Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Giáng - Đi vào cõi thơ (5). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Giáng - Đi vào cõi thơ (5). Hiển thị tất cả bài đăng

15/6/11

Bùi Giáng -Đi vào cõi thơ (5)

Bùi Giáng
Đi vào cõi thơ


Saint John Perse

Trong Sương Bình Nguyên có dịch một đoạn thơ của ông ấy. Ông này thuộc loại thiên tài ngoại hạng, loài génie indéfinissable.

Ngày xưa có một lần tôi đã đả kích Saint John Perse. Chung quy chỉ tại bài phê bình của Rousselot. Cái bài nó viết về Saint John Perse trong tạp chí France-Asie, đã phỉnh gạt tôi khủng khiếp quá. Ngày đó rủi ro, tôi chẳng có tiền mua tác phẩm Saint John Perse nên bị đánh lừa một cách não nùng nhất trong bình sinh.


Lý Bạch

Cái sầu của Tản Đà dễ hiểu. Cái lối cợt nhả của Trang Tử, cũng chẳng có gì lạ. Nhưng mỗi phen nghĩ tới Lý Bạch, lại như chạm phải một cái gì đồ sộ quá xa xuôi. Chúng ta cũng nhiều phen thử uống rượu lu bù, xem có gần gũi được ông Lý chăng. Nhưng lời thơ nhẹ như tơ trời của ông vẫn xa vắng quá.

Yên thảo như bích thy sỹ
Tần tàn đê lục chi
Đương quân hoài quy nhật
Thị tiếp đoạn trường thì…

Hoặc:

Sàng tiền minh nguyệt quang
Nghi thị địa thượng sương…

Rượu chúng ta uống ngày nay không phải là thứ rượu Lý Bạch ngày xưa đã uống. Phong cảnh Trung Hoa ngày xưa cũng chẳng giống phong cảnh thế giới ngày nay. Mà Lý Bạch lại là kẻ thi sỹ quá riêng biệt. Chúng ta có thể làm thơ chữ Hán vượt hẳn Đỗ Phủ, Thôi Hiệu, Lý Thường Ẩn. Nhưng chẳng thể nào viết được những lời đơn sơ bát ngát như mấy câu thơ của Lý Bạch.


Trí Hải

Trí Hải Ni Cô làm thơ cho trẻ con tập đọc. Đọc mấy bài của Ni Cô, chúng ta có cảm tưởng mình biến thành trẻ bé bỏng, được phép gọi Ni Cô là Mẫu Thân bát ngát.

dê mẹ ở hè
nó kêu be he
bé cho nó cỏ
và ba lá tre

*
se sẻ qua đò
cú xo té ngã
quạ ta kẻ cả
chê cú hồ đồ

*
chú quạ bị què
lê ra bờ đê
mổ mè no nê
trở vô ngủ lẹ

*
cú ho sù sụ
quạ qua vỗ về
ru cú ngủ mê
ở kề cổ thụ

*
mơ mơ hồ thu
gió khẽ vi vu
tứ bề ngủ cả
như là mẹ ru

*
gió đi lơ ngơ
gò đá bơ vơ
chả có lá gì
cho gió ru mơ

*
khe ca tỉ tê
mà ru đã ngủ
lá kè ủ rũ
mơ xa gió về

*
gió thở vi vu
nghe xa lá đổ
bò dê đi ở
cỏ mơ sa mù

AC

thu về man mác
xơ xác chim vạc
ngơ ngác nai tơ
bơ vơ chú hạc

AP

mưa sa gió táp
tiêu điều bò cạp
chó Pháp ngáp dài
nhớ nai Hy-lạp

AT

mưa sa hạt mát
giải khát lạc đà
cát vàng bát ngát
bãi xa mờ nhạt

ANG

gió đi lang thang
lá vàng mang mang
mình nghe lành lạnh
mùa thu đã sang

AY

gió nhẹ nhàng lay
lảo đảo vàng bay
ngày thu biền biệt
đất trời như say

ĂNG

băng ngàn tìm trăng
mây mù bủa giăng
như màn the rũ
che mặt ả Hằng

ĂM

gió rét căm căm
người đi xa xăm
tháng năm biền biệt
quê nhà đăm đăm

ĂP

trắng mây về khắp
núi đồi tăm tắp
gió xa sắp về
mây làm cánh chắp.


