Hiển thị các bài đăng có nhãn Việt Nam trong bão dông kinh tế. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Việt Nam trong bão dông kinh tế. Hiển thị tất cả bài đăng

27/2/09

TRAN BINH : Việt Nam trong bão dông kinh tế

Hồ sơ - Tài liệu
Các hành động Việt Nam trong bão dông kinh tế
Trần Bình Cập nhật : 20/02/2009 18:04
Liệu rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục từ cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra từ đầu năm 2008, và vượt qua được những khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới gây ra, hầu có thể giữ được sự ổn định và đà phát triển?




Việt Nam trong bão dông kinh tế




Trần Bình



Cơn sốt lạm phát vừa tạm hạ nhiệt, thì nền kinh tế Việt Nam lại phải đối đầu với bão dông kinh tế thế giới. Những nét tương đồng về ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế lần này và cuộc khủng kinh tế Á châu năm 1997-1998 đối với nền kinh tế Việt Nam đã được một số nhà nghiên cứu nêu lên. Song, sự khác biệt cũng rất sâu sắc, không những vì độ mở của nền kinh tế Việt Nam hiện nay khiến nền kinh tế bị chấn động mạnh từ các biến động bên ngoài, mà còn vì qui mô của cuộc khủng hoảng. Các cường quốc kinh tế vốn đã từng góp phần cứu vãn cuộc khủng hoảng kinh tế Á châu trước đây, nay chính bản thân họ cũng đang phải khốn đốn đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Liệu rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục từ cuộc khủng hoảng tài chính xảy ra từ đầu năm 2008, và vượt qua được những khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới gây ra, hầu có thể giữ được sự ổn định và đà phát triển là câu hỏi mà các tổ chức tài trợ quốc tế và các nhà nghiên cứu đang rốt ráo tìm câu trả lời. Những dữ kiện cập nhật và các phân tích gần đây của Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), báo chí trong nước, và gần đây nhất là Bài Thảo luận Chính sách số 4 của nhóm Harvard, cho ta một bức tranh toàn cảnh về hiện trạng và viễn cảnh của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh của nền kinh tế thế giới đầy biến động. Các luận điểm tương đồng hay dị biệt giữa các phân tích soi rọi các góc cạnh khác nhau, làm sáng tỏ thêm những vấn đề cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam hôm nay.



*


I. Sự ổn định vĩ mô và sự phát triển trong bối cảnh của cuộc khủng hoảng kinh tế:


1. Các biện pháp thực thi chính sách tiền tệ và tài khóa thắt chặt cung tiền tệ qua các nỗ lực giảm tín dụng và đầu tư công đã có tác dụng tạm thời kiềm chế lạm phát. Song một nguyên nhân quan trọng khác đã giúp giảm áp lực lạm phát là giá cả hàng hóa trên thế giới giảm mạnh, hệ quả của cuộc khủng hoảng kinh tế. “Trong nửa cuối năm, tình hình mang tính chất của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Trên thực tế, các số liệu lạm phát đã cho thấy có cải thiện đáng kể trong thời gian cuối năm do giá cả hàng hóa toàn cầu giảm xuống vì khủng hoảng kinh tế toàn cầu” (1) (ADB). Mức lạm phát năm 2008 khép lại với con số 19,89% (2), thấp hơn đáng kể so với các dự báo đưa ra vào các thời điểm mà mức lạm phát tăng vọt trong sáu tháng đầu năm. Theo dự báo của IMF, lạm phát vào cuối năm 2009 sẽ giảm xuống còn 1 con số, chủ yếu là do giảm giá hàng hóa trên thế giới (3) (IMF).

Tuy nhiên, các phân tích của nhóm Harvard lại nhấn mạnh đến những nguyên nhân sâu xa mang tính cơ cấu của lạm phát, và do đó cho rằng việc giảm cung tiền tệ và tiết chế đầu tư công mới là nguyên nhân chính đưa đến giảm phát. Quan điểm này dựa trên luận cứ rằng, trong khi các nước khác trong vùng cùng chịu tác động giá cả bên ngoài như Việt Nam, nhưng lại có mức lạm phát thấp hơn nhiều. Nhóm cũng đưa ra con số đầu tư của khu vực nhà nước giảm 45 ngàn tỷ VND (tương với 2.6 tỷ USD) trong cuối nửa năm 2008, và tỷ lệ giảm tín dụng rất cao vào những tháng cuối năm, qua biểu đồ dưới đây (4) (Harvard). Đây cũng là luận cứ cơ bản làm nền cho các phân tích và đề xuất về sau của nhóm.




