NGỠ NGÀNG VỀ VỚI HUẾ
PHAN MỘNG HOÀN
Thiếu nữ xinh thật xinh, cao lênh khênh, xếp hàng gần cuối cùng trong đội múa dân tộc. Cô bé vừa dành nhau với lũ bạn ngồi bệt xuống dưới chân hàng ghế sắt xếp cao dần tít trên kia lúc này đã chật như nêm. Đêm Huế mùa lễ hội sao nóng bức, gió không thấy đâu, hay trốn mãi trên kỳ đài ngất cao? Anh ngồi ở hàng ghế khách mua vé, bỗng nao nức nghe tiếng ríu rít của bầy chim vành khuyên áo lục thắm. Bầy thiếu nữ dễ thuơng ghê, họ lao xao cười đùa với nhau, không xa lắm dưới chân anh.
“Cỏ thơm! ơi Cỏ thơm!” Người đàn bà gọi lớn tiếng hướng về bầy vành khuyên áo lục. Anh quay lại nhìn bà ta. Bà nói: Xin lỗi! xin lỗi! Âm thanh giọng Huế nghe ngộ nghĩnh. Anh nhận thấy bà ta và bà bạn sát vai nhau ngồi hàng ghế trên anh đều đã đứng tuổi nhưng thấp thoáng hương sắc ngày xưa còn đọng lại trong nụ cười. Bà vừa cất tiếng nhanh nhẹn bước xuống, len lách giữa đám sinh viên áo đỏ bọn anh, và phút giây đã lẫn vào những cô gái trẻ đang ngồi chen nhau dưới ấy. Hình như bọn con gái nhỏ này đang chờ lúc đến phiên ra sân khấu. Tự nhiên anh tò mò dõi theo xem...
Bà mẹ khẽ ôm vai con gái, thì thầm nói gì. Cỏ thơm, Joe đoán thế, quay đầu ngước lên phiá anh. Joe thoáng rung động. Ánh mắt sao mà đen láy, xênh xếch và reo vui. Cô bé đưa tay nhẹ vẫy. Anh ngạc nhiên tưởng cô ta chào mình, nên Joe cũng vẫy tay chào trả lại. Nào ngờ thiếu nữ rụt tay và nghiêm mặt không cười nữa. Có lẽ, cô bé vẫy chào bà bạn của mommy ngồi hàng ghế sau lưng Joe. Anh hơi ngỡ ngàng. Joe nghĩ thầm sao người ta khó tính thế, chào vu vơ thì đã sao nhỉ. Nhưng Joe đã quên điều này, người ta dân Huế gốc, như me cậu hay kể- thật lòng khó làm quen!
Nghỉ hè năm nay, Joe từ Monterey qua Pháp chơi với gia đình người em họ của me cậu, gặp lúc đoàn hướng đạo của Dân con trai của cậu Kiêm tổ chức về Việt Nam dự Festival mở ra ở Huế; thế là Joe gọi phone về Mỹ thưa với ba me cho cậu tháp tùng đoàn Scout này về quê hương luôn. Quê me nghe nói ở Kim Long nhưng nào Joe biết đâu mà tìm. Khi gia đình Ba me cậu theo diện HO của ông ngoại qua định cư ở Mỹ cậu bé Quỳnh vừa lên 10. Đến nay 2008 Joe hay Quỳnh tròn 23 tuổi, tiếng Việt Nam nói không ngọng tuy nghe hay hay vì không có dấu trầm dấu bổng như kiểu ba me vẫn phát âm. Còn chữ viết thì chỉ lỏm bỏm nhớ nhớ quên quên. Vì bất ngờ về thăm nên Joe không hề được chuẩn bị chu đáo. Từ lâu me hứa hẹn sẽ đưa các con về thăm quê nhà nhưng chưa phải là đột xuất như lần này.
Joe tên Việt là Quỳnh, nhưng các bạn Mỹ gọi là Joe cho dễ phát âm. Nguyễn Nam Quỳnh trắng trẻo xinh trai, chưa có bạn gái. Sau hè này Joe thực sự vào Standford để theo học ngành Y. Qua Pháp ham theo Dân sinh hoạt scout, Quỳnh không có dịp để làm quen cô đầm non nào. Về VN mới hai hôm nay, cậu tính cùng Dân tìm lên Kim Long chơi, nhưng vì đi theo đoàn bận viếng thăm nhiều thắng cảnh của cố đô nên hết có cơ hội. Me tối hôm trước gọi cell phone về nhắc chừng con trai nhớ rủ Dân đi thăm mộ ông bà nội ở Nguyệt Biều. Lại thêm một cái tên lạ hoắc khó lòng viết cho khỏi trật.
Trước sân chầu mênh mông bây giờ nô nức. Đoàn biểu diễn nghệ thuật nước ngoài đang gây xôn xao. Bà con cười reo trước cảnh mấy chục cặp chân cẳng cà khêu, cái cao nhất dễ 5, 6 mét tây đang nhịp nhàng bước. Với Joe thì bình thường. Ca-vũ-nhạc-kịch-ảo thuật ở đâu bên ấy cũng có, cậu không hào hứng mấy. Nhưng ở đây thì khác, thiên hạ mê say nhìn những sãi chân dài năm thước cùng tiến cùng lui, quanh co uốn lượn trông thiệt ngoạn mục. Người xem la ó quá chừng. Quỳnh chỉ mãi tìm bóng áo lục. Dân hiểu ý chuyền cho anh cái ống dòm. Quỳnh điều chỉnh ống kính. Anh thấy cô gái nhăn nhăn mày ngước mặt nhìn lên mẹ, trông thương quá. Bà gìa cô đang ham theo dõi lũ chân cẳng cà khêu nên không hay biết gì. Quỳnh liền quay lại trao cho bà ta chiếc viễn vọng kính. Cậu nói:
-Con gái bác muốn nói gì với bác dưới kia.