Nguyễn Thị Hoàng

Thơ Nguyễn Thị Hoàng trang nhã như thơ Bà huyện Thanh Quan, mà lại cũng cay đắng như thơ Hồ Xuân Hương, nhiều lúc nghe thống thiết như thơ bà Đoàn Thị Điểm. Đọc thơ Nguyễn Thị Hoàng, người ta có cảm tưởng như nữ sỹ mang hết trong mình những khổ đau của người phụ nữ Việt Nam.

Giờ xin vĩnh biệt Nhà Chung
Chúa ơi con đã vô cùng đớn đau
Đêm đêm lắng tiếng kinh cầu
Xót thương trăm nỗi tủi sầu một thân

Mưa sa gió táp bao lần
Nhục nhằn tội lỗi nên thân xác này
Con đem số kiếp đoạ đày
Đi tìm kiếm một vài giây huy hoàng

Vài giây huy hoàng, tìm kiếm một cách tuyệt vọng như thế, thật có như là một khúc Tân Đoạn Trường.

Niềm tin vỡ nát bao giờ
Cuộc đời sớm nắng chiều mưa trở về

Tuyệt vọng mà vẫn nhẫn nại đề huề chấp nhận chuyện đời, tự tạo cho mình niềm can đảm vui sống đó là mạch âm thầm trong dòng thơ nữ sỹ:

Chiều hôm nay thứ bảy
Trời giăng mưa trong lá me bay
Em sẽ vì anh bắt đầu từ hiện tại

Câu thơ viết như thế cũng đủ xóa tan đi bớt những u ám quá khứ:

Truyện tình đã chót đa mang…
Trái tim lở lói trăm ngàn vết thương.


Trần Thy Nhã Ca

Tôi bây giờ đứng thu thân
Sống cam phận nhỏ chia phần an vui

Thơ nghe như giọng tiên nữ xuống khép nép xin vào hội hè trần gian. Tiên nữ nhu mỳ khiêm thuận. Đó là điều hiếm có.

Tiên nữ bỏ nhà ra đi lúc còn bé:

Tôi bỏ nhà ra đi năm mười chín tuổi
Đêm trước ngày đi nằm đợi tiếng chuông

Đợi nghe tiếng chuông gõ xong rồi mới ra đi. Đó cũng là phong thái tiên nữ lúc còn nhỏ tuổi. Thong dong gay cấn.

Tuổi nhỏ bị bỏ quên không bao giờ ngó lại
Tôi cũng khuây dần những tình yêu đi qua

Càng gay cấn hơn nữa:

Người cũng vậy, lòng muôn nghìn dối trá
Vờ thương yêu, vờ đắm đuối ân tình
Tôi cũng dại, tin lời, trao tất cả
Đâu biết người mang nửa dạ yêu tinh

Trần Thy Nhã Ca kể ra cũng còn rộng lượng. Cô không viết: “đâu biết người mang toàn dạ yêu tinh”. Cô giấu bớt cho người một phân nửa. Nên chỉ còn lại “nửa dạ yêu tinh” mà thôi.

Thế thì bài thơ của nữ sỹ hình như luôn luôn muốn rằng đừng thốt ra lời gì vượt quá cái mực điều độ. Nghĩa là phải thành tựu cho được tinh thể của “nhã ca”? Nhưng “nhã ca” vốn là cái gì dễ chìm tắt nhất trong bụi hồng. Vì thế phải kêu gọi nó tỉnh dậy.

“Tôi làm con gái gọi trăm lần nhã ca”.

