30/6/11

Trần Hồ Dũng - TIỄN BIỆT

TIỄN BIỆT

Trần Hồ Dũng

“ Viếng bạn Trần Hữu Minh ( cựu HS KTĐN 1972-1975 )”


Kìa em xiêm áo lê thê
Khăn tang quấn vội
mắt tê tái nhìn
Ta đi vào cõi tử sinh
Lòng còn u uất
con mình còn thơ

Chia ly nào có ai ngờ
Thôi em ở lại,
hẹn hờ kiếp sau
Ta nằm yên đó
hồn đau
Nghe buồn theo tiếng kinh trầm trầm sa

Xin chào nhau giữa ta bà
Cảm ơn bè bạn từng là “ áo xanh” ̣
Áo xưa , dù đã phai màu
Nhưng tình xưa vẫn chưa nhàu bể dâu

Đội trời mây trắng trên đầu
Từ trong di ảnh ta chào biệt nhau
Hình như có tiếng kinh cầu
Tiễn ta về chốn không sầu hợp-tan
Xin chào một cõi nhân gian !

THD. Sài Gòn, 29/6/2011

28/6/11

Biển Đông và chuyện “con ếch chịu nóng” -

Biển Đông và chuyện “con ếch chịu nóng” -
Tác giả: Tô Văn Trường
Bài đã được xuất bản.: 28/06/2011


Cứ ngồi yên, và bị cảm giác cũng như thói quen cũ chi phối, chúng ta sẽ cảm thấy không có đe dọa (hoặc đe dọa quá nhỏ) thì đến một lúc nào đó sẽ vô cùng thiệt thòi, trở tay không kịp.

Đất nước đang đứng trước những thử thách cam go: lạm phát, giá cả tăng cao, chủ quyền biển đảo bị xâm phạm nghiêm trọng. Nổi cộm nhất hiện nay là mối quan hệ với nước Trung Quốc khổng lồ đã có rất nhiều điều phải nghĩ, phải nói, trong đó nổi cộm là vấn đề biển Đông.

Nhìn chung, nhân dân ta chưa được tiếp cận đầy đủ với các nguồn thông tin để đánh giá phân tích có được thái độ rõ ràng, do đó dư luận dường như tập trung vào tranh chấp chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Trong khi, mưu đồ và thủ đoạn, hành động nguy hiểm nhất, trái thực tế, lẽ phải và pháp lý nhất, xâm phạm đến lợi ích của nhiều quốc gia dân tộc nhất, đồng thời thiết cốt nhất đối với thủ phạm, và vì thế là chỗ yếu kém nhất của thủ phạm, chính là đường đứt khúc 9 đoạn, hay còn gọi là đường lưỡi bò bao trùm 3/4 diện tích Biển Đông mà Trung Quốc đang tuyên bố chủ quyền.

Chính đường lưỡi bò của Trung Quốc, chứ không chỉ sự giành giật chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, mới thực sự phi lý, thâm hiểm, mục đích chiếm toàn bộ biển Đông , nhốt nước ta và một số nước Đông Nam Á vào một cái rọ. Bởi thế, Việt Nam cần chủ động, khôn ngoan xây dựng chiến lược và sách lược phù hợp, phối hợp chặt chẽ với các nước Đông Nam Á có cùng chung trách nhiệm và quyền lợi đấu tranh một cách bài bản, hiệu quả với Trung Quốc cả trước mắt lẫn lâu dài.



Biển Đông đang "nổi sóng".

Đến nay, chúng ta đã tìm thấy bằng chứng rằng cách đây 30 năm, Trung Quốc đã âm thầm và có âm mưu chiếm biển Đông, đưa ra cả yêu sách "Đường đứt đoạn 9 khúc" vào các bài báo khoa học, có nghĩa là họ đã đi trước nhiều bước hơn chúng ta tưởng.

Qua các bài báo xuất bản ra thế giới chúng ta thấy rằng các tác giả Trung Quốc đã sử dụng bản đồ nước họ với đường lưỡi bò vô lý, ngay cả khi tính minh họa cho nghiên cứu không liên quan, ví dụ như khu vực nghiên cứu chỉ là các thành phố lục địa. Nhiều nhà khoa học Trung Quốc đã lập bản đồ quốc gia với "đường lưỡi bò" chiếm hầu hết biển Đông và công bố trên các tạp chí quốc tế từ cách đây 30 năm. Mặc dù trong các công bố khoa học này, họ chỉ đưa "hình lưỡi bò" một cách "lập lờ", không đưa bất cứ chú thích cụ thể nào về đường chữ U trong bản đồ là đường gì, nhưng ảnh hưởng của nó đến cộng đồng quốc tế vẫn rất lớn vì được đăng trên các các tạp chí khoa học uy tín trên thế giới. Trong khi đó, các bài báo của các nhà khoa học Việt Nam được công bố trên các tạp chí khoa học trên thế giới đã vừa ít, thậm chí lại vừa sai.

Có ý kiến cho rằng nếu chúng ta cứ ngồi yên, và bị cảm giác cũng như thói quen cũ chi phối, chúng ta sẽ cảm thấy không có đe dọa (hoặc đe dọa quá nhỏ) thì đến một lúc nào đó sẽ vô cùng thiệt thòi, trở tay không kịp, sẽ lại phải chấp nhận những việc mà trước đó nhiều năm chúng ta không thể chấp nhận.

Nhiều người còn nhớ phương Tây có câu chuyện ngụ ngôn “con ếch chịu nóng”. Nếu thả con ếch vào chậu nước sôi thì nó nhảy ra ngay, còn nếu thả nó vào chậu nước lạnh rồi đun nóng từ từ thì nó sẽ không nhảy ra mà chịu nóng cho đến khi bị luộc chín. Điều đó có nghĩa là sự mất cảnh giác, ngộ nhận, tự ru ngủ, quen dần với mọi đe dọa thật là nguy hiểm, nó dẫn người ta tới chỗ bị bất ngờ và tất nhiên là thất bại.

Có người còn vạch rõ tư duy về biển Đông của Trung Quốc giống như hình ảnh của con cá mập khi đã xác định được con mồi của nó quyết đuổi đến cùng để thỏa mãn cơn đói.

Sau khi nhận được hàng chục phản ứng của các nhà khoa học Việt Nam ở trong và ngoài nước về việc các bài báo của các nhà khoa học Trung Quốc có cả hình “lưỡi bò” phi lý, không theo luật quốc tế, ban biên tập tạp chí khoa học quản lý chất thải ở Ý hứa sẽ cho chỉnh sửa lại trong số xuất bản sắp đến.

Tuy nhiên, có tạp chí khoa học quốc tế như “Biến đổi khí hậu” cho biết GS Xuemei Shao Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc là tác giả bài báo có hình lưỡi bò phản hồi là sẽ không chỉnh sửa vì đó là do yêu cầu của chính phủ Trung Quốc!? Qua đó, càng thấy rõ chính phủ Trung Quốc đã yêu cầu các nhà khoa học Trung Quốc sửa bản đồ, và chèn đường lưỡi bò vào trong bản đồ, bóp méo sự thật, đánh lừa dư luận thế giới để thực hiện âm mưu chiếm toàn bộ biển Đông.

Trong cuộc đấu tranh này, giới trí thức Việt Nam càng cần nêu cao ý thức, trách nhiệm của mình trước đất nước và dân tộc, đóng vai trò như những nhà ngoại giao kênh hai, "ngoại giao nhân dân" kịp thời thông tin chính xác ra thế giới, để bạn bè, quốc tế hiểu rõ thiện chí của Việt Nam, mưu đồ, thủ đoạn của Trung Quốc, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế sâu rộng đối với dân tộc ta.

Chúng ta cần thông tin đầy đủ và rộng rãi hơn tới cộng đồng khoa học Việt Nam cả trong và ngoài nứớc và bạn bè ở các nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á về việc nhiều Tạp chí khoa học quốc tế đã vô tình đăng bài của các tác giả Trung Quốc có hình vẽ đường lưỡi bò ở biển Đông. Động viên cộng đồng khoa học Việt Nam gửi ý kiến tới Ban biên tập các Tạp chi khoa học có sai sót yêu cầu sửa chữa, hiệu đính, như đã làm có kết quả với Tạp chí của Hội địa lý Hoa Kỳ và Tạp chí khoa học Quản lý chất thải rắn của Ý.

Đối với Trung Quốc, đừng gộp người dân Trung Quốc và nhà cầm quyền Trung Quốc làm một. Nên nói về lợi ích chung chính đáng (hòa bình, ổn định, hữu nghị, thịnh vượng) của dân Việt Nam và dân Trung Quốc.

Cuộc sống thay đổi từng ngày, thế giới phẳng thay đổi từng giờ, trí thức là những người được học nhiều, biết rộng, biết vượt lên chính mình để không bị rơi vào trường hợp mà Shakespeare đã từng trách khéo: “càng thông minh hiểu biết nhiều càng hèn nhát”!

Thời gian vừa qua, cộng đồng trí thức Việt Nam ở trong và ngoài nước đã rất tích cực bám sát, phát hiện, phản ứng nhanh, hiệu quả trước việc một số Tạp chí khoa học quốc tế đưa thông tin sai lệch về vấn đề chủ quyền ở biển Đông. Giới trí thức Việt Nam chắc chắn cũng thấy rõ hơn bao giờ hết sứ mạng xã hội của mình, để tiếp nối ý nguyện của nhà thơ - nhà báo liệt sỹ Lê Anh Xuân là góp phần tạo nên một "Dáng đứng Việt Nam" trường tồn vững chắc bên biển Đông đầy sóng gió.

------------------------------
Source : tuanvietnam

Khi người Việt Nam xây phố dành riêng cho người Hoa? -

Khi người Việt Nam xây phố dành riêng cho người Hoa? -
Tác giả: Trần Minh Quân

29/06/2011
Nếu việc này cũng là tiền đề cho các địa phương khác đang có ý định "dời đô" noi theo thì rất nhiều khả năng sẽ tồn tại những khu phố người Hoa khác do chính Việt Nam xây dựng nên?


"Xuất khẩu" lao động phổ thông giá rẻ

Người Trung Quốc (người Hoa) di cư vào làm ăn, sinh sống tại Việt Nam từ rất lâu đời. Lần đầu tiên người Hoa di cư vào Việt Nam được ghi nhận là từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên. Trong suốt 2 thiên niên kỷ tiếp sau đó, nhiều làn sóng người Hoa di cư sang Việt Nam với nhiều nguyên nhân, từ quan, lính, tội phạm ... đến những người phải trốn chạy khỏi các cuộc nội chiến triền miên ở Trung Quốc.

Sau những biến cố lịch sử, người Trung Quốc di cư đến Việt Nam ngày càng đông. Họ cư trú tập trung ở những nơi có điều kiện buôn bán và dần dần hình thành nhiều khu phố người Hoa. Đó là đô thị thương mại Vân Đồn thế kỷ 15, đô thị phố Hiến thế kỷ 16, đô thị Hội An thế kỷ 17 và đậm nét nhất phải kể đến là khu Sài Gòn - Chợ Lớn thế kỷ 18, 19.

Ngày nay, làn sóng di cư người Trung Quốc sang Việt Nam vẫn không ngừng gia tăng. Không giống như trước đây, người Trung Quốc đang di cư sang Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau nhưng chủ yếu là lao động phổ thông từ các gói thầu EPC. Theo thống kê không chính thức của các cơ quan báo chí thì hiện có khoảng 90% gói thầu EPC đang được các nhà thầu Trung Quốc thực hiện, trong đó, ngoài các nguyên vật liệu, thiết bị cần thiết thì ngay cả lực lượng lao động phổ thông cũng được các nhà thầu này "xuất khẩu" sang Việt Nam.

Hiện chưa có con số thống kê chính thức nhưng có thể nói số lượng người Trung Quốc nói riêng và người gốc Hoa nói chung đang hiện diện trên đất nước Việt Nam là rất lớn. Có lẽ, trong tất cả các sắc dân nước ngoài đang sống trên lãnh thổ Việt Nam thì người Hoa là cộng đồng dân cư nước ngoài có số lượng đông nhất.

Liệu đây có phải là một quyết định quá "ưu ái" cho cộng đồng người Hoa nơi đây nói riêng và các địa phương khác nói chung?

Công bằng mà nói thì người Hoa cũng đã ít nhiều góp phần vào sự phát triển kinh tế và làm tăng tính đa dạng của bản sắc văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, với sự xuất hiện ồ ạt những đối tượng lao động nhập cư đến từ Trung Quốc đang gây nên những mối lo ngại về an ninh trật tự nơi người Trung Quốc cư ngụ đông như đã từng xảy ra ở Ninh Bình và đang góp phần đẩy người lao động Việt Nam đến chỗ thiếu công ăn việc làm.

Trước đây, chính phủ Trung Quốc đã thành công trong việc "xuất khẩu" nông dân sang châu Phi thì một lần nữa họ lại rất thành công trong việc "xuất khẩu" lao động phổ thông giá rẻ sang các nước mà các nhà thầu mang quốc tịch Trung Quốc đang chiếm nhiều ưu thế như Việt Nam.

Khác với các quốc gia ở châu Phi, Việt Nam là một quốc gia với đặc điểm đất chật, người đông và nền kinh tế chủ yếu vẫn dựa vào nông nghiệp. Hiện nay, nhiều khu đất canh tác truyền thống thuộc dạng "bờ xôi, ruộng mật" đang dần nhường chỗ cho các dự án khác như khu công nghiệp, sân golf, ... Người Việt Nam đang đối diện với nguy cơ thiếu đất canh tác và đất ở nghiêm trọng. Nếu phải gồng mình chia sẻ tài nguyên đất đai vốn dĩ hạn hẹp với người dân nhập cư ồ ạt đến từ Trung Quốc thì không biết trong vài chục năm nữa, người dân Việt Nam sẽ đi về đâu?

Do điều kiện lịch sử, xã hội, cũng là một sự giao lưu tự nhiên, và do đặc điểm dân số quá đông của Trung Quốc, mà đến ngày nay, tại hầu hết các quốc gia và vùng lãnh thổ trên trái đất đều có sự hiện diện của cộng đồng người Hoa làm ăn, sinh sống. Tại đây, họ đều để lại những dấu ấn đậm nét Trung Hoa. Đó là những khu phố người Hoa không lẫn vào đâu được đang nằm rải rác khắp thế giới.

Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là những khu phố người Hoa này đều do chính những người Hoa di cư đến tự thành lập và xây dựng nên. Sự có mặt và thành công của họ cũng chính là góp phần vào sự thịnh vượng của các quốc gia và vùng lãnh thổ mà họ đang sinh sống.


PHOTO
( Khu Đông Đô Đại Phố đang được triển khai đầu tư xây dựng ngay giữa trung tâm Thành Phố Mới ở Bình Dương )


Quyết định "ưu ái" cho cộng đồng người Hoa?

Trước những điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đất đai đang rất hạn chế như đã nói đối với Việt Nam và lịch sử hình thành của những khu phố người Hoa trên khắp thế giới, thì việc xây dựng một khu phố mới toanh đặc biệt chỉ dành cho người Hoa như khu Đông Đô Đại Phố đang được triển khai đầu tư xây dựng ngay giữa trung tâm Thành Phố Mới ở Bình Dương, thực sự đang gây nên nhiều quan ngại. Khu phố này do chính Công ty Becamex IJC tỉnh Bình Dương làm chủ đầu tư.

Nhiều người sẽ đặt ra những nghi vấn rằng tại sao phải xây dựng một khu phố người Hoa mà không phải của một dân tộc nào khác ở ngay trung tâm đô thị được giới thiệu là trung tâm hành chính trong tương lai của một tỉnh? Tại sao không để một khu phố rất đặc trưng như vậy hình thành theo quy luật sinh tồn như vốn có của nó từ hàng nghìn năm nay trên khắp thế giới? Liệu người Việt Nam có bị bắt buộc phải không được bén mảng đến đây (trên chính đất nước Việt Nam) như tại một Casino quốc tế ở Đà Nẵng, hay một sân gofl ở ngay địa đầu Móng Cái?

Trong những năm qua, tại một số tỉnh thành phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh bỗng đều đang có ý định "dời đô". Trong đó Bình Dương là một tỉnh đi đầu trong việc xây dựng một thành phố mới, là bước đệm cho việc di dời các cơ quan hành chính chủ chốt của tỉnh về thành phố này. Điều đáng nói là ngay sau khi đầu tư xây dựng một số cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, ... thì Bình Dương cho tiến hành ngay dự án dành riêng cho người Hoa? Liệu đây có phải là một quyết định quá "ưu ái" cho cộng đồng người Hoa nơi đây nói riêng và các địa phương khác nói chung?

Nếu việc này cũng là tiền đề cho các địa phương khác đang có ý định "dời đô" noi theo thì rất nhiều khả năng sẽ tồn tại những khu phố người Hoa khác do chính Việt Nam xây dựng nên? Khi đó, liệu người Việt Nam có bị đẩy lùi ra khỏi khu trung tâm của những thành phố mới trong tương lai? Và, khi bắt tay xây dựng những khu phố "dành riêng" khác tương tự liệu các nhà đầu tư Việt Nam có khi nào nghĩ đến trong một tương lai không xa, người Việt Nam sẽ không còn được làm chủ trên chính mảnh đất của mình?

SOURCE : TUANVIETNAM.NET

Louisa Lim - Khi kỷ nguyên “ẩn mình chờ thời” của Trung Quốc chấm dứt

Khi kỷ nguyên “ẩn mình chờ thời” của Trung Quốc chấm dứt -
Tác giả: Louisa Lim
Bài đã được xuất bản.: 28/06/2011

Tại căn cứ quân sự đảo Stonecutters ở Hong Kong, những người lính Trung Quốc nguỵ trang, lăn lộn diễn tập. Có những lời tán thưởng vang lên từ đám đông xem họ trình diễn. "Chúng tôi đã làm rất nhiều việc để xây dựng hình ảnh của mình ở Hong Kong”, Dư Tân, người vừa giúp du khách leo lên một chiếc tàu chiến vừa nói. “Tôi nghĩ mọi người không nên sợ hãi, bởi vì sau tất cả, chúng tôi ở đây để bảo vệ đất nước”.

Bấy lâu nay, Bắc Kinh luôn khẳng định rằng, quân đội của họ trước tiên là để phòng thủ, nhằm mục tiêu bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Tuy vậy, tốc độ phát triển quân sự của Trung Quốc đang làm các nước láng giềng và cả Mỹ bất an.

Quan chức quốc phòng Trung Quốc nhấn mạnh, quân đội nước này (gọi tắt là PLA) còn tụt hậu sau quân đội Mỹ nhiều thập niên, khi họ gắng biện minh cho 20 năm gia tăng ngân sách quân sự gần như luôn ở mức hai con số. Rất nhiều người Trung Quốc cũng đồng tình như thế, ví dụ như Lai Pau Mok. "So với Mỹ, còn con đường rất dài phía trước", ông nói. Như nhiều người Trung Quốc khác, ông tin là một quân đội mạnh là điều cần thiết để đối trọng với Mỹ. "Nếu quân đội của chúng tôi đủ mạnh, sẽ không có chiến tranh. Nếu quân đội của chúng tôi không đủ mạnh, chiến tranh sẽ tới".

Qua rồi lúc "ẩn mình chờ thời"?

Khi Hong Kong trở về Trung Quốc năm 1997, rất nhiều cư dân Hong Kong đã lo lắng khi binh lính Trung Quốc ầm ầm qua biên giới. Nhưng tình hình bây giờ khác hẳn. "Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh hơn. Tất cả mọi người đều thấy tự hào với thực tế này", một người khác trong đám đông nói.

Thật vậy, những vũ khí quân sự mới của Bắc Kinh đã khiến giới tình báo quốc phòng Mỹ cảm thấy bất ngờ, như ông chủ Lầu Năm Góc Robert Gates công khai thừa nhận trong tháng 1. Trung Quốc đã tiến hành bay thử loại máy bay tàng hình mới đầu tiên J-20 đúng vào lúc ông Gates thăm Bắc Kinh hồi tháng 1. Và giờ đây, Trung Quốc đã gần như hoàn thành con tàu sân bay đầu tiên mang tên Varyag - con tàu được nâng cấp sau khi mua từ Ukraine.

Tuần trước, Tổng tham mưu trưởng PLA Trần Bỉnh Đức lần đầu tiên đã chính thức xác nhận về sự tồn tại của con tàu nay. Ông nói: "Tàu sân bay giờ đây đang được xây dựng, và chưa hoàn tất".

"Họ thay đổi tàu Varyag từng ngày, từng giờ", Andrei Chang, chuyên gia nghiên cứu quốc phòng châu Á nói. "Chúng ta đã chứng kiến họ lắp đặt hệ thống điện tử, ăng ten radio - tất cả mọi thứ đã được thực hiện".

Ông tin là, con tàu chủ yếu sử dụng cho mục tiêu huấn luyện trong khi Trung Quốc nỗ lực chuẩn bị xây dựng tàu sân bay của chính họ. Hạm đội tàu sân bay Trung Quốc cuối cùng có thể thay đổi cán cân sức mạnh quân sự, đe doạ ưu thế Mỹ ở Thái Bình Dương.



Một cuộc thăm dò tại Trung Quốc hồi tháng 5 cho thấy, phần lớn dân nước này ủng hộ việc có tàu sân bay, với 81,3% người được hỏi tin là, tàu sân bay sẽ là cột trụ cho sức mạnh quân sự tổng thể của Trung Quốc" và 50,9% người nói rằng, nó sẽ là đối trọng với Mỹ.

Tuy nhiên, theo Chang, đây chỉ là m ột thứ vũ khí trong cả kho vũ khí của Trung Quốc. "So với Nga và Mỹ, chỉ có Trung Quốc đồng thời xây dựng cả tàu sân bay, tàu ngầm trang bị tên lửa đạn đạo chiến lược, máy bay tàng hình, tàu ngầm hạt nhân tấn công, vệ tinh GPS, tất cả mọi thứ cùng một lúc", Chang nói.

