Hiển thị các bài đăng có nhãn Những đoản khúc Lê Đạt. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Những đoản khúc Lê Đạt. Hiển thị tất cả bài đăng

27/2/09

Phạm Xuân Nguyên : Những đoản khúc Lê Đạt

Những đoản khúc Lê Đạt


Đám tang nhà thơ Lê Đạt đã cử hành sáng thứ sáu 25.4.2008 tại Hà Nội. Chúng tôi giới thiệu dưới đây một loạt bài về Lê Đạt của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên.


Những đoản khúc Lê Đạt

Phạm Xuân Nguyên

Người “phu chữ” Lê Đạt đã dừng chân trên công trường chữ sản xuất thơ ca. Trong “bộ tứ” nhà thơ thường được nhắc đến của thời Nhân Văn – Giai Phẩm, ông là người ra đi thứ ba, sau Phùng Quán, Trần Dần. Cả bốn ông rồi ra đều được trao tặng giải thưởng nhà nước về văn học nghệ thuật. Nhưng hơn hết, Lê Đạt, cùng với Hoàng Cầm, tuổi trời còn cho sống để được sống lại đời thơ của mình trong dòng chảy văn học chung của dân tộc, để được phát lộ mình dẫu muộn màng trong sự vận động mới của văn học nước nhà.

Lê Đạt trở lại với thi đàn sau gần ba mươi năm im tiếng là khắc ghi ngay ấn tượng của mình đối với giới thơ và công chúng yêu thơ. Lê Đạt của thời Cha tôi (1956) đã biết không cam chịu cảnh sống “Rũ đầu chết ngạt trong bùn / Năm tháng mài mòn bao nhiêu khát vọng”. Lê Đạt của thời Bài thơ trên ghế đá (1957) đã biết yêu tự do cho mỗi cảm xúc, tư tưởng. Khi ấy, Lê Đạt đang là một nhà thơ trẻ với tất cả sự hăng say và mạnh mẽ của tuổi trẻ cùng với một lòng tin chân thành và lãng mạn của một thế hệ vừa làm xong một cuộc kháng chiến thần thánh giải phóng đất nước. Ba mươi năm sau, khi đất nước làm một cuộc đổi mới, Lê Đạt đã ở tuổi lên lão, nhưng thơ ông nấu nung trong lò cừ tâm trí văn hóa của một người biết sống và biết đọc đã làm bất ngờ cả những người vốn chờ đợi. Không kể lớp trẻ như ông, hoặc trẻ hơn ông thời trước, họ đã bị kinh ngạc. Tập thơ Bóng chữ (1994) của Lê Đạt như một tuyên ngôn, như một thách thức người làm thơ và người đọc thơ.

Tuổi lú lẫn
ngược nhầm ga trẻ dại
Hay ngây ngô không biết lối về già
Thơ thẩn chữ ngã ba

Những câu thơ không dễ đọc do sự phối trí khác lạ âm và thanh, chữ và nghĩa, cùng với một tuyên bố nhà thơ là “phu chữ”, người làm thơ không thể chỉ biết tiêu thụ cái nghĩa tự vị của từ như trong từ điển, đã khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Chữ hay là bóng chữ mới là cốt yếu của thơ. Có người đọc thơ Lê Đạt ngộ ra những khả năng, những chân trời mới của thơ. Có người, trái lại, đọc thơ ông mà thấy như lạc lối. Một cuộc tranh luận đã bùng ra quanh Bóng chữ. Nhiều người đọc, và khá nhiều người làm thơ, đã phải nghe giảng giải thơ là gì, thơ là thế nào, như để có một chiếc chìa khóa mở cửa vào thơ Lê Đạt. Trong khi gây đột biến đó cho làng thơ, Lê Đạt vẫn âm thầm, miệt mài sự lao động chữ như khổ sai mà lại như khoái cảm của mình cho thơ. Mặc ai bàn tán, khen chê, ông cứ thẳng một đường mình đi. Làm thơ không thôi, ông còn viết truyện mượn những câu chuyện có thực trong đời các văn nhân thi sĩ cổ kim đông tây muôn đời để lật trở những vấn đề luôn là mối bận tâm hàng đầu của những ai đã trót dan díu với chữ, với thơ, đã nguyện làm phu chữ đến trọn đời. Ngay cả khi có những bạn trẻ gần đây đem ý “phu chữ” của ông đối lập một cách trật hệ thống với ý “máu chữ” của một nhà thơ khác để trách móc, phỉ báng ông, ông không chấp nê, không lấy làm điều. Với ông, được làm thơ, được sống với thơ, được cùng thơ thoả khát vọng phiêu lưu cùng chữ và nghĩa, thế là đã đủ mãn nguyện, đã sung sướng được sinh ra đời làm một người sáng tạo.