Cái gì đã khiến nữ sỹ tha thiết nói chân tình như thế? Ấy có lẽ cũng chính là dư vang tiếng chuông ở chùa nào ngày nhỏ đã nghe? Nghe ở “cuối cơn điên” và “đầu giấc ngủ”:

Cuối cơn điên đầu giấc ngủ đau buồn
Tiếng chuông đến dịu dàng lay tôi dậy
Chỉ mình tôi nhìn thấy tiếng chuông tan
Tiếng chuông tan đều như hơi thở anh em
Tiếng chuông tan rơi như lệ mẹ hiền…

Tiếng chuông lạ thường kia, nữ sỹ đã nghe? Không. Nhã Ca viết: tôi nhìn thấy… Chỉ mình tôi nhìn thấy tiếng chuông tan…

Nhìn thấy tiếng chuông tan như thế, cũng là nhìn thấy những đổ vỡ sắp xảy đến cho mình. Sắp xảy đến hay là đã xảy ra, thì cũng vậy. Lời thơ sắp đi vào chỗ thống thiết với một “cao cách điệu” hy hữu:

Từ độ xa chuông, khôn lớn giữa đời
Đổi họ thay tên viết văn làm báo
Cơm áo dạy mồm ăn lơ nói láo
Cửa từ bi xưa mất dấu đứa con hư
Tháp cổ chuông xưa sông nhỏ bây giờ
Giòng nước cũ trong mắt nhìn ẩm đục
Con đường cũ trong hồn nghe cỏ mọc…

Tuổi thơ ngây bị vùi lấp hết. Mà lời thơ thật huy hoàng như báo hiệu cuộc hồi sinh. Và quả thật như thế. Cuộc hồi sinh đã đến:

Nhưng sao chiều nay bỗng bàng hoàng nhớ
Tiếng chuông xưa bừng sống lại trong tôi
Tiếng chuông xưa. Kìa. Tuổi dại ta ơi
Chuông òa vỡ trong tôi nghìn tiếng nói
Những mảnh đồng đen như da đêm tối
Những mảnh đồng đen như tiếng cựa mình
Những mảnh đồng đen như màu phục sinh…

Lời thơ xô ùa tới trùng trùng điệp điệp như ngọn triều đại hải:

Tôi thức dậy đây, tôi thức dậy rồi
Thức dậy thật sự rồi
Thức dậy cùng giông bão, thức dậy cùng tan vỡ
Thức dậy cùng trí nhớ
Mẹ hiền ơi, thành phố cũ, chiều nay
Có tiếng chuông nào rơi như lệ trên tay
Trên mặt nước, trên mặt người, mặt lộ
Cho con trở về đứng mê sảng ngó
(“Tiếng Chuông Thiên Mụ”)


Hoài Khanh

Từ Dâng Rừng tới Thân Phận, Hoài Khanh đi một bước riêng biệt choáng váng trong dòng lục bát của ông. Ông không bị một ảnh hưởng nào gò bó. Ông chỉ chịu ảnh hưởng của trời, của sương, của giòng sông, bến quạnh quê hương.

Thỉnh thoảng cố nhiên, ông bị vướng lụy trong bầu khí hậu văn nghệ của hiện tình đất nước chia năm xẻ bảy, ông ngượng gạo viết vài bài khổ nhọc không có cách điệu bồng bềnh bất tuyệt trầm hùng của ông. Nhưng đó là trường hợp hy hữu thôi.

Riêng biệt những bài “xuất thần” bi ca của ông, thì quả thật vô song bát ngát.

Ngày sương thành phố dâng mùa
Bóng thu chìm tịnh cành thưa khởi vàng
Tôi hoài trên bước lang thang
Yêu em vô lượng mà mạn dại buồn
Tóc huyền đó lạnh như sương
Mắt huyền đó mộng bình thường không em
Mỗi đêm nhớ gió trăng tìm
Bãi sông triều giậy đi niềm chia phôi

Khí thơ đi trầm trầm tịch nhiên mà thống thiết như một khúc tân đoạn trường kết tụ dưới thanh hiên.

Mắt em hồ vỡ cung đàn
Thôi xuân nào cũng mộng tàn đêm thâu
Ngùi thương bóng nhỏ giọng sầu
Cõi kia cũng quạnh quẽ màu lưu linh

Thường mỗi phen đọc bài thơ hay, tôi quen thói hình dung tâm hồn ông Nguyễn Du. Tôi tự bảo: nếu ông Nguyễn Du đọc nhữn bài thơ ấy, ông sẽ nghĩ sao về bọn hậu bối.