Nguồn - Harvard:
Số liệu lạm phát và tăng trưởng tín dụng của Ngân hành Nhà nước
và số liệu giá dầu thô của Global Financial Data.
Ghi chú: số liệu tháng 12/2008 là ước tính.



2. Giá cả hàng hoá giảm do kinh tế toàn cầu suy thoái giúp hạ nhiệt lạm phát, song đồng thời cũng làm chậm đà phát triển của các nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa như Việt Nam, hiện là quốc gia có tỷ lệ xuất khẩu vượt quá 70% GDP. Vì vậy, “cán cân rủi ro đang chuyển từ lạm phát sang phát triển” (IMF). Theo dự báo của IMF, năm 2009, nền kinh tế của các nước phát triển sẽ bị suy thoái (- %), mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là 5%, giảm từ 6.23% của năm 2008. Mức tăng truởng 6.23% của năm 2008 thấp hơn đáng kể so với 8.5% của năm 2007, và là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1999 (5).

Tuy nhiên, với nhận định rằng các nguyên nhân sâu xa bên trong gây ra lạm phát vẫn chưa được giải quyết đến ngọn ngành, nhóm Harvard cho rằng cán cân rủi ro về lạm phát vẫn còn rất đáng ngại vì “gói kích thích tiền tệ và tài khoá do chính phủ đề xuất ”. Luận điểm này sẽ được khai triển ở phần II.

3. Trong đoản kỳ, nền kinh tế Việt Nam còn phải vượt qua nhiều thử thách: “Đây là những thách đố phức tạp, vì chính phủ phải đồng thời đối phó với mức thâm hụt lớn của cán cân thanh toán (tài khoản vãng lai), lẫn tình trạng yếu kém của các khu vực ngân hàng và doanh nghiệp, đặc biệt khu vực doanh nghiệp nhà nước”. Mặt dù dự báo rằng cán cân thanh toán năm 2009 sẽ được cải thiện – mức thâm hụt dự kiến sẽ giảm từ 12% GDP năm 2008 xuống 9% – do nhập khẩu có khả năng giảm nhiều hơn mức giảm của xuất khẩu và kiều hối – song IMF cảnh báo rằng: 9% GDP vẫn là một con số thâm hụt lớn, và khi kết hợp với mức dự trữ quốc tế tương đối thấp (tương đương với ba tháng nhập khẩu), có khả năng gây tổn hại đến nền kinh tế (IMF).

Tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán luôn là một trong những vấn đề hàng đầu của nền kinh tế Việt Nam. Song, từ nhiều năm qua, khi nền kinh tế phát triển thuận lợi, cán cân thanh toán tương đối ổn định, nhờ vào sự bù đắp của các nguồn thu ngoại tệ (cán cân vốn), bao gồm FDI, kiều hối, ODA, đầu tư gián tiếp (FII – chứng khoán), và du lịch. Tuy nhiên, sự mất cân đối đã trở nên nghiêm trọng hơn trong những năm gần đây, nhất là từ khi xảy ra những biến động kinh tế trong và ngoài nước hồi đầu năm 2008.





Nguồn: IMF; lãi suất cho vay bình quân 2008 là ước tính của Harvard.



4. Sự thâm hụt cán cân thương mại (nhập siêu) do nhập khẩu tăng nhanh và cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu, thể hiện rõ qua biểu đồ dưới đây, là nguyên nhân chính của sự mất cân đối của cán cân thanh toán từ nhiều năm qua, đặc biệt trong hai năm 2007, 2008. Tỷ lệ nguyên vật liệu nhập trên thành phẩm cao, đầu tư công kém hiệu quả, và thâm hụt ngân sách là những nguyên nhân thường được đề cập, song Ayumi Konishi, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam, còn cho rằng “Thực tế, một phần lớn trong thâm hụt thương mại ở giai đoạn đầu năm là do nhập khẩu mang tính đầu cơ và đề phòng vì nhiều người đã cố gắng bảo toàn giá trị tài sản của mình hoặc kiếm lợi nhuận bằng cách mua hàng hóa từ nước ngoài, cho dù đó là vàng, xe hơi đắt tiền, các nguyên vật liệu thô như thép, phân bón, bông, hay chỉ đơn giản là ngoại tệ như USD” (ADB). Thứ nữa, đồng tiền được định giá cao từ nhiều năm qua, khiến giá nhập cảng trở nên rẻ hơn và xuất khẩu đắt hơn, dẫn đến việc khuyến khích nhập cảng tăng, lợi nhuận xuất khẩu giảm, làm tăng thâm hụt thương mại (Hardvard).