Bà mẹ sửng sốt ngó trân chàng trai áo đỏ. Trông chàng thanh niên mặt mày sáng sủa dễ thương nhưng giọng nói, sao âm thanh nghe không có dấu thiệt tức cười. Quỳnh lịch sự giải thích:
- Bác xem cô ấy ở kính viễn vọng này.
Cô gái cười rạng rở khi thấy mẹ dơ tay vẫy mình rối rít. Chà! mẹ còn ngó trong ống dòm nữa kìa. Tên áo đỏ ngồi gần mẹ đúng là người hồi nãy chào mình. Cô bèn nhìn lơ sang đám bạn. Quỳnh vừa kịp gửi nàng cái hôn gió. Cỏ Thơm nóng bừng cả hai má tưởng như ai đang hôn vào mặt mày cô.
Bây giờ là lúc đoàn nghệ sĩ Pháp tiến ra sân khấu trình diễn. Lập tức suốt mấy dãy ghế quan khách là hàng mấy chục sinh viên nam nữ mặc đồng phục đỏ, liền đứng phắc dậy gập mình chào rồi sau đó ngồi xuống và cùng loạt dơ cao và mở rộng hai tay. Không ai bảo ai, họ nghiêng người qua phải rồi nghiêng sang trái, uốn lượn nhịp nhàng cách đều nhau làm thành động tác như chuyển động hình sin, như làn sóng to nhỏ nhấp nhô trông thật ngoạn mục. Đoàn áo đỏ đang cổ động phe nhà của thói quen hải ngoại. Bà mẹ Huế cũng vui lây cảm thấy trẻ lại mấy chục tuổi đời, bà uốn qua uốn lại dơ cao tay như bầy trẻ nước ngoài. Từ đó về sau nhóm bà mẹ Cỏ Thơm và các chàng trai từ Pháp về trở nên thân mật.
-Các cậu là người Việt Nam ở bên Tây về?
Quỳnh thưa:
-Bọn cháu là Mỹ là Pháp gốc Việt.
Bà mẹ bạn nhanh nhẩu tự giới thiệu:
-Tôi từ San Diego về, người Huế chính cống.
Thấy Joe tròn mắt không hiểu cho hết câu nói. Mẹ Cỏ Thơm dịch:
-Là người Mỹ gốc Huế trăm phần trăm đó cháu.
Dân lúc này mới xen vô góp chuyện với ba bác cháu Quỳnh;
-Cháu và Joe, à... Quỳnh, ba mẹ đều là người Huế. Tụi cháu gia đình ngày xưa ở làng Kim Long. Là đâu hả bác?
Bà San Diego chậm rải nói:
-Kim Long cách làng chúng tôi một dòng sông.
-Thưa là Rivière de Parfum là Hương giang phải không ạ.
-Đúng rồi đó là con sông đẹp nhất thế gian này.
Bà mẹ bạn mơ màng nhắm hờ mắt lại và hãnh diện nói như thế. Dân liến thoắng tiếp lời:
-Ba mẹ cháu cũng thường bảo rằng sông Seine đẹp thật nhưng thua xa Hương River...nghe không thằng Mỹ con Quỳnh! À, Tụi cháu dịp này về đây, ba me đều muốn phải lên thăm mộ ông bà nội ở Làng Quán Nguyệt Biều. Chắc là xa xôi lắm phải không ạ?
Mẹ Cỏ Thơm hí hửng nói:
-Vậy thì ngày mai gia đình chúng tôi mời hai cháu về nhà chơi. Sẽ làm món Cơm Hến khao các cháu gọi là chốn thân tình.
Bà mẹ bạn nói rõ hơn:
-Nhà bạn Diệu Chân đây ở sát nách làng Nguyệt Biều, trên con đường Huyền Trân Công Chuá.
Hai tên áo đỏ cùng reo lên:
-Wonderful! Merveilleux!
Khi bầy chim vành khuyên cánh lục biếc bay tỏa ra sân, bây giờ đến lượt hai bà mẹ Huế nồng nhiệt đứng lên chào, và hét to:
-Cỏ Thơm, Cỏ Thơm...
Nàng áo lục xếp hàng cuối cùng không quay đầu lại nhưng khẽ nghiêng vai và dơ cao cánh tay mềm mại vẫy. Quỳnh rồi Dân nhanh tay điều chỉnh máy ảnh, sao cho thật gần để bấm tí tách cố thu cho được dáng vẻ thanh mảnh của cô gái Huế tóc vấn gọn trong tấm khăn vàng. Các cô áo lục này bay lượn chung quanh đoàn áo dài tha thướt vũ lượn trên sân khấu. Bao nhiêu tơ lụa vàng lấp lánh. Những xiêm y lộng lẫy nổi trôi bồng bềnh giữa mây trắng chập chờn. Khăn hoàng hậu, xếp nếp vành cao, và hàng trăm nhan sắc yêu kiều của Huế của cố đô thanh lịch khiến thiên hạ chao đảo hồn trí.
