghe rào rạt từng cơn gió. Về mách tin hương với cõi trần” có nghĩa là lệnh đã truyền ra thì khi tiếp nhận được lệnh mình phải truyền lại cho tất cả mọi người. Cũng như khi sư anh trụ trì nhận được lệnh phải có một khóa tu tháng sáu thì truyền lại cho tất cả các sư em để chuẩn bị cho khóa tu tháng sáu thành công. Và khóa tu tháng sáu là một đóa hoa. Nhựa phải lưu chuyển trong hình hài của tăng thân lâu ngày thì mình mới có được khóa tu tháng sáu. Tin hương là một cái tin rất thơm, tin nói rằng sẽ có một bông hoa nở, bông hoa đó là mùa xuân.

Bây giờ, đọc báo ta chỉ nghe những tin không thơm lắm, mỗi ngày bao nhiêu người chết, bao nhiêu bom nổ. Nhưng cái tin mùa xuân đang về là một cái tin thơm. Tại vì mùa xuân về đưa lại cho chúng ta biết bao nhiêu nụ hoa kỳ diệu.

Vườn đây rừng đấy cùng xao xuyến

Này phút hồn hoa sắp hiện thân

Nụ đã trên cành đau đớn cựa

Giờ thiêng hấp hối đã nghe gần.


Giây phút của sự sinh nở không phải là một giây phút tầm thường, nó bao gồm cả sự đau đớn. Khi sắp sanh mình, mẹ đau đớn lắm; khi sắp hạ sinh mùa xuân, đất cũng đau đớn lắm. Và có một cái gì giống như là cái chết đang xảy ra trong khi chuẩn bị cho cái sống thành hình. Vũ Hoàng Chương hồi đó chưa nghiên cứu Phật giáo sâu sắc, nhưng đã có một linh tính, đã có một tuệ giác. Vũ Hoàng Chương thấy được cái sống dựa vào cái chết, nếu không có cái chết thì không có cái sống. Khi một hạt cây nứt ra để cho mầm cây trở thành một cây con thì đó là cái chết của hạt cây. Thánh kinh có nói là nếu cái hạt không chết thì làm sao cái mầm sinh ra được. Vũ Hoàng Chương thấy được điều đó. Và vì vậy khi mẹ sinh mình, mẹ có chết ở trong lòng một ít. Khi đất sinh ra mùa xuân, đất cũng chết ở trong lòng một ít. Khi thầy sinh ra mình, thầy cũng chết ở trong lòng một ít. Và cái chết đó không phải là cái chết, đó là sự trao truyền tất cả những sức sống của mẹ cho thai nhi, cho đứa con. Đất mẹ truyền tất cả sức sống cho mùa xuân và khi thầy sinh ra mình, thầy cũng truyền sức sống của thầy vào trong mình. Đó cũng là một hình thái chết, nhưng đây không phải là một cái chết đau buồn mà là một cái chết rất đẹp. Chúng ta phải học chết như vậy để sự sống càng ngày càng xinh đẹp. Vườn đây rừng đấy cùng xao xuyến : cả rừng cả vườn khi nhận được lệnh đều xao xuyến cả. Tại vì máu chảy trong huyết quản, nhựa chảy trong lòng cây. Vườn đây rừng đấy cùng xao xuyến , tại vì sao? Này phút hồn hoa sắp hiện thân : đã tới cái giây phút mà bông hoa của mùa xuân nở. Nụ đã trên cành đau đớn cựa : có sự đau đớn của sự sinh nở.
Nụ đã trên cành đau đớn cựa

Giờ thiêng hấp hối đã nghe gần .


Cái chết biến thành sự sống, cái sống không thể nào có được nếu không có cái chết. Và cái chết này là sự tiếp nối của sự sống. Và sự sống này là sự tiếp nối của sự chết. Sống và chết tương tức, không thể nào lấy cái này ra khỏi cái kia được.

Muôn vạn tế bào đang hủy thể. Hủy thể tức là đang chết. Và chết như vậy để cho sự sống có thể xảy ra được. Trong hình hài của mình, mỗi giây phút có hàng ngàn tế bào hủy thể. Và nếu những tế bào trong mình không hủy thể thì không thể nào sinh ra được những tế bào mới. Khi nhìn vào lớp da ngoài của hình hài, mình biết rằng lớp da ngoài của mình gồm có những tế bào khô, những tế bào chết. Và mỗi khi mình gãi thì có hàng ngàn tế bào chết ấy rơi xuống. Cái chết và cái sống tương tức. Nhìn cái chết dưới ánh sáng của tương tức thì mình không còn đau buồn nữa.


Muôn vạn tế bào đang hủy thể

Vâng theo ý lớn nhịp xoay vần.