Đọc Lê Đạt ở bất cứ cái gì ông viết ra nói ra, dù đó là thơ, là truyện, là bài tản mạn hay bài trò chuyện, tôi luôn bị ấn tượng bởi cách nói, cũng tức là phản ánh cách tư duy, của ông. Một cách tư duy và một cách nói ra thành lời những điều tư duy in đậm cái nét riêng không thể lẫn trộn của Lê Đạt. Nó khiến người đọc không thể thờ ơ những điều ông nghĩ, ông nói. Nó khiến Lê Đạt vẫn hiện đại đồng hành cùng lớp trẻ đầu thế kỷ XXI. Nó khiến người ta phải nhìn lại thơ bằng con mắt duy lý, ngoài sự thành kính, đam mê, và cảm xúc. Ông không ngừng sục sạo các ngõ ngách của từ và tiếng, của chữ và lời, không ngại làm mới và không sợ bị coi là khác lạ. Cho nên mới có thơ Haikâu mang thi hiệu Lê Đạt. Có phải nhờ thế những bài thơ ông viết ở buổi mới khi thành công đã lập tức được thừa nhận và trở thành như cổ điển. Thơ Lê Đạt cổ điển trong vẻ hiện đại, đẹp trong sự tân kỳ. Tưởng nhớ ông, hãy cùng đọc lại một bài thơ thành công nhất của ông.

Bóng chữ

Chia xa rồi anh mới thấy em
Như một thời thơ thiếu nhỏ
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
mây mấy độ thu
Vườn thức một mùi hoa đi vắng
Em vẫn đây mà em ở đâu
Chiều Âu Lâu

bóng chữ động chân cầu


Cái mùi hoa đi vắng mà vẫn làm thức vườn, cái sự em ở đâu khi em vẫn ở đây – đó chính là bóng chữ của Lê Đạt, chính là thơ ông.

Người “phu chữ” đã nằm xuống


Hai tiếng “phu chữ” từ khi được Lê Đạt nói ra đã trở thành thông dụng, thành một thứ câu cửa miệng trong giới thơ và cả trong công chúng. Không dễ được như vậy nếu nó không được đảm bảo bằng chính cả cuộc đời lao động nghệ thuật thơ, lao động chữ của ông. Đối với Lê Đạt, cũng như với các thân hữu văn chương của ông Hoàng Cầm, Trần Dần, Dương Tường, làm thơ là làm chữ, là phải khổ công luyện chữ để bắt những con chữ bình thường, đơn giản với nghĩa tiêu dùng hàng ngày bật ra những nghĩa mới, những vẻ đẹp bất ngờ từ sự tương cận, cọ sát, va chạm của chúng khi đứng cạnh nhau trong một trường liên kết và liên tưởng do chính nhà thơ đưa chúng vào. Từ những bài thơ mang nặng tính hiện thực thời kỳ đầu, trải hơn ba mươi năm âm thầm đọc và học, tìm và thử trong thế giới con chữ Việt, khi hoàn cảnh lịch sử mở cửa cho ông trở lại thi đàn vào thập niên 1980, Lê Đạt đã có vàng luyện từ quặng của mình đem ra trình trước thơ. Hai tập Bóng chữ (1994) và Ngó lời (1997) của ông thực sự đã gây bất ngờ đột phá. Người đọc bước vào thơ ông với tâm trạng vừa thích thú, tò mò, vừa e dè, hoang mang. Nhưng có một điều chắc là họ đã được nhận một khoái cảm khác lạ từ những phá cách kết cấu câu chữ đưa lại những kết hợp mới của từ mà người “phu chữ” Lê Đạt đã dày công tìm tòi, thử nghiệm. Này là mùa thu “Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ”. Này là sông quê “nắng mười tám má bờ đê con gái”. Này là mới tuổi “mùa xuân phăn phăn lòng đường”. Này là tỏ tình “liễu đầu cành độc thoại đoạn trường xanh”. Ông có hẳn một kiểu thơ Haikâu, chỉ từng cặp thơ thôi nhưng mỗi lần đọc là đưa lại một khám phá, mỗi lần nhìn con chữ là lại thấy một công phu sáng tạo. Tưởng như ông gò mình vào giới hạn tối thiểu của hai dòng thơ, nhưng đấy là cách ông tự thử thách năng lực thơ của mình thông qua thử thách các khả năng biến hoá, thay đổi của chữ, để trong một diện tích tối thiểu chữ đạt được tối đa năng lượng cảm xúc thơ.