Tốc độ gia tăng quân sự cùng với sự phát triển mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc, sự tự tin có thể là dấu chấm hết cho một kỷ nguyên "ẩn mình và chờ thời" mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc trước đây chủ trương theo đuổi. Bắc Kinh đã thể hiện sự quả quyết mới, công khai các cuộc tập trận quân sự và đưa ra quan điểm cứng rắn hơn, thậm chí là gây hấn ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Việt Nam và Philippines quanh vấn đề chủ quyền Biển Đông, Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc diễn tập phòng thủ hàng hải, đổ bộ bãi biển và điều động một trong các tàu tuần tra hàng hải lớn nhất của mình tới Biển Đông. Và cách nhìn của dân Trung Quốc dường như còn cứng rắn hơn thế; cho dù Bắc Kinh cam kết không sử dụng vũ lực, nhưng kết quả một cuộc thăm dò cho thấy, 82,9% người Trung Quốc được hỏi đề nghị Trung Quốc nên sử dụng các hành động quân sự để giải quyết tranh chấp ở Biển Đông.

Nhưng có một số người tin rằng, tham vọng quân sự của Trung Quốc không còn là điều mới mẻ. "Giấc mơ quân sự của Trung Quốc là xây dựng một quốc gia mạnh nhất thế giới, số 1 trong sức mạnh quân sự", Đại tá Lưu Minh Phúc nói trong cuộc phỏng vấn đăng trên trang web Tạp chí Người quan sát Quốc phòng như vậy. Cuốn sách của ông "Giấc mơ Trun Quốc" được dạy trong các trường quân sự Trung Quốc.

Tuy nhiên, ông bác bỏ rằng, quân đội Trung Quốc là mối đe doạ. "Chúng tôi quá yếu và không an toàn", Lưu nói. "Mỹ tiến hành các cuộc tập trận quân sự ngay cửa ngõ của chúng tôi và sử dụng các tàu sân bay để phô trương sức mạnh quân sự. Từng người Trung Quốc đều có thể cảm nhận mối đe doạ quân sự từ Mỹ. Ngăn chặn Mỹ là động lực lớn nhất đằng sau sự phát triển quân sự của Trung Quốc".

Thời thế đổi thay

Nhiều người trong giới quân sự Trung Quốc đã cố gắng giảm nhẹ ý tưởng về một "mối nguy Trung Quốc" khi khẳng định rằng, mục tiêu của Trung Quốc không phải là bành trướng. "Chúng tôi chỉ muốn một điều: Đừng gây hại cho các lợi ích của chúng tôi", vị tướng về hưu Hứa Quảng Ngọc nói. Nhưng điều cần chú ý ở đây là, các lợi ích của Trung Quốc đang mở rộng với tốc độ chóng mặt, bao gồm nhiều tuyến đường hàng hải, các kênh cung cấp dầu khí và số lượng ngày càng lớn công dân Trung Quốc ở nước ngoài.

"Mỹ phải chấp nhận rằng, tình thế đang thay đổi. Khi Trung Quốc trở nên hùng mạnh hơn, chúng tôi sẽ bắt đầu bày tỏ ý kiến, quan điểm về các nhu cầu hàng hải của mình, và về bất kỳ cuộc xung đột nào liên quan tới các lãnh thổ xung quanh", ông Hứa quả quyết. Ông mô tả lập trường an ninh của Trung Quốc là "chủ động phòng thủ" và nói, Bắc Kinh không có ý định thiết lập các căn cứ quân sự ở nước ngoài hay thế chân Mỹ trở thành một "cảnh sát toàn cầu".

Tuy nhiên, có nhiều tiếng nói hiếu chiến hơn, thậm chí trở nên lớn tiếng hơn trong cuộc tranh cãi về sự mở rộng quân sự của Trung Quốc. Thời báo Hoàn cầu - tờ báo chính thống mang đậm chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc, gần đây đăng tải bài xã luận thúc giục Trung Quốc lập căn cứ quân sự ở nước ngoài.

"Nếu thế giới thực sự muốn Trung Quốc có trách nhiệm hơn trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và khắp thế giới, họ nên để Trung Quốc tham gia hợp tác quân sự quốc tế và hiểu rõ nhu cầu của Trung Quốc trong việc xây dựng căn cứ quân sự ở nước ngoài", bài xã luận viết. "Nó sẽ không chỉ làm cho thế giới của chúng ta an toàn hơn, mà còn có thể bảo vệ các tuyến đường thương mại khỏi hải tặc và khủng bố. Lo lắng về hành động quân sự ở nước ngoài của Trung Quốc sẽ chỉ cô lập Trung Quốc với phần còn lại của thế giới".

Có lẽ với hy vọng xoa dịu những căng thẳng, gần đây Trung Quốc đã cử ban nhạc quân đội (tháp tùng một vị tướng chỉ huy) tới Mỹ và có buổi biểu diễn cùng với ban nhạc quân đội Mỹ. Về mặt tuyên bố công khai, cuộc hội đàm của các nhà lãnh đạo quân sự hai bên được cho là hợp tác, hữu nghị. Nhưng nhiều người e ngại rằng, tốc độ hiện đại hoá quân sự nhanh chóng của Trung Quốc lại thể hiện bằng thứ ngôn ngữ khác.

Thuỵ Phương (Theo NPR)

Source : TUAN VN

Dan Blumenthal - Mạng lưới quân sự châu Á

Mạng lưới quân sự châu Á -
Tác giả: Dan Blumenthal

29/06/2011

Giờ đây người ta đã hiểu ra rằng Châu Á sẽ trở thành trung tâm địa- chính trị trong thế kỷ 21 và cuộc chạy đua mới nảy sinh giữa Hoa kỳ và TQ về an ninh sẽ định hình tương lai của khu vực , rồi qua đó định hình cả tương lai Thế giới. Cho dù có như vậy hay không thì Hoa kỳ vẫn có thể nhìn lại để hài lòng về chính sách ở Châu Á sau Thế chiến II của mình.

Trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, đa số các quốc gia Á châu đã thoát nghèo và trở nên thịnh vượng, xã hội từ chỗ hỗn loạn, dễ tổn thương đã trở nên tương đối có trật tự và ổn định về an ninh. Hơn thế nữa, các quốc gia đó đã đạt được các mục tiêu trên trong khi theo đuổi một thứ chủ nghĩa tư bản dân chủ. Chính sách của Hoa kỳ đã góp phần tạo nên những thành quả đó xét trên 3 phương diện: Sức mạnh được phô diễn của Mỹ là tấm lá chắn bảo vệ những thay đổi đó; Mô hình phát triển kinh tế và quy chuẩn Mỹ sau Thế chiến II đã tạo cảm hứng cho các quốc gia đó; Và khi cần thiết Tổng thống Mỹ đã thúc đẩy những người bạn Châu Á đi theo những định hướng đúng đắn.

Cùng thời gian đó, một cách mỉa mai, chính sách của Hoa kỳ đã làm nảy sinh ra những thách thức mới cho chính mình. Có lẽ kẻ được hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách của Hoa kỳ trong suốt nhiều năm kể từ khi chiến tranh Triều tiên kết thúc chính là TQ. Quốc gia này đã đắc lợi từ việc hình thành hệ thống kinh tế quốc tế do Mỹ chủ xướng và đặc biệt là sự thành công của chính sách ngăn chặn Liên Xô cũng như chủ trương của Hoa kỳ tiếp tục duy trì ưu thế quân sự của mình ngay cả khi Liên Xô đã sụp đổ. Thế nhưng TQ không như với các quốc gia Châu Á khác, đã không hề chấp nhận cái phần "dân chủ" trong tổng thể "CNTB dân chủ" và kết quả là con đường hiện đại hóa theo kiểu lai ghép có thể gây nguy hại cho tương lai hòa bình ở Châu Á về lâu dài nếu các nhà lãnh đạo TQ cố gắng sử dụng thế lực mới nổi của mình để thay đổi các trật tự địa- chính trị vốn đã hình thành.

Mục tiêu tham vọng của Trung Quốc chính là các đồng minh Châu Á của Mỹ vì lẽ định hướng tương lai của các quốc gia này sẽ có tầm ảnh hưởng không chỉ khu vực mà còn mang tính toàn cầu. Trong khi Hoa kỳ muốn tiếp tục một trật tự thương mại cởi mở và hòa bình ở khu vực, phát triển dân chủ và không phổ biến vũ khí hạt nhân thì chính phủ TQ lại có những ưu tiên khác.

Trước hết , TQ muốn có một Châu Á an toàn dưới sự lãnh đạo liên tục của mình. Điều này có nghĩa là phải tăng cường sức mạnh quân sự để gây áp lực chính trị lên xu hướng mở rộng tự do. Công thức này rõ ràng đã hoạt động khi TQ đã trỗi dậy mạnh mẽ hơn thì lời kêu gọi cải cách chính trị của Phương Tây đã bị phớt lờ. TQ còn sử dụng quân đội để làm thất bại mọi mối đe dọa đòi ly khai trong nước hoặc từ phía Đài Loan. ĐCS hay quân giải phóng nhân dân (ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn trong việc chia sẻ quyền ra quyết định của chính quyền Bắc kinh) đang tìm kiếm nhiều hơn quyền kiểm soát các vùng biển ngoại vi , cụ thể như Đông hải, Hoàng hải và Biển Nam Trung hoa.

Điều này đang diễn ra vì 3 lý do sau đây: Thứ nhất, Bắc kinh tin tưởng vững chắc rằng quyền lực mạnh hơn sẽ cho phép phủ quyết bất kỳ ai hoạt động gần bờ biển của mình. Thứ hai, TQ muốn sử dụng sức mạnh như công cụ đòn bẩy để giải quyết những tranh chấp lãnh thổ kéo dài với Nhật, Đài Loan và nhiều quốc gia ASEAN theo điều khoản riêng của mình đặt ra. Và cuối cùng, Bắc kinh muốn thể hiện quyền lực xa hơn trên biển nơi mà có phần lớn sự giao thương của họ đi qua. Những ước nguyện đó đã thách thức quyền lợi hợp pháp của các đồng minh Hoa kỳ ở Châu Á và đặt ra câu hỏi về độ tin cậy những cam kết của Mỹ đối với các đồng minh này.

Điều đó không báo hiệu một cuộc chiến tranh lạnh mới sẽ xảy ra . Đó chỉ là một phép ẩn dụ để hiểu một thực tế mới hình thành mà thôi. Trong trường hợp này mức độ hội nhập kinh tế, thương mại gia tăng sẽ diễn ra đồng thời với quá trình chạy đua vũ trang khẩn trương không chỉ giữa TQ và Mỹ mà còn giữa các quốc gia trong khu vực . Để duy trì trật tự ở Châu Á chính phủ Mỹ sẽ tìm cách củng cố khả năng ngăn chặn xung đột, tái cam kết trách nhiệm bảo vệ đồng minh và khi cần thiết phải kiểm soát các tuyến đường hàng hải huyết mạch của hệ thống thương mại quốc tế.

Trái lại, TQ tìm mọi phương tiện để ép buộc và hăm dọa các láng giềng đồng thời thể hiện sức mạnh trên những vùng biển lân cận trong khi vẫn cố gắng phá hoại ngầm nhằm làm xói mòn lòng tin của các đồng minh Hoa kỳ vào khả năng Washington bảo vệ họ.

TQ còn đóng một vai trò khó xác định trong những thách thức đối với Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Một nhà nước Bắc Triều tiên không ổn định, được trang bị vũ khí hạt nhân có thể đe dọa cả Nam Hàn và Nhật bản với sức tàn phá chưa thể tính được, và nếu vào một ngày nào đó chế độ này sụp đổ thì chưa một ai có thể suy đoán được TQ sẽ phản ứng ra sao. Cuối cùng , các đối tác ASEAN - những quốc gia đang phải đối mặt với sự đe dọa của phong trào ly khai và thánh chiến Hồi giáo (Jihad) giờ đây còn thêm một gánh nặng là đấu tranh với những yêu sách của TQ về hành lang trên biển Đông Nam Á dẫn ra tới tận Ấn độ dương .

Washington thích ứng khá chậm chạp trước thực trạng này và đã đến lúc cần khẩn cấp suy tính và thiết lập lại hệ thống đồng minh của Hoa kỳ ở Châu Á . Hệ thống hình thành trong chiến tranh lạnh nhằm đáp ứng những mục tiêu lúc đó rõ ràng là không thể phục vụ được các mục đích hiện nay cũng như trong tương lai.

Ba đời Tổng thống trong một giai đoạn 20 năm chỉ điều chỉnh bên lề chiến lược của Hoa kỳ trước thực tế mới ở Á Châu. Trong một Châu Á- Thái bình dương đang chuyển biến nhanh chóng thì những thay đổi khiêm tốn của Hoa kỳ cũng tương đương với sự thất bại. Và sự thất bại đó cũng là điều dễ hiểu. Tất nhiên không có gì lại có thể nuôi dưỡng thất bại dễ hơn là chính thành công. Nhưng một khi đã thừa nhận điều đó thì cũng có thể hiểu rằng tình trạng này sẽ không thể kéo dài lâu hơn nữa.

Mục đích của tôi ở đây là phác thảo ra một cách sơ bộ mô hình an ninh ở Châu Á trong thời kỳ chiến tranh lạnh - hay còn gọi là mô hình " TRỤC BÁNH XE VÀ NAN HOA" đồng thời chỉ ra mô hình phù hợp để thay thế nó theo kiểu " ĐIỂM ĐỐI ĐIỂM".

Những nét phác thảo chủ yếu liên quan đến các vấn đề an ninh. Một điều chắc chắn là vấn đề đồng minh có tầm quan trọng hơn việc hoạch định một kế hoach quân sự rất nhiều, tuy vậy việc hoạch định lại là nền tảng của mọi cơ cấu đồng minh, bởi lẽ, nếu thất bại trong việc đặt nền móng thì chắc chắn sẽ dẫn đến sụp đổ mọi nỗ lực ban đầu.

Ảnh minh họa: AP

CHIẾN LƯỢC AN NINH VÀ HỆ THỐNG ĐỒNG MINH

Mô hình an ninh cũ (đã từng thành công) ở Châu Á như đã nêu trên, ban đầu dựa trên nguyên tắc của hệ thống "trục bánh xe và nan hoa" gồm các đồng minh Nhật bản, Nam Hàn, Australia, Thailand và Philppines. Washington còn có một đội ngũ các đối tác an ninh gần gũi tuy không là đồng minh như Đài Loan, Singapore và đôi khi cả Indonesia.

Ngoại trừ Australia có riêng hệ thống quân sự tầm cỡ quốc tế , các đồng minh khác trao đổi với Hoa kỳ theo cách giống nhau, đó là: đảm đương vai trò cung cấp cơ sở hậu cần, bến cảng cùng các dịch vụ hỗ trợ sự có mặt của quân đội Hoa kỳ ở nước họ. Một vài quốc gia đồng minh gửi quân hỗ trợ Hoa kỳ trong một số cuộc xung đột chẳng hạn như Afganistan, Iraq hay chiến tranh Việt nam trước kia. Để đổi lại, Hoa kỳ đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ các đồng minh này.

Nhờ có sự trao đổi đó quân đội Mỹ có thể kịp thời phản ứng đối với các cuộc khủng hoảng từ những căn cứ tiền tiêu và tiếp viện cho các đơn vị trên đất liền ở Châu Á từ Thái bình dương. Có lẽ điều quan trọng nhất đó là chính sách của Hoa kỳ đảm bảo rằng nếu các quốc gia đồng minh bị đe dọa hoặc bị tấn công bởi vũ khí hạt nhân thì Washington sẽ thay mặt họ để đáp trả lại đích đáng. Chiến lược đồng minh sau Thế chiến II không chỉ đóng góp cho hòa bình, ổn định và tăng trưởng ở Á Châu mà nó còn ngăn chặn Nhật bản và những nước khác trang bị vũ khí hạt nhân.

Trong một vài trường hợp, chẳng hạn như Australia và Singapore là các đối tác độc lập của Hoa kỳ có thể tự bảo vệ mà không cần giúp đỡ nên cũng góp phần cho nền an ninh chung của khu vực. Đối với những trường hợp các đồng minh có tiềm năng như Nam Hàn , Nhật bản và Australia chính phủ Mỹ đã đàm phán bố trí một số sư đoàn nhân viên quốc phòng số lượng hạn chế.

Trong khi Washington đảm nhận việc ngăn ngừa tấn công chủ yếu thì Nhật bản tiến hành các hoạt động trình độ cao đối với hạm đội tàu ngầm trong suốt thời chiến tranh lạnh còn Nam Hàn nhận gánh vác trọng trách phòng thủ chống xâm lược bằng bộ binh. Australiacó thể tự phòng thủ và đã tham gia can thiệp vào một số hoạt động ở Nam Thái bình dương để đảm bảo sự ổn định vùng lãnh hải ngoại vi của mình.

Tuy nhiên tồn tại những mối quan hệ đối tác của Hoa kỳ ở Châu Á mang tính một chiều , đó là trường hợp của Đài Loan - chủ yếu là mua sắm, trang bị vũ khí Mỹ , trong khi đó Indonesia lại rất không kiên định trong việc xác lập bất cứ một kiểu mẫu hợp tác quân sự nào, và kể từ năm 1992, quân đội Mỹ đã rút khỏi căn cứ hải quân ở vịnh Subic cũng như căn cứ không quân Clark thì quan hệ đồng minh với Manila đã bị hạ xuống mức chỉ còn là hoạt động hỗ trợ chống khủng bố khá khiêm tốn.

Các đối tác mới tiềm năng như Ấn độ và Việt nam đang còn chờ sau cánh gà sân khấu nhưng ngay chính họ và cả Washington đều không xác định được tiêu điểm để tập trung mọi nỗ lực chiến lược vào đó. Các mối quan hệ đồng minh của Hoa kỳ như vậy chỉ là một tập hợp không đồng đều giữa sự hợp tác ở cấp độ cao với tiềm năng còn đang ẩn giấu và không có quy định rõ ràng về việc bên nào sẽ làm gì trong bối cảnh mang tính ngẫu nhiên.

Trong khi mô hình "trục bánh xe và nan hoa" được định hình một cách thực dụng bởi tính linh hoạt , đa mục tiêu nên đã cho phép Hoa kỳ (với vai trò "trục bánh xe") và các đồng minh (là các "nan hoa") phản ứng khá mềm dẻo và nhạy bén thì sự thách thức ngày nay mà TQ đang đặt ra lại làm cho tính phân công rõ ràng, minh bạch mang một tầm quan trọng đặc biệt.

Ngày nay, từng đồng minh một đều nêu lên sự cần thiết phải ràng buộc lẫn nhau trong một mạng lưới tập thể có thể giúp họ cùng hành động kịp thời , ngay cả khi không cần có Hoa kỳ.

Nhu cầu về tốc độ và sự rõ ràng trong trường hợp này phát sinh từ sức mạnh về không quân và tên lửa ghê gớm của quân Giải phóng nhân dân TQ cũng như các lực lượng hải quân trên mặt nước và tàu ngầm, cùng năng lực tác chiến gây chết người của các phương tiện điện tử, thông tin. Tất cả những yếu tố đó đang đe dọa khả năng đáp trả kịp thời của Mỹ từ các căn cứ tiền tiêu được tiếp viện bởi những cơ sở trên biển và trên không trung thuộc Bộ chỉ huy quân sự Thái bình dương.

Tên lửa và phi cơ TQ ngày nay có khả năng với tới những căn cứ đóng quân tiền đồn của Mỹ trong khu vực, hải quân TQ có thể ngắm bắn các tàu chiến Hoa kỳ trên mặt nước trong khi còn đang tiếp cận quân cảng của đồng minh. Vì lẽ lực lượng tàu ngầm của TQ đã được triển khai trong vùng Thái bình dương và năng lực tấn công chính xác ở tầm xa của họ được cải thiện nên khả năng điều hành và "quản lý đến từng con sóng" của Washington như Dean Rusk (nguyên Bộ trưởng quốc phòng Hoa kỳ dưới thời John Kennerdy và Lincon Johnson - ND) đã có lần nêu lên sẽ không còn là hiện thực nữa.

Sự đáp trả mang tính biểu tượng của Hoa kỳ đối với khủng hoảng ở Châu Á giờ đây trong trí nhớ của người dân khu vực chỉ còn là việc điều tàu chiến từ Yokosuka Nhật bản tới hải phận gần Đài Loan năm 1996 nhằm làm dịu cơn nổi giận bùng lên sau khi TQ thử tên lửa ở đó. Còn rất nhiều những ví dụ khác minh chứng cho đường lối của Hoa kỳ đối với vấn đề an ninh ở Châu Á, chẳng hạn như các cuộc tập trận gần đây trên biển Hoàng hải nhằm ngăn chặn sự xâm lược của Bắc Triều Tiên.

Quả thực là cựu giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Dennis .C.Blair từng nhận xét rằng quân đội Hoa kỳ đã kiên định triển khai sức mạnh ở Châu Á, đó là chiến đấu ở Triều tiên hay Việt nam, khôi phục lại sự có mặt của đội tàu chiến ở Ấn độ dương , ngăn chặn đảo chính ở Philippines, triển khai hoạt động nhận đạo rộng lớn ở Indonesia hay tiến hành hàng loạt các cuộc tập trận hàng năm "làm cho quân đội Mỹ trở thành một bộ phận của của cơ cấu địa- chính trị khu vực" ( 1 ).

Tuy nhiên ngày nay chúng ta buộc phải ít tự tin hơn năm 1996 khi xảy ra vụ việc ở eo biển Đài Loan bởi vì TQ không chỉ có thể tiêu diệt phần lớn quân đội Đài Loan trước khi Washington kịp đáp trả mà họ còn có thể ngắm bắn các cảng của Nhật và các tàu của Mỹ trên đường tới bảo vệ hòn đảo này. Nhờ sự gia tăng lực lượng hơn trước kia nhiều nên TQ sẽ không dễ gì cho Mỹ sử dụng các vị trí tiền tiêu để tấn công mà không bị đánh trả đồng thời cản phá việc tiếp viện từ Thái bình dương. Hoạt động quân sự của Mỹ ở Châu Á giờ đây mang tính rủi ro cao hơn đối với các lực lượng của chính họ và cả các quốc gia hỗ trợ cho sức mạnh Hoa kỳ.

