Hiển thị các bài đăng có nhãn quan hệ Mỹ -Việt. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn quan hệ Mỹ -Việt. Hiển thị tất cả bài đăng

28/4/10

Ông Jim Webb nói về quan hệ Mỹ - Việt

BBC Vietnamese
Cập nhật: 16:21 GMT - thứ hai, 26 tháng 4, 2010

Ông Jim Webb nói về quan hệ Mỹ - Việt

Mở đầu loạt bài nhìn lại 35 năm Cuộc chiến Việt Nam và nhìn tới nhân dịp 15 năm Washington và Hà Nội thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 7/1995-2010, BBC Tiếng Việt giới thiệu với quý vị cách nhìn của Thượng nghị sĩ Jim Webb.

Trả lời Phóng viên Hà Mi của BBC có mặt tại Washington DC, ông Jim Webb, người từng có thời gian phục vụ trong lực lượng Thủy quân Lục chiến của Quân đội Mỹ tại Nam Việt Nam trước 1975, nhận định rằng đây là một mối quan hệ có lịch sử phức tạp:

TNS Jim Webb: Quan hệ giữa Hoa Kỳ và đất nước Việt Nam có lịch sử rất phức tạp. Chúng tôi đã làm việc rất tích cực từ năm 1975 để xây dựng một cầu nối mới giữa hai quốc gia và để bảo vệ những người Việt đã cùng chiến đấu với chúng tôi trong thời gian chiến tranh. Tôi đã dùng một thời gian đáng kể của cuộc đời mình để giải quyết những vấn đề này, từ khi tôi còn ở trong lực lượng Thủy quân lục chiến cách đây đã rất lâu và đặc biệt là từ năm 1991 khi tôi lần đầu tiên bắt đầu trở lại Việt Nam. Việc xây dựng đường hướng phát triển quan hệ giữa hai nước là một vấn đề phức tạp. Kể từ năm 1995, tôi cho rằng hai quốc gia đã thực hiện được nhiều việc có tính xây dựng. Việt Nam đã có những bước đi tới, như gia nhập Tổ chức mậu dịch thế giới, rồi hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ có những đối thoại chặt chẽ. Tôi cho rằng quan hệ Hoa Kỳ Việt Nam là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất tại châu Á.

BBC: Theo ông thì cần làm gì để cho mối quan hệ giữa hai nước cải thiện hơn nữa?

Một trong những vấn đề mà tôi đã làm việc từ rất nhiều năm nay, bắt đầu từ cuối những năm 70s, đó là tìm cách thức cho phép những người Việt đã từng kề vai sát cánh với chúng tôi tái lập quan hệ với phía Việt Nam trong nước. Hiện nay có hai triệu người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ và rất nhiều gia đình đã phải trải qua những thời kỳ khó khăn sau năm 1975. Vì thế có tình trạng cay đắng, mất lòng tin từ cả hai phía và vì thế để hai bên đối thoại với nhau là một điều rất khó. Do vậy tôi đã dùng rất nhiều thời gian của mình trong rất nhiều năm qua nói chuyện và làm việc với cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ đồng thời bàn bạc với chính phủ Việt Nam và người Việt tại Việt Nam.

BBC: Chính phủ Việt Nam vẫn thường nói tới việc hòa hợp hòa giải và đó cũng là điều ông đã và đang cố gắng làm. Theo ông thì chính phủ Việt Nam đã làm gì để thực hiện được điều đó? Và còn cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Hoa Kỳ thì đã làm gì trong vấn đề này? ‎

Từ rất nhiều năm nay rất khó khởi sự các cuộc đối thoại như vậy vì cuộc chiến đã diễn ra khốc liệt ra sao và kéo dài như thế nào. Và trong những trường hợp như vậy thì họ cần một cầu nối, cần có khả năng để có thể được đưa tới bàn đối thoại. Và chính đó là điều tôi đã làm việc rất tích cực với cả hai phía, cố gắng khuyến khích đối thoại. Đó là một quá trình tiến triển khá chậm nhưng trong 3-4 năm qua tình hình đã khá hơn rất nhiều.

BBC: Ông nói tới cầu nối, vậy ông hình dung điều gì sẽ là cầu nối tốt nhất từ này trở đi?

