Thuở Đất Tình Lên Ngôi
PHAN XUAN SINH
Ngày cúng thành hoàng làng Nghi An năm đó (1890), tiên chỉ, lão làng đang dâng hương cầu xin quốc thái dân an, nghi lễ cúng bái trang trọng và thành tâm, thì có một thằng bé đứng bên ngoài nói lớn:
-“Quốc thái dân an” là do mình tranh đấu mới có. Cớ sao lại xin xỏ tầm phào như vậy?
Nói xong thằng bé đó bỏ chạy.
Các chức sắc trong làng ngẩn ngơ, không ngờ có người to gan dám nói lên điều cấm kỵ. Hỏi thằng bé đó là con nhà ai mà dám xúc phạm đến uy danh thần linh như vậy. Có một tráng đinh bước lên chấp tay thưa:
-Đó là thằng bé con ông Hương Tân đang có mặt ở đây. Tên hắn là Thái Phiên.
Các chức sắc và lão làng mời ông Hương Tân đến hỏi chuyện về sự ngỗ nghịch của thắng bé. Hương Tân tái mặt, không ngờ thằng con mình làm điều hổn láo như vậy. Mới tám tuổi mà đã đụng đến điều húy kỵ, thì thằng nầy không còn dạy được nữa rồi. Ông chấp tay xin lỗi và hứa sẽ về dạy con. Mọi người trong làng cũng vị nể ông vì dù sao ông cũng thuộc hàng hương mục của làng, một gia đình danh gia thế phiệt, có sự đóng góp đáng kể mỗi khi làng Nghi An cần có sự quyên góp. Ông nghiến răng tỏ vẻ tức giận, sau bữa tiệc cúng làng, về nhà ông sẽ cho nó một trận đòn nên thân. Ông ngồi ăn mà cảm thấy mắc cở với chức sắc và dân làng. Ông cúi đầu cố nuốt trôi miếng ăn cho xong bữa rồi vội vàng đứng lên”kiếu” tất cả mọi người ra về. Ông hầm hầm trong bụng, sẽ đánh thằng con nát thây cho nó chừa cái tội hổn láo, làm nhục gia cang.
Từ đằng xa nhìn về nhà, ông thấy thằng Phiên con ông ngồi nói chuyện với ông nội như có điều gì đắc ý, ông cháu ôm nhau cười, ông càng cảm thấy lộn ruột. Bước vào hiên nhà, ông la lên:
-Thằng kia tới đây cho tao biểu.
Ông nội của Phiên đứng lên, đưa tay như che chở cháu mình:
-Chuyện chi còn có đó, từ từ hỏi cho ra lẽ rồi hãy đánh nó, chưa muộn.
-Hắn phá đám bữa cúng làng hôm nay, cha nghĩ coi có tức không?
Ông nội từ tốn trả lời:
-À, thì ra chuyện nớ. Thằng Phiên có nói lại với tao. Tao khen nó mới chừng đó tuổi
mà có chí khí, sau nầy làm được việc lớn.
-Trời đất, cha che chở cho hắn làm bậy?
-Ai bảo là nó làm bậy. Chỉ có những người bậy mới không chấp nhận lời ngay thẳng của thằng bé. Giặc giã hoành hành khắp nước, không lo tìm cách chống trả. Đi lo cái chuyện cúng bái vu vơ, cầu xin những điều không thể thần thánh làm được. Chỉ có con người, chỉ có sức mạnh của con người mới làm được. Thế thì xin xỏ làm chi ở thần thánh vô ích.