Sự việc còn tồi tệ hơn vì TQ đã có uy thế của các vũ khí quy ước đủ để đánh đòn phủ đầu và đã bố trí chúng dọc bờ biển duyên hải (điều này có nghĩa là TQ có khả năng tấn công phủ đầu cả Mỹ và các đồng minh trong khu vực), hơn nữa mối hiểm nguy của vũ khí hạt nhân cũng sẽ leo thang.

Tất cả các đồng minh của Hoa kỳ đều nhận thức rõ sự thay đổi này thế nhưng chưa có cuộc đối thoại liên minh chiến lược nào được tiến hành nhằm đưa ra một kế hoạch phối hợp hành động tập thể. Trái lại , từng quốc gia đồng minh lại tự mình bắt đầu một chương trình hiện đại hóa quân đội . Đa số các quốc gia này tiến hành hiện đại hóa đội tàu ngầm và khả năng chống tàu ngầm, trang bị khu trục hạm có hệ thống bảo vệ Aegis chống trả lại tối đa sự tấn công của tên lửa và máy bay, cải thiện năng lực điều hành tác chiến, điều khiển, liên lạc, vũ khí tin học, giám sát và do thám ( C4ISR ) , đồng thời mua thêm máy bay tiêm kích, tàu chiến cũng như tên lửa chống hạm.

Tuy nhiên có một nhận thức mang tính quy ước rằng các đồng minh sẽ không muốn phải lựa chọn giữa Hoa kỳ hoặc TQ mà rõ ràng họ đã có giải pháp : đó là phải tự cân bằng với sức mạnh đang lên của Trung hoa.

Trong bối cảnh đó Washington cần phải ủng hộ những định hướng của đồng minh đồng thời cần gắn kết chúng lại . Không có một đồng minh riêng rẽ nào đủ tiềm lực để hoàn thành tất cả những nhiệm vụ chiến lược đang đặt ra trước khu vực. Và , trong lúc Mỹ hoan nghênh quá trình hiện đại hóa quân đội của các quốc gia đồng minh thì vẫn cần phải ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hạt nhân và tăng cường năng lực cạnh tranh của mình ở khu vực.

Để thực hiện cả hai chiến lược đó Washington vẫn phải là người gìn giữ an ninh khu vực , do vậy Hoa kỳ cần nhận được sự hợp tác nhiều hơn trước kia.

Một tin tốt lành là trong 10 năm tới đa số các quốc gia đồng minh sẽ được trang bị nhiều thiết bị tương thích trong vận hành với khí tài của quân đội Mỹ. Đó là điểm khởi đầu tốt đẹp để hình thành nên một liên minh nhiều bên gắn kết với nhau hơn. Đa số các bạn bè của Hoa kỳ sẽ có máy bay chiến đấu thế hệ 5 chẳng hạn như F-35 hoặc thế hệ 4 như F- 16 và F- 18 , tàu ngầm Diesel và khu trục hạm có trang bị hệ thống phòng thủ Aegis.

Tin không vui là thói quen hợp tác hãy còn rất khiêm tốn, di sản của sự nghi kỵ giữa một số quốc gia đồng minh của Hoa kỳ hãy còn đáng kể và mối hiềm khích có liên quan tới vấn đề chủ quyền phát sinh hàng trăm năm trước từ thời thực dân để lại vẫn sẽ là vấn đề gay gắt trong một liên minh nhiều bên. Hơn nữa, bản thân Washington còn đang gắn bó sâu sắc với mô hình đồng minh hiện nay. Cuối cùng thì sau những sự phản đối om xòm và vận động nỗ lực TQ đã ra điều kiện cho khu vực về việc dành quyền ưu tiên phản đối mọi đề nghị tiến tới một sự gia tăng gắn kết liên minh.

Quả là khó khăn để khắc phục những cản trở này nhưng tương lai của Châu Á đòi hỏi phải phấn đấu nhiều hơn để vượt lên. Khái niệm về một chiến lược được chia xẻ nhắm tới hành động liên minh gắn kết sẽ làm gia tăng độ rủi ro đối với bất kỳ kẻ xâm lược nào nếu chúng xuất hiện.

Mục tiêu của đồng minh là cho kẻ xâm lược biết rằng nếu tấn công vào một thành viên của liên minh sẽ đánh thức sự tức giận của mọi thành viên còn lại. Cách tiếp cận này sẽ củng cố đáng kể sự ổn định khu vực.

Hơn nữa có những lý do vững chắc xét về phương diện hoạt động thực tế ủng hộ một liên minh gắn kết chặt chẽ hơn : chẳng hạn như không thể bảo vệ Nam Hàn hay Đài Loan nếu như không có hỗ trợ từ phia Nhật bản , hoặc như để bảo đảm hành lang an toàn đi từ Thái bình dương sang Ấn độ dương không thể không có sự hỗ trợ từ phía Singapore, Ấn độ, Indonesia và Australia. Và trên hết, không còn cái thời mà Washington đóng vai trò gìn giữ hòa bình mà không cần sự hỗ trợ từ phía các đồng minh của mình. Không thể có tự do hành động trên Thái bình dương hay vùng biển Châu Á , đã đến lúc cần tới nhiều hơn sự trợ giúp từ các đồng minh nhằm ngăn chặn các cuộc xung đột và đáp trả chúng kịp thời .

Còn tiếp....

TS. Phạm Gia Minh dịch từ American Interests" số tháng 5-6 /2011

SOURCE : TUANVIETNAM.NET

Đào Trinh Nhất - Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (Kỳ 2)

Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (Kỳ 2) .

Đào Trinh Nhất .

.



THẾ LỰC CÁC CHÚ TRONG NAM KỲ

Người Tầu sang Nam kỳ từ bao giờ? Quốc triều ta ngày trước chiêu tập dân Tầu và xử trí họ khôn khéo là thế nào? Người Minh hương.

Người Tầu có thế lực to lớn vững bền ở xứ Nam kỳ ta như ngày nay, vốn không phải họ gây dựng trong vòng maáy chục năm nay là được, thực có công phu tích lũy đã hai ba thế kỷ nay rồi.

Nước ta, từ khi có lịch sử là giao th iệp người với người Tầu, vậy sự giao thiệp ấy, từ đời cận cổ giở lên thế nào ta không cần xét đến, vì không quan hệ gì đến đầu bài cuốn sách này cho lắm, ta chỉ nói chắc rằng: người Tầu bắt đầu sang Nam kỳ là vào khoảng thế kỷ thứ 17 mà thôi.

Chắc thế, năm 1680 vào giữa đời vua Huy Tôn nhà Lê, và chúa Hiền nhà Nguyễn, nhà Minh bên Tầu bị Mãn Thanh cướp ngôi, có một bọn quan minh, là bọn Dương Ngạn Địch (Chữ Hán)năm người, không chịu thần phục nhà Thanh, mới đem đồ đảng 7,000 người và 50 chiếc thuyền sang tình nguyện làm dân Annam. Chúa Hiền nhân muốn khai khẩn đất Chân Lạp (tức là Nam kỳ ngày nay) bấy giờ còn là Chân Lạp, bên họ cho vào ở đất Đông Phố (tức Gia Định bây giờ). Bọn Dương Ngạn Định mới chia nhau ra ở tản tác hai tỉnh Biên Hòa và Mỹ Tho, khẩn điền lập ấy, cày cấy làm ăn, ấy người Tầu di cư sang Nam kỳ chuyến ấy là chuyến đầu tiên vậy.

Về sau đến năm 1715 (vào đời vua Dụ Tôn nhà Lê và Chúa Nguyễn Phúc Chu) có một người khách Quảng đông, tên là Mạc Cửu (TQ) sang chiếm đất Hà Tiên của nước Cao Miên, rồi chiêu mộ những lưu dân mở mang cày cấy,và đem đất ấy xin thần phục chúa Nguyễn, chúa phong cho làm chức tổng binh.

Số người Tầu sang làm ăn bên nước ta không mấy người đem vợ theo, sang bên này mới lấy vợ Annam là thường, triều đình ta muốn lợi dụng cái tình thế ấy, để cho tăng dân số nước mình lên, bèn định lệ rằng: hễ người nào do bố khách mẹ Annam đẻ ra, thì tức là dân Annam, bắt tụ họp ra làng riêng gọi là “Minh hương”, nghĩa hễ làng của người nhà Minh. Bất cứ dân lai khách ở chỗ nào, cũng có thể lập thành làng Minh hương.

Năm Minh Mệnh thứ 10 (1829) định lệ rằng: người Tầu nào sang làm ăn bên nước Nam được phép lấy dân Annam nhưng nếu đem vợ Annam về Tầu thì phải xử tội rất nặng, đem con lai về cũng vậy, mà cạo đầu cho con mà để bím thì cũng phải tội, nghĩa là Triều đình buộc ngặt rằng, người Tầu lấy vợ Annam đẻ con, con ấy tức là dân Annam, để lợi sự đông dân lên cho nước vậy, y phục luật pháp và đóng thuế má, cũng là được thi cử làm quan, y như người Annam cả.

Xét lại, cái chính sách của Triều đình ta ngay xưa đối với dân Hoa kiều như thế, thật là chính sách hay lắm: một là không cho họ theo chế độ nào riêng, thì quyền cai trị hoàn toàn ở mình; hai là đặt ra bang, thì dễ phần kiểm dốc, ba là đặt ra Minh hương thì lợi cho dân số của mình, cái chính sách ấy vì hay như thế, nên người Pháp sang bảo hộ ta, vẫn noi theo đại cương ấy để đối với Hoa kiều, tuy có thay đổi ít nhiều, là bởi tùy thời bắt buộc, như là đánh thuế đinh người Tầu rõ nặng, và buộc người Tầu đi tỉnh nọ sang tỉnh kia, phải có thông hành hộ chiếu v.v… thì sự ấy cũng thường không cần nói đến, vì cuốn sách này không có ý biên chép những luật lệ của Nhà nước đối với dân Hoa kiều, mà chỉ có ý phô trương cái thế lực Hoa kiều ngày nay ở Nam kỳ to lớn thế nào, là để tìm cách kháng mà thôi.

Đoạn này mà nói đến những thể lệ của Quốc triều ta định ra để cai trị dân Hoa kiều, là cốt chứng tỏ rằng: nước ta ngày trước tuy ngoại giao có kém hèn, nhưng đến phương pháp nội trị thì cũng là khôn khéo và chu đáo lắm vậy.

II

Dân số người tầu trong Nam kỳ, Năm bang Hoa kiều, đại khái cái nghề của mỗi bang, nghia đoàn thể của họ, việc tập lãnh sự, cái vấn đề “lấy khách” ở trong nước ta.

Dân Tầu ở Châu á không khác gì dân Do Thái ở Châu Âu, hễ gầm giời này, chỗ nào có thể kiếm ăn được, là thấy có gót chân họ, một người Hoa kiều ở Nam dương quần đảo nói rằng : “Người đời chỉ nói phàm chỗ có ánh sáng mặt trời chiếu đến, không chỗ nào không có ngọn cờ nước anh, ta cho rằng phàm chỗ có nước bể chảy đến, không chỗ nào không có người Hoa kiều”(1). Thật ra thì cái gót chân người Tầu, chẳng những thấy những chỗ có nước bể chảy đến mà thôi, tức chí hoang các như Tây Bá Lợi Á, xa sôi như mấy nước Nga, nước Áo ở giữa Châu Âu cũng tìm thấy họ, có người nói: Hoa kiều rải rác ra các địa vực, rộng bằng người Anh, sức giầu có bằng người Do Thái, chịu khó như người Ấn Độ, nhanh nhẹn như người Nhật Bản, đến như cái số kiều dân của họ ở đâu cũng dòng, thì không kiều dân nào bì kịp được.

Họ đến một chỗ nào, chẳng phải tranh thành cướp đất gì của người ta, nhưng khiến chỗ ấy cũng bị cái vạ như là tranh thành cướp đất, nghĩa là đến đâu phần nhiều là do nắm được thế lực đồng tiền, chiếm được cái chủ quyền kinh tế của người ta vậy.

Chính nước ta, mà thứ nhất là xứ Nam kỳ, bị phải cái vạ này.

Có vào đến xứ Nam kỳ, mới biết người Tầu ở trong nước mình là đông, mà cơ sở của họ là lớn. Bước lên thành phố Sài Gòn, đi quanh những phố chợ mới, chợ cũ là những phố rộng lớn và rộn rịp bằng mấy hàng Ngang, hàng Buồm ở ngoài mình, đã thấy lúc nhúc những các thú, tính phỏng chừng cũng 3 hay 4 vạn người rồi, tuy vậy cũng còn là ít đi gần 6km nữa vào đến chợ lớn (người Tầu gọi là Đê Ngạn) là một thành phố toàn các chú cả, chưa kể đến nội dung ra thế nào, nhưng mới trông bề ngoài đủ khiến cho mình ghê sợ, xa xa đã trông thấy ống khói nhà máy nọ nhà máy kia, tua tủa lên ngang trời như hàng rào, nào tầu, be, nge, nốc, dậu tri trít ở mặt nước như mắc lưới, đã đủ giật mình về cái cảnh tượng ấy rồi, lại vào đến phố, thì phố xá rộng rãi, nhà cửa nguy nga, hết đường nọ đến đường kia, qua phố này sang phố khác, không phố nào không nhà hai ba tầng, không nhà nào không buôn bán lớn, thôi thì hiệu to hiệu lớn các chú, vác gạo kéo xe các chú, chú hãng chủ nhà máy các chú, mà cho đến vót đũa đan rổ gánh nước bán hoa quả cũng các chú, nói tóm lại việc gì làm mà nảy ra to từng hàng vạn, nhỏ đến đồng xu, thì cũng mấy chú mấy thím “thiên triều” làm hết. Thành phố chợ lớn đất rộng hơn một nghìn mẫu, thì các chú ở quá ba phần tư dân số 13 vạn người, thì phần các chú già một nửa (7 vạn người trên bộ và hơn 1 vạn người ở dưới nước) kể cái hình thế thành phố thì không rộng rãi đẹp đẽ như sai gòn, như Hà Nội, như Hải Phòng nhưng kể đến các nơi công nghiệp buôn bán nước ta thì chợ lớn có thể hoạt động vào bậc nhất này.

Còn như số các chú, rải rác ra làm ăn buôn bán ở lục tỉnh cũng dòng hết sức, từ chỗ thị thành dưới thuyền trên bến cho đến thôn quê đầu xóm cuối làng, không có chỗ nào là không thấy các chú, hoặc cửa hàng, cửa hiệu, hoặc bán thịt bán rau, hoặc nghề kia nghề nọ, các chú làm không sót một thứ gì cả, các chú ở dòng đúc nhất là mấy tỉnh Sóc Trăng, Back Liêu và Cần Thơ và mấy tỉnh trù phú nhất Nam kỳ.

Trong khoảng 12 năm nay, họ sang mới lại cũng nhiều. Cứ kể từ năm 1912 cho đến 1922 trong 11 năm giời, số người Tầu trên 17 tuổi mỗi năm vào Nam kỳ như sau này:

1912……………………………………13.201

1913………………………………........13.624

1914…………………………………….10.143

1915…………………………………….10.118

1916…………………………………….9.998

1917………………………………….....14.473

1918…………………………………….15.884

1919…………………………………….16.058

1920……………………………………..17.078

1921……………………………………..17.062

1922……………………………………...19.505

Thế thì ra cứ kể trung bình mỗi năm là 14.368 người Tầu sang ta, ấy là chưa nói đến đàn bà con trẻ. Hễ mỗi chuyến tầu ở Hương Cảng và Thượng Hải sang là có đến hàng trăm chú thím vào cửa Sài Gòn, mà tháng nào cũng có vài trục chuyến tầu như thế, Nhà nước phải đặt ở Sài Gòn một sở gọi là sở “Tân đảo” (Service de Hmmigration), chỉ chuyên trông nom về người Hòa kiều mà thôi. Đến như cái tổng số dân Hoa kiều ở Nam kỳ bao nhiêu, thì thấy mỗi chỗ nói một khác, nhưng xem cái tình hình trên kia thì đại ước cũng đến 20 vạn người mới phải.

Trong số 20 vạn đó, thì người Quảng Đông là đông nhất cả, thứ đến người Phúc Kiến, thứ đến người Triều Châu v.v… mà cũng ở dưới cái chế độ “tùy tiếng chia bang, mỗi tỉnh lập bang” là cái chế độ của ta ngày xưa lập ra, và tác giả đã nói ở đoạn trước.

Hoa kiều chia ra làm 5 bang như sau:

1. Bang Quảng Đông (TQ)

2. Bang Phúc Kiến (TQ)

3. Bang Triều Châu (TQ)

4. Bang Hà Cá (TQ)

5. Bang Hải Nam (TQ)

Bang Quảng Đông là những người Tầu ở Quảng Đông, và người ở phía Bắc phía Tây tỉnh ấy, một mình bang này đã hơn 8 vạn người, chưa kể đến đàn bà và con trẻ.

Người Quảng Đông giỏi buôn bán và công nghệ lắm. Ở Chợ lớn họ có hai máy gạo to. Nội các hiệu to bán tơ lụa, các nhà máy cưa, các xưởng củi, các nhà làm gạch, làm đồ sứ, các lò vôi, các xưởng đóng thuyền trong thành phố này đều là tay người Quảng Đông chiếm độc quyền cả, họ lại có nhiều nhà buôn chuyên nghề đem vật sản trong Nam kỳ như là da, sừng trâu, bong gòn vân vân… xuất cảng ra bán ở ngoại quốc. Họ lại có nhiều xưởng đóng tầu nho nhỏ ở Chợ Lớn nữa, mà phần nhiều những tầu con chạy quanh Cửu Long Giang ở Nam kỳ, là của người Quảng Đông cả. Đến như làm nghề thẩu khoán, bán các đồ gỗ, làm thợ nê, thợ mộc, thợ may, thợ đóng giầy tây, các hàng thịt, các hàng cơm tây, cũng là người Quảng Đông làm hết.

Bang Phúc Kiến là những người Tầu ở phía Tây nam Áo Môn dân số của họ ở Nam kỳ cũng đến 5,6 vạn người. Người bang này cũng giỏi nghề buôn bán lắm, ở hai thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn họ có rất nhiều hiệu to, và hầu hết các nhà máy gạo ở Chợ Lớn nghề buôn bán gạo trong Nam kỳ là vào tay họ làm cả. Còn thì phần nhiều buôn bán tạp hóa, bán rượu, bán đồ sắt và làm mại biện (compradore) ta vẫn gọi là chu mại bản cho các hiệu buôn tây và các cửa hàng khách, cho nên trong bảng này, ta ít thấy có người đi làm thợ, hay hoặc đi ở, mà có dễ toàn thể là làm nghề buôn bán.

Bang Triều Châu có người cũng đến 5,6 vạn là người Tầu ở gần cửa bể sán đầu (Swatow). Sán đầu cũng thuộc về tỉnh Quảng Đông, nhưng mà người Triều Châu lập thành ra bang riêng, là vì tiếng nói Triều Châu và Quảng Đông khác nhau. Người Triều Châu cũng buôn bán, nhưng so với hai bang trên còn kém xa, mà số đông có ý chịu khó làm những tiện nghệ như là làm bạn thuyền, và làm culi khuôn vác hàng hóa lên tầu ở cửa bể Sài Gòn, cho nên ở Sài Gòn họ đã có hai ba nhà chuiyên bao những hạng culi khuôn vác lúc nào cũng sẵn sang mấy trăm ngươi. Khách Triều Châu nấu nướng đồ ăn rất khéo cho nên cái nghề làm tiệm, cao lẩu của họ cũng phát đạt lắm.

Trong Nam kỳ, người Triều Châu ở các tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạch Giá, Bắc Liêu đông, và cũng có cày cấy ít nhiều. Hai tỉnh Bạc Liêu và Rạch Giá có tới 13.865 người Minh Hương, toàn là con cháu Triều Châu vậy.

Đến bang Hà Cá, thì chỉ có 1 vạn rưỡi hay 2 vạn người là cùng, toàn là dân Tầu phía bắc tỉnh Quảng Đông, họ cũng có nhiều nhà buôn ở Sài Gòn và Chợ Lớn, song cũng tầm thường không đáng kể gì. Trong bang này, ta cũng thấy có một đôi người làm nghề thầu khoán, và có một vài chiếc tầu thủy chạy nữa. Người Hà Cá chuyên làm những nghề thợ rèn, thọe đá, làm máy, đóng giầy khách và làm bánhm những tiệm bán chè tầu, và những hàng bán rau cỏ, thì cũng phần đông là người Hà cá hết cả.

Sau hết đến bang Hải Nam, là những người Tầu ở cù lao Hải Nam gần vũng bể Bắc kỳ ta. Bang này ít người nhất, chỉ có chừng ngót một vạn người, mà buôn bán ở Sài Gòn và Chợ Lớn rất ít, phần đông họ làm nghề đánh cá, và làm thuê cho những trại trồng hồ, tiêu ở mạn Hà tiên và Phú Quốc cả, còn những người ở châu thành Sài Gòn và Chợ Lớn thì thường làm bồi cho các nhà tây, hay nấu bếp cho các nhà hàng cơm để kiếm ăn soàng soàng mà thôi.

Đại khái nghề nghiệp của 5 bang Hoa kiều ở trong Nam kỳ như thế.

Ta vẫn chịu Hoa kiều ăn ở với nhau, rất là thân ái liên lạc, cái nghĩa đoàn thể của họ rõ rệt lắm, sự đó tuy cũng có sẵn bởi tính tự nhiên, và trong chỗ trường hợp có lợi hại quan hệ với nhau, nên không thể không được, nhưng cũng do cái chế độ lập ra bang, khiến cho họ dễ cấu kết với nhau, mà Chính phủ cũng dễ sai khiến vậy.

