Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Giáng - Thi ca tư tưởng ( 2 ). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Bùi Giáng - Thi ca tư tưởng ( 2 ). Hiển thị tất cả bài đăng

15/6/11

Bùi Giáng - Thi ca tư tưởng ( 2 )

Bùi Giáng
Thi ca tư tưởng
(Vân Đài, Xuân Diệu, Hồ Dzếnh, Đinh Hùng, Trần Thy Nhã Ca, Martin Heidegger, Nguyễn Du, Hoài Khanh, Dịch, Nguyễn Du và Shakespeare, Dịch)


Vân Đài

Đọc ông Nguyễn Du mãi cũng chán. Rồi từ Đường Thi, nhảy vọt qua Tây Phương, chạy tìm những Tượng Trưng, Siêu Thực, Siêu Thể, Siêu Hình, hơn hai mươi năm, kể cũng đà tới lúc ớn khắp linh hồn. Thơ Nguyễn Công Trứ là một con zéro. Thơ Cao Bá Quát là một con zéro rưỡi. Thơ theo thể Đường Luật của các ông Nho học uyên bác, toàn là rờ rẫm cóp nhặt Tàu, những bộ xương khô quái gỡ. Hàng vạn bài na ná giọng điệu giống nhau.

Chỉ còn mấy bài của Ngân Giang nữ sỹ và Vân Đài nữ sỹ là có linh hồn. Hai bậc tiền bối này quả có chân thành. Có sống trọn linh hồn. Bài thơ hai bà làm đúng là bài thơ sông núi. Dù có sáo chăng nữa, thì đấy cũng là cái sáo của sông núi phát tiết ra.

Yêu thương dậy lại đầy trời
Lòng ơi! Đường cũ núi đồi còn đây

Đọc câu thơ như thế, quả thật tại hạ muốn làm đứa bé xách giép cho bà, đi sau chân bà, ủng hộ bà trong cuộc ngao du sơn thủy.

Kể chuyện Nerval! Heidegger cho bà nghe.

Bà cũng biết uống rượu

Giốc cạn duyên thơ quá chén rồi
Men nồng thắm đỏ khắp hồn tôi
Vui không có bạn sầu không có
Nằm giữa lòng trăng khóc giữa trời
Đầu ngã cành xanh vai vũ trụ
Tay ôm hương sắc những mùa tươi
Quên nghe thời khắc quên năm tháng
Say uống hương hoa giữa suốt đời

Cái thứ rượu bà uống say kia té ra không phải la de hoặc rượu đế. Tại hạ mừng hụt. Phải chi tiền bối uống rượu thật sự, thì mỗi phen nhậu nhẹt, ắt tiền bối gọi tại hạ tới cho nhấm chút ít.

Dù sao hai câu thơ đồ sộ bát ngát của tiền bối cũng an ủi vãn bối phần nào:

Vui không có bạn sầu không có
Nằm giữa lòng trăng khóc giữa trời

Quả thật bốn ngàn năm văn hiến Việt Nam, chỉ có thể cho nảy hột tinh hoa ra hai câu thơ như thế. Phải chi ông Nguyễn Du, ông Nguyễn Trãi còn sống thì vãn bối đem hai câu thơ ấy đọc cho hai ông nghe.

Lục bát của bà trong bài “Biệt ly” cũng thật dịu dàng. Ta phải coi Vân Đài nữ sỹ như bà ngoại bà nội chúng ta, thì mới cảm hết cái chỗ mênh mông trong mấy vần này:

Lòng ta tràn ngập nỗi buồn
Như người đứng ngã ba đường nhớ ai
Trái tim hồi hộp thở dài
Hòa theo với tiếng bốn trời tiễn đưa
Sáng nay mây trắng bơ phờ
Gió ngừng mặc rặng lau thưa bên nguồn
Thuyền đi sông nước ngại ngùng
Bến xanh xanh vẫn ngóng trông tháng ngày
Giang lăng cách trở đâu đây
Nghe đêm vượn hót nghe ngày chim kêu.

(“Tặng cảnh Cát Bà”)



Xuân Diệu

Nếu đọc Vân Đài và Ngân Giang, phải nghĩ rằng đó là lời thơ của bà ngoại bà nội chúng ta, mới cảm thấy hay thấm thía – thì đọc Xuân Diệu, ắt nên nghĩ rằng đó là thơ của một thằng em. Sự tình tứ đó sẽ đổi hẳn tính cách.

Sau ba mươi năm dài, trải bao trận phiêu du ngoài đời, cũng như lưu ly trong thi ca tư tưởng, ngày nay cầm lại cuốn Thơ Thơ, tại hạ cảm thấy một cái gì không thể tả. Đọc lại thơ Nguyễn Bính, thơ Lưu Trọng Lư, có thể không bồi hồi chi mấy. Nhưng đọc Thơ Thơ, lại khác hẳn. Dường như toàn thể tuổi xuân bỗng sống dậy kêu gào.

