Phạm Xuân Thạch soạn theo tư liệu của gia đình
và của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân
Năm nay, tròn 120 năm sinh Phan Khôi (1887-1959), − học giả, nhà văn, nhà báo, nhà thơ, nhà ngữ học, nhà tư tưởng, nhà văn hóa, dịch giả.
Dịp kỷ niệm này đã được đánh dấu bằng một loạt sự kiện có ý nghĩa. Các tập sách sưu tầm bài viết của Phan Khôi trong các năm 1930, 1931 và các bản dịch Lỗ Tấn của ông đã được xuất bản. Một tọa đàm về ông được tạp chí Xưa và Nay, hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức (ngày 5/10/2007 tại Hà Nội) với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, học giả có uy tín như Đinh Xuân Lâm, Vu Gia, Nguyễn Q. Thắng, Lại Nguyên Ân.
Từ những vùng xa của quá khứ, từng bước một, chân dung một trí thức đang được phục dựng trở lại.
Không một con người nào có thể bị lãng quên! Nhân dịp này, xin điểm lại đôi nét tiểu sử, sự nghiệp trứ thuật và những công trình chính của Phan Khôi.
● Phan Khôi, hiệu Chương Dân sinh ngày 6.10.1887 (20 tháng 8 năm Đinh Hợi) tại làng Bảo An (nay thuộc xã Điện Quang), huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cha là Phó bảng Phan Trân, tri phủ Diên Khánh; mẹ là bà Hoàng Thị Lệ, con gái Tổng đốc Hà Ninh (Hà Nội- Ninh Bình) Hoàng Diệu.
● Thiếu thời Phan Khôi học chữ Hán, năm 18 tuổi đi thi, đỗ tú tài (1905), sau đó bỏ lối học khoa cử, tìm học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp; ông là một trong những người đầu tiên cắt tóc ngắn, hưởng ứng vận động duy tân.
● Năm 1907, Phan Khôi ra Hà Nội tham gia công việc của Đông Kinh nghĩa thục. Nghĩa thục bị đóng cửa, ông đi Nam Định học chữ Pháp với Nguyễn Bá Học, vì nhà nho này bị mật thám Pháp theo dõi, ông phải trở về quê.
● Năm 1909 Phan Khôi ra Huế xin vào học trường dòng Pellerin (của nhà thờ Ki-tô giáo), được vài tháng lại phải trở về quê vì ở nhà có đại tang. Lúc này ở Quảng Nam nổ ra phong trào “xin xâu” (biểu tình đòi giảm sưu thuế), Phan Khôi tham gia (có làm bài vè Dân quạ đình công), bị bắt và cầm tù tại nhà lao Hội An cùng Huỳnh Thúc Kháng và nhiều nhân sĩ khác. Trong tù tiếp tục tự học tiếng Pháp.
● Năm 1913, được ra tù, Phan Khôi về nhà cưới vợ và mở lớp dạy chữ Hán tại nhà mình. Khi triều đình Huế bãi bỏ chế độ khoa cử chữ Hán, ông thôi dạy và khuyên học trò đi học chữ Quốc ngữ.
● Năm 1916 Phan Khôi ra Hải Phòng làm thư ký cho Công ty vận tải đường thuỷ của Bạch Thái Bưởi, nhận thấy công việc ở đây chỉ để kiếm sống chứ không hợp chí hướng riêng nên đã xin thôi việc.
● Năm 1918, do Nguyễn Bá Trác giới thiệu, Phan Khôi lên Hà Nội tham gia viết bài cho tờ Nam phong tạp chí của Phạm Quỳnh. Được một thời gian, ông bỏ tờ báo này, vào Sài Gòn viết cho báo Lục tỉnh tân văn; vì có một bài có giọng “kịch liệt quá”, ông thôi việc ở tờ này.
● Năm 1920, Phan Khôi trở ra Hà Nội viết cho các tờ Thực nghiệp dân báo và Hữu thanh tạp chí; đồng thời cộng tác với vợ chồng mục sư người Mỹ W.C. Cadman để dịch Kinh Thánh (Bible) của Cơ Đốc giáo ra chữ Quốc ngữ (tiếng Việt) bằng cách đối chiếu bản chữ Hán với bản chữ Pháp.
● Khoảng năm 1925 Phan Khôi vào Sài Gòn, sau đó nhân một vụ việc gì đó, vì bị chính quyền Pháp tình nghi và đe dọa, ông chạy xuống Cà Mau tá túc tại nhà một người bạn là chủ đồn điền; ban đầu chỉ dùng thời giờ học tiếng Pháp qua thư từ với nhà báo người Pháp là Dejean de la Bâtie ở Sài Gòn, sau đó cộng tác gửi bài cho các báo ở Sài Gòn.