Xuân bắt đầu tàu nhanh
xanh thức ngủ
Tình tăng bo toa đỗ đoạn bạc đầu

Ngực dự hương thơm đêm mùi tuổi chín
Mắt lá tre đằng ngâm mộng ba giăng

Máy nhắn chim tin tìm mê lộ số
Lòng khác tình tìm đổi số lặng thinh


Thế hệ nhà thơ của Lê Đạt càng cao tuổi càng trẻ, trẻ trong tư duy, cảm xúc, trẻ trong cách sống. Có lẽ cái trẻ ấy của Lê Đạt đến từ tri thức ông thu nhận và tích lũy được qua sách vở tự học và từ những trải nghiệm đường đời nhiều gian truân và khổ nạn. Ông chơi nhiều với các nhà thơ trẻ, cổ vũ họ tìm tòi, khám phá, thách thức họ khẳng định mình, với ông trước thơ tất cả đều bình đẳng trong những nỗ lực sáng tạo không ngừng.

Hai tập sách gần đây nhưng đã thành ra là cuối cùng của Lê Đạt : tập truyện Mi là người bình thường và tập thơ U75 từ tình vẫn rừng rực một nỗi khát vọng sống, khát vọng thơ, vẫn nguyên khí chất Lê Đạt. “Trong tình yêu người ta thường tiêu hai thứ tiền. Và nhà thơ bao giờ tim cũng chỉ tệ mạnh. Riêng có từ vốn nặng lòng. Thơ chính là từ tình, cũng có nghĩa tự tình tức là yêu đơn thương, yêu thất tình, yêu bóng. Đó là nỗi sầu vạn cổ cũng là thách thức và niềm lạc quan ngoan cố của nhà thơ”. Lê Đạt có nhiều câu nói với nhiều cách nói khác lạ và ấn tượng như vậy về thơ, nghề thơ và về nhà thơ.

Bây giờ Lê Đạt, người “phu chữ”, đã nằm xuống, sau “một đời lao lực, một đời thơ”. Những người đọc từ nay chỉ còn gặp ông trong “bóng chữ”, và nghe ông trong “ngó lời”. Và họ biết ơn ông đã làm cho họ biết quý yêu chữ, trân trọng chữ, không chỉ là để làm thơ. Nhưng đặc biệt là nhà thơ, như Lê Đạt: “Nhà thơ là người lao động ở môi trường tâm áp cao mà không có bồi dưỡng độc hại để sản xuất giống đặc chủng cho những mùa tình bội thu”. Đó là niềm kiêu hãnh của Lê Đạt.


