Hiển thị các bài đăng có nhãn "Đạo văn" kiểu gì phổ biến nhất?. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn "Đạo văn" kiểu gì phổ biến nhất?. Hiển thị tất cả bài đăng

11/5/10

"Đạo văn" kiểu gì phổ biến nhất?

"Đạo văn" kiểu gì phổ biến nhất?
Tác giả: Nguyễn Hòa
Bài đã được xuất bản.: 09/05/2010 08:53 GMT+7

Ở Việt Nam lâu nay...một số người đã và đang coi giáo trình như tài sản văn hóa dân gian để "sưu tầm" thoải mái. Do lý thuyết của nhiều bộ môn khoa học ở Việt Nam chủ yếu là nhập ngoại, nên giáo trình thường ra đời với hai hình thức: Dịch từ giáo trình nước ngoài, dựa vào giáo trình nước ngoài để viết một giáo trình kiểu Việt Nam.

Lạng cao hay..."đồ con khỉ" (!)

Không phải là khoe khoang, vì chẳng lấy gì làm vinh dự, nhiều năm nay tôi đã phanh phui ra nhiều vụ đạo văn, mà đa số "khổ chủ" bằng cấp đầy mình. Mà lần nào cũng cống bố "tang chứng, vật chứng" đàng hoàng, địa chỉ cụ thể và tôi luôn sẵn sàng đối chất nếu "khổ chủ" thấy bị vu cáo. Kết quả là, hầu như các vị tỉnh queo, duy nhất Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội là mời tôi tới, để ông hiệu phó thông báo nhà trường quyết định không sử dụng cuốn sách bị tôi phê phán làm giáo trình. Còn lại thì "khổ chủ" vẫn hiên ngang đứng trên bục giảng để nói những lời hay ho, vẫn thăng quan tiến chức, vẫn chủ trì công trình nghiên cứu nọ, phụ trách đề tài nghiên cứu kia.

Đáng nể nhất là một ông quan chức văn hóa- nghệ thuật đã đạo văn, trên internet được tặng cho blog, rồi cả topic hàng trăm trang, bằng chứng sờ sờ mà vẫn "yên phận vị", thế mới tài!

Trước khi bàn về đạo văn, tôi xin được cung cấp một vài kinh nghiệm bản thân. Để đối phó với phát giác của tôi về việc đạo văn, người ta thực hành nhiều thủ pháp. Đại loại như: Phân bua "quên không cho vào ngoặc kép", sử dụng giải pháp "im lặng là vàng", chơi trò "mách bố" (tức là nhờ ai đó gửi thư, gọi điện đến nơi có trách nhiệm để thanh minh, thanh nga, rồi quả quyết là Nguyễn Hòa "chưa thấu tình").

Cao tay hơn, bỗng dưng một nhân vật "nổi tiếng" tảng lờ mọi sự, xông ra viết một bài ca tụng người bị phác giác đạo văn lên tận mây xanh, và mặc nhiên chuyện đạo văn trở thành... vớ vẩn (Với trường hợp này, theo tôi có hai khả năng: Hoặc là người viết tụng ca bất chấp dư luận, hoặc là họ mang uy tín của mình ra để bảo lãnh cho cái xấu?).

Đê tiện nhất là sau khi bị bắt quả tang đạo văn, người ta "chơi" lại bằng ngón "ném đá giấu tay", nghĩa là tung ra thông tin mập mờ như: "Nguyễn Hòa ăn tiền để viết", "Nguyễn Hòa về phe với X để đánh", "Nguyễn Hòa ghen tức với người tài". Chưa kể một vài thủ pháp rất kém cỏi khác, như nhờ người quen chung gặp tôi mời đi ăn trưa để "nói giúp".

Lại có bác tự nhiên đến phòng làm việc của tôi, chuyện trên trời dưới biển mãi, tôi thắc mắc không biết tại sao hôm nay bác lại quyến luyến với mình thế. Trước khi về bác mới thò ra một câu: "Chú bỏ qua cho thằng X đi, nó là cháu anh đấy!". Tôi phá ra cười: "Em công bố rồi, sao bác chẳng nói trước!". Thậm chí có vị tới mời tôi đi uống nước, tự xưng là chiến hữu của một ông vừa bị tôi phát giác đạo văn, rồi biếu lạng cao khỉ (để rồi dù không nhận, tôi cứ phải băn khoăn: Không biết lạng cao đó có kèm theo thông điệp coi mình là "đồ con khỉ" không nhỉ!?)

Nhìn chung, thủ đoạn đối phó rất lắt léo, đa dạng, tương ứng với câu thành ngữ "của làm sao người chiêm bao làm vậy", hoàn toàn đối lập với tính lương thiện của con người nói chung, chứ chưa nói đến tư cách trí thức. Vì thế, khi ai đó công bố một phát hiện đạo văn, tôi chân thành khuyên nên nhìn trước nhìn sau, cân nhắc cho kỹ, kẻo xơi phải "đòn thù" thì nếu yếu bản lĩnh, có khi "má lại sưng" trước.

Hiện tại, tôi có bằng chứng về một vụ đạo văn, song tôi tin nếu biết "khổ chủ" là ai thì chắc chẳng báo nào dám in, mà in rồi thì chắc là sẽ lo ngay ngáy, còn tôi công bố rồi thì có khi cũng liệu mà tính đường... nhận sổ hưu!

Đạo văn kiểu gì phổ biến nhất?