Bang, vì tổ chức có nhiều cơ quan ở trong, cho nên có lợi cho Hoa kiều được nhiều mặt lắm, vừa là gia đình, vừa là hương tộc, vừa là hội liên hiệp, vừa là thương mại, vừa là tòa án, vừa là ông chủ ngân hàng, vừa là quan lãnh sứ, vừa là hội cứu tế của họ nữa. Danh hiệu tuy có một nhưng thể chất ở trong thì chia ra vô cùng tận. Mỗi ban họp riêng để bàn việc lợi hại của mình mỗi bang có một quỹ riêng có nhiều tiền; mỗi bang có một người lãnh tự, tức là bang trưởng. Những người ra làm bang trưởng bao giờ cũng là người có tuổi, giầu có, và đã từng lịch duyệt lắm. Họ bầu bang trưởng, tuy cũng có bỏ vé, nhưng chẳng qua là chiếu lệ đấy thôi, chớ kỳ thực họ đã cử một người nào ra với Chính phủ, là dùng cách đồng thanh tuyên cử, một điều đó đủ chứng tỏ rằng họ dễ bảo nhau.

Kỷ luật trong bang rất nghiêm, đừng có tội giết người hay là tội gì thì mới phải phiền đến các quan và tòa án can thiệp vào, còn thì họ điều đình hoặc tài phán lấy với nhau cả. Thường khi người trong bang có phạm lỗi gì, thì những người có chức sự họp lại để xử đoán, hoặc tha hoặc phạt, cứ chiếu theo ý kiến của phần đa số mà làm. Họ có đủ cả nhà thương, nhà đẻ, vòi rồng để chữa cháy, đặt tuần để gác đêm, nhất thiết sự gì cần dùng cho họ, thì đều có đủ, như thế chưa chắc không phải do nghĩa đoàn thể mà ra.

Thứ nhất là cái nghĩa tương tư, tương trợ của họ lại càng nặng lắm, cho nên mỗi khi có chú nào ở bên tầu che dù đeo gói mới sang, là nhập ngay vào bang, lấy chỗ làm gia đình, làm hương tộc cho mình, và bang giúp vốn và chỉ đường làm ăn, lại trông nom cho mình trong mọi công việc, nếu ốm thì bang nuôi nấng thuốc thang, muốn về nước mà không tiền thì bang cấp cho, nếu chết mà không có gì, thì bang tống táng cho rồi sau lại đưa hài cốt về Tầu, bang lại giúp đỡ cho nhà cửa, và chu cấp cho con cái đi học nữa.

Vì bang đối với người trong bang chu đáo như thế, cho nên người trong bang đối với người trong bang phải phục lòng lắm. Hễ ai ra ý bướng bỉnh, không theo mệnh lệnh của Bang thì bang có cách đàn áp, hoặc phạt tiền hoặc đuổi ra. Tuy vậy, không mấy khi ta thấy trong bang họ xẩy ra những sự như thế, vì người Tầu đi làm ăn nơi xa, không biết ở một mình, bởi thế, họ lấy bang là cần dùng cho họ, mệnh lệnh gì của bang là phải tuân theo răm rắp. Chỗ này ta thấy nhiều chứng cớ lắm, xa thì như năm 1908, các bang Hoa kiều, thứ nhất là bang Quảng Đông, nhất định để chế hàng Nhật, y như họ để chế dầu hỏa của Hoa kỳ năm 1905, mà yết thị rằng; nếu ai còn mua đồ hàng Nhật nữa, thì phải phạt 50 đồng. Quả một độ không có người tầu nào dùng đồ Nhật. Gần thì cách độ 5, 6 năm có phường xiếc Ý đại lợi (Italic) vào làm ở Sài Gòn, ra Hải Phòng, Hà Nội cũng không có một người Tầu nào xem. Hai việc ấy đủ chứng tỏ cái nghĩa đoàn thể của người Tầu là đầy là nặng lắm, không trách có nhiều người Pháp đã nghĩ mà phải lo rằng, hoặc người Tầu tự họ tham lam, hay bị ai sui khiến mà phản nước Pháp ở đất nước Nam này, thì tính làm sao? Nhưng nghiệm ra cái mục đích của người Tầu sang làm ăn ở đây là chỉ cốt kiếm ăn hay làm giầu chớ không có một điều sa vọng gì khác (cái vấn đề này đoạn cuối sẽ nói kỹ hơn), vả chăng cũng không làm Chính phủ phải lo, nên chính phủ cũng phải chịu rằng: nếu không có cái chế độ lập ra bang, thì sực cai trị người Hoa kiều ở đây cũng là khó khăn lắm.

Người Tầu ngụ ở ta rất nhiều, quyền lợi của họ cũng lớn, mà thường thì gặp sự gì ức uất, không có người bảo hộ cho, nên chí việc lập lãnh sự ở đây cũng là một điều của người Tầu vẫn yêu cầu mãi.

Chính phép chung của vạn quốc, hễ dân một nước đến làm ăn buôn bán ở một nước nào, thì chính phủ phải có đại biểu người chính phủ sang ở nước ấy, để bảo hộ cho dân mình, người ấy tức là lãnh sự. Không thí dụ đâu xa, ta thấy ngay ở trong nước mình, hai hải cảng thành phố Sài Gòn và Hải Phòng có bao năm người Nhật, người Mỹ ở mà cũng có lãnh sự Nhật, lãnh sự Mỹ đến trú v.v… thế mà dân Hoa kỳ ở đây hàng mấy trục vạn người sao không có được một ông lãnh sự! Về việc này, tác giả thường hỏi ý kiến một vài người Hoa kiều thì họ nói rằng: “Chính phủ nước tôi, vẫn nhắc và yêu cầu việc ấy mãi mà người pháp không nghe. Mỗi lần yêu cầu xin đặt lãnh sự, thì các nhà quan Pháp lại đòi mấy nhà phú thương chúng tôi đến mà bảo rằng: “Nếu quả chính phủ Tầu thật muốn phải lãnh sự đến đây, chính phủ pháp chỉ có việc chiếu lệ như những chỗ khác có lãnh sự mà làm, thì người Tầu không được có của bất động sản như là nhà cửa đất cát nữa, nhất thiết những quyền lợi ấy, mà xưa nay người Hoa kiều có, thì bây giờ phải thủ tiêu đi hết.”. Thế là người Pháp cố ý không muốn cho nước chúng toi đặt lãnh sự vậy”.

Quả có đạt lãnh sự, thì Hoa kiều cũng có thiệt thòi về quyền lợi bất động sản và nhiều quyền lợi khác nữa thật, nhưng quỹ của nhà nước cũng rỗng đi mấy chục triệu đồng bạc mỗi năm, thì lại là một sự thiệt thòi hơn nữa. Vả chăng nói cho cùng thì cũng là cái phương diện ngoại giao của người Tầu còn lép vế quá, thò ra giao thiệp ở đâu, là thất bại ở đó, chưa kể đến những việc năm canh tí, việc 21 điều, việc Giao châu, là những việc to, thế nước Tầu yếu thì thất bại đã đành, nhưng ngay đến những việc ngoại giao nho nhỏ, cũng chẳng làm nổi. Ta xem ngay như người Tầu kiều ở bên Xiêm, đông đúc gấp mấy bên ta, phồn thịnh gấp mấy bên ta, mà chính phủ xiêm vẫn bắt buộc người Tầu hễ đã vào nước Xiêm, là phải theo phong tục và luật pháp Xiêm, lấy vợ Xiêm đẻ con thì phải nhập tịch dân Xiêm hết, thuế má thì đánh rõ nặng, người Tầu Kiều cư ở đấy vẫn yêu cầu dặt lãnh sự mãi, mà chính phủ Xiêm nhất định không nghe, mới rồi lại còn đặt lệ mới bắt con cái người Tầu phải học chữ Xiêm nữa, bọn kiều dân đánh giây thép về xin chính phủ Bắc kinh can thiệp, và xin phải lãnh sự sang để bảo hộ cho, nhưng chắc chính phủ Bắc kinh cũng không biết xử trí ra sao, vì cũng vô lực. Không nói chắc ai cũng biết rằng chính phủ Xiêm mà không cho Hoa kiều bên ấy có lãnh sự, nghĩa là để mình được tự do đánh thuế nặng nề, thì sổ chi tiêu nhà nước được rộng, bắt buộc rằng người Tầu lấy vợ Xiêm đẻ con tất phải nhập tịch Xiêm, thì số dân trong nước càng thêm đông, vì cái lợi quyền cho dân nước mình. Nên chính phủ Xiêm từ chối cho đặt lãnh sự Tầu là thế, đường đường một nước Tầu, yêu cầu nước Xiêm việc ấy còn không đắt, phương chi yêu cầu việc ấy với chính phủ Pháp ở đây mà được hay sao?

Kết thúc đoạn này, ta nên xem xét về cái vấn đề “lấy khách” đôi tí, để cho biết cái chế độ Minh hương ngày nay khác với chế độ Minh hương ngày xưa.

Cái chế độ Minh hương của ta ngày xưa thế nào, mà tác giả đã nói trong đoạn trước thật là một cái chế độ hay; ấy ta cho bao nhiêu người Tầu vào doanh nghiệp trong nước ta, thì chỉ có cái lợi Minh hương là cái lợi cho ta vậy. Ta xem trong Nam kỳ, tỉnh Bắc Liêu và một phần tỉnh Sóc Trăng, người ở đấy nguyên lý giòng dõi người Triều Châu ngày xưa cả. Dân cư ven bờ bể vùng Xiêm la, khoảng giữa tỉnh Rạch Giá, tỉnh Hà Tiên thì cũng là con cháu bọn nông dân Hải Nam ngày trước. Lại những người mình ở mấy tỉnh Châu Đốc, Hà Tiên, Long Xuyên phần nhiều là nhận tổ tích ở những bọn người Tầu theo Mạc Cửu sang ta hồi thế kỷ thứ 18. Xem thế thì phía tây Nam kỳ mà có cái vẻ sinh tụ như bây giờ, chưa chắc phải nhờ cái chế độ Minh hương, nghĩa là bắt con người Tầu, đẻ ra bởi mẹ Annam, thì tất là dân Annam vậy.

Cái chế độ ấy ngày nay, dưới quyền bảo hộ người Pháp, thì không thế nữa. Người Tầu lấy vợ Annam, đẻ con ra thì có quyền tự do muốn cho nó theo quốc tịch mình hay quốc tịch mẹ cũng được, tuy ở sức đóng thuế được đàng nào thì theo đnàg ấy, đến như lễ nghĩa y phục thì cũng được tùy ý, không phải bắt buộc gì, bởi thế ta thấy người mình lấy khách, may ai bợ được chú tài hay chủ hiệu giầu có phong lưu, đẻ con “ả beng” ra, thì là “các chú”, sau này lớn, mấy trục bạc các chú cũng nộp thuế cho nó được, lại còn có thể đem về bên Tầu nữa, còn các chú nào lấy phải người nghèo nàn khổ sở, thì con đẻ ra mới chịu vào tịch Minh hương, chịu khó làm “ố nàm” vậy, nhưng được điều phải đóng thuế nhẹ thôi. Xem cái hiện trạng này thì phần như ở trên nhiều, mà phần như ở dưới ít, vì các chú lấy sự cho con vào tịch Minh hương là nhục cho mình, là một sự bất đắc dĩ lắm, thành ra các chú sang bên này, vơ vét tiền của ta chẳng nói làm gì, lại còn lợi dụng đàn bà ta để lấy con, đến khi nặng túi bố giắt con về, để người mẹ bơ vơ ở bên này, đàn bà lấy khách ở nước mình gặp nhiều cảnh đáng thương, ta đã từng thấy lắm, vậy thì không phải các chú khôn mà ta dại, các chú lợi mà ta thiệt lắm ư?

Trong Nam kỳ đông người Tầu thế, trừ ra mấy người giầu có mới đuề huề vợ con từ Tầu sang, còn thì toàn hạng giai trẻ sang làm ăn rồi mới lấy vợ bên này, cho nên chị em trong Nam kỳ ta lấy khách nhiều lắm, thế mà kể đến người Minh hương rất ít, tổng số chỉ có độ 5 vạn người, mà số 5 vạn ấy phần nhiều là cha truyền con nối, là người Minh hương từ những đời nào, chứ không phải mới đây mà được như thế, bây giờ thì ả beng phần rất đông theo quốc tịch của bố cả, trong hơn 20 vạn Hoa kiều, ta nên nhận biết rằng có đến 5,6 vạn ả beng như thế vậy. Nếu 5,6 vạn ấy bắt phải là Annam, thì ấy là cái lợi khách của ta, nhưng 5,6 vạn ấy vẫn là người Tầu hết, ta lấy khách chỉ là “đẻ con thuê” hay sao?

Bởi vậy, có người bàn rằng: “Nhà nước ta lại nên thi hành cái chế độ Minh hương của nước Annam ngày trước, bắt rằng những đứa con đẻ ra do bố khách mẹ Annam, thì không được nhận là quốc tịch mình mà đem về Tầu tất phải nuôi theo lễ nghĩa y phục Annam, phải chân chính là người dân Annam mới được. Làm thế, tuy so với quốc tế công pháp bây giờ có trái, nghĩa là đứa con bao giờ cũng phải theo quốc tịch cha, nhưng giá mà Nhà nước lấy lẽ rằng: Bảo hộ xứ này thì cũng phải giữ lại những chế độ cũ của xứ này ít nhiều thì tưởng không ai cho là không phải, mà người Tầu cũng không nói vào đâu được. Ví bằng bảo thứ nhất mà đã vội biến hóa người Tầu ra Annam ngay là cấp tốc quá, thì đời thứ hai, phải bắt là người Annam cũng được.”






----------------------------------------------------------------------------

Đào Trinh Nhất - Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (Kỳ 1) .

Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ (Kỳ 1) .

Đào Trinh Nhất .

Vài lời đầu trang

THẾ LỰC KHÁCH TRÚ VÀ VẤN ĐỀ DI DÂN VÀO NAM KỲ là tư liệu mà tôi có ý thức tìm kiếm từ mấy chục năm trước, và mới đây, thực may mắn, được Đoàn Lê Giang- chủ nhân của kho tư liệu đồ sộ, sẵn sàng cung cấp văn bản khi tôi tỏ ý muốn đưa ra cho công chúng rộng rãi trên nguyenducmau.blogspot.com và trên vanhoanghean.com.vn - Nhân đây xin cảm ơn Đoàn Lê Giang, người bạn luôn luôn hào phóng và nhiệt tình với những ý tưởng vì cộng đồng.



Nhưng vì lí do thời gian nên bản vi tính này, do một người bạn khác của tôi giúp đỡ, không được hoàn hảo như bản gốc, một vài chỗ vẫn còn nhiều lỗi đánh máy, mong muốn có thời giờ sửa chữa trong tương lai.

Tôi cũng đã thử đưa chữ Hán vào văn bản như bản gốc đã có, nhưng nhiều chữ bị thiếu trong Từ điển Việt Hán Nôm 2004, không đáp ứng được đầy đủ các chữ mà văn bản đòi hỏi, và do khả năng kĩ thuật hạn chế, nên tôi đành gác công đoạn này lại, sửa sau, chỉ vì lí do muốn sớm đưa ra cho bạn bè xa gần có tư liệu dùng tạm. Những chữ trong ngoặc ( TQ) là chỗ người đánh máy đánh dấu chỗ nguyên gốc là chữ Hán để điền sau.

Mong rằng sẽ có nhiều tư liệu đến được với giới nghiên cứu và những người có nhu cầu tri thức.

Hà Nội 28 / 6/2011
Nguyễn Đức Mậu





Ông Nguyễn- Đình- Phẩm, chủ nhà Yến-Mỹ

Hà nội



Ông Nguyễn Đình Phẩm.

Chắc ông cũng vui lòng nhận mấy lời trong bức thư này mà tôi để lên trên trang đầu quyển sách của tôi, tức là để cảm ơn ông vậy.

Ông với tôi thuở nhỏ là bạn học một trường, có tình chí thiết, đến sau ra đời, mỗi người đi một ngả; ông thì dọc ngang trên đàn thực – nghiệp, như có ngày nay, tôi thì lênh đênh mãi trên bể văn – chương, chưa biết đâu là bờ bến. Tôi vẫn lấy việc trước – thuật là nghề – nghiệp mà cùng là phận – sự của mình, thường ngỏ ý ấy cùng ông; ông nói rằng: “ Quốc văn trong lúc này đang cần có nhiều tay thợ khéo để xây dựng lên, những trước – thuật gì có bổ ích cho đời hãy nên làm, chớ có xuất bản những sách văn thơ nhảm nhí, tiểu – thuyết dâm bôn, mà rắc độc ra trong xã hội đó!”. Ý tôi vốn nghĩ như thế, lại được ông khuyến- khích thêm, thành ra tôi khái nhiên, không chiều tâm- lí của người đời, cùng là khuynh – hướng của xã- hội, àm mạnh bạo xuẩt bản quyển sách này vậy.

Ông là người có thịnh – danh trong thương – trường, lại cũng có thịnh – danh trong công việc từ thiện công- ích nữa; nhiều người biết ông đã từng mở đường cho trong làng, lấy chỗ đi lại, đã từng đào cừ cho dân trong vùng ông lánh nạn tiêu-khô, lại đã từng lập một trường học, ở trong hàng tổng, cho con em có chỗ học, sự nghiệp ấy của ông không cần gì tôi phải tán dương mới có người biết, duy chỉ cảm vì ông là một nhà thực nghiệp, mà nền quốc văn trong buổi bấp bênh này, ông cũng lấy công phu khuyến khích, giúp đỡ vào công việc bồi đắp cho thành, tuy kết quả sau này chưa ai biết đâu, nhưng một chỗ đó, đủ biết ông cũng có tâm địa đáng khen lắm.

Phương chi tôi viết quyển sách này, bàn về một vấn đề kinh tế trong nước ta, thì ông cũng lấy tri thức chuyên trường về thương nghiệp, mà góp nhặt cho tôi được nhiều tài liệu tốt, mách bảo cho tôi nhiều ý kiến hay, mà nên một sự nghiệp nhỏ mọn này, có thể nói là do ở công phu chung của đôi ta mà ra được. Tôi cảm ơn ông trong bức thư này là vì thế.

Quyển sách này ra đời, nếu như có được một vài ý kiến nào khả thủ, có ích cho đồng bào, mà được bạn trí thức trong nước khen, thì tiếng khen ấy tôi với ông cùng hưởng; nếu như là ý kiến chưa nhằm, nghị luận chưa xác, mà phải có người chê, thì tiếng chê ấy, tôi với ông ta cùng chịu. Nhưng thiết nghĩ ở đời, ta làm việc gì cứ mạnh bạo mà làm, miễn là biết đến xã hội và không phụ lương tâm thì thôi, cái tiếng khen chê, chẳng lấy gì làm quan hệ cho ta lắm. Có phải chăng, ông?



Hanoi, ngày 1 Novembre 1924

ĐÀO - TRINH - NHẤT



ĐẠI - Ý QUYỂN SÁCH NÀY



Xứ Nam – kỳ tức là một cuống họng của ta, đối với trong là một kho tàng to, quay ra ngoài là một thị trường lớn, công phu cha ông khai thác mấy trăm năm, mới có ngày nay, để cho con cháu làm của gia tài, đáng lẽ ta không nên dễ cho ai phạm vào quyền lợi ấy của ta mới phải.

Thế mà bị 20 vạn người Tầu là một dân - tộc có tài thực dân kéo nhau sang hạ cái thủ - đoạn kiếp - lược dần dần, bây giờ nghiễm nhiên làm ông chủ - nhân trong trường thương mại công nghệ của ta, thôi thì trên bến dưới thuyền, thượng vàng hạ cám, nhất thiết lợi quyền đều vào tay họ lũng đoạn hết, ta cam tâm để họ đè nén: khó nhọc ta gánh, miếng ngon họ ăn, bao nhiêu lâu nay, ta chịu mãi cái nỗi “cường tân áp chủ” như thế. . Ôi! Vận mạng của ta ở xứ Nam kỳ, tương lai của ta ở xứ Nam kỳ, không có lẽ ta cứ điềm nhiên để họ kiếp lược chiếm ta như vậy mãi được, chắc phải tìm cách nào tước bớt cái thế lực họ đi, và thu lại những mối lợi mà mình có quyền chính đáng được hưởng mới được. Song lẽ, muốn tước bớt cái thế lực họ đi, và thu lại những mối lợi mà mình có quyền chính đáng được mới được, thì phải làm thế nào? Quyết không phải chỉ cau mày trợn mắt, làm truyện như tẩy chay năm nào, mà thành công được đâu! Vì phải xét họ gây được cái thế lực to lớn vững vàng ở Nam kỳ như ngày nay, nào là di dân, nào là bỏ vốn, nào là tốn sức nhọc lòng, nào là mở mang xếp đặt, công phu tích lũy đã mấy thế kỷ nay rồi, thì tất không phải là thế lực mà đụng chạm vào là làm nghiêng đổ ngay được “a bây giờ” muốn đi đánh lui một toán đại dịch trong thương trường ấy, không nói gì là phải trí lực, phải phí thì giờ, mà trong khí cụ cần dùng thì xứ Nam kỳ ta thiếu hẳn một thứ, là nhân công, tức là một khí cụ cần nhất trong trường kinh tế chiến tranh vậy.

Nam kỳ thiếu nhân công thật, còn non hai triệu mẫu đất hoang bỏ chưa khai khẩn, bao nhiêu nguyên liệu vật sản, bỏ chưa đem dùng, đến ngày tiện nghệ khổ công cũng không có người làm, nhất thiết công nghệ buôn bán gì, đều vào tay Hoa kiều hết, cũng chỉ vì không có người làm. Bởi vậy, bây giờ nói việc mở mang xứ Nam kỳ, tức là cách phá cái thế lực Hoa kiều, mưu cuộc phú cường nay mai, thì nhân công chính là một tài liệu mà xứ Nam kỳ đang phải cần đến lắm.