Bay cho cao, bay cho xa


Đó là tiếng kêu mạnh mẽ, tin tưởng của người thơ trẻ Lê Đạt hơn năm mươi năm trước, vào giữa thập niên 1950, khi đất nước vừa ra khỏi cuộc chiến tranh lần thứ nhất phân chia hai miền, nửa miền Bắc bắt tay vào công cuộc kiến thiết mới cuộc sống và tâm hồn con người. Cái mới là đòi hỏi thường trực của kiếp nhân sinh, càng là đòi hỏi lớn của thơ ca nghệ thuật, và càng là đòi hỏi cấp thiết của tuổi trẻ. Tuổi hai mươi phải dũng cảm phá bỏ ràng buộc của những lề quen thói cũ, phải không cam chịu kiếp sống an phận thủ thường làm thui chột mọi khả năng sáng tạo. Những kiếp người sống lâu trăm tuổi / Y như một chiếc bình vôi / Càng sống càng tồi / Càng sống càng bé lại. Trong bản hòa tấu những tiếng thơ khao khát làm mới mình, làm mới thơ để dâng hiến cho cuộc đời và đất nước từ giai phẩm mùa xuân 1956, Lê Đạt đã cất tiếng kêu gọi :

Mới ! Mới !
Luôn luôn Mới
Bay cho cao
Bay cho xa
Trên những vết già nua cũ kỹ
Trên lề đường han rỉ
Vượt ngày hôm nay
Vượt ngày mai, ngày kia,
Vượt mãi…

Tiếng kêu ấy đã theo ông đi trọn cuộc đời làm người và làm thơ. Bị hoạn nạn, gặp khó khăn, nhưng ông không bao giờ bỏ tiếng kêu ấy lại phía sau. Đó chính là tiếng thơ của Lê Đạt. Ông, cùng với Trần Dần, Đặng Đình Hưng, là ba nhà thơ trong phong trào Nhân Văn cách tân mạnh mẽ, quyết liệt nhất của thơ Việt nửa sau thế kỷ XX.

Cách tân thơ của Lê Đạt là ở Chữ. Ông có thể mượn câu nói của một nhà thơ Pháp để nói về mình: Hãy đập vào chữ anh dùng, thiên tài là ở đấy ! (“Hãy đập vào trái tim anh, thiên tài là ở đấy” – A. Musset). Khi văn chương là ngôn ngữ, mà thơ lại là sự tập trung xoáy sâu vào ngôn ngữ, và ngôn ngữ hiện hình trên trang giấy bằng chữ, thì sao người làm thơ lại không trăn trở, vần xoay sống chết với chữ để bắt từng con chữ biểu phát ra những ánh chiếu khác lạ về âm sắc, nghĩa lý. Lao động chữ là một thứ lao động khổ sai nhưng tự nguyện, đau đớn nhưng khoái cảm. Lê Đạt không tự gọi mình và không cho gọi mình là thi sĩ. Ông chỉ nhận mình là “phu chữ”. Nội hai chữ này thôi đã nổi lên cái chất Lê Đạt. Sự lắp ghép, kết hợp “phu” và “chữ” đã tạo ra một từ mới, một khái niệm mới, một hình dung mới, biểu đạt được công phu tử vì thơ của người thơ. Nói tới Lê Đạt, vì vậy, trước hết và trên hết, là nói tới một người lao động chữ và nghĩa. Ông đã từng viết như một tuyên ngôn: “Nhà thơ làm chữ chủ yếu không phải ở nghĩa “tiêu dùng”, nghĩa tự vị của nó, mà ở diện mạo, âm lượng, độ vang vọng, sức gợi cảm của chữ trong tương quan hữu cơ với câu thơ, bài thơ”. Ông quan niệm : Mọi câu thơ hay đều kỳ ngộ / Hẳn phải siêng năng, có lòng thành / và nhất là biết chờ / người đẹp vỏ chữ bước ra / giờ các con phe đi ngủ.

Bóng chữ (1994) tập thơ đưa ông tái xuất văn đàn là kết quả của mấy chục năm im lặng đọc, và nghĩ, và viết, vượt lên trên những hệ lụy khó nhọc của đời sống khốn khó vây níu mình. Lê Đạt trở lại đã không tụt hậu, đã vẫn mới, vẫn đủ năng lượng đốt cháy mình cho thơ, vẫn ở hàng đầu những người khổ sai và hạnh phúc vì chữ. Tập thơ lập tức gây dư luận, tạo dư chấn, và để dư âm.

