Hiển thị các bài đăng có nhãn Phát triển và dân chủ. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phát triển và dân chủ. Hiển thị tất cả bài đăng

10/4/09

Phát triển và dân chủ

Ronald Inglehart và Christian Welzel: Con đường từ phát triển kinh tế đến chế độ dân chủ — những quan niệm về hiện đại hóa (II)



Ronald Ingleheart và Christian Welzel

Foreign Affairs, tháng Ba/ tháng Tư, 2009

Trần Ngọc Cư dịch



Phát triển và dân chủ



50 năm trước, nhà xã hội học Seymour Martin Lipset đã chứng minh rằng những nước giàu có khả năng hơn các nước nghèo rất nhiều để trở thành những quốc gia dân chủ. Mặc dầu lí luận này bị phản biện qua nhiều năm, nhưng nó vẫn đứng vững qua nhiều thử nghiệm. Chiều nhân quả của tương quan này cũng từng bị nghi vấn: Phải chăng các nước giàu dễ trở thành dân chủ bởi vì chế độ dân chủ làm cho nước giàu dân mạnh hay chính sự phát triển kinh tế dẫn đến chế độ dân chủ? Ngày nay, người ta nhận thấy hướng nhân quả có vẻ như chạy từ phát triển kinh tế đến dân chủ hóa. Trong giai đoạn đầu của lịch sử công nghiệp hóa, các nước độc tài cũng có khả năng đạt được tốc độ phát triển cao giống hệt các nước dân chủ. Nhưng khi đã vượt quá một mức phát triển kinh tế nhất định, chế độ dân chủ càng dễ xuất hiện hơn và tồn tại vững bền hơn. Như vậy, trong số hàng chục quốc gia được dân chủ hóa khoảng năm 1990, người ta nhận thấy hầu hết là những nước có mức thu nhập trung lưu (middle-income countries): hầu như tất cả các nước có lợi tức cao vốn đã là các nước dân chủ, và rất ít nước có lợi tức thấp thực hiện được bước quá độ sang chế độ dân chủ. Hơn nữa, trong số các quốc gia được dân chủ hóa giữa những năm 1970 và 1990, chế độ dân chủ chỉ tồn tại bền vững ở quốc gia nào thực hiện bước quá độ vào lúc đạt được mức độ phát triển kinh tế của Argentina ngày nay hay cao hơn; trong những quốc gia thực hiện bước quá độ vào lúc còn ở dưới ngưỡng kinh tế này, chế độ dân chủ chỉ có một tuổi thọ trung bình là 8 năm.



Tương quan chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và chế độ dân chủ phản ánh sự kiện là phát triển kinh tế sẽ dẫn đến chế độ dân chủ. Câu hỏi, chính xác vì sao phát triển kinh tế sẽ dẫn đến chế độ dân chủ, đã được các nhà nghiên cứu tranh cãi sôi nổi từ lâu, nhưng câu trả lời thì mới bắt đầu xuất hiện. Đại khái là, không một lực tác động riêng lẻ nào có thể làm cho các định chế dân chủ tự động xuất hiện vào thời điểm một quốc gia đạt được một mức GDP nhất định. Nói đúng ra, chỉ khi nào sự phát triển kinh tế thay đổi được lối hành xử của công dân, nó mới mang lại được những thay đổi xã hội và chính trị. Do đó, phát triển kinh tế sẽ dẫn đến dân chủ nếu, một là, nó tạo được một giai cấp trung lưu to lớn, có trình độ học thức và có tiếng nói, gồm những con người quen suy nghĩ bằng chính đầu óc của mình và, hai là, nếu nó chuyển hóa được hệ thống giá trị và động lực của người dân.