Xóa đi những lời lếu láo lải nhải, còn lại những lời chân thật riêng biệt chân thành của tuổi trẻ:

Không có cánh nhưng vẫn thèm bay bổng
Đi sâu trong sân mà nhớ chuyện trên trời
Trút thời gian tong một phút chơi vơi
Ngắm phong cảnh giữa hai bề lá cỏ

Thơ hồn nhiên rộng rãi như thế đúng là thơ của thiên tài tuổi trẻ.

Đi trong sân mà nhớ chuyện trên trời
Ngắm phong cảnh giữa hai bề lá cỏ

Chúng ta đã ngột ngạt vì thơ đoạn trường của Nguyễn Du, thơ đìu hiu của bà huyện Thanh Quan, thơ ồ ạt lếu láo của Nguyễn Công Trứ, thơ trắng trợn của Trần Tế Xương… thơ già trước tuổi của những thi tài nảy ra trong vòng mười năm nay…

Thì bây giờ cũng đã tới lúc xua ùa đi hết mọi thứ thơ não nùng kia, và đọc lại Xuân Diệu:

Vì sao giáp mặt buổi đầu tiên
Tôi đã đày thân giữa xứ phiền
Không thể vô tình qua trước cửa
Biết rằng gặp gỡ đã vô duyên

Kể từ sau 1945, các loại thơ này vốn không mảy may rung động chúng ta được nữa. Chúng ta đứng trước những phong ba, linh hồn chúng ta mang những ưu tư khắc khoải khác. Thơ trữ tình, thơ yêu đương vớ vẩn nhớ nhung kia, chúng ta bỏ trôi mất hút, không một chút bận tâm.

Nhưng rồi phong ba cứ dồn dập, càng ngày càng mang tính cách nhố nhế thêm ra, tủn mủn đầu độc thêm ra, thì ưu tư khắc khoải trở thành chuyện tầm phào, siêu thi, siêu tưởng, siêu triết… trở thành chuyện đĩ điếm. Văn chương văn nghệ trở thành chuyện bán cá ngoài trợ. Nợ tang bồng vay trả trả vay, trở thành chuyện phỉnh phờ con nít. Lưu thủ đan tâm, trở thành chuyện tán gái đâm toang. Chiếu hãn thanh, trở thành chiếu chăn mài cọ lầu xanh meo mốc.

Ngót hai mươi năm rồi, ngụp trong đó, chúng ta lừa lọc nhau và tự lừa dối mình. Bây giờ đã thấm mệt với cái trò nhảy nhót nhấp nháy kia. Thôi xin từ giã mọi thứ đó. Xin chạy theo sau thằng thanh niên ngây ngô ngày trước chơi một trận.



Hồ Dzếnh

Bài “Rằm Tháng Giêng” của Hồ Dzếnh quả thật là một bài thơ hay:

Chị tôi vào lễ trong chùa
Hai chàng trai trẻ khấn đùa hai bên
Lòng thành lễ vật dâng lên
Cầu cho tiểu được ngoài giêng đắt chồng
Chị tôi phụng phịu má hồng
Vùng vằng suýt nữa quên bồng cả tôi
Tam quang ngoài mát chị ngồi
Chị nghe đoán quẻ chị cười luôn luôn
Quỉ thần thóc mách mà khôn
Số này chồng đắt đẻ con cũng nhiều

(“Rằm tháng Giêng”)

Người Việt Nam có thể không đọc Nguyễn Du, nhưng không thể nào không đọc bài thơ kia của Hồ Dzếnh.

Bài “Lời Về” của ông riêng bốn câu cuối cũng đủ là một tuyệt tác cổ kim:

Vó ngựa từ ngày vỗ xuống Nam
Truông mòn đưa lối Hải Vân San
Áo nâu phai nhạt màu cây cỏ
Lá rụng hoa rơi đất nước Chàm

Một bài tứ tuyệt như thế đúng là một tặng vật của Đường Thi. Nhưng Đường Thi ghé xuống Việt Nam, Đường Thi đã nhảy một bước vô biên. Không còn Lý Bạch, Thôi Hiệu, Tô Đông Pha nào chạy kịp được nữa.

Vì trong đó có ba sử lịch đang gùn ghè nhau. Sử lịch Trung Hoa, sử lịch Việt Nam, sử lịch Chiêm Thành:

Lá rụng hoa rơi đất nước Chàm

Một câu thơ đơn giản như thế mang toàn khối Như Lai trong mấy trăm bộ kinh Phật. Và thừa dư công lực hư vô để thiết lập căn cơ cho Siêu Hình Học Tây Phương. Ông Heidegger khỏi phải bận tâm hỳ hục lôi cả Hoelderlin, Sophocle, Parménide, vào trong cuộc thiết lập cơ sở mới làm gì.

Cái cuộc Lữ dị thường của Khổng Tử bỗng nhiên tiếp giáp với Thái Hư Tịch Mịch trong bốn câu thơ kia của Hồ Dzếnh. Đó là điều mà trong tập Điêu Tàn của Chế Lan Viên, ta mỏi mắt tìm không thấy.



Đinh Hùng

Nguồn thơ của Đinh Hùng trong Mê Hồn Ca là nguồn thơ lạ nhất trong thi ca Việt Nam.