Festival 2008 của Huế mở ra theo thông lệ 2 năm một lần. Nhờ thế khoảng thời gian sau nầy, xứ Huế ngoi ngóp hồi sinh. Từ sau 75, khi toàn lãnh thổ Việt Nam được thống nhất và hết cảnh nội chiến Nam Bắc, nhưng dân chúng lại trở nên vô cùng khốn khổ đói rách. Gần đây với chính sách cởi mở của nền kinh tế thị trường và riêng cố đô triều Nguyễn Việt Nam nhờ thừa hưởng việc UNESCO trùng tu cung điện, đền đài nên Huế đã có cơ hội để đón tiếp khách nước ngoài về du lịch tham quan. Huế phần nào thoát cảnh lầm than.
Khắp nơi từ thành phố đến thôn quê, làng xã, đường sá được sửa sang, tráng nhựa cho khỏi lồi lõm ổ gà ổ vịt. Du khách di chuyển bằng xe taxi có máy lạnh, tiền lại không mắc. May ra như thế Huế không bị bỏ rơi, tụt hậu. Từ đó kinh tế có chút hơi hưởng giúp dân chúng sinh hoạt kiếm miếng cơm no mùa nắng. Dân Huế lao động cực nhọc khi trời khô ráo, mong sao dành dụm khỏi đói rét vào mùa mưa gió bão lụt.
Khoảng 11 giờ đêm chương trình văn nghệ chấm dứt, quan khách ai mua vé giá cao tiếp tục vào nội điện để xem ca vũ nhạc cung đình. Tuy nhiên hai chàng trai trẻ không theo đoàn sinh viên Scout Pháp của họ. Quỳnh và Dân luẩn quẩn với nhóm hai bà bạn già đợi chụp hình chung với mấy cô gái của bầy chim vành khuyên áo lục. Cỏ Thơm mắc cở đứng chen lẫn đàng sau các bạn. Bà mẹ lôi tay cô ra phiá trước. Cỏ thơm phụng phịu mặt mày, Quỳnh thấy sao vẫn đáng yêu. Cậu và Dân liền ngồi sụp xuống trước chân các nàng, như kiểu cầu thủ bóng đá. Khi return lại máy hình Quỳnh tức cười vì bắt gặp Cỏ Thơm đang cúi xuống nhìn mình. Cần cổ thiên nga nghiêng nghiêng...trong khi đám bạn cô lao xao luyến xuyến cười hét vang rân. Giọng Huế của các nàng nghe sao vui tai, líu lo như chim hót. Quỳnh không làm sao hiểu cho rõ các cô gái đang nói gì với nhau.
Chụp hình xong, cả bầy con gái rủ nhau ùa chạy đến chỗ chất đầy hằng trăm hoa sen trang hoàng cho đêm văn nghệ. Cô nào cũng tham lam ôm đầy tay những đoá sen đủ màu. Quỳnh ham thu hình cảnh “ăn trộm” hoa của các cô gái nhỏ nên chẳng có bông sen nào cho mình. Cuối cùng anh cũng có phần. Bởi vì bà mẹ Huế đã order con gái:
-Hay chưa tề, sao không ai chia cho các bạn mới rứa hè!
Cỏ Thơm rụt rè lấy bớt hai bông sen, một hồng một trắng và dúi mạnh vào tay Quỳnh. Dân kịp thu vào máy ảnh cảnh tặng hoa ấy. Rồi mọi người chào từ giã nhau. Mẹ cô gái dặn hai anh nhớ trưa mai lên nhà bà chơi, ăn cơm hến.
*
Hai chàng trai nhẹ nhàng trong bộ áo quần ngắn kaki của đồng phục hướng đạo, chân mang giày vải. Các anh rời khách sạn thuê chung với đoàn Scout, bọn họ mãi còn chìm trong giấc ngủ vì đêm qua 2 giờ sáng đoàn mới trở về. Đôi bạn rủ nhau chạy bộ từ sáng sớm.
Sông Hương mơ màng trôi chảy, đỏm dáng cài những hoa sen khổng lồ, lớn cỡ một chiếc thuyền nhỏ. Nghe nói mùa lễ Phật Đãn năm nay Huế tổ chức đại hội quốc tế đón tiếp đại biểu từ mấy chục quốc gia về tham dự, nên khắp nơi thành phố diêm dúa điểm trang. Những cổng chào uốn vòm, đan hoa văn gắn đầy hoa sen. Dọc con đường Lê Lợi ngang qua các trường Quốc Học – Đồng Khánh tên xưa, giăng mắc những chiếc lồng đèn bằng lụa đỏ vui mắt. Ngắm những cánh hoa màu đỏ hồng tươi tắn bềnh bồng giữa dòng sông xanh thắm, Quỳnh cảm thấy Huế giảm bớt nét thi vị của cố đô thanh lịch trầm lặng. Nhà nước lợi dụng kéo dài cảnh trí trang hoàng mùa lễ Phật, dùng lại cho Festival 2008, nên chợt làm cho thành phố nổi tiếng trầm mặc hóa ra cải lương bình dân.
Theo lời hướng dẫn của sách du lịch bỏ túi, nếu cứ đi cặp theo bờ sông Hương dần lên phía Bắc họ sẽ đến Phường Đúc. Với số điện thoại có được của các bà bạn quen cho nhân đêm ca vũ nhạc tối hôm qua làm gì hai du khách trẻ không tìm tới nhà họ để được đãi ăn món Huế.