Ông Hương Tân giật mình. Ai dạy cho thằng bé nầy cái ý nghĩ sâu xa như vậy? Chính ông cũng chưa nghĩ ra được thì nó đã nói ra điều nầy. Cơn giận dữ của ông tự nhiên tan mất. Mấy ngày nay, ông Tú không để ý câu nó đọc sang sảng trong nhà: “Quốc vinh ngô thân vinh, quốc nhục ngô thân nhục”*. Mới có tám tuổi đầu mà đã biết được “vinh nhục” của đất nước. Những xáo trộn bên ngoài đã nhập tâm vào đời sống trẻ thơ. Ông lẳng lặng vào nhà, trong lòng ông có chút gì như thỏa mãn. Thế nhưng ông biết con người “hiểu biết” sớm quá, biết “lo” sớm quá cuộc đời sẽ khổ. Biết làm sao hơn khi mà con người không thể nào cưỡng lại được với số mạng. Thôi thì vận nước trong thời loạn, ai cũng có trách nhiệm đóng góp dù trách nhiệm đó đi đến chỗ phân thây.
Thái Phiên học hành rất thông minh nhưng cũng rất ngỗ nghịch. Giữa thời mạt vận của chữ nghĩa thánh hiền, ông không đi thi và sau nầy chuyển qua tây học. Ông mau chấp nhận nền học thuật của tây phương và tỏ ra xuất sắc, am tường kim cổ, đông tây nên ông hành xử mọi việc một cách hợp tình hợp lý. Gia đình giàu có mà lại con một, nên ông được cha mẹ chìều chuộng. Ông phải nghe lời cha mẹ lấy bà Trịnh Thị Nhuận khi mới mười sáu tuổi để có con nối dõi tông đường. Ông nổi tiếng ăn chơi trác táng, chuyện gia đình không hề ngó ngàng tới, một tay người vợ đảm đang. Còn cha mẹ ông, sau khi ông lấy vợ vài năm thì cha mẹ qui tiên. Ông càng buồn càng uống rượu và đi đây đó nhiều nơi. Chính cái chuyện đi nhiều, hiểu biết rộng, lại có tấm lòng nên ông lại càng đau khổ cho vận mệnh đất nước. Người ta nghĩ rằng ông không chấp nhận đường lối nào hết để đi theo. Ông cao ngạo không phục ai vì thế ông lại càng đắm chìm trong chén rượu. Thế nhưng ai biết được lòng ông?
Một hôm ông đến Cẩm Lệ, ghé qua một quán rượu bên đường. Người chủ quán là một cô gái mặn mòi xinh đẹp. Vừa uống rượu vừa tán tỉnh, giễu cợt chơi. Thử xem cô gái thuộc loại nào cho biết. Cô gái không trả lời một tiếng, chỉ cười. Ông thấy thái độ của cô gái có chút gì không bình thường, trong đôi mắt của cô có vẻ khinh khi ông. Từ trước tới nay, đi đâu ông cũng được người ta cung phụng, nể nang. Đây là lần đầu tiên ông gặp một người không nể ông dưới con mắt của họ. Ông thấy cô gái nầy toát lên một cái gì đó có một chút kiêu hãnh, một chút hiểu biết thầm kín mà ông cảm thấy quý trọng. Ông không còn có thái độ khinh bạc như lúc mới bước vào, ông trầm ngâm uống rượu và giữ mình không đến độ phải say để đi nghiêng ngã. Ông thấy trong người vừa đủ, ông đứng lên trả tiền rồi ra về.
Ngày nào cũng vậy, từ Nghi An ra Cẩm Lệ đoạn đường cũng xa, thế nhưng ông thấy không có một nơi nào trong vùng có rượu ngon như quán cô gái đó. Vì vậy ông là vị khách thường xuyên của quán. Làm gì mà không có rượu ngon, hay là ông phải lòng cô gái đó cũng chẳng biết. Bao giờ bước vào quán ông cũng có cái cảm tưởng như trút bỏ cái trần tục ra bên ngoài, lòng ông thanh thoát như tiên, như Từ Thức mà gặp phải Giáng Kiều. Ông chọn một góc quán, để có cái nhìn rộng và hình như cũng để quan sát cô gái.