Trong 5 tháng đầu năm, nhập siêu tăng mạnh, lên đến mức báo động, 14,4 tỷ USD, nhưng được kiềm chế ở mức thấp trong những tháng sau đó, một phần do giá hàng trên thị trường thế giới giảm mạnh, và khép lại với con số 17.5 tỷ USD cho năm 2008 (20% GDP), tăng đáng kể so với 12.45 tỷ, năm 2007 (6).







5. Hai thành tố quan trọng khác của cán cân thanh toán, được IMF nêu lên trong số những yếu tố rủi ro mà Việt Nam sẽ phải đối phó trong đoản kỳ, là xuất khẩu và kiều hối: “Là một nền kinh tế mở và nhỏ, sự suy thoái của nền kinh tế toàn cầu sâu sắc hơn – đặc biệt tại các nước phát triển, nơi tiêu thụ phần lớn sản phẩm xuất khẩu, và là nguồn kiều hối chính yếu – sẽ tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam” (IMF).

Kim ngạch Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng rất khả quan trong nhiều năm qua, như biểu đồ trên đây cho thấy. Theo số liệu ước tính của Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu cả năm 2008 của Việt Nam đạt gần 63 tỷ USD, tăng trên 29,5% so với năm 2007. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này sẽ phải chậm lại vì sự suy thoái kinh tế của các nước phát triển. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu bằng 70% GDP, và hơn 50% nhu cầu xuất khẩu đến từ Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản, là ba quốc mà dự báo tăng trưởng năm 2009 đều mang số âm (- 0.7%, - 0.5, - 0.2) (Harvard).

Từ tháng 9, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đồng loạt giảm giá mạnh. Trong hai tháng cuối năm, lượng đơn hàng từ đối tác nước ngoài của nhiều ngành hàng bị hủy bỏ hoặc sụt giảm, tiêu biểu như dệt may giảm khoảng 20% - 30% về số đơn hàng và giá, thủy sản giảm khoảng 30% đơn hàng (6). Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 1/2009 ước tính chỉ đạt 3,8 tỷ USD, giảm 18,6% so với tháng 12/2008 và giảm 24,2% so với cùng kỳ năm trước (7).


6. Kiều hối tăng nhanh trong thập niên qua, đặc biệt những năm gần đây khi lực lượng lao động xuất khẩu gia tăng mỗi năm. Kiều hối năm 2008 đạt 8 tỷ USD, tăng đáng kể từ 5.5 tỷ của năm 2007. Dựa trên số liệu kiều hối trung bình hàng năm do xuất khẩu lao động mang lại trong hai năm 2006, 2007 là 1.7 tỷ USD (8), và số lượng lao động xuất khẩu tăng 85 ngàn trong năm 2008, đưa tổng số lao động xuất khẩu hiện nay lên 500 ngàn (9), có thể ước tính kiều hối từ lao động xuất khẩu năm 2008 xấp xỉ 2 tỷ USD, hay ¼ tổng kiều hối của năm.