Ý lớn ở đây tức là cái nguyên lý của vũ trụ: có sinh thì có diệt, cái diệt làm bằng cái sinh, cái sinh làm bằng cái diệt. Ý lớn là ý trời, ý trời ở đây tức là ý của thiên nhiên, ý của sự sống và phá hủy là để thành tựu chứ không phải phá hủy chỉ để phá hủy. Chính vì phải thành tựu cho nên phải có sự hủy thể. Phá cho thành đấy, sinh là diệt . Nhà thơ 36 tuổi đã thấy được tính tương tức của sinh và diệt. Mười một năm sau, Vũ Hoàng Chương viết bài Lửa Từ Bi, nhưng Lửa Từ Bi là một đóa hoa nở trên cái xác của bài Thoát Hình. Bài Thoát Hình là một bước và Lửa Từ Bi là một bước khác nữa. Nếu không có bài Thoát Hình thì sẽ không có bài Lửa Từ Bi. Và càng ngày Vũ Hoàng Chương càng trở nên một thi sĩ có tuệ giác Phật giáo. Muôn vạn tế bào đang hủy thể : đây không phải là một cái gì đau buồn, tại vì đây là sự chuẩn bị cho sinh nở, cho sự sống. Muôn vạn tế bào đang hủy thể , vâng theo ý lớn nhịp xoay vần : ý lớn nhịp xoay vần, đó là sự vận hành của vũ trụ.

Phá cho thành đấy sinh là diệt

Đời quả lên từ mỗi xác nhân.


Cái nhân sung sức nhưng khi sinh ra quả thì tự trở thành một cái xác, gọi là xác nhân. Khi hạt giống nứt mầm để cho ra một cây mới thì cái hạt giống đó chết. Nó chết nhưng không phải là nó chết, nó chỉ thoát hình.

Cái xác này thật ra không phải là một cái xác, nó chẳng qua chỉ là cái da mà mình lột ra thôi, như con rắn lột da. Khi một hạt cây biến thành mầm non thì hạt cây thành ra mầm non. Mình gọi nó là cái xác nhân, nhưng kỳ thực nó là cái mầm quả, cái xác nhân trở thành cái mầm quả.


Kìa mảnh da ngà đang nứt rạn

Cho tròn một kiếp chẳng phân vân.


Mảnh da này là một mảnh da của thân cây, nó phải nứt ra thì mới có thể sinh ra một cái mầm non được. Lệnh đã truyền thì thế nào nhựa cây cũng phải lưu chuyển cho mạnh. Và sự hoạt động đó, sức mạnh đó, năng lượng đó sẽ làm cho vỏ cây nứt ra. Và hễ có sự nứt ra là có sự đau đớn.

Kìa mảnh da ngà đang nứt rạn

Cho tròn một kiếp chẳng phân vân

Lòng cây mấy thuở ai người biết

Từng khóc từng reo đã mấy lần?


Người nào đã từng làm mẹ, làm cha, hoặc làm thầy, người nào đã từng làm sư chị hay sư anh cũng thấy được điều đó. Đây là lòng của người mẹ, đây là lòng của đất mẹ đã khóc, đã cười, đã reo vì đứa con mà mình đang thai nghén, vì đứa con mà mình sắp cho ra đời. Bốn câu này là để nói về lòng cây, lòng cây đây tức là lòng mẹ, lòng đất đang chuẩn bị để đưa ra một mùa xuân. Kìa mảnh da ngà đang nứt rạn. Cho tròn một kiếp chẳng phân vân. Lòng cây mấy thuở ai người biết. Có ai biết cho không? Có ai biết cho niềm đau, những tiếng khóc và tiếng reo trong lòng của bà mẹ, trong lòng của người cha, trong lòng của trái đất.

Nhựa ứ càng cao niềm giục giã : càng ngày thì giục giã càng lớn và nhựa càng lưu chuyển mạnh.


Nhựa ứ càng cao niềm giục giã

Đất trời mong mỏi nức hương lân.


Cả trời cả đất đang chờ đợi cái giây phút mầu nhiệm của bông hoa hé nở và tỏa hương thơm ngát cả đất trời. Đất trời mong mỏi nức hương lân : nức là thơm ngát, hương lân tức là mùi thơm trong cả một vùng.


Cánh hoa sắp hé, phô kiều diễm

Nụ thoát hình trong phút nhập thần.


Giây phút sinh nở là một giây phút rất trọng đại, cần phải có sự tập trung rất lớn.


Ôi đã then sương cài lỏng lẻo

Buồng thơm rạo rực ý thanh tân.