Vợ ông mấy lúc rày trong mình không được khỏe, bà đến nhà người thầy thuốc làng bên để hốt vài thang thuốc. Người thầy thuốc bắt mạch và cho bà biết là mạch của bà yếu và hình như có một triệu chứng khác thường, một chứng bệnh hung hãn đang bắt đầu hoành hành. Bà lo lắng không biết nếu có mệnh hệ nào, không thể sống được thì gia đình con cái ra sao. Người chồng suốt ngày rượu chè với bạn bè, không hề biết một chút xíu những công việc quán xuyến gia đình thì làm sao bà yên tâm. Chính những lo lắng nầy đã làm cho bà càng ngày càng yếu thêm, bà biết là bà đang bị cơn bệnh tấn công sắp đến giai đoạn khẩn trương, sức khỏe xuống rất thấp. Một hôm nghe người làm trong nhà báo cho bà biết, là ông thường đến Cẩm Lệ để uống rượu trong quán của một cô gái. Tự nhiên mắt bà sáng lên, bà nghĩ ngay đến chuyện phải kiếm tìm cho ông một người vợ kế để thay cho bà sau nầy, nếu không may bà mất đi. Người mà ông phải lòng lại càng tốt, sẽ giúp cho gia đình thuận lợi, suông sẻ. Bà chưa gặp cô gái nầy nhưng bà có linh cảm người nầy sẽ giúp được gia đình bà qua cơn nguy ngập.
Bà gọi người xà ích tới nhà để chở bà đi Cẩm Lệ. Bà cho người xà ích biết là bà muốn tới quán rượu mà ông Phiên nhà bà hay lại đó. Người nầy tưởng rằng bà ghen tuông muốn tìm tình địch, nên nói thẳng cho bà hay đây là quán của một cô gái đàng hoàn, ông nhà chỉ uống rượu chứ hai người không có tình ý gì với nhau. Bà gật đầu cười và có vẻ hiểu biết, trên nét mặt hiền từ tươi tắn, không tỏ một chút ghen tương. Nên người xà ích cũng yên lòng chở bà đi. Buổi trưa quán vắng khách, bà bước vào dở nón ra đến ngồi bên góc quán, vô tình bà ngồi vào chỗ nơi ông thường ngồi. Cô chủ quán từ dưới bếp bước ra thấy bà gật đầu chào, bà tươi cười chào lại. Bà xin một bát nước chè tươi và tự giới thiệu là vợ của ông Phiên, người khách thường đến uống rượu ở quán nầy. Cô chủ quán “à” lên một tiếng ngạc nhiên và hỏi bà có gì xin dạy bảo.
Bà ngần ngừ rồi xin cô ngồi xuống cho bà được hầu chuyện. Bà trình bày bệnh tình của bà, một chứng bệnh nan y mà bà nghĩ rằng không thoát được. Bà không thể yên lòng nhắm mắt khi các con còn quá nhỏ, gia đình bộn bề công việc không ai chăm sóc. Bà thực sự muốn tìm một người vợ kế cho ông để bà yên lòng nhắm mắt, người đó được bà trông thấy và biết trước thì lòng bà được bình yên hơn. Khi trông thấy cô, linh tính cho bà biết ngay đây là người đảm đan mà bà tìm kiếm, người ân nhân cho chồng con bà sau nầy, người có thể thay thế bà quán xuyến gia đình trong tư thế tề gia và nội trợ. Bà trình bày hết tất cả ý nguyện của mình và khẩn khoản nhờ cô giúp. Cô chủ quán suy nghĩ vì bất thần quá cô không chuẩn bị kịp. Thế nhưng cô thấy tôi nghiệp cho bà, một người đàn bà sắp chết vẫn còn lo lắng cho chồng con. Dưới mắt của cô, ông Phiên cũng là người có phong cách đặc biệt, người mang nhiều suy tư, chất chứa u uất mà thường thấy ở các sĩ phu khi đất nước lâm nguy. Đây là cơ hội để cô tìm hiểu thêm về con người có chút bí mật nầy.
Cô nắm lấy tay bà, rồi nói:
-Thôi được để rồi tôi định đoạt sau. Thế nhưng còn phải ý kiến của ông nhà, ông ấy có chịu cho tôi về làm vợ lẻ không?.
-Chuyện đó cô khỏi lo, tôi có cách sắp xếp cho ổn thỏa.