Anh đến mùa thu nhà em
Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ
Mà cho đấy rửa lông mày
Nông nổi heo may từ đó

Mưa đêm tuổi nổi ao đầy
Đồi cốm đường thon ngõ cỏ
Bướm lượn bay hoa ngày
Tin phấn vàng hay thuở gió

Tóc hong mùi ca dao
Thu rất em
và xanh rất cao

Mùa thu đã được nói quá nhiều trong thơ ca dân tộc và nhân loại, nhưng bài thơ hay này của Lê Đạt là minh chứng cho một chân lý trong công việc sáng tạo: không có đề tài cũ, chỉ có người thơ không biết làm mới đề tài. Lê Đạt đã sử dụng và sai khiến các con chữ một cách sáng tạo tài tình để đưa tặng người đọc một bức tranh thu tình tứ vừa rất ca dao truyền thống vừa rất tân thời, hiện đại. Có thể tìm được trong tập Bóng chữ nhiều câu hay và khác lạ mang đúng “thi hiệu” Lê Đạt như vậy. Sớm hạ búp sen đôi gió / Sóng đòng buồm nhấp nhô thơm / Tóc liễu trường tân thơ cổ / Trời xanh côban rất Đường (Vào hè). Chữ khép lối đồi chim non câu ngủ / Trang tầm xuân cau chưa mở nụ ngà / Bến cửa ngực đèn lòng ga trăng rõi / Ngõ trắng bời bời mây nổi / U ú thiên hà tàu nhả khói ngã ba (Mới tuổi).

Tác phẩm giờ đây trở thành cuối cùng của Lê Đạt là tập U75 từ tình. Một tập sách như tổng kết cả một đời thơ lao lực đam mê của Lê Đạt khi tập hợp trong đó có những phần của các tập thơ trước và đặc biệt có những “Đoản ngôn” là những suy nghĩ, nhận xét của riêng ông, những câu truyện ông lấy ra từ cuộc đời các danh nhân đông tây kim cổ, tất cả đều xoáy vào chủ đề thơ ca và cuộc sống. Đó như một kiểu di chúc nghệ thuật của Lê Đạt. Ông đã ra đi sau khi vừa hoàn thành một cuộc hành trình dọc ngang đất nước hào sảng và thanh thản. Đọng lại với đời một hình ảnh Lê Đạt có tiếng cười to, đôi mắt hóm hỉnh, và khuất sau đó những âm thầm vật lộn trên trang viết. Tưởng nhớ Lê Đạt, cách tốt nhất là hãy học theo tinh thần của ông : “Cái mới thường vượt biên không có giấy thông hành”.

“Phó thường dân” nhà thơ

Lê Đạt xuất hiện trong các tập sáng tác giai phẩm mùa xuân, mùa thu năm 1956 bằng những bài thơ đầy nhiệt huyết công dân, đầy tinh thần cống hiến cho đất nước, cho thơ ca, khi đất nước vừa tắt khói lửa một cuộc chiến tranh và nửa nước đang trong cơn say lãng mạn. Mang tinh thần hừng hực như nhà thơ Nga V. Mayakovsky – một kiểu mẫu thơ hồi ấy ông và các bạn ông noi theo – Lê Đạt viết thơ Gửi kế hoạch nhà nước 1956 để thúc giục phải nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn cho sự nghiệp xây dựng cuộc sống mới.

Thực dân làm mười hai năm
Ta hoàn thành trong bốn tháng
Mỗi ngày thi đua cách mạng
Bằng mấy chục ngày thường
Ta nắm cổ thời gian
Quất cho phi nước đại.
Kéo ngày mai gần lại
Thúc vào lưng cuộc đời
Mở máy đến chân trời cộng sản

Ông thấy sứ mệnh của thơ là phải tham gia trực tiếp vào cuộc sống, phải đào luyện những con người là chủ nhân mới của đất nước. Làm thơ đối với người thơ Lê Đạt hồi tuổi thanh niên ấy cũng là một thứ lao động vinh quang. Nhà thơ tự nguyện được điều động, phân công để thơ có ích cho đời.

