Hiển thị các bài đăng có nhãn Toạ đàm về Ba người khác của Tô Hoài. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Toạ đàm về Ba người khác của Tô Hoài. Hiển thị tất cả bài đăng

28/6/07

Toạ đàm về Ba người khác của Tô Hoài

6.1.2007
Toạ đàm về Ba người khác của Tô Hoài

Sau khi đã giới thiệu toàn văn tham luận của các nhà nghiên cứu phê bình và nhà văn Lại Nguyên Ân, Nguyễn Xuân Khánh, Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Hữu Sơn, Phạm Xuân Thạch, Nguyễn Trọng Tân trong tọa đàm về Ba người khác do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức tại trụ sở Viện Văn học ngày 22/12/2006, talawas xin giới thiệu tiếp những ý kiến phát biểu ngắn trong toạ đàm trên. Sau đây là bản lược ghi những ý kiến trên căn cứ vào đĩa ghi âm mà chúng tôi có được. talawas

Văn Chinh (nhà văn): Không đồng ý với nhà văn Nguyễn Xuân Khánh về ý kiến ca ngợi nhà văn Tô Hoài dũng cảm. Không có chuyện táo bạo dũng cảm ở đây. Nhà văn Tô Hoài năm nay 87, người Việt Nam nói bảy mươi tuổi thì mắng vua cũng không làm sao. Tô Hoài thì 50 tuổi cũng đã như vậy cho nên đây là vấn đề tự nhiên, giống như tảng đá cuối cùng phải nảy ra Tôn Ngộ Không. Đấy là điều tự nhiên của nhà văn chúng ta.

Về ba nhân vật: Tôi (Bối), Đình, Cự. "Tôi" thì không thể là người khác. Nhưng trong truyện, ta thấy cả tôi (Bối) cũng là người khác, kẻ khác. Tôi nhớ đến cuốn Những con người và những con khác của nhà văn cộng sản Ý Elio Vittorini . Cuối sách nhà văn nói: Đừng thấy tôi là cộng sản mà cho cuốn sách này là cộng sản. Việc tôi là cộng sản là phản ánh cái tôi muốn trở thành, còn cuốn sách nói cái tôi đang là. Và Tô Hoài đang là nhà văn. Thái độ khôn ngoan nhất là phải thấy rằng đây là đại phê bình, tự kiểm điểm vĩ đại của người cộng sản chân chính.

Ba người không biết từ đâu đến: Bối từ Hà Nội, Cự từ "Khu Nem" ra, Đình thì lớt phớt tiểu tư sản phố huyện về, mà làm đảo lộn xã hội, khuynh đảo mọi giá trị cổ truyền của làng quê. Xã hội cũ thu xếp được mọi thứ vào khuôn, tạo nên sự ôn hoà ổn định, thằng cố nông cũng lấy được vợ, cô liệt cũng lấy được chồng, ai cũng có phận cả. Ba kẻ ở đâu đến nhân danh sự tốt đẹp làm đảo lộn cả, làm con tố cha vợ tố chồng. Ba kẻ này không phải ba nhân vật chính mà là đồ "ba láp", là ba người khác, họ không phải chúng ta. Bình tĩnh nhìn lại điều này thì thấy kinh khủng khiếp.

Về bút pháp: Dế mèn đến ba mươi tuổi tôi mới đọc và không thích lắm. Tôi chú ý đến Tô Hoài đầu tiên là truyện ngắn “Một người bạn” nói về một người bạn cũ bây giờ sống ở nước ngoài có bộ râu dài phương Đông thay con khỉ đã chết làm marketing cho nhà hàng. Tôi có lần nói với ông: "Chú viết có kỹ thuật". Ông trừng mắt, có lẽ vì giới nghệ thuật thường mặc cảm định kiến với chữ kỹ thuật. Tôi phải nói rõ: "Chú có 2 gram cảm xúc trong người thì truyền được đến bạn đọc đúng 2 gram cảm xúc, không dính những câu chữ ôi a."

Cũng viết về CCRĐ, nhân vật của Ngô Ngọc Bội hay Dương Thu Hương khôn hơn thời đại, còn nhân vật của Ba người khác rất giống nhân vật của Anatoli Kim (Nhà văn Nga gốc Triều Tiên), một anh nông dân chỉ nhìn từ lưng con người trở xuống, còn bên trên nữa thì anh ta không hiểu. Tôi rất bất ngờ và đặc biệt kính trọng Tô Hoài là ông cho người đàn bà liệt đập đầu vào cối đá, cái cối đá thủng kích thích nhân tính con người, đó là bút pháp hiện đại. Thằng Bối không biết nhưng độc giả biết.