Ngày nay, thật là dễ dàng hơn bao giờ cả để nắm bắt được những thay đổi then chốt trong một số quốc gia là gì và những thay đổi đó đã diễn tiến sâu rộng ra sao. Việc phân tích dựa trên nhiều biến số (multivariate analysis) những dữ liệu lấy từ các cuộc nghiên cứu về các hệ giá trị cho phép người ta rút tỉa được sự tương tác giữa những chuyển biến kinh tế, xã hội và văn hóa, mà kết quả cho phép chúng ta kết luận là phát triển kinh tế sẽ đưa đến dân chủ nếu nó có thể mang lại những đổi mới cơ cấu nhất định (đặc biệt là sự trỗi dậy của khu vực tri thức) và những đổi mới văn hóa nhất định (đặc biệt là sự trỗi dậy của những giá trị lập ngôn). Chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, việc thay đổi định chế, các nghị quyết của giới thống trị, và các thủ lĩnh riêng biệt cũng có thể ảnh hưởng lên những gì xảy ra, nhưng thay đổi cơ cấu và văn hóa mới thực là những yếu tố chính để thể chế dân chủ xuất hiện và tồn tại lâu dài.



Hiện đại hóa mang lại trình độ giáo dục ngày một cao, đưa lực lượng lao động vào các ngành nghề đòi hỏi sự suy nghĩ độc lập và làm cho người công dân có khả năng diễn đạt hơn cũng như được trang bị tốt hơn để tham gia chính trị. Khi xã hội tri thức xuất hiện, dân chúng bắt đầu có thói quen sử dụng sáng kiến và óc phán đoán của mình vào công việc, đồng thời gia tăng khả năng chất vấn giới cầm quyền cứng rắn và gia trưởng.



Hiện đại hóa cũng làm cho người công dân cảm thấy an toàn hơn về kinh tế. Khi một bộ phận lớn dân chúng không còn bận tâm với cuộc mưu sinh, các giá trị lập ngôn (self-expression values) ngày càng trở nên phổ biến. Khát vọng độc lập và tự do là những nguyện vọng phổ quát. Những khát vọng này có thể chịu nhường bước trước đòi hỏi áo cơm và trật tự xã hội khi sự sống còn trở nên bấp bênh, nhưng chúng giành lại ưu tiên cao khi cuộc sống trở nên an toàn hơn. Động lực cơ bản cho dân chủ — khát vọng của con người về quyền tự do lựa chọn — bắt đầu đóng một vai trò ngày càng quan trọng hơn. Người dân bắt đầu coi trọng quyền tự do lựa chọn trong lãnh vực chính trị và bắt đầu đòi hỏi những quyền tự do dân sự và chính trị cũng như các định chế dân chủ.



Dân chủ hữu hiệu



Suốt trong thời kì bùng nổ dân chủ diễn ra từ năm 1985 đến năm 1995, thể chế dân chủ dựa vào lá phiếu (electoral democracy) lan nhanh khắp thế giới. Những sắp xếp chiến lược của giới lãnh đạo chóp bu đã đóng một vai trò quan trọng trong tiến trình này, một tiến trình được thúc đẩy bởi một môi trường chính trị quốc tế rất thuận lợi, trong đó việc chấm dứt Chiến tranh lạnh đã mở đường cho việc dân chủ hóa. Thoạt đầu, người ta có khuynh hướng coi bất cứ chế độ chính trị nào chịu tổ chức tuyển cử tự do và công bằng là một chế độ dân chủ. Nhưng nhiều chế độ dân chủ mới mẻ này đã phải đối đầu với nạn tham nhũng tràn lan và không áp dụng được nguyên tắc pháp trị (the rule of law), một nguyên tắc giúp chế độ dân chủ hoạt động hữu hiệu. Hiện nay, ngày càng đông đảo các nhà quan sát chính trị vạch ra tính bất cập của “chế độ dân chủ tuyển cử”, “dân chủ hỗn hợp”, “dân chủ chuyên chính”, và các dạng thức dân chủ giả tạo khác, trong đó nguyện vọng của quần chúng luôn bị giới chóp bu phớt lờ và trong đó quần chúng chắc chắn không thể ảnh hưởng lên những quyết định của chính phủ. Do đó, điều quan trọng là ta phải biết phân biệt các nền dân chủ hữu hiệu và dân chủ vô hiệu.