Nhân công ấy lấy ở đâu ra được? Người Trung Bắc – kỳ cất tiếng lên mà đáp rằng: “Tôi đây”.

Thật ra, cái hiện tính sinh hoạt của dân hai xứ ngoài này đã thấy chen chúc, khổ sở lắm: rừng núi tứ tung, địa thế chật hẹp, dân số ngày một đông thêm, mà mọi nghề nghiệp chưa được rộng rãi, dân không đủ làm, ruộng đất hầu đã vỡ hết, nhưng nghề canh nông thật gian nan, mùa thường bị mất, nói tóm lại mọi công việc làm ăn, tuy đã mở mang ra nhiều nhưng so sánh với số dân, không được tương đương cho nên bọn dân lam lũ khốn cùng, không nghề không nghiệp, hãy còn nhiều lắm. Lại thêm một nỗi, thường bị nhiều cái tai vạ bất kỳ, thí dụ như mưa tràn nước lụt, thì dân tình càng thấy khổ già: ruộng vườn ngập hết, nhà cửa trôi băng, ở không có nơi, ăn không có miếng, bấy giờ cha con vợ chồng giắt díu nhau đi bơ vơ kiếm ăn, trông tình cảnh rất là ái ngại, dù có hưng công dù có phát chẩn đều là cách tạm thời, chẳng có hiệu quả gì chắc chắn cả. Xét lại thì hai xứ này, đường sinh hoạt hẹp mà số sản dục ngày tăng, e rồi có cái vạ nhân mãn, chẳng đáng lo cho cuộc tiến hóa lắm ư? Ta phải bớt đi mới được.

Có người nói sao người Bắc kỳ không lên mạn ngược mà khai hoang, người Trung kỳ không vào miền Mọi mà doanh nghiệp, nhưng không biết đâu sự lý đã dành mà tình thế lại khác, mạn ngược thì khí hậu không lành, nên với việc làm ăn hơi khó, miền Mọi tuy nguồn lợi vốn sẵn, nhưng luật cấm không cho vào; vả chăng hai chỗ ấy cũng chẳng lợi dụng được hết nhân công Trung, Bắc kỳ, như thế bảo lên những chỗ ấy mà thực dân, là một điều chẳng xong rồi, tất phải đi một nơi khác.

Di đi ngoại quốc chăng? Không, trường hành động trong nước ta còn có chỗ rộng thênh thang, cần gì phải đi đâu xa xôi cho cực khổ. Trong khi ngoài Trung, Bắc kỳ đông người, muốn di đi như vậy, thì trong Nam kỳ đang cần nhân công vậy thì đi ngay vào Nam kỳ chẳng cũng phải là một việc hợp thời, một việc nên làm, một việc có lợi hơn hay sao?

Vấn đề di dân vào Nam kỳ bời đó mà xuất hiện ra vậy.

Vấn đề nay xuất hiện đã lâu, không những gì là dư luận của phần đông người, mà lại là một nghi án của chính phủ, thế mà bản thế hệ nọ thảo ra, vẫn xếp só ở ngăn bàn, lời thỉnh cầu kia đệ lên, rồi nằm vò trong sọt giấy, một việc đáng lẽ phải thực hành từ bao giờ, mà đến nay chẳng thấy gì cả; hoặc bảo là chưa tiện đường giao thông, phải chờ bao giờ xong con đường Đông pháp thiết lộ (Le Transindochinois) đã, hoặc bảo lo nắng thì đã có máng nước, giữ lụt thì đã có đê điều, cứ ở nhà mà cày cấy làm ăn, cần gì phải đi đâu vội, thành ra dân còn loanh quanh nấn ná trong khu đất chật hẹp khốn nạn của mình, giơ lưng ra mà đỡ lấy tai vạ lụt lội đói kém hằng năm; cái sức gánh vác lâu nay, nghe chừng đã bị quyện lắm rồi, thế việc di dân chẳng thực hành ngay đi, còn đợi đến bao giờ nữa.

Duy có điều việc di dân chưa đến lúc phải là một vấn đề thuộc quyền chính trị, thì còn có nhiều nỗi khó khăn, ngăn trở sự tiến hành; từ khi ra đi cho đến lúc vào tới nơi, ăn ở thế nào cho hợp vệ sinh, làm việc thế nào cho xứng tài năng, sinh mệnh lấy gì chở che, toàn là những việc khó nói, mà bấy lâu dư luận bàn mãi chưa xong, cho nên ta phải xin chính phủ tán thành mà giúp đỡ cho mới được. Vả chăng, Nam kỳ cũng phải là xứ toàn là đất hoang rừng rậm, phố vắng đường không, mà nay cần đem nhân công Trung, Bắc kỳ chỉ để rẫy cỏ phá rừng, mở xưởng lập tiệm đâu! Cũng có cần thế, nhưng mà Nam kỳ đã có chủ nhân rồi, là Hoa kiều, cho nên nhân công ngoài này có vào, lại cần đem tài năng, đem tính nhẫn nại mạo hiểm là tính cách sẵn có vào giải quyết đấu với Hoa kiều, là những người ta đi đâu cũng gặp họ như gai góc cản đường, những muốn cho mình chìm đắm trong vòng nô lệ mãi mãi, để họ chiếm lấy quyền lợi một mình, ta không được phạm đến. Bởi vậy, việc di dân vào Nam kỳ, không những là mưu sự hạnh phúc an lạc cho đám nhân công Trung Bắc kỳ, mà lại là một việc phải tranh đấu với Hoa kiều, để đoạt lại cái chủ quyền kinh tế và gây cuộc phú cường sau này, thành thế ra việc ấy, từ vấn đề cá nhân, tiến lên thành vấn đề của xã hội. Vậy, nếu như chẳng có ý nghĩa như thế, thì sang Lào mà làm ăn còn hơn, sang Nouvelle – Caledonic làm culi cũng được, cần gì phải vào Nam kỳ.

Tất cả Đông – Pháp này, có 35 vạn Hoa kiều thì mình xứ Nam kỳ 20 vạn, người đông, của nhiều, công nghệ to, buôn bán lớn nhất thiết đều tụ cả ở đó, thành ra một cái thế lực đồ sộ vững vàng thế thì có muốn cạnh tranh với họ tưởng trước hết, phải biết thế lực của họ ra làm sao mới được. Có biết thế lực của họ, hễ điều hay là theo, điều ác là tránh, nói tóm lại mới biết đường mà đối phó với họ, nếu không thì không khỏi bị họ tìm cách thâm hiểm mà hại mình, xưa nay những việc gì ta làm, hễ có ý cạnh tranh với “các chú” ở trong, thường bị họ dùng độc thủ mà phá hoại mình ngả nghiêng, ấy tức là một chứng cớ vậy.

Di dân được vào Nam kỳ, còn có hai ý nghĩa cao hơn nữa:

Một là tư bản và nhân công hợp với nhau, tư bản và nhân công là hai tài liệu để lập nên một nước phú cường, tất phải tương tư tương trợ lẫn nhau, rời nhau ra thì đều là vô dụng, lại có hại nữa. Thế giới ngày nay, xướng lên cái chủ nghĩa tư bản, và cái chủ nghĩa lao động, có ý nghĩa phản đối nhau, xong kết quả chỉ thấy là phá hoại, thường khi bọn thợ đình công, mà công nghệ phải chịu ảnh hưởng lớn, thường khi ông chủ đóng cửa xưởng, mà bọn thợ đến nỗi mất việc làm, chứng cớ rành rành, là nước Nga gây nên cái chính sách lao nông, mà trong nước tan tành ra đó, chỉ nay mai đất ta thấy nước ấy phải quay về chế độ thường nghĩa là nhân công phải đi đôi với tư bản. Như thế thì đủ hiểu rằng tư bản với nhân công, không thể bỏ nhau mà làm nên việc được. Nước ta, Nam kỳ sẵn của mà làm việc thiếu người, Trung, Bắc kỳ sẵn người mà làm việc thiếu vốn, bấy lâu nay lìa rẽ với nhau, cho nên chưa thấy kinh doanh được việc gì to tát cả, vậy nay di dâm vào Nam kỳ, tức là cách kết hợp nhân công và tư bản vậy. Vả chăng ta cũng nên biết rằng: muốn đạt bao nhiêu cái hy vọng lớn lao của ta sau này, thì phải lấy đất Nam kỳ làm trường hành động mới được.

Hai là liên lạc được mấy xứ. Nói đến tiếng liên lạc cũng là việc cực chẳng đã, vì nước mình suốt từ Bắc đến Nam, sinh cùng một nòi, nói cùng một tiếng, theo cùng một văn hóa, giữ cùng một tính tình, li gián từ đâu mà ngày nay phải nói đến chuyện liên lạc? Duy gần đây, vì sự ngẫu nhiên của lịch sử, mà mỗi xứ phục theo dưới một chỉnh thể riêng, cho nên sự trao đổi tình ý với nhau, không khỏi có chỗ ngăn trở, đến nỗi tưởng lầm rằng: không phải cùng nhau một lịch sử chung, một nguồn gốc chung tiếc thay sự gặp nhau lại rất hiếm hoi, vì chẳng có dịp thì chẳng thấy đằm thắm gì, như thế còn nói đến sự đồng lao cộng tác với nhau làm sao được. Phận sự làm dân một nước không cho ta ghe lạnh ghen ghét nhau như thế, mà khiến phải thân yêu nhau, giúp đỡ nhau, cùng làm việc với nhau thì mới sách nổi tồn ở đời khó khăn này, vậy một điều cần là làm sao cho người Nam, Bắc được xúc tiếp với nhau luôn, để hiểu tính cách tâm lý của nhau mới được. mà muốn tiếp xúc với nhau luôn, nếu trông ở ngoài Nam ra Bắc thì không ăn thua, vì người nam có ra đây, không phải là ra làm việc công nghệ buôn bán, mà chỉ ra đi học và làm ở các công sở, số người đã ít mà chỉ ở những nơi thành thị, thì sự gặp gỡ truyện trò với nhau, không rộng rãi và thường thường, thì không hiểu nhau được, cho nên phải trông ở người Bắc vào Nam, thì sự liên lạc mới có hiệu quả, vì dân ngoài Bắc vào trong Nam làm ăn, tản tác ra khắp từ kẻ chợ ở nhà quê, đồng bằng mặt nước, gặp gỡ anh em Nam kỳ ta luôn, thật dễ lấy cái tinh chủng tộc, nghĩa quốc dân mà hiểu biết nhau lắm. Bởi thế nói di dân vào Nam kỳ, lại có mục đích liên lạc Bắc nam này.

Bấy nhiêu điều quan niệm, sự trông mong, khiến cho tác giả tuy sức vóc còn non, tầm mắt chưa rộng, mà cũng mạnh bạo sốt sáng bàn về vấn đề này, do ở một phần lịch duyệt, một bầu nhiệt huyết của mình, đem bày tỏ ra để cùng anh em đồng bào bàn bạc, ý kiến hoặc có hẹp hòi, mà sơ tâm thì là trịnh trọng lắm.

Sách chia ra làm hai phần. Một phần đầu thì nghiên cứu cái thế lực của các chú trong Nam kỳ là nơi “đệ nhị quốc gia” của họ, xét từ lai lịch cho đến dân số, tư bản thương mại, công nghệ, học thuật cùng là mọi tính cach hay, thủ đoạn khác của họ vân vân, chưa dám nói là tường tế gì, nhưng cũng đủ những điều ngạch khái, để cho ta biết thực lực của họ, mà mưu cuộc doanh nghiệp cho mình. Phần thứ hai trước chứng tỏ rằng việc di dân vào Nam kỳ là nên, là lợi, sau thì xem xét việc này bấy lâu khó khăn trăn trở gì? Bây giờ phải tìm cách gì giải quyết? cùng là giới thiệu để anh em ta ngoài này biết rằng vào trong ấy sẽ có nhiều nghề nghiệp làm ăn, sẽ được an cư lạc nghiệp, tội gì loanh quanh ở chỗ đất chật hẹp của mình, mà chịu cái vạ đói rét rách rưới cho khổ hàn, phương chi việc di dân đi, lợi cho cá nhân, mà lợi cho cả xã hội, không những tình thế giục đi, mà nghĩa vụ cũng bắt đi nữa.

Hai phần, tuy tựa như phân biệt, nhưng vẫn là hai cái tiếng thật có hộ ứng với nhau, vì tôi tin rằng: việc di dân vào Nam kỳ là việc phải làm đã đành rồi, nhưng có biết cái thực lực của Hoa kỳ mà để kháng họ, thì việc di dân ấy mới có lợi ích, cho nên cuốn sách tầm thường này, lấy tên là “Thế lực khách trú và vấn đề di dân vào Nam kỳ” là thủ nghĩa như vậy./.



(Còn nữa)

26/6/11

TRẦN THIỆN ĐẠO - Một vì sao rụng

ÉDOUARD GLISSANT (1928-2011)
(Thứ Bảy, 16 Tháng Tư-2011)

Tác giả : TRẦN THIỆN ĐẠO






Một vì sao rụng








ÉDOUARD GLISSANT (1928-2011)



NHÀ VĂN TẠP CHỦNG TOÀN-CẦU





Nếu như viện Hàn lâm Thụy điển, đầu tháng Mười năm ngoái, rốt cuộc đã trao giải Nobel 2010 cho nhà văn Pêru Mario Vargas Llosa hụt biết bao nhiêu lần trước đó (1), thì nay, viện không còn có thể vớt vát được nữa. Không còn có thể vinh danh dầu muộn mằn nhà văn Pháp da màu Édouard Glissant cũng đã liên hồi hụt giải. Nhà văn nobelisable, thường xuyên được nêu danh trong số có cơ đoạt giải này đã từ trần hôm qua, thứ năm 03 tháng 02/2011: hiện nay chưa có tiền lệ tặng giải cho các văn gia đã khuất (2). Tiếc thay! Cho viện Hàn lâm lỡ tàu và nhà văn hụt giải.



Từ bản sắc da màu…

Nói nào ngay, thì chẳng phải viện Hàn lâm Thụy điển không hề nghĩ tới Édouard Glissant: như vừa nói, tên ông thường xuyên nằm trong số nhà văn nobelisable(s) mỗi năm gần đây. Có điều là hào quang tác phong quyết liệt nhưng bất bạo động của ông trong môi trường chánh trị và văn hóa trải dài hơn sáu chục năm tròn đã ít nhiều che trùm trên một sự nghiệp nghệ thuật cũng chẳng kém phần sắc cạnh. Suốt trọn cuộc đời khôn thôi sống động, ông không hề tách rời công trình sáng tạo văn chương ra khỏi mục tiêu mà ông tóm gọn qua haì í niệm créolisation (tạp chủng) và tout-monde (toàn-cầu).

Édouard Glissant sanh ngày 21 tháng 09/1928 ở thị xã Sainte-Marie, tỉnh 972 - Martinique thuộc quần đảo Antilles của Pháp, nằm trong vùng biển Caribê châu Mĩ. Loại chi tiết vừa kể chẳng phải là không có ảnh hưởng sâu đậm tới thân thế và sự nghiệp của ông. Ngay cả tên họ của ông cũng phần nào báo hiệu thân thế và sự nghiệp này. Là bởi Glissant (glixxăng) là cách đọc đảo ngược tên họ Senglis (xăngglix) của một trong số chủ nông da trắng khai thác thuộc địa ở châu Mĩ bằng mồ hôi, nước mắt, máu thịt của hàng triệu dân châu Phi bị vây ráp, trói ké, quẳng xuống gầm tàu négrier (tàu chở mọi da đen) băng Đại tây dương bắt làm nô lệ kể từ thế kỉ XV. Bốn trăm năm sau, khi chế độ chiếm hữu và buôn mọi da đen lần lượt được bãi bỏ vào giữa thế kỉ XIX, giải phóng tầng lớp nô lệ (3), phải khẩn cấp đặt tên cho các công cụ mới được phục hồi nhơn phẩm: « Glissant, nghe cũng hay, nhà văn suy ngẫm, giãi bày. Nhưng còn có biết bao cách khác để gọi chúng tôi. Tiếng tạp chủng thường đặt nhiều tên cho sự vật một cách hồn nhiên. Ăn nói đa âm đa dạng vốn là lối phát biểu bản năng của dân tình chúng tôi. »

Sau khi mài rách đũng quần trong trường Victor Schoelcher (tương đương thời ấy với các trường Pétrus Ký - Sài gòn, Quốc học - Huế và Bưởi - Hà nội) ở thủ phủ Fort-de-France, ông rời Martinique sang Paris năm 1946. Theo học ngành dân tộc học trong Musée de l’Homme (Viện bảo tàng Nhơn chủng) và lịch sử, triết học ở đại học Sorbonne. Bảo vệ luận án tiến sĩ dưới đề tài Le Discours antillais: le passage de l’oral à l’écrit en Martinique. Essai d’analyse éclatée d’un discours global (Diễn ngôn ở Antilles: từ lời nói tới chữ viết ở Martinique. Cảo luận mở phân tích một khối diễn ngôn).



… qua hoạt động…

Đồng thời với mấy thi phẩm đầu tay Un champ d’ îles (Quần đảo bao la – 1953) và La Terre inquiète (Trái đất âu lo – 1954), ông tham gia các phong trào tranh đấu qui tụ giới văn gia, trí thức và nghệ sĩ da màu gốc châu Phi, Antilles, Guyane và Hoa kì. Tranh luận với Léopold Sédar Senghor (1906-2001 - gốc Xênêgal) (4), Aimé Césaire (1913-2008 - gốc Martinique như ông) (5) và Langston Hugues (1902-1967 - gốc Hoa kì). Trong lúc L.S. Senghor và A. Césaire tôn tạo phong thái négritude (bản sắc da màu), xóa bỏ í nghĩa miệt thị và khinh thường trong tiếng Pháp và tiếng Anh/Mĩ nègre, nigger, negro (mọi da đen, lọ nồi) biến nó thành biểu hiện cho cảm tính tự trọng và tự tin - trong khi L. Hugues và đồng cánh vừa than thân trách phận vừa quyết liệt đảm nhận nguồn gốc châu Phi của mình (6), thì ông cho rằng tinh thần afrocentrism(e) (trở về cội nguồn châu Phi da đen) của họ chỉ là loại mơ tưởng ‘’trở về một cội nguồn đà mai một không còn cứu vãn được nữa’’.

Năm 1960, Édouard Glissant kí rõ tên mình trong bản Manifeste des 121 (Kiến nghị của 121 nhà trí thức) do triết gia hiện sinh Jean-Paul Sartre (1905-1980) chủ xướng, đòi quyền trốn lính ở Algérie bấy giờ đang cầm súng nổi dậy dành độc lập. Năm sau, cùng với Paul Niger (1915-1962 - gốc Guadeloupe thuộc Pháp ở quần đảo Antilles như ông), thành lập Front antillo-guyanais pour l’autonomie (Phong trào tự trị Antilles và Guyane), có khuynh hướng đòi độc lập. Phong trào liền bị cấm, ông và đồng cánh thì bị trục xuất ra khỏi Guadeloupe, quản thúc tại gia ở Pháp sáu năm ròng, từ 1959 tới 1965. Trở về quê quán sau đó, thành lập Institut martiniquais d’études (Viện nghiên cứu Martinique) cùng với tập san Acoma (Acoma) đăng tải các công trình nghiên cứu của viện. Đồng thời cũng tiếp tục xây đắp sự nghiệp văn học bằng nhiều tác phẩm để đời.

Với sự nghiệp đa dạng và đa diện này, ông nghiễm nhiên trở thành giám đốc tập san Courrier de l’Unesco (Thư mục Unesco) của Liên hiệp quốc kể từ năm 1982. Năm 1989, được bổ nhiệm làm Distinguished University Professor (Giáo sư đại học ưu tú) đại học Louisiana Hoa kì, chủ trì Trung tâm nghiên cứu Pháp học và Pháp ngữ. Rồi cư ngụ ở New York. Năm 1995, làm Distinguished Professor (Giáo sư ưu tú), chủ nhiệm khoa văn học Pháp đại học Thành phố New York. Năm 2006, được Tổng thống Pháp bấy giở giao phó nhiệm vụ thành lập Trung tâm nghiên cứu tình cảnh nô lệ đương đại. Hai năm sau, khi Tổng thống đương nhiệm có xu hướng bài xích dân nhập cư, cùng với nhà văn đồng hương giải Goncourt 1992 Patrick Chamoiseau, thảo bản tuyên ngôn phản kháng dưới tựa đề Quand les murs tombent, l’identité nationale hors la loi? (Khi biên giới sụp đổ, bản sắc dân tộc trở nên phi pháp chăng?). Trước đó, ông thành lập Institut Tout-Monde (Viện Toàn-cầu), quảng bá ‘’ bộ óc muôn hình vạn trạng của quần thể đại chúng trên thế giới ‘’.



... tới tạp chủng và toàn-cầu

Mở mắt chào đời, lớn lên ở Martinique giữa một ‘’quần đảo bao la’’ (nhan đề tập thơ đầu tiên của ông), nơi đã trải qua một thời gian dài nô lệ, Édouard Glissant sớm dòm xa, nhìn ngó không gian ở phía bên kia chưn trời. Nói cách khác, từ thủ phủ Fort-de-France sát vách châu Mĩ, ngụp mình trong môi trường Caribê pha trộn đủ loại màu da, phong hóa và ngôn ngữ, hòn đảo nhỏ chôn nhau cắt rún của ông, dưới mắt nhà thơ thấu thị như ông, không còn là một khoảng không gian chật hẹp, mà là nơi để ông dễ bề quan sát biến đổi tác động không ngừng trên quả địa cầu. Giúp ông nhìn đón trước rằng thế kỉ XXI sẽ là thế kỉ tạp chủng và toàn-cầu, không chỉ về mặt kinh tế, chánh trị, xã hội, mà về chính con người của chúng ta.

