ĐÀO TRUNG ĐẠO
NHÀ/quê NHÀ TRONG VĂN CHƯƠNG VÔ XỨ VIỆT NAM
Home / Home-Country in the Vietnamese Literature of Displacement)
Hỏi người quê ở đâu xa?
Rằng ta đã ở rất lâu quê nhà.
Bùi Giáng
Bài thuyết trình chúng tôi trình bày dưới đây là bài tóm lược một chương trong tập sách “Văn Chương Vô Xứ”chúng tôi sẽ cho xuất bản trong năm tới. Trong Chương Mở Đầu của tập sách này chúng tôi đã nói rõ lý do tại sao chúng tôi gọi mảng văn chương do những nhà văn không-Tây Phương (non-Western) viết ra và xuất bản khi họ sống trên những xứ Âu-Mỹ trong khoảng thời gian từ thập niên 70 là Văn Chương Vô Xứ (Literature of Displacement, Littérature déplacée) thay vì gọi đó là Văn Chương Di Dân (Literature of ImMigration). Một cách tổng quát, lý do chính vì danh từ Văn Chương Di Dân thường được dùng để chỉ một mảng văn chương xuất hiện ở Âu-Mỹ từ trên 100 năm nay, và có thể nói khởi đầu với Josept Conrad, tiếp theo là những tên tuổi lớn như James Joyce, Thomas Mann, Samuel Beckett, Vladimir Nabokov, Jorge Luis Borges, Gabriel Garcia Marquez…Mảng văn chương này cũng bao gồm cả nhánh Văn Chương Lưu Đầy (Literature of Exile) với phần lớn những nhà văn không chấp nhận những chế độ độc tài/cọng sản hoặc tự lưu đầy trên chính quê hương mình hoặc ra khõi nước và sống lưu đầy ở một xứ sở cho họ tỵ nạn chính trị trong những thập niên 50-60. Điểm khác biệt sâu sắc nhất giữa Văn Chương Vô Xứ và Văn Chương Lưu Đầy là ý thức văn chương: trong khi nhà văn lưu đầy viết văn chống đối lại cái ý thức hệ toàn trị trên đất nước họ thì nhà văn vô xứ là người đứng giữa lằn ranh của hai ý thức hệ - ý thức hệ họ không chấp nhận đang trị vì trên quê hương họ nên họ đã lìa xứ - và ý thức hệ đang chủ trì trên chính nơi chốn họ đang tạm cư. Quan điểm phê phán của nhà văn vô xứ vì vậy có tính triệt để, toàn bộ/cầu, và phổ quát hơn. Một điểm khác biệt nữa là phần lớn những nhà văn vô xứ không chấp nhận việc được coi như/sắp xếp vào khối nhà văn giòng chính/bản địa của xứ sở họ cư ngụ hoặc vào một luồng nhánh của văn chương thuộc xứ sở họ xuất thân. Họ là những người luôn vượt qua mọi biên giới (chính trị, tôn giáo, văn hóa xã hội, chủng tộc…) nói như Salman Rushdie hoặc nói như Linda Lê, nhà văn vô xứ là kẻ “có tiếng nói mở mắt người. Một tiếng nói vô xứ, bởi vì tiếng nói đó tự đặt mình ngay trong trái tim của sự khổ đau mà không tìm cách xoa dịu sự khổ đau bằng ngôn từ hoa mỹ.” (Linda Lê, Tu écriras sur le bonheur, p.336) [1] Có thể nói tiêu biểu cho thái độ minh bạch này là những phát biểu của Tony Morrison (xem Playing in the Dark), Salman Rushdie (xem: Imaginary Homeland) và Linda Lê (xem: Tu écriras sur le bonheur). Theo chúng tôi, một nhà văn vô xứ là một nhà văn trên hết thảy, biểu lộ trong bản viết cũng như ngoài đời sống một “tâm thái vô xứ”. Tâm thái vô xứ là tình cảm và trí tuệ của một người vô sở cứ, tự sáng tạo cho mình một ngôn ngữ, một tiếng nói, một diễn ngôn của kẻ vô sở cứ. Tiếng nói đó, diễn ngôn đó xác định mình không có một nơi chốn, không đặt mình vào một truyền thống nào, băng ngang những biên giới để lắng nghe tiếng thầm thì của cái bất khả hữu (l’impossible), đẩy sự bất khả đó cận kề với cái khả hữu (le possible) Một điểm khác biệt nhỏ khác nữa cũng cần nêu ra: về số lượng, trong hơn 20 năm cuối thế kỷ 20 và những năm đầu 21, con số những nhà văn vô xứ càng ngày càng đông đảo và tác phẩm của họ hiện đang được độc giả khắp thế giới tán thưởng nồng nhiệt trong khi những nhà văn bản xứ nếu không có tài năng ngọai hạng rất dễ bị lu mờ, ít được chú ý, bỏ quên. Điều này cũng có nghĩa là nhà văn vô xứ có độc giả trên khắp thế giới và vì vậy việc sách của họ có được đọc ở chính quê hương họ hay không không còn là một yếu tố quyết định trong việc sáng tác và đánh giá. Có thì càng hay, không có cũng không sao. Hơn thế nữa việc cấm đoán phổ biến tác phẩm của họ do những chính quyền cộng sản/độc tài bản xứ hiện nay chủ trương và thi hành lại có tác dụng chỉ ra sự yếu kém về văn hóa chính trị, và thiếu dân chủ của những chính quyền này.
Xin trở lại với đề tài chính của bài thuyết trình là “nhà, quê nhà”. Như chúng ta đã biết, khái niệm nhà/quê nhà (concept of home & home-country) không phải là một đề tài mới lạ trong văn chương Âu-Mỹ. Chủ đề này đã được những nhà văn di dân đề cập tới từ trên 100 năm nay. Trong khuôn khổ giới hạn của bài thuyết trình này chúng tôi sẽ không nói tới phần lịch sử cũng như nội dung khái niệm này trong tác phẩm của những nhà văn từ những năm 70 ttrở về trước. Điều đó không có nghĩa từ chối khái niệm “nhà” trong Văn Chương Vô Xứ không có liên hệ gốc rễ với quan niệm này trong Văn Chương Di Dân. Hơn thế nữa, khi khảo sát khái niệm “nhà/quê nhà”, chúng tôi còn nhận thấy sẽ đưa đến việc phải xét lại khái niệm “thuộc về” (belonging). Theo quan niệm thông thường khi nghe/nói chữ “nhà, quê nhà” lập tức người ta liên hệ ngay tới phụ quyền (patriarchal hierarchy), bản ngã phái tính (gendered self-identity), hay gần hơn nữa là: chỗ ở (shelter), tiện nghi (comfort), môi trường nuôi dưỡng (nurture) và sự bảo bọc (protection). Điều đáng chú ý ở đây là khái niệm “nhà” luôn gắn liền với khái niệm chủ thể (subject), vì nhà, quê nhà là một một nỗi ham muốn dù được thỏa mãn hay bị chối từ đối với từng người trong những hoàn cảnh khác nhau. Tuy không phải những người đang có/ở nhà/quê nhà không có hay ít khi i nhắc tới khái niệm này nhưng nhà/quê nhà chỉ có ý nghĩa sâu sắc đối với những người mất/không có/xa nhà/quê. Vậy khái niệm này nói lên cái khoảng cách (distance) xa rời: nhà là một điểm cố định và ở đầu kia là đất khách, là lữ thứ, ra đi, du hành, góc biển chân trời. Hiểu như vậy nên chúng ta không ngạc nhiên khi những nhà văn hiện đang sống trên xứ sở của mình đã không đặt vấn đề, không bị dằn vặt quay quắt về vấn đề này trong tác phẩm của họ. “Nhà/quê nhà” không là một điều họ cần phải nói tới. Trong trường hợp nếu họ chủ ý nói tới thì “nhà” lại được hiểu là quê hương, nhất là tổ quốc và sự đánh tráo khái niệm đó cốt đạt mục đích tuyên truyền do chính trị áp đặt cho văn chương phục vụ.