Yếu tính của chế độ dân chủ là chế độ này trao quyền (empower) cho người dân bình thường. Liệu một chế độ dân chủ có hoạt động hữu hiệu hay không, điều này không những chỉ dựa vào mức độ những quyền dân sự và chính trị hiện hữu trên giấy tờ mà lại còn dựa vào mức độ các viên chức chính quyền tôn trọng những quyền này như thế nào. Thành tố thứ nhất — sự hiện hữu của các quyền công dân trên giấy tờ — được đo lường bằng bảng xếp hạng hằng năm của Freedom House: nếu một quốc gia tổ chức tuyển cử tự do, Freedom House sẽ đánh giá quốc gia đó là “tự do”, đồng thời cho nó đứng đầu hay gần đầu thang điểm. Trong cách này, những chế độ dân chủ mới mẻ của đông Âu cũng nhận được điểm cao như các chế độ dân chủ lâu đời của tây Âu, mặc dù những bản phân tích chi tiết và sâu sát cho thấy rằng nạn tham nhũng tràn lan đang làm cho những chế độ dân chủ mới mẻ này kém hiệu quả rất xa trong việc đáp ứng tự do lựa chọn của người dân. May thay, Ngân hàng Thế giới có đặt ra thang điểm về thành tích quản lí quốc gia (governance scores) để đo mức độ hữu hiệu của các định chế dân chủ trong một quốc gia. Nhờ đó, một chỉ số hiệu năng của một chế độ dân chủ có thể được tính bằng cách nhân hai điểm số này: chế độ dân chủ hình thức, do Freedom House thẩm định, và tính lương thiện của giới cầm quyền và các định chế, do Ngân hàng Thế giới đo lường.

Dân chủ hữu hiệu (effective democracy) là một tiêu chuẩn đòi hỏi nhiều điều kiện hơn dân chủ tuyển cử. Người ta có thể thiết lập một chế độ dân chủ tuyển cử (electoral democracy) hầu như ở bất cứ nơi nào trên thế giới, nhưng chắc chắn nó sẽ không tồn tại lâu dài nếu nó không chuyển giao được quyền lực từ tay một thiểu số chóp bu (the elites) sang tay người dân. Dân chủ hữu hiệu có khả năng trở thành hiện thực nhất nếu nó đi song hành với một cơ sở hạ tầng tương đối phát triển, cơ sở này bao gồm không những nguồn lực kinh tế mà còn những lề thói tham gia xã hội và quyền tự quản lí của người dân. Do đó, một chế độ dân chủ hữu hiệu tùy thuộc vào mức độ người dân biết trân quí giá trị lập ngôn của mình [tức đòi hỏi tham gia làm những quyết định vì công ích]. Thật vậy, mối tương quan giữa hệ thống giá trị của một xã hội và bản chất các định chế chính trị trong nước là cực kì khắn khít.



Tất cả các chế độ dân chủ ổn định đều tôn trọng giá trị lập ngôn của người công dân. Hầu hết các nước Châu Mĩ La Tinh vẫn chưa triển khai hết tiềm lực dân chủ (underachievers), vì mức độ hữu hiệu của chế độ dân chủ trong khu vực chưa ngang tầm với triển vọng mà các hệ giá trị của quần chúng vùng này có thể cho phép. Điều này có nghĩa là những xã hội này có thể đã vươn lên những mức độ dân chủ cao hơn nếu quyền pháp trị (the rule of law) được củng cố. Iran cũng nằm dưới mức mong đợi — chế độ thần quyền ở đây cho phép một mức dân chủ quá thấp so với nguyện vọng to lớn của người dân. Đối với những người chỉ quan tâm về sinh hoạt chính trị của thiểu số đặc quyền, điều làm cho họ ngạc nhiên sẽ là dân chúng Iran tỏ ra khá mặn mà với chế độ dân chủ. Trái lại, Cyprus, Estonia, Hungary, Poland, Lavia, và Lithuania lại cố gắng vượt quá mức mong đợi (overachievers), phô trương một mức độ dân chủ cao hơn cái triển vọng mà các hệ giá trị của những xã hội này có thể cho phép — điều này phản ánh động lực thúc đẩy dân chủ hóa tại các nước này là nhắm vào vai trò thành viên của Liên minh châu Âu.