Em ơi !
Anh thức thâu đêm suốt sáng
Moi óc làm thơ
Moi tim làm thơ
Như người thợ
Chui xuống lòng hầm mỏ
Moi than moi lửa
Đốt sáng cuộc đời

Anh muốn Đảng gọi anh đến nơi
Hội ý về cuộc sống
Điều động anh vào Bộ Tâm hồn quần chúng
Giúp Trung ương
Xây dựng
Những con người

Con người mang sẵn trong mình ý chí và khát vọng cái mới như vậy đã bị đặt vào một hoàn cảnh sống nghiệt ngã, cùng với các bạn hữu cầm bút của mình, trong suốt hơn ba chục năm. Nhưng chính ý chí và khát vọng đó đã tôi luyện ông, đã giúp ông nghĩ suy bằng cái đầu của mình và đứng vững trên đôi chân của mình, vượt qua thử thách, hoạn nạn, và chiến thắng bằng Thơ. Lê Đạt là Lê Đạt ở thơ, một thứ thơ đã được chưng cất qua lò lửa văn hoá đông tây kim cổ mà ông nhóm lên từ trong gian khổ, mà ông đã kiên trì giữ lửa không để lụi tắt qua gió mưa cuộc đời, để khi được đưa ra ánh sáng thứ thơ đó đã tỏa một mùi hương thơ của người thơ Lê Đạt. Bóng chữ, Ngó lời, U75 từ tình – những tập thơ của ông, là thành quả của một đời lao động thơ cật lực của một người tự nguyện làm “phu chữ” để đưa đến cho người đọc những âm nghĩa mới lạ, tinh ròng của tiếng Việt. Hai chục năm trở lại đời sống bình thường của văn học, Lê Đạt đã để lại một dấu ấn riêng của mình trong sáng tác thơ, trong quan niệm thơ, trong hành xử thơ. Thơ Lê Đạt – ba tiếng này đã là một dấu chỉ, một “thi hiệu”, một mời gọi và thách thức. “Tôi tôn trọng những nhà thơ sinh sự với văn phạm để tạo ra sự sinh của ngôn ngữ” – Lê Đạt phát ra nhiều những châm ngôn như vậy để người đọc có cái chỉ hiệu bước vào thế giới thơ ông.

Đường về nhà em
ba mươi sáu ngõ
Nêông liễu hồ tóc gió ngã tư
Xuân lưa mưa mini mùa én đỏ
Khăn bay cờ
lòng phố cổ
lay mơ

Lê Đạt và những người đồng hội đồng thuyền với ông từ giữa thế kỷ XX đã kiên quyết khởi lên một cuộc cách tân thơ Việt, đoạn tuyệt với Thơ Mới (“thành tựu của họ đòi hỏi ta phải thử những thành tựu khác” – ông nói), đi tìm những cách biểu hiện mới cho thơ, tạo lập những giá trị chuẩn mực mới của thơ. Những tháng năm chìm trong bóng tối và im lặng ông đã cưỡng chống lại số phận bằng cách vùi mình vào những con chữ đến từ nhiều ngõ ngách văn hoá để tích hợp, hội tụ, hấp thụ và biến cải chúng thành một vốn văn hoá lớn của mình, và trên nền tảng đó ông xây cất một ngôi nhà thơ riêng. Những sáng tạo đổi mới thơ của Lê Đạt, cũng như của Trần Dần, Đặng Đình Hưng, đã đóng góp quan trọng cho tiến trình hiện đại của thơ Việt, và nói riêng đó là dấu chỉ giá trị của một phong trào văn học đã dấy lên cách nay hơn nửa thế kỷ.

Ông vừa làm một cuộc hành trình lên Tây Nguyên, xuyên miền Trung, vào Sài Gòn và bay ra Hà Nội. Chuyến đi kết thúc bằng sự yên nghỉ đời đời như một sắp đặt của số phận. Nhưng có lẽ ở bên kia thế giới ông sẽ cám ơn số phận, vì nào ta có chọn được số phận của ta đâu. Số phận đã cho ông trở thành nhà thơ Lê Đạt chứ không phải thành một nhà nào khác như lẽ ra có thể. Để ông có thể “xưng danh” một cách bình thường và kiêu hãnh rất Lê Đạt:

Phó thường dân
phố nhỏ vô danh
vô giai thoại
Thành tích
mấy trang giấy sờn
mấy câu thơ bụi
núi Vô Sơn

Thế là đủ, với ông – nhà thơ Lê Đạt.