Sự tôn trọng lẫn nhau, lòng tin, cả hai bên nhận ra những nguyên do chính đáng khiến có xung đột‎ này. Nhưng giờ đâyvới những ai quan tâm tới vận mệnh của Việt Nam, tới tương lai của Đông Nam Á thì điều quan trọng là phải đến với nhau. Tôi lấy một ví dụ nhỏ vẫn thường nói với bạn bè tại đây về chuyện tình hình đang khá hơn tại Việt Nam. Khi tôi trở lại Việt Nam vào năm 1991, tôi ở Hà Nội và đã đi lễ nhà thờ vào Chủ nhật dự lễ Phục sinh. Tôi thấy chỉ có khỏang 20 người tại Nhà thờ lớn Hà Nội và toàn là người già. Dịp Giáng Sinh vừa rồi tôi cùng vợ tới dự lễ tại Nhà thờ lớn ở Hà Nội và hôm đó có tới hơn 2000 người dự lễ. Điều đó cho thấy chính quyền đã chú ‎ý hơn tới các quyền cá nhân và chúng ta cần nhìn nhận điều đó để tiếp tục có đối thoại.

BBC: Tiếp nối câu trả lời của ông, nếu chính phủ Việt Nam đang cố gắng làm gì đó để cải thiện tình hình, thế phía cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ thì sao, họ vẫn tiếp tục biểu tình mỗi khi các quan chức cao cấp của Việt Nam tới thăm Hoa Kỳ. Liệu theo ông thì có thể làm gì?

Có những người đã bị tổn thương sâu sắc sau năm 1975 khi những người cộng sản nắm quyền kiểm soát tại miền Nam và rất nhiều người bị đi tù cải tạo, 240 ngàn người đã bị tù hơn 4 năm. Nếu một người đã từng làm việc cho Chính quyền Việt Nam Cộng hòa thì người thân trong gia đình họ cũng bị phân biệt đối xử. Vì thế có những người đang sống tại đây vẫn còn những cảm xúc bị tổn thương đó. Và tại Việt Nam cũng có những người vẫn còn giữ những cảm xúc họ đã trải qua. Vì thế điều này cần tới thời gian và đó là thực tế. Nhưng khi tôi nhìn lại 19 năm qua kể từ khi tôi bắt đầu trở lại Việt Nam, tình hình đã khá hơn rất rất nhiều giữa cả hai phía.

BBC: Ông nhắc tới những người Việt đã từng là đồng minh của ông, vậy cũng xin hỏi ông về những người mất tích trong chiến tranh. Bên cạnh những người Mỹ mất tích vốn được chính phủ Mỹ lo tìm kiếm, thế còn những người Việt đã từng chiến đấu hay làm việc cho chính phủ Việt Nam Cộng hòa, những người hiện vẫn còn bị coi mất tích, liệu họ có được sự trợ giúp nào của chính phủ Mỹ hay không?

Tôi được biết có không chỉ một chương trình thực hiện việc trở lại Việt Nam, mà đây là trở lại các trại cải tạo sau khi chiến tranh kết thúc, để tìm kiếm những thi hài những người mất tích, theo hiểu biết của tôi. Với những người chiến đấu cho chính quyền miền Bắc, bộ đội, hiện vẫn còn hơn 300 ngàn người mất tích. Có các cách thức để tìm kiếm tất cả những người này. Vấn đề tù nhân chiến tranh và người mất tích trong chiến tranh tại Hoa Kỳ đã bị sử dụng vào mục đích chính trị, như một phần của chính cuộc chiến. Không hề có một danh sách những người bị bắt giữ và nhiều gia đình thậm chí cũng không biết người thân còn sống hay đã chết. Vì thế vấn đề này động chạm rất sâu sắc về mặt tình cảm tại Hoa Kỳ. Nhưng chúng tôi luôn sẵn lòng giúp tìm kiếm thi hài những người đã tham gia chiến đấu trong cuộc chiến từ tất cả mọi phía.

BBC: Ông có thể nói rõ hơn về chương trình tìm kiếm người Việt mất tích trong chiến tranh, tìm cả người miền Bắc và miền Nam?