Kết luận: đây là cuốn sách của người cộng sản chân chính. Đã là Tô Hoài của Cát bụi chân ai, Chiều chiều thì phải có Ba người khác.

Châu Diên (nhà văn): Tôi xin có ý kiến về bút pháp của Ba người khác.

Trong tất cả văn phẩm của Tô Hoài xưa nay không có vấn đề tâm lý nhân vật, riêng quyển này thì có vấn đề tâm lý nhân vật. Tất cả các nhân vật đều là những người không biết họ sống thật hay giả dối, có hai vẻ mặt cùng một lúc, không biết là họ lên đồng thật hay giả vờ. Chính vì thế mà Tô Hoài rất tinh tế đặt tên là “ba người khác”, chứ không phải là “ba người ấy”. Đó là chúng ta đấy, chúng ta đương rất cynique, chúng ta đương thấy sai thấy đúng mà cứ lờ lớ lơ, bài học đó vẫn dùng được cho chúng ta trong ngày hôm nay. Ba người khác nói đến sự tha hóa, alienation, chứ không phải là nói cái tôi, ta, địch… Tất cả những cái đó là vô nghĩa, là vật liệu, nhà văn có thể dùng cái này hay cái kia… Tô Hoài dùng để nói đến sự tha hóa của con người, đó mới là cái có ý nghĩa, là sự đóng góp của văn học chứ không phải là đề tài. Đây chưa phải là lịch sử, ta chưa đưa chuyện CCRĐ vào nhà trường, vì vẫn coi là chuyện hiện tại. Không phải là tiểu thuyết lịch sử, lịch sử là phải viết hoang tưởng, hư cấu theo ý mình dựa trên một thời kỳ đã qua, còn đây chưa qua, nhiều người còn sống, tâm lý nhân vật là tâm lý những người đương đại chứ không phải người đã chết. Đóng góp lớn nhất về bút pháp là sự thay đổi từ chỗ không để ý tâm lý nhân vật (“Vợ chồng A Phủ” không có tâm lý, Dế mèn khong có tâm trạng) sang có tâm trạng của những người rất hiện đại. Trạng thái hiện đại của những con người đang sống bây giờ đó là sự tha hóa.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên bình thêm: Ba người khác thì nhiều người nghĩ là ba người sau cải cách, ba anh đội trở lại đời thường, ý kiến của tôi là ba người khác nhập vào và sai khiến họ.

Nguyên An (nhà phê bình): Chắc chắn người ta còn quay lại bàn về cuốn sách này, nó là cảm hứng lịch sử, tiểu thuyết lịch sử. Cái khác những tiểu thuyết lịch sử khác là Tô Hoài coi sự kiện, năm tháng ấy mà người Việt Nam mình trải qua như điểm nhấn, như phép thử, để nói lên rất nhiều điều. Rất rõ sự tàn phá, sự khủng khiếp ghê gớm của những con người tưởng không đâu, khi được gom lại và giao một việc đã tạo ra sức mạnh tàn phá ghê gớm, sự tàn phá phá vỡ cấu trúc lịch sử, phá vỡ cấu trúc làng xã, phá vỡ không gian văn hóa, phá vỡ truyền thống. Có thể nói đây là một trong những cuốn đáng kể nhất về đề tài CCRĐ. Những cuốn khác cũng nói lên sự tàn phá, sự giả trá đến mức cạn kiệt phi luân của những người đi làm cải cách, nhưng khác những cuốn kia ở chỗ bác Tô Hoài nhấn mạnh cái khía cạnh tình dục, bản năng. Điều ấy có thể thông cảm được nhưng có điều nó nhơ nhớp quá, phi luân quá, viết khiếp quá.

Hiện đại hay không hiện đại, mới hay không mới, nhà văn cứ viết theo sự hiểu biết, cảm hứng, khát vọng của mình. Là tiểu thuyết lịch sử hay phong tục, đó chẳng qua là do cách nhìn khác nhau của các nhà phê bình thôi. Tô Hoài mô tả và phản tỉnh, tự kêu lên, tự hét lên cho mọi người biết ở nước ta có một thời đớn đau như vậy, tàn bạo như vậy, bi thương như vậy.