Phát hiện đạo văn cũng nhiều, nên tôi thấy người ta đạo văn cũng đa dạng, phong phú. Trong đó ăn cắp, sao chép giáo trình là phổ biến nhất. Đã làm công việc giảng dạy thì đều biết, giáo trình là toàn bộ những bài giảng về một bộ môn khoa học, trong đó chứa đựng hệ thống khái niệm, phạm trù, các luận giải, kết luận về đối tượng nghiên cứu... của một bộ môn khoa học; là tích tụ công sức của nhiều người, được cộng đồng nghề nghiệp thừa nhận, thống nhất sử dụng.

Nhưng xem ra ở Việt Nam lâu nay, giáo trình lại giảm thiểu vai trò và ý nghĩa trong một số người, họ đã và đang coi giáo trình như tài sản văn hóa dân gian để "sưu tầm" thoải mái. Do lý thuyết của nhiều bộ môn khoa học ở Việt Nam chủ yếu là nhập ngoại, nên giáo trình thường ra đời với hai hình thức: Dịch từ giáo trình nước ngoài, dựa vào giáo trình nước ngoài để viết một giáo trình kiểu Việt Nam.

Bên cạnh đó, còn có giáo trình biên soạn từ yêu cầu của hệ thống đào tạo, như giáo trình lịch sử Việt Nam, văn học Việt Nam...Tuy nhiên, dù là dịch hay biên soạn thì chất lượng giáo trình trước hết phụ thuộc vào người viết. Không ngẫu nhiên ở trường đại học, sinh viên thường kháo nhau: Giáo trình thầy A hay hơn, giáo trình cô B dễ hiểu hơn. Tôi nghĩ, để biên soạn một giáo trình, người biên soạn phải làm chủ được tri thức cơ bản của một bộ môn khoa học, có khả năng trình bày, phân tích một cách hệ thống và mạch lạc, phù hợp với đối tượng người học, có khả năng sáng tạo để tìm ra sự tương thích giữa lý thuyết với dẫn chứng, ví dụ...

Và tôi tin, với đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay, số người có phẩm chất như thế là không nhiều. (Để kiểm chứng, kính mong vào một ngày đẹp trời, cơ quan có trách nhiệm thử kiểm tra trình độ ngoại ngữ, tin học xem có tương ứng với mấy cái bằng họ trình ra hay không?).

Oái oăm ở chỗ, đã được giảng dạy từ trung cấp tới sau đại học thì mỗi môn học phải có giáo trình, nên khi người tài năng và có trách nhiệm không nhiều thì người kém tài năng, thiếu trách nhiệm cũng phải sử dụng. Rồi chính họ - người thiếu tài năng nhưng ít liêm sỉ để từ chối (thậm chí ham hố biên soạn để lấy tiếng tăm, để kiếm tiền, để chứng tỏ năng lực không kém ai...?), tất nhiên là phải ăn cắp từ giáo trình của người khác.

Thời còn là giảng viên đại học, có lần tôi được mời tham gia viết một giáo trình, đổ mồ hôi sôi nước mắt mới viết xong ba chương. Đọc bản thảo chương mở đầu của ông chủ biên, thấy "có mùi văn dịch", tôi liền truy tìm, thì thấy được dịch từ một cuốn giáo trình tiếng Nga. Buổi nghiệm thu, tôi phản đối và đề nghị viết lại, ông chủ biên không nghe, tôi rút luôn bản thảo. Thà mất một khoản thù lao còn hơn đứng tên tác giả biên soạn cùng người... "dịch đạo"!

Cách đây ít ngày, vụ đạo giáo trình của PGS TS PTC ở Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh trở thành một sự kiện "nóng" và được dư luận hết sức quan tâm. Hòa chung với sự bức xúc của dư luận, tác giả bị mất cắp là GS TNT bày tỏ: "Giải trình của PGS TS C trên báo chí và với Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước là không trung thực. PGS TS C là chủ biên của hai cuốn giáo trình về Tài chính quốc tế. Một cuốn xuất bản năm 2008, một cuốn xuất bản năm 2009. Cuốn xuất bản năm 2008 có nội dung giống của tôi 100%. Cuốn thứ hai giống đến 90%". Hai chữ "của tôi" được nói ra rất rành mạch và tôi chia sẻ với ông.

Ấy vậy mà ngày 2.5.2010, trên vneconomist.net/forums có người công bố bài Bằng chứng đạo văn của GS TS TNT, trong đó khẳng định GS TS TNT đã đạo giáo trình của GS Jeff Madura (Jeff Madura là giáo sư tài chính Ngân hàng SunTrust ở Trường đại học Florida Atlantic).

Tác giả này cho rằng, bằng việc làm của mình, GS TS TNT đã "làm hủy hoại nền quốc học nước nhà; không có một lời tri ân đến những người mở đường và khai sáng; tạo trạng thái tâm lý ỷ lại hay rủi ro về mặt đạo đức; làm nhục quốc thể" và tuyên bố: "Tôi cũng sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để có thể đưa ra công luận sự thật này, thậm chí mời cả GS. Jeff Madura ra đối chứng". Sự thể đến mức này thì quả là quá bất ngờ, không biết thực hư ra sao.

Mong sao ý kiến kia chỉ là nghi ngờ, dù GSTS đã trả lời "lòng vòng" trên báo Thanh Niên, thì tôi vẫn muốn tin vào ông(!)

(còn nữa)

© TUANVIETNAM.NET