Ngay trong các tác phẩm đầu tay, *thi ca như tập Trái đất âu lo (1954 - đụng độ giữa con người chinh phục và con người bị chinh phục), *cảo luận như cuốn Soleil de la conscience (Mặt trời tri thức - 1956 - « Sẽ chẳng còn có nền văn hóa nào mà không pha trộn với các nền văn hóa khác, khôngcòn có nền văn minh nào ngạo nghễ ngự trị trên đầu các nền văn minh khác, không còn có thi nhơn nào mù mắt trước biến động của Lịch sử. », *tiểu thuyết như truyện La Lézardetạp chủng và toàn-cầu đà manh nha, khai mào cho đường hướng hoạt dộng và nội dung sự nghiệp văn học của ông. Trong bài phỏng vấn nhơn dịp xuất bản luận thuyết La Cohée du lamentin (Ủn ỉn loài heo biển – 2005), Èdouard Glissant giải thích và định nghĩa í niệm tạp chủng và toàn-cầu do mình chủ xướng như sau: (Dòng sông quanh co - giải Goncourt 1958 - dân bản xứ Antilles chạm trán với tinh thần thực dân), các í niệm

« Chúng ta liên hồi sống trong một thế giới khôn thôi đảo lộn, các nền văn minh không ngớt đụng độ với nhau, từng mảng lớn văn hóa sụp đổ xiêu vẹo và trộn lẫn với nhau, những ai hoảng sợ tình thế pha trộn này tự động trở nên quá khích. Tôi gọi nó là chaos-monde, là thế-giới-hỗn-loạn. Các xác tín duy lí không còn hiệu nghiệm nữa, tư tưởng biện chứng đà thất bại, còn tinh thần thực dụng thì chẳng có đủ năng lực thẳm thấu sự việc, cho nên các hệ thống í thức cổ hủ không làm sao hiểu nổi thế giới ngày nay. Tôi nghĩ rằng chỉ có loại tư tưởng không tin chắc ở quyền lực của mình, loại tư tưởng còn phập phồng run rẩy trong tâm trí, còn lo âu, lưỡng lự, e ngại, hoài nghi, mới nắm bắt được những đảo lộn đang diễn ra hằng ngày. Loại pha trộn, loại tạp chủng.

Thế nào là tạp chủng? Tạp chủng là hình thái pha trộn nghệ thuật, hay pha trộn ngôn ngữ, hậu quả bao giờ cũng bất ngờ, không lường trước được. Một hình thức biến hóa liên tục mà không khiến con người phải mất gốc. Tạp chủng không chỉ áp dụng cho cơ thể mà còn cho văn hóa. Mà văn hóa là những bộ phận hết sức phức tạp hơn cơ thể. Chúng ta có thể biết trước được ít nhiều hậu quả của sự pha trộn, còn hậu quả của sự tạp chủng thì không. Lấy thí dụ các phương ngữ tạp chủng ở vùng Caribê, hay ở nhiều nơi khác, hậu quả của sự tạp chủng hoàn toàn thuộc loại khôn lường, đầy dẫy nhiều tiếng lóng, cách ăn nói, lời lẽ đùa cợt bất ngờ…Tạp chủng tạo nên một nền văn hóa mở và vô cùng phức hợp trên thế giới, và nó xâm chiếm mọi lãnh vực, âm nhạc, nghệ thuật tạo hình, văn học, điện ảnh, ẩm thực, với một tốc độ chóng mặt… »



Văn nghiệp

Đa dạng về thể loại (thi ca, cảo luận, tiểu thuyết, kịch), đa diện về đề tài (chánh trị, xã hội, văn hóa, lịch sử), với một văn phong *trữ tình trong thi ca, *hiện thực huyền ảo trong tiểu thuyết, *trong sáng trong cảo luận, văn nghiệp trên dưới 40 tác phẩm đã nâng Édouard Glissant lên hàng đầu các nhà văn da màu Pháp ngữ, sánh ngang với những Leopold Sédar Senghor (4) và Aimé Césaire (5). Chúng tôi, chúng ta không lấy làm ngạc nhiên mỗi lần nghe thấy ông được xếp vào hàng nobelisable(s), nhưng rồi lại ngỡ ngàng khôn tả nghe tin ông hụt giải.

Cuộc đời lắm khi tỏ ra bất cập nhường ấy.



TRẦN THIỆN - ĐẠO

(Paris, 3-4/02/2011)

------------------------

(1) Xem: Trần Thiện-Đạo, Giải văn chương Nobel 2010 - Mario Vargas Llosa - Nhà văn tái tạo thực tại và Món nợ của Mario Vargas Llosa (Hợp lưu, số 112, tháng 1 & 2 năm 2011; Văn nghệ, số…, ngày…).

(2) Chỉ có một lần duy nhứt không tạo thành tiền lệ vào năm 2004. Xem: Trần Thiện-Đạo, Giải Renaudot 2004 - Phần thưởng cho một di cảo {của Irène Némirovsky, 1903-1942} (E-van, thứ ba 9/11/2004) và Định mạng của Irène Némirovsky (E-van, thứ ba 26/4/2005).

(3) Xem: Trần Thiện-Đạo, Chứng từ cuộc đời nô lệ (Hợp lưu, số 97, tháng 11 & 12 năm 2007; Văn nghệ, số…, ngày…).

(4) Xem: Pierre Brunel, Jean-René Bourrel, Frédéric Giguet, Léopold Sédar Senghor (Nxb Phụ nữ - 2006).

(5) Xem: Trần Thiện-Đạo, Một vì sao rụng – Aimé Césaire (1913-2008) – Thi nhơn bản sắc da màu (Hộp lưu, số 100, tháng 5 & 6 năm 2008; Văn hóa doanh nhân, tháng 07/2008).

(6) Tiêu biểu tâm thức này là bài thơ Negro (Lọ nồi) của ông:

I am a Negro:


Black as the night is black,
Black like the depths of my Africa.
I’ve been a slave:
Caesar told me to keep his door clean.
I brushed the boots of Washington.
I’ve been a worker:
Under may hand the pyramids arose.
I made mortar for the Woolworth Building.
I’ve been a singer:
All the way from Africa to Georgia
I carried my sorrow songs.
I made ragtime.
I’ve been a victim:
The Belgians cut off my hands in the Congo.
They lynch me still in Mississipi.
I am a Negro:
Black as the night is black,
Black as the dephts of my Africa.


Tôi là một thằng Lọ nồi:


Đen như đêm đen,
Đen như châu Phi sâu thẳm của mình.
Tôi đã làm nô lệ:
Xêza bắt tôi quét dọn cửa nhà.
Tôi lau chùi đôi ủng của Washington.
Tôi đã làm thợ hồ:
Dưới bàn tay tôi tháp đền xây cất.
Tôi trộn vữa dựng nhà Cao ốc Woolworth.
Tôi đã làm ca sĩ:
Suốt con đường dẫn từ châu Phi tới tận Georgia
Tôi không ngừng u buồn ca hát.
Tôi hò reo điệu nhạc ragtime.
Tôi đã làm nạn nhơn:
Bọn Bỉ chặt tay tôi ở xứ Cônggô.
Ngưởi ta vẫn treo cổ tôi ở Mississipi.
Tôi là một thằng Lọ nồi:
Đen như đêm đen,
Đen như châu Phi sâu thẳm của mình.

Thi Sĩ Thiêng Liêng—Poeta Sacer

Thi Sĩ Thiêng Liêng—Poeta Sacer

Hamvas Béla


(trong tiểu luận triết học Những câu chuyện vô hình)

Nguyễn Hồng Nhung dịch






Nhìn lại khoảng hai trăm năm gần đây của lịch sử có thể thấy nỗi lo âu theo kiểu cảm giác xa lạ của con người khó bóp chết được. Cứ như theo kế hoạch từ thế hệ này sang thế hệ kia, từ từ biến mất từ trên xuống dưới, trước tiên là vua, sau đó lần lượt: giáo chủ, đại quý tộc, chính khách, nhà bác học, quân nhân, nghệ sĩ, những người này hoặc biến mất luôn hoặc thay thế vào vị trí của họ là những nhân vật khả nghi.

Có kẻ muốn lập lại trật tự, như Napoléon đã từng thử, để lấy lại sự kính trọng cho tầng lớp vua chúa. Hoặc một số giáo chủ và các nhà đại quý tộc muốn cứu vớt tầng lớp giáo sĩ và quý tộc. Hoặc nảy sinh vài ba chính khách, vài nhà bác học, vài quân nhân, vài nghệ sĩ. Nhưng tất cả những điều này chỉ được coi như một vài cá biệt.

Bởi không chỉ một số dòng họ cai trị nào đó biến mất, mà ngay cả con người mang phẩm chất quý phái cũng biến mất; tầng lớp giáo sĩ và quý tộc biến mất, chỉ để lại những sinh thể giáo sĩ và thị dân. Đúng hơn những tầng lớp này rút lui, từ bỏ vị trí của mình.

Có thể không vì sự yếu đuối họ hành động, mà ngược lại, từ sự cân nhắc và đánh giá tỉnh táo.

Họ rút lui, bởi sự hiện diện của nhân loại không bao giờ đáng trở thành vật hy sinh cho một nạn dịch đen tối, khi sự ngự trị của họ không được coi trọng nữa.

Nhưng sự đánh mất vị trí của những con người lớn lao, việc rút lui của họ chỉ trở nên một nỗi mất mát đáng khủng khiếp với ai nghe thấy, và hiểu. Đám đông—từ mọi phía chìm xuống nạn dịch đen tối—gào rú một cách hân hoan.

Tình thế trở nên nguy kịch vì những người lớn lao đã rút lui, cuộc thử nghiệm lập lại một trạng thái xã hội trang trọng vấp phải khó khăn và đã thất bại.

Nạn dịch bắt đầu khi tất cả muốn trở thành kẻ được truyền ngôi vua.

Nạn dịch tiếp tục khi tất cả bắt đầu yêu sách với giới tăng lữ, với giới quý tộc, và sau cùng với giới tri thức.

Không có gì ghê gớm, họ nói. Tất cả mọi người đều có thể trở thành kẻ cai trị, đều có thể trở thành linh mục, thành bác học, nghệ sĩ. Tất cả chúng ta đều như nhau. Tất cả chúng ta đều biết tất cả, và nếu chúng ta không biết, chúng ta học.

Như thể tính chất vua chúa, tính chất đại quý tộc và tính chất tăng lữ đều có thể học được.

Khi các vị vua nghe thấy điều này, họ thoái vị; các linh mục, các nhà bác học, các chính khách đều làm như vậy.

Một vài người khác cất tiếng, họ liền bị xé xác. Những người còn lại bèn bảo: nếu các anh cần quyền lực, thì các anh hãy thành kẻ cai trị đi; nếu các anh cần thành quý tộc, thì các anh hãy thành quý tộc đi.

Làm sao khác được?

Muộn hơn, kinh phúc âm của nạn dịch tấn công, và sự tráo màu khổng lồ của thế gian bắt đầu chuyển động theo hướng ngược lại, bôi bẩn tất cả những gì trong sạch, lay động tất cả những gì lớn lao, dẫm bẹp tất cả những ai ngẩng cao đầu, và đầu độc tất tật những gì khỏe mạnh.

Thế là mọi sự vật rơi vào hiểm nguy và biến mất: nhà nước, quốc gia, dân tộc, công ăn việc làm, nền kinh tế, tôn giáo, tình yêu, cái đẹp, sức mạnh, chiến tranh, sự quý phái, trò chơi, nhu cầu, sự thật.



2.

Der Tempel brennt, ein halbes tausend Jahr muß weiterrollen bis er neu erstehe (Stefan George) — ngôi đền linh thiêng bốc cháy, năm trăm năm nổ rền trên đầu chúng ta, cho đến khi được xây lại: Nơi linh thiêng, vòng tròn thiêng của cuộc sống chung, bầu trời Temenos.

Một thế hệ tăm tối đã xâm nhập và đốt cháy đền. Các vua chúa, các đại quý tộc, các chính khách, các giáo chủ, các nghệ sĩ cần phải từ bỏ vị trí.

Từ đó đến nay cuộc sống ở ngoài vòng tròn thiêng liêng: nó bẩn thỉu và vô thần. Không trung tâm, không chủ, không sự kính trọng—chỉ còn chiến lợi phẩm cướp được, chỉ còn âm mưu. Không có trách nhiệm, chỉ còn lợi ích. Không có sự chỉ dẫn.

Các quyết định thường được khẩn cầu từ những vị thần, thành Delphi của nhân dân tuyên bố cần phải làm gì khi có sự nguy hiểm và hoang mang: Trung tâm là kẻ chịu trách nhiệm, đấy là Quyền lực, là một Đấng. Tất cả mọi Delphi đã mất. Không gian Temenos đã bị phá vỡ.

Sự nguy hiểm và nỗi hoang mang đã đến, không còn các quyết định, không còn phương hướng, không mục đích, không con đường, chỉ còn sự hỗn loạn, nhầm lẫn, sự nhục nhã, đói nghèo, khốn khổ, sự hãi hùng, các lo âu, tội ác, sự sỉ nhục.

Tất cả mọi người, ai đã biết một cái gì đấy, đã am hiểu về một cái gì đấy, ai dám một điều gì đấy, ai đã từng là một ai, đều lẩn trốn.

Der Tempel brennt.



3.

Vòng tròn thiêng liêng giờ đây chỉ còn lại đúng một người gìn giữ: NHÀ THƠ.

Không thể biết, các vua chúa, giáo sĩ, các nhà quý tộc, các quan tòa, quân nhân hay nghệ sĩ yêu cầu nhà thơ hãy ở lại, hay nhiệm vụ này thi sĩ tự gánh vác; có thể đây là người cuối cùng, khi tất cả đã đi xa, người này nói: ta sẽ trụ lại. Hoặc người này sẽ ra đi nốt, không gian Temenos sẽ không còn ai trú ngụ và giữ gìn nữa.



4.

Từ giây phút trong cái vòng tròn thiêng ấy chỉ còn duy nhất THI SĨ sót lại, bắt buộc đảm nhận quyền lực của vua chúa, đảm nhận phẩm chất của giới quý tộc, thói quen nghi lễ của linh mục, bản năng chiến đấu của người quân nhân, tri thức về sự thật của quan tòa, nỗi say mê ngây ngất của nghệ sĩ, của nhà bác học—từ giây phút ấy nhà thơ đã vượt hẳn tầm vóc của nhà thơ.

Trước kia ta có thể hài lòng với tuyên bố của ngành lịch sử văn học, rằng nhà thơ là người thể hiện tinh thần của dân tộc. Bởi vì thời xa xưa nhà thơ đúng là và gần như không là gì khác, ngoài một kẻ đi diễn đạt. Mặc dù không luôn luôn, nhưng nhà thơ thường xuyên là một thực thể chính trị, kẻ đi diễn giải về thế giới của một giai cấp, của một tầng lớp, hoặc của nhân dân.

Sự diễn giải này được hiểu như sau: cái tinh thần, hình ảnh, cảm xúc của một dân tộc đã có sẵn, nhà thơ chỉ việc đi tìm ngôn ngữ diễn đạt nó, khiến nhân dân cùng hiểu như khi mình diễn đạt.

Nếu anh ta có tìm ra cái gì mới hơn để nói, đó chỉ có thể do cách diễn đạt riêng của nhà thơ mà thôi. Nếu nhân dân, thời gian, giai cấp muốn cách mạng, nhà thơ diễn giải về cách mạng, nếu bị bóc lột, thì về sự bóc lột, nếu thất bại, thì về sự thất bại, nếu hy vọng thì về sự hy vọng.

Luôn luôn như thế và chỉ từng có thế. Nhà thơ là một kẻ diễn đạt.

Sau đó tiếp đến thời kỳ tâm lý học, và người ta bắt đầu lý giải nhà thơ bằng tâm lý. Từ một nhà chính trị, nhà thơ trở thành kẻ thiên tài.

Tâm lý học tách biệt người thường ra khỏi kẻ có tài, và nghiên cứu các mức độ của tài năng. Tài năng lớn là thiên tài. Cách tiếp cận điều này là làm sao cho người ta hiểu. Nếu hiểu được. Điều này hoàn toàn không bao giờ có thể, bởi thiên tài về mặt chất lượng khác hẳn kẻ bình thường. Nhà thơ mang một phẩm chất tâm lý cao hơn hẳn.

Lịch sử tư duy thử kết nối hai lý thuyết trên đây lại với nhau.

Người ta kết hợp kẻ diễn đạt và thiên tài lại với nhau rồi tuyên bố, nhà thơ là kẻ từng trải và là kẻ đi chắt lọc.

Các triều đại lịch sử, các quan điểm thế giới quan, các khuynh hướng hành vi tinh thần nhồi nhét trong vai trò của nhà thơ. Nhà thơ là kẻ, sống trải qua toàn bộ các giai đoạn lịch sử thế giới, rồi chắt lọc, tập hợp lại và vĩnh cửu hóa tất cả. Vì thế từ quan điểm lịch sử và phát triển tinh thần, sự quan trọng của nhà thơ kéo dài đến vô tận, hơn cả ách cai trị, chiến tranh hay nạn động đất. Nhà thơ là một đại diện chân chính về tinh thần của lịch sử.

Trong hình thái học văn hóa xuất hiện một lý thuyết mới. Nhà thơ giờ đây được coi như một kẻ sáng tạo văn hóa. Thi ca là một nhân tố văn hóa, giống như luật, tôn giáo, nghệ thuật và tư duy. Văn hóa tạo dựng tất cả, từ dây dép xăng đan đến lý tưởng vĩnh cửu: thi ca nằm đâu đây giữa hai thứ này. Còn nhà thơ là ai, rất mơ hồ, nhưng vì sự toàn vẹn của văn hóa đòi hỏi, thi ca phải trở thành vật dụng như quần áo, tiền hoặc thượng đế.

Cái nguy của những lý thuyết trên không phải chỉ ở chỗ chúng nghèo nàn, phi tưởng tượng, ngu xuẩn, ấu trĩ, vô lý, giả dối, thô thiển và không thuyết phục.

Bởi chắc chắn đây là những trường hợp không ngoại lệ. Những kẻ đề ra các lý thuyết này đều không hiểu, thi ca là cái gì. Bọn họ đều cho rằng thi ca là một thăng hoa thụ động: của sự diễn đạt, của kết quả phẩm chất tâm lý, của sự trải nghiệm, sự chắt lọc, của nhân tố tạo ra văn hóa.

Những lý thuyết trên đều là những cố gắng vô ích của một đám đông cố gắng hiểu nhà thơ—một cách không thuyết phục nổi. Thậm chí, những thứ lý thuyết này không là gì khác ngoài một bản năng xuất phát từ sự ganh tị của một đám thực thể người, thử tìm cách tìm hiểu nhà thơ bằng dùng những lý thuyết này kéo nhà thơ xuống ngang mình, đặt nhà thơ ngang tầm với mình.

Tout comprendre c’est tout mépriser. (Hiểu được mọi thứ nghĩa là khinh thường tất cả).

Cái quan niệm THI SĨ là kẻ diễn đạt, là thiên tài, là người từng trải, kẻ gạn đục khơi trong và người tạo ra văn hóa là sự trả thù của một thế hệ đen tối. Chưa hết: tất cả các lý thuyết này không muốn hiểu một thứ duy nhất quan trọng: sự tích cực của nhà thơ.

Đây mới chính là điều quan trọng nhất.

Các lý thuyết chính thức được tuyên bố trong sách vở. Thế hệ đen tối này bày trò sách vở, nhằm chứng thực bản thân: bởi cái nó đang sống, trái ngược với điều có trong sách. Cái lý thuyết màu mè tuyên bố về nhà thơ, chỉ là một sự ba hoa trong không khí, vô bổ, bởi không hề hiện thực, và trong thực tế không ai tin vào điều đó.

Trong cuộc sống hiện thực nhà thơ không phải kẻ đi diễn đạt, chẳng phải kẻ từng trải, chẳng là cái gì ngoài một chàng điên.

Chàng điên bởi nhà thơ không bận tâm đến việc kiếm tiền thu nhập, không quan tâm hướng tới các vị trí có ảnh hưởng tới xã hội.

Narr, nur Dichter, như Nietzsche đã nói.

Cái quan niệm nảy sinh trực tiếp từ đám đông, đấy là một quan niệm chung chung, tầm thường. Nhà thơ, người ta riễu cợt một cách bề trên, không thèm chấp và hạ thấp: là kẻ lố bịch, không là gì khác.



5.

Cuối thế kỷ vừa qua con người bắt đầu nhận ra tình thế.

Bắt đầu xuất hiện các nhóm tách xa đám đông một cách có chủ ý, các nhóm nhìn thấy ngọn lửa thiêng Temenos vẫn cháy, và nhà thơ cần ở lại vị trí của mình để bảo dưỡng ngọn lửa ấy. Con người còn nhận ra, nếu nhiệm vụ này muốn hoàn thành một cách xứng đáng, ý thức tự thân của nhà thơ cần được đánh thức. Nhà thơ cần biết, mình là ai.

Trong tất cả các lý thuyết từ trước tới nay, người ta chỉ nhận ra sự bất lực thảm hại của nhà thơ mà họ muốn giải thích, tuy không thể đến gần nhà thơ; họ nhận ra cả sự trả thù hèn mọn muốn biến nhà thơ thành một sự diễn đạt, thành một nhân tố của văn hóa, tóm lại thành một phần tử bị phụ thuộc, muốn biến nhà thơ thành công cụ, thậm chí tất cả đều cho rằng nhà thơ chỉ là một chàng điên.

Có một người trong những nhóm tách biệt này—Kreis trong nhóm Stefan George Đức—bắt đầu hiểu nhà thơ trong bản chất và trong toàn bộ hiện thực của thi ca.

Cái hình ảnh về nhà thơ mà Kreis tạo dựng còn chưa hoàn hảo. Quan niệm của nhóm George về nhà thơ vẫn chỉ nhìn thấy khía cạnh thụ động. Nhưng nhóm này đã nhận ra số phận đã mất không chỉ của nhà thơ mà của nhân dân, của nhân loại: không gian Temenos.