Lê Sơn (dịch giả): Tôi là người ở Trung Quốc từ năm 13 tuổi, được chứng kiến "thổ cải" ở bên đó. Tôi thấy Ba người khác tái hiện được bầu không khí cải cách ruộng đất của nước ta nó giống y xì Trung Quốc, còn hơn Trung Quốc. Tôi được đọc hồi ký của một ông cựu trưởng ban tuyên giáo trong đó có nói đến "10 nỗi đau của cụ Hồ". Cụ Hồ chỉ là muốn giảm tô thôi, nhưng do sức ép của Trung Quốc bắt phải làm CCRĐ, sau hậu quả đó cụ Hồ khóc.

Đây là một trong những đỉnh cao của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, tái hiện không khí tâm lý của những người trong cuộc. Đây là lời sám hối và tiếng kêu. Người đọc thấy cũng có mình ở trong đó. Ba người khác là chúng ta và mặt khác của chúng ta.

Phan Thị Thanh Nhàn (nhà thơ): Trong Ba người khác có đến ba nhân vật đều dâm ô cả, như thế thì nặng quá, liều lượng như thế thì hơi quá.


Hà Minh Đức (nguyên Viện trưởng Viện Văn học): Vấn đề cải cách ruộng đất cho đến nay vẫn chưa giải quyết xong, nó là một đề tài lớn. Ngô Ngọc Bội, Dương Thu Hương… mỗi người có một cách nhìn, có nhiều kiểu nhìn khác nhau, có người là cán bộ chính trị, có người là nạn nhân, có người khách quan. Vấn đề nông dân đánh giá khó lắm.

Tô Hoài có rất nhiều điều kiện viết về đề tài này:
1. Trực tiếp tham gia phong trào, có cái nhìn bao quát;
2. Không dính dáng gì các quan hệ giai cấp, nên có cái nhìn khách quan;
3. Rất am hiểu về nông thôn.
Nông thôn từ trước cách mạng đến nay vẫn thấy anh liên tục khám phá. Tô Hoài có rất nhiều vốn sống về CCRĐ nhưng anh chọn cách thông minh: không viết tự truyện. Nhân vật Bối linh tinh lắm, tự truyện không thể nào viết được.

Nhiều đoạn tả hay, ví dụ cảnh đấu tố, cán bộ thâm nhập ba cùng… Những người tôi quen có đi cải cách thừa nhận cán bộ đội cứ đưa rễ chuỗi ra ổ rơm phát động, phát một lúc là động ngay. Đội cũng chỉ là những chàng trai 30, những chuyện như thế cũng là dễ hiểu.

Không khí trong cuốn này là không khí hiện đại. Tư duy của Tô Hoài hiện đại, cách nghĩ lấy sự thật là cơ bản, không bị rào cản nào cản trở. Ngôn ngữ tự nhiên, mộc mạc. Ngôn ngữ Hồ Xuân Hương trong văn xuôi, cựa quạy.

Có người nói tả làng quê nhếch nhác quá, nhưng nông thôn vô cùng khác nhau, đây là nông thôn của vùng địch vừa rút đi nên có không khí xã hội tan rã, có nhiều yếu tố nhếch nhác, trai gái nhiều…

Cái kết hơi gò, hơi dang dở, không thể nói Tô Hoài nên tìm kết khác, nhưng theo tôi so với tổng thể thì phần kết chưa được ưng ý. Cuốn Ba người khác nhiều điểm rất hay nhưng nhiều điểm trình độ tôi chưa tiếp thu được, có khi phải vài năm nữa.

Văn Giá (nhà phê bình): Tôi có ba ý nhỏ:
1. Vấn đề tính dục trong tác phẩm: Việc trai gái rủ nhau đi ăn nằm có chỗ như gà, cô Đơm cô Duyên… hình như nói lên ý nghĩa sức sống của con người. Trong thời đói như thế, tan nát như thế, khốn nạn khốn khổ như vậy, đe doạ, trấn áp như vậy mà đêm đêm cứ rủ nhau đi ăn nằm. Mô tả tính dục ở đây có ý nghĩa lớn hơn là sự phê phán cái vô luân: đó là sức sống của con người, lòng ham sống, quyết liệt sống, khẳng định sự sống, khẳng định sức sống của người Việt, của văn hóa làng Việt.

