Hiển thị các bài đăng có nhãn Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh - Chân dung Xuân Diệu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh - Chân dung Xuân Diệu. Hiển thị tất cả bài đăng

1/1/09

Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh - Chân dung Xuân Diệu

Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh - Chân dung Xuân Diệu (1)

Hồi kháng chiến chống Pháp, có lần tôi đã được thấy Xuân Diệu. Lúc ấy tôi đang học ở trường Trung học kháng chiến đóng ở Đào Giả - Phú Thọ. Tôi đi khám bệnh ở một bệnh viện ở Đại Đồng. Hình như anh cũng đi chữa răng thì phải. Có người biết Xuân Diệu, chỉ cho tôi. Anh đi xe đạp, mái tóc lượn sóng, rất thi sĩ.

Từ ngày về Hà Nội học, rồi công tác ở Đại học, tôi có dịp đến Xuân Diệu mấy lần cùng với Nguyễn Duy Bình và Hoàng Ngọc Hiến. Vào cuối những năm 60, sang những năm 70 của thế kỉ trước, tôi luôn viết cho tạp chí Tác phẩm mới do Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tô Hoài thay phiên nhau phụ trách, vì thế luôn có dịp tiếp xúc với Xuân Diệu.

Xem chừng anh rất tín nhiệm tôi. Có lần tôi ngồi uống cà phê với anh ở 24 Điện Biên, bỗng anh nói: “Đây là hai tài nhân nói chuyện với nhau” (Anh không nói nhân tài mà lại nói tài nhân)

Khi tập thơ Những năm 60 của Huy Cận ra đời, Xuân Diệu đặt tôi viết bài phê bình đăng Tác phẩm mới. Anh nói, Huy Cận đang đi Pháp, Mạnh phải viết thẳng tay, nêu rõ nhược điểm cho cậu ta đỡ chủ quan. Tập thơ nhiều bài yếu lắm. Khi viết bài ấy, anh có trao đổi góp ý với tôi.

Biết anh mến tôi, tôi đến anh luôn.

Xuân Diệu là người rất chu đáo, thiết thực và tiết kiệm. Chu đáo, thiết thực, tiết kiệm đến tỉ mỉ, chi tiết. Thấy tôi viết bản thảo kín cả hai mặt giấy, anh cho tôi một cuốn giấy báo, bảo rọc ra, viết một mặt thôi (Hồi này đời sống khó khăn đến nỗi giấy trắng để viết văn, viết báo cũng thiếu thốn. Tôi thường phải dọc giấy để dùng làm bản thảo những tờ giấy bỏ thừa không viết hết ở cuối những bài tập làm văn của học sinh, vợ tôi thường thu về nhà để chấm). Những lần tôi đến anh vào buổi chiều, mải nói chuyện đến gần tối, anh thường giục tôi về, vì đường thì xa, đi lại nguy hiểm. Anh nói: “Có thể ở nhà vợ lo bị cướp xe đạp ấy chứ!”. Có lần trời nắng, đi qua nhà anh, tôi tạt vào mượn cái mũ. Anh cho mượn cái mũ lá đã cũ (hình như của Hà Vũ, con Huy Cận), vậy mà vẫn dặn phải giữ cẩn thận, khi nào ra Hà Nội trả lại anh. Có lần đang ngồi với anh, thấy có người nhà đem sách báo cũ ra bán cho hàng đồng nát. Anh gọi với theo: “Này, những cái bìa sách các tông đẹp, nhớ lấy lại mà dùng”. Thấy anh có một u già giúp việc (U Khang), tôi tưởng mọi việc chợ búa, bếp núc, anh chẳng phải quan tâm. Vậy mà không phải. Anh tỏ ra rất thạo giá cả thực phẩm ngoài chợ, giá trứng, giá thịt. Có lần tôi đã được nghe anh tính toán rất tỉ mỉ: “ Ba quả trứng gà 33 đồng, 2 quả trứng vịt lộn giờ 18 đồng một quả, nhân 2 là 36 đồng, bổ hơn 3 quả trứng gà chứ, 3 lạng thịt bò nhiều hơn 3 lạng thịt lợn, vì thịt bò nhẹ hơn. Nhưng 3 lạng thịt bò có bổ hơn 2 quả trứng vịt lộn không thì chưa rõ. Nhưng cũng phải đổi món chứ...Còn thịt chó thì thịt lẫn xương 4 đồng rưỡi một lạng, thịt nầm 6 đồng một lạng...” (Tính theo giá tiền đầu những năm 1980).

Thấy tôi nhiều khi có vẻ lơ đãng, cẩu thả, anh thường nói giễu: “Cậu đúng là nhà văn lớn”, hoặc “cậu nghệ sỹ quá, nghệ sĩ hơn cả mình”.

Một lần tôi đến Xuân Diệu với con trai tôi là Nguyễn Đăng Thanh. Nó sắp đi nước ngoài học. Tưởng tôi đưa con đến chào anh trước khi đi Liên Xô, anh rất cảm động. Anh sôi nổi dặn dò cháu đến nửa tiếng đồng hồ.

Xuân Diệu thỉnh thoảng có một chuyến đi xa, như đi Liên Xô, Pháp hay Ấn Độ gì đó. Bao giờ anh cũng chú ý mua quà về cho những người thân. Nhưng không tuỳ tiện mà lập danh sách hẳn hoi, và tuỳ từng người mà tặng các món quà khác nhau. Tôi cũng được nằm trong danh sách ấy. Khi thì một cái áo sơ mi, khi thì một bao thuốc lá ngoại, sang nhất là một cái đồng hồ đeo tay Liên Xô hiệu Pơndốt.

Xuân Diệu làm việc rất cần cù. Một tấm gương lao động quyết liệt: đọc sách, dịch sách, viết văn, làm thơ. Mùa hè, tôi thấy anh xoay trần ra viết. Nghỉ ngơi cũng là học tập. Anh mở nhạc cổ điển ra nghe. Anh nói, cứ nghe nhạc mãi, dù không hiểu nó cũng thấm vào người. Vậy mà có ai đến chơi, anh vội vàng xếp cả lại, tiếp đón rất nhiệt tình. Kể cả người anh không ưa. Có một lần đang nói chuyện với anh, thấy một người ghé vào. Anh tiếp rất niềm nở. Khi người ấy về, anh nói với tôi: “Sao tôi ghét thằng cha này thế!”. Ghét mà vẫn tiếp chu đáo? Đoán biết tôi thắc mắc thế, anh giải thích: “không tiếp nó lần sau nó không đến nữa”. Tôi nhớ lại, có lần anh nói: “Người ta yêu vờ yêu vịt còn hơn là lạnh như tiền. Người ta vỗ tay để lấy lòng mình thôi còn hơn là không vỗ tay”. Lại nhớ câu thơ của anh:
Và hãy yêu tôi một giờ cũng đủ
Một giây cũng cam, một phút cũng đành.

Thì ra Xuân Diệu rất sợ cô độc. Rất lo không có ai thương mình, không có ai nhớ mình, tìm đến với mình.