Rồi bà từ tạ ra về. Không quên lấy về cho ông mấy bầu rượu.
Vài tháng sau, căn bệnh của bà trầm trọng. Ông phải ở nhà chăm sóc vợ nhưng cơn bệnh ngặt nghèo bà không qua khỏi. Bà mất để lại cho ông mấy đứa con thơ dại. Lúc nầy ông mới hối hận, không giúp vợ trong cuộc sống gia đình. Từ xưa tới giờ ông không làm gì, chỉ biết đi uống rượu, mọi chuyện do vợ quán xuyến. Bây giờ vợ mất ông lúng túng và phải xoay sở để nuôi con. Ông thèm và nhớ đến cái quán rượu nho nhỏ bên vệ đường, gần một tháng nay ông không tới được. Người phu xe thổ mộ trước đây mỗi ngày chở ông ra quán, cũng buồn thiu. Thấy ông người nầy chỉ biết cúi đầu chào, chứ không dám nhắc ông ra quán uống rượu giải khuây. Vợ mới mất, cái tình, cái đạo nghĩa nó không cho phép ông tìm vui trong chén rượu. Ông không muốn để người ngoài chê cười cho cái không biết giữ lễ của mình. Mặc dù ông sống bạt mạng, bỏ ngoài tai những dị nghị, nhưng những cái đó là không tổn hại đến gia đình con cái. Còn đằng nầy nó nằm trong vòng lễ giáo mà ông là người thấm nhuần chữ nghĩa của thánh hiền, ông phải giữ nó cho phải đạo.
Mỗi ngày sau bữa cơm, ông rót ra một chén rượu ngồi nhâm nhi một mình. Hôm nay cũng vậy, ông vừa rót rượu ra chén thì người nhà vào báo cho ông biết có một người khách đến thăm. Một người khách đến thăm vào chạng vạng tối, ông chỉ đoán ra đây là người quan trọng vì những bạn bè chung quanh đây người nhà đều quen mặt. Người nầy phải ở xa. Ông cho người mời vào. Ông đứng dậy đón khách, người khách dỡ nón ra chào lại. Khách thuộc tuổi trung niên, khuôn mặt quắc thước, có một nụ cười cởi mở. Khách nhìn quanh không có ai, rồi thưa:
-Thưa ông Thái Phiên, tôi đường đột tới đây trước là thăm ông, sau có một vài chuyện thưa với ông.
-Thưa, ông chưa cho tôi biết ông tên gì và đang làm việc ở đâu? Trước khi chúng ta bàn qua chuyện khác.
Người khách cười ha hả:
-Ông thật sự muốn biết tên tôi? Thì tôi cũng không giấu giếm ông làm gì. Chắc ông không biết, nhưng tôi vẫn nói, tôi là Trần Cao Vân.
-À, thì ra tên ông không những người dân Quảng Nam thôi, mà cả nước đều biết. Tên ông vang lừng bốn bể. Tại sao ông nghĩ rằng tôi không biết.
Trần Cao Vân lại cười to hơn và cũng nói to hơn:
-Tôi nghe người ta nói ông cao ngạo, không cần biết ai thì cái tên Trần Cao Vân đâu là gì với ông.
Thái Phiên cũng cười hả hả, trả lời:
-Đó là đối với bọn sâu dân mọt nước, chứ còn như ông tôi phải cúi đầu.
-Cám ơn lời đối đáp thiệt lòng của ông. Còn ông là người tôi mến phục.
Thái Phiên gọi người nhà làm một con gà nấu cháo, gọi người khác qua nhà người xà ích chạy đi Cẩm Lệ lấy mấy bình rượu ngon đãi khách. Hai người uống rượu, nói chuyện thâu đêm. Trần Cao Vân ở lại đó ba ngày. Không biết đã nói với nhau chuyện gì, sáng sớm Trần Cao Vân lên xe ngựa ra đi, Thái Phiên đến tận xe tiễn bạn mà lòng còn bịn rịn.