2. Nhà văn viết giọng điệu bao trùm là cười cợt, như không, vui với nó, đùa với nó, cái nhìn humour hài hước: tức là ông cởi bỏ được mọi thứ ràng buộc, mọi thứ đe nẹt, cởi bỏ luôn trong định kiến của mình và của xã hội, đạt tới cảnh giới hoàn toàn tự tại, không vướng bận một chút gì. Ngòi bút và sức viết hết sức phóng túng, thoải mái, nói ra được hết những gì ông chiêm nghiệm về cuộc đời này. Điều đó rất quan trọng. Các nhà văn của ta viết vẫn rón rén, tính toán ghê lắm, riêng Tô Hoài không còn hãi gì cả, nên ông viết rất vui và rất tưng tửng.

3. Đám đông người Việt kinh khủng, a dua, nếu không được chèo lái cẩn thận, sẽ phá huỷ, hủy diệt cuộc sống. Khi một đám đông bị hướng dẫn bởi lực lượng tăm tối và phản động nó sẽ có sức hủy diệt sự sống. Cho thấy tầm vóc tác phẩm càng lớn và càng đáng nể.
Ba người khác là một trong những tác phẩm thiết yếu để con người phấn đấu làm người lương thiện, nâng cao chất lượng sống và nhân văn cho con người chúng ta.

Nguyên Ngọc (nhà văn): Cách viết hay, độc đáo về CCRĐ. Không viết về nông dân mà viết về ba anh đội. Hoá ra cái thảm kịch của đất nước, xã hội, là do ba cái anh lăng nhăng. Những cuốn khác viết về nông dân là nạn nhân, nhưng đây là lại là thủ phạm. Ba kẻ chẳng có kiến thức gì cả, tự nhiên làm đảo lộn hết cả xã hội, cả mấy nghìn năm văn hoá (ý của Hoàng Xuân Hãn nói về tác hại của CCRĐ). Xã hội ta bây giờ trở nên thế này một phần là vì cái đó. Văn hoá bị phá vỡ bởi ba cái ông lăng nhăng, làm như đùa như chơi thế thôi, nhưng hoá ra là bi kịch kinh khủng. Có yếu tố đúng là tình huống Kafka, như trò cười, phi lý. Nói là đề tài CCRĐ cũng được, nhưng vượt ra ngoài đề tài. Không chỉ là sự tha hóa của nông thôn, mà là sự tha hóa của xã hội, tầm khái quát lớn. Đề tài cụ thể, nhưng khái quát giai đoạn, một thời bi thảm trong lịch sử của chúng ta.

Về bút pháp, văn học chúng ta còn lâu lắm mới thoát ra bút pháp sử thi. Tô Hoài đã thoát ra từ Cát bụi chân ai, Chiều chiều, nhưng đó là tự truyện, đến Ba người khác mới là hư cấu. Đó là bút pháp hiện đại, mỉa mai, dửng dưng, cười cợt, tạo nên sức mạnh của văn học.

Ở tuổi cao như thế mà anh đã cho ra một tiểu thuyết hàng đầu, xin chúc mừng anh.

Văn Long (nhà thơ): Việc xuất bản sách này là một sự dũng cảm. Dường như khi người ta đủ mạnh người ta mới dám đưa ra những sai lầm của mình. Sau WTO, sau APEC hình như ra cái này dễ dàng hơn. Trung Quốc dám nói về sai lầm CCRĐ, Cách mạng Văn hoá nhưng ta không dám nói. Nay đã có mở ra.

Về nội dung cuốn sách: Với những con người thiếu hiểu biết như thế này thì làm gì mà không mắc sai lầm. Hoàn cảnh dẫn họ đến sai lầm. Tác giả dựng lên được hoàn cảnh ấy.

Cái kết: một động tác có thể là để tự vệ, một cái khôn của tô Hoài để tự vệ chăng? Cho Cự chiêu hồi để chứng tỏ nó là thằng xấu, kẻ xấu từ trong trứng vẫn là xấu, chứ không phải tiêu biểu cho cán bộ ta.

Nhà văn Tô Hoài: Tôi viết nhiều quá, nên tất nhiên nhiều người thích và không thích, viết Ba người khác cũng như những quyển khác, viết xong quyển này rồi lại viết quyển khác. Lúc đầu tôi không chú ý đến nó bằng Chiều chiều là quyển đến nay chưa được in lại. Có lẽ sau quyển này tôi sẽ thử hỏi xem có NXB bản nào in lại Chiều chiều không. Người ta bảo không cho in lại có lý do là vì tôi chửi trường Nguyễn Ái Quốc [1] , nhưng tôi có chửi đâu, tôi đi học trường ấy 2 năm thì tôi viết, thế thôi.