Hai chàng mỗi người 1 chiếc balô đeo gọn gàng sau lưng, chứa bao nhiêu thứ dùng cho thời gian du lịch. Các chàng trai mới hôm trước mặt mũi còn sáng sủa trắng trẻo nay rám màu nâu hồng mạnh khỏe. Khi các anh chạy bộ ngang qua đâu vòng theo bờ sông Hương, họ cũng hấp dẫn đám trẻ con ùa chạy theo họ. Dân vừa chạy chầm chậm vừa lần tay với tìm sau lưng nơi túi ngoài của balô, lấy ra mấy thanh kẹo gum xanh đỏ. Anh vui vẻ làm quen và mời bầy nhóc da đen nhẻm cùng nhấm nháp với mình.
Từ múi cầu Gia Hội, bầy Việt dã bất ngờ gồm khoảng 7, 8 cậu bé cùng 2 chàng hướng đạo dừng chân. Quỳnh, bác sĩ tương lai tinh ý nhận thấy các em thở hồng hộc và da càng mét xanh đen tái hơn. Vậy là do đói. Anh lục balô tìm hộp cheese bò cười, bao kẹo chocolat MM đủ màu cùng gói bánh khô lấy ra chia cho các cậu nhỏ. Trong khi Dân đang sà xuống bên cô bán hàng rong, mua hai chục trái bắp luộc còn bốc hơi nóng thơm lừng. Anh chia đều cho cả bầy lớn bé. Các em háo hức nhai nuốt rộn ràng, mặt mày dần tươi tỉnh. Dân dò hỏi và biết đang mùa nghỉ hè, vừa là mùa lễ hội Festival, các em nghỉ học.
Anh chợt thấy trong đám trẻ có hai cậu bé buồn hiu. Anh phải tìm hiểu nguyên nhân. Cu Nam trã lời khi nghe anh Dân hỏi:
-Hết hè ni, em và cu Lì không phải đi học nữa.
-Tại sao lại bỏ học? chừng này tuổi đã chán đến trường hay sao?
Quỳnh thắc mắc và ngó thẳng vào mặt chú bé xinh xắn, làn môi giờ đã hồng lên nhờ có kẹo, bánh, chocolat và trái bắp luộc tiếp sức. Cu Lì đăm chiêu trã lời:
-Tháng trước mạ em đau nặng, tiền để dành cho học phí phải đổ sạch vô tiền thuốc nên...
Thằng Tuấn, đứa trẻ vạm vỡ nhất trong đám tiếp lời bạn:
-Sau kỳ hè, vô đầu niên khoá tụi em mỗi đưá phải đóng liền một lần 300 ngàn đồng, em rồi Kiên, Hùng, Minh, Ngọc tuy không dễ dàng chi nhưng gia đình cũng tạm lo được. Phần em, ba mạ em đã chuẩn bị rồi. Còn bạn Lì, hết thuốc chữa! rứa là nghỉ học thôi. Như bạn Nam nữa, cha thợ hồ xóm cầu Đông Ba, hết việc làm, lấy mô ra tiền cho hắn tiếp tục học!
Tuấn thở dài im lặng. Cả bọn trẻ mất vui. Quỳnh Dân kinh ngạc nhìn nhau. Trong phút chốc mắt họ chợt loé tia sáng giải quyết vấn đề. Quỳnh nói ngay:
-Anh và anh Dân sẽ giúp hai em tiền học phí niên học mới. Thôi, vui lên, ăn xong kiếm nước uống, anh em mình chạy tiếp, OK!
Một thoáng im lặng vì ngỡ ngàng, rồi chợt oà vỡ tiếng reo hò vui mừng của tụi nhóc mới lớn. Vừa tiếp tục chạy thong thả cho lũ trẻ không mất sức. Quỳnh vừa khẽ bàn với bạn:
-Lên nhà Cỏ Thơm, lát nữa tụi mình bàn với các bà mẹ Huế giúp dùm việc này. Vì chắc là chúng ta không có nhiều thời gian, phải không?
Dân gục gặt đầu đồng ý. Sinh viên như họ du lịch không nhiều tiền thật, nhưng nếu nhín tiêu bậy bạ, như không mua quà linh tinh đem về là có ngay số tiền để giúp cho cu Lì, cu Nam đi học. Mới 12 tuổi, bắt đầu lên trung học các em đã tắt ngúm tương lai cuộc đời, nghĩ thiệt tội nghiệp.
Khoảng 10 giờ, Quỳnh Dân chào từ giã các bạn nhóc mới quen. Anh em bịn rịn chia tay nhau. Dân xin địa chỉ hai em Nam và Lý tức cu Lì và hứa sẽ liên lạc với cha mẹ các cậu. Chiếc máy ảnh Digital của Dân được dịp bấm tí tách bao nhiêu là hình ảnh đám bạn trẻ vừa kết làm huynh đệ hè 2008. Quỳnh tươi cười hẹn với tụi nhỏ, vài năm nữa anh sẽ về chạy đua với các em.
Trên cầu Nguyễn Hoàng lộng gió, nắng hè lấp lánh vui, nhưng bầy trẻ mặt mày buồn xo. Chúng đứng vịn vai nhau nuối tiếc nhìn vói theo bóng hai người anh kết nghĩa dễ thương. Các anh đang nhanh chân bước rồi sau đó dần mất hút khi rẽ vào đường Lê Lợi hướng lên Nguyệt Biều.