Tuy nhiên, kiều hối năm 2009 dự kiến sẽ giảm vì sự suy thoái kinh tế toàn cầu, đặc biệt từ các quốc gia phát triển, là nguồn kiều hối chủ yếu. Lấy trường hợp Hoa Kỳ chẳng hạn, nơi số lượng việt kiều chiếm gần phân nửa (1.3 tỷ) trên tổng số việt kiều của thế giới (10) và là quốc gia đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ cuộc khủng hoảng, con số thất nghiệp tính đến cuối tháng 1/2009 đã tới đến 3.6 triệu lao động. Thứ nữa, một số quốc gia tiếp nhận nguồn lao động lớn nhất từ Việt Nam cũng đã có những biện pháp hạn chế tiếp nhận lao động xuất khẩu. Điển hình như: báo chí Đài Loan mới đây đưa tin Ủy ban Các vấn đề lao động (CLA) của vùng lãnh thổ này đã thông báo kế hoạch cắt giảm 30.000 lao động nước ngoài trong năm 2009 ở các ngành nghề công nghệ, xây dựng và sản xuất (11). Hãng truyền thông BBC hôm 22/1 cho biết, Chính phủ Malaysia đã chính thức ban hành lệnh cấm các doanh nghiệp tuyển̉ dụng mới nhân công nước ngoài. Theo đó, các doanh nghiệp Malaysia cũng nhận được khuyến cáo rằng nếu họ có kế hoạch sa thải công nhân thì trước hết người ra đi phải là công nhân nước ngoài (12). Nhóm Harvard cho rằng “tình trạng này có thể làm dòng kiều hối giảm hàng tỷ USD”.

7. “Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn nước ngoài khác rất cần thiết để tài trợ các cân thanh toán có thể bị giảm khi nền tài chánh thế giới thắt chặt lại “ (IMF). Vốn đầu tư thực hiện sau nhiều năm tăng trưởng ì ạch, đã bắt đầu tăng mạnh trong hai năm qua, từ 2.3 tỷ USD năm 2006 lên 5.5 tỷ USD năm 2007, qua số liệu của UNCTAD (13). FDI thực hiện năm 2008 đạt 11.5 tỷ theo công bố của chính phủ. Tuy nhiên, theo cách tính của UNCTAD, sau khi phần vốn trong nước, FDI ròng của năm 2008 ước tính khoảng 8 tỷ, tăng từ 5.5 của 2007 (14).






Dự báo về nguồn FDI sẽ gặp nhiều khó khăn do cuộc khủng hoảng kinh tế, Ayumi Konishi nhận định rằng: “Chúng tôi cũng tin rằng việc thực hiện một số dự án FDI cũng sẽ gặp khó khăn, vì nhiều nhà đầu tư khó có thể thu xếp tài chính cho các dự án của họ do tính thanh khoản tài chính toàn cầu trở nên rất thấp (ADB).” Nhóm Harvard phân tích thêm: “Tạp chí Financial Times hồi đầu tháng 12/2008 đã đưa tin về dự báo dòng vốn FDI toàn cầu sẽ giảm 15% trong năm 2009… Không những thế, do tỷ lệ vốn chủ sở hữu trong các dự án mới đăng ký trong năm 2008 rất thấp, chỉ khoảng 28% (so với 43% của giai đoạn 1988-2007) và hơn 70% còn lại là vốn vay, nên tình trạng khan hiếm vốn tín dụng toàn cầu sẽ khiến nhiều dự án bị chậm tiến độ, thậm chí không thực hiện được”

Trên thực tế, đã có những tín hiệu của đà giảm này, thể hiện qua các con số FDI từ tháng 9/2008. FDI đăng ký bình quân 6.35 tỷ USD/tháng trong 9 tháng đầu năm đã giảm xuống còn 2.3 tỷ USD trong 3 tháng cuối năm (15). Đến tháng 1/2009, con số công bố vốn đăng ký, tính gộp chung cả vốn cấp mới và tăng thêm, chỉ đạt 185 triệu USD, bằng 12,5% con số tương ứng của tháng 12/2008 là 1,47 tỷ USD. Cũng theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư thực hiện trong tháng 1/2009 giảm khá lớn, chỉ đạt 300 triệu USD, bằng 78,9% so với tháng 1/2008, và giảm mạnh khi so sánh với con số 1,45 tỷ USD của tháng 12/2008 (16).

8. Với các nguồn vốn nước ngoài khác, bao gồm vốn Hỗ trợ Viện trợ Chính thức (ODA) và vốn đầu tư gián tiếp, Shogo Ichii, Trợ lý Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương của IMF, cho rằng: số lượng nợ nước ngoài ngắn hạn và vốn đầu tư trên thị trường chứng khoán của các nhà đầu tư nước ngoài là thấp, nên không đáng quan ngại (3 IMF). Nợ nước ngoài của Việt Nam hiện khoảng 18 tỷ USD (17), vẫn ở mức an toàn, vì phần lớn là nợ dài hạn với lãi xuất thấp, và tỷ lệ nợ trên xuất khẩu và trên GDP tương đối còn thấp.