Khái niệm nhà/quê nhà có cơ sở đặt trên nguyên tắc thâu nạp và loại trừ (inclusion/exclusion). Giữa kẻ được thâu nhận và kẻ bị lọai ra ngòai có sự khác biệt (difference/differance). Từ khái niệm “nhà” chúng ta có khái niệm định vị (location). Việc định vị đâu là (quê) nhà khiến nảy sinh ra sự đối nghịch giữa nhà và quê nhà. Với những người vô xứ dù bị bật rễ, di chuyển đất sống, không thể nói họ hoàn toàn không có nhà. Nhưng quả thực hiện tại họ không còn có quê nhà nữa. Trong tình cảnh này “nhà” và “quê nhà” lọai trừ nhau. Vì vậy khi khảo sát khái niệm nhà/quê nhà trong văn chương xin quí vị hiểu chúng tôi muốn nói tới những nhà văn thuộc mảng Văn Chương Vô Xứ. Và vì nhà/quê nhà là một thứ được tạo dựng nên (constructed) sau khi trong thực tại đối với chủ thể nói/viết nó đã bị hủy, triệt hủy vì vậy chúng tôi sẽ đọc/viết về quê nhà trên cơ sở thuyết hủy tạo (déconstruction). Ngoài ra chúng ta cũng còn thấy “nhà” có tính cách riêng tư (private) còn quê nhà là cái chung (public), nơi phản ánh nhiều cặp đối nghịch như phái tính nam/nữ, người cai trị/kẻ bị trị (trong các giai đọan lịch sử chủ nghĩa thuộc địa và sau đó là đế quốc và cọng sản bành trướng). Một kết luận sau khi chúng tôi xem xét những nhà văn vô xứ viết về “nhà” làm chúng tôi ngạc nhiên không ít: kiểu mẫu lựa chọn dựa trên nguyên tắc trong/ngoài, thâu nạp/loại trừ đã bị thay đổi. Nghĩa là người vô xứ bất chấp được coi là thuộc về quê hương xứ sở hay không họ vẫn có thể hoặc chẳng cần tạo nên một mái nhà ở bất kỳ nơi nào họ sống. Cái nơi chốn của “nhà” có thể là ở mọi nơi hay không ở đâu cả (everywhere and nowhere). Vì từ khởi đầu nhà văn vô xứ đã là một kẻ “không nhà” (homeless). Và nỗi “nhớ nhà”, “tình hoài hương” (homesickness) chỉ là “truyện” (fiction). Cho nên không còn nhất thiết phải có sự gắn liền với một nơi chốn, dù đó là nơi chốn mình (hay ông cha) đã ra chào đời: sự dửng dưng phải chăng là một vũ khí có sức mạnh lật đổ mọi quyền lực?
Phần đông trước đây các nhà văn di dân ra khỏi đất nước vì nhiều lý do khác nhau: lý do chính trị (đối nghịch cới ý thức hệ trị vì), cá nhân (chẳng hạn ông cha hay gia đình dời chỗ ở, du học v.v…), nhiều nhất là những nhà văn thuộc nhóm đất nước họ bị đặt dưới ách thống trị của đế quốc, thuộc địa. Thêm vào đó là những nhà văn thuộc phe đi đô hộ (colonizer) cũng viết về “quê nhà” khi họ xa xứ. Khi đọc những nhà văn của nước bị đô hộ (colonized), dù cho họ đã ra khỏi nước, chúng ta thấy nội dung khái niệm “nhà, quê nhà” được hiểu và dùng khác nhau hoàn toàn. Chính điều này chỉ ra cho chúng ta biết mối quan hệ giữa “nhà, quê nhà” với bản ngã (identity), chủ thể, và với hai khái niệm thuộc về (belonging) và định vị (locations). Nghĩ cho cùng, “định vị” là một biến số định hình của cả “nhà” lẫn “bản ngã”, trong khi kinh nghiệm về “nhà” ngược lại cũng là một thành tố quan trọng trong việc định hình bản ngã.
Hoàn cảnh, trường hợp của những nhà văn vô xứ gốc Viêt chúng tôi bàn tới trong bản thuyết trình này so với các nhà văn xuất phát từ những nước khác phải nói là khá đặc biệt. Có thể nói việc họ phải di dời (displaced), phải bỏ nước ra đi không những là một sự mất mát lớn lao trong đời mà còn được coi là một thảm họa ghê gớm nhất xảy ra không những chỉ cho cá nhân họ mà còn cho cả thân nhân gia đình, bạn bè, xóm làng họ. Không có một dân tộc nào trước đó đã trải qua kinh nghiệm tương tự như người Việt ở Miền Nam sau tháng Tư năm 1975. Nhìn ở một khía cạnh, kinh nghiệm này đóng góp vào tư duy, đọc/viết (reading/writing) về “nhà, quê nhà” một yếu tố rất tiêu cực. Và yếu tố tiêu cực này có ảnh hưởng như thế nào đối với từng cá nhân nhà văn là điều chúng ta không thể bỏ qua. Vì vậy trong khi chúng tôi lý luận cứu xét về bản viết quê nhà của họ, ngoài yếu tố vừa kể, chúng tôi cũng sẽ không bỏ qua những yếu tố quan trọng khác như tuổi tác, gia đình, trình độ học vấn, hoàn cảnh bỏ nước, môi trường văn hóa nơi họ đang sống, ngôn ngữ họ sử dụng (Việt, Anh, Pháp…), và trên hết thảy là cái “tâm thái” văn chương của mỗi nhà văn. Cho đến ngày hôm nay khi chúng tôi trình bày bài sơ khảo này, những nhà văn chúng tôi đề cập tới hầu như không có một giới độc giả chung. Người sáng tác bằng tiếng Việt hầu như chỉ có độc giả ở ngoài nước chỉ biết đọc tiếng Việt. Người viết bằng Anh văn hoặc Pháp văn tuy có cái lợi hơn là được độc giả Âu-Mỹ đọc nhưng số độc giả người Việt lại rất hiếm hoi. Nhưng theo chỗ chúng tôi nhận thấy, họ có một mẫu số chung: sách của họ hầu như không được độc giả Việt trong nước biết tới. Điều này có thể không những sẽ dẫn tới nhiều ngộ nhận mà còn giới hạn tư duy lịch sử và văn học của lớp độc giả, nhất là những người trẻ ở Việt Nam. Bao giờ thì hang rào ngăn cản tác phẩm của các nhà văn vô xứ được tháo gỡ?