*
Thỉnh thoảng đôi bạn trẻ dừng chân hỏi thăm bà con đường đi, và họ chạy dần ngang qua Ga Huế, rồi rảo bước chui dưới lòng cầu Lòn. Khoảng này Quỳnh rủ Dân quày trở lại để lên trên cao đứng ngắm trời đất. Đây là cầu Bạch Hổ, dưới kia sông Hương rộng bát ngát, dòng nước chảy miên man. Xa xa dăm con đò đang xuôi mái trôi giữa dòng êm như mơ. Vệt núi tím nhạt thấp thoáng cuối chân mây. Huế đẹp quá. Trong sách chỉ nam du lịch, bên kia sông Hương, anh em Quỳnh đọc thấy rằng đầu múi cầu là ngã ba, một hướng ra An Hòa Quảng Trị, một xuôi theo sông Hương chảy thẳng lên làng Kim Long. Vậy chắc chắn họ sẽ tìm được dấu tích của quê nội.
Con lộ từ cầu Lòn trở đi có một đoạn mở rộng ra và đắp bằng đá kiên cố. Người ta nói Huế khúc đường này thường bị lụt lội xói lở nên phải gia cố như thế. Hai chàng hướng đạo tóc tai áo xống ướt đầm đìa mồ hôi. Nửa giờ sau khi họ dừng chân trước ngôi thánh đường Phường Đúc, cũng là lúc trông thấy tấm bảng nhỏ cắm ở góc đường đầu kia mang tên: Huyền Trân Công Chúa. Đích thị đã gần đến nhà người đẹp áo lục. Quỳnh bổng cảm thấy tim anh đập rộn ràng...
*
Con đường Huyền Trân dâng cao dần, hai bên đường cây to bóng mát. Dăm chú bò lửng thửng dạo trên ven lộ, mãi chúi đầu gặm mớ cỏ xanh non. Dân nổi hứng muốn làm cowboy, anh lẹ làng chống hai tay lên lưng một chú bò tơ đu lên, rồi vắt vẻo cởi lên lưng con vật hiền lành. Quỳnh cầm máy “Kỹ thuật số” thu ngay hình ảnh ấy. Gió trưa thổi hây hẩy làm khô vạt áo hai chàng tuổi trẻ và đem cơn mát về. Cả hai không hẹn cùng kêu to: Quê hương ơi hạnh phúc quá! Rồi Quỳnh buồn hiu khi nhác trông thấy chú bé chăn bò gầy gò đen đủi từ phiá trong đám tre xanh ngắt ven đường tiến ra, chú ta ngơ ngác nhìn các người lạ đang vui vẻ cười đùa. Dân cười:
-Xin lỗi em! anh cởi bò có hề gì không?
Nó lắc đầu. Quỳnh liền rủ cu cậu chụp chung hình kỷ niệm. Mấy anh em và đám bò sau đó chia tay từ giã nhau. Dân không quên dúi vào túi áo chú chăn bò mấy phong kẹo gum làm quen và Quỳnh cho cậu ta hai gói kẹo chocolat MM nhỏ còn sót lại trong túi áo. Cậu bé cười lặng lẽ. Quỳnh chợt liên tưởng hai đứa Nam- Lỳ, cậu nhóc này e cũng đã bỏ ngang việc đến trường! Lòng anh cảm thấy buồn thương đám trẻ nghèo khổ của quê mẹ.
Quỳnh vừa đi vừa nghiêng ngó tìm nhà bác Diệu Châu theo địa chỉ bà đã cho tối hôm trước. Chợt một chiếc xe đạp của ai từ đầu dốc trên kia lao nhanh xuống. Hai chàng vội vã nhảy tránh vào vệ đường. Chiếc nón lá của cô gái đội trên đầu rơi xuống. Quỳnh cúi nhặt lấy và quày trở lui trả cho chủ nhân. Cô ta cũng vừa xuống khỏi xe. Cô gái trông ngờ ngợ, như đã gặp đâu rồi nhỉ? Anh trao cho cô ta chiếc nón lá vừa lượm được. Cô gái có đôi mắt to và cặp lông mày đen nhánh, cong cong thật xinh. Cô lí nhí cám ơn. Dân tiến tới gần và hỏi thăm lối về nhà bà bạn Huế:
-Chị có biết gia đình bà Diệu Châu ở đâu không?
Quỳnh thêm chi tiết:
-Bà ấy và cô con gái rất nice...
Cô gái lạï mặt cười tươi:
-Các anh theo tôi. Nhà họ ở gần đây.
Đôi bạn trẻ theo chân cô gái dắt bộ xe đi ngược con dốc cao chừng 10 phút, chợt cô ta dừng lại ven lộ trước một lối lên xây bằng những bậc đá thanh. Trên kia là một cổng sắt nhỏ uốn thành vòm bán nguyệt và bụi hoa giấy um tùm nở đầy những bông tím rưng rức xen lẫn lác đác vài sắc hoa trắng, hoa hồng nhàn nhạt bò quanh quất trông thật nên thơ. Cô gái gọi lớn vọng lên:
-Mẹ ơi! khách tới rồi...
Quỳnh nhìn Dân, thắc mắc đã được sáng tỏ vì sao cô gái rơi nón trông lại quen mặt thế. Bà Diệu Châu là maman các nàng xinh đẹp này!
Chưa đầy 1 phút sau, các anh thấy cô gái hôm qua vụt chạy ra rồi thoắt cái quay trở ngay vào nhà, ngôi nhà xinh xinh sơn màu hồng phấn và khuất sau lối đi nhỏ. Cô rơi nón hét to có vẻ giận:
-Cỏ Thơm! mẹ đâu?