Tiễn đưa


Trước mặt chúng ta ở đây, lúc này, nhà thơ Lê Đạt đang ở ga cuối của một hành trình.
vonghoa
Vòng hoa viếng nhà thơ Lê Đạt của Diễn Đàn
do hai nhà văn Nguyên Ngọc và Phạm Xuân Nguyên
thay mặt.

Ông đã dừng lại, sau một chuyến đi thực tế ngờ đâu là cuối đời, lên Tây Nguyên, về miền Trung, vào Sài Gòn. Chuyến đi của một đoàn các văn nghệ sĩ, trí thức tới một vùng đất cao nguyên đang là mối trăn trở, bận tâm lớn của đất nước hôm nay. Lê Đạt tham gia đoàn hăm hở, vui vẻ, nhiệt huyết, mặc dù sức khỏe ông đã sút kém. Ông đi chuyến đi này như một cuộc hành hương, một cuộc hành trình, để ngấm và ngẫm thêm về kiếp sống, kiếp người.

Ông đã dừng lại, sau một chuyến đi cuộc đời trải nhiều khúc quanh. Lê Đạt đã từng làm việc ở Ban tuyên huấn trung ương đảng cộng sản Việt Nam, ở bộ phận thư ký cho tổng bí thư đảng Trường Chinh trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Lê Đạt khi hoà bình về trên nửa nước đã biết nhận ra rất sớm những kiếp người “Hai vai nhô lên / Đầu lún xuống / Như không mang nổi cuộc đời” để rồi đánh mất mình trong “mùi ẩm mốc, tiếng mọt kêu cọt kẹt”, từ đó ông kêu gọi giải phóng con người, giải phóng thơ ca. Từng từng giọt mồ hôi / Đẫm bản đồ chính sách / Anh mở lối giữa cuộc đời ngóc ngách / Óc anh là một công trường / Mỗi dòng thơ là một cây số mới / Trên con đường đi tới Xã hội / Ngày mai / Một tiếng súng tương lai / Nổ vào đầu dĩ vãng. Lê Đạt đã lâm tình thế sau vụ Nhân Văn – Giai Phẩm ba mươi năm có lẻ chìm trong bóng tối và im lặng, khi đó chỉ có thơ cứu chuộc được ông.

Ông đã dừng lại, sau một chuyến đi thơ ca khổ ải như vác cây thánh giá lên đồi Sọ và vinh quang như được phục sinh. Thơ đã cho ông tiếng nói làm một công dân chính trực, làm một con người đứng thẳng, và làm một nhà thơ “phu chữ”. Thơ đã chứng tỏ và trình bày ông cho Công Lý, cho Chân Lý, cho cái Đẹp. Thơ đã đưa ông đồng hành cùng dân tộc và tuổi trẻ ở thời buổi mới nhiều vận hội nhưng cũng lắm bất trắc, cam go. Với chữ và thơ Lê Đạt là người tình chung, là kẻ tận hiến.

Ông đã dừng lại, sau những chuyến đi, sau một hành trình có quanh co, khúc khuỷu nhưng nhất quán, để bây giờ trước mặt chúng ta là một Lê Đạt – con người, một Lê Đạt – nhà thơ, với nghĩa đầy đủ của từ này.

Giờ phút chia tay ông ở ga cuối cuộc hành trình này, chúng tôi – những người cùng thế hệ ông, những người bạn vong niên của ông, những người đồng tâm đồng chí cùng ông, những người đọc thơ ông, như hãy còn nghe rõ tiếng ông cười sảng khoái và giọng ông vang to khi nói ra những điều gan ruột cho thơ, cho cuộc sống, cho con người. Ông đã sống trọn một cuộc đời nhân văn nghệ thuật. Ông đã khép mắt lại, nhưng chúng tôi ghi nhớ điều khác biệt ông đã chỉ ra : “Người quân tử dùng mắt để nhìn / Kẻ tiểu nhân dùng mắt để nhòm”.

Hà Nội 21 – 22 - 23 /4/ 2008
Phạm Xuân Nguyên