Xuân Diệu rất sợ chết. Có lần tôi đến anh. Anh chỉ bức ảnh bà má của anh mắc vào giá sách, nói: “Bà má mình đấy. Bà ấy mất rồi. Không có bằng chứng gì chứng tỏ bà đã từng sống ở trên đời”

Lần khác tôi đến anh khi Như Phong vừa chết. Anh nói, Như Phong chủ quan, cho là mình khoẻ lắm. Không có doute méthodique về sức khoẻ của mình. Anh lắc đầu, lè lưỡi: “cái chết ghê gớm thật, nó biến con người ta từ plus infini thành moins infini!”.

Lúc đó tôi không biết nói gì. Nhớ đến cái chết của Nguyên Hồng, tôi nói: “Nguyên Hồng cũng chết một cách đột ngột” (giống Như Phong). Xuân Diệu ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Không, Nguyên Hồng chết rồi, nhưng cái văn của anh ấy vẫn còn rên rỉ. Còn Như Phong, chết là không còn dấu vết gì nữa. Mấy bài phê bình, ai đọc!”

Xuân Diệu ngay từ nhỏ đã rất có ý thức giữ gìn mọi tài liệu, bút tích của mình. Anh còn giữ nguyên năm cuốn vở học sinh hồi học ở Quy Nhơn, ghi chép linh tinh đủ thứ: nhật ký, những dòng suy nghĩ tản mạn, dịch thơ, tập sáng tác... Trải qua bao biến thiên của cuộc đời, rồi những lần sơ tán trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, vậy mà vẫn giữ nguyên, không sờn không rách. Một con người có ý thức rất cao về bản thân mình.

Đọc mấy quyển vở ấy, tôi thấy có một bài thơ anh đặt tên là ”Những người chết trẻ”. Chắc là một người bạn học của anh chết, anh xúc động làm bài thơ này. Bài thơ khá dài, gồm nhiều đoạn, đoạn nào cũng chỉ xoay quanh cùng một ý. Chẳng hạn, đoạn một nói về các bạn gái rất thương bạn, khóc. Nhưng rồi yêu người này, người khác và quên. Đoạn hai, nói về các bạn trai, đoạn ba nói về anh chị em ruột, ý vẫn thế thôi: lúc đầu thương, khóc, sau cũng quên. Đoạn cuối cùng nói về cha mẹ. Cha mẹ thì không bao giờ quên con, nhưng cha mẹ sẽ già và chết. Thế là hết, chẳng còn ai thương nhớ mình nữa:
Nhớ các anh hoài chỉ mẹ cha,
Song tro tàn lạnh không còn lửa,
Rồi đèn mờ tắt. Thế là thôi,
Không một người thương ở cõi đời.

Cùng một ý ấy – “Những người chết trẻ” – tôi còn thấy một bài thơ khác ở dạng một bản nháp:

Vẻ đẹp và non và mạnh mẽ
... yêu như điên
Biết bao hình bóng đầy vẻ thơ
Biết bao khuôn mặt còn ngây thơ
Biết bao mái tóc còn như tơ
Biết bao cặp mắt đầy ước mơ
Sau cái màn quên đã mịt mờ!
.............................................
Biết bao chàng thanh niên đã chết
Đã chết! Tiếng sao mà gớm ghê!
Đã chết! Đã đi không còn về.
Mang theo lực, tài, xuân, hương, huê
Đã chết, tiếng sao mà thảm thê!
...................................................
Biết bao chàng thanh niên đã qua
Như gió xuân đi không để vết
.................................................
Thế đấy, biết bao chàng thanh niên
Đã chết trước khi chưa được sống...

Té ra, từ tuổi thiếu niên, Xuân Diệu đã nghĩ đến cái chết, đã lo đến khi phải từ giã cõi đời này. Và điều đặc biệt là anh đã nghĩ cách chống lại cái chết, nghĩa là trở thành bất tử – bất tử trong lòng người. Chống lại cái chết bằng cách nào? Bằng cách làm thơ, anh gọi là “Thơ trái tim”.

Trong quyển vở học sinh, quyển thứ ba (đề tập III, 1934), tôi thấy anh, ngay từ tuổi học trò, đã có hẳn một lí thuyết về sự bất tử của thi ca. Anh viết một đoạn văn dài, đặt dưới cái đầu đề: “Một bài thơ với một tên người”. Lập luận của anh như sau:
“Thơ là đồ chơi, là đồ ru ngủ, là đồ không thiết thực, nghĩa là - sao không nói hẳn?- đồ bỏ. Các nhà tận tâm về sinh kế của xã hội, các nhà thiết thực, các nhà nghiêm khắc nói thế. Phải hay không tôi chẳng cần biết. Với Fontenelle, tôi muốn cho rằng ai cũng phải cả (tout le monde a raison). Tôi chỉ để ý mà thấy rằng: Ba ngàn năm qua chôn nắm xương tàn của Homère. Nói về danh vọng và bất hủ, đã ba ngàn năm Homère vẫn được tôn sùng... Cái gì rồi cũng qua đi. Đế quốc Lamã, đế quốc Charlemagne. Nhưng cái chết không diệt được cái gì không phải là vật chất. Mà cái đầu tiên không phải là vật chất chẳng phải là thơ sao? Thơ - cám dỗ của mơ màng...”
“Với những khúc anh hùng ca (épopée) Jliade, Odyssée, Homère sống đến nay... Song thiên tài thời bất hủ là lẽ cố nhiên. Phải chăng thơ có cái ma lực siêu việt thời gian, mà đến những người chỉ có tài (talent) cũng có thể sống ở trong thơ, hơn nữa, trong một bài thơ?”
“Một bài thơ cứu một tên người, vớt một tên người ở trong giòng thời gian nó lôi cuốn sự vật vào miền quên lãng?... Phẩm hơn lượng, le sonnet sans défaut vaut, seul, un long poème... Nhưng vài câu thơ trong ấy rung động những trái tim lại đáng giá bằng mấy bài sonnet không nhầm lỗi... Ta để ý xem, những bài thơ cứu một tên người, khá nhiều là thơ tình cảm, thơ trái tim. Tư tưởng có thể thay đổi, bây giờ còn ai muốn nghe những lời biện thuyết của Luther, những bài thơ của Rousseau, bây giờ ai ưa?... Nhưng trái tim người... khi nào cũng có những trẻ con, những bà mẹ, những cô gái, những mẹ già, nghĩa là những con người, họ yêu thương, họ vui vầy, họ đau xót... Cho nên tiếng kêu than của Trác Văn Quân vẫn còn tìm thấy tiếng vang trong lòng những cô Bạch Lệ ảnh”.
“Ở đây tôi không nói những danh sỹ như Ronsard, họ có dư thơ để mà sống trường cửu. Tôi chỉ nói những nhà thi sĩ còn ở trong trí nhớ nhờ một bài thơ. Những nhà thơ ấy cũng có làm nhiều bài, song chỉ được có một bài xuất sắc. Trên dòng thời gian vô cùng tận, họ chỉ có một chiếc lá thả trôi đi. Tôi không biết thơ Tàu cho nhiều. Song tôi vẫn nghe tiếng nàng Ban, ả Tạ. Tôi vẫn còn nhờ ý tứ bài thơ vịnh quạt của Triệu Yến Phi. Có lẽ trong văn Tàu, người ta cũng còn nhớ đến nàng, nhờ bài thơ kia”.
Còn ai không biết đến bài “Hồi văn” của Tô Huệ? ở đây mới đúng cái trường hợp một bài thơ với một tên người...