Nhưng có phải những giá trị lập ngôn (self-expression values) sẽ dẫn đến dân chủ, hay chính chế độ dân chủ sẽ khiến những giá trị lập ngôn xuất hiện? Bằng chứng đã cho thấy rằng chính những giá trị này sẽ dẫn đến dân chủ. (Để có đầy đủ bằng chứng biện hộ cho luận cứ này, xin mời đọc Modernization, Cultural Change, and Democracy của chúng tôi). Những định chế dân chủ không nhất thiết phải sẵn sàng đâu vào đó trước khi những giá trị lập ngôn xuất hiện. Những chứng liệu dựa vào trục thời gian từ các cuộc nghiên cứu các hệ giá trị cho thấy rằng trong những năm ngay trước đợt sóng dân chủ hóa của cuối thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, những giá trị lập ngôn (self-expression values) vốn đã xuất hiện qua một tiến trình thay đổi giá trị giữa các thế hệ (an intergenerational change in values) – không những diễn ra trong các nước dân chủ phương Tây mà còn cả trong những xã hội chuyên chính. Khoảng trước năm 1990, dân chúng của Đông Đức và Tiệp Khắc, những khối dân từng sống dưới hai chế độ độc tài nhất thế giới – đã triển khai ở mức độ cao những giá trị lập ngôn (self-expression values). Yếu tố quyết định không phải là hệ thống chính trị nhưng chính là sự thể những nước này nằm trong số những nước tiên tiến nhất về mặt kinh tế trong thế giới cộng sản, với trình độ dân trí cao và hệ thống an sinh xã hội khá tiến bộ. Nhờ thế, khi lãnh tụ Xô-viết Mikhail Gorbachev tuyên bố từ bỏ lí thuyết Brezhnev, chấm dứt đe dọa can thiệp bằng quân đội Xô-viết, nhân dân hai nước này nhanh chóng tiến tới chế độ dân chủ.



Trong những thập niên vừa qua, những giá trị lập ngôn (self-expression values) đã và đang bành trướng mạnh mẽ hơn, thúc đẩy người dân ngày càng trực tiếp tham gia vào sinh hoạt chính trị. (Thật vậy, lịch sử đã chứng kiến những khối lượng dân chúng chưa từng thấy đã tham gia các cuộc biểu tình, đóng góp cho việc tạo ra làn sóng dân chủ hóa gần đây nhất.) Nhưng liệu điều này có nghĩa là các hệ thống độc tài nhất định sẽ sụp đổ không? Thưa không. Chính sự quan trọng ngày một gia tăng của các giá trị lập ngôn (self-expression values) sẽ bào mòn tính chính đáng của các chế độ độc tài, nhưng bao lâu các giới thống trị độc tài kiên quyết kiểm soát quân đội và mật vụ, họ vẫn có thể đàn áp các lực lượng dân chủ. Tuy vậy, ngay cả những chế độ hà khắc cũng phải nhận thấy rằng họ phải trả giá đắt khi cố tình chận đứng các khuynh hướng dân chủ, vì làm như thế có nghĩa là ngăn cản sự xuất hiện của các khu vực kinh tế tri thức có hiệu năng cao.