Vài hôm sau ông đón xe ra Cẩm Lệ, đến quán và trở lại ngồi vào góc quán thong thả uống rượu. Ông gọi thêm một bầu rượu nữa thì cô chủ quán bảo rằng hết rượu. Ông ngạc nhiên la lớn:
-Quán thế nầy mà không đủ rượu sao?
-Nước mà cạn kiệt, thì rượu làm sao còn.
-Thế thì phải làm sao?
Cô chủ nhìn thẳng vào mặt của ông, đưa hai bàn tay lên, trả lời một cách đanh thép:
-Góp đôi tay thì được tất cả.
Ông sững sờ, trố mắt ra nhìn cô chủ. Không ngờ một người con gái mà có lòng với đất nước như vậy, thì đây không phải là người tầm thường. Cô ta chỉ mang ra cho ông một chén rượu khác để trước mặt, như có lời nhắn nhủ phải để thời giờ lo chuyện khác, nên chấm dứt uống rượu giải sầu.
Cô chủ thấy vắng khách nên đến ngồi trước mặt ông:
-Mấy hôm trước có một người khách lạ đến đây uống rượu. Người đó hỏi tôi về ông. Rồi đến thăm ông.
-Cô biết gì về tôi mà trả lời với họ?
-Tôi không những biết rõ về ông mà còn biết rõ người khách kia là ai?
Rồi cô gái nhìn quanh không thấy ai, nói nhỏ vào tai ông:
-Ông là người tôi ngưỡng phục, ông làm những chuyện to tát mà không ai biết. Ai cũng nhìn ông là thằng nát rượu, không thấy được cái âm thầm theo đuổi việc vì dân vì nước của ông một cách thâm trầm. Ông qua mặt tất cả, chỉ trừ tôi.
-Thế thì cô là ai?
-Trần Thị Băng, Việt Nam Quang Phục Hội.
Thái Phiên đứng dậy hỏi dồn dập:
-Người của ai?
-Lâm Quảng Trung.
-Mấy hôm nay có gì lạ?
-Tiến sĩ Trần Quý Cáp mới bị chém ở tỉnh Khánh Hòa hôm qua.
Ông ngồi xuống thở dài, rồi bưng chén rượu uống một hơi. Nước mắt ông chảy xuống, cô Băng kéo vạt áo lên lau mặt cho ông. Ông chưa ráo nước mắt cho vợ thi bây giờ lại rơi nước mắt cho người đồng chí, chỉ có thế thôi đã hiểu được lòng ông.
-Bây giờ, tôi không còn con đường chọn lựa. Núp trong bóng tối hoạt động lâu nay không thấy kết quả, không giúp gì được nước nhà. Tôi phải ra mặt, tôi phải dấn thân. Nhưng ngặt một điều, vợ mới chết, con còn thơ dại, gia đình đơn chiếc, không ai quán xuyến gia đình, tôi không nỡ lòng ra đi. Mỗi lần nghe bạn bè tôi bị nạn, ruột tôi quặn đau như có ai cắt từng đoạn.
-Thưa ông, nếu có người tình nguyện thay cho vợ ông lo chuyện gia đình để cho ông rảnh tay rảnh chân, không còn nghĩ tới chuyện nhỏ nhoi nầy, ông có chịu không?
-Nếu vậy, tôi phải quỳ lạy cám ơn họ trước.
Cô Băng, suy nghĩ một chút rồi nói:
-Nếu như ông không chê bai tôi quê mùa, thì tôi sẽ tình nguyện làm chuyện nầy giúp ông. Trên danh chánh ngôn thuận, chúng ta phải làm một lễ cưới nhỏ thì tôi mới bước vào cửa nhà ông được. Còn chuyện vợ chồng thực tế, nếu có duyên nợ với nhau thì hà tất phải thành, không biết trước được. Nhưng trước mắt chúng ta phải lo cho đại cuộc.
-Như vậy thì Phiên nầy có chết cũng hả dạ rồi. Ơn nghĩa của cô dòng họ Thái nhà tôi trả không bao giờ hết được.