Vốn ODA cam kết năm 2009 đạt con số 5,015 tỷ USD, thấp hơn 8% so với năm ngoái (5,426 tỉ USD), nhưng chưa bao gồm ngân khoản của nhà tài trợ ODA lớn nhất là Nhật Bản, do còn chờ làm sáng tỏ vụ tham nhũng liên quan đến dự án đại lộ Đông-Tây. Tổng số Vốn ODA giải ngân từ khi chương trình này bắt đầu hoạt động tại Viêt Nam, 1993-2008, là 22 tỷ trên tổng số 42,5 tỷ USD vốn cam kết (18). Mặc dù vốn ODA cam kết năm 2009 vẫn còn cao, song một số phân tích cho rằng vốn ODA giải ngân năm 2009 sẽ giảm xuống còn khoảng 1.5 tỷ, thấp hơn vốn giải ngân của năm 2008 là 2.1 tỷ USD.



9. Năm 2007 là năm tăng trưởng nhanh của vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII) trên thị trường chứng khoán. Đến tháng 6/2008, qua cuộc trao đổi với David Fernandez, Kinh tế trưởng Tập đoàn JP Morgan Chase, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã công bố vốn đầu gián tiếp nước ngoài là 8 tỷ USD (19). Vào cao điểm của nạn lạm phát lúc bấy giờ, mối quan ngại về khả năng các nhà đầu tư nước ngoài đột ngột rút vốn có thể làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát. Tuy nhiên, hiện nay, vốn FII giảm chỉ còn khoản 3.5 tỷ USD (20), do các nhà đầu tư rút dần vốn và giá cổ phiếu giảm, nên rủi ro do nguồn vốn có thể gây ra cho các cân thanh toán cũng đã giảm thiểu. Một số phân tích cho rằng vốn FII sẽ tiếp tục giảm thêm khoản 1.5 tỷ USD trong năm 2009.

10. Với lượng ngoại tệ thu từ du khách nước ngoài mang lại từ dịch vụ du dịch gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, thể hiện qua số liệu tổng hợp từ VietNamNet (21), Hiệp hội Du lịch Việt Nam (22) và VnEconomy (23) trên biểu đồ dưới đây. Tuy nhiên, trước tình thế mới, Ông Ayumi Konishi đã tỏ ra hết sức quan ngại rằng sự sút giảm của ngành hoạt động này không những làm giảm nguồn thu ngoại tệ mà còn ảnh hưởng đến đầu tư phát triển các khu nghỉ cao cấp, và cơ hội tạo ra nhiều công ăn việc làm (ADB). Nhóm Harvard còn e rằng “Các ngân hàng đã cho các dự án khách sạn vay hàng tỷ USD và sẽ không thể đứng vững được nếu như những dự án này thất bại”.

Song, cũng như các hoạt động kinh tế có liên hệ đến nước ngoài khác, sự giảm sút của nguồn ngoại tệ du lịch trong năm 2009 sẽ khó có thể tránh khỏi, vì tác động của cuộc khủng hoảng. Số liệu từ Tổng cục Du lịch mới đây cho thấy lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam tháng 1/2009 là trên 370 ngàn lượt, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm 2008 (24)





Nguồn: Bộ kế hoạch và Đầu tư (ODA) – VietNamNet,
Hiệp hội Du lịch VN, VnEconomy (du lịch)



11. Sau cùng, theo sự phân tích của nhóm Harvard, giá hàng hóa cơ bản giảm sẽ tác động tiêu cực tới ngân sách chính phủ. Thâm hụt ngân sách lên đến 5% và 4.5% và trong các năm 2007, 2008 (IMF); một con số rất đáng lo ngại, và là một trong những nguyên nhân quan trọng đã gây ra lạm phát. Theo ước tính của nhóm, “mức thiệt hại nhân sách 2009 do sự suy giảm giá dầu có thể lên tới 2 tỷ USD. Thêm vào đó, những nguồn thu khác như thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu, và thuế tiêu thụ đặc biệt đánh trên hành nhập khẩu – chiếm 16% tổng ngân sách – cũng sẽ giảm đắng kể” (Harvard).