Cần một ngọn lửa, nhà thờ, hội nhóm, nơi con người thờ phụng thần linh- cần một không gian thiêng, nơi con người cởi dép khi bước vào, đấy là mảnh đất thiêng, nơi thế giới con người dừng lại, nơi ngọn lửa tinh thần cháy lên, nơi con người không bao giờ là con người nữa, mà là đứa con của vũ trụ bao la, nơi như Mallarmé viết: sự sống của chúng ta trở nên xác thực. Bởi trật tự, vẻ đẹp, tầm vóc, sự cao quý của đời sống con người được gìn giữ trong Temenos.

Nhóm George hiểu ra nhiệm vụ của nhà thơ: Phục vụ và Thống trị.

Bởi: chỉ kẻ có quyền cai trị, nếu chịu phục tùng; chỉ kẻ xứng đáng thống trị, nếu phục vụ.

Phục vụ nhân dân, nếu không phải cái nhân dân này, thì phục vụ thượng đế, phục vụ thế giới tinh thần, sự trong sạch, sự trật tự. Thi ca là một sự phục vụ cao cả như vậy. Và thi ca thống trị thế giới tinh thần, của nhân dân, của cái đẹp và cả nhân gian. Đấy là sự thống trị của thi ca.

Người bảo vệ Temenos là kẻ thống trị và là kẻ phục vụ. Nhà thơ bằng sự thống trị phục vụ này gìn giữ trung tâm của sự sống con người “Vương quốc Vĩnh cửu.”

Mallermé nói đây là germe final của nhân loại. Là người bảo vệ truyền thống thiêng liêng của nhân loại vĩnh cửu, của sự sống thượng đế—đấy là cái nhà thơ phục vụ và thống trị nhân danh nó.

Theo Kreis số phận nhà thơ chính là nhóm.

Nếu nhà thơ xuất hiện trong nhân loại, họ sẽ họp thành nhóm người theo số phận của họ xứng đáng bước vào một vị trí linh thiêng. Những người theo Nhóm Thiêng liêng chính là những người thành lập và là những cư dân đầu tiên của Vương quốc Vĩnh cửu.

Một cộng đồng mới sẽ hình thành quanh nhà thơ, bộ lạc mới đầu tiên của nhân dân đã linh thiêng hóa, sẽ là trung tâm của Vương quốc.



6.

“Kẻ phục vụ các Quyền lực trong những kích thước lớn lao hơn người khác, kẻ gắn bó với các Quyền lực ở những mức độ khác nhau hơn kẻ khác, đấy là đối tượng của niềm sùng kính thiêng liêng. Với sức mạnh và môi trường của Tạo hóa, chất nổ dễ cháy trong đối tượng này thật nguy hiểm, thậm chí rất khủng khiếp, khi tiếp xúc nó sử dụng những quy tắc trật tự đáng gờm, tốt hơn hết, nếu không thể hoàn toàn, ít nhất nên tránh xa nó ra.”

Đấy chính là một thực thể thiêng liêng (sacer).

Sacer có hai nghĩa: linh thiêng và bị nguyền rủa, đáng trọng vọng và bị sỉ nhục, cao siêu và thảm hại.

Sacer thời cổ là nhà vua.

Là kẻ hầu hạ cho các Quyền lực, là kẻ gắn bó hơn nhiều kẻ trong các mức độ với các Quyền lực, là một thực thể cao siêu—đáng sợ, đầy những chất liệu nổ—tạo dựng-hủy diệt và bằng sức mạnh của tạo hóa, là kẻ nhân danh toàn bộ dân chúng duy trì mối quan hệ với một thế giới cao siêu, là kẻ đại diện cho toàn bộ dân chúng trước các thần linh.

Sacer có thể là giáo chủ, có thể là một công tước hoặc chính khách, hoặc một tướng lĩnh, những kẻ các Quyền lực sử dụng như các công cụ ở các mức độ khác nhau.

Sacer là thày cả cúng tế, là kẻ tiên tri, là mụ bói, là bác sĩ, là nhà triết gia, những người bên trong họ có một sức mạnh cao cả và đáng sợ, theo hai ý nghĩa vũ trụ bất tận: bản năng tạo dựng và sự đam mê tàn phá tồn tại trong các mức độ khác nhau.

Sacer là kẻ có quan hệ gần gũi với một thế giới đầy vấn đề, đầy bất trắc, đáng suy ngẫm, đen tối, đứt đoạn và cao vợi của các Quyền lực.

Sacer là một thực thể giới hạn mang ý nghĩa và đại diện cho thần linh ở giữa con người và cho con người ở giữa thần linh, một chân ở đây, một chân ở kia, trong hai thế giới, với hai bản chất, hai khuôn mặt, sống với hai trách nhiệm và duy trì hai thế giới.

Bởi vậy chỉ được phép rất thận trọng khi tiếp cận, chỉ trò chuyện được trong những hình thức nhất định, có thể chưa bao giờ tiếp cận đến và chỉ mới nhân danh tên và địa chỉ của thực thể này.

Bởi vậy chỉ được phép cúi đầu, quỳ gối, bằng một giọng khẽ khàng với mái đầu cúi thấp, một cách kính cẩn, trong trang phục hội hè, và bằng cử chỉ nghiêm ngặt của những quy tắc nhất định tiếp cận với Sacer.



7.

Evola trong một cuốn sách lớn của mình đã kể, tầng lớp vua chúa thời cổ đã truyền xuống dưới sự kính trọng các sacer như thế nào, vào tay giáo chủ, rồi rơi xuống tiếp tục giữa các đại địa chủ như thế nào, rồi xuống tầng lớp quý tộc, rồi rơi xuống tiếp, cho đến khi mất hẳn.

Lịch sử khoảng hai trăm năm trở lại đây là một tai họa nhỡn tiền hoàn toàn, khi vua, giáo chủ, địa chủ, quan tòa, nghệ sĩ, dũng sĩ biến mất, chỉ còn lại đám người cơ cực.

Không còn ai đủ xứng đáng để trở thành sacer: kẻ truyền đạt thế giới của các Quyền lực cho con người và thế giới của con người cho các Quyền lực, để liên hệ và gắn bó lẫn nhau một cách tích cực.

Không ai còn có cơ hội để trở thành kẻ gắn bó hơn nhiều kẻ khác trong nhiều mức độ lớn hơn với các Quyền lực.

Không ai, không bao giờ còn đủ sự cao cả-đáng kính để khi con người đối diện với các Quyền lực có thể sử dụng những quy chuẩn thận trọng, trong trang phục lễ hội, bằng một giọng khẽ khàng kính cẩn gọi tên.

Chỉ còn sót lại mỗi NHÀ THƠ.

Và thế là nhà thơ trở thành kẻ tiền nhiệm, thành biểu tượng và người giữ gìn tầng lớp vua chúa, giáo chủ, tướng lĩnh.

Và thế là nhà thơ trở thành sacer, thành một đối tượng của nỗi lo sợ đáng kính, trong con người nhà thơ thống nhất tất cả: linh mục, nhà tiên tri, bác sĩ, quan tòa, nhà tư tưởng, vua, thủ lĩnh—linh thiêng và đáng nguyền rủa, đáng kính trọng và thảm hại, cao quý và hèn hạ: là hình ảnh tượng trưng sự hiện diện của các Quyền lực giữa loài người.



8.

Về mối quan hệ giữa Goethe và Schiller cách đây không lâu có một cuốn sách đặc biệt xuất hiện. Tác giả khẳng định, sự bình thản không lay chuyển và sức mạnh kiêu kỳ của Goethe đã đánh thức trong tâm hồn người bạn của mình lòng ghen tuông, hơn thế nữa sự tức giận. Không bộc lộ.

Khi đối diện với nhau và giữa thế giới ban ngày có ý thức, tình bạn của hai người vẫn thể hiện như một sự gắn bó thực sự không thay đổi. Nhưng Schiller trong một thế giới còn thực chất hơn và sâu sắc hơn cả thế giới ban ngày, không chịu đựng được tính tự do bất chấp kiểu Goethe.

Biết chạy đi đâu lòng ghen tuông này, nó trở thành thứ quyết định toàn bộ con người Schiller. Tất nhiên, lại một lần nữa điều này không bộc lộ.

Nếu tự nhận biết, chắc Schiller sẽ run rẩy phủ nhận, không tin sự tức giận cắn xé tâm can của mình đã thống trị tới mức ông không thể nghĩ, sáng tạo, xúc động và viết về cái khác, ngoài những gì nảy sinh từ sự ghen tuông, thứ chống lại bản tính cân bằng, trầm tĩnh tự do bất chấp của Goethe và bị giấu kín trong thâm tâm Schiller.

Sự ghen tuông tức tối len vào bản tính của Schiller, trở thành một nhân tố sáng tạo và toàn bộ con người ông bắt đầu cô đọng lại quanh tâm điểm này.

Luôn luôn là một tai họa không thể giải quyết, nếu một người không đồng hóa được một cái gì đấy.

Schiller bắt đầu đánh mất Schiller, và bắt đầu trở thành một Goethe thuần túy tiêu cực, một Goethe tiêu cực đến mức, có thể nói như Nietzsche về một thực thể như vậy: auch mich schuf der ewige Haß—tôi là kẻ mà sự căm thù vĩnh cửu tạo ra.

Cái bản chất này định mệnh ở chỗ, ông hoàn toàn đánh mất trọng lượng riêng về sự tồn tại của mình, biến thành một trọng lượng đối ngược hẳn, thành một kẻ căm thù sâu sắc và hao mòn.

Ông trở thành một bản sao; bởi trong thâm tâm ông thán phục bạn, sự thán phục này lớn đến nỗi ông không cho phép bản chất riêng của mình lên tiếng nữa.

Ông không thể thả sự ngưỡng mộ này tự do, ông không đủ sức, và không thể nói: thật vui sướng cho tôi được sống dưới cái bóng vĩ đại của anh.

Để làm điều này ông không đủ sự nhún nhường, ông quá kiêu ngạo. Rất titán—người khổng lồ ngạo mạn trong huyền thoại Hy Lạp cổ.

Ông dành cho vẻ bên ngoài và đời thường lòng kính trọng và sự ngạc nhiên, để tình bạn ban ngày có thể thản nhiên trị vì trên những thứ đó.

Nhưng trong bóng đêm thực thụ, không chỉ ông không chịu đựng nổi sự tươi tỉnh rộng mở và giàu có của tình bạn, mà cả sự thán phục riêng của mình dành cho bạn, ông cũng không chịu được nốt.

Thế là ban ngày ông là người bạn và là kẻ ngưỡng mộ. Nhưng dưới lớp vỏ của ý thức ông không chấp nhận điều này, và sự tức giận dày vò, xé nát tan toàn bộ.

Ban đêm ông cắn xé bản thân một cách khổ sở vì ông không biết làm thế nào để trở nên tự do một cách không sợ hãi đến thế. Nhưng điều này ông cũng không tự chấp nhận nốt, vì trong thâm tâm ông ngưỡng mộ bạn trên hết.

Goethe trong tâm hồn Schiller là người bạn và là kẻ thù—ông thán phục và căm thù, ông thờ phụng và ghen tị. Nhưng ông nhìn rõ sự kiêu ngạo không giới hạn của kẻ đối địch, nhìn rõ điều này điều nọ, như khi nhìn rõ sự bất lực riêng của mình. Trong nỗi tuyệt vọng, ông không nghĩ cách nâng bản thân mình lên, mà chỉ nghĩ đến chuyện hạ bệ kẻ kia xuống.

Bằng những hình ảnh miêu tả sự kiêu ngạo của kẻ khác, lòng ghen tị làm ông mù quáng đến mức, cảm thấy mình là kẻ chiến thắng, và hạ bệ được kẻ khác—Acheronta movebo—trích dẫn Địa ngục.

Nếu đây không là nội dung thì cũng là ý nghĩa của cuốn sách này, khoảng chừng ấy.



9.

Cần phải lựa chọn vị trí để từ đó nhìn thấy mối quan hệ giữa Goethe và Schiller tại sao đã từng như vậy, và tại sao thành như vậy. Vị trí này không có trong cả hai người; bởi nếu có sẽ nổi lên một điều, hoặc người này hoặc người kia “đúng.”

Tác giả cuốn sách nói trên phán xét xuất phát từ Goethe, từ đó dường như nổi lên một điều: Schiller tội nghiệp là nạn nhân của việc không ngưỡng mộ nổi người bạn vĩ đại của mình.

Tất nhiên có thể có quan điểm cho rằng: Goethe với sức mạnh của sự vĩ đại, của sức hút ma quái tri thức đã tiêu diệt một Schiller hiền lành hơn, nhạy cảm hơn, và trong sạch, cao cả hơn.

Có thể quy trách nhiệm cho Goethe vì cái chết sớm của Schiller: đã mặc kệ một con người duy nhất, kẻ có khả năng đọc các con bài, kẻ có một tâm hồn trong sạch và con trẻ duy nhất có khả năng nhận ra, lật tẩy ý nghĩa đích thực nhất của sự mê hoặc mà Goethe tạo ra.

Sự giải thích này cũng giả dối như nhận định trên.

Cách phán xử đúng đắn không nằm về phía cả hai cá nhân mà nằm trong người thứ ba: Hölderlin, trong một nhà thơ mà ánh hào quang của cả hai người kia đã làm lu mờ đến nỗi người ta không nhận ra ông.

Hölderlin sống và viết trong một cuộc đời vô danh, ông, người bị vẻ tự do tươi tỉnh và trầm tĩnh của Goethe cũng như vẻ sôi nổi, trong sáng nhẹ nhõm như không khí của Schiller nhấn chìm.

Trong ba người Goethe là kẻ vinh quang nhất, Schiller ít hơn một chút, còn Hölderlin không có chút vinh quang nào, cho dù trong cả ba người Hölderlin mang tính chất nhà thơ nhiều nhất, Schiller ít hơn một chút, và ở Goethe ít nhất.

Theo một ví dụ cổ điển nhà thơ là kẻ anh hùng và là nhà tiên tri. Bản chất này của nhà thơ phù hợp với thời cổ. Đầu thế kỷ XIX sự cách tân hình thức của thi ca cổ điển không thể tái tạo được bản chất cổ xưa của nhà thơ. Vị trí thiêng đã bị cháy, khu vực Temenos bắt đầu trống rỗng.

Cần phải đảm nhận. Kẻ nào không đảm nhận, kẻ đó bị đẩy ra. Nhà thơ trở thành một thực thể linh thiêng (sacer), người gánh tội lỗi của dân chúng lên vai mình trước các Quyền lực. Chỉ trong một mình nhà thơ chứa đựng những sức mạnh thiêng liêng có thể đánh trả lại được những tội lỗi đen tối.

Goethe không phải một kẻ đảm nhận. Thậm chí, chỉ là một kẻ thưởng thức.

Faust, kẻ ngây ngất, kẻ rũ khỏi bản thân mình tất cả, để có thể tồn tại tự do một cách kiêu ngạo, để trầm tĩnh và tươi tỉnh, không bị ràng buộc một cách thản nhiên.

Còn Schiller ghen tị với niềm tự do dạt dào và không bờ bến này. Schiller cảm thấy không thể chịu đựng được, một nhà thơ với những khả năng trời phú như Goethe, lại khước từ không tham dự, những gì một poeta sacer vĩ đại như thế cần đảm nhận.

Schiller sai lầm ở chỗ ông tin rằng cái cử chỉ linh thiêng đảm nhận chỉ Goethe có thể làm được. Theo ông đúng nhất Goethe, kẻ vĩ đại hơn ông cần là người gìn giữ Temenos và gánh vác những tội lỗi đen tối. Bên cạnh Goethe ông cảm thấy mình không đủ cao cả và xứng đáng với sự đảm nhận linh thiêng này.

Schiller đau khổ, vì Goethe không hiểu, không nhận ra điều này. Hay đúng hơn, ông đau khổ vì thấy Goethe rất biết cần phải làm gì, nhưng không muốn từ bỏ sự thanh bình cá nhân, niềm khao khát hạnh phúc kiểu Faust và nỗi đam mê vui sướng kiểu titan. Goethe cố tình xa lánh những nỗi đen tối, nhắm mắt trước tình thế rung chuyển của hoàn cảnh thế giới, im lặng, phủ nhận, dối trá.

Goethe đã từ bỏ nhiệm vụ làm một nhà thơ linh thiêng, một poeta sacer. Nhưng kẻ nào chạy trốn nhiệm vụ sẽ đùn đẩy sang cho người khác. Thế là nhiệm vụ gìn giữ khu vực thiêng Temenos được đẩy sang cho một kẻ thứ ba: Hölderlin.

Kẻ không đảm nhận, đùn đẩy cho người khác, kẻ không làm, muốn người khác làm. Cả Goethe và Schiller đẩy cái trách nhiệm của Nhóm Thiêng cho một kẻ duy nhất sống trong cùng thời đại mình, người đảm nhận và thực hiện: Hölderlin.

Sau cùng, chỉ một trăm năm sau người ta mới nhận ra một điều: nhà thơ cổ điển chân chính của Đức không phải Goethe cũng chẳng phải Schiller mà là Hölderlin. Tại sao vậy? Vì cái điều Schiller vì lòng kính trọng muốn nhường cho bạn: nhiệm vụ canh giữ không gian thiêng Temenos, đã bị Goethe từ chối.

Vinh dự này rơi xuống ai đảm nhận nó. Người dám đảm nhận và gánh chịu tất cả cái gì đến—mọi tội lỗi tối tăm của dân chúng. Er fernab fühlt allein das ganze Elend und die ganze Schmach, như George viết: Tự bản thân nó cảm thấy tất cả sự bần cùng và mọi tủi nhục.



10.

Đến giữa thế kỷ, tình thế trở nên ngày mỗi rõ ràng hơn.

Baudelaire đã hiểu, không thể lựa chọn được nữa: số phận nhà thơ không chỉ của kẻ diễn đạt, của đầu óc thiên tài, của kẻ từng trải, kẻ đi chắt lọc, của kẻ anh hùng hay nhà tiên tri đi nữa. Trở thành nhà thơ có nghĩa là đảm nhận sự gìn giữ hình ảnh tượng trưng xứng đáng với con người, hình ảnh này đang bị bỏ rơi và biến mất.

Nhà thơ đồng nghĩa với việc trở thành vua, giáo chủ, nhà tư tưởng, quan tòa, tướng lĩnh, chính khách—chính vì thế so với mọi nhiệm vụ khác, nhiệm vụ của nhà thơ đơn độc, cô đơn, trong bí ẩn, không vinh danh, thậm chí tách xa rời đám đông, mọi ý nghĩa việc làm của nhà thơ ẩn giấu trong bản thân việc làm đó, và không một lời nào được nhắc đến cái cá nhân.

J’ai plus de souvenirs que si j’avais mille ans… je suis un cimetière… un pyramide, un immense caveau, qui contient plus de morts que la fosse commune: Tôi có nhiều hoài niệm hơn là tôi đã sống ngàn năm… tôi là nghĩa địa… kim tự tháp, hố huyệt sâu rộng trong đó người chết nhiều hơn cả một hố chôn tập thể.

Nhà thơ là nấm mồ của vua chúa, tướng lĩnh, nhà nghệ sĩ, giáo chủ đã chết, là kẻ gìn giữ tầm vóc con người trong bản thân mình cho đến khi phục sinh.

Và điều này không được cho ai biết: être un saint et un héro pour soi-même (làm ông thánh và người hùng cho chính bản thân mình).

Bí mật. Số phận này ít ai gánh vác nổi mà không gặp tai họa.



11.

Trong số phận của poeta sacer khó nhất là chịu đựng mối quan hệ với dân chúng.

Nhà thơ gánh vác số phận của nhân dân. Nhưng nghi thức này lại cần bí mật, bởi nếu lộ ra, ý nghĩa bí ẩn của nó biến mất. Ngoài ra, nếu nghi thức này bị lật tẩy, và ý nghĩa bản chất của nhà thơ lộ ra, dân chúng sẽ lập tức tấn công.

Bởi dân chúng ngày nay đã chìm nghỉm sâu đến nỗi không nhìn thấy những tội lỗi của mình; họ cảm họ thấy vô tội, trong sạch và cao cả. Khi nhìn thấy nhà thơ gánh lên vai những tội lỗi này, họ bắt buộc phải nhận ra tình thế. Họ biết, họ nhìn thấy bản thân mình từ nhà thơ. Họ biết và giờ đây không thể chối cãi được nữa: họ đang sống trong sự ô nhục không chút thiêng liêng.

Khi họ nhìn thấy kẻ đau khổ bần cùng, “kẻ bị nguyền rủa,” họ rất hiểu tại sao kẻ khốn khổ này lại đau khổ, và còn biết hơn nữa, ai là kẻ đáng bị nguyền rủa.

Thế là trong nỗi điên cuồng ma quỷ của sự giận dữ bùng lên, họ túm lấy nhà thơ, ném bùn, lăng mạ, xua đuổi, vu cho là kẻ điên rồ, và phủ nhận. Dân chúng không chịu được. Họ không yên chừng nào nhà thơ chưa bị tiêu diệt. Chừng nào chưa vỡ chiếc gương phản chiếu chính những nỗi khủng khiếp của họ.

Trước thế kỷ XVIII, người ta chưa biết gì về hình dạng các nhà thơ bị phủ nhận và bị xuyên tạc. Nhưng hai trăm năm gần đây, thực chất chưa hề có nhà thơ chân chính nào lại không đau khổ vì sự chế riễu, xua đuổi, sỉ nhục, và cuối cùng bị bẻ gẫy.

Nhà thơ chỉ chợt nhận ra muộn hơn một chút, vào cuối thế kỷ, khi mối quan hệ với dân chúng đã bước sang giai đoạn nhà thơ không thể xuất hiện công khai.