Như vậy là đối với Xuân Diệu, điều quan trọng nhất không phải là chuyện văn chương thơ phú mà là chuyện làm sao được sống mãi với đời, sống mãi với nhân loại. Văn chương thơ phú chỉ là phương tiện để giúp anh sống mãi trong lòng người, một thứ vũ khí để chống lại cái chết. Và tôi hình dung cả cuộc đời lao động nghệ thuật quyết liệt của Xuân Diệu là một quá trình quyết đấu với cái chết.

Trong mấy quyển vở học sinh ấy, tôi còn thấy điều đặc biệt này ở con người Xuân Diệu: luôn đòi hỏi tình cảm cao độ, tình yêu mãnh liệt, yêu phải hết mình. Trong mấy quyển vở nói trên, thỉnh thoảng lại thấy có một đoạn nhật kí.

Có một đoạn nhật kí như thế này: anh ghi tâm trạng rất đau khổ của mình, đau khổ đến mức như là thất tình vậy. Lúc đầu tôi cứ tưởng thế, chắc là một cô bạn gái nào đấy – vì anh viết tắt tên cái người mà anh cho là không còn yêu anh nữa. Đọc tiếp mới biết không phải. Đó là một anh bạn trai. Và lí do rất trẻ con: “Hôm ấy mình đến mượn B cái quần đùi. B. nói, chốc nữa mình đi đá bóng, không cho mượn được”. Có thế mà đau khổ! (Khi trả lại mấy quyển vở, tôi nói với Xuân Diệu như thế – Lúc đầu tưởng là bạn gái, hoá ra là bạn trai - Xuân Diệu ngồi im một lát rồi bảo tôi: “Này, đừng nói với ai nhé, người ta hiểu lầm!).

Mấy trang sau, tôi lại thấy một đoạn nhật ký nữa. Cũng vẫn là nỗi đau khổ nói trên – Và vẫn là cái anh B. nào kia. Lần này, lý do khác: có một gánh hát cải lương Nam kỳ ra biểu diễn ở Quy Nhơn. Học sinh mua vé đi xem. B. không có tiền, vay một bạn nào đấy tiền mua vé. Xuân Diệu biết được. Thế là lại đau khổ như là thất tình: bạn bè với nhau, không có tiền, không nói với mình một tiếng, mà lại đi vay người khác.

Trong mấy quyển vở nói trên, Xuân Diệu tập viết đủ loại văn thơ nhưng tôi để ý thấy, dù viết thể văn nào thì chủ yếu cũng quay quanh tình bạn. Và dù là thơ hay văn xuôi, dù là dịch thơ Pháp, thơ Tầu thì cũng thể hiện sự khao khát tình bạn đến cuồng si mà không được đền đáp xứng đáng. Một cái tôi cảm thấy cô đơn, vắng người tri kỷ. Ví dụ, đây là một đoạn văn như thế:

“Tôi là một đứa si, gặp bạn thì yêu hết lòng, xa nhau một khắc thời lấy làm nhớ, thế mà giứt mối tình một cách mau chóng như thế, làm sao mà chịu nổi phẫn uất, lòng hận sầu? Đêm hôm ấy nằm mà thở dài một mình, sáng dậy viết cái thư thật dài, gửi cho bạn:
Ôi! Nhân sự.
Trọng của nỡ khinh người!
Vẫn tưởng lòng son in một tấm
Đâu ngờ dạ thế trắng như vôi!
“Bao nhiêu tình đem tặng bạn tôi, bạn tôi đã không nhận mà quăng xuống đất bùn trả lại cho tôi. Tôi chỉ xin nhặt lại, rửa cho tinh khiết như cũ, rồi đem chôn kỹ trong một góc quả tim tôi vậy. Bây giờ tôi chưa quên được tình cũ, song ngày qua tháng tới, có một ngày cũng sẽ quên. Than ôi! Vũ trụ mang mang, nước non rộng lớn, từ đây đến lúc chết, suốt một đời há lẽ không kiếm được khách thân bằng ư?”

Luôn luôn đòi hỏi tình cảm cao độ, nên Xuân Diệu thường dễ có mặc cảm người ta lạnh nhạt với mình. Có một lần, lâu tôi không đến thăm anh. Khi gặp, anh nói dỗi: “Cậu bây giờ nổi tiếng rồi nên chán mình chứ gì?”.

Tôi nhận thấy Xuân Diệu có một cái gì như là có chất đàn bà vậy – hay hờn dỗi. Và khác hẳn với Nguyễn Tuân, anh hay bộc lộ thẳng tình cảm với những người mà anh quý mến.

Thực tình tôi không hiểu sao Xuân Diệu lại có thể thân với Huy Cận. Họ quả cũng có những chỗ hợp nhau. Nhưng Huy Cận đâu phải hạng người tử tế, ngay cả trong tình bạn với Xuân Diệu.

Hai ông bạn, có chỗ này quả là giống nhau: cùng ăn rất khoẻ và chỉ thích thịt cá, trứng vịt lộn, nghĩa là những thứ nhiều prôtit.

Hồi khoa văn Đại học sư phạm Việt Bắc đưa sinh viên về Hà Nội (đóng ở Cổ Nhuế) để mời các nhà văn đến nói chuyện, tôi có được nhờ tiếp khách hộ. Tôi thấy Xuân Diệu rất thích uống bia và húp trứng sống. Anh còn nói, tối nào, cần viết một cái gì thì buổi chiều thế nào cũng phải mua ba lạng thịt chó để bồi dưỡng. Có thế mới có sức viết (Xuân Diệu chết vì bị nhồi máu cơ tim, tức là máu nhiễm mỡ, cần kiêng ăn nhiều thịt, trứng. Khi anh mất, Vũ Tú Nam nói, Xuân Diệu đã bồi dưỡng nhầm là vì thế). Huy Cận cũng vậy. Phải nói là tham ăn.

Nhưng điều rất vui là, tuy cùng ăn khoẻ mà Huy Cận thì được khen là bình dân, còn Xuân Diệu thì bị chê là tham ăn. Nguyễn Khải thấy như thế, khi tháp tùng hai cây bút đàn anh này vào tham quan Nam Ngạn, Hàm Rồng, mừng thành tích bắn máy bay Mỹ (năm 1965). Họ chiêu đãi các vị. Quan ăn tham (Huy Cận) thì gọi là bình dân, còn dân (Xuân Diệu) thì gọi là tham ăn. Đúng là một dân tộc chỉ trọng quan lại.

