Hiển thị các bài đăng có nhãn Henry Miller - Thời của những kẻ giết người (4). Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Henry Miller - Thời của những kẻ giết người (4). Hiển thị tất cả bài đăng

19/7/10

Henry Miller - Thời của những kẻ giết người (4)

Henry Miller
Thời của những kẻ giết người - Nghiên cứu về Rimbaud
Nguyễn Hữu Hiệu dịch


Chẳng có gì lạ lùng khi thế kỷ mười chín qui tụ toàn những khuôn mặt ma quỷ xuất chúng. Người ta chỉ cần nghĩ tới Blake, tới Nerval, Kierkegaard, Lautréamont, Strindberg, Nietzsche, Dostoievsky – toàn những khuôn mặt bi thảm, và bi thảm theo một ý nghĩa mới. Tất cả đều lo âu tới vấn đề linh hồn, sự bành trướng của ý thức và sự sáng tạo những giá trị luân lý mới. Ở giữa trục xe, nơi phát quang những khoảng chân không, Blake và Nietzsche ngự trị như hai vì sao song đối sáng loà, thông điệp của họ hãy còn mới lạ đến nỗi chúng ta nghĩ về họ như những kẻ cuồng điên [1] . Nietzche sắp xếp toàn bộ giá trị hiện hữu, Blake tạo ra một vũ trụ khai lịch luận mới. Rimbaud gần gũi cả hai theo nhiều cách. Chàng tựa như một tinh đẩu mới đột ngột xuất hiện sáng rực lên một cách khủng khiếp rồi lao thẳng vào trái đất. (“Et je vécus étincelle d’or de la lumi’ere nature.”) Giữa lòng bóng tối dày đặc của lòng mẹ, mà chàng sục sạo tìm với cùng sự tàn bạo chàng vận dụng trước kia để tìm ánh sáng thiên đàng, chàng biến hoá thành Radium. Bản chất của chàng là một chất liệu nguy hiểm khó sờ bằng tay; nó là một thứ ánh sáng tan biến khi không phát huy hay chiếu sáng. Như một vì sao, chàng bay lượn quá gần quỹ đạo của trái đất. Không bằng lòng dải ánh sáng rực rỡ của mình lên trên trái đất, chàng bị hấp dẫn một cách hung hiểm không thể tránh khỏi bởi sự phản chiếu của chính bóng hình mình trong tấm gương chết của cuộc đời. Chàng muốn chuyển hoá ánh sáng của chàng vào sức mạnh phát quang; việc này chỉ có thể thành tựu bởi một sự rơi ngã. Ảo tưởng này mà những nhà đạo học Đông phương gọi là vô minh hơn là tội lỗi, làm tỏ lộ sự hỗn độn giữa lãnh vực nghệ thuật và đời sống đã cùm kẹp những con người của thế kỷ Mười chín. Dường như tất cả những đầu óc lớn của thời hiện đại đã tranh đấu để tự làm mất từ lực của chính mình. Tất cả đều bị tan biến bởi những tiếng sấm sét của thần Jupiter. Họ giống như những nhà phát minh, sau khi phát minh ra điện, không hiểu gì về sự cách điện. Họ được dẫn dắt tới chỗ điều hoà với một sức mạnh mới đang bị xuyên thủng, nhưng những cuộc thí nghiệm của họ dẫn tới thảm hoạ.

Tất cả những người này, và Rimbaud là một trong số đó, là những nhà phát minh, những nhà làm ra luật, những chiến sĩ, những kẻ tiên tri. Họ tình cờ là những thi nhân. Sự phong phú dạt dào của tài năng họ, đi đôi với sự kiện thời đại chưa đủ trưởng thành để tiếp đón họ, hợp lại để tạo ra một hoàn cảnh thất bại và tiêu vong theo một ý nghĩa sâu xa, họ là những kẻ tiếm đoạt, số phận dành cho họ khiến chúng ta nhớ tới những nỗi thống khổ của những nhân vật chính trong bi kịch Hi Lạp xưa. Họ bị săn đuổi và hạ thủ bởi những thần phẫn nộ mà, theo cách nói hiện đại, là những chứng điên cuồng. Đó là cái giá con người phải trả khi hắn toan nâng cao mức độ thần thông của những vị thần thánh của hắn, khi hắn toan sống hoà hợp với những pháp điểm mới trước khi những vị thần thánh mới được rào an ninh. Dĩ nhiên những vị thần này luôn luôn chỉ là sự phóng chiếu của những năng lực nội tâm phấn khích của con người. Họ tượng trưng cho yếu tố ma thuật kỳ diệu trong sự sáng tạo; họ đui mù và say sưa bởi họ xé rách bóng tối nơi họ xuất phát. Baudelaire đã diễn tả điều đó từ đáy sâu kinh nghiệm chua xót của chính ông, như sau khi ông viết: “En effet il est d’efendu à l’homme, sous peine de déchéance et de mort intallectuelle, de de’ranger les conditions primordiales de son exystence et de rompre l’équilibre de ses feculte’s avec les milieux òu elles sont destine’es à se mouvoir, de de’ranger son destin pour y substituer une fatalites d’un genre nouveau…”

Tóm lại, kẻ mơ mộng phải bằng lòng mơ mộng, tin tưởng rằng “tưởng tượng tạo ra thực thể”. Đó là chức phận của thi nhân, chức phận cao cả nhất bởi nó đưa hắn tới cái chưa biết, tới giới hạn của sáng tạo. Những bậc thầy bao giờ cũng ở trên sự quyến rũ của sáng tạo; họ chuyển vận trong lư hoả thuần thanh của hữu thể. Họ đã chấm dứt với biến dịch; họ đã thể nhập chính họ vào lòng sự sáng tạo, thể hiện con ngừơi toàn diện và sáng láng với ánh sáng rực rỡ của bản thể linh thánh. Họ đã tự hoá thân tới điểm mà họ có việc phát huy ánh sáng của thần tính họ.

Kẻ được tuyển chọn, tinh thông lão luyện ở bất cứ nơi nào cũng an nhiên tự tại. Họ hiểu ý nghĩa của địa ngục nhưng không định vị nó ngay cả như một hiện hữu trần gian. Họ hân hưởng khoảng cách giữa một trạng thái hiện hữu khác. Nhưng những tinh thần tự do, những kẻ bị dày vò – sinh ra từ thời gian và nhịp điệu – chỉ có thể diễn dịch những trạng thái trung gian của họ như địa ngục mà thôi. Rimbaud đúng là một trong những kẻ đó. Sự chán chường dữ dội mà chàng trải qua là phản ảnh của nỗi trống vắng trong đó chàng sống – dù chàng tạo ra hay không nó vẫn vô hình vô thể. Có một điều có vẻ minh bạch, trong tương quan này là: chàng có thể khiến năng lực của chàng trở thành vô dụng. Đó là một chân lý cục bộ, chắc chắn như thế, nhưng chính cái khía cạnh này của chân lý mà con người văn hoá can dự. Đó là chân lý của lịch sử, có thể nói như vậy. Và lịch sử càng ngày càng có khuynh hướng trở nên đồng tính với thân phận con người.

Thỉnh thoảng, từ đáy sâu, dòng sông ngầm của cuộc đời, những tinh thần vĩ đại trong vóc dáng nhân loại được quăng lên; tựa những trụ điện báo trong đêm, báo trước hiểm nguy đe doạ trước mặt. Nhưng sự kêu gọi của họ vô ích đối với những “đầu tàu bị bỏ đi nhưng hãy còn bốc cháy” (những tinh thần hư nguỵ của thời đại) “chiếm đường rày trong một thời gian.” Sự đào luyện của những tâm hồn này, Rimbaud nói, theo hình ảnh tôi dùng, bắt đầu với tai ương. Chính cái không khí tai ương và thảm hoạ này thẩm thấu bình diện lịch sử của diễn dịch. Những khuôn mặt ma quỷ, bị ma ám bởi họ thấm nhiễm một nỗi đam mê vượt quá họ, là những tên lính canh không biết từ đâu xuất hiện trong những giờ đen tối nhất của đêm đen. Tiếng nói của họ là tiếng nói không ai thèm để ý đến.

Những đầm lầy của văn hoá Tây phương chờ đợi những trains de luxe trật đường rày trong đó những tinh thần kiêu ngạo của chúng ta an toạ thảnh thơi phóng ra những châm ngôn cũ rích. Rimbaud mô tả một cách sống động. “Tôi thấy rõ là những thiếu thốn bực bội của tôi đến từ sự thiếu thức thời của tôi rằng chúng ta thuộc về thế giới Tây phương. Những đầm lầy Tây phương!” Rồi chàng vội thêm: ”Non que je croie la lumìere altérée, la forme exténuée, le mouvement égaré…” (Chàng không phải là kẻ bị lịch sử lừa phỉnh, người ta nhận xét). Trong câu kế tiếp, như thể chàng đã biết số phận của mình tự thiên thu, chàng nói:” L’esprit est autorité, il veut que je sois en. Occi dent”

Đôi khi, trong cuộc tạm trú tại vực sâu, chàng nhận xét, hoàn toàn như thể chàng bị xao động trong giấc ngủ - “C’est la vie encore!” Vâng, đó chính là cuộc đời, không còn nhầm lẫn gì nữa. Nhưng có điều đó là mặt trái của đồng tiền hai mặt. Và chàng là kẻ, mặc dầu chàng phát biểu một cách nhạo báng, song le đã thủ hữu được chân lý, phải cam chịu nó, thấu suốt nó. Chẳng còn cuộc đời nào khác đối với chàng… chàng lựa chọn nó từ bên kia mộ huyệt. Mọi yếu tố của tâm tính chàng đã nằm sẵn đó từ khi chàng mới chào đời; những yếu tố đó cho định mệnh chàng mượn đặc tính độc nhất của sự hấp hối của chàng. Chàng sẽ đau khổ không những bởi cha mẹ chàng muốn vậy, không những thời đại bắt buộc chàng phải đau khổ, chàng sẽ đau khổ bởi toàn thể tiến trình qua đó tinh thần con người đã đi qua. Chàng đau khổ chính bởi tinh thần con người đang trong lao khổ. Chàng sẽ đau khổ như chỉ hạt mầm mới đau khổ thế khi nó rơi xuống mảnh đất cằn khô.

Trong ánh sáng của những suy tư này, làm sao phần thứ hai của cuộc đời chàng phải hiện ra bí ẩn và ly kì hơn phần đời thứ nhất? Phải chăng định mệnh con người không do tính tình định đoạt? Chúng ta trở thành hiện thể của chúng ta, nếu không tất cả chỉ là trò chơi của tình cờ. Những rencontres ngẫu nhiên, những tai biến lạ lùng của số phận, làm nên ý nghĩa siêu phàm. Con người luôn luôn nhất trí với mình, ngay cả khi vào những giây phút bất ngờ trong một cuộc sống đáng ca ngợi khác hắn thình lình phạm một tội ác khủng khiếp. Rất thường khi, phải thế chăng, con người đức hạnh gương mẫu nhất lại phạm những tội ác đáng ghê tởm nhất.

Rimbaud liên tục kêu gọi người ta chú ý tới những nét xấu xa của chàng. Chàng nhấn mạnh những nét đó, đúng thế. Khi trước kia tôi nói rằng nửa phần đời sau của chàng là một cuộc đóng đinh trên cây thập tự, tôi muốn nói theo ý nghĩa rằng chàng đã thả lỏng những xung đột của chàng. Tôi không nói về những tính chất ngoại hạng của chàng, bởi chúng có thể cưu mang chàng qua bất kỳ một cuộc thử thách nào, mà bởi sự kiện chàng đầu hàng với những bản năng của mình. Với Rimbaud sự đầu hàng này gọi là nhường ngôi thoái vị: những con chiến mã bất trị đã chiến thắng yên cương. Biết bao việc giờ đây phải làm để tìm cho ra con đường ngay! Công việc vô cùng tận. Đôi khi dường như chàng chẳng là một con người khác bao nhiêu, như một con người vô mục đích. Thi sĩ vẫn tiếp tục biểu lộ mình, khác chăng là bằng những kiểu mẫu lạ lùng của những nẻo đường vô sở cứ kì dị của chàng. Hãy xem những nơi chốn chàng tự cho phép mình vướng mắc vào, chàng ra vào hầu hết mọi hải cảng châu Âu, đâm bổ đi nay đây mai đó – Chypre, Nauy, Ai Cập, Java, Ả Rập, Abyssinie. Hãy nghĩ tới những cuộc đeo đuổi, nghiên cứu, suy nghĩ khảo sát của chàng! Tất cả đều mang dấu hiệu “ngoại quốc”. Những kì công của chàng táo bạo và không có đặc hứa trạng cũng như những cuộc chạy trốn đầy thi tính của chàng. Cuộc đời chàng chẳng bao giớ tầm thường, dù có vẻ tẻ nhạt và đau buồn đối với chàng. Chàng ở giữa lòng cuộc đời, người thư kí trong văn phòng nghĩ vậy. Vâng, nhiều công dân vững mạnh, chứ đừng nói tới những thi sĩ, sẵn sàng cho đi một tay hay một chân nếu họ có thể bắt chước cuộc sống phiêu lưu của Rimbaud. Nhà bệnh lý học có thể gọi nó là “bệnh xê dịch”, nhưng đối với kẻ quanh quẩn xó nhà thì nó giống như một diễm phúc tuyệt vời. Dĩ nhiên đối với người dân Pháp quốc chí thú chăm bón hoa viên, nó không phải giống như bệnh mất trí hoàn toàn. Cuộc tour du monde [2] với cái dạ dày trống không này hẳn phải khủng khiếp lắm. Nó còn có vẻ điên khùng, khủng khiếp hơn nữa nếu họ biết rằng chàng đã mắc bệnh kiết lỵ vì lúc nào cũng mang trong hầu bao 40.000 quan vàng. Bất cứ việc gì chàng làm cũng đều có vẻ kỳ cục, dị thường, noui. Cuộc hành trình của chàng là một ảo tưởng liên tục không đứt đoạn. Vâng, có những yếu tố đam mê và tưởng tượng trong đó mà chúng ta ngưỡng mộ trong văn phẩm chàng, không còn nghi ngờ gì nữa. Nhưng còn có một vẻ lạnh lẽo xung quanh hành động của chàng, giống hệt như trong hành vi của chàng với tư cách một thi sĩ. Ngay cả trong thi ca cũng có ngọn lửa lạnh lẽo này, thứ ánh sáng không hơi ấm này. Đó là một yếu tố mà mẹ chàng đã cho chàng và làm trầm trọng thêm bởi thái độ của bà đối với chàng. Đối với bà, bao giờ chàng cũng khó lường truớc, trò tiêu khiển u sầu của một cuộc hôn nhân không tình yêu. Dù chàng tranh đấu thế nào mặc lòng để tách mình ra khỏi quỹ đạo cha mẹ thì bà vẫn ở đó như một khối đá nam châm đẩy chàng lại phía sau. Chàng có thể giải phóng chàng khỏi những nợ nần khẩn cầu của thế giới văn chương nhưng chẳng bao giờ thoát khỏi bà mẹ. Bà là vì sao đen hấp dẫn chàng một cách tai hại. Tại sao chàng không quên bà hoàn toàn như chàng quên tất cả những kẻ khác, hiển nhiên bà là móc mối của quá khứ mà chàng chẳng thể từ bỏ. Quả thực, bà trở thành dĩ vãng. Dường như cha chàng cũng có máu giang hồ phiêu bạt và cuối cùng, ngay cả khi Rimbaud ra đờ,i ông lang bạt biệt tích mãi mãi. Nhưng đứa con, mặc dù lang thang phiêu bạt để tới góc bể chân trời nào, cũng không thực hiện được sự dứt bỏ này, và giống như cha mà chàng đồng nhẩt giống nhất hai giọt nước, chàng tiếp tục gia tăng nỗi bất hạnh của mẹ. Và do đó chàng lang thang. Chàng lang thang và lang thang cho đến khi chàng đi đến tận xứ miền của kẻ chăn chiên “nơi những con bò u mơ mộng, vùi mình xuống cỏ mọc cao lên tới yếm.” Ở đó chàng cũng mơ mộng nữa, tôi chắc chắn cũng như vậy, nhưng cũng giấc mơ ấy là giấc mơ huy hoàng hay cay đắng thì chúng ta không thể biết được. Chàng không ghi lại nữa, chàng chỉ cho chúng ta những ghi chú bên lề - huấn lệnh, thỉnh nguyện yêu cầu, than phiền. Phải chăng chàng đã đi tới chỗ không cần ghi lại những mơ mộng của mình nữa? phải chăng hành động đã thay thế cho mơ mộng? Những câu hỏi này còn được đặt ra muôn đời. Chỉ có một điều duy nhất rõ rệt – chàng chẳng biết vui là gì. Chàng vẫn còn bị ám ảnh, vẫn còn bị lôi cuốn. Chàng không chịu bỏ rơi sứ mệnh của kẻ sáng tạo để phơi mình ra ánh sáng. Chàng tràn trề năng lực của một kẻ “mà trung tâm ngừng nghỉ” [3]

Vậy thì phải chăng bí mật nằm trong sự kiện đó ? Chắc chắn không nằm trong hành vi bên ngoài của chàng bởi ngay trong một sở thích ngông cuồng nhất thời chàng vẫn nhất trí với chính mình. Ngay cả khi chàng mơ ước một ngày kia có một đứa con trai, một đứa con trai phải trở thành một kỹ sư (sic), chúng ta vẫn có thể theo dõi chàng. Chắc chắn, ý tưởng đó hơi bonleversante, nhưng chúng ta vẫn có thể nuốt nổi. Chàng đã sửa soạn cho chúng ta chờ đợi bất cứ điều gì nơi chàng đó sao? Chàng cũng chẳng đầy nhân tính đó sao? Chàng không có quyền đùa giỡn với những ý niệm hôn nhân, phụ tử và những ý niệm tương tự sao? Thi nhân, kẻ đã có thể đi săn voi, kẻ đã có thể viết thư về gia đình đòi gửi cho một cuốn chuyên thư “Lý thuyết và thực hành về ngành thám hiểm” một người có thể nghĩ đến chuyện đệ trình một bài khảo cứu về bộ lạc Galla tới Hội nghiên cứu địa lý, thì có gì đáng ngạc nhiên lắm đâu cũng khao khát một bà vợ da trắng và một đứa con theo ý riêng? Người ta ngạc nhiên khi thấy chàng đối xử với người tình Abyssinie một cách vô cùng lịch sự. Vậy thì tại sao không khẩn cầu? Có điều lạ lùng là tại sao chàng phải quá lịch sự, trang nhã, ân cần tử tế nữa… phải thỉnh thoảng làm điều tốt lành, như chàng nói? Chúng ta hãy nhớ lại lời nói của Shylock!

Không, điều khó nuốt, điều dính chặt như một cục bưỡu nơi cổ họng, là sự khước từ nghệ thuật của chàng. Đó chính là nơi Monsieur Tout-le-monde bước vào. Đó là tội ác của chàng, như chúng ta thường nói. Tất cả mọi lỗi lầm, tật xấu, sự quá đáng của chàng chúng ta có thể tha thứ hết – trừ điều đó. Đó là một điều sỉ nhục không thể tha thứ được n’est-cd pas ? Ở đây chúng ta phản bội chúng ta biết chừng nào! Tất cả chúng ta đều muốn bỏ đi một thời gian, có phải thế không? Chúng ta chán chê, thất vọng với toàn thể tác phẩm nhưng chúng ta vẫn đeo đuổi. Chúng ta đeo đuổi bởi chúng ta thiếu can đảm, óc tưởng tượng để theo đuổi lời thỉnh nguyện. Chúng ta không đeo đuổi vì cảm tình liên đới. À không! Tình liên đới là một huyền thoại – ít nhất là trong thời đại chúng ta. Tình liên đới dành cho bọn nô lệ chờ đợi cho đến khi thế giới trở thành một bầy sói khổng lồ rồi lập tức chúng sẽ vồ chụp lấy tất cả chẳng trừ một mống nào, và xé nát tựa những con mãnh thú đố kị. Rimbaud là một con sói cô độc.Tuy nhiên chàng không lén lút theo cửa sau lẻn ra với cái đuôi không cúp xuống. Không! Không đời nào. Chàng chế nhạo phái Thi sơn – và quan toà, mục sư, giáo học, những nhà phê bình, những tên cai nô lệ, những tên giàu sụ và những tên lang băm khoác lác, những kẻ đã tạo nên xã hội văn hoá lẫy lừng của chúng ta. (Bạn chớ tự phỉnh phờ mình rằng thời đại chàng tồi tệ hơn thời đại chúng ta! Chớ tưởng trong một giây phút nào rằng những tên bủn xỉn, dở người và sài lang này, những tên thiên tài giả mạo trên mọi bình diện này ngày nay đã tuyệt diệt mà lầm to! Đó là vấn đề của các bạn cũng như của chàng) Không, như tôi đã nói, chàng không bao giờ lo lắng không được chấp nhận… chàng khinh bỉ sự thoả mãn nhỏ mọn mà đa số chúng ta thèm khát. Chàng thấy rằng đó chỉ là một đống nhớp nhúa bầy nhầy, rằng trở thành một kẻ huênh hoang lừng lẫy cũng chẳng đưa chàng tới đâu. Chàng không muốn sống, chàng muốn nhiều chỗ hơn nữa, nhiều tự do hơn nữa: chàng muốn tự biểu lộ mình, dù sao cũng mặc. Và do đó chàng nói: “Tiên sư mày! Tiên sư tất cả tụi bay!” Rồi chàng mở khuy quần và đái lên trên tác phẩm – từ một nơi thật cao, như Céline có lần đã làm. Việc đó, hỡi những kẻ nô lệ thân mến của cuộc đời, quả thực không thể tha thứ được, phải thế chăng? Đó là tội ác, đúng không? Rất đúng, chúng ta hãy tuyên án “Rimbaud, mi bị lên án là có tội. Mi sẽ bị chém đầu tại công trường nhân danh những nghệ sĩ bất mãn của xã hội văn minh” Vào giây phút đó, tôi không nghĩ tới niềm hoan lạc mà đám đông bao giờ cũng đem theo ùa về phía máy chém, nhất là khi có một nạn nhân “lựa chọn”, tôi lại nhớ tới những câu của “Kẻ xa lạ” trong cuốn tiểu thuyết của Albert Camus – và tôi biết thế nào là một tâm hồn bị xua đuổi. Tên procureur đã đặt những câu hỏi hùng hồn với đám khán giả dự phiên toà lên án “ác quỉ” này như sau: “A-t-il seuleme’nt exprime’ des regrets? Jamais, meissieurs, pasune seule fois au cours de l’instruction cet homme n’a paru e’mu de son abominable forfait”. (Lưu ý luôn luôn là tội ác đích thực… không bao giờ là chính tội ác). Và rồi, tới chỗ này nạn nhân tiếp tuc độc thoại nội tâm… “A ce moment, it s’est tour- né vers moi et m’a désigné du doight en con ti nuant à m’ac cabler sans qu’en réalité je comprenne bien pourquoi. Sans doute je ne pouvai pas m’empêcher de reconnaitre qu’il avait raison.je ne regrettaispas beaucoup mon acte Mais tant d’ acharnement m’ étonnait J’aurais voulu essayer lui expliquer cordialement, presque avec affec- tion, que je n’avais jamais du regretter vraiment quel-que chose. J’étais toujours pris par ce qu’il allait arri-ver, par aujourd’hui ou par demain. Mais naturelle- ment, dans l’e’tat òu l’on m’avait mis, je ne pouvais parler à personne sur ce ton. Je n’avais pas le droit de me montrer affectueux, d’avoir de la bonne volonté. Et j’ai essaýe d’écouter en core parce que le procureur s’est mis à parler de mon âme”.

Trong giai đoạn mang tên ”Sự sáng tạo của thi sĩ” trong tác phẩm Hề và thiên thần, Wallace Fowlie nhấn mạnh trên khía cạnh tối thượng của con người Rimbaud khiến chàng tách biệt, theo ý tôi đánh dấu tính cách anh hùng của nhà thơ. Ông viết: ”Thiên tài vừa là chủ vừa là nô lệ của sự im lặng. thi sĩ không những chỉ hiện hữu trong chữ nghĩa mà dưới đó chàng kí tên mình, và còn cả trong khoảng trắng trên trang giấy. Sự lương thiện của chàng nguyên vẹn, và Rimbaud sống nguyên vẹn một cách huy hoàng”.

Cách Rimbaud dùng chữ “nguyên vẹn” rất đáng lưu ý. “Les criminels dégoutent comme des chotrés; moi, fe suis intact, et cam’est égal”. Chàng thấy chủ và nô lệ, quan toà và kẻ tội phạm, kẻ phản kháng và kẻ thủ cựu đều mang một cái ách giống nhau: đó là Địa ngục của họ, bị xiềng xích vào lẫn nhau dưới ảo tưởng là họ khác biệt nhau. Thi sĩ cũng ở trong tình trạng bất như ý đó, chàng ám chỉ vậy. Hắn cũng bị trói buộc, tinh thần hắn không được tự do, trí tưởng tượng của hắn không bay bổng tuyệt vời. Do đó Rimbaud từ chối nổi loạn, chàng chỉ khước từ. Dù chàng không có ý muốn như thế, nhưng đó là cách chắc chắn nhất khiến người ta nhận ra ảnh hưởng của chàng. Bằng cách duy trì một sự im lặng tuyệt đối chàng khiến cho người ta cảm thấy sự hiện diện của chàng. Sự việc đó gần giống như kỹ thuật của thánh nhân. [4] Nó có hiệu quả hơn khua chiêng gõ mõ ầm ĩ. Thay vì trở thành một tiếng nói khác, thi sĩ trở thành chính tiếng nói – tiếng nói của im lặng.

Trong khi bạn đang ở trong thế giới là một thành phần của thế giới, hãy nói lên lời nói của bạn, rồi khép bẫy lại mãi mãi! Nhưng chớ hàng phục, chớ cúi đầu! hình phạt? đày ải. Tự đày ải, bởi người ta đã khu trục thế giới. Phải chăng đó là một định mệnh khủng khiếp? Nó là một định mệnh khủng khiếp chỉ khi nào người ta khao khát ánh sáng danh vọng. Cũng phải có những kẻ ngự trị trong im lặng và trong bóng tối. Thế giới được tạo nên bởi những đối kháng nhị nguyên, trong lãnh vực tinh thần cũng như lãnh vực vật chất. Tội lỗi cũng có chỗ rộng rãi thánh thiện, bóng tối cũng như ánh sáng. Luôn luôn là bóng hình và thực thể. Với con người thần thánh, thế giới hoàng hôn không thể lưu trú được, bởi đó là lãnh vực của rối loạn. Chính trong khu vực này mà Nietzsche đã đập những thần tượng đổ. Trong khu vực này Thượng đế cũng như quỉ Satan chẳng thể được nhận ra. Đó là thung lũng của tử thần mà tinh thần qua lại, khoảng ngừng nghỉ tối tăm trong đó con người mất liên lạc với vũ trụ. Đó cũng chính là “Thời của những kẻ giết người”. Con người không còn rung động vì hứng khởi phấn khích họ đau đớn quằn quại ganh ghét và thù hận. Không có phần ứng điện, họ không biết nhìn nhận một sự căng thẳng nào, họ chỉ biết phản động, con người Trung cổ nhìn nhận Hoàng tử của Bóng tối và tôn kính những sức mạnh tội lỗi. Nhưng con người thời Trung cổ còn nhận ra và công nhận Thượng đế nữa. Do đó cuộc đời họ say mê và thịnh vượng tròn đầy. Ngược lại, cuộc sống con người thời hiện đại xanh xao và trống rỗng. Những sự kinh hoàng mà hắn biết vượt xa bất cứ kinh hoàng nào mà những con người thời đại trước biết tới bởi hắn sống trong một thế giới không thực, bị bủa vây bởi những bóng ma. Hắn không có cả những khả năng hưởng niềm vui hay giải phóng rộng mở cho những kẻ nô lệ của thế giới cổ xưa. Hắn trở thành nạn nhân của sự trống rỗng nội tâm của hắn; sự dày vò của hắn là sự dày vò của nghèo nàn kiệt quệ. Amiel, người biết quá rõ thời đại này và cũng là một “nạn nhân” của nó, đã cho chúng ta một bản trần thuật về ”sự kiệt quệ của thiên tài”. Đó là một trong những câu có tính cách báo động nhất mà con người có thể thốt ra. Nó có nghĩa là tận thế đã gần kề…

Nói về tận thế, tôi không thể không nhớ tới những câu của Amiel khi ông đề cập tới sự kinh tởm mà bút pháp của Taine đã khơi dậy trong ông. ”Nó không gợi ra bất cứ một cảm xúc nào; nó chỉ là một phương tiện thông tin. Tôi tưởng tượng thứ văn chương này có thể sẽ là văn chương tương lai – một thứ văn chương à l’ame’ricaine [5] , khác xa nghệ thuật Hy lạp, cho chúng ta số học thay vì sống, công thức thay vì hình ảnh, cơn giận thoảng qua thay vì sự điên cuồng thần thánh của thần Apollon. Viễn tượng lạnh lẽo sẽ thay thế những nỗi hân hoan của tư tưởng và chúng ta sẽ chứng kiến cái chết của thi ca, bị lột da và mổ xẻ bởi khoa học”.

Trong trường hợp có một cuộc tự tử, chúng ta không quan tâm kẻ đó chết nhanh chóng hay chết bằng một cái chết diên trì, sự hấp hối của hắn dữ dội hay sơ sơ thôi. Chính hành động mới quan trọng đối với chúng ta bởi đột nhiên chúng ta phải nhận thức rằng hiện hữu hay không hiện hữu là những hành động – chứ không phải là tự động từ! – khiến cho cuộc sống và cái chết đồng nghĩa với nhau. Hành động tự sát luôn luôn gây một hiệu quả chấn động; nó lay chuyển chúng ta trong giây lát vào trong ý thức. Nó khiến chúng ta nhận thức được rằng chúng ta đui mù và chết chóc. Đặc trưng biết bao cái thế giới bị chế ngự bởi bệnh hoạn của chúng ta khi luật pháp phải nhắm tới những toan tính này bằng một sự nghiêm túc giả đạo đức! Chúng ta chẳng muốn được nhắc nhở về điều chúng ta bỏ dở; chúng ta sợ hãi co rúm lại khi nghĩ rằng từ bên kia nấm mồ ngón tay của kẻ đào thoát sẽ mãi mãi chỉ thẳng vào chúng ta.

Rimbaud là sự tự sát sống động. Đó là điều không thể chịu nổi đối với chúng ta. Theo lẽ ra chàng có thể kết thúc sự tự sát ấy vào năm mười chín tuổi, nhưng không, chàng kéo dài nó ra, chàng bắt chúng ta chứng kiến, qua sự cuồng dại của một cuộc đời lãng phí hư hao, cái chết sống động mà tất cả chúng ta đều phải gánh chịu. Chàng hoạt kê sự cao cả của chàng đến nỗi chúng ta có thể chửi rủa những nỗ lực cỏn con của chúng ta nhiều hơn nữa. Chàng làm việc quần quật như một tên mọi đen, đến nỗi chúng ta có thể ham thích cuộc sống nô lệ mà chúng ta đã chấp nhận. Tất cả những đặc tính mà chàng tỏ lộ trong cuộc phấn đấu với đời năm mười tám tuổi là những đặc tính được tạo ra “để thành công” như chúng ta nói ngày nay. Rằng chàng phải được tạo ra bằng thành công, một sự thất bại cay đắng như thế này là chiến thắng của chàng. Nó đòi hỏi một lòng can đảm quỷ quái (ngay cả khi không chủ tâm) để khiến cho bằng chứng ấy có thể chứng minh được. Khi chúng ta thương xót chúng ta, thực tế, vì thiếu can đảm để noi gương chàng. Chúng ta không thể chịu đựng được quá nhiều cuộc rời bỏ hàng ngũ – có thể chúng ta sẽ bị mất tinh thần. Điều chúng ta muốn là trở nên nạn nhân của cuộc đời để hợp quần với nhau trong bĩ cực. Chúng ta biết rõ nhau, quá biết rõ nhau, chúng ta ghét lẫn nhau. Nhưng chúng ta tiếp tục giữ phép lịch sự của loài sâu bọ. Chúng ta cố gắng giữ lịch sự ngay cả khi chúng ta đang tàn sát lẫn nhau… đó là những chữ thông thường, có phải thế không? Những chữ đó sẽ được nhắc nhở bởi Lawrence, bởi Céline, bởi Malaquais – và nhiều người khác. Và những người dùng những chữ này sẽ bị chửi rủa là những kẻ phản bội, chủ trương đào thoát như những con chuột bỏ con tàu đắm. (Như thể những con chuột chưa hề tỏ ra cực kỳ thông minh!) Nhưng con tàu đang chìm đắm, không thể có hai lối thoát cho trường hợp này. Lawrence nói về điều ấy trong những bức thư thời chiến của ông, và trong khi viết về cuốn Moby Dick nữa…On va òu l’on pe’se, St. Exupe’ry tuyên bố như vậy trong những trang cảm hứng trong tác phẩm Pilote de Guerre của ông.

Chúng ta đang ở trên đường chìm đắm, không còn hồ nghi gì về điều đó, nhưng đâu là Con tàu cứu nạn sẽ mang chúng ta qua cơn Đại hồng thuỷ? Và nó sẽ được làm bằng chất liệu gì? Đối với những kẻ được lựa chọn hiển nhiên họ sẽ phải được tạo nên bằng tính chất khác hẳn những con người đã làm nên thế giới này. Chúng ta đang đi tới mạt kỳ và đó là một mạt kỳ khốc liệt đối mặt với chúng ta. Những sự báo trước truyền đạt bằng ngôn từ đã ngừng cảm kích chúng ta từ lâu. Đã tới lúc cần tới hành động, có thể hành động tự tử nữa, nhưng hành động thì mang đầy ý nghĩa.

Cử chỉ khước từ cửa Rimbaud đúng là một hành động đó. Nó chuyển hoán văn chương. Nó sẽ chuyển hoán cả cuộc đời? Tôi không tin. Tôi không tin bất cứ cái gì ngăn cơn sóng thuỷ triều lại đe doạ dìm đắm chúng ta. Tuy nhiên có một điều mà sự đi đến của chàng đã hoàn thành – nó chuyển hoá những kẻ nào trong chúng ta còn tin tưởng, còn hoài vọng tới tương lai, thành ”những mũi tên khao khát một bờ bến khác.”

Đối với con người, điều quan trọng liên quan đến sự chết là hắn có thể phân biệt nó với sự băng hoại. Người ta chết vì một điều gì đó, nếu hắn chết bất cứ cách nào. Trật tự và hoà điệu khởi lên từ cõi hỗn mang nguyên thuỷ, như huyền thoại kể cho chúng ta, hoà trộn cuộc đời chúng ta với mục đích ở trên chúng ta, một mục đích mà chúng ta sẽ hiến mình cho khi chúng ta viên thành ý thức chúng ta. Sự dâng hiến này được thể hiện trên lễ đài sáng tạo. Cái chúng ta sáng tạo ra bằng tay và lưỡi vô giá trị, chỉ cái chúng ta sáng tạo ra bằng cuộc đời chúng ta mới đáng kể. Chỉ khi nào chúng ta khiến mình trở thành một phần của sự sáng tạo, lúc đó chúng ta mới bắt đầu sống.

Không phải cái chết mà chính là sự sống thách thức chúng ta ở mỗi bước đường. Chúng ta đã tôn kính những kẻ ngấu nghiến cái chết ad nauseam , nhưng còn về những kẻ chấp nhận sự thách thức của cuộc đời thì sao? Chúng ta tôn kính những người này bằng cách nào? Từ Lucifer tới Phản vương có một ngọn lửa đam mê bốc cháy mà con người luôn luôn tôn kính chừng nào hắn chỉ là một con người; chính vì chống đam mê, ngọn lửa của cuộc đời này, mà chúng ta phải đối kháng sự chấp nhận thanh thản của kẻ giác ngộ. Người ta phải đi qua ngọn lửa để biết thế nào là cái chết và ghì ôm nó. Sức mạnh của kẻ phản kháng, kẻ tội lỗi, nằm trong sự cứng cỏi của hắn, nhưng sức mạnh đích thực nằm trong sự tuân phục cho phép người ta dâng hiến cuộc đời mình, bằng lòng sùng kính, cho một cái gì vượt quá mình. Sức mạnh của kẻ này đưa tới cô lập bất lực, trong khi sức mạnh của kẻ kia đưa tới đoàn kết, sự phong phú bền lâu.

Nhưng đam mê luôn luôn có raison d’être [6] của nó, và lòng đam mê của kẻ sáng tạo, khiến cuộc sống của hẳn trên mặt đất thành một cuộc Đóng đinh trên cây Thập tự. Lòng đam mê đó lên đến cao độ của nó trong khổ nạn của một đấng Christ, kẻ nhập thể mọi nỗi thống khổ của con người. Lòng đam mê của thi sĩ là kết quả của viễn tượng của hắn, của khả năng nhìn cuộc đời trong tinh thể và toàn thể của nó. Một khi viễn tượng này tan tác hay xáo trộn, đam mê này sẽ trôi đi. Trong lãnh vực nghệ thuật chúng ta hoàn toàn đi tới tận cùng của đam mê. Dù chúng ta còn tiếp tục khu trục những vĩ nhân sáng tạo thì tác phẩm của họ vẫn còn nằm như những mộ chí ngả nghiêng giữa những huy hoàng hãy còn nguyên vẹn, hãy còn đứng thẳng của thời cổ xưa. Mặc dầu tất cả sức mạnh của nó, xã hội không thể chịu nổi nghệ sĩ nếu nó không thấu hiểu viễn tượng của nghệ sĩ. Trong một thời gian dài xã hội hoàn toàn không thèm để ý tới thông điệp của nghệ sĩ. Tiếng nói đi đến trong dửng dưng cuối cùng trở thành im lặng. Trước sự hỗn loạn của xã hội, nghệ sĩ trả lời bằng anaudia. Rimbaud là người thứ nhất tỏ thái độ. Tấm gương của chàng lôi cuốn chúng ta. Chúng ta đừng trông mong những đệ tử của chàng giữa những khuôn mặt văn nghệ của thời đại chúng ta, tốt hơn chúng ta nên tìm kiếm họ trong đám những kẻ tăm tối, lu mờ, giữa những người trẻ tuổi bị bắt buộc phải bóp chết thiên tài họ. Trước hết chúng ta hãy nhìn vào xứ sở Hoa Kỳ nơi thuế qua đường nặng nhất. Trong hình thức phản kháng mới này chúng ta dựa vào sự phá huỷ trứng nước. Đó là cách chắc chắn nhất để phá huỷ nền tảng toà lâu đài rung rinh của một xã hội ruỗng nát. Hiệu quả của nó mau lẹ và bền lâu hơn sự tàn phá tạo ra bởi Siêu pháo đài. Nếu thân phận của thi sĩ là không có nơi, không có phần, trong sự ra đời của một trật tự mới thì lúc đó hắn sẽ làm nó nổ tung ngay tại trung tâm. Sự đe doạ này không phải là tưởng tượng, nó có thực. Đó là khúc nhạc dạo đầu của một vũ khúc của thần chết khủng khiếp hơn vũ khúc của thần chết thời Trung cổ gấp bội.

Những tinh thần sáng tạo duy nhất của thời hiện đại đều là những kẻ có chất ma quỷ; trong họ hội tụ nguồn đam mê đang trôi dạt đi. Họ đã phát kiến lại dòng đời, bữa yến tiệc thời cổ mà Rimbaud đã tìm cách khôi phục lại sự thèm khát, nhưng phương tiện cảm thông của họ đã bị cắt bỏ. Con người không còn cảm thông nhau, đó là thảm kịch của thời hiện đại. Xã hội từ lâu đã ngừng là một cộng đồng, nó đã bị vỡ nát thành những khối nguyên tử bất lực bơ vơ. Cái duy nhất có thể kết hợp nó – sự hiện diện và sùng bái Thượng đế - thì lại thiếu xót.

Khi trong lúc thanh xuân, Rimbaud lấy phấn viết lên cửa nhà thờ:”Thượng đế chết đi!” chàng tự chứng tỏ gần gũi Thượng Đế hơn những sức mạnh thống trị Giáo hội. Sự kiêu căng và thách đố của chàng không bao giờ nhắm vào kẻ nghèo khó, bất hạnh, kẻ tín đồ chân chính; chàng đánh phá những kẻ thoán đoạt và giả hình, đánh phá tất cả những gì giả mạo, hư ảo, giả đạo đức và tiêu diệt đời sống. Chàng muốn trái đất lại – trở thành Thiên đàng như trước kia nó đã, như nó đang hiện hữu dưới tấm màn ảo tưởng và vô minh. Chàng hoàn toàn dửng dưng với cái Thiên đàng ma quỉ được định vị trong một cõi bên kia thần thoại. Ở đây và bây giờ bằng xương thịt, như những thành phần của một tập thể vĩ đại rực hồng với lửa sống – đó là cách chàng dự liệu Đại lễ Giáng sinh trên trần gian.

“On meaur pour cela don’t on peut vivre” [7] . Đây không phải chính lời chàng nói; nhưng ý nghĩa thì là ý nghĩa của chàng. Chết nằm trong chia cách, trong xa lìa sống động. Nó không có ý nghĩa đơn thuần là ngừng hiện hữu. Một cuộc đời vô nghĩa ở trên đời này sẽ chẳng có một chút ý nghiã nào trong cõi âm ti mai hậu. Tôi tin rằng Rimbaud hiểu rõ điều đó. Chàng chấm dứt đấu tranh trên một bình diện khác. Sự khước từ của chàng trong ý nghĩa này là một sự khẳng định. Chàng nhận thức rằng chỉ trong im lặng và bóng tối những yếu tố nghệ thuật mới có thể được phục hồi. Chàng tuân theo những luật tắc của hiện thể chàng tới cùng, đập tan mọi hình thể kể cả hình thể chàng. Ngay bước đầu văn nghiệp, chàng đã hiểu điều mà những người khác chỉ có thể hiểu cuối đường nếu có bao giờ, rằng ngôn từ thiêng liêng không còn hiệu năng nữa. Chàng nhận thức được rằng nọc độc của văn hoá đã biến đổi cái đẹp và chân lý thành xảo diệu và lường gạt. Chàng đặt cái Đẹp lên lòng và thấy nó cay đắng. Chàng từ bỏ nó. Đó là cách duy nhất chàng còn có thể tôn vinh nó. Có phải trong đáy sâu địa ngục chàng nói lại điều đó không? “Deserreurs qu’on me soufflle: magies, faux, parfums, musique pue’rile.” (Theo tôi thì đó là câu văn ám ảnh nhất, làm bối rối nhất trong tập Mùa địa ngục). Khi chàng khoe rằng chàng thủ đắc đủ mọi tài năng, chàng muốn nói – trên bình diện giả dối này! Hoặc – với “chiếc mặt nạ văn hoá dối trá” này. Dĩ nhiên, trong lãnh vực này, chàng là một bậc thầy. Nhưng đó là lãnh vực của rối loạn, thế giới Mamser. Nơi đây tất cả đều có giá trị ngang nhau và do đó vô giá trị. Bạn có muốn tôi huýt gió? Bạn có muốn một danse du ventre? Được lắm! Bạn muốn gì cũng được, cứ việc gọi tên ra!

Tất cả mọi điều mà Rimbaud nói trong tác phẩm của chàng nhằm đề cao chân lý này, là: ”chúng ta không sống giữa những sự kiện mà giữa những tư tưởng sâu xa và những biểu tượng.” Niềm bí ẩn cố hữu trong tác phẩm chàng thấm nhiễm cuộc đời chàng. Chúng ta không thể giải thích những hành động của chàng, chúng ta chỉ có thể cho phép chúng phát hiện điều chúng ta muốn biết. Chàng là một bí ẩn đối với chàng cũng như đối với những người khác, chàng bị huyền hoặc quá bởi chính những lời nói của chàng cũng như bởi cuộc sống sau này trong thế giới. Chàng kiếm tìm thế giới bên ngoài làm một nơi ẩn trốn. Một nơi ẩn trốn cái gì? Có lẽ ẩn trốn những kinh hoàng do sự sáng suốt đem lại. Chàng giống như một vị thánh đảo ngược lại. Với chàng ánh sáng tới trước, kế đó là tri thức và kinh nghiệm về tội lỗi. Tội lỗi là một sự bí ẩn đối với chàng; chàng phải khoác tội lỗi lên người, như những kẻ xưng tội ngày xưa tiếp nhận áo lông.

Chàng chạy đi, chúng ta nói. Nhưng có lẽ chàng chạy về phía một cái gì. Hiển nhiên là chàng tránh một thứ bệnh điên này chỉ để trở thành nạn nhân của một thứ bệnh điên khác. Chàng dãy dụa tìm lối ra tựa một người vùng vẫy với một cái áo quá chật. Chẳng bao lâu sau khi một thảm kịch xoay sang hướng khác thì một thảm kịch khác đã đuổi riết phủ vây chàng. Chàng là một người bị đánh dấu. “Chúng” theo đuổi chàng. Những cuộc chạy trốn đầy thi tính của chàng, tựa những giai đoạn tiến triển tiệm tiến của một trạng thái xuất thần liên tục, song song với những cuộc chạy trốn vô nghĩa xô đẩy, chàng vội vã từ góc trái đất này tới góc khác. Biết bao nhiêu lần chàng bị điệu trở về, tan nát tả tơi và thảm bại! Chàng nghỉ ngơi đủ để sửa chữa – giống như một chiếc tuần dương hạm hay một oanh tạc cơ trinh sát. Sẵn sàng lăn xả vào hành động nữa. Vù! Chàng cất cánh bay về phía mặt trời. Chàng tìm kiếm ánh sáng – và hơi ấm nhân loại. Nhưng thần cảm của chàng dường như đã rút hết sức nóng tự nhiên của chàng, trong máu chàng là băng rã. Chàng càng bay xa bao nhiêu, nó càng trở nên đen tối bấy nhiêu. Trái đất bị bao bọc trong mây mê và đêm tối. Đỉnh cao tuyết phủ di chuyển về trung tâm.

Dường như số phận chàng là có cánh và bị xích chặt vào trái đất. Chàng ra công gắng sức vùng vẫy như thể muốn làm những vì sao xa thẳm, chỉ để thấy mình ngập ngụa trong bùn lầy. Quả thực, chàng càng vỗ cánh bao nhiêu, càng thấy mình bị giam cầm chặt cứng bấy nhiêu vào lòng đất. Trong chàng lửa và không khí giao chiến với đất và nước. Chàng là một con chim ưng bị xích vào một mỏm đá. Những con chim nhỏ là những kẻ moi móc tim chàng ra ăn.

Thời của chàng chưa tới. Quá sớm, cái viễn tượng Giáng sinh trên trần gian này! Quá sớm, niềm hy vọng phế bỏ những thần thánh giả, những mê tín thô thiển, những thần dược trị bá chứng rẻ tiền. Chủng loại của trái đất này phải làm việc một thời gian lâu dài trước khi vươn lên ánh sáng của sớm mai hồng. Sớm mai là một chữ nặng trĩu ý nghĩa đối với chàng… Trong thâm tâm Rimbaud dường như đã hiểu thấu. Không bao giờ chúng ta được diễn giải niềm ao ước tự do ghê gớm của chàng – đó là một niềm ao ước của một con người rủi phận! – như một ước nguyện cứu rỗi cá nhân cá nhân của chàng [8] . Chàng nói về chủng loại Adam, biết rõ đời sống vĩnh cửu lại đánh đổi đời sống đó lấy tri thức, chính là cái chết. Nhiệt tâm ngoại đạo của chàng là lòng nhiệt thành của một tâm hồn nhớ về cội nguồn. Chàng không tìm kiếm đường trở về Thiên nhiên theo kiểu Rousseau. Không bao giờ. Chàng tìm kiếm ân sủng. Nếu chàng có thể tin tưởng được, chàng đã thuyết phục linh hồn chàng từ chối từ lâu rồi. Chính tâm hồn đã tê liệt. Những cuộc đối thoại tay đôi với em gái chàng ở nhà thương khơi lại không những vấn đề khiến đã khiến tâm hồn chàng căng thẳng suốt đời, mà còn làm sống dậy cuộc tìm kiếm. Em gái chàng tin tưởng một cách vô cùng chân thành và tự nhiên, tại sao chàng không tin tưởng? Họ không cùng một dòng máu sao?

Chàng không còn hỏi em gái tại sao cô tin nữa, mà chỉ hỏi – cô có tin không? Đó là cuộc nhảy vọt mà chàng phải thu góp tất cả tàn lực để thực hiện. Đó là cuộc nhảy vột ra khỏi mình, sự phá tán mọi trói buộc. Điều mà chàng tin tưởng không quan trọng nữa, chỉ có tin tưởng mới quan trọng. Trong một trong những cuộc xoay chiều cảm tính, đặc điểm của tác phẩm Mùa địa ngục, sau một cuộc bột phá say sưa trong đó chàng chủ trì rằng lý trí đã lại ra đời trong chàng, rằng chàng thấy thế giới tốt lành, chúc phúc cuộc đời, yêu thương anh em đồng loại, chàng thêm:” Ce ne sont plus des promesses d’enfance. Ni l’espoir d’ échapper à la vieillesse et à la mort. Dieu fait ma force et je loue Dieu”. [9] Thượng đế, sức mạnh của con người này không phải là một sức mạnh thần thánh Kytô giáo cũng không phải là một thần tượng ngoại đạo. Ngài chỉ là Thượng đế, Ngài có thể đến với tất cả mọi người thuộc bất cứ chủng tộc, giống nòi hay văn hoá nào. Ngài có thể được tìm thấy ở bất cứ không gian nào, khỏi cần mất công thực hành thiền định. Ngài là chính Hoá công và sẽ cón tiếp tục tồn tại dù con người tin hay không.

Nhưng một con người càng có khả năng sáng tạo bao nhiêu, càng chắc chắn hắn nhận thức được đấng Tạo hoá của hắn bấy nhiêu. Những kẻ chống cưỡng lại quyết liệt nhất chỉ chứng tỏ sự hiện hữu của Ngài rõ rệt thêm bấy nhiêu. Cuộc chiến đấu chống lại cũng can trường như cuộc chiến đấu ủng hộ, sự sai biệt nằm trong sự kiện kẻ chiến đấu chống lại quay lưng lại phía ánh sáng. Hắn đánh phá chính bóng hắn. Chỉ khi nào bóng này khiến hắn kiệt lực, khi cuối cùng hắn quỵ ngã, thì ánh sáng lướt trên hắn mới có thể vén lên cho hắn thấy ánh sáng huy hoàng mà hắn tưởng lầm là những bóng ma. Sự hàng phục này của lòng kiêu ngạo và vị kỉ đòi hỏi nơi tất cả, nhiều hay ít.

Một nghệ sĩ có quyền gọi mình là một kẻ sáng tạo chỉ khi nào hắn thầm chấp nhận với hắn rằng mình chỉ là một dụng cụ. “Tác giả, kẻ sáng tạo, thi sĩ! Con người này chưa hiện hữu”. Rimbaud nói như thế trong niềm kiêu hãnh của tuổi trẻ. Nhưng chàng đã phát biểu một chân lý sâu xa. Con người không sáng tạo gì bằng và bởi bản thân. Tất cả đều là thụ tạo, tất cả đều được dự liệu… tuy nhiên vẫn có tự do. Tự do ca ngợi Thượng đế. Đó là màn trình diễn cao cả nhất con người có thể đóng; khi hắn hàng động như vậy, hắn gần kề bên đấng Sáng tạo. Đó là sự tự do cứu rỗi của hắn, bởi vì đó là đường lối duy nhất để nói ừ với đời sống. Thượng đế soạn hoà âm, Thượng đế điều kkhiển giàn nhạc. Vai trò của con người là lấy chính thân thể mình làm nên âm nhạc. Thiên nhạc, bien entendu, vì tất cả những thứ nhạc khác chỉ là loạn nhạc.

Chẳng bao lâu sau khi thi hài được đem lên tàu chở về, bà mẹ Rimbaud đã vội vã thu xếp ma chay. Tấm hình hài khô héo, bị cưa đục của chàng, lỗ chỗ với những dấu vết hấp hối bị vùi xấp chôn nghiêng ngay lập tức. Như thể bà tránh bệnh dịch hạch. Có lẽ bà đã tẩy uế nhà cửa khi từ nghĩa trang nơi bà cùng cô em gái chàng Isabelle đi đưa đám trở về: hai người này, không ai hơn ai, đi theo xe tang. Cuối cùng, sau khi thoát khỏi “thiên tài”, bây giờ bà Rimbaud lại có thể để hết thì giờ sống yên ổn với súc vật và mùa màng, với đám lân bang nhỏ bé của đời sống tỉnh lị nhỏ bé của bà.

Thật là một bà mẹ quá đáng! Hiện thân đích thực của xuẩn ngốc, mê tín, kiêu căng và ngoan cố. Bất cứ khi nào kẻ thiên tài bị quấy rầy đe doạ tống vào địa ngục của chàng, bất cứ khi nào tinh thần dày vò của chàng suy nhược, là đã có ngay bà ở đó để lấy gậy gộc đâm thọc chàng hay lấy dầu sôi đổ lên vết thương chàng. Chính bà là người đã xô đẩy chàng vào đời, bà là người đã khước từ chàng, phản bội chàng, hành hạ chàng. Bà còn đánh cắp của chàng ân huệ mà bất cứ một người Pháp nào cũng ao ước – sự vui sướng có một đám ma chu đáo.

Thân thể cuối cùng được trao cho dòi bọ, Rimbaud trở về cõi u minh, để tìm bà mẹ đích thực ở đó. Sống trên đời, chàng chỉ biết mỗi mụ phù thuỷ đó, người đàn bà độc ác cay nghiệt đó. Cuộc phản kháng chống lại sự độc tài và xuẩn ngốc của bà đã khiến chàng trở thành một kẻ cô đơn. Bản chất tình cảm của chàng đã hoàn toàn tàn tật, chàng vĩnh viễn không thể cho hay nhận tình yêu. Chàng chỉ biết mỗi một điều là làm cách nào lấy ý chí chống lại ý chí. Giỏi lắm chàng biết xót thương nhưng không bao giờ biết yêu thương.

Trong thời tuổi trẻ của chàng chúng ta thấy chàng là một kẻ có nhiệt huyết, một người cuồng tín. Không thoả hiệp. Chỉ đi ngược trở lại . Là một con người cách mạng, chàng tìm kiếm một cách tuyệt vọng một xã hội lý tưởng trong óc chàng có thể dịt cầm máu vết thương chia cách. Đó là vết thương chí tử chàng chẳng bao giờ chữa khỏi. Chàng trở thành một kẻ duy tuyệt đối, bởi vì không có gì có thể bắc cầu qua khoảng trống không giữa thực tại và lý tưởng ngoài một sự hoàn hảo trong đó mọi sai lầm và giả dối được lấp bằng. Chỉ có sự hoàn hảo mới có sự tẩy xoá khỏi ký ức một vết thương sâu hơn dòng sông cuộc đời.

Không thể thích nghi hay liên hợp, chàng thao thức tìm kiếm – chỉ để khám phá ra rằng nó không ở đây, không ở kia, không phải cái này, không phải cái kia. Chàng học được không tính của mọi sự vật. Sự thách đố của chàng là điều tích cực duy nhất còn lại trong khoảng trống không của phủ nhận mà trong đó chàng vùng vẫy chới với. Nhưng sự thách đố không kết quả; nó phá hoại ngầm tất cả sức mạnh bên trong.

Sự phủ nhận này bắt đầu và chấm dứt với thế giới tạo vật với những kinh nghiệm sans suite [10] không mang lại một hiểu biết nào này. Mặc dù kinh nghiệm về cuộc đời của chàng lịch duyệt thế nào, nó chẳng bao giờ đi xuống đủ sâu với chàng để cho nó ý nghĩa. Bánh lái đã mất, và cả neo tầu cũng vậy. Chàng bị bắt buộc phải trôi dạt. Và do đó con tàu mắc cạn trên mỗi vũng nước nông và cồn cát, chịu trận một cách yếu đuối mọi lay lắt tàn phá của bão tố, cuối cùng bắt buộc phải tan rã từng mảnh, trở thành những miếng ván vụn trôi nổi lênh đênh. Kẻ nào muốn giong buồm vượt qua biển đời phải trở thành một nhà hàng hải; hắn phải học tính gió và con nước, luật và biên cảnh. Một Kha Luân Bố không được xem thường luật lệ, ông mở rộng luật ra. Ông cũng chẳng giong buồm chạy về một thế giới tưởng tượng. Ông tình cờ phát kiến ra một thế giới mới. Nhưng những việc ngẫu nhiên như thế này là những kết quả chính đáng của lòng gan dạ. Lòng gan dạ này không phải là liều lĩnh mà là sản phẩm của lòng xác tín nội tâm.

Thế giới mà Rimbaud tìm kiếm khi chàng là một thanh niên là một thế giới bất khả. Chàng khiến nó trở nên tràn đấy, giàu có, rung động, huyền bí – để bù trừ cho sự thiếu thốn những đức tính này của thế giới mà chàng ra đời. Thế giới bất khả là một thế giới ngay cả thần thánh cũng không ngụ cư được; đó là lãnh địa của mộng mị mà đứa trẻ thơ tìm đến khi nó không được bú ẵm nữa. (Có lẽ đây là nơi những con bò nằm mộng, và toàn thể những súc vật kỳ lạ lấm chấm trên bờ Biển chết). Thức tỉnh, cái bất khả chỉ có thể chiếm được bằng cách tấn công, và tên đặt cho việc này là điên cuồng. Có thể tại nơi những vật chướng ngại, trong thời kỳ Công xã đẫm máu, mà Rimbaud rẽ ra khỏi con đường định mệnh hung hiểm. Chúng ta chỉ biết rằng, ở bên bờ vực thẳm, chàng quăng tất cả đi. Nhất định không phải cái đó! Chàng hàng động như một kẻ nhìn thấu suốt những điều gian trá và ảo tưởng. Chàng không sắp trở thành một kẻ bịp bợm, một kẻ khéo lợi dụng. cuộc cách mạng nào cũng rỗng tuếch và bạo động như cuộc sống khuất phục và đầu hàng thường nhật vậy thôi. Xã hội không là gì hết ngoài một tập thể gồm những kẻ ngu ngốc, côn đồ và hung ác vô vọng. Từ đó chàng sẽ không tin vào bất cứ điều gì cả ngoài mình ra. Nếu cần, chàng sẽ ăn đồ dơ của chính chàng. Từ bây giờ, chẳng bao lâu nữa sẽ khởi đầu cuộc chạy trốn, cuộc phiêu đãng vô mục đích, cuộc phiêu bạt nổi trôi vô định. Tất cả những thực tại nhơ nhớp, đê tiện đáng khinh lẽ ra chàng không có một mảy may nay trở thành đồ ăn hàng ngày của chàng. Đó là sự bắt đầu đi xuống, và chẳng có sợi chỉ mành nào đưa chàng ra khỏi mê cung tăm tối hết.

Sự cứu rỗi duy nhất chàng nhận thức được là tự do. Và tự do đối với chàng có nghĩa là chết chóc như sau này chàng sẽ khám phá ra.

Không một ai minh giải chân lý rõ rệt hơn Rimbaud, rằng sự tự do của một cá nhân cô lập là một ảo ảnh. Chỉ có cá nhân thoát ly biết thế nào là tự do. Sự tự do này là tự do kiếm được. Đấy là sự giải thoát tiệm tiến, một cuộc chiến đấu rộng rãi và kiên trì trong đó những ảo tưởng bị yểm trừ. Những ảo tưởng không bao giờ bị sát hại, bởi ma quái chỉ thực như những sự sợ hãi kêu gọi chúng tới. Tự biết mình, như ngày xưa có lần Rimbauud khuyên trong Lá thư của kẻ tiên tri thấu thị nổi tiếng, là tự giải trừ mình khỏi ma quỷ ám ảnh mình. Giáo hội đã chẳng phát minh ra những mối kinh hoàng của tâm trí và linh hồn này, xã hội cũng chẳng tạo ra những cấm đoán quấy rầy và làm phiền bực người ta. Một giáo hội bị lật đổ và một giáo hội khác được dựng lên; một hình thức xã hội này bị đào thải, một hình thức xã hội khác vươn lên. Những sức mạnh và những sự thoát ly vẫn tồn tại. Những kẻ nổi loạn chỉ tạo ra những hình thức độc tài mới. Bất cứ điều gì con người phải đau khổ như một cá thể, tất cả mọi người đều phải đau khổ như những thành phần của xã hội. (Abelard đi đến chỗ thấy rằng Thượng đế đau khổ ngay cả trước cái chết của một con thỏ.)

“Tất cả những gì chúng ta được dạy dỗ đều sai lầm”, Rimbaud quả quyết như vậy trong lúc tuổi trẻ. Chàng nói đúng, hoàn toàn đúng. Nhưng sứ mệnh của chính ta trên trái đất này là chiến đấu chống lại sự giáo huấn sai lầm bằng cách biểu lộ chân lý trong chúng ta. Ngay cả khi đơn độc một thân một mình chúng ta cũng có thể hoàn thành phép lạ. Nhưng phép lạ vĩ đại là đoàn kết mọi người trong chiều hướng giác ngộ. Chìa khoá là lòng Từ bi bác ái. Những sự dối trá, giả mạo, lường gạt, dù tàn nhẫn như thực chất của chúng, đều phải được sống hết và vượt qua toàn thể. Tiến trình tiếp diễn bằng danh từ hy sinh khắc khổ.



--------------------------------------------------------------------------------
[1]Chúng ta hãy hân hoan! Ta là Thượng đế, và ta đã vẽ bức hí hoạ này.” (Nietzsche viết từ dưỡng trí viện.)
[2]Pháp văn trong nguyên bản: đi vòng quanh thế giới – G. c. D.
[3]“Điều khó khăn của tôi bây gờ là thoát khỏi mình” Nietzsche viết từ dưỡng trí viện, ký tên “Kẻ bị đóng đinh”
[4]Lão Tử đã chẳng cùng nhắm đến điều đó sao?
[5]Pháp văn trong nguyên bản: theo kiểu Mg G. c. D.
[6]Pv: lý do hiện hữu, G. c. D.
[7]Pháp văn trong nguyên bản: “Người ta chết vì cái mà nhờ đó người ta có thể sống.” G.c.D.
[8]“Tôi phải có những kẻ giống tôi!” Lautréamont nói.
[9]Pháp văn trong nguyên bản: “Đây không phải là những lời hứa hẹn trẻ con. Cũng không phải là hy vọng thoát khỏi tuổi già và cái chết. Thượng đế làm nên sức mạnh của tôi và tôi ca ngợi Thượng đế” G. c. D.
[10]Pháp văn trong nguyên bản: rời rạc G. c. D.


Nguồn: Henry Miller, The Time of the Assassins - A Study of Rimbaud, New Directions 1955. Bản Việt ngữ của Nguyễn Hữu Hiệu: Thời của những kẻ giết người - Nghiên cứu về Rimbaud. Hồng Hà, 1970.