Suốt bài thơ, dường chẳng thấy sự tình gì xảy ra hết cả. Chỉ nghe một giòng sông đi. Một triều sóng động.

Người ta chấp nhận bài thơ như chấp nhận một trận mưa rào xuống ruộng tình biển ái.

Người ta đi vào bài thơ như đi vào cõi như lai tịch mịch ngậm ngùi. Như đi vào một cung đàn diễm ảo nhớ nhung khép mở, gây một trận tịch hạp chon von, cho nảy ra một niềm đốn ngộ. Người ta không biết đâu bờ bến để phân tích. Không còn chủ nghĩa. Không còn lập trường. Chỉ còn một niềm phiêu dật hồn nhiên tự phóng nhiệm hòa vào cây cỏ, nước mây, là môi trường riêng tây của thi sĩ:

Biển mù mịt đó mưa đan
Tôi ngàn năm nhớ nào tàn mộng xưa
Vi vu màu gió đi mùa
Núi non đồng vọng cũng thừa xót thương
Đà nghe đất giậy môi trường
Cõi miên viễn bỗng vô thường thanh âm
Bơ vơ chiều dựng chuông trầm
Sông dài trôi quạnh hồi âm nẻo nào

Ta nhớ lại cung bậc ban đầu của Dâng Rừng:

Lối xưa mây xám nghẹn màu
Thuyền xuôi qua mấy nhịp cầu chênh vênh
Tóc huyền chìm mấy mông mênh
Thiên thai đâu nhỉ mà quên lối về
Cố nhân chưa vẹn câu thề
Sắt son là mảnh hồn quê ngậm ngùi
Vào thu mây trắng tim rồi
Đêm sâu bỗng lạnh tiếng cười tri âm

Nhưng tại sao lại phải ghi ra nhiều nữa? Hoài Khanh đã hồn nhiên đưa nguồn thơ mình vào lục bát, hồn nhiên dẫn lục bát về cõi uyên nguyên, bỗng nhiên lại khơi mạch gì khiến uyên nguyên trào trở giậy trong vẻ tân kỳ bình đạm thiết tha:

Người ơi năm tháng là gì?
Phải chăng mấy khóm tường vi héo mòn
Đố ai che mảnh trăng tròn
Đố ai đo được lòng son của đời

Thật không thể tưởng tượng. Ông bạn thuở ấy còn nhỏ tuổi, giọng thuần phác như nhiên, đùng một cái, đứng song song lên ngang những thi bá đời Đường mà uyển chuyển như câu hát Kinh Thi, lại pha màu cay đắng của thời đại lao lung nhược tiểu:

Biết bao giờ! đến bao giờ
Cố nhân thì chỉ hững hờ mà thôi
Khách qua tàu đã xa rồi
Là thôi còn một góc trời chênh vênh
Nắng mưa còn thắm ân tình
Dâng đời tất cả riêng mình héo hon

Con tàu nhược tiểu đi đâu như thế? Nó trao được chút gì cho tứ hải hay không? Nó lận đận điêu linh, nó nhẫn nại trong đêm dài bối rối, nó chắp nhặt ân tình, nó mang trở đi đâu, nó mang về không dứt khoát, nó làm hết nhiệm vụ mình và có thể cứ như hờ hững trước mọi tiếng tương giao:

Tàu qua tàu lại vẫn còn
Ngói trơ sương nắng dáng mòn cỏ rêu
Sáo ai buông xuống lưng chiều
Nhà ai lên khói mà nhiều đắng cay
Tàu qua tàu lại đêm ngày
Khăn xanh nào vẫy bàn tay nào mềm
Lệ ai nhỏ ướt sân thềm
Tàu qua thì cả ân tình theo qua

Theo qua là qua mất? Hay theo qua là qua về? Qua lại? Qua đi? Qua bờ bỉ ngạn? Kết tụ tử sinh ? Không biết. Không biết? không biết.

Chỉ biết rằng thy sỹ đã đặt bàn tay thân ái vào giữa cõi lang thang. Và toàn thể quê chung đã quy về cảm thương trong cô độc.