Hai ông bạn còn có chỗ này cũng giống nhau: có ý thức giữ đầy đủ những bản thảo các tập thơ làm trước cách mạng tháng Tám. Giữ nguyên cả những bản nháp từng bài một. Một bài thơ có thể có tới ba bốn bản nháp, từ bản này sang bản khác, sửa chữa thế nào cho đến bản cuối cùng khi bài thơ được hoàn thiện. Chẳng hạn như bài Nguyệt Cầm của Xuân Diệu (lúc đầu đặt tên là Đàn trong trăng sáng). Trước khi trở thành một thi phẩm tuyệt tác mà ta đều biết, bài thơ đã trải qua nhiều bản nháp, trong đó có những câu còn rất thô sơ vụng về như:
Nhỏ giọt vào trăng, đêm thuỷ tinh
Linh lung bóng sáng bỗng run mình
Vì nghe tới đoạn giai nhân chết
Xanh ngắt không mây nguyệt một mình.
Riêng câu kết, có tơi bốn lần nháp khác nhau:
... Đàn ơi, người đẹp đến tê mê
... Thôi mà! âm nhạc giết tôi đi!
... Dịu dàng âm nhạc giết tôi đi!
... Đàn ơi! Âm nhạc giết ta đi!
Cuối cùng mới tới được câu kết tuyệt vời này:
Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê
Tài liệu này rất quý. Từ những bản nháp này, có thể nghiên cứu viết được những công trình khoa học rất hay về ngôn ngữ thơ ca, về lao động nghệ thuật... Xuân Diệu sẵn sàng cho tôi mượn. Rất tiếc hồi ầy chưa có photocopy dễ dàng như sau này. Chép tay thì biết đến bao giờ, nhất là lại chép cả những chỗ dập dập xoá xoá, viết đi, viết lại, rất ngại.

Bây giờ Xuân Diệu mất rồi. Tất cả ở trong tay Huy Cận.

Có lần tôi định dùng mẹo để lấy ra từ tay Huy Cận. Tôi hướng dẫn một cô sinh viên làm luận văn cao học, tên là H T H, về Lửa thiêng. Cô này khá xinh đẹp, lại khôn ngoan. Tôi giới thiệu cô đến Huy Cận để hỏi han, trao đổi, dần dà thân mật, sẽ mượn cho tôi tập bản thảo kia, lúc đầu là bản thảo Lửa thiêng của Huy Cận, sau đến bản thảo Thơ thơ, Gửi thương cho gió của Xuân Diệu. Bây giờ sẵn photo rồi, chỉ cần mượn ra nửa tiếng đồng hồ là có thể chụp được hết.

Tôi đã thất bại. Huy Cận tìm cách lợi dụng cô này mà không chịu mất gì. Thái độ gạ gẫm lộ liễu, rất tởm, đại khái đặt tập bản thảo bên cạnh, cầm tay cô và nói: “Phải thế nào mới cho mượn chứ!”. Sau này tôi mới biết, đừng hòng lấy không một cái gì ở ông ta. Anh Hà Minh Đức đã bị một vố rất đau: trả ông ta mấy triệu để lấy bút tích và bức ảnh của ông thời trẻ. Anh chỉ nhận được một bản photo! ảnh cũng photo!

Tôi không hiểu sao Xuân Diệu lại có thể tin cậy Huy Cận đến thế. Ông bạn này đã gây khó khăn cho người ta nghiên cứu Xuân Diệu, lại định dùng tài liệu của Xuân Diệu để kiếm chác. Cái phòng ở của Xuân Diệu, dù cho vốn thuộc quyền sở hữu của Huy Cận, lẽ ra cũng nên giữ nguyên để làm bảo tàng ông bạn. Huy Cận đã xoá hết dấu vết, dọn dẹp đi hết. Rồi hai bố con tranh nhau.

Vậy là người có tội lớn nhất đối với Xuân Diệu lại chính là ông bạn thân thiết số một của anh. Xuân Diệu muốn sống mãi trong lòng người. Đó là điều anh tha thiết nhất lúc sinh thời. Vậy mà chính ông bạn “quý” kia đã phản lại anh ở chính cái điều anh vô cùng tha thiết ấy.

Tuy nhiên tìm hiểu quan hệ giữa Huy Cận và Xuân Diệu, thấy tình bạn thân thiết giữa hai người là có thật. Năm 1940, sau khi đỗ tú tài, Xuân Diệu học luật một năm rồi thi vào ngạch tham tá nhà đoan và được điều vào làm việc ở Mỹ Tho cho đến 1943. Thời gian này Huy Cận vẫn đi học. Khi Huy Cận đỗ kĩ sư canh nông, có việc làm, Xuân Diệu liền xin thôi việc trở lại Hà Nội ở với Huy Cận, sống nhờ vào lương Huy Cận. Nguyễn Công Hoan nghe nói chuyện này, hỏi: “Thế không sợ Huy Cận nó đá đi à? Lúc ấy thì sống bằng gì mà bỏ việc?” Xuân Diệu nói: “Lúc bấy giờ tôi không hề nghĩ đến tình huống đó”.

Đúng là lãng mạn! Tôi biết, thời Tây, tham tá (commis) thuộc loại viên chức cao cấp, lương khá lắm. Bỏ đi dễ dàng như vậy quả là rất lãng mạn và tỏ ra tin tưởng tuyệt đối ở tình bạn. Tuy nhiên tình huống “Huy Cận đá”, tôi nghĩ khó xảy ra. Vì Huy Cận nhà nghèo, tuy có học bổng nhưng còn phải nuôi hai em đang học ở Thanh Hoá. Xuân Diệu thường giúp đỡ bạn rất cụ thể. Thời gian làm tham tá đoan ở Mỹ Tho, anh cứ đều đều gửi ra cho Huy Cận mỗi tháng 10 đồng. Khi Huy Cận tham gia cách mạng, Xuân Diệu còn vào tận quê Hà Tĩnh, lo thu xếp gia đình cho Huy Cận để bạn an tâm công tác. Mặt khác, trong hoạt động sáng tác, Huy Cận cũng cần một chỗ dựa là Xuân Diệu. Xuân Diệu sớm có chân trong Tự lực văn đoàn, như vậy là có thanh thế lắm (Huy Cận tha thiết xin vào Tự lực văn đoàn nhưng không được chấp nhận).

Tôi đã được chứng kiến Huy Cận sẵn sàng quy phục và tỏ ra phụ thuộc vào Xuân Diệu như thế nào: Hôm ấy tôi đến Xuân Diệu, thấy Huy Cận ở trên gác xuống, ăn mặc chỉnh tề, cứ loanh quanh ở căn phòng của Xuân Diệu. Thấy tôi, Huy Cận khoe vừa dịch bài thơ tình của Arvers (Sonnet d’Arvers): “Mon âme a son secret, ma vie a son mystère”. Bài này đã có một bản dịch rất được truyền tụng của Khái Hưng “Lòng ta chôn một khối tình, Tình trong giây lát mà thành thiên thâu...”. Huy Cận đã đọc cho tôi nghe bản dịch của anh và lấy làm đắc ý: “Tôi dịch sát nghĩa hơn bản dịch của Khái Hưng chứ!”
Xuân Diệu mắng luôn: “Dịch sát nghĩa mà là hay à?”
Xuân Diệu rót nước ra cốc mời tôi uống. Huy Cận hỏi: “Nước mơ hả?”.
Lại bị Xuân Diệu mắng: “Mơ mơ cái gì, làm gì có mơ!”
Thấy Huy Cận cứ nói chuyện với tôi, Xuân Diệu lại mắng nữa: “Anh Mạnh anh ấy đến chơi với tôi chứ, sao cứ nói mãi thế!”.
Tôi rất lấy làm lạ: Sao Xuân Diệu cứ mắng Huy Cận như mắng con nít mà toàn chuyện chẳng đáng gì cả!