Chương trình tìm kiếm những người Việt mất tích của phía miền Nam là những người bị chết trong các trại tù cải tạo sau khi cuộc chiến kết thúc và rất nhiều đồng đội của họ đang làm việc với chính phủ Việt Nam để tìm kiếm thi hài của họ. Vấn đề tìm kiếm bộ đội của miền Bắc là rất nhiều người bị chết tại chiến trường hay do máy bay bắn phá và không thể tìm được thi hài của họ và con số này là khỏang 300 ngàn người.

BBC: Trở lại quan hệ với Việt Nam và Hoa Kỳ, ông có cho rằng Việt Nam là một đồng minh quan trọng của Mỹ?

Có chứ (cười)

BBC:Trong bối cảnh quan hệ với Trung Quốc, một nước đang trở nên thống lĩnh tại châu Á. Liệu đó có phải là một điều chính phủ Mỹ tính tới?

Tôi vừa mới gặp gỡ các quan chức chính phủ Việt Nam và đã có những thảo luận với họ. Tôi cũng đã gặp họ nhiều lần trong suốt ba năm qua. Điều rất quan trọng là làm sao Việt Nam và Hoa Kỳ cùng làm việc với nhau bất kể khi nào có thể được. Có những vấn đề tại Biển Đông, những vấn đề rất quan trọng về chủ quyền, liên quan tới việc Trung Quốc nhận chủ quyền một số hòn đảo mà Việt Nam cũng nhận chủ quyền. Còn có một vấn đề rất quan trọng nữa theo quan điểm của tôi mà chúng ta cần làm việc với nhau, đó là vấn đề sông Mekong. Rất nhiều nhà máy thủy điện được xây dựng tại Trung Quốc dọc sông Mekong và lượng nước chảy xuống Việt Nam là rất đáng quan ngại. Có khoảng 70 triệu người sẽ bị ảnh hưởng trước tình trạng này. Và Việt Nam sẽ là nước phải chịu nguy cơ. Tự một mình Việt Nam không dám đối mặt với Trung Quốc về vấn đề này và Hoa Kỳ nên cùng các nước khác như Nhật Bản có thể tham gia, tìm cách để bảo đảm dòng sông Mekong được sử dụng công bằng.

BBC:Tục ngữ người Việt có câu “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”, liệu Việt Nam có thể làm phật lòng nước láng giềng Trung Quốc khi đi với Mỹ và liệu Việt Nam có nên rút ra bài học từ cuộc chiến tranh Việt Nam khi tới một thời điểm nào đó, người Mỹ đã bỏ rơi đồng minh Nam Việt Nam. Ông có thể nói gì trước lập luận này?

Chúng tôi vẫn chưa bỏ đi. (Cười). Tôi nghĩ rằng Việt Nam từ rất nhiều thế kỷ đã có lòng quả cảm đứng lên bảo vệ lãnh thổ của mình trước nhiều cuộc xâm chiếm của Trung Quốc. Chúng ta không tìm cách tạo xung đột với Trung Quốc mà tìm kiếm sự cân bằng và Hoa Kỳ giúp đem lại sự cân bằng đó tại khu vực.

BBC:Sang vấn đề nhân quyền, có những khác biệt về cách nhìn nhận của Việt Nam và Hoa Kỳ về nhân quyền, liệu có thể thu hẹp những khác biệt giữa hai nước trong lĩnh vực này không, thưa ông?

Có, tôi tin là có thể. Quan tâm chính của tôi ngay từ đầu là việc đối xử công bằng với tất cả mọi người, bất kể người đó đã từng đứng về phía bên nào, hay gia đình họ thuộc phía bên nào trong thời gian chiến tranh. Điều số một là đối xử với mọi người một cách công bằng. Điều này đang diễn ra nhiều hơn, cách đây 20 năm thì đã không được như vậy. Trên phương diện các lĩnh vực khác thì tôi cho rằng chính phủ Việt Nam đã có những tiến bộ về tự do tôn giáo, mặc dù chưa phải là hoàn hảo, nhưng đã khá hơn rất nhiều so với trước đây. Tại châu Á, chúng tôi học được một điều là đón nhận những gì có được và xây dựng từ đó. Cách đó đã rất có hiệu quả trong việc xây dựng và phát triển sự tin cậy và tôn trọng giữa cả hai phía trong 19 năm qua.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/04/100426_us_viet_senator_webb.shtml

© BBC 2010