Trong những phần dưới đây chúng tôi sẽ lần lượt xét quan niệm “nhà/quê nhà” trong tác phẩm của những nhà văn chúng tôi cho là tiêu biểu nhất. Dĩ nhiên sự chọn lựa của chúng tôi có những giới hạn nhất định. Giới hạn lớn nhất có lẽ là vấn đề tài liệu, sách vở. Không kể những nhà văn có sách được các nhà xuất bản Âu-Mỹ in sách của họ (rất dễ tra cứu), tác phẩm của những nhà văn in sách bằng tiếng Việt trong vòng hai mươi năm nay không dễ kiếm. Đấy là chưa kể có nhiều nhà văn tuy được nhiều độc giả người Việt yêu thích nhưng chưa hề có sách xuất bản, sáng tác của họ được đăng trên các tạp chí Việt ngữ rải rác ở nhiều tiểu bang trên đất Mỹ hoặc nhiều thành phố ở Âu châu hầu như hiện nay chưa được lưu trữ đầy đủ, cho nên chỉ trong một thời gian tương đối ngắn nhiều tác phẩm đã thành tuyệt bản. Trong những phần dưới đây chúng tôi sẽ đọc những nhà văn vô xứ tiêu biểu được nhiều người biết đến, đã thành danh, hơn nữa sách của họ cũng đã được phát hành tương đối rộng rãi. Có thể còn có một số nhà văn Việt khác hiện sống ngoài nước trong tác phẩm có những chỗ mô tả “căn nhà” trên vùng đất tỵ nạn và những kỷ niệm về “quê nhà” nhưng chúng tôi đã không nhắc tới họ lý do vì chúng tôi đã không coi những nhà văn đó là nhà văn vô xứ theo quan niệm đã nêu ra ở trên.
Để tiện việc trình bày, chúng tôi sẽ đọc mhững nhà văn vô xứ Việt Nam viết về “nhà” thuộc ba mảng: mảng sáng tác bằng tiếng Viêt, mảng viết Pháp văn, và mảng viết Anh văn.
CÁI NỀN CỦA TỰ SỰ VỀ ‘NHÀ’
Tự sự (narrative) về “nhà” của hầu hết những nhà văn vô xứ gốc Việt đều có cái nền là biến cố Tháng Tư năm 1975. Và những nhà văn chúng tôi đọc tác phẩm của họ đều có một thời gian (tuổi thơ, tuổi thanh niên) đã sống ở Miền Nam. Về tuổi tác, họ sinh ra vào cuối thập niên 50 hoặc sau thập niên 60. Về năng lực học vấn phần lớn họ đã tốt nghiệp đại học hoặc hậu-đại-học ở các xứ Âu-Mỹ, nhưng ngành học chính của họ lại không phải là ngành văn cho nên họ đã không sống bằng nghề viết văn mà làm các công việc chuyên môn khác để sinh sống (theo chỗ chúng tôi biết có lẽ chỉ có Linda Lê ở Pháp là sống được bằng nghề văn). Lớp nhà văn này rõ ràng là đã có cả hai thứ kinh nghiệm và học vấn Việt và Âu-Mỹ. Bản ngã/lãnh của họ là một sản phẩm pha trộn các nền văn hóa văn hóa Đông Tây và vì vậy nhìn chung họ khác hẳn những nhà văn Việt đã thành danh trước 1975 về nhiều mặt: nếp suy nghĩ, kỹ thuật viết, quan niệm văn chương, thế giới và nhân sinh quan. Hiểu như vậy cho nên có thể nói mảng văn chương này không thể được coi là một tiếp tục, nối dài hay một đứt lìa, gián đọan với những mảng văn học Việt Nam trong quá khứ. Vấn đề liên tục hay bất liên tục do đó là một vấn-đề-giả (pseudo-problem). Thật ra từ sau thập niên 70 ở những xứ Âu-Mỹ đã có sự bừng nở văn chương do tác phẩm của khối nhà văn không-Tây phương (non-western) này tạo nên. Và những nhà văn gốc Việt cũng ở chung trong luồng đó. Sự góp mặt của những nhà văn vô xứ Việt Nam trong mảng Văn Chương Vô Xứ thế giới còn là thiểu số so với những nhà văn xuất than từ những xứ khác có lẽ vì chiều dài lịch sử sự có mặt của họ tương đối quá ngắn. Một lý do khác là vì một số đã sáng tác bằng tiếng Việt tuy phần lớn lớp trẻ hiện nay đã sử dụng ngôn ngữ nào họ thiện nghệ nhất.
Xa lộ tự sự về “nhà” của những nhà văn vô xứ Việt tuy là những con đường không gặp nhau nhưng lại cùng phủ kín bóng tối tang chế của sự mất mát lớn lao nhất trong đời họ: bị cưỡng bách mất quê hương. Cho nên nét phác họa đầu tiên của họ về quê hương trước hết để đánh dấu sự mất mát đó. Để chiếu rọi, tìm kiếm lại quê nhà họ đã sử dụng ánh sáng của ngôn ngữ. Người dùng Việt văn để viết cho rằng họ không thể mất mát thêm một lần nữa (mất tiếng mẹ đẻ). Người dùng một ngôn ngữ khác để viết lại có những quan niệm rất khác nhau: dùng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ bằng thái độ nổi loạn, phản kháng (Linda Lê), còn phần đông dùng ngôn ngữ tiện dụng như một điều chẳng đặng đừng, để làm hòa (make peace) với sự đối nghịch trong bản ngã, hay để thương thảo (negotiate) với môi trường văn hóa họ đang sống. Nhưng chúng tôi có nhận xét dù họ viết văn không bằng tiếng Việt nhưng phong cách của họ không giống những nhà văn bản xứ, hơi văn của họ vẫn ấm áp tiếng mẹ đẻ. Và những khoảng trống thinh lặng trong bản viết của họ vang vang âm thanh và sự cuồng nộ của một cội nguồn ẩn mật, một thứ có mặt/hiện diện trong sự vắng mặt/khiếm diện.