Cuộc nói chuyện với Trần thị Băng tại quán rượu sau vài tháng, Thái Phiên cho người dạm hỏi và sau đó lễ cưới được tổ chức trong vòng thân tộc. Trong đêm tân hôn, bà Băng đưa ra cho ông một lá thư của vợ ông gửi cho bà trước khi mất. Trong thư bà gửi gấm chồng bà cho bà Băng chăm sóc, như vậy hai người đã ngấm ngầm thông đồng với nhau mà ông chẳng hề hay biết. Bà Băng về nhà chồng, sống với ông được hai mặt con, bà lo cho cho gia đình và chồng con vẹn toàn. Ông tối ngày đi đây đi đó tiếp xúc với các sĩ phu lo chuyện đánh đuổi quân xâm lược ra khỏi bờ cõi. Ông cùng với Trần Cao Vân sát cánh bên nhau đẩy mạnh phong trào cứu nước đến một đỉnh cao, chờ thời cơ hành động.
Năm 1914. Chiến tranh thế giới bùng nổ. Chính quyền Pháp cho bố ráp bắt những trai tráng xung vào lính mang về chính quốc để phục vụ chiến tranh. Phong trào Việt Nam Quang Phục Hội len lỏi vào hàng ngũ thanh niên chống lại việc tòng chinh sang Pháp, các truyền đơn kêu gọi anh em rời bỏ hàng ngũ do Pháp tuyển mộ, được anh em hưởng ứng nhiệt tình.
Lê Ngung thay mặt cho Quang Phục Hội, một mặt gửi thư xin ý kiến với cụ Phan Bội Châu, một mặt gửi thư cho Thái Phiên để khởi binh vì cơ hội đã đến. Chụp cơ hội chính quyền Pháp rối loạn lo chiến tranh bên chính quốc, vùng thuộc địa chểnh mảng. Nhận thấy lỗ hổng quá to, toàn dân nhân cơ hội nầy đứng dậy lật đổ. Thế nhưng mọi thứ chưa chuẩn bị chu đáo, các tổ chức chưa thống nhất, nhân dân còn hoang mang. Một cuộc họp khẩn cấp các thủ lãnh lại để quyết định. Nhận thấy còn nhiều trở ngại cho cuộc nổi dậy, tất cả đồng ý trì hoãn lại một thời gian để tăng cường lực lượng, tổ chức lại thành phần nồng cốt. Để yên lòng dân, mời vua Duy Tân, một người yêu nước gia nhập tổ chức, để tổ chức có tiếng nói chánh trực, để toàn dân tin tưởng.
Thái Phiên và Trần Cao Vân lãnh nhiệm vụ đi gặp đức vua. Dĩ nhiên chuyện gặp riêng nhà vua không phải dễ, vì chung quanh ngài bọn tay sai nhiều quá, nhứt cử nhứt động của ngài sẽ được báo cáo cho quan thầy. Hai người biết là vua Duy Tân chiều thường ra ngồi ở Phu Văn Lâu hóng mát, nhìn sông nước. Chiều nay hai người mang cần câu và một bình rượu ra ngồi đó trước.
Vừa thả cần vừa uống rượu. Khi vua tới thì lính hầu đuổi hai người đi chỗ khác, hai người không chịu đi, cãi lại với lính hầu:
-Sông nước nầy là của chung, không của riêng một mình ai. Tôi câu ở đây có mắc mớ chi tới mấy ông đâu?
Vua Duy Tân thấy hai người nầy ăn nói có chút gì khác thường, nên bảo mấy người lính hầu hãy để cho họ ngồi câu. Nhà vua trầm ngâm nhìn ra sông, mơ màng suy nghĩ.
Hai người nói chuyện lớn giọng, dù không muốn nghe cũng lọt vào tai vua. Họ mượn một câu hỏi và trả lời của người xưa để nói chuyện khơi khơi, thử xem lòng dạ vua thế nào. Nếu vua là người có lòng yêu nước thì thế nào cũng nao núng, phải gặp hai ông. Còn nếu vua là thứ “bù nhìn”, yên phận, không hiểu câu trao đổi của hai ông thì thứ nầy nên cần phải lánh xa, không cần gặp làm gì:
-Tay dơ lấy gì rửa?