Thì ra sáng hôm ấy, Huy Cận hẹn với Quang Huy ở Nhà xuất bản Văn học tới làm việc về một tuyển tập thơ của mình, cho nên ăn mặc chỉnh tề và cứ loanh quanh ở tầng một, phòng Xuân Diệu.
Một lát, Quang Huy đến. Huy Cận ra làm việc với Quang Huy ở phòng ngoài. Xuân Diệu giải thích với tôi: “Dạo này làm được mấy bài thơ, cứ hoắng lên. Mình phải mắng cho cụt hứng đi, đỡ chủ quan. Cứ tưởng bở!”
Làm việc với Quang Huy một lát, Huy Cận chạy vào báo cáo với Xuân Diệu, đại khái nói, Huy đề nghị bỏ mấy bài nào đấy và Cận thấy cũng phải.
Xuân Diệu nổi nóng: “Không bỏ! Sợ mất ghế thứ trưởng à?”
Huy Cận nhăn nhó: “Khổ quá, sợ gì đâu. Thấy Huy nó nói cũng có lý”.
Thì ra tuyển thơ của mình như thế nào, Huy Cận cũng phải báo cáo với Xuân Diệu.
Xuân Diệu đúng là chỗ dựa của Huy Cận trong đời và trong sáng tác. Nhưng khi ông bạn chết rồi thì còn cần gì nữa. Máu tham và thói ích kỉ, bần tiện liền trỗi dậy và giết chết luôn tình bạn.

Xuân Diệu không chỉ cần cù đọc sách, làm thơ, anh còn rất chăm chỉ đi nói chuyện. Đâu mời cũng đi. Đối tượng nào cũng nói. Các bà cấp dưỡng, các nông trường viên mời cũng đi ngay. Lại còn gợi ý cho người ta mời nữa. Anh thường nói với tôi khi lâu lâu tôi không mời anh nói chuyện với sinh viên: “Phải khẩn trương khai thác mình đi chứ!”. Đối với mỗi đối tượng, anh đều rút kinh nghiệm nói sao cho hấp dẫn. Anh tính toán rất tỉ mỉ, từ sự sắp xếp nơi nói chuyện ra sao, cự li người ngồi nghe thế nào, mùa hè khác, mùa đông khác, thỉnh thoảng lại phải xen vào một câu chuyện vui cho không khí đỡ tẻ. Đặc biệt anh hay kết hợp phổ biến “sinh đẻ có kế hoạch” (không hiểu sao Xuân Diệu luôn luôn lo lắng đến chuyện này). Anh nói một hồi mà không thấy vỗ tay, rất dễ mất hứng. Nhiều khi không kiên nhẫn được nữa, anh hỏi thẳng người nghe: “Sao, có thích không? Thích thì phải vỗ tay lên chứ!”

Xuân Diệu rất sợ thái độ lạnh nhạt, dửng dưng. Anh cho có nhiều thằng đàn ông rất ngu, vợ nấu cho món ăn ngon, cứ chén hùng hục mà không biết khen lấy một câu. Tôi nhớ câu thơ của anh:
Em có tài nấu nướng
Anh có tài ngợi khen.
Xuân Diệu thích nói chuyện với giáo viên nhất. Đầu năm 1985, Hữu Thỉnh, sau đại hội nhà văn lần thứ III, là uỷ viên chấp hành phụ trách nhà văn trẻ. Anh mời chúng tôi đi Tuyên Quang bồi dưỡng một lớp nhà văn trẻ ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Đoàn có Xuân Diệu, Chính Hữu, Lê Lựu, Nguyễn Thành Long, Vương Trí Nhàn và tôi. Giáo viên trường Cao đẳng Sư phạm Tuyên Quang, nhân dịp này, mời Xuân Diệu đến nói chuyện. Hôm sau họ lại mời tôi. Xuân Diệu bảo tôi: “Giáo viên họ mời thì nên đi. Nói chuyện với giáo viên lợi lắm. Nói với người khác, một người nghe là chỉ một người. Nói chuyện với giáo viên, một người nghe bằng hàng trăm người. Vì các thày cô giáo lại nói lại với học sinh của mình”.

Đi nói chuyện là một yêu cầu tự thân của Xuân Diệu. Anh có nhu cầu được tiếp xúc và trò chuyện với nhiều người, thật nhiều người. Cho nên ở mấy ngày với anh ở Tuyên Quang, tôi thấy anh đi nói chuyện liên miên. Nói sáng, nói chiều, nói tối, khản cả cổ. Được có thêm một người biết đến mình, anh sướng lắm. Cho nên anh thường nhắc đi nhắc lại câu chuyện về một anh hàng nước mía nào đấy ở Tuy Hoà (Phú Yên) biết anh là nhà thơ Xuân Diệu và đãi anh một cốc nước mía bốn đồng: “Thi sĩ cỡ như tôi có thể được tổng thống mời tiệc ấy chứ. Nhưng được một anh hàng nước mía biết đến, khó lắm!” Xuân Diệu nói một cách đầy tự hào.

Xuân Diệu luôn luôn có ý thức bảo vệ Thơ mới và văn học lãng mạn. Ai đụng đến Thơ mới là không xong với anh. Anh ghét Vũ Đức Phúc, Phạn Cự Đệ, Lê Đình Kỵ là vì thế. Anh không ưa cả Hoài Thanh vì tác giả Thi nhân Việt Nam vốn rất mê Thơ mới là thế mà nay lại quay ra phê phán Thơ mới quá gay gắt (Tố Hữu cũng phải nói: “Hoài Thanh tự tát mình quá đau”). Anh cũng luôn luôn đấu tranh cho sự tồn tại chính đáng của cái tôi cá nhân và thơ tình. Vấn đề này, ngày nay chẳng ai còn thắc mắc. Phải là kẻ gàn dở hoặc ngu tối lắm mới phủ định cái tôi cá nhân và thơ tình.