1. NHỮNG NHÀ VĂN VIẾT TIẾNG VIỆT
Cố Quận trong bản viết của Lê Thị Huệ:
Trong số những nhà văn nữ Việt ở ngoài nước, Lê Thị Huệ xuất hiện sớm nhất (1984) và tác phẩm được cả giới nghiên cứu văn học lẫn độc giả nói chung chú ý và yêu mến. Trong ba tập tản văn (Bụi Hồng, tập truyện ngắn, 1984; Kỷ Niệm Với Mỵ Ánh, truyện vừa, 1987; Rồng Rắn, truyện dài, 1989), tự sự về nhà/quê nhà rõ nét nhất trong Bụi Hồng. Cảnh thổ trong Kỷ Niệm Với Mỵ Ánh và Rồng Rắn là cao nguyên Đà Lạt và Sài gòn, Huế và một số tỉnh Nam Trung phần trước năm 1975. Những địa danh đó là quê nhà của tuổi thơ và tuổi thanh xuân của tác giả. Vì vậy tự sự về quê/nhà là tự sự về cố quận. Chúng ta chỉ tìm thấy ở Bụi Hồng hình ảnh mái nhà đang cư trú trong hiện tại rất mơ hồ, không rõ nét vì bị đắm chìm dưới âm bản cố quận. Trong hầu hết các truyện viết về đời sống vô xứ, Lê Thị Huệ hầu như không tự sự, mô tả nơi cư ngụ hiện tại của các nhân vật. Chúng tôi có thể hiểu điều này rằng tác giả cũng như những nhân vật nữ trong truyện rất“dửng dưng” với nhà hiện tại. Một hình ảnh cố quận trong kỷ niệm kẻ vô xứ mang theo như một hành trang mỗi ngày mỗi hao hụt. Tiếng mưa rơi đập trên vách tường căn phòng khách sạn lữ thứ gợi nhớ những cơn mưa nơi cố quận “Nghe như ‘tiếng sột sọat của bầy con gái dệt lụa trời’…lời giải thích khởi đi từ ký ức mù tắp của tuổi thơ đã như vệt nước thấm ngập hồn tôi… Nhưng giờ đây tiếng lụa trời phất phới như bị lấn át bởi một thứ tiếng động trả đũa mạnh và bách bức, tiếng của vách phòng trạm hứng đỡ cơn mưa.” [2] Những nhân vật nữ trong Bụi Hồng tuy đang đối diện với quang cảnh quê người nhưng thường mê say ngắm nhìn buổi chiều xuống trên đất khách. Say mê ngắm nhìn chiều rơi không phải chỉ vì tâm hồn người nữ quá tình cảm lãng mạn. Chiều rơi là ẩn dụ thời gian hao lụn, là hồi tưởng (remembrance) cố quận. Truyện ngắn “Thiếu Nữ Chờ Trăng Lên” trong Bụi Hồng tiêu biểu nhất sự tương phản giữa hai hình ảnh “chốn lữ thứ” và “cố quận”. Chủ ý của tác giả khi trình bày nhân vật nam W (chữ viết tắt không có dấu chấm đi theo nên được hiểu là chữ viết tắt của từ West “Tây Phương” chứ không phải tên viết tắt một nhân vật tiểu thuyết,) nhân vật này là ẩn dụ của hiện tại. Chúng ta thấy Lê Thị Huệ đã có một cách thương lượng (negotiate) rất dứt khóat để giải quyết sự giằng co “có/không nhà”: trong cuộc sống lữ thứ: kẻ vô xứ vĩnh viễn là kẻ không nhà (homeless). Bản ngã trong truyện của Lê Thị Huệ cho thấy sự giằng co, tranh chấp giữa hai nền văn hóa Đông Tây của một chủ thể tỉnh thức trong tra hỏi tận cùng. Lê Thị Huệ viết trong Khởi Đi Từ Ngây Thơ: “Lưu vong về tinh thần dễ tàn tật và tuyệt vọng hơn lưu vong về địa lý. Tôi cũng đã lưu vong ra khỏi quê hương trong một thời gian dài, sống gần hai mươi năm ở xứ sở Hoa Kỳ, xa rời Việt Nam. Lưu vong. Lưu vong. Lưu vong… tôi đã thấy nó nằm lấp xấp dưới từng tế bào năm tháng của cuộc đời con gái mình. Nó là một lưu trữ tiếp thu từ cuộc sống tinh thần của một kẻ đã thấy mình kề cận với sự tương đối và tuyệt đối của cuộc đời vào năm thứ ba mươi sáu sống sót trên đất nước này.” [3]
Trần Diệu Hằng:Từ Quê Hương Trong Trí Tưởng qua “Nhà = Tiếng Việt” đến “Nhà=Văn Chương:
Rải rác trong hang chục truyện ngắn in trong ba tập Vũ Điệu của Loài Công (1984), Mưa Đất Lạ (1986), Chôm Chôm Yêu Dấu (1990) và Niềm Im Lặng của Mây (2001) Trần Diêu Hằng cho thấy một diễn tiến hình thành tiệm tiến theo thời gian của khái niệm “nhà”. Trong truyện Chuyến Xe Về Làng Đại Từ in trong tập Vũ Điệu của Loài Công “nhà” là một chỗ ở thật tiêu biểu cho người tỵ nạn trong thời gian đầu trên đất Mỹ : “Trong căn phòng nhỏ hẹp, ngòai chiếc giường của bà cụ, chỉ có một bộ bàn ghế cũ kỹ kê ở góc bên kia. Dăm chiếc ghế sắt đã tróc sơn kê lộn xộn, không thứ tự.Mặt bàn trống trơn, vương vãi mấy cây tăm…Chùm nắng xuyên qua khung cửa sổ nhỏ ngay phía trên giường bà cụ cũng không làm cho mọi vật rực rỡ lên được, căn phòng giữ nguyên vẻ tẻ lạnh của nó.” Sống trong căn nhà như vậy nằm trong một khu bình dân, bà cụ đã “hư vô hóa” khung cảnh hiện tại, sống trong quá khứ, nhất định cho rằng mình có thể ra đầu làng đón xe về làng Đại Từ.Qua tác phẩm thứ nhì Mưa Đất Lạ, hình ảnh “nhà” đã khang trang hơn vì đời sống tỵ nạn đã phần nào ổn định nhưng căn nhà ấy vẫn chưa có bóng dáng hạnh phúc. Nhưng bản ngã của những nhân vât của Trần Diệu Hằng như Giáo-sư Trần Quí Phiệt trong bài “From Isolation to Integration: Vietnamese Americans in Tran Dieu Hang’s Fictions” lập lại câu nói của Eudora Welty để thu tóm “Trần Diệu Hằng chứng minh rằng người Việt đúng nghĩa nhất, xin mượn lại cái ẩn dụ thích hợp của Welty, “ đã bén rễ bất kỳ khi nào…phần số đã định cho họ và hoàn tất giấc mơ của họ bằng cách tôn thờ những giá trị bản địa của họ.” [4]. Trong tâm tư những nhân vật trong truyện Trần Diệu Hằng vào giai đoạn này dường như nhà đã được trừu tượng hóa biến thành hạnh phúc. Sự chuyển biến khái niệm “nhà” của Trần Diệu Hằng khởi đầu với tập truyện Chôm Chôm Yêu Dấu: nhà được đồng nhất với gia đình, nhất là với con cái. Giai đọan kế tiếp trong sự chuyển biến khái niệm “nhà” từ gia đình/hạnh phúc/con cái sang “nhà” là “căn nhà tiếng mẹ” và sau cùng Trần Diệu Hằng định vị “nhà” trong văn chương được trình bày trong tập truyện Niềm Im Lặng của Mây..Trong truyện Đèn Cù, Trần Diệu Hằng viết :”Sau lần đầu tiên nhận lời mời của Chung, tôi hiểu lý do tại sao Chung chơi với nhữn người bạn lớn tuổi này. Chung nói tiếng Việt lưu lóat, anh sang nước Mỹ khi vừa mười tám; ngòai chuyện thíhc đàn ca hát xướng, có lẽ Chung khao khát một không khí nào đó mà anh tìm kiếm như một chốn quê nhà…Phần lớn thời giờ trong những buổi họp mặt Chung thường dành để phiên dịch giảng giải cho cô vợ yêu (người Thái Lan). Nghe cô tập hát tiếng Việt, tôi bồi hồi thương cảm, xiết bao ngưỡng phục sự cố gắng của cô, đồng thời cảm thấy yêu mến cô bội phần vì chúng tôi cùng cố bơi ngược một dòng song ngôn ngữ mà tôi lại là kẻ có phần may mắn hơn.” [5]. Trong truyện Nhìn Lại Douala Lần Cuối nhân vật nữ trong truyện chấp nhận một công việc ở Douala một vùng cách biệt với đồng hương để có thể quên đi cuộc săn đưổi hạnh phúc, nghĩa là đã thật sự không nhà và để “làm lành” với bản ngã nổi loạn của mình. Lần cuối trở lại Doula người phụ nữ này viết cho người bạn gái Sybil (một nhân vật trong tiểu thuyết của Murial Spark) “Sybil, chỉ có một cách duy nhất: xóa bỏ biên giới giữa đời sống và bản viết..”.[6]
2. NHỮNG NHÀ VĂN VIẾT TIẾNG ANH.
Một điểm khác biệt giữa những nhà văn dùng Việt văn để sang tác với những nhà văn dùng Anh văn là khi những nhà văn sử dụng Viêt văn viết về ‘nhà/quê nhà” thì đó là nhà, quê nhà họ đã sống thời thanh niên, còn nhà, quê nhà dưới ngọn bút của những nhà văn sử dụng Anh văn hay Pháp văn là nhà, quê nhà của tuổi thơ. Lý do hiển nhiên vì lớp nhà văn viết tiếng Việt lớn hơn họ khoảng trên dưới 10 tuổi, khi ra khỏi nước đã ở vào tuổi trên dưới 20.