Ngược lại. Cần tìm kiếm một sự bảo vệ, để tránh xa sự đụng chạm của cộng đồng, của dân chúng và sự nổi tiếng. Ai không hiểu ra điều này, không gì có thể chống đỡ lại sự diệt vong nhục nhã. Người nào biết, bằng cách thức riêng, có thể tách mình ra khỏi dân chúng.

Một cách như thế nào đấy cần làm cho mình không với tới được, không động chạm tới được. Cần giữ khoảng cách với sự công khai. Cần ẩn dật và sống trong bí ẩn; viết bằng một ngôn ngữ khó hiểu; nâng mình lên thế giới tinh thần cao hơn; tìm ra những tượng trưng đặc thù và cá tính riêng biệt.

Thi ca giữ gìn một sự linh thiêng cần đọng lại bên trong, chỉ những người am hiểu biết về nó.

Về những bí ẩn này phần lớn chỉ thế hệ sau, sau cái chết của nhà thơ mới được phép hiểu ra. Như thể ngọn lửa thiêng cháy ở đâu, cạnh ai, không được phép biết. Cần phải giấu kín trước sự bần cùng đẩy tất cả mọi người vào cái chết, giấu trước kẻ nổi khùng vì bị chìm nghỉm xuống vũng bùn.



12.

Mallarmé là nhà thơ đầu tiên nhìn thấy sự lẩn trốn có kế hoạch cũng đánh mất ý nghĩa của nó.

Bởi kẻ nào tự khóa mình, sẽ phá sản; không thể sống đời sống thật sự trong không khí, trong các lâu đài tinh thần, trong bộ đồ cải trang. Đúng là nhà thơ không được phép tìm kiếm dân chúng; thi ca nào muốn bình dân hóa, tự phản bội lại mình. Điều này không có ngoại lệ và không thể.

Nhưng sự tách biệt không giải quyết được tình thế, bởi tách biệt khỏi nhân dân thi ca trở thành sự vụ riêng và vô nghĩa. Cần bày tỏ, không phụ thuộc vào việc dân chúng hiểu như thế nào và coi nó là gì.

Nhà thơ bằng sự ẩn náu, tránh xa lời chế riễu, sự săn đuổi và sự bẻ gẫy, chính là bước cuối cùng của số phận poeta sacer muốn cứu bản thân. Muốn cứu sự gìn giữ Nhóm Thiêng.

Nhà thơ hoàn thành số phận của người canh đền Temenos khi trở thành kẻ hy sinh.

Đấy là ý nghĩa đích thực của cuộc đời một THI SĨ THIÊNG LIÊNG, một poeta sacer: Khi mọi tầm vóc lớn lao của con người lùi bước, mọi vị trí linh thiêng bị bỏ trống, chỉ còn lại một mình, người giữ Ngọn Lửa Thiêng, và chính vì vậy cần phải cháy trong ngọn lửa ấy và vì ngọn lửa ấy.

Bởi vậy kẻ linh thiêng chính là nhà thơ: bởi vậy nhà thơ đảm nhận vai người gác đền Temenos để giữ lửa bằng chính cuộc đời mình và cái chết của mình.

Bởi vậy nhà thơ cao cả và bần cùng, là thượng đế và là kẻ bị nguyền rủa, là linh thiêng và kẻ khốn khổ. Sự hy sinh này không phải ngọn đuốc sân khấu, không phải cái chết công khai trên giàn thiêu, cuộc xử tử, cái chết bi thương hùng vĩ trên tranh vẽ có thể dán kín trong các phòng.

Ví dụ về điều này đầy rẫy, từ Hölderlin đến Baudelaire, cho đến tận ngày hôm nay.

Không phải bi kịch gây tác động, mà là những đau đớn âm thầm chậm rãi gặm nhấm, là sự tàn phá bào mòn âm ỉ, là những cơn thần kinh, những mê đắm, là các loại bệnh tật, là nỗi nghi ngờ bệnh hoạn, là sự sợ hãi, sự chìm nghỉm vào những thoái hóa, những cơn giận dữ ngạt thở, sự hấp hối giữa những chất độc ngạt thở, hôi thối.

Sự hy sinh diễn ra chính trong những nơi ẩn náu, như một chiến thắng: bi kịch của nhà thơ trong sự bí ẩn biến thành sự hy sinh.

Và chính trong sự bí ẩn này nhà thơ là kẻ chiến thắng, như hàng động thất bại của y. Bởi tất cả đều là tượng trưng, sự gìn giữ Temenos cũng như việc đảm nhận mọi tội lỗi, là sự vinh quang tiếp xúc với các Quyền lực và là lời nguyền rủa của sự hủy diệt nhục nhã.

Sự bí ẩn thiêng liêng không ai được phép biết: đấy chính là cách cần phải sống, không phụ thuộc vào việc ai nhìn thấy hay ai không nhìn thấy. Không cần giấu giếm. Không được phép. Nhưng cũng chẳng cần bước ra công khai. Không được phép.

Chỉ một điều duy nhất được phép và cần làm: đảm nhận. Gánh lấy số phận và trở thành vật hy sinh.



13.

Sự thán phục trước thi phẩm cao cả và giàu có của Mallarmé giờ đây không phải là một nhiệm vụ. Mà chỉ có nghĩa rằng: “Mọi sự bài trừ của cái không gọi là nghệ thuật từ thi ca sẽ đẩy nhà thơ đến bên lề của vực thẳm.”

Sự bài trừ này dẫn đến phá sản. Thi ca bắt đầu loanh quanh biến thành kỹ thuật và ngữ văn. “Điều này bắt đầu từ chủ nghĩa duy tâm mỹ học thuần túy, chống lại tự nhiên, cần thanh toán cái bóng của sự sống trừu tượng.”

Cần để luận điệu cái TÔI được nuông chiều và đi chệch hướng này câm bặt. Cần từ bỏ căn nhà ấm áp, cần bóp chết sự kiêu căng trống rỗng, và cần phải tiêu diệt sự giả dối quý tộc ngu ngốc của cách suy nghĩ này.

Sự kiêu căng của tôn giáo, cái đẹp của nhà thơ tách rời đám đông, và “sự trinh tiết trừu tượng” của cái-đẹp-trở-thành-siêu-nhân tăng dần biến thành thứ tinh thần thi ca ma quỷ, như Herodias, người đàn bà còn trinh và không khả năng sinh đẻ, bởi gìn giữ chỉ cho bản thân mình ánh bạc của ốc biển từ nước da, ánh vàng hương thơm từ mái tóc, một sắc đẹp sao sa mà sư tử nhìn thấy phải cúi đầu và nhắm mắt.

Đây không phải sự hy sinh!

Không phải như vậy, trinh tiết, vô sinh, không biết đến động phòng, như những viên đá quý lạnh lẽo.

Nhà thơ cần phải hiến dâng cái đẹp: cho cái Không có gì. Trong Mallarmé đã nảy sinh nghi ngờ rằng thi ca một lần và mãi mãi không thể chỉ ở trong cái lâu đài tinh thần, và nhà thơ không thể vĩnh viễn chỉ là parnassien.

Thậm chí, không chỉ một lần, và mãi mãi, và vĩnh viễn là một giải pháp: tất cả các nhà thơ cần bắt đầu lại từ đầu, cần sống trọn vẹn số phận đã dành riêng cho mình.

Tất cả mọi người cần thành vật hy sinh một cách không thể biết trước, không thể chuẩn bị trước.

Nếu không mọi việc trở nên dễ dàng, vì có khả năng để thực tập, con người có thể làm quen và học hỏi.

Thời của Baudelaire đã qua: ông đã trở thành vật hy sinh như thế; thời của phái Parnasse đã qua: họ cũng đã trở thành vật hy sinh như thế; thời của Verlaine đã qua: ông đã trở thành vật hy sinh như thế.

Mallarmé đã nhận ra, ông cần phải trở thành khác và ông đã đảm nhận.



14.

Tầm vóc và sự nguy hiểm của hiện sinh thi sĩ ngày nay không đâu thể hiện rõ bằng ở nhóm Stefan George.

Nhóm không xuất phát để trở thành gì, để xuất hiện trước công luận và rải rắc vàng bạc, thứ gọi là thi ca.

Trái lại: cần nhìn thấy chân lý của Mallarmé, nhà thơ mọi giá cần phải đứng bên ngoài đám đông.

Quan hệ của nhà thơ với đám đông thay đổi: không tìm sự bình dân hóa, mà chống lại sự bình dân hóa.

George lập tức nhận ra, trong thi ca có một cái gì đó bí ẩn, không ai được phép biết. Cùng lúc George hiểu Mallarmé có lý: một lực lượng tinh thần vô nghĩa ngày mỗi tăng dần trong thời hiện đại, không chỉ vinh danh khoa học mà còn tấn công cả thi ca.

Thứ ngôn ngữ vô cảm và trần trụi được sử dụng, ngôn ngữ ma quỷ. Đây là poésie pure, đi cùng với con người vô nghĩa lý— “Ảo tưởng khủng khiếp của tác phẩm thủy tinh”—“Tội ác của cái nhìn tinh khiết.”

Đứng ngoài đám đông, nhưng sống cuộc sống của những tạo phẩm bằng từ ngữ ma quỷ của tạo hóa: đấy là nhiệm vụ của George, đấy là nhiệm vụ dành cho Kreis—vài người, chỉ vài người thôi, những người không thể sống một cuộc đời không linh thiêng: đấy là Nhóm.

Chưa bao giờ có được không khí sùng kính của Temenos như thế trong nhóm George. Họ—những người canh giữ ngọn lửa thiêng, những kỵ sĩ của bàn tròn Grál, vinh danh các lĩnh vực khác nhau của Viết. Họ—các nhà thơ, các nhà sử học, các nhà tư tưởng—không vinh danh họ, mà một trung tâm siêu phàm vô hình.

Bởi sự đắc thắng của cái TÔI đã phá vỡ cái thiêng liêng trong một giai đoạn mà cá nhân chỉ còn một sứ mệnh duy nhất: hiến dâng bản thân, vì sự chìm đắm của nhân dân và cộng đồng, hòa giải với các Quyền lực.

Có thể hiểu được điều này trong khẩu hiệu lớn của nhóm George: sự Phục vụ.

Sức lực và tầm vóc của mọi thành viên trong nhóm phục vụ cho Ngọn Lửa thiêng. Đẳng cấp hiệp sĩ đúng với họ hơn là một nhóm văn sĩ, những thiên thần của Ngọn Lửa Thiêng đúng với họ hơn là các hiệp sĩ.



15.

Cái tên thứ ba: Robert Bridges—nhà thơ người Anh chỉ ra một con đường không chạm đến thiên tài nhưng tìm đến một sở thích cao cả.

Thi phẩm của Bridges bên cạnh Mallarmé và George không nghĩa lý gì. Nhưng cá tính của nhà thơ Anh này nếu chưa đủ là sacer thì cũng là một tinh thần quý phái và bản chất cao cả của ông thông hiểu sự linh thiêng.

Sự nghiêm túc của Bridges được biết đến bởi hai dấu hiệu: một là sự suy tưởng của nhà thơ (metanoi): thay vì tìm kiếm sự đại chúng, bình dân hóa, ông đi tìm sự bảo vệ chống lại đám đông;

Dấu hiệu thứ hai: accent religieux—một giọng điệu tôn giáo, cái không gì khác ngoài việc nhà thơ nhận ra: các Quyền lực đã trao cho ông một trọng trách.

Cạnh hai dấu hiệu lớn này ở Bridges chất thiên tài của ông lại ốm yếu và vô sinh.

Trong tác phẩm lớn của mình (Testament of Beauty) ông viết về tôn giáo của cái đẹp; một tác phẩm trong sáng, mang tính mỹ học thi phẩm nhiều hơn tôn giáo. Ngôn ngữ tác phẩm gần với sự vô nghĩa lý (sterilh) hơn là tính chất quỷ thần (daimonikus).

Ông còn mắc một căn bệnh Mallarmé gọi là bệnh maladie d’idealité—bệnh lý tưởng.



16.

Một vài tác giả nổi tiếng cho rằng, khi Napoléon thất bại, bộ mặt của thế giới cần thay đổi.

Napoléon là người cuối cùng thử giữ gìn truyền thống của nhân loại vĩnh cửu, hay đúng hơn là tái tạo.

Cái gì là truyền thống của nhân loại vĩnh cửu?

René Guénont, người Pháp, trả lời như sau:

Truyền thống là sự duy trì liên tục mối quan hệ giữa con người và thế giới siêu việt, là ý thức về gốc rễ linh thiêng của con người và sự bảo tồn một nhiệm vụ duy nhất của con người là đồng dạng với thế giới linh thiêng.

Sau thất bại của Napoléon, việc bảo tồn truyền thống trên danh nghĩa tập thể trở nên không tưởng.

Điều có thể thấy trong nhân dân—nay đã trở thành đám đông—là sự phai mờ thậm chí biến mất của ý thức truyền thống. Napoléon, thay vì lập lại trật tự của truyền thống, đành thỏa mãn với một tiêu cực khác: gánh lên vai mình những cơn lốc khuấy lên từ thế giới ma quỷ của cách mạng Pháp và trở thành nạn nhân của nó.

Các Quyền lực phán quyết với Napoléon sacer esto, điều các giáo hoàng La mã nói với con vật bị tế thần: mi hãy trở thành linh thiêng và bị nguyền rủa, trong lời nguyền rủa đã thánh hóa này, mi hãy chết nhân danh nhân dân.

Napoléon là rex sacer cuối cùng, là hoàng đế thất bại bi thảm khi muốn lập lại sự thống nhất cho nhân loại, thất bại trong chính sự đảm nhận lớn lao muốn thế giới siêu việt một lần nữa gắn liền với lịch sử.

Thất bại của Napoléon khiến truyền thống bị gián đoạn; sự duy trì mối quan hệ với thế giới siêu việt rơi khỏi tay hoàng đế.

Đây là giây phút các thi sĩ thiêng liêng—những poeta sacer trong lịch sử thế giới xuất hiện: trong hình dạng của Hölderlin, Keats, Shelley.



17.

Cả lịch sử văn học, cả lịch sử tư tưởng, cả xã hội học lẫn hình thái học văn hóa đều không hiểu và không thể hiểu nhà thơ, bởi tất cả các khoa học đều tìm cách giải thích xã hội, các mối quan hệ, các tiền bối, các tác động… từ dưới lên.

Ai hiểu Thi sĩ thiêng liêng, poeta sacer, như một sự hy sinh, người đó cũng lầm nốt. Mặt tiêu cực: vai trò nhà thơ đảm nhận khi bị hủy hoại ở mức độ cao là một chiến thắng.

Tự mình gánh vác số phận con người vũ trụ là một khoảnh khắc không thể từ bỏ. Trong tầm vóc nào nhà thơ hiến dâng bản thân?

Nhà thơ luôn quay về sự sống. Chỉ trong thế giới của sự sống mới xảy ra cái thất bại của Napoléon, một rex sacer. Đây là sự thất bại của ý đồ điều chỉnh lại nhân loại vũ trụ, ý đồ thiết lập lại một lần nữa sự thống nhất giữa thế giới siêu việt và lịch sử thế giới người.

Đây chính là điều kẻ nhận ra bản chất hy sinh của nhà thơ chưa hiểu hết.

Cần phải hiểu tròn vẹn như sau: bản chất hiện sinh của nhà thơ không phải trên những mặt tiêu cực, mà nằm trong những khoảnh khắc tích cực.

Nhà thơ không chỉ gìn giữ truyền thống mà luôn luôn làm mới, tái tạo lại bằng logos, bằng sức mạnh của lời.

Khi sự thống trị của vua chúa không thể giữ nổi mối quan hệ với sự sống linh thiêng, lúc đó nhà thơ bước lên, nhà thơ, người gìn giữ mối quan hệ này: bằng lời.

Và không chỉ gìn giữ, còn luôn luôn tái tạo như một bản hợp đồng, một cây cầu, một mối quan hệ—để tiếp tục một truyền thống người vĩnh hằng, tái tạo liên minh với sự linh thiêng.



18.

Giờ đây tình thế đã chín muồi để có thể nhắc đến một cách song song giữa nhà thơ cổ và nhà thơ hiện đại.

Không thể, không bao giờ được phép phán xét nhà thơ như một hiện tượng xã hội lịch sử tinh thần cứng nhắc.

Nhà thơ luôn luôn là một hình tượng truyền thống theo cách hiểu của Guénon.

Nhiệm vụ của nhà thơ: duy trì sự liên tục của mối quan hệ giữa con người và thế giới siêu việt, là ý thức về nguồn gốc linh thiêng của nhân loại, là sự gìn giữ nhiệm vụ cơ bản duy nhất của số phận người khi đồng nhất với sự linh thiêng.

Các nhà thơ thời cổ, các nhà thơ Hindu, Iran, Trung hoa, Ai cập, Hy lạp xưa kia sống trong các dân tộc mà bản thân họ chứa đựng tất cả: vai trò linh mục, thủ lĩnh, vua chúa, trong con người họ chứa sẵn truyền thống, bởi vậy họ không cần tái tạo lại truyền thống.

Sự khác biệt giữa bản chất hiện sinh của nhà thơ cổ và nhà thơ hiện đại ở chỗ: con người với lịch sử lúc đó thống nhất làm một, là một hiện thực.

Chính vì vậy đã từng có nhà thơ sacer, nhà tiên tri, nhà tư tưởng, vua, chính khách, xuất phát từ cuộc sống cộng đồng một cách tất nhiên về một thực thể sacer, trong ý thức của tất cả mọi người.

Nhà thơ hiện đại không sống trong một hiện sinh thụ động. Dù bị đóng dấu bằng sự lố bịch, bị bỏ rơi, bị chế riễu, hiểu lầm, nhưng trên vai nhà thơ hiện đại vẫn là gánh nặng tượng trưng lớn lao của nhân loại.

Nhà thơ hiện đại hoàn toàn một mình, tự mình duy trì truyền thống, và bằng sức mạnh của Lời Thiêng tái tạo đổi mới liên minh giữa sự sống linh thiêng với số phận con người.

Khi Chúa Giê su làm phép lạ, các tông đồ ngây người thành kính, Chúa nói, không phải với các tông đồ mà với loài người: Các người hãy đừng ngạc nhiên, bởi các người sẽ làm những việc còn lớn hơn việc ta làm—nhân danh ta.

Công việc đổi mới liên minh giữa số phận con người và sự sống linh thiêng: là nhiệm vụ của những số phận vua, linh mục, chính khách, và nhất là sacer.

Tất cả những điều này nhà thơ cổ đại không biết và không thể hiểu được.

Nhưng trong nhận thức của bản chất tạo dựng Logos nhà thơ cổ đại và hiện đại gặp nhau.

Nhà thơ là thực thể sử dụng ngôn ngữ cổ. Không phải thứ ngôn ngữ ngày thường—một công cụ thoái hóa, không phải thứ ngôn ngữ vô nghĩa, thứ ngôn ngữ Herodias trinh tiết trừu tượng—mà là thứ ngôn ngữ khiến Mallarmé sởn tóc gáy.

Ngôn ngữ của nhà thơ là thứ ngôn ngữ quỷ thần, tự trong bản thân nó gìn giữ danh tiếng của các Quyền lực vũ trụ—trong bản thân nó giữ gìn những ký hiệu thần linh có thể giải phóng hoặc ghìm giữ lại sức mạnh của các Quyền lực, trong bản thân nó gìn giữ liên tưởng đến Logos cổ kính linh thiêng.

Cái gì là liên tưởng logos cổ kính linh thiêng?—đấy là khả năng sáng tạo bằng sức mạnh của Lời.

Logos cổ là tạo hóa của sự sống, là Lời tạo dựng ra thế giới.

Hölderlin nói: thứ ngôn ngữ này là một trong những thứ nguy hiểm nhất của đời sống con người—từ sacer—trong đó ấp ủ chặt chẽ các quyền lực siêu phàm, và sự động chạm của các bàn tay chưa được thánh hóa có thể hóa phép ra những quái vật.

Chỉ ai có bản chất sacer, mới có thể nhận biết ra các hình thái tiếp xúc thần linh. Không được phép nói ra, bởi có thể gây nguy hiểm cho cả bản thân và cho con người. Những kẻ chưa được thánh hóa, những nhà ảo thuật rởm, ma quỷ không phục vụ họ mà tiêu diệt họ.

Nhiệm vụ của poeta sacer mang tính chất thụ động, là phải trở thành vật hy sinh—khoác lên mình ma quỷ của sự đắm chìm của dân chúng và bị hủy diệt trong đó.

Tính tích cực của nhiệm vụ poeta sacer: bằng logos tạo dựng không ngừng mối quan hệ giữa số phận con người và sự sống linh thiêng.

Những gì đã bị những đôi tay kiêu ngạo dơ bẩn, chưa được thánh hóa phá hoại, cần phải sắp xếp lại bằng cách luôn luôn chỉ ra: cần bám giữ lấy sự sống đang chìm đắm vào vật chất, cần mang lại ánh sáng, sức mạnh, tri thức, sự sâu sắc, sự thật, cái đẹp, sự thánh thiện và còn hơn thế nữa: nhân danh ta, các ngươi sẽ làm được nhiều việc còn lớn hơn ta làm.

Phục vụ cho các Quyền lực chưa đủ, cần phải nắm giữ lấy những quyền lực đó.

Chưa đủ chỉ sống từng trải trong thế giới, cần phải tạo ra thế giới nữa.

Sự sống thiêng liêng dành cho con người không chỉ mở, mà luôn luôn cần phải mở tiếp.

Và cái tôi phải trả giá cho nó không ít, chính là bản thân tôi: tôi cần phải hiến dâng.

Nhưng chỉ hiến dâng tôi không đủ, sự hy sinh cũng vẫn ít: bằng sức mạnh của Lời tôi cần mở rộng sự siêu phàm.

Chỉ lúc đó tôi mới có thể là sacer.


Nguyễn Hồng Nhung dịch từ bản tiếng Hung
(2009-10-18)




---------------------------------

Source : Tạp chí Da Màu – Văn Chương Không Biên Giới:
http://damau.org