Nhưng sinh thời Xuân Diệu, nghĩa là khoảng đầu những năm 1980 trở về trước, đấu tranh cho sự khẳng định cái tôi cá nhân và thơ tình là cả một thái độ dũng cảm. Tôi nhớ thời chống Mỹ, có lần anh nói với tôi: “Mỗi lần in một tập thơ, mình phải đưa ra trước hàng loạt bài chống Mỹ như một cái đầu tầu xe lửa, sau đó, xen vào những “toa” thơ chiến đấu, lén lút mắc vào một cái “toa” thơ tình cho nó kéo ào đi”. Nhưng thơ tình của anh lúc bấy giờ nhiều khi không hẳn là thơ tình, không dám là thơ tình thật sự. Đó nhiều khi chỉ là thơ của cái nghĩa vợ chồng (Anh chờ em về ăn cơm, Đứa con của tình yêu, Em làm bếp... Tôi gọi thế là thơ về “giai đoạn văn xuôi” của tình yêu) hoặc phải gò theo khẩu hiệu “vui duyên mới không quên nhiệm vụ” thường thấy giăng lên ở những phòng cưới thời chiến tranh...

Ngoài ra, về tình yêu, trái tim anh cũng không còn cái cuồng nhiệt, cái mãnh liệt như thời trước. Mà không say đắm cuồng nhiệt thì làm sao tạo được thơ tình thật sự!

Vào những năm 60, 70, 80 của thế kỉ trước, Xuân Diệu bỗng làm rất nhiều thơ tình. Số lượng gấp bội so với thơ tình trước cách mạng. Vào năm 1961, ở anh dường như có một sự thức tỉnh trở lại về tình yêu. Anh nói: “Năm 1961, do một mối tình đến với mình mà mình cảm thấy tình yêu thật sự sống lại mạnh mẽ. Hoá ra o”“Đáy chĩnh vét rồi, hãy còn hạt gạ – giống như như câu thơ của Baudelaire “Un brin de paille brille encore dans l’étable”. Anh định làm một cuốn từ điển về đủ các trạng thái của tình yêu: nhớ, ghen, hờn – dỗi, rồi lúc thức, lúc ngủ, khi ăn, khi uống...

Nhưng dư luận không đánh giá cao thơ tình của anh sau cách mạng. Tôi cũng thấy như vậy. Nguyễn Kiên nói đúng, thơ tình Xuân Diệu sau cách mạng dùng kỹ thuật nhiều hơn là có tình yêu thật với một đối tượng có thật. Cách làm thường là thế này: dựa vào một chi tiết có thể có rồi phóng đại lên, ngoa ngôn lên cho thành say đắm. Chẳng hạn, em gửi cho anh một bức thư, nói nhớ anh. Thế là như đang đi giữa sa mạc bỗng thấy nhân loại quanh mình. Hoặc là, em có vẻ lạnh nhạt, anh buồn quá. Nhưng một bữa cơm, em gắp cho anh một miếng thịt bằng ngón tay, thế là:
Anh ăn như miếng ngọc
Dạ vui sướng nghẹn ngào
Nghĩ tình em vô tận
Khi bỏ vào bát anh...

Đúng thế, bản thân kỹ thuật không bao giờ tạo ra thơ. Trước cách mạng, anh có dùng kỹ thuật gì đâu mà đúng là thơ tình:
Anh nhớ bóng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh,
Anh nhớ em, anh nhớ lắm em ơi!

Dù sao thì cũng có một thời, Xuân Diệu cũng đã từng là nhà thơ tình số một ở nước mình. Và đến bây giờ, liệu đã có ai vượt được?

Có một hồi, người ta cứ đồn Xuân Diệu ái nam ái nữ. Không rõ hư thực thế nào. Rồi anh cưới Bạch Diệp. ái năm ái nữ sao lại lấy vợ? Nhưng được mấy tháng, Bạch Diệp bỏ luôn. Vậy là sao?

Thực ra Xuân Diệu chỉ mắc chứng đồng tính luyến ái và bất lực trong quan hệ tình dục, chứ không ái nam ái nữ.

Hồi kháng chiến chống Pháp, tôi công tác với anh Lã Hữu Quỳnh ở Sở Giáo dục Liên khu Việt Bắc (Anh Quỳnh là một nhạc sĩ, sau 1954, về Hà Nội làm Hiệu phó trường nhạc trung cấp). Anh quê ở Bắc Giang. Trong thời gian kháng chiến, các văn nghệ sĩ đi công tác qua, thường ghé vào nhà anh ngủ nhờ. Một lần, Xuân Diệu và Trần Văn Cẩn vào ngủ nhờ. Nửa đêm, anh thấy Cẩn đùng đùng dậy chửi mắng Xuân Diệu thậm tệ.

Anh Xuân Tửu một lần cùng Xuân Diệu ở trong một đoàn văn nghệ sĩ đi thăm đảo Cô Tô. Chiều hôm trước họ nghỉ lại ở Móng Cái để hôm sau đáp tàu ra đảo. Xuân Tửu muốn tắm truồng nên một mình lang thang ra biển tìm chỗ vắng người. Nhưng rất phiền là cứ thấy Xuân Diệu lẽo đẽo đi đằng sau. Đi một chập, Xuân Diệu biết ý Xuân Tửu, nói: “Muốn tắm truồng phải không? Thì cùng tắm”. Xuân Tửu mừng quá không phải vì được tắm, mà vì nhân dịp này, biết đích xác Xuân Diệu có ái nam ái nữ hay không. Anh giương mục kỉnh để nhìn cho rõ – Té ra rất đẹp! – Xuân Tửu nói với tôi như vậy.
Sau khi Bạch Diệp bỏ Xuân Diệu, anh Huỳnh Lý có một lần cùng ăn với Xuân Diệu ở khách sạn Phú Gia. Huỳnh Lý gạ chuyện: “Mình có học với cậu từ nhỏ (cấp II Quy Nhơn), mình biết chứ. Người ta cứ nói cậu ái nam ái nữ, nhưng có phải đâu (trẻ con thằng nào ái nam ái nữ, nó vật ra khám ngay, dấu sao được)

Xuân Diệu im lặng một lúc rồi nói: “Cái con Bạch Diệp trắng trợn! Để rồi mình uống thuốc, sẽ khá lên dần. Nó bỏ luôn”.

Người làm mối Bạch Diệp cho Xuân Diệu là Nguyễn Đình Thi và Hằng Phương. Hôm cùng đi vào Đà Nẵng, Nguyễn Đình Thi nói với tôi: “Tôi cứ bị cô Bạch Diệp chửi mãi”

Thực ra, chuyện Xuân Diệu có vấn đề về sinh lý, Bạch Diệp cũng có ngờ ngợ trước khi nhận lấy Xuân Diệu- Chị cẩn thận đi hỏi Tô Hoài là bí thư Đảng đoàn văn nghệ – Tô Hoài nói, không biết và mách đi hỏi Huy Cận. Huy Cận nói không có chuyện gì. Nhưng Bạch Diệp vẫn cảnh giác: Cưới rất to nhưng không đăng kí kết hôn. Thành ra khi biết chuyện, bỏ luôn, không phải ra toà lôi thôi.

Khi Xuân Diệu mất, Bạch Diệp viếng một vòng hoa trắng.