lê thị diễm thúy: Những chốn tạm trong đời vô xứ và tưởng niệm quê nhà
Ngay trên trang đầu tác phẩm The Gangster We Are All Looking For lê thị diễm thúy đã viết:” Trong tiếng Việt, chữ chỉ nước và chữ chỉ quốc gia, một xứ sở, và một quê nhà giống nhau: nước.” Khác hẳn với những nhà văn trước đó viết về căn nhà tỵ nạn trên đất tạm dung mục đích để nói lên kinh nghiệm tỵ nạn, lê thị diễm thúy viết về những căn nhà tỵ nạn cô và gia đình đã trú ngụ mục đích để kể lại cuộc sống của cô và nhất là sự hình thành tuổi thơ và tuổi vị thành niên của mình lịch sử đất nước nói chung và lịch sử đời cha mẹ của cô nói riêng. Sừ rời đổi lien tục, không ở một chỗ nào cố định là điều lê thị diễm thúy muốn nói với người đọc ngay từ đầu sách: “Linda Vista, với những dãy nhà màu vàng, là nơi chúng tôi cuối cùng đã trôi dạt tới. Trước Linda Vista, chúng tôi cư ngụ ở Khu Chung Cư Màu Xanh Lá Cây ở ngã tư đường Mười Ba và đường Adams trong vùng Normal Heights. Trước Chung Cư Màu Xanh Lá Cây chúng tôi ở Chung Cư Màu Đỏ ngã tư Đường 49 và đường Orange, thuộc vùng phía Đông San Diego. Trước khi ở khu Chung Cư Màu Đỏ, chúng tôi đâu đã là một gia đình như bây giờ. Chúng tôi mỗi người ở một nơi, chờ đợi xum họp. Má thì đứng trên một bờ biển ở Việt Nam trong khi Ba và tôi sống ở California cùng với ba người đàn ông đã cùng trên một con tàu đào thoát.”[8]. Mỗi căn nhà tuổi thơ trên đất Mỹ cô bé lê thị diễm thúy đã sống ở đó đánh dấu những giai đoạn trưởng thành khó quên. Thấp thoáng trên nền của hình ảnh những căn nhà đó là những biến cố trong đời của người cha cô hết long thương yêu. Tuy rời bỏ xứ sở khi còn nhỏ, sang Mỹ sống trong những khu nhà nghèo nàn, chơi những trò chơi cùng với đám trẻ con tỵ nạn, lê thị diễm thúy đã mô tả cái thế giới trẻ con đó trong sự hòai niệm về những xóm lao động Saigon khi xưa. Nhưng có lẽ căn nhà tỵ nạn ghi đậm nét trong trí tưởng lê thị diễm thúy là căn nhà cha mẹ cô đã cất dấu bức ảnh ông bà ngọai trong “gác mái” (attic) và khi bị đuổi nhà cha mẹ cô đã phải lần mò trong đêm tối về lại căn nhà ấy để lấy lại tấm hình ông bà ngọai. Về “nước” Việt Nam, lê thị diễm thúy viết: “Việt Nam là một tấm hình đen trắng chụp ông bà ngọai tôi ngồi trên những chiếc ghế tre đặt ngòai sân trước nhà…Khi tôi nghĩ đến tấm hình ông bà ngọai tôi trong những năm cuối đời này, tôi luôn luôn hình dung ra một sự khởi đầu. Khởi đầu đến hay hướng tới cái gì, tôi không biết, nhưng luôn luôn là một khởi đầu.” [9]. Hình ảnh khác về quê nhà của lê thị diễm thúy là một bờ biển nơi người anh của cô đã chết chìm. Trưởng thành, lê thị diễm thúy đã trở về quê cũ chỉ để mơ tưởng gặp lại được người anh trai. Nói về việc mình tự sự về quê nhà lê thị diễm thúy viết: “Không có một dấu vết máu nào ở bất cứ nơi đâu ngọai trừ ở chính nơi đây, trong cổ họng tôi, ở chính cái nơi tôi đã kể cho bạn nghe tất cả những chuyện này.” Chúng ta thấy trong bản viết về “nhà” lê thị diễm thúy đã cho thấy rất rõ mối liên hệ mật thiết giữa nhà và bản ngả, chủ thể.
Monique Trương: Quê Nhà thời Pháp thuộc và Nhà Người trên Paris Thủ Đô Ánh Sáng
Tuy không thực sự chủ ý viết về “nhà” nhưng Monique Trương trong “Sách Muối” The Book of Salt, 2003) cũng đưa ra những hồi ức về quê nhà của nhân vât Bình lưu lạc xứ người trong tác phẩm này. Nhưng nếu người đọc Monique Trương chịu để ý kỹ thí sẽ thấy trên trang bên trái thường dung cho tác giả ngỏ lời cảm tạ sự giúp đỡ của những người giúp mình hòan thành tác phẩm Monique Trương ghi lại: “Quyển sách này được viết ở hai hòn đảo, trong hai xứ, ba bang, và năm thành phố. Việc viết quyển sách chỉ là một thử nghiệm, thật ớn, nhưng trên hết thảy đó là một cuộc du hành kỳ thú…Nhưng kết cuộc cái ẩn dụ một cuộc du hành sẽ là trống rỗng, đúng là vô nghĩa, nếu như không có một nơi chốn nào đó và một ai đó đẻ ta trở về nhà cùng với…” Ẩn dụ của cuộc hành sẽ là vô nghĩa nếu ta không có một nơi chốn và một người thân để trở về.
Trong Sách Muối, Monique Trương đã đẩy lùi thời gian ngược về giai đoạn những thập niên 20 để nói về Saigon quê hương yêu dấu của nhân vật Bình. Căn nhà cha mẹ Bình ở Saigon nơi anh đã lớn lên là một căn nhà anh phải để lại sau lưng. Nhưng dù đã bỏ lại để ra đi, căn nhà đó chứa chất cả yêu thương lẫn hận thù. Yêu thương Mẹ hết lòng nhưng cũng thù hận Cha vô tận. Còn căn nhà lữ thứ của anh ở Paris là “căn nhà của chủ” vì anh chỉ là một người nấu bếp của một nhà văn Mỹ lưu vong lừng lẫy: Gertrude Stein. Cũng trong tác phẩm này Monique Trương thấp thóang có sự đồng nhất quê nhà với tiếng mẹ đẻ. Với Bình, một kẻ lưu lạc góc biển chân trời, khi đang lênh đênh trên một con tàu vượt đại dương gặp được một bạn đồng hành cũng là người Việt, được thả cửa nói tiếng Việt với nhau nên đã “ cảm thấy như đang ở quê nhà.” . Khi đặt tên cuốn tiêu thuyết của mình là Sách Muối, Monique Trương nhắc lại điển tích trong Thánh Kinh kể lại người vợ của Lot chỉ vì đã ngỏanh cổ lại để nhìn thành phố quê nhà Sodom nên đã bị hóa thành một cột muối. Câu hỏi cchính yếu Monique Truơng đặt ra cho nhân vật Bình (và cũng có thể là chính với bản than tác giả) làm chủ đề của Sách Muối là: Cái gì đã giữ tôi sống mãi ở đây chốn vô xứ ?