Nát từng nếp áo hoàng hoa
Tâm tư lạnh cả bài ca độc hành
Nhịp đời lẻ khúc thơ xanh
Thế nhân chẳng khóc nhưng tình đơn côi
Lòng ga còn trọn cuộc đời
Chỉ đưa chỉ đón là thôi chứ gì?

Đón đưa gì nhỉ? Tại sao vừa như Tố Như Tử, vừa như Tử Tố Như? Vừa không phải Tố Như Như Tố gì cả?

Chút riêng chọn đá thử vàng
Biết đâu mà gửi can tràng vào đâu
Còn như vào trước ra sau
Ai cho kén chọn vàng thau tự mình?
Mặc người mưa sở mây Tần
Những mình nào biết có xuân là gì?

Thế ra Hoài Khanh đã chạm vào chỗ cốt yếu mà Nguyễn Du đã dành riêng cho tâm sự Thúy Kiều? Anh định làm cái gì thế?

Mùa thu chừ đã đi qua
Lá khô bớt rụng sương sa lại nhiều

Lơ đễnh một chút, ắt ta không ngờ rằng những dư vang thâm hậu Nguyễn Du đã được âm thầm khơi dẫn trở lại một cách kín đáo u nhã u nùng?

Lần lần tháng trọn ngày qua
Nỗi gần nào biết đường xa thế này
Song sa vò võ phương trời
Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng
Lần lần thỏ bạc ác vàng
Xót người trong hội đoạn tràng đòi cơn.

Thì chính đó là mạch sầu riêng biệt đã đi về ám lấy núi non. Hoài Khanh ngày xưa không đọc gì nhiều Nguyễn Du, nhưng anh đã hồn nhiên nằm ngay vào giữa mạch sầu thiên cổ của thiên tài Hồng Lĩnh.

Gió lên cuồn cuộn lưng đèo
Chao ôi tâm sự biết chiều hay đêm

Ấy bởi vì quê hương Phan Thiết của anh, với sông, núi, đèo, truông hiu quạnh, những “chiều gió nồm” quả chứa chan màu sắc núi sông Hà Tịnh. Tâm hồn con người cũng được hun đúc trong bầu khí hậu long lanh ngang trái phảng phất những oan nghiệt biển dâu, thôi thúc con người đi suốt xứ tìm trong viễn vọng chiêm bao những ân tình chung thủy:

Em ơi tháng sẽ về năm
Tình ơi chung thủy về thăm mộng lành
Ngàn ngày núi biếc hương xanh
Cho nhau một tấm lòng thành mà thôi

Chúng tôi tưởng, nếu người đọc thơ không có một ý niệm gì hết về phong cảnh núi đồi Hà Tịnh, Phan Thiết, Phan Rang, Tipasa… những phong cảnh bao la ngậm ngùi, đất nước quá đẹp và quá đau thương, nếu không nhìn bằng hai con mắt những sự tình đó suốt bình sinh, ắt sẽ không rõ từ đâu mà những bản bi ca lại xuất hiện trong Dâng Rừng giữa xuân xanh như thế.

Ngàn sâu lắng xuống mịt mùng
Lãng du đêm quạnh lại chùng bước chân

Từ đó chúng ta miên man đọc lại những chiều “xa quê hương nghe gió nồm”, chúng ta trở lại với Dâng Rừng, cùng thi sỹ gọi lại những âm thanh không lời, những lời không có tiếng:

Cố nhân ơi đã đành xa
Thâm u vọng tưởng bài ca sang mùa
Khói hương còn quyện mái chùa
Sắt se chi nữa mà mua tị hiềm
Rừng thiêng mòn mỏi cánh chim
Cũng không giết chết buồng tim đợi chờ
Rồi mai lá rụng cành trơ
Cuốn bao nhiêu gió chép thơ tặng đời
(Dâng Rừng)

Ngậm ngùi một nửa quê hương
Lạnh lùng một dáng chiều buông rủ sầu
Hồn về sáng lại đêm thâu
Lửa hương cầu nguyện cho nhau thâm tình
Không gian chiều xuống thay hình
Thời gian giữ mãi tâm tình trong ta
(Sầu Chiều)

Tập Dâng Rừng cố nhiên có vài chút tạm gọi là “khuyết điểm” theo quan điểm văn nghệ thời nay. Nhưng những khuyết điểm hoặc nhược điểm kia, chính là những đặc ân, ưu điểm của tuổi trẻ. Ngày mai lớn lên, ta khắc phục được những nhược điểm kia, thì cũng chính ngày đó chúng ta đành mất cõi thanh xuân, linh hồn bắt đầu tàn tạ, khép kín. (Kín là kín bưng, kín bít, chứ không phải kín đáo u huyền).