II Phương hướng và khuyến nghị:


Quan điểm của các nhà nghiên cứu đều đồng thuận trên một số nhận định cơ bản và quan trọng:

12. Việc nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô cần tiến hành thận trọng, bởi vì khác với các nước trong khu vực, vị trí kinh tế đối ngoại tương đối yếu kém của Việt Nam sẽ hạn chế khả năng theo đuổi chính sách tiền tệ và tài khóa mở rộng (IMF). Cụ thể hơn, với cán cân thanh toán thâm hụt lớn, dữ trữ ngoại hối thấp, chỉ số lạm phát 2 con số, và ngân sách thâm thủng cao, việc nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khoá dẫn đến tăng cung tiền tệ, có nguy cơ làm cho lạm phát bột phát trở lại (Harvard).

13. Chính sách nới rộng biên độ của tỷ giá gần đây là đúng hướng, cần được tiếp tục theo phát triển xa hơn nhằm tiến tới một chính sách tỷ giá linh hoạt hơn trong điều kiện cho phép (IMF) . Đây cũng là một trong hai kế sách chính yếu của nhóm Harvard, sẽ được trình bày chi tiết hơn ở phần sau.

14. Trong trung hạn, Việt Nam sẽ tiếp tục phải đối mặt với sức ép lạm phát trừ khi có thể giải quyết dứt điểm những hạn chế cơ bản đối với tổng cung – năng lực sản xuất của nền kinh tế bị kìm hãm bởi cơ sở hạ tầng kém phát triển, những qui định kiềm chế, hệ thống trung gian tài chính kém hiệu quả và thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng phù hợp (ADB).

15. Nền kinh tế suy giảm vì tác động của khủng hoảng kinh tế có thể làm tăng thêm độ rủi ro của các doanh nghiệp trong nước và hệ thống ngân hàng. Do đó, chính sách tài khóa cần phải được tiết chế, tập trung vào các dự án hạ tầng thiết yếu, cắt giảm các dự án hiệu quả thấp, bao gồm các dự án khu vực công, và xây dựng cơ chế kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh từ các khu vực doanh nghiệp và ngân hàng, đặc biệt cần giám sát các doanh nghiệp lớn quốc doanh (IMF)

Mặc dù cùng chia xẻ với các nhận định và phân tích với IMF và ADB về những vấn đề cơ bản của nền kinh tế nêu trên, song, quan điểm nhóm Harvard cũng có những điểm khác biệt quan trọng:

16. MF khá lạc quan về tình trạng lạm phát và đặt trọng tâm chính sách vào nỗ lực phát triển: “cán cân rủi ro đang chuyển từ lạm phát sang phát triển, thì chính phủ sẽ cần phải tiến hành nới lỏng chính sách vĩ mô một cách thận trọng”. Song, nhóm Harvard vẫn lo ngại về nguy cơ của lạm phát, không tán thành các biện pháp tiền tệ và tài khóa “kích cầu” của chính phủ, và đặt trọng tâm vào chính sách cải cách cơ cấu: “Tình trạng bất ổn vĩ mô xuất phát từ những nguyên nhân xâu xa bên trong và do vậy, phản ứng chính sách thích hợp phải là những thay đổi cơ cấu. Trong bối cảnh suy giảm kinh tế quốc tế ngày một sâu sắc thì nhu cầu cải cách cơ cấu lại càng trở nên cấp thiết. Hơn nữa chúng tôi ngại rằng gói kích cầu tiền tệ và tài khóa do chính phủ đề xuất không những không đem lại tác động mong muốn mà còn có nguy cơ làm tăng gia lạm phát và rủi ro hệ thống cho khu vực tài chính”