Chiến lược hiện đại



Nhận thức mới mẻ này về hiện đại hóa có ý nghĩa rộng lớn cho quan hệ bang giao giữa các nước. Chẳng hạn, nó giúp giải thích lí do vì sao các chế độ dân chủ tiên tiến không gây chiến tranh với nhau. Những nghiên cứu gần đây cung cấp các bằng chứng nghiệm sinh hùng hồn để chứng minh luận cứ rằng các nước dân chủ sẽ không đánh nhau, một luận cứ có từ thời Adam Smith và Immanuel Kant. Từ khi xuất hiện vào đầu thế kỉ 19, các nước dân chủ tự do đã lao vào một số chiến tranh, nhưng hầu như chưa bao giờ họ đánh nhau. Phiên bản mới của lí thuyết hiện đại hóa cho thấy rằng hiện tượng hòa bình dân chủ sở dĩ có được phần lớn là do những thay đổi văn hóa gắn liền với tiến trình hiện đại hóa hơn là chỉ nhờ vào bản thân chế độ dân chủ.



Vào những giai đoạn đầu của lịch sử nhân loại, các quốc gia dân chủ đánh nhau thường xuyên. Nhưng những tiêu chuẩn thịnh hành của chế độ dân chủ dần dần triển khai qua thời gian, như được minh họa bằng việc bãi bỏ chế độ nô lệ, việc từng bước nới rộng quyền bầu cử, và phong trào tiến tới quyền bình đẳng giới trong hầu hết mọi xã hội hiện đại. Một biến chuyển văn hóa khác đã xảy ra trong các xã hội hiện đại — thường là các xã hội dân chủ — đó là, người dân dần dần trở nên dị ứng với chiến tranh, sẵn sàng bày tỏ thái độ này, đồng thời cố gắng ảnh hưởng lên chính sách quốc gia. Chứng liệu của Tổ chức Thăm dò Giá trị Thế giới cho thấy rằng dân chúng của các nước có lợi tức cao ít có thái độ bài ngoại hơn dân chúng của các nước nghèo. Dân của các nước giàu cũng không mấy thiết tha cầm súng bảo vệ quyền lợi quốc gia bằng dân của các nước có lợi tức thấp. Ngoài ra, các nước dân chủ có kinh tế phát triển ứng xử với nhau hòa hoãn hơn các nước dân chủ nghèo đối đãi nhau rất nhiều; và các nước dân chủ có kinh tế phát triển lại càng khó lâm vào cảnh nội chiến hơn các nước dân chủ nghèo.



Lí thuyết hiện đại hóa vừa có ý nghĩa cảnh giác vừa có ý nghĩa khích lệ chính sách đối ngoại của Hoa Kì. Hẵn nhiên, Iraq là một bài học mang tính cảnh giác. Trái với quan niệm đầy quyến rũ, rằng chế độ dân chủ có thể được thiết lập dễ dàng hầu như bất cứ nơi nào trên thế giới, lí thuyết hiện đại hóa cho rằng chế độ dân chủ có khả năng thành công vượt bực trong một số điều kiện nhất định và không mấy thành công trong những điều kiện khác. Một số yếu tố khách quan không cho phép chúng ta kì vọng rằng chế độ dân chủ có thể được thiết lập dễ dàng tại Iraq, trong đó có tình trạng phân hóa chủng tộc sâu sắc, một sự phân hóa vốn đã bị chế độ Saddam Hussein làm cho trầm trọng. Và sau khi Saddam bị lật đổ, việc để cho an ninh cơ sở trở nên tồi tệ là một sai lầm đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ khi nào dân chúng cảm thấy an toàn, khi đó mới có sự tin cẩn và bao dung đối với nhau. Chế độ dân chủ không thể trụ được trong một xã hội bị phân xé vì

thái độ nghi kị và bất dung của người dân. Iraq đang biểu hiện óc bài ngoại ở mức độ cao nhất trong số các xã hội cho phép thu thập dữ liệu. Biểu hiện rõ nét về óc bài ngoại là mức độ người dân bản xứ cho biết họ không thích có láng giềng là người nước ngoài. Tại 80 quốc gia được khảo sát, tỉ số bách phân số người nói ra điều này là 15 phần trăm. Trong cộng đồng người Kurd tại Iraq, có đến 51 phần trăm số người được thăm dò cho biết rằng họ không thích có láng giềng là người nước ngoài. Trong số người Iraq Á-rập có đến 90 phần trăm số người được thăm dò nói rằng họ không thích có láng giềng là người nước ngoài. Phù hợp với những điều kiện văn hóa này, Iraq (cùng với Pakistan và Zimbabwe) biểu hiện ở mức rất thấp các giá trị lập ngôn (self-expression values) và hiệu năng của chế độ dân chủ.