Then ở đây là cái then cửa và bây giờ nó đã lỏng lẻo ra rồi và ta có thể mở cửa cho mùa xuân thoát hình một cách rất dễ dàng.

Có một sự trông chờ, có một sự mong đợi. Tất cả đều đã chuẩn bị; bây giờ đây mình chỉ cần đưa ngón tay rút cái then cửa, mở cửa ra là mùa xuân tới.


Có ai tha thiết ngoài mây nước

Chờ lối Đào nguyên tự mở dần.


Ngày xưa, có Lưu Thần và Nguyễn Triệu đi thơ thẩn ở Đào nguyên và lạc vào cõi tiên. Thì bây giờ chúng ta cũng đang tha thiết ở ngoài chốn mây nước để cửa động Đào nguyên bắt đầu mở ra cho chúng ta đi vào mùa xuân.

Hồi đó chiến tranh đã bắt đầu khốc liệt ở miền Bắc và cái chết đã xảy ra. Có bạo động, có hận thù, có chiến tranh, có hư hỏng, có tuyệt vọng. Nhưng thi sĩ đã tìm cách giữ cho lòng mình an tĩnh. Trong một hoàn cảnh biến động, trong khi khổ đau phát hiện đầy dẫy, trong khi tham đắm, giận hờn và hận thù tràn lan, nếu không biết tu tập và giữ lấy thân thì ta cũng sẽ bị cuốn theo tất cả những cái đó. Và vì vậy cho nên nhà thơ cũng thấy được như người tu là phải làm thế nào để trong đêm ba mươi mình tiếp xúc lại được với tấm lòng trong trắng nguyên vẹn của chính mình. Hồi đó Vũ Hoàng Chương chưa biết đến danh từ Bồ Đề Tâm, chỉ cho trái tim trong sáng, cho Phật tánh của mình. Và thi sĩ đã dùng danh từ trang lòng . Và trang lòng này là trang lòng còn nguyên vẹn, chưa hề bị hoen ố bởi hận thù, bởi tuyệt vọng, bởi sự tranh chấp. Và nếu mình sống sót được, đó là nhờ mình còn giữ được sự nguyên vẹn ấy trong trái tim. Và đêm ba mươi ngồi im lại để tìm cách tiếp xúc được với cái tâm trong trắng đó của mình để đừng đánh mất mình trong tuyệt vọng, trong hận thù. Đó là sự thực tập của người thi sĩ.


Ta mở trang lòng nguyên vẹn mãi


Tin rằng mình vẫn còn có một trang lòng nguyên vẹn. Cũng như người tu chúng ta biết rằng ta có Phật tánh, ta có bồ đề tâm, chúng ta luôn luôn có thể trở về nương tựa nơi Phật tánh đó, nơi bồ đề tâm đó, để ta đừng bị cuốn đi theo những tuyệt vọng những khổ đau của xã hội ngày hôm nay.


Ta mở trang lòng nguyên vẹn mãi

Chưa từng hoen ố vết trầm luân


Ta mở trang lòng nguyên vẹn mãi , đó là niềm tin mà mình cần phải có: “Dù thế giới có tan tành thì nụ cười của bông hoa cũng không bao giờ tan biến” . Mình phải tin vào Phật tánh nơi mình, mình phải tin vào cái thiên lương nơi mình, mình phải tin vào tâm bồ đề nơi mình. Đó là chỗ mình trú ẩn, là cái pháo đài để mình không đánh mất mình. Thi sĩ đã nói lên được điều đó. Không bằng ngôn từ Phật giáo mà bằng ngôn từ của riêng ông: Ta mở trang lòng nguyên vẹn mãi. Chưa từng hoen ố vết trầm luân. Và đây là một lời cầu nguyện để kết thúc bài thơ.

Đêm nay xuống một bài thơ trắng


Một bài thơ trinh nguyên, như một người đang cầu cơ, như một người đang ngồi thiền, mở trái tim ra để cho Phật tánh bừng nở. Cũng như người cầu cơ để cho Đức Thế Tôn, để cho Thượng đế, để cho cái tinh hoa của vũ trụ giáng xuống dưới hình thức một bài thơ mới, một bài thơ có khả năng làm mới lại cuộc đời của mình.