17. Các phản bác của nhóm Harvard về gói kích thích kích cầu tiền tệ và tài khoá của chính phủ – qua kế hoạch sử dụng 6 tỷ USD nhằm hạ lãi xuất và tăng chi tiêu – dựa trên các luận cứ sau đây. Thứ nhất, Việt Nam không có những thế mạnh tài chánh khi đưa ra gói kích thích lớn như Trung Quốc đã thực hiện khi xét về thặng dư thương mại, dự trữ ngoại hối, và chỉ số lạm phát. Thứ hai, nền kinh tế Trung Quốc, cũng như các nền kinh tế lớn khác, có tỷ lệ nhập khẩu nhỏ hơn nhiều khi so với Việt Nam, và do đó gói kích thích sẽ chủ yếu đi thẳng vào nền kinh tế nội địa. Thứ ba, với nền kinh tế nhỏ có tỷ lệ nhập khẩu trong tổng tiêu dùng cao, không thể kích cầu đơn giản bằng cách tăng chi tiêu công và hạ lãi xuất, vì khi ấy, nhu cầu tăng thêm sẽ được thỏa mãn bởi hàng nhập khẩu, và việc tăng cung tiền sẽ dẫn tới lạm phát. Thứ tư, ở những nước có chế độ tỷ giá cố định như Việt Nam, khi lãi xuất giảm, doanh nghiệp và người dân sẽ không tiêu tiền, mà thay vào đó sẽ tích trữ vàng và ngoại tệ mạnh. Thứ năm, một trong những mục tiêu của gói kích cầu là tạo thanh khoản cho khu vực ngân hàng, nhưng phần lớn ngân hàng Việt Nam không thiếu thanh khoản và thị trường liên ngân hàng có tính thanh khoản tốt và hoạt động bình thường. Sau cùng, các thông tin truyền thông cho thấy chính phủ dự định tài trợ cho các dự án đầu tư công, bảo lãnh tín dụng cho một số tập đoàn lớn của nhà nước. Chính sách này không những không giúp cho nỗ lực cải thiện tính cạnh tranh của nền kinh tế, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, là những mục tiêu chiến lược, mà còn tăng thâm hụt ngân sách, và có thể phát sinh tình trạng cho vay theo quan hệ và nợ xấu sẽ trở nên thêm trầm trọng.

18. Do đó cải cách đầu tư công là một trong hai chính sách ưu tiên hàng đầu trong sách lược kinh tế do nhóm Harvard đề đạt, và có thể tóm tắt như sau. Thứ nhất, xét lại ưu tiên của đầu tư công, bằng cách tạm dừng các công trình hoành tráng nhưng kém hiệu quả kinh tế, thâm dụng vốn và phải nhập khẩu nhiều, như các dự án lọc dầu, cảng, tuyến xe lửa cao tốc Bắc Nam…và đặt ưu tiên vào các dự án thâm dụng lao động, ít nhập khẩu, tạo nhiều việc làm. Thứ hai, thành lập tổ công tác đặc biệt về đầu tư công nhằm chấn chỉnh quá trình hoạch định, xét duyệt, thực hiện và đánh giá dự án. Thứ ba, ngừng cấp giấy phép thành lập ngân hàng, công ty tài chính, bảo hiểm, và đánh giá lại các cơ cấu tài chính hiện hữu, nhầm loại trừ việc tập trung quyền lực tài chính.

19. Sau cùng là biện pháp cải cách chế độ tỷ giá, cũng do nhóm Harvard đề xuất. Nhóm nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam dựa rất nhiều vào xuất khẩu, ngày càng mở cửa đối với nhập khẩu, và có chế độ tỷ giá cố định, qua đó đồng tiền được giá cao trong nhiều năm qua. Khi VND được định giá quá cao, hàng nhập rẻ, khuyến khích nhập cảng tăng. Đồng thời, giá hàng xuất khẩu đắt hơn, làm giảm tính cạnh trạnh trên thị trường quốc tế, hạn chế mức tăng trưởng xuất khẩu. Hệ quả là thâm hụt của cán cân thương mại gia tăng, doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn vì thu lợi nhuận thấp hơn và phải cạnh tranh với hàng nhập rẻ hơn.

Vì vậy, nhóm Harvard đề xuất từng bước giảm giá VND, tức là tăng tỷ xuất. Biện pháp này cần phải tiến hành song song với giám sát chặt chẽ thâm hụt ngân sách và lãi xuất tiết kiệm. Việc thực hiện giảm giá này cũng phải có những biện pháp tránh các rủi ro, thứ nhất, vì khoảng 25% số nợ vay ngân hàng ở Việt Nam là bằng USD, và nếu các doanh nghiệp này có nguồn thu chính bằng VND, song phải trả nợ bằng USD khi đồng tiền mất giá, sẽ phải găp khó khăn hơn. Rủi ro thứ hai là khi hàng nhập nhập đắt lên, và hàng trong nước không thay thế được, buộc nhập khẩu phải tăng mạnh, dẫn đến tình trạng “nhập khẩu” lạm phát.