-Nước.
-Chớ nước dơ lấy gì rửa?
-Máu.
Vua giật mình, đây không phải là người tầm thường. Ông lên tiếng:
-Hai anh kia quê mô? Đến đây nói chuyện chơi.
Nhà vua nói với lính hầu:
-Đem rượu ra đây mời khách, rồi tụi bay đi chỗ khác chơi.
Các lính hầu cứ nghĩ đây là hai tay nhà quê câu cá kiếm cơm, nên không thèm để ý.
Hai người tới sụp lạy, rồi nói nhỏ cho vua đủ nghe:
-Thưa bệ hạ, hạ thần ở Quảng Nam ra tìm cách gặp bệ hạ, bẩm báo đôi điều.
-Hai anh cứ nói thật lòng, không sợ chi hết.
-Việc nước đã đến hồi khẩn trương, như nhà cháy không chữa không được. Xin bệ hạ nghĩ tới dân tộc, nước nhà, tham gia với thần dân đánh đuổi quân xâm lược. Sự có mặt của Bệ hạ cốt để yên lòng dân. Hạ thần đã chuẩn bị chu đáo. Cuộc tổng khởi nghĩa toàn quốc sẽ bắt đầu vào giờ tý, ngày 2 tháng 4 năm Bính Thìn (tức 1giờ sáng ngày 3 tháng 5 năm 1916). Khởi điểm tại kinh đô Huế. Súng thần công sẽ được bắn lên mở đầu cho cuộc binh biến của toàn dân. Bệ hạ sẽ lãnh đạo toàn quốc nổi lên đánh đuổi quân xâm lược.
Nhà vua ngồi lắng nghe, lòng ông như mở hội. Từ lâu ông không biết cách nào để khuấy động lòng dân, chỉ có cơ hội nầy thôi:
-Chuyện thế nầy rất hợp lòng trẫm. Trẫm có một người thân tín liên lạc với các khanh sau nầy. Hạn chế gặp nhau để tránh tai mắt dòm ngó, hư đi đại sự.
Hai người đứng dậy uống với ông chén rượu, rồi lạy tạ ra về.
Trần Cao Vân lo chỉnh đón thực lực nghĩa quân các tinh, còn Thái Phiên lo liên lạc các nơi để đúng ngày giờ hành sư. Vào lúc 11 giờ đêm ngày 3-5-1916. Vua Duy Tân cải dạng thường dân đi xe kéo ra bến Thương Bạc rồi xuống thuyền, có Thái Phiên và Trần Cao Vân bố trí đứng đợi, Một người có chân trong nghĩa hội làm phản, báo cáo mọi sự việc cho Tòa Khâm Sứ Thừa Thiên biết vua Duy Tân buông tẩu.
Lập tức Tòa Khâm cùng với tay sai Nam triều, đuổi theo chiếc thuyền vua Duy Tân và hai ông Thái Phiên, Trần Cao Vân, bắt lại. Đưa vua trở về kinh thành, còn hai ông giam vào ngục. Một cuộc bố ráp trong đêm để tìm các tổ chức nghĩa quân. Các tỉnh Nam Ngãi, Bình Phú không nhận được tin tức, cũng bị nội gián báo cáo nên các thủ lãnh đều bị bắt. Cuộc khởi nghĩa bất thành. Tất cả những người chủ trương đều lên đoạn đầu đài.
Từ quê nhà Nghi An, Quảng Nam. Bà Trần Thị Băng hay tin chồng bị bắt, bà vội vàng đón xe tìm cách ra Huế để nhìn mặt chồng. Bà may sẵn một bộ đồ tang vì bà biết lấy một nghĩa sĩ trong thời loạn lạc, thì sớm hay muộn không tránh được cái chết. Khi còn trong gia đình thời con gái, bà được cha truyền những môn võ gia truyền để phòng thân. Nhất là các bộ tẩu mã, vi hành, bà rất xuất sắc.