Mãi mới thấy hiện ra bà San Diego thong thả bước, theo sau là bà Diệu Châu, toe toét cười chào vui vẻ:
-A, chào các em đã tới thăm tệ xá!
Dân còn bận thu hình lối lên chiếc cổng hoa tím thơ mộng. Bà mẹ Huế mau mắn giới thiệu mọi người với nhau. Cô rơi nón là Phương Anh, chị Cỏ Thơm. Phương Anh thưa:
-Mẹ, con đi chợ đã nghe. Mấy người ni lạc đường nên con phải dẫn về đây.
Nói xong cô gái mắt to thè lưỡi cười với mẹ, chiếc mũi cô khẽ trun lại, xinh ghê. Dân nhận ra điều này. Anh chàng vội đề nghị:
-Hay để tôi theo đi chợ với Phương Anh nhé!
Cô gái mở mắt to hơn và lắc lắc đầu hỏi:
-Bạn biết đi xe đạp không?
-Sure! Tôi sẽ chở cô!
Dân nắm chặt lấy ghi đông và ngồi ghé lên yên trước. Anh chờ cho cô gái yên vị vào porte bagage sau. Rồi dấn mạnh pédale, chiếc xe loạng quạng chuyển bánh, lạng ngay ra giữa lộ, con đường khúc này đổ dốc xuống khá gắt nên xe sẽ vút lao đi. Cô gái ngán quá vội nhảy rời khỏi yên sau xe, té nhẹ xuống nhưng không hề hấn gì. Dân tiếp tục lái xe ào đi giữa con đường Huyền Trân may sao giờ này vắng vẻ. Anh kịp điều chỉnh tay lái, nhẹ giãm thắng cho xe nép vào ven lối đi. Rồi anh dừng lại ở cuối con dốc, chờ cô bạn mới quen. Trong bụng tự cười thầm, quen lái xe auto, giờ dám cả gan đòi chở người đẹp bằng xe 2 bánh, mình liều mạng thật.
Bây giờ thì Phương Anh dành ghi đông, còn chàng cua rơ ngoan ngoãn ngồi đàng sau. Cô cho xe rẽ trái ở ngã ba Bùi Thị Xuân và Huyền Trân Công Chuá, để lên chợ Long Thọ. Mùa hè gặp dịp Festival nên hàng trái cây bày bán nhiều thứ ngó ngon mắt, người ta chở từ trong Nam ra. Dân nhờ cô gái chọn mua chùm vải thiều đỏ ửng và trái khóm chín vàng. Anh muốn góp phần buổi tiệc trưa nay. Phương Anh không từ chối việc này.
Cô ghé vào hàng thịt heo mua mấy lạng thịt nạc tươi rói, qua hàng tôm chọn mớ tôm thẻ tươi xanh, đến hàng rau lựa mua rau xà lách, rau thơm, giá sống. Cô gái tính thầm: trưa nay mình sẽ đãi họ ăn gỏi cuốn. Hồi sáng Dì San Diego đã giao việc bếp núc cho Cỏ Thơm, nó đã lo xong món cơm hến rồi. Cô không quên mua mấy lá bún tươi. Tất cả mớ rau thịt đã cho vào bao ni lông, cô đặt gọn gàng vào giỏ xe đàng trước. Cô giao phần trái cây cho anh chàng Việt Kiều mặt mũi sáng sủa, lo ôm lấy. Khi trở về, chỗ ngã 3, đoạn đường ở đầu dốc hướng lên nhà cổng hoa tím, Dân nói anh muốn đạp xe. Phương Anh gật đầu, nhường tay lái và vội lấy bao nilông đựng tôm thịt rau cỏ ra khỏi giỏ xe, và dành lấy xách trái cây từ tay Dân. Cô sợ cua rơ sẽ ném mọi thứ tan nát xuống đất! Chàng Pháp con khẽ nhún vai rất tây, cười xin lỗi người đẹp.
Cả nhà xúm quanh bàn tròn đã bày biện thức ăn khá thịnh soạn. Bác trai, bố của hai cô gái trịnh trọng mở chai rượu chát đỏ, quà của bà bạn San Diego mua dưới phố đem lên, ông rót rượu vào những chiếc ly nhỏ để uống khai vị. Quỳnh nhìn chăm chú vào bàn tiệc.
Bác Diệu Châu hướng dẫn quý khách dùng món cơm hến.
Bà báo trước sẽ khá cay, vì nếu không cay sẽ mất ngon, không còn hương vị Huế nữa. Rau đủ thứ xanh tươi đã xắt rối bỏ vào tô trước hết, đến cho cơm trắng vào tiếp theo sau, trên cùng là lớp hến nhỏ đã đảo chín màu vàng nâu, nhớ bỏ thêm nhúm đậu phụng rang óng ánh đỏ thắm vì đã được chiên qua với ớt. Bên cạnh mỗi người là một chén nhỏ nước hến luộc để đổ vào hỗn hợp cơm hến khi dùng tới.
Bác Mai Hồng, tên gọi bà San Diego, cầm đũa mời mọi người. Bà nói vài lời ngắn gọn chúc mừng cuộc hạnh ngộ của tất cả ai có mặt trưa nay. Quỳnh rồi Dân hăm hở cách ngại ngùng bưng tô cơm hến đã “bố trí” theo lời chủ nhà. Nhưng khi lùa một miếng nhỏ vào miệng, hai chàng trai cùng lúc rên rỉ:
-Trời ơi cay quá!