Nhưng làm sao có thể khép kín mãi được? Hãy thư thả nghe lại cung bậc lục bát dị thường trong Thân Phận:

Chim bay tàn bóng xa mù
Thôi sương ở lại đền bù tuổi tôi
Nằm đây lạnh suốt mặt trời
Hoài thương quá khứ đã ngùi phiêu linh

Phố xưa hồn đẫm lệ mình
Sông xưa chiều đã lênh đênh mấy mùa
Nghe tàn cõi mộng hoang thưa
Con chim lại hót trên mùa lang thang

Mắt em hồ vỡ cung đàn
Thôi xuân nào cũng mộng tàn đêm thâu
Ngùi thương bóng nhỏ giọng sầu
Cõi kia cũng quạnh quẽ màu lưu linh…

Màu lưu linh

Chim bay tàn bóng xa mù
Thôi sương ở lại đền bù tuổi tôi

Màu lưu linh là màu lưu ly, linh đinh, hay lung linh sương bóng. Màu lưu linh là một tiếng lãng đãng chia phôi.

Nếu nghĩ tới Kiều, thì đó là màu sắc nhuộm suốt một đời lưu lạc của nàng. Và trong đó không chỉ có đoạn trường thôi? Ly biệt, chia phôi? Nhưng còn ý nghĩa riêng của tu hành trong cuộc Lữ.

Nếu nghĩ tới Nerval, thì màu lưu linh của Hoài Khanh chính là màu của huyễn mộng Les Chi-mères, màu của el desdichado (kẻ lang thang trần trụi, không chỗ dung thân khắp bến bờ đất trích).

Je suis le ténébreuxe le veuf l’inconsolé
Le prince d’Aquitaine à la tourablie
Ma seul etoile est morte – et mon luth constellé
Porte le Soleil noir de la Mélancolie…

(Ta là kẻ âm u, kẻ góa vợ, kẻ khôn nguôi Hoàng tử của một cung thành vùi lấp).

Đã tử diệt là Ngôi Sao duy nhất
Mặt trời đen là cung bậc ta ca
Vừng Hắc Ô bám chặt cây đàn ngà
Ảo mộng của mối Sầu U suốt kiếp)

Màu lưu linh của Hoài Khanh ngân lên cung bậc dị thường kia của ông Chúa Siêu Thực Tây Phương, mà ngân lên trong tiết điệu dịu dàng đôn hậu của lục bát. Cái mới thật là kỳ.

Chim bay tàn bóng xa mù
Thôi sương ở lại đền bù tuổi tôi

Hai câu đơn giản như thế cũng đủ sức xô ùa những Nerval Hölderlin vào cuộc hội đàm vô thanh vô tức với Nguyễn Du. Cuộc hội đàm của bọn người cô độc. Và tuổi tôi chỉ riêng sương lạnh ở lại đền bù.

Người ta có thể hỏi: giọt sương hao mòn như thế, hột sương ở lại đền bù, thì đền bù được bao lăm?

Nhưng thy sỹ vẫn hồn nhiên tha thiết bảo:

Thôi sương ở lại đền bù tuổi tôi

Sương của mùa thu dằng dặc? Vì mùa xuân đã chết? Mùa xuân đã tàn phai theo cánh chim bay tàn bóng xa mù. Tôi còn biết làm sao buộc cánh nó lại? Mà buộc lại để làm gì? Tôi xin chấp thuận cuộc chuyển dịch kia và đem lời thơ trao nhau làm tặng vật.

Dâng đời tất cả riêng mình héo hon

Đó là ý nghĩa của câu thơ Dâng Rừng.

Nằm đây lạnh suốt mặt trời
Hoài thương quá khứ đã ngùi phiêu linh
Phố xưa hồn đẫm lệ mình
Sông xưa triều đã lênh đênh mấy mùa.