Tới Đường Vào Tình Sử, thì nguồn thơ kia bỗng như tắt ngấm. Đinh Hùng trở thành kẻ rờ rờ rẫm rẫm. Tuy nhiên, trong Đường Vào Tình Sử cũng còn mấy bài bát ngát ở lại buồn bã vô song.



Trần Thy Nhã Ca

Chợt tiếng buồn xưa động bóng cây
Người đi chưa lại dấu chân này
Bàn tay nằm đó không ngày tháng
Tình ái xin về với cỏ may

Rồi lá mùa xanh cũng đỏ dần
Còn đây niềm hối tiếc thanh xuân
Giấc mơ choàng dậy tan hình bóng
Và nỗi tàn phai gõ một lần

Kỷ niệm sầu như tiếng thở dài
Khuya chìm trong tiếng khóc tương lai
Tầm xa hạnh phúc bằng đêm tối
Tôi mất thời gian lỡ nụ cười

Đời sống ôi buồn như cỏ khô
Này anh em cũng tựa sương mù
Khi về tay nhỏ che trời rét
Nghe giá băng mòn hết tuổi thơ

Bài “Thanh Xuân” của Trần Thy Nhã Ca nghe như lời chiếu cố của một vị Quan Âm Bồ Tát.

Tưởng chừng như nếu các vị Tổng Thống phu nhân ở thế giới tình cờ đọc được, ắt các phu nhân vui lòng cạo đầu sạch sẽ để đi tu.

Tôi tiếc mình không có tài bàn giải như Kim Thánh Thán Mái Tây, nên tìm không đủ lời tuyệt đối viết ra. Ngày mai ắt tôi sẽ chết không nhắm mắt được.

Thử nêu câu hỏi: Nếu như những ông Khổng Tử đọc bài thơ đó, ắt sẽ gây ra sự gì? Tất nhiên là các ông sẽ chẳng bận tâm hỳ hục soạn Kinh Thi, Kinh Dịch làm gì nữa.


Martin Heidegger

Ông ở lại trên mảnh đất đai Siêu Hình Học Âu Châu, ông cày bừa trên mảnh đất ấy. Suốt hơn một phần ba thế kỷ, ông cặm cụi vạch gai góc và gieo vài hạt giống trên mảnh đất ngổn ngang.

Những hạt giống đầu tiên gieo vào mảnh đất đầy chướng ngại, phải là những hạt giống thích hợp.

Thích hợp với cái gì? Với mảnh đất đai kia với những hàng rào vây bọc mảnh đất đai kia, với bầu khí hậu phong tỏa mảnh đất đai kia. Những gai góc đủ loại đã mọc đầy, bầu khí hậu bị vẩn đục, con người Siêu Hình Học Âu Châu không còn có thể nhìn ra tinh thể những “hàng cây sơ thủy” vốn đã mọc trên đó. (Trong tập thơ Lá Hoa Cồn ngày trước, tôi có ý muốn nói tới sự tình đó, trong những bài “Hàng Cây Sơ Thủy”, “Vào Nguyên Thủy Giục”, “Logos”, vân vân).

Những “hàng cây” nọ cần phải được nhìn ngó trở lại, muốn nhìn ngó trở lại, trước tiên phải tẩy gột những gì làm vướng nhãn quan.

Nhìn ngó trở lại để làm gì? Để đừng sa vào tình trạng vong bản. Quên mất cội nguồn bát ngát ban sơ, đó là lý do đã khiến những triết gia cận đại Âu Châu không cách gì mở đối thoại với Đông Phương.

Heidegger luôn luôn bảo rằng ông chẳng có ý dựng triết thuyết gì cả. Tư tưởng của ông chỉ là một tư tưởng chuẩn bị - nhứt điều chuẩn bị đích tư tưởng. (Xem Sương Bình Nguyên và Trăng Châu Thổ).

Chuẩn bị cho cái gì? Đáp: cho một trận đối thoại về sau giữa Tây Phương và Đông Phương.

Do đó Heidegger lập ngôn trong một Nếp Gấp Nhị Bội, mà các triết gia Âu Châu ít chịu lưu ý tới. Cái điều đối với Heidegger chỉ là điều tạm thời, tạm bợ, người ta cho đó là điều cốt yếu. Cái điều cốt yếu thì Heidegger lại nói thoảng qua trong những mệnh đề phụ - là những hạt giống lơ thơ gieo ra trong một vùng sương bóng vô tức vô thanh tiếp giáp với lục bát thi ca Việt Nam bất tuyệt.

Waehlens theo dõi tư tưởng Heidegger nhiều ngày, vẫn không nhận ra điều cốt yếu nọ. Mọi triết gia bàn tới Heidegger đều bàn lui bàn tới những thứ ở ngoài mép rìa. Nghĩa là: đăng đường thì có, mà nhập thất thì không.

Chung quy có lẽ chỉ vì họ mãi mãi ở trong cái tình trạng: thấy sự vụ đương nhiên là thế, mà không rõ đâu là nguyên do sử lịch đã quyết định sự vụ là thế.

Hoặc nói theo ngôn ngữ người Trung Hoa:

“Tha môn hiển nhiên thị chỉ tri kỳ đương nhiên, nhi bất tri kỳ sở dĩ nhiên”.

Khổ thay. Nếy bây giờ chúng ta lò dò chạy hỏi ông Heidegger xem sự tình gay cấn đó có phải có nguyên nhân éo le như thế chăng, thì Heidegger ắt lửng lơ niêm hoa vi tiếu theo lối Khổng Tử ỡm ờ: - Tại hạ quả thật cũng chả rõ đâu vào đâu cho lắm… Kính thưa các hạ ạ! Kỳ trung nguyên nhân, lão hủ nhứt thời giả thuyết bất thanh sở. Phản chính cứ lão hủ sở kiến, tam thành tựu thị giá dạng đích lặc…”.

Đó là phong thái của những nhà đại tư tưởng cổ kim. Họ đáp theo lối lửng lơ. Trong khi học giả xô bồ, bao giờ cũng tấp nập nối đuôi nhau tấn công ông già kia một cách ráo riết.

Cái thái độ ráo riết kia đã bao phen khiến cho mọi cuộc đối thoại chân chính đành phải chịu phần chấm dứt ngay khi mới vừa khởi đầu.

Nếu bây giờ chúng ta thử bỏ ra khoảng chín mươi chín năm đọc lại Heidegger, ắt là chúng ta sẽ dần dà nhận thấy rằng: cái hạt giống mong manh mà Heidegger đã gieo vào mảnh đất Siêu Hình Học Âu Châu, cái hạt giống bé bỏng đó quả thật đã manh nha mọi thứ cây cối đồ sộ, mà về sau thiên hạ sẽ thi đua nhau về leo trèo hái ngắt mọi thứ hoa quả và có thể tưởng lầm rằng hoa quả ấy là của riêng mình trồng trọt ra, chứ chẳng phải của ông Heidegger hoặc Martin gì ráo!

Định mệnh của những tư tưởng hoằng viễn xưa nay, vẫn mãi mãi là như thế. Những kẻ gieo giống chả bao giờ thấy cây mọc, chẳng bao giờ thấy đâm hoa kết quả, chẳng bao giờ thu hoạch mùa màng. Họ chỉ phụng bồi cho cuộc gieo hạt, và hơn nữa, phụng bồi cho cuộc soạn sửa gieo hạt mà thôi.

Il ne servent qu’aux semailles, et même, plutôt à là préparation de celles-ci. Sie diene der Aussaat und eher noch der Vorbereitung dieser.

(Xem Trăng Châu Thổ, trg 467-468).

Heidegger là kẻ nhìn thấy rất rõ duyên do cuộc tẩu hỏa nhập ma của những Nietzsche, Hoelderlin, và - nhẹ hơn - của Rilke. Ông muốn tránh cho những nhà tư tưởng, những kẻ sáng tạo mai sau khỏi lâm vào tình trạnh tẩu hỏa nhập ma – đó cũng là một trong những duyên do dã khiến ông lập ngôn một cách dị thường ẩn mật.

Nếu bây giờ chúng ta suy gẫm về Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du, nếu ta nghĩ rằng viết Đoạn Trường Tân Thanh, Nguyễn Du tuyệt nhiên chẳng có ý ký thác tâm sự riêng tây của “di thần triều Lê” gì gì cả, thì sự vụ ắt còn rọi vài tia sáng vào cuộc lập ngôn của Heidegger. Nếu như Nguyễn Du viết Truyện Kiều với cứu cánh trực tiếp mở đối thoại với Gia Long? Gián tiếp mở đối thoại với Trung Hoa? Và rộng rãi hơn: mở đối thoại với sử lịch Đông Phương? Hoặc: mở đối thoại với tứ hải? – Thì từ đó, những nếp gấp khôn hàn nào trong Truyện Kiều sẽ chậm rãi mở ra? Và từ đó chúng ta sẽ “làm thơ” theo thể thái nào để đáp ứng?

Bây giờ để thử tránh lỗi tư tưởng một chiều. Chúng ta hãy nêu vài câu hỏi liên can tới tới Nietzsche.

Sự tình “đương nhiên” là Nietzsche có xô bồ công kích Jésus Christ. Nhưng đâu là cái lẽ “sở dĩ nhiên” của cuộc đó? Sau cuộc đó, Nietzsche bị tẩu hỏa nhập ma. Ông thật “bị” tẩu hỏa nhập ma, hay là ông cố tình lao đầu vào chịu trận tẩu hỏa nhập ma? Nếu ông có cố ý, thì đâu là duyên do sự cố ý ấy? Nếu đem sự tình kia ra hỏi Nguyễn Du, thì Nguyễn Du sẽ đáp bằng câu thơ nào trong Truyện Kiều? Khổng Tử sẽ phụ họa vào câu thơ đó bằng cái lời nào của Ngài? Thằng thi sỹ Việt Nam ngày nay có nên nêu mọi sự đó ra bàn luận trực tiếp? Nietzsche có bằng lòng thuận để cho nó nêu ra hay là Nietzsche sẽ bảo rằng: “vấn đề đối với các hạ bây gờ là nên sớm đánh mất tại hạ đi!” Đánh mất bằng cách nào? Sao gọi là đánh mất? Lặng lẽ giũ áo ra đi, hay là lao mình tới công kích? Hay là vừa công kích, vừa bỏ đi, vừa thân tặng ông vài vần thơ lây lất? Hay là chịu chơi gay cấn bảo rằng: - Nhân danh là thi sỹ Việt Nam, tôi xin nguyện làm nô lệ ông suốt đời?


Nguyễn Du

Từ rằng: ân oán hai bên
Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh
Nàng rằng: nhờ cậy uy linh
Hãy xin báo đáp ân tình cho phu
Báo ân rồi sẽ trả thù
Từ rằng: việc ấy để cho mặc nàng

Hai lần Từ Hải dùng tiếng “mặc nàng”. Để cho mặc nàng. Mặc nàng xử quyết báo đền cho minh.

Rồi Từ Hải im lặng suốt buổi. Trong cơn im lặng, Từ Hải đã nhìn thấy Kiều chẳng minh mẫn gì hết. Nhưng không hề gì. Điều trầm trọng là cái tiếng “mặc nàng” Nguyễn Du đã để cho Từ Hải thốt lúc bấy giờ.

Hai tiếng “mặc nàng” đó ngày sau sẽ quyết định cuộc đầu hàng của Từ Hải. Việc bây giờ để cho mặc nàng, thì mọi việc về sau cũng sẽ để cho mặc nàng quyết định.

Nghe lời nàng nói mặn mà
Thế công Từ mới đổi ra thế hàng
Chỉnh nghi tiếp sứ vội vàng
Hẹn kỳ thúc giáp quyết đường giải binh

Chỉnh nghi tiếp sứ vội vàng. Nguyễn Du dùng tiếng “vội vàng” một cách thật kỳ bí. Càn khôn vũ trụ gì cùng theo nhau điên tam đảo tứ hết cả, trong hai tiếng vội vàng kia. Cái “triều đình riêng một góc trời” của Từ Hải đang lăn lóc quay lông lốc trong hai tiếng vội vàng.

Từ Hải “chịu chơi” đến cái mức bất khả tư nghị. Tuyệt đỉnh của thiên tài Từ Hải là ở chỗ đó. Trong một nháy, đem xô ùa hết cả cứu cánh đời mình để đáp lại những lời “nhạt như nước ốc” của Kiều. Nhạt như nước ốc, mà chàng thấy mặn mà khôn tả, ấy bởi vì cõi lòng của kẻ anh hùng vốn là: đã chịu chơi, thì bất kể lam hồng tạo bạch. Từ Hải và Tú Bà là hai thái cực. Nhưng đáo cùng, hai thái cực khác nhau ở hai điểm:

Chơi cho liễu chán hoa chê
Cho lăn lóc đá cho mê mẩn đời

Từ Hải đã vì Thúy Kiều mà nghênh ngang dựng một cõi biên thùy, theo chàng nói:

Bao giờ mười vạn tinh binh
Tiếng loa giậy đất uy linh rợp đường
Làm cho rõ mặt phi thường
Bấy giờ ta sẽ rước nường nghi gia

Nhưng bây giờ Kiều đã bảo “Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào” thì lập thời Từ Hải vội vàng xóa bỏ hết cái cuộc kia.

Tin lời thành hạ yêu minh

Cái niềm tin thật sự của chàng đã mất, thì bây giờ chàng trở thành đứa bé thơ ngây, tin mọi thứ tầm phào vậy.

Tin lời thanh hạ yêu minh
Ngọn cờ ngơ ngác trống canh trễ tràng…
Từ công hờ hẫng biết đâu
Đại quan lễ phục ra đầu cửa viên

Những tiếng “hờ hẫng, trễ tràng, ngơ ngác”, Nguyễn Du dùng một cách não nuột quỷ khốc thần sầu.

Tôi viết vội vã. Tôi không có một ngàn năm ở trước mặt. Nhưng kẻ nào có được trước mặt một ngàn năm, thì hãy thư thả đọc lại Nguyễn Du và sẽ khám phá ra nhiều thứ thiên thu vạn đại khác.

Heidegger bảo rằng: “nhà tư tưởng càng hoằng viễn, thì phần vô ngôn trong sách họ càng khôn lường”. Lúc nói câu đó, Heidegger ắt là có nghĩ tới Nguyễn Du vậy.

Phần vô ngôn khôn lường? Khôn lường đối với mọi người và khôn lường tự mình đối với mình. Người tư tưởng (cũng như thi nhân) không bao giờ lường được hết tư tưởng mình. Đọc tư tưởng, đọc thi ca, từ đó chúng ta chỉ có thể nêu những câu hỏi đại khái kỳ dị như sau:

Vì sao con đường đi trong đó không bằng phẳng?
Đó có phải là một lối cưỡng bức không?
Nguyễn Du đã cưỡng bức đủ điều. Heidegger đi tới đâu cũng cưỡng bức tràn lan tới đó. Cưỡng bức Nietzsche, Rilke. Rồi quay lại tự mình cưỡng bức chính mình.
Cổ kim có nhà tư tưởng nào tự mình cưỡng bức mình nhiều như Nietzsche, như Heidegger, như Sade? Sự đó có liên can mật thiết gì tới Khổng Tử, Jésus Christ hay không?...



Hoài Khanh

Qua sông là một nhịp cầu
Qua tôi là một kiếp sầu vô chung
(“Tự Tình” – Dâng Rừng)

Thế ra tôi đứng ra để đón lấy kiếp sầu vô chung? Tôi là Tại Thể? Da-sein? Tôi đón lấy sầu kia và thể nghiệm mối tương quan giữa Dasein và Sein? Giữa Tại Thể và Tồn Thể?

Qua sông là…
Qua tôi là…

Thy sĩ hai lần dùng tiếng là. Hai lần dùng tiếng qua.

Nhịp cầu là cái gì qua sông. Sầu vô chung là cái gì qua tôi. Ông Hedeigger trong cuốn Siêu Hình Học Là Gì, đã từng đem cái sầu, khắc khoải, làm tinh thể của Dasein, trong mối sầu đã “nhảy vọt” một cái, băng qua mọi thể hiện của dung nhật thường lệ, và tiếp giáp với mạch tồn thể uyên nguyên.

(Đó cũng là mối sầu bàng bạc khắp Truyện Kiều)…

Nhịp cầu là cái gì giúp qua sông, thì sâu vô chung cũng là cái gì giúp đáo bỉ ngạn.


Dịch

Từ trong tinh thể của nó, dịch là tái tạo. Sự ấy dường như quá hiểu nhiên. Ông Nguyễn Du, ông Nguyễn Khắc Hiếu đều tái tạo triệt để trong các bản dịch chuyện Tàu của các ông.

Nhưng nói gì xa xôi. Thử nói gần gũi hơn. Nếu bây giờ ta đem Truyện Kiều dịch trở lại bằng văn xuôi Việt Ngữ, hoặc bằng thơ thất ngôn, ngũ ngôn, thì ấy cũng là tái tạo.

Một ca nhi đem một bài ca, ca lên, cũng là tái tạo bài ca.

Xét cho cùng, mọi hành động và vô vi, cũng là tái tạo. Tái tạo bằng hơi thở riêng biệt một lần.

Tôi có cảm tưởng rằng lúc thật sự “sáng tạo”, tôi lại cũng đang dịch. Tôi viết vần thơ “độc đáo” nào, cũng là đang dịch. Tôi dịch lại ông Nguyễn Du, ông Hồ Dzếnh. Cũng như ông Nguyễn Du ông Hồ Dzếnh đã từng dịch người trước, và người trước đã từng dịch người xưa, hoặc dịch một cái gì đó ở trong vạn vật đang muốn hiển hiện liên tồn trong âm thanh ngôn ngữ.

Và những người cho rằng kẻ dịch không có tinh thần sáng tạo, những người ấy cũng đang dịch.

Vậy bây giờ chúng ta hay thi đua nhau dịch, và thi đua nhau bỏ dở dang cuộc dịch, và đừng thi đua gì hết cả, để cho cuộc dịch tự nó thành tựu thể thân nó. – “Trời có nói gì đâu… bốn mùa vẫn chuyển nhịp tuần hoàn… Trời có nói gì đâu…” (Khổng Tử)


Kể từ Nguyễn Du và Shakespeare

Hai ông này giống nhau nhiều nhất ở điểm: nêu sự tình bi đát cùng độ, để thỉnh thoảng cho len lỏi vào những lời thơ phiêu bồng thơ ngây khôn tả. Nghĩa là nói cách khác: nêu ra sự chấn động của toàn khối hiện thể để khiến người ta khơi lại mạch nguồn tồn thể (Đó cũng là dụng ý của Nietzsche).

Ông Khổng Tử ngày xưa thì lại cố tình che dấu hết mọi cuộc chấn động hỗn độn. Chẳng phải là ông không biết. Ông biết cùng cực nhưng ông không nói – tri hiểu nhi bất ngôn chi.

Ông Camus Nietzsche cốt cách giống như Khổng Tử, muốn sống và lập ngôn như Khổng Tử, nhưng không thể nào được. Lịch sử đi tới một buổi hoàng hôn riêng biệt.

Trong nền thi ca Việt hiện đại, Nguyễn Thị Hoàng và Trần Thy Nhã Ca là hai hình ảnh biểu hiện nỗi thống khổ cùng cực của lịch sử nhân loại. Những Thánh Nữ Simone Weil không còn lối bước đành làm miếng mồi mềm mại cho những trận Tẩu Hỏa Nhập Ma. Hình như ngành Y Khoa hiện đại đủ sức trị liệu chứng bệnh đó.


Dịch

Từ trong tinh thể nó, Dịch là làm điều cưỡng bức. Dịch văn xuôi là điều cưỡng bức. Dịch thơ lại càng là cưỡng bức triệt để hơn nữa.

Đừng nói chi tới sự vụ dịch thơ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Chỉ thử hỏi: Có thể nào đem thơ Việt, dịch ra trở lại làm thơ Việt được không? Có thể nào đem thơ lục bát dịch ra làm thơ thất ngôn, hoặc ngũ ngôn, hoặc song thất lục bát, hay là thơ tám chữ?

Nói triệt để hơn nữa: Có thể nào đem thơ lục bát dịch trở lại làm thơ lục bát? Chính ông Nguyễn Du, ông có thể nào tự mình đem thơ lục bát của mình dịch trở lại làm thơ lục bát?

Không. Lời thơ kia chỉ hiện ra một lần trong phong thái riêng biệt của anh hoa phát tiết một lần. Buộc nó phải hiện ra trở lại trong phong thái khác, thì anh hoa tài tử có thể cho phát tiết một lần nữa, nhưng lần sau không còn là lần trước.

Màu xanh của biển chiều thu năm nay không phải màu xanh của biển chiều thu năm ngoái. Màu xanh biển phút trước, không phải màu xanh biển phút sau. Luôn luôn trong vạn vật cũng như trong sinh hoạt tâm linh, có một trận tái tạo không ngừng. Phải chấp nhận sự đó như là điều hiển nhiên, thì mọi cuộc dịch dy mới có thể còn chút gì chính đáng trong cơn liên tồn cưỡng bức.

Trái lại, nếu quan niệm hẹp hòi, nếu cho rằng dịch phải thật “sát”, không được cưỡng bức dịch dy, thì mặc nhiên người ta đã cưỡng bức một cách không chính đáng. Vì cuộc cưỡng bức nọ không đưa tới tái tạo tinh hoa, mà dẫn tới nô lệ ngục tù, nghĩa là sát phạt tinh hoa.

Thử đưa một thí dụ. Truyện Kiều mở ra với bốn câu:

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Nếu người dịch là kẻ tài hoa, ắt nhận thấy rằng điều cốt thiết trong mấy câu thơ kia, chẳng phải là cái ý tưởng nó hàm ngụ - ý tưởng “tài mệnh tương xung”, “cõi người ta trăm năm ngắn ngủi”, “cuộc biển dâu thương hải tang điền”… là những ý tưởng sáo. Trái lại, cái chỗ bất tử, cái chỗ huyền diệu của câu thơ kia lại là ở những điệp thanh, điệp âm, đối ngữ…

Trăm năm - một cuộc - những điều…
Trong cõi - trải qua – trông thấy…
Chữ tài - chữ mệnh…
Khéo là ghét nhau – mà đau đớn lòng…

Một cuộc tương tranh, một cuộc xô xát, trong một cõi trăm năm, được âm ỷ nêu ra âm thầm triền miên trong những đối ngữ, điệp âm nọ. Đó là cái chỗ thần diệu phát tiết của thơ. Vậy lời dịch làm sao tái lập được cái chất linh diệu đó?

Ông René Crayssac, ông Trương Cam Vũ, vô tình hoặc hữu ý đã tái tạo được trong hai bản Pháp Ngữ và Hoa Ngữ cái chất thơ âm thầm triền miên trong cốt cách lục bát Việt Nam. Mỗi ông theo mỗi lối, thuận theo tinh hoa ngôn ngữ mình, đã thể hiện trở lại trong bản dịch được chín phần mười tinh hoa ngôn ngữ.

Hãy xét bốn câu của Trương Cam Vũ trước:

Nghịch lữ nhân sinh bách tuế trung
Mệnh tài lưỡng tự xảơ tương xung
Nhất kinh thương hải tang điền biến
Mục kích tâm thương kỷ vãng tung

Có thể nghĩ rằng đó là do ngẫu nhiên mà Việt Ngữ và Hoa Ngữ đã hôn phối chặt chẽ. Cũng có thể nghĩ rằng ấy là do cuộc tương giao hằng bao thế kỷ mà nảy ra kết quả đẹp đẽ kia. Dù sao thì dù, lời thơ dịch đã không bỏ lạc cái cốt yếu trong thơ Nguyễn Du. Xin ghi ra những ngôn ngữ gùn ghè tịch hạp:

Bách tuế - lưỡng tự - nhất kinh (trăm năm – hai chữ - một trải qua.)

Đó là những đối ngữ. Và đây là những điệp thanh:

Tuế - tài - tự - tương – tang – tâm – tung nhất kinh - mục kích – thương hải – tâm thương…

Bốn câu dịch bốn câu, Trương Cam Vũ có thể tái lập được chừng đó điểm đặc biệt, lại còn dịch được tiếng “khéo là ghét nhau” ra làm “xảo tương xung” - Thế là người dịch đã thể hội huy hoàng cứu cánh của công việc vậy. Ông vừa thong dong đi sát ý, lại còn thể hiện được viên mãn cái hồn thơ.

Bây giờ xét tới lời dịch của René Crayssac. Crayssac sử dụng Pháp ngữ, Crayssac không thừa thụ những thuận lợi như Trương Cam Vũ – những thuận lợi do những tương giao lâu ngày giữa Hoa Ngữ và Việt Ngữ đem lại – Crayssac đã phải cưỡng bức như thế nào, theo đường lối nào, trong lời dịch?

Những đối ngữ đi mật thiết sát gót nhau trong bốn câu nguyên tác, Crayssac không cách gì thể hiện lại được, thì ông thể hiện theo lối khác bằng cách dịch dôi ra và đưa vào những điệp thanh phong phú.

Bốn câu của Nguyễn Du, ông phải dịch ra làm mười hai câu cả thảy mới tạm gọi là lột được phần nào tinh hoa nguyên tác:

Cent ans – le maximum d’une humaine existence!
S’écoulent rarement sans qu’avect persistance
Et comme si le Sort jalousait leur bonheur,
Sur les gens de talent s’abatte le malheur
Subissant l’âpre loi de la métamorphose,
On voit naitre et mourir si vite tant de choses!
Bien peu de temps suffit pour que fatalement
Surviennent ici-bas d’étranges changements,
Pour que des vert muriers la mer prenne la place
Tandis que, devant eux, ailleurs, elle s’efface!

Or, dans un temps si court, ce que l’observateur
Peut bien voir ne saurait qu’endolorir son coeur.

Nhận định thấy gì?

Những tiếng “trăm năm, một cuộc, những điều” của Nguyễn Du không còn có thể đi sát nhau đẻ gùn ghè mật thiết, vì chúng bị loãng mất trong mười hai câu dài dậm duộc.

Nhưng Crayssac ngược lại đã biết tận dụng những điệp thanh lai láng để thể hiện chất thơ bàng bạc của Nguyễn Du. Xin chép ra đây những âm thanh âm vận láy đi láy lại:

Cent ans – s’écoulent – sans que – comme si – le sort – sur les – s’abatte – subissant si vite – suffit – surviennent – s’efface – si court – ne saurait – son coeur –

Ngoài ra, những đối ngữ thật sự của Nguyễn Du mà Crayssac không thật sự tái lập được, thì ông cũng đã tái lập đối ngữ theo cách khác:

Sans qu’avec – et comme si – Bonheur – malheur
Nâitre – mourir
Tant de choses – bien peu de temps
Prenne la place – elle s’efface

Trên đây chỉ là một trong muôn ngàn thí dụ khác có thể đưa ra khi bàn tới chuyện dịch. Dù sao, điều cốt yếu, chẳng phải là đạt hay không, có lẽ… Điều cốt yếu, là ý thức về cái chỗ gay cấn kia, lúc khởi sự đọc văn thơ. Thơ Nerval, thơ Apollinaire, Baudelaire, Whitman, Dickinson, Rilke, Nietzsche, Heidegger, vân vân, đã bao phen khiến người dịch đành phải bó tay, bó chân, xin nhảy lùi từng trận.

Vậy nên kẻ biết dịch là kẻ biết nhảy lùi. Vì dịch là tư tưởng một cách nghiêm mật. Kẻ tư tưởng thâm viễn bao giờ cũng nhảy lùi. Kẻ biết dịch tối cao, là kẻ không bao giờ chịu dịch. Trường hợp buộc phải dịch, thì đành cưỡng bức. Cưỡng bức để đưa tới đề huề. Trường hợp không thể đưa tới đề huề, thì đành tái điệp nhảy lùi, song trùng bỏ cuộc. Bỏ cuộc thì kể cũng đìu hiu. Bèn nhảy vô cuộc trở lại. Rốt cuộc? Rốt cuộc, con người tẩu hỏa nhập ma sa vào giữa một vòng lẩn quẩn kỳ quặc. Trong cái vòng lẩn quẩn kỳ quặc ấy, hốt nhiên lời thơ Nguyễn Du lại thị hiện một cách não nùng:

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Thơ Nguyễn Du thị hiện một cách đoạn trường như thế, thì sự cố nào xảy ra cho thằng tài tử? Ấy là sự cố Mưa Nguồn, Lá Hoa Cồn… Mọi bài thơ tôi viết ra, đều là vịnh thơ Nguyễn Du tại chỗ gay cấn âm thầm nhất. Dịch thơ từ đó biến ra làm Vịnh Kiều, trong từng cơn cưỡng bức. Thơ Nguyễn Du cũng là tự mình cưỡng bức mình. Người ta công kích thơ tôi, chẳng qua chỉ vì người ta tưởng rằng tôi làm thơ đưa ra cái gì độc đáo lắm.

Lại có kẻ cho rằng thơ tôi làm u ẩn, súc tích, hơn thơ Nguyễn Du. Ấy chẳng qua là người ta không chịu đọc thơ Nguyễn Du trong nếp gấp của nguồn thơ ông đấy thôi.


Nguồn: Bùi Giáng, Thi ca tư tưởng (Sổ đoạn trường - Tức Đi vào cõi thơ cuốn II), Ca Dao xuất bản lần thứ nhất 12/69, Sài Gòn - Việt Nam.