Hôm giỗ đầu Xuân Diệu (tháng 12 – 1986), người ta tổ chức một cuộc hội thảo khoa học lớn ở câu lạc bộ lao động. Tôi được mời đọc báo cáo. Tôi đọc bài: “Tư tưởng và phong cách một nhà thơ lớn: Xuân Diệu”. ở bài này, lần đầu tiên tôi đưa ra mấy ý được hoan nghênh: tư tưởng nghệ thuật (idée poétique) của Xuân Diệu là niềm khát khao giao cảm hết mình với cuộc đời trần tục, trần thế này; Xuân Diệu là người đầu tiên đưa vào thơ ca Việt Nam, tình yêu thật sự là tình yêu, nghĩa là sự giao cảm tuyệt đối từ nhục thể đến tâm hồn (khác với thơ tình của Huy Cận, chỉ là tình yêu platonique); một cách tân quan trọng của Xuân Diệu về thi pháp: coi con người giữa tuổi trẻ và tình yêu là chuẩn mực của cái đẹp.

Chị Xuân Như, em Xuân Diệu, có mặt hôm ấy, đến gặp tôi, nói: “Anh viết rất đúng về anh tôi”
Rất tiếc, giá mà Xuân Diệu đọc được!
* *
*
Nhớ lại, lần đầu tiên tôi đến Xuân Diệu ở 24 Điện Biên là vào năm 1966. Cuối năm 1985 thì Xuân Diệu qua đời. Hai mươi năm quan hệ mật thiết với anh, tôi được tiếp chuyện anh không biết bao nhiêu lần. Đối với tôi, anh không dấu điều gì. Từ chuyện đời, chuyện văn, chuyện yêu ghét người này, người khác, chuyện ăn uống sao cho có sức khoẻ và sống lâu để viết, rồi chuyện kinh nghiệm viết với đủ ngón nghề cụ thể. Cả chuyện khôn khéo luồn lách nữa để có thể đối phó với đời... Anh đã cấp cho tôi biết bao tri thức và kinh nghiệm, và đã khuyến khích tôi rất nhiều. Anh muốn tôi hiểu thật rõ, thật kĩ về anh để viết thật tốt về anh. Và về phần mình, tôi cũng muốn như vậy.

Những lần trò chuyện với anh, nói chung, tôi đều có ghi lại. Giờ tôi muốn chép ra đây một ít, cố truyền đạt lại chính xác từ ý tứ tới giọng điệu của anh, mong muốn nhớ lại được con người cụ thể của anh, cá tính, tính cách cụ thể của anh. Nhân tiện, qua cái cuộc trò chuyện, cũng thấy được tâm lí xã hội cụ thể của giới cầm bút một thời và không khí lịch sử cụ thể của nền văn học ta mấy chục năm về trước.

Tối 8 – 6 – 1966, tại 24 Điện Biên.
Tôi đề cập đến Thơ mới.
Xuân Diệu nói, không muốn nói chuyện Thơ mới. Mệt – Ngại lắm. Hãy dồn tinh lực cho hiện tại, làm thơ chống Mỹ. Nhưng rồi anh lại nói sôi nổi về Thơ mới.
Anh rất tự hào vì người ta vẫn chép thơ của anh. Đi bơm xe đạp, có một anh bơm cho rất kỹ, rồi gạ chép Thơ thơ. Năm 1954, gặp anh Lê Duẩn ở bến phà Ròn, Quảng Bình. Lê Duẩn nói: “Thơ trước cách mạng của anh, tôi mê, thơ sau cách mạng của anh tôi chưa mê”.

Xuân Diệu cho vấn đề quyết định là vấn đề trái tim . Chúng tôi chỉ cần trái tim. Trái tim là “chép thơ”. Có hai hệ thống tiếp nhận thơ mới: giảng officiel trong nhà trường và việc chép thơ của thanh niên. Một điều rất bực là ở trường phổ thông người ta cứ cho lãng mạn là xấu (Huy Cận có mặt lúc ấy, nói xen vào “quần chúng công nông rộng rãi hơn các nhà nghiên cứu”). Tố Hữu đã từng ngâm Vạn lý tình và Tương tư chiều... Thời gian sẽ ủng hộ những phần tích cực của Thơ mới. ở Liên Xô, người ta công nhận cả ba nhà thơ: Blốc, Êxênhin và Maiakôpxki. Nhưng quan điểm của ông anh thứ hai (Trung Quốc) thì ghê quá! Tả còn hơn hữu, sợ quá! Nhưng mà thôi, chả cần bàn bạc làm gì, chỉ cần người ta chép thơ tôi. Còn thầy giáo, đánh giá hay dở, tốt xấu, học sinh nó không nghe đâu!

Xuân Diệu rất ghét người ta cho thơ tình của anh là truỵ lạc. Anh nói: “Mình thuốc lá cũng không biết hút, có thể nói là nhà quê”. Anh cũng rất ghét người ta cho anh là chịu ảnh hưởng symbolisme và André Gide. Anh nói: “Đây là sự bắt gặp chứ không phải chịu ảnh hưởng. Khi tôi làm thơ, tôi chưa đọc Gide, mãi đến khi ra Hà Nội, học lycée mới đọc”.

Xuân Diệu cho khẳng định ý nghĩa tích cực của sự ra đời của cái tôi cá nhân là đúng. Còn mâu thuẫn giữa cái tôi và cộng đồng là mãi mãi. Cần hiểu ý thức cá nhân khác với chủ nghĩa cá nhân. Khi Xuân Diệu xuất hiện, Thế Lữ trở thành démodé, rồi người ta không đọc anh nữa. Cái mốt lên tiên của Thế Lữ là évasion nặng: Phải hiểu Xuân Diệu không phải tìm tòi về nghệ thuật mà là cố tìm cách nói cho chân thật, có khi lời thơ sống sượng, Tây quá. Lúc đầu người ta không thừa nhận là thơ, là có âm điệu, vì quen với cái du dương Thế Lữ rồi. Xuân Diệu muốn giao hoà với mọi người mà không được. Cô độc. Buồn. Nhưng không thoả hiệp. Muốn quẫy ra khỏi cái sầu, cưỡng lại cái sầu mà không được. Nhưng lòng yêu đời vẫn mạnh hơn cái buồn.

Anh đồng ý với tôi: “Đúng là thơ Xuân Diệu có cái mâu thuẫn: mùa xuân và tình yêu mâu thuẫn với chiều thu và đêm lạnh. Nhưng tuy không đi với quần chúng, mình vẫn ghét bọn giầu sang và xã hội kim tiền. Mình đi tìm lối thoát mà bế tắc. Nhưng nếu không cô đơn thì thoả hiệp, thoả mãn với xã hội sao!”

Bỗng Xuân Diệu xoay ra nói đến cái chết của Nguyễn Bính. “ Nguyễn Bính chết hồi Tết. Bất ngờ quá! Có lẽ do thiếu bồi dưỡng”. Anh tỏ ra rất lo lắng.