Tôi viết thì nói chung và nói riêng đều viết như thế, bao giờ cũng viết bằng cái thực tế nhất định cộng với một chút mơ màng. Ba người khác cũng thế, tôi chỉ là anh Bối thôi. Anh Bối không biết gì nhưng anh Bối đi cải cách ba lần nên viết được. Tôi đi cải cách ở 3 nơi thuộc Thanh Hóa (Hậu Hiền, Nông Cống, Ba Làng). Mấy nơi như thế, đội của tôi được tiếng là đánh địch giỏi, có thành tích, nên được điều ra Hải Dương vùng tập kết 200 ngày, địch mới rút, không qua giảm tô mà làm ngay cải cách. Nói như thế để thấy được tôi toàn viết về thực tế cộng một cái gì đó mơ màng xung quanh. Nhân vật tôi miêu tả, nhân vật trung tâm cuộc cải cách tôi lấy thực tế từ hai nơi Nông Cống và Hải Dương, hầu như nhân vật, tên và hoạt động rất thật. Có những đoạn, vấn đề tôi gán ghép, ví dụ như phần Đình làm trang trại đại đồng, đoạn trước và sau thời kì cải cách, có đoạn thực tế nhưng tôi vá đáp lại. Cái nhân vật như là Huỳnh Cự, thì sau cải cách rồi, Cự về bộ đội rồi, một hôm tôi nghe đài Sài Gòn nói 2 giờ chiều nay đại tá Huỳnh Cự đi họp chống cộng ở Đài Loan về sẽ nói chuyện, tôi lạ quá. Đến chiều 2 giờ tôi nghe đài Sài Gòn thì đúng là Huỳnh Cự thật, nó vẫn nói "thưa đòm bào". Sau này mới biết trong kháng chiến chống Mỹ có hai nhân vật đầu hàng địch. Thứ nhất là Tám Hà, thằng thứ hai là thằng Huỳnh Cự. Cái đoạn cuối anh Khánh [2] nói nó yếu, tôi cũng chịu là nó yếu, tôi bị thích quá cái sự thực ấy.

Tôi làm toà án nhưng không giết ai, nên sau tôi vẫn về lại Nông Cống, Hải Dương bình thường. Câu chuyện tôi làm toà án cũng lạ lắm, nó như thế này: Khi ta cải cách, đài Sài Gòn rêu rao nói ta vi phạm nhân quyền, CCRĐ giết người không có toà án xét xử gì cả. Lúc đó tôi ở Thanh Hoá, không biết tại sao ông Hồ Viết Thắng [3] (đi Volga mặc quần áo nâu) biết trong đội cải cách ở Thanh Hoá có anh nhà báo nhà văn, thế là tôi được gọi làm chánh án. Tôi sáng tác hàng nghìn khẩu cung (cứ nửa trang một) đem vào nhà tù cho phạm nhân điểm chỉ, ký tên. Tôi sợ họ kiểm tra nhưng rồi cũng không ai kiểm tra việc ấy. Cũng là việc "sáng tác" đó.

Phạm Xuân Nguyên: Vì sao bác đổi tên truyện từ Chuyện ba người thành Ba người khác?

Tô Hoài: Vì Chuyện ba người không được in, tôi chán nên đổi văng mạng, còn cứ đem phân tích thì vẽ vời ra thôi.

Nói tiếp về cái kết: Anh đặc công quê ở Hải Dương giết Huỳnh Cự là chuyện thật tôi được biết. Tôi cải cách cũng hiền lành thôi nên vẫn về Nông Cống, Hải Dương. Năm ngoái năm kia trên báo Tiền Phong đã in ảnh tôi chụp với rễ chuỗi ngày xưa.

Phạm Xuân Nguyên: Còn chuyện quan hệ với rễ chuỗi thì sao?

Tô Hoài: Có khi có có khi không. Có khi ôm ấp rễ chuỗi nhưng nó bảo nó "có tháng". Các cậu ở Hải Dương sau này vẫn giao thiệp với tôi, chính họ kể chuyện cho tôi nghe rằng đặc công giết Huỳnh Cự là người làng ấy. Tóm lại là tôi viết chuyện rất thật, nhưng cũng có đôi chút mơ màng.