● Những năm 1928-1933 tại Sài Gòn, Phan Khôi viết cho các tờ Đông Pháp thời báo (1928), Thần chung (1929-1930), Phụ nữ tân văn (1929-1934), Trung lập (1930-1933), Quần báo (báo chữ Hán của Hoa kiều ở Chợ Lớn,1928-30), gửi bài cộng tác với Đông Tây tuần báo (1929-1932) ở Hà Nội. Đây là những năm ông làm nên “thương hiệu Phan Khôi” (mượn cách nói ngày nay).
− Năm 1928 Phan Khôi (trên Đông Pháp thời báo) tranh luận bác bỏ “cái thuyết nước Pháp giúp nước Nam về hồi thế kỷ XVIII”, nói rõ việc hiệp ước Pháp-Việt 1787 đã không được phía Pháp thực hiện.
− Năm 1929 Phan Khôi (trên Phụ nữ tân văn) mở cuộc trưng cầu ý kiến các nhân vật nổi tiếng trong nước về vấn đề phụ nữ.
− Năm 1929-30 Phan Khôi (trên Thần chung) mở cuộc thi về quốc sử.
− Năm 1929-31 Phan Khôi (trên Thần chung, Trung lập, Phụ nữ tân văn) mở ra tranh luận về việc viết đúng chữ quốc ngữ.
− Năm 1930 Phan Khôi (trên Trung lập) mở ra cuộc bút chiến với Nguyễn Phan Long và đảng Lập hiến Nam Kỳ về trách nhiệm của người làm chính trị trước thời cuộc và vận mệnh người dân.
− Năm 1929-30 Phan Khôi (trên Thần chung, Phụ nữ tân văn, Trung lập) nêu vấn đề về di sản Nho giáo trong thời “Âu hoá” của Á Đông; thảo luận các vấn đề Nho giáo với Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Huỳnh Thúc Kháng.
− Năm 1931- 32 Phan Khôi (trên Đông tây, Trung lập, Phụ nữ tân văn) tham gia tranh luận về “quốc học”, đánh giá di sản học thuật Việt Nam trong quá khứ.
− Năm 1932, Phan Khôi (trên Phụ nữ tân văn) công bố bài thơ Tình già, kêu gọi đổi mới thơ ca, khởi đầu cho phong trào Thơ mới tiếng Việt.
− Từ 1928 đến 1933, Phan Khôi (trên Đông Pháp thời báo, Thần chung, Trung lập) thực nghiệm lối văn hài đàm với các “mặt nạ tác giả”, xây dựng một loại văn tiểu phẩm học từ báo chí Pháp nhưng vẫn đậm phong vị tản văn Á Đông, là tác giả trên dưới 1000 bài hài đàm với các bút danh Tân Việt, Tha Sơn, Thông Reo, để lại một bách khoa thư văn hoá về cái hằng ngày của đời sống.
● Năm 1933, Phan Khôi ra Hà Nội, viết cho Thực nghiệp dân báo, sau đó nhận lời với chủ báo Phụ nữ thời đàm, cùng Tế Xuyên đổi tờ này sang thể tài tuần báo, tiếp tục đề cập vấn đề phụ nữ với dư luận ngoài Bắc vốn bảo thủ hơn; tham gia tranh luận “duy tâm − duy vật”; duy trì tờ báo này được 26 tuần lễ.
● Năm 1935 Phan Khôi vào Huế làm chủ bút tờ Tràng An. Tháng 8.1936 được phép xuất bản tờ Sông Hương do chính ông sáng lập, duy trì tờ này được 37 số, sau đó bán lại cho nhóm cộng sản Phan Đăng Lưu.
● Năm 1937, ông vào lại Sài Gòn, dạy quốc văn và chữ Hán tại trường Chấn Thanh; đồng thời cộng tác gửi bài cho các báo ở Hà Nội: Hà Nội báo (1936-37), Đông Dương tạp chí (1937-38); Dư luận (1938), Thời vụ (1938-39), Tao đàn (1939), Phổ thông bán nguyệt san (1939)… Năm 1941, trường Chấn Thanh từ Sài Gòn chuyển về Đà Nẵng; Phan Khôi về làng Bảo An sống với gia đình.
● Trong năm 1945, Phan Khôi từ chối khi được Nguyễn Bá Trác đến vận động tham gia chính phủ thân Nhật mà Trần Trọng Kim đang thành lập; ông cũng không mặn mà với đại diện tổ chức phản đế là Hoàng Phê đến vận động; ông chỉ nhận lời một cách hờ hững với tổ chức Quốc dân đảng (do Phan Bá Lân đến vận động nhiều lần), nhưng không hoạt động gì.
Sự kiện Việt Minh cướp chính quyền ở Quảng Nam và trong cả nước là bất ngờ đối với Phan Khôi, ông ngạc nhiên khi biết ngay trong gia đình có người của Việt Minh (em trai ông là Phan Bôi, con trai ông là Phan Thao…). Được mời dự mít tinh mừng thàmh lập nước ở tỉnh Quảng Nam, ông lên diễn đàn tỏ ý tán thành độc lập dân tộc nhưng không đồng tình đi con đường cộng sản vì theo ông nó sẽ khiến kinh tế lạc hậu, dân trí thấp kém.
● Tháng 10.1945, chính quyền mới ở tỉnh Quảng Nam mời ông ra Hà Nội, theo chỉ thị triệu tập của Chính phủ. Khi cuộc kháng chiến nổ ra trong cả nước, từ Hà Nội ông tản cư lên Việt Bắc, làm công tác nghiên cứu và dịch thuật trong cơ quan hội Văn nghệ Việt Nam.
● Năm 1955 trở về Hà Nội, ông làm việc trong hội Văn nghệ Việt Nam.
Năm 1956, ông được bộ Văn hoá và hội Văn nghệ Việt Nam cử đi Trung Quốc dự kỷ niệm 20 năm (1936-56) ngày mất Lỗ Tấn (1881-1936); ông có bài phát biểu tại lễ kỷ niệm.
Năm 1957 Phan Khôi tham gia đại hội thành lập Hội nhà văn Việt Nam.
● Trong hai năm 1956, 1957 Phan Khôi có một số bài viết đăng trên các tập Giai phẩm (nhất là bài Phê bình lãnh đạo văn nghệ) của Nxb Minh Đức. Ông đứng tên làm chủ nhiệm báo Nhân văn (1956) và đăng một số bài trên báo này. Khi tờ Nhân văn bị đóng cửa, ông có một số bài đăng tuần báo Văn (của Hội Nhà văn Việt Nam, 1957-58) bị đương thời xem như những biểu hiện tư tưởng tiêu cực và có tính phá hoại.
● 11 giờ trưa ngày 16.1.1959 (mồng 8 tháng Chạp năm Mậu Tuất) tại số nhà 73 phố Thuốc Bắc, Phan Khôi nằm quay mặt vào tường lặng lẽ trút hơi thở cuối cùng, thọ 72 tuổi. Ông được mai táng tại nghĩa trang Hợp Thiện, Hà Nội; trong những năm 1970-80, phần mộ ông đã bị thất lạc.
***
Khoảng thời gian hoạt động rực rỡ nhất trong đời Phan Khôi, "làm cho Phan Khôi trở thành Phan Khôi", kéo dài từ năm 1928 đến năm 1939. Trong khoảng thời gian này, toàn bộ các bài viết của ông đều được đăng trên báo chí với các đề tài rất đa dạng: cổ học Trung Quốc và Việt Nam; văn hóa, văn học và chính trị Trung Quốc đương đại; khảo cứu lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ và văn học Việt Nam, phê phán chính sự đương thời,… Đặc biệt Phan Khôi là người khởi động hoặc tham gia hàng loạt các cuộc tranh luận trên báo chí về khá nhiều vấn đề học thuật có tính cơ bản và lâu dài, gắn với sự phát triển của tư tưởng, văn học và xã hội Việt Nam thế kỷ XX.
Các tác phẩm của Phan Khôi đã in thành sách:
-- Chương Dân thi thoại (1936; đã tái bản 1996)
-- Trở vỏ lửa ra (1939)
-- Một vài nhận xét trong tiếng ta theo chữ Nôm (1949)
-- Tìm tòi trong tiếng Việt (1950)
-- Chủ nghĩa Mác và ngôn ngữ học (dịch của Xit-ta-lin, 1951)
-- Thù làng (truyện, dịch của Mã Phong, 1952)
-- Ánh lửa đằng trước (truyện, dịch của Lưu Bạch Vũ, 1954)
-- Việt ngữ nghiên cứu (1955; đã tái bản 1997)
-- Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn (dịch, 1955)
-- Phân tích vần quốc ngữ (1956)
-- Tuyển tập tạp văn Lỗ Tấn (dịch, 1956)
-- Tuyển tập tiểu thuyết Lỗ Tấn, tập II (dịch, 1957)
Vựng biên các tác phẩm của Phan Khôi do hậu thế thực hiện:
-- Tác phẩm đăng báo 1928 (Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn; in 2003)
-- Tác phẩm đăng báo 1929 (Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn; in 2005)
-- Tác phẩm đăng báo 1930 (Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn; in 2006)
-- Tác phẩm đăng báo 1931 (Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn; 2007)
-- Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn (Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn; in 2007).
Tác phẩm viết về Phan Khôi đã in thành sách:
-- Phan Thị Mỹ Khanh: Nhớ cha tôi Phan Khôi, Đà Nẵng:2001.
-- Vu Gia: Phan Khôi, tiếng Việt, báo chí và thơ mới, Tp. HCM: 2005.
Trở lại Hồ sơ Phan Khôi
25-10-07