Lí thuyết hiện đại hoá cũng có ý nghĩa tích cực đối với chính sách ngoại giao của Hoa Kì. Được biện minh bằng một khối lượng chứng liệu đồ sộ, lí thuyết này đưa đến kết luận rằng phát triển kinh tế là động lực cơ bản cho việc chuyển hóa dân chủ — điều này có nghĩa là Washington phải làm những gì trong khả năng mình để khuyến khích phát triển kinh tế. Chẳng hạn, nếu Washington muốn mang lại những chuyển biến dân chủ cho Cuba, việc cô lập quốc gia này là phản tác dụng. Hoa Kì phải tháo gỡ chính sách cấm vận, thúc đẩy phát triển kinh tế, khuyến khích tinh thần dấn thân và các quan hệ khác của xã hội Cuba với thế giới bên ngoài. Dù không có gì đảm bảo, nhưng nhiều bằng chứng thực tế cho thấy rằng nếu người dân cảm thấy an toàn và nếu giá trị lập ngôn (self-expression values) ngày một trở nên quan trọng trong xã hội Cuba, sự thể này sẽ làm lung lay chế độ độc tài tại đó.



Một cách tương tự, mặc dù nhiều nhà quan sát lấy làm báo động vì sự vươn dậy của nền kinh tế Trung Quốc, nhưng mức tăng trưởng của nước này mang ý nghiã tích cực về lâu về dài. Dưới bề mặt của một cơ cấu chính trị có vẻ nguyên khối của Trung Quốc, hạ tầng cơ sở xã hội của tiến trình dân chủ hóa đã bắt đầu xuất hiện và đã tiến bộ xa hơn mức dự kiến của hầu hết các nhà quan sát thời sự. Trung Quốc đang tiến tới trình độ, theo đó người dân bắt đầu coi trọng những giá trị lập ngôn (self-expression values), tức là ở trình độ mà Chí Lợi, Ba Lan, Nam Hàn và Đài Loan thực hiện giai đoạn quá độ tiến lên chế độ dân chủ. Và, mặc dù điều này có thể gây ngạc nhiên cho các quan sát viên chỉ biết quan tâm đến sinh hoạt chính trị của thiểu số đặc quyền, nhưng chính Iran cũng đã tiến gần đến ngưỡng chuyển hóa này. Bao lâu mà Đảng Cộng sản Trung Quốc và giới lãnh đạo thần quyền Iran vẫn còn nắm trong tay các lực lượng quân đội và an ninh, các định chế dân chủ sẽ chưa có thể xuất hiện được ở cấp độ chính quyền trung ương. Nhưng những sức ép đòi hỏi dân chủ hóa từ phía dân chúng đang bắt đầu xuất hiện, và việc đàn áp những nguyện vọng này sẽ gây ra tổn thất ngày một lớn, đưa đến sự sa sút hiệu năng kinh tế và sa sút tinh thần làm việc của người dân. Nói chung, sự phồn vinh ngày một gia tăng tại Trung Quốc và Iran phù hợp với lợi ích quốc gia của Hoa Kì.



Nói rộng ra, lí thuyết hiện đại hóa có hàm ý Hoa Kì phải hoan nghênh và cổ vũ sự phát triển kinh tế trên toàn thế giới. Mặc dù phát triển kinh tế đòi hỏi nhiều thích nghi khó khăn, nhưng hậu quả lâu dài của nó sẽ khuyến khích sự xuất hiện những xã hội bao dung hơn, ít bài ngoại hơn, và nhiên hậu dân chủ hơn.

talawas 2009