Tôi ước ao những vấn đề lớn như về thời kỳ bao cấp nếu có cái ai viết trào phúng kiểu Xuân Tóc Đỏ thì tuyệt vời.

Nguyễn Văn Thành (Viện trưởng Viện Sân khấu) nêu ba câu hỏi:
1. Thưa bác Tô Hoài, có người nói rằng bác tả rất nhiều về thân xác, tình dục, có phải muốn nói là cải cách ruộng đất chỉ khuấy động phần thú vật trong con người hay không?

2. Xin bác nói rõ hơn về mối liên quan giữa truyện Ba người khác này với Cát bụi chân ai, Chiều chiều. Có phải nó nằm trong một chuỗi những sáng tác gần nhau nằm trong cái chung của bác không?

3. Nếu có người muốn chuyển thể tác phẩm của bác sang sân khấu, điện ảnh, bác có suy nghĩ như thế nào?
Tô Hoài:
 Về chuyển thể: khó khăn mà cũng không khó khăn, khó là có giả nhiều tiền không?

 Về tình dục, đấy là quan điểm của tôi chứ không phải chỉ trong Ba người khác . Ví dụ như trong tiểu thuyết Mười năm, viết năm 57, tôi đã tả hai người yêu nhau trong lúc sắp chết đói.

 Ba người khác chả liên quan gì đến Chiều chiều. Chiều chiều thì tôi đi tu.
Hoàng Minh Tường (nhà văn): Tôi cảm ơn hai người: tác giả Tô Hoài và Nhà xuất bản Đà Nẵng. Từ lâu tôi đã nêu câu hỏi: Tại sao văn học chúng ta thấp kém so với Trung Quốc? Họ đi trước chúng ta 20 năm (Mạc Ngôn, Dư Hoa…). Tôi nghĩ nếu ta viết như Phong nhũ phì đồn (của Mạc Ngôn) thì không thể xuất bản được. Nếu theo cách nhìn của ta thì chắc ĐCS Trung Quốc là phản động. Vậy nếu các nhà văn Trung Quốc tài ba, thì các nhà xuất bản Trung Quốc tài bảy và Ban Văn hoá tư tưởng Trung Quốc tài mười. Nay tôi cũng muốn nói nếu Tô Hoài tài ba thì NXB Đà Nẵng tài bảy và nếu chúng ta chấp nhận Ba người khác này như một cách nhìn lại sòng phẳng lịch sử thì chúng ta tài mười. Và cơ hội hội nhập của ta đã mở.

Cuốn sách thể hiện sự dũng cảm và tư cách công dân của nhà văn Tô Hoài. Nhà văn phải nhìn lại lịch sử, nhìn nhận lại dân chủ, tập làm dân chủ.

Trên trang web của nhà thơ Trần Nhương mới đây có bức tranh nàng Joconde ôm cụ Tô Hoài với dòng chữ "Cát bụi chân ai". Kèm theo đó là bài thơ tặng Tô Hoài:

Chiều chiều, Cát bụi chân ai
Và Ba người khác, Tô Hoài là tư
Tuổi cao sức viết còn dư
Sông Tô cứ chảy từ từ vậy thôi."
Tôi muốn chữa lại câu cuối thành "Sông Tô vẫn chảy lừ đừ ra khơi", lừ đừ ra khơi thì gớm lắm.

Tô Hoài: Tôi sắp có một tập bút ký, tên là Giấc mộng ông thợ dìu (không phải "thợ rìu")

Bằng Việt (Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội): Những tác phẩm như Ba người khác có ý nghĩa rất lớn: nhìn lại một cách sòng phẳng những sai lầm của chúng ta trong quá khứ. Không chỉ CCRĐ, mà hợp tác hoá nông nghiệp, rồi cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Những cái ấy làm kéo lùi sức sản xuất. Và thậm chí khiến người ta phải nghi ngờ: không biết "đổi mới" bây giờ có thật sự hay không, hay là sau một thòi gian lại "đánh" tư sản? Phải dũng cảm nhìn lại sai lầm mới rút ra được bài học cho hiện tại và tương lai.

© 2007 talawas



[1]Trường Đảng cao cấp của ĐCSVN (các chú thích trong bài đều của toà soạn)
[2]Xem tham luận của Nguyễn Xuân Khánh
[3]Bí thư Trung ương Đảng đặc trách CCRĐ