Tối 10 – 8 – 1966, tại 24 Điện Biên.
Xuân Diệu nói về tiểu sử của mình. Anh cũng nói nhiều về cái tôi cá nhân cá thể (individu) và về Thơ mới.
“Đời ông tôi ở trong tứ hộ nổi tiếng hay chữ ở Hà Tĩnh. Bố tôi là một ông tú kép, có vợ, vào Bình Định lấy bà hai làm nước mắm ở Gò Bồi. Ông cụ học chữ Tây, đỗ primaire. Chỉ dạy học, không thích ra làm việc nhà nước và không thích phải luồn cúi. Có học nghề thuốc bắc. Mình học ở cha tính cần cù, lòng thương người, không thèm khát vươn lên xã hội quyền quý.
1934 đỗ diplôme. 1935 ra Hà Nội học tú tài. Đỗ tú tài, học một năm luật. Năm 1941 thi tham tá đoan. 1943 thôi làm đoan. 1944 tham gia Việt Minh. Tuy có chân trong Tự lực văn đoàn, nhưng không tham gia tổ chức kinh tế với cánh Ngày nay. Rất yêu quốc văn – Yêu quốc văn là có bao hàm lòng yêu nước – vì tiếng Việt đương thời bị coi là tiếng vợ lẽ. ở trường học hồi ấy có ba môn bị khinh bỉ: chữ Hán, tiếng Việt và Vẽ.
Rất thích làm thơ. Nhưng không évasion như Thế Lữ (tiên), Hàn Mạc Tử (điên), Chế Lan Viên (ma), Huy Cận (siêu hình), Vũ Hoàng Chương (thuốc phiện), Nguyễn Xuân Sanh, Đoàn Phú Thứ (kín mít, cho chữ vào hũ, lắc rồi xếp ra).
Nói Xuân Diệu là nói individu. Phạm trù individu tư sản thoát khỏi ý thức hệ phong kiến là một tiến bộ, là dân chủ hơn so với tư tưởng trượng phu, quân tử. Tất nhiên đói nghèo thì không đòi hỏi ý thức cá nhân được. Khi cá nhân tách ra, tự riêng, tự phân biệt với đại gia đình phong kiến thì có vui nhưng cũng có buồn. Tự biết mình, tự phân biệt mình với người thì cảm thấy cô đơn. Ngày nay cũng thế thôi. Nhưng Xuân Diệu dừng lại ở đấy, không thoát ly và vẫn lạc quan yêu đời, tuy cô độc. Vì vẫn bám lấy cuộc đời, không thoát ly nên gặp cách mạng, theo cách mạng và làm thơ ngay.
Cái tôi Thơ mới như con bướm thoát xác. Lần đầu nó khám phá thiên nhiên bằng con mắt tươi mới, không nhìn bằng ước lệ nữa – Thế Lữ vẫn chưa thoát ước lệ.
Cơ sở xã hội của Thơ mới là tiểu tư sản, không phải tư sản. Ông Trường Chinh nói với hoạ sĩ Lê Lam: “Đi qua sông Hồng, tôi nhớ bài Tràng Giang của Huy Cận. Ông nói với Huy Cận, khi làm bài Là thi sĩ, tuy có nói đến bài Cảm xúc của Xuân Diệu, nhưng không phải để đả Xuân Diệu mà để vận động giác ngộ một người lúc đó là cai khố đỏ. Anh này mê thơ lãng mạn. Có ba yếu tố tạo nên thơ Tố Hữu: Tố Hữu, cách mạng và Thơ mới. Tố Hữu chịu ảnh hưởng thơ Xuân Diệu rất rõ “Ôi cô đơn thấm lạnh tâm tình!”, “Xuân bước nhẹ trên cành non lá mới”...v.v...
Xuân Diệu khi tìm thấy cái tôi của mình thì đâm sợ, muốn thoát mình. Bài Viễn khách, Lời kỹ nữ là thế. Kỹ nữ là Xuân Diệu. Xuân Diệu tự đặt mình vào thân phận người bị dập vùi. Người con gái khổ mà không gào to như anh đàn ông, tuy ít bị tình phụ hơn mà gào rất to, như Musset.
Tình yêu là cái tuyệt đích nên không bao giờ thoả mãn. “Nous mettons l’infini dans l’ amour. Ce n’est pas la faute des femmes” Anatole France nói thế. Vì thế nous souffrons. Đó là Xa cách, là Hi mã lạp sơn...
Thế Lữ nói được cái buồn “Buồn ơi xa vắng mênh mông là buồn”. Huy Thông thì romantique rất rõ: quay về quá khứ, về cái orient. Có hình ảnh cái lầu La mã, cái rèm La mã. Mấy câu đầu của Tiếng địch sông Ô, Con voi già... mở rất rộng, hay... Thơ Xuân Diệu cũ mà mới. Bài Viễn khách: “Đang lúc hoàng hôn xuống, là giờ viễn khách đi”, có hơi hướng câu thơ cổ “Đương quân hoài quy nhật, Thị thiếp đoạn trường thì”. Bài Nhị hồ, Vội vàng, Đây mùa thu tới cũng thế, vừa cổ vừa kim. Tả mùa thu mà không hoàn toàn tàn lụi. Mùa thu tropical, nhiệt đới. Baudelaire ca ngợi Phi Châu nhiệt đới. Mình ở vùng nhiệt đới sao không ca ngợi cây cỏ tropical của mình. Còn cái cô đúc của thơ Xuân Diệu thì bắt gặp Đường thi và Baudelaire, bắt gặp Symbolisme.
Cái quẫy của cá nhân thực ra có từ Hồ Xuân Hương, Lâm Đại Ngọc, bắt đầu biết yêu theo kiểu cá nhân (mình – ta) nên buồn. Lâm Đại Ngọc chôn hoa tức là chôn mình. L’Isolement của Lamartine, René của Chateaubriand là thế...
Hàn Mạc Tử gắn với đời hơn Chế Lan Viên. Chế Lan Viên không được độc giả chú ý lắm vì không nói gì liên quan đến họ.
Tình yêu phải là một phạm trù riêng. Không cứ phải nói tình yêu gắn với sản xuất, chiến đấu. Cứ nói riêng nó thôi cũng được, miễn là lành mạnh. Phải nâng tình yêu lên thành khái niệm. Hiện ta vẫn là giai cấp tự tại, tự nó, chưa có ý thức về tình yêu. Ta lấy vợ mà chưa yêu. Chung thuỷ là vĩ đại thật, song chưa có khái niệm về yêu thật sự. Yêu thật sự là mình với ta”.

Xuân Diệu xoay ra nói kinh nghiệm làm thơ.
“Làm thơ không chỉ có ý là được. Phải có xương thịt vật chất. Như cứ lấy giọng rê rê rê rồi bắt gặp một nét nhạc thật sự. Có khi vì tìm được một câu thơ, một điệu thơ nào đó mà làm thành cả một bài thơ. Khi nẩy ra một điệu nào đó thì nhất định phải làm theo cái điệu ấy. Y như yêu mà chỉ có khái niệm trừu tượng thì không phải là yêu thật. Phải trông thấy một người con gái, có cái mũi, cái tai như thế nào đó rồi mới hình thành tình yêu...”

Người viết: Nhà phê bình văn học GS Nguyễn Đăng Mạnh.