*


Mặc dù có những dị biệt trong việc đánh giá trọng tâm của lĩnh vực rủi ro và ưu tiên của các chính sách, song các nhà nghiên cứu điều đồng thuận trên quan điểm rằng tình trạng bất ổn vĩ mô của nền kinh tế việt nam bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu xa có tính cơ cấu, và nổi cộm hơn hết là cơ cấu hệ thống ngân hàng và đầu tư công. Những khuyết tật của của nền kinh tế đã tồn tại từ nhiều năm qua, song bộc lộ rõ hơn khi cánh cửa đầu tư và ngoại thương mở rộng dần từ hai thập niên qua, và khi cơn dông bão khủng hoảng kinh tế thế giới tràn vào. Các phân tích của các nhà nghiên cứu cũng cùng dẫn đến kết luận rằng, sự ổn định vĩ mô và sự phát triển của nền kinh tế không thể bền vững chừng nào Việt Nam chưa thực hiện các thay đổi có tính cơ cấu. Sự thiết yếu của cuộc cải cách sâu rộng này không những cần thiết để duy trì đà tăng trưởng, mà còn củng cố niềm tin của các nhà đầu tư trong giai đoạn khó khăn này.

Tuy nhiên, những cải cách liên quan đến các doanh nghiệp quốc doanh, đầu tư công, và hệ thống ngân hàng là những địa hạt nhạy cảm, địa hạt của quyền và lợi. Mặc dù các tổ chức tài trợ quốc tế đã tốn không biết bao tâm huyết, công sức và tiền bạc trong nỗ lực thúc đẫy cuộc cải cách trong các lĩnh vực này, song, cho đến nay, kết quả đạt được vẫn chỉ là những bước nhỏ nhoi. Vậy, có thể kỳ vọng gì về một cuộc cải cách cơ cấu có ý nghĩa, như nhóm Harvard đã đề xuất, sẽ sớm xảy ra?



Trần Bình – Tháng 2/2009




(1) Một năm của những tin đồn - ADB - Ayumi Konishi

(2) Lạm phát, từ bất thường đến dễ đoán – Anh Quân

(3) IMF Statements at Donor Meetings - Shogo Ishii

(4) Thay đổi cơ cấu: giải pháp kích thích có hiệu lực duy nhất - Harvard

(5) GDP năm 2008 chỉ tăng 6.23% - BBC

(6) Những điểm nổi bật của xuất nhập khẩu 2008 - Mạnh Chung

(7) Kinh tế tháng 1/2009 báo hiệu những giảm sút – Anh Quân

(8) Lao động xuất khẩu gửi về nước 1,7 tỷ USD/năm – VietNamNet

(9) Mục tiêu xuất khẩu lao động 2009: “Nếu quyết tâm thì vẫn hoàn thành” Lý Hà

(10) Tư liệu tham khảo: Người Việt Nam ở nước ngoài đầu thế kỷ XXI: số liệu và bình luận

(11) Đài Loan tìm cách cắt giảm lao động nước ngoài – Thanh Tùng

(12) Xuất khẩu lao động: Đóng cửa thị trường Malaysia? - Quỳnh Lam

(13) Country Fact Sheets - UNCTAD

(14) Tính toán vốn FDI: “Cứ theo như nước ngoài thì rất khó!” - Anh Quân

(15) FDI năm 2008 không chỉ có màu hồng – Anh Quân
(16) FDI tháng 1/2009: Kỷ lục ngược! – Anh Quân

(17) UPDATE 1-No need to devalue dong - Vietnam's PM – reuters
(18) Vốn ODA cam kết đạt hơn 5 tỉ đô la Mỹ - KinhteSaigonOnline

(19) Chúng tôi đủ khả năng giữ ổn định VND - Nguyễn Hoài

(20) Triển vọng thị trường vốn 2009: Đối diện nhiều khó khăn – Lao Động
(21) Vận hội mới của du lịch – VietNamNet

(22) Du lịch Việt Nam: "Ăn" gì để "đẻ trứng vàng"? - Hiệp hội Du lịch Viet Nam
(23) Tỷ giá VND/USD cuối năm nay ở mức nào? Dưong Ngọc
(24) Du khách đến Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước – Thúy Nhung



--------------------------------------------------------------------------------

Copyright © 2006 by Dien Dan Forum, BP 50, 92340 Bourg-La-Reine, France
diendan@diendan.org