Phố xưa sông xưa, là sông phố ở một tỉnh lị nhỏ miền Trung? Gió biển thổi vào từng trận, những chiều hè tha thướt hoang liêu, những buổi sáng mùa đông thảm đạm. Một giai nhân dị thường như những Sylvie, có lẽ đã cư lưu tại phố đó. Và một mối tình tuyệt vọng có lẽ đã đem lệ về làm đẫm ướt phố xưa. Sylvie, Adrienne, Diotima, Alissa… vân vân… Những con người như thế vốn từng đã khiến những thiên tài Hà Tịnh viết nên những lời:

Ví chăng duyên nợ ba sinh
Làm chi đem thói khuynh thành trêu ngươi

Hoặc:

Hồn lưu lạc chưa hề thờ một chúa
Yêu một người, ta dâng cả tình thương

Nhưng tình thương đó đã vô vọng và vì thế nó đã biến thành một thứ gì không tuổi không tên, nhân gian không có lời gì để gọi nó ra được nữa. Gọi nó là màu lưu linh. Màu lưu linh đã giết con người ta chết từ sơ ngộ, người ta sẽ bỏ phố xưa sông cũ ra đi để suốt đời nghe tiếng chim thuở ban sơ về hót…

Nghe tàn cõi mộng hoang thưa
Con chim lại hót trên mùa lang thang
Mắt em hồ vỡ cung đàn…

Trên bước lang thang người thơ gieo những cung bậc vào cung đàn mà mỗi phen mỗi thấy hiện ra trước mắt mình hai con mắt thiên tiên của công chúa, và hai con mắt u huyền đó đã làm vỡ cung đàn bất tuyệt của tài hoa. Và mỗi phen lại nghe cung đàn mình chết lịm trong cung đàn sơ khai kỳ ảo.

Il est un air pour qui je donnerais
Tout Rossini, tout Mozart et tout Weber
Un air très vieu languissant et funèbre
Qui pour moi seul a des charmes secrets

Hoài Khanh chẳng bao giờ đọc Nerval, và có lẽ ngày xưa anh cũng chẳng đọc gì Nguyễn Du, Huy Cận.

Nhưng tâm hồn anh mang chứa tinh thể thi nhạc những tâm hồn kia. Những Mozart, những Chopin, những, những…

Tôi vốn là kẻ rủi ro thuở mười lăm mười sáu đã gặp Huy Cận Nguyễn Du Nerval. Tôi đã giã từ hết sách vở meo mốc nhà trường về quê sống với chuồn chuồn châu chấu. Thì cái ngày lạc lối vào Sàigòn, bỗng nhiên tao ngộ tiếng thơ Dâng Rừng, tôi tưởng mình được phép nói vài lời tuyệt đối, mặc dù ngày đó tôi chưa quen biết Hoài Khanh. Tôi nói với ông Tạ Ký dịp nào gặp Hoài Khanh thì dẫn anh tới nhà chơi một cuộc. Từ bấy tới nay ngót mười năm.

Hoài Khanh là hồn thơ thuần nhiên điền dã.

Vậy thì cái bản “hòa âm điền dã” của anh tất nhiên ngân lên một âm thanh gì khó lọt vào thính quan người văn nghệ phồn hoa. Mỗi người hãy xin mang trọn cái nghiệp mình trong cái vũ trụ riêng mình. Rồi mai sau, sẽ có dịp bất ngờ cái vũ trụ riêng mình sẽ chan hoà vào cái càn khôn chung thiên hạ. Chẳng nên sớm vội vã cưỡng cầu.
Chỉ thử tưởng tượng xem. Những kẻ hồn lạc loài ngay từ thuở sơ sinh bỗng một hôm gặp Nàng Thơ đẹp nguy nga như hoàng hậu trong bầu không khí ba cha bảy mẹ thế kỷ này … Thì từ đó?

Il est un air pour qui je donnerais
Tout Rossini tout Mozart et tout Weber…

Nguồn: Ca Dao xuất bản lần thứ nhất tại Sài Gòn năm 1969. An Tiêm tái bản lần thứ nhất tại Paris năm 1998.