Đêm nay xuống một bài thơ trắng

Cầu nguyện cho đời nở ái ân


Hai câu chót này là một lời cầu nguyện. Cầu nguyện với cái gì? Với trái tim của chúng ta. Nếu trái tim của chúng ta đầy dẫy những tuyệt vọng, đầy dẫy những đau buồn và hận thù thì làm sao chúng ta cầu nguyện được? Chúng ta phải có một cái gì đó mới có thể tiếp xúc được với cái tinh hoa của vũ trụ, với Trời với Phật. Vì vậy nên phải mở trang lòng nguyên vẹn ra, đây là tâm bồ đề của mình, đây là cái thiên lương của mình. Đêm nay xuống một bài thơ trắng , phải ngồi yên, ngồi rất yên, phải trải tấm lòng thanh tịnh của mình ra. Không thù hận, không tuyệt vọng thì mới mong rằng cái bài thơ trắng đó, cái bài thơ trinh nguyên đó giáng xuống được. Như là người cầu cơ, phải rất thanh tịnh, phải rất chí thành. Niềm tin đó, sự giác ngộ đó, phương thuốc trị liệu đó sẽ có cơ hội đi vào trong trái tim của mình được. Cho nên trong thời gian chiến tranh, người làm thơ ngồi thật yên lặng, đem tâm trong sáng của mình ra để chờ đợi phút linh cầu cho cái đó giáng về. Đêm nay xuống một bài thơ trắng. Cầu nguyện cho đời nở ái ân . Tại vì trong cuộc đời chỉ có hận thù, chỉ có bạo động, chỉ có tuyệt vọng. Cuộc đời cần có sự thương yêu. Cho nên lời cầu nguyện duy nhất của thi sĩ trong đêm ba mươi không phải là làm ăn phát tài bằng năm bằng mười năm ngoái, đầu năm sinh con trai cuối năm sinh con gái, mà là cầu nguyện cho tình thương giáng sinh trong trái tim của mình và trong trái tim của con người. Bài thơ này cũng là một bài thơ đạo.


Ta mở trang lòng nguyên vẹn mãi

Chưa từng hoen ố vết trầm luân

Đêm nay xuống một bài thơ trắng

Cầu nguyện cho đời nở ái ân

Ái đây tức là bác ái, tức là lòng thương của Bụt, của Chúa, là Từ Bi và Ân đây tức là ân nghĩa, ân tình của con người đối với nhau. Chữ ái ân đây thực sự có nghĩa là tình thương, là lòng từ bi. Và có gì đẹp hơn khi mình cầu nguyện cho tình thương, cho lòng từ bi giáng sinh trong trái tim của mình. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng có làm một bài nhạc với tựa đề Khi Tình Yêu Giáng Sinh. Làm thế nào để tình yêu giáng sinh? Ta phải có sự trầm tĩnh, sự lắng đọng. Ta phải đem cái trang lòng nguyên vẹn của mình ra thì ta mới cầu được cho tình yêu giáng sinh.


Xin chúc quý thầy, quý sư cô và quý Phật tử bên nhà một năm mới có nhiều hạnh phúc và nhất là có nhiều thì giờ để ngồi chơi, để có thể thấy được mặt nhau, đừng có bận rộn quá dầu là bận rộn chuẩn bị cho sư ông về cũng vậy. Ở bên này, phái đoàn Làng Mai chuẩn bị về Việt Nam cũng bận rộn lắm. Nhưng mọi người vẫn phải tập ngồi, phải cười, phải thở, phải đi từng bước thong thả. Tại vì nếu về Việt Nam mà không có sự tươi mát thì đâu có gì để hiến tặng cho các thầy, các sư cô và các Phật tử bên ấy. Xin đọc lại bài Thoát Hình của Vũ Hoàng Chương trước khi chấm dứt buổi bình thơ này.


Rào rạt trong cây nhựa trắng ngần

Đã nghe dồn cả tới đài xuân

Đã nghe rào rạt từng cơn gió

Về mách tin hương với cõi trần

Vườn đây rừng đấy cùng xao xuyến

Này phút hồn hoa sắp hiện thân

Nụ đã trên cành đau đớn cựa

Giờ thiêng hấp hối đã nghe gần.

Muôn vạn tế bào đang hủy thể

Vâng theo ý lớn nhịp xoay vần

Phá cho thành đấy sinh là diệt

Đời quả lên từ mỗi xác nhân

Kìa mảnh da ngà đang nứt rạn

Cho tròn một kiếp chẳng phân vân

Lòng cây mấy thuở ai người biết

Từng khóc từng reo đã mấy lần?

Nhựa ứ càng cao niềm giục giã

Đất trời mong mỏi nức hương lân.

Cánh hoa sắp hé phô kiều diễm

Nụ thoát hình trong phút nhập thần.

Ôi đã then sương cài lỏng lẻo

Buồng thơm rạo rực ý thanh tân

Có ai tha thiết ngoài mây nước

Chờ lối đào nguyên tự mở dần?

Ta mở trang lòng nguyên vẹn mãi

Chưa từng hoen ố vết trầm luân

Đêm nay xuống một bài thơ trắng

Cầu nguyện cho đời nở ái ân.