Cỏ Thơm vội chạy đi rót 2 ly nước cứu lửa đem tới cho hai người khách trẻ. Quỳnh đỏ mặt cười, cám ơn cô, Dân liếc xem người rơi nón, không là Phương Anh, cô ta tủm tỉm cười ngắm chàng cua rơ mắc nạn. Bác trai nhỏ nhẹ lên tiếng:
-Thôi, không nên ép các bạn trẻ ăn cay, từ từ mình tập sau nghe!
Món gỏi cuốn được khách chiếu cố tận tình. Hồi nãy về tới nhà là Phương Anh nhanh nhẹn làm ngay. Vật liệu đã có sẵn: rau muống, khoai lang luộc, bún vừa mua về. Hai chị em hợp tác món gỏi thiệt linh hoạt. Khách không mời cũng đã chui vào bếp để xem.
Quỳnh lăm lăm trên tay cái camera để thu hình. Tay các cô thoăn thoắt sắp dài xuống theo chiều rộng của mỗi chiếc bánh tráng, vài cọng rau muống đã rửa sạch, khoai lang cắt thành từng miếng nhỏ, và bún tươi. Xong họ cuốn lại thật chặt rồi cắt ra từng khoanh nhỏ cỡ 2 lóng tay. Các cô xếp quây tròn đều đặn vào dĩa bàn lớn. Bác gái mở sẵn hủ tôm chua cho con gái sắp lên trên cùng mẫu bánh cuốn. Dân để ý thịt heo luộc chín đã cắt mỏng thì đặt dưới con tôm hồng hào ướt rượt. Ôi chao sao mà rắc rối và công phu thế! Dân hít hà theo dõi màn trình diễn tinh tế món Huế này và đoán chắc hắn phải ngon tuyệt cú mèo!
Quỳnh suy nghĩ thiệt hung, sang năm phải rủ mom cùng về Huế mới được.
Bác Mai Hồng phụ trách món nước chấm. Có đến 2 loại sauces để khách tùy ý chấm bánh cuốn này. Loại 1 là lấy mắm ruốc lựa ruốc hạng nhất không bị cặn, hòa với nước ấm, cho vào đó tỏi băm nhuyễn, ớt tươi bằm mịn, bỏ vô chút đường cho dịu hỗn hợp, vắt chút chanh cho thơm, nêm vừa miệng là được. Xong là bắc lên bếp nấu cho sôi rồi tắt lửa ngay. Loại 2, dùng đậu nành đã nấu chín xay nguyễn, bỏ vào đó tỏi bằm, ớt băm nhỏ, hòa chút đường, thêm đậu phụng rang vàng giã cho dập dập, tất cả hòa vô nước chấm tương này, dì Mai Hồng (nay các bạn trai gọi bà San Diego theo chị em Cỏ Thơm là dì) biểu, phải sền sệt mới ngon. Nước sauce này cũng phải nấu sôi trước khi dùng. Như thế khỏi đau bụng. Hai chàng trai thử chấm gỏi cuốn vào mỗi thứ nước sauce, các anh nhận thấy sao mà thơm ngon, bùi béo ghê. Riêng Quỳnh nghĩ thầm, ước chi mình được ở đây lâu và ăn “như ri” hoài thì hạnh phúc quá.
Mới làm quen nhà dốc cổng hoa tím này có hai hôm, rồi chuyện trò huyên thuyên với bầy nhóc chạy bộ, nghe chừng các chàng Việt Kiều ưa phát âm rặt Huế!
Sau bữa cơm ngon và lạ miệng nhưng mà cay - đắng ấy, ( vì ngoài cơm hến còn có món canh mướp đắng- chao ơi đắng chi mà đắng quá trời!) các chàng hướng đạo mạnh dạn xin cả nhà góp ý cho họ về việc giúp đỡ 2 em Nam- Lỳ. Dì Mai Hồng cười tươi, nói rằng đó là sở trường của dì khi về quê hương. Bác Diệu Châu cho biết từ lâu rồi bác và một nhóm cựu nữ sinh Đồng Khánh hiện ở Huế đã là cộng tác viên đắc lực trong những công tác tình thương dì Mai Hồng ưa vẽ vời mỗi khi về thăm Huế.
Chương trình của họ giờ thêm chi tiết giúp Nam-Lỳ. Và để khỏi mất thời gian, ngay chiều nay sau bữa tiệc thân tình, Quỳnh và Dân sẽ đến thăm gia đình hai em. Dân bảo:
-Tụi cháu không biết đường đi ở Huế e là khó tìm nhà các em. Nhất là phương tiện có sẵn chỉ là cặp giò!
Phương Anh mau miệng:
-Rứa tui đây thì răng, Cỏ Thơm nữa hắn đang rảnh, mùa nghỉ hè mà.
Cỏ Thơm ngập ngừng lên tiếng:
-Em sắp sửa phải đi xa...
Quỳnh cảm thấy hơi thất vọng khi nghe thế. Nhưng bác trai vội góp lời:
-Bé Út cuối tuần sau mới bận rộn chuyện đi “thực tế”, dư sức phụ với chị bé Anh làm hướng đạo cho các anh ấy.
Quỳnh nghe hăng hái trở lại:
-Chỉ cần có xe đạp, phe con trai sẽ vận tải các con gái.
Bé Anh hỏi:
-Anh nói vận tải tụi tui, rứa tui và Cỏ Thơm là heo bò hay răng đây?