Bà được tin ngày 16 tháng 4 âm lịch (tức là ngày 17-5-1916) các thủ lãnh đêm nổi loạn gồm có: Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị chém tại cửa An Hòa, ngoại thành Huế. Bà đến đó trước nghiên cứu đường đi nước bước, để cố làm sao đoạt được thủ cấp của chồng đem về Quảng Nam chôn cất tử tế. Bà cùng với anh em nghĩa quân còn lại, bàn luận để làm sao đoạt thủ cấp một cách an toàn, sắp đặt một chiếc thuyền sẵn vì bà biết nếu đi trên đường bộ thế nào cũng bị phát hiện. Sáng sớm ngày hành quyết một số anh em nghĩa quân và bà Trần Thị Băng có mặt tại pháp trường An Hòa. Các nghĩa quân sẵn sàng trong tư thế ngăn cản nếu có người đuổi theo bà. Mọi chuyện đều do bà định đoạt.
Người đầu tiên lên pháp trường là ông Thái Phiên, ông hiên ngang bước lên, như một tráng sĩ, mặt không chút sợ hãi. Ông nhìn xuống thấy vợ mặc đồ tang, ông gật đầu rồi cười ha hả. Quan chỉ huy pháp trường hỏi ông cần nói gì lần cuối. Ông dõng dạc hô to: “Đả đảo tụi tây và bọn tay sai”. Ông hô to ba lần như vậy, trước khi cúi đầu cho đao thủ phủ chặt đầu. Hành động ngang tàng và dũng cảm của ông đã làm cho những người đứng xem và ngay cả kẻ thù phải thán phục.
Đầu ông vừa rơi xuống, bà Băng phóng tới căng vạt áo tang hứng đầu chồng không cho rơi xuống đất. Rồi bà ôm đầu chồng phóng chạy. Tất cả lính tráng Nam Triều bất thần ngẩn ngơ không trở tay kịp, khi họ định thần chạy đuổi theo bà thì bà đã chạy quá xa, họ không đuổi kịp. Để đánh lạc hướng bà chạy vào rừng, một số nghĩa quân núp sẵn ngăn chận những người đuổi theo. Quân lính phải trở ra vì sợ nghĩa quân trong rừng phục kích. Đến khi tối trời một số nghĩa quân tại địa phương dẫn đường ra bờ sông, chiếc thuyền đang chờ sẵn nhổ neo khi bà bước xuống. Bà xỏa tóc dưới ánh đèn, lấy tóc mình lau sạch vết máu trên đầu chồng, rồi lấy khăn tang bọc đầu chồng lại. Thuyền theo cửa Thuận An ra khơi, hướng về Quảng Nam. Bà không gội đầu ba năm, để những vết máu của chồng trên tóc bà được nằm yên. Một cách thờ chồng, để tang cho chồng mà ai nghe qua cũng đều kính phục.
Thái Phiên, bút hiệu là Nam Xương, sinh năm Nhâm Ngọ (1882) tại làng Nghi An, huyện Hòa Vang, Quảng Nam, là con trai duy nhất của ông bà Thái Duy Tân và Lê Thị Tý. Ông theo phong trào Việt Nam Quang Phục Hội của cụ Phan Bội Châu, chủ trương đánh đuổi quân xâm lược Pháp ra khỏi bờ cõi. Ông là một trong những lãnh đạo tài giỏi của Phong Trào tại Quảng Nam. Ông bị giặc bắt cùng với Trần Cao Vân trong đêm chính biến 2-4 năm Bính Thìn ( tức là ngày 3-5-1916), tại Huế. Thái Phiên và Trần Cao Vân cùng với hai thủ lãnh khác lên đoạn đầu đài tại An Hòa, Huế sáng sớm ngày 16-4 năm Bính Thìn (tức là ngày 17-5- 1916), lúc ấy ông mới có 34 tuổi./
Houston, ngày 05 tháng 01 năm 2010
PXS
8/5/2010
Source : Hợp Lưu