Ngoài Monique Trương và lê thị diễm thúy ra chúng ta cũng còn tìm thấy những trang viết về “quê nhà” trong quyển ký Catfish and Mandala [12] của Andrew X. Pham. Andrew X. Pham đã làm một chuyến du hành bằng xe đạp dọc suốt Việt Nam. Đến những thành phố từ Nam chí Bắc, dừng lại lâu hơn để thăm căn nhà tuổi thơ ở Pha Thiết. Andrew X. Pham là một người trẻ trưởng thành ở Mỹ, trải qua những kinh nghiệm khổ đau tột cùng khi gia đình bị tan nát sau khi Miền Nam xụp đổ nên khi trở về thăm quê hương anh tuy thương cảm tình cảnh quê hương cũng như tình cảnh người dân Việt nhưng những hình ảnh đó chỉ làm anh thêm đau lòng và cảm thây bất lực trước hiện thực nên một lần nữa đã chỉ còn biết lên đường bỏ lại quê nhà sau lưng, ngược chiều với cuộc lên đường tìm vế quê hương anh đã dốc hết tâm lực để thực hiện.
3. NHỮNG NHÀ VĂN VIẾT TIẾNG PHÁP
Linda Lê tống táng căn nhà tuổi thơ cùng với người cha.
Có thể nói Linda Lê là nhà văn vô xứ toàn phần nhất. Có lẽ sự toàn phần này Linda Lê đã thừa hưởng được từ Ingeborg Bechmann và E.M. Cioran, cộng thêm với kiến thức văn chương tư tưởng sâu rộng. Qua những tiểu thuyết và nhất là qua hai tập khảo luận Tu écriras sur le bonheur và Le complexe de Caliban, Linda Lê cho thấy cô rất thênh thang dọc ngang trên toàn diện tấm bản đồ văn chương tư tưởng thế giới. Trong tất cả các cuốn tiểu thuyết đã xuất bản, nhất là ba quyển Les trois Parques, Voix, và Lettre morte, quê nhà hồi tưởng là cái nền tối thẳm các nhân vật tiểu thuyết đã đem theo trong cuộc đời bỏ xứ để trải lên những chốn nào hôm nay tạm trú. Ba người con gái trong Les trois Parques là ba miền Nam Trung Bắc của Việt Nam. Trong Lettre morte, căn nhà thời thơ ấu và người cha đã chết cô độc là nỗi ám ảnh bám riết lấy người con vô xứ. “Những bóng ma của quá khứ nuốt chửng nàng, tương lai mở ra trước mắt nàng như một cõi hư vô…Nàng trở thành một kẻ cư trú bất chính trong thế giới này.” [14] Trong Voix, nhân vật nữ trong lúc trốn chạy cuộc lùng bắt của Tổ chức, tâm trí hoang tưởng thấy mình trở về căn nhà tuổi thơ : “Tôi đang ở trong xứ sở tuổi thơ của tôi. Tôi đi tìm căn nhà có song cửa sổ màu xanh. Căn nhà nay chỉ còn là một đống tro.” “Tôi lang thang trên những con đường của quê hương thời thơ ấu. Thành phố vắng ngắt. [15] Khắp nơi là những đống đổ nát và tro than. Cha tôi xuất hiện rồi biến mất giữa những đống đổ nát. Tôi là dấu vết của ông. Tôi đi vào sở thú. Những chuồng thú trống không. Tôi bước dọc theo một cây cầu. Con song cạn khô. Cây cối trong những khu vườn chết khô, vươn cành như những cánh tay lên trời. Trong những khu phố, tiếng tru của những con chó ba đầu rượt theo tôi. Tổ chức bao kín thành phố cốt để cho tôi không còn có thể tìm được một chỗ trú ẩn ở bất cứ đâu.” [16]
Thế còn Paris chốn tạm thì sao? Trong tùy bút “Tôi Còn Nhớ” Je me souviens trong tập Le complexe de Caliban, Linda Lê viết: “Tôi còn nhớ rằng tôi luôn luôn muốn sống trong một xứ như một khách lạ lạ lẫm (étrange étrangère), rằng tôi đã nhìn nước Pháp bằng con mắt ngạc nhiên, thấy xứ này với tôi là đã quá quen biết và quá xa lạ.” [17] Trong Autres jeux avec le feu Linda Lê viết: “Câu cuối trong quyển tiểu thuyết của tôi là lời chào vĩnh biệt cái xứ sở tôi đã sinh ra ở đó, câu văn này làm tôi hối hận.Trong lúc viết câu đó ra, tôi cảm thấy được giải thoát…”[18].
Và từ nay “Bản văn là quê hương của tôi. Tôi tuyên chiến với ngôn ngữ để điều chỉnh lại sự bất đồng với chính bản thân tôi, và cũng để có thể viết khi thì hòa đồng với cái Bản Ngã Tôi, khi thì đứng ở thể đối nghịch, hợp nhất với cái Không-Tôi của tôi.” [19]
Kim Đoàn: Kẻ vô xứ mãi mãi tái tạo hình ảnh quê nhà :
Loan, nhân vật chính trong truyện dài Sur Place (Tại Chỗ) của Kim Đoàn rời bỏ Saigon sau khi Miền Nam đổi chủ, trưởng thành ở Pháp, trong nhiều năm đã ngần ngại trở về thăm quê nhà nhưng cuối cùng đã bất ngờ quyết định làm một chuyến trở về. Loan đã ngần ngại vì nhiều lẽ nàng không hình dung được một cách rõ rang. Phải chăng Loan sợ hãi sẽ không nhìn lại được những cảnh những người ghi đậm nét trong ký ức vì mọi sự đã thay đổi? Hay vì Loan đã không cảm thấy hạnh phúc khi ở trong căn nhà (dù là đẹp đẽ, tiện nghi) ở giữa thủ đô Paris, hay ở trong một căn nhà khác ở New York? Kẻ vô xứ không thể hạnh phúc trên một “chốn nào”. Rồi Loan đã quyết định trở về thăm quê nhà một mình trong một phút tình cờ mà chính nàng cũng không hiểu tại sao.
Đến khi đặt chân lên đất nước, quê hương Loan thấy mình bị trấn ngộp, lạc lõng. Loan thấy “con đường này tuy không khác gì mấy con đường trong kỷ niệm, nhưng khi Loan đứng lại ngắm kỹ hơn nàng ngạc nhiên thấy long mình tịnh không, không mảy may có một chút xúc động nào giống như những xúc động Loan từng đợi chờ mình sẽ cảm thấy.” [20]. Vì được nhận diện với “nhãn hiệu Việt kiều” Loan bị cưỡng bách, bóc lột. Tuy được Phương, cũng là một Việt kiều nhưng đã về nước kinh doanh đưa đi thăm Hoa Lư, Loan thấy cảnh nơi đây tuy có đẹp thật nhưng không thấy mình gắn bó với nơi đây. Đi thăm Sapa, khi leo lên một đỉnh núi cao, Loan mới thực sự cảm thấy “lần thứ nhất trong đời nàng có ấn tượng hòa nhập hòan toàn với bức tranh tâm tưởng…nàng nhận ra rằng đã từ lâu mình mang theo nơi mình những cảnh trí này…rằng cái nứơc Việt Nam mình đi tìm kiếm, cái nước Việt Nam nguồn cội của mình, từ bao lâu đã ở ngay chỗ đó, ẩn kín trong chỗ sâu thẳm nhất của nàng.” (Sur place, p.99-100). Sau Sapa là Huế, rồi Đà Nẵng,Nha Trang. Đến đâu nàng cũng không thấy thoải mái với cảnh với người vì chuyến đi đã làm Loan cạn kiệt cả tinh thần lẫn thể xác.. Nhiều khi nàng trở thành thô lỗ, giận dữ vì không tự chủ được nữa. Khi về đến Saigon, theo dự tính đây là chặng cuối và việc làm cần thiết duy nhất của cuộc hành hương là gặp lại bà ngọai. Nhưng Loan không hiểu tại sao mình cứ trì hoãn giây phút trở về, bước vào căn nhà tuổi thơ để gặp ngoại. Thay vì về nhà, Loan lang thang vào quán rượu, làm quen rối gây gổ với một cựu chiến binh Mỹ cũng trở về Việ Nam để nhìn lại cái đất nước anh đã một thời tham gia cuộc chiến. Gây gổ vì Loan muốn “khạc nhổ” sự cuồng nộ của mình ra. Hôm sau Loan từ nhà Bưu điện gọi điện về báo tin cho bà ngọai biết mình sẽ đến thăm ngoại nhưng vẳng sau tiếng ngoại trong điện thoại là giọng nói của kẻ đã gây thảm họa cho nàng hồi thơ ấu nên Loan gác máy điện thọai, không về thăm ngoại mà lang thang trên những con đường thời thơ ấu mình có rất nhiều kỷ niệm, “ngữi thấy mùi hương quen thuộc tản mát từ hơi thở của mình quyện trong mùi hương trầm của ngoại”. Loan đã “làm lành” (make peace) được với tuổi thơ của mình và hiểu được thời thơ ấu không phải mình chỉ khổ cực đớn đau mà cũng còn có cả những giây phút yêu dấu, trân quí nữa. Loan tuy không thấy mình hòan tòan hòa nhập với quê nhà nhưng ít ra nàng không còn cảm thấy mình bị đẩy ra ra khỏi cái xứ sở này. “Bản ngã của mình không còn hiện ra như một đối nghịch đớn đau nhưng như một thế giới giầu có và đa dạng. Việc có ở trọn được trong cái thế giới đó hay không là chỉ tùy ở nơi Loan mà thôi.” [21] Trên chuyến bay trở về Paris, trước khi chìm vào giấc ngủ êm đềm, Loan hiểu được rằng những hình ảnh mãi mãi trong nàng, trong những năm tháng tới đây, Loan sẽ không ngừng tái tạo chúng.
******
Một điểm đáng lưu ý là tất cả những nhà văn vô xứ Việt chúng tôi đọc trong khi khai triển khái niệm “nhà/quê nhà” toàn thể là những nhà văn nữ giới. Xem xét lại, chúng tôi không nghĩ chúng tôi đã chủ quan, thiên vị trong sự chọn lựa. Tại sao có sự kiện này, và có thể có một giải thích được không? So sánh với những nhà văn di dân đã từng viết về vấn đề này, tuy nữ giới cũng chiếm đa số nhưng cũng có một số nhà văn bên nam giới. Chúng tôi có nghĩ tới lối suy nghĩ cổ điển, thông thường cho rằng nam giới thường quan tâm tới tổ quốc (trừu tượng, chung), dất nước còn “nhà” (cụ thể, riêng) gần gủi với nữ giới hơn. Lối suy nghĩ này cũng rất gần với quan niệm tâm phân học về bản ngã nữ giới được đặt ngang bằng với nhà ngày nay bị những nhà tư tưởng nữ quyền phân tích và chỉ ra những quan niệm này mang vết tích của ý thức hệ phụ quyền và Âu-châu tự kỷ. Theo thiển ý chúng tôi nghĩ, từ trong bản chất, là kẻ cưu mang “kẻ khác” (the Other), có một diễn ngôn nguyên ủy “Mẹ/Nhà, Nhà/Mẹ” cho nên nhà văn phái nữ, bằng những con đường khác nhau, với những diễn ngôn khác nhau, đã xây những ngôi nhà, đã gầy dựng những “sở cứ” cho tha nhân. Tuy nhiên mặc dù chúng tôi đã thử tìm đọc khá nhiều nhà văn phái nữ nhưng chưa thấy nhà văn nào quan niệm, đồng nhất nhà với thân xác (home=body) mặc dù đã có những nhà văn chẳng hạn Janette Winterson đã đồng hóa viết với thân xác (writing=body). Một vấn đề khác cũng nổi cộm lên và cần một giải thích, dù là tạm thời. Tại sao những người bỏ nước ra đi, nhất là những nhà văn vô xứ, tuy trong thái độ và tư tưởng, tình cảm về “nhà” có khác nhau ở mức độ gắn bó nhưng không mấy người cho rằng trở về quê nhà là thiết yếu? Và con số người đã bỏ nước ra đi nay có về thăm quê nhà nhưng con số ttrở về sống vĩnh viễn vẫn là thiểu số. Nếu lấy quan niệm của Edward Said, một học giả Palestine xa xứ để tìm câu trả lời cho vấn đề này, chúng ta sẽ có một lời giải thích tuy không hoàn toàn thuyết phục. Edward Said được học giới thế giới coi là người tiên phong có những suy tưởng độc đáo về hiện tượng văn hóa văn chương di dân, những đóng góp của ông làm thay đỗi bộ diên văn hóa văn chương Âu-Mỹ từ ba thập niên cuối thế kỷ 20 và chắc hẳn sẽ còn tiếp diễn mạnh mẽ hơn trong thế kỷ 21. Trong quyển The World, the Text, and the Critic, [22], Edward Said cho rằng trong viễn cảnh lịch sử, cá nhân mỗi người chúng ta gắn bó với môi trường sống theo hai cách: quan hệ giòng dõi (filiation) và quan hệ hội /hòa nhập (affiliation). Trong khi phân tích những bản văn của những nhà văn Âu-Mỹ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, ông đưa ra khái niệm ‘filiation’ chỉ những mối liên hệ một cá nhân có với những nơi chốn và con người đặt cơ sở trên nền văn hóa bản xứ (gốc), nghĩa là những mối liên hệ sinh vật và địa lý; còn liên hệ do ‘affiliation’ (hòa nhập) đến sau, thay thế cho liên hệ sinh vật, do việc cá nhân tham gia vào những định chế, cộng đồng văn hóa, xã hội, chính trị v.v…Và cũng theo Edward Said đây là chuyển biến một chiều, từ ‘filiation’ sang ‘affliation chứ không ngược lại. Chúng ta thấy ngay đó là diễn biến đi từ thiên nhiên sang văn hóa. Trong khuôn khổ quan niệm của Edward Said, ta có thể coi “quê nhà” là một trong những mối liên hệ ‘filiation’ còn “nhà” của người vô xứ thuộc mối quan hệ ‘affliation’ hội/hòa nhập. Qua bản viết của những nhà văn vô xứ Việt Nam chúng ta thấy sự hòa nhập với một nơi chốn không bao giờ trọn vẹn. Tất nhiên vì không có diễn tiến ngược từ ‘affiliation’ trở lại ‘filiation’ cho nên nhà/quê nhà là một thực tại đã bị vượt bỏ, nằm trong quá khứ. Nếu quan niệm như vậy chúng ta có thể hiểu được tại sao có những người Việt đã rời bỏ đất nước và đã tương đối hòa nhập được vào môi trường mới không quay về sống ở “quê nhà” trong khi có một thiểu số người khác đã/đang trở về (nhất là những người già) vì họ đã không hòa nhập, thích nghi được với môi trường mới. Cũng có thể họ không có khả năng hội nhập nhưng vì vết thương quá khứ tang chế họ không chấp nhận trở về quê hương tuy ở chốn tạm dung họ cũng không hạnh phúc. Ngoài ra cũng phải kể đến yếu tố ở chốn vô xứ họ có con cái gia đình đã hội nhập và cuộc sống của họ không bị đàn hặc cưỡng chế về mặt tinh thần. Tuy nhiên, yếu tố quyết định theo chúng tôi là mức độ khả năng, quyết tâm hội/hòa nhập. Và ở chỗ này, nơi người trí thức, người sinh họat văn học nghệ thuật còn phức tạp hơn nữa vì khả năng hội nhập của trí thức tuy rất cao nhưng hội nhập hoàn toàn là điều không những không tưởng mà còn ngoài ý muốn của họ. Vì vậy, thay vì hội nhập, trí thức đã tìm cách thay đổi nội dung của ‘affiliation’ và việc này đã xảy ra trong những xứ Âu-Mỹ từ trên ba thập kỷ nay.
ĐÀO TRUNG ĐẠO
Ghi Chú
[1] Linda Lê, Tu écriras sur le bonheur (Paris, PUF 1999): “La tâche serait donc
d’inventer une parole qui donne à voir. Une parole à rebours de la rhétorique. Une
parole déplacée, puisqu’elle se place au Coeur de la douleur sans chercher à lénifier
cette douleur avec la panacée des mots.” P.336.
[2] Lê Thị Huệ, Bụi Hồng (California, Lũy Tre Xanh 1984) p. 120-121
[3] Lê Thị Huệ, Khởi Đi Từ Ngây Thơ Để Đến Gần Sự Thật (California, Lũy Tre
Xanh 1995) p.41-42
[4] Qui-Phiet Tran, From Isolation to Integration: Vietnamese-Americans in Tran
Dieu Hang’s Fiction, in Asian-American Writers, edited and with an Introduction by
Harold Bloom, Chelsea House Publishers, Philadelphia 1999.”Tran Dieu Hang
demonstrates that the truest Vietnamese, to borrow Welty’s apt metaphore, “put out
roots whenever…fate set[s] down and achieve their dreams by apotheosizing their
native values”:
[5] Trần Diệu Hằng, Niềm Im Lặng của Mây (California, An Tiêm 2001),p.19-20.
[6] Ibid, p.138
[7] le thi diem thuy, the gangster we are all looking for (Alfred A. Knopf 20030: In
Vietnamese, the word for water and the word for a nation, a country, and a
homeland are one and the same: nước.”
[8] Ibid, p.3: “Linda Vista, with its rows of yellow houses, is where we eventually
washed to shore. Before Linda Vista, we lived in the Green Apartment on Thirtieth
and Adams, in Normal Heights. Before the Green Apartment, we lived in the Red
Apartment on Forty-ninth and Orange, in East San Diego. Before the Red
Apartment we weren’t a family like we are a family now. We were in separate
places, waiting for each other. Ma standing on a beach in Vietnam while Ba and I
were in California with four men who had escaped with us on the same boat.
[9] Ibid, p.78: “Vietnam is a black-and-white photograph of my grandparents sitting
in bamboo chairs in their front courtyard…When I think of this portrait of my
grandparents in their last years, I always envison a beginning. To or toward what, I
don’t know, but always a beginning,”
[10] Ibid, p. 99:”There is not a trace of blood anywhere except here, in my throat,
where I am telling you all this.”
[11] Monique Truong, The Book of Salt (Houghton Miffin Company, 2003)This
book was written on two islands, in two countries, three states, and five cities. It
has been a trying, scary, but above all an amazing journey….But in the end
the metaphore of a journey is empty, utterly meaningless, without someplace and
someone to come back home to…
[13] Andrew X. Pham, Catfish and Mandala (Farrar, Strauss and Giroux 1999).
[14] Linda Lê, Lettre morte (Christian Bourgois, Paris 1999) p.103 :”Les fantomes
du passé la dévorent, le futur s’ouvre devant elle comme un néant…Elle est
devnue l’hôte inconvenant de ce monde.”
[15] Linda Lê, Voix (Christian Bourgois, Paris 1998) p47: “Je suis au pays de
mon enfance. Je cherche la maison aux volets bleus. Il ne reste qu’un tas de
cendres.”
[16] Ibid, p 48: “J’erre dans les rues du pays de mon enfance. La ville est
déserte. Partout ruines et cendres. Mon père apparait, disparait entre les ruines.
Je suis sa trace. Je pénètre dans un zoo. Les cages sont vides. Je longe un pont.
Le fleuve est à sec. Les arbres des jardins, calcinés, tendent leurs bras noirs vers
le ciel. Dans les rues, les hurlements des chiens à trois têtes me poursuivent. Le
bruit de moteur fait mal à mes oreilles. L’ Organisation a saccagé la ville, pour
que je ne puisse trouver refuge nulle part.”
[17] Linda Lê, Le complexe de Caliban (Christian Bourgois, Paris 2005) p. 91:
“Je me souviens que j’ai toujours voulu vivre dans un pays en étrange
étrangère, et que j’ai regardé la France avec un oeil étonné, comme un pays trop
connu et trop inconnu.”
[18] Linda Lê, Autres jeux avec le feu (Christian Bourgois, Paris 2002) p. 33;
“ Le dernìere phrase de mon roman, adieu definitive au pays òu je suis né, me
donnait du remords. En l’écrivant, j’avais éprouvé un sentiment de liberation,
une joie de transfuge. Et voilà que tout le plasir sauvage gôuté au moment de
romper avec mes origins se transforma en angoisse diffuse.”
[19] Linda Lê, Le complexe de Caliban, p.94: “Le text est ma patrie. Je livre
bataille à la langue, pour réparer la discorde avec moi-même, et pouvoir écrire
tantôt à l’unisson avec mon Moi, tantôt en contrepoint, en accord avec mon Non-
Moi.”
[20] Kim Doan, Sur place (Plon, Paris 2003) p.25:”…la rue n’est guere
différente de son souvenir, mais alors qu’elle reste debout à la regarder, elle est
étonnée de ne trouver en elle aucune des émotions qu’elle s’était attendue à
éprouver.”
[21] Ibid, p.304 : “La complexité de sa personnalité ne lui apparait plus comme
une douloureuse contradiction, mais comme un monde riche et multiple qu’il ne
tient qu’à elle d’habiter pleinement. Et, à present qu’elle se connait et qu’elle
s’accepte, elle comprend que chez elle, tout compte fait, ce n’est ni au Vietnam,
ni en France. Chez elle, c’est dans sa proper peau.”
[22] Edward Said, The World, the Text, and the Critic (Harvard University Press
1983)
© 2006 gio-o