Hai bác và dì San Diego phá ra cười. Các chàng trai rời VN đi xa từ lúc còn nhỏ tí cho nên ngôn ngữ mẹ đẻ làm sao khỏi lúng túng ngỡ ngàng. Dân bắt qua chuyện cậu bé cowboy dốc đường Huyền Trân, các anh muốn tìm hiểu để có thể giúp đỡ phần nào. Phương Anh rành rẽ:
-A, đó là thằng cu Tơn tên thiệt là Tân, nhà ở xóm trên dốc Thành Lồi, con của thím Nga bán rau dưới chợ Long Thọ. Chú Lân ba cu Tơn chết năm tê vì bịnh gan, gia đình sinh túng quẫn, con cái bỏ học may cu Tơn được chân giữ bò kiếm thêm gạo phụ mẹ nuôi bầy em 3 đứa, đứa út vừa lên 3!
Quỳnh nghe mà hoảng, anh nghĩ thầm, sao nhà nghèo khổ còn ham đẻ thế! Dì Mai Hồng có ý kiến:
-Huế nghèo cực kể không ngạ, chúng ta chỉ có thể tiếp sức họ phần nào trong khả năng. Bởi vì Job cowboy dù sao cũng rất tốt bỏ thì uổng, nhưng không thể vừa đi học vừa giữ bò. Tôi nghĩ rằng, mình có thể cho họ gạo là thực tế.
Bác Diệu Châu phân công ngay:
-Vậy bố Văn ngày mai lo chạy tới tiệm bán gạo sĩ dưới Cống Trắng, mua cái phiếu gạo 15 kí. Bé Anh sẽ liên lạc thím Nga đến đó lãnh gạo. Chúng ta giúp cấp thời và kín đáo như thế đã, còn sẽ tính sau.
Dân và Quỳnh xế trưa hôm đó gọi taxi về khách sạn để thay áo sống và nhất là xin phép trưởng đoàn Hướng đạo cho hai anh xé lẻ vì bận việc nhà. Hai chị em Cỏ Thơm sẽ đến đón các anh bạn cùng đi tìm nhà Nam-Lỳ.
*
Vé máy bay vào Sàigòn ghi rõ sau mùa Festival, đoàn hướng đạo sẽ từ giã Huế rồi 2 ngày sau đó bay về Pháp. Phần Quỳnh chuyển chuyến bay bay về San Fransico.
Trước đó hai anh đã được hai cô gái thông minh xinh đẹp nhà ở đường Huyền Trân Công Chuá giúp họ tìm lên Nguyệt Biều để tảo mộ tổ tiên. Đường lên đây theo con lộ tráng nhựa, hai bên làng mạc ruộng nương trù mật, nhà cửa lác đác vài cái đã được tu sửa tử tế. Các anh ngắm sông Hương miệt nguồn xanh thẳm. Hai chàng tuổi trẻ đã dừng xe đạp bên một bờ sông cát vàng , liền nghỉ ngay đến chuyện phải tắm mát ở dòng sông quê hương. Hai cô gái Huế bằng lòng ngồi đợi mấy người bạn tính tình hồn nhiên như trẻ thơ ấy. Khi quay trở về, nhóm bạn trẻ giờ trở nên thân thiện, đã ghé thăm Hổ quyền với dấu tích ngày xưa voi cọp từng đấu nhau gay cấn trước mắt thưởng lãm của vua tôi nhà Nguyễn.
Qua hôm sau, các anh còn được hướng dẫn lên thăm Chùa Linh Mụ có ngôi tháp 7 tầng cổ kính, đứng soi bóng bên dòng sông Hương nước trong xanh, gờn gợn sóng êm đềm trôi chảy. Quỳnh và Dân đã dò tìm tới được ngôi từ đường họ Nguyễn, nằm sâu phía miệt vườn xanh um cây cỏ của làng Kim Long. Ông bỏ già, người làm của ông ngoại Quỳnh hiện đang trông coi ngôi nhà này. Ông lão ngoài thất tuần vẫn khang kiện ngày ngày chu đáo lo hương khói sớm hôm cùng tưới nước bắt sâu cho cây cỏ hoa lá trồng trong vườn tươi tốt.
Như vậy là hai anh em từ Pháp Mỹ về đã chu toàn bổn phận ba má giao. Họ đã du lịch những danh lam thắng cảnh nổi tiếng cố đô, đã giúp đỡ cho mấy em nhỏ túng nghèo và nhất là được may mắn kết nghĩa bạn bè với các người đẹp gốc gác đàng hoàng xứ Huế. Những người trẻ tuổi từ đáy lòng chợt bâng khuâng nghĩ ngợi...
Một mùa nghỉ hè ngắn ngủi mà chan hòa hạnh phúc; để rồi mai đây giây phút sắp phải chia tay họ càng nghĩ càng ngậm ngùi. Người ở lại trở về nếp sống an phận, kẻ ra đi xa đến nửa vòng trái đất. Hai nếp đời cách biệt ngàn trùng, cho nên không ai dám ngõ lời hứa hẹn. Bây giờ đám bạn trẻ chỉ dám mong ước một ngày không xa quá, họ sẽ gặp lại nhau cho tình bạn dễ thương vừa chớm không tàn lụn trong quên lãng.
San Jose ghi lại những ngày về Huế Hè 2008
------------------------------------------------------------
Source : www.art2all.net
